Kinh Thánh có cho ta biết đường dẫn đến hạnh phúc không?-Cha Vương

Một ngày tràn đầy niềm vui và hạnh phúc trong Chúa nhé.

Cha Vương

Thứ 5: 5/02/2024

GIÁO LÝ: Kinh Thánh có cho ta biết đường dẫn đến hạnh phúc không? Ta sẽ được hạnh phúc nếu tin vào Lời Chúa Giêsu trong các mối phúc. (YouCat, số 282)

SUY NIỆM: Tin Mừng là lời hứa ban hạnh phúc cho tất cả những ai muốn theo đường của Chúa. Chính trong các Mối Phúc (Mt 5,3-12) mà Chúa Giêsu chỉ cho biết cách cụ thể rằng: sự chúc lành vĩnh cửu sẽ được ban cho ai theo lối sống của Chúa và ai tìm kiếm hòa bình bằng tâm hồn trong trắng. (YouCat, số  282 t.t.)

❦ Thiên Chúa dựng nên chúng ta vì niềm vui. Thiên Chúa là niềm vui, và niềm vui sự sống phản ánh niềm vui ban đầu đã có ở nơi Thiên Chúa khi dựng nên chúng ta.—Thánh Gioan Phaolô II

❦ Khi chúng ta chỉ mong đợi đau khổ, thì niềm vui nhỏ bé nhất cũng làm chúng ta kinh ngạc: Đau khổ tự nó trở thành niềm vui lớn lao nhất khi chúng ta tìm kiếm nó như một kho tàng quý giá.—Thánh Têrêsa Lisieux

LẮNG NGHE: Kẻ chú tâm vào lời Chúa dạy sẽ gặp chuyện tốt lành, người đặt niềm tin vào ĐỨC CHÚA thật hạnh phúc dường bao. (Cn 16:20)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Ki-tô Phục Sinh, niềm khao khát Thiên Chúa được ghi khắc trong trái tim con, chỉ nơi Thiên Chúa con mới gặp được chân lý và hạnh phúc mà con không ngừng tìm kiếm. Xin giúp con vượt qua những khó khăn để được ở bên Chúa suốt đời.

THỰC HÀNH: Điều gì đang làm bạn đau khổ? Mời bạn hãy nhớ lại niềm vui ban đầu của một mối quan hệ, một mối tình, một cuộc gặp gỡ, một hành trình ơn gọi… để lấy lại điềm tĩnh mà chạy đến Chúa.

From: Do Dzung

Hạnh phúc đời con – tinmung.net 

CHIỀU KÍCH HOÀN VŨ CỦA ƠN CỨU ĐỘ – TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

Cuộc thị kiến của ông Phê-rô đã đưa ông và các tông đồ tiến tới một quyết định quan trọng.  Đó là mọi dân đều có thể đón nhận ơn Cứu độ mà Thiên Chúa đã thực hiện trong Đức Giê-su Ki-tô.  Trước đó, ông Phê-rô đã thấy hình ảnh một chiếc khăn lớn từ trời.  Trong chiếc khăn ấy có đủ mọi loài sinh vật, kể cả những sinh vật mà Do Thái giáo cấm ăn.  Ông đã ngỡ ngàng trước thị kiến này, và sau đó ông đã hiểu thông điệp mà Chúa Thánh Thần muốn nhắn gửi: Chúa Giê-su đem ơn Cứu độ đến cho muôn dân.

Trước đó, ông Phê-rô cũng như các tông đồ khác đều hiểu ơn Cứu độ chỉ dành cho người Do Thái.  Vì vậy, sau khi Chúa Giê-su về trời, các ông vẫn chuyên cần đến Đền thờ để cầu nguyện, đồng thời gặp gỡ những người Do Thái để nói với họ về sự Phục Sinh của Chúa Giê-su, nhằm minh chứng cho họ thấy: Đức Giê-su là Đấng muôn dân mong đợi và nhân loại không còn phải chờ đợi một đấng cứu độ nào khác.  Khởi đi từ thị kiến nói trên, các tông đồ đã được khai trí và hoàn toàn thay đổi quan niệm chật hẹp về Ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã thực hiện qua cuộc khổ nạn và Phục Sinh của Đức Giê-su thành Na-da-rét.

Sau này, sự chống đối của người Do Thái cũng dẫn ông Phao-lô đi đến một quyết định căn bản.  Ông tuyên bố: “Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố Lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ Lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại” (x. Cv 13,44-52).

Thiên Chúa không thiên vị người nào.  Ông Phê-rô khẳng định như thế.  Chúa Thánh Thần như dòng suối mát, phong phú tràn trề.  Bất cứ ai thành tâm tin vào Chúa Giê-su đều được Chúa Thánh Thần ban ơn phù trợ.  Bài đọc I đã minh chứng: Trong lúc ông Phê-rô giảng, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống nơi tất cả những người đang nghe Lời Chúa.  Như thế, không ai có quyền ngăn cản hoạt động của Chúa Thánh Thần.  Ơn Chúa Thánh Thần cũng không còn là độc quyền của một số cá nhân nhưng được ban cho mọi dân mọi nước.  Đây là một nét mới mẻ trong Ki-tô giáo mà ngay từ ban đầu các tông đồ đã hiểu.

Chúng ta chuẩn bị mừng lễ Chúa Giê-su lên trời.  Phụng vụ hôm nay dường như muốn truyền lại cho chúng ta lời di chúc của Chúa Giê-su, hay còn gọi là di ngôn của Người.  Trong khung cảnh sau bữa Tiệc ly của ngày thứ Năm trước lễ Vượt Qua, Chúa Giê-su đã trải lòng với các môn đệ bằng những lời tâm huyết tự trái tim.  Người biết trước các ông sẽ phải đối diện với trăm ngàn thử thách.  Người uý lạo các ông và hứa sẽ ban Đấng Phù Trợ là Chúa Thánh Thần.  Giữa những khó khăn thử thách chất chồng ấy, các ông có thể tìm thấy sức mạnh nơi tình yêu thương.  Lời dặn: “Hãy yêu thương nhau” được lặp đi lặp lại như điệp khúc của bản nhạc diễn tả tâm tình thầy trò vào giờ phút linh thiêng nhất.  Chúa nói với họ: Người sẽ không còn hiện diện hữu hình như từ trước tới nay nữa nhưng Người sẽ hiện diện giữa họ và trong lòng họ, nếu họ yêu mến Người và yêu mến nhau.  Chính tình yêu mến dành cho Chúa Giê-su và cho anh em sẽ làm nên sức mạnh của cộng đoàn tín hữu và sẽ là điều kiện để những hoạt động của các ông sinh hoa kết trái.

Lời mời gọi yêu thương được gửi đến các Ki-tô hữu từ hai ngàn năm nay.  Lời ấy còn phải được lặp đi lặp lại mãi, bao lâu chúng ta còn hiện hữu trên trần gian.  Bởi lẽ, đây là giới răn cốt lõi quan trọng và là điều kiện căn bản để trở thành môn đệ của Chúa Giê-su.  Hơn nữa, bản tính con người do yếu đuối và hữu hạn, luôn có khuynh hướng đi ngược lại giới răn yêu thương.  Tiếc thay có những lúc đức yêu thương bị lãng quên nơi các cộng đoàn và nơi cá nhân những Ki-tô hữu.  Như thế, vô tình hay hữu ý, họ làm lu mờ hình ảnh Đức Giê-su nơi đời sống đức tin, thậm chí biến Người thành một kẻ xa lạ.  Chúa đã khẳng định: Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).

Yêu thương là cốt lõi giáo huấn của Chúa Giê-su.  Tông đồ Gio-an đã thấm nhuần lời dạy yêu thương của Chúa, nên sau đó, ông nhấn mạnh đến tình yêu thương trong các thư của mình.  Bài đọc II của Phụng vụ hôm nay là một bằng chứng cho điều đó.  Thánh Gio-an an còn tiến xa hơn trong giáo huấn này khi ông khẳng định: “Phàm ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra và người ấy biết Thiên Chúa.”  Như thế, nhờ đức yêu thương mà chúng ta trở nên con Thiên Chúa.  Đương nhiên, đó là đức yêu thương theo gương mẫu Đức Giê-su để trở nên đồng hình đồng dạng với Người và trở thành nghĩa tử của Chúa Cha.

Hãy cảm nhận niềm vui và vinh dự của người Ki-tô hữu.  Vẫn còn đó những thử thách gian nan nhưng người Ki-tô hữu, nhờ ơn phù trợ của Chúa Thánh Thần, sẽ cảm nhận được niềm vui và sẽ trở nên chứng nhân của niềm vui cho thế giới hôm nay.

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

From: Langthangchieutim


 

NHƯNG CÒN LÀ GIÁO HỘI – (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 Thứ Năm Tuần V – Mùa Phục Sinh

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

9 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. 10 Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. 11 Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.”

NHƯNG CÒN LÀ GIÁO HỘI

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

“Nếu các con giữ các điều răn của Thầy, các con sẽ ở lại trong tình thương của Thầy!”.

“Chúa Kitô là đầu, Giáo Hội là thân mình Ngài. Đầu phải có một thân! Để làm công việc của Chúa Kitô – đúng theo nghĩa đen – Giáo Hội là đôi tay; để lên đường rao truyền Chúa Kitô, Giáo Hội là đôi chân; để công bố Lời Chúa Kitô, Giáo Hội là tiếng nói. Yêu mến Chúa Kitô là yêu mến Giáo Hội; chống đối Chúa Kitô, thì không chỉ chống đối Ngài, ‘nhưng còn là Giáo Hội’ của Ngài!” – William Barclay.

Kính thưa Anh Chị em,

Khi nói “Ở lại trong tình thương của Thầy”, Chúa Giêsu không chỉ nói đến tình yêu của chúng ta đối với Ngài; ‘nhưng còn là Giáo Hội’ Ngài đã thiết lập và hết sức yêu thương!

Như Evà hình thành từ cạnh sườn Ađam, Giáo Hội hình thành từ cạnh sườn Chúa Kitô. Giáo Hội và Chúa Kitô là một! Bạn không thể nói, “Lạy Chúa, vâng! Và Giáo Hội, không!”. Chính nhờ Giáo Hội, bạn và tôi chào đời trong đức tin, lãnh nhận bao ân tứ đức tin và lớn lên trong đức tin.

Thật thú vị, bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay đúc kết ‘sắc dụ’ của ‘Công Đồng đầu tiên’ về việc “Cắt bì hay không cắt bì!”. Các tông đồ – bản quyền đại diện Chúa Kitô – vốn không phải là một tổ chức thuần tuý nhân loại, ‘nhưng còn là Giáo Hội’ của Thánh Thần – với sự trợ giúp của Ngài – đã tìm ra giải pháp tối ưu cho nan đề này! Giáo Hội đã tránh được những thực hành không là trọng tâm của đức tin; cùng lúc loại bỏ những gì không thiết yếu. Nguyên tắc vàng ‘khoan dung’ được tuân thủ từ cả hai phía ‘bảo thủ’ và ‘tiến bộ’; nhờ đó, Giáo Hội hiệp nhất và Tin Mừng tiếp tục toả lan, “Hãy kể cho muôn dân được biết những kỳ công Chúa làm!” – Thánh Vịnh đáp ca.

Với những con người đầu tiên đó, Chúa Kitô xây nên Toà Nhà Hội Thánh; và hơn 2.000 năm qua, luôn có các đấng kế vị bảo tồn, canh tân và lưu truyền. Vì thế, Chúa Kitô muốn chúng ta yêu thương các Giám mục, Linh mục; đặc biệt, Đức Thánh Cha, đại diện Ngài. Chúng ta cần biết những giáo huấn ngài dạy, khó khăn ngài gặp… để hiệp thông, cầu nguyện cho ngài. Chỉ cần một chút quan tâm, một chút thời gian, bạn có thể tiếp cận ngài; có thể biết các khó khăn của các mục tử, cả sự kiên trì của họ. Chính nhờ các ngài, Thánh Thể, các Bí tích hiện diện khắp nơi. Hãy cám ơn Đức Thánh Cha, các Giám mục, Linh mục; cám ơn Giáo Phận, Giáo Xứ và cộng tác theo sức mình.

Anh Chị em,

“Yêu mến Chúa Kitô là yêu mến Giáo Hội!”. Đức Phanxicô nói, “Bạn không trở thành Kitô hữu từ phòng thí nghiệm; Giáo Hội sinh chúng ta như bà mẹ sinh con! Tại giếng Rửa Tội Latêranô, có một bản khắc Latin: “Nơi đây, sinh ra một dân tộc, dòng dõi Thiên Chúa, bởi Thánh Thần, Đấng làm nước này nên phong phú. Mẹ Giáo Hội sinh con cái trong sóng nước này!”. Đẹp không? Chúng ta không thuộc về Giáo Hội như thuộc về một hiệp hội; nhưng như ‘cuống rốn’ nối kết sinh tử với mẹ mình!”. Mọi bà mẹ đều thiếu sót. Khi ai nói tới các thiếu sót của mẹ mình, chúng ta che lại, chúng ta yêu chúng, thế thôi! Tôi có yêu Giáo Hội như yêu Mẹ tôi không? Tôi có giúp Mẹ tôi đẹp hơn không?”. Đừng quên, tôi càng thánh thiện, khuôn mặt Mẹ tôi càng xinh; tôi càng bất xứng, khuôn mặt Mẹ tôi càng khó nhìn! Mẹ tôi sáng láng hay lấm lem, tuỳ ở tôi!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con không chỉ là con, ‘nhưng còn là Giáo Hội’. Con là Giáo Hội, Giáo Hội là Mẹ con. Đừng để con quên, khuôn mặt Mẹ con xinh đẹp hay lem luốc, tuỳ con!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen


 

Tiểu khí của người nhỏ nhen

 Thái Hạo

Anh em trong nhà, đánh nhau một trận, năm mươi năm sau còn ăn mừng chiến thắng. Đó là tiểu khí của người nhỏ nhen.

Người Mỹ đánh nhau, hai miền đều hạ vũ khí, không ai là kẻ thua trận, không ai bị sỉ nhục. Đó là phong độ của người quân tử: nhân văn và quảng đại. Không lạ khi Mỹ thành siêu cường.

Hòa giải chỉ có thể đến từ bên thắng cuộc. Thù hận hay ăn mừng, cả hai đều bít lối tương lai. Cờ quạt và lễ lạt chỉ chứng tỏ bụng dạ hẹp hòi, dân tộc không bao giờ lớn nổi.

NGƯỜI SÀI GÒN? LÀ NGƯỜI BIẾT “CHƠI ĐẸP”

 My Lan PhamNhững Câu Chuyện Thú Vị

NGƯỜI SÀI GÒN? LÀ NGƯỜI BIẾT “CHƠI ĐẸP”

Matthew NChuong

Kể từ sau 30/4/1975 lịch sử xoạc sang trang khác. Hai chữ “chơi đẹp” rơi rụng theo dòng thời gian, rồi ít hẳn trong lối sống hiện nay thì phải?

(bài dưới đây đã đăng cách đây mấy năm, thấy vẫn còn đáng suy ngẫm lắm, bài từ fb John Phạm)

*****

“Lần đầu tiên lên Sài Gòn là để đi thi đại học. Tôi và một thằng bạn thi chung trường nên đi chung với nhau.

Ngay sau khi thi xong môn đầu tiên, hai đứa kéo nhau ra quán cạnh trường kêu hai dĩa cơm sườn. Cầm cái muỗng, cái nĩa để ăn cơm dĩa mà cứ lọng cọng. Ăn hết dĩa cơm, uống cạn mấy ly trà đá tự múc ở trong cái xô để ở góc quán, mà bụng vẫn trống không.

Ngó quanh ngó quất, thấy bàn nào cũng để một nải chuối, mọi người ăn xong cứ thuận tay bẻ. Thế là hai đứa sáng mắt, chuối này chắc người ta cũng cho không như trà đá. Chỉ một loáng, nguyên nải chuối để trên bàn chỉ còn đống vỏ.

Khi tính tiền, thấy phụ quán cứ đếm đi đếm lại mấy cái vỏ chuối để trên bàn, đâm lo không biết tiền mang theo có đủ trả không. Nhìn hai đứa gom từng đồng bạc để bỏ lên bàn, chủ quán bước lại, nói:

”Thôi, tính hai dĩa cơm thôi. Phần chuối chắc là không biết có tính tiền nên lỡ ăn, chị không tính. Ngày mai ăn có thiếu thì cứ kêu cơm thêm mà ăn, để bụng đói không làm bài được đâu”.

*****

Trong những năm của thập niên 80, có lần tôi thử sức mình với nghề đạp xích lô. Chạy lòng vòng Sài Gòn cả tiếng đồng hồ, ngang qua rạp Quốc Thanh, thấy một đôi nam nữ đi ra, ngoắc lại: “Xích lô!”.

Luồn tay kéo thắng ngừng xe lại, tôi hỏi: “Anh chị đi đâu?”

– Cho ra bến xe Miền Tây. Nhiêu?

Mới lên Sài Gòn tập tành chạy xe kiếm sống, biết bến xe Miền Tây đâu mà cho giá. “Dạ, em mới chạy xe chưa rành đường, anh chị chỉ đường em chở. Tới đó cho nhiêu thì cho”.

Anh con trai nói: “15 đồng mọi khi vẫn đi. Cứ chạy đi, tui chỉ đường”.

Sức trẻ, thế mà vẫn không chịu nổi đường xa, đạp xe chở hai người từ rạp Quốc Thanh đến chân cầu Phú Lâm thì đuối. Tôi mới nói: “Em mới chạy xe, đi xa không nổi. Anh chị thông cảm, đi xe khác giùm”.

Ai ngờ anh con trai ngoái đầu lại, nói: “Tui biết ông đuối từ hồi nãy rồi. Thôi leo lên đằng trước ngồi với bà xã tui. Đưa xe đây tui đạp cho. Tui cũng từng đạp xích lô mà!”.

Thế là… được khách chở, đã vậy đến nơi, anh con trai còn trả tiền đầy đủ, không thèm bớt cắc nào vì thực ra tôi chỉ mới chở được hơn nửa đường.

*****

Hỏi người Sài Gòn về đường sá thật dễ chịu, già trẻ, lớn bé đều chỉ dẫn tận tình. Có nhiều người còn bỏ cả công việc để dẫn kẻ lạc đường đi đến đúng địa chỉ cần tìm.

Có những địa chỉ nhiều người hỏi quá, thế là người Sài Gòn làm một cái bảng đặt bên lề đường, gắn vào gốc cây. Như cái bảng viết trên nắp thùng mốp trên đường Sư Vạn Hạnh: “Bà con nào đi photo thì qua bưu điện bên đường, mé tay phải, 10m. Hỏi hoài mệt quá!”.

Ở Sài Gòn, có nhiều nhà đặt một bình trà đá trước nhà, kèm thêm một cái ly, một cái bảng “nước uống miễn phí”.

Khi bạn đang chạy xe trên đường phố Sài Gòn, nếu có ai đó la lớn nhắc bạn quên gạt cái chân chống, hoặc nhắc bạn nhét cái bóp vào sâu trong túi quần bị lòi ra sắp rớt, đích thị đó là người Sài Gòn!

Bây giờ còn vậy nữa không, nhiều hay ít?

Mà nếu bạn không còn gặp những người như vậy, câu trả lời của tôi là… những người mà bạn gặp đó không phải là người Sài Gòn. Vậy thôi.”

THAY LỜI KẾT

Đây là mẩu chuyện ngắn từ một người tù:

“Năm 1978 khi ra tù, tại ga xe lửa đường Lê Lai, một anh xích lô chạy đến hỏi tui :“Về đâu?”. Tui nói thật, “Mới ra tù, không còn tiền…”. Anh xích lô huơ tay, nói ngay: “Lên đi ông nội, tui chở về. Không có tính tiền đâu“. Làm sao tui quên được câu nói đó…”

Không bị chết cứng bởi quan điểm chính trị chính em gì ráo, người Sài Gòn sống với nhau quan trọng hơn hết là phải biết “CHƠI ĐẸP”.

Hai chữ “chơi đẹp” nghe gọn lỏn, mà hay vô cùng.

Hình như hai chữ “chơi đẹp” đã biến mất khỏi ngôn ngữ hiện nay rồi thì phải…

Sưu tầm

My Lan Phạm


 

FACEBOOK – Thật & Ảo – Lợi & Hại

Cẩn thận khi dùng Facebook.

*****

Antonio Son Tran

Facebook EM LÀ Ai?

1- Facebook kết nối con người nhưng sự khác biệt lại đẩy họ rời xa nhau.

Không ở đâu, sự hợp/tan lại diễn ra dứt khoát và lặng lẽ như ở trên facebook.

Chỉ cần một click chuột là ta đã có thể thêm một người bạn, và cũng chỉ cần một cú nhấp chuột, họ có thể trở thành xa lạ với ta mãi mãi.

2- Không phải mọi điều được post lên facebook đều là sự thật, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến tuổi tác và vẻ bên ngoài của chủ nhân.

Nhưng tâm trạng của họ thì không thể giấu được.

Tất nhiên là nếu ta chịu khó dừng lại và để tâm suy ngẫm.

3- Những cô đơn chất chồng, cô đơn đến đặc quánh lại thường ẩn giấu trong những stt rất ngắn gọn và tưởng chừng như rất đỗi bâng quơ.

Khi gặp những stt như vậy, sự ân cần thăm hỏi chỉ nhận được những bâng quơ khó hiểu hơn nữa mà thôi!

4- Chỉ qua những con chữ đăng lên facebook, ta có thể biết được tâm tính của người viết.

Ai cục cằn thô lỗ, ai tế nhị khiêm nhường, ai vui vẻ hài hước … tất cả những điều đó đều hiển hiện lên ở những stt của họ.

5- Trên facebook ”like” chưa bao giờ là một đảm bảo rằng rất ”thích”, một cái mặt cười đến ngoác miệng chưa bao giờ là điều phản ánh tâm trạng thật của chủ nhân.

Vì thế hãy tỉnh táo.

Đừng bao giờ căn cứ vào số lượng ”like” để rồi vui hay buồn theo chúng.

6- Nhận xét sau có thể chưa đúng với mọi người viết, nhưng không thể phủ nhận sự ”thả lỏng” mình khi viết stt của những nhà văn, kể cả những nhà văn, nhà báo có tên tuổi.

Đọc stt của họ trên facebook, ta thấy họ đời hơn. Họ đã trở nên gần gũi với chúng ta rất nhiều nhờ cây cầu tuyệt vời mang tên facebook!

Tuy vậy, xin phép được mở ngoặc để nói nhỏ với nhau một đề nghị này: xin các văn sĩ, thi sĩ đừng văng bậy và viết tục.

Trăm năm bia đá thì mòn, nhưng viết tục mà post facebook thì nó vẫn còn trơ trơ, còn mãi mãi đấy!

7- Facebook là một “không gian” lý tưởng để người với người cho nhau chuyển hộ khẩu lên chín tầng mây.

Ở cái chốn chỉ có bồng bềnh mây và ngất ngư gió ấy tâm trạng con người cứ lâng lâng, say say … rất lạ!

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, người ta cũng dìm nhau không nương tay cũng ở trên facebook.

Thế giới ảo cũng phức tạp, khốc liệt, giả trá, thớ lợ … hệt như thế giới thật vậy!

8- Có tình bạn thực sự trên facebook không?

Xin thưa rằng có.

Tuy không nhiều.

Trong không gian inbox của facebook có cuộc đối thoại của những tâm hồn đồng điệu.

Vậy … có hay không những mối tình online?

Có! Có những mối tình rất đẹp, rất đáng trân trọng. Có cả những mối tình “Chỉ online”!

Mọi chuyện đều có thể xảy ra trên facebook, từ tột đỉnh cao qúy đến tận cùng của thấp hèn!

9- Phần lớn những con nghiện facebook, theo một cách nào đó, thường rất cô đơn.

Họ tìm thấy ở facebook một địa chỉ khả dĩ để giới thiệu về mình cho … cả thế giới biết.

Về mặt tích cực, facebook đem lại thứ mà nhiều người không tìm thấy ở thế giới thực, đó là những quan tâm ấm áp của bạn bè và những nụ cười sảng khoái.

Có thể bạn không tin, nhưng vẫn có rất nhiều người thiếu đói cả sự quan tâm lẫn nụ cười ở chính cuộc đời thật của họ.

Và … may làm sao, có người tìm thấy chúng trên thế giới mạng xã hội facebook!

10- Sẽ rất buồn nếu bị cách ly khỏi facebook dù chỉ một ngày bởi chúng ta đã biết sử dụng fb một cách tích cực.

Hơn nữa, nếu đời thực không có ai chờ đợi ta thì trên facebook luôn có nhiều hơn một người đang chờ đợi để like bất cứ cái gì ta đăng lên.

Họ like không phải bởi nội dung stt mà like bởi họ biết rằng ta lại có thêm một ngày nữa khỏe mạnh.

Cái like của họ hiện lên ở thông báo.

Ta chợt thấy nhẹ nhõm và ấm lòng. Cảm giác này chỉ có ở những ai chơi facebook..

Lm Vũ Quốc Thịnh

(Sưu tầm)


 

Ngọn cờ vàng vẫn còn luôn phất phới bay

Ba’o Nguoi-Viet

April 30, 2024

Phil Nguyễn/SGN

Hôm nay là ngày 30 Tháng Tư, 49 năm trôi qua thế nhưng bao nhiêu u uất và bao nhiêu nhớ nhung đang bắt đầu trở về trong ký ức của chúng ta.

Bây giờ, không phải chỉ còn là câu chuyện mất quê hương mà là những mẩu chuyện của chiến tranh, của máu đổ, của thịt rơi, của chết chóc, của bom đạn, của tử thủ, của chiến hữu, của hy sinh, của tự sát, của can trường, của tan hàng, của tứ tán, của di tản, của lạc nhau, của phân ly, của mồ hôi, của nước mắt, của bị lừa, của phản bội, của hứa hẹn, của đe dọa và của trả thù.

Với tất cả bao nhiêu thứ “của” đó đã được tạo ra để được gọi tên chung là ngày mất quê hương, ngày 30 Tháng Tư, Tháng Tư đen.

Nạn nhân không phải là anh, là em, là vợ, là chồng, là con, là cháu, là tướng, là tá hay là binh nhì, binh nhất mà cả có cả triệu người phải bỏ nước ra đi bằng thuyền bè và đường bộ, cả có cả trăm ngàn người bị đánh lừa để thản nhiên tin tưởng đi vào tù cải tạo, có cả hàng ngàn gia đình tan tác, phân ly, đổ vỡ, mất nhà mất cửa, có cả một đất nước tự do của gần 20 triệu người đã bị xóa tên trên bản đồ thế giới và cả một dân tộc bị thay đổi hoàn toàn.

Trong chuyện xóa tên và thay đổi đó, nó đã được kể lại với nước mắt, mồ hôi và máu đổ, với kiệt sức và cầu nguyện, với tin tưởng và thất vọng, với chia ly và đợi chờ, với uất hận và cay đắng, với hy sinh và câm nín, với hứa hẹn và dối trá, với đói khát và sợ hãi, với hăm dọa và trả thù,

Cuối cùng, với hàng trăm câu hỏi ” Với” như thế mà có ai tìm được ra câu trả lời vào lúc đó không?.

Rồi đến một lúc nào đó, các câu hỏi sẽ lần lượt được kể lại và viết ra, không phải bởi các phóng viên, nhà báo, các nhà văn hay người làm truyền thông mà bởi những người đã là chứng nhân của ngày tháng đau đớn “của” này.

Chứng nhân có thể là những vị tướng tá chỉ huy quân sự, những đơn vị trưởng của sư đoàn, tiểu đoàn, đại đội, tiểu đội, những sĩ quan của Nhẩy Dù, Biệt Động Quân, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Kích Dù, Lôi Hổ, Thiết Giáp, Pháo Binh, Không Quân, Hải Quân, Cảnh Sát, Địa Phương Quân…

Những người lính cuối cùng của quân lực VNCH năm 1975 (Hình: Francoise De Mulder/Roger Viollet via Getty Images)

Bên cạnh cấp chỉ huy quân sự, còn các binh sĩ cấp dưới trung sĩ, hạ sĩ hay bất cứ người dân bình thường nào cũng đều là chứng nhân trực tiếp của lịch sử.

Chứng nhân cũng có thể là những nhà sư, linh mục, những Phật Tử, Giáo Dân, những tuyên úy tôn giáo, có thể là những công chức của chính quyền, những nhà trí thức cao thâm và học giả có tiếng, cả đến giới văn nghệ sĩ làm báo, viết sách, làm thơ hay biên khảo ngay cả đến giới ca nhạc sĩ kịch nghệ tân nhạc và cải lương.

Nghĩa là tất cả những người hoặc là đã cầm súng hay không cầm súng, đã chỉ huy hay ngồi văn phòng, những người không cầm súng nhưng cầm bút viết, không cần biết viết cái gì, những người không cầm súng, không cầm viết nhưng cầm microphone làm nghệ thuật để phục vụ cho con người hay cho chính quyền, không cần biết.

Kể ra như thế không biết là đã đủ chưa hay với bao nhiêu chứng nhân đó đã có thể gọi là hoàn tất tập lịch sử của đất nước được không?

Theo như tin tức tìm thấy trên mạng về hai chữ HO thì câu chuyện chương trình HO bắt đầu từ năm 1990, theo đài RFA năm 2014 ghi lại những diễn biến như sau:

-Ngày 30/4/1975, có cả triệu binh sĩ VNCH buông súng theo lệnh của tổng thống giờ thứ 25 Dương Văn Minh. Rồi sau đó, có khoảng hơn 200,000 sĩ quan từ cấp Thiếu úy trở lên thuộc quân lực QG hay địa phương quân, nghĩa quân theo lời kêu gọi nhẹ nhàng của Cộng Sản. Cộng với hàng ngàn viên chức chính quyền VNCH, hàng trăm người không cầm súng nhưng cầm bút, cầm microphone và làm nghệ thuật hay hoạt động tôn giáo, tất cả đã được đưa vào 80 trại tù cải tạo từ Nam ra Bắc suốt từ mũi Cà Mau cho tới biên giới Việt Trung cộng với một lời dặn dò nhẹ nhàng: “Càng mau giác ngộ càng sớm trở về.”

Nhưng theo lịch của bắc bộ phủ dán trong nhà tù: Một ngày ở hạ giới bằng một năm ở cải tạo, nghĩa là mang 10 ngày lương thực sẽ sống được 10 năm ở tù cải tạo.

Sau đó, ít nhất từ 5,7,10 năm sau, đã có một số ít người tù cải tạo bắt đầu được thả ra.

Trước 30 Tháng Tư 1975, một người đàn bà tên Khúc Minh Thơ đang làm ở Tòa Đại Sứ Việt Nam bên Phi Luật Tân. Sau ngày mất nước, bà xin về Việt Nam để lo cho chồng con đang kẹt lại ở đây, nhưng bị từ chối.

Cho mãi hai năm sau, ngay 29 Tháng Giêng 1977, bà phải sang Honolulu USA để định cư. Chồng bà là sĩ quan trong quân đội VNCH qua đời sau khi được thả ra từ tủ cải tạo trước chương trình HO.

Bà là người ấp ủ một hoài bão lo lắng cho các người tù cải tạo sau khi họ được thả ra và ngay cả những người tù đang sống trong trại tù cải tạo.

Bắt đầu với ý nghĩ đó, bà đi tìm con đường vận động để chăm sóc họ. Nương tựa vào những tin tức về luật lệ qua lại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã có sau 30 Tháng Tư 75, bà làm quen với ông Shepard Lawman, một người Mỹ có vợ Việt tên Hiệp và là chuyên viên làm ở Tòa Đại Sứ Mỹ trước năm 1975.

Qua sự trao đổi suy nghĩ và với sự hiểu biết về Việt Nam của ông Shepard, ông gợi ý là nên lập một hội  mang tên “Gia đình tù nhân chính trị Việt Nam” (viết tắt: GDTNCTVN) để tập hợp những vợ con của các tù nhân chính trị nhằm tạo một tiếng nói chung và lớn mạnh để gây tiếng vang trong việc vận động trên đất Mỹ.

Vào lúc đó, ông Sefpard đang làm việc cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Ông được sự giúp đỡ của ông Robert Funseth, phụ tá ngoại giao đặc trách chương trình tỵ nạn của Bộ Ngoại Giao.

Mối quan hệ giây mơ đó đã giúp cho tiếng nói của hội GDTNCTVN vang tới Quốc Hội và lọt vào tai ông Thượng Nghị Sĩ John McCain, Thượng Nghị Sĩ Robert Kennedy và nhất là Thượng Nghị Sĩ John Warner – người chồng thứ sáu của minh tinh Elizabeth Taylor.

Hầu như những nhân vật trong Quốc Hội Mỹ, quan tâm tới Việt Nam và quan tâm tới người tù cải tạo đều ít nhiều là cựu chiến binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, cho nên, họ rất hiểu chuyện này và đã giúp bà Thơ mạnh dạn tiếp tục con đường vận động cứu nạn cho các tù nhân của tù cải tạo Cộng Sản.

Ngày 30 Tháng Tư 1989, bà được Bộ Ngoại Giao và Quốc Hội Mỹ ủng hộ và sắp xếp giúp bà tới gặp ông Trịnh Xuân Lãng, đại sứ của CSVN ở New York để yêu câu họ thả các tù nhân chính trị và cho đi Mỹ tái định cư.

Ba tháng sau đó, ngày 30 Tháng Bảy 1989, căn cứ vào những thỏa thuận trước đó, một thỏa ước được ký kết giữa chính phủ VN và Hoa Kỳ để cho tù nhân chính trị được ra đi tái định cư ở Mỹ.

Chương trình được gọi tên là HO (Humanitarian Operation).

Cựu quân dân cán chính và học sinh VNCH thắp hương tại tượng đài, tưởng niệm những người đã hy sinh nhân dịp Tháng Tư Đen. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Theo bà Thơ, Bộ Ngoại Giao Mỹ nói chữ HO là tên gọi của phía Việt Nam, còn phía Mỹ, Bộ Ngoại Giao gọi đúng ra là chương trình Special Release Reeducation Center Detainee Resettlement Program (chương trình tái định cư cho tù nhân cải tạo được phóng thích đặc biệt).

Ngày 5 Tháng Giêng, 1990, đợt HO1 đầu tiên đã đặt chân tới đất Mỹ. Tuy nhiên, chương trình HO này chỉ kéo dài tới 1996 thì bị ngưng lại, vì Quốc Hội Mỹ chỉ cho tiền và thời hạn là 5 năm. Bà Thơ không ngồi yên, vì không thể để cho những người tù cải tạo được thả ra sau này bị bỏ rơi.

Tuy nhiên, theo thông lệ của sinh hoạt chính trị ở Mỹ lúc đó, những ủng hộ viên người Mỹ như ông Sefpard va ông Robert nói với bà là nếu ban đầu mà xin ngân khoản cho một chương trình dài HO tới 10, 15 năm thì chắc chắn sẽ thất bại, không thể có được. Cho nên, họ đã khuyên bà chỉ nên xin ngắn hạn là 5 năm thì dễ thành công hơn. Khi tình hình biến chuyển tốt thì sau đó, sẽ xin thêm 5, 10 năm nữa, có nhiều hy vọng sẽ được chấp thuận.

Bà Thơ nghe lời khuyên này và căn cứ vào sự thành công của bước đầu 5 năm, bà đã tiếp tục con đường đấu tranh xin tiền đợt hai cứu trợ.

Phải mất tới 10 năm sau, nghĩa là tới năm 2005, Quốc Hội Mỹ mới chấp thuận cho một ngân khoản thứ hai để cho chương trình HO được tiếp tục.

Trong đợt 2 vận động cứu trợ đợt này, Thượng Nghị Sĩ John McCain có một công rất lớn là được Thượng Viện chấp thuận một dự luật cho phép con cái đã trưởng thành được đi theo gia đình qua Mỹ, dự luật gọi là McCain Amendment.

Cuối cùng, chương trình HO được tiếp tục lại từ năm 2005 tới 2008 mới chấm dứt cho tới danh sách HO47.

Khi chương trình HO với 47 danh sách chấm dứt, có khoảng 200,000 người gồm người tù cải tạo cùng vợ và con đã được tái định cư trên toàn đất Mỹ.

Trên mạng, không có tin tức về tổng cộng riêng cá nhân số người tù cải tạo kể từ danh sách HO1 tới HO47 được cho tái định cư là bao nhiêu? Chắc chắn là có nhưng không được phổ biến vì không có lợi cho phía Cộng Sản.

Chỉ biết rằng sau 30 Tháng Tư 1975, có khoảng 200,000 sĩ quan bị đưa đi tù cải tạo. Qua 5,10,15,17 năm tù khổ sở, đói khát, đầy đọa, làm việc khổ sai và bệnh hoạn, có lẽ chỉ còn 2/3 người sống sót, nghĩa là trên dưới 100,000 người.

Câu chuyện HO và 200,000 người gồm gia đình con cái này đã tới được vùng đất hứa tự do chắc chắn đã mang theo một kho hành lý to lớn. Họ đã kể ra cho gia đình con cháu được nghe, họ kể ra cho bạn bè được biết và họ kể ra để chia sẻ với tất cả mọi người khác được hiểu, không phân biệt là bạn hay thù,  người Việt Nam hay người ngoại quốc, người Việt ở hải ngoại hay đang còn ở trong nước.

Họ kể ra bất kể lúc nào họ muốn, không cần phải chờ đến ngày tưởng niệm 30 Tháng Tư, họ viết thư kể chuyện cho nhau, viết bài gửi tới truyền thông báo chí và gửi tới các mạng xã hội, viết sách truyện in ra, lập chương trình ca hát tưởng niệm, dựng phim tả lại cuộc đời và mẫu chuyện, làm thơ kể chuyện, làm nhạc kể chuyện, hội thảo, hội ngộ, hội hè, xum họp để kỷ niệm và chia sẻ đau thương của quá khứ, xuống đường biểu tình để ủng hộ và gìn giữ tình yêu quê hương xưa chống lại chủ nghĩa Cộng Sản.

Cả trăm ngàn câu chuyện đó đã trở thành một kho chuyện khổng lồ không biết kể tới chừng nào mới hết qua từ hàng ngàn con người đã sống sót, ngoi lên từ cõi chết và nỗi tuyệt vọng.

Không cần phải là những câu chuyện dài mà có thể là những mẩu chuyện ngắn. Câu chuyện hay mẩu chuyên ngắn không cần phải có liên hệ với nhau bởi mỗi người có thể đã phải sinh tồn hay sống sót trong mỗi hoàn cảnh và điều kiện khác nhau, đôi khi cùng hoàn cảnh nhưng điều kiện thì khác nhau, có khi rất tàn nhẫn, bi thảm hay chỉ lướt qua, có khi không thể tưởng tượng được nhưng đã thực sự xẩy ra, có khi vết thương đã lành nhưng vẫn còn để thẹo và đau nhức.

Nhưng tất cả đều giống nhau ở một chủ đề và có một chương duy nhất. Đó là chủ đề về câu chuyện mất nước.

Quốc kỳ VNCH. (Hình: Vũ Đình Trọng)

Mỗi người sẽ có một câu chuyện riêng của mình nhưng nếu ghép tất cả những câu chuyện đó lại với nhau thì mọi người chắc chắn sẽ nhìn thấy và nhận ra một tấm hình chung của lịch sử và của đất nước, của người Việt Quốc Gia và người Cộng Sản, khác nhau ở chữ người Việt. Đó là lịch sử của chúng ta. Lịch sử của người Quốc Gia tỵ nạn cộng sản.

Lịcch sử mất nước trải dài được 49 năm, một quãng thời gian có thể sinh ra đươc hai thế hệ con người trong gia đình, nhưng không phải là chương chót hay kết thúc cho quyển sách về lịch sử của người Việt tỵ nạn.

Nước Việt Nam Cộng Hòa bị xóa tên trên bản đồ thế giới, nhưng ngọn cờ vàng vẫn còn phất phới bay mỗi khi 30 Tháng Tư trở về, không những ở trên đất Hoa Kỳ mà còn ở khắp nơi trên thế giới, mà người cầm cờ vẫn luôn luôn có một nụ cười hãnh diện và hạnh phúc trên môi thay vì giọt nước mắt rơi.


 

“NOUVEAU RICHE” VÀ “BAD TASTE” – G.S NGUYỄN TUẤN

G.S NGUYỄN TUẤN

Hình: Một thể hiện của nouveau riche bên Tàu. Phòng cầu tiêu làm bằng vàng.

“NOUVEAU RICHE” VÀ “BAD TASTE”

G.S NGUYỄN TUẤN

Nouveau Riche (có thể dịch là ‘Trọc phú mới’) là chữ dùng để mô tả những người giàu sụ nhưng được cảm nhận như là những người phô trương và thiếu tánh lịch lãm. Đặc điểm này có vẻ mô tả khá đúng những người giàu sụ ở Việt Nam ngày nay.

Có lần tôi về Bến Tre và đi ngang qua một biệt thự rất lớn giữa một cánh đồng. Hàng xóm của ngôi biệt thự là những căn nhà lá thô sơ, rách nát, rất tiêu biểu cho một làng quê nghèo ở miền Tây. Ngôi biệt thự đó có thể nó đẹp, nhưng nó xuất hiện không đúng chỗ, và do đó làm cho nó xấu. Nói lịch sự theo tiếng Anh là ‘bad taste’.

‘Bad taste’ là khái niệm không dễ định nghĩa nhưng rất dễ nhận ra. Một người làm nghề lao động nghèo nhưng tậu một chiếc siêu xe hàng trăm ngàn USD có thể xem là ‘bad taste’. Tương tợ, trong một đất nước mà đa số dân chúng còn rất nghèo, nhưng xuất hiện những trọc phú tiêu ra hàng trăm triệu đồng cho một chai rượu Tây hay một bữa ăn (cho dù là do người khác tài trợ) vẫn có cái gì đó bad taste.

Những thảo luận về bad taste, về ‘quí tộc’ và ‘tinh hoa’ làm tôi liên tưởng đến một vở kịch rất nổi tiếng của văn hào Molière có tựa đề là”Le Bourgeois Gentilhomme”, có thể dịch sang tiếng Việt là “Trưởng giả học làm sang” (tựa đề này dịch chưa đúng bản chất câu chuyện) và phim “Pretty Woman” vào đầu thập niên 1990s. Câu chuyện trong vở kịch lừng danh (viết vào thế kỉ 17) và cuốn phim 30 tuổi đó xem ra rất liên quan với những ý kiến về ‘quí tộc’ và ‘tinh hoa’ ở Việt Nam.

Trưởng giả học làm sang

Vở kịch “Le Bourgeois Gentilhomme” được dịch sang tiếng Anh là “The Would-be Gentleman” (‘Muốn làm trưởng giả’) theo tôi là đúng nghĩa hơn tựa đề tiếng Pháp. Câu chuyện trong vở kịch xoay quanh nhân vật tên là Jourdain, người thừa hưởng gia tài đáng kể của thân phụ để lại. Tuy có nhiều tiền, nhưng ông Jourdain là một người ít học và thuộc giai tầng thấp trong xã hội, và ông muốn trở thành một người trong giai cấp quí tộc.

Để thực hiện ước mơ đó, ông cho mướn thầy đến dạy nhạc, dạy triết học, khiêu vũ, kiếm thuật, và mướn thợ may đến thiết kế cho ông những bộ trang phục cầu kì, kiểu cách, y như những nhà quí tộc. Thấy giới quí tộc hay tổ chức những buổi hoà nhạc trong biệt thự, ông Jourdain cũng mướn những dàn nhạc biểu diễn tại nhà ông. Nói tóm lại, lão Jourdain — nói theo người miền Tây — là một kẻ học đòi.

Là kẻ học đòi, nên ông Jourdain trở thành một người hợm hĩnh và bị gạt. Xuất thân từ giai cấp hạ tầng, ông phải đóng kịch để được giới quí tộc xem là cùng ‘bộ lạc’ với họ, nhưng trong thực tế giới quí tộc chẳng xem ông ra gì vì ông không bao giờ là người của bộ lạc cả.

Chúng (giới quí tộc) lợi dụng và khai thác ông để kiếm tiền. Điển hình là tay bá tước tên là Dorante (lúc đó thiếu nợ đầy đầu) lợi dụng giấc mơ quí tộc của Jourdain để vòi tiền, vì hắn nói rằng chỉ cần đề cập cái tên Jourdain lên vua là vua sẽ xoá nợ cho Dorante; lão già Jourdain khoái chí và thế là tung tiền cho tên bá tước ma giáo.

Vì nghĩ mình đã là quí tộc, nên lão Jourdain muốn cô con gái (tên là Lucille) thành hôn với một chàng trai thuộc giai cấp quí tộc. Biết được ý định này, người yêu của Lucille là Cléonte (chàng trai thuộc giai cấp trung lưu) bèn đóng vai con trai của một bá tước Thổ Nhĩ Kì, và thế là ông Jourdain gật đầu cho cuộc hôn nhân! Ông Jourdain đã bị lường gạt vì giấc mơ quí tộc của ông.

Toàn bộ vở kịch là một bài học ở đời và cũng là một thông điệp mạnh mẽ: Hãy là chính mình, chứ đừng bắt chước người khác.

Pretty Woman — Tố Nữ

Nói đến giai tầng xã hội và ‘hãy là chính mình’ tôi chợt nhớ đến phim “Pretty Woman” do Richard Gere và Julia Roberts thủ diễn. Phim Pretty Woman, có thể xem là thuộc thể loại tình cảm hài, rất rất nổi tiếng vào đầu thập niên 1990s và trở thành một đề tài cho sách giáo khoa và nghiên cứu xã hội học.

Phim xoay quanh câu chuyện một triệu phú (hay tỉ phú?) tên là Edward Lewis (Richard Gere đóng) trong một chuyến đi công cán ở Los Angeles, và giữa lúc lạc đường trong khu phố ‘đèn đỏ’, tình cờ gặp Vivian Ward (Julia Roberts), và cuộc tình giữa hai người nảy nở từ đó để lại cho khán giả nhiều ấn tượng buồn vui về giai cấp xã hội.

Cuộc tình chợp nhoáng (1 tuần) giữa hai người, một thuộc giai cấp thượng lưu và một thuộc giai cấp hạ đẳng. Trong khi Edward là doanh nhân thuộc hạng ‘corporate raider’ mua bán các công ti để kiếm bạc triệu, Vivian là một … ‘sex worker’. Vivian lúc đó chỉ đòi 20 USD để chỉ đường cho Edward, nhưng cuộc gặp gỡ tình cờ đó trở thành một ‘hợp đồng’ tình cảm lâm thời giữa hai người.

Chỉ qua nói chuyện, Edward thấy Vivian là người thú vị chứ không đơn giản là một cô gái làng chơi. Edward lúc đó độc thân (và mới chia tay với người bạn gái) muốn mướn Vivian đóng vai là ‘partner’ để theo anh ta trong một cuộc thương lượng quan trọng với các đối tác kinh doanh. Edward đề nghị cái giá 3000 USD cho cả tuần, một số tiền quá lớn đối với cô gái đứng đường và nghèo khổ như Vivian. Edward mời Vivian về ở chung trong một penthouse thuộc một khách sạn Regent Beverly Wiltshire sang trọng bậc nhất của Los Angeles.

Trong thời gian này, Vivian được người quản lí khách sạn là Barney Thompson chỉ dạy cho cách trang phục và cách ăn uống trong nhà hàng sang trọng, hay nói chung là học làm trưởng giả để có thể xứng đôi với vị khách hàng triệu phú của khách sạn là Edward Lewis.

Pretty Woman là một câu chuyện về sự cách biệt giai cấp và lối sống. Xuyên suốt cuốn phim, cả hai người — Edward và Vivian — phải ‘đấu tranh’ với những khác biệt về giai tầng và giá trị xã hội. Vivian học làm người trưởng giả, và Edward phải thấu cảm cho những vụng về và thô kệch thỉnh thoảng được biểu hiện qua hành vi của Vivian. Nhưng Edward học từ Vivian cách đối nhân xử thế công bằng và kính trọng. Phim Pretty Woman có một cái kết có hậu (happy ending).

Sau 1 tuần hợp đồng, Edward Lewis đem lòng thương Vivian Ward (và Vivian cũng thấy thương anh chàng triệu phú). Câu chuyện được xem như là một chuyện lọ lem hiện đại. (Thật ra, bản gốc của phim thì sau khi chia tay Edward, Vivian bị chết vì quá liều thuốc phiện). Nhưng cái thông điệp quan trọng nhất của Pretty Woman là “hãy là chính mình, đừng đóng kịch”. Những cử chỉ có khi vụng về của Vivian rất đáng yêu và thật hơn là những kiểu cách kệch cỡm không tự nhiên.

Vở kịch “The Would-be Gentleman” và phim “Pretty Woman” nhắc nhở chúng ta về giai cấp xã hội ở Việt Nam ngày nay. Để hiểu chữ “giai cấp xã hội” tôi nghĩ phải hiểu cái nghĩa gốc của nó trong tiếng Anh là “socio-economic status”. Chú ý tính từ này, socio-economic, gồm hai chữ xã hội (social) và kinh tế (economic) nối kết nhau.

Xã hội ở đây phải hiểu là các yếu tố như trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú, sắc tộc, còn ‘kinh tế’ ở đây là tiền bạc và địa vị trong guồng máy kinh tế. Nói cách khác, phải có hai yếu tố — xã hội và kinh tế — (chứ không phải một) thì mới xác định một giai tầng xã hội cho một cá nhân.

Lão Jourdain tuy có nhiều tiền, nhưng không phải là người thuộc giai cấp quí tộc vì ông thiếu yếu tố xã hội. Cô Vivian Ward trong Pretty Woman tuy là một cô gái đứng đường nhưng cô có những suy nghĩ và tố chất của một người thuộc nhóm elite – tinh hoa, vì những suy nghĩ của cô thậm chí có thể thay đổi đường hướng kinh doanh của Edward Lewis.

Việt Nam có những người rất nhiều tiền, nhưng khó mà xếp họ vào nhóm ‘quí tộc’, cho dù họ rất muốn như thế. Thật ra, tôi nghĩ Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua không có giai cấp quí tộc. Làm sao có giai cấp quí tộc khi người ta chọn theo con đường của mấy ông Tây râu ria kia và ông Tàu mặt trơn nọ. Làm sao có giai cấp quí tộc sau cuộc cách mạng dưới danh nghĩa “trí phú, địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”. Ngay cả những người muốn nghĩ mình là ‘quí tộc’ chỉ mới thoát ra từ cái văn hóa XHCN, họ không có những tố chất — và vẫn còn phải học — trí, văn, thiện, mĩ của giới quí tộc.

Nhưng các nước mới ra khỏi XHCN như Nga và Tàu có giai cấp “Nouveau riche”. Nouveau riche (có thể tạm dịch là “trọc phú mới”) là một danh từ không hàm ý nghĩa tích cực, mà là tiêu cực và có phần khinh bỉ. Thành phần nouveau riche là những người trục lợi và làm giàu, không phải nhờ vào gia tài của tổ tiên để lại, cũng chẳng phải nhờ vào thực tài đóng góp cho xã hội, mà là nhờ vào những mối quan hệ hắc ám với các thế lực cầm quyền và cướp bóc dân chúng có bài bản. Những kẻ nouveau riche làm giàu rất nhanh. Họ xuất phát từ thành phần hạ đẳng trong xã hội, và do đó, họ thường ít học, thiếu kiến thức, và kém văn hoá trong cư xử hàng ngày.

Tiêu biểu cho những kẻ nouveau riche là những trọc phú bên Tàu hiện nay, họ là những hậu duệ của những người bần cùng theo Mao làm cách mạng, và họ làm giàu nhờ vào lợi dụng mối quan hệ với đảng cộng sản Tàu — có khi là con cái của các đảng viên cao cấp — để thu tóm và buôn bán bất động sản, và khai thác tài nguyên quốc gia.

Giới nouveau riche ở Tàu đang học làm làm ‘quí tộc’. Họ thừa biết rằng đồng tiền họ đang có không mua được danh giá, không làm cho họ sang trọng, không làm cho người phương Tây nể trọng, mà ngược lại làm cho người ta khinh rẻ. Giới nouveau riche Tàu thừa biết rằng quần chúng Tàu chỉ sợ họ, nhưng trong thâm tâm thì rất khinh họ. Thế là họ phải bỏ tiền ra để ghi danh học những lớp học về văn hoá và cư xử. Những lớp học chỉ có 7 ngày nhưng tốn 12,000 USD. Cái giá 12,000 USD đó sẽ giúp cho họ biết nói tiếng Anh cho lịch lãm; biết cách hành xử ở những nơi sang trọng, như đi thang máy trong khách sạn ‘up market’; cách ăn mặc hợp thời; cách dùng muỗng nĩa trong các buổi tiệc ‘formal’; cách thưởng thức nghệ thuật, từ âm nhạc đến hội hoạ. Nói chung là họ học những ‘protocol’ và kiến thức cơ bản trong xã hội phương Tây, mà những ai sống lâu và hoà nhập ở các nước phương Tây đều không ít thì nhiều biết qua. (Có vài trường đại học bên Mỹ gởi giáo sư của họ đi học những lớp protocol này).

Ở Việt Nam, nơi có thể xem là một phiên bản của Tàu, cũng có thành phần nouveau riche. Những người nouveau riche ở Việt Nam cũng chẳng khác gì so với các đồng môn của họ ở bên Tàu về xuất thân và cách làm giàu. Do vậy, những người nouveau riche ở Việt Nam cũng có những đặc điểm giống như giới tân trọc phú ở bên Tàu, tức là vụng về trong phát biểu, nông cạn trong ý kiến, thô kệch trong hành xử, kém văn hoá trong cách ăn và mặc, v.v. Cứ nhìn trang phục và cách họ mặc, cách họ dùng cái cà vạt, cách họ quàng cái khăn ngang cổ, cách họ trang điểm, cách họ cầm li rượu, cách họ đi đứng, cách họ ngồi, v.v. thì chúng ta thấy rõ họ thiếu cái cốt cách của giai tầng ‘quí tộc’. Mượn câu nói của John Steiner (“You can take the ape out of the jungle, but you cannot take the jungle out of the ape”), họ có thể đã thoát khỏi ngôi nhà nông XHCN, nhưng cái chất lúa vẫn chưa thoát ra khỏi họ.

Việt Nam — cũng như bất cứ nước nào — có thành phần ‘political elite’. Đó là những người đang cầm quyền trong hệ thống chính trị và guồng máy kinh tế. Có thể nói đa số những political elites này là đảng viên. Vì là tinh hoa chính trị, khó mà nói họ đại diện cho quần thể dân chúng. Cứ nhìn xem ở trong nước, họ nói và viết tiếng Việt làm cho dân chúng nhăn mặt khó chịu, còn ra nước ngoài cách họ nói tiếng Anh (thật ra là đọc) trong các hội nghị quốc tế chẳng ai hiểu. Một dân tộc 90 triệu người mà có những người ‘mang chuông đi đấm xứ người’ như thế thì quả là một sự thiệt thòi đáng kể. Tóm lại, Việt Nam có thể có tầng lớp “political elite”, nhưng khó mà nói họ là “intellectual elite.” Nhưng dĩ nhiên, elite hay tinh hoa cũng không có nghĩa là ‘quí tộc’. Thật ra, tôi đoán rằng những political elites này cũng không muốn xem mình là quí tộc, vì họ tự hào xuất thân từ giai cấp lao động, và cha anh họ từng căm thù và đánh đổ giai cấp quí tộc.

Cũng giống như ông Jourdain mời dàn nhạc về nhà biểu diễn, những kẻ trọc phú mới này đang rao bán ý tưởng một nhà hát giao hưởng. Nhà hát giao hưởng để những kẻ tự xem mình là quí tộc thưởng thức. Nhưng như nói trên, họ không thể nào thuộc giai cấp quí tộc được, và họ cũng chỉ là những kẻ đang giúp cho những tên bá tước Dorante trong vở kịch Moliere trục lợi mà thôi.

Cũng như ông Jourdain trong The Would-be Gentleman và cô Vivian Ward trong Pretty Woman dù được khoác lên người những bộ đồ sang trọng và đã qua lớp học về giao tiếp trong giai cấp thượng lưu, nhưng những người trong giai cấp đó vẫn không xem cô là người trong ‘bộ lạc’. Cũng như đất nước Việt Nam, dù có tỉ phú và nhiều triệu phú đô la, nhưng trong con mắt của người phương Tây thì vẫn là một nước nghèo hay rất nghèo (và trong thực tế thì đúng như thế). Những bữa ăn bạc tỉ đồng hay những phung phí hàng trăm triệu đôla mang tính biểu tượng không làm cho họ sang hơn, mà chỉ làm cho họ hợm hĩnh hơn.

Sự hiện diện của những trọc phú mới không làm cho Việt Nam hãnh diện, mà chỉ là dấu hiệu về một sự hư hỏng mang tính hệ thống. Trong một môi trường nghèo khổ, nhà tranh vách lá, việc xuất hiện một lâu đài là dấu hiệu của hợm hĩnh. Ở Úc, những chiếc xe hơi cao ngồng ngềnh có thời được xem là antisocial — phản xã hội. Ở Việt Nam, trong môi trường đường xá tồi tệ và ngập nước triền miên mà xuất hiện ‘siêu xe’ là dấu hiệu của bất bình thường, của một ‘antisocial disease’ — bệnh phản xã hội. Tương tự, sự hiện diện của một nhà hát giao hưởng không làm cho cái thành phố mang tên Hồ Chí Minh sang trọng hơn, nếu không muốn nói là làm cho thành phố thêm nhí nhố và hợm hĩnh, như sự hợm hĩnh của căn biệt thự ở Bến Tre.

From: Tu-Phung


 

Thánh Giuse Thợ-Cha Vương

Tháng 5 rồi bạn ơi! Tháng 5 là tháng hoa dâng kính Đức Mẹ Maria. Giáo Hội dành riêng tháng này để đặc biệt kính mến Đức Maria. Những lúc gian nan nguy khốn cũng như khi được an bình hạnh phúc, bạn luôn biết chạy đến cùng Mẹ để được an ủi, vỗ về, che chở và dâng lời cảm tạ. Trong khi làm công việc hằng ngày, mời bạn dâng lên Mẹ hoa hồng của lòng yêu mến, xin Mẹ dạy cho bạn biết yêu Chúa hết lòng và yêu anh chị em mình như Chúa đã yêu họ vậy. Hôm nay cũng là ngày kính Thánh Giuse Thợ, xin Thánh Giuse cầu bầu cho chúng con.

Cha Vương

Thứ 4: 1/5/2024

Thánh Giuse Thợ: Hiển nhiên là để đối ứng với việc cử hành “Ngày Lao Ðộng” của Cộng Sản mà Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã thiết lập ngày lễ Thánh Giuse Thợ vào năm 1955. Nhưng sự liên hệ giữa Thánh Giuse và ý nghĩa lao động đã có từ lâu trong lịch sử.

Trong nỗ lực cần thiết để nói lên nhân tính của Ðức Giêsu trong đời sống thường nhật, ngay từ ban đầu Giáo Hội đã hãnh diện nhấn mạnh rằng Ðức Giêsu là một người thợ mộc, hiển nhiên là được cha nuôi của Ngài huấn luyện, một cách thành thạo và khó nhọc trong công việc ấy. Nhân loại giống Thiên Chúa không chỉ trong tư tưởng và lòng yêu thương, mà còn trong sự sáng tạo. Dù chúng ta chế tạo một cái bàn hay một vương cung thánh đường, chúng ta được mời gọi để phát sinh kết quả từ bàn tay và tâm trí chúng ta, nhất là trong việc xây đắp Nhiệm Thể Ðức Kitô.

LỜI BÀN: “Sau đó Thiên Chúa đưa người đàn ông vào sống trong vườn Eden, để cầy cấy và chăm sóc khu vườn” (Sáng Thế 2:15). Thiên Chúa Cha đã tạo dựng nên mọi sự và muốn con người tiếp tục công trình tạo dựng ấy. Con người có phẩm giá là qua công việc, qua sự nuôi nấng gia đình, qua sự tham dự vào đời sống sáng tạo của Thiên Chúa Cha. Thánh Giuse Thợ có thể giúp chúng ta tham dự một cách sâu xa vào mầu nhiệm tạo dựng ấy. Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã nhấn mạnh đến điều này khi nói, “Thần khí chan hòa trên bạn và mọi người phát xuất từ con tim của Ðấng vừa là Thiên Chúa vừa là con người, Ðấng Cứu Ðộ trần gian, nhưng chắc chắn rằng, không người lao động nào được thấm nhuần thần khí ấy một cách trọn vẹn và sâu đậm cho bằng cha nuôi của Ðức Giêsu, là người sống với Ngài một cách mật thiết trong đời sống gia đình cũng như làm việc. Do đó, nếu bạn ao ước muốn đến gần Ðức Kitô, một lần nữa chúng tôi lập lại rằng, ‘Hãy đến cùng Thánh Giuse'” (xem Sáng Thế 41:44).

(Nguồn: Người Tín Hữu online)

CẦU NGUYỆN: Lạy Thiên Chúa tạo thành trời đất, Chúa đã muốn cho con người lao động để tiếp tục công trình của Chúa. Xin nhận lời thánh cả Giuse chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương người để lại là chu toàn nhiệm vụ Chúa đã trao phó hầu được hưởng niềm vui Chúa đã hứa cho tôi tớ trung thành. Chúng con cầu xin… (Lời nguyện nhập lễ)

From: Do Dzung

THÁNH GIUSE GƯƠNG LAO ĐỘNG-Quỳnh An – ST Phong Trần. 

 Điều mỉa mai của lịch sử, về người anh hùng ‘giải phóng’

Ba’o Nguoi-Viet

April 30, 2024

Huỳnh Duy Lộc/SGN

Thiếu Úy Lê Văn Phượng sinh năm 1945 tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội, là một trong bốn bộ đội trên chiếc xe tăng mang số hiệu 390 đã húc đổ cánh cổng chính của Dinh Độc Lập vào trưa ngày 30 Tháng Tư 1975.

Thiếu Úy Phượng trở về cuộc sống đời thường như bao nhiêu người lính đã hoàn thành nhiệm vụ. Được biết đến như một người anh hùng trong chiến đấu, nhưng ở quê ông (phường Ngô Quyền, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) có người lại quy ông thuộc diện tiêu cực vì đã có nhiều năm đấu tranh đòi đất bị cưỡng chế, đòi lại quyền sở hữu hợp pháp cái ao gần 500 m2 của gia đình ông

Ông Phượng cho biết, khi ông đem đơn khiếu nại đi đòi đất thì chính quyền địa phương chẳng hề quan tâm tới. Thậm chí ngày Thương Binh Liệt Sĩ, ngày “chiến thắng 30 Tháng Tư” cũng chẳng có ai đại diện cơ quan chính quyền, đoàn thể tới thăm ông và gia đình.

Theo trình bày của ông, năm 1962 cha ông là ông Lê Văn Đảm được UBHC thị xã Sơn Tây cấp cho 300 m2 đất ở phía sau vườn hoa phố Ngô Quyền. Ngoài diện tích này, tại công văn cấp đất được ký ngày 10 Tháng Mười Hai 1962 còn ghi thêm: “Ông Đảm được phép cải tạo những phần đất còn lại hoang hóa để làm nhà ở và tăng gia sản xuất tự túc.”

Ông Phượng nhớ lại: “Khi đó xung quanh khu vực này hoang vu, không có ai ở, gia đình tôi thu dọn đắp cái ao hoang hóa liền kề với đất ở để thả cá và thả rau. Suốt 50 năm qua gia đình vẫn liên tục sử dụng cái ao này và không tranh chấp với bất cứ ai.”

Một trong những lý do miếng đất này bị cưỡng chế là vì cái ao này nằm ở vị thế rất đẹp, giá thị trường tới vài chục triệu đồng /m2, nhưng bị UBND thị xã Sơn Tây chia lô bán đấu giá.

Ông Lê Văn Phượng ở quê nhà lúc sinh thời. (Hình: FB)

Được biết ngày 29 Tháng Ba, 2016, ông Phượng lìa đời mà vẫn chưa đòi lại được phần đất của gia đình. Nhưng điều đáng nói, là lúc còn sống, khi gần đến ngày 30 Tháng Tư, ông Phượng được báo chí tìm đến để ca bài ca cũ về “giải phóng,” ông được chính quyền địa phương căn dặn là không được nhân cơ hội tiếp xúc với báo chí, kể về đơn kiện đòi đất vì sẽ làm mất uy tín của Đảng và Nhà Nước.

Và cứ mỗi 30 Tháng Tư, ông được giới tay sai tuyên truyền đưa hình ảnh, ca ngợi… ông bị lợi dụng để làm đẹp cuộc cưỡng chiếm miền Nam, nhưng cả đời tới lúc chết, ông vẫn không dùng được chút gì hình ảnh đẹp của mình trong chế độ cộng sản để đòi lại quyền lợi riêng của gia đình, của chính mình đã bị đánh cắp.

* tựa bài do SGN đặt, tựa gốc “Sự trớ trêu của lịch sử”.