Sự hòa hợp giữa tư tưởng nhân bản trong Khổng giáo và trong Nguyên lý và nền tảng theo I-nhã Loyola .

Sự hòa hợp giữa tư tưởng nhân bản trong Khổng giáo và trong Nguyên lý và nền tảng theo I-nhã Loyola .

                                                                 tác giả Nguyễn Huy Hoàng SJ


Dẫn nhập

Người ta vẫn thường nói giữa triết học phương Đông và phương Tây có một khoảng cách nhất định, nhiều khi khó dung hợp. Chính vì thế, quan niệm về con người hai bên cũng có nhiều điểm khác biệt. Đơn cử,  trong khi triết học nhân bản phương Tây nhấn mạnh đến “con người lý trí” (mind, rationality) thì phương Đông lại nhấn mạnh đến “con người tình cảm” (con tim – heart). Tuy nhiên, có thật thực là người phương Tây duy lý còn người phương Đông là duy cảm đến độ cả hai không thể hòa hợp được với nhau? Một linh mục từng nói: “làm người, đó làm mẫu số chung, những hình dung từ theo sau chỉ là phụ thuộc”. Có lẽ có nhiều điểm khác nhau trong cách nhìn, nhưng thiết nghĩ đã là người thì thiết yếu có những điểm tương đồng xét về mặt bản chất, cho dẫu đó là những con người sống từ phương Tây hay tận đàng Đông. Trong bài viết này, tôi muốn trưng ra những nét tương đồng trong tư tưởng nhân bản giữa Khổng Giáo (vốn đại diện cho phương Đông) và Nguyên Lý Nền Tảng trong Linh Thao của Thánh I-nhã (phương Tây) như một chia sẻ về tính tương đồng và khả năng hội nhất trong cái nhìn nhân văn về con người.

Theo đó, bài viết này sẽ đề cập đến quan điểm con người tự bản chất là thiện như là một khuôn mẫu chung trong cả hai nền văn hóa. Sau đó, bài viết lần lượt đề cập đến quan niệm về nhân bản trong Khổng Giáo (tập trung vào mẫu người quân tử với các đức tính nhân,nghĩa, lễ, trí, tín) và trong Nguyên Lý nền tảng (con người bình tâm) trên cơ sở đối chiếu so sánh, để sau cùng đặt vấn đề về sự hòa hợp, coi đó như cái nhìn của người viết về nhân bản của một người sống và tiếp biến hai nền văn hóa: nền văn hóa phương Đông vốn được ảnh hưởng khá mạnh của tư tưởng Khổng Giáo và nền văn hóa Giêsu hữu vốn khởi đi từ linh đạo thánh I-nhã Loyola.

Con người vốn thiện và không ngừng quy hướng về sự thiện

Quan điểm Khổng Giáo cho rằng “nhân chi sơ tính bản thiện”, con người sinh ra vốn đã có sự thiện làm gốc. Tuy nhiên, thiết  nghĩ cần phân biệt rằng Khổng Tử không là người chủ trương như thế, trong sách Luận Ngữ, ông viết rằng: “bản tính con người gần giống nhau, do tập nhiễm mới khác xa nhau”[1]. Từ câu này, ta thấy ông không kết luận gì về bản chất con người mà muốn nhấn mạnh nó như là sản phẩm do sự tác động từ những điều kiện bên ngoài. Mạnh Tử đi xa hơn thầy mình và khẳng định tính thiện của con người là bẩm sinh. “Nhân chi sơ tính bản thiện” là phát biểu của Mạnh Tử chứ không phải của Khổng Tử. Theo đó, con người được sinh ra trong sự thánh thiện và “quy hướng về sự thiện”[2] (tending toward goodness), nói cách khác, “Mạnh tử nghĩ rằng mọi người đều có tiềm năng để trở nên thánh thiện”[3]. Để minh chứng điều này, ông trưng ra ví dụ về nước. Để bác bỏ quan niệm của Cáo Tử cho tính người không phân biệt được thiện với bất thiện vì giống như nước: nếu ta khơi nó sang đàng đông thì nó sang đàng đông, nếu khơi đàng tây thì nó sang đàng tây, Mạnh tử chất vấn rằng: “Nước không phân biệt được đông tây thật, nhưng không phân biệt cao thấp ư? Tính con người vốn thiện cũng như tính của nước là chảy xuống chỗ thấp”.[4] Mạnh Tử cho rằng đặc điểm này là một khuynh hướng trong con người mình. Có lẽ ta sẽ hiểu rõ hơn ý nghĩa của thuật từ “nhân bản” khi chiết tự nó. “Nhân” có nghĩa là người, cũng có nghĩa là lõi. “Bản” là gốc, cho nên có thể hiểu nôm na “nhân bản” là những điều cốt lõi nơi con người. Tuy nhiên, điều đặc biệt cần biết: “bản” ngoài ý nghĩa là gốc, nó còn thuộc “bộ mộc”[5] (cây), chính điều này tạo nên yếu tố động trong nhân bản: nhân bản không là một mớ quy chuẩn cho hành vi con người được định hình ngay từ đầu, trái  lại nó không ngừng lớn lên (như một cây xanh) theo thời gian.

Bên cạnh đó, hai điểm đặc biệt khác về chữ “nhân” trong nhân bản theo Khổng Giáo cần được lưu ý thêm. Thứ nhất, nhân không đơn thuần hai nét nhưng còn có hai nét liền kề sau, điều này chứng tỏ con người luôn vươn lên trong mối tương quan với tha nhân chứ không đơn độc. Ta có thể hiểu đặc điểm này qua hệ thống từ nhân xưng mà con người dùng. Mỗi cá nhân chỉ là một mắt xích nhỏ trong chuỗi tương quan ông bà, cha mẹ, cô cậu dì dượng chú bác, anh em (ruột thịt và anh em chú bác), cháu chắt… Đó là chưa kể đến những mối tương quan xã hội. Và chính từ những tương quan đó mà các quy tắc xã hội được thiết định, rõ nhất  là luật hôn nhân gia đình. Thành ra, mỗi cá nhân đều có một vị trí nhất định trong gia đình và xã hội, sự thành toàn hay đổ vỡ của một cá nhân đều tác động đến cả một đại gia đình. Chính vì thế mà Đông phương có câu: “một người làm quan cả họ được nhờ” hay ngược lại “con dại cái mang”. Và một khía cạnh khác, sự thành toàn hay đổ vỡ của cá nhân đều có liên quan đến người khác trong tập thể ấy: “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” hay “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”[6]. Vượt ra khỏi tương quan gia đình, con người vẫn gắn bó mật thiết với xã hội. Ngạn ngữ Trung Quốc nói: “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”.[7]

Thứ đến, trong văn tự Trung Hoa, chữ “nhân” (người) là một bộ phận của “thiên” (chữ thiên gồm chữ nhân thêm hai gạch ngang ở trên đầu). Điều này muốn diễn tả con người vốn thộc về thiên (ta sẽ thấy đây là một trùng hợp khá lý thú giữa Khổng giáo và Công Giáo (I-nhã thuộc về) trong quan niệm về con người khi Công Giáo cho rằng con người là hình ảnh Thiên Chúa). Chính trời cao ban cho con người “yếu tố nhân” như được hiểu trong nhân bản[8], trong đó tính thiện được hiểu là một thuộc tính căn bản của nhân. Hành trình kiếp nhân sinh cũng là để hiện thực hóa (actualization) tính thiện vốn là một tiềm thể (potentiality) trong con người thành hiện thể (actuality). Như thế, con người theo quan niệm Khổng giáo tự bản chất hướng thiện, và còn cả “hướng thiên” mặc dù Khổng Tử có cái nhìn rất mơ hồ về đời sau.

Đâu là điều cốt lõi của học thuyết nhân bản theo Khổng giáo? Hay nói cách khác, một người trưởng thành về nhân bản theo Khổng giáo là thế nào? Khổng giáo đề cao tu thân trước khi có thể làm được gì cho đời (tu thân rồi mới tề gia, trị quốc, bình thiên hạ). Và để tu thân, Khổng tử đặt ra một loạt các quy tắc: “tam cương ( đạo vua-tôi, phụ-tử, phu-phụ), ngũ thường: nhân-nghĩa-lễ-trí-tín, tam tòng (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử), tứ đức (công dung ngôn hạnh)”.[9] Đích đến của việc tu thân là trở thành một người đạt đạo và đạt đức, trong đó ngũ thường là yếu tố hàng đầu giúp con người biết cư xử đúng mực với chính mình và với người xung quanh.

Quan điểm này thật gần gũi với cái nhìn của I-nhã về bản chất và đích nhắm của con người. Kitô giáo quan niệm con người được sinh ra theo hình ảnh của Thiên Chúa – Đấng trọn tốt trọn lành. Điều này có ý nghĩa gì? Ta có thể hình dung con người là sản phẩm của một sự trừu xuất, là một “sự thiện nho nhỏ” khởi phát từ một Sự Thiện tròn đầy. Thật vậy, con người đã tồn tại từ trong ý định của Thiên Chúa, và con người đi vào cuộc hiện hữu bằng “lao nhọc” của Thiên Chúa qua một quá trình tạo dựng sáu ngày mà con người là đỉnh cao (được làm bá chủ cá biển chim trời). Hơn thế nữa, con người lại được vinh hạnh mang lấy hình ảnh Thiên Chúa, thay Ngài để làm chủ thế giới. Vì lẽ đó, ta có thể thấy con người tự mình là một sự phản chiếu của chính hình dạng và một phần đặc tính của Thiên Chúa (tính thiện). Nhờ chia sẻ sự thiện của Đấng dựng nên mình nên con người ngay từ khi vào đời đã có sẵn tính thiện. Đây cũng chính là cái nhìn của I-nhã về khởi phát của con người. Không những thế, ngài còn đưa ra cái nhìn cá nhân về mục đích cuộc sống của con người ở đời này và cùng đích mà con người nhắm đến khi viết trong Linh Thao số 23: “Con người được dựng nên để ngợi khen, tôn kính và phụng sự ‘Thượng Đế’[10] (…) và nhờ đó cứu rỗi linh hồn mình, ước muốn và lựa chọn điều gì dẫn đưa chúng ta hơn tới cứu cánh vì đó chúng ta được dựng nên”. Con người trong Nguyên Lý và Nền Tảng của I-nhã luôn có khát vọng thẳm sâu trong hồn là vươn về với Đấng Tạo Hóa. Điều này cho thấy trong con người luôn có một lỗ hổng, một “sự thiếu thốn” nào đó cần được lấp đầy. Ta hiểu đấy chính là sự thiện chưa trọn vẹn, một thứ “sự thiện” ở dạng phôi thai, đang muốn phá tung những lớp đất bên trên để bung mình trong ánh sáng chân lý, trong sự thánh thiện trọn hảo vốn tìm thấy trong Đấng Tạo Thành. Con người trong I-nhã do thế là một con người đang trên đường vươn tới sự thiện trọn hảo với xuất phát điểm là một “sự thiện ban đầu”. Hẳn điều này không xa với quan niệm về sự thiện của Khổng Giáo khi cho rằng sự thiện là một thứ “mầm” (sprout), một khuynh hướng cần được nuôi dưỡng để trở thành cây  trưởng thành qua quá trình giáo dục.

Ắt hẳn I-nhã chẳng hề biết đến Khổng Giáo là gì, và những người viết Kinh Thánh cũng chẳng hề biết đến Khổng Giáo để “tham khảo” một quan niệm như thế, nhưng cái nhìn về con người lại khá tương đồng. Ta có thể lý giải như thế nào? Hẳn là chẳng có câu trả lời nào khả dĩ ngoại trừ một điều: con người là như vậy, cho nên đứng ở góc nhìn của nền văn hóa nào rồi cũng nhận ra đặc điểm căn bản  nhất trong ơn gọi làm người: vì được sinh ra trong sự thiện, con người suốt đời không ngừng hướng về sự thiện.

Tuy đều đồng thuận rằng con người vốn thiện, quy hướng về sự thiện, nhưng cả Khổng Giáo lẫn I-nhã không xem đấy là một con đường tất định. Chính Mạnh Tử đã khẳng định: “hoàn cảnh ảnh hưởng rất lớn đến sự tu dưỡng của con người”[11], ông viết:

Những năm được mùa, phong túc, hạng con em nhờ được no đủ mà nhiều người trở nên tử tế; trái lại những năm đói kém, con em nhiều đứa sinh ra hung bạo. Chẳng phải tại trời phó cho họ tư chất khác nhau đâu, chỉ vì hoàn cảnh xấu đã nhận chìm lương tâm họ đấy thôi (…) cùng một giống lúa đem gieo một lượt với nhau mà tới mùa gặt thì chỗ được nhiều lúa, chỗ ít, chính là do những nguyên nhân ở ngoài; đất chỗ này tốt, đất chỗ kia xấu, mưa và sương chỗ này đủ, chỗ kia không đủ, công săn sóc không đồng đều.[12]

I-nhã cũng đề cập đến sự “chông chênh” của con người trên hành trình vươn đến sự thiện. Một khi không còn “để mắt” đến cứu cánh, một khi để cho tình yêu đối với tạo vật lớn hơn tình yêu đối với Đấng Tạo Hóa, hay nói cách khác, một khi rơi vào những “quyến luyến lệch lạc”[13], con người đã đánh mất sự thiện, sự tốt lành, và đấy chính là tội. Chẳng thế mà chính những người Giêsu hữu đã đưa ra một định nghĩa thời danh về bản thân họ: “ Giêsu hữu cần ý thức mình là những tội nhân được Chúa yêu, và được mời gọi làm bạn đường của Ngài…”[14]. Định nghĩa này không nhằm chối bỏ căn tính thiện của con người cho bằng khẳng định tính bấp bênh trong ơn gọi làm người, trong cuộc hành trình tìm về sự thiện tột bậc của con người.

Vươn đến sự thiện trong hai chiều kích hướng thân và hướng tha

Về căn bản, cả I-nhã lẫn Khổng-Mạnh trước tiên đều nhấn mạnh đến tính cá nhân trong hành trình hướng về sự thiện. Khổng giáo đề cập đến tu thân trong hành trình làm người (tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ) trong đó chuỗi nhân đức “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín” được xem là những công cụ chính giúp thành toàn cuộc sống. Nhờ gắn bó với những nhân đức này, con người theo Khổng Giáo sẽ đạt đến cái gọi là “quân tử”, “chính nhân” – một khuôn mẫu điển hình cho sự thành toàn của con người. Và một khi đạt đến sự chín muồi trong chiều kích hướng thân, người quân tử cũng tự khắc hướng tha trọn vẹn. Thật đặc sắc khi cách đó nửa vòng trái đất, mặc dù chưa có sự giao lưu và tiếp biến văn hóa nhưng I-nhã Loyola cũng đưa ra một nhân sinh quan thú vị trong chiều kích hướng thân và hướng tha như sẽ được trình bày ngay sau trong khuôn mẫu “con người bình tâm”.

Người quân tử và người bình tâm – con người hướng thân

Trong Khổng Giáo, lễ được đặt giữa nhân, nghĩa và trí, tín giúp định hình nên một người quân tử có khả năng tu thân, tề gia, trị quốc, để rồi có thể bình thiên hạ. Hướng thân được hiểu như việc xây dựng “nguồn nội lực”, căn tính của chính mình để xứng hợp với nhân phẩm. Khổng Tử đề cao nhất chữ nhân, chính vì thế, quân tử được đồng hóa với con người thể hiện, sống cái “nhân” chân thật của mình. Xây dựng căn tính ấy đi đôi với việc bảo vệ nó, và Khổng Tử cho rằng bằng mọi giá phải bảo vệ cho được: “người sĩ có chí và người có đức nhân không cầu sống mà làm hại điều nhân, mà có khi hi sinh tính mạng để làm thành điều nhân.”[15] Có thể thấy rằng, trong chiều kích hướng thân, người quân tử ôm ấp mộng thành toàn, vượt trên những khen chê, tính toan của nhân thế để tìm đến cái “nhân” đích thực. Chính vì thế, người quân tử “luôn nghiêm khắc với chính mình, luôn truy tìm nguyên nhân ở chính mình”[16]. Dường như “họ sống giữa thế gian nhưng không thộc về thế gian”.

Mẫu người quân tử ấy có thể coi như “người bình tâm” trong Nguyên Lý Nền Tảng theo thánh I-nhã. Bình tâm chính là chiều kích hướng thân để giữ mình được tự do đối với mọi tạo vật, tuy sống giữa nhưng không thuộc về tạo vật. Hẳn ai cũng thừa nhận rằng trong con người luôn có những tình cảm quyến luyến; thánh nhân cũng “yêu người này nhiều hơn người kia”, ngay cả Chúa Giêsu khi sống trên trần gian cũng như thế. Tuy nhiên, vấn đề là, tình yêu “ưu tiên” ấy không mang đến sự loại trừ, tình yêu ấy không làm con người bị lệ thuộc vào đối tượng. Trong con người bình tâm, vẫn còn đó những khao khát, nghiêng chiều, vấn đề là con người ấy ý thức những nghiêng chiều đó, đón nhận chúng như một phần tất yếu của kiếp nhân sinh. Một khi đã đón nhận chính giới hạn của mình, con người ấy mới có thể vượt lên chính mình để “không ước muốn giàu sang hơn nghèo khổ, sức khỏe hơn bệnh tật, danh vọng hơn nhục nhã…” Con người ấy chỉ ước ao đảm nhận kiếp nhân sinh của mình cách triển nở nhất cho dẫu điều kiện bên ngoài là gì. Sự hợp nhất của hai mẫu người trong chiều kích hướng thân là đều thiết lập một thứ “thành trì” để bảo vệ sự tự do nội tâm trước bao tác động của ngoại cảnh. Ta lại bỗng thấy thấp thoáng trong con người bình tâm hình ảnh của người quân tử “đầu đội trời chân đạp đất”, không vì lợi danh, khen chê để rồi chà đạp nhân phẩm chính mình hay tha nhân. Chính cái “ngạo nghễ”, “dửng dưng” giúp người quân tử (cũng là con người bình tâm) không trở nên lệ thuộc vào thị phi, nhưng luôn “ngạo nghễ” tìm về Chân Lý, mưu ích cho đời.

Người quân tử và người bình tâm – con người hướng tha

Các nhân đức nhân, nghĩa, lễ, trí, tín một đàng giúp con người xây đạt đến sự trưởng thành nội tại, đàng khác giúp con người hướng tha. Trong cư xử với tha nhân, nhân nghĩa là yếu tố đầu tiên cần lưu ý đến để có thể mưu ích cho tha nhân, đặt tha nhân vào đúng vị trí mà nhân phẩm của họ đòi hỏi. Như thế, con người phải là một con người xã hội mới có thể có nhân nghĩa (và hẳn nhiên ba nhân đức còn lại cũng hòa hợp với hai nhân đức này trong cùng một chức năng).

Chiều kích hướng tha nơi người quân tử trước tiên được thể hiện qua chính hành động của họ, điều này quá hiển nhiên đến nỗi không cần đề cập ở đây, chỉ xin đưa ra ví dụ về “Kinh Kha và Nhan Hồi”[17] như hai kiểu (trong nhiều kiểu) bộc lộ về người quân tử. Mặt khác, không chỉ hệ ở hành động, tính hướng tha nơi người quân tử còn là một “sức mạnh lặng thầm” hoạt động theo cơ chế “hữu xạ tự nhiên hương”[18]. Sức mạnh ấy chính là lòng đạo đức. Một khi “người quân tử làm trong sạch chính mình từ bên trong, người quân tử đồng thời làm trong sạch cái không gian quanh mình…”[19], và Khổng Tử khẳng định điều này khi nói: “đức của người quân tử như gió, đức của người tiểu nhân như cỏ, gió thổi thì cỏ rạp xuống”[20]  Chính lối sống nhân nghĩa của người quân tử tự nó hướng tha, trở thành một động lực, một lời mời gọi cho hết thảy những ai tiếp xúc. Khổng Tử đã làm một phép so sánh về lẽ trị dân: “dùng chính lệnh để dắt dẫn dân, dùng hình phạt để bắt dân vào khuôn phép, dân tránh khỏi tội nhưng không biết hổ thẹn. Dùng đạo đức để dắt dẫn dân, dùng lễ giáo để đặt dân vào khuôn phép, dân biết hổ thẹn mà lại theo đường chính.”[21] Theo lẽ này, cai trị bằng mệnh lệnh, uy quyền chỉ tạo nên sự bình an bên ngoài, nhiều khi mang tính giả tạo. Chỉ có cai trị bằng con tim, nhân nghĩa mới đem lại bình an đích thực. Khổng Tử trưng dẫn hình ảnh vua Nghiêu, Thuấn[22] như những điển hình trong lẽ trị dân bằng nhân nghĩa. Rõ ràng, người quân tử tìm thấy căn tính của mình trong chính mối tương quan với tha nhân, và quân tử chỉ có ý nghĩa trong mối tương quan ấy.

Tương tự, I-nhã không xem con người là một ốc đảo trong hành trình đi tìm về tuyệt đối, nhưng là một sinh vật có xã hội tính, đi về nguồn cội trong một cuộc đồng hành cùng tha nhân và muôn tạo vật khác. Con người trong Nguyên Lý Nền Tảng, trong hành trình ấy, luôn biết “chân nhận”[23] phẩm giá của tha nhân, của mọi tạo vật. Điều này thể hiện trong thuật ngữ “bình tâm”. Trong quan niệm của I-nhã, mọi vật đều có giá trị riêng của nó trước Đấng Tạo Hóa; do thế, mặc nhiên I-nhã thừa nhận sự bình đẳng trong tương quan người với người. Nhiều người tìm thấy trong câu: “Bởi thế người ta chỉ được sử dụng tạo vật trong mức độ chúng giúp đạt tới ‘cứu cánh’[24], và phải loại bỏ khi chúng làm cản trở mình đến cứu cánh đó” một tinh thần vụ lợi, xem mọi thứ là phương tiện để giúp mình đạt được mục đích. Tuy nhiên thực tế không phải vậy. Chính yếu I –nhã muốn nhấn mạnh ở đây giới hạn mà mỗi người phải ý thức trong tương quan với tha nhân: biết dừng lại trước khi ta xâm phạm đến phẩm giá của tha nhân vốn đồng nghĩa với việc biến tha nhân thành công cụ của mình. Điểm này thể hiện trọn vẹn chiều kích hướng tha, vì một khi giữ được sự bình tâm cho bản thân, con người ấy sẽ giúp cho tha nhân quanh mình ý thức và đạt đến sự bình tâm về phần họ.

Mệnh đề cuối cùng trong câu đầu của Nguyên Lý và Nền Tảng đã chân nhận mọi vật đều có một cùng đích của chúng, và mọi tha nhân đều có một cùng đích của riêng mình, hẳn nhiên cùng đích ấy là sự thiện.  Mỗi người có thể “tận dụng” tương quan với tha nhân để đạt tới cùng đích của mình, vì vậy, tự khắc có một mối liên kết giữa mọi người trong hành trình hướng thiện. Chính ở điểm này ta có thể bàn rộng hơn: không có một vị thánh đơn độc trong Giáo Hội Công Giáo, không thể “làm thánh một mình” mà không giúp người khác cùng nên thánh (tất nhiên người khác có nên thánh hay không là điều ta không phải muốn là được) Ngay cả đối với trường hợp cá biệt của các thánh ẩn tu trong Giáo Hội Công Giáo (thánh Anthony tu cột) chẳng hạn. Các ngài có vẻ như chẳng làm gì cho người khác, nhưng con đường, linh đạo của các ngài đã trở thành nguồn hứng cho bao người trên hành trình nên thánh của riêng họ. Đây chính là đặc điểm của lối sống người quân tử “hữu xạ tự nhiên hương” như đã đề cập.

Quan niệm nhân bản của một người sống linh đạo I-nhã trong lòng xã hội Đông Phương – thay lời kết

Một tương đồng khá thú vị giữa Khổng Giáo và I-nhã thiết nghĩ nên trưng dẫn ở đây là vị thế của con người quân tử và người bình tâm trong hành trình nên thành toàn. Khổng Tử nhấn mạnh mẫu người quân tử là đích nhắm của việc tu thân, và đó chỉ là bước đầu trong cuộc hiện sinh của con người, bởi sau tu thân, người quân tử đi vào hành trình tề gia, trị quốc và bình thiên hạ (tất nhiên không luôn hẳn theo trật tự này nhưng có sự đan quyện). I-nhã cũng không xem “bình tâm” là đích đến của con người nhưng chỉ xem nó là điều kiện thiết yếu để con người vươn đến cùng đích mà mình được dựng nên. Có lẽ một người sống linh đạo I-nhã trong lòng xã hội phương Đông tìm được ở đây chìa khóa cho cuộc hội nhập. Tất nhiên ta không thể chối bỏ sự khác biệt giữa hai bên như đã đề cập ngay từ đầu: phương Tây nhấn mạnh đến lý trí (mind) trong khi phương Đông nhấn mạnh “con tim” (“heart”), mà rõ nhất có thể thấy: ngày nay phương Tây nhấn mạnh đến nhân quyền trong khi phương Đông vẫn nhấn mạnh đến nhân nghĩa, cách giải quyết vấn đề của phương Tây vẫn thiên về luật trong khi phương Đông vẫn nghiêng chiều về sự thỏa thuận trên tương quan tình cảm. Bên cạnh đó, trong tương quan giữa Khổng giáo và I-nhã, ta thấy Khổng giáo dường như chưa đề cao đủ vai trò của người phụ nữ khi quá nhấn mạnh hình mẫu người quân tử (trong khi đó I-nhã đề cập đến con người cách chung). Đặc biệt, cái nhìn của Khổng giáo chỉ giới hạn trong cuộc sống này (thiếu siêu việt tính) trong khi cái nhìn của I-nhã hướng về Thượng Đế.

Vậy có thể hội nhập như thế nào?

Trước tiên là chân nhận sự hòa hợp có thể có được như đã trình bày về bản chất con người, về tính hướng thân và hướng tha. Thật vậy, một lần nữa, ta khẳng định cho dù là ở tận đàng Đông hay xa mãi về phía Tây, con người luôn có những phẩm chất căn bản như nhau, có khác nhau chỉ là hiện tượng, và trong cách dùng câu từ để diễn đạt. Bởi thế, tất yếu có sự hài hòa nội tại khi ta bóc bỏ lớp vỏ bên ngoài của hiện tượng và câu từ. Tư tưởng nhân bản trong Khổng Giáo hay trong linh đạo I-nhã (cụ thể trong Nguyên Lý và Nền Tảng) theo đó đều cùng chân nhận khởi phát của con người là lành thiện, và con người luôn khao khát vươn lên để thành toàn trong nhân cách, thành toàn nơi Đấng Tạo Hóa đã sinh ra mình. Trong hành trình ấy, con người phấn đấu để trở nên một “quân tử”, hay một “con người bình tâm” và điều này đặc biệt được nhấn mạnh trong chiều kích hướng tha.

Thứ đến, là một Giêsu hữu, ý thức cùng đích của mình là hướng về Thiên Chúa và đồng thời quy hướng mọi sự, giúp mọi thụ tạo cùng quy hướng về Ngài, thay vì xây dựng mình trở nên một con người bình tâm, tại sao không nghĩ về hình mẫu một người quân tử? Sống trong nền văn hóa Á Đông, thuật ngữ “sự bình tâm” theo I-nhã dễ làm cho người khác lầm tưởng là “dửng dưng với đời” trong khi tự bản chất nó gồm chứa những đặc tính nhân bản (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín) trong Khổng giáo. Sá gì một tên gọi, ta đâu nhất thiết trung thành trên từng con chữ đối với linh đạo, điều cốt yếu là tinh thần, nội dung của linh đạo ấy vẫn giữ được trong một mô hình mới – mô hình người quân tử trong truyền thống Á Đông. Trong hoàn cảnh người ta nói nhiều đến hội nhập, đối thoại văn hóa để đưa con người ở những vùng miền khác nhau xích lại gần nhau, thiết nghĩ cách thích ứng nội dung nhân bản của Đông Phương trong một khuôn mẫu linh đạo được diễn tả qua Nguyên Lý Nền Tảng là điều khả thi và đáng khuyến khích. Điều này trong thực tế đã được chứng minh với nỗ lực của những Giêsu hữu Việt Nam với những “thánh lễ nhập thể”[25]. Thực tế, nỗ lực ấy chưa được đón nhận cách rộng rãi, nhưng thiết nghĩ có thể nó là một hướng hội nhập thiết thực chăng? Lời Chúa vẫn có thể được tìm thấy trong tư tưởng của các “thánh nhân” bên ngoài Kitô giáo, đó là điều mà hiện nay Giáo Hội đã đón nhận.

“Làm người, đó là mẫu số chung, những hình dung từ theo sau chỉ là phụ thuộc”. Một lần nữa, người viết xin được nhắc lại câu này để tóm kết một cái nhìn nhân bản cả Đông lẫn Tây, từ cổ chí kim, khi bàn đến con người với những khác biệt tùy nơi và tùy thời. Đông, Tây có khác nhau trong cách diễn đạt, cách nghĩ, từ đó định hình nên những cung cách hành xử khác nhau là điều đương nhiên vì mỗi nơi có một lịch sử rất riêng. Khác biệt là cần thiết để có cái nhìn mang tính chất bổ sung, để hiểu con người toàn diện hơn từ những góc nhìn khác nhau. Vấn đề là trong tất cả những nét riêng có thể thấy được mỗi người cần tìm đến để hội nhập thành một cái nhìn. Đây cũng là cách thức để hội nhất con người mình trong bối cảnh đa văn hóa, trong bối cảnh việc giao lưu và tiếp biến văn hóa diễn ra ngày càng sâu rộng (không chỉ giới hạn đơn thuần trong sự tiêp biến của một Giêsu hữu sống linh đạo I-nhã với Khổng Giáo Đông Phương).

Nguyễn Huy Hoàng S.J.


[1] Khổng Tử, Luận ngữ (Nguyễn Hiến Lê chú dịch và giới thiệu), Tp. HCM., Cty. Văn Hóa quận 11, 1995, trang 284.

[2] Human nature and human education on human nature as tending toward goodness in classical Confucianism, tài liệu học tập tại lớp.

[3] Kwong-loi Shun and David B. Wong, Confucian Ethics: A Comparative Study of Self, Autonomy, and Community, New York, Cambridge Unversity Press, 2004.

[4] Nguyễn Hiến Lê, Mạnh Tử, Tp. HCM., NXB. Văn Hóa, 1996, trang 159.

[5] Bửu Kế, Từ điển Hán Việt từ nguyên, Tp. HCM., NXB Thuận Hóa, 1999, trang 81.

[6] Like father like son.

[7] Mỗi người dù tài giỏi hay không đều phải có trách nhiệm đối với sự  tồn vong của đất nước.

[8] Sở dĩ nói như vậy vì chữ nhân trong tiếng Trung Quốc có rất nhiều nghĩa.

[9] vi.wikipedia.org/wiki/Nho_giao

[10] Nguyên văn là Thiên Chúa

[11] Nguyễn Hiến Lê, Mạnh Tử, trang 176.

[12] Như trên.

[13] Từ của I-nhã, nguyên ngữ tiếng Anh là “disordered attachment”

[14] Tổng Hội Dòng Tên thứ 32, nghị quyết 2, số 1.

[15] Như trên, trang 257.

[16] Như trên, trang 261.

[17] Kinh Kha là một anh hùng vì muốn giúp người dân thoát những chính sách hà khắc của Tần Thủy Hoàng nên đã lên đường hành thích Tần Thủy Hoàng, việc bất thành nên vong mạng ở cung Tần Vương (Hàm Dương). Nhan Hồi là một học trò “cưng” của Khổng Tử, ông đã ăn phần cơm bẩn trong nồi để nhường phần cưm sạch cho thầy và các anh em khác, nhưng vô tình hành động đó bị thầy hiểu nhầm, tuy nhiên ông đã chấp nhận sự hiểu nhầm ấy.

Chân Phước Luchesio và Buonadonna

Chân Phước Luchesio và Buonadonna

    (c. 1260)

 Ông Luchesio và bà Buonadonna là hai vợ chồng muốn sống theo gương Thánh Phanxicô. Do đó họ đã gia nhập Dòng Ba Phanxicô.

 Hai ông bà sống ở Poggibonzi, nơi họ hành nghề thương mãi và là con buôn tham lam. Nhưng sau khi gặp Thánh Phanxicô — có lẽ năm 1213 — họ đã thay đổi đời sống. Ông Luchesio bắt đầu thi hành nhiều việc bác ái.

 Lúc đầu, bà Buonadonna không nhiệt tình sống bác ái như ông Luchesio, và thường than phiền chồng là đã bố thí quá nhiều của cải cho các người lạ. Một ngày kia, khi có người gõ cửa xin được giúp đỡ, và ông Luchesio nhờ vợ lấy cho họ ít bánh mì. Bà nhăn mặt khó chịu nhưng cũng đi vào bếp, và lạ lùng thay, bà nhận thấy số bánh mì đang có thì nhiều hơn khi trước. Không bao lâu, bà cũng trở nên hăng say sống đời khó nghèo và thanh bạch như ông chồng. Cả hai bán cả tiệm buôn, chỉ giữ lại ít đất để cầy cấy trồng trọt đủ cho nhu cầu và phân phối đất đai còn lại cho các người nghèo.

   Vào thế kỷ thứ 13, với sự ưng thuận và sự cho phép của Giáo Hội, một số vợ chồng sống ly thân để người chồng vào dòng tu nam và người vợ vào dòng tu nữ. Nhưng điều này chỉ có thể xảy ra nếu họ son sẻ hoặc con cái đã trưởng thành. Ông bà Luchesio lại muốn kiểu khác, họ muốn sống đời tu trì, nhưng bên ngoài tu viện.

 Ðể đáp ứng nhu cầu này, Thánh Phanxicô đã lập Dòng Phanxicô Thế Tục. Ðầu tiên, thánh nhân viết một Quy Luật đơn giản cho Dòng Ba (Phanxicô Thế Tục), sau đó Ðức Giáo Hoàng Honorius III đã chấp thuận một quy luật chính thức vào năm 1221.

 Công việc bác ái của hai ông bà Luchesio đã thu hút người nghèo đến với họ, và cũng như các vị thánh khác, dường như hai ông bà không bao giờ thiếu của cải để giúp đỡ tha nhân.

 Một ngày kia, khi ông Luchesio đang cõng một người tàn tật mà ông bắt gặp bên vệ đường thì có một thanh niên đến hỏi ông, “Cái tên quỷ quái nào mà ông đang cõng trên lưng đó?” Ông Luchesio trả lời, “Tôi đang cõng Ðức Giêsu Kitô.” Ngay lập tức người thanh niên ấy đã phải xin lỗi ông.

 Hai ông bà Luchesio và Buonadonna đều từ trần vào ngày 28 tháng Tư 1260. Ông được phong chân phước năm 1273. Truyền thống địa phương cũng gọi bà Buonadonna là “chân phước” dù rằng Tòa Thánh chưa chính thức công bố.

  Lời Bàn

 Thật dễ để chế nhạo người nghèo, và chà đạp phẩm giá con người mà Thiên Chúa đã ban cho họ. Mẹ Têrêsa Calcutta thường đề cập đến sự nghèo túng như “sự đau khổ tiềm ẩn” của Ðức Kitô. Chúng ta dễ khiến người khác cảm thấy là họ vô ích — người nghèo, người bệnh hoạn, người tật nguyền thể xác cũng như tâm thần, người lớn tuổi, người thất nghiệp — do đó, chống lại sự cám dỗ ấy đòi hỏi một mức độ đại lượng trong cuộc sống chúng ta. Nếu ai nấy cũng đều nhìn thấy Ðức Kitô trong người nghèo như hai ông bà Luchesio, họ sẽ phong phú hóa Giáo Hội và giữ được sự trung tín với Thiên Chúa.

  Lời Trích

 Thánh Phanxicô thường nói, “Bất cứ ai nguyền rủa người nghèo là tổn thương đến Ðức Kitô, vì họ đang mang hình ảnh của Người, hình ảnh của Ðấng đã trở nên nghèo hèn vì chúng ta” (1 Celano, #76).                                                              

nguồn từ Maria Mai

Tin thêm về bà Ngô Đình Lệ Quyên,

Tin thêm về bà Ngô Đình Lệ Quyên.

Con gái út ông bà Ngô Đình Nhu qua đời vì tai nạn giao thông – Xin thêm lời cầu nguyện cho linh hồn của Bà

 17.04.2012 ROME, Ý (NV) – Bà Ngô Đình Lệ Quyên, con gái út ông Ngô Đình Nhu và bà Trần Lệ Xuân, qua đời trong một tai nạn giao thông tại Rome, Ý, hôm 16 Tháng Tư, một nguồn tin thân cận với gia đình xác nhận với nhật báo Người Việt.

 
Luật Sư Trương Phú Thứ, người duy nhất phỏng vấn bà Nhu thời gian sau chiến tranh, và là một người thân của gia đình nạn nhân, nói: “Tôi vừa nói chuyện với Ngô Đình Quỳnh, anh trai của Lệ Quyên, và được biết cô ấy qua đời trong tai nạn giao thông hôm Thứ Hai. Hôm đó, cô đi làm bằng xe gắn máy, bị té, đập đầu xuống đường. Lúc đó, cô không đội nón an toàn.”
Bản tin trên trang blog caritas.org của Caritas of Rome cho biết, “Ngô Đình Lệ Quyên qua đời trong một tai nạn giao thông ở Rome vì va vào một xe bus chở học sinh.”
Caritas of Rome, một tổ chức thiện nguyện thuộc Tòa Thánh Vatican, là nơi bà Ngô Đình Lệ Quyên, 53 tuổi, tiến sĩ luật, làm việc với vai trò giám đốc phụ trách di dân.
Thân phụ của bà Quyên là em ruột và là cố vấn của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Hai ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu bị giết chết tại Sài Gòn, một ngày sau cuộc đảo chánh ngày 1 Tháng Mười Một, 1963 tại miền Nam Việt Nam.
Luật Sư Trương Phú Thứ cho biết, bà Ngô Đình Lệ Quyên có khuôn mặt rất giống cha, và là một người cương quyết, có cá tính rất đặc biệt.
“Tôi có thể nói, lúc 20 tuổi, cô có khuôn mặt giống ông Nhu, như hai giọt nước. Người ta thường nói ‘gái giống cha, giàu ba họ.’ Nhưng bây giờ cô không còn nữa, rất tội nghiệp, rất thương,” luật sư này nói.
Ông nói thêm: “Cô là người rất ‘cứng đầu.’ Ở Ý, nếu không có quốc tịch thì không được giảng dạy trong đại học. Cô có bằng tiến sĩ luật, nhưng không chịu nhập quốc tịch. Đã thế, dù có chồng người Ý, cô lại đặt tên con trai là Ngô Đình Sơn, tức là lấy họ bên ngoại.”
“Nói là ‘cứng đầu,’ chứ thực ra, ‘con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh.’ Cô là người đạo đức, ăn nói nhỏ nhẹ, nhưng cương quyết,” Luật Sư Trương Phú Thứ nhận xét.
Đức Ông Enrico Feroci, giám đốc Caritas of Rome, ra thông cáo trên trang web bày tỏ đau buồn sâu xa về sự qua đời của bà Ngô Đình Lệ Quyên.
“Bà Lệ Quyên là một tấm gương cho chúng tôi,” Đức Ông viết. “Trong nhiều năm, bà làm việc giúp người nghèo và khốn cùng. Bà làm việc với lòng hăng say và tin tưởng, và là một chỗ dựa cho chúng tôi trong công việc.”
Ông Gianni Alemanno, đô trưởng Rome, cũng gởi thư đến Đức Ông Enrico Feroci để chia buồn và nhắc nhiều lần bà Lệ Quyên đối thoại với chính quyền để bênh vực quyền lợi người di dân, theo Caritas of Rome.
Trang blog của Caritas of Rome tại www.caritas.org viết: “Lệ Quyên đóng vai trò rất lớn trong chính sách của Caritas ở mọi mức độ. Bà được nhiều nhân viên ở Caritas biết. Đồng sự của bà khắp thế giới luôn nhớ đến bà trong vai trò một người dấn thân cho người nghèo.”

Bà Martina Liebsch, giám đốc chính sách quốc tế của Caritas, được trang blog trích lời nói: “Chúng tôi xin chia buồn với gia đình, bạn bè và nhân viên của Caritas of Rome… Sự ra đi của bà là một mất mát lớn đối với cộng đồng di dân tại Rome.”
Tại Caritas of Rome, từ năm 1992 đến năm 1996, bà Ngô Đình Lệ Quyên phụ trách một trung tâm chăm sóc người ngoại quốc.
Từ năm 2000 đến năm 2007, bà Lệ Quyên đặc trách việc điều hợp toàn quốc liên quan đến người tị nạn. Bà cũng là thành viên ủy ban di dân thuộc Caritas Châu Âu, và sau đó làm chủ tịch ủy ban này.
Theo trang web www.vietcatholic.com, “bà Lệ Quyên không xin quốc tịch Ý, nhưng do công tác phục vụ nổi bật dành cho Ý, theo đề nghị của Bộ Nội Vụ, tổng thống nước này ban hành sắc lệnh cấp quốc tịch Ý cho bà năm 2008.”
Theo trang web của Caritas of Rome, bà Ngô Đình Lệ Quyên sinh năm 1959, sang Ý năm 1963 với quy chế tị nạn.
Sau cuộc đảo chánh, thân mẫu của bà và người chị, Ngô Đình Lệ Thủy, lúc đó đang ở Mỹ, bay sang Rome, và sau đó sang sống tại Pháp.
Năm 1968, bà Ngô Đình Lệ Thủy thiệt mạng trong một tai nạn giao thông tại Pháp.
Năm 2011, bà Trần Lệ Xuân qua đời tại Ý.
Ông bà Ngô Đình Nhu có bốn người con, hai nam, hai nữ.
Gia đình bà Ngô Đình Lệ Quyên sống chung một tòa nhà với gia đình ông Ngô Đình Trác, con trai trưởng của ông bà Ngô Đình Nhu.
 

Tín đồ Hồi giáo trở thành Công giáo

Tín đồ Hồi giáo trở thành Công giáo

 Tác giả EDWARD PENTIN 

Thần học gia Hans Urs von Balthasar (1), người Thụy Sĩ, là khí cụ giúp ông Ilyas Khan đã tìm thấy đức tin Công giáo nhờ khoa Địa lý và Thần học. Ilyas Khan là người Anh, có lòng từ tâm và là tín đồ Hồi giáo. Nhưng có quá nhiều ảnh hưởng Công giáo rõ rệt, “kéo” ông đến với đức tin hơn là “đẩy” ông xa rời Hồi giáo.

 Ông Khan là một giám đốc ngân hàng thương mại được đào tạo bài bản, là ông bầu đội bóng đá Accrington Stanley, và là chủ tịch Hội từ thiện Khuyết tật Leonard Cheshire – tổ chức lớn nhất thế giới chuyên giúp người khuyết tật. Trong cuộc trả lời phỏng vấn với ký giả Edward Pentin của báo Register Rome, ông Khan giải thích chi tiết về những gì đã đưa ông đến với Giáo hội Công giáo.

 Điều gì đem ông đến với niềm tin tôn giáo? Có điều gì đó trong Hồi giáo, có thể lòng sùng kính Đức Mẹ trong Hồi giáo đã giúp ông gia nhập Công giáo?

 Có và không. Lòng sùng kính Đức Mẹ về phương diện cá nhân là một phần lớn của đức tin, nhưng đồng thời, tôi biết điều đó không là gì đối với việc nuôi dưỡng tôi thành một tín đồ Hồi giáo. Những bước thăm dò đầu tiên của tôi đến với Công giáo đã có từ khi tôi còn thơ ấu. Lúc đó mẹ tôi rất bệnh hoạn, nên tôi được bà tôi nuôi dưỡng từ lúc tôi mới 3 hoặc 4 tuổi. Bà tôi là người Công giáo Ai-len. Tôi đi học trường của nhà thờ, khi bắt đầu đi học tôi không nghĩ mình là một Kitô hữu.

 Tôi cũng nhờ được nuôi dưỡng ở Lancashire, trên vùng Pennines và gần Ribble Valley. Nếu đã từng có khu trung tâm Công giáo ở Anh, thì hẳn là vùng đó – khu chưa bao giờ có Cuộc Cải Cách (Reformation).

 Từ đó, khi tôi vào đại học, Chúa quan phòng đã can thiệp lần thứ hai, và tôi ở Nhà Netherhall, phòng của sinh viên Hội Opus Dei (2) ở London. Nhưng giữa khoảng 4 tới 17 tuổi, tôi được giáo dục thành một tín đồ Hồi giáo trong một gia đình Hồi giáo. Tôi đến Đền thờ Hồi giáo, học kinh Quran. Nhưng tôi nghĩ không có lĩnh vực nào của Hồi giáo có thể khiến tôi thành người Công giáo.

 Ở Nhà Netherhall lúc đó có ảnh hưởng khiến ông có đức tin?

 Có, rất nhiều. Tuy nhiên, lúc đó tôi không nghĩ mình có can đảm để chuyển đạo hoặc được nhận vào Công giáo, hoặc thậm chí chỉ là được hướng dẫn chính thức. Sự bội giáo là cái gì đó mà Hồi giáo coi là rất quan trọng. Trong mắt của rất nhiều người, bỏ Hồi giáo thực sự là tội đáng tử hình. Thế nên Nhà Netherhall là một khí cụ. Tôi nhớ rất rõ là việc tôi thích cầu nguyện thực sự được hình thành từ đó, xung quanh tôi là những tấm gương sống động về một đức tin kỳ lạ.

 Ông muốn nói ông đến với đức tin hầu như do tiềm thức?

 Thực sự không. Tôi nghĩ tôi có đức tin hoàn toàn do ý thức. Khoảng 18 hay 19 tuổi, tôi lý luận và hỏi người lớn. Lúc đó tôi gặp một người thông minh tên là Hans Urs von Balthasar. Có một thư viện ở Nhà Netherhall, tại đây tôi bắt đầu đọc sách Thần học. Đó là nơi tôi tình cờ gặp Origen, và đó cũng là nơi tôi nghiên cứu và đánh giá cao các tác phẩm của Thánh Augustinô. Tôi rất ý thức nhưng tôi hơi quan ngại. Lúc đó cha Mẹ tôi vẫn sống, một phần vì tính cẩn trọng của tôi khiến tôi sợ làm cha mẹ tổn thương. Tôi không biết nói với cha mẹ thế nào khi tôi tốt nghiệp đại học, nhưng có thể “con người Công giáo” đã đến gần.

 Điều gì khiến ông can đảm tới cùng?

 Ngoại trừ Chúa Thánh Thần? Có cực điểm của hai thứ: Mức độ chắc chắn trong lĩnh vực luân lý của tôi, và nếu có sức đẩy tôi xa Hồi giáo thì đó là sức hút của Đức Kitô. Tôi không có ý nghĩ tiêu cực khi chuyển đạo. Yếu tố quan trọng khác là sự tham dự rất thường xuyên của tôi, hơn 10 năm ưu tiên cho việc được chính thức vào nhà thờ – Nhà thờ Thánh Giuse ở Hong Kong. Tôi đến sống ở Á châu và Hong Kong lúc khoảng 25 tuổi, đó là nơi tôi phát hiện mình bị thu hút bởi Công giáo truyền thống. Các hành động đơn giản của đức tin – nghi thức, phụng vụ và cầu nguyện chung – là những viên đá nền tảng.

 Trong những năm dần dần tiếp cận đức tin, ông có nghĩ rằng đức tin Công giáo là đúng?

 Có, mặc dù có thể hơi cường điệu. Lúc đó, khi tôn giáo là việc chính của tôi, rất khó phân biệt hành động nào có thể hoặc không thể được đức tin thúc đẩy. Tôi hy vọng mọi thứ tôi làm trong đời đều được đức tin thúc đẩy và hướng dẫn. Tôi trả lời câu hỏi của ông bằng cách hơi khác: Tôi chưa bao giờ nghi ngờ, từ lúc ngoài 20 tuổi trở đi, tôi là một Kitô hữu, và con đường tôi đến với Công giáo thực sự khá nhanh. Khi nhìn lại, tôi thấy hành trình chỉ mất 4 hay 5 năm. Tôi phải nói rằng Thần học gia Von Balthasar chính là người đã hướng dẫn tôi.

 Chân phước Gioan Phaolô II và ĐGH Bênêđictô XVI có ảnh hưởng ông? Cả hai vị đó được gọi là “người theo phong cách Balthasar”.

 Một câu hỏi thật thú vị. Tôi chưa bao giờ được hỏi như vậy. Hồng y Ratzinger, nay là Giáo hoàng, có phẩm chất là “người theo phong cách Balthasar”, và Chân phước Gioan Phaolô II đã nâng Balthasar lên thành một Hồng y. Dĩ nhiên, Chân phước Gioan Phaolô II có tầm ảnh hưởng ngoài sự tôn trọng dành cho Von Balthasar – sao lại không ảnh hưởng một con người vĩ đại như vậy chứ? Cũng như nhiều con người vĩ đại khác, chính Balthasar không chỉ là một nhà thông thái vĩ đại, mà còn thông suốt về mầu nhiệm đức tin là tâm điểm đời sống Kitô hữu. Kkhoảnh khắc đáng nhớ nhất xảy ra với tôi khi tôi ngoài 30 tuổi. Lúc tôi đi ngang qua tượng đài Pieta (Đức Mẹ ôm xác Chúa Giêsu) ở Quảng trường Thánh Phêrô, tôi nhớ mình đã bị thu hút bởi sự kết hợp của vài thứ một lúc. Ông hỏi tôi về mối quan hệ với Mẹ Thiên Chúa. Vâng, khoảnh khắc đó thực sự rất quan trọng. Điều đó có thể mô tả là một “bước ngoặt”.

 Vẻ đẹp của bức tượng Pietà đã tạo ấn tượng với ông?

 Vâng, đúng vậy. Tôi nghĩ đó là Thiên Chúa, thực sự là Thiên Chúa. Phải nhớ rằng một trong những điều quan trọng là lúc chúng ta coi Hồi giáo truyền thống là tà thuyết – theo ý kiến của họ – coi Chúa Giêsu hay chết đồng đẳng với Thiên Chúa. Và nếu đã từng có trở ngại mà một người Hồi giáo chuyển đạo phải đồng ý, về trí tuệ và cảm xúc, hơn bất kỳ thứ gì khác, đó chính là điều đó. Lúc đó, trước tượng Pietà, tôi chỉ nhận biết qua cảm xúc, rằng chân lý của tôn giáo quá đơn giản và trực tiếp.

 Ông muốn nói Chúa Giêsu không chỉ là tiên tri mà còn là Thiên Chúa?

 Đúng vậy, lúc đó tôi nghĩ vậy. Tôi nhớ rất rõ, điều đó vẫn làm tôi muốn khóc – tôi không hề nghi ngờ gì. Rõ ràng là vậy. Tôi sợ rằng điều đó không thể để tôi nói rõ ràng cảm giác đó bằng ngôn ngữ. Nếu có khoảng khắc “trước” và “sau”, tôi có thể nói đó là điểm đến.

 Sợ Hồi giáo kết tội bội giáo, đó có là điều ông thao thức vào ban đêm?

 Không hề. Nó không làm tôi thao thức. Tuy nhiên, tôi có thể cho ông biết khi nào thích hợp: Theo nhiều cách khác nhau – qua bài báo, qua radio hoặc ti-vi. Tôi muốn có sự công bằng ở Anh, nơi tôi làm ông bầu của 1 trong 4 đội bóng nổi tiếng. Tôi mô tả theo tiêu chuẩn, chẳng hạn: “Người gia nhập Công giáo mới đây nhất”. Có nhiều khi tôi nhận được lời đe dọa của những người Hồi giáo hoặc các tổ chức Hồi giáo phản ứng các bài báo hoặc các cuộc phỏng vấn như thế này, tôi phải nói rằng các điều đó không bao giờ làm tôi mất ngủ. Tôi nhận những e-mail cả chia sẻ lẫn hăm dọa, nhưng tôi hy vọng sự xứng đáng và từ chối bị thu hút vào cách sống bị điều khiển bởi nỗi sợ hãi hoặc sự thận trọng không đáng có.

 Ngược lại, điều tôi quan tâm là nơi gặp gỡ giữa Hồi giáo và Công giáo, Ở đó có một mức độ tương đồng.Thái độ của tôi là bày tỏ cho những người không Công giáo thấy vẻ đẹp, sự thuần khiết, sự kỳ diệu và đặc ân của việc trở thành người Công giáo. Tôi rất thẳng thắn và bình tĩnh đối với vấn đề này, và đó là sự phản ánh về đức tin của tôi.

 Một số người chuyển đạo có thể rất tiêu cực đối với tôn giáo cũ của họ, nhưng ông có vẻ không như vậy.

 Tôi thấy có lợi ích đối với lối sống giản dị. Ttôi nghĩ không có gì phức tạp trong đức tin, và như tôi đã nói, tôi “bị” lôi kéo tới niềm tin Kitô giáo chứ không “bị” đẩy xa khỏi Hồi giáo.

 Tuy nhiên, tôi phải công nhận rằng tôi có nhiều nỗi buồn trong lòng khi tôi suy nghĩ về những người dùng Hồi giáo để thanh minh cho các hành động của họ. Các hành động này không chỉ phi Hồi giáo (un-Islamic) – họ không nhân đạo và không có gì để coi Hồi giáo là một tôn giáo. Buồn thay, hình như có nhiều người Hồi giáo coi tức giận và bạo lực là trực giác đầu tiên để phản ứng với bất kỳ thứ gì mà họ không đồng ý. Ngoài ra, tôi cảm thấy 2 tôn giáo, Hồi giáo và Kitô giáo, có thể được mô tả là “họ hàng xa”. Nnê nhớ tôi được giáo dục thành người Hồi giáo, tôi đã từng tới Thánh địa Medina và Mecca, và tôi có thể hiểu một số phẩm chất cố hữu. Nhưng chúng ta cũng phải công nhận rằng điểm khởi đầu, sự khác biệt giữa hai tôn giáo, rất bao la. Thế nên khi có những điểm tương đồng, và tôi có thể hiểu họ, thì họ không quan tâm lắm. …Tôi tôn vinh Đức Giêsu Kitô là Tình yêu. Một câu đơn giản. Đó là sự khác biệt hạn chế.

 Và nói chung là rất đơn giản.

 Đúng vậy, nhưng chúng ta gọi điều đó là “tình yêu”, chúng ta là những Kitô hữu quan tâm nhau tự đáy lòng của đức tin, đó là cuộc sống thực sự và phẩm chất hiển nhiên. Chúa Giêsu thực sự ở bên chúng ta. Chúng ta không cần phép ẩn dụ hoặc những khái niệm mập mờ về những gì tình yêu “có thể là” để gợi hứng hoặc thông báo cho chúng ta biết. Chúng ta được chúc lành nhờ Bí tích Thánh Thể và được nuôi dưỡng bởi lời bầu cử trực tiếp của Đức Mẹ qua sự hy sinh của Chúa. Theo đó, Thần học gia Hồng y Von Balthasar đã giúp thay đổi nền tảng của cuộc đối thoại về mối quan hệ giữa Giáo hội, Đức Kitô và Chúa Thánh Thần. Hồng y Von Balthasar đã tạo ra cách hiểu mới về ngữ nghĩa của “tình yêu” theo mạch văn tôn giáo. Do đó, tôi thực sự không thể nói nhiều về những điểm tương phản giữa Công giáo và các tôn giáo khác, chẳng hạn cứ là tín đồ Hồi giáo hoặc Ấn giáo, nhưng hãy xác định tính đơn giản không sai lệch về niềm tin của mình.

 TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ NCRegister.com)

 (1) Linh mục Công giáo, sinh ngày 12-8-1905 tại Lucerne, qua đời ngày 26-6-1988 tại Basel. Ngài được tấn phong Hồng y và được coi là Thần học gia vĩ đại nhất của thế kỷ XX.

 (2) Opus Dei là một hội của các tín hữu Công giáo dấn thân vào công tác tông đồ và sống đời hoàn thiện Kitô giáo trong thế giới. Tuy nhiên, họ không từ bỏ môi trường xã hội và tiếp tục sống nghề nghiệp của mình. Được thành lập tại Madrid (Tây Ban Nha) ngày 2-10-1928, người sáng lập là Đức ông José María Escriva de Balaguer (đã được phong thánh), hội nhận được sự chuẩn y sau cùng của Tòa thánh ngày 16-6-1950. Tên chính thức đầy đủ của hội là Societas Sacerdotalis Sanctae Crucis (Tu hội Linh mục Thánh giá), có trụ sở tại Roma, Ý. Có hai nhánh của hội Opus Dei, một dành cho nam và một dành cho nữ, nhưng hai nhánh độc lập với nhau như hai tổ chức riêng, chỉ thống nhất trong con người của vị Giám Quản chung. Nhánh phụ nữ được thành lập năm 1930. Một tổng công hội, gồm người của nhiều quốc gia, trợ giúp vị Giám quản trong việc điều hành hội. Các linh mục thuộc về Hội Opus Dei và thành viên của Hội Opus Dei được truyền chức linh mục. Những người đã kết hôn cũng có thể thuộc về Hội Opus Dei, tự hiến sống đời hoàn thiện Kitô giáo trong bậc sống của mình. Các cộng tác viên, không là thành viên chính thức của Hội, giúp đỡ trong nhiều công tác tông đồ khác nhau.

Bà Ngô Đình Lệ Quyên tử nạn lưu thông tại Roma

 Bà Ngô Đình Lệ Quyên tử nạn lưu thông tại Roma
                         LM. Trần Đức Anh OP             4/17/2012

 

 ROMA. Bà Ngô Đình Lệ Quyên, đặc trách phân bộ di dân thuộc Caritas Roma, đã tử nạn lưu thông ở Roma hôm 16-4-2012.

Bà Quyên khi còn nhỏ với Mẹ
và hình bây giờ

Bà Lệ Quyên năm nay 53 tuổi, là con gái của Ông Bà Ngô Đình Nhu. Lúc 8 giờ rưỡi sáng ngày thứ hai vừa qua trên đường đi vào Roma để làm việc, đến cây số thứ 12 ở đường Pontina, bà bị ngã xe gắn máy và một xe bus chở học sinh từ sau chạy tới và cán lên bà.

Xem video sau khi tai nạn xẩy ra

Đức Ông Enrico Feroci, Giám đốc Caritas Roma đã ra thông cáo bày tỏ đau buồn sâu xa về sự qua đời của Bà Ngô Đình Lệ Quyên, trong đó ngài viết: ”Bà Lệ Quyên là một gương mẫu. Trong bao nhiêu năm trời, bà hăng say chu toàn công tác bênh vực những người nghèo khổ và rốt cùng, với tất cả niềm tin. Hoạt động của bà đối với chúng tôi là một động lực giúp tăng trưởng về mặt nhân bản và chuyên nghiệp. Bà biết liên kết những năng khiếu con người, kinh nghiệm như một người tị nạn, với niềm tin sâu xa nơi Thiên Chúa, và lòng tôn trọng đối với con người. Với những lời khuyên và công việc không biết mệt mỏi, bà biết nhắc nhở chúng tôi rằng hoạt động của chúng tôi là cho người nghèo và những người kém may mén. Chúng tôi gần gũi với gia đình bà và cộng đoàn giáo xứ thánh Gregorio Barbarigo, nơi bà Lệ Quyên vẫn siêng năng tham dự thánh lễ Chúa nhật”.

Đô trưởng thành Roma, Ông Gianni Alemanno, đã gửi thư đến Đức ông Enrico Feroci, Giám đốc Caritas Roma, để chia buồn và nhắc đến bao nhiêu lần bà Lệ Quyên đã đối thoại với chính quyền để bênh vực quyền lợi của những người di dân.

Bà Ngô Đình Lệ Quyên sinh tại Sàigòn ngày 26-7-1959 và đến Italia vào năm 1990 với qui chế tỵ nạn. Từ tháng 12 năm 1992, đến tháng 11 năm 1996, bà phụ trách Trung tâm lắng nghe người ngoại quốc thuộc Caritas Roma. Tháng 12 cùng năm đó bà đặc trách phân bộ di dân của Caritas, với nhiệm vụ phối hợp và giám sát các dịch vụ cũng như các dự án nhắm giúp những người di dân nước ngoài, người tị nạn và nạn nhân những vụ buôn người, trong đó có các trung tâm lắng nghe, các cửa thông tin, trung tâm tiếp đón nam giới, nữ giới và các gia đình, vườn trẻ. Từ tháng 7 năm 2000 đến tháng 12 năm 2007, Bà Lệ Quyên cũng đặc trách việc điều hợp toàn quốc về tỵ nạn thuộc Caritas Italia và dự án tỵ nạn. Bà cũng là thành viên của Ủy ban di dân thuộc Caritas Âu Châu, và sau đó bà làm chủ tịch Ủy ban này. Từ tháng 6 năm 2009 Bà Lệ Quyên là chủ tịch phân bộ Italia của Hiệp hội nghiên cứu vấn đề người tị nạn trên thế giới, một tổ chức phi chính phủ và có tính chất quốc tế.

Bà Lệ Quyên không xin quốc tịch Ý, nhưng do công tác phục vụ nổi bật dành cho Italia, theo đề nghị của Bộ Nội vụ, Tổng thống cộng hòa Italia đã ban hành sắc lệnh cấp quốc tịch Ý cho Bà năm 2008. (Tổng hợp 16-4-2012)

Thánh Gemma Galgani

 Thánh Gemma Galgani       (1878 – 1903)

 Thánh Gemma Galgani sinh ở Camigliano, nước Ý, và là thứ tư trong gia đình có tám người con. Cô là một người thông minh, thân thiện, hăng hái và dễ mến, nhưng tinh thần cầu nguyện và sự thâm trầm của cô thì không một người trẻ nào sánh được.

   Mẹ của Gemma bị mắc bệnh lao và bà từ trần khi Gemma mới bảy tuổi. Mặc dù rất đau khổ khi phải mồ côi mẹ, Gemma đã biết an ủi các anh chị em mình rằng: “Mẹ chúng ta đã về trời, mẹ đã đau khổ nhiều — nhưng bây giờ mẹ không còn đau khổ nữa.”

 Cha của Gemma là một dược sĩ và thường rất khá giả, nhưng bệnh tình lâu ngày trong gia đình đã làm kiệt quệ tài chánh. Dần dà, họ trở nên nghèo nàn. Thêm vào đó, cha của Gemma lại mắc bệnh ung thư cổ và cô phải chăm sóc ông cho đến khi ông từ trần lúc Gemma 19 tuổi. Như thế, trước khi hai mươi tuổi, Gemma đã được chứng kiến sự đau khổ của cha mẹ mình và đã thi hành tất cả những gì có thể để khuây khoả và an ủi các ngài.

 Sau khi từ chối lời cầu hôn của hai thanh niên, Gemma ao ước đi tu, nhưng vì lý do sức khoẻ và vì nghèo nên cô bị từ chối. Cô chấp nhận sự thất vọng này như một hy sinh dâng lên cho Chúa. Trong thời gian ấy, Gemma tiên đoán rằng các tu sĩ dòng Thương Khó sẽ thành lập một tu viện ở Lucca, và điều này đã xảy ra sau khi cô từ trần được hai năm.

 Vào năm 21 tuổi, một tiếng nói bên trong cho Gemma biết là cô sẽ được ơn lạ thường. Sau đó cô cảm thấy đau nhói ở chân tay và ngực, và có máu tiết ra ở những nơi ấy. Ðó là những thương tích như trên thân thể Chúa Giêsu xưa. Vào mỗi tối thứ Năm, Gemma rơi vào trạng thái ngây ngất và các dấu thánh bắt đầu xuất hiện. Mãi cho đến chiều thứ Sáu, các dấu thánh mới tan biến và đến sáng thứ Bảy thì máu mới ngưng chảy, các vết thương như đóng lại, chỉ còn một vệt trắng mờ trên da. Các dấu thánh tiếp tục xuất hiện cho đến khi cha giải tội cấm cô không được chấp nhận các dấu ấy. Qua lời cầu nguyện của cô, hiện tượng này chấm dứt, nhưng các vết sẹo trắng vẫn còn thấy ở trên da.

 Vào tháng Giêng 1903, bác sĩ cho biết Gemma bị lao phổi, và ba tháng sau đó, vào ngày thứ Bảy Tuần Thánh, với sự chứng kiến của cha sở, cô từ giã cõi đời khi mới hai mươi lăm tuổi. Cha sở kể lại: “Cô ấy chết với nụ cười vẫn còn nở trên môi, nên tôi không tin là cô ấy thực sự đã chết.”

Cô Gemma được Ðức Giáo Hoàng Piô XI phong chân phước năm 1933 và được Ðức Giáo Hoàng Piô XII phong thánh vào ngày 2 tháng Năm 1940, chỉ có ba mươi bảy năm sau khi từ trần.

Thánh Giáo Hoàng Martin

 Thánh Giáo Hoàng Martin
    (c. 655)

Khi Ðức Martin I làm giáo hoàng năm 649, Constantinople là thủ đô của Ðế Quốc Byzantine và Ðức Thượng Phụ Constantinople là vị lãnh đạo Giáo Hội có thế lực nhất của Kitô Hữu Ðông Phương. Những tranh chấp hiện có trong Giáo Hội hoàn vũ thời bấy giờ lại càng thêm quyết liệt bởi sự cộng tác chặt chẽ giữa hoàng đế và đức thượng phụ.

  Một giáo huấn được Giáo Hội Ðông Phương quyết liệt bảo vệ là cho rằng Ðức Kitô không có ý chí của loài người (*). Ðã hai lần, các hoàng đế chính thức lên tiếng bảo vệ lập trường này, lần đầu Hoàng Ðế Heraclius cho công bố bản tuyên xưng đức tin, và sau đó Hoàng Ðế Constant II ra lệnh bác bỏ vấn đề Ðức Kitô có một hoặc hai ý chí.

  Trước khi được chọn làm giáo hoàng, Ðức Martin từng là người đọc sách và là phó tế. Và sau khi nhậm chức không lâu, Ðức Martin đã tổ chức một công đồng ở Latêranô mà trong đó các sắc lệnh của vua bị kiểm duyệt, và đức thượng phụ của Constantinople cũng như hai vị tiền nhiệm đều bị lên án là sai lạc. Ðể đối phó, Hoàng Ðế Constant II cố vận động các giám mục và dân chúng chống đối đức giáo hoàng.

  Sau khi thất bại trong mưu toan này, hoàng đế sai Olympius, quan tổng trấn Ravenna, bắt đức giáo hoàng đưa về Constantinople xét xử. Nhưng Olympius thất bại, và đến năm 653, quan tổng trấn mới là Theodore Collipas đã xâm chiếm Rôma và bắt giam đức giáo hoàng ở Naxos trong một năm trời. Sau khi điệu về Constantinople, Ðức Martin bị kết tội phản loạn và bị tử hình. Mặc dù các tra tấn đã được thi hành, Ðức Martin được thoát án tử nhờ sự can thiệp của Ðức Phaolô II, vị thượng phụ của Constantinope, là người đã ăn năn sám hối về hành động của mình. Bản án tử hình được đổi thành khổ sai chung thân.

  Vì hậu quả của các cuộc tra tấn và cực hình, Ðức Martin đã từ trần sau đó không lâu. Ngài là vị giáo hoàng sau cùng chịu tử đạo.
    Lời Bàn

  Ý nghĩa thực sự của chữ tử đạo không phải là sự chết, mà là sự làm chứng. Vị tử đạo sẵn sàng hy sinh mọi sự, quý giá nhất là sinh mạng của họ, và đặt đức tin lên trên hết. Tử đạo, chết vì đức tin, là một cao độ bất ngờ mà một số người phải trải qua để thể hiện đức tin của mình nơi Ðức Kitô. Một đức tin sống động, một cuộc đời theo gương Ðức Kitô bất kể những khó khăn, đó là sự đòi hỏi của tất cả Kitô Hữu.

 (*) Lạc thuyết độc chí (monothelitism) cho rằng Ðức Kitô chỉ có một ý chí độc nhất là ý chí Thiên Chúa.

Mời Xem và Suy Ngẫm

Mời Xem Và Suy Ngẫm...
 
 
            Có một câu nói rất hay rằng tức giận là lấy sai lầm của người khác để trừng phạt chính mình, cứ mãi nhớ và không quên khuyết điểm của người khác thì người bị tổn thương nhiều nhất chính là bản thân mình, bởi lẽ đó để có được niềm vui và cuộc sống thanh thản ta không nên truy cứu lỗi lầm của người khác.
 Đức Đạt Lai Lạt Ma kể về một vị sư già, sau khi bị nhà nước CSTQ giam tù 20 năm, đã vượt biên trốn sang Ấn Độ. Đức Đạt Lai Lạt Ma hỏi vị sư già này, rằng trong 20 năm tù kia, nhà sư lo sợ điều gì nhất. Vị sư già trả lời, rằng trong 20 năm trong tù lúc nào cũng chỉ lo sợ có mỗi một điều: Chỉ sợ rằng mình mất đi Bồ Đề Tâm, chỉ sợ có khi nào khởi lên lòng oán giận các cai tù, chỉ sợ có khi nào lòng mình khởi lên căm thù… Chỉ sợ lòng mình không giữ được Từ Bi, nhẫn nhục
 
 Sao phải đợi đến lúc cô đơn mới nhận ra giá trị của một người bạn?
Sao phải đợi được yêu rồi mới đem lòng yêu người?
Sao phải đợi có thật nhiều rồi mới chia sẻ một chút?
Sao phải đợi một nỗi đau rồi mới nhớ đến một lời ước nguyện?
Sao phải đợi có thời gian mới đem sức mình ra phục vụ?
Bạn ơi, sao phải đợi? Bởi có thể rằng bạn không biết bạn sẽ đợi đến bao lâu.
Đã bao nhiêu lần ta chần chừ để rồi cơ hội vuột đi?…
 
“Điều gì làm Ngài ngạc nhiên nhất ở nhân loại?”
Đức Đatlai Lama trả lời:” Con người … bởi vì con người phung phí sức khỏe để tích tiền của, rồi lại bỏ tiền ra để tìm mua lại sức khỏe.
Và vì quá lo nghĩ cho tương lai, con người quên mất hiện tại, đến nỗi không sống với hiện tại lẫn tương lai.
Con người sống như thể sẽ không bao giờ chết … Nhưng rồi sẽ chết như chưa từng sống bao giờ.”
 
 Yêu thương như bạn vẫn thường yêu, sống như bạn vẫn thường sống nhưng với một niềm tin là bạn không thể có cuộc sống này lần nữa.
Hạnh phúc mà bạn đang có hay nỗi đớn đau mà bạn đang mang là duy nhất, bạn hãy chấp nhận và thưởng thức.
Như bạn chỉ có thể sống được ngày hôm nay, còn ngày mai, ngày mai đó chưa tới và chắc chắn, ngày mai đó vẫn sẽ tới, nhưng có thể sẽ không còn có bạn.
 
Có hai chuyện phải lo lắng:
Hoặc là bạn khỏe mạnh hoặc bạn bị đau.Nếu khỏe mạnh, thì chẳng có gì phải lo lắng
Nếu bị đau, thì có hai điều phải lo lắng:
Hoặc sẽ được bình phục hoặc sẽ chết.
 Nếu đưọc bình phục, thì chẳng có gì phải lo lắng.
Nếu bị chết, thì có hai điều phải lo lắng.
Hoặc lên thiên đàng hoặc xuống địa ngục. Nếu lên thiên đàng, thì chẳng có gì phải lo lắng.
Nếu xuống địa ngục, thì … , còn thì giờ đâu nữa mà lo với lắng.
 

Thế thì tại sao bạn phải lo??? (=> có lý lắm thay!!!)

LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT THẬT BẤT CÔNG?

LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT THẬT BẤT CÔNG?

(Suy tư nhân lễ Lòng Chúa Thương Xót)

 “Em đạo dòng. Đạo từ đời ông cố, ông sơ. Ông nội em là ông trùm cả 20 năm liền. Bà nội em không từ nan một việc gì khi giúp các Đấng. Đến thời Cha Mẹ em cũng đóng góp không biết bao nhiêu là thời gian cho việc nhà Chúa. Vợ chồng em cũng theo gương ấy mà cộng tác đủ các việc nhà thờ…. Nhưng, lắm lúc buồn lắm anh ạ. Nhìn lại cái cảnh nhà mình, không giống ai. Ông xã em với chiếc xe cánh én hơn 20 năm rồi, cọc cạch cọc cạch đi lễ đi làm việc nhà thờ. Có mấy lần bị thiên hạ mời và bị hỏi: “Làm ở nhà thờ lương tháng bao nhiêu mà hăng vậy?”. Thấy mà thương! Mấy đứa nhỏ đi học ở Sài gòn, đứa nào cũng phải tự bươn chải vừa học vừa làm kiếm tiền học phí, tiền ăn, tiền nhà trọ…Tội nghiệp!

 Mấy hôm nay chuẩn bị Lễ Lòng Chúa Thương Xót, có vài người đến nói với chồng em xin cho họ được làm chứng về LCTX trong Đại Hội. Nghe chuyện vài người kể với nhà em, người thì được ơn chữa lành, người trúng đất, người mới mua được đất, người mua được xe…, đủ các thứ mà người ta cho là Lòng Chúa Thương Xót đã thương xót họ. Hầu hết đó là những người mà trong con mắt em họ chẳng ra chi, hoặc là người tân tòng mới theo đạo vài năm mà ra vẻ, hoặc là người đã từng tội lỗi công khai, giang hồ, tai tiếng mà nay đi đâu cũng Chúa Xót Thương, Chúa Thương Xót….

 Trong số những người xin làm chứng, đáng kể nhất là một người tân tòng: một chị, lấy chồng đạo được 9 năm nay. kể rằng: ban đầu, chị đến với LCTX nhờ mấy chị bạn rủ đi đọc kinh và chị đã kêu cầu Chúa như vái tứ phương, cầu may, hên xui. Không ngờ Chúa đã ban cho chị được như ý. Ông bố của chị ghét đạo kinh khủng, đến mức đã không cho chị theo đạo, rồi khi chị có đứa con trai là thằng cu Bin, vợ chồng chị đem con đi rửa tội và mời Ông ngoại sang ăn đầy tháng. Ổng không đến, không cho bà ngoại đến, cấm các cậu các dì đến, còn chửi em thậm tệ: “Mới đẻ, nó có tội gì mà đè nó ra xối rửa”. Từ đó, ổng từ chị luôn. Đến với Lòng Chúa Thương Xót, chị chỉ xin là “nếu bố con có ghét Chúa thì kệ ổng, xin cho ổng đừng ghét con”. Hơn sáu tháng chị van vái cầu may, chị thấy bố thay đổi. Chiều thứ năm tuần thánh 5-4-2012, tự động ổng đến thăm Cu Bin, nay đã 7 tuổi rồi, cho cu Bin 100 ngàn. Ổng nói: “Mai, là ngày Chúa tụi mày chết, rồi nghe nói vài hôm ổng sống lại. Tao qua thăm tụi mày. Cho Cu Bin 100 ngàn nè. Nói với ổng nếu tao có chết, thì cho tao sống lại với”. Thế là chị nghĩ Lòng Chúa Thương Xót đã thương xót chị. Chuyện Ba với Chúa thì chưa biết, nhưng ít là Ba của chị đã đến thăm con, cháu…

 Anh nghĩ xem, có phải thấy mà phát ghét, nghe mà phát ganh, nhìn mà phát điên tiết không! Chúa có Lòng Thương Xót như vậy sao? Thật bất công quá! Em đạo dòng…. Xin Chúa hoài mà chẳng thấy Chúa ban cho điều gì. Còn mấy thứ ngưòi kia….”.

 Thiết nghĩ, trong chúng ta không ít người có lòng ganh tỵ như người kể chuyện trên đây. Có khi phản ứng bất bình với Chúa còn hơn như vậy nữa. Phát ghét, còn đỡ hơn là người thấy người khác được Chúa Xót Thương mà đâm ra thù hận, tìm cách hại người.

 Ước gì mỗi chúng ta đều nhận ra Lòng Chúa đang Thương Xót từng người, và ban ân lộc cho từng người “như mưa xuống trên ruộng người lành, lẫn ruộng kẻ dữ’. Thiên Chúa không bất công nhưng Ngài khôn ngoan và cân nhắc cho con cái Ngài từng chút một, từng việc nhỏ. Ngài luôn dành cho chúng ta những gì tốt nhất theo ý Ngài, không phải tốt nhất theo ý của chúng ta. Mà, ý tốt nhất của Thiên Chúa là “để chúng ta được cứu rỗi”, “để chúng ta được sống đời đời” kẻo uổng công trình trút hết giọt máu, giọt nước cuối cùng để chết đi vì yêu rồi sống lại vì yêu, sống lại để người mình yêu được sống lại.

 Trở lại câu chuyện của chị đạo dòng, thiết tưởng, chị phải nhận ra rằng Chúa đã ban cho cả họ tộc của chị, và cho chồng chị nữa một ơn đặc biệt là sống nghèo hèn thanh thoát trước của cải phù vân, sống cho danh Thiên Chúa cả sáng, cho Nước Thiên Chúa trị đến… là đã sống trước cuộc sống phục sinh ngay trên dương thế này rồi. Như vậy, chắc hẳn sẽ khác với những người đang sống ở trần gian mà không tin có đời sau, không tin sự sống lại,  không dám chắc một cuộc sống mai hậu chứ? Hơn nữa, của cải vật chất Chúa ban cho là để chúng ta sử dụng cho được Nước Trời, được sống đời đời, nào phải để chúng ta hưởng dùng cho thoải mái ở đời này đâu.

 Tôi không dám giải thích gì cho chị, người kể. Nhưng bất ngờ, qua một chị bạn của chị, tôi mới hiểu một nguyên nhân vui vui là: “Người ta lên đời cả rồi, bạn chị, đứa thì Air Blade, đứa thì Atila, đứa còn có chiếc 7 chỗ, còn chị, ngồi sau chiếc cánh én cũ rích mà mắc cỡ…”.

Lạy Chúa, ai trong chúng con cũng có thể giống như chị kia, luôn than thở trách móc Lòng Chúa Thương Xót bất công quá. Xin cho chúng con nhận ra lòng Chúa Xót Thương không bao giờ bất công cả, vì Chúa là Đấng Khôn Ngoan, luôn dành cho mỗi chúng con điều tốt nhất là cho chúng con được phục sinh trong Nước Thiên Chúa.

Amen.

PM. Cao Huy Hoàng, 14-4-2012

Nhắc lại vụ ám sát Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II

Nhắc lại vụ ám sát Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II và bức ảnh mới được công bố

Đức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô đến thăm và tha thứ cho tay súng Mehmet Ali Agca đang bị giam trong tù (bìa tạp chí Time)

TẠI SAO NGƯỜI TÍN HỮU LUÔN HY SINH VÀ THA THỨ ?????
Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới
Ngày 1 tháng 5 năm 2011 vừa qua, Đức Giáo Hoàng Benedict, thay mặt Giáo Hội, đã vinh phong Đức Cố Giáo Hoàng lên bậc Chân Phước. Nhân dịp này, xin giới thiệu bạn đọc một biến cố quan trọng nhất trong xẩy ra trong cuộc đời Đức cố Giáo Hoàng thân yêu chúng ta. Biến cố này xẩy ra vào ngày 13 tháng 5 năm 1981, ngày ngài bị ám sát. Chính ngày đó, ngài đã được cứu sống nhờ sự can thiệp của Đức Maria… 

Vào ngày 13.5.1981, tên khủng bố Mehmet Ali Agca, người Thổ Nhĩ Kỳ, đã cố ý giết chết Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bằng ba phát súng lục trong một cuộc tiếp kiến chung tại quảng trường Thánh Phêrô ở Roma. Mãi cho đến hôm nay nguyên nhân vụ ám sát Đức Gioan Phaolô II của Ali Agca vẫn chưa được hoàn toàn giải thích một cách rõ ràng, mặc dù người ta đã biết được rằng Agca thừa hành lệnh của mật vụ Bảo Gia Lợi (Bulgarie).

Sự nghi ngờ cho rằng vụ ám sát Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là được Breschnew, Chủ tịch nhà nước và đảng trưởng Đảng cộng sản Liên Sô, sắp xếp và được cơ quan mật vụ Liên Sô KGB ở Mạc Tự Khoa trao cho mật vụ Bảo Gia Lợi thi hành, đã lan rộng ra liền ngay sau vụ ám sát.

Riêng Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, hiện là TGM của Krakau/Ba Lan, và là vị thư ký lâu năm của Đức Gioan Phaolô II – kể từ khi ngài còn là Tổng Giám Mục Kraukau mãi cho tới hết 26 năm làm Giáo Hoàng -, thì hoàn toàn xác tín rằng: «Nói một cách khách quan thì hoàn toàn không thể tin được là Ali Agca chỉ là kẻ hành động lẻ loi một mình và tất cả mọi sự đều chỉ do một mình y thực hiện mà thôi».

Trong các hồ sơ vụ việc người ta thấy có ghi nhận là bộ An ninh Quốc gia của Đông Đức đã nhận lãnh sứ mệnh tìm cách làm giảm thiểu bớt trách nhiệm cho «cơ quan tuyên truyền của người anh em» Bảo Gia Lợi về việc ám sát Đức Gioan Phaolô II. Tuy nhiên, trên thực tế các sự thú nhận hay các bằng cứ chắc chắn và rõ ràng về vụ ám sát thì mãi cho tới nay người ta vẫn chưa nắm hết được.

Đúng vậy, cho tới nay những lý do thầm kín phía sau vụ ám sát vẫn chưa được giải thích rõ ràng. Chỉ một điều chắc chắn là Bộ chính trị trung ương Liên Sô đã nhiều lần bàn luận về việc «làm sao có thể giải quyết dứt điểm vấn đề Ba Lan». Ông John O. Koehler, một ký giả người Hoa Kỳ, thì khẳng định là ông đã đọc một hồ sơ được viết vào tháng 11 năm 1979, có ghi các chữ ký của các thành phần thuộc Bộ chính trị trung ương của Liên Sô cũ, trong số đó có cả chữ ký của ông Michail Gorbatschow.

Quả vậy, vào tháng 11.1979 chính là lúc ông Gorbatschow đang đảm nhận chức Tổng bí thư của trung ương Đảng cộng sản Liên Sô, nhưng ông lại chưa phải là thành viên của Bộ chính trị trung ương. Những quyết định về các phương thức hành động của cơ quan mật vụ KGB chỉ được một số rất ít các đảng viên cao cấp quyết định mà thôi.

Trong một hồ sơ hiện đang được lưu trữ ở Văn khố quốc gia tại Mạc Tư Khoa có ghi: «Cần phải tận dụng tất cả mọi phương tiện khả dĩ để dẹp tan một khuynh hướng chính trị mới do vị Giáo Hoàng người Ba Lan khởi xướng đang chớm nở, và nếu cần thì phải sử dụng cả những phương tiện thông tin ngụy tạo và làm mất tín nhiệm.»

Còn riêng Đức Gioan Phaolô II chỉ bị trọng thương qua vụ ám sát. Và việc ngài sống sót là cà một phép lạ. Dĩ nhiên, sức khỏe vốn cường tráng trước kia của ngài đã bị ảnh hưởng rất nặng bởi vụ ám sát, khiến ngài phải chịu đau đớn thường xuyên, kéo dài mãi cho tới lúc ngài băng hà năm 2005.

Hai năm sau vụ ám sát, vào ngày 23.12.1983, Đức Gioan Phaolô II đã đích thân vào phòng giam thăm tên khủng bố Ali Agca, nói chuyện với y và nhất là ngài đã tha thứ cho y.

ĐHY Stanislaw Dziwisz tường thuật lại là trong cuộc gặp gỡ và nói chuyện này tại nhà tù, Ali Agca chỉ lặp đi lặp lại với Đức Thánh Cha một câu hỏi duy nhất:

«Tại sao Ngài lại không chết? – Tôi biết chắc chắn là tôi đã nhắm rất trúng đích. Tôi cũng biết rằng phát đạn tôi bắn ra có hiệu quả tàn phá và gây tử thương một cách chắc chắn. Nhưng tại sao Ngài lại không bị tử thương?»

Về phần Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II thì hoàn toàn xác tín rằng chính nhờ bàn tay hiền mẫu của Đức Mẹ Fatima che chở nên ngài mới có thể thoát chết một cách lạ lùng như thế. Bởi vì, ngày ngài bị ám sát tại Rôma – ngày 13 tháng 5 (1981) – cũng chính là ngày Đức Mẹ đã hiện ra với ba trẻ chăn chiên năm xưa tại Fatima, ngày 13 tháng 5 (1917). Hơn nữa, theo Đức Gioan Phaolô II, thì vị Giám Mục mặc áo trắng phải chịu đau khổ nhiều mà Đức Mẹ đã cho ba trẻ trông thấy trong một thị kiến khi hiện ra với ba trẻ tại Fatima, chính là ngài.

Do đó, đúng một năm sau vụ ám sát (1982), Đức Gioan Phaolô II đã đích thân đi hành hương Fatima để tạ ơn cứu sống của Đức Mẹ và trong dịp này ngài cũng mang theo một trong các đầu đạn mà Mehmet Ali Agca đã bắn vào ngài để dâng kính Đức Mẹ. Và kìa một sự lạ lùng đã làm chính Đức Gioan Phaolô II và tất những người chứng kiến không khỏi sửng sốt và kinh ngạc, là đầu viên đạn mà ngài mang theo kia khi được gắn vào một lỗ hổng duy nhất còn sót lại ở mão triều thiên trên đầu tượng Đức Mẹ Fatima, mà các đoàn thể phụ nữ Bồ Đào Nha đã dâng cúng cho Đức Mẹ vào năm 1946, thì hoàn toàn vừa vặn như thể người ta đã cốt ý làm cái lỗ hổng đó sẵn cho viên đạn vậy.

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Và đây là bức ảnh mới được công bố gần đây, cho thấy sự can thiệp nhiệm mầu của Đức Mẹ Maria vào ngày Đức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô bị ám sát, ngày 13 tháng 5 năm 1981

Chúng ta không hiểu tại sao Đức thánh Cha Gioan-Phaolô II đã muốn cất dấu tấm hình chụp nầy trong nhiều năm. Vatican đã vừa mới công bố tấm hình chụp nầy lần đầu tiên. Tấm hình được một vệ sĩ của Người chụp ngay chính lúc Đức Thánh Cha bị tấn công và đang ngã xuống trong chiếc xe đặc chế (papamobil) của Người. Các bạn có thể nhìn thấy đau đớn hiện trên mặt Người.

Joaquin Navarro Valls, phát ngôn nhân Toà Thánh vào thời gian đó, đã tuyên bố người ta mất nhiều năm để nghiên cứu tấm hình chụp khó tin nầy và tất nhiên là về chất lượng rửa hình, vì khi được chuẩn bị kỹ càng, không ai có thể nhìn rõ ràng bởi vì tấm hình không sáng sủa. Cuối cùng, sau nhiểu kiểm duyệt và tìm tòi, dưới sự kiểm soát của các chuyên gia nhiếp ảnh trên thế giới, họ đã quyết định không hề có “giả mạo’ thuộc thuật nhiếp ảnh và ngày nay họ cho chúng ta món quà đẹp đẽ nầy về Mẹ Thiên Chúa.

Các bạn có thể nhìn thấy Mẹ Thiên Chúa ôm Đức Gioan-Phaolô II trong tay Mẹ.

Lm Nguyễn Hữu Thy

Linh Mục Bác sĩ Nguyễn Viết Chung

Linh mục Bác sĩ Augustinô Nguyễn Viết Chung

(xem hình người đứng giữa)
alt

Linh mục bác sĩ Chung (thứ ba trong hình)

(Trích đăng từ bài viết “Sau ba thập niên” của tác giả Hương Vĩnh)

IV. SỐNG ĐỜI KHÓ NGHÈO

ĐÁP LẠI TIẾNG GỌI CỦA TIN MỪNG

Trong lúc đại đa số giới trẻ ở đây đang tận dụng mọi phương cách để kiếm thật nhiều tiền ngõ hầu đáp ứng nhu cầu vật chất, trong bối cảnh một xã hội đang đổi mới thì một thiểu số rất nhỏ những thanh thiếu niên nam nữ đã đáp lại tiếng gọi của Tin Mừng để sống đời phục vụ tha nhân.

Điều làm tôi cảm động là mỗi sáng sớm, một nhóm các em dự tu – có lẽ thuộc Nữ Tử Bác Ai hay một tu hội nào khác – nghiêm trang đi xem lễ ở nhà thờ Dòng Đa-Minh – và có lẽ ở những nhà thờ khác nữa. Các em ăn mặc đơn sơ: áo trắng quần xanh, nghiêm trang trong mỗi bước đi, đắm hồn trong sự suy tư chiêm niệm.

NẾP SỐNG KHÓ NGHÈO THẬT SỰ

Lần đầu tiên tới thăm linh mục Augustinô Nguyễn Viết Chung tại Tu Hội Truyền Giáo Thánh Vinh Sơn ở đường Nguyễn Kiệm, tôi được cha dẫn đi xem một số phòng ốc, nhờ đó tôi mới hiểu được phần nào nếp sống khó nghèo của các tu sĩ trong khung cảnh hiện tại.

Phòng cha Chung chỉ vỏn vẹn một chiếc giường gỗ với một chiếc chiếu trải lên đó. Bên cạnh tủ sách là một chiếc ghế và một cái bàn nhỏ. Có cái quạt máy treo tường nhưng không thấy mở! Với khí hậu oi bức mùa hè ở Saigon, tôi không hiểu làm sao cha có thể chịu đựng được “cái nóng ghê người, nóng nóng ghê!”

Cha dẫn tôi đi xem phòng ngũ các thầy. Năm sáu thầy nằm ngũ trong một phòng nhỏ: chỉ có hai giường gỗ, ngoài ra là mấy chiếc chiếu xếp lại, để trên sàn nhà. Thầy nào cảm thấy nằm trên sàn nhà không được thì mới nằm trên giường.

Khi quan sát cảnh tượng đó, tôi tự nhủ: đành rằng có một số linh mục tu sĩ sống trong nhung lụa, ngủ trong nệm ấm chăn êm với máy điều hòa không khí… không thiếu những linh mục tu sĩ có nếp sống thanh bần theo gương Thầy Chí Thánh: “Con chim có tổ, con chồn có hang, Con Người không nơi gối đầu!”

Tôi nhớ lại “Lời Nguyện Không Thể Thiếu” của đông đảo linh mục cũng như nam nữ tu sĩ đang sống đời chứng nhân một cách hùng hồn (sách LKĐNTNK, trang 7-9), để cầu xin Chúa cho những tôi trung của Ngài luôn trung thành với những gì đã đoan hứa:

“…
Lay Chúa, chỉ mình Chúa,
Ngài mới trao tặng niềm tin,
Nhưng con lại có thể làm nên
Chứng tá sống động cho Chúa hôm nay.

Lạy Chúa, chỉ mình Chúa,
Ngài mới gởi đến niềm hy vọng,
Nhưng con lại có thể giúp anh em con
Tìm lại nguồn cậy trông.

Lạy Chúa chỉ mình Chúa,
Ngài mới đốt lên ngọn Lửa Mến,
Nhưng con lại có thể giúp anh em con
Học biết yêu thương.

Lạy Chúa, chỉ mình Chúa,
Ngài mới tác tạo hòa bình,
Nhưng con lại có thể ra đi gieo cấy
Tình đoàn kết hợp nhât anh em.

Lạy Chúa, chỉ mình Chúa,
Ngài mới là Đấng ban sức mạnh Thánh Linh,
Nhưng con lại có thể nâng đỡ
Một tâm hồn anh em đang thất vọng.

Lạy Chúa, chỉ mình Chúa,
Ngài mới thật sự là đường,
Nhưng con lại có thể chỉ đường
Cho anh em con bước đi.

Lạy Chúa, chỉ mình Chúa,
Ngài mới là ánh sáng,
Nhưng con lại có thể
Làm cho ánh mắt anh em con
Thêm ngời sáng long lanh.

Lạy Chúa, chỉ mình Chúa,
Ngài mới là sự sống vĩnh cửu,
Nhưng con lại có thể đem đến
Cho anh em con niềm vui sống.

Lạy Chúa, chỉ mình Chúa,
Ngài mới thực hiện được những điều nan giải,
Nhưng con lại có thể làm được
Cái khả dĩ làm được trong tầm tay.

Lạy Chúa, chỉ mình Chúa,
Tự Ngài đã thực sự viên mãn,
Nhưng Ngài lại ưa thích cho con
Được cộng tác trong công việc của Ngài,
Và Ngài lại ưa thích nương nhờ nơi con
Để cứu độ mọi người.”

NHÀ DƯỠNG LÃO TÌNH THƯƠNG

Vào một trưa Chúa nhật, tôi đã tham dự Thánh lễ do cha Chung dâng tiến cho các cụ bà ở Nhà Dưỡng Lão Tình Thương Bình Lợi. Nhà Dưỡng Lão nầy nằm khuất trong một thôn xóm hẻo lánh, bên cạnh dòng sông Sài Gòn với những hàng dừa nước hoang dại. Trước NhàDưỡng Lão là một dãy mộ bia của những nữ tu đã ra đi từ lâu, sau một thời gian dài tận hiến cuộc đời phục vụ người nghèo.  Nhà Dưỡng Lão gồm mấy dãy nhà nghèo nàn xơ xác, tương xứng với những cụ bà cũng rất nghèo hèn, xem chừng bị bỏ rơi, không được người nhà quan tâm.

Nhà này nuôi dưỡng 37 bà cụ. Bà cụ già nhất được 94 tuổi. Đa số các cụ bà trên 70 tuổi. Có 14 cụ bà bị bệnh nặng, đại tiểu tiện tại chỗ, cần chăm sóc tích cực. Nhà có 4 phòng: hai phòng dành cho các cụ bệnh nặng và hai phòng dành cho các cụ đi lại được. Các nữ tu phải mướn thêm hai người giúp việc, lưong tháng khoảng năm hay sáu trăm ngàn đồng Việt-Nam, chưa tới ba bốn chục Mỹ Kim. Chính các em dự tu và các chị khấn tạm đã tích cực giúp đỡ các cụ bà.

Khi tôi vừa tới nơi là lúc cha Chung đang chia sẻ bài Phúc Am Chúa nhật. Những lời nói chân thành đơn sơ của cha phản ảnh một tâm hồn say mê Lời Chúa và sống Lời Chúa.

Khi Thánh lễ chấm dứt, cha Chung đưa tôi đi thăm Nhà Dưỡng Lão. Hầu hết những cụ bà đều đau yếu, phân nhiều ngồi xe lăn, hay xê dịch phải có người giúp đỡ. Một ít cụ nằm suốt ngày trên giường. Các cụ nằm trên những chiếc giường sắt nghèo nàn, nhưng sạch sẽ vì được các chị nữ tu và các em dự tu chăm sóc chu đáo về mặt vệ sinh. Nhưng có cụ vì nằm lâu ngày trên giường nên lưng bị thâm đen.

Lúc đó một cụ già yếu vì nhu cầu phải nằm xuống giường, nhưng không thể tự lực được. Một nhóm năm sáu em dự tu vội vàng xúm lại, vui vẻ bồng đỡ: em thì choàng lưng, em khác đỡ vai còn em khác nữa thì quàng chân…chẳng khác nào những cháu chắt trong nhà đỡ đần các bà ngoại, bà nội vậy. Có lẽ vì thế mà các cụ hay nở nụ cười trên môi, tuy phải đau đớn về thể xác và đau khổ trong tâm hồn.

Chứng kiến cảnh tượng đó, tôi tự hỏi có gì hấp dẫn nơi các cụ già, nghèo hèn xơ xác, da thịt nhăn nheo, đen điu xấu xí… nếu không phải vì tiếng gọi của Tình Yêu Thiên Chúa. Trong lúc các tầng lớp thiếu nữ thuộc lứa tuổi các em đều ra sức tìm kiếm những nếp sống mang lại phúc lợi cho chính bản thân họ, còn các em đã tự nguyện quên mình cho những người bị bỏ rơi. Các em đã dâng hiến đời mình cho Chúa để theo đuổi lý tưởng quên mình vì tha nhân:

“Chỉ mong Ngài lấy đi
Mong chẳng còn gì thuộc về con,
Mong chẳng còn gì là của con,
Để con được trắng tay,
Con chỉ còn Ngài để giữ lấy,
Con được chọn Chúa mãi là của con.

Chỉ mong Ngài xóa đi,
Mong chẳng còn gì để chiếm hữu,
Mong chẳng còn gì ràng buộc con,
Để con được ngước lên,
Con tìm được Ngài là chân lý,
Con được cùng Chúa đồng hành luôn.

Chỉ mong Ngài cất đi,
Mong chẳng còn gì để nắm giữ,
Mong chẳng còn gì mà tự tôn,
Để con chỉ biết yêu,
Yêu một mình Ngài trọn đời con,
Con nhìn nhận Chúa chính Nguồn Tình Yêu.”

(“Mong Chẳng Còn Gì” của Tagore, trong sách Lời Kinh Đẹp Nhất Thiên Niên Kỷ, do Lê Quang dịch, trang 20)

V.- LINH MỤC NGUYỄN VIẾT CHUNG

MỘT BÁC SĨ PHẬT GIÁO TRỞ THÀNH LINH MỤC

Linh mục Augustinô Nguyễn Viết Chung nguyên là một bác sĩ Phật giáo, chuyên môn về Da Liễu. Khi lên 18 tuổi, nhân đọc một bài báo nói về cái chết của Đức Cha Jean Cassaigne tại trại phong Di-Linh, cậu Chung cảm thấy cuộc sống đó quá tốt đẹp và vô tình Đức Cha Jean Cassaigne đã trở thành thần tượng của cậu. Khi nhắc lại đoạn đời đó, cha Chung cho biết là ngài được rao giảng Tin Mừng bằng đời sống, chứ không phải bằng lời nói. Từ đó cậu Chung có ý nguyện học làm bác sĩ để phục vụ bệnh nhân phong như Đức Cha Jean Cassaigne.

Khi bắt đầu học năm thứ nhất y khoa, nhân dịp tham dự Thánh lễ khai khóa của linh mục giáo sư bác sĩ Lischenberg, cậu Chung nhận thấy con người khoa học uyên bác của giáo sư Lischenberg đã biến thành một linh mục khả kính, trang nghiêm siêu thoát, chìm đắm trong cõi phúc lạc thần thiêng… Ơn gọi làm linh mục của cha Chung đã chớm nở từ đó.

Khi bác sĩ Chung phục vụ tại trại phong Bến Sắn, Dì Hai Loan thuộc Tu Hội Nữ Tử Bác Ai là Phó Giám Đốc. Dì là người đã phục vụ ở đây gần 17 năm, bất ngờ ngã bệnh ung thư và mất đi sau mấy tháng. Khi Dì hấp hối, bác sĩ Chung đang sửa soạn để đi với bác sĩ Quang, bác sĩ Bích Vân lên trại phong Di-Linh khám mắt cho bệnh nhân. Vì xe chưa tới, bác sĩ Chung tiếc nuối những giây phút cuối cùng còn lại với Dì Hai Loan nên đã trở lại giường bệnh của Dì. Lúc đó Dì Hai Loan mở mắt ra, nhìn bác sĩ và đôi môi mấp máy như muốn nói điều gì. Dì Mười hiểu được, liền nói: “Chung, Dì Hai Loan nói, tại sao chưa đi?”

Khi kể lại kỷ niệm nầy cho tôi, cha Chung đã dùng những ngón tay phải chỉ vào cánh tay trái và cho biết lúc đó cha cảm thấy bị rởn da gà lên. Sau đó, bác sĩ Chung đã về dự tang lễ của Dì Hai Loan và đã quyết định theo đạo. Một năm sau nữa bác sĩ Chung đã vào tu ở Tu Hội Truyền Giáo Thánh Vinh Sơn và đã nhận lãnh Thánh chức linh mục hơn một năm nay.

Ba vị đã tác động mạnh mẽ trên Ơn Gọi của cha Chung là giám mục Jean Cassaigne, linh mục Lischenberg và Dì Hai Loan. Cả ba cùng có một mẫu số chung – như lời cha Chung – đó là họ đã rao giảng Tin Mừng cho cha bằng cuộc sống chứ không phải bằng lời nói!

Nguyện ước của cha Chung là được phục vụ bệnh nhân phong và bịnh nhân Aids rồi cuối cùng ngã bệnh giữa những bẹnh nhân mà cha yêu thương phục vụ, đúng như lời Chúa Kitô đã phán dạy: “Không có Tình Yêu nào cao trọng cho bằng hy sinh mạng sống mình vì kẻ mình yêu!”

Địa chỉ của linh mục Augustinô Nguyễn Viết Chung:
479/15 Nguyễn Kiệm, phường 9, quận Phú-Nhuận,
Thành phố Hồ-Chí-Minh.
Điện thoại: (08) 990-4980
Địạ chỉ email: vinhson@hcmc.netnam.vn

NHỮNG TRỞ NGẠI VỀ PHÍA GIA ĐÌNH

Đáp câu hỏi của tôi là trên con đường theo Chúa, có những trở ngại lớn lao nào về phía gia đình không? Cha cho biết gia đình của cha là một gia đình nghèo. Đời sống gia đình thường xảy ra cảnh “cơm không lành, canh không ngọt”. Điều đó đã ảnh hưởng cha từ thuở thiếu thời nên cha đã có ý định đi tu vì nhận thấy đời sống gia đình không mang lại hạnh phúc.

Khi làm bác sĩ, trong hai năm đầu cha đã hành nghề để có thể trả nợ cho gia đình. Trong những năm kế tiếp, cha đã giúp đỡ những người em ăn học và hiện có một em trai là bác sĩ chuyên môn về phổi. Người em nầy đã thay thế cha phụng dưỡng hai cụ thân sinh.

Khi còn là tu sĩ, chưa được thụ phong linh mục, một ngày kia được tin cụ thân sinh bệnh, cha đi xe đạp về thăm. Vừa vào nhà, cụ thân sinh liền quở trách cha là một người “không biết nhục”. Theo lời cụ, các bạn bè của cha đều đi xe hơi, xây nhà lầu hai ba tầng cho bố mẹ ở. Còn cha, cha lại đạp chiếc xe đạp cọc cạch về thăm nhà!

Trước đây khi cha ngõ ý với cụ bà là muốn đi tu thì cụ bà rất vui, vì tưởng cha tu theo Phật giáo. Nhưng khi biết cha sẽ tu theo Công giáo thì cụ bà giữ im lặng.

Sau khi được thụ phong linh mục vài ba hôm, cha về thăm gia đình. Mới bước vào nhà, cụ bà cất tiếng nói: “Mẹ có điều nầy muốn nói với con.” Cha vội kéo ghế mời cụ bà ngồi rồi nói: “Thưa Mẹ, xin Mẹ cứ nói, con xin nghe.” Bấy giờ cụ bà đáp: “Mẹ muốn nói với con điều nầy là đạo Mẹ, Mẹ giữ, đạo con, con giữ.” Cha liền thưa: “Xin Mẹ cứ giữ đạo của Mẹ. Con không bao giờ dám có ý nghĩ là sẽ khuyên bảo Mẹ theo đạo của con.”

NHỮNG THỬ THÁCH TRÊN HÀNH TRÌNH TU TRÌ

Đáp câu hỏi của tôi là trong thời gian đi tu cũng như làm linh mục, có lúc nào cha cảm thấy những thử thách quá lớn và nảy sinh ý định muốn bỏ cuộc? Cha đăm chiêu nhìn tôi một phút rồi chậm rãi trả lời: “Thật ra ở giai đoạn nào trong đời sống tu trì cũng đều có những cám dỗ riêng: từ nhà tập đến khấn tạm rồi khấn trọn đời và làm linh mục. Nhưng nếu tu sĩ biết tuân giữ ba lời khấn là vâng lời, khiết tịnh và khó nghèo, đọc kinh Nhật Tụng, suy gẫm Phúc Am…thì sẽ vượt qua những cơn cám dỗ.”

Cha Chung còn chia sẻ với tôi đôi điều có tính cách riêng tư nhưng có phần nào ray rứt tâm can. Trong giờ phút cảm động đó, tôi đã đưa tâm hồn lên với Chúa, cầu nguyện cho cha Chung và cho tất cả các linh mục cũng như nam nữ tu sĩ, đã trải qua những giây phút cô đơn trong cuộc đời tu trì, bằng lời kinh “Phút Cô Đơn”, của Ludovic Giraud, (sách LKĐNTNK, trang 49-50):

“Lạy Chúa,
Con dâng lên Chúa những giờ phút cô đơn
Đôi lần đến với con trong cuộc đời.

Con dâng lên Chúa
Lúc con phải làm việc một mình:
Trong sự tẻ nhạt của bổn phận nặng nề
Mà không có lấy một sự khích lệ đỡ nâng
Trong cộng đoàn.

Con dâng lên Chúa
Những lúc cô đơn,
Mò mẫm đi tìm trong hoài nghi,
Khi không còn biết con đường
Mình đang theo đuổi sẽ dẫn đến đâu
Và trên đó bóng đêm bao trùm.

Con dâng lên Chúa
Những giờ phút con phải
Đau khổ âm thầm một mình,
Dù đang ở giữa những kẻ mà con phải
Bày tỏ Chúa cho họ và bị vô ơn hất hủi,
Do thờ ơ và thiếu cảm thông.

Con dâng lên Chúa
Những giây phút con phải yêu một mình
Giây phút thật nặng nề
Khi trái tim con khắc khoải,
Đi tìm sự tương giao
Mà không gặp thấy trong lòng người khác.
Và trong lòng những người con ưa thích
Tìm thấy một sự no thỏa mà không nếm cảm được.

Con dâng lên Chúa
Những giờ phút con phải đau khổ một mình,
Những giây phút Giếtsêmani của bản thân con.
Và chính trong những lúc ấy,
Lạy Chúa, con ước ao được nên giống Chúa.

Cũng như Chúa,
Con ước muốn và cầu xin
Cho chén khổ nầy ra khỏi con,
Nhưng xin Chúa cho con sức mạnh
Để chế ngự mình
Mà vâng theo Thánh ý Cha,
Đấng Chúa yêu ngàn đời,
Cả khi Ngài chấp nhận thấy con đau khổ.

Lạy Chúa,
Xin đừng theo ý con
Nhưng cho ý Cha được thể hiện Amen.”

VI.- TRUNG TÂM MAI-HÒA

THÁP TÙNG CHA CHUNG

Cao điểm của những ngày về thăm Việt-Nam là việc tôi tháp tùng linh mục Augustinô Nguyễn Viết Chung đi thăm viếng Trung Tâm Mai-Hòa. Cha Chung hiện là một trong ba bác sĩ phục vụ tại Trung Tâm đó do các Nữ Tử Bác Ai Thánh Vinh Sơn đảm trách. Mỗi thứ hai hằng tuần, cha Chung đều lên Mai-Hòa suốt ngày để dâng Thánh lễ và khám bệnh. Hai bác sĩ thiện nguyện khác sẽ khám bịnh cho bịnh nhân vào ngày thứ tư và thứ bảy.

Hôm đó tôi rời Saigon đi xe honda “ôm” với cha Chung lúc 7 giờ 30 sáng để trực chỉ Củ Chi, với đoạn đường dài trên 45 cây số. Lần đầu tiên tôi đi honda với nón an toàn nặng trĩu trên đầu. Khi honda vừa chạy độ 5 phút, trời mưa lâm râm, cha Chung đưa tôi mặc bộ quần áo mưa, trông chẳng khác nào hai phi hành gia bất đắc dĩ. Nhưng xe chạy được mười lăm phút, trời tạnh mưa. Một ít lâu sau trời bắt đầu nắng, nhưng cha Chung không hề dừng lại để cởi áo mưa. Sau khi rời đường quốc lộ, xe còn chạy trên mười cây số nữa mới tới Trung Tâm Mai Hòa.

Hôm đó tôi mặc áo dài tay, quần tây dài, mang giày, để tỏ lòng kính trọng của tôi đối với những chi thể đau khổ của Đức Kitô. Thường ngày tôi chỉ mặc áo cụt tay, quần đùi, đi dép…để ứng phó với cái nóng bức của trời Saigon.

SƠ LƯỢC VỀ TRUNG TÂM MAI-HÒA

Đây là Trung Tâm săn sóc bệnh nhân Aids ở giai đoạn cuối, không nơi nương tựa. Đây là một cơ sở Công giáo đầu tiên được chính thức thành lập để chăm sóc bịnh nhân Aids tại Việt-Nam. Trung Tâm không nhận bệnh nhân đến trực tiếp mà chỉ nhận bệnh nhân chuyển đến từ khoa nhiễm E thuộc Trung Tâm Bệnh Nhiệt Đới, Trung Tâm Lao Phạm Ngọc Thạch và bệnh viện miễn phí An-Bình. Hiện Trung Tâm Mai-Hòa do nữ tu Nguyễn Kim Thoa (Dì Tuệ Linh) đảm trách.

Địa chỉ của Trung Tâm Mai-Hòa:
Ap Lô 6, Xã An Nhơn Tây, Huyện Củ Chi,
TPHCM.
Điện thoại: (848) 8 926 135
Địa chỉ email: aidsmaihoa@hcmc.netnam.vn

NHỮNG EM BÉ MỒ CÔI MẮC BỆNH AIDS

Khi tới nơi, cha Chung và tôi cởi nón an toàn và bộ quần áo mưa ra. Mồ hôi tôi ướt đẫm như tắm. Nghe tiếng xe honda của cha Chung, mấy em bé năm sáu tuổi chạy ra mừng rỡ la lớn: “Cha ơi! Cha!” chẳng khác nào cảnh tượng mẹ đi chợ về. Ban đầu tôi cứ tưởng đó là những em còn khỏe mạnh mà cha mẹ đã qua đời vì bệnh liệt kháng, không được ai chăm nuôi. Sau đó cha Chung cho biết tất cả các em đều mắc bệnh, và mồ côi cha mẹ, ngoại trừ một em bé gái 4 tuổi còn mẹ.

Cách đây mấy tháng, mẹ của em nầy đã mang em lại để trước cổng chùa, với một miếng giấy ghi mấy chữ vắn tắt: “xin nhà chùa nuôi giúp”. Ngoài ra mẹ em có cho biết tên em và em được bốn tuổi. Vị sư trụ trì đã mang em vào chùa nuôi. Sau đó em bị Viêm Phổi, đi khám nghiệm mới biết em nhiễm HIV, đã trở thành bịnh Aids. Nhìn thân thê ôm yếu và nét mặt kém vui của em, tôi đoán biết em đang bị cơn bẹnh hoành hành và đang trên đà tiến tới giai đoạn hiểm nguy…

Cảm tưởng đầu tiên của tôi là Trung Tâm Mai-Hòa ngày nay đã được nhiều ân nhân giúp đỡ – nhất là một số tòa đại sứ ngoại quốc – nên nhà cửa khang trang hơn, chứ không còn gây ấn tượng rùng rợn như khi xem cuốn video một năm trước đây.

THAM DỰ THÁNH LỄ VỚI NƯỚC MẮT CHAN HÒA

Đây là Thánh lễ cảm động nhất mà tôi đã tham dự từ trước tới nay. Thánh Lễ được cử hành đơn giản trong một căn nhà thủy tạ hình bát giác, bên dưới là một giòng nước đục ngầu ứ đọng, không buồn chảy, chẳng khác gì giòng đời với chuỗi ngày dài lê thê của những bệnh nhân ở đây.

Nghe những tiếng thưa đáp của các bệnh nhân trong Thánh lễ – nhất là của các em bé – tôi không thể cầm được nước mắt. Suốt buổi lễ, nước mắt tôi chan hòa, khi thấy các em vẫn hồn nhiên đọc kinh, hát xướng như thường, không chút ý thức về số phận đen tối đang đè nặng trên các em. Những lưỡi hái của tử thần đang treo lủng lẳng trên đầu các em và sẵn sàng rơi xuống để gặt hái các em trong một ngày rất gần đây mà các em không chút hay biết.

Tôi nhớ lại sau đó, cha Chung đã vào thăm các em trong căn nhà dành riêng cho các em. Các em đã xúm lại ôm chân cha, níu kéo cha và quyến luyến không muốn rời khỏi cha. Có em đã được cha ẳm lên, vuốt ve một cách trìu mến. Tôi cũng nhớ lại lúc xế trưa, các em đã vui đùa cười giỡn trong sân với chị nữ tu phụ trách. Khi thấy các em vui đùa, tâm trạng của tôi lúc bấy giờ cũng giống như cha Đông trước kia: thây các em cười nhưng tôi lại khóc.

MỘT BỮA ĂN ĐẠM BẠC

Hôm tôi lên Trung Tâm Mai-Hòa, tôi gặp bốn dì Nữ Tử Bác Ai phục vụ những bệnh nhân liệt kháng ở giai đoạn chót. Dì Tuệ Linh là giám đốc, một Dì trước đây đã phục vụ ở trại phong Di-Linh hơn hai mươi lăm năm, hiện làm y tá, một Dì săn sóc các em bé và một Dì nấu ăn.

Hôm đó tôi thấy thức ăn gồm rau muống luộc, canh khổ qua nhồi thịt và đồ tráng miệng là một miếng dưa hấu đỏ. Thức ăn nầy được dùng chung cho các nữ tu và bệnh nhân. Các bệnh nhân chia làm ba nhóm ăn cơm chung với nhau, đó là nhóm các trẻ em, những người bị lao phổi và những người nhiễm các bịnh khác.

Sau khi chia sẻ với tôi nhiều điều, cha Chung đã dẫn tôi sang phòng ăn Trung Tâm và dùng bữa ăn trưa. Tôi khâm phục tài nấu nướng của chị nữ tu phụ trách nhà bếp. Những món ăn rất ngon và đậm đà, hợp khẩu vị. Khi ăn trưa xong, đã hơn hai giờ rưỡi chiều và cha Chung đã mất buổi nghỉ trưa.

Sau mấy tiếng đồng hồ được cha Chung chia sẻ tâm tình, tôi cầu xin Chúa cho tôi được học hỏi đôi điều qua gương sống chứng nhân của cha, của các linh mục và nam nữ tu sĩ khác, bằng bài thơ “Xin Cho Con Sức Mạnh” của R. Tagore do Đỗ Khánh Hoan dịch (Sách LKĐNTNK, trang 39):

“Lạy Thiên Chúa,
Đây lời con cầu nguyện:
Xin tận diệt, tận diệt trong tim con
Mọi biển lận tầm thường.

Xin cho con sức mạnh thản nhiên
Để gánh chịu mọi buồn vui.

Xin cho con sức mạnh hiên ngang
Để đem tình yêu gánh vác việc đời.

Xin cho con sức mạnh ngoan cường
Đê chẳng bao giờ khinh rẻ người nghèo khó,
Hay cúi đầu khuất phục
Trước ngạo mạn, quyền uy.

Xin cho con sức mạnh dẻo dai
Để  nâng tâm hồn vươn lên
Khỏi ti tiện hằng ngày.

Và cho con sức mạnh tràn trề
Để dâng mình theo ý Ngài luôn.”