GẶP LẠI NGƯỜI YÊU CŨ.-Truyen ngan HAY


Chuyện tuổi Xế Chiều

Công Tú Nguyễn

Tôi hiểu ba thương má nhưng không thể quên người yêu cũ. Có điều, trái tim không thể chứa cùng lúc hai người phụ nữ, nên ba mới thấy chông chênh.

Nghe má nói ba bị tai biến, tôi tức tốc vượt hơn trăm cây số về nhà. May mà tai biến nhẹ, lại được cấp cứu kịp thời nên không để lại di chứng. Bệnh viện đông, không khí ngột ngạt làm ba khó chịu. Ba gắt má sao nước nguội quá, cháo gì lạt nhách, gối kê đầu sao quá mềm…

Ba quạu thì quạu, má vẫn nhỏ nhẹ “rồi rồi, để tôi sửa cho vừa ý ông”. Quạu với má vậy thôi, má về nhà mới được nửa buổi, ba đã sốt ruột hỏi tôi: “Sao má con đi lâu vậy?”. Ba với má đó giờ vẫn vậy, xa thì ngóng, gần thì như mặt trăng với mặt trời.

Từ nhỏ, tôi đã chứng kiến ba má thường xuyên cãi cọ. Má da nâu nên ưa mặc quần áo màu nhạt, ba nói đàn bà phải mặc màu tối mới sang. Má uốn tóc ngắn, ba nói đàn bà phải để tóc dài, kẹp hay bới gì cũng quý phái…

Má biết tỏng bụng ba nên mát mẻ: “Người ta” của ông da trắng, dáng cao mới diện kiểu đó, tui bắt chước sao được”. “Người ta” của ba là dì Hiền. Hồi trẻ, ba và dì yêu nhau. Nhà dì chê ba nghèo nên không gả.

Nhà bán gạo, nhiều người mua thiếu rồi quỵt. Má nói người ta nghèo mới làm vậy, kệ đi, coi như làm phước. Ba thở dài, than: “Má mày hiền quá, dễ bị người ta gạt”. Má ấm ức: “Phải tía lia, mồm năm miệng mười như “người ta” mới vừa bụng ông chớ gì”…

Lớn lên tôi mới hiểu, ba đuổi bắt thứ gì đó rất mông lung, với hoài không tới. Từ vóc dáng tới tính tình của dì Hiền đã đóng khung trong ba thành chuẩn mực của cái đẹp. Vậy nên trong mắt ba, má chưa bao giờ toàn vẹn. Ba chưa một lần nhắc tên dì Hiền, cũng chưa từng gặp lại sau mấy chục năm xa cách, nhưng tôi vẫn cảm nhận được bóng dáng dì lúc nào cũng đâu đó trong những lần cãi cọ giữa ba với má, trong ánh mắt mênh mang của ba mỗi chiều về…

Người ta hay nói “tình chỉ đẹp khi còn dang dở”. Chính vì dang dở nên ba mới nhớ, mới thương, mới tự gây sóng gió. Có lần tôi hỏi ba: “Dì Hiền đẹp lắm hả ba?”. Ba không trả lời, chỉ cười tủm tỉm, ánh mắt xa xăm như thể đang lạc về quá khứ.

Tôi nói: “Má không đẹp nhưng có duyên, tính lại hiền, chiều ba hết mực. Ba còn đòi gì nữa?”. Im lặng hồi lâu, ba mới khẽ khàng: “Chuyện người lớn, con không hiểu đâu”. Tôi hiểu chớ. Tôi hiểu ba thương má nhưng không thể quên dì Hiền. Có điều, trái tim không thể chứa cùng lúc hai người phụ nữ, nên ba mới thấy chông chênh…

Ba nằm viện được năm ngày, tôi xin chuyển viện lên Sài Gòn để khám lại. Bệnh viện lớn càng quá tải hơn ở quê. Tôi trải chiếu để ba nằm cho đỡ mệt. Góc bên kia, giọng một phụ nữ lớn tuổi cứ liên tục kêu rên: “Bệnh viện gì mà đông phát khiếp”, “Bắt số 225 vầy biết chừng nào tới tui hả trời”, “Ông quạt mạnh tay cái coi, khỏe cùi cụi mà làm như sắp chết vậy”…

Ba khều tôi: “Chắc bà ấy bệnh nhiều nên khó chịu. Số của ba 200 hả con, đổi cho bà ấy để bả khám sớm chút”. Tôi nghe lời ba, mang số qua đổi. Dì ấy thở ì ạch, mặt cau có. Nghe tôi nói đổi số, dì buông gọn lỏn: “Sao tự dưng đổi, có tiền bạc gì không?”.

Anh con trai bước qua chào ba tôi để cảm ơn. Ba tôi hỏi anh quê ở đâu. Nghe nói người cùng tỉnh, ba nhổm dậy dòm qua. Hai người cùng sững sờ. Ba lắp bắp: “Là… là… cô Hiền phải không?”. Tôi giật thót, quay lại nhìn “kẻ thứ ba” vô hình của má bấy lâu.

Dì ấy mập ù, tóc tai xơ xác, bộ ngực thả rông xập xệ… dường như chẳng liên quan gì tới dì Hiền da trắng, tóc dài, dáng cao ba hay nhắc bấy lâu. Có lẽ cảm giác của ba cũng bàng hoàng giống tôi nên thăm hỏi gượng gạo. Lúc về, tôi trêu ba: “Gặp “người ta”, mãn nguyện rồi hả ba?”. Ba thở dài: “Thà đừng gặp…”.

Từ bữa đó, ba cư xử với má dịu dàng nhỏ nhẹ. Ảo ảnh ba bắt được rồi, cũng chỉ là ảo ảnh thôi, má mới là thực tại của ba. May, cuối cùng ba cũng ngộ ra điều đó.

Đỗ Minh Thùy


 

Một câu chuyện cảm động về tình cha-Đăng Dũng-Truyen ngan

Đăng Dũng

Tôi vẫn thường ngân nga khúc hát “tình cha”. Bởi tôi hiểu rằng, đó là thứ tình yêu không hình dáng, không màu sắc, cũng không có giai điệu, nhưng lại nâng tôi lên tới tận trời xanh…

 Nếu tới phố chợ công nhân ở Thiết Lĩnh, Liêu Ninh (Trung Quốc) vào mỗi sáng tinh mơ hay chiều tối, bạn sẽ nhìn thấy một ông lão đang chậm rãi đẩy xe đậu hũ. Chiếc loa sạc điện trên xe phát ra một giọng nữ lảnh lót: “Bán đậu hũ đây, đậu hũ chính tông đây! Đậu hũ đây”. Giọng nói đó là của tôi, còn ông lão ấy là cha tôi. Cha là một người câm điếc….

 Mãi cho tới sinh nhật 20 tuổi, tôi mới có đủ dũng khí để thu âm giọng nói của mình cho chiếc xe đậu hũ của cha, thay cho cái chuông đồng mà ông đã lắc suốt mấy chục năm qua. Nhớ lại những năm đầu của thập niên 80, khi vẫn còn là đứa trẻ 2-3 tuổi, tôi đã hiểu rằng có một người cha câm điếc sẽ khổ sở tủi nhục tới nhường nào. Vì vậy, từ nhỏ tôi đã ghét ông.

 Lần nọ, tội gặp một thằng bé bước tới xe của cha tôi mua đậu hũ. Nhưng khi cầm túi đậu hũ rồi nó không trả tiền mà chạy mất. Cha cứ rướn cổ về phía trước muốn gọi nó mà không phát ra được tiếng nào. Lúc đó tôi không thể đuổi bắt thằng nhỏ để đấm cho nó vài cú như các anh mình. Tôi đau lòng nhìn cảnh tượng ấy mà không nói được lời nào. Tôi không ghét thằng nhỏ, chỉ hận vì cha tôi là một người câm điếc.

 Di vật duy nhất mẹ để lại cho cha khi bà rời xa chúng tôi là tấm ảnh chụp chung với cô hàng xóm khi về nhà chồng. Nó thành nguồn an ủi động viên duy nhất của cha mỗi khi tôi tỏ thái độ lạnh nhạt. Cha ngắm bức ảnh thật lâu cho tới khi lấy lại được tinh thần và đi làm việc lại. Điều đáng giận nhất của tôi khi đó là những đứa trẻ khác gọi tôi là “nhỏ ba câm” (trong nhà tôi xếp thứ ba).

 Lúc chửi không lại chúng, tôi lại chạy về nhà. Đứng trước mặt cha đang mài đậu hũ, tôi tức giận vẽ lên đất một vòng tròn rồi nhổ một bãi nước bọt vào trong đó. Mặc dù không hiểu rõ hành động này có nghĩa gì, nhưng khi những đứa trẻ khác chửi tôi chúng vẫn thường làm thế. Tôi cho rằng đây là cách độc ác nhất để mắng một người câm.

 Lần đầu tiên tôi dùng cách này để mắng cha, ông đang làm việc bèn ngưng tay, đứng lặng nhìn tôi rất lâu và nước mắt cứ thế tuôn rơi như suối. Tôi rất ít khi nhìn thấy ông khóc, nhưng tối hôm đó ông đã trốn trong phòng làm đậu hũ khóc suốt đêm. Đó là một thứ nước mắt đau đớn bất lực tới không thốt thành lời. Tôi phát hiện ra cách để bộc lộ sự tủi nhục của mình với cha chính là mắng ông. Từ sau lần đó, mỗi khi bị ức hiếp tôi lại chạy tới trước mặt ông và mắng ông thậm tệ, sau đó tôi mặc kệ ông đứng đó và bỏ đi. Cũng từ sau lần ấy, tôi không thấy ông khóc nữa, chỉ biết ông cứ ngày một gầy yếu và già đi.

 Vì ghét cha, tôi nỗ lực chăm chỉ học hành. Vì ghét cha, tôi cố hết sức ôn thi vào đại học để rời khỏi cái làng nơi mà ai ai cũng biết cha tôi là một người câm. Đây là nguyện vọng lớn nhất của tôi khi ấy. Tôi không biết các anh trai mình đã thành gia lập thất như thế nào, cũng không cần biết căn phòng làm đậu của cha đã thay bao nhiêu khuôn mới, càng không cần biết đông đi hạ đến cái chuông đồng lắc đến mòn ấy đang vang khắp bao nhiêu thôn làng… Chỉ biết rằng, tôi đã bắt bản thân mình lao vào học điên cuồng như thù như hận.

 Cuối cùng tôi đã thi đỗ đại học. Sau bao ngày tháng mong đợi, cuối cùng tôi cũng có cơ hội thoát khỏi người cha câm điếc ấy. Tôi sung sướng trong lòng, đếm từng ngày từng giờ để lên đường vào thành phố. Hôm ấy, cũng là lần đầu tiên cha mặc chiếc áo dài màu xanh lam mà cô tôi đã may cho ông từ lâu. Đây là chiếc áo “diện” nhất trong tủ của cha mà bình thường ông không dám mặc đến. Ông ngồi dưới ánh đèn bày tỏ niềm vui sướng và lấy một đống bạc giấy còn vương mùi đậu hũ nhét vào tay tôi, miệng ê a ê a “nói” không ngừng. Tôi nghe mà không hiểu ông nói gì, nhìn mà không biết ông định làm gì. Khi cha dẫn hai người chú và các anh trai tôi lôi con lợn béo tốt mà ông đã chăm chút nuôi suốt 2 năm ra giết thịt, đãi bà con thân thuộc ăn mừng tôi thi đậu đại học, không biết điều gì đã làm tan vỡ trái tim sắt đá của tôi khi ấy. Tôi chợt đứng ngây người…

 Và tôi oà khóc! Tôi òa khóc như một đứa trẻ vì thương cha.

 Trong bữa cơm, tôi gắp cho cha mấy miếng thịt lợn, đôi mắt nhoà lệ, tôi lắp bắp: “Cha, cha ơi, cha ăn đi”. Cha không nghe thấy nhưng ông hiểu được ý của tôi, ánh mắt ông lóe lên tia sáng chưa từng có. Ông uống cạn một hơi rượu nếp hòa cùng nước mắt, ăn thêm những miếng thịt do con gái gắp cho mình, vì hôm nay ông thấy vui thật sự. Ông đã uống đến say vì vui mừng, khuôn mặt đỏ bừng, ông nói bằng thứ ngôn ngữ khua chân múa tay! Đã 18 năm, đã 18 năm rồi từ ngày mẹ rời đi, chưa bao giờ tôi gọi ông một tiếng “cha” cho thành hình. Đó là lần đầu tiên tôi gọi ông những lời đó.

 Cha tiếp tục vất vả làm đậu hũ, và những tờ giấy bạc thấm mùi mồ hôi ấy đã nuôi tôi học xong đại học. Sau khi tốt nghiệp, tôi được phân công về Thiết Lĩnh cách quê tôi 20 km. Khi đã ổn định công việc, tôi muốn đón cha lên thành phố để báo đáp ông những ngày cuối đời muộn màng. Thế nhưng, tôi bất ngờ gặp tai nạn trên đường.

 Và qua lời chị dâu kể lại, tôi mới được biết mọi chuyện xảy ra như thế nào. Hôm ấy, một số người qua đường nhận ra tôi là con ông bán đậu hũ nên đã về báo tin cho anh chị tôi. Thế là, cả hai anh trai và hai chị dâu tôi vội vàng chạy đến, thấy tôi bê bết máu nằm đó bất tỉnh. Cha đến sau cùng đẩy đám đông ra, ôm lấy đứa con mà mọi người đều chắc chắn rằng đã chết rồi. Ông chặn một chiếc xe hơi lớn bên đường, móc trong túi áo ra một mớ tiền lẻ bán đậu hũ rồi nhét vào tay tài xế, sau đó ông ra hiệu cầu xin người tài xế đưa tôi đến bệnh viện cấp cứu.

 Nhập viện không lâu, các bác sĩ lại cho tôi chuyển viện và ngầm khuyên các anh tôi sớm chuẩn bị hậu sự. Nguyên nhân vì lúc đó họ không đo được huyết áp của tôi, đầu tôi lại bị chấn thương, ngay cả bác sĩ cũng tin rằng tôi sẽ khó qua khỏi.

 Nhưng người cha cả đời đau yếu của tôi, lúc ấy lại toát lên một sức mạnh và sự kiên cường vô hạn. Cha xé nát chiếc áo tang mà anh cả mua về. Ông chỉ vào mắt mình, rồi khoa chân múa tay, ý nói rằng: “Chúng bây không được khóc, cha không khóc thì các con càng không được khóc. Em gái con sẽ không chết đâu, nó mới hơn 20 tuổi, nó nhất định sẽ sống, chúng ta nhất định sẽ cứu sống nó”.

 Các bác sĩ lắc đầu nói với cha rằng: “Con ông vô phương cứu chữa rồi, cho dù muốn cứu cũng phải tốn rất nhiều rất nhiều tiền, cứ cho là tốn nhiều tiền đi cũng chưa hẳn là cứu được”. Những lời này đều được anh cả tôi “phiên dịch” lại cho cha.

 Lúc ấy cha không khóc mà ngã quỵ xuống đất, ánh mắt thất thần. Nhưng rồi rất nhanh sau đó ông đứng dậy, ánh mắt đầy quyết tâm. Ông làm động tác tay, ý nói rằng: “Xin các ông hãy cứu con gái tôi, con gái tôi còn có hi vọng, đừng xem nhẹ, các ông nhất định phải cứu nó. Tôi sẽ kiếm tiền nộp tiền cho bệnh viện, tôi sẽ cho lợn ăn, trồng trọt, làm đậu hũ, tôi có tiền, tôi nhất định sẽ trả được”. Rồi cha lại chỉ tay vào anh và chị dâu tôi, biểu thị: “Tôi còn có chúng nó, chúng tôi cùng nhau cố gắng, chúng tôi có thể làm được”. Thấy bác sĩ không nói gì, ông lại chỉ lên trần nhà: “Tôi có nhà, có thể bán, tôi có thể ngủ trên đất, cứ xem như khuynh gia bại sản, tôi cũng phải cứu con gái tôi sống lại”. Cha lại chỉ vào trái tim mình, hai hàng nước mắt cứ thế chảy dài, ông muốn nói: “Con bé là cốt nhục của tôi, là cả đời tôi, xin hãy cứu nó sống lại”.

 Anh cả vừa khóc vừa dịch những lời của cha cho bác sĩ nghe, khiến vị bác sĩ cảm động tâm can, nước mắt ông đầm đìa nhìn cha. Tình yêu vĩ đại của cha không chỉ giữ tôi lại nơi trần thế mà còn mang đến lòng tin và quyết tâm để bác sĩ mạo hiểm cứu tôi. Tôi được đưa vào phòng mổ. Cha ngồi bên ngoài, cứ đi tới đi lui ngoài hành lang trong tâm trạng bất an, đến mức đôi dép của ông đã mòn cả đế. Ông cứ ngồi chờ suốt mười mấy tiếng đồng hồ đến nỗi miệng phồng rộp cả lên. Ông không ngừng cầu Phật trong hỗn loạn, cầu xin sự ban ơn của Đức Phật từ bi, khẩn cầu ban cho con gái ông sự sống.

 Trời cũng động lòng người, và tôi đã qua khỏi như một kỳ tích. Nhưng trong thời gian nửa tháng tôi vẫn hôn mê, không hề biết đến tình yêu vô hạn ông dành cho tôi. Đối diện với “người thực vật” như tôi, mọi người đều đã mất đi lòng tin, chỉ có cha là luôn túc trực bên giường bệnh, kiên định chờ tôi tỉnh lại. Bàn tay thô ráp của ông cẩn thận xoa bóp chân tay cho tôi, ông không thể nói được nhưng vẫn liên tục a…a… gọi tôi. Có lẽ ông muốn nói: “Con gái yêu, con tỉnh lại đi, con gái yêu, cha đang chờ con ăn đậu hũ cha mới làm ra đây!”.

 Trong thời gian ấy, để có đủ tiền trả viện phí, ông đã đi khắp các thôn làng mà ông từng tới bán đậu hũ, và bằng sự trung hậu và lương thiện của nửa cuộc đời, ông đã nhận được sự ủng hộ đủ để con gái ông bước qua ranh giới sinh tử. Bà con cùng nhau góp tiền và ông vẫn đều đặn ghi vào cuốn sổ tay với nét chữ xiêu vẹo, chân thật: anh Trương Tam 20 đồng, Lý Cương 100 đồng, thím Vương 65 đồng…

 Sau nửa tháng trời ròng rã, cuối cùng tôi cũng mở mắt. Tôi thấy trước mắt mình là một màu trắng như Thiên Đường, ngoảnh sang trái, tôi nhìn thấy một ông già gầy yếu với cái đầu bạc trắng. Ông nhìn thấy tôi tỉnh lại mà vui mừng đến a…a… gọi to lên, mái tóc bạc phút chốc bị những giọt mồ hôi xúc động thấm đẫm. Cha, người cha mà nửa tháng trước đây tóc vẫn còn xanh, nay như già thêm 20 tuổi.

 Cái đầu bị cạo trọc của tôi dần dần mọc tóc, cha vuốt ve đầu tôi và mỉm cười dịu dàng hiền từ. Đợi đến nửa năm sau, khi mái tóc đã có thể tết thành lọn, tôi nắm tay cha, ra hiệu bảo ông chải đầu cho mình. Cha trở nên vụng về vô cùng, ông chải từng lọn tóc, suốt cả buổi cũng không tết tóc được hình dáng mà ông hài lòng. Rồi cha đẩy xe đưa tôi ra ngoài hành lang hít thở khí trời, gặp ai tôi cũng khoe hai lọn tóc được chính tay cha bện. Những ngày ấy tôi giống như đứa trẻ đang cố hàn gắn lại một “khoảng trời đã mất” cho cha…

 Chúng tôi cùng nhau cố gắng trả hết nợ, cha cũng chuyển vào thành phố sống với tôi, có điều ông không muốn ngồi rảnh rang cả ngày. Và để giúp cha thoả niềm vui lao động như xưa, tôi thuê cho ông một gian nhà nhỏ làm đậu hũ ở gần đó. Đậu hũ mà cha làm rất thơm rất mềm, miếng lại to nên mọi người đều rất thích ăn. Tôi lắp trên xe đậu hũ của ông một cái loa bằng điện, mặc dù cha không nghe thấy âm thanh rao bán lanh lảnh của tôi, nhưng ông hiểu được ý nghĩa của nó. Và mỗi khi ấn tay vào cái nút phát trên loa, ông sẽ ngẩng đầu lên, niềm hạnh phúc và mãn nguyện lại tràn ngập trên gương mặt ông.

 Tôi thường nghĩ cuộc sống giống như một bản giao hưởng tràn ngập tình yêu. Nếu chúng ta chú ý lắng nghe, cảm thụ sẽ hiểu được sức lay động tới tận tâm can. Tuy nhiên người cha câm đã giúp tôi hiểu được rằng thứ âm nhạc đích thực vĩ đại nhất là thứ âm thanh không lời. Nó có một sức mạnh vô cùng to lớn, mang tình yêu vô bờ bến của cha dành cho tôi vút cao lên tận trời xanh. Hãy dành lời chúc phúc tốt đẹp nhất cho những ông bố của chúng ta, cầu mong họ luôn khỏe mạnh bình an với tình yêu vô biên dành cho con cái.

 Cha mẹ chính là những người yêu thương bạn hơn hết thảy ai trong cuộc đời này. Tình yêu của họ là một thứ tình cảm vị tha, vô tư lợi và xuất phát từ lòng từ bi thực sự. Dù một đời lấm lem bùn đất, nhễ nhại mồ hôi, bạn hãy nhớ rằng cha mẹ luôn là thiên sứ đẹp nhất trong lòng ta dù đôi lúc trên gương mặt thiên sứ ấy có hằn cứa những dấu vết thời gian khắc khổ.

 Người Việt có một câu ca dao đã đi vào tâm thức bao thế hệ: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra“. Ơn nghĩa ấy, một đời làm con nào có thể quên? Nhưng cha mẹ nào có ăn đời ở kiếp với con? Một sớm mai, nhìn trong gương thấy tóc cha mẹ đã điểm bạc, con bỗng thấy ngày tháng cuộc đời này sao mà mong manh, hư ảo. Nhận ơn một giọt, báo ơn một dòng, lòng con như thắt lại khi biết dẫu có dành cả kiếp này trả nợ, đền ơn cũng không thể bù đắp cho cha mẹ. Quả thực là:

 “Phụ hề sinh ngã

Mẫu hề cúc ngã

Ai ai phụ mẫu

Sinh ngã cù lao”

 Tạm dịch: Cha sinh ta, mẹ bồng bế ta. Cha mẹ nuôi ta vất vả, xót xa tấm lòng

 Với mỗi người gặp gỡ trong đời, hãy thực lòng trân trọng họ, hãy trao đi yêu thương và thiện lành, hãy đối xử chân thành và ấm áp. Một khi hai mắt kia khép lại, cõi hồng trần cuồn cuộn này chỉ còn là giấc mơ hư ảo. Khi ấy, dẫu có muốn yêu thương một ai, liệu ta còn có thể chăng?

 Đăng Dũng    

Phóng viên Đức vạch trần nhiều vụ lừa đảo ở Việt Nam

Ba’o Tieng Dan

Việt Hùng

20-6-2024

Ông Peter Giesel, 55 tuổi, người Đức, là một phóng viên truyền hình và là chủ nhiệm chương trình TV được chiếu thường xuyên trên đài “Kabel Eins” (Kênh Một) từ năm 2015. Chương trình này có tên là “Achtung Abzocker”, nghĩa là “Coi chừng lừa đảo”.

Ông Giesel thu thập tin tức lừa đảo qua mạng xã hội hoặc do chính các khán giả là nạn nhân tố cáo đến ông.

Ông Giesel làm việc theo hai chủ đề:

1.- Lừa đảo qua các dịch vụ du lịch:

Sau khi có đầy đủ tin tức, ông Giesel sẽ lên phương án làm việc. Ông sẽ đi đến hiện trường trên khắp thế giới để xác minh các vụ lừa đảo này. Ông sẽ tự đóng vai là nạn nhân để xem mình sẽ bị lừa như thế nào. Đi chung với ông lúc nào cũng có một chuyên viên thu hình. Chuyên viên này sẽ thu hình một cách kín đáo để kẻ lừa đảo không biết.

Sau đó ông sẽ đối thoại trực tiếp với kẻ lừa đảo và cho xem các video để chứng minh. Nếu cần, ông sẽ thưa cảnh sát và trong nhiều trường hợp ông đã đòi lại được những mất mát dùm cho khán giả.

2.- Lừa đảo qua các dịch vụ sửa chữa đồ gia dụng:

Ông Giesel thực hiện một hiện trường giả, có các máy móc (giả bị hư hỏng) và gọi điện thoại hoặc qua mạng để đặt thợ sửa chữa đến tận hiện trường.

Các thợ khi sửa chữa sẽ được chuyên viên của ông thu hình qua các camera đặt bí mật trong nhà. Nếu có phát hiện sự lừa đảo, ông Giesel sẽ xuất hiện và đối thoại trực tiếp với kẻ lừa đảo. Các hình thức lừa đảo thường là hóa đơn giá cao, sửa những gì không cần thiết hoặc lừa khách hàng mua máy mới.

Riêng ở Việt Nam, ông đã phát hiện nhiều vụ lừa đảo và đã trình chiếu trên đài “Kabel Eins” (Kênh Một):

Trải nghiệm 1: Taxi lừa đảo ở Hà Nội, chiếu ngày 25/6/2020, dài 11 phút, tiếng Đức. Mời xem: https://www.sendungverpasst.de/content/achtung-abzocke-122

Ông Giesel và chuyên viên thu hình một xe taxi chạy từ phi trường về Nhà Hát Lớn (30 cây số, giá chính thức 472.000 VNĐ). Nhưng ông đã gặp phải taxi lừa đảo, lấy 900.000 VNĐ.

Lần thứ hai, ông đặt xe đi đoạn ngắn, giá đồng hồ là 16.000 VNĐ, nhưng tài xế lừa đảo đòi 160.000 VNĐ. Ông Giesel lên tiếng phản đối thì tài xế nói là mình nói nhầm.

Lần thứ ba, ông đi một taxi có đồng hồ đã bị sửa đổi, đồng hồ nhẩy tiền điên loạn, và đòi ông 985.000 VNĐ. Ông đối thoại cứng rắn với tài xế lừa đảo và chỉ trả 100.000 VNĐ.

Trải nghiệm 2: Lừa đảo khách để ép mua hàng, chiếu ngày 25/6/2020, dài 5 phút, tiếng Đức. Mời xem: https://www.sendungverpasst.de/content/achtung-abzocke-138

Các bà/ cô bán hàng rong đã dụ ông Giesel dàn cảnh chụp hình và sau đó ép mua hàng với giá cao. Cô bán hàng đã chụp tiền giấy giá trị cao của ông, rồi chỉ thối lại tiền lẻ. Ông bị ép mua một ít trái cây mà phải trả 150.000 VNĐ. Nhưng với số trái cây đó, từ một bà bán hàng rong lương thiện, ông chỉ phải trả 30.000 VNĐ.

Trải nghiệm 3: Lừa đảo khách nước ngoài du lịch Việt Nam, chiếu ngày 13/6/2024, chương trình dài 87 phút, tiếng Đức. Mời xem: https://www.sendungverpasst.de/content/achtung-abzocke-25

Vì chương trình dài 87 phút nên không tiện tường thuật hết trong bài này.

Ngoài ra  ông Giesel còn trình bày nhiều trường hợp lừa đảo khác ở Việt Nam trong kho lưu trữ YouTube của ông. Mời xem: https://www.youtube.com/results?search_query=achtung+abzocke+vietnam


 

 S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Báo chí cách mạng

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả:  Tưởng Năng Tiến

20/06/2024

Bác sỹ Tom Dooley qua đời năm 1961. Mãi đến vài chục năm sau, tôi mới biết đến tác phẩm đầu tay của ông (Deliver Us from Evil) do Farrar, Straus & Cudahy xuất bản từ 1956. Đây là một tập bút ký, có hình ảnh minh hoạ đính kèm, về cuộc di cư ồ ạt (vào giữa thế kỷ trước) của hằng triệu người dân Việt. Họ ra đi chỉ với hành trang duy nhất là niềm tin vào tình người, và không khí tự do, ở bên kia vỹ tuyến.

Rồi họ đã được tiếp đón, hoà nhập và sinh sống ra sao nơi miền đất mới? Câu trả lời có thể tìm được – phần nào – qua một tác phẩm khác (Sài Gòn – Chuyện Đời Của Phố) của Phạm Công Luận, do Hội Nhà Văn xuất bản năm 2013. Xin trích dẫn đôi ba đoạn ngắn :

“Những người trong giới trí thức, nghệ sĩ miền Bắc chuyển vào Sài Gòn ấp ủ bao nhiêu hoài bão để thực hiện ở quê hương mới. Tuy nhiên, dù có nổi tiếng thì họ cũng phải đối diện với bao khó khăn để hòa nhập vào đô thị mà họ sẽ sống lâu dài này. Báo Đời Mới năm 1954 đã làm một chuỗi phóng sự hồi mới vào của các văn nghệ sĩ, có nhiều chuyện cảm động đáng suy gẫm về những gì họ đã gặp.

 Nhà văn Thượng Sỹ, một nhà văn nổi danh từ thời tiền chiến mà trong cuốn Bốn mươi năm nói láo, nhà văn Vũ Bằng thường nhắc tới. Gia đình ông vào Sài Gòn định cư chỉ có bốn người, gồm hai vợ chồng, đứa con nhỏ và chị giữ em. Tuy nhẹ gánh gia đình, tên tuổi từng nổi tiếng là nhà phê bình văn chương, cả nhà ông cũng gặp những khó khăn ban đầu…

 Một bữa, ra chợ mua đồ, bà vợ ông gặp một chị không quen, hỏi thăm qua lại thế nào mà chị nói ngay : ‘Thôi, chị cứ theo tôi về nhà ba má tôi. Chị nhận là bạn cũ của tôi, thế nào ông bà cũng cho ở đậu’. Cả nhà lại đến đó ở, một căn nhà lá rộng rãi ở đường Quang Trung, Gò Vấp. Ông bà chủ nhà đã lớn tuổi, còn làm việc được, chuyên nghề đúc ống cống xi măng.

 Ông bà nói ngay với khách lạ :‘Thầy cô cứ ở đây với tôi, khỏi phải mua giường chiếu, mùng mền, đồ bếp, tôi có sẵn cả. Tôi để thầy cô dùng chung. Gạo củi, mắm muối, cứ tự nhiên nấu cơm mà ăn!’ Bà chủ còn nói là bà không lấy một xu nhỏ.

 Gia đình Thượng Sỹ ở đó, không muốn lạm dụng lòng tốt của ông bà chủ nhà nên bà Thượng Sỹ xin tự lo ăn uống, chỉ ở nhờ thôi. Ông chủ nhà nói lên điều xuất phát từ đáy lòng : ‘Cô Hai chớ nề hà. Con gái tôi nói cho tôi hay thầy Hai làm báo, nên tôi quý thầy lắm. Vì bấy lâu nay đọc báo, tôi thấy các ông nhà báo luôn bênh vực anh em lao động chúng tôi. Tôi có phải nhịn ăn mà giúp thầy cô, tôi cũng vui lòng!”

 Sau này, nhà văn Thượng Sỹ nói với tác giả bài tường thuật thượng dẫn : ‘Tôi cứ tưởng sảy nhà ra thất nghiệp… nào ngờ tôi lại hai lần ‘sa’ vào hai cảnh gia đình lao động. Ấy cũng là tôi hái quả của một cây mà các anh vun bón cho tươi tốt…”

“Các anh” trong câu văn thượng dẫn – tất nhiên – là những nhà báo miền Nam, những người mà độc giả dù có phải “nhịn ăn mà giúp” vẫn cảm thấy “vui lòng” vì họ luôn đứng về phía những người cô thế. Miền Bắc cũng không thiếu những người cầm bút với quan niệm tương tự:

Tam Lang viết Tôi Kéo Xe năm 1932, Ngô Tất Tố sáng tác Tắt Đèn năm 1937, Nguyên Hồng xuất bản Bỉ Vỏ năm1938. Tác phẩm Con Trâu của Trần Tiêu đăng từng kỳ trên báo “Ngày Nay” từ số 140 (ra ngày 10/12/1938) trước khi được in thành sách, vào năm 1940.

“Ngày 14-12-1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ‘Sắc lệnh về chế độ báo chí’, buộc người dân ra báo phải xin phép, chấm dứt trên miền Bắc thời kỳ ai muốn làm báo chỉ cần đăng ký mà người dân An Nam được hưởng gần một thế kỷ dưới thời thực dân Pháp.” (Huy Đức. Bên Thắng Cuộc, tập II. OsinBook, Westminster, CA: 2013). Bắt đầu từ đây thì sách báo hoàn toàn nằm trong tay Nhà Nước, và những người cầm bút buộc phải đứng cùng phe với những kẻ cầm quyền.

Ngày 21 tháng 1 năm 1960, hai công dân Việt Nam (Nguyễn Hữu Đang và Thụy An) bị kết án 15 năm tù vì tội “phá hoại chính trị” và “làm gián điệp” bởi Toà Án Nhân Dân Hà Nội. Vì đây là một phiên “toà kín” nên không ai biết hai nhân vật này đã “phá hoại chính trị” ra sao, và đã “làm gián điệp” cho “thế lực thù địch” nào – ngoài những người làm báo :

  • Báo Thời Mới(21/01/1960): Năm tên gián điệp phản cách mạng, phá hoại hiện hành cúi đầu nhận tội …Nguyễn Hữu Đang và Thụy An, đầu sỏ chủ mưu, bị phạt giam 15 năm và mất quyền công dân 5 năm sau khi hết hạn giam”.
  • Báo Nhân dân(21/01/1960): Trước tòa án, với những bằng chứng đầy đủ, bọn gián điệp nói trên đã nhận hết tội lỗi của chúng.
  • Báo Thủ đô Hà Nội( 21/01/1960): Tên Nguyễn Hữu Đang thú nhận: “Báo Nhân văn có tính chất chính trị ngay từ số 1. Mục đích của tờ báo là khích động quần chúng cùng với chúng tôi chống lại lãnh đạo”.
  • Báo Văn học(05/02/1960): Nguyễn Hữu Đang thú nhận: “Tư tưởng của chúng tôi là phản động nên chúng tôi ra tờ báo Nhân văn để chống đối lãnh đạo, kích động quần chúng làm áp lực đấu tranh”. Ngoài báo Nhân văn, Nguyễn Hữu Đang còn dùng nhà xuất bản Minh Đức làm một công cụ để chống cách mạng. Y cung khai:“Tôi đã biến nhà xuất bản Minh Đức thành một công cụ chống lãnh đạo.”

Không phải là vô cớ mà nhà văn Võ Thị Hảo kết luận : “Cấm báo chí tư nhân là tội ác.” Sự “ác độc” này được duy trì và nuôi dưỡng xuyên suốt gần hai phần ba thế kỷ qua :

  • Ngày 29/11/2006, T.T. Nguyễn Tấn Dũng ban hành chỉ thị 37/2006kiên quyết không để tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức.
  • Ngày 3/4/2019, T.T. Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định 362/QĐquy định báo chí là phương tiện thông tin, quan trọng đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

Cái cách mà Đảng và Nhà Nước xử dụng “công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng” từ hơn nửa thế kỷ qua, xem ra, đã trở thành thảm họa :

  • NS Tuấn Khanh: “Cũng cần có lúc, các nhà nghiên cứu về lịch sử nên đặt lại câu hỏi, vì sao ngày 21-6 hàng năm, được gọi là ngày Báo chí Việt Nam, chứ không phải gọi đúng tên là ngày báo chí của đảng Cộng sản Việt Nam?
  • FB Huynh Ngoc Chenh: “Người cộng sản rất tự hào mình là cộng sản tại sao nền báo chí của đảng không mang đúng tên lại phải lấp liếm qua thành báo chí cách mạng?”
  • Nhà báo Phan Anh: “Báo chí nước ta nó đã băng hoại tới mức độ không thể cứu vãn nổi, và nhiều kẻ điều hành nó cũng như những kẻ tham gia đóng góp cho nó đa phần là một lũ vừa ngu dốt vừa vô liêm sỉ đến cùng cực…”

Ông có nói quá chăng?

Câu trả ‘lời’ có thể tìm được qua tiêu đề của dăm/bẩy bản tin, xuất hiện trên “làng báo  cách mạng” vào những ngày tháng gần đây :

Tuổi Trẻ & Thanh Niên sa đọa tới cỡ đó lận sao? Cái được mệnh danh là những “nhà báo cách mạng”, hiện nay, chả lẽ chỉ rặt là một phường vô lại?


 

 Ông gốc Việt nghi sát hại con của bạn gái năm 2023 nay bị đưa ra xử tội

Ba’o Nguoi-Viet

June 20, 2024

DOTHAN, Alabama (NV) – Một cô gái vị thành niên tại Dothan bị một người đàn ông mà các nhà điều tra tuyên bố sát hại và cưỡng hiếp tại tư gia trước Lễ Giáng Sinh không lâu, nay bị một bồi thẩm đoàn Quận Houston truy tố, Đài WDHN News loan tin hôm Thứ Ba, 18 Tháng Sáu.

Minh Thanh Nguyễn bị truy tố vào Thứ Năm tuần rồi, dự trù ngày xét xử ​là giữa Tháng Chín.

Minh Thanh Nguyễn bị bắt giữ vào Tháng Mười Hai 2023 và bị buộc tội giết người-hiếp dâm và giết người-trộm cắp trong cái chết của Trương Thị Thúy Dương, 17 tuổi.

Bị cáo Minh Thanh Nguyễn (Hình: Dothan Police Department)

Vào ngày 9 Tháng Mười Hai, Dương được mẹ và chị ruột phát giác nằm ngửa trên giường tại tư gia trên đường Hartford Highway, lúc đó nạn nhân bị trọng thương. Nạn nhân qua đời sau khi được chở đi cấp cứu ở bệnh viện Dothan.

Theo kết quả giảo nghiệm tử thi, Dương bị siết cổ và cưỡng hiếp bằng một cây gậy tập yoga dài 2 foot.

Theo các nhà điều tra thuộc Sở Cảnh Sát Dothan, Minh Thanh Nguyễn và mẹ của Dương từng có quan hệ tình ái và chung sống ở Mississippi trước khi dời tới Dothan. Sau đó hai người đường ai nấy đi, được cho là vì Dương và hai chị em ruột không ưa Minh Thanh Nguyễn.

Vào thời điểm Minh Thanh Nguyễn bị bắt giữ, bị can bị buộc tội giết người; tuy nhiên, tội trạng đó bị nâng lên thành tội giết người có chủ đích sau khi các nhà điều tra phát giác ra rằng Dương bị tấn công tình dục và đồ đạc trong phòng ngủ cũng bị cuỗm đi.

Mặc dù tội trạng của Minh Thanh Nguyễn có thể dẫn tới án tử hình, nhưng hiện tại vẫn chưa rõ Văn Phòng Biện Lý Quận Houston có tìm cách trừng phạt bị can như vậy hay không. (TTHN)


 

UỐN NẮN TÂM HỒN – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

“Cha các con đã biết rõ các con cần gì, trước khi các con cầu xin!”.

Tổng thống William McKinley gắn bó đặc biệt với mẹ mình; ông đến thăm hoặc nhắn tin cho bà mỗi ngày. Khi bị ám sát, ông không hề tỏ ra oán ghét kẻ bắn mình; ông nói, “Ý Cha thể hiện!”. Trước khi chết, ông yêu cầu nghe lại bài thánh ca “Gần Hơn, Chúa Ơi, Gần Hơn!” mà mẹ ông đã hát cho ông từ thuở nằm nôi. Bà đã uốn nắn tâm hồn ông!

Kính thưa Anh Chị em,

Nếu một bà mẹ đã dạy cho một tổng thống hát bài “Gần Hơn, Chúa Ơi, Gần Hơn!”, thì trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta một ca khúc tương tự – “Kinh Lạy Cha!”. Thế nhưng, có điều gì đó xem ra khó hiểu, vì khi vừa dạy chúng ta kiên trì cầu nguyện, Ngài lại vừa tiết lộ, “Cha các con đã biết rõ các con cần gì, trước khi các con cầu xin!”. Tại sao? Thánh Augustinô giải thích, sẽ không mâu thuẫn chút nào, chẳng qua; Ngài muốn ‘uốn nắn tâm hồn’ con cái!

Việc “Cha trên trời biết rõ” là một niềm an ủi và hy vọng vô bờ, vì những lời này không ngừng khuyến khích chúng ta liên tục hướng về Cha Trên Trời. Lòng đạo đức chân chính không hệ tại ở số lượng ‘lời nói’, cho bằng hệ tại ‘tần suất’ và tình yêu mà một người hướng về Thiên Chúa qua mọi sự kiện lớn nhỏ xảy ra trong ngày sống! Tại các nhà dòng ngày xưa, cứ mỗi giờ, một hồi chuông nhỏ được ngân lên, nhắc các tu sĩ nhớ Chúa; và họ thường làm dấu, chấp tay, cúi đầu thầm thĩ “Lạy Chúa, con yêu mến Chúa!”.

Thánh Augustinô khẳng định, “Kinh Lạy Cha”, “Lời Cầu Nguyện của Chúa Giêsu”, hoàn hảo đến mức tài tình tóm gọn chỉ trong một vài từ, đủ mọi điều con người cần kêu xin. Nó được xem như “Một lời kinh, bảy lời cầu”; trong đó, “ba lời dành cho Chúa, bốn lời dành cho người!”. Hai thỉnh cầu đầu tiên, danh Cha cả sáng, Nước Cha và ý Cha trị đến, sẽ chạm đến nơi sâu thẳm nhất của tâm hồn con người. Và như thế, chúng ta được mời gọi để trở thành tông đồ của Vương Quốc, truyền bá tình yêu Chúa cho anh chị em mình. Ước gì lửa nhiệt thành được nhen nhóm mỗi khi chúng ta ‘phát ra’ những lời này! Xin “ý Cha thể hiện” nghĩa là xin cho tâm hồn được uốn nắn theo ý Chúa.

Thật thú vị, sách Huấn Ca hôm nay gọi Êlia là người “làm nguôi cơn giận của Thiên Chúa, đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu”. Ông đã ‘uốn nắn tâm hồn’ Israel! Như Êlia, một khi chúng ta thuộc trọn về Chúa, thì đến lượt mình, bạn và tôi cũng có khả năng ‘uốn nắn tâm hồn’ người khác hướng về Chúa để họ cũng hân hoan nhận biết Ngài. Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Trước thánh nhan Chúa, người công chính hãy vui mừng!”.

Anh Chị em,

“Cha các con đã biết rõ các con cần gì!”. Thiên Chúa là Cha, biết rõ chúng ta hơn chúng ta biết mình; Ngài chăm sóc chúng ta như một người cha! Ngài không nhìn vào những thành quả bạn chưa đạt được, nhưng nhìn vào những hoa trái bạn đang cưu mang! Ngài không truy tìm thiếu sót, nhưng khuyến khích những tiềm năng. Ngài không chăm chăm vào quá khứ, nhưng tự tin đặt cược vào tương lai. Tại sao? Bởi Thiên Chúa ở gần chúng ta, rất gần! Đừng quên, phong cách của Ngài là gần gũi với lòng nhân ái, sự dịu dàng. Theo cách này, Thiên Chúa đồng hành với chúng ta: gần gũi, xót thương và trìu mến!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin uốn nắn con, để con gần Chúa, gần Chúa hơn. Cho con thuộc về Chúa; từ đó, con có thể ‘uốn nắn tâm hồn’ những ai con gặp trên đường đời!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

***************

Thứ Năm Tuần XI, Mùa Thường Niên, Năm Chẵn

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

7 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại ; họ nghĩ rằng : cứ nói nhiều là được nhận lời. 8 Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.

9 “Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này :

‘Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, 10triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

11Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày ;

12xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con ;

13xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.’

14 “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. 15 Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.”


 

SAO NHÁT THẾ – TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

Trình thuật “Đức Giê-su dẹp yên sóng gió” được cả ba Tin Mừng Nhất lãm ghi lại, và không khác biệt nhau nhiều.  Tuy vậy, chỉ có Tin Mừng Mát-thêu và Mác-cô ghi lại lời quở trách của Chúa Giê-su: “Sao nhát thế.”  Lời này cũng có nghĩa: “Tại sao lại sợ?”; “Đức tin nơi các anh còn yếu lắm” và: “Các anh nghĩ tôi là ai mà lại sợ hãi như vậy?”

Chúa Giê-su không dửng dưng trước nỗi thống khổ của nhân loại.  Sau một ngày truyền giáo mệt nhọc, Người mệt mỏi và cần nghỉ ngơi.  Ở đây, Tin Mừng cho chúng ta một minh chứng: Đức Giê-su là Thiên Chúa quyền năng và cũng là Người thật.  Là con người, Người mệt mỏi kiệt sức; là Thiên Chúa, Người quát mắng cuồng phong và làm cho biển cả trở lại an bình.

Chắc chắn cơn cuồng phong này phải mạnh mẽ và dữ dằn lắm.  Bởi lẽ các môn đệ là những người dân chài chuyên nghiệp, được luyện từ nhỏ để quen với sóng gió, mà lúc này các ông hoảng sợ, tưởng chừng như sắp chết đến nơi.  Lời van nài của các ông đã cho thấy nỗi sợ hãi lớn lao thế nào.  Tuy vậy, khi các ông chấm dứt nỗi hoảng sợ vì bão tố, thì lại là lúc các ông hoảng sợ trước quyền năng của vị Thầy.  Vì vậy, các ông run rẩy nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”  Trong truyền thống Kinh Thánh, biển tượng trưng cho quyền năng của ma quỷ và sự dữ.  Biển như một con quái vật, có thể nuốt chửng và hủy diệt tất cả.

Thiên Chúa có quyền năng trên biển cả, vì Ngài là Đấng sáng tạo mọi loài, trong đó có đại dương.  Sức mạnh của biển cả dù có ghê gớm đến đâu cũng nằm trong sự kiểm soát của Đấng Tạo Dựng.  Bài đọc I nói với chúng ta về nhân vật Gióp.  Đang an lành sung sướng đầy đủ, ông bỗng mất hết.  Những người bạn đến thăm đưa ra nhiều lý lẽ để giải thích cho những đau khổ mà ông đang gánh chịu.  Ông Gióp không bằng lòng với cách lý luận đổ lỗi cho quá khứ của ông.  Ông đã muốn đưa cả Thiên Chúa ra tòa!  Mặc dù ở trong tâm trạng đó, ông không hề xúc phạm đến Ngài.  Đoạn văn chúng ta nghe hôm nay là lập luận của Thiên Chúa.  Đúng hơn là lời giáo huấn của Ngài.  Qua đó, Ngài muốn khẳng định với ông Gióp và các người bạn: Ngài là Đấng Sáng tạo quyền năng, có quyền ra ranh giới cho đại dương.  Bài Sách thánh này được đọc cùng với trình thuật Chúa Giê-su dẹp yên sóng gió, sẽ nêu bật nội dung giáo huấn chứng minh Đức Giê-su là Thiên Chúa.  Người có quyền năng trên mọi sự, như Người đã chứng tỏ qua các phép lạ.

Cuộc sống của chúng ta được so sánh như cuộc vượt đại dương.  Cuộc đời này là chốn khách đày, là biển cả mênh mông.  Dù ở bậc sống nào và trong hoàn cảnh nào, mỗi người phải chống chọi với bão tố phong ba.  Chẳng có ai từ khi sinh ra đến khi qua đời đều được hoàn toàn yên hàn thư thái.  Những cơn cuồng phong đang nổi lên xung quanh chúng ta, đó là bệnh tật, tang tóc, chia lìa, tai nạn, bạo lực, khó khăn tài chính, ô nhiễm môi trường…  Chúng ta có cảm tưởng như tất cả đều đang đổ xô về phía chúng ta.  Chính trong bối cảnh này mà Chúa Giê-su nói với chúng ta như Người đã nói với các môn đệ năm xưa: “Sao nhát thế?  Anh em vẫn chưa có lòng tin sao?”  Các môn đệ là những người trước đó đã chứng kiến các phép lạ Chúa Giê-su làm.  Tuy vậy; vào giữa cơn phong ba, lòng tin của các ông vẫn bị chao đảo.  Đức tin của chúng ta đôi khi cũng bị chao đảo như vậy.  Chúng ta có thể tin vào Thiên Chúa trong những lúc bình an hạnh phúc, nhưng khi gặp thử thách gian nan, chúng ta bị cám dỗ nghi ngờ lòng nhân hậu của Thiên Chúa.  Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta tự vấn lương tâm: đức tin của tôi vào Chúa ở mức độ nào?  Lòng xác tín vào sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời của tôi như thế nào?  Làm thế nào để tôi sẵn sàng đón nhận những biến cố đau thương của cuộc đời với tinh thần đức tin?  Tin Mừng hôm nay khẳng định với chúng ta: mặc dù cuộc sống đầy thử thách phong ba, chúng ta vẫn có thể sống bình an thanh thản, nếu chúng ta tin Chúa Giê-su đang hiện diện trong cuộc đời.  Lời Chúa đem lại cho chúng ta niềm hy vọng giữa những chông gai của cuộc sống.  Tuy vậy, để tìm được bình an, một điều kiện quan trọng là phải mời Chúa Giê-su đến hiện diện trên “chiếc thuyền cuộc đời” của chúng ta.  Giữa sóng gió phong ba, Người đang hiện diện ở đây, giữa cuộc sống này.

Trong những lời giáo huấn của cho cộng đoàn Cô-rin-tô, thánh Phao-lô cho thấy niềm xác tín nơi bản thân ngài.  Một khi cảm nhận sâu xa sự hiện diện của Đức Giê-su trong cuộc đời, thánh nhân không còn lo lắng sợ sệt gì nữa.  Không có gì trên trần gian có thể làm cho ngài buông rời Chúa Giê-su.  Nếu ngài còn sống ở trần gian, là vì ngài sống cho Chúa và sống vì Chúa.

Xin Chúa Giê-su giúp chúng ta luôn kiên vững đức tin, nhất là những lúc bi đát đau buồn của cuộc sống.  Amen!

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

From: Langthangchieutim


 

Đừng Bao Giờ… Trần Dzũng Minh Dân-Truyen ngan

 Trần Dzũng Minh Dân

Tôi ngồi ẩn mình dưới tàng cây rậm rạp sau sân chùa, tránh cái nắng oi ả của mùa hè. Hôm nay ngày thường, mọi người đi làm cả, cảnh chùa im lặng một cách trang nghiêm. Nhân tiện có công việc đi ngang qua chùa, tôi tạt vào viếng cốt và thắp cho ông bác một nén hương để tưởng nhớ đến bác mình. Tôi thường thích ngồi một mình yên lặng như thế, đầu óc như thể hồi mới sinh, mắt thấy cảnh, cảm nhận được hình ảnh nhưng chưa biết nói, trong đầu chưa có những biểu tượng tạo thành ý nghĩ hay tư tưởng! Những lúc như thế, tôi thấy tâm hồn có phần nào an lạc bình yên hơn.

Ngồi lơ đãng như vậy một lúc lâu, tôi chợt thấy bóng người đang lui cui dọn dẹp phía hông mé nhà kho. Để ý kỹ, tôi nhận ra đó là người đàn ông khoảng lứa tuổi ngoài 30 mà tôi thỉnh thoảng vẫn gặp làm công quả cho chùa. Mồ hôi người đàn ông đổ nhễ nhại dưới cái nóng bức của mùa hè, nhưng anh ta vẫn lẳng lặng làm không tỏ vẻ một chút nào khó chịu cả. Tôi ngồi nhìn anh ta làm việc, lòng thầm cảm phục.

Người đàn ông bất chợt nhìn thấy tôi. Anh ta cười, vẫy tay chào.

Tôi nói lớn:

– Nghỉ tay, uống miếng nước đã!

Người đàn ông khựng lại, ngẫm nghĩ, cúi xuống xách chai nước suối dưới đất rồi đi lại phía tôi ngồi.

Tôi đứng lên, bắt tay tự giới thiệu tên mình.

– Chào anh, tôi là Minh.

– Dạ, tôi tên Hiếu.

– Hôm nay anh không phải đi làm à?

Tôi ngắm Hiếu trong khi chờ đợi câu trả lời. Tuy với làn da hơi rám nắng, cùng với một mái tóc cắt ngắn, Hiếu có một khuôn mặt sáng sủa dù ẩn hiện nhiều nét suy tư. Đôi bàn tay gầy gầy thanh nhã chứng tỏ không phải làm việc lao động nhiều.

– Thưa anh không. Tôi nghỉ thứ Ba, không làm việc. Còn anh, sao hôm nay không đi làm à?

– Tôi có vài công việc riêng cần phải làm nên lấy ngày nghỉ hôm nay. Xong việc, đi ngang chùa nên ghé vào đây thăm cốt ông bác. Tôi thỉnh thoảng đi chùa vẫn thấy anh. Anh chắc thường làm công quả ở đây đã lâu?

– Dạ, cũng được vài năm, thưa anh. Sắp tới lễ Vu Lan rồi, tôi soạn lại nhà kho lấy những vật dụng cần thiết, để sẵn đó cho họ. Mỗi người một tay.

– Ừ nhỉ. Anh không nhắc thì tôi cũng quên khuấy đi mất, rằm tháng 7 sắp tới rồi! Trông anh còn trẻ, chắc còn bà cụ?

Hiếu chợt khựng lại, giọng nhỏ đi.

– Thưa anh không. Mẹ tôi mất cách đây được vài năm.

– Tôi xin lỗi.

– Dạ, không hề chi.

Tôi ngẫm nghĩ, miệng nói thầm “Hiếu, Hiếu …”. Tôi đã có nghe ai đó nói tới cái tên này, và đang cố nhớ là đã nghe ở đâu.

– A! Tôi có nghe mẹ tôi thỉnh thoảng nói ở chùa có một anh bác sĩ trẻ hay đến làm công quả, cho chùa tiền và chữa bệnh cho người đồng hương lấy tiền rất rẻ, gặp người nghèo thì chữa miễn phí, không biết có phải là anh không?

Hiếu cười ngượng ngập.

– Dạ, bà cụ anh nói quá lời. Tôi chỉ làm những gì khả năng cho phép.

Tôi tiếp lời:

– Mẹ tôi và mọi người ở đây quý mến anh lắm. Được một người trẻ công danh thành toại trong cộng đồng cũng là điều quý rồi, huống hồ thay vì hưởng thụ, vinh thân phì gia, anh còn nghĩ đến cộng đồng, giúp đỡ cộng đồng thì quá tốt. Tôi nói điều này bằng cả thực lòng, chẳng phải nói cho anh vui.

– Dạ, cám ơn anh. Tôi cũng chỉ xin đóng góp phần nào mà thôi. Một mình tôi thì cũng chẳng làm gì được nhiều nếu không có những sự tiếp tay và góp sức của những người khác. Người cho $100, người cho $5 đồng, $10 đồng … người làm trong nhà bếp, người chăm lo vườn, người lo giấy tờ thủ tục hành chánh v.v… một người thì chắc chắn không thể nào làm xuể được từng ấy công việc.

Tôi đổi đề tài đối thoại, để cho Hiếu được thoải mái, hỏi về những khóa tu thiền sắp tới do chùa tổ chức, những lớp học tiếng Việt v.v…

Ngồi nói chuyện được một lát, Hiếu xin phép quay trở lại làm tiếp công việc dang dở, tôi bảo để tôi phụ một tay khuân dọn cho nhanh chóng, thêm phần có hai người vừa làm vừa nói chuyện đỡ nhàm chán hơn. Hiếu vui vẻ cám ơn tôi.

Công việc xong thì cũng khoảng 5 giờ chiều. Tôi từ giã Hiếu và hẹn gặp lại trong ngày Vu Lan.
o0o

Khi tôi chở mẹ tôi tới thì chùa cũng đã có khá đông người. Một cô bé nhỏ tuổi mà tôi thường thấy trong gia đình Phật Tử của chùa chạy lại, chẳng cả hỏi, cài trên ngực áo tôi một bông đỏ rồi nhoẻn một nụ cười thật dễ thương chúc tôi may mắn còn mẹ.  Tôi mỉm cười sung sướng.

Mẹ tôi dặn dò tôi vài điều như sẽ về lúc mấy giờ, nếu muốn kiếm mẹ tôi thì có thể kiếm bà ở đâu… rồi vội vã đi về hướng nhà bếp để tiếp tay với những người bạn trong Ban Hộ Niệm của bà trong đó.

Tôi đảo mắt nhìn xung quanh, có những người mang đóa hoa đỏ cài trước ngực và có những người cài đóa hoa trắng, những người mà thân mẫu đã qua đời. Tôi chợt nhớ đến Hiếu, nhớ đến người bác sĩ trẻ hay làm công quả cho chùa. Tôi định bụng sẽ để ý kiếm Hiếu. Tôi đi vội về phía khán đài để giúp ban tổ chức văn nghệ khuân ghế ra cho khán giả ngồi và sắp đặt chương trình.

Không khí nhà chùa hôm nay đâu đâu cũng nhộn nhịp, mọi người cười nói vui vẻ. Tiếng thầy trụ trì đang sang sảng thuyết pháp vọng lại từ chính điện. Các em nhỏ trong ban vũ tíu tít gọi nhau để chuẩn bị cho chương trình văn nghệ. Những tà áo dài đủ mầu sắc thỉnh thoảng có dịp gì đó trong năm mới được mang ra mặc. Mọi người rạng rỡ trong ngày báo hiếu.

Khi trời trở chiều, tôi kiếm mẹ tôi, chở bà về lo nấu nướng để cúng bái ở nhà. Tôi vẫn chưa thấy Hiếu. Tôi chợt nhớ là người hẹn gặp nhau ở chùa là tôi và Hiếu chỉ cười, không nói.

************

Sau ngày Vu Lan tôi gặp Hiếu đôi lần ở chùa, những lúc như thế, chúng tôi thường thảo luận về các kinh điển nhà Phật. Hiếu có một trí nhớ rất dai, thuộc làu làu những câu kinh hoặc đoạn kinh. Tôi vốn thuộc loại “dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm”, thuộc loại ưa ngủ chứ chẳng phải tướng học trò gì cả, chẳng nhớ gì nhiều. Nhưng có điều khi nghe Hiếu đọc các câu kinh, tôi hiểu thế nào nói ra như vậy khiến nhiều lúc Hiếu kinh ngạc và thường khen tôi là người có căn cơ, chắc những kiếp trước có tu tập gì rồi. Chúng tôi lại tưởng tượng ra những kiếp trước ra sao để trêu chọc nhau và ngày càng trở nên thân nhau hơn. Thú thật tới lúc đó, tôi cũng chẳng biết gì nhiều về bản thân cũng như gia đình của Hiếu. Tính tôi vốn không tò mò, ai thích kể cho mình nghe thì kể, tôi không hỏi và cũng không lấy đó làm điều quan tâm. Cho đến một hôm…

– Chiều thứ Bẩy này ông có rảnh không?

Ngẫm nghĩ một chốc, tôi trả lời Hiếu:

– Rảnh. Có chuyện gì không?

– Tôi định mời ông đến nhà ăn giỗ bà cụ.

– Ừ, nhưng ông phải chỉ đường cho tôi hay cho tôi địa chỉ. Ông định mấy giờ?

– Khoảng 7 giờ chiều được không? Sáng tôi còn ở phòng mạch. Để tôi vẽ đường đến cho ông sau.

– Ừ, cứ định như vậy đi.

Chiều thứ Bẩy tôi đến nhà Hiếu, một căn nhà nhỏ tọa lạc trong một khu vực yên lặng, hơi xa thành phố. Khi tôi tới, Hiếu đã cúng bái xong rồi, đang ngồi chờ tôi. Tôi đến bàn thờ, thắp nén nhang tỏ lòng tôn kính người quá cố. Nhìn di ảnh, mẹ của Hiếu là một người đàn bà khắc khổ, trông có vẻ lam lũ dù tấm ảnh chụp lúc còn khá trẻ. Duy chỉ có cặp mắt, cặp mắt thật buồn, cặp mắt của một người chịu đựng và hy sinh. Kế bên di ảnh là một bức ảnh của một người đàn ông mặc quân phục, da sạm nắng mà tôi đoán là cha của Hiếu. Điểm làm tôi ngạc nhiên, tôi là người khách duy nhất mà Hiếu mời! Không một người nào khác, ngoài tôi và Hiếu! Ngoài hai bức di ảnh trên bàn thờ, trong nhà không treo một tấm hình nào khác. Đồ đạc bầy biện rất đơn sơ nhưng gọn gàng và sạch sẽ. Nhìn qua, ai cũng có thể đoán được phần nào tâm lý của người chủ nhà.

Trong bữa ăn, Hiếu vui vẻ cười nói huyên thuyên nhiều hơn bình thường. Không biết có phải vì chút rượu vang hay đã lâu trong bữa ăn mới có người cho Hiếu nói chuyện, hoặc vì một lý do nào đó mà Hiếu cố che dấu để quên đi?

Dùng cơm xong, chúng tôi ra phòng khách ngồi uống cà phê, nói chuyện. Lúc này Hiếu lại trở nên ít nói, có vẻ trầm ngâm tư lự, thành thử tôi cứ phải khơi chuyện.

– Ông ở một mình, sao không lấy vợ cho có không khí gia đình? Tôi đi làm về còn có cha mẹ, anh em, ông định ở như vầy đến bao giờ? Vả lại, cỡ người như ông đâu phải là khó lấy vợ!

Hiếu im lặng một hồi lâu rồi trả lời:

– Tôi cũng đã từng lập gia đình rồi.

Tôi nhìn Hiếu không nói. Hiếu tiếp tục kể:

– Tôi lấy vợ cách đây ba năm, ăn ở với nhau được gần một năm thì chúng tôi xa nhau. Chẳng phải lỗi tại Thy, lỗi tại tôi thì đúng hơn. Dầu sao đi nữa thì chúng tôi cũng đã ly dị.

*******

Như có dịp để tâm sự, Hiếu miên man kể cho tôi nghe.

– Bố của tôi là một sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ông thuộc đơn vị tác chiến nên nay đây mai đó, vì vậy ông không muốn mẹ tôi theo. Khi tôi ra đời, lớn lên trong tình thương của mẹ, ít khi thấy mặt cha. Gia đình bên nội cũng như bên ngoại, tôi đều không biết vì bố mẹ tôi thương nhau không có sự đồng ý của cả hai gia đình vốn ghét nhau từ lâu. Mẹ tôi bị gia đình mình từ và gia đình bố tôi không nhận, nhưng vì thương yêu nhau nên bố mẹ tôi bất chấp tất cả để được gần nhau.

Lấy nhau một thời gian ngắn thì bố tôi nhập ngũ, mẹ tôi bắt đầu cuộc sống xa chồng, một thân một mình và có mang tôi. Không nói thì ông cũng có thể tưởng tượng được lúc đó mẹ tôi khổ sở đến thế nào. Bên nội, bên ngoại ngoảnh mặt nhất định không chịu nhìn. Chỉ tội bà ngoại tôi, thương con nhưng sợ chồng, lâu lâu lén lút gặp mẹ tôi và dấm dúi cho ít tiền. Mẹ tôi phải buôn thúng bán bưng để tự nuôi thân và chờ ngày sinh con.

Ngày tôi ra đời, tôi là nguồn sống của bà. Tôi lớn lên trong sự hy sinh cơ cực của mẹ tôi, nhưng ngày đó tôi còn quá nhỏ để nhận thức được sự hy sinh của mẹ mình. Tôi không biết  phải diễn tả thế nào để nói lên được sự vui sướng của mẹ tôi mỗi khi bố tôi về phép, không còn gì sung sướng hơn cho người đàn bà khi thấy chồng mình, con mình và mình được quây quần chung một nhà. Đôi khi mẹ tôi đi xe đò, mang tôi lên đơn vị thăm chồng. Bố tôi vừa mừng vì được gặp vợ con, vừa lo vì đường xá xa xôi, mất an ninh.

Sau khi Cộng Sản chiếm Miền Nam, bố tôi bị chúng bắt đi cải tạo hay đi tù thì đúng hơn! Họ chuyển bố tôi ra Bắc. Mẹ tôi lặn lội ra ngoài đó thăm chồng nhưng họ cho biết bố tôi đã bị bệnh chết! Một người đồng tù đã lén cho mẹ tôi biết là bố tôi đã bị hành hạ đến chết và cho mẹ tôi biết ngày bố tôi bị giết!

Trở vào Nam, đau đớn vì bố tôi bị giết, mẹ tôi lại phải chứng kiến cảnh tôi bị ngược đãi ở trường học vì có cha là lính ngụy. Mẹ tôi tìm cách vượt biên vì tương lai của tôi. Tôi vốn hiếu học lại có trí nhớ dai. Sau khi bán hết tất cả đồ đạc, tom góp được một khoản tiền, mẹ tôi đưa tôi xuống Rạch Giá để tìm đường đi.

Dừng lại, Hiếu nuốt nước bọt một cách khó khăn rồi kể tiếp:

– Trời cũng thương nên chuyến đầu đi lọt dù trải bao gian nan trên biển cả. Nếu không lọt thì cũng chẳng bao giờ còn tiền để đi những chuyến sau. Cuối cùng mẹ tôi và tôi đến Mã Lai. Không một nước nào nhận, nước sau cùng là Mỹ, họ nhận mẹ con tôi, một họ đạo Tin Lành bảo trợ cho vào Mỹ.

Đến Mỹ, không có nghề chuyên môn, tiếng Anh lại không biết, mẹ tôi vào làm phụ bếp trong một nhà hàng. Ai sai gì làm đó, một tuần bẩy ngày. Tối về mẹ tôi lại gò lưng may, ráp những tay áo, lấy tiền theo từng cái. Còn tôi chẳng phải lo lắng gì ngoài việc ăn học. Tôi học dễ dàng, từ trung học lên đại học rồi thi vào trường thuốc, ra trường và đi thực tập. Trong thời gian thực tập, tôi gặp Thy cũng thực tập cùng một nhà thương. Chúng tôi quen nhau và tình cảm nẩy sinh.

Cha mẹ của Thy cũng là bác sĩ từ Việt Nam, qua đây thi lại, thực tập lại rồi ra hành nghề. Nói chung gia đình Thy thuộc giai cấp trưởng giả. Họ biết cách ăn nói, xã giao rất lịch thiệp. Gia đình Thy rất quý mến tôi, mọi người ai cũng mong chúng tôi thành vợ thành chồng cả. Đời tôi thật sung sướng. Năm cuối thực tập, chúng tôi quyết định lấy nhau. Tôi đưa mẹ tôi đến nhà bố mẹ Thy dùng cơm tối để nói chuyện chung thân cho hai đứa tôi. Trong bữa cơm với gia đình Thy …

Giọng Hiếu trở nên khó khăn, ngập ngừng.

– Tôi chợt nhận thấy sự quê mùa của mẹ tôi khi ngồi chung bàn với gia đình Thy. Từ cái tóc, cách ăn mặc, lối ăn uống… Khi bố mẹ Thy nói chuyện, hỏi mẹ tôi những chuyện thông thường, mặt mẹ tôi ngớ ra, trắng bệch, giọng nói trở nên run rẩy, sợ hãi… Tôi… Hiếu nói nhỏ nhỏ, giọng run run trong cuống họng.

– Tôi… lúc đó cảm thấy xấu hổ. Tôi xấu hổ vì sự quê mùa, thiếu kiến thức của mẹ mình khi so sánh với người khác. Tôi trở nên tức giận mẹ tôi và có nhiều cử chỉ hỗn láo với mẹ trong suốt bữa ăn! Mẹ tôi im lặng, lúc về nhà bà luôn miệng xin lỗi tôi, đã làm tôi mất thể diện.

Đám cưới chúng tôi diễn tiến như dự định. Tôi càng tức tối trong ngày cưới khi thấy sự quê kệch, luống cuống của mẹ mình. Khách toàn là khách sang trọng. Lúc đó, tôi giận mẹ tôi vô cùng, tại sao những việc đơn giản như thế mà cũng không biết. Tôi gay gắt với mẹ tôi đến nỗi có lúc mẹ tôi vừa run vừa chẩy nước mắt vì sợ không vừa ý tôi!

Mẹ tôi về ở với vợ chồng chúng tôi. Thy có nhiều lúc khiếm nhã với mẹ của tôi, những lúc đó tôi lại tức tối mẹ tôi, tại sao những chuyện như vậy mà cũng không biết để người khác coi thường. Mẹ tôi trở nên sợ hãi, bà cố tránh chúng tôi, cả ngày bà trốn trong phòng. Chỉ những lúc ăn cơm bà mới phải ra, ăn vội ăn vàng rồi lại vào phòng. Mà đồ ăn nào vừa ý bà! Mẹ tôi ăn không có cơm đâu được! Đồ ăn thường là đồ kho, đồ xào. Thy lớn từ bé ở đây, lại thích ăn như người Mỹ. Tôi thì sao cũng được nhưng lúc đó tôi lại muốn tập cho mẹ tôi thay đổi! Chúng tôi đã bắt mẹ tôi nghỉ làm trước khi lấy nhau. Không lẽ cả hai vợ chồng là bác sĩ mà mẹ thì làm phụ bếp!

Ở như vậy được vài tháng thì mẹ tôi bỏ đi. Bà đi vì sợ vì bà, vì sự quê kệch của bà mà vợ chồng tôi sẽ mất hạnh phúc. Tôi không hiểu lúc đó tôi là con người hay là con vật! Tôi không mảy may quan tâm. Tôi nghĩ mẹ tôi đã từng tự lập từ hồi trẻ đến giờ, không có tôi mẹ tôi cũng không sao, nhất là mẹ tôi nói mẹ tôi dọn về ở với một người bạn. Thy cũng vậy. Chẳng trách Thy được. Tôi là con mà đối xử với mẹ mình như vậy, trách sao được người con dâu! Tôi có hỗn láo với mẹ tôi thì Thy mới dám coi thường mẹ tôi chứ! Mấy tháng sau…

Giọng Hiếu trở nên run rẩy, cố kìm hãm sự xúc động. Mắt ngấn lệ ngước lên nhìn hình mẹ.

– Mấy tháng sau, một nhân viên cảnh sát đến gõ cửa báo cho tôi biết mẹ tôi đã qua đời. Như tiếng sét đánh ngang tai, tôi không tin! Tôi vội vã chạy đến nhà xác. Xác mẹ tôi nằm đó, những nét nhăn hằn trên trán, những sự khổ cực hy sinh của mẹ tôi mà tôi cho là dấu tích của sự quê mùa. Tôi đã lầm …

Hiếu nức nở khóc.

– Làm sao mẹ tôi có thể sống thiếu tôi! Tôi là nguồn sống của bà mà! Tất cả sinh lực, ý chí phấn đấu trước kia là vì tương lai của tôi, là vì tôi! Không có tôi bên cạnh, không có đứa con trai thương yêu của bà bên cạnh, bà chẳng còn thiết gì! Tinh thần bà suy sụp, thể xác khô kiệt. Mẹ tôi lại sống một mình, chẳng phải với người quen như tôi tưởng. Trong khi đó vợ chồng tôi mải mê làm việc, lo làm giầu!

Tội này tôi làm sao rửa hết được! Tại sao tôi không nghĩ những lúc mẹ tôi khổ cực ở xó bếp để tôi được ăn miếng ngon, đến trường mặc những bộ quần áo mới! Tại sao tôi không nghĩ mẹ tôi còng lưng may những buổi tối để tôi có cái xe, thay vì bà ngồi đọc sách báo để tăng kiến thức như tôi mong muốn, cho tôi khỏi xấu hổ. Mẹ tôi chịu ngu dốt để cho tôi khôn, mẹ tôi quê mùa để tôi được thanh lịch mà tôi lại coi thường, khinh chê mẹ tôi! Sau khi chôn cất mẹ tôi. Tôi và Thy ly dị nhau chẳng bao lâu sau đó vì thấy Thy tôi lại nghĩ đến mẹ tôi.

Tôi dọn về tiểu bang này để khỏi phải thấy những cảnh quen cũ. Ông thấy đó, ngày lễ Vu Lan tôi không dám lên chùa vì sợ thấy cảnh hiếu thảo của người con đối với mẹ của họ, sợ thấy cảnh những người còn các bậc từ mẫu. Tôi làm công quả hy vọng hương hồn mẹ tôi vui lòng, những công việc mà bà rất muốn làm nhưng đã không làm được vì dành hết thời giờ cho tôi. Tôi bố thí, cúng dường với tâm ý hồi hướng công đức cho mẹ tôi dù biết rằng nên hồi hướng công đức cho tất cả chúng sinh. Công ơn mẹ tôi sâu dầy, lúc sống tôi đã không trả được, ít ra cũng làm nguôi ngoai phần nào hương hồn người khi đã mất.

Hiếu nhìn ảnh mẹ mình, nước mắt dàn dụa, miệng lẩm bẩm:

– Mẹ ơi, tội này con làm sao rửa hết được.

Tôi ngồi chẩy nước mắt nhìn Hiếu. Một tâm hồn đau khổ, đang quằn quại trước mặt tôi. Hiếu tiễn tôi ra cửa, miệng nói khe khẽ:

– Đừng bao giờ để hối hận như tôi ông nhé. Phúc thay cho những kẻ còn mẹ!

Tôi không trả lời, nắm tay Hiếu bóp mạnh.

Trần Dzũng Minh Dân

From: Tu-Phung


 

TÌNH CŨ…-Truyen ngan HAY

Bùi Mạnh Toàn

Từ đầu kia của căn phòng dạ tiệc xa hoa, lộng lẫy chị đờ người ra khi anh cùng vợ và đàn con 4 đứa tiến vào trong tiếng vỗ tay, hoan hô của mọi người. Ly rượu vang trong tay chị xém chút nữa rơi xuống đất.

Chị đâu có ngờ người đến thay chồng chị làm trưởng văn phòng đại diện của một tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng trên thế giới là anh, người yêu cũ của chị.

15 năm xa nhau chị ngày càng đẹp mặn mà, quyến rũ. Anh bây giờ đã là biểu tượng của doanh nhân thành đạt: đẹp trai và vô cùng lịch lãm. Anh và chị mà đứng cạnh nhau thì là cặp đôi đẹp nhất của buổi tiệc tối nay. Còn ông chồng vừa già, vừa hói của chị thì nhìn rất tương xứng với cô vợ béo tốt, mặt tròn xoe của anh.

Khi chồng chị giới thiệu anh, chị rất bất ngờ khi thấy anh điềm tĩnh lên tiếng:

– Đã lâu không gặp, em vẫn không thay đổi gì cả.

Rồi quay sang ông chồng anh giải thích

– Chúng tôi trước kia là bạn học cùng trường đại học.

Chỉ nói có thế rồi anh đưa vợ con đi chào hỏi mọi người, cho đến cuối bữa tiệc cũng không tiếp xúc với chị thêm lần nào nữa.

Dù đứng ở góc nào, chị cũng kín đáo quan sát anh và mỗi khi thấy anh toàn tâm, toàn ý, hết lòng chăm sóc vợ con, sẵn sàng bế con cho vợ ăn … một nỗi buồn dâng lên sâu thẳm trong lòng chị.

Chị nhớ lại những đêm dạ hội ồn ào thời sinh viên, chị luôn là hoa khôi và ánh mắt của anh bao giờ cũng nhìn chị xao xuyến. Chị nhớ cầu thang kí túc xá tối om mỗi lần đi chơi về chị đều bắt anh cõng lên tận tầng 3. Nhớ có lần nước yếu anh phải thức đến 2 giờ sáng xách từng xô lên phòng cho chị.

Có lẽ nào anh đã quên hết những ngày tháng đó ?

Chồng chị còn nán lại 2 tuần để bàn giao công việc cho anh, họ ở cùng một khu căn hộ cao cấp. Chị cố tìm mọi cách để có thể gặp riêng anh, mỗi khi gặp nhau trong thang máy hoặc dưới sân, nhưng chị chỉ nhận thấy thái độ hờ hững, lạnh lùng của anh mà thôi…

Ngày mai gia đình chị bay rồi. Không cam lòng hôm nay chị hẹn gặp anh lần cuối ở một quán cà phê rất sang trọng, kín đáo.

Khi chị tới trong bộ váy áo cực kỳ đẹp phô bày hết tất cả những đường cong quyến rũ, anh đã ngồi chờ sẵn, trên bàn là ly chanh dây mà chị yêu thích. Lòng tràn ngập niềm vui chị hỏi khẽ

– Tại sao ?

Anh tiếp lời

– Em muốn hỏi tại sao anh hờ hững với em đúng không?

Chị gật đầu, anh vẫn như xưa, luôn đọc được các ý nghĩ của chị.

– Là bởi vì trong lòng anh không còn có em nữa. Khi em đạp lên mối tình 5 năm hạnh phúc của chúng mình để đi lấy chồng giàu có, anh đã từng rất tổn thương, đau khổ, vật vã rất lâu. Cũng nhờ sự tuyệt tình của em anh mới phấn đấu không ngừng nghỉ để có ngày hôm nay. Có thể trong mắt em vợ anh trông thô kệch, nhưng do cô ấy sinh đẻ 4 lần liên tiếp, mà bọn trẻ con nhà anh bị dị ứng với sữa ngoài nên cô ấy nuôi con bằng sữa mẹ rất lâu, không thể giữ dáng được. Anh yêu cô ấy vì ở bên cạnh cô ấy và các con anh luôn cảm thấy nhẹ nhàng, ấm áp.

Chị nghẹn ngào thốt lên

– Nhưng em cũng yêu anh mà

Anh nhướng mắt nhìn chị

– Không phải là em yêu anh đâu mà em yêu chính bản thân mình thôi. Em luôn luôn tính toán những gì tốt nhất cho mình. 15 năm trước giữa thằng sinh viên nghèo mới ra trường là anh và anh chàng Việt kiều già nhưng giàu có em đã chọn anh ta. 15 năm sau em không quên tình cũ vì anh bây giờ ngoài thành đạt thì trẻ hơn chồng em nhiều.

Bỏ mặc chị ngồi vật vã nước mắt lã chã tuôn rơi, anh đứng dậy.

– Anh phải về đưa bọn trẻ con đi bơi, thật ra qua tiếp xúc anh thấy chồng em là người tốt và rất yêu em đấy. Chúc em ngày mai lên đường thượng lộ bình an nhé!

Cái gì đã qua thì để cho nó qua luôn em à.

Bài và ảnh: ST


 

Tình yêu, đi theo chúng ta trọn kiếp người”-Truyen ngan HAY

Nguyễn Thái Sơn

“Bà ấy nói: “Đừng gọi bác sĩ, em muốn ngủ yên, với tay anh trong tay em. ” ông ấy nói với bà ấy về quá khứ, cách họ gặp nhau, nụ hôn đầu tiên của họ. Họ không khóc, họ mỉm cười. Họ không hối tiếc bất cứ điều gì, họ rất biết ơn. Rồi bà ấy lặp lại nhẹ nhàng, ‘Em yêu anh mãi mãi! ‘Ông trả lời bà, và trao l một nụ hôn nhẹ lên trán. Rồi bà ấy nhắm mắt lại và ngủ một cách nghẹ nhàng trong tay người mình yêu trọn đời.

Tình yêu là điều quan trọng bởi vì con người đến với thế giới này không có gì khác ngoài tình yêu và ra đi không có gì khác ngoài tình yêu , sự nghiệp, tài khoản ngân hàng, và mọi thứ của chúng ta chỉ là công cụ tiêu khiển cuộc đời, không hơn.

Nhưng, Tình yêu, đi theo chúng ta trọn kiếp người”

Thánh Luy Gonzaga (09-03-1568-21-06-1591)- Cha Vương

Hôm nay 21/06 Giáo hội mừng kính thánh Luy Gonzaga, quan thầy của giới trẻ và các sinh viên. Chúc mừng chúc mừng những ai có tâm hồn trẻ trung nhé!

Cha Vương

Thứ 4: 19/06/2024

Thánh Luy Gonzaga chào đời ngày 09-03-1568 trong một gia đình quyền quý và danh  giá, thuộc xứ Castiglione, miền bắc nước Ý. Cha ngài là bá tước Ferdinand, người muốn hướng Luy vào nghề binh nghiệp; còn mẹ ngài là một người đạo đức, biết dạy con yêu mến Chúa, sùng kính đức Maria và thương giúp người nghèo. Với gương sáng đạo hạnh của người mẹ, thánh Luy đã sớm khát khao bước đi trên con đường trọn lành như Chúa muốn. Chúng ta có thể tóm lược cuộc đời thánh nhân qua hai điểm sau:

(1) Sùng kính và dâng hiến cuộc đời cho Đức Maria—Nhờ hương thơm thánh thiện của người mẹ, thánh Luy đã sớm có lòng sùng kính Đức Maria cách đặc biệt. Tại Florence, vào năm 1577, thánh nhân đã khấn giữ mình trinh trong trước tượng Đức Mẹ Đồng Trinh, tại nhà nguyện Dòng Tôi Tớ Đức Mẹ. Ngài luôn lánh xa mọi dịp tội, hay bất cứ sự gì có thể làm cho mình cắt đứt mối hiệp thông thân tình với Thiên Chúa. Ngài chuyên chăm cầu nguyện, sống nghiêm nhặt và khắc khổ. Sau khi trở về quê nhà Castiglione, ngài còn tăng thêm các việc lành đạo đức, và coi đó như một bổn phận: quỳ đọc kinh Nhật Tụng về Đức Mẹ, các Thánh Vịnh sám hối và các kinh nguyện khác. Ngày 15-08-1583, đang khi cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ trong nhà thờ, thánh Luy cảm thấy như mình được Chúa kêu gọi dâng hiến cuộc đời cho Ngài trong đời sống tu trì. Sau đó, thánh nhân quyết định bước theo tiếng gọi của Chúa và  gia nhập dòng Tên, dù bị người cha phản đối. Có thể nói, cuộc đời thánh Luy đã trao hiến hoàn toàn cho Đức Mẹ và để cho Mẹ dẫn dắt đời mình theo Thiên Ý. Do đó, người ta thường gọi thánh nhân là “Thiên thần con”.

(2) Hy sinh phục vụ—Bước vào nhà dòng, thánh Luy chỉ muốn quên mình, sống khiêm tốn, nhiệt tâm phục vụ cộng đoàn, thươ`ng giúp những người nghèo hèn và bệnh tật. Ngài làm các công việc nhỏ nhặt như: làm bếp, rửa chén bát, lau nhà… hầu như thánh nhân không nề hà công việc gì, dù công việc đó có khó khăn, nặng nhọc và nguy hiểm đến tính mạng. Năm 1591, nước Ý lâm vào cảnh đói kém và cơn bệnh dịch lan tràn tại Roma và các vùng khác đã làm cho nhiều người chết. Trước cảnh khốn cùng của người dân, thánh Luy cùng với nhiều người khác đi quyên góp quần áo, thực phẩm và thuốc men để giúp đỡ những ai đang gặp gian nguy. Với những người đang hấp hối trên đường phố, thánh nhân đưa đến bệnh viện, tận tình chăm sóc, tắm rửa và giúp họ lãnh nhận các bí tích sau cùng. Chính lòng bác ái với người khác, nên thánh nhân cũng bị nhiễm bệnh. Trên giường bệnh, thánh nhân đã viết thư cho mẹ với tất cả niềm trin ân và niềm tin tưởng vào Chúa: “Thưa mẹ, con thú thật với mẹ rằng: mỗi khi con suy nghĩ về lòng tốt của Chúa, giống như biển không đáy không bờ, linh hồn con như rơi xuống vực sâu ấy, chìm trong cảnh bao la bát ngát, lạc lõng và không biết đáp lại làm sao, vì sau một thời gian làm việc vắn vỏi và sơ  sài như thế mà con đã được Chúa ban cho nghỉ ngơi muôn đời”. Ngày 21-06-1591, thánh Luy lãnh nhận các bí tích sau cùng, và ra đi bình an khi mới 23 tuổi đời. Đức Giáo Hoàng Phaolô V tuyên phong chân phước cho ngài vào ngày 19-10-1605; và ngày 31-12-1726, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XIII đã nâng ngài lên bậc hiển thánh.

Lạy Chúa! Chúa đã ban cho thánh Luy Gonzaga đầy hương thơm thánh thiện, luôn giữ mình trinh trong, tôn sùng Đức Maria và thương giúp kẻ nghèo. Nhờ lời chuyển cầu của thánh nhân, xin Chúa ban cho mỗi người chúng con biết giữ mình khỏi mọi vết nhơ tội lỗi, sống yêu thương và quảng đại phục vụ anh chị em. Amnen.

(Nguồn: Simonhoadalat—hạnh các thánh)

From: Do Dzung

Thánh Ca: Têrêxa một tâm hồn, một con đường – Trình bày: Đình Trinh 

CSVN quen thói đu dây và dây sắp đứt đến nơi-Hiếu Chân/Người Việt

Ba’o Dat Viet

June 19, 2024

Putin

Người Mỹ không nên tiếp tục nuôi ảo tưởng về khả năng lôi kéo  Hà Nội vào quỹ đạo của Washington. Việc mời và đón tiếp tên tội phạm chiến tranh Putin là giọt nước tràn ly, cho thấy đã đến lúc Mỹ nên cứng rắn với giới cầm quyền Việt Nam về các vấn đề nhân quyền, thao túng tiền tệ, thương mại không công bằng và hỗ trợ các tổ chức đang đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam.

Giới lãnh đạo Việt Nam đang mắc sai lầm nghiêm trọng, đu dây riết rồi có ngày dây đứt.

Ông Putin đến Việt Nam không chỉ là nhà độc tài khét tiếng, đã làm tổng thống năm nhiệm kỳ thông qua những cuộc bầu cử gian trá mà còn là một tội phạm chiến tranh đang bị Tòa Án Hình Sự Quốc Tế (ICC) truy nã từ Tháng Ba năm ngoái. Việt Nam chưa là thành viên của ICC nên không có nghĩa vụ bắt giữ ông Putin nhưng việc trải thảm đỏ đón một kẻ tội phạm như vậy đang làm nhiều người dân Việt cảm thấy nhục nhã. Việc các ông Võ Văn Thưởng, Nguyễn Phú Trọng công khai mời ông Putin thăm Việt Nam sau khi ông ta bị truy nã được coi là hành động công khai thách thức trát bắt giữ của ICC. Tuyên bố huênh hoang của giới lãnh đạo cộng sản “không chọn bên, chỉ chọn chính nghĩa” nghe thật lố bịch và gian xảo khi mời đón một tên tội phạm bàn tay đầy máu lương dân.

Ngạn ngữ Pháp có câu “Hãy cho tôi biết bạn chơi với ai, tôi sẽ nói bạn là người thế nào.” Chỉ riêng việc trung thành với những tên phát xít như Putin thì đủ biết bản chất của chế độ cộng sản  Hà Nội như thế nào mà không cần giải thích dài dòng.

Lời mời của  Hà Nội và chuyến thăm Việt Nam mang lại cơ hội để ông Putin chứng tỏ với thế giới rằng các biện pháp cấm vận, cô lập nước Nga do cuộc chiến Ukraine đã không có hiệu quả, ông Putin vẫn đi đó đi đây và được đón tiếp trọng thể.

Cay đắng cho Hà Nội hơn nữa là Nga đã sắp xếp để ông Putin ghé thăm Hà Nội sau khi đã đến Bắc Hàn trong cùng một chuyến đi. Bắc Hàn từ lâu đã là “vùng trũng” của thế giới hiện đại, bị cộng đồng quốc tế xa lánh vì tham vọng phát triển vũ khí nguyên tử, hung hăng đe dọa hòa bình và ổn định của khu vực mà đẩy đất nước vào cảnh đói khổ cùng cực.

Lẽ ra ông Putin đã đến  Hà Nội sau khi thăm Trung Quốc giữa Tháng Năm vừa qua, nhưng chuyến đi đó đã bị hoãn lại do những xáo trộn trong hàng ngũ lãnh đạo chóp bu ở Ba Đình. Lần này, lịch trình công du của ông Putin ngụ ý Nga coi Việt Nam ngang với Bắc Hàn nếu không muốn nói là thấp kém hơn vì  Hà Nội không cung cấp được cho Nga cái mà Moscow đang cần cho cuộc chiến tranh.

Có thể Việt Nam không chủ tâm đứng vào “trục chuyên chế” bao gồm Trung Quốc, Nga, Iran và Bắc Hàn để đối đầu với khối dân chủ nhưng cách hành xử của  Hà Nội khiến thế giới có cớ để nghĩ rằng, Việt Nam cùng một giuộc với những thế lực phản động, không tin cậy được.

Hà Nội đã ngay lập tức vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Mỹ và Châu Âu khi đón tiếp ông Putin. “Không nước nào nên cho Putin diễn đàn để thúc đẩy cuộc chiến tranh xâm lược của họ và cho phép ông ta biến sự tàn bạo của mình trở thành bình thường. Nếu ông ta được đi lại tự do, điều đó có thể bình thường hóa các hành vi vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế của Nga,” phát ngôn viên của Đại Sứ Quán Mỹ tại  Hà Nội nói với hãng tin Reuters về chuyến thăm của ông Putin.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, rồi đây Việt Nam có đủ khả năng để giải thích ổn thỏa với Mỹ nói riêng, Tây phương nói chung về thái độ trung thành với ông Putin và nước Nga. Có người dự báo trong ngắn hạn, cách đối xử với Nga sẽ không ảnh hưởng lớn đến quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ, Tây phương và các quốc gia dân chủ như Nhật, Nam Hàn và Úc, đặc biệt là hiện nay có vẻ như Việt Nam đang được Tây phương cố lôi kéo vào liên minh kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc.

Phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, đã nhiều lần vỡ mộng với những lời hứa hão của Việt Nam về cải cách chính trị nhưng rốt cuộc vẫn là một thể chế toàn trị, chẳng những không rời xa mà ngày càng đi sâu vào quỹ đạo chuyên chế của Nga-Trung Quốc. Từ khi Nga xâm lược Ukraine, cây tre Việt Nam càng lúc càng ngả hẳn về phương Bắc và đó là điều ai cũng thấy bất chấp cảnh báo rằng với tham vọng lãnh thổ điên cuồng của Nga và Trung Quốc, Ukraine hôm nay có thể là Việt Nam và Đài Loan ngày mai. Ở đây, quyền lực của kẻ thống trị đã đặt lên trên lợi ích quốc gia.

Sự kiên nhẫn nào cũng có giới hạn. Người Mỹ không nên tiếp tục nuôi ảo tưởng về khả năng lôi kéo  Hà Nội vào quỹ đạo của Washington. Việc mời và đón tiếp tên tội phạm chiến tranh Putin là giọt nước tràn ly, cho thấy đã đến lúc Mỹ nên cứng rắn với giới cầm quyền Việt Nam về các vấn đề nhân quyền, thao túng tiền tệ, thương mại không công bằng và hỗ trợ các tổ chức đang đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam. Chỉ có một Việt Nam dân chủ tự do mới có thể là đối tác tin cậy của Hoa Kỳ và cộng đồng thế giới trong cuộc cạnh tranh với trục chuyên chế Nga-Trung Quốc.

Hiếu Chân/Người Việt