Chúng ta phải làm gì cho xứng đáng để tôn sùng Chúa hiện diện trong hình bánh và hình rượu?- Cha Vương

Thứ 4 rồi bạn ơi! Hãy hướng mắt và tâm hồn về Chúa luôn nhé , ma quỷ đang tìm cơ hội để cám dỗ bạn đó. Đừng quên cầu nguyện cho nhau.

Cha Vương

Thứ 6: 19/07/2025 

GIÁO LÝ: Chúng ta phải làm gì cho xứng đáng để tôn sùng Chúa hiện diện trong hình bánh và hình rượu? Vì Thiên Chúa thực sự hiện diện trong hình bánh và rượu đã được truyền phép, nên chúng ta phải lưu giữ với lòng trọng kính hết sức, và thờ lạy Thiên Chúa cũng là Đấng Cứu chuộc chúng ta trong Phép cực trọng Mình và Máu thánh Chúa. (YouCat, số 218)

SUY NIỆM: Nếu sau lễ còn Mình Thánh Chúa, phải lưu giữ trong các bình thánh và đặt trong Nhà Tạm. Nhà Tạm phải là nơi được tôn kính hơn cả. Mỗi lần đi ngang qua phải bái kính. Thật ra ai muốn đi theo Chúa Kitô thực sự thì phải nhận ra Chúa trong những người nghèo nhất và phụng sự Chúa qua người nghèo. Kitô hữu cũng phải kiếm giờ để có thể tôn thờ Chúa thinh lặng trước Nhà Tạm và bày tỏ tình yêu mến Chúa.

❦  Nhà tạm (lều) cảm hứng từ hòm bia giao ước trong Cựu ước, Hội thánh coi nhà tạm như nơi cao quý nhất để giữ gìn Thánh Thể (Chúa Kitô dưới hình bánh).

❦  Bình hương là đồ vật được dùng trong dịp đặt Thánh Thể, là Chúa Kitô, cho các tín hữu tôn thờ. (YouCat, số 218 t.t.)

LẮNG NGHE: “Ngươi sẽ dựng Nhà Tạm với mười tấm thảm bằng sợi gai mịn xe, vải đỏ tía, vải điều và vải đỏ thẫm. Ngươi sẽ cho thêu trên đó những thần hộ giá rất mỹ thuật… (Xh 26:1)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, con tin thật Chúa ngự trong Bí Tích Mình Thánh. Con yêu mến Chúa trên hết mọi sự, xin giúp con nhận thức được giá trị cao trọng của sự hiện diện của Chúa đang kêu gọi con trở nên giống Chúa hơn mỗi ngày.

THỰC HÀNH: Tập viếng Chúa hoặc làm Dấu Thánh Giá và thốt lên: “Lạy Chúa, con chào Chúa, con yêu mến Chúa.” mỗi khi đi qua một nhà thờ Công Giáo,

From: Do Dzung

*****************************

Thờ Lạy Chúa – Hoàng Oanh

Ba người từ Campuchia về lạnh lẽo

Chuyện tuổi Xế ChiềuCông Tú Nguyễn

Bạn có tin hôm nay, có ba người về lại đất Việt. Không mang theo hành lý. Không lời từ biệt. Họ về bằng những chiếc hòm gỗ kín bưng, trên xe miễn phí từ nhóm chị Giang Thị Kim Cúc -Giang Thị Kim Cúc – anh trở lại đúng nơi bắt đầu. Cánh cửa mở ra là giấc mộng đổi đời, nhưng lúc khép lại thì bên trong là sự im lặng kéo dài.

Người thứ hai tên Hòa, sinh năm 1991. Sau khi nhà gặp biến cố, anh nghe lời bạn bè rủ rê. Tin rằng bên kia biên giới là cơ hội, là tương lai. Giờ phải về Hà Tĩnh, hai chiều đường 2.900 cây số. Mẹ già đã chờ mấy ngày trước cửa. Mâm cơm chiều sắp nguội. Nhưng đứa con thì vẫn chưa về.

Và một người ở Lâm Đồng.

Theo chị Cúc, cả ba đã nằm đó suốt 5 ngày. Không một người quen nhận. Không tiếng gọi tên. Trên hành trình cuối cùng về nhà, họ chỉ có nhau làm bạn đồng hành. Cỗ xe đi xuyên đêm, băng qua rừng, qua ruộng, qua những đoạn đường sương mù bám đầy cửa kính.

Có một người chị từng cùng em trai đi làm bên kia. Giờ đã về Việt Nam. Nhưng hôm nay lại gọi ngược, nói phải quay sang Campuchia gấp để lo giấy tờ. Em cô đang nằm đó. Cần một chữ ký. Một xác nhận cuối. Một lần tiễn đưa.

Vẫn là Campuchia. Nơi từng được xem là ngã rẽ của đời người. Nơi bao người tin rằng chỉ cần bước qua là có thể đổi đời. Nhưng hôm nay, thêm ba người quay về, trong lặng lẽ. Không cờ trắng. Không vòng hoa. Không tiếng kèn trống. Chỉ có tiếng bánh xe sột soạt qua mặt đường. Chỉ có ánh mắt ngấn lệ chờ nơi đầu ngõ.

Gửi bạn – người đang cân nhắc những lời rủ rê. Không có thiên đường nào dễ dàng ở một nơi bạn không hiểu. Nhất là ở biên giới Campuchia – nơi từng chôn vùi bao hy vọng. Có khi, người bạn đang rủ rê bạn đi làm xa, cũng đang mắc kẹt trong tay một nhóm người khác. Mỗi cái gật đầu lúc này, có thể là chuyến đi không trở lại.

Hôm nay, ba người đã về.

Nhưng không ai còn thức dậy nữa.

P/S: Bức hình mình ghi lại khoảnh khắc từng đưa một em mất ở Campuchia về Việt Nam cách đây 6 tháng.

Nguồn: Phong Bụi


 

CHUYẾN TÀU CUỘC ĐỜI             

Chuyện tuổi Xế Chiều – Công Tú Nguyễn          

Từ lúc sinh ra, ta đáp một chuyến  tàu và gặp ngay cha mẹ.

Ta cứ ngỡ sẽ luôn đồng hành với họ.

Nhưng đến một ga kia,cha mẹ ta rời tàu, để lại mình ta tiếp tục.

Trong suốt cuộc hành trình, có nhiều người khác lên tàu.

Và họ cũng khá quan trọng: Anh  em, bạn bè,con cái và  cả người yêu của ta.

Rồi nhiều người sẽ từ biệt (có thể cả người tình của đời ta) và để lại ít nhiều khoảng trống.

Và những người khác cũng sẽ âm thầm lặng lẽ ra đi (mà ta không hay biết).

Cuộc hành trình sẽ đầy niềm vui, khó nhọc, đợi chờ, hội ngộ, tạm biệt và vĩnh biệt .

Thành quả có chăng là những mối quan hệ với tất cả mọi người trong chuyến  đi, miễn là mỗi người đã làm những điều tốt nhất mà mình có thể làm.

Ta chẳng biết rồi ta sẽ xuống ga nào.

Vậy thì hãy sống vui, hãy yêu thương và tha thứ

Điều quan trọng là hãy làm như thế, vì khi chúng ta rời tàu, chúng ta phải để lại những kỷ niệm đẹp cho những người còn tiếp tục chuyến đi.

Hãy vui với những gì mình có và cám ơn Trời về chuyến đi kỳ thú này.

Và cũng cám ơn bạn đã là một trong những hành khách chung chuyến tàu.

Và nếu tôi phải xuống ở ga sắp tới, tôi cũng hài lòng vì đã cùng đi với bạn một đoạn đường.

Tôi xin cám ơn là có bạn trong cuộc đời và bạn đã đi cùng tôi trên chuyến tàu này, chuyến tàu của cuộc đời tôi.

P/s: Hình ảnh chỉ mang tính minh họa cho bài đăng!

Nguồn : Sưu tầm


 

Khi cái sai trở thành điều bình thường trong xã hội-Đặng Đình Mạnh

Ba’o Nguoi -Viet

July 17, 2025

*Chuyện Vỉa Hè
*Đặng Đình Mạnh

Trong một xã hội lành mạnh, đạo đức và pháp luật là hai trụ cột duy trì kỷ cương và phẩm giá con người. Thế nhưng tại Việt Nam, quá trình tha hóa về chính trị đã không chỉ làm mục ruỗng hệ thống công quyền, mà còn kéo theo sự đảo lộn chuẩn mực đạo đức xã hội.

Những gì từng bị coi là hành vi sai trái, vi phạm luật pháp hoặc không đáng được khen ngợi, nay lại trở thành “điều bình thường”, thậm chí được tán dương, ca ngợi. Đó không chỉ là sự xuống cấp của hệ giá trị đạo đức, mà còn là minh chứng rõ ràng cho một xã hội đang đánh mất khả năng định nghĩa, phân định đúng sai.

Vụ án tài phiệt Trịnh Văn Quyết thổi phồng trị giá chứng khoán rồi rút tiền, có sự toa rập của nhiều quan chức nhà nước, xử phúc thẩm ở Hà Nội ngày 26 Tháng Sáu 2025. Quyết nộp thêm tiền “khắc phục hậu quả” nên án giảm từ 21 năm tù xuống còn có 7 năm. (Hình: STR/AFP/Getty Images)

Cho thấy, sự tha hóa về chính trị đang kéo theo sự tha hóa về chuẩn mực đạo đức xã hội, đến mức độ, chúng tạo ra những chuẩn mực mới mà người trong cuộc không còn nhận ra bản thân những chuẩn mực mới đang là sự vi phạm chuẩn mực đạo đức.

Khi cái sai được bình thường hóa

Một trong những biểu hiện rõ ràng nhất của sự đảo chiều chuẩn mực là cách xã hội tiếp nhận các hành vi tham nhũng, vi phạm đạo đức của quan chức, như: Chúng ta không hiếm gặp những lời nhận xét kiểu như: “Ông ấy ăn “dữ” lắm, nhưng làm được việc”, hoặc ,“Quan này tham, nhưng làm cho dân đỡ khổ thì cũng được”.

Tư duy này phản ánh sự thất vọng và bất lực của người dân trước một hệ thống chính trị không có khả năng tự thanh lọc. Nó cho phép kẻ cầm quyền thoát khỏi trách nhiệm đạo đức cơ bản: Là không được ăn cắp tài sản công, cũng như không được tham nhũng.

Khi một xã hội chấp nhận tình trạng quan chức “có làm được việc, thì tham ô, tham nhũng cũng được”, vô hình trung, người dân không chỉ đang tự xóa bỏ ranh giới đạo đức, thứ đáng ra phải là kim chỉ nam cho mọi hành xử của quan chức, mà còn nguy hiểm hơn khi đang thừa nhận một thứ chuẩn mực mới về đánh giá đạo đức quan chức.

Khi những điều bình thường được tán dương

Chuẩn mực đạo đức xã hội đang bị biến tướng đáng kể, là việc tán dương những hành vi vốn dĩ là trách nhiệm cơ bản hoặc chuẩn đạo đức tối thiểu của người dân có giáo dục, sống trong một xã hội văn minh, như: Trên truyền thông chính thống, người dân “nhặt được của rơi trả lại người mất” được đưa lên như một tấm gương, được khen thưởng, tặng giấy khen, thậm chí vinh danh như một “người hùng”.

Không chỉ trong các xã hội văn minh như Singapore, Nhật Bản, hay Đức… mà ngay cả xã hội miền Nam trước năm 1975 cũng vậy, hành vi trả lại của rơi là chuyện đương nhiên – đến mức không ai nghĩ đến chuyện khen thưởng.

Cũng vậy, công an phá được một vụ án, điều vốn là chức năng, nhiệm vụ cơ bản của họ cũng được tổ chức tuyên dương, phát bằng khen từ cấp xã đến cấp tỉnh. Sự tuyên dương vô lối này không chỉ phản ánh một sự lạm dụng hình thức mà còn bóp méo kỳ vọng của xã hội: Thay vì đặt ra yêu cầu cao hơn về hiệu quả và liêm chính, xã hội lại chỉ đang hài lòng với những việc làm đúng bổn phận chức nghiệp.

Hãy nhìn sang các quốc gia lân bang như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan… nơi cảnh sát không cần được khen thưởng rầm rộ vì phá án, nhưng họ luôn luôn chịu trách nhiệm đến cùng nếu có sai sót.

Khi “đừng làm gì cả” cũng được xem là… có công

Một trong những biểu hiện chua chát nhất của sự mất chuẩn là câu nói nửa đùa, nửa thật trong dân gian: “Lãnh đạo không cần làm gì cả, chỉ ngồi yên lãnh lương đã là phúc đức vô lượng cho dân”. Đây không chỉ là một lời than thở mà còn là biểu hiện của sự bất an: Người dân thà chấp nhận quan chức “ngồi yên lãnh lương” còn hơn để họ đề ra chính sách khiến dân khốn khổ hơn.

Thực tế cho thấy, không ít chính sách do các cấp lãnh đạo ban hành đã gây ra hậu quả nặng nề. Ví dụ như chính sách “giải cứu nông sản” tồn tại triền miên vì quy hoạch sai lầm, hay quy định “giấy đi đường” trong thời kỳ giãn cách COVID-19 khiến hàng triệu người dân lâm vào cảnh khốn đốn. Khi người dân phải cầu mong quan chức “đừng nghĩ gì, đừng làm gì” thì đó chính là lời tố cáo mạnh mẽ nhất về chất lượng đội ngũ lãnh đạo hiện nay trong hệ thống chính trị.

Trong khi đó, ở các quốc gia có nền dân chủ vững mạnh trên thế giới, công chúng luôn kỳ vọng lãnh đạo phải chủ động đưa ra chính sách hiệu quả, và nếu thất bại, sai lầm… họ phải từ chức hoặc bị luận tội. Chuẩn mực đạo đức của lãnh đạo không chỉ là tránh làm sai, mà còn là chủ động làm đúng, làm tốt.

Khi quan chức “ngồi xổm” trên luật pháp

Câu nói để đời của ông Nguyễn Hòa Bình, khi đương chức Chánh án Tòa án Tối cao: “bị kỷ luật hết thì lấy đâu ra người làm việc” đã không chỉ thể hiện sự bao che mà còn đặt ra một nghịch lý trong thực thi công lý: Vì lo thiếu người làm việc mà không xử lý cho kẻ sai! Chính vì sự nương nhẹ này mà ngày càng nhiều quan chức vi phạm pháp luật, rồi chỉ bị “kiểm điểm sâu sắc”, “rút kinh nghiệm nghiêm túc” hoặc cao lắm là “cảnh cáo”, “cách chức” – thay vì phải vị bị truy tố hình sự.

Trong một xã hội pháp trị đúng nghĩa, như ở Đài Loan hay Hàn Quốc, những trường hợp sai phạm như vậy không thể dễ dàng thoát tội. Công chúng vẫn chưa quên ví dụ điển hình là cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, người từng bị tuyên án 24 năm tù vì tham nhũng và lạm quyền. Tại Singapore, chỉ cần sử dụng sai tài sản công – dù chỉ là vài đô-la – quan chức cũng có thể bị buộc từ chức hoặc ngồi tù. Đó mới là chuẩn mực của một nền công quyền liêm chính.

Khi “quan” và “dân” không còn bình đẳng trước pháp luật

Điều trớ trêu cuối cùng nằm ở sự phân biệt “quan” và “dân”, như sau: “Cán bộ sai thì chịu trách nhiệm trước dân, còn dân sai thì chịu trách nhiệm trước pháp luật” (Phát biểu của ông Mai Tiến Dũng, cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ”. Tư duy này là một hình thức ngụy biện có hệ thống, nhằm né tránh truy cứu trách nhiệm về phương diện pháp luật đối với cán bộ. Thay vì thượng tôn pháp luật, hệ thống chính trị lại tạo ra hai hệ tiêu chuẩn: Một nghiêm khắc đối với dân và một xuê xoa, nương nhẹ đối với quan.

Bà đại úy Hải quân CSVN Nguyễn Thị Yến nhận bằng khen thưởng ở Nha Trang ngày 24 Tháng Bảy 2025 vì đã trả lại ví tiền có số tiền gần 80 triệu đồng nhặt được của du khách ngoại quốc. (Hình: Tuổi Trẻ)

Điều này hoàn toàn đi ngược lại với nguyên tắc căn bản mà Hiến pháp Việt Nam và nhiều quốc gia văn minh khác trên thế giới từng công nhận: “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”. Vì lẽ, chính sự bình đẳng ấy mới là nền tảng của một nền cộng hòa và tạo dựng nên niềm tin xã hội. Không thể có đạo đức xã hội nếu luật pháp bị chính những người nắm quyền chà đạp.

Tóm lại, sự biến tướng về các chuẩn mực đạo đức xã hội ở Việt Nam hiện nay không chỉ là hậu quả của tha hóa quyền lực chính trị, mà còn là hệ quả của một xã hội đang đánh mất khả năng định nghĩa, phân biệt điều gì là đúng, điều gì là sai. Khi điều xấu được chấp nhận trở thành bình thường, điều bình thường lại được xem như là phi thường, được tán dương, thì xã hội đó đang bước vào trạng thái “hỗn loạn đạo đức”.

Muốn phục hồi lại các chuẩn mực đạo đức xã hội, trước hết cần tái lập lại hệ chuẩn mực, như: Quan chức phải trong sạch, người dân tử tế là bình thường chứ không phải thành tích, công an làm đúng chức trách không phải là người hùng. Và trên hết, luật pháp phải được thực thi công minh, bình đẳng.

Tất cả những điều đó đều đặt để vai trò rất lớn của chế độ trong việc phục hồi lại các chuẩn mực đạo đức xã hội. Thế nhưng, trong hoàn cảnh hiện nay, với sự cai trị độc tài của chế độ Cộng Sản Việt Nam thì hoàn toàn bất khả thi, Vì chính họ, với sự tha hóa quyền lực chính trị đã là tác nhân dẫn đến sự suy đồi, biến tướng các chuẩn mực đạo đức xã hội.

Hoa Thịnh Đốn, ngày 16 Tháng Bảy 2025
Đặng Đình Mạnh


 

NGÔN TÌNH NGƯỜI GIÀ

Nguồn sưu tầm
NGÔN TÌNH NGƯỜI GIÀ
Bài: Binh Bong Bot
Một cặp tình nhân giận nhau. Họ vào quán ăn, đồ ăn bày lên mà chả ai chịu ăn. Bàn kế bên có một cặp ông bà già. Cụ bà lấy đũa cho cụ ông, cụ ông nói:
– Cám ơn bà.
Rồi họ vắt chanh, lặt rau cho nhau, ăn uống vui vẻ. Tay người đàn ông run lắm rồi, ông gắp miếng bò viên đưa cho cụ bà, nhưng giữa chừng miếng bò tuột tay rớt xuống chén tương, văng lên cụ bà. Cụ ông nói:
– Úi, xin lỗi bà.
Đôi tình nhân trẻ nhìn cảnh tượng ấy, bỗng thấy ấm áp. Người nữ mới mở lời, lần đầu sau khi họ cãi nhau:
– Sao họ sống với nhau đến già rồi mà còn cám ơn và xin lỗi khách sáo quá heng?
Người nam nói:
– Không phải họ sống nhau đến già mà còn cám ơn, xin lỗi. Mà vì họ biết cám ơn và xin lỗi nên mới sống với nhau đến già.
Người nữ nghĩ ngợi rồi nói:
– Em xin lỗi.
Người nam mỉm cười, nói:
– Anh cám ơn.

NGUYÊN LIỆU THÔ – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế!”.

“Thời gian là nguyên liệu thô không thể giải thích của mọi thứ. Với thời gian, tất cả đều có thể; không có nó, sẽ không có gì! Nguồn vốn ‘thời gian’ thực sự là một phép mầu mỗi ngày; một điều thực sự đáng kinh ngạc khi người ta xem xét nó!” – Arnold Bennett.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay đặt ra cho chúng ta một câu hỏi. Với thời gian – ‘nguyên liệu thô’ – Chúa ban, Chúa muốn tôi làm gì?”. Ngài muốn tôi – cùng Ngài – kiến tạo yêu thương với lòng biết ơn.

Trước hết, hãy nhìn lại nguồn ‘nguyên liệu thô’ trong đời mình để cảm tạ, “Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ!” – Thánh Vịnh đáp ca. Ơn cứu độ được tiên báo qua việc Chúa dắt Israel vượt qua Biển Đỏ – bài đọc một. Cuộc Vượt Qua này báo trước cuộc vượt qua bóng đêm tội lỗi và sự chết của mỗi người nhờ cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô. “Vượt qua không chỉ là một hành trình lịch sử, nhưng là mẫu thức cho mọi cuộc hoán cải: từ bóng tối đến ánh sáng, từ nô lệ đến tự do, từ thập giá đến phục sinh!” – Von Balthasar.

Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta sử dụng thời gian để gieo trồng yêu thương. Bởi lẽ, yêu thương luôn làm phấn khích, nâng cao tâm hồn và lấp đầy trái tim với năng lượng mới; nó thúc đẩy việc thờ phượng, một sự thờ phượng đích thực làm vui lòng Thiên Chúa. “Chúng ta không thể dâng cho Chúa điều gì tốt hơn là một tâm hồn yêu thương – yêu Ngài và yêu cả những ai Ngài yêu. Và điều đó bao gồm cả nhân loại khổ đau!” – Simone Weil.

Các biệt phái thiếu lòng nhân đối với những người đang đói, họ coi việc các môn đệ đưa tay hái lúa trong ngày Sabbat là phạm luật. Tất cả chúng ta đều có thể bị cám dỗ như họ để đánh giá người khác một cách không công bằng và không cần thiết. Phần Chúa Giêsu, Ngài tận dụng thời gian để xót thương. Không lên án tội nhân, Ngài đồng bàn với họ, những người lỗi luật theo nhiều cách khác nhau, kể cả luật ngày Sabbat. “Chúa Giêsu không bị thời gian thúc bách, nhưng tận dụng từng khoảnh khắc để bày tỏ tình yêu. Người khác vội vàng xét đoán, còn Ngài thì ở lại và đồng bàn!” – Jacques Philippe.

Anh Chị em,

“Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế!”. Lời Chúa mời gọi chúng ta biết sử dụng thời gian để gieo trồng những hạt mầm yêu thương đang khi vượt qua ‘những đồng lúa’ cuộc đời; ở đó, rất nhiều anh chị em đói lả cả tinh thần lẫn thể xác trong một nhân loại khổ đau. Chúa muốn chúng ta thấu cảm bao nỗi khốn cùng của những con người đang tổn thương. Vì lẽ, lịch sử cứu độ là lịch sử của ‘những cuộc vượt qua’ đầy thương xót! Hãy vượt qua cuộc sống lắm gian truân này trong tâm tình tạ ơn và xót thương; tận dụng nguồn ‘nguyên liệu thô’ Chúa ban để ươm mầm những gì Chúa đang kỳ vọng. “Đừng sợ thời gian. Nó không vô nghĩa. Trong tay Chúa, thời gian là khung dệt nên ý định đời đời!” – Carlo Carretto.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, với con – giờ đây – thời gian không còn đi bộ, nó đang chạy, đang bay. Cho con biết tận dụng để kịp làm một điều gì đó có ý nghĩa cho Chúa và cho tha nhân!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

*************************************************************

Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XV Thường Niên, Năm Lẻ

Con Người làm chủ ngày sa-bát.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.   Mt 12,1-8

1 Khi ấy, vào ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa ; các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn. 2 Người Pha-ri-sêu thấy vậy, mới nói với Đức Giê-su : “Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát !” 3 Người đáp : “Các ông chưa đọc trong Sách sao ? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ đói bụng ? 4 Ông vào nhà Thiên Chúa, và đã cùng thuộc hạ ăn bánh tiến. Thứ bánh này, họ không được phép ăn, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi. 5 Hay các ông chưa đọc trong sách Luật rằng ngày sa-bát, các tư tế trong Đền Thờ vi phạm luật sa-bát mà không mắc tội đó sao ? 6 Tôi nói cho các ông hay : ở đây còn lớn hơn Đền Thờ nữa. 7 Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này : Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội. 8 Quả thế, Con Người làm chủ ngày sa-bát.”


 

CẦN NGƯỜI NHƯ MÁCTA CÓ TRÁI TIM MARIA-Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

 Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu thăm nhà hai chị em Mácta và Maria.  Hàng ngày gia đình của họ ra sao chúng ta không hay biết, chỉ khi cô chị Mácta  rước Chúa Giêsu vào nhà và tất bật làm cơm thiết đãi Chúa, còn cô em thì ngồi bên chân Chúa và nghe lời Người chúng ta mới có chuyện (x. Lc 10,38-42).  Gia đình Mácta  và Maria còn có cậu em trai là Ladarô không thấy nói tới. 

Chúng ta cùng tưởng tượng cảnh diễn ra trong nhà này: người chị chạy lên chạy xuống, còn người em ra như bị lôi cuốn vào việc chuyện trò với Khách.  Một lúc sau, người chị Mácta , chắc cảm thấy mệt nhọc, nên đã lên tiếng nói với vị Khách: “Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình, mà không quan tâm sao sao?  Xin Thầy bảo em con giúp con với?” (Lc 10, 40).  Xem ra cô chị Mácta không những bất bình với cô em là Maria mà còn cả với Khách mời nữa.  Nhưng Chúa Giêsu nhẹ nhàng đáp, kèm theo lời khen Maria: “Mácta, Mácta, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện.  Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất” (Lc 10, 41-42).  Chính câu nói này của Chúa Giêsu làm nảy sinh những khuynh hướng khác nhau. 

Có người cảm thấy tiếc cho Mácta , vì Maria đã bỏ mặc tất cả mọi công việc cho Mácta , trong lúc cô ta vui hưởng cuộc nói chuyện với Chúa Giê-su.  Khuynh hướng khác cho rằng, Chúa Giêsu không có ý phê phán thái độ hiếu khách của Mácta  khi Người nêu bật hành vi của Maria “ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người” (Lc 10, 39).  Tuy nhiên, khi phải chọn lựa thì Chúa Giêsu vẫn thích kẻ “nghe” lời Người hơn là loay hoay chuyện cơm nước…  Người cũng cho biết đây là “phần tốt nhất.”

 Hẳn Chúa Giêsu không làm một cuộc so sánh về hai thái độ: một của Mácta  tất bật với việc tiếp đãi Khách, và một của Maria ngồi bên chân Khách để trò chuyện.  Trong thực tế, cả hai thái độ này đều cần thiết.  Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta suy gẫm về một điều căn bản trong đời sống Kitô hữu: lắng nghe và sống Lời Chúa giữa một thế giới đầy bận rộn và phân tâm.

 Hai thái độ sống

 Mácta và Maria không đại diện cho điều đúng, điều sai, mà là hai thái độ sống cần được điều chỉnh và quân bình.  Mácta yêu mến Chúa, nên lo chuẩn bị chu đáo đồ ăn thức uống, như tổ phụ Ápraham trong bài đọc I (x.St 18, 1-15) đã tiếp đón ba vị khách lạ (mà truyền thống hiểu là hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi) với lòng hiếu khách, tận tâm phục vụ.  Tuy nhiên, vấn đề của Mácta  là ở chỗ bị cuốn vào những lo toan, đến mức đánh mất sự hiện diện và Lời Hằng Sống là chính Chúa Giêsu ngay trước mặt mình. 

Thánh Augustino nói: “Mácta  bị Chúa khiển trách không phải vì bà phục vụ, nhưng vì bà quá bận rộn với việc phục vụ.” (Bài giảng 103, 1-2).  Còn Maria, người “ngồi bên chân Chúa mà lắng nghe lời Người” (Lc 10, 39), được Chúa khen là đã “chọn phần tốt nhất” (Lc 10, 42).

 Trong một thế giới đầy lo toan và công việc như hôm nay, người Kitô hữu dễ trở thành “Mácta ” bận rộn với việc đời, ngay cả trong các công việc đạo đức, nhưng lại thiếu sự gắn bó và tương quan cá vị với Chúa.

 “Chỉ có một sự cần mà thôi”

 Chúa Giêsu nói với Mácta : “Chỉ có một sự cần mà thôi” là một mạc khải quý giá.  Điều cần thiết nhất, chính là lắng nghe và sống Lời Chúa.

 Thánh Biển Đức, vị sáng lập đời sống đan tu đã mở đầu Luật Dòng bằng câu: “Nghe đây, hỡi con, lắng nghe lời Thầy dạy, hãy nghiêng tai lòng con và đón nhận.”  Lắng nghe Lời Chúa là thái độ của người môn đệ đích thực.  Người môn đệ ấy không chỉ nghe bằng tai, mà bằng cả trái tim để Lời trở thành ánh sáng soi đường, như Thánh vịnh viết : “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119,105).

 Quân bình giữa hoạt động và chiêm niệm

 Origène viết: “Maria ngồi dưới chân Chúa Giêsu, đó là hình ảnh của linh hồn đang khao khát chân lý thần linh” (Trích bài giảng Tin Mừng Lu-ca).  Maria đại diện cho Hội Thánh chiêm niệm, đặt Lời Chúa lên trên mọi hoạt động khác.

 Công đồng Vaticanô II cũng nhấn mạnh: “Giáo Hội luôn tôn kính Kinh Thánh như chính Mình Thánh Chúa… Vì trong Sách Thánh, Cha trên trời âu yếm gặp gỡ con cái Ngài và đối thoại với họ” (Trích: Hiến Chế Lời Chúa, số 21).  Đời sống đức tin không thể tách rời khỏi việc lắng nghe Lời Chúa, nhất là trong Thánh lễ và đời sống cầu nguyện hằng ngày.

 Dẫu Maria được khen là chọn phần tốt nhất, nhưng không vì thế mà chúng ta bỏ bê hành động.  Giáo hội cần cả Mácta lẫn Maria, cần người phục vụ cũng như người chiêm niệm.  Sự trưởng thành trong đức tin nằm ở sự quân bình: chiêm niệm để phục vụ hiệu quả hơn, và phục vụ để cụ thể hóa tình yêu ta dành cho Chúa.

 Giảng trong Thánh lễ ngày 17/7/2026, Đức cố Giáo Hoàng Phanxicô nói: “Chiêm niệm không loại trừ hoạt động, và hoạt động không được làm nghẹt thở đời sống thiêng liêng.”  Người Kitô hữu hôm nay được mời gọi trở nên những “Mácta có trái tim Maria”, luôn dấn thân phục vụ nhưng bắt nguồn từ việc lắng nghe Lời Chúa và sống gắn bó mật thiết với Người.

 Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho chúng ta biết trở nên những môn đệ khôn ngoan như Maria, nhưng không bỏ quên sự phục vụ như Mácta.  Và trong mọi sự, luôn đặt Chúa là trung tâm của đời sống mình.

 Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

From: Langthangchieutim

Ta có thể cưỡng ép người khác tin Thiên Chúa không? – Cha Vương

Tạ ơn Chúa đã ban cho bạn một ngày mới để yêu mến Chúa và phục vụ tha nhân nhiều hơn. 

Cha Vương

Thứ 5: 17/7/2025

GIÁO LÝ: Ta có thể cưỡng ép người khác tin Thiên Chúa không? Không. Không ai được cưỡng ép người khác tin, ngay cả cưỡng ép con cái riêng mình, cũng như không ai được cản trở người khác tin. Mọi người đều có thể quyết định tin một cách hoàn toàn tự do. Nhưng Kitô hữu cần giúp người khác bằng lời nói, bằng gương lành để họ tìm thấy con đường đức tin. (YouCat, số 354) 

SUY NIỆM: Đức Gioan Phaolô II nói rằng: “Loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Chúa Kitô không đi ngược với tự do, khi được thực hiện trong tôn trọng lương tâm… Đức tin đòi hỏi phải do sự tự ý chấp thuận của con người, nhưng đức tin cũng cần được đề nghị cho họ” (Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu thế, 1990, 8)

❦ Chủ thuyết dụ đạo là chủ trương khai thác sự yếu đuối về thể xác hay tinh thần của người khác để lôi kéo người khác tin mình.

❦  Ta không áp đặt cho người nào phải tin như ta. Cái lối dụ đạo đó trái nghịch với Kitô giáo. Đức tin chỉ có thể đạt được trong tự do. Nhưng ta phải mời gọi con người dùng tự do mà mở lòng cho Chúa, để tìm Chúa, để nghe lời Chúa. (YouCat, số  354 t.t.)

LẮNG NGHE: Ông Si-môn Phê-rô liền đáp: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có ​những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.” (Ga 6:68-69)

CẦU NGUYỆN: “Lạy Chúa, Ngài là Chúa con thờ, ngoài Chúa ra, đâu là hạnh phúc? … Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con; số mạng con chính Ngài nắm giữ. Phần tuyệt hảo may mắn đã về con” (Tv 15:2,5,6).

THỰC HÀNH: Mời bạn chuyên cần suy niệm Lời Chúa mỗi ngày và đem ra thực hành để rao giảng bằng đời sống chứng nhân.

From: Do Dzung

***************************

Sống trong tình Chúa – Gia Ân

Đi Tìm Cơ May Hạnh Phúc – Lê Đức Luận- Truyen ngan HAY

Lê Đức Luận

TG Lê Đức Luận (đứng giữa) đang nhận giải Danh Dự VVNM 2023

Tác giả Lê Đức Luận lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ năm 2021 với bài “Ngẫm ra mới thấy thèm”. Tốt nghiệp Khóa 1 Trường ĐH/CTCT/ Đà Lạt, trước năm 1975 ông là sĩ quan, làm việc trong Ủy Ban Binh Thư – Tổng Cục/CTCT/QL VNCH – Sài Gòn. Sau năm 1975, ông bị “tập trung cải tạo” 7 năm. Sang Mỹ năm 1986. Tác giả vừa nhận giải Danh Dự năm 2023. 

*** 

Hạnh phúc là chữ được viết nhiều trong văn học và được ngườì đời thường xuyên nhắc đến. Nhưng khi hỏi: hạnh phúc là gì và do đâu mà có thì chẳng biết trả lời làm sao cho trọn vẹn. Từ xưa đến nay chưa thấy có một định nghĩa phổ quát nào về chữ hạnh phúc được mọi người đồng thuận.

 Có người bảo: hạnh phúc là sự mãn nguyện một ước mơ, an vui trong cuộc sống;  làngười khác nói: hạnh phúc không có tiêu chuẩn, không do ban phát, không mua bán hay đổi chác mà có. Nó là một trạng thái cảm xúc từ con tim của mỗi cá nhân trong khoảnh khắc làm người ta hài lòng với những gì hiện hữu – nó rất riêng tư và phát sinh từ sự tỉnh thức của tâm hồn… Vậy, xem ra: đi tìm hạnh phúc ở tương lai với những mơ ước hay quay về quá khứ mà quên những giây phút hiện tại thì con người khó lòng bắt gặp hạnh phúc đích thực.

 Nhớ lại những ngày đầu mới đến Hoa Kỳ, gia đình tôi được văn phòng An sinh Xã hội quận Fairfax, tiểu bang Virginia tìm cho chỗ ở trong khu chung cư đa số là người Mễ, Ấn Độ và dân Phi châu, trong đó có thêm hai gia đình người Việt Nam nữa là gia đình ông Năm Đại Lãnh và gia đình ông giáo Lộc.

 Trong môi trường có sự khác biệt về ngôn ngữ và tập quán, ba gia đình người Việt chúng tôi tìm đến với nhau trong tình đồng hương – chia sẻ vui buồn và hết lòng giúp đỡ lẫn nhau như anh em ruột thịt. Thời đó, cách nay trên bốn mươi năm, những người Việt Nam tỵ nạn cộng sản đến Mỹ được hưởng những phúc lợi an sinh xã hội khá dồi dào, cộng với tấm lòng bác ái và hào sảng của người dân Hoa Kỳ giúp những người tỵ nạn sớm ổn định đời sống và nhìn thấy tương lai tốt đẹp trên đất nước có nhiểu cơ hội để thực hiện những ước mơ.

 Ông giáo Lộc nhờ khá tiếng Anh, sau ba tháng định cư, tìm được một chân bán hàng cho tiệm 7-Eleven – làm việc từ 6:00 giờ sáng  đến 2:00 chiều. Sau đó ông vào Đại học Cộng đồng (Community College) học ngành kế toán (accounting). Hai vợ chồng chỉ có một đứa con trai duy nhất, trên bảy tuổi. Khi thằng con được xe buýt đón vào trường, bà Lộc đến làm phụ bếp cho một nhà hàng Việt Nam gần đó – kiếm thêm thu nhập. Sau giờ làm phụ bếp, bà đi học Anh văn (lớp ESL) để chuẩn bị xin học ngành y tá. Trước năm 1975, bà đã là một cán sự y tế điều dưỡng làm việc ở Quân y viện Nguyễn Huệ, Nha Trang, nay sang Hoa Kỳ bà mong muốn được làm công việc mà bà yêu thích. Ở Mỹ học ra nghề y tá không dễ – bà biết, nhưng vẫn nuôi hy vọng.

 Vậy là vợ chồng ông giáo Lộc đang đi tìm hạnh phúc ở tương lai.

 Ngược lại, ông Năm Đại Lãnh luôn luôn có vẻ ưu tư.  Những buổi chiều, ngồi trên ban công (balcony) của căn apartment, ở tầng ba, ông nhìn mông lung với ánh mắt đăm chiêu… thật buồn! Ông nhớ về những ngày hạnh phúc ở xóm chài Đại Lãnh. Ông nhớ biển!

 Mùi xăng nhớt thoát ra từ những chiếc xe vội vã ra vào ở chỗ đậu xe dưới sân khu chung cư – khét lẹt! Làm ông khó chịu! Ông Năm nhớ mùi biển mặn quê ông – sao mà đậm đà! Hít căng buồng phổi vẫn còn thèm cái mặn mòi của hơi nước biển. Ông Năm thường bảo: Ở trong căn chung cư hai phòng này, như chui vào cái hộp, ông cảm thấy tù túng! Ông nhớ căn nhà lộng gió ở làng chài Đại Lãnh. Ôi! Nó mát mẻ làm sao!

 Cái máy quạt trần, hệ thống điều hoà không khí trong căn chung cư này làm sao sánh được với cái mát mẻ của ngọn gió nam non mỗi sáng thổi về từ núi cao Đèo Cả. Và ngọn gió nồm dìu dịu phảng phất mùi rong biển, thổi nhẹ qua khu rừng dương tạo nên âm thanh vi vút như tiếng sáo diều, có lúc du dương như bản nhạc êm dịu của thiên nhiên ru ngon giấc ngủ vào những buổi trưa hè… Nhiều lần ông Năm tự thán:  Trên đất Mỹ này, khó lòng bắt gặp được ngọn gió nam non hay ngọn gió nồm như ở làng chài Đại Lãnh quê ta!

Ông Năm còn bảo, cái máy truyền hình (TV) ở đây vô dụng đối với ông. Tin tức phát ra tiếng Anh, ông không hiểu! Còn chương trình giải trí với những bản nhạc disco làm ông nhức óc. Đôi khi xem mấy cuốn băng Paris By Night với những bài hát điệu bolero rất “mùi”, ông vẫn thấy không hay bằng nghe giọng hò kéo lưới – mộc mạc nhưng rộn rã  như tiếng lòng ngư phủ kéo lên món quà của biển – những mẻ lưới đầy cá …

Nhìn cái tủ lạnh, bên trong chứa thịt cá đông lạnh, ông nhớ đến nồi canh cá liệt – những con cá liệt vừa vớt lên từ biển nấu với cà chua – chỉ  nêm chút muối, mắm và thêm vài cọng hành, ngò… Thế mà ngon tuyệt! Ông cũng thường nói: Cái hamburger không ngon bằng món cá nục kho mặn ăn với cháo trắng vào buổi sáng. Ông nhắc đến những buổi chiều cả nhà quây quần bên lò than hồng, nướng những con cá ồ tươi rói quấn lá chuối, rồi xé ra cuốn với bánh tráng, rau sống chấm nước mắm nhĩ pha ớt, tỏi… Ôi! Nó ăn đứt món gà rán KFC (Kentucky Fried Chicken). 

Xem ra, ông Năm đang nhớ về quá khứ và tiếc nuối cái hạnh phúc của những ngày trước năm 1975 ở quê nhà. Hiện tại tất cả thính giác, xúc giác, khứu giác, vị giác của ông chưa quen với phong thổ trên đất lạ quê người. Chỉ còn cái thị giác giúp ông thấy được sự tự do trên đất khách. Tuy vậy, ông luôn tư lự và đôi khi muốn quay về với làng chài Đại Lãnh.

 Một hôm, tôi nghe ông Năm tâm sự:

 – Nếu như không có cái ngày “Giải phóng 30-4-1975” thì tôi đâu có sang đây làm gì để đêm đêm đi rửa chén cho nhà hàng, một công việc tôi không thích tí nào; còn bà vợ phải ngồi may những lố áo thun thâu đêm suốt sáng… Tôi muốn trở về với biển, với làng chài Đại Lãnh quê tôi. Nhưng về, chắc gì mấy ông “cách mạng” để tôi sống yên thân với biển. Họ sẽ kết tội những người bỏ nước ra đi như tôi là thành phần phản quốc, sẽ bắt vào tù. Nhớ lại những ngày lên núi chăn dê trong trại cải tạo sau ngày gọi là “giải phóng” mà tởn đến già! Thôi đành sống kiếp tha hương… ông ạ!

 Tôi hỏi ông Năm:

 – Nghe kể hồi đó ông chỉ làm nghề chài lưới, không tham gia chính quyền hay quân đội trong chế độ cũ. Tại sao lại bị bắt vào trại trại cải tạo?

 – Chỉ làm dân mà bị bắt đi cải tạo mới tức chớ! Tréo ngoe như chuyện Phong Thần chỉ xảy ra dưới chế độ Cộng sản. Ông Năm trả lời, rồi kể tiếp:

 – Trước năm 1975, tôi nhận thằng Báo, con bà hàng xóm nghèo khổ làm con nuôi. Nó mồ côi cha từ lúc lên năm, mẹ con nó đùm bọc nuôi nhau. Khi thằng Báo vừa tròn mười tám tuổi, sợ thằng con bị bắt lính, bà mẹ mới đến tha thiết năn nỉ tôi cho nó theo ghe ra biển để trốn đi quân dịch. Thương tình mẹ góa, con côi, tôi nhận nó làm con nuôi, nhưng trả tiền công đầy đủ như những người bạn chài khác để nó nuôi mẹ già.

 Khi ghe rời bãi, lênh đênh trên biển cả, không lo bị bắt lính. Khi ghe vào bãi, nếu có bố ráp, nó trốn trong hầm ghe. Thời gian trôi qua, thằng Báo sống bình an bên mẹ già và vui với nghề chài lưới.

 Bỗng ngày 30-4-1975 ập đến – thằng Báo đổi đời! Sáng hôm đó, nó mang băng đỏ trên cánh tay trái, tay phải cầm loa, hướng dẫn một đám người, đầu đội nón tai bèo, cổ quấn khăn rằn, chân mang dép râu, vai mang súng AK, đi khắp làng chài kêu gọi dân chúng bỏ bãi đến miếu thờ Cá Ông dự lễ “Mừng Ngày Giải Phóng” và nghe chỉ chỉ thị của chính quyền mới.

 Từ hôm ấy, thằng Báo trở thành “ông quan cách mạng” ngang xương. Nó không còn phải xuống ghe lo chuyện kéo lưới, chở xăng dầu … Công việc của nó bây giờ không còn dùng đến chân tay mà chỉ xử dụng cái tai và cái miệng – cái tai để nghe các chỉ thị, còn cái miệng để loan truyền các chỉ thị của “cách mạng” để dân chúng chấp hành.

 Một hôm, thằng Báo ghé qua nhà, nói với tôi: “Bây giờ nước nhà được giải phóng, nhân dân ta không còn bị Mỹ, Ngụy kềm kẹp, bóc lột nữa. Nước ta sẽ tiến nhanh, tiến mạnh lên Chủ nghĩa Xã hội, một xã  hội công bằng, không còn cảnh người bóc lột người. Tài sản, vật tư chủ yếu thuộc sở hữu chung của toàn dân, nhân dân sẽ làm chủ đất nước. Trước tiên là phải cải tạo công thương nghiệp, đánh tư sản mại bản, chuyển các tư liệu sản xuất của tư nhân về cho nhân dân và nhà nước quản lý…”

 Tôi nghe nó nói những tiếng lạ hoắc, không hiểu, nên hỏi: “Tư sản mại bản, tư liệu sản xuất…. là gì vậy mậy?” Nó trả lời: “Trên nói sao, tui nói lại vậy thôi… chứ rạch ròi chữ nghĩa làm chi thêm rắc rối! Cấp trên chỉ thị thế nào thì thi hành thế ấy thôi.  Cụ thể là nay mai các ghe tàu, giàn lưới sẽ sung công đưa vào Hợp Tác Xã, làm ăn tập thể. Cấp trên ra chỉ thị cho các cán bộ địa phương bình chọn và chuẩn bị kiểm kê tài sản của các chủ ghe lớn. Ở xóm chài này, có ba gia đình bị xếp vào hạng tư sản mại bản, chiếm giữ tư liệu sản xuất và bóc lột sức lao động của dân chài. Tía biết ba gia đình đó là ai không?” – “Làm sao tao biết được!” Nó ghé vào tai tôi nói nhỏ: “Tía là một, ông Ba Râu là hai, thứ ba ông Út Trọc. Đây là chuyện bí mật, tui chỉ cho tía biết, tía chớ nói lại với ai, nguy hiểm lắm.”

 Tôi nghe mà rụng rời tay chân, nhưng cũng cố lấy giọng bình tĩnh nói với nó: “Giỡn chơi sao mầy? Tao đánh lưới hơn mười năm, không dám ăn, dám tiêu mới dành dụm mua được chiếc ghe bầu, bây giờ sung công ngang xương coi sao được mậy? Mầy nhớ lại xem: những bạn ghe, ngay cả với mày, tao có bóc lột ai không? Tao cũng đổ mồ hôi, sôi nước mắt, ra biển kéo lưới như mọi người, mẻ được, mẻ không… Nhưng làm chủ ghe tao phải lo trả tiền công trả cho bạn chài, lúc lời, lúc lỗ… Mày biết quá mà! Có lúc tao sai mày đi vay tiền bên ngoại trả lương cho bạn chài khi biển động lâu ngày để họ có cái ăn. Làm chủ ghe, nếu trời cho thì khấm khá, nếu mất mùa cá, coi như sạt nghiệp, đói cả đám! Chứ bóc lột nỗi gì?”

 Thằng Báo có vẻ suy tư, hình như nó đang nhớ về quá khứ, nó nói với giọng buồn buồn: “Thì biết vậy, nhưng bây giờ thời kỳ cách mạng, phải đổi mới tư duy. Tài nguyên thiên nhiên phải thuộc về sở hữu của toàn dân. Cá trên biển bây giờ cũng là của nhân dân đó. Cấp trên giải thích rằng: Các chủ ghe, có tư liệu sản xuất, lợi dụng sức lao động của dân chài, ra biển bắt cá về bán làm giàu cho riêng mình. Bây giờ bắt họ phải hợp tác với nhân dân làm ăn tập thể, làm theo năng suất, hưởng theo nhu cầu! Như thế mọi người mới tìm được hạnh phúc dưới chế độ xã hội chủ nghĩa…”

 Nghe nó nói mà ứa gan, tôi bảo: “Chim trời, cá nước là của nhân dân, vậy nhân dân ra biển hốt về, làm giàu… tại sao bắt các chủ ghe phải hợp tác với nhân dân, mà cái ghe đâu phải từ trên trời rơi xuống hay của nhân dân đóng góp. Nó là mồ hôi, nước mắt, là sự chắt chiu, cần kiệm bao năm mới mua được chiếc ghe. Bây giờ, bắt vào hợp tác xã, ăn đều chia đủ, là nghĩa lý làm sao vậy mầy?

 Thằng Báo im lặng một lúc, rồi nói: “Cấp trên bảo tui về đả thông tư tưởng, vận động để tía xung phong tự nguyện hiến ghe cho Hợp Tác Xã, như thế là giác ngộ cách mạng sẽ được tuyên dương và ưu đãi…” 

Tôi trả lời thẳng thừng: “Tao chẳng cần ai tuyên dương, ưu đãi. Tao chỉ mong yên phận làm ăn với nghề chài lưới như tao với mày đã làm ăn lúc trước.”

 Thằng Báo nói câu cuối cùng trước khi ra về: “Lúc này: khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống! Tùy tía suy nghĩ…”

 Cái thằng ngày nào có vẻ khờ câm, ít nói. Bây giờ, mới theo “cách mạng” có mấy tháng mà nó nói những câu dạy đời y chang mấy ông cán bộ Việt Minh lão luyện đã dạy tôi cách sống dưới thời “chín năm kháng chiến” ở vùng Liên khu 5.

 Ngẫm ra “cái nghề làm cách mạng” cũng dễ học, mà sướng tấm thân. Bao nhiêu năm nay, các cán bộ cộng sản chỉ cần học thuộc năm, bảy câu căn bản, rồi đi truyền bá, vận động cho dân chúng làm, cán bộ cách mạng chỉ huy, nhà nước quản lý. Thế là trong ấm, ngoài êm… Ai chống đối thì chụp cho cái mũ “phản động” cho vào tù. Thế là hết cãi… 

Ông Năm nhấp ngụm trà, rồi kể tiếp cuộc “đổi đời” của dân xóm chài sau ngày “giải phóng”:  

– Hai ngày sau khi thằng Báo đến nhà vận động tôi xung phong đem ghe hiến cho Hợp Tác Xã, tôi nghe tin ông Tư Râu nhảy lầu tự tử.

 Trong xóm chài này, chỉ có nhà ông Tư Râu xây gạch hai tầng. Ông ở nhà mới này hơn một năm, thì quân “giải phóng” vào. Họ “mượn” tạm căn nhà hai tầng – tầng trên dành cho bộ chỉ huy bộ đội biên phòng; tầng dưới làm trụ sở Ủy ban Nhân dân xã. Họ cho vợ chồng ông ta ở căn chái sau bếp. Còn hai chiếc ghe bầu và vựa cá của ông, họ kiểm kê và tịch thu tất. Họ bảo: ông Tư Râu là thành phần tư sản mại bản gộc, ác ôn, bóc lột, ức hiếp dân chài! Nhưng qua chính sách khoan hồng của đảng và nhà nước, chỉ tịch thu tài sản, không bắt vào tù!

Có lẽ ông Tư Râu chưa được ai “đả thông tư tưởng…” nên ức quá! Đêm khuya vắng vẻ, ông lẻn lên lầu hai, nhảy xuống tự tử. 

 Thằng Út Trọc, hay tin ông Tư Râu tự tử, tối hôm đó nó lén lấy ghe ra khơi, dông luôn…

 Thế là “thằng khôn” đã tự tử, “thằng biết” đã dông ra nước ngoài, còn lại “thằng dại” là tôi bị bắt vào trại tù cải tạo một cách lãng xẹt. Chưa chết là may.

 Tôi kể ông nghe chuyện họ bắt tôi vào tù như thế này có oan không:

 – Sau cái chết của ông Tư Râu và thằng Út Trọc biến mất, chỉ mình tôi là chủ ghe lớn còn bám trụ, nên dân xóm chài xôn xao bàn tán, rồi đến hỏi ý kiến của tôi. Chính quyền nghi tôi có âm mưu sách động dân chài chống lại chủ trương, đường lối của “cách mạng”, nên họ mời tôi ra trụ sở Ủy ban Nhân dân xã, hạch hỏi đủ điều. Cuối cùng họ bảo tôi ký giấy hiến chiếc ghe bầu và vào Hợp Tác Xã. Tôi không chịu ký. Thế là, họ không cho tôi về nhà, đưa thẳng vào trại cải tạo.

 Trại này có khoảng ba trăm sĩ quan và viên chức của chế độ cũ. Ngày đầu tiên vào trại, một tên cán bộ dẫn tôi đến gặp tên trưởng trại. Tên này có vẻ hòa nhã với tôi. Mở đầu hắn bảo: “Tôi biết anh không phải là thành phần có nợ máu với nhân dân, cũng không thuộc phần tử phản động, nhưng anh chưa thông suốt đường lối, chính sách của cách mạng, nên chính quyền địa phương gởi anh vào đây để học tập cải tạo tư tưởng, khi nào tiến bộ và thông suốt đường lối chính sách của cách mạng thì chúng tôi cho anh về sum họp với gia đình, làm ăn bình thường và giúp ích cho xã hội.” Tôi hỏi lại hắn: “Vậy, tôi là người tù không có tội?” – “Đừng nói thế, đây là Trại Cải Tạo.”

 Hắn trả lời, rồi nói tiếp: “Tạm thời, tôi bố trí cho anh ở cái chòi, gần chuồng dê, tự do đi lại trong khuôn viên của trại. Công việc của anh là chăn mấy chục con dê. Sáng mở cổng cho chúng nó ra ngoài kiếm ăn, chiều lùa chúng vào chuồng. Tối anh ngủ luôn ngoài chòi, không phải vào buồng giam như đám ngụy quân, ngụy quyền. Loài dê khôn lắm, chúng nó sống theo bầy đàn – sáng ra rừng kiếm ăn, tối tự động trở về chuồng – anh chỉ trông chừng, theo dõi con “dê chúa” là con dê đầu đàn, đang ở đâu thì bầy dê ở đó, chứ không phải chăn dắt từng con.”

 Chấm dứt cuộc gặp gỡ, hắn nhìn tôi cười đểu: “Mong anh tìm được ‘cái thú’ chăn dê mà an tâm học tập cải tạo.”  Hắn bấm chuông gọi tên vệ binh dẫn tôi ra ngoài. Từ hôm đó, tôi bắt đầu nếm trải cuộc sống của người tù cải tạo mà Việt Cộng gọi là “trại viên”.

 Chúng nó bắt tôi chăn dê gần ba năm thì thả. Không phải do học tập tiến bộ đâu – có học tập cái khỉ khô gì đâu mà tiến bộ, suốt ngày chỉ có chăn dê! Nhưng nhờ hai cây vàng của bà xã tôi “cúng” cho thằng trưởng trại, qua sự móc nối của thằng Báo.

Tôi được về nhà thì mọi việc đã an bài- coi như mất trắng! Nhớ lời thằng Báo: “Thời buổi này khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống”. Cái “biết” ở đây là “biết không sống nổi” với đám “cô hồn Việt Cộng,” Thế là, tôi tìm cách đưa vợ con “dông” sớm!

 Ông Năm ngưng một chút, rồi có vẻ hóm hỉnh, nhìn tôi, nói tiếp:

 – Chuyện đói khổ trong tù, chuyện vượt biên nguy hiểm, ông đã trải qua và rành sáu câu… hơn nữa đã có nhiều người nói đến rồi, khỏi kể! Nhưng chuyện chăn dê của tôi trong trại cải tạo rất ly kỳ và hấp dẫn. Nếu ông muốn nghe, tôi sẽ kể. Không hay, không lấy tiền…

 Tôi cười, gật đầu! Chờ đợi lắng nghe… Ông Năm bắt đầu:

 – Ôi!  Cuộc đời “dê chúa”, nó sướng làm sao! Trông nó vừa uy nghi, vừa  ngộ nghĩnh và có lắm chuyện ly kỳ… 

 Nói đến đây thì bà Năm xuất hiện, bưng lên hai tô cháo trắng với đĩa cá nục kho mặn, mời chúng tôi ăn sáng. Ông Năm ngưng ngang câu chuyện “dê chúa” và chuyển đề tài. Ông tỏ ra đạo mạo có vẻ gia trưởng, nói với Bà Năm:

 – Cảm ơn bà, chỉ có bà kho cá nục là tôi chịu…

 Rồi xoay sang tôi: – Mời ông ăn cháo. Cháo trắng ăn với cá nục kho mặn do bà nhà tôi kho, ông sẽ nhớ đời…

       Có lẽ được khen, bà Năm khoái chí đem hết chuyện nhà ra kể, hết chuyện này sang chuyện nọ. Tôi thì nóng lòng, mong bà rút lui, để được nghe tiếp chuyện con “dê chúa”. Nhưng bà nói miết, nào là: “Ngày trước ông Năm dụ dỗ bà đẻ nhiều con để khi ra biển ‘đông có mày, tây có tao’. Bây giờ sang đây, người ta chỉ thuê chung cư một phòng là đủ, nhà bà phải thuê đến ba phòng, trả tiền mệt nghỉ!” Rồi bà than: “Ngày trước bà vá lưới dưới gió mát trăng thanh, sướng hơn bây giờ, ngồi may những lố áo thun.” Cuối cùng bà tiết lộ: “Tháng tới, gia đình bà sẽ dọn xuống Louisiana làm công cho thằng Út Trọc. Thằng Út Trọc mới gọi điện thoại… bảo gia đình bà, xuống dưới đó, nó bao ăn, bao ở, trả lương gấp đôi, gấp ba số tiền ổng đi rửa chén và tôi may vá. Bây giờ nó giàu lắm, có đến hai chiếc tàu đánh cá.”

 Bà Năm vừa dứt câu chuyện, cũng là lúc đến giờ tôi đi làm ca chiều. Tôi chào ra về mà lòng cứ tiếc – chưa nghe hết câu chuyện ly kỳ về con “dê chúa”. Một tháng sau, gia đình tôi và gia đình ông giáo Lộc làm bữa tiệc tiễn đưa gia đình ông Năm Đại Lãnh về với biển Louisiana.

 Thời gian thấm thoát trôi qua, mười mấy năm sau khi gặp lại, tuy mỗi người một cảnh, nhưng cả ba gia đình chúng tôi đều bằng lòng với cuộc sống hiện tại và cảm thấy hạnh phúc khi những ước mơ đã thành hiện thực.

 Vợ ông giáo Lộc tốt nghiệp y tá, được vào làm ở bệnh viện Inova Fairfax Hospital, lương cao. Ông giáo Lộc lấy bằng CPA (Certified Public Accoutants) được sở thuế Liên Bang tuyển dụng. Thằng con trai theo gót mẹ học ngành Y, ra bác sĩ. Cuộc sống coi như thuộc vào tầng lớp trung lưu ở Mỹ.

 Còn tôi, sau một thời gian làm cu li, dành dụm ít tiền mở tiệm giặt ủi – kiếm sống được và đủ tiền nuôi hai đứa con ăn học thành tài.

 Riêng gia đình ông Năm, có đuợc cơ may, làm ăn khấm khá nhất. Ông Năm thỏa mãn ước mơ trở về với biển và làm giàu rất nhanh. Lúc đầu xuống Louisiana, làm công cho thằng Út Trọc trong hai năm, sau đó ông ra riêng. Nhờ sự giúp đỡ của Út Trọc ông mua được một chiếc tàu đánh cá, hai năm sau mua chiếc thứ hai. Bốn đứa con trai, ngày nào còn là mối âu lo của ông bà Năm, làm sao nuôi nổi bốn đứa con ăn học. Bây giờ, hai đứa con lớn, theo nghề của cha, mỗi đứa trông coi một chiếc tàu đánh cá; thằng con thứ ba tốt nghiệp kỹ sư cơ khí, mở hãng sửa tàu; thằng út học ra bác sĩ.

 Trông bốn đứa con của ông bà Năm làm nên sự nghiệp, tôi nghĩ đến chuyện “tứ quý”, “ngũ long”. Ông bà mình ngày xưa thường bảo: vợ chồng đứa nào sinh năm đứa con gái liên tiếp – gọi là ngũ long, hay bốn đứa con trai liên tiếp – gọi là tứ quý thì sẽ làm ăn nên nổi. Nay ở Mỹ mà khuyên con cháu như thế, chắc chúng nó sẽ lắc đầu.

 Mùa hè năm rồi, gia đình tôi và gia đình ông giáo Lộc xuống Louisiana dự lễ mừng thượng thọ tám mươi của ông Năm, do các con ông tổ chức rất xôm tụ. Trong tiệc vui, tôi hỏi ông Năm:

 – Bây giờ chính quyền Việt Nam không còn coi những người bỏ nước ra là phản quốc nữa mà coi như “khúc ruột ngàn dặm”. Họ còn khuyến khích những người đang ở nước ngoài về thăm quê hương, hoặc đem tiền về đầu tư làm ăn, không làm khó dễ nữa… Vậy ông có tính về thăm quê hương một chuyến “trối già” không?

 Ông Năm không “gật!” không “lắc!”  Chỉ nói một câu nghe như lạc đề, nhưng ngẫm ra thấy thấm:

 – “Khúc ruột ngàn dặm” mới nghe thấy “mùi”, nghe lâu thấy “đểu”, nghe hoài thấy “thúi” vì khúc ruột có thơm bao giở? Vậy chớ vội nghe “những gì Cộng sản nói …”

 Ông Năm nói tiếp:

 – Bây giờ tôi mới hiểu tại sao trước đây dân ta liều chết bỏ quê hương có “chùm khế ngọt” để tìm đến cái xứ mà mấy ông Việt Cộng thời đó bảo rằng: “cái nước tư bản sắp dãy chết” này.

 Tôi cảm thấy, ông Năm vẫn còn ấm ức về sự vừa bị mất của vừa phải đi tù cải tạo mấy năm trời, sau ngày “giải phóng”. Bấy lâu nay, có lẽ nó chìm trong ký ức, bây giờ trổi dậy, khiến ông Năm có những lời cay cú trong tiệc vui.  

Để hạ nhiệt, tôi nhắc cái thú chăn dê trong trại cải tạo mà ông đã từng khoe với tôi là rất ly kỳ và hấp dẫn … Tôi bảo:

 – Ông còn nợ tôi câu chuyện về con “dê chúa”.

 Ông Năm cười khì khì:

 – Chuyện đó sẽ kể, khi nào chỉ có hai ta.

 Ông Năm vui trở lại với niềm hạnh phúc đang có… 

Lê Đức Luận

(Tháng 4- 2025)    

nguon: Viet Ba’o


 

DÙ THẾ NÀO CŨNG ĐI NHÀ THỜ

Xuyên Sơn

Nếu bạn quan hệ tình dục trước khi kết hôn,

dù sao cũng đến nhà thờ.

Nếu bạn là một kẻ nghiện đang cố gắng đánh bại cơn nghiện,

dù sao cũng đến nhà thờ.

Nếu bạn say xỉn suốt đêm hôm trước,

dù sao cũng đến nhà thờ.

Nếu bạn không chắc bạn thích giới tính nào hơn,

dù sao đi nữa hãy đến nhà thờ.

Nếu bạn không bỏ được thói quen kinh tởm đó,

hãy đến nhà thờ.

NHÀ THỜ cũng là một BỆNH VIỆN

cho những người

HỎNG, LẠC LẠC, TRỐNG RỐI, RỐI RỐI, HOAN HỶ và BỊ TỪ CHỐI.

Mỗi tội đồ đều có tương lai, và mỗi vị thánh đều có quá khứ.

Làm thế nào chúng ta có thể phá vỡ chuỗi nghiện ngập và ràng buộc?

*Bằng lời cầu nguyện…

Không có một người nào trong 4 bức tường của nhà thờ mà không có điều họ ghét hoặc hối tiếc về quá khứ của họ.

Tất cả chúng ta đều mắc sai lầm và sẽ tiếp tục,

NHƯNG Ân sủng của Ngài là đủ.

Có những điều tôi không bao giờ muốn thừa nhận to tiếng về bản thân mình, nhưng Chúa biết.

Và dù sao Ngài cũng yêu tôi.

Ăn năn không phải là khi bạn khóc, mà là khi bạn thay đổi.

Cho nên dù bạn đã làm gì, dù bạn đang làm gì, bất cứ điều gì bạn sẽ làm…

nó có thể thay đổi cuộc sống của bạn nếu…

DÙ THẾ NÀO BẠN CŨNG ĐẾN NHÀ THỜ.

Tác giả: K Forsyth


 

Lễ Đức Mẹ Núi Cát Minh- Cha Vương

Nguyện xin tình yêu và ân sủng của Ðức Giêsu Kitô ở cùng Bạn và gia đình nhé. 

Cha Vương

Thứ 4: 16/07/2025

 Hôm nay Giáo Hội mừng kính Lễ Đức Mẹ Núi Cát Minh, mời Bạn tìm hiểu sơ qua về nguồn gốc của Bộ Áo Đức Bà. Vào ngày 16 tháng 07 năm 1251, tại Tây Ban Nha, Thánh Simon Stock là vị Thánh đã sáng lập ra Dòng Carmelô, để đáp lại sự sốt sắng cầu nguyện của Thánh nhân, Đức Mẹ Maria đã hiện ra cầm trong tay Bộ Áo Đức Bà Carmelô và phán rằng: “Bất cứ ai mặc Bộ Áo Đức Bà Carmelô này khi chết sẽ không bị sa hỏa ngục. Bộ Áo Đức Bà Carmelô của Mẹ sẽ là một dấu chỉ phần rỗi linh hồn, một sự bảo vệ trong lúc nguy hiểm và một lời hứa bình an”.

         Đức mẹ cũng nói thêm rằng: “hãy mặc Áo Đức Bà Carmelô một cách sùng kính và kiên trì. Đó là Áo của Mẹ. Mặc Áo Mẹ có nghĩa là các con liên tiếp nghĩ đến Mẹ, ngược lại Mẹ sẽ luôn luôn nghĩ về các con và giúp đỡ các con chiếm được sự sống đời đời.”

         Lời hứa vĩ đại này đồng thời lại được xác nhận khi Đức Mẹ Nữ Vương Thiên Đàng đã hiện ra với Đức Cha Jean Dreze (sau này là Đức Giáo Hoàng XXII) và nói với Ngài rằng: “Những ai mặc áo Đức Bà Carmelô sẽ được đưa ra khỏi Luyện ngục vào ngày Thứ Bảy Đầu Tháng sau khi chết.” Và rồi sau này chính Đức Giáo Hoàng Benedict XV cũng đã ban bố 500 ngày ân xá cho người nào mặc mỗi lần hôn kính Áo Đức Bà Carmelô.”

         Và 666 năm sau tại Fatima, vào ngày 13 tháng 10 năm 1917, khi Đức Mẹ Maria hiện ra với 3 trẻ chăn cừu Lucia, Phanxicô và Giaxinta. Ngoài việc Đức Mẹ nhắn nhủ 3 trẻ “siêng năng lần chuỗi Kinh Mân Côi, cải thiện đời sống và tôn sùng Trái-Tim Vô-Nhiễm Nguyên-tội Mẹ…”. Đức Mẹ Maria lại còn cầm trong tay Bộ Áo Đức Bà Carmelô mà sau này Lucia có nói lại rằng: “Mẹ muốn tất cả mọi người mặc Áo Đức Bà Carmelô của Mẹ và Mẹ muốn lòng sùng kính Áo Đức Bà Carmelô của Mẹ được truyền bá.” Để chúng ta được hưởng đặc ân Đức Mẹ hứa ban sẽ giải thoát linh hồn chúng ta ra khỏi Luyện ngục vào ngày Thứ Bảy Đầu Tháng – ngày được dâng hiến cho Đức Mẹ, thì chúng ta: (1) Phải mặc Áo Đức Bà Carmelô; (2) Tuân giữ trong sạch theo điều kiện đời sống của mình; và (3) Lần chuỗi Kinh Mân Côi mỗi ngày.

 (Trích từ mạng Tin Mừng) 

+ KINH ÁO ĐỨC BÀ: Lạy Đức Bà Maria là Quan Thầy họ Áo Đức Bà, chúng con dốc lòng vào họ Áo Đức Bà, và mặc Áo Đức Bà mọi ngày cho đến trọn đời.  Khi chúng con gặp chước ma qủy cám dỗ, hiểm nghèo, phần hồn, phần xác, thì chúng con cậy Áo Đức Bà phù hộ, thêm sức và cứu chữa chúng con cho khỏi, và đến giờ chết, khi Đức Bà thấy Áo ấy ở nơi mình chúng con, thì xin Đức Bà nhận lấy chúng con là con Đức Bà, và đưa chúng con về Thiên Đàng chầu Chúa Ba Ngôi và Đức Bà cho đến muôn đời chẳng cùng.  Amen.

From: Do Dzung

******************************

Mẹ Đẹp Tươi (Lm. Kim Long) – Thanh Trúc

ÁCH ÊM ÁI – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng!”.

Không cầm lòng nổi trước một cô bé ở chợ nô lệ, Lincoln mua cô về. Trên đường, ông thì thầm với cô, “Con sẽ được tự do!”. Cô gái không tin vào tai mình, “Ông nói gì? Con muốn làm gì, nói gì, đi đâu tuỳ ý?” – “Đúng thế!”; “Nếu vậy, con xin đi với ông!”. Về sau, Lincoln là tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ. Ngày 15/4/1865, ông bị ám sát. Bên linh cữu, một thiếu nữ da màu xinh đẹp sùi sụt; cô là con nuôi của tổng thống!

Kính thưa Anh Chị em,

Nếu Lincoln nhất quyết cất chiếc ách nô lệ của một em bé da màu thì Thiên Chúa càng kiên định cất mọi chiếc ách trói buộc nơi chúng ta! Không chỉ cất, Ngài muốn chúng ta mang lấy ‘ách êm ái’ của Con Một Ngài, “Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng!”.

“Ách” – vật gỗ buộc lỏng trên cổ một con vật – kèm theo những sợi dây để kéo một cỗ xe hay một chiếc cày. ‘Ách’ tượng trưng kiếp sống nô lệ, không có tự do. Bài đọc Xuất Hành nói đến ‘ách’ đè ‘lên cổ’ dân khi Pharaô bắt con cái Israel đúc gạch xây đền. Nhưng Thiên Chúa, Đấng mà “Giao ước lập ra, muôn đời Người nhớ mãi” – Thánh Vịnh đáp ca – không thể cầm lòng trước lời ta thán của dân, Ngài nhất định cất bằng được chiếc ách tủi nhục khỏi họ. Vì thế, Ngài sai Môsê đi, nói cho dân biết; này đây, Thiên Chúa sẽ giải thoát họ, đưa họ vào đất chảy sữa và mật, ban cho họ lề luật như một ‘ách êm ái’.

Với bài Tin Mừng, sau khi mời gọi tất cả những ai vất vả mang gánh nặng nề đến với mình, Chúa Giêsu đề nghị họ mang ách của Ngài. Augustinô ví von ách của Chúa Giêsu như đôi cánh của loài chim. Nếu ai đó nghĩ, việc loại đôi cánh sẽ giúp chim nhẹ nhàng hơn, thì một hành động như thế sẽ giữ chúng dính chặt đất; trả lại đôi cánh cho chúng, chúng sẽ bay lên. “Nếu nói rằng tình yêu là một gánh nặng, một người đang yêu sẽ hiểu điều tôi muốn nói. Đó là một gánh nặng có cánh!” – Augustinô. Phụng sự Chúa là đôi cánh mà vì đó chúng ta được tạo thành – bạn và tôi bay lên nhờ chúng. Cởi bỏ ách phụng sự Chúa, chúng ta bị kéo xuống như chim cánh cụt.

Anh Chị em,

“Vì ách tôi êm ái!”. Mang lấy ách của Chúa Giêsu là đi theo Ngài, sống cuộc sống mới được biến đổi nhờ Thánh Thần; là đi vào các lối hẹp Tin Mừng như Ngài đã đi – đồng thời – cho phép ân sủng của Ngài hoạt động bên trong chính mình. Chúa Kitô và sự hiến thân của Ngài phải là mẫu mực và động lực của chúng ta, Ngài đã trở nên Đấng Cứu Độ, và chúng ta cũng cứu độ như Ngài. Để từ đó, Nước Trời được rộng mở qua chúng ta, và qua những người chúng ta truyền lửa. Nếu chúng ta sống với một trái tim cháy lửa, thế giới quanh chúng ta sẽ thấy những con đường mới được mở ra. “Ơn cứu độ không phải là điều ta giữ cho riêng mình; nó là lửa – và lửa phải lan!” – Madeleine Delbrêl.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, dù ở đấng bậc nào, cho con đừng khó chịu với ‘đôi cánh êm ái’ của Chúa; cho con đầy lửa, bay lên mỗi ngày, mang theo các linh hồn sốt mến cháy bỏng!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

***************************************************

Lời Chúa Thứ Năm Tuần XV Thường Niên, Năm Lẻ

Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.   Mt 11,28-30

28 Khi ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói : “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. 29 Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. 30 Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”