Vài Cảm Nghĩ Về Ngày Tết Âm Lịch-Duy Khang (1)

Khang Duy Nguyen is in Sugar Land.

Hôm nay đã là ngày 30 Tết Âm Lịch, sáng sớm tinh mơ tôi dạo bước ra vườn bắt gặp nụ đào chúm chím rung rinh trước gió, lòng lại lâng lâng vui. Những cánh hoa đào đầu tiên hé mở, khỏe khoắn, hồng tươi trong sương, trong nắng, trong gió, trong lạnh thành một thông điệp báo xuân, gieo vào lòng người từ già đến trẻ niềm vui hân hoan, nao nức, bời bời… Xuân đang về! Điệp khúc nhiệm mầu này thường niên của thời gian tái hiện bình thường theo quy luật tự nhiên mà sao mỗi khi gặp lại, lòng ta vẫn vẹn nguyên ngóng trông hồi hộp, để rồi mỗi giao thừa trong đêm ba mươi lại dâng trào cảm xúc. Trong khoảnh khắc thiêng liêng này, bên nhà chỉ còn vài tiếng nữa là giao thừa, năm Giáp Thìn 2024 sẽ đến, nhà nhà người người, lòng ta hướng về những gì thành kính nhất, yêu thương nhất, mà thầm ước vọng, nguyện cầu mong một năm mới đủ đầy, may mắn, an khang… cầu chúc cho người dân Việt mình có một Mùa Xuân yêu thương, hạnh phúc.

Tôi luôn nhớ không gian chiều Ba mươi Tết. Nó bảng lảng khói sương và có gì bâng khuâng khó tả. Ông Bà Nội của chúng tôi là dân gốc Bắc 54 và đạo ông bà. Do vậy khi mâm cúng tất niên của Bà Nội tôi đã xong, mọi công việc trong nhà, đã gọn ghẽ, ông bà nội của tôi thắp hương cầu nguyện mong muốn những người đã khuất về ăn Tết. Vàng hương bay lả tả trong chiều muộn dễ gợi người ta nghĩ rằng, có lẽ, tất cả những người đã mất sẽ trở về nhà trong ba ngày Tết bằng một cách nào đó. Mấy anh em gia đình chúng tôi theo Đạo Công Giáo, tục lệ này thay vào đó là đi tảo mộ trước Tết để khấn mời người thân trở về với con cháu. Mấy ngày Tết là dịp quây quần các thế hệ trong gia đình cùng nhau ăn cơm, cùng nhau trò chuyện, hàn huyên mọi điều. Ai cũng hồi tưởng về thời thơ ấu, về những kỷ niệm ấm áp tình thân. Nhìn lại những hình ảnh kỷ niệm Tết xưa dường như vẫn thấy bóng dáng những người ruột thịt năm nảo, năm nào… Nhớ thương người không còn để rồi chăm sóc tốt hơn cho những người đang hiện hữu. Ngày Tết đã nhóm được mồi lửa lớn từ những đốm lửa nhỏ nhoi ở mỗi người. Giao thừa xong, đêm xuân khe khẽ đến, mới thật sự thấy gia đình là thứ quý giá nhất trên đời, hơi ấm mùa xuân sẽ vĩnh hằng, bởi mùa xuân là Tết, là có đủ món ăn ngon, là nồng nàn tình thân sum họp. Tình thân là thứ hơi ấm có giá trị lâu bền suốt cõi sống của mỗi cá nhân. Mùa xuân ấm áp hơn vì như thế. Bình minh ngày mồng Một đầu tiên của năm mới, cái rét cuối cùng chạy qua mái hiên là lúc thèm ngồi bên một ấm trà. Hơi trà nóng bốc lên bỗng dịu dàng khác lạ. Dường như hương thơm có gì đó dịu ngọt, đậm đà, thi vị hơn. Người ngồi uống trà bên ta cũng sẽ là một người đặc biệt. Người tri kỷ là hợp nhất. Hai người có thể lặng im bên nhau, không nói một lời nào đi nữa, thì cũng như đã thấy cả, hiểu cả tâm tư. Khi nhấp chén trà đầu tiên, nếu dành tâm trí ở đây, tại chỗ này, với bạn, thì nó có đủ vị của mùa xuân; ngũ hành luân chuyển, sự sống tươi xanh, cả nhịp đập của những gì tinh khiết và mới mẻ.

Gần hơn ba chục năm nay, cuộc sống của tôi dường như chậm lại, nhất là những ngày Tết đến xuân sang. Sự thư thái ấy, càng làm cho con người sống thiên về hoài niệm, với những ký ức đã xa vời vợi. Do vậy, về miền ký ức, tìm lại dĩ vãng, tìm lại kỷ niệm, dù rằng rất nhỏ, song luôn thôi thúc trong tôi với nồi bánh chưng đang sôi, tỏa ra mùi hương quê nhà, dưới ngọn lửa hồng ta vừa nhóm, mới làm hồn người dịu lại giữa ngày xuân. Khi khí hậu vùng Houston, Texas bắt đầu lạnh và nhiệt độ có lúc xảy ra những ngày đông đá hơn vào những ngày đầu năm những bông hoa tuyết trắng xóa tan dần, thay vào đó là tia nắng xuân trải đều trên những cành cây vừa mới vượt qua một mùa đông giá lạnh, tôi cảm nhận một mùa xuân đang đến gần khiến lòng tôi trào dâng nỗi nhớ Tết quê hương. Tôi mới thực sự thấu hiểu rằng, ai đã từng xa quê, ngồi một mình vào những ngày giáp Tết, vào chính cái đêm giao thừa cô đơn trong cái lạnh chuyển giao của trời đất, mới thấm thía, đau đáu một nỗi nhớ nhà, là nơi cất giữ bao kỷ niệm tươi đẹp thời ấu thơ, là nơi ai ai cũng nhớ vể quê hương tha thiết đến nhường nào! Chắc hẳn quê hương trong tâm khảm mỗi người là những gì đẹp nhất, thiêng liêng gần gũi nhất. Hình ảnh Tết trong tôi những năm tháng xa nhà, là bóng mẹ ngồi bên nồi bánh chưng đỏ lửa, là dáng cha cặm cụi với cây nêu, cành đào, là màu đỏ của đôi câu đối được cha trang trọng dán lên hai bên ban thờ, là niềm vui với những đồng tiền mừng tuổi, là màu xanh của bánh chưng, là mùi hăng của lọ dưa hành muối, vị đậm đà của nồi thịt đông mẹ nấu, là mùi hương bay nghi ngút trên bàn thờ tổ tiên trong ba ngày Tết, là bữa cơm tất niên đoàn tụ gia đình, là những lời chúc tụng tốt đẹp nhân dịp năm mới từ người thân, bạn bè… Mọi thứ tưởng như rất đỗi bình thường trong cuộc sống thường nhật của mỗi người nhưng trong ký ức thi thoảng bỗng dâng trào lên trong tâm trí, trong khóe mắt của người xa quê.

Giờ đây tuy sống hơn nữa đời người tại quê hương thứ hai, những tập tục truyền thống vẫn giữ nguyên trong các gia đình Việt Nam tại hải ngoại, trong đó có gia đình bố mẹ và anh em chúng tôi…dẫu có xa nhà vẫn cố gắng về nhà để cùng tận hưởng không khí gia đình đầu năm.

Một chuyện rất đặc biệt là Tết Nguyên Đán gia đình bố mẹ tôi rất mê chưng những chậu hoa mua về chưng trong nhà mỗi dịp mừng năm mới. Những chậu hoa cúc đại đóa với những bông vàng rực, sáng cả trong phòng khách. Vì là dân gốc Bắc, ông nội của tôi thường hay ưa thích và chăm sóc tỉa những chậu hoa thủy tiên mọc từ những củ để đúng mùng một Tết hoa nở ra những nụ hoa nho nhã trắng tinh khiết. Hình ảnh ông tôi nhâm nhi ly trà và cùng ngắm hoa Thủy tiên vẫn chưa bao giờ quên được trong tâm trí của tôi. Theo truyền thống của ông cha để lại, hoa thủy tiên mang đến tinh thần đầy hứng khởi để vượt qua mọi khó khăn, mệt nhọc. Ngắm hoa sẽ giúp cho tinh thần sảng khoái, nhẹ nhõm, giảm bớt stress đáng kể. Đặt một lọ thủy tiên trong nhà sẽ giúp cho tình cảm gia đình thêm bền chặt hơn, tự nhiên hòa giải nhiều hiềm khích. Riêng tôi thì yêu thích nhất là những chậu quất với những quả vàng ươm rực rỡ trên những thân cây xanh rì ý tưởng mang đến sự sung túc đầm ấm trong những ngày đầu năm. Sau Tết các trái quất được mẹ tôi đem đi ngâm và pha với đường, nước để làm một món nước giải khát cho cả nhà cùng thưởng thức. Ngay phòng khách mùi hoa lay ơn đỏ Mẹ tôi cắm đặt ở bàn salon cũng có mùi nhè nhẹ và thêm nữa là mùi thơm thoang thoảng của những chậu lan khoe sắc trong dịp Tết. Cuối cùng mùi thơm rất mỏng từ chậu mai vàng nhiều cánh nở bung được đặt trang trọng ở giữa nhà. Tất cả hương của những thứ hoa bàng bạc trong nhà mà mặc dù sống ở hải ngoại xa xôi cách nữa vòng trái đất nhưng hầu như gia đình tôi vẫn giữ được truyền thống chưng hoa 3 ngày Tết này.

Không thể quên được là còn có mùi pháo thơm nồng. Mùi Pháo là mang âm hưởng Tết nhiều nhất vì là biết Tết đã tới rất gần. Đêm Giao thừa, trong khoảnh khắc giao thoa giữa cái cũ và cái mới, trong không gian thiêng liêng, mùi pháo, tiếng pháo báo hiệu Tết tới, thể hiện không khí rộn ràng của một năm mới, đón chào những thành công mới. Do đó hễ vào dịp bên Mỹ đón giao thừa cuối năm Dương lịch là anh em tôi hơn vài năm nay có thói quen mua về nhà vài ổ pháo với dây dài hơn hai ngàn viên để có dịp đốt trong ngày đầu năm mới tại vùng Houston này. Âm thanh và hình ảnh của Tết là sự tổng hoà của nhiều sự việc mà chỉ có ngày Tết mới có. Nó không chỉ là hình ảnh của những vật phầm. Tết còn là hình ảnh thiêng liêng đi theo suốt quãng đời của mỗi người. Có thể mỗi gia đình, mỗi dòng tộc có những kỷ niệm Tết riêng nhưng tựu trung hoài niệm về những sự chuẩn bị những ngày Tết, hình ảnh gia đình là một kỷ niệm linh thiêng nhất nhưng hiện tại khó tìm cho được đầy đủ hình ảnh ấy trong tâm khảm của những con dân Việt ở những ngày xưa cũ.

Nắng xuân thì, ươm giọt sương mai. Cỏ hoa nhẹ chuyển mình trong bản hòa âm vũ trụ. gieo bao sự sống, cho mầm xanh đâm chồi, cho bao khát khao gửi vào thinh không, thành điệu khèn môi nương theo cánh gió. Nghe như Nàng xuân đang gõ cửa, bước chân nhẹ êm. Lối về mướt xanh màu lá, gót hồng đan mây ngang trời. Một bậu nắng cho cánh bướm vàng lả lơi bay đậu, chấp chới bên khung cửa sổ – màu thời gian. Mà ngời xanh sắc xuân tự bao đời. Có tiếng huyền mầu nhiệm mọc từ đất. Lời côn trùng hát với cỏ cây, khúc ca vui óng ánh sợi tơ vàng nắng. Sâu chuyển mình, dế lang thang, ôm cây đàn hòa điệu giao mùa. Thảm cỏ là một vũ trụ, ẩn sâu dưới mỗi lá cỏ mong manh, nhẹ tênh kia, cả một thế giới đang hiện tồn. Những mầm non cọ cựa, thoát lốt, khai mở một đời. Chồi búp theo gió xuân hé nụ, hướng tìm miền sáng. Thanh âm của cánh hoa nhẹ chao, nghiêng nghiêng, gom bức tình thư. Cho nghe ra lời yêu thương lắng đọng trong những thanh âm dịu dàng, tế vi, mà vấn vương bao mối tơ đồng cảm.

Xuân thiên nhiên dễ hóa thành xuân tâm tưởng, cảnh xuân gợi dậy tình xuân, những ảnh hình hiển hiện bao cảm xúc – nơi phát khởi là trái tim người. Nên ngắm nhìn cành mai trong vườn, trông đàn én liệng tầng không, lại thấy lòng xuyến xao khó tả. Đôi câu thơ mùa xuân, dăm lời ca đón chào năm mới, nhẩm lại dư vị ngày qua, như giấc mơ, như vô thức, ai cũng từng có cho riêng mình.

Tết đã đến và đang đến, dẫu giờ đây với tôi những cái Tết xa quê ngày ấy chỉ là những ký ức ngọt ngào nhưng nó đã trở thành hành trang giúp tôi vượt qua cảm giác buồn, để tôi vượt qua nỗi nhớ Tết quê hương đến nao lòng.

Giao Thừa Giáp Thìn 2024

Duy Khang

(1) Tựa bài do Website keditim đặt


 

Được xem 5 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay