Nhân vụ Đức Giáo Hoàng từ chức, vài suy nghĩ về đường Hội Thánh đi (1)

Nhân vụ Đức Giáo Hoàng từ chức, vài suy nghĩ về đường Hội Thánh đi (1)

L.M. Vũ Khởi Phụng

Đăng bởi lúc 12:09 Sáng 18/02/13

nguồn:chuacuuthe.com

VRNs (18.02.2013) – Hà Nội – Giáo hội nói chung, Đức Giáo Hoàng nói riêng, không cần phải có ai khen lấy được, cũng không cần phải có ai chê lấy được. Giáo Hội và các Đức Giáo hoàng vẫn đi con đường của mình, con đường có sáng có tối, có thăng có trầm, và bên trong những sáng tối thăng trầm ấy, có cái mà thế gian khó nhận biết là Đức Tin vẫn nhất mực tìm đường xuyên qua mọi trở ngại nội sinh hay ngoại sinh. Không ai có thể mô tả hoàn toàn chính xác Giáo Hội tương lai cụ thể sẽ thế nào, hoặc Đấng kế vị Đức Benedict XVI sẽ thế nào. Nhưng sức sống, sức thu hút của Giáo Hội chỉ có thể phát xuất từ con đường đức tin đó.

1. Sét đánh giữa trời quang

Mồng hai tết Quí Tị, chúng ta đang sống trong bầu khí hiệp thông linh thiêng của những ngày Nguyên Đán, các gia đình đang đến nhà thờ thắp hương và nhận lộc Lời Chúa, ở Kỳ Đồng một cộng đoàn lớn đang cầu nguyện tạ ơn chung quanh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, thì ở Roma sấm sét vang rền giữa trời thanh. Lúc ấy là 11g53 phút giờ Roma, xế chiều ở Việt Nam, Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI, giữa công nghị hồng y, bất ngờ tuyên bố từ chức vì lí do tuổi cao sức yếu:

Sau khi đã tự vấn lương tâm nhiều lần trước mặt Chúa, nay tôi chắc chắn rằng tôi tuổi cao sức yếu, không thể thi hành sứ vụ của Thánh Phêrô một cách thích hợp nữa.

Thế giới ngày nay thay đổi mau chóng, đặt ra nhiều vấn đề rất quan trọng cho đời sống đức tin, cho nên để điều khiển con thuyền của thánh Phêrô và loan báo Tin Mừng, thì cũng cần mạnh khỏe cả thể xác lẫn tinh thần, mà những tháng gần đây, sức khỏe của tôi đã suy giảm đến độ phải nhìn nhận là tôi không còn khả năng để chu tòan sứ vụ đã được trao phó cho tôi.

Vì thế, ý thức được hành động nghiêm trọng của mình, và hoàn toàn tự do, tôi tuyên bố từ nhiệm giám mục Roma… Ngày 28/2/2013, từ 20 giờ, Tòa Roma… sẽ trống ngôi…”.

Đã 600 năm nay, không thấy một biến cố như vậy, nên chẳng ai chờ đợi. Đến cả phát ngôn viên của Tòa Thánh, cha Federico Lombardi, cũng chỉ “mới biết tin sáng nay thôi, khi theo dõi công nghị hồng y”. Cho nên một người có địa vị quan trọng ởVaticanlà Đức hồng y Angelo Sodano, đã phải thốt lên: “Sấm nổ giữa trời quang”. Tưởng là Đức hồng y dùng lối nói tượng hình thế thôi, nào ngờ vài tiếng đồng hồ sau, sét đánh xuống đỉnh vòm đền thờ Thánh Phêrô thật, tấm hình rất ngoạn mục loan đi, lại càng thêm hương vị cho những lời bình luận vốn đã râm ran của truyền thông thế giới.

Người ta liên tưởng đến một vụ sét đánh khác ở đền Thánh Phêrô. Đó là ngày 20/10/1870, Công ĐồngVaticanI kết thúc với một thành quả chính là công bố tín điều về ơn vô ngộ của Đức Giáo Hoàng khi ngài định tín. Đúng vào lúc công bố tín điều và kết thúc công đồng thì một cơn giông tố với sấm sét khủng khiếp nổ ra, át cả những tiếng nói trong đền thánh. Những người bực dọc với công đồngVaticanI thì bảo đó lòng trời nổi giận với Giáo Hội Công Giáo. Những người cổ võ cho công đồng và Đức chân phước giáo hoàng Piô IX lại gợi lên hình ảnh Thiên Chúa uy nghi ngự xuống núi Sinai trong Cựu Ước, giữa lửa cháy và sấm sét rền vang.

Những chuyện bình tán như vậy, nói ngược nói xuôi thế nào cũng được. Không chỉ những người sính điềm thiêng dấu lạ, mà cả những nhà quan sát tự cho mình là rất thành thạo tình hình, cũng nói ngược nói xuôi đủ kiểu. Đúng là sau công đồngVaticanI cùng với tín điều mới, Giáo Hội đã trải qua rất nhiều gian nan khốn khó. Công đồng kết thúc vào lúc bầu trời Châu âu tối sầm vì cuộc chiến tranh tàn khốc giữa Pháp và Đức, mà một hậu quả là Toà Thánh “mất nước” trước phong trào thống nhất nước Ý của triều đại Savoie. Đức Giáo Hoàng Pio IX từ đó cấm cung, tự cho mình là tù nhân trong điệnVatican. Thế giới Công Giáo coi đây là một thảm họa, Giáo Hội đã mất tự do, mà nếu không khôi phục nước cũ của Tòa Thánh thì vết thương sẽ không bao giờ nguôi ngoai.

Các nước châu Âu lần lượt chèn ép Giáo Hội về mọi mặt. Đầu tiên là ở Đức, cường quốc số một của Châu Âu, với thủ tướng Bismarck, được coi là người hùng số một mà cũng là gian hùng số một của thời đại, phát động cuộc chiến văn hóa (Kulturkampf) chống lại Giáo Hội Công Giáo. Nguyên nhân sâu xa là vì ông cho rằng tín điều Đức Giáo Hoàng vô ngộ tạo điều kiện cho Giáo Hoàng can thiệp vào việc chính trị của các nước. Chiến dịch chống Công Giáo củaBismarcktừ Đức lan sang Thụy Sĩ, khiến cho giáo hội ở hai nước này chịu nhiều phen điêu đứng. Nước công giáo lớn nhất châu Âu là nước Pháp thì chính quyền dần dần rơi hết vào tay của phe chống Giáo Hội. Trong một nửa thế kỷ từ đó mà đi, những vụ tấn công liên tiếp và hiểm độc vào Giáo Hội, khiến giáo hội vỡ thành từng mảng lớn. Nước Ý cứ tưởng là toàn tòng thì với phong trào thống nhất đã trở nên một sức mạnh gay gắt bài xích Giáo Hội, nhất là Toà Thánh lại phản ứng bằng cách kêu gọi người Công Giáo tẩy chay mọi sinh hoạt chính trị, không tham gia bầu cử, không ứng cử và tất nhiên không đắc cử. Đa số các giới văn hóa, khoa học tỏ vẻ coi thường tôn giáo và Giáo Hội, như những tàn dư cũ của một quá khứ còn ngắc ngoải. Nếu bảo Trời giận Giáo Hội Công Giáo thì Trời giận đấy!

Nhưng tại sao Trời giận mà Trời vẫn tặng nhiều quà lạ? Giáo Hội phát triển ở nhiều miền đất mới. Châu Á, Châu Phi, Châu Đại Dương, Bắc Mỹ… đã tạo ra tính cách toàn cầu cho Giáo Hội ngày nay. Ở thế giới Âu Mỹ được coi là đầu tầu văn minh hiện đại, thì từ 1878, với Đức Giáo Hoàng Leo XIII, Giáo Hội bắt đầu phục hồi vị thế, đôi lúc có thể nói là rực rỡ. Đức Leo XIII với sự mẫn cảm phi thường lại chỉ là người mở đầu một kỷ nguyên mới của chức vụ Giáo Hoàng. Vụ tòa thánh mất nước, mà tuyệt đại đa số người công giáo coi là thảm họa, hóa ra lại là một sự giải thoát. Từ ngày không còn nhiều vướng bận quanh co với những ràng buộc chính trị, Tòa Thánh trở về gần với thực chất là một trung tâm tinh thần và tâm linh. Xuất hiện một loạt các vị Giáo Hoàng tuy khác nhau, thậm chí bề ngoài đôi khi đến mức tương phản, nhưng đều là những lãnh tụ tinh thần, những bậc tôn sư rất lớn, tạo ra sức lan tỏa của Giáo Hội và Tòa Thánh cho đến ngày nay. Dù thế kỷ XX đã có hai cuộc thế chiến, đã có những ý thức hệ tàn khốc đối với Giáo Hội trong thời gian lâu dài và trên những vùng đất rộng lớn của thế giới, Giáo Hội cũng không vì thế mà suy tàn.

Ôn lại cả những điều gian nan mất mát, lẫn những thành tựu như vậy, ta có thể nhận ra: Giáo Hội, về mọi mặt giống như cuốn Kinh thánh, vừa là một sự mầu nhiệm Chúa làm, lại vừa là một công trình của con người với tất cả những nỗ lực, trí tuệ, tâm hồn, mồ hôi nước mắt, với tất cả những ưu khuyết điểm của con người. Có lẽ nên nghĩ đến cái tổng hợp Nhân Thần đó trong những ngày này, khi sự từ chức của Đức Benedicto XVI, đang làm dấy lên đủ thứ bình luận. Có những bình luận nhìn Giáo Hội theo một quan điểm hoàn toàn trần thế, do đó mất hút cái thực tại tâm linh của Giáo Hội. Nhìn kiểu này sẽ đưa ra những dự đoán lung tung mà tương lai sẽ chứng minh là thiếu thực chất. Nhưng cũng có nhiều người Công Giáo quan niệm quá giản đơn về mối tương quan giữa siêu nhiên và tự nhiên, giữa siêu việt và nhập thể, để rồi ngạc nhiên, hoang mang, hoặc là có thái độ nặng về tình cảm, mà không đếm xỉa thực tại. Giáo hội nói chung, Đức Giáo Hoàng nói riêng, không cần phải có ai khen lấy được, cũng không cần phải có ai chê lấy được. Giáo Hội và các Đức Giáo hoàng vẫn đi con đường của mình, con đường có sáng có tối, có thăng có trầm, và bên trong những sáng tối thăng trầm ấy, có cái mà thế gian khó nhận biết là Đức Tin vẫn nhất mực tìm đường xuyên qua mọi trở ngại nội sinh hay ngoại sinh. Không ai có thể mô tả hoàn toàn chính xác Giáo Hội tương lai cụ thể sẽ thế nào, hoặc Đấng kế vị Đức Benedict XVI sẽ thế nào. Nhưng sức sống, sức thu hút của Giáo Hội chỉ có thể phát xuất từ con đường đức tin đó.

Nay xin trở về vụ việc Đức Benedict XVI từ chức…

(Còn nữa)

LM. Vũ Khởi Phụng

BUỒN VUI NGÀY TẾT

BUỒN VUI NGÀY TẾT

Tác giả: Lm. Vĩnh Sang, DCCT

nguồn:conggiaovietnam.net

Báo Tuổi Trẻ số ra đầu tiên ngày thứ sáu 15 tháng 2 năm 2013 ( mồng 5 Tết ) đưa tin “25.000 vụ tai nạn giao thông trong 6 ngày Tết”, cũng số báo này cho biết 4.700 ca nhập viện do đánh nhau… các số liệu này là của thứ trưởng Bộ Y Tế gởi Văn Phòng Chính Phủ. Không thấy nói gì về con số thương vong, nhưng cứ sự thường mà suy, một vụ tai nạn giao thông kéo theo hệ lụy về nhân mạng và thương tật không bao giờ dưới một người, thiệt hại tài sản tại chỗ, hậu quả lâu dài về thể xác cũng như tinh thần cho nhiều người, có thể tiếp tục gây gánh nặng cho xã hội ( Ảnh chụp một tai nạn giao thông tại Hà Nội ).

Cũng trong số báo này có hẳn một phóng sự về việc trẻ em phải rất khó khăn khi bắt nhịp trở lại trường sau nghỉ Tết. “Học sinh ngáp ngắn ngáp dài, uể oải mở cặp ra mới phát hiện thiếu tập vở, bút, thước kẻ, khi giáo viên hỏi bài thì ấp úng… vì quên trước quên sau.” Đó là học đường, còn các môi trường khác, chắc chắn không khác bao nhiêu, có khi còn tệ hại hơn.

Xin phép được trích một đoạn trong bài viết của tiến sĩ Nguyên Xuân Diện, “Đầu năm bàn về văn hóa tâm linh hiện đại của người Việt” http://danluan.org/tin-tuc/20130215/nguyen-xuan-dien-dau-nam-ban-ve-van-hoa-tam-linh-hien-dai-cua-nguoi-viet:

“Người trảy hội thời nay không còn đem đến lễ hội sự chính tâm như ngày xưa nữa ! Có người nói: quan sát lễ hội và người tham gia lễ hội là biết xã hội đang vận động ra sao. Người ta kéo đến lễ hội bằng những lời cầu khẩn quyết liệt nhưng đầy mê lầm, bằng những mâm lễ vật phàm tục để mặc cả với thần thánh, bằng những đồng tiền lẻ gài lên khắp thánh tượng, phật tượng, bằng những cuộc nhậu nhẹt say khướt nơi đất Phật Hương Sơn, Yên Tử, bên những mâm đặc sản thú rừng được chặt chém bởi những tay đồ tể ( cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng ). Lễ hội là dịp để gặp gỡ và đánh chén. Sau đó là chuyện xả rác không tiếc tay, khiến cho những khu di tích thành ra một bãi rác khổng lồ.”

( Ảnh chụp của VNExpress: Người Hà Nội ngồi giữa đường để xin giải hạn trước Tổ Đình Phúc Khánh ).

Vấn đề lễ hội ngày nay đã từ lâu rồi là một vấn đề nhức nhối của cả xã hội.

Trong phạm vi Giáo Hội Công Giáo. Một vị Giáo Dân than phiền với chúng tôi: “Trong khi Nhà Chùa người ta mở cửa cả ngày để đón khách đến viếng Chùa, dâng hương cầu khẩn cho năm mới, hái lộc để tìm sự may mắn, xin săm để biết hướng tương lai, người vào ra tấp nập, khói nhang nghi ngút không gian. Vậy mà Nhà Thờ Giáo Xứ của con lại đóng cửa im ỉm, ngày thường hai lễ sáng chiều, ngày Tết gom lại còn một Lễ sáng, cha Xứ sau Lễ sáng rồi thì đi đâu mất, tối mịt mới về, ngày nào cũng vậy, ngài nói phải đi mừng tuổi các ân nhân. Cha Phó thì được cho về nghỉ Tết, lý do: còn mẹ già !”

Một vị Linh Mục Dòng khác chia sẻ: “Con rất buồn vì cộng đoàn anh em con cùng với Giáo Dân đề nghị đóng cửa Nhà Chầu Thánh Thể, tạm nghỉ những ngày Tết để anh em ăn Tết, miễn trực nhà chầu !” Tranh luận căng thẳng trong cộng đoàn, đến khi quyết định đóng cửa được Nhà Chầu những ngày Tết xem ra anh em vui thích lắm.

Một bạn trẻ gởi cho tôi Email thắc mắc: “Con xem trên mạng thầy nhiều Nhà Thờ có Thánh Lễ Giao Thừa, sao ở Giáo Xứ con không có ? Tại sao Xứ có, Xứ không ? Con không đi Lễ đêm Giao Thừa thì có tội không ?” ( Ảnh chụp rước kiệu Mẹ Hằng Cứu Giúp hành hương Minh Niên 2013 tại DCCT Kỳ Đồng, Sàigòn ).

Một Nữ Tu chiều mồng hai Tết sau Lễ chiều ở Nhà Thờ ghé vào thăm tôi, nói chuyện loanh quanh một lúc tôi được biết chị và một chị nữa “bị” phân công giữ nhà cho chị em về quê ăn Tết, nhà cộng đoàn vắng như chùa bà đanh, đi ra đi vào chẳng có ai, tôi hỏi thế chị kia đâu, câu trả lời là “cũng đi đâu mất không biết” – “Vậy ăn uống thế nào ?” – “Dạ, mạnh ai người nấy ăn !”

Ở “Góc Thương Xót” DCCT, chiều 29 Tết vừa rồi vẫn còn xác em bé được mang về. Trọn 3 ngày Tết thấy cái chum trống trải đã mừng, thế rồi chiều mùng 4 Tết đã lại ngập cao các túi nylon đen. Sang mùng 5, mùng 6 thì y như thể người ta phải nhịn mấy ngày đầu năm, bây giờ đổ xô nhau đi phá thai ào ạt, bù lại vậy ! Chẳng kiêng kỵ gì Tết nhất cả !

Ấy lại chuyện giải quyết “hậu quả” năm cũ, còn chuyện quan hệ phóng túng, “mừng tuổi” nhau năm mới, theo kinh nghiệm của chúng tôi, cứ sau Tết khoảng ba tuần lễ cho đến hai tháng, đó là thời điểm các bệnh viện có phòng phá thai, các trung tâm “Bảo Vệ Bà Mẹ và Trẻ Em” ( nhưng thực chất là những ổ phá thai ), các “phố phá và nạo thai” sẽ cực kỳ bận rộn, khách ra vào nhộn nhịp và những “phế phẩm y tế” chúng tôi gom về cũng sẽ… “được mùa bội thu”, những nhóm tình nguyện BVSS cũng hoạt động tăng tốc hẳn lên, các “Nhóm Tobia” lo hậu sự cho các bé phải chạy hết công suất !

Chắc chắn bức tranh toàn cảnh không chỉ có thế, có rất nhiều cá nhân, nhóm, tập thể sử dụng những ngày Tết vào rất nhiều công việc hữu ích. Họp mặt gia đình ôn lại truyền thống tổ tiên, củng cố mối dây liên kết, anh em họ hàng nhận biết nhau.

Có những nhóm sử dụng những ngày nghỉ để đến với người nghèo, đêm Ba Mươi đi thăm người vô gia cư, trẻ lang thang không nhà, dấn thân vào những vùng sâu vùng xa, mang cái Tết qua những hộp bánh, những cân mứt, những nụ cười đến cho những người dân tộc nghèo, người khuyết tật bị bỏ rơi. ( Ảnh chụp các bạn Nhóm Fiat từ Sàigòn ra thăm và tặng quà mùng 4 Tết cho đồng bào nghèo dân tộc Chăm ở Giáo Xứ Ma Lâm, Giáo Phận Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận ).

Có những người, những nhóm tình nguyện đến các nhà nuôi trẻ bại não, nhà nuôi người già đau yếu, vào cả những nhà hưu dưỡng để làm việc thay cho các nhân viên về nghỉ Tết. Có một Đan Viện nọ quyết định ba ngày Tết liên tục Chầu Thánh Thể thay cho những người xao nhãng việc thờ phượng ở thời điểm nay. Và nhiều, thật nhiều những bàn tay “xây dựng hòa bình” khác nữa vì “họ là con Thiên Chúa”.

Nhưng những mảng tối to lớn như trên kia cũng phải làm cho chúng ta trăn trở không ít, nhất là trong Năm Đức Tin này. Chúa muốn mỗi người Kitô hữu sống Đức Tin của mình như ngọn đèn rạng soi vào chốn tối tăm, Chúa muốn mỗi người Kitô hữu là mỗi hạt muối ướp mặn cho cuộc đời, Chúa muốn mỗi người Kitô hữu là hạt men để Chúa gieo vào trong thúng bột làm cho bột dậy men. Đèn không sáng, muối ra nhạt, men biến chất… Chúa biết làm gì bây giờ ? Chẳng lẽ vất ra đường cho người ta dày đạp lên sao ?

Tôi không ủng hộ việc bỏ Tết Nguyên Đán như người Nhật đã làm, nhưng tôi ước ao chúng ta sẽ sống một cái Tết Nguyên Đán thấm đượm Tin Mừng Chúa Kitô.

Lm. VĨNH SANG, DCCT, Mùng 7 Tết, thứ bảy 16.2.2013 (Ephata 549)

Đám cưới xúc động của chàng trai tật nguyền và cô dâu xinh đẹp

Đám cưới xúc động của chàng trai tật nguyền và cô dâu xinh đẹp

nguồn: yahoo.tintuc

Trưa 17/2, vùng quê miền biển Thạch Kim, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đã diễn ra một đám cưới như cổ tích. Chú rể là một chàng trai tật nguyền 37 tuổi, cao 68cm, nặng 12kg; cô dâu vừa tròn đôi mươi, xinh xắn, dễ thương.

Chú rể trong đám cưới như cổ tích ấy là anh Đặng Hoàng Giáo – SN 1976, cao 68cm, cân nặng 12kg, đôi chân teo tóp, bại liệt vì nhiễm chất độc da cam – trú tại xóm Giang Hải, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh); cô dâu là chị Mai Thị Hiệp, SN 1991, một cô gái xinh xắn, dễ thương đến từ xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An.

Nhiễm chất độc chết người, sống được đã là một điều may mắn đối với người đàn ông tật nguyền Đặng Hoàng Giáo. Thế nên cái tin anh có người yêu, tổ chức đám cưới đầu xuân với một cô dâu xinh xắn khiến làng trên xóm dưới bàn tán xôn xao suốt nhiều tháng qua. Nhiều người háo hức chờ đợi ngày vui của người đàn ông bất hạnh ấy, để được tận mắt chứng kiến cô gái dũng cảm “liều” xây dựng lứa đôi với người chồng tật nguyền ấy.

Hàng trăm người dân, phần lớn trong số đó là bạn trẻ đứng chật kín đường chào đón cô dâu, chú rể trong đám cưới đặt biệt

11h trưa, khi đoàn xe đưa chú rể và cô dâu từ huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An về đến con đường đất chạy dọc bờ biển Thạch Kim, hàng trăm người đứng chật lối đi vỡ òa trong niềm xúc động khi chứng kiến một tình yêu đẹp và đáng khâm phục. Cô dâu xinh xắn, rạng ngời, khuôn mặt luôn nở nụ cười tươi nhẹ nhàng bế chú rể lên chiếc xe lăn đã được kết hoa tân hôn rồi nhẹ bước đẩy xe lăn cho chú rể vượt qua con đường đông kín người dân đến chúc phúc.

Những ai chứng kiến đám cưới cổ tích này đều không cầm được nước mắt, mừng cho chàng trai thiệt thòi lấy được vợ hiền, cảm phục cô gái trẻ mà dũng cảm với tình yêu của mình.

Chú rể cô dâu bước vào hôn trường, nơi có hàng trăm người đã đợi sẵn

Ngay tại buổi hôn lễ, đôi trẻ chia sẻ về cuộc tình nhiều sóng gió của mình. Anh Hoàng Giáo cho biết, cuộc tình của họ bắt đầu từ cuộc điện thoại nhầm của cô dâu khi ấy đang phụ giúp việc nhà cho một người quen ở Hà Nội vào số máy của anh. Sau cuộc điện thoại đó, đôi bên chuyện trò qua lại và chỉ vài tuần sau đó, anh Giáo đã xin phép mẹ già đón xe ra Hà Nội gặp Hiệp. Lần gặp gỡ đầu tiên, Hiệp có chút bỡ ngỡ, bần thần, nhưng cô đã không cưỡng lại tình cảm sâu sắc của mình với chàng trai tật nguyền ấy. 8 tháng sau đó, họ tổ chức đám cưới dẫu biết cuộc sống phía trước sẽ có muôn vàn khó khăn.

… nâng ly mừng hạnh phúc trong ngày cưới

Có lẽ đây là đám cưới duy nhất ở Hà Tĩnh từ trước tới nay được nhiều “người dưng” tới chúc phúc và chia sẻ hạnh phúc như vậy.

(Theo Dân trí)

Bắc Kinh hy vọng tân Giáo Hoàng sẽ cải thiện quan hệ với Trung Quốc

Bắc Kinh hy vọng tân Giáo Hoàng sẽ cải thiện quan hệ với Trung Quốc

Một nhà thờ công giáo ở thủ đô Bắc Kinh (REUTERS)

Một nhà thờ công giáo ở thủ đô Bắc Kinh (REUTERS)

Đức Tâm

nguồn: RFI

Một tuần sau khi Đức Giáo Hoàng Benedicto 16 thông báo thoái nhiệm, hôm nay, 18/02/2013, chính quyền Bắc Kinh mới có phản ứng chính thức. Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố hy vọng là với tân Giáo Hoàng, Tòa Thánh Vatican sẽ có một « thái độ mềm dẻo và thực tế, tạo điều kiện cải thiện quan hệ song phương ».

Đồng thời, Bắc Kinh cũng nhắc lại lập trường truyền thống : « Trước tiên, Vatican phải cắt đứt cái gọi là quan hệ ngoại giao với Đài Loan, công nhận rằng chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là đại diện cho toàn bộ nước Trung Quốc và công nhận rằng Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc ». « Sau đó, Vatican phải tránh can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc ».

Tòa Thánh và Trung Quốc không có quan hệ ngoại giao từ năm 1951, khi Vatican công nhận Đài Loan trong khi Bắc Kinh coi đảo này là một bộ phận lãnh thổ của Trung Quốc.

Theo thống kê của chính quyền, tại Trung Quốc có khoảng 5,7 triệu người công giáo, còn theo các nguồn tin độc lập thì con số này lên tới 12 triệu. Ngoài giáo hội chính thức – có tên gợi là Hiệp hội yêu nước – đặt dưới sự kiểm soát của chính quyền, còn có « giáo hội thầm lặng », nằm ngoài sự kiểm soát của Bắc Kinh nhưng lại trung thành với Vatican.

Quan hệ giữa Vatican và Trung Quốc trở nên căng thẳng, đặc biệt là từ năm 2010, khi Bắc Kinh tấn phong nhiều giám mục thuộc giáo hội chính thức mà không tham khảo Vatican.

Vui buồn của tuổi già, những suy tư của Đức Bênêđictô, mấy tháng trước khi công bố từ nhiệm.

Vui buồn của tuổi già, những suy tư của Đức Bênêđictô, mấy tháng trước khi công bố từ nhiệm.


Vũ Văn An

nguồn: vietcatholic.net

2/17/2013

Ngày 12 tháng 11 năm 2012, nhân dịp viếng thăm một nhà dưỡng lão tại Rôma do Cộng Đồng Sant’Egidio trông coi, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã có những suy tư sau đây về những nỗi vui buồn của tuổi già, phần nào cho thấy những dấu chỉ dẫn tới việc ngài quyết định từ nhiệm.

Tôi đến với anh chị em không những trong tư cách giám mục Rôma, mà còn trong tư cách một người già đi thăm những người bạn già nữa. Quả là dư thừa khi nói rằng tôi rất quen thuộc với những khó khăn, những nan đề và giới hạn của lớp tuổi này, nhưng tôi biết rõ: với nhiều anh chị em các khó khăn này càng thấm thía hơn do khủng hoảng kinh tế. Đôi khi, vào một độ tuổi nào đó, ta bỗng nuối tiếc nhìn lại những năm tháng thanh xuân khi mình còn tươi trẻ và dự tính nhiều cho tương lai. Bởi thế, đôi khi nét mặt ta phủ đầy một vẻ buồn trước cái viễn tượng hoàng hôn của cuộc đời này.

Nhưng sáng nay, lên tiếng với mọi người cao niên trong tinh thần, dù biết rõ các khó khăn của tuổi già chúng ta, tôi vẫn muốn nói với anh chị em một cách đầy xác tín rằng: già quả là đẹp! Ở mọi giai đoạn của cuộc đời, điều cần là có khả năng nhìn thấy sự hiện hữu và chúc lành của Chúa cũng như các phong phú do chúng mang tới. Ta không bao giờ được để mình bị buồn sầu vây hãm! Ta đã và đang tiếp nhận được ơn trường thọ. Sống ngay trong độ tuổi của ta vẫn là điều tươi đẹp, bất chấp những đau cùng đớn và một số giới hạn nào đó. Ước mong sao trên nét mặt ta luôn có niềm vui vì cảm thấy được Chúa thương yêu, chứ không phải nỗi buồn.

Trong Thánh Kinh, trường thọ luôn được coi là hồng phúc của Chúa; ngày nay, hồng phúc này khá phổ biến và được coi như một hồng phúc đáng được trân quí và vận dụng bao nhiêu có thể. Ấy thế mà cái xã hội bị khống chế bởi luận lý học hiệu năng và lợi lộc này thường lại không muốn chấp nhận nó như thế: trái lại, xã hội này thường bác bỏ nó, vì coi người già như là vô dụng, thiếu sản xuất. Rất nhiều khi ta được nghe nói tới những nỗi đau của những người bị cho ra rìa, sống xa nhà và đầy cô đơn. Tôi nghĩ cần phải có nhiều dấn thân hơn, bắt đầu từ gia đình và các định chế công cộng, để bảo đảm cho người già có khả năng ở lại nhà mình. Cái khôn ngoan của đời sống mà chúng ta là những người đem theo quả là một kho tàng lớn lao.

Phẩm chất của một xã hội, hay của một nền văn minh, cũng được phán định dựa vào cung cách nó xử sự với người già và vị trí nó dành cho họ trong đời sống của cộng đồng. Những cộng đồng nào biết dành vị trí cho người già đều là những cộng đồng biết dành vị trí cho sự sống! Cộng đồng nào biết chào đón người già cũng là cộng đồng biết chào đón sự sống!… Khi sự sống trở thành mỏng dòn trong những năm tháng già nua, nó vẫn không bao giờ mất giá trị và phẩm vị: ở bất cứ giai đoạn cuộc sống nào mỗi người trong chúng ta đều được Thiên Chúa mong muốn và yêu thương, mỗi một chúng ta đều quan trọng và cần thiết.

Các bạn thân mến, vào độ tuổi này, ta hay cảm thấy cần có sự giúp đỡ của người khác; và điều này cũng xẩy ra cho vị giáo hoàng của các bạn. Trong Tin Mừng, ta đọc thấy Chúa Giêsu nói với Thánh Phêrô: “khi con còn trẻ, con tự thắt lấy dây lưng và muốn đi đâu thì đi; nhưng lúc về già, con sẽ phải chìa tay ra để người khác thắt dây lưng cho con và dẫn con đi nơi con chẳng muốn” (Ga 21:18). Chúa có ý nói tới cách Thánh Phêrô sẽ phải làm chứng cho đức tin đến độ phải tử vì đạo, nhưng câu ấy khiến chúng ta nghĩ tới sự kiện này: cần người khác giúp đỡ vốn là thân phận của người già chúng ta. Tôi chỉ xin các bạn tìm thấy ơn Chúa trong thân phận ấy, bởi vì được nâng đỡ và được đồng hành, cảm nhận được tình âu yếm của người khác quả là một ơn phúc! Điều này quan trọng đối với mọi giai đoạn của cuộc sống: không ai sống được một mình mà không cần người khác giúp đỡ; con người là hữu thể có tương quan. Và trong tình thế này, tôi vui mừng nhận thấy: những người giúp đỡ và những người được giúp đỡ đã tạo thành một gia đình mà sinh huyết chính là tình yêu.

Anh chị em cao niên thân mến, ngày giờ xem ra dài và trống rỗng quá, với thật nhiều khó khăn, ít cam kết và gặp gỡ; nhưng anh chị em đừng bao giờ chán nản trong lòng: anh chị em làm cho xã hội phong phú, ngay cả trong đau đớn và bệnh hoạn. Và giai đoạn này của cuộc sống vẫn là một hồng phúc để ta thâm hậu hóa mối liên hệ với Thiên Chúa… Anh chị em đừng quên rằng một trong các tài nguyên vô giá của anh chị em là tài nguyên cầu nguyện: trở thành những người cầu bầu với Thiên Chúa, cầu nguyện với đức tin và sự kiên định. Anh chị em hãy cầu nguyện cho Giáo Hội, và cầu nguyện cho tôi, cho nhu cầu thế giới, cho người nghèo, để không còn bạo lực trên thế giới. Lời cầu nguyện của người già có thể che chở được thế giới, giúp đỡ thế giới, có khi còn hữu hiệu hơn là sự lo lắng của tập thể. Hôm nay, tôi muốn ủy thác cho anh chị em việc cầu nguyện cho thiện ích Giáo Hội và cho hòa bình thế giới. Vị giáo hoàng này yêu mến anh chị em và trông cậy vào mọi người trong anh chị em! Ước mong anh chị em cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa và biết cách đem tia lửa yêu thương của Chúa cho xã hội chúng ta, một xã hội thường quá cá nhân chủ nghĩa và chỉ chuộng hiệu năng. Và Thiên Chúa sẽ luôn luôn ở với anh chị em và với mọi người đang trợ giúp anh chị em với tấm tình âu yếm và tận tụy của họ.

SỐNG ĐẸP GIỮA ĐỜI

SỐNG ĐẸP GIỮA ĐỜI

Lm.Jos Tạ duy Tuyền

Mùa chay là mùa mời gọi chúng ta hãy sống cao đẹp hơn.Lent

Người xưa thường đề cao lối sống của người quân tử.  Người quân tử thấy chuyện bất bình thường ra tay cứu giúp.  Người quân tử luôn sống hào hiệp, sống vì đại nghĩa nên hy sinh bản thân.  Thế nhưng, con người ngày nay lại an phận thủ thường.  Người ta ngại hy sinh cho người khác.  Người ta sợ “mang hoạ vào thân”.  Người ta tìm an nhàn cho bản thân nên chẳng dại gì “ăn cơm nhà đi vác tù và hàng tổng”.  Xem ra lối sống của người quân tử thấy chuyện bất bình ra tay giúp đỡ chỉ còn trên trang giấy học trò.  Lối sống ấy đã mất dần trong thời đại hôm nay.

Người ta kể rằng: Ở bên Trung Quốc, có một chiếc xe bus chở đầy khách đang chạy trên đường đồi. Trên xe, ba thằng du côn có vũ khí để mắt tới cô tài xế xinh đẹp.  Chúng bắt cô dừng xe và muốn “vui vẻ” với cô.  Tất nhiên là cô tài xế kêu cứu, nhưng tất cả hành khách trên xe chỉ đáp lại bằng sự im lặng.

Lúc ấy một người đàn ông trung niên nom yếu ớt tiến lên yêu cầu ba tên du côn dừng tay, nhưng ông đã bị chúng đánh đập.  Ông rất giận dữ và lớn tiếng kêu gọi các hành khách khác ngăn hành động man rợ kia lại nhưng chẳng ai hưởng ứng.  Và cô lái xe bị ba tên côn đồ lôi vào bụi rậm bên đường.

Một giờ sau, ba tên du côn và cô tài xế tơi tả trở về xe để tiếp tục lên đường…

“Này ông kia, ông xuống xe đi!” cô tài xế la lên với người đàn ông vừa tìm cách giúp mình.
Người đàn ông sững sờ, nói:
“Cô làm sao thế?  Tôi mới vừa tìm cách cứu cô, tôi làm thế là sai à?”
Cô gái nhăn mặt nói: “Nếu ông không xuống, xe sẽ không chạy.”

Điều bất ngờ là hành khách, vốn lờ lảng hành động man rợ mới đây của bọn du côn, bỗng nhao nhao đồng lòng yêu cầu người đàn ông xuống xe.  Thậm chí một vài hành khách khỏe hơn đã lôi người đàn ông xuống xe.

Chiếc xe bus lại khởi tiếp hành trình.  Cô lái xe vuốt lại tóc tai và vặn radio lên hết cỡ.  Xe lên đến đỉnh đồi và ngoặt một cái chuẩn bị xuống đồi.  Phía tay phải xe là một vực thẳm sâu hun hút.

Tốc độ của xe bus tăng dần.  Gương mặt cô lái xe bình thản, hai bàn tay giữ chặt vô lăng.  Nước mắt trào ra trong hai mắt cô.

Một tên du côn nhận thấy có gì không ổn, hắn nói với cô tài xế :
“Chạy chậm thôi, cô định làm gì thế hả?”

Cô tài xế không nói tiếng nào nhưng xe chạy ngày càng nhanh hơn.  Tên du côn tìm cách giằng lấy vô lăng, nhưng chiếc xe bus lao ra ngoài, rơi xuống vực như mũi tên bật khỏi cây cung.

Hôm sau, báo địa phương loan tin một tai nạn bi thảm xảy ra ở vùng “Phục Hổ Sơn”.  Một chiếc xe cỡ trung rơi xuống vực, tài xế và 13 hành khách đều thiệt mạng.

Trong thành phố, có một người đàn ông đọc bản tin trên báo đã khóc!

Quả thực, con người ngày xưa khi thấy chuyện bất bình, người ta thường lăn xả để hoà giải cho nhau, nhưng xem ra hôm nay, ít ai dám can thiệp vào chuyện người khác.  Ít ai dám xông pha để bảo vệ kẻ yếu đang bị ức hiếp.  Người ta ngại dấn thân vào chuyện của người khác.  Xem ra con người ngày nay thường có xu hướng ích kỷ, chỉ lo cho bản thân mình nhiều hơn là cho đồng loại.  Con người ngày nay thích an nhàn nên ngại hy sinh”.
Thế mà, hôm nay Chúa Giê-su lại bảo: “kẻ nào giữ mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai chịu chịu từ bỏ cuối cùng sẽ được lại”.  Đó là chân lý, là định luật tất yếu  của cuộc đời . Nếu thế giới này không có những con người dám quên đi bản thân thì làm sao có những phát minh khoa học, làm sao có những kỳ quan để lại cho đời sau?  Có lẽ thế giới hôm nay sẽ thiệt hại biết bao, nếu không có những người dám quên đi sự an nhàn cá nhân, sự yên vui vị kỷ, những lợi lộc cá nhân để sống vì lợi ích tha nhân!  Thế giới này đang mắc nợ những con người đã tận tuỵ làm việc quên mình để xây dựng thế giới mỗi ngày một tốt đẹp hơn.  Thế giới hôm nay rất cần những con người quân tử để cuộc đời được phong phú và yên vui hơn.

Chính Chúa Giê-su, Ngài đã sống điều đó.  Ngài đã đi qua đau khổ để tiến tới vinh quang.  Ngài đã trở nên bất diệt khi Ngài trở thành hạt lúa chịu nghiền nát để trổ sinh muôn vàn bông lúa.  Ngài đã trở nên vĩ đại khi Ngài dám chết vì bạn hữu.  Thực vậy, người vĩ đại trong cuộc đời chúng ta không phải là những người nổi tiếng, không phải là các ngôi sao điện ảnh hay ca nhạc mà là chính những người đang hy sinh vì chúng ta.  Họ là những người cha “chân lấm tay bùn” đang đổ mồ hôi nơi nương đồng, đang miệt mài nơi công trường.  Họ là những người mẹ đang lặn lội ngược xuôi nơi bến chợ, đang hao gầy vì đàn con.  Họ là những người anh, người chị đang bôn ba đó đây để bòn nhặt từng đồng tiền để phụ giúp gia đình.  Đó là những con người cao cả, là những hạt lúa miến đang chịu nghiền nát vì tha nhân để trở thành tấm bánh cho anh em.  Đó là những con người dám quên đi niềm vui riêng của bản thân để lo cái lo của đồng loại, để sống có ích cho tha nhân.

Nhưng thật đáng tiếc!  Ý niệm phục vụ tha nhân.  Ý niệm sống vì người khác đang mất dần trong thế giới hôm nay.  Người ta đang lo cho bản thân.  Người ta đang chạy theo danh lợi thú để thoả mãn nhu cầu của chính mình.  Có mấy ai dám quên mình để sống cho thân nhân?  Có mấy ai chịu nghiền nát đời mình để đem lại niềm vui cho tha nhân?

Thiết tưởng, mùa chay là mùa mời gọi chúng ta hãy sống cao đẹp hơn.  Hãy hy sinh niềm vui của mình, những đam mê sở thích của mình để đem lại niềm vui cho những người chúng ta yêu mến.  Thiết tưởng mùa chay là mùa mời gọi chúng ta hãy sống đúng với phẩm giá làm người của mình là biết sống vì hạnh phúc tha nhân.  Chúa đã tạo dựng Eva vì niềm vui của Adam.  Chúa cũng tạo dựng chúng ta vì niềm vui của thân nhân.  Xin Chúa là Đấng đã chết cho người mình yêu, giúp chúng ta biết quảng đại hy sinh để kiến tạo niềm vui và hạnh phúc cho nhau.  Amen!

Lm.Jos Tạ duy Tuyền

Anh chị Thụ & Mai gởi

 

 

 

 

Giáo hoàng là ai ?

Giáo hoàng là ai ?

Đăng bởi lúc 2:24 Sáng 18/02/13

nguồn:Chuacuuthe.com

VRNs (18.02.2013) – HuffingtonPost – Những ngày này, cả thế giới đạo và đời đều xôn xao về việc ĐGH Biển Đức XVI chính thức tuyên bố từ nhiệm. Có một bài nhận định khá hay và sâu sắc, xin giới thiệu với mọi người – đặc biệt là những người Công giáo.

Thần học gia Joseph Ratzinger vẫn thu thập các tính ngữ (chữ có ý nghĩa) từ khi sống trong Giáo triều Rôma – với các “biệt danh” (moniker) là “chó dữ của Chúa” (God’s Rottweiler), “Hồng y xe tăng” (Panzerkardinal), “Giáo hoàng Đức quốc xã” (Papa-Nazi). Các “biệt danh” này đã luôn nói nhiều về những người “được tặng” hơn là những gì chúng ám chỉ, nhưng chúng trở nên một phần văn hóa phổ thông cả những người bị mê hoặc lẫn người bị từ chối bởi học giả thầm lặng.

Lúc đó, ĐGH Biển Đức XVI đã công bố Tông thư đầu tiên “Thiên Chúa là Tình yêu”, và những người bảo vệ khôn ngoan thấy rằng tranh biếm họa họ tạo ra đều không đúng sự thật.

Với lời tuyên bố từ chức (ngày 11-2-2013), ĐGH Biển Đức XVI đã khiến họ phải “gãi đầu”. Họ ngạc nhiên: “Giáo hoàng không chỉ thoái vị. Phía sau còn sự thật gì?”. Kết thúc triều đại giáo hoàng, cũng như khởi đầu, là dấu hiệu trái ngược với những người coi mỗi hành vi của con người đều thuộc các phạm trù khả nghi của quyền lực và bướng bỉnh.

Chúng ta biết rằng tôn giáo là sự giải thoát – một nỗ lực giải thích về đau khổ và những điều trái ngược bất khả thi của đời sống con người. Tôn giáo đầy những thứ giúp chúng ta cảm thấy tốt hơn – hoặc tệ hơn. Tg là cái gì đó mà chúng ta nói với người khác để kiềm chế họ. Điều đó tự bản chất (per se) không là niềm tin vào Thiên Chúa, điều đó quấy rầy tính mẫn cảm ngụy tạo hậu hiện đại của chúng ta. Đó là tôn giáo, nhất là loại có tổ chức. Như vậy, chúng ta hoàn toàn tâm linh, nhưng càng ngày càng ít người trong chúng ta sống theo niềm tin tôn giáo.

Mối quan hệ phúc tạp trong văn hóa của chúng ta với tôn giáo có tổ chức gắn chặt với mối quan hệ trong chh của chúng ta với sự thật. Chúng ta yêu sự thật, đúng vậy, nhưng chúng ta không coi sự thật là tôn giáo, nếu ai đó không giữ sự thật cho mình. Sự khoan dung không bao gồm việc áp đặt lên người khác – văn hóa của chúng ta đánh giá qua các đức tính khác.

Vấn đề về nỗ lực ý nghĩa này khi khoan dung là điều không thể biện hộ. Đó là tự hủy hoại. Nếu chỉ có sự thật và sự thật của tôi, nhưng không là sự thật, thì không có nền tảng chung để thỏa mãn nhau. Hoặc tôi đúng, hoặc bạn đúng, và vì không có điểm chung, vấn đề này chỉ được giải quyết khi có một bên thắng và một bên thua. Một thế giới không có sự thật là thế giới không thể không có xung đột, và không thể có sự hòa giải.

Khẩu hiệu Giám mục (episcopal motto) của ĐGH Biển Đức XVI là “Cooperatores veritatis” (những người hợp tác với chân lý). Khẩu hiệu này cho thấy một cách hiểu rất khác về thực tế, điều mà cả niềm tin và lý lẽ đều trung thành với chân lý – tức là sự thật. Và chính sự thật, ít là như Giáo hội Công giáo hiểu, được thể hiện cách tốt nhất, không bằng sự tranh luận hợp lý (dù đó là điều quan trọng) và chắc chắn không bằng bạo lực, nhưng bằng “tình yêu tự hiến”. Không có gì thuyết phục hơn và cũng chẳng có gì thật hơn “tình yêu dâng hiến”.

Chân lý trung tâm của đức tin Công giáo là Thiên Chúa làm người nơi Đức Kitô, qua cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài mà chúng ta được cứu độ. Có thể tóm gọn thế này: Thiên Chúa mệt mỏi khi nói với chúng ta về cách thực hiện điều đó, thế nên Ngài quyết định xuống thế và cho chúng ta thấy.

Điều này cũng đề xuất rằng ĐGH Biển Đức XVI hiểu vai trò của giáo hoàng trong Giáo hội là người lãnh đạo, nhưng trước tiên là phục vụ. Có nhiều danh hiệu của giáo hoàng: Linh mục của Đức Kitô, Người kế vị các Tông đồ, Tôi tớ của các Tôi tớ của Thiên Chúa. Ngài là người canh giữ, là mục tử của đoàn chiên. Nói cách khác, ngài không chỉ hiến dâng mình mà còn vì sứ vụ của Giáo hội.

Những lời này của ĐGH Biển Đức XVI có thể là đầu tiên trong 117 Hồng y, những người sẽ chọn giáo hoàng kế vị: “Trong thế giới ngày nay, vì có quá nhiều sự thay đổi và bị rung động bởi các vấn đề thích hợp đối với đời sống đức tin, để quản lý Con Thuyền của Thánh Phêrô và rao truyền Tin Mừng, cả sức mạnh của trí tuệ và và cơ thể đều cần thiết”.

Giáo hội hiện hữu để rao truyền Phúc Âm: Không có sự thích hợp nào khác của Giáo hội trong thế giới. Năm nay, người Công giáo cử hành Năm Đức Tin – tái học hỏi, sống, chia sẻ đức tin, và rao truyền chính xác những gì chúng ta tin, đồng thời cũng có nghĩa là phải nói cho thế giới biết sự thật, dù phải trả giá riêng.

Giáo hoàng không là bù nhìn mà là tông đồ, không là người quản lý mà là sứ giả. Khi tuyên bố từ nhiệm, ĐGH Biển Đức XVI đã truyền tín hiệu rằng Giáo hội của thế kỷ XXI sẽ không là Giáo hội của công việc như bình thường, không là Giáo hội của sự duy trì cơ cấu, của sự cách ly, hoặc của sự mong mỏi về quá khứ. Giáo hội hiện hữu để rao truyền Tin Mừng. Những người kế thừa sứ vụ đó nhờ Bí tích Thánh tẩy phải sẵn sàng hy sinh nhiều để đáp lại lời mời gọi đó.

TRẦM THIÊN THU

(Chuyển ngữ từ HuffingtonPost.com)

“LỬA THỬ VÀNG, GIAN NAN THỬ ĐỨC”

“LỬA THỬ VÀNG, GIAN NAN THỬ ĐỨC”

CHÚA NHẬT I MÙA CHAY -Năm C

(Deuteronomy 26:4-10; Romans 10:8-13; Luke 4:1-13)

Nguyễn Tiến Cảnh ,MD

nguồn: conggiaovietnam.net

Chúa Giêsu đã thắng ba cơn cám dỗ một cách oanh liệt, quả là
một gương sáng ngời cho chúng ta, đặc biệt trong mùa chay thánh này. Thứ tư Lễ
Tro đã đưa ra cho chúng ta ba hướng dẫn căn bản để suy niệm và thực hành trong
Mùa Chay: Làm việc Thiện, Cầu Nguyện và Ăn Chay Hãm Mình.

Mùa Chay là mùa của Đoàn Kết, Chia SẻMở Rộng Lòng với những người anh chị em xa gần, đặc biệt những ngưòi cần được giúp đỡ nhất. Mùa Chay cũng là thời gian thuận lợi để cầu nguyện, cầu nguyện riêng và chung, đươc hướng dẫn bởi lời Chúa trong kinh phụng vụ mỗi  ngày. Mùa Chay mời gọi chúng ta suy niệm việc Chúa Giêsu bị ma quỉ cám dỗ trong hoang địa. Làm sao chúng ta có thể phát huy những tập quán tốt để có thể vượt qua được những cám dỗ mà chúng ta thường gặp hàng ngày trong cuộc sống? Việt Nam ta có câu tục ngữ: “Lửa thử vàng, gian nan thử đức.”

CHÚA THÁNH LINH DẪN ĐỨC GIÊSU VÀO HOANG ĐỊA

Chắc chúng ta ai cũng biết câu chuyện Chúa Giêsu bị ma quỉ cám dỗ trong sa mạc qua ba tiến trình, đã được thánh Mathiêu và Luca kể lại. Cũng chính Chúa Thánh Linh hiện xuống trên chúa Giêsu dưới dạng chim bồ câu lúc Người chịu phép thanh tẩy (Lc 3:21-22) thì nay lại dẫn Chúa Giêsu đi vào hoang địa 40 ngày để bị ma quỉ cám dỗ. Con số 40 ngày gợi nhớ lại 40 năm dân Israel/Do Thái phải đi lang thang nơi hoang địa trong thời kỳ bị lưu đày (Deut. 8:2).

Đọc chuyện chúa Giêsu bị cám dỗ, như biết bao nhiêu người qua các thời đại, chúng ta cũng nên thắc mắc tại sao Chúa Thánh Thần lại dẫn Chúa Giêsu vào hoang địa để cho ma quỉ cám dỗ? Đức Giêsu là Thiên Chúa, mà Thiên Chúa thì không thể bị cám dỗ. Vậy tại sao chúa Giêsu lại bị cám dỗ?  Chúng ta hóa giải, cắt nghĩa thế nào về những điều chúng ta biết về Thiên Chúa, về đức Giêsu và sự cám dỗ, nếu chỉ dựa vào những điều được viết ra trong Tin Mừng?

SỰ CÁM DỖ CỦA CHÚA GIÊSU DƯỚI CON MẮT THÁNH LUCA

Chúng ta thử coi những khía cạnh quan trọng của bài Tin Mừng
hôm nay với thánh Luca. Đọc Tin Mừng thì ta tưởng rằng Chúa Thánh Linh dẫn Đức
Giêsu đi vào hoang địa để cho bị cám dỗ, nhưng không phải vậy. Chúa Thánh Linh
không dẫn Đức Giêsu đi vào chỗ cám dỗ. Chúa Thánh Linh dẫn Đức Giêsu đi vào
hoang địa. Ma quỉ lợi dụng lúc thể xác Chúa quá mệt mỏi, lại cô đơn nơi hoang
địa thì giở trò cám dỗ ra. Satan coi lúc đó là “cơ hội tốt” và có thể hắn còn
toan tính nhắm vào “những dịp khác” nữa. Ma quỉ cám dỗ, không phải Chúa Thánh
Linh cám dỗ! Phải chăng Chúa Giêsu muốn vẽ ra trước cho chúng ta thấy một khung
cảnh mà chúng ta sẽ phải gặp trong cuộc sống hàng ngày? Cạm bẫy và cám dỗ…là do
chính ma quỉ, cái ác tính của chính con người chúng ta tạo ra.

Không phải thánh Mathiêu (4:1-11) cũng chẳng phải thánh Luca
đã sắp đặt cho cuộc cám dỗ này có một tiến trình tuần tự như vậy. Luca diễn tả
ba biến cố theo khía cạnh địa lý; hai cơn cám dỗ đầu ở trong hoang địa, rồi đến
một cám dỗ nữa ở trên đỉnh tháp đền thờ. Theo Mathiêu thì hơi khác, cơn cám dỗ
ở trên núi cao là cơn cám dỗ sau cùng vì sau đó Chúa Giêsu nói: “Hỡi Satan, hãy
cút đi khỏi ta.” Như vậy, tiến trình của Mathiêu có thể là theo thứ tự thời
gian tính. Tuy nhiên việc này cũng không có gì là đối nghịch nhau giữa hai
thánh sử.

Thánh Luca đã diễn tả ba cơn cám dỗ đặc biệt như đã xẩy ra
sau 40 ngày chay trường của chúa Giêsu (Lc 4:2-3). Thiên Chúa có thể chịu đựng
nhiều thử thách và cám dỗ trong vòng 40 ngày, nhưng ba cơn cám dỗ này đã là
những thử thách tột đỉnh và mãnh liệt nhất của chúa Giêsu vì lúc đó Chúa quá cô
đơn nơi hoang địa. Thánh Luca kết thúc cuộc chay tịnh 40 ngày của chúa Giêsu
bằng cơn cám dỗ chúa chịu trên đỉnh tháp đền thờ ở Jerusalem, một thị trấn của
định mệnh, vì cuối cùng, chính ở Jerusalem Chúa Giêsu đã phải đối đầu với số
phận nghiệt ngã của Người (Lc 9:51; 13:33).

Trong cơn cám dỗ đầu tiên, trả lời của chúa Giêsu với tên
quỷ không có nghĩ là Chúa từ chối thức ăn là thứ cần thiết cho sự sống thể xác,
nhưng đời sống tinh thần như cuộc hành trình đi về vĩnh cửa phải là ưu tiên.
Muốn theo Chúa thì không thể chỉ dựa vào những gì thuộc về trần thế. Nếu chúng
ta phụ thuộc vào của cải vật chất, danh quyền trần thế, không biết đến Thiên
Chúa, thì chúng ta đã sa cơn cám dỗ và phạm tội.

Cám dỗ thứ hai đưa ta ở ngã rẽ: Thờ lạy Thiên Chúa hay
tôn vinh ma quỉ.
Chúa Giêsu mắng tên quỷ và cho hắn biết Thiên Chúa là trên
hết,  Người kiểm soát tất cả mọi sự. Điều này rất quan trọng đối với chúng
ta, để nghe và để tin, nhất là khi chúng ta bị mê hoặc, lôi kéo, lấn át bởi vẻ
hào nhoáng của quyền uy, danh vọng, tiền tài, khi chúng ta coi tất cả mọi sự
chung quanh ta như là nơi nương tựa, bóng che thân, nhưng thực sự đó chỉ là
những đám mây đen tối và ác quỉ. Chỉ có Thiên Chúa là đấng sau cùng làm chủ số
phận của chúng ta mà thôi.

Cám dỗ thứ ba, tên quỉ tính thử xem Thiên Chúa yêu chúa
Giêsu đến mức nào. Chúa Giêsu trả lời hắn “Ngươi không được ngạo mạn thử
thách quyền năng của Thiên Chúa là Chúa ngươi.”

Thánh Luca cho biết tên quỉ đã bỏ chúa Giêsu và “không dám
cám dỗ Chúa nữa” (Lc 4:13).  Chúng ta có nghĩ như vậy không? Theo thánh
Luca (Lc 4:13) thì tên quỉ đã kết thúc cơn cám dỗ đó vì “một lý do nào đó”
hoặc hắn“chờ một cơ hội tốt khác”. Cơ hội tốt này đối với ma quỉ sẽ xẩy
ra trước giờ Chúa Giêsu chịu nạn và chịu chết (Lc 22:3, 31-32, 53). Đó là lúc
Chúa đã chịu đựng cảnh lẻ loi cô đơn trong sa mạc hoang vu, hầu như vô phương
chống trả với gió lạnh của khí trời khắc nghiệt, dòng giã ngày đêm, mà tưởng
chừng như cả Thiên Chúa cũng vắng mặt. Kinh nghiệm về cảnh cô đơn nơi sa mạc
hoang dại này nói lên một phần của đời sống con người từ lúc sinh ra cho đến
lúc trưởng thành.

NHỮNG CÁM DỖ CỦA CHÚNG TA

Đúng vậy, ngay từ lúc khởi đầu cuộc rao truyền Tin Mừng,
chúa Giêsu đã phải công khai đối đầu với kẻ thù. Người bắt đầu cuộc chiến đấu
của Người bằng sức mạnh Tin Mừng suốt đêm trường đầy hoài nghi, bối rối và cám
dỗ. Nó nhắc nhở chúng ta chớ có bao giờ quên những gương sáng của Chúa, để đừng
rơi vào cạm bẫy của ma quỉ. Nó sẽ dụ chúng ta bằng những cám dỗ như nó đã làm
với chúa Giêsu. Đưa ra những quyền uy, danh vọng, tình, tiến để mê hoặc ta,
những của ngon vật lạ để khiêu khích thị hiếu và khẩu vị chúng ta, phủ dụ chúng
ta đó là những thứ thực tế ở đời, còn Thiên Chúa là những gì xa vời viển vông.
Chớ có mắc bẫy. Hãy tin cậy nơi Chúa, Người sẽ làm cho chúng ta vững mạnh.

Cám dỗ là những mê hoặc khiến ta tưởng mình oai phong ghê
gớm lắm nhưng thực ra chúng làm cho chúng ta trở nên nhỏ bé, xấu xa, hèn hạ và
ti tiện. Cám dỗ là những xảo thuật, cạm bẫy, giả dối…lúc ngon ngọt lúc hung dữ,
là những thứ mà ma quỉ luôn luôn nghĩ tới. Quyền lực của hắn thường mạnh mẽ hơn
sức mạnh của con người. Ma quỉ cố gắng kiểm soát, điều khiển chúng ta, khiến
chúng ta không nhận thức ra được hắn là tên ngoan cố, chiến đấu, phủ dụ chúng
ta bằng mọi giá, cố công chiếm cho bằng được dù một ly một tấc cũng không từ
bỏ. Nhưng Chúa Giêsu không để cho hắn chiếm đoạt chúng ta nếu chúng ta biết tin
tưởng, cậy trông vào Chúa.

Cuộc chiến đấu thắng lợi của chúa Giêsu gợi cho chúng ta
những vấn nạn quan trọng. Những kinh nghiệm “sa mạc” mà chúng ta gặp trong đời
là những kinh nghiệm gì? Kinh nghiệm chúng ta đang phải sống và tranh đấu hiện
nay là những kinh nghiệm nào? Giữa những rối rắm và bận rộn của cuộc sống, làm
sao và khi nào chúng ta có thể kiếm ra được những giây phút  để chiêm
nghiệm về cuộc sống vĩnh hằng của chúng ta? Chúng ta đã sống thế nào giữa bầu
khí hoang dại và sa mạc của chính chúng ta?  Chúng ta có đủ can đảm và bền
chí để chiến đấu chống lại ma quỉ không? Chúng ta chống cự lại thế nào để biến
cải những sa mạc khô cằn của chúng ta thành những cách đồng phì nhiêu cho cuộc
sống?

Thật khó có thể tạo ra một ngăn cách lớn lao giữa Chúa Giêsu
Kitô và chúng ta sau khi chúng ta chịu phép thanh tẩy và được ơn Chúa cứu chuộc
qua thập giá. Những cố gắng và yếu đuối của chúng ta đã trở thành địa danh đặc
quyền để chúng ta tiếp cận với Chúa Kitô, không phải với chính Người là Thiên
Chúa, nhưng nhờ con Người ở trên thập giá. Chúa Giêsu đã bị thử thách về mọi
phương diện như chúng ta -Người biết tất cả những khó khăn của chúng ta. Người
là một Người đã được thử thách. Người biết rõ điều kiện của chúng ta từ trong
tới ngoài- nhờ đó Người đã có được một khả năng trắc ẩn, biêt rung động cảm
thương trước những tình huống bi ai sầu thảm của chúng ta. Người là đấng đã
trải qua những đau khổ, nên Người có cái truyền cảm để thực sự cảm nhận thấy
cái đau khổ của kẻ khác. Từ Chúa Giêsu, chúng ta nhận thức được Thiên Chúa hiện
diện trong chúng ta và bảo vệ, gìn giữ chúng ta giữa những thử thách, cám dỗ
gay go, ngay cả khi chúng ta là kẻ tội lỗi.

Là Kito hữu, chúng tôi phải luôn luôn chiến đấu với những
dục vọng do bản tính tội lỗi của con người. Chúng tôi không thể chống trả lại
cám dỗ nếu không có ân sủng của Chúa. Thiên Chúa luôn luôn mời gọi chúng tôi
hãy  tin tưởng vào Chúa, không phải vào sức riêng của chúng tôi, để chống trả
lại mọi cám dỗ trước khi nó biến thành tội. Bởi vì không phải cơn cám dỗ dẫn
chúng tôi tới tội, nhưng vì chúng tôi thiếu cương quyết chống lại nó và tin
tưởng nơi Chúa là đấng giải thoát chúng tôi.

ĐỨC KITÔ CẢM THÔNG CUỘC CHIẾN ĐẤU CỦA CHÚNG TA

Đức Giêsu, bạn của những người thu thuế và những kẻ tội lỗi,
Người biết rất rõ cám dỗ có thể đè bẹp con người một cách dễ dàng. Nạn nhân của
nghèo đói, vô cảm, thiên kiến, áp bức, sách nhiễu, bạo động và nghiện ngập cho
chúng ta thấy con người có thể sa ngã một cách dễ dàng khi khốn khổ vượt quá
sức chịu đựng. Những ai biết cầu nguyện cùng Chúa Giêsu thì sẽ được Người chia
sẻ những cảm quan sâu xa về sự bất lực và yếu đuối ấy  của con người.

Chúa Kitô cũng là con người nên Người cảm thông được những
chiến đấu của chúng ta. Thánh Phaolo trong thư gửi tín hữu Do Thái có viết: “ Bởi
có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giêsu, Con
Thiên Chúa, nên chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin. Vị Thượng Tế của
chúng ta không phải là đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì
Người đã chịu thử thách về mọi phương diên như chúng ta, chỉ trừ tội lỗi. Bởi
thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót
thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần.”(Hebrews 4: 14-16)

Lạy Chúa Kito,

Chúa là Thiên Chúa đời con

Chúa biết con là kẻ yếu đưối.

Xin đừng đưa con vào nơi tội lỗi

Đừng để con sa cơn cám dỗ

Xin dẫn con vào nơi chiêm nghiệm,

Đường công chính,

Chốn tình yêu,

Nơi an bình

Xin ban cho con ân sủng Chúa

Để con biết trung thành, cây tin nơi Chúa

Biết nhận chân con là ai và sẽ về đâu

Về với Chúa

Là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu. Amen

Fleming Island, Florida

Feb. 14, 2013

NTC

Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh

THƯ HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM GỬI ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI VÀ CỘNG ĐỒNG DÂN CHÚA VỀ QUYẾT ĐỊNH TỪ NHIỆM CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI

THƯ HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM GỬI ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI VÀ CỘNG ĐỒNG DÂN CHÚA VỀ QUYẾT ĐỊNH TỪ NHIỆM CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI

Thư của Đức Tổng giám mục Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam kính
gửi Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI

Hà Nội, ngày 13 tháng 2 năm 2013

nguồn:conggiaovietnam.net

Kính trìnhĐức Thánh Cha Bênêđictô XVI

Thành Vatican

Trọng kínhĐức Thánh Cha,

Nhân danh các anh em trong hàng giám mục Việt Nam và nhân danh Dân Chúa trong xứ truyền giáo này, với sự xúc động và trong tâm tình hiếu kính, con xin kính gửi đến Đức Thánh Cha thư này, sau khi nghe tin Đức Thánh Cha từ nhiệm sứvụ Giám mục Rôma, Đấng kế vị thánh Phêrô, mà Đức Thánh Cha đã loan báo vào ngày 11 tháng 2 vừa qua tại Vatican.

Hội Thánh Chúa Kitô tại Việt Nam luôn luôn yêu mến Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI. Hội Thánh Chúa Kitô tại Việt Nam hằng ấp ủ trong tâm hồn và kýức lòng biết ơn sâu xa đối với Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI. Hội Thánh Chúa Kitô tại Việt Nam trân trọng tình yêu thương và sự chăm sóc của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, Đấng kế vị thánh Phêrô, qua những sứ điệp đầy tình phụ tử, phát xuất từ đức tin trung kiên của ngài vào Chúa Giêsu Kitô, đặc biệt là qua việc ngài vui lòng bổ nhiệm Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli làm đại diện của ngài tại Việt Nam, như dấu chỉ cụ thể cho sự
hiện diện, tình yêu thương và sự hiệp thông của Đức Thánh Cha giữa lòng Hội
Thánh Việt Nam và Dân tộc Việt Nam.

Tất cả anh em chúng con trong hàng giám mục Việt Nam không bao giờ quên buổi triều yết Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI vào ngày 27 tháng 6 năm 2009, khi chúng con đi “ad limina”, cũng như sứ điệp quý giá của Đức Thánh Cha trong dịp này.

Nhân danh tất cả anh em trong hàng giám mục và nhân danh Dân Chúa tại Việt Nam, xứ truyền giáo này, con xin kính gửi đến Đức Thánh Cha những lời chào quý mến, lời cảm ơn chân thành, lòng hiếu kính và sự trung thành của con đối với Đức Thánh Cha và với Tòa Thánh.

Nguyện xin Chúa tuôn đổ tràn đầy ân sủng và phúc lành của Chúa trên Đức Thánh Cha.

(ấn ký)

+ Phêrô Nguyễn Văn Nhơn

Tổng giám mục Hà Nội

Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

Thư Hội đồng Giám mục Việt  Nam gửi Cộng đồng Dân Chúa về quyết định từ nhiệm của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI

Tiền Bạc và Quyền Lực

Tiền Bạc và Quyền Lực

Nguyễn Trung Tây, SVD

2/15/2013

nguồn: Vietcatholic.net

Tôi gặp em ở Cali.

Em con gái, lớn lên bên Mỹ, học sinh năm cuối trường đại học lừng danh Berkeley của Mỹ. Em mắt nhìn thẳng về phía trước, tự tin, nói tiếng Anh ròn tan giọng y hệt người bản xứ. Gặp tôi, em cười vui tươi, nói tiếng Việt liến thoắng. Người anh ruột cũng là bạn tôi đang lái xe, vui miệng tố khổ cô em,

— Ông biết chi không, hắn con gái mà liều lắm. Tháng tới, ra trường, hắn tham gia Peace Corps “bỏ” đi tuốt luốt sang Phi Châu làm việc ở Chad tới hai năm lận…

Nghe lọt lỗ tai về tương lai em đang hành trang chuẩn bị lên đường, tôi vớ vẩn mở lời “dụ” em…đi tu. Em không nói chi, nhưng lắc lắc đầu, môi hồng ngậm chặc, mái tóc đen lay láy bay bay trong gió. Tôi nói lơ lửng, điều tra kiểu gậy mọt,

— Vậy chắc sẽ lấy chồng…

Thật bất ngờ, nghe tôi ăn nói lơ lửng, em thôi ngậm đôi môi hồng đào, mở miệng cự nự tôi ngay tại chỗ,

— Tại sao phải lấy chồng… Bộ cứ con gái thì phải lấy chồng hay sao?

Tôi o tròn miệng…!!! Không biết nói chi. Thi cũng đúng, bộ cứ con gái thì phải lấy chồng hay sao?

Gặp em tự tin và thông minh quá, tôi tự nhiên khớp. Thấy tôi yên lặng, em đổi đề tài mời tôi giúp cấm phòng cuối tuần cho tuổi trẻ. Tới phiên tôi ăn miếng trả miếng, làm bộ le lưỡi, lắc đầu (mà chắc cũng là sự thật một nửa),

— Thôi đi! Tuổi trẻ tụi mi ngày hôm nay nhiều điều khó hiểu thấy mồ. Ai mà biết tụi mi thích cái chi để mà nói!

Em nhìn tôi, nói ngay trong tiếng Anh, rõ từng âm,

— Dễ òm, quyền lực (power) và tiền bạc (money). Có thế thôi mà cha cũng không biết…

Tôi trợn mắt! Giời ạ! Tưởng cái gì, quyền lực và tiền bạc ai mà chẳng thích, chứ cứ gì phải là tuổi trẻ…

Thì đấy, người Việt Nam ai chẳng biết câu vè không biết xuất hiện khi nào:

Tiền là tiên là Phật,

Là sức bật của tuổi trẻ,

Là sức khoẻ của tuổi già.

Câu truyện Phúc Âm (9:30-37) viết bởi thánh Mark của Chúa Nhật 25 B cũng đã từng khẳng định về sức mạnh của quyền lực đấy thôi.

Lần đó trên con đường xa xôi từ núi Tabor biến hình về lại Galilee, một lần nữa Đức Giêsu lại tiên đoán về tương lai, “Con Người sẽ phải chết, sau ba ngày mới sống lại…” (Mk 9:31). Thầy “lạc đề” như vậy, hỏi sao mà các tông đồ không lạc đường mùa chay dài dài… Đời đang tươi vui như những chú sư tử no mồi trong sa mạc Trung Đông kia mà, bởi đi theo Thầy, cuộc đời hứa hẹn lầu son gác tiá. Nếu Thầy có khả năng hóa bánh ra nhiều, chữa lành người bị quỷ ám, hồi sinh người đã chết, tại sao lại không đi theo. Đấng Thiên Sai mang tầm vóc vĩ đại tương tự hoàng đế David được tiên báo từ lâu, người có khả năng khôi phục lại đất nước Do Thái ra khỏi ách đô hộ của đế quốc La Mã giờ đây còn ai khác, ngoài Thầy… Làm chi khi sở hữu vương quyền, uy lực trong tay, Thầy lại không phân chia đồng đều cho các môn đệ, những người đã từng bỏ hết mọi sự mà đi theo Thầy. Khi quyền lực nắm được trong tay, thì làm gì mà không có tiền bạc, mà không chỉ là tiền xu hay là vớ vẩn hai đồng tiền kẽm của bà góa nghèo đâu nhé, mà tiền trăm tiền bọc, toàn là tiền vàng, những đồng tiền sáng lấp lánh như truyện cổ tích ngàn lẻ một đêm.

Nhưng khổ! Không phải chỉ một lần, mà tới ba lần lận, ba lần là đúng cả ba, Thầy cứ mở miệng tiên đoán “vớ vẩn”: Con Người sẽ bị các thầy thượng tế giết đi… Giời ạ! Không, đó không phải là câu chuyện mà các môn đệ muốn nghe muốn bàn. Bởi thế, lời Thầy lọt vô tai này, lại chạy qua lỗ tai kia, rồi đi thông thốc thẳng luôn ra ngoài, bởi Thầy ơi, chúng con đang bàn chuyện riêng tư. Mà tưởng là chuyện gì đại sự! Hóa ra, theo như thánh sử Mark, đề tài mấy người môn đệ hăng say thảo luận cũng vẫn chỉ liên quan đến hai chữ quyền lực (Mk 9:33-34).

Chưa đủ, ngay vừa sau khi Thầy tiên đoán lần thứ ba về cuộc thương khó, hai anh em James và John vẫn cứ tiếp tục lạc đường, lần này họ nhanh chân chạy đến tỉ tê với Đức Giêsu,

— Mai này khi Thầy vinh quang, xin cho anh em chúng con người bên tay trái người bên tay hữu nhé (Mark 10:37).

Vậy là ăn chắc. Đức Giêsu mà gật đầu thì thật đúng là đời nở ngàn vạn viên đá lót đường toàn bằng vàng ròng.

Mà thiết nghĩ hai ngàn năm trước và hai ngàn năm sau, cuộc đời nhân thế có lẽ cũng vẫn chưa có gì khác, cũng vẫn chỉ xoay quanh đề tài, quyền lực và tiền bạc.

Quyền Lực

Chẳng lạ chi, trong sa mạc Satan đã từng đem Đức Giêsu lên ngọn núi cao, chỉ cho Người thấy tất cả các thế gian, vinh hoa lợi lộc của trần gian, rồi nói: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi” (Matt 4:8-9).

Khéo quá! Thật đúng là Satan.

Có một số người vẫn cứ hỏi tại sao tôi đi tu. Một câu hỏi thật thà, mà nếu trả lời thành thực tôi lại hóa ra mắc kẹt. Nói dối thì không dám, nói thật thì ngượng đến chín người. Chẳng lẽ bây giờ lại kể rằng, cái hồi mới lớn, mười ba mười bốn, tôi thấy cha xứ của tôi quyền uy quá. Ngài cao lớn uy nghi, bởi ngài là chánh xứ và còn là hạt trưởng của hạt Chí Hòa rộng lớn mênh mông. Chiều chiều ngài mặc áo chùng đen, chắp tay sau lưng đi trên đường thăm hỏi dân tình. Giáo dân thấy ngài đều lễ phép một niềm. Mấy ông thanh niên bướng bỉnh, trộm xoài bẻ chuối, phá phách nhất nhì trong xứ thấy bóng ngài cũng im re. Hỏi sao thằng bé đang lớn không mê áo chùng đen. Cho nên tôi tuổi mười bẩy mới năn nỉ nhờ Sơ Mến Thánh Giá mang lên gặp Cha Giám Đốc Tiểu Chủng Viện Sài Gòn.

Mà cuộc đời ai chẳng ham quyền lực, bởi thiên hạ, ai chẳng phù thịnh, có ai lại phù suy. Người có danh có phận trong thiên hạ, đi cửa nào mà lại không lọt. Còn là khố rách cùng đinh, cầm mõ đi rao thì cầm chắc là hỏng. Ai mà trọng vọng? Ai mà nể vì? Có miếng xôi nguội ở dưới góc bếp đình làng người ta cũng chẳng buồn cho. Học trò ê a ba chữ nhất tự vi sư, ai liếc nhìn. Con gái trong làng bĩu môi chê, “Dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm”. Nhưng cứ thử đậu Quan Trạng mà coi, thôn làng mấy tổng chẳng vác võng ra đón tận từ đầu đường. Lúc đó khối cô con gái thắt đáy lưng ong tóc quấn đuôi gà thập thò trước cửa. Trong hãng điện tử vùng thung lũng, chỉ là Assembler hàn chì tháo ráp vớ vẩn mấy cái board điện tử, ai thèm nhớ tên. Nhưng cứ thử lên làm cai làm xếp dưới tay mười mấy người thợ mà coi, thiên hạ nhìn mình khác liền. Làm gì mà không một điều “Yes, sir”, hai điều cũng “Yes, sir”. Mà nếu Bụt thương tình cho nhảy lên làm Kỹ Sư thắt càvạt, ngồi một mình một cái văn phòng cubicle thì lại càng oai ra phết. Đời tự nhiên hóa ra mùa xuân rực rỡ sắc mầu.

Ca sĩ Michael Jackson, vua nhạc Pop, nổi tiếng với điệu nhảy Moonwalk lừng danh. Vừa nằm xuống là thiên hạ xôn xao. Báo điện tử cũng như báo giấy, tin tức truyền hình cũng như radio loan tin hằng phút hằng giờ những bản tin nóng bỏng về cuộc đời và thân thế người ca sĩ tài hoa thiên niên kỷ thứ ba. Được như thế cũng chỉ vì Michael Jackson là hoàng đế, mà lại là vị hoàng đế của một đế quốc nhạc Pop không biên giới trên dưới sáu tỷ người. Vua không ngai như thế làm gì mà Michael Jackson không dư thừa trong tay bao nhiêu quyền lực.

Tiền Bạc

Còn tiền bạc, thì thôi, khỏi nói. Tiền mà, ai lại chẳng thích, chắc chỉ trừ người mắc bệnh tâm thần. Phố tôi thuả xưa, có người thanh niên tâm thần, đã từng đứng ngay ngã ba lấy tiền bố mẹ phát tặng không cho thiên hạ. Tôi, con nít, nhanh tay vớ được tờ năm đồng màu xanh con chim phượng hoàng. Tôi cất tờ giấy năm đồng dưới gối, sáng hôm sau mua được gói xôi đậu phộng, có rắc mè. Tiền còn dư, tôi mua truyện tranh Xì Trum, Lữ Hân Phi Lục! Đời tự nhiên rộn ràng bởi tờ giấy năm đồng thuả đó.

Bạn tôi, Kỹ sư điện, hồi xưa bị hãng Intel sa thải, nằm ế dài trong nhà không có đồng xu. Bây giờ Trời thương, mở tiệm móng tay, làm ăn phát đạt, khách khứa tấp nập ở cửa tiệm, chỗ này manicure, chỗ kia pedicure, bàn bên này cô thợ đang làm full set cho một bà, bàn bên kia anh thợ đang thay móng cho một cô… Tiền đếm mỏi cả tay… Tự nhiên thiên hạ nhìn anh với ánh mắt khác liền. Thì cũng chỉ vì anh có tiền.

Mà lạ lắm, những người lớn tuổi, dù có là mắt kém, thông manh lông quặm, tai điếc đặc ra, nhưng tiền vẫn không đếm lộn. Ai mượn bao nhiêu, thiếu nợ ngày nào, các cụ vẫn nhớ rõ ràng và nhớ chính xác. Chẳng trách chi, người ta cứ nói, “Đồng tiền nó liền khúc ruột”. Đụng tới khúc ruột, ai mà chẳng đau chẳng xót.

Cho nên khi người thanh niên đến gặp Đức Giêsu xin Ngài chỉ dẫn phương cách để được sống đời đời. Đức Giêsu nhắc nhở người thanh niên bộ luật Mười Điều Răn. Người thanh niên xác định với Đức Giêsu tất cả những điều đó, thưa Thầy con đã tuân giữ từ thuả nhỏ. Nghe nói thế, Đức Giêsu yêu mến nhìn người thanh niên đề nghị anh về nhà bán hết gia sản, tặng cho người nghèo khó, rồi quay lại làm môn đệ Ngài. Nghe tới đây, người thanh niên sa sầm nét mặt. Lời đề nghị của Đức Giêsu đã trở nên muối mặn xót xa khúc ruột người đối diện. Cho nên anh ta bỏ đi, bởi anh chính là người giàu có (Mark 10:17-22).

Ơi tiền!

Tình Yêu Độ Lượng

Ông bà mình dạy,

Miệng kẻ sang có gang có thép.

Hóa ra đồng tiền là thước đo quyền lực của một người.

Có thời đàn ông Đài Loan không có khả năng lập gia đình với người bản xứ, mang tiền đô la sang bên Việt Nam chọn những cô gái đẹp nhất trong mấy làng mang về nhà làm vợ. Mấy ngàn tờ giấy đô la xanh tự nhiên hóa ra gang ra thép. Miệng kẻ có đô có quyền có vợ.

Nhưng có quyền lực, có tiền bạc, có vợ đẹp, như vậy đã đủ để có hạnh phúc hay chưa?

Người thanh niên trong câu truyện Tin Mừng chẳng phải có tiền, nhiều tiền là khác, nhưng anh vẫn phải lên đường tìm kiếm chân lý sống đời đời. Nói một cách khác, anh chàng vẫn còn cảm thấy chưa đủ, vẫn trống vắng với hạnh phúc. Lắng nghe lời yêu cầu, Đức Giêsu chỉ anh ta một chén thuốc đắng, uống ba lần: lần thứ nhất, sống từ bỏ, lần thứ hai, sống bác ái, và lần thứ ba, sống dấn thân.

Chuyện người thanh niên giầu có khẳng định một điều nếu không song hành đi đôi với tình yêu, cả hai, quyền lực và tiền bạc sẽ như kiềng hai chân rất là chênh vênh, do đó vẫn không trọn vẹn để có thể mang lại hạnh phúc cho bất cứ người nào đang sở hữu nó.

Nếu nói như vậy, thì thôi, bây giờ tôi sẽ xin thôi quyền lực và tiền bạc để có hạnh phúc hay sao?

Cũng không phải là như vậy.

Quyền lực và tiền bạc như tia nắng mặt trời. Để tự nhiên một mình, không thấy chi ngoài ánh sáng. Nhưng chiếu qua lăng kiếng, tia nắng mặt trời không mầu hóa ra cầu vồng bẩy mầu đẹp rực rỡ xôn xao. Cũng thế, quyền lực và tiền bạc được sử dụng bởi tình yêu nhân loại, diễn tả qua tấm lòng bác ái, hành xử qua tinh thần phục vụ, thực thi với đời sống dấn thân, quyền lực và tình yêu đó vươn mình trở nên hoàn hảo; khi đó quyền lực và tiền bạc trở nên cầu vồng bẩy mầu mang lại hạnh phúc cho người sở hữu và ngay cả những người anh chị em sống chung quanh.

Chẳng lạ chi trong thư thứ nhất gửi tới công đồng Corinth, thánh Phaolô đã từng nói những lời bất hủ về tình yêu tha nhân,

Nếu như tôi có nói được các thứ tiếng

của loài người và của các thiên thần đi nữa,

mà không có đức mến,

thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng,

chũm chọe xoang xoảng.

Nếu như tôi được ơn nói tiên tri,

và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu,

hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non,

mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì.

Nếu như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí,

hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt,

mà không có đức mến,

thì cũng chẳng ích gì cho tôi (1 Cor 13:2—3).

Cô thiếu nữ Việt Nam của đại học Berkeley tôi gặp, cũng bình thường như bao nhiêu người khác, cũng thích quyền lực và tiền bạc. Nhưng cô lại khác nhiều người lắm. Mà cái nét đặc biệt khiến cô khác người chính bởi cô sở hữu được tình yêu độ lượng. Chẳng lạ chi, cô đã dám từ bỏ tất cả, gia đình thân yêu, đời sống sung túc lên đường sang tận Phi Châu sống đời phục vụ. Những mẫu gương Kitô hữu như thế, mỗi lần nghĩ tới em, cô gái Việt Nam của đại học Berkeley, tôi vẫn nghiêng mình kính phục.

□ Nguyễn Trung Tây
www.nguyentrungtay.com

Bài học về sự thành công và hạnh phúc

Bài học về sự thành công và hạnh phúc

Quỳnh  Chi, phóng viên RFA

2013-02-15

Đối với nhiều người, câu chuyện của một bác sĩ trẻ người Singapore – Richard Teo Keng Siang không chỉ là một câu chuyện đầy cảm động và ý nghĩa mà nó ở một khía cạnh nào đó có thể làm thay đổi cuộc sống của họ.

Tải xuống – download

Bác sĩ Richard Teo (1972-2012)

Bác sĩ Richard Teo (1972-2012)

Danh vọng, tiền bạc không là tất cả

Nếu gõ từ Dr. Richard Teo trên công cụ tìm kiếm Google, sẽ thấy hơn 7 triệu kết quả trong vòng 0,28 giây. Trước khi mất vào tháng 10 năm ngoái, mặc dù là một bác sĩ có tiếng tại Singapore, ông Richard cũng không được nhiều người biết đến như vậy.

Những người biết đến ông đặc biệt là giới sinh viên Y khoa Singapore và những người có đức tin khi ông chia sẻ cuộc hành trình của chính cuộc đời mình trong những ngày tháng cuối đời chống chọi với căn bệnh ung thư phổi hiểm nghèo. Người ta biết đến ông, nhớ về ông không phải vì ông đã thành công trong việc tạo ra một câu chuyện cảm động từ chính cuộc đời mình mà là bài học ông rút ra từ bi kịch mà ông trải qua.

Nói chuyện tại một buổi lễ ở một nhà thờ Tin lành vào cuối tháng 11 năm 2011, giọng ông Richard đã bắt đầu trầm thấp và khàn đục. Nhưng chỉ hai tháng sau đó, nói chuyện tại một lớp nha khoa ở Singapore, giọng nói ông lại càng khó nghe ông như một mớ âm thanh ồn ào, sột soạt bởi lúc đó ông đang vật vã với đợt hóa trị lần 5.

Người đàn ông ốm yếu, không còn sinh khí, ăn mặc đơn giản nhưng lại cầm micro phone bày tỏ một cách tự tin trước bao  sinh viên nha khoa khiến nhiều người phải tò mò đặt câu hỏi “Bác sĩ Richard TeoKeng Sieng là ai?

“Tôi là một sản phẩm đặc trưng của xã hội. Tôi là sản phẩm đặc trưng mà giới truyền thông vẽ ra. Từ lúc còn trẻ, tôi bị ảnh hưởng và có ấn tượng rằng thành công là hạnh phúc. Và để thành công thì tôi phải giàu có”.

Tất cả đều diễn ra rất tốt đẹp. Thời vinh quang của tôi đã đến. Tôi ở tột đỉnh của sự nghiệp. Tôi có mọi thứ trong cuộc sống…Thế nhưng tôi đã lầm. Tôi không thể chế ngự mọi chuyện

Dr.Richard Teo

Thời còn ngồi ở giảng đường đại học, ông Richard là một trong những học sinh giỏi của trường đại học quốc gia  Singapore (NUS). Cũng như những thanh niên đầy hoài bão và tự hào về chính bản thân mình, ông Richard là mẫu người luôn ganh đua để đạt được những gì mình muốn: bạn gái, thể thao, học hành… Richard trở thành sinh viên trường y của
khoa giải phẩu mắt – một trong những chuyên khoa khó nhất – với học bổng nghiên
cứu của NUS.

Trong thời gian nghiên cứu, ông đạt được hai bằng phát minh về dụng cụ y khoa và tia lasers. Tuy nhiên, đây không   phải là những gì Richard hướng tới vì nó không mang đến cho ông sự giàu có.

“Sự thật thì những người có thu nhập trung bình không được gọi là anh hùng. Người ta tạo ra anh hùng từ những người nổi tiếng giàu có, từ những chính trị gia, từ người giàu có và nổi tiếng. Và tôi muốn trở thành một trong số họ”.

Chiếc Ferrari f70 Enzo 2012 (ảnh minh hoạ) The Motor Report

Chiếc Ferrari f70 Enzo 2012 (ảnh minh hoạ) The Motor Report

Richard dừng công việc của một bác sĩ chữa bệnh và trở thành một bậc thầy về sắc đẹp. Theo ông, đây chính là ngành hái ra tiền nhiều và nhanh. Một người có thể bỏ ra 30 đô la cho một lần đi bác sĩ nhưng vẫn than phiền. Tuy nhiên, họ lại sẵn sàng bỏ ra cả 10 ngàn đô là để hút mỡ mà lại vui vẻ.

Với khả năng thiên phú của mình, Richard đã chuyển sang ngành phẫu thuật thẩm mỹ không quá khó khăn cũng như không quá khó khăn để ông mở một phòng mạch cho công việc này. Rồi chẳng mấy chốc Richarad trở thành triệu phú khi phòng mạch có thêm 1, 2, 3 rồi 4 bác sĩ. Lịch chờ đợi để được phẫu thuật từ 1 tuần kéo dài đến 3 tháng và Richard có
thêm cơ hội thu hút nhiều khách ở nước láng giềng Indonesia.

“Tất cả đều diễn ra rất tốt đẹp. Thời vinh quang của tôi đã đến. Tôi ở tột đỉnh của sự nghiệp. Tôi có mọi thứ trong cuộc sống”

Richard chia sẻ một cách thật thà, hơi phóng khoáng cộng một chút chua chát tại các buổi nói chuyện với các sinh viên, các anh chị em trong Chúa những lúc cuối đời. Chỉ trước đó vài tháng, ông  chưa nghi ngờ về thời mà ông gọi là vinh quang đó.

Tiền bạc dư dả, Richard đã sắm chiếc xe đắt giá Ferrari. Cuối tuần ông tiêu khiển tại các câu lạc bộ đua xe hơi. Richard xây dựng nhà cửa, có khu nghỉ mát và hòa nhập với những người giàu có và nổi tiếng. Ông từng giao du với những người thành công nhất trên thế giới,
những hoa hậu được nhiều người biết đến và thưởng thức những món ăn của các đầu
bếp nổi tiếng tầm thế giới.

Richard chia sẻ ông đã từng nghĩ mình chế ngự được mọi việc và có thể tạo nên mọi thứ với đôi tay của

Bác sĩ Richard Teo năm 40 tuổi (năm ông mất)

Bác sĩ Richard Teo năm 40 tuổi (nămông mất) Source Facebook

mình. Chính vì thế, trước khi mắc bệnh, ông chưa từng nghĩ mình cần bất cứ ai, kể cả Chúa.

“Thế nhưng tôi đã lầm. Tôi không thểchế ngự mọi chuyện.”

Tháng 3 năm 2011, Richard bắt đầu bị  đau lưng và kết quả xét nghiệm cho thấy ông bị ung thư phổi giai đoạn 4b – giai đoạn cuối. Ung thư đã lan tới não, cột sống và nội tuyến. Theo chuẩn đoán, ông  chỉ còn sống được 3-4 tháng. Dĩ nhiên với sự tự tin pha lẫn chút ngoan cố và hiếu thắng, Richard không tin những gì diễn ra trước mắt mình là thật. Ông chưa
qua tuổi 40, không uống rượu, chỉ hút thuốc khi xã giao, và ông tập thể dục 6
ngày một tuần. Và điều quan trọng hơn hết là ông giàu có. Ông từng nghĩ rằng
chỉ có người nghèo mới chịu khổ ải.

“Các em có biết, có lúc tôi hoàn toàn nghĩ mình đã chế ngự được cuộc sống, đã đạt đến tột đỉnh cuộc sống nhưng tiếp đó tôi mất tất cả”.

Richard rơi vào trạng thái chán nản  và tuyệt vọng. Ông luôn đặt câu hỏi “Vì sao phải là tôi?” Khi mắc bệnh, ông bất ngờ nhận ra rằng những thứ ông cất công theo đuổi như xe hơi đắt tiền, nhà lầu,  khu nghỉ mát lại không mang đến niềm vui cho ông khi ông xuống tinh thần. Nói
với sinh viên nha khoa vào tháng 1 năm 2012, ông chia sẻ:

“Vậy mà tôi đã tưởng những thứ này
là hạnh phúc. Không phải vậy. Tôi khoe khoang để lấp đầy sự kiêu hãnh và cái
tôi của mình. Chúng cũng chẳng mang lại niềm vui cho bạn bè, người thân như tôi
tưởng. Điều thật sự mang lại niềm vui trong 10 tháng cuối cùng là tiếp xúc với
người thân, bạn bè, những người cười và khóc cùng tôi”.

Sắp chết mới biết nên sống như thế nào

Lúc chia sẻ những lời cuối cùng này vào tháng 1 năm ngoái, Richard đã trải qua lần hóa trị thứ 5 – đau đớn và dằn vặt. Một trong những sự dằn vặt lớn nhất của bệnh ung thư là sự dằn vặt về tinh thần bởi họ sống mất hết hy vọng vì biết rằng chỉ một thời gian ngắn nữa họ sẽ
vĩnh viễn nằm yên dưới lòng đất. Là một bác sĩ, hơn ai hết Richard biết điều đó
và tuyệt vọng. Đến lúc này trở thành một bệnh nhân, ông mới thấu được nỗi đau
của các bệnh nhân ông từng tiếp xúc với sự vô cảm trước đó. Richard từng sống
và cho rằng chữa bệnh chỉ là một công việc và không cho bệnh nhân chút thông
cảm nào.

“Đừng nghĩ rằng người nghèo mới phải khổ. Điều này không đúng. Những người nghèo khó vốn không có gì. Họ dễ dàng chấp nhận. Do đó, họ hạnh phúc hơn các em và tôi.”

Richard nhận ra rằng càng tích tụ,
ông càng trở nên ham muốn và càng có động lực để đạt được. Thành công, giàu có
không có gì sai trái nhưng sự lệ thuộc và không thể kìm hãm lòng ham muốn mới
chính là vấn đề. Richard chia sẻ điều này sau nhiều năm ông miệt mài kiếm tiền
và hả hê với những món của cải mình đạt được.

“Mọi người đều biết rằng một ngày
nào đó mình sẽ chết, ai cũng biết thế. Nhưng sự thật không ai tin. Thật trái
ngược rằng, chỉ khi sắp chết thì mình mới biết nên sống như thế nào. Tôi biết
điều này khi bệnh hoạn nhưng đó là sự thật và tôi đang trải qua”.

Đoạn video clip ghi lại buổi nói
chuyện của Richard trước các sinh viên mặc dù không thật rõ nét nhưng cũng đủ
để người ta thấy được sự xúc động nơi người bác sĩ trẻ. Ông Richard nói rằng
ông đã trả một giá đắt cho bài học phải sống thế nào.

Thật trái ngược rằng, chỉ khi sắp
chết thì mình mới biết nên sống như thế nào. Tôi biết điều này khi bệnh hoạn
nhưng đó là sự thật và tôi đang trải qua.

Bác
sĩ Richard Teo Keng Sieng

“Đừng quên khi thành danh, các em
đưa tay đến những người cần giúp đỡ. Bất cứ việc gì các em làm đều có thể mang
đến sự khác biệt cho họ. Bây giờ ở vị trí người tiếp nhận, tôi hiểu rõ. Đừng để
xã hội bảo ban các em cách sống. Điều này đã xảy ra với tôi. Tôi ngỡ như vậy là
hạnh phúc. Hạnh phúc thật sự không có được khi chỉ sống cho mình”.

Thời sinh viên, Richard được rửa tội
theo đạo Tin lành nhưng ông không đến nhà thờ và cho rằng tiền bạc sẽ mang lại
hạnh phúc. Ông từng sống và nghĩ rằng mình không cần Chúa vì bản thân ông có
thể tự tạo ra được những gì mình muốn. Sự ngoan cố và cao ngạo đã khiến ông
nghĩ rằng những điều kì diệu xảy ra đối với ông là do trùng hợp. Sự sống của
ông kéo dài nhiều tháng trước khi mất trước sự ngạc nhiên của nhiều bác sĩ được
ông giải thích là do trùng hợp. Tuy nhiên, đã có quá nhiều sự trùng hợp xảy ra
trong những tháng cuối đời khiến ông bị thuyết phục. Ông chưa bao giờ đọc Kinh
thánh nhưng trong một giấc mơ chập choạng lại thấy dòng chữ Hebrews 12: 7-8.
Tỉnh dậy, ông tìm trong Tân ước và thấy lời Chúa nói rằng:

“Ví bằng anh em chịu sửa phạt ấy là
Đức Chúa Trời đãi anh em như con, vì có người nào làm con mà cha không xử
phạt?Tôi nghĩ niềm vui sướng thật sự là khi biết Thượng Đế. Đây là điều quan
trọng nhất mà tôi học hỏi được”,
Richard
chia sẻ.

Câu chuyện của ông Richard không chỉ
gây xúc động trong những người tin Chúa:

“Mình tên Hải Đường. Cách đây 2
tháng mình có đọc câu chuyện này. Mình nghĩ nó mang ý nghĩa thực hơn là cảm
động. Nó phản ánh chân thực giáo lý Vô thường & Nhân quả trong nhà
Phật,  nhắc nhở con người sống trọn vẹn với cái tâm trong sạch và lành
thiện trong từng khoảnh khắc để tạo an lạc cho mọi người và cho chính mình”,
một bạn theo đạo Phật tên Hải Đường cho biết.

Còn bạn Ngọc Nguyên (Tp.HCM) chia
sẻ: “Mình tên Ngọc Nguyên, mình đọc được câu chuyện này vào đầu năm. Mình rất
xúc động. Mình nghĩ trong cuộc sống chúng ta nên quý trọng những gì mình có.
Quan trọng hơn hết là phải kính trọng đấng Thiêng liêng bởi dù có giỏi đến đâu
thì mình cũng chỉ là một nhân tố rất nhỏ trong vũ trụ mà thôi”.

Bác sĩ Richard Teo Keng Sieng mất
vào ngày 18 tháng 10 năm ngoái, hưởng thọ 40 tuổi. Câu chuyện của ông được lan
truyền trên mạng như một điển hình cho sự thành công và hạnh phúc. Đó cũng là
một câu chuyện điển hình của sự phụ thuộc vào vật chất, chuyện của những bác sĩ
đặt y đức sau đồng tiền và là một câu chuyện cảm động về lòng kính phục, khiêm
nhường trước đấng siêu nhiên.

Có lẽ không quá thiếu lý khi cho
rằng người ta thường biết cái giá của mọi thứ nhưng lại hiếm khi biết được giá
trị của nó. Steve Jobs – người sáng lập thương hiệu máy tính Apple từng viết
rằng “Tôi và khi 23 tuổi, tôi đáng giá 1 triệu đô la. Khi 24 tuổi tôi đáng giá
10 triệu đô la. Khi tôi 25, tôi đáng giá 100 triệu đô la. Nhưng điều đó không
quan trọng lắm vì tôi không làm vì tiền”. Có lẽ không phải ai cũng nghĩ như
Steve Jobs. Và chắc chắn rằng không phải ai cũng tin rằng mình sẽ ra đi mãi mãi
một ngày nào đó để sống xứng đáng cho cuộc đời.

Liên lạc với tác giả tại: Quynhchi@rfa.org.