Cuộc hành trình của đời tôi

Cuộc hành trình của đời tôi

                                                                                 Linh mục Bửu Dưỡng, O.P.

                                                                                               nguồn: xuanha.net

http://translate.google.com/translate?hl=en&sl=vi&tl=en&u=http%3A%2F%2Fkeditim.net

 
Tác giả của bài viết này là Giáo sư Triết học của Viện Đại Học Sài Gòn, Việt nam. Ngài là hậu duệ của các Vua Triều Minh Mạng, Tự Đức. Dưới những triều đại này, Giáo Hội Công giáo đã bị cấm cách và sát hại gắt gao vào khoảng thế kỷ 19. Hiện tại, Ngài là một Linh mục Dòng Đaminh. Ngài là Phó Giám tỉnh của Dòng và là Chủ tịch của Tổ chức các Dòng tu tại Việt nam. Bài này được viết trong chuyến du hành sang Pháp trên tàu André Lebon vào năm 1935, bảy năm sau ngày Ngài Rửa tội theo Giáo Hội Công giáo và năm năm trước ngày Ngài được phong chức Linh mục. Ngài sang Pháp du học và lãnh nhận Thánh chức Linh mục.


Tôi rời Huế vào ngày 24 tháng 10 năm 1935. Nơi đầu tiên tôi sẽ đến là Nha Trang để thăm cha tôi hiện đang làm tỉnh trưởng tại đây.

Thường thường chuyến xe lửa khởi hành từ Hà nội đến rất đúng giờ, nhưng hôm nay không hiểu vì sao nó lại trễ mất một giờ đồng hồ. Tôi đã đến ga thật sớm và vì thế phải chờ đợi. Nhà ga vào buổi sáng gió rất mạnh. Cái lạnh thấm vào da thịt tôi và những người cùng đi tiễn chân tôi. Cho đến hôm nay, khi ngồi nhớ lại cái giây phút chia ly đó, tôi cầu xin Chúa trả công bội hậu cho tất cả những ai đã vì lòng bác ái bảo bọc, nâng đỡ cho những người hiến thân cho Chúa trên đường tu hành.

Tôi vẫn thường có những cuộc hành trình tương tự lúc còn nhỏ, khi tôi chưa ý thức được sự việc chung quanh và chưa lo lắng về đời sống vật chất. Hôm nay, trong chuyến đi này, với một sự thanh thản cố hữu, tôi sẽ vượt qua các đồng bằng, những con đường ngoằn nghèo dốc núi. Theo đuổi những vô tư không phải vì không biết lo lắng, nhưng là vì muốn thực hành những nhân đức trong đời sống con người. Tôi yêu đời và tôi muốn sống hết cho tình yêu này, nhưng giờ đây, cũng với tình yêu ấy, tôi muốn nó được hòa nhịp với chân lý cao vời.

Như thế, với cùng một tuyến đường, với cùng những quang cảnh quen thuộc, những núi non, những sông ngòi, cũng nói chuyện dông dài với những người bên cạnh, tôi vẫn là tôi, vẫn là con người cũ. Vẫn là con người cũ nhưng bên trong đã có thật nhiều thay đổi. Cảm nhận được niềm hạnh phúc đang dâng lên, nghĩ tới những hạnh phúc sẽ đến. Tôi hối tiếc quá, hai mươi năm trời của đời sống đã qua trong đời mình với những lầm lỗi, thiếu sót và vô tâm. Làm sao tôi có thể được sống lại một lần nữa những ngày tháng đó? Rồi tôi tự hỏi không biết những người trẻ khác có lầm lỗi, thiếu sót và vô tâm như thế không? Và sau một thời gian dài hoang phí tuổi trẻ liệu họ có được một tiếng gọi thần linh nào đánh động không?

Tạ ơn Chúa vì Ngài đã thương đến con và tôi cầu nguyện cho những người khác.

Vô tình trong chuyến đi, tôi gặp S., anh là một người rất thông minh, đa năng, đa tài. Anh biết đánh đàn Tây-ban-cầm, anh biết đánh cờ, anh biết làm thơ và cả hội họa nữa (Một người có đủ tài Cầm, Kỳ, Thi, Họa). Anh cũng bỏ mất thời tuổi trẻ như thế. Tất cả những cố gắng trong suốt những năm học trường nhà Dòng với các Sư Huynh chỉ đưa đến một kết quả duy nhất là anh có được các cấp bằng cao hơn để tiến thân. Những khủng hoảng tinh thần đã xảy đến, nhưng niềm tin (hay niềm-không-tin) của anh đã không thay đổi, một niềm tin không có Chúa cũng chẳng có Phật.

Anh thật sự yêu mến và bênh vực Giáo Hội Công giáo. Anh nhớ hầu hết giáo lý đã học tại trường nhà Dòng. Anh cho đó là sự thật, nhưng điều lạ lùng là: Tại sao anh ta lại không có Đức Tin? Phải chăng vì anh ta chưa nhận được ơn Chúa? Hay là vì anh ta còn quyến luyến vật chất thế trần đến độ không nghe được tiếng gọi của Chúa? Hỏi, mà tôi không trả lời được một câu nào cả, nhưng đó là vấn đề của riêng anh ta với Thiên Chúa, chỉ có Chúa và anh ta có câu trả lời.

Theo nhận định của tôi, không có một hướng đi nào rõ ràng cho linh hồn của anh, Có thể nói anh là biểu tượng cho đại đa số tuổi trẻ Việt nam, nhưng anh đã giúp tôi trên cuộc hành trình tôi đã đi qua từ Phật đến Chúa, chắc anh ta sẽ ngạc nhiên nếu tôi cho anh biết rằng anh đã giúp tôi nhận ra Chúa. Nhưng thưa anh kính mến, tôi xin anh đừng hãnh diện vội và kết luận rằng anh đã đưa tôi đến với Chúa, anh hãy cảm tạ Chúa vì Ngài đã lưu tâm đến anh, hướng dẫn anh đạt được kết quả này qua những việc làm anh không ngờ, đã không nghĩ và lưu tâm tới.

Việc gặp gỡ anh S. trên chuyến xe lửa đó đã giúp tôi nhìn lại con đường thiêng liêng tôi đã đi qua.

Trước kia, tôi rất ghét Kitô giáo và như thế tôi không muốn có một liên hệ nào dù xa dù gần với các Linh mục hay người có đạo. Tôi không bao giờ đọc một sách báo nào dính dáng đến đạo Công giáo. Cái ấn tượng ghét đạo đã khiến tôi trở thành cực đoan một cách vô lý đến nỗi mỗi khi nhìn thấy chữ “Thiên Chúa” tôi cảm thấy khó chịu và nếu có thể, tôi sẽ sửa thành chữ “Trời”. Trong lớp học dạy cho các trẻ em, tôi chống lại việc dùng chữ “Thiên Chúa”. Lòng ác cảm đã khiến tôi trở thành điên rồ.

Lạy Chúa! Xin tha thứ cho con! Xin tha cho con mối ác cảm điên loạn ấy! Con biết rằng Chúa hiểu con, với một tâm hồn ngay thật con đã lạc lối, chạy theo những dự tưởng sai lầm và rồi quá trớn…

Trong suốt năm học cuối cùng sửa soạn cho việc thi tốt nghiệp trung học, anh S. đến trọ tại nhà chúng tôi. Chúng tôi học cùng năm nhưng khác trường, anh học tại trường nhà Dòng của các Sư huynh, còn tôi học tại trường công lập của Chính phủ. Chúng tôi nói chuyện với nhau rất hợp qua các đề tài học hành và giải trí, nhưng khi vô tình đề cập đến vấn đề tôn giáo hay đức tin, chúng tôi không tránh được việc cãi cọ. “Cãi cọ” có lẽ không đúng lắm, vì thường tôi đáp trả bằng những lời lẽ khá nặng nề và anh không chống cự vì anh đang ở trọ tại nhà tôi. Để đối lại với những tấn công nặng nề của tôi, anh chỉ đáp lại một cách cầm chừng và sau đó lại làm hoà với nhau. Anh không tự mình bênh vực, anh chỉ lập lại những chân lý đã nghe từ các Sư huynh trong trường.

Rất ít khi chúng tôi nói chuyện với nhau về tôn giáo. Cũng chẳng lạ gì vì môi trường chúng tôi sống là một môi trường ngoại giáo, những vấn đề như Đức tin hay tôn giáo chúng tôi nghĩ chỉ làm mất thì giờ mà chẳng có lợi ích gì.

Hiếm hoi bàn luận về tôn giáo như thế, thế mà trong thời gian này có một vài mẫu chuyện cũng đã khiến tôi phải suy nghĩ. Ngay đến lúc này, tôi còn nhứ như in một câu chuyện như sau:

Câu chuyện xảy ra vào một buổi tối, khi chúng tôi đang ngồi ngắm trăng trong bầu khí mát mẻ trước hiên nhà bên bờ sông. Chúng tôi nói đủ mọi thứ chuyện. Như những thanh thiếu niên nói chuyện trong lúc nhàn rỗi. Chúng tôi đề cập đến đủ mọi thứ đề tài, trừ đề tài tôn giáo và nhân đức. Rồi chẳng biết từ đâu, vấn đề tôn giáo chen vào, hình như bắt nguồn từ câu chuyện nói về những người coi tử vi và bói toán mà chúng tôi đã tìm gặp để nhờ xem về kết quả kỳ thi cuối năm. Có lẽ liên can đến việc này mà vấn đề tôn giáo và đức tin được đề cập đến.

Tôi mở đầu: “Mặc dù thuyết nhà Phật đã được quảng bá rất sâu rộng nhưng Đức Phật không phải là Đấng Sáng tạo. Chúng ta tin rằng Trời đã tạo nên và nuôi dưỡng chúng ta, nhưng chúng ta lại không thờ Trời. Chúng ta chỉ dâng lễ vật lên bàn thờ Phật và rồi sống theo ý riêng mình, chúng ta cũng kính thờ Khổng tử và tin tưởng vào tử vi và bói toán. Con người thật lạ lùng.”.

Anh S. phản ứng ngay: “Người Kitô hữu không giống vậy. Họ tin Thiên Chúa là Đấng Quan Phòng và là Đấng Sáng tạo. Họ không tin thờ Thiên Chúa một cách vô lý như chúng ta. Giống như người Do Thái, nhưng người Do Thái vì giải thích Cựu Ước theo ý riêng của họ, nên họ vẫn còn đang mong đợi Đấng Cứu Thế trong khi người Kitô hữu tin Chúa Giêsu chính là Đấng Cứu thế đã đến.

Thật ra, nhiều thế kỷ trước khi Chúa Giêsu giáng sinh, các Tiên tri trong thời Cựu Ước đã loan báo về thời gian và nơi chốn Ngài sẽ được sinh ra, họ còn nói chi tiết hơn cả về đời sống khó nghèo, sự đau khổ và cái chết bi thảm của Ngài. Người Do Thái tin những lời tiên này, nhưng họ từ chối không tin vào con người Giêsu.

Những lời lẽ này khiến tôi suy nghĩ nghiều.

Những câu chuyện không đầu không cuối như thế từ bạn bè, gia đình, những người quen qua một vài lần gặp gỡ như Bác sĩ D., Kỹ sư C.. Họ không chủ ý, nhưng họ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa tôi trở lại đạo Công giáo. Có lẽ Chúa đã từ đó tỏ lộ cho tôi lòng quảng đại của Ngài, vì lòng oán ghét đạo của tôi, thay vì Chúa gởi đến những người có đạo để thuyết phục tôi, Ngài đã dùng những lương dân để đánh thức linh hồn tôi hướng về Ngài.

Những lần nói chuyện như thế, dù tôi đã phải suy nghĩ nhiều về nó, nhưng vẫn chưa đủ mạnh để phá vỡ cái hàng rào đang ngăn cách tôi với Kitô giáo. Chúa còn hướng dẫn tôi đến khám phá ra chân lý và sự kỳ diệu của tôn giáo qua sách vở, báo chí. Những lý lẽ của anh S. đã thật sự khiến tôi xiêu lòng, nhưng vì quá gần đến kỳ thi cuối năm, nên mọi việc đều phải gạt sang một bên, nhất là đó lại là vấn đề tôn giáo với tôi là một thiếu niên. Tôi vẫn sống với một tinh thần của một Phật tử và ác cảm với Kitô giáo.

Ngày loan báo kết quả tôi đậu kỳ thi cuối năm, tôi ra phố và ghé lại tiệm bán sách Đắc Lập để mua một vài cuốn sách. Tự cho mình đã trưởng thành đã mãn nguyện về chuyện học hành, tôi có thể mua đọc vài cuốn sách dành cho người lớn. Tuy nhiên, khi nhìn những cuốn sách này, tôi thấy xấu hổ và thay vào đó, tôi đã mua hai cuốn sách của Chanteaubriand và Pascal đó là cuốn Le Génie du Christianisme và Pensées. Tôi mua những cuốn sách này chỉ vì ưa lối viết văn của Chanteaubriand và Pascal hơn là mua để đọc, vì tôi có thể đoán được nội dung của nó ca tụng Giáo hội Kitô giáo. Tôi không phải là đọc giả của những loại sách này.

Những cuốn sách vô tội này đã phải chịu một số phận hẩm hiu trong một góc nhà không ai đụng tới cho mãi đến khi tôi thu dọn đồ đạc, sách vở đi Hà Nội để theo học Đại học tại đây. Khi đóng thùng những cuốn sách không cần thiết để bỏ lại nhà, vô tình tôi mở cuốn Pensées và đọc qua một vài hàng trong một trang nào đó. Tôi chú ý vì đoạn văn có nhiều ý nghĩa. Đồng thời, cùng lúc ấy có một sức mạnh lạ thường nào đó chen vào tâm hồn tôi, thế là tôi quyết định đem hai cuốn sách đó đi theo.

Có vài lần khi đọc vài đoạn văn trong đó, tôi cảm thấy bối rối. Thật ra nó chỉ tạo trong tôi một chút tình cảm hơn là nó đã lôi kéo được tôi. Tình cảm này đã khiến tôi tìm hiểu nhiều hơn về vấn đề.

Có những khoảng thời gian tôi cảm thấy bất an trong đời sống, dường như tôi đang trải qua những cơn khủng hoảng của đời sống, cái tâm trạng này kéo dài trong suốt ba năm liền.

Những loại tâm trạng tương tự như thế từ buổi thiếu thời khi còn học tại trung học lại trở lại trong trí tôi: Những lần tôi không giải trí chung với các bạn trong giờ giải trí, những đêm dài mất ngủ, những buổi chiều trống rỗng sau khi nghe vài bản nhạc buồn, sau khi vẽ một vài nét trên tấm vải mới căng cho bức tranh lạ. Tất cả những tâm trạng ấy đưa tôi đến việc tự hỏi: “Có phải Kitô giáo là một tôn giáo thật và tôi phải theo hay không?”.

Tôi phải theo? Thật là một điều ngoài trí tưởng tượng! Không bao giờ! Không bao giờ! Dù nó đúng, nó thật, nó hay…nhưng “ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”. Thật ra sự bướng bỉnh đã làm tôi hóa ra ngu đần: Câu tục ngữ trên áp dụng vào vấn đề tôn giáo không đem lại một ý nghĩa nào cả.

Trong khi coi Kitô giáo như một tôn giáo của ngoại bang, tôi không để ý đến những vấn đề khác như Đức Phật của Phật giáo là người Ấn Độ, Đức Khổng Tử là người Trung Hoa và nhất là Chúa Giêsu mặc dù không phải là người Âu Châu nhưng Ngài được các quốc gia trong lục địa này tôn thờ. Họ tôn thờ không phải Ngài là người này hay người kia, nhưng chỉ vì họ tin Ngài là Chúa và họ tôn thờ Thiên Chúa.

Thiên Chúa là Chúa của tất cả các quốc gia dân tộc, không dành riêng cho một quốc gia dân tộc riêng rẽ nào. Khi Ngài đến trần gian mặc lấy xác phàm, Ngài đã được sinh ra trong dân tộc Do Thái. Dân tộc Do Thái này vì thế đã được gọi là dân được tuyển chọn. Họ tôn thờ Thiên Chúa của họ, họ đã không bị chi phối bởi các nguồn đức tin khác từ Ấn Độ, từ Trung Hoa, từ Hy Lạp hay Rôma, mặc dù các quốc gia này đã có những nền văn minh tân tiến hơn so với họ.

Dân tộc Do Thái qua thời gian vẫn trung thành với Đấng Sáng tạo, dĩ nhiên cũng có những trường hợp riêng lẻ cá nhân chạy theo niềm tin này khác, nhưng cách chung họ coi việc thờ phượng Thiên Chúa như một điều bắt buộc trong đời sống. Có lẽ đây chính là lý do tại sao Thiên Chúa đã tuyển chọn dân tộc này làm dân riêng của Ngài. Còn biết bao nhiêu những điều bí ẩn khác tôi chưa hiểu thấu.

Chúa Kitô chính là Chúa của tất cả. Mọi người có nhiệm vụ phải tôn thờ Ngài, yêu mến Ngài, phục vụ Ngài, tuân giữ các giới răn của Ngài và vâng lời Ngài.

Còn đối với con người, bất cứ ai ở bất cứ đâu đều có thể đưa ra một triết thuyết nào đó rồi chỉ dạy, hướng dẫn người khác và tin rằng điều đó có ích lợi cho nhân loại. Những người như thế, họ hy vọng sẽ đưa đến hạnh phúc cho con người. Về phía chúng ta, chúng ta nên kính trọng họ, không nên nhìn vào họ trong khía cạnh con người với những lầm lỗi và yếu đuối, chấp nhận những điểm tốt, hữu ích, đừng theo những điểm xấu, sai lầm, tránh những cố chấp và bần tiện. Trí óc con người không phải là ơn mạc khải, cũng không phải là ánh sáng của giáo huấn của Giáo Hội, nó chỉ là một mớ kiến thức được suy đi luận lại, thế mà nó muốn diễn tả những bí nhiệm của vũ trụ, nó muốn giải quyết vấn đề sinh tử. Làm sao tránh được những sai lầm phải có?

Chúng ta không đề cập đến những người tự ái, ham danh vọng, cố chấp trong những sai lầm của họ để rồi khư khư nắm giữ những tà thuyết gây thiệt hại cho nhân loại. Chúng ta chỉ nói đến những vĩ nhân, những triết gia, những người khôn ngoan, những người đã sống trong những thời đại và vì hoàn cảnh chưa bao giờ họ được nghe nói tới một tôn giáo thật, họ không thể thay đổi để tiến đến một niềm tin thật. Đó không phải lỗi của họ. Họ là những anh hùng, đời sống đầy nhân đức có khả năng siêu phàm trong nhiều lãnh vực. Họ là những người đáng kính, nhưng chúng ta không thể đưa niềm kính trọng đó trở thành một nghi lễ thờ phượng, coi họ như thần thánh, đồng hóa họ với thần linh và Thiên Chúa đấng sáng tạo vũ trụ.

Chúng ta phải ý thức, phải nhìn vào trật tự của vũ trụ và nhân loại, chúng ta phải phân biệt Đấng Toàn năng và con người, Đấng Sáng tạo và loài thụ tạo.

Ngay cả những vĩ nhân danh tiếng như Socrates, Plato, Aristotle của Hy Lạp, Khổng Tử của Trung Hoa hay vị ẩn sư đã thành Phật tại Ấn Độ. Tất cả những Vị này đều cho biết rằng họ là con người đang đi tìm hiểu, học hỏi và sống những nhân đức để đạt đến cứu cánh của đời sống con người. Đức Khổng Tử đã nói: “Không phải ta sinh ra đã hiểu biết, nhưng như những người khôn ngoan và thánh thiện khác, ta đã bắt đầu học hỏi, nhận thức không ngừng, đó là tất cả những gì ta có thể nói với các con.”…

Chính Đức Thích Ca Mâu Ni (Sakya Mouni) sau khi đã được kính trọng như Đức Phật, Ngài đã nói: “Tất cả mọi người đều có khả năng thành Phật”. Như thế, tất cả chúng ta đều có thể thành Phật với điều kiện phải sống đời sống từ bỏ một cách thật sự những ước muốn riêng tư và tách mình ra khỏi thế gian tục lụy. Và một ngày nào đó, chúng ta sẽ đạt được trạng thái vô vi thoát tục. Nói một cách khác, sẽ được “giải thoát”, có nghĩa là thành Phật. Phật, như thế chính là con người sau khi sống một đời sống nhân đức toàn vẹn đã được giải thoát. Họ không phải là thần linh.

Với những người này chúng ta phải tôn kính, sự thờ phượng chỉ dành cho một mình Thiên Chúa mà thôi, Đấng đã dựng nên và yêu thương chúng ta. Nếu chúng ta không biết Ngài, không biết giáo huấn của Ngài, chúng ta phải đi tìm, phải học hỏi đế biết Ngài. Nếu chúng ta thờ ơ, chúng ta sẽ giống như những đứa con rơi không biết cha mẹ mình là ai. Một cách sống thờ ơ như thế sẽ đưa đến tội lỗi và là dấu chỉ của sự vô ơn.

Những điều này dù sao tôi cũng chỉ mới nghĩ đến trong những năm gần đây. Trước kia, sự thù oán và những tư tưởng vô lý khiến tôi mù lòa không nhìn thấy, không chấp nhận Kitô giáo. Tệ hại hơn nữa, nó còn lấn át đi cả tiếng gọi nội tâm không ngừng kêu mời tôi đến học hỏi, tìm tòi về chân lý thật sự ấy.

Đọc lại những dòng tư tưởng trên, tôi mỉm cười tự hỏi sao một người đã là tôi lại có thể viết được những điều này…Thật vậy! Lạy Chúa! Ngài yêu con biết bao. Dù con đã ngỗ nghịch, Ngài vẫn âm thầm tiếp tục dìu dắt con trở lại với Ngài. Ước muốn duy nhất của Ngài nơi con đó là Ngài muốn con thoát khỏi án phạt đời đời và trao cho con một hạnh phúc bất diệt.

Càng ngày, tôi càng tin tưởng hơn vào chân lý nơi Giáo Hội Công giáo, nhưng tôi không nghĩ đến việc sẽ rửa tội. Mỗi lần ý nghĩ rửa tội xuất hiện là mỗi lần tôi vội xua đuổi nó ngay. Mỗi lần tôi nhìn những người Công giáo Việt nam, tôi có cảm tưởng họ đang theo một tôn giáo của ngoại bang, nó xa lạ và khác thường với phong tục tập quán dân tộc, nó có vẻ “Tây” quá. Nhìn vào cách ăn nói, các nghi lễ, hình dáng nhà thờ… nó có vẻ Âu tây hơn là một màu sắc quốc tế. Đối với tôi, yêu mến văn hóa Khổng Tử, kính trọng đời sống kham khổ của các tu sĩ Phật giáo là những ngăn trở khiến tôi khó đến với Công giáo. Đời sống tự do của người Công giáo và ngay cả các Linh mục khó cho tôi có thể nghĩ rằng họ là những người tin Chúa và là tôi tớ của Chúa.

Một ngày nọ, khi đến thăm ông nội tôi, tôi gặp một Tu sĩ Phật giáo đang ở nhà ông tôi. Vị tu sĩ không ngớt lời ca ngợi những Thày tu Dòng khổ hạnh truyền giáo (Cistercians) tại một ngôi nhà mới lập gần Huế. Đời sống của các Tu sĩ này đã ảnh hưởng tôi thật nhiều. Sự tìm hiểu của tôi về đời sống của họ đưa tôi đến sự khâm phục và cuối cùng dẫn tôi đến việc quyết định gia nhập Giáo hội Công giáo.

Tôi trình bày đời sống và niềm tin của tôi với Linh mục Bề trên nhà Dòng và chính Ngài đã Rửa tội cho tôi ngày 15 tháng Tám năm 1928.

Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Và Biến Cố Đời Tôi

Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Và Biến Cố Đời Tôi
 Ngày 9 tháng 8-2008                                              nguồn: memaria.org
                                                                                    www.xuanha.net

Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và Biến Cố Đời Tôi

(Kinh nghiệm của một người ngoài Công Giáo)

                                                                      Huỳnh Thị Quang
                                        Boston, Massachusetts

   mother1

Có lẽ không biến cố nào lớn hơn trong đời tôi bằng những ngày bỏ quê hương để trốn đi, trong đó tôi nhìn thấy ơn Đức Mẹ đã che chở tôi và gia đình. Tôi xin kể lại để một lần được công khai cảm tạ người Mẹ đã hằng nâng đỡ và cứu vớt chúng tôi.

   Kế hoạch của chúng tôi định vượt trạm công an biên phòng tại cửa Gành Hào không được chu đáo và an toàn, nên chuyện quyết định ra ghe vào tháng ba năm 1981 đã đình lại để chờ sự liên lạc của Tùng, vì Tùng là người chuyên môn làm môi giới cho tàu vượt biên ra cửa biển từ bấy lâu nay.

   Thời gian chờ đợi và liên lạc thấm thoát cũng gần 5 tháng. Sau cùng vào ngày rằm tháng 8 năm đó thì chồng tôi được lệnh cho ghe di chuyển từ Hộ Phòng đến Cà Mau, và ra đến cửa sông Ông Đốc. Trên ghe có vợ chồng chủ ghe và đứa con trai nhỏ cùng với vợ chồng tôi và cháu gái đầu lòng của chúng tôi, lúc đó cháu vừa được 4 tuổi.

   Trong ghe chúng tôi chở mấy ngàn cây mía để ngụy trang là ghe buôn bán. Khi ghe ra đến bến tàu, nơi toán đưa rước ra cửa qui định, thì mấy ngàn cây mía được hủy bỏ lên bờ, và người từ hai bên bìa rừng đổ lên ghe tấp nập. Lúc đó không đếm nổi là bao nhiêu người. Ghe không còn chỗ để duỗi chân, người chêm ép nhau như mắm. Tôi nghe Tùng nói chuyện với anh bạn chủ ghe và chồng tôi là: “Không kiếm được tài công và thợ máy. Các anh tính sao, có đi hay không?” Lúc ấy trời tối đen như mực, chung quanh toàn là rừng. Trước chiếc ghe chở người vượt biên chúng tôi, là môt chiếc xuồng máy đôi tôm nhỏ dẫn đuờng, trên đó có dăm ba người mang súng đạn.

   Tôi biết đã vào đường này ắt phải đi, dầu không có tài công và thợ máy. Thế là chồng tôi lên chức tài công bất đắc dĩ, và anh bạn chủ ghe phải tiếp chồng tôi châm dầu nhớt máy, nên cũng gọi là thợ máy luôn.

   Hừng sáng hôm ấy, con tàu của chúng tôi lọt ra cửa biển. Bọn đưa rước quay xuồng máy trở vào bờ. Từ phía chân trời, mầu hồng lợt bắt đầu xuất hiện, báo hiệu bình minh đã sang. Không khí tự do và trong lành như chưa bao giờ có trong cuộc sống tôi kể từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Tôi phải hít thở không khí này vào cho thật đầy buồng phổi, rồi chuyện gì hãy tính sau, như là cuộc đời đi về đâu, hay là chuyện gì sẽ xảy ra cho cuộc sống mai này?

   Suốt một buổi sáng biển đẹp và lặng yên như tờ, nhìn chung quanh ai cùng hớn hở ra mặt. Tôi nghe nhiều người tâm sự với nhau thật vui vẻ. Có anh bạn bảo rằng anh đã đi vượt biên mấy lần rồi, lúc thì bị bắt nằm tù mấy tháng, nhờ lo lót, chạy chọt đúng chỗ mới ra được. Khi thì tổ chức bị bể dọc đường, may mắn mới trốn thoát được. Có chị xúc động đến rơm rớm nước mắt, chị nói, chuyến này may mắn thiệt, chắc chắn chuyến này tôi sẽ gặp chồng tôi rồi. Anh là lính Hải Quân cũ, theo tàu qua Mỹ từ năm1975…” Ôi thôi, biết bao câu chuyện vui khác mà tôi được nghe. Tuy con tàu vượt biên này mới đưa chúng tôi rời cửa biển được có một chặng đường ngắn, vì rặng cây xanh trong bờ của cửa sông Ông Đốc vẫ còn lờ mờ đó, thế mà nỗi vui mừng và không khí tự do đả tràn đầy trong lòng chúng tôi. Chắc chắn là không một ai còn lo đến ông tổ trưởng gọi chiều nay phải đi họp công tác thủy lợi; không còn lo ông công an khu vực bảo ghi lại lý lịch cá nhân cho rõ ràng vì có dính dấp tới ngụy quân, ngụy quyền khi đi xin việc làm nuôi sống bản thân v..v.   Bây giờ tất cả chỉ còn là màu xanh của trời, của nước, màu hy vọng tuyêt vời của lòng… Đây là giờ phút được xổ lồng khỏi sự kìm kẹp, để thấy được trọn vẹn cái nghĩa của hai chữ “tự do” trong cuộc sống mà chính mình bị cướp mất.

Niềm vui thì ai cũng muốn kéo dài vô tận, nhưng chẳng ai được toại nguyện cả. Sóng gió lại bắt đầu đến với cuộc đời, vì sau một buổi sáng tuyệt đẹp, biển lặng như tờ đó thì trưa đến, gió bắt đầu thổi mạnh, mây đen từ đâu ùn ùn kéo về bao phủ cả góc trời. Sóng trắng xoá, từng lượn bỏ vòi lên cao nghệu nhưmuốn nuốt trửng con tàu bé nhỏ của chúng tôi. Nước tràn lênh láng vào tàu. Những người trên tàu bắt đầu hoảng sợ, xôn xao hỗn loạn ầm lên. Tiếng la khóc của trẻ nhỏ, tiếng người lớn la lối cãi vã nhau vì dành những thùng đựng xăng dầu đễ làm phao cấp cứu cho cá nhân họ.

   Trên tàu có khoảng một trăm người, mà thùng đựng dầu chỉ có hơn chục cái thôi, ai có ai không bây giờ? chắc chắn sẽ có một trận xô xát giật giành. Nước vào tàu thì không ai lo tát ra, mà cứ định ôm thùng nhảy xuống biển. Trong cảnh hỗn loạn như vậy, tôi nghe tiếng chồng tôi la lớn từ phòng lái vọng vào: “Đừng có sợ, hãy lo tát nước ra đi. Các anh liệu ôm thùng nhảy xuống biển là sẽ sống đuợc hay sao?”

   Tiếng la lớn của chồng tôi đã làm mọi người lấy lại bình tĩnh, nên họ đã cùng nhau lo tát nước ra khỏi tàu. Cám ơn trời đất đã làm cho họ biết chia sẻ trong lúc khốn khó này. Chồng tôi không biết lúc đó như thế nào, khi một mình phải lèo lái con thuyền trong cơn phong ba bão táp như thế, một tài công bất dĩ, chỉ biết đem con tàu từ Hộ Phòng đến Cà Mau bằng đường sông, bây giờ trở thành tài công ra biển cả. Khoảng vài ba phút sau đó, tôi lại nghe tiếng chồng hỏi tôi vọng vào:

– “Xin hỏi dùm, ai là người lớn tuổi trong ghe, đạo gì? Hãy đọc kinh dùm”

Giọng chồng tôi lúc đó thật là nghiêm trọng, đã làm cho tôi phải rùng mình, nổi da gà hết cả người. Rồi ai nấy đều tụng niệm. Kẻ đạo Phật, người đạo Chúa, tất cả đều cầu nguyện cho được bình yên, tai qua nạn khỏi…Không biết có phải nhờ thế mà con tàu nhỏ xíu này chở cả trăm người đã tự dưng biết nương theo sóng gió mà ra khơi, phút chốc đã mất hút bến bờ, giống hệt như những chiếc tàu lớn chuyên nghiệp vượt biển, mặc dù trời đang giông bão dữ dội.

   Lúc đó, chắc ít ai nghĩ đến sự linh thiêng cuả lời cầu nguyện. Tất cả đọc kinh để trấn an lòng mình, để khỏi phải suy nghĩ mông lung, để quên đi bão táp. Có người lạy cả chồng tôi xin cứu giùm mạng sống mọi người trên tàu, vì cứ tưỏng là đã gặp được tài công thứ kinh nghiêm nhà nghề rồi.

   Đến nửa đêm đó thì hệ thống bơm nưóc để giải nhiệt máy bị hư, mọi người phải thay nhau múc nước đổ vào máy thay bơm. Sóng gió và sợ hãi làm mọi người quá mệt mỏi nên không còn nghe tiếng cười nói nữa. Cơn lạnh và đói bắt đầu hoành hành. Có người biết lo xa, họ mang theo kẹo bánh chanh đường v.v… còn như chúng tôi thì bận rộn, chạy đôn chạy đáo lo cho chuyến vượt biên, phần thì ỷ y đã có mấy ngàn cây mía trên ghe, lại còn gạo thóc, soong nồi mang theo. Nhưng mía thì bị thảy lên bờ để chở người, và gạo củi soong nồi thì giờ đã bị sóng nước biển làm ướt hết rồi. Cũng may còn vài chục cây mía lúc ra cửa sông dùng đề lót chỗ ngồi, thế là chia nhau mỗi người một khúc ngậm lấy nước ngọt mà cầm cự đôi ba ngày. Phần chồng tôi, sau một đêm đứng chịu sóng gió một mình đã thấm mệt. Nhưng chẳng có ai thế giùm để nghỉ ngơi giây lát, vì mỗi khi có người thay tay lái thì chiếc tàu tròng chành như muốn lật úp. Sợ qúa, mấy người trên tàu phải năn nỉ chồng tôi trở lại tay lái. Trong lúc đó cũng có một số khách cuả Tùng gởi đi lúc ra cửa sông, cứ tưởng là chồng tôi đã lấy tiền vàng để làm tài công cho tàu này, nên họ hăm he sẽ thảy chồng tôi xuống biển, nếu không chịu cầm lái con tàu này đến bến bờ.

   Thế thì dù có mệt mỏi đến đâu, chồng tôi cũng phải đứng chịu tay lái, vì tình ngay mà lý gian. Cũng để cho sóng gió đừng lôi ông tài công tài giỏi này xuống biển bỏ họ. Anh em trên tàu đã chia phiên nhau giữ hộ hai bên cánh tay chồng tôi để khỏi bị té và kiệt lực. Họ còn dùng dây cột bàn chân của chồng tôi vào cây điều khiển bánh lái tàu để khỏi vuột sút ra. Cứ như thế tàu nương theo sóng gió mà đi.

   Đến ngày thứ năm thì trên tàu xảy ra chuyện chẳng may. Bắt đầu là ống quần của một anh trên tàu bị máy buộc vào và đập nát ống xương chân. Thật là đau đớn. Anh kêu la suốt ngày, qua hôm sau đứa con của anh lại bị chết vì đói khát. Đến ngày thứ 7 lênh đênh trên biển, một cơn mưa kéo đến. Mọi người tự dùng miếng nylon nhỏ của mình để hứng nước. Tôi cũng cố đứng dậy để kiếm ít nước mưa cho con, thì thình lình một cơn sóng đập mạnh vào mạng tàu trong lúc tôi chưa kịp giữ thăng bằng nên đã ngã té. Thế là thai bị chấn động, và sau đó tôi chuyển bụng sinh một cháu trai, trong khi tàu đang lênh đênh giữa biển khơi này. Cháu ra đời và anh bạn là lính quân y cũ biết chút căn bản về sinh đẻ, đã dùng miếng kiếng bể thay dao, cắt dây nhau rún cho cháu, Thằng con trai tôi khóc chào đời chẳng bao lâu thì đứa con gái đầu lòng của tôi lại trút hơi thở cuối cùng. Rồi vài tiếng đồng hồ sau khi chào đời, không một mảnh vải che thân, không sữa bú, và có lẽ vì bị nhiễm trùng, vì cắt nhau bằng kiếng, nên cháu đã bị kinh phong giật rồi chết. Tôi chưa kịp đặt tên cháu thì cháu đã ra đi theo chị của cháu rồi!

   Vài người lớn tuổi trên tàu đề nghị với vợ chồng tôi nên đặt tên cho cháu trước khi thả thi hài xuống biển. Chúng tôi nghe và đặt tên cho cháu là Lý Bửu Long. Tôi đau xót nhìn người ta thả xác hai con xuống biển, và âm thầm khấn xin hai con là Lý Tú Anh và Lý Bửu Long phù hộ cho cha mẹ cũng như mọi người trên tàu được đến bến bờ bình an.

   Tôi không bao giờ quên được hình ảnh đau thương tột cùng đó trong quãng đời còn lại này, quãng đời mang nặng tâm tình người mẹ luôn dành hết tấm lòng, hết tình thương cho con, lúc nào cũng yêu thương những khúc ruột mang nặng đẻ đau của mình. Tôi có thể chết để cho con tôi được sống, tôi có thể đói để cho con tôi được no, tôi có thể khổ để cho con tôi được sướng, thế mà bây giờ tôi chịu bó tay nhìn con chết và nhìn thi hài con lênh đênh trên biển cả. Lúc ấy chỉ có trời đất mới thấm thía và hiểu được lòng tôi xót xa như thế nào! Tôi sống như xác không hồn, chẳng còn vui sướng nào trên thế gian này làm tôi quên đi hai đứa con đã chết đó.

   Rồi khoảng nửa giờ sau thì chiếc tàu của chúng tôi cũng chết máy luôn. Tay lái tàu đành cột lại cẩn thận để mặc cho sóng gió muốn đưa con tàu về đâu cũng được. Nhờ vậy mà chồng tôi được nghỉ ngơi chút ít, chứ không làm sao sống nổi? khi thân xác chỉ còn da bọc xương, sức khoẻ gần như kiệt quệ. Tôi nhớ ngoài những người hiểu lầm, quyết làm khó dễ chồng tôi, còn chị Lý Diêm Ken là vợ của anh chủ tàu, đã không ngần ngại nói sự thật để đính chính và bênh vực chồng tôi. Khi biết rõ ràng vợ chồng tôi cũng phải bỏ tiền ra để đi và phải làm tài công bất đắc dĩ thì mọi ngươì đều xin lỗi và thương chia sự bất hãnh của hai cháu qua đời. Tôi hết lòng biết ơn chị Ken, đã không sợ sệt để nói ra sự thật. Nhưng chúng tôi cũng rất buồn vì một số bạn bè đã im hơi lặng tiếng vì sợ liên lụy, có vài người lại a dua theo đám khách hiểu lầm để gây thêm áp lực xấu, bắt chồng tôi phải sống chết theo tay lái tàu.

   Sau khi tàu chết máy vài hôm, thì chị Ken và cháu Cảo-Kía cũng qua đời vì kiệt lực, và vài ba người nữa cũng đã chết. Tình trạng sức khỏe của tôi cũng quá yếu. Tôi lúc tỉnh lúc mê, vì sinh nở đã ba bốn hôm mà chẳng thuốc men, và chẳng ăn uống gì, tệ hơn nữa là nhau vẫn còn nằm trong bụng. Có người kể lại là tôi đã mê man mấy ngày liền.
Sau cùng trong cơn mê dài này, tôi đã thấy một người phụ nữ bận đồ trắng, dùng tay xoa lên ngực tôi và đánh thức tôi dậy.

Khi tỉnh lại, tôi thấy có vật gì nằng nặng đè lên ngực. Sờ thử thì thấy là một xâu chuỗi hạt màu xanh lá mạ với tượng một người phụ nữ. Lúc đó gia đình tôi chưa vào đạo nên tôi chỉ biết xâu chuỗi của người công giáo mà thôi. Tôi thều thào hỏi: “Cái này của ai làm rớt?” Không ai trả lời. tôi nhờ một anh bên cạnh truyền tay mọi người trên tàu coi của ai đánh rớt. Nhưng chẳng ai nhận và họ hoàn trả lại tôi. Tôi nghĩ xâu chuỗi này là của một trong những người có đạo trên tàu, thấy hoàn cảnh sinh nở và khốn khó của tôi, đã để xâu chuỗi trên ngực tôi trong lúc tôi mê man, mong người phụ nữ trong xâu chuỗi giúp đỡ cho tôi. Cuối cùng tôi đeo xâu chuỗi vào cổ mình. Khoãng vài ba phút sau, tôi nghe trong bụng như có gì dồn lên, tôi dùng tay đè nó xuống. Thế là nhau còn ứ trong ngưòi tôi tự động tuôn ra ngoài. Tôi cảm thấy khoẻ lại thật nhiều. Có thể nhờ xâu chuỗi mà sự may mắn này đến với tôi chăng? Nâng niu và ngắm nhìn người phụ nữ trên xâu chuỗi, tôi thấy bà có nét dịu hiền dễ thương. Tuy chưa biết bà là ai, tên gì, mà tôi được may mắn. Bây giờ tôi thực sự xin bà hãy đưa dẫn chúng tôi đến bến bờ bình an.

   Tôi đeo xâu chuỗi vào cổ, rồi lại mê man thiếp đi. Rồi ai lay tôi tỉnh dậy. Mở mắt ra tôi thấy mọi người xung quanh đang hớn hở xôn xao. Một chiếc thang giây và chiếc băng ca đang thòng xuống trước mặt để chuẩn bị đưa tôi qua tàu lớn. Thế là chúng tôi đang được tàu lớn vớt sau 15 ngày lênh đênh trên biển cả. Tôi là người đầu tiên được đưa qua tàu bằng băng ca. Tất cả có 61 người còn sống sót, 8 người đã chết và được thủy táng. Chiếc tàu tuần dương này của Mỹ mang tên Southern Cross. Vị hạm trưởng là người công giáo. Ông nói rằng trước đây mấy ngày, ông luôn thấy bồn chồn khó chịu trong người. Đáng lẽ tàu phải đi công tác xa, nhưng ông đã ra lệnh cho ở lại và tuần rảo quanh vùng biển xem thế nào. Rồi ông đã thấy con tàu nhỏ bé của chùng tôi đang gặp nạn nên ra lệnh vớt chúng tôi. Bây giờ lòng ông không nóng nảy bồn chồn nữa, mà cảm thấy bình an vui vẻ trở lại. Ông cho biết cơn bão tháng này đã đưa chúng tôi trôi dạt vào hải phận Phi Luật Tân, nước này cũng có trại tỵ nạn cho người Việt Nam, nhưng sức khỏe mọi người đã hoàn toàn kiệt quệ nên ông quyết định quay mũi hướng về Singapore, vì theo ông nơi đó có trại tỵ nạn tốt đủ thuốc men điều trị hơn.

   Thế là suốt hai ngày đêm tôi được nằm trong phòng có máy điều hòa không khí trên tuần dương hạm, được chăm sóc rất tận tình chu đáo. Rồi đến Singapore phải dời tàu vào bệnh viện cấp cứu. Vị hạm trưởng tặng anh em chúng tôi mỗi người một cái áo thun có tên tàu để làm kỷ niệm. Chúng tôi đều rất xúc động và cám ơn tình cảm chân thành của hạm trưởng và thủy thủ đoàn trên chiếc tuần dương hạm này.

   Vì tình trạng tôi quá yếu nên phải nằm ở phòng cấp cứu cuả bệnh viện tại Singapore hơn hai tuần lễ liền. Nhân viên phòng cấp cứu sơ tôi bị nhiễm trùng bởi xâu chuỗi đang đeo, nên buộc lòng tôi phải tháo bỏ phần chuỗi và chỉ xin giữ lại phần tượng để làm kỷ niệm. Sau đó, tôi được xuất viện để trở qua trại tỵ nạn. Trại tỵ nạn tuy nhỏ, nhưng rất khang trang, sạch sẽ. Tôi vẫn còn yếu sức, tinh thần thì sụp đổ vì đã mất mát hoàn toàn, nhất là mất hai đứa con trên biển cả. Thấy tôi thẫn thờ như người mất hồn, các bác sĩ y tá của Hội Hồng Thập tự Quốc tế làm việc thiện nguyện tại đây đã hết lòng an ủi và chăm sóc tôi rất kỹ. Trong số các bác sĩ có bà bác sĩ người Úc tên là Margaret bà nghe nhiều người kể lại về chiếc tàu vượt biển bé nhỏ của chúng tôi đã lênh đênh trên biển suốt 15 ngày đêm không thức ăn, không nước uống, có người chết và sinh nở trên tàu, nên bà đã tìm gặp tôi để an ủi và nói chuyện. Bà bảo: nếu không thấy tận mắt, không nghe tận tai và không nói chuyện với tôi thì bà hoàn toàn không tin là có một người đàn bà sinh nở trên biển, không thuốc men, không ăn uống, nhau còn trong bụng 4-5 ngày mà vẫn còn sống. Bà hỏi phép lạ nào đã giữ được mạng sống tôi như thế? Tôi thuật lại mọi chuyện và đưa cho bà coi tượng người phụ nữ mà tôi nhặt đực trên ngực của tôi lúc tôi hôn mê. Sau khi xem tượng, bà bác sĩ làm dấu thánh giá, và cho tôi biết: Đây là tượng Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Bà quả quyết chỉ có tình thương của Mẹ mới cứu sống tôi trong cảnh ngặt nghèo như vậy thôi. Rồi bà bảo, khi trở về Úc, bà sẽ viết lại câu truyện về “phép lạ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đã cứu một người ngoại đạo” để đăng lên báo chí và tôn vinh Mẹ giúp cho tôi.

   Bà còn hỏi: hiện tại tôi cần bà giúp điều gì? Tô xin bà thưa lại với phái đoàn Cao Ủy là cho tôi được ở lại trại tỵ nạn Syngapore để giúp đỡ những người tỵ nạn khác. Hiểu ý tôi vì quá thương hai con đã mất và thủy táng ở vùng biển nước này, nên chỉ muốn đươc sống quanh quẩn bên vong linh hai trẻ: bà khuyên tôi nên nghĩ lại, trước là phấn đấu cho sức khoẻ thể xác, sau là được bình an trong tâm hồn, rồi phải đi dịnh cư cho tương lai cá nhân mình, để còn lo cho cha mẹ, anh em còn lại tại Việt Nam.

   Sau đó vợ chồng được di chuyển qua trại Galang II và được định cư tại Mỹ vào tháng 10 năm 1982.

Bước chân vào cuộc sống mới, cái gì cũng lạ cái gì cũng phải học hỏi. Sau ba tháng tôi sinh được môt cháu gái. Cảnh sống bận rộn khó khăn làm cho tôi quên mất Mẹ, quên những thời gian đau khổ được được Mẹ đoái thương. Tôi đã gói tượng Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp này cất kỹ vào tủ. Đến tháng 4 năm 1984, tôi sinh thêm một cháu trai. Vài tháng sau nhà tôi bị cháy, con cái lại gặp cảnh nheo nhóc khổ sở, buồn rầu. Một đêm ngủ tôi mơ thấy người phụ nữ ba năm về trước. Bà đến bên tôi, đi bên cạnh là đứa con gái đầu lòng 4 tuổi của tôi đã chết trên tàu vượt biên. Bà an ủi và bảo tôi rằng: “Con đừng sợ, khi nào con đau khổ thì đều có Ta bên cạnh để giúp cho.” Rồi bà dùng tay vuốt từ đầu đến ngực tôi. Tôi giựt mình thức giấc. Phần thì sợ giấc mơ kỳ lạ gặp lại người phụ nữ xưa, phần thấy lại đứa con gái đầu lòng của mình mà con nó lại làm ngơ như xa lạ, không nhìn mình, nên tôi rất buồn và khóc rất nhiều. Chồng tôi đã an ủi và trấn an tôi, cho đó là những điều mộng mỵ mà thôi.

   Rồi những khó khăn về cuộc sống cũng qua, nhà cửa tôi dần dần ổn định lại. Một lần nữa tôi lại bỏ quên mẹ vì bận rộn mưu sinh và chăm sóc hai đứa nhỏ. Đến năm 1988 tôi sinh thêm một cháu trai nữa. Chồng tôi theo đạo Phật nên năm đó gia đình tôi thỉnh một tượng Phật Bà Quan Âm về thờ. Từ đó tôi càng quên Mẹ nhiều hơn. Mãi đến năm 1994, khi đứa con gái lớn sinh tại Mỹ chuẩn bị vào trung học đệ nhất cấp thì vợ chồng tôi bắt đầu lo trường ốc, vì chúng tôi nghe rất nhiều tin tức tệ hại xảy ra ở học đường. Chúng tôi không kinh nghiệm nhiều về hệ thống giáo dục ở Mỹ, không biết trường nào tốt, trường nào xấu. Nhưng khi nhớ lời Mẹ nói trong giấc mơ bị cháy nhà, tôi lại đem tượng Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ra mà cầu xin giúp đỡ và chỉ bảo cho tôi tìm được trường tốt cho con vào học. Chẳng bao lâu tôi lại nằm mơ thấy Mẹ trở lại với đứa con gái đầu lòng đã chết của tôi. Lần này tôi đi theo bà đến góc sân của một trường học, nơi đó tôi nhìn thấy đám học trò nhỏ mặc đồng phục chơi đùa vui vẻ lắm. Sáng ra tôi kể cho chồng tôi nghe về giấc mơ lạ và gợi ý đi tìm trường cho con vào mùa tới.

   Cuối cùng, tôi đã tìm được tìm được trường. Đó là một trường công giáo tên là Sacred Heart, thành phố Quincy, MA. Tôi mạnh dạn đến bấm chuông văn phòng của trường, tuy hôm ấy đang là ngày bãi trường vì vào mùa hè. Tôi may mắn gặp ngay Soeur hiệu trưởng để hỏi han về trường học. Tiền bạc thì chúng tôi chẳng dư giả gì, mà đơn từ thì chưa điền để giữ chỗ, thế mà nhờcầu nguyện thiết tha với Mẹ Hằng Cứu Giúp mà con tôi được nhận vào học trường này ngay trong mùa sau đó. Rồi cả ba đứa con đều học trường này, còn tôi thì phụ nhà trường bán Bingo mỗi tháng vào ngày thứ Hai.

   Sau 5 năm theo học ở trường công giáo, ba đứa con đã xin vợ chồng chúng tôi cho theo đạo. Việc này khiến chúng tôi lo sợ sẽ mất con, vì tụi nhỏ khi theo đạo Thiên Chúa thì sẽ quên mất nguồn gốc, tổ tiên ông bà cha mẹ, ai là người thờ phượng tông đường đây. Lúc ấy tôi chưa hiểu điều răn thứ bốn cuả đạo Công Giáo rất quan trọng và nghiêm ngặt nên mới nghĩ như vậy. Tôi đã từ chối các con bằng cách bảo rằng “đạo nào cũng tốt, mình sống ăn ngay ở lành là căn bản”, các con còn nhỏ, lo ăn học trước đã, đến khi lớn 18 tuổi đủ trí khôn, nếu còn muốn theo đạo thì hãy tính. Nhưng từ đó, có một sức mạnh thiêng liêng tác động, khiến chúng tôi bắt đầu để ý tìm hiểu về đạo.

   Mùa Chay năm đó, cả ba đứa con xin phép vợ chồng tôi kiêng thịt ngày thứ sáu và cũng thuyết phục chúng tôi bớt chất thịt và mỡ trong những ngày chay. Điều này cũng lợi cho sức khoẻ vì đã bác sĩ bảo chồng tôi bị cao mỡ trong máu. Tôi cảm thấy gia đình có một chút gì đổi mới, nề nếp hơn, vui tươi hơn. Khi được những người bạn mời dự lễ rửa tội cho con họ, tôi có dịp quan sát kỹ. Tôi thấy những bộ quần áo trắng tinh, tươm tất chỉnh tề, bao khuôn mặt ngây thơ dễ thương ẩn chứa niềm tin yêu sáng ngời; tôi thấy cha dâng lễ, giảng thuyết, lời lẽ ôn tồn, êm dịu chứa đầy khoan dung, nhân ái, che chở, luôn mưu cầu hạnh phúc, bình an cho đàn chiên mình. Đặc biệt trong buổi lễ rửa tội hôm ấy, dường như Đức Mẹ đã tỏ ý bằng lòng về sự nhận xét đầu tiên của tôi về đạo Chúa, nên bức tượng Mẹ bên trái nhà thờ đã phản chiếu ánh đèn hay ánh nắng khiến thêm rực rỡ và lộng lẫy khác thường. Không kềm được lòng và không suy tính hay chờ đợi cho con tôi lớn lên đủ 18 tuổi nữa, tôi đã ngỏ lời với chị ngồi bên cạnh nhờ chị giúp cho con tôi cũng được vô đạo và rửa tội giống như con của chị.

   Cuối cùng, chúng tôi ghi danh vào khóa dự tòng để tìm hiểu và học hỏi giáo lý tại nhà thờ St. Peter do cha Đoàn Quang Báu giảng dạy. Thật là “có đến xem mới thấy, có đến nghe mới hiểu…”

   Thế là gia đình chúng tôi đã chọn Mười Điều Răn của Chúa Giêsu Kytô để làm rào cho cuộc sống, để có được bình an và hạnh phúc trong cuộc đời. Từ đó, mọi phiền hà và lo lắng trong gia đình chúng tôi đã có Mẹ, có Cha, có Thày mà phó thác, gánh âu lo bây giờ không còn nặng nề nữa, vì đã có người cùng ghé vai vào…

   Tôi muốn chia sẽ thêm về tình yêu của Mẹ Maria nơi đây. Chẳng phải Mẹ chỉ nhìn đến và giúp đỡ, chở che những người chưa biết Mẹ và Chúa, hầu dẫn dắt họ trở về cùng Chúa, mà tôi nghĩ: khi tôi càng yêu, càng tin, càng phó thác cuộc sống của tôi cho Mẹ thì Mẹ cũng càng yêu càng lo cho tôi nhiều hơn nữa.

Tôi xin kể thêm để chúng ta cùng tôn vinh Mẹ. Đó là chuyện về đứa con trai út của tôi. Cháu thường bị nhiễm trùng trong hai lỗ tai. Bác Sĩ khám nghiệm thấy trong hai màng nhĩ có lỗ hổng, mỗi lần tắm mà sơ ý để nước lọt vào thì sẽ bị nhiễm trùng làm mủ, lên cơn sốt dữ dội, thật là tội nghiệp! vào năm 1993, Bác Sĩ quyết định mổ và vá lỗ tai bên phải cho cháu trước. Cuộc giải phẫu kéo dài 4 tiếng đồng hồ. Ngồi ngoài chờ đợi và lo cho con, tôi đã ngất xỉu và được đi cấp cứu. Sau đó vài tháng thì tai bên phải đã lành, còn tai bên trái thì lỗ hổng nhỏ hơn, bác sĩ bảo dung thuốc nhỏ vào và chờ thời gian xem có tự lành lại được không. Chờ đợi và nhỏ rất nhiều loại thuốc khác nhau trong hơn 6 năm mà vẫn không lành, năm nào cũng bị nhiễm trùng cả chục bận, đến nỗi bác sĩ trực phòng cấp cứu phải đề nghị đem cháu đến bác sỉ chuyên khoa về tai để giải phẫu mới được, nếu để lâu sẽ rất nguy hiểm vì cò thể ảnh hưởng đến bộ phân trí não của cháu. Không còn cách nào khác,tháng 5 năm 1999, tôi phải lấy hẹn để gặp bác sĩ chuyên khoa. Trong khi chờ đợi đến ngày hẹn khám tai, đêm nào tôi cũng chạy đến Mẹ, năn nỉ Mẹ giúp, vì tôi thương và tội nghiệp thằng út này quá, trong người mang đủ chứng bệnh, mà giờ phải mổ tới mổ lui nữa.

   Rồi ngày hẹn đến, bác sĩ chuyên khoa quyết định thêm hai tuần dung thuốc nhỏ vô lỗ tai như trưóc thử xem, nếu không có gì thay đổ thì phải mổ, vì sau khi ông khám về thính giác thì thấy màng nhĩ còn hoạt động rất tốt. Trong hai tuần lễ ngắn ngủi đó, ngày nào tôi cũng chạy đến níu tay Mẹ. Tôi cầu xin Mẹ khẩn thiết hơn. Vì lo sợ quá nên ngày nào tôi cũng cố vạch xem tai của cháu có gì thay đổi không. Rồi qua một tuần nhỏ thuốc và cầu nguyện quyết liệt hơn, không biết Mẹ nhận lời thế nào mà phần ở sâu trong lỗ tai đó lòi ra ngoài nhiều đến nỗi với mắt thường của người không chuyên như tôi cũng đã nhìn thấy rất rõ, đó là một lỗ tròn to hun hút trông dễ sợ. Tôi nghĩ Mẹ cho mình thấy lỗ to như vậy, thì làm sao nó tự lành được đây, chắc phải mổ nữa rồi! Nhưng sau đó vài ngày thì không còn nhìn thấy gì nữa.

   Ngày hẹn sau hai tuần đến thật nhanh. Tôi dẫn cháu trở lại để chuẩn bị cho cuộc giải phẫu. Nhưng còn nước còn tát, nghĩa là còn cầu nguyện. Tôi nói rất chân thành với Mẹ là: “Con sợ quá Mẹ ơi! tội nghiệp con của con quá, Mẹ ơi! Xin giúp con, chắc con không chịu nổi đâu!” Rồi bác sĩ dẫn cháu vào phòng khám lại trước khi lên bàn giải phẫu. Nhưng sau đó, họ báo cho tôi biết là không phải giải phẫu nữa, vì cháu đã hoàn toàn lành rồi. Cả ba ông bác sĩ lắc đầu cười và nói “Lạ quá, không biết cái lỗ hổng to trong lỗ tai tại sao biến mất như thế!”

   Thế là mẹ con tôi trở về nhà. Hôm đó thằng con trai út tôi cười nói huyên thuyên, còn tôi thì âm thầm cúi đầu tạ ơn Mẹ Hằng Cứu Giúp thật nhiều…

THÁNH NỮ BRIGITTE THỤY-ĐIỂN, QUAN THẦY ÂU CHÂU

 THÁNH NỮ BRIGITTE THỤY-ĐIỂN, QUAN THẦY ÂU CHÂU

23-7:                                                         nguồn:   Đài Vatican

Ngày 1-10-1999 trong bối cảnh Thượng Hội Đồng Giám Mục Âu Châu, Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (1978-2005) đã tôn phong thánh nữ Brigitte Thụy Điển (1303-1373) làm Quan Thầy Âu Châu cùng với 2 thánh nữ khác. Đó là thánh nữ Caterina thành Siena (1347-1380) và thánh nữ (Edith Stein) Teresa Benedetta Thánh Giá (1891-1942).

Khuôn mặt thánh nữ Brigitte ghi đậm nơi người đương thời hình ảnh một phụ nữ đầy nghị lực và can đảm, cùng lúc, rất giản dị, tươi vui và niềm nỡ. Nơi thánh nữ, kết tụ nhiều đức tính gần như khó dung hợp. Chẳng hạn, vừa có tinh thần chiêm niệm thần bí vừa là bà mẹ gia đình gương mẫu, sống giữa cung điện nhà vua. Thánh nữ còn được mệnh danh là ”Nữ Tiên Tri Xứ Bắc Âu”.

1. Bà Mẹ Công Giáo Gương Mẫu

Brigitte lập gia đình rất sớm – vào năm 16 tuổi – với quan đại thần Ulf, làm việc trong triều đình Thụy Điển. Bà Brigitte sinh hạ 8 người con: 4 trai và 4 gái. Mặc dù hết lòng chia sẻ những phận vụ chính trị của phu quân nơi hoàng cung, bà Brigitte không bao giờ quên nhiệm vụ chính yếu là giáo dục con cái theo tinh thần Kitô. Trong 4 con trai, hai người chết khi tuổi còn thơ. Còn lại 6. Mỗi đứa con là một nét đẹp và một tính tình rất khác biệt, đem lại nhiều niềm vui đồng thời kéo theo bao nỗi sầu.

Trưởng nam Charles có tính tình ương ngạnh, ích kỷ, nhưng nhanh nhẹn tươi vui và có biệt tài quyến dũ người khác. Thứ nam Birger, trái lại, điềm đạo, bao dung và chừng mực. Charles lập gia đình nhưng không hạnh phúc vì tính tình ”bay bướm” của chàng. Chàng không hết lòng yêu vợ nên cũng không được vợ đáp trả. Do đó, chàng thường tìm kiếm an ủi nơi những mối tình ngoài hôn nhân. Thánh nữ Brigitte biết rõ điều này. Và Charles cũng biết rõ hiền mẫu trông thấy tất cả.

Ngày 25-5-1371, thánh nữ Brigitte nhận lệnh THIÊN CHÚA, lên đường hành hương Giêrusalem, qua ngả Roma. Hai con trai Charles và Birger tháp tùng thân mẫu. Sau khi đến Roma, cả gia đình lấy thuyền đi Napoli (Nam Ý). Thánh nữ xin vào hội kiến nữ hoàng Giovanna I (1326-1382). Đúng theo nghi thức ngoại giao, Birger cúi mình sát đất chào nữ hoàng. Charles, trái lại, đứng im tại chỗ. Sắc đẹp của nữ hoàng lôi cuốn tức khắc trái tim ”hào hoa” của chàng. Chàng tiến thẳng đến gần nữ hoàng và đặt nụ hôn trên môi nữ hoàng. Các lính canh tuốt gươm định phản ứng. Nhưng nữ hoàng Giovanna I giơ tay dung thứ cho chàng hiệp sĩ xứ Bắc Âu!

Thánh nữ Brigitte bàng hoàng trước tư cách phóng túng của Charles. Trong khi đó, nữ hoàng Giovanna I lại say mê Charles và muốn cùng chàng kết nghĩa trao duyên. Thánh nữ Brigitte liền nhắc nữ hoàng nhớ rằng, Charles đã lập gia đình và không được phép thành hôn với nữ hoàng. Nhưng nữ hoàng trả lời sẽ khắc phục mọi khó khăn cản trở. Nghe vậy thánh nữ Brigitte chỉ còn biết chạy đến Chúa, kêu xin Ngài giơ tay can thiệp.

Ngày 24-2-1372, nữ hoàng Giovanna I chờ đợi vị hôn phu của mình giữa tiếng ca điệu vũ. Nhưng chờ hoài mà không thấy bóng dáng vị hôn phu xuất hiện. Thì ra, Charles bị sốt liệt giường không dậy được. Bên cạnh chàng có mẹ và em. Khi mở mắt, chàng trông thấy gương mặt dịu hiền thánh thiện của mẹ. Charles chấp nhận thánh ý THIÊN CHÚA và ra đi bằng an trong ơn nghĩa Chúa. Tình mẫu tử của thánh nữ Brigitte đã kết hợp cùng kho tàng ơn cứu độ vô biên của Đức Chúa GIÊSU KITÔ, để cứu quí tử khỏi rơi vào hố sâu tội lỗi.

Trước đó, tình mẫu tử này cũng biểu lộ trong buổi diện kiến với Đức Giáo Hoàng Urbano V (1362-1370). Đức Giáo Hoàng ưu ái tiếp kiến riêng thánh nữ Brigitte cùng hai con Charles và Birger. Birger oai hùng như các dũng sĩ Bắc Âu. Charles rực rỡ trong y phục của một chàng trai Thụy Điển, mang dáng dấp cao lớn của một người Đức. Đức Urbano V thân mật nói với Birger:
– Con đúng là con trai của Brigitte!

Quay sang Charles, Đức Giáo Hoàng nói:
– Còn con, con là chàng trai của thế kỷ!

Thánh nữ Brigitte quỳ sụp dưới chân Đức Giáo Hoàng và thưa:
– Xin Đức Thánh Cha ban phép xá tội cho hai con của con.

Đức Urbano V giơ tay chạm đến cái thắt lưng lộng lẫy của Charles và hỏi:
– Mang y phục nặng nề như vầy, không đủ để đền tội sao?

Thánh nữ Brigitte ngước đôi mắt van lơn nhìn Đức Thánh Cha và thưa:
– Xin Đức Thánh Cha xóa tội lỗi của con con, phần con, con xin hứa sẽ tước bỏ khỏi con con bộ y phục lộng lẫy này!

Thế nhưng, nếu trưởng nam Charles mang lại cho thánh nữ Brigitte nhiều âu lo sầu khổ, thì trái lại, ái nữ Catherine là suối nguồn của an ủi thánh thiện. Góa chồng rất sớm vào năm 20 tuổi, Catherine sống phần lớn quảng đời còn lại tại Roma. Sau khi thân mẫu qua đời năm 1373, Catherine mang xác mẹ về Thụy Điển và vào tu nơi tu viện Vadstena, do chính thánh nữ Brigitte thành lập. Catherine trở thành Bề trên tu viện và nên thánh giống như mẹ, dưới danh hiệu thánh nữ Catherine Thụy Điển.

Có thể nói rằng, toàn cuộc sống gia đình thánh nữ Brigitte Thụy Điển đắm chìm trong bầu khí đạo đức và chiêm niệm. Trong kinh nguyện dâng lên THIÊN CHÚA, thánh nữ thường van xin:
– Xin Chúa tước bỏ tính kiêu căng khỏi lòng con và đừng để con chỉ yêu thương chồng con cùng gia đình bạn hữu bằng một tình yêu thuần túy tự nhiên. Xin Chúa biến đổi tình yêu tự nhiên thành tình yêu siêu nhiên để mang lại lợi ích thiêng liêng cho những người thân yêu của con.

2. Nữ Tiên Tri xứ Bắc Âu

Phu quân thánh nữ Brigitte là quan đại thần Ulf, làm việc trong triều đình vua Magnus. Thánh nữ cũng là chị em họ hàng với nhà vua. Do đó, sau thời gian rời cung điện và sau khi hiền phu qua đời, thánh nữ Brigitte nhận lời làm quản gia hoàng cung Thụy Điển.

Khi chấp thuận trở lại hoàng cung, thánh nữ Brigitte ý thức nhiệm vụ vừa tế nhị vừa khó khăn. Hoàng cung Stockholm lúc đó gần như sống trong sa đọa. Bao quanh nhà vua và hoàng hậu là những cận thần thiếu tư cách lãnh đạo, thiếu thiện tâm phục vụ dân lành. Vừa khi đặt chân vào hoàng cung, thánh nữ Brigitte nghiêm khắc lớn tiếng loan báo ”cơn thịnh nộ của Chúa”. Cả triều đình Thụy-Điển, từ vua, hoàng hậu cho đến các quan đại thần đều rúng động trước lời cảnh cáo. Thánh nữ vạch rõ cho vua Magnus thấy các bất công nhà vua và triều đình giáng xuống dân lành.

Dân chúng sống trong cùng khốn mà triều đình đánh thuế quá cao. Triều đình lại phung phí tiền thuế bóp cổ dân nghèo vào việc ăn chơi sa đọa. Thánh nữ vạch rõ cho vua Magnus thấy đã phạm trọng tội giết hại người vô tội như thế nào. Sau cùng, để thối thúc nhà vua quyết định phá đổ mọi tệ nạn, thánh nữ Brigitte tìm cách đánh thẳng vào trái tim nhà vua. Thánh nữ giơ tay chỉ Charles và Birger rồi nghiêm khắc nói với vua Magnus:
– Đây là hai con tôi. Xin Ngài bắt chúng làm con tin giao nộp cho các chủ nợ, thay vì đánh thuế bóp cổ dân nghèo để có tiền trả nợ. Bởi vì, làm như thế, tức là nhà vua xúc phạm đến THIÊN CHÚA, khiến THIÊN CHÚA buộc lòng trừng phạt nhà vua và triều đình!

Trong số các cận thần của vua Magnus, có người anh em họ với thánh nữ Brigitte. Đó là kỵ sĩ Magnus d’Eka. Magnus d’Eka giàu sang, đẹp trai và kết hôn với phụ nữ chàng yêu mến. Từ tổ uyên ương hạnh phúc ra đời những người con kháu khỉnh thông minh. Magnus d’Eka ngụp lặn trong biển tình hạnh phúc. Nhưng thánh nữ Brigitte cho gọi chàng kỵ sĩ tài hoa đến và tiên báo:
– Hiền đệ sẽ chứng kiến cái chết của vợ và các con. Sau đó hiền đệ sẽ trở thành Linh Mục và làm viện trưởng một đan viện!

Lời tiên báo quá phủ phàng. Nhưng thánh nữ thấy rõ tâm hồn em họ, nên biết chắc tín hữu trung tín này sẽ can đảm cúi đầu chấp nhận thánh ý THIÊN CHÚA. Và lời tiên tri của thánh nữ Brigitte ứng nghiệm sau đó.

Bên cạnh ảnh hưởng tinh thần đối với vua Magnus và triều đình Thụy Điển, thánh nữ Brigitte còn giữ vai trò quan trọng đối với hàng giáo phẩm Thụy Điển và với cả vị chủ chăn Giáo Hội hoàn vũ là Đức Giáo Hoàng Clemente VI (1342-1352). Các vị giám mục Thụy-Điển lúc bấy giờ lắng nghe tiếng nói của thánh nữ, đặc biệt hai vị Giám Mục hai giáo phận Kinkoeping và Vexioe. Nhờ ảnh hưởng thánh nữ Brigitte, hai vị trở thành những chủ chăn thánh thiện và gương mẫu.

Đây cũng là thời kỳ Giáo Hội Công Giáo bị khủng hoảng trầm trọng với việc các vị giáo hoàng dời ngai tòa thánh Phêrô về Avignon, bên Pháp. Theo lệnh của Đức Chúa GIÊSU KITÔ, thánh nữ Brigitte viết cho Đức Giáo Hoàng Clemente VI những bức thư thống thiết. Thánh nữ van xin Đức Giáo Hoàng phải bỏ Avignon và đưa ngai tòa thánh Phêrô về lại Roma. Roma mới là trung tâm của Giáo Hội Công Giáo, theo ước muốn của chính Đức Chúa GIÊSU KITÔ.

Thánh nữ Brigitte Thụy-Điển trút hơi thở cuối cùng ngày 23-7-1373, hưởng thọ 70 tuổi, sau khi thành lập cho Giáo Hội một dòng tu nữ. 18 năm sau, Đức Giáo Hoàng Bonifacio IX (1389-1404) đã nâng nữ tôi tớ tiên tri của Chúa lên hàng hiển thánh.

… ”Người kính sợ THIÊN CHÚA sẽ được Đức Khôn Ngoan. Đức Khôn Ngoan sẽ ra đón người ấy như mẹ. Đức Khôn Ngoan sẽ tiếp nhận người ấy như vợ trinh khiết. Đức Khôn Ngoan nuôi dưỡng người ấy bằng bánh thông minh và cho uống nước Khôn Ngoan. Người ấy dựa vào đức Khôn Ngoan và không sa ngã, gắn bó với đức Khôn Ngoan và không phải xấu hổ. Đức Khôn Ngoan khen ngợi người ấy hơn các bạn hữu. Đức Khôn Ngoan sẽ mở miệng người ấy giữa đại hội. Người ấy vui mừng hoan hỷ và nổi tiếng muôn đời” (Sách Giảng Dạy 15,1-6).

(MISSI, Magazine d’Information Spirituelle et de Solidarité Internationale, 4-5/1991, trang 175-178)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Niềm tin vượt thắng bất an xã hội

Niềm tin vượt thắng bất an xã hội

                                                              An Thanh, CSsR

nguồn: dongchuacuuthe

              nuvuongcongly.net

 

Posted on Tháng Bảy 23, 2012

VRNs (23.07.2012) – Sài Gòn – Đây là kinh nghiệm của bảy học viên lớp giáo lý Dự Tòng đặc biệt do chúng tôi phụ trách. Một người đã rửa tội từ cuối tháng 6 vừa qua (Maria Lê Diễm Mi), một người vừa được cha Giuse Đinh Hữu Thoại rửa tội tại Tam Kỳ, Quảng Nam (Mary Huỳnh Thục Vy). Sáng hôm qua, chúng tôi rửa tội cho bốn người (Matthew Rchơm Sơ, Maria Đỗ Thị Mỹ Hạnh, Geradina Lê Thị Bích Vân và Maria Nguyễn Hoàng Vi). Rồi tuần sau, nếu không có gì thay đổi, chúng tôi sẽ rửa tội cho Monica Trịnh Kim Tiến.

Đối với Maria Diễm Mi, việc rửa tội là đương nhiên, vì nhiều năm nay cô đã đi lễ đều đặn hàng tuần. Việc gặp gỡ Chúa đã làm cho cô được giải thoát trước biết bao nhiêu nguy nan trong cuộc sống. Còn đối với Monica Kim Tiến thì chúng tôi muốn giữ bí mật để kể chuyện vào kỳ sau.

Kỳ này, chúng tôi chỉ kể về năm người kia.

Lý do theo đạo?

Trước khi lãnh nhận bí tích rửa tội hai tuần, Huỳnh Thục Vy viết cho chúng tôi: “Con tin rằng cuộc đời con người không phải do con người quyết định mà được. Lúc con bị bắt, con tự nhiên thấy mình luôn được chở che. Con chưa hiểu vì sao con lại có cảm giác ấy. Nhưng con hy vọng nếu có một Đấng cao vời mà con chưa từng biết thì con mong các cha giúp cho con một cơ hội để bước vào con đường nhận biết Ngài. Đó là những lời con nói thật lòng mình”.

Còn Nguyễn Hoàng Vi thì cho biết muốn theo đạo là muốn chu toàn đạo hiếu với ba: “Lúc đầu, con tìm về với Chúa chỉ vì muốn hoàn thành tâm nguyện của ba con ngày còn sống (vì ba con là người có đạo, mẹ thì không và con cũng không có đạo) chứ không hề có một cảm nhận gì về Chúa. Con chỉ nhớ ngày còn sống mỗi sáng mùng Một Tết hàng năm, ba vẫn thường một mình lặng lẽ dẫn con đi nhà thờ và có đôi lần ba đã nhắc nhở gia đình rằng: ‘Chỉ có con người bỏ Chúa chứ không bao giờ Chúa bỏ con người’. Lúc ba hấp hối, tâm nguyện của ba là mong các con mình tìm về với Chúa. Một ngày, khi đã mệt mỏi với những bon chen của cuộc sống, con dừng lại và mong muốn tìm về với Chúa để hoàn thành tâm nguyện của ba nhen nhóm lên trong suy nghĩ con một cách rất tự nhiên”.

Mỗi người mỗi cảnh, anh Rchơm Sơ thì cả gia đình đã theo đạo từ lâu, đến giờ học đại học ở Sài Gòn mới thấy mình phải tìm Chúa, thế là xin học đạo.

Cô dược sĩ Lê Thị Bích Vân là mẫu người khát khao tìm lẽ sống mãnh liệt. Cô nhận xét cuộc sống của mình: “Mâu thuẫn. Đấu tranh. Dục vọng và Lí trí. Đúng và sai. Nên và không nên. Luôn gồng mình lên để sống, đôi lúc tôi tưởng chừng như người điên. Và tôi luôn tìm, tìm kiếm hạnh phúc, sự bình yên trong tâm hồn. Hy vọng một nơi nào đó, một ai đó hoặc thậm chí là bất kì một thứ gì mở lối thoát cho tôi. Vì tôi muốn sống như đúng nghĩa là một cuộc sống”.

Chị Đỗ Thị Mỹ Hạnh là mẹ của hai người con, một đã đi làm, một đang học công nghệ thông tin. Chị là con của gia đình theo đạo Cao Đài, rồi khi lấy chồng thì về gia đình theo truyền thống Phật giáo. Đạo Cao Đài cũng tôn kính Đức Mẹ Maria, nên ngay từ bé chị đã thường cầu nguyện với Đức Mẹ. Đến khi có chồng có con, lúc hạnh phúc lúc buồn tủi, chị tìm đến với Đức Mẹ và mong muốn mình theo đạo nào mà có Đức Mẹ. Người em út của chị giới thiệu cho chị làm quen với những người Công giáo.

Động lực theo đạo nơi năm người này không ai giống ai, nhất là bốn trong năm trường hợp theo đạo không vì bổn phận của hôn nhân, mà thực sự muốn tìm một giá trị sống.

Niềm xác tín

Maria Nguyễn Hoàng Vi viết: “Một ngày, con bỏ ngang việc học giáo lý để xuất cảnh, kiếm kế mưu sinh cho gia đình thì con lại bị chính quyền cấm con xuất cảnh với lý do hết sức vớ vẩn. Ngay khi ấy, con tin rằng đó là ý định của Chúa muốn con trở về với tình yêu thương của Ngài. Những lúc lòng con cảm thấy bất an, bối rối nếu là trước đây con sẽ rơi vào tình trạng không lối thoát nhưng bây giờ qua lời dạy của cha, con cảm nhận được sự dạy bảo, chở che, ủi an của Chúa mà lòng lại cảm thấy bình an”.

Hoàng Vi, từ hơn một năm qua đã bị công an mật vụ vô cớ tấn công ba lần. Họ đẩy cô từ một người không quan tâm gì đến xã hội, đến truyền thông phải nhập cuộc để bảo vệ chính mình. Maria Nguyễn Hoàng Vi viết: “Mỗi khi đứng trước thế lực ma quỷ, con cảm nhận được nguồn sức mạnh vô cùng to lớn mà Chúa đã ban tặng cho con, giúp con vượt qua một cách an vui, không sợ hãi. Với những thủ đoạn và việc làm xấu xa mà chính quyền cộng sản làm với con chỉ vì con đòi hỏi tự do, dân chủ và nhân quyền. Trước khi đến với Chúa, con luôn sống trong lo sợ. Nhưng giờ đây mỗi khi họ làm việc xấu với con, làm cho con mất tất cả, cuộc sống bấp bênh, tính mạng luôn trong tình trạng nguy hiểm, họ tưởng rằng họ đã chiến thắng. Nhưng không! Đứng trước những gì họ đối xử với con, con lại cảm thấy bình an một cách lạ thường”.

Đối với Geradina Lê Thị Bích Vân, một dược sĩ, thì việc theo đạo đối với cô không phải lần đầu. Trước đây cô đã học, những sau đó không cảm thấy gì khá hơn, nên bỏ. Một thời gian sau, nhờ người chị, cô lại đến với lớp giáo lý đặc biệt của chúng tôi. Cô kể: “Những buổi học đầu tiên tôi không thỏa mãn về những điều mình được học. Hai tuần, tôi vẫn chưa có cái gì vào đầu”.

Phải hướng dẫn những người như thế này đối với chúng tôi thật là thú vị, chẳng phải nhờ họ mà chúng tôi đào sâu thêm hiểu biết của mình đâu, nhưng với kinh nghiệm, chúng tôi biết thế nào Chúa cũng làm một điều bất ngờ cho họ và đó là cách Chúa dạy chúng tôi về đức tin. Bích vân nói: “Ngày 16.05.2012, có một thứ đã làm tôi thay đổi – “Chúa YÊSU của con, con đã hiểu…” – tôi hiểu vì sao Người lại yêu thương chúng ta đến vậy, vì sao Người lại lấy thân mình để cứu chuộc chúng ta… Chúa của tôi, tôi yêu Người, yêu vô cùng. Nhìn Người trên thập giá tôi thấy lòng mình đau nhói”.

Đến giờ phút này, chúng tôi không thể nhớ đã nói gì, để rồi cái giây phút đó khiến Vân phải nhớ cả ngày tháng, như là cột mốc không thể quên trong cuộc đời, vì đã nhận ra Chúa Yêsu.

Chị Maria Đỗ Thị Mỹ Hạnh có kinh nghiệm khác hẳn các cô Vi và Vân. Chị kể: “Con chiêm bao thấy hình Mẹ có ánh hào quang. Con kể cho người em út nghe, và em con lại đem kể cho một chị có đạo, đó là chị Dung, hiện giờ chị trong lớp Kinh Thánh ở Mai Khôi và chị ấy đã dẫn con vào giờ sống nhóm ở nhà thờ Mai Khôi và con được chị Thu nhóm trưởng cho học giáo lý ở nhà thờ Chợ Quán. Học xong sắp rửa tội, thì con bị chồng mình cản trở, thế là con không được rửa tội vào đạo, lúc đó con buồn lắm nhưng nhờ các chị khuyên, cầu nguyện phó thác, chương trình của Chúa cứ dâng lên và xin một ngày đẹp lòng Chúa sẽ cho và con cũng làm theo”.

Riêng đối với Matthew Rchơm Sơ, anh này chọn ngay câu Lời Chúa của Chúa Yêsu nói trong vườn cây dầu, lúc sắp chịu nạn làm hướng sống: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái; nhưng xác thịt lại yếu đuối” (Mt 26, 41). Rồi anh nói: “Tôi vẫn âm thầm cầu nguyện và ở đó ánh hào quang xuất hiện trong tôi mà tôi không hề hay. Chúa luôn mời gọi tôi, Ngài luôn chỉ đường và khuyên bảo trong bước đường tôi đi, những lúc gian nan nguy khó hay ốm đau thì Ngài luôn ở bên cạnh để bảo vệ tôi như thể tôi thấy được tiếng nói của Ngài. Từ đó tôi nhận ra rằng tôi phải đến với Ngài, đến với Hội thánh Chúa, đến cảm nghiệm cuộc sống trong Ngài”.

Đức tin lớn lên

Trong thánh lễ cử hành tại Tam Kỳ, cha Giuse Đinh Hữu Thoại đã chia sẻ với cộng đoàn và chính Mary Huỳnh Thục Vy như sau:

“Đây là thời điểm khó khăn cho đời sống cá nhân cũng như đời sống quốc gia, chúng ta phải biết cậy dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa để chiến thắng ác thần (x. Ep 6, 12).

Với nước rửa tội, chúng ta chết cho tội lỗi, mặc cảm và những vướng bận với sự huỷ hoại trong cái chết của Người Công Chính – Yêsu Kitô, và tức khắc mang lấy sự sống mới của Thụ Tạo Mới – Yêsu Kitô. Đau đớn, khổ nhục và sự chết chỉ có thể đe doạ những ai còn quyến luyến với tội lỗi và còn muốn quy phục sự ác. Còn những ai tin vào sự sống mới – sự sống ấy đã đến rồi, mà hôm nay chúng ta chứng kiến trong người chị em sẽ được thanh tẩy – thì sẽ không còn sợ hãi, nhất là sợ những đe doạ của thế lực ác thần, dù núp dưới bất cứ danh hiệu nào.

Lời cầu nguyện và chúc lành của Kitô hữu không chỉ hữu hiệu cho những người đã tin, mà còn cho mọi người mà mình muốn hướng đến. Đó là ông bà, là mẹ, là những người thân yêu đã tạ thế lâu ngày tháng, và cả những người đang sống đang yêu thương mình. Người Kitô hữu có trách nhiệm hàng ngày dâng của lễ cầu nguyện và chúc lành cho mọi người và cho thế giới”.

Còn trong thánh lễ tại Sài Gòn sáng hôm qua, chúng tôi mời gọi mọi người nhìn lại hạt giống đức tin tiềm ẩn trong cuộc đời mỗi người trong nhân loại này. Hạt đức tin được gieo lúc thuận tiện cũng như khi không thuận tiện. Hạt đức tin lớn lên không ai hay biết cho đến lúc bừng sáng thì ai cũng ngạc nhiên. Bốn anh chị em đón nhận các bí tích gia nhập Kitô giáo hôm nay đều có kinh nghiệm đó.

An Thanh, CSsR

Ảnh:  Vũ Sỹ Hoàng

Phép Lạ Ngày 13 Của Tôi

Phép Lạ Ngày 13 Của Tôi

Sat, 15/10/2011                                             Anthony Lê Ngọc

                                                                    nguon: thanhlinh.net

  Vào khoản tháng 2 năm 2007, sau khi được bác sĩ kiểm nghiệm và xác nhận tôi đã bị chứng bệnh Ung thư gan vào thời kỳ thứ 4 ( tức là thời kỳ cuối của căn bệnh) . Tôi biết không còn hy vọng nhiều, tôi chỉ biết cầu nguyện phó thác vào sự quan phòng của Chúa và trông cậy vào Mẹ Maria, mặt khác tôi cố gắng làm mọi việc theo sự điều trị mà bác sĩ yêu cầu , vì tôi tin tưởng Chúa sẽ làm việc qua tay bác sĩ hoặc bằng một cách nào đó.
       Sau một thời gian trị liệu khoản 8 tuần lễ , bác sĩ cho biết thuốc đã không giúp gì cho bệnh gan của tôi, bác sĩ đưa cho gia đình tôi 2 điều kiện để chọn , vì ông đã bó tay với căn bệnh của tôi.
       Điều kiện 1 là sẽ ngưng điều trị vì thuốc đã không giúp được bệnh mà còn hành tôi đau đớn.
       Điều kiện 2 là sẽ thử loại thuốc khác (thuốc này ông biết là không giúp gì như thuốc kỳ trước) với lại sự phản ứng thuốc này mạnh gấp mươi lần .
       Tôi đã quyết định điều kiện 2 , vợ và các con tôi cũng ủng hộ theo tôi như vậy . Bên cạnh đó chúng tôi cầu nguyện nhiều hơn nữa , gia đình ở Việt nam của tôi cũng nhờ các Hội đoàn cùng cầu nguyện cho tôi. Hằng ngày chúng tôi thường lần chuỗi Lòng thương xót Chúa và chuỗi Mân côi. Chúng tôi đọc kinh chung qua mạng v..v…
        Và sau lần trị liệu tiêm thuốc đầu tiên của thuốc kỳ 2, trong người tôi đã không bị hành đau đớn như lời bác sĩ báo trước, nên ông đã cho tôi tiêm thuốc thêm liền tuần lễ kế tiếp (thay vì tiêm 1 tuần và nghỉ 3 tuần rồi mới tiêm lại theo chu kỳ ). Và tôi được tiêm 2 tuần rồi nghĩ 1 tuần.
        Cho đến ngày 13 tháng 5 năm 2007 , chúng tôi cũng cầu nguyện như thường lệ , khi tái khám lại ngày 14 tháng 5 2007, thì bác sĩ xác nhận tôi đã qua thời kỳ nguy hiểm, vì cục bứu ung thư đã teo dần và sức khỏe tôi đang tiến triển tốt hơn. Tôi biết Chúa đang làm viêc trên căn bệnh của tôi qua lời cầu bàu của Mẹ.
        Tôi muốn chia sẽ niềm vui này của tôi để ca ngợi Thiên Chúa và Mẹ Maria. Không phải chỉ lần này mà đã nhiều lần trong đời tôi được ơn vào ngày 13.
        “GiêSu , Maria , Giuse , con mến yêu. xin cứu chữa các bệnh nhân.”

Anthony Lê Ngọc

TRƯỚC THIÊN CHÚA

TRƯỚC THIÊN CHÚA

                                                tác giả:  CHU TẤT TIẾN

 

Trước Thiên Chúa,

Giá trị Con Người không bằng hạt cát biển kia

Cho dù có thiên tài hay vua chúa, đội mão, đi hia

Chỉ một cơn sóng lên, đã không còn hiển hiện

Dù là Roosevelt, Churchill,  Stalin, Hitler, các thiên tài hùng biện

Hay  Goebbels,  Mussolini, hoặc Francisco Franco

Những triết gia lừng danh Marx, Nietzsche, Socrates, Plato

Những khoa học gia Einstein, Pascal, Von Braun, Pasteur

Người chế bom Nguyên Tử: Robert Oppenheimer

Những anh hùng lẫm liệt Bonapart, Charlemagne, Afred the Great,

Hay Henri V, Joan of Arc, Tào Tháo, Justinian the Great

Và những người khai phá Darwin, Rousseau, Columbus..

Tất cả, tất cả đã đi vào một chỗ “MUST”

Đó là HƯ VÔ, ẢO ẢNH, VÔ THƯỜNG

Dáng dấp xưa được ca ngợi, nay chỉ còn xương

Hay đã thành bụi, chờ một cơn gió thổi qua, tan biến.

Trước Thiên Chúa,

Núi lửa cũng chỉ là một ánh đèn điện

Sóng thần cao ngút là sóng hồ bơi

Động đất 8 độ Richter: một lần Ngài thở hơi

Vì tất cả vũ trụ là đồ chơi của Thượng Đế.

Trước Thiên Chúa,

Hạnh phúc, khổ đau, vinh quang, khoe mẽ

Trống trận, kèn vang, các Tu Sĩ với lọng vàng

Từng đoàn hùng binh, tiếng hát vang vang

Cũng chỉ là một cơn mưa sa mạc

Ầm ĩ đấy, rồi phút sau tan tác

Xác người chồng lên như cỏ rạc đêm sương

Bao mộng mơ, ân oán, yêu thương

Một giây phút bỗng trở thành mộng ảo

Đã biết bao công trình kiêu ngạo

Vút tận trời rồi chốc lát thành tro

Titanic kiêu hùng hơn triệu giấc mơ

Tưởng vĩnh viễn, ai ngờ chìm đáy biển

Tòa tháp đôi, biểu trưng của thành công hiện diện

Nay còn đâu? Một khoảng trống thiên thu…

Trước Thiên Chúa,

Mắt nhân loại như đui mù

Không nhìn thấy tương lai toàn thế giới

Không nhìn thấy đời mình trong bước tới

Sẽ hụt chân? Vấp ngã? Chết như chơi…

Biết bao triệu người, khi chết vẫn mỉm cười

Vì phút trước, đang hân hoan, vui sướng

Mới mua xe, vừa cưới vợ, vinh thăng Tướng

Vừa đậu xong, mới trúng số, trúng đề

Bao tuổi xuân mà nhựa sống tràn trề

Cũng nhắm mắt cùng trưởng huynh lọm khọm

Trước Thiên Chúa,

Nếu con người không tự mình bé mọn

Không khiêm nhường, sống giản dị, tránh bon chen

Không biết chìa tay với kẻ đứng bên

Không chia xẻ với người già, yếu đuối

Không hiếu thảo, yêu thương, sám hối

Thì bất ngờ…. đời sẽ biết về đâu?

Một hôm nào, tóc bạc, yếu đau

Chân run rẩy, mong một nụ cười bên cạnh

Sẽ thấy… ôi! Cuộc đời sao ghẻ lạnh!

Chẳng ai thương, cho ly nước cầm hơi

Rồi lúc trái tim cảm thấy rã rời

Lo sợ, hãi hùng, thì… chao! Đã trễ..

Những kẻ ác tâm sẽ kinh hoàng muôn vẻ

Vì khi xưa từng nhạo báng loài người

Giờ thấy lừng lững Thần Chết đến nơi..

Muốn cúi lạy cũng không còn kịp giấc…

Vậy, trước Thiên Chúa

Xin chân thành lột xác

Chỉ biết Yêu Người, giúp đỡ tha nhân

Giúp người bần hàn, dù chẳng thiết thân

Những người đấu tranh cho Tự Do, Dân Chủ

Giúp quê hương được an vui ngày cũ

Để mai sau, thanh thản chốn quê nhà

Và yên vui những ngày cuối an hòa

Bên những nụ cười, đầy tình yêu chất ngất…

CHU TẤT TIẾN

Tháng 6, 2012

 

Đức Cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận: chứng nhân tình yêu và hi vọng

 

 Đức Cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận: chứng nhân tình yêu và hi vọng

 July 20, 2012

                                                                                            Thiên Triệu giới thiệu

 

WHĐ (19.07.2012) – Hãng thông tấn Zenit đã có cuộc trò chuyện với tiến sĩ Waldery Hilgeman, cáo thỉnh viên trong tiến trình phong chân phước cho Đức Cố hồng y Phanxicô Xaviê. Khi được hỏi về điều gì gây chú ý nhất trong cuộc đời của ngài, ông nói: “Điều đánh động tôi trong linh đạo của ngài là tình yêu liên lỉ đối với tha nhân. Ngài bị cầm tù và khi ở trong tù, ngài vẫn không ngừng yêu thương những người bách hại ngài, từ những viên chức cao nhất của chế độ đến anh lính canh thấp bé nhất”.

Đức hồng y Văn Thuận là Tổng giám mục phó Tổng giáo phận Sài Gòn khi thành phố này bị cộng sản kiểm soát năm 1975. Không lâu sau đó, ngài bị giam giữ trong trại cải tạo suốt 13 năm. Theo tiến sĩ Hilgeman, ngài là một tù nhân phải chịu sự bất công, “theo nghĩa là đã không có sự tố cáo thực sự, cũng không có xử án, kể cả bản án. Do đó có thể nói rằng đối với chúng tôi, ngay cả việc ngài bị tố cáo về tội gì cũng là một vấn đề. Trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ, có nhiều khía cạnh dẫn đến việc coi vị giám mục này là người nguy hiểm cho chế độ, một chế độ trống rỗng như chế độ cộng sản. Tuy nhiên đã không có sự tố cáo chính thức nào.”

Trong thời gian bị giam cầm, ngài đã bí mật viết những sứ điệp cho các tín hữu, nhiều năm sau này được gom góp lại và xuất bản. Trong những sứ điệp này, Đức hồng y Văn Thuận nhận ra ngay từ đầu rằng “Thiên Chúa đòi hỏi ngài hiến dâng tất cả cho Chúa, từ bỏ mọi sự và sống cho Chúa”. Hilgeman nói: “Vì Đức hồng y đã hiểu được rất mạnh mẽ điều này – đặc biệt trong giai đoạn bị cầm tù – là: công việc của Chúa là chính Chúa. Là tổng giám mục phó, ngài đã sống cho những công việc của Chúa. Và ngài nhận ra rằng khi bị cầm tù, Chúa đòi hỏi ngài rời bỏ công việc để chỉ sống cho Chúa mà thôi”.

Về những giai thoại trong thời gian Đức hồng y bị cầm tù, tiến sĩ Hilgeman nhắc lại sự hoán cải của nhiều lính cai tù. Ông nói: “Bằng tình yêu hoàn toàn cho họ, Đức hồng y đã cho thấy thế nào là tình yêu của Đức Kitô. Không được giảng, không thể trực tiếp nói với những người này về Đức Kitô, nhưng bằng mẫu gương của Đức Kitô nhập thể, ngài đã có thể hoán cải họ, đây là điều rất độc đáo”. Do bối cảnh chính trị của Việt Nam, thật khó để phỏng vấn những người lính canh này, nhưng vị cáo thỉnh viên cho biết chứng từ của những người này có thể được đưa vào tiến trình điều tra.

Đức hồng y Nguyễn Văn Thuận được ra khỏi trại giam năm 1988 mặc dù vẫn bị quản thúc tại gia. Ngài được phép đi Rôma năm 1991 nhưng không được trở lại Việt Nam cho đến năm 2001 khi ngài được vinh thăng hồng y. Nói về những đóng góp của Đức hồng y trong tư cách là Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình, tiến sĩ Hilgeman cho rằng Chúa đã chuẩn bị cho Đức hồng y vào tác vụ của ngài tại giáo triều Rôma. “Có thể nói rằng với việc ngài đến Rôma, chúng ta hiểu rõ hơn những biến cố trong đời ngài. Vai trò của Hội Đồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình là vai trò cực kỳ nhạy cảm, vì phải quan tâm nhiều đến kinh tế, công lý, nạn đói trên thế giới, hòa bình, tình liên đới và những điều tương tự; nghĩa là bao hàm toàn bộ giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Do đó, một giám mục đến từ một xã hội rất nghèo như Việt Nam lúc đó, và là người đã từng bị cầm tù, đã trải nghiệm nơi chính bản thân sự bất công của thế gian chỉ vì mình là người công giáo. Chắc chắn là Chúa Giêsu đã chuẩn bị cho Đức hồng y rất tốt để ngài làm nhiệm vụ tại Rôma”.

Đức hồng y Nguyễn Văn Thuận đã qua đời tại Rôma vào tháng 9 năm 2002 vì bệnh ung thư. Nói về tiến trình phong chân phước, tiến sĩ Hilgeman cho biết đã phỏng vấn trên 130 nhân chứng, từ các hồng y và giám mục cho đến tu sĩ và giáo dân. Theo ông, tiến trình đang diễn ra rất tốt.

Về việc nhiều tín hữu đạo đức hi vọng Đức hồng y Nguyễn Văn Thuận sẽ được phong thánh, vị cáo thỉnh viên suy nghĩ những lời Đức hồng y nói về hi vọng: “Trong các tác phẩm và bài viết của ngài, có một từ mà ngài thường xuyên nhắc đến, và xem ra những chứng nhân cũng nói như thế khi đến trước Tòa án Rôma, đó là Hi Vọng, đừng đánh mất hi vọng vào Chúa. Và có lẽ ngài sẽ được gọi là vị thánh của hi vọng

nguồn: Từ Maria Thanh Mai gởi

Sự Bình Yên

Sự Bình Yên

 

Một vị vua treo giải thưởng cho họa sĩ nào vẽ được bức tranh đẹp nhất về sự bình yên. Nhiều họa sĩ đã cố công.. Nhà vua ngắm tất cả những bức tranh, nhưng ông chỉ thích có hai bức, và phải chọn lấy một.

 

Trong hai bức tranh đó, một bức tranh vẽ hồ nước yên ả. Mặt hồ là tấm gương tuyệt mỹ với những ngọn núi cao chót vót bao quanh. Bên trên là bầu trời xanh với những đám mây trắng bồng bềnh, trôi lững lờ. Tất cả những ai ngắm bức tranh đều cho rằng đây là một bức tranh bình yên thật hoàn hảo. Bức tranh thứ hai cũng có những ngọn núi, nhưng là những ngọn núi trần trụi và lởm chởm đá. Bên trên, bầu trời giận dữ đổ mưa như trút, kèm theo sấm chớp ầm ầm. Bên vách núi là dòng thác cuồn cuộn nổi bọt trắng xóa. Thật chẳng bình yên chút nào! Nhưng sau khi nhà vua ngắm nhìn, ông thấy đằng sau dòng thác là một bụi cây nhỏ mọc lên từ khe nứt của một tảng đá. Nơi đó, giữa dòng thác trút nước xuống một cách giận dữ, có con chim mẹ đang thản nhiên đậu trên tổ của mình, bên cạnh đàn chim con ríu rít… Bình yên thật sự… “Ta chấm bức tranh này!” – nhà vua công bố. “Sự bình yên không có nghĩa là không ồn ào, không giận dữ. Bình yên có nghĩa là ngay chính khi đang ở trong phong ba bão táp, ta vẫn cảm thấy còn có sự yên tĩnh hiện diện trong trái tim mình. Đó mới là ý nghĩa thực sự của sự bình yên”.

                                                                      *   *   *

…Có khi nào bạn cảm thấy thật cô đơn, mặc dù xung quanh bạn vô cùng ồn ào, náo nhiệt? Bởi vì bạn chẳng nhận được chút thân thiện nào từ đám đông ấy cả… …Nhưng cũng có lúc bạn cảm thấy vô cùng ấm áp, hạnh phúc, dù bên cạnh bạn chỉ có một người? Đó là khi trái tim bạn vừa nhận được một tín hiệu thân thương từ người ấy – một người mà bạn vô cùng yêu mến…

Mh

Padre Pio, vị đại thánh của Đức Mẹ Fatima

Padre Pio, vị đại thánh của Đức Mẹ Fatima  

7/16/2012                                                                 Lm. Nguyễn Hữu Thy

                                                                                                   trích: Vietcatholic.net

Cách đây đúng 125 năm, vào ngày 25.5.1887, Padre Pio, một tu sĩ Dòng Kapuziner (một chi nhánh của Dòng Phanxicô), cất tiến khóc chào đời tại xứ đạo Pietrelcina thuộc tỉnh lẻ Benevent, Kampanien, miền Nam Ý. Vì cha mẹ ngài vốn có lòng tôn kính thánh Phanxicô Assisi đặc biệt, nên khi đem con đi rửa tội, các ngài đã lấy tên thánh Phanxicô để đặt tên cho con. Và như vị đại thánh, Đấng sáng lập Dòng các Anh Em Hèn Mọn, đã từng canh tân và củng cố đức tin Kitô giáo trong thời trung cổ một cách sâu rộng và hiệu quả, Padre Pio cũng là một trong các vị đại thánh của Giáo Hội trong thời tân tiến ngày nay. Qua lời khuyên bảo và giảng dạy, qua đời sống thánh thiện và qua các hành động lạ lùng của ngài, vị tu sĩ đơn sơ thuộc Dòng Kapuziner ở San Giovanni Rotondo này đã dẫn đưa hằng triệu người trở lại với đức tin của Giáo Hội. Và thánh Padre Pio – cũng như thánh Phanxicô, Đấng sáng lập Dòng, đã được diễm phúc mang 5 dấu đanh của Chúa trên mình – rất có lòng yêu mến Mẹ Maria và hằng ngày lần hạt Mân Côi kính Đức Mẹ. Nhất là đối với Đức Mẹ Fatima, Padre Pio đã có một mối liên lạc hết sức đặc biệt. Cách đây mười năm, vào ngày 16.6.2002, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tấn phong Padre Pio lên bậc Hiển Thánh.  

 

 Vào ngày 24.4.1959 Padre Pio bị lâm trọng bệnh. Nhưng ngày hôm ấy cũng chính là ngày tượng Đức Mẹ Fatima thánh du đến nước Ý, để trong nhiều tháng tiếp sau đó lần lượt được hàng vạn tín hữu cung nghinh và chào đón tại nhiều Thánh Đường ở các thành phố khác nhau trên lãnh thổ nước Ý. Bắt đầu từ ngày ấy trở đi, bệnh tình của Padre Pio mỗi ngày mỗi thêm trầm trọng. Các bác sị chuẩn đoán là ngài bị bệnh sưng phổi và bị ung nhọt trong phổi. Bệnh tình khiến cha không còn có thể cử hành Thánh Lễ hay ngồi tòa giải tội được nữa. Và ngày 6.4.1959, khi tượng Đức Mẹ Fatima thánh du được nghinh đón tại San Giovanni Rotondo, nơi cha Pio ở, và dừng lại ở đây trong vòng mấy tháng trời. Cha Pio đã đón nhận tin vui đó như một „ơn đặc biệt“. Vì thế, bắt đầu ngày 27.7.1959, cha đã làm Tuần Chín Ngày để kính nhớ cuộc thăm viếng của Đức Mẹ.

Ngày 6.8.1959, các Thầy Dòng trong Tu Viện đã chở Padre Pio vào phòng thánh nhà thờ Tu Viện để cha có thể chào kính tượng Đức Mẹ Fatima. Dù đang bị bệnh nặng, cha cũng đã cố gắng đem hết sức lực để âu yếm ôm hôn tượng Đức Mẹ và dâng kính Đức Mẹ một chuỗi tràng hạt. Nhưng vì sức khỏe quá yếu, nên Padre Pio đã không thể ở lại lâu bên tượng Đức Mẹ được. Vào buổi chiều cùng ngày, khi chiếc trực thăng cất cánh để chở tượng Đức Mẹ tới một Nhà Thờ khác, cha Pio đã xin các anh em Tu Sĩ trong Dòng giúp đưa ngài đến bên cửa sổ phòng của ngài, để ngài có thể giả từ tượng Đức Mẹ thánh du. Khi nhìn chiếc trực thăng chở tượng Đức Mẹ cất cánh bay lên, cha đã không cầm nỗi nước mắt. Cha đã khóc và thầm thì cầu nguyện: „Lạy Mẹ dấu yêu, Mẹ đã tới thăm nước Ý còn con thì đau ốm. Nhưng bây giờ Mẹ lại ra đi, Mẹ muốn bỏ lại con cứ đau ốm thế này một mình sao?“. 

 

 Trong giây lát ấy, bỗng chốc người phi công tự nhiên quay trực thăng lại và bay ba vòng trước cửa sổ phòng Padre Pio, rồi mới bay đi luôn. Sau này chính vị sáng lập Đạo Binh Xanh Đức Mẹ người Ý lúc bấy giờ cũng ngồi trong chiếc trực thăng ấy đã kể lại: „Lúc ấy khi chúng tôi vừa cho trực thăng bay lên và định bay đi luôn, thì người phi công bỗng vặn tay lái cho chiếc trực thăng quay trở lại và bay đi lượn lại trên Tu Viện San Giovanni Torondo mấy vòng nữa rồi mới bay đi hẳn. Thấy vậy tôi đã hỏi người phi công là tại sao anh lại hành động như thế, thì anh đã trả lời là có một sức mạnh vô hình bắt anh phải quay trực thăng lại và bay vòng trên cửa sổ Tu Viện, nơi Pdre Pio đang đứng.“ Và trong khi chiếc trực thăng chở tượng Đức Mẹ bay mấy vòng đặc biệt trước cửa sổ vòng cha Pio ở như thế, thì đã xảy ra một hiện tượng lạ lùng: Cha Pio hoàn toàn được khỏi bệnh. Sau này, cha giải tội của Padre Pio tường trình: „Trong lúc bấy giờ, cha Pio cảm thấy trong mình tràn ngập một sức mạnh vô hình và ngài đã gọi các Thầy lại và nói: „Tôi đã được khỏi bệnh rồi! Đức Mẹ Fatima đã chữa lành cho tôi. Khi đứng ở cửa sổ tôi cảm thấy khắp các xương cốt trong người run lên và tôi lập tức được khỏi bệnh.“ Và về sau, ngài còn kể: „Tôi cảm tạ Đức Trinh Nữ Fatima. Trong chính ngày Đức Mẹ giả từ chúng ta ở đây, tôi lại cảm thấy trong người rất dễ chịu.“ Quả thật, từ giây phút ấy trở đi, Padre Pio lại khỏe mạnh bình thường như thể ngài chưa bao giờ bị bệnh tật gì cả.

Khi một phóng viên hỏi ngài là tại sao Đức Mẹ được chở từ Fatima bay sang San Giovanni Torondo mà lại không tới thánh địa nổi danh tôn kính Tổng lãnh Thiên Thần Michael tại núi Sant´Angelo ở gần đó, thì người tôi tớ Chúa đã trả lời một cách hết sức đơn sơ dí dỏm: „Đức Mẹ Fatima đến San Giovanni Torondo là vì Đức Mẹ muốn chữa bệnh cho cha Pio.“

Trong suốt đời ngài, thánh Padre Pio luôn gắn bó mật thiết với Đức Mẹ Fatima và sứ điệp của Mẹ. Padre Pio đã sống và thực thi lời kêu mời của Mẹ „Các con hãy lần hạt Mân Côi hằng ngày“ một cách rất nghiêm chỉnh. Vì thế, người ta nhìn thấy thánh nhân luôn cầm tràng chuỗi Mân Côi trong tay, và ở bất cứ nơi nào ngài đến, thánh nhân đều quảng bá phép lần hạt Mân Côi. Có lần một khách hành hương nữ nói với ngài: „Thưa cha, người ta nói rằng ngày nay mà còn lần hạt Mân Côi là không hợp thời, và trong nhiều nhà thờ người ta cũng bỏ không còn lần hạt nữa.“ Padre Pio đã trả lời: „Chúng ta hãy làm điều cha ông chúng ta đã từng làm, rồi mọi sự lại tốt đẹp thôi“. „Nhưng Satan đang thống trị thế giới“, người khách hành hương nữ đáp lại. Bấy giờ Padre Pio liền nói: „Bởi vì thế giới muốn để cho Satn cai trị mình! …Ai siêng năng cầu nguyện, thì được rỗi, còn ai lười biếng cầu ngyện, thì sẽ gặp nguy hiểm. Còn những người không hề cầu nguyện, sẽ mất linh hồn.“

Ngày 23.9.1968, khi đang trong cơn hấp hối tại Tu Viên San Giovanni Torondo, cha Pio đã thì thầm nói với các anh em Tu Sĩ của ngài: „Anh em hãy yêu mến Mẹ Maria và hãy truyền bá tình yêu ấy ra cho mọi người! Hãy luôn luôn lần hạt Mân Côi!“

Đó là những lời cuối cùng, và đồng thời cũng là những trăn trối của của Padre Pio, của một đại thánh thời đại chúng ta ngày nay. Và tất nhiên, trong lúc hấp hối thánh nhân vẫn cầm chặt trong tay chuỗi tràng hạt Mân Côi và ngài sẽ cầm chặt như thế mãi cho tới khi vượt qua biên giới cuộc đời tạm bợ này để bước vào cuộc sống vĩnh cửu trên Quê Trời, vì ngài là một vị đại thánh của Đức Mẹ Fatima!

(Trích từ Nguyệt San „Fatima Ruft“, 2/2012, số 217)

Lm Nguyễn Hữu Thy

Khoa học làm sáng tỏ bí mật Đức Mẹ Guadalupe sau hơn 400 năm

Khoa học làm sáng tỏ bí mật Đức Mẹ Guadalupe sau hơn 400 năm

Đăng bởi cheoreo1 lúc 3:30 Sáng 17/07/12

                                                                                               nguồn: chuacuuthe.com 

 

 

VRNs (17.07.2012) – all-about-the-virgin-mary  – Một ngày đẹp trời 12-12-1531, Juan Diego – một trong những người gia nhập Công giáo sớm nhất ở Mexico – không thể mơ có một ngày ông lại có thể được đặt trên bàn thờ cho Giáo Hội hoàn vũ tôn kính.

Juan Diego trên đường tới nhà thờ sáng sớm hôm đó thì ông lại nghe tiếng nói ngọt ngào của một Phụ Nữ Đẹp hiện thực trước mắt mình tại chân đồi Tepeyac ở ngoại ô TP Mexico vào hai ngày trước.

Phụ Nữ Đẹp ấy lặp lại ước muốn của Bà là có một teocali (nhà nguyện) được xây nơi Bà hiện ra. Juan Diego nói với Phụ Nữ Đẹp rằng ĐGM Juan Zumarraga đòi bằng chứng xác thức về yêu cầu này. Đức Mẹ đã bắt buộc. Theo hướng dẫn của Đức Mẹ, Juan Diego lấy một bó hoa hồng Castilian mà Đức Mẹ xếp trên tilma (khăn choàng) của Người. Ông sẽ đưa bó hoa hồng đó cho ĐGM. Những đóa hồng Castilian lạ lùng nở vào mùa Đông! Juan Diego vội vã đến gặp ĐGM. ĐGM và mọi người có mặt đều sửng sốt trước những đóa hồng thơm ngát khi Juan Diego mở khăn choàng ra và có hình vẽ một Phụ Nữ Đẹp cao 143 cm với nước da hơi sẫm.

Đó là câu chuyện hay về Đức Mẹ Guadalupe. Hình ảnh Đức Mẹ được bao quanh bằng những tia nắng, dưới chân Đức Mẹ có vầng trăng lưỡi liềm và một thiên thần nâng Đức Mẹ lên. Đức Mẹ mặc áo choàng màu xanh có những ánh sao vàng, bên trong là áo dài hồng kết những nụ hồng viền vàng. Chiếc đai lưng màu đỏ tía thắt quanh eo như các thai phụ Aztec vẫn sử dụng.

Đức Mẹ yêu cầu Juan Diego gọi Đức Mẹ là coatloxopeuh (theo tiếng Aztec Ấn độ ở vùng Nahuatl nghĩa là “người đạp rắn”). Về lịch sử, đó là một phần văn hóa Aztec thời đó, hàng năm có ít nhất 20.000 đàn ông, phụ nữ và trẻ em làm vật hy sinh tế thần. Nhờ Đức Mẹ Guadalupe hiện ra với Juan Diego, hàng triệu người đã trở lại Kitô giáo, như vậy việc đạp con rắn là sự sùng bái thần tượng (idolatry). Khăn choàng đầu của Juan Diego được làm bằng sợi thô, không hoàn toàn thích hợp để vẽ. Nghiên cứu khoa học đã tìm hiểu khăn choàng đó từ năm 1666 với các họa sĩ, bác sĩ và khoa học gia. Các phát hiện của họ cho thấy như sau: Các đặc điểm lạ lùng của hình ảnh đó vượt ngoài tầm hiểu biết của khoa học; hình ảnh đó không thể do con người vẽ; màu sắc “kết hợp chặt chẽ” vào thớ vải; chất màu được dùng không rõ nguồn gốc. Hơn nữa, tấm khăn choàng đó làm bằng sợi đặc biệt, chỉ có loại đó còn sau 476 năm.

Renzo Allegri, trong bài viết Messenger of Saint Anthony (Sứ giả của Thánh Antôn), cho biết rằng hiện tượng gây ngạc nhiên nhất đã gợi sự tò mò khoa học quan tâm hình ảnh Đức Mẹ Guadalupe, quan tâm cái gì đã được phát hiện trong đồng tử mắt của Đức Mẹ. Năm 1929, Alfonso Gonzales, nhiếp ảnh gia của Đền thờ Guadalupe, sau khi nghiên cứu âm bản phim, thấy rằng cái có vẻ là hình ảnh rõ nét một đàn ông có râu phản ánh ở mắt bên phải. Sau hơn 20 năm, một nhiếp ảnh gia khác của Đền thờ Guadalupe là Carlos Chavez đã tuyên bố rằng ông thấy một hình người trong mắt bên trái và mắt bên phải của Đức Mẹ Guadalupe. Từ năm 1956 tới 1958, Rafael Torija Lavoigner thực hiện 5 cuộc nghiên cứu, dùng các loại kính lúp và kính soi đáy mắt (ophthalmoscopes), ông xác nhận có hình người trong hai mắt của Đức Mẹ.

Hiện tượng lạ như vạy trở nên “giật gân” hơn khi mắt Đức Mẹ được nghiên cứu khi dùng các kỹ thuật tinh vi hơn có nối kết với máy vi tính.

Năm 1979, TS Jose Aste Tousman, một kỹ sư giỏi chuyên ngành vi tính ở Hoa Kỳ, đã đến Mexico. Ông là một trong các nhà nghiên cứu hàng đầu về mắt của Đức Mẹ Guadalupe. Allegri viết rằng công việc của TS Tousman làm trong 23 năm là điều khác thường; ông đã dùng các thiết bị cập nhật hóa và tinh vi nhất, các loại mà NASA vẫn dùng để giải mã hình ảnh chụp qua vệ tinh. TS Tousman phóng to hình ảnh mắt của Đức Mẹ Guadalupe tới 2.500 lần, dùng 25.000 màu để minh họa cho mỗi mm vuông.

Sau khi chọn lọc và xử lý hình ảnh kỹ thuật số, TS Tousman phát hiện toàn cảnh được “chụp” trong mắt của Đức Mẹ Guadalupe. Trong đó có khoảng 11 người. Có một người Mexico ngồi xếp hai chân và tóc dài được tết thành đuôi sam. Kế ông là một người đàn ông lớn tuổi, hói đầu, râu trắng, mũi thẳng, lông mày rậm và dài xuống hai má. Đặc điểm này được xác định là ĐGM Juan Zumarraga. Bên trái là người phiên dịch, tức là Juan Gonzales. Có một ông già có râu và ria, mũi to kiểu người La Mã, gò má cao, mắt sâu và môi nửa khép nửa mở – rõ ràng là người Ấn Độ bản xứ – đang mở khăn choàng khi ông quay mặt về phía ông già. Rõ ràng là Juan Diego, đam những đóa hồng trong khăn choàng cho ĐGM. Cũng có những người khác không xác định gồm cha mẹ, ông bà, và 3 đứa trẻ.

Mắt Đức Mẹ đã “chụp” lại tất cả, vì Đức Mẹ biết sự hạn chế của khoa học kỹ thuật thời đó. Đức Mẹ biết điều này sẽ được phát hiện vài trăm năm sau, khi con người có thể sáng chế các thiết bị tiến bộ.

Sứ điệp của Đức Mẹ Guadalupe là gì qua các phát hiện khoa học kỹ thuật? TS Aste Tousman có phản ánh này. Sự hiện diện của những người không xác định kia có thể là sự nhấn mạnh vào tầm quan trọng của gia đình và các giá trị gia đình. Hai người đàn ông da trắng và những người Ấn Độ là sự hiện diện của các dân tộc, có thể đó là việc cảnh báo về việc chống phân biệt chủng tộc và là lời kêu gọi tình huynh đệ. Phát hiện này là lời mời gọi dùng kỹ thuật để phát triển Lời của Đức Kitô.

Juan Diego đã được chân phước Gioan Phaolô II phong thánh tại Mexico. Con người Ấn Độ khiêm nhường và giản dị này không thể nghĩ rằng Phụ Nữ Đẹp Guadalupe mà ông đã nói chuyện ở đồi Tepayac sẽ có nhiều bí mật khác được phát hiện như ngày nay, dự trữ cho các thế hệ tương lai. Trong cách nghĩ đơn giản của ông, ông không thể hiểu thấu điều này. Đủ để nói rằng ông đã vâng lời và yêu mến Đức Mẹ, Đức Mẹ cũng yêu ông vì ông có tâm hồn giản dị và thanh khiết.

Điều này có thể lạ đới với một khoa học gia, nhưng với tôi, bức ảnh gốc thật kỳ lạ. Nghiên cứu hình ảnh là công việc thú vị của đời tôi. Càng nghiên cứu tôi càng có cảm giác lạ như khi nghiên cứu Khăn liệm Turin. Tôi tin cách giải thích hợp lý tới một mức nào đó. Nhưng không có cách giải thích hợp lý đối với cuộc sống. Người ta có thể chia sự sống thành các nguyên tử, nhưng sau đó thì sao? Ngay cả bác học Einstein cũng chân nhận là CÓ THIÊN CHÚA.

PHILIP CALLAHAN (*)

TRẦM THIÊN THU

(Chuyển ngữ từ all-about-the-virgin-mary.com)

(*) Giáo sư Philip Callahan là khoa học gia xuất chúng, ĐH Florida.

10 BÍ QUYẾT GIỮ TÂM BÌNH AN

10 BÍ QUYẾT GIỮ TÂM BÌNH AN
 
 

 

 Sưu tầm

1.  Giảm thời lượng đọc sách báo, xem ti vi.

2.  Tránh xa những cuộc đối thoại tiêu cực và người tiêu cực.

3.  Đừng ôm ấp hận thù và sự giận dữ. Học cách quên lãng và biết tha thứ.

4.  Đừng ganh tị với người khác. Ganh tị có nghĩa là chúng ta có tự trọng thấp, và tự xem mình thấp hơn người khác. Điều nầy một lần nữa làm cho thiếu vắng sự an bình nội tại.

5.  Hãy chấp nhận những gì không  thể thay đổi. Điều nầy tiết kiệm rất nhiều thời gian, năng lượng và lo lắng.

6.  Mỗi ngày chúng ta đối diện với vô số sự phiền phức, sự cáu kỉnh, và những tình trạng ngoài sự kiểm soát. Nếu chúng ta có thể thay đổi chúng,điều ấy thật tốt, nhưng điều nầy không phải luôn luôn có thể thực hiện chúng, phải học gói ghém những thứ như vậy và chấp nhận chúng một cách thân ái..

7.  Hãy học kiên nhẫn hơn và tha thứ bao dung hơn với con người và sự việc.

8.  Đừng ôm lấy mọi thứ một cách quá cá nhân, một số cảm xúc và vô tư tinh thần là đáng mong ước. Hãy cố gắng nhìn cuộc đời chúng ta và những người khác hơi vô tư hơn và ít liên lụy hơn. Vô tư không phải là dững dưng, thiếu sự thích thú hay lạnh lùng. Nó là khả năng để suy nghĩ  và phán đoán công bằng, hợp lý. Đừng lo lắng nếu chúng ta thất bại lần nầy rồi lần nữa trong biểu hiện vô tư. Hãy giữ sự cố gắng .

9 .  Hãy để dĩ vãng trôi vào quên lãng. Hãy quên đi quá khứ và tập trung vào giây phút hiện tại. Không cần phải khơi dậy ký ức không vui và tự đắm mình trong chúng.

10 . Thực hành một số bài thực hành tập trung. Điều nầy giúp chúng ta loại bỏ những suy tư không vui và lo lắng phiền muộn đã đánh cắp tâm tư hòa bình của chúng ta. Hãy thực hành Thiền quán. Ngay cả một vài phút trong một ngày sẽ làm nên sự thay đổi trong đời sống của chúng ta.


nguồn: Maria Thanh Mai gởi

Ðức Bà Núi Camêlô

Ðức Bà Núi Camêlô

                                                                                                         16 Tháng Bảy

Từ thế kỷ 12, ở núi Camêlô đã có các vị ẩn tu sống gần một suối nước mà Tiên Tri Elijah từng sinh sống ở đây. Họ xây một nguyện đường dâng kính Ðức Mẹ. Cho đến thế kỷ 13, họ được gọi là “Các Tiểu Ðệ của Ðức Bà Núi Camêlô.” Sau đó, họ dành một ngày đặc biệt để mừng kính Ðức Maria. Vào năm 1726, ngày lễ ấy trở nên chính thức trong Giáo Hội hoàn vũ dưới tên Ðức Bà Núi Camêlô. Qua nhiều thế kỷ, các tu sĩ Camêlô tự coi mình có liên hệ đặc biệt với Ðức Maria. Các thần học gia và các thánh vĩ đại của dòng Camêlô thường cổ động lòng sùng kính Ðức Maria và bênh vực cho đặc tính Vô Nhiễm Nguyên Tội của Ðức Maria.

Thánh Têrêsa Avila gọi Dòng Camêlô là “Dòng của Ðức Trinh Nữ.” Thánh Gioan Thánh Giá cho rằng Ðức Maria đã cứu ngài khỏi chết đuối khi còn nhỏ, đã dẫn dắt ngài đến dòng Camêlô và đã giúp ngài thoát khỏi tù ngục. Thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu tin rằng Ðức Maria đã chữa ngài khỏi bệnh. Vào ngày Rước Lễ Lần Ðầu, ngài dâng mình cho Ðức Maria. Trong những ngày cuối đời, ngài thường nói về Ðức Maria.

Có một truyền thuyết nói rằng Ðức Maria đã hiện ra với Thánh Simon Stock, một bề trên Dòng Camêlô, và đã trao cho ngài một khăn choàng, bảo ngài hãy cổ động lòng sùng kính khăn ấy. Khăn choàng là một hình thức biến đổi của áo Ðức Bà. Nó tượng trưng cho sự bảo vệ đặc biệt của Ðức Maria và kêu gọi người mang khăn ấy hãy tận hiến cho ngài trong một phương cách đặc biệt. Hiển nhiên, điều này không có nghĩa được cứu chuộc một cách lạ lùng. Ðúng hơn, khăn choàng nhắc nhở chúng ta nhớ đến lời mời gọi của Phúc Âm là hãy siêng năng cầu nguyện và hãm mình đền tội — là lời mời gọi mà Ðức Maria đã thể hiện một cách tốt đẹp nhất.
Lời Bàn

Ngay từ thuở ban đầu, các tu sĩ dòng Cát Minh thường được gọi là các “Tiểu Ðệ của Ðức Bà Camêlô.” Danh xưng này có nghĩa, các ngài không chỉ coi Ðức Maria như một “người mẹ”, mà còn là một “người chị”. Chữ chị nói lên ý nghĩa Ðức Maria rất gần với chúng ta. Ngài là người con của Thiên Chúa và do đó có thể giúp chúng ta trở nên con cái xứng đáng của Thiên Chúa. Ngài còn giúp chúng ta quý trọng tha nhân như anh chị em mình. Ngài giúp chúng ta nhận thức rằng mọi người đều thuộc về một gia đình của Thiên Chúa. Chỉ khi nào mọi người đều tin tưởng như vậy thì nhân loại mới hy vọng tìm thấy con đường dẫn đến bình an.
Lời Trích

“Nhiều hình thức tôn sùng Mẹ Thiên Chúa mà Giáo Hội đã chấp nhận trong khuôn khổ giáo lý lành mạnh và chính thống, tùy theo khuynh hướng và sự hiểu biết của người tín hữu, để đảm bảo rằng, trong khi người mẹ được tôn vinh thì người Con cũng được nhận biết cách xứng hợp, được kính mến, được vinh danh và các giới răn của Người được tuân giữ, vì qua Người mà muôn vật được tạo thành (x. Col. 1:15-16) và trong Người mà Thiên Chúa Cha hài lòng vì tất cả được viên mãn nơi Người (x. Col. 1:19) (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, 66).

nguồn: Maria Thanh Mai gởi