Nắng nóng lan rộng từ Nam ra Bắc, Tây Nguyên cạn nước, cây trồng chết khô

Ba’o Nguoi-Viet

April 18, 2024

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Theo Trung tâm Dự Báo Khí Tượng Thủy Văn Quốc Gia, nắng nóng sẽ lan ra khu vực đồng bằng Bắc Bộ, sau đó đến Đông Bắc Bộ. Trong khi khu vực miền Trung và Tây Bắc Bộ dự báo có nơi nắng nóng trên 39 độ C.

Báo Tuổi Trẻ dẫn tin cho hay dự báo bắt đầu từ ngày mai 19 Tháng Tư, thời tiết mưa mát ở Bắc Bộ sẽ nhanh chóng kết thúc thay bằng thời tiết nắng nóng mở rộng ra toàn khu vực phía Đông Bắc Bộ với nhiệt độ cao nhất 35-36 độ C, có nơi trên 37 độ C.

Từ ngày mai, nắng nóng lan rộng ra miền Bắc, miền Trung Việt Nam có nơi nóng trên 39 độ C. (Hình: C.Tuệ/Tuổi Trẻ)

Ông Nguyễn Đức Hòa, phó trưởng phòng Dự Báo Khí Hậu, Trung Tâm Dự Báo Thủy Văn Quốc Gia, cho biết trong vòng một tháng tới, áp thấp nóng phía Tây hoạt động mạnh dần nên nắng nóng có xu hướng gia tăng nhiều hơn tại khu vực Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ.

Đối với khu vực Tây Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên nắng nóng gay gắt hơn. Dự báo có nơi nắng nóng “đặc biệt gay gắt” với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-38 độ C, có nơi trên 39 độ C.

Trong khi đó, khu vực Nam Bộ tiếp tục có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C.

“Nắng nóng ở phía Tây Bắc Bộ, khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên và Nam Bộ có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới,” cơ quan khí tượng dự báo.

Mùa mưa tại khu vực Tây Nguyên – Nam Bộ chưa có dấu hiệu bắt đầu và khu vực tiếp tục xuất hiện nhiều ngày nắng nóng diện rộng, có nơi nắng nóng gay gắt.

Nhiều vùng trồng cà phê, hoa màu của người dân các tỉnh Tây Nguyên đã cháy sém, nông dân gồng mình trong nắng nóng, tìm nước tưới cho cây trồng.

Theo Sở Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn Đắk Lắk, đến nay đã có hơn 2,000 hécta cây trồng tại Đắk Lắk thiếu nước tưới và dự báo trong thời gian tới, sẽ tăng lên từ 5,000-8,000 hécta do thiếu nước nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài.

Đáng lo ngại, hiện tại có 44/619 hồ chứa đã cạn kiệt nước. Số hồ chứa còn lại lượng nước cũng chỉ còn khoảng 60% dung tích trữ. Trong khi nguồn nước trên các sông, suối, đang tiếp tục suy giảm, ảnh hưởng lớn đến sản xuất của người dân.

Tương tự, theo Sở Nông Nghiệp Tỉnh Đắk Nông, đến nay có gần 10,000 hécta cây trồng trong tỉnh thiếu nước tưới đứng trước nguy cơ giảm năng suất, chết cây. Trong khi cả tỉnh có 255 hồ chứa nhưng đến nay có 31 hồ đã hết nước hoặc sắp cạn kiệt nguồn nước. Rất nhiều hồ chỉ còn dung tích 30%-50% và sẽ cạn trong 1-2 tuần tới.

Nhiều hồ chứa nước ở tỉnh Đắk Nông trơ đáy. (Hình: Đức Lập/Tuổi Trẻ)

Hiện nay tỉnh Đắk Nông vẫn tiếp tục bơm nước từ những khu vực ao hồ, sông suối về vùng hạn nhưng “nước xa, khó cứu hạn gần,” nếu thời tiết nắng nóng vẫn kéo dài.

“Với sự thiếu hụt mưa và khả năng nắng nóng gia tăng hơn trung bình tại các khu vực trên phạm vi cả nước, do đó nguy cơ cao kéo dài thêm tình trạng khô hạn, thiếu nước và tiềm ẩn các nguy cơ cháy nổ rất cao, đặc biệt khu vực Tây Nguyên-Nam Bộ,” ông Hòa cảnh báo. (Tr.N)


 

Phần cuối án tử hình Trương Mỹ Lan, sẽ lộ mặt Lê Thanh Hải?

Ba’o Nguoi-Viet

April 17, 2024

Nam Việt/SGN

Ngay trước khi kết thúc phiên xử sơ thẩm, người nhà bà Lan nói với hãng tin Reuters rằng luật sư sẽ nộp đơn kháng cáo.

Có nghĩa là trước khi có kết quả phán quyết, bà Lan và luật sư đã chuẩn bị nội dung sẵn để kháng cáo, như một nước cờ được tính trong cuộc chơi với luật pháp Việt Nam, mà bà Lan lúc này phải một mình gánh tội thay cho những bóng đen đứng sau cánh màn nhung sự nghiệp của mình.

Có rất nhiều nhà bình luận thời sự nhấn mạnh rằng, trong một nền kinh tế chỉ huy của nhà nước cộng sản, những kẽ hở trục lợi chỉ có thể được tạo ra bởi các quan chức, và phối hợp bên ngoài để làm giàu. Một mình bà Trương Mỹ Lan có tài thánh đến đâu cũng không thể tự mình mở lối đi từ địa phương đến Trung Ương thành tập đoàn như hôm nay, và cuối cùng, là người kinh tài cho nhóm cộng sản miền Nam.

Tiến Sĩ Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á Singapore (ISEAS – Yusof Ishak Institute), ít nhất một lần nhắc đến khái niệm “bảo trợ chính trị” cho sự hình thành quy mô làm ăn của bà Lan. Còn nói toẹt ra, Tiến Sĩ Nguyễn Quang A khẳng định “trong cơ chế nhà nước này, một mình bà Lan không thể nào làm nên chuyện như vậy được.”

Sự có mặt không quá nổi bật của tập đoàn Vạn Thịnh Phát nhiều năm trước, nhưng luôn hiện diện bên cạnh các quan chức miền Nam, cũng tạo nên lời xì xầm về một hệ thống kinh tài, nối dài đến Hong Kong, Trung Quốc, nuôi lớn những con cá mập gian tham, đứng đầu là ông Lê Thanh Hải, cựu bí thư TP.HCM trong suốt nhiều năm.

Ông Hải có nụ cười hiền lành nhưng nham hiểm tột cùng. Trong chiến dịch đốt lò của Trọng, Hải liên tục đẩy đàn em ra chịu đòn, còn mình vẫn an toàn sau những cú đánh chí tử.

Từng làm ủy viên Trung Ương Đảng 3 khoá, trong đó có 2 khóa là ủy viên Bộ Chính Trị, nên ông Hải hiểu rõ mọi chuyện, và có đủ hồ sơ “đen” của những kẻ muốn hại mình, để tung ra khi cần thiết, vào ván cờ cuối.

Cụ thể một trong những bê bối năm 2006, vẫn được dân Hà Nội thì thào nói với nhau chuyện bí thư Hà Nội Nguyễn Phú Trọng là làm biến mất 3,000 tỷ đồng ngân sách, và món quà căn nhà trị giá cả triệu đô từ tập đoàn Ciputra, mà sau đó bán gấp để xóa dấu vết.

Ông Trọng cũng không phải sạch sẽ gì khi nắm toàn quyền, nên hiểu rõ ai là người nhìn thấy vết của mình, và thận trọng trong từng bước đi. Dĩ nhiên, ông Hải biết rõ và có lẽ cũng tạo điều kiện cho ông Trọng biết là mình có đủ hồ sơ. Chính vì vậy, trong cuộc chinh phạt “đốt lò” vinh quang của mình, ông Trọng không dám nhắc gì đến ông Hải. Nhưng cay thì chắc là rất cay.

Thói thường của hậu trường chính trị, khi biết ai nắm thóp của mình, tức kẻ đó phải bị tiêu diệt. Ông Trọng không muốn để yên cho ông Hải, và cũng muốn có một cước phá đảo, chiếm lấy lực lượng kinh tài cho phe cộng sản miền Nam, mà rành rành là bà Trương Mỹ Lan cùng tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Chính vì vậy, vụ cướp đất Thủ Thiêm được ông Trọng cho mở lại, siết chặt ông Hải vào những sai phạm mà người dân ở vùng đất này bị màn trời chiếu đất mấy mươi năm, nguyền rủa và quyết đòi cho bằng được.

Đòn quyết định của Tổng Trọng đưa ra vào Tháng Ba 2020, là lúc cho Bộ Chính Trị khóa 12 xem xét kỷ luật đối với ông Hải, mức cao nhất mà ông Hải nhận được chỉ là “cách chức bí thư Thành Ủy” đã kinh qua.

Ngày 20 Tháng Ba 2020, tại trụ sở Trung Ương Đảng, Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước Nguyễn Phú Trọng tuyên bố cách chức nguyên bí thư thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2010-2015 của ông Lê Thanh Hải. (hình: Facebook)

Chính ông Trọng cũng bất ngờ vì nghĩ rằng mình đã hạ được con cáo già này, nhưng ông Hải khéo léo “lobby” đủ từ trên xuống dưới, khiến cả hội nghị lúc đó, không ai đồng ý mức án cao hơn, mà vốn ông Trọng từ đầu nhắm tới là khai trừ Đảng và khởi tố.

Để bảo đảm sự an toàn cho mình, ông Hải chạy kiếm cái vé vinh danh 55 tuổi Đảng vào năm 2023, để ràng chặt sự nghiệp đen tối của mình với hình ảnh đảng cầm quyền. Đồng thời lúc đó, ông quyết định “bán” người bạn, vốn thân thiết như chị em – là bà Trương Mỹ Lan cho cuộc thâu góm của Trọng, để có thể an tâm rút về làm “người tử tế,” theo sách lược từng thỏa thuận của ông Nguyễn Tấn Dũng với Tổng Trọng.

Chuyện bán Trương Mỹ Lan cho ông Trọng là phương án phòng thân của ông Hải. Phía tay chân của bà Lan cũng báo động những giả định sự gian ác của Hải, nên từ năm 2014, gia đình bà đã vài lần định thôi quốc tịch Việt Nam, nhằm chuẩn bị mọi bước rút nhanh khi Hải trở mặt.

Người trong cuộc giấu tên nói “Hải đã nói với bà Lan là: tui còn ở đây, chị không phải lo gì cả, bộ chị không tin tui sao?” Nghe thuyết phục nhiều lần, bà Lan cũng chần chừ cho đến khi ý định bí mật rời khỏi Việt Nam bị lộ, Hải là người báo cho Tô Lâm bắt, chận lại mọi thứ.

Việc chận bắt diễn ra ngay trên đường đi, chứ không phải tại nhà, và cũng bắt trước hai ngày theo tin công an đưa ra cho báo chí.

Giờ đây, khi án tử hình gọi tên bà Trương Mỹ Lan, mà không thấy bất kỳ sự vận động hay ra mặt nào của Hải, có thể phần kháng cáo của bà Lan sẽ vô cùng hấp dẫn với những tin tức mới mà chính Đảng Trưởng Nguyễn Phú Trọng cũng muốn nghe, là cơ hội để làm bàn đạp quét sạch ông Lê Thanh Hải và đám cộng sản Miền Nam.

Còn chưa biết phiên phúc thẩm của bà Lan sẽ ra sao, nhưng chắc chắn nếu bà chết, sẽ không chọn chết một mình. Và những giờ phút này, ông Hải đang toát mồ hôi lạnh từng ngày, chạy đôn chạy đáo để tìm một sự bảo đảm cho số phận của mình, cũng như có thể đang lên kế hoạch bịt miệng bà Lan, chẳng hạn như một cái chết bất ngờ trong trại?


 

Cầu mưa…-Thái Hạo

Ba’o Tieng Dan

Thái Hạo

18-4-2024

Cầu mưa là một thực hành văn hóa – tâm linh phổ biến của nhân loại trong quá khứ. Ngày nay, nhiều vùng trên thế giới vẫn còn duy trì truyền thống này, ngay cả ở các nước hiện đại. Ở Việt Nam, nhiều sắc tộc thiểu số hiện vẫn còn lưu giữ.

Trên phương diện quốc gia, ngày xưa mỗi khi hạn hán kéo dài, vua sẽ đại diện cho cả nước đứng ra lập đàn cầu mưa. Lịch sử Việt Nam ghi nhận, từ thời nhà Lý nghi lễ này đã được tiến hành. Ngày nay, với văn hóa hiện đại, chúng ta nhìn lại thì thường có cảm nhận rằng đó là một tư duy mang màu sắc mê tín, lạc hậu, ấu trĩ… Tuy nhiên, không phải chỉ có thế.

Với quan niệm hữu thần và thiên – địa – nhân hợp nhất (trời, đất và con người là một thể), người ta khởi lên niềm tin rằng, thần thánh/ ông trời có thể tương dung, tương thông, nghe thấy được lời cầu xin của con người, chỉ cần họ có tâm chí thành.

Người ta nghĩ rằng, mọi tai họa dưới nhân gian là do sự sai trái, lầm lạc, xấu xa, độc ác của con người gây ra. Và người phải chịu trách nhiệm cao nhất chính là vua. Vì thế, trước khi cầu mưa (hay cầu những điều khác), nhà vua phải trai giới (ăn chay, tránh tà dâm, sinh hoạt trong giới đức…), phóng thích tù oan, thả bớt cung nữ, mở kho cứu đói cho dân, v.v.. Khi tất cả đã được thực hiện và giữ gìn tinh nghiêm sau một thời gian đủ dài, lúc đó lễ cầu mưa mới được tiến hành. Và người ta tin rằng, nếu cầu mà trời vẫn không mưa là do mình đã chưa chuộc hết tội lỗi, phải thành thật sám hối, tự kiểm điểm lại tất cả hành vi, phát tâm quyết rửa sạch và không ngừng hành thiện.

Không bàn tới sự phi lý trong quan niệm rằng mưa là do ông Trời ban cho và con người có thể cầu mà được; nhưng ít ra người xưa tin rằng mọi thứ nên hư tốt xấu xảy ra đều là do ở chính mình. Cái tư duy “tiên trách kỷ” này là một trong những nền tảng đạo đức quan trọng của người xưa mà nay đã trở thành xa xỉ. Vì nhiều lý do, có thể là nằm ngoài dự liệu, nhưng nó mang tới những suy nghĩ và hành xử có tính cảnh tỉnh và tự cảnh tỉnh, nó nhắc nhở con người biết sống thiện lương, tử tế, nỗ lực tạo công đức… Biết sợ (sợ thần thánh, sợ nhân quả, sợ luật pháp, sợ lương tri…), ở một một khía cạnh nào đó chính là đạo đức. Còn một khi đã “coi trời bằng vung” thì không việc ác nào không dám làm.

Nay thì không còn nữa. Không những “tự nhận lỗi” đã trở thành một món đắt đỏ bậc nhất mà hơn thế, sự vô sỉ và ý thức lưu manh đã chiếm thế thượng phong. Quan chức từ nhỏ đến lớn và rất lớn lũ lượt kéo nhau vào “lò” vì tham nhũng, tàn bạo, phá nát nền tảng văn hóa, kinh tế và xã hội của đất nước. Ngay cả khi bị “kỷ luật”, bị bắt, phải ra trước vành móng ngựa rồi vẫn trơ tráo, quanh co, lấp liếm, đổ lỗi…

Bỏ sang một bên những chuyện tâm linh thì vẫn phải thấy rằng đây là sự phá sản về đạo đức. Mà, thượng bất chính thì hạ tất loạn. Nếu “vua quan” hiểu rằng hạn hán có một nguyên nhân quan trọng là do phá rừng và không chăm lo trị thủy đúng mực thì họ sẽ nhận lỗi, “sám hối” bằng cách ban hành những chính sách phù hợp: Bảo vệ rừng, trồng mới rừng, đầu tư xây đập, đắp đê ngăn mặn, dồn tài lực phát triển hệ thống nước máy sinh hoạt, đình chỉ mọi thứ lãng phí vào tượng đại, cổng chào, lễ lạt… Nhưng không. Một huyện nghèo bỏ ra 230 tỉ đồng để làm một cái lễ kỷ niệm, đó là việc làm mà cả trời và người đều oán giận.

Trong một đất nước mà từ vua quan đến người dân đều luôn biết tự xét mình, cảnh tỉnh mình, sống có trách nhiệm và hành động đúng với chức phận mình thì chưa cần trời giúp cũng là đã tự giúp mình. Đó cũng là một dạng “trời người là một”: con người tự định đoạt lấy cuộc sống và số phận của mình, con người tự làm “ông trời” của chính mình.

Nay cái thiêng (tin vào trời đất thánh thần) đã mất mà đạo đức cũng đã suy bại. Biết dựa vào đâu?

Nói thêm: người xưa, có thể chỉ là vô tình nhưng đã chạm đến những nguyên lý rất hiện đại. Chúng ta biết rằng, vật lý lượng tử đã vén lên bức màn về sự “hợp nhất” giữa tinh thần (con người) và tồn tại (vật chất). Nó rất gần với phát biểu “vạn pháp duy tâm” trong Phật giáo. Tinh thần (niềm tin, ý chí, sự lương thiện…) sẽ ảnh hưởng một cách vô hình nhưng mạnh mẽ đến cái vũ trụ mà họ sống. Tinh thần có thể làm thay đổi “cảnh giới”. Ở đâu sự dối trá và cái ác ngự trị, ở đó bất an, tai họa trùng trùng; ở đâu lòng chân thật và sự lương thiện bao trùm, ở đó cây cối xanh tốt, chim muông mở hội, mưa thuận gió hòa.

Sự xuống cấp đạo đức không chỉ làm rối loạn xã hội do các hành vi sai xấu gây nên, mà sâu xa hơn: Phá hủy các nền tảng sâu về “đạo của vật lý”/ tâm linh. Khi không còn biết sợ quỷ thần như quan niệm sơ khai, cũng không còn biết sợ nhân quả, lại lạm dụng quyền lực trong một nền tảng luật pháp nhiều hạn chế, thì tất yếu sẽ phải dẫn đến những tai ương, không thể khác được.


 

MỤC TỬ NHƯ CHÚA – Lm. Joshepus Quang Nguyễn

Lm. Joshepus Quang Nguyễn

Kết quả hình ảnh cho Chúa Chiên Lành Tu viện nổi tiếng nhất nọ cứ một lần trong năm mở cửa thâu nhận duy nhất 1 thỉnh sinh.  Viện Phụ đích thân phỏng vấn các ứng sinh chỉ hỏi một câu duy nhất.  Nhưng trớ trêu thay, không ai biết được câu hỏi duy nhất đó là câu gì, bởi vì tất cả những ứng viên nào mà rớt cuộc thi, đều phải uống một viên thuốc do chính Viện Phụ chế ra, công dụng làm cho các ứng sinh dự thi quên mất câu hỏi được đặt ra.  Chính vì thế mà việc chiêu sinh của Tu viện đã trải qua nhiều năm rồi mà chưa ai có thể biết câu hỏi đó là gì.  Thế là cậu Ramin là tỏ ra quyết chí hơn cả.  Cậu dành dài năm cố gắng đọc và học qua thật nhiều sách: lịch sử, địa lý, văn chương, triết lý, nghệ thuật, tâm lý, xã hội học, v.v…  Rồi mùa thi đến, Ramin vào thi và tin chắc mình sẽ trả lời được câu hỏi mà Viện Phụ sẽ hỏi.  Hồi hộp bước vào phòng thi, Ramin được Ngài hỏi câu duy nhất này là: Con hãy tự hỏi: Tôi là ai?  Và trả lời cho ta biết.  Tôi là ai?  Ramin lặp lại câu hỏi, nhưng không biết phải trả lời như thế nào cho đúng, bèn rút lui không bao giờ trở lại Đan viện nữa.

Tôi là ai?  Ðây là câu hỏi căn bản nhất, để bắt đầu mọi cuộc dấn thân thực hiện chương trình sống của đời Kitô hữu.  Nhất là cuộc sống tu luyện bản thân, trở nên mục tử tốt.  Như vậy rõ ràng những vốn liếng trí thức không mà thôi thì chưa đủ để trở nên mục tử tốt lành mà Lời Chúa mời gọi chúng ta hôm nay.

Giáo lý Hội Thánh Công Giáo dạy khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, chúng ta tham dự vào chức tư tế (chức linh mục cộng đồng) của Đức Kitô, tham dự vào sứ mạng Ngôn sứ, và vương đế của Ngài (GLHTCG, số 1267).  Vì thế, thánh lễ này Giáo Hội muốn kêu gọi mỗi người chúng ta hãy cầu nguyện và thực hành sứ mạng mục tử được Thiên Chúa trao phó cho chúng ta giữa lòng thế giới hôm nay theo mẫu gương Mục Tử Nhân lành Giêsu.  Người là Mục tử nhân lành, còn chúng ta là đoàn chiên của Người.  Người chăn giữ đoàn chiên không phải bằng uy quyền áp chế, bằng kỷ luật khắc nghiệt, nhưng bằng tình yêu tha thiết.  Tình yêu của Người được biểu lộ qua ba khía cạnh: hiểu biết, quan tâm chăm sóc và hy sinh cho đoàn chiên.

Thứ nhất, tình yêu của Đức Giêsu là tình yêu hiểu biết.  Sự hiểu biết này không phát xuất từ lý trí hay do học hỏi, nhưng phát xuất từ trái tim, do tình yêu.  Chẳng hạn, một đứa trẻ đang chơi ngoài đồng, chạy vào xin mẹ cho con mượn con dao.  Mẹ nói: con lấy để làm gì?  Nó nói: con làm cái này.  Mẹ nói không cho nhưng nài nỉ hoài mẹ nó đưa cho nó nhưng theo dõi nó làm cái gì?  Nó cầm dao chạy ra đồng và nhặt một trái lựa đạn 79 mà nó tưởng là trái ô ma, nó vừa cầm lên thì mẹ nó nhào tới chụp ngay con dao nó định cắt ra để ăn.  Vâng, chỉ tình yêu xuất phát từ trái tim, người mẹ mới biết trước được rủi ro hay chăm sóc kỹ lưỡng từng hành động đứa con, làm cho nó nên hoàn thiện.  Chúa Giêsu hôm nay nói: “Ta biết chiên Ta,” có nghĩa là Người hiểu biết từng người trong chúng ta, biết rõ hoàn cảnh sinh sống của chúng ta, biết rõ tâm tư tình cảm của ta.  Người biết những gánh nặng mà ta đang phải gánh.  Người thông cảm với những đau đớn mà ta đang phải chịu.  Người đau những nỗi đau trong tâm hồn ta.  Người khổ những nỗi khổ đang dày vò ta.  Người nhức nhối trong vết thương của tâm hồn ta nên Ngài luôn luôn muốn làm cho ta vơi được nỗi sầu, nhẹ đi âu lo sợ hãi bằng việc hiến mình cho ta và cư ngụ nơi tâm hồn ta mọi nơi mọi lúc khi chúng ta tham dự Thánh Lễ và rước Mình Thánh Ngài.  Vì vậy, Ngài luôn mời gọi chúng ta rằng: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).

Tình yêu của Đức Giêsu là tình yêu quan tâm chăm sóc.  Sự hiểu biết sâu xa đến từ sự quan tâm chăm sóc.  Sự quan tâm chăm sóc cũng phát xuất từ tình yêu.  Có yêu mới quan tâm.  Có quan tâm mới hiểu biết nhu cầu.  Có hiểu biết nhu cầu mới biết đường chăm sóc.  Đức Giêsu chăm sóc không phải để ràng buộc ta nhưng để giúp ta sống trong tự do.  Người chăm sóc ta không phải để ta trở nên ấu trĩ, nhút nhát, yếu ớt nhưng là để giúp ta trưởng thành, mạnh mẽ tự tin.  Người chăm sóc ta không phải theo kiểu Mẹ con Sáng-Sang trong phim truyền hình Việt Nam “Hoa hồng không dành cho em”, bà chăm sóc con quá đến độ mà mẹ con bị bệnh tự kỷ.  Ngược lại, Chúa Giêsu chăm sóc ta bằng cách cung cấp cho ta những lương thực lành mạnh đó là đó là Lời Chúa, là Mình Máu Thánh Chúa, là Thánh ý Chúa Cha.  Những lương thực ấy sẽ cho ta được sống và sống dồi dào.

Tình yêu của Đức Giêsu là tình yêu hy sinh.  Đây chính là dấu chỉ chắc chắn nhất của một tình yêu.  Càng yêu mến nhiều càng sẵn sàng hy sinh nhiều.  Yêu đến sẵn sàng hy sinh mạng sống là một tình yêu cao cả không có gì sánh được.  Đức Giêsu đã xác nhận điều ấy khi Người nói: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15,13).  Chính Người đã thực hiện điều ấy.  Người là Mục tử nhân lành sẵn sàng liều mạng, một mình chống lại sói dữ để bảo vệ đoàn chiên.  Người đã tự hiến mạng sống vì ta.  Người đã chấp nhận chết đi để ta được sống.

Chúng ta hãy trở thành mục tử nhân lành theo gương Người.  Cha mẹ là mục tử của con cái, thầy cô giáo là mục tử của học sinh, giám đốc là mục tử của công nhân, y bác sĩ là mục tử của bệnh nhân, anh chị lớn là mục tử của các em nhỏ, linh mục là mục tử của giáo dân, tu sĩ là mục tử của tha nhân… hãy thực hiện lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong sứ điệp Ngày Thế giới cầu cho ơn Thiên Triệu 2015 rằng hãy ra khỏi chính mình, đi ra khỏi sự thoải mái và cứng nhắc của cái tôi để đặt trọng tâm đời sống mình nơi Đức Giêsu Kitô, có nghĩa rằng phải lấy Tình yêu Chúa Giêsu là tiêu chí và lẽ sống cho đời Kitô hữu chúng ta.  Mà tình yêu Chúa cố ở điểm này là hiểu biết, quan tâm chăm sóc và hy sinh cho đoàn chiên.

Lạy Đức Giêsu, Mục Tử nhân lành, xin hãy ban cho chúng con nhiều mục tử tốt lành theo gương Chúa.  Xin biến chúng con thành những mục tử tốt lành trong gia đình, trong giáo xứ, trong khu phố và xã hội hôm nay hầu làm cho cuộc sống thêm phong phú và hạnh phúc hơn.  Amen!

Lm. Joshepus Quang Nguyễn

From: Langthangchieutim


 

7 sự tổn hại nặng nề đối với cơ thể khi nóng giận-BS. Hoàng Tuấn Long

SKĐS – Nóng giận không chỉ nguy cơ phá vỡ các mối quan hệ, làm xấu đi hình ảnh của bản thân, mà còn được biết đến như một “sát thủ giấu mặt” của bệnh tim, đột quỵ và nhiều vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng khác.

  1. Gây tổn thương cho gan: Có thể chưa biết, khi ta nóng giận, tự khắc cơ thể sẽ sản sinh ra chất “catecholamine”, cùng với ảnh hưởng từ hệ thần kinh trung ương, khi đó, lượng đường huyết trong cơ thể sẽ tăng lên rất cao, từ đó axit béo, độc tố gây hại cho gan và huyết dịch cũng không ngừng được tăng lên.
  2. Khiến não nhanh chóng “già” đi: Khi tức giận, não sẽ phải chịu rất nhiều áp lực từ lượng huyết dịch ngày càng đổ rất nhiều về đây, điều này khiến cho lượng huyết dịch trong não tỉ lệ nghịch với lượng oxy cần thiết, gây hại cho não.
  3. Tổn thương dạ dày: Khi tức giận, tim sẽ tác động cùng với huyết quản, khiến cho lượng máu trong dạ dày và đường ruột giảm mạnh, làm mất cảm giác ngon miệng và thậm chí còn là nguyên nhân gây ra viêm loét dạ dày.

Nóng giận gây tổn hại tới nhiều bộ phận cơ thể cùng lúc. HÌnh: Minh họa

  1. Tổn thương phổi: Khi tức giận, cơ thể sẽ thở nhanh và gấp hơn bình thường, phổi phải hoán đổi khí trong một tần suất quá cao. Lúc này, bao phổi không ngừng khuếch trương, thời gian thu co giảm xuống liên tục, do đó, phổi sẽ không có thời gian điều hòa, nghỉ ngơi mà phải làm việc liên tục. Đây là một nguyên nhân quan trọng gây ra những tổn thương cho lá phổi.
  2. Hệ thống miễn dịch bị tổn thương: Khi tức giận cơ thể cũng sẽ tiết ra chất cortisol, nếu không kiềm chế được cơn tức giận, cơ thể sẽ liên tục tạo ra chất này và tích tụ trong một thời gian dài, gây ra vết thương cho hệ thống miễn dịch của bạn, khi đó sức đề kháng đối với các loại bệnh tật sẽ giảm đi, cơ thể sẽ yếu hơn, dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm trùng và thậm chí cả ung thư.
  3. Thiếu oxy cho cơ tim: Lượng huyết dịch về tim khi tức giận sẽ chuyển rất nhiều lên não và phần mặt (mặt đỏ, nóng), do đó, lượng huyết dịch cần thiết cho vận hành của tim sẽ giảm đi. Đây là nguyên nhân gây ra hiện tượng thiếu oxy lên tim, làm cho tim co bóp không còn nhịp nhàng như bình thường nữa, có thể gián tiếp dẫn đến bệnh mạch vành hoặc bệnh cơ tim.

Nóng giận có thể gây thiếu oxy cho cơ tim

  1. Các triệu chứng khác: Có rất nhiều cơ chế mà qua đó sự giận dữ mãn tính có thể ảnh hưởng và thậm chí gây nguy hiểm cho sức khoẻ, bao gồm béo phì, đau nửa đầu, trầm cảm, lo âu, kho ngủ, cao huyết áp và đột quỵ, giảm chất lượng của các mối quan hệ, tăng khả năng bạo hành người khác về tình cảm hoặc thể chất hoặc cả hai…

Tức giận thực ra là tự hại chính bản thân mình nhưng vấn đề là những cơn nóng giận thường kéo đến rất bất ngờ. Tuy nhiên, chúng ta có thể tìm cách để chế ngự cơn nóng giận trước khi quá muộn.

7 cách nhằm chế ngự cơn nóng giận

  1. Hít thở sâu trong vòng 10 giây: Nghe có vẻ đơn giản nhưng đây lại được đánh giá là một trong những biện pháp khá hiệu quả trong việc kiềm chế sự nóng giận. Khi cảm thấy bức xúc đang tăng lên, hãy dừng lại mọi thứ, nhắm mắt, hít thở sâu trong vòng 10 giây, bạn sẽ nhanh chóng kiềm chế được cảm xúc của mình và lấy lại bình tĩnh.
  2. Nghĩ kỹ trước khi nói: Dù đang tức giận đến đâu, muốn “xả” hết mọi thứ bạn nghĩ trong đầu ra đến đâu thì hãy cố gắng suy nghĩ về những gì định nói ra, xem liệu ta có hối hận về nó sau này hay không.
  3. Chia sẻ với người khác: Thay vì cố gắng “dằn mặt” kẻ thù, hãy nói chuyện, tâm sự với người bạn thân của mình, có thể sự tức giận sẽ giảm đi nhanh chóng và bạn cũng sẽ nhận được những lời khuyên hữu ích từ bạn bè mình đấy.
  4. Tìm niềm vui: Đừng cố gắng thể hiện sự tức giận của bản thân qua hành động, lời nói, hãy tìm đến những gì bạn thích, xem một bộ phim hài hước, nghe bản nhạc tủ, bạn sẽ thấy yêu đời hơn.
  5. Hỏi chắc chắn trước khi nói: Khi bạn không hài lòng về lời nói của người khác, hãy hỏi lại chắc chắn xem ý của họ là gì?, để tránh hiểu nhầm mục đích của mọi người.
  6. Xem lại bản thân: Giảm cái tôi của mình xuống: Trong nhiều trường hợp, người khác chỉ muốn điều tốt cho bạn nhưng bạn lại có thể chưa hiểu và nghĩ rằng họ đang bêu xấu mình. Hãy xem lại thái độ, tác phong của bản thân mình xem mình có nên và có đáng tức giận với họ hay không. Nói chung, tức giận là điều không tránh khỏi trong cuộc sống, nhưng với những tác hại mà nó đem đến cho cơ thể thì việc hóa giải thực sự nên hóa giải ngay, hay cố gắng tìm cách kiềm chế theo cách của riêng bản thân.
  7. Đọc sách và thiền định: Một cuốn sách hay và hữu ích có thể giúp thoát khỏi những cảm xúc bi quan, cũng nhờ vậy trở nên trầm tĩnh và lạc quan hơn.

Thiền định theo các nhà nghiên cứu gần đây đều khẳng định lợi ích về thiền định còn mang lại sức khỏe cho con người. Theo Viện đại học Cologne (Đức), thiền định giúp người ta bớt nóng nảy, hung hăng, giảm bệnh về tinh thần và ham muốn khống chế, cấm đoán, ngăn cản người khác, giảm tính bất định. Nó làm tăng sức hòa hợp, thân thiện với người khác, biết kính nể người và tự chế mình, tăng sự tự tin, thỏa mãn, khả năng chịu đựng trong tình huống xấu, tăng tính quả quyết, tự tin…

BS. Hoàng Tuấn Long

https://suckhoedoisong.vn/7-su-ton-hai-nang-ne-doi-voi-co-the-khi-nong-gian-169139711.htm

Vì sao cổ phiếu VinFast lao dốc hôm nay

Ba’o Tieng Dan

Yahoo News

Tác giả: Rich Smith và The Motley Fool

Dương Lệ Chi, chuyển ngữ

17-4-2024

Cổ phiếu Auto VinFast (NASDAQ: VFS) của nhà sản xuất xe hơi Việt Nam đã lên sàn chứng khoán đầu tiên (IPO) trong thương vụ sáp nhập với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) hồi mùa hè năm ngoái, đã giảm 11,5% cho đến 11 giờ sáng thứ Tư, giờ miền Đông Hoa Kỳ, sau khi báo cáo không đạt được cả doanh thu và thu nhập trong quý đầu tiên của năm 2024.

Về thu nhập, các nhà phân tích vốn đã bi quan, dự đoán công ty sẽ lỗ 22 xu trên mỗi cổ phiếu, với doanh thu 450 triệu USD. Hóa ra, các nhà phân tích bi quan không nhiều lắm bởi VinFast lỗ tới 26 xu trên mỗi cổ phiếu và doanh thu chỉ đạt 302,6 triệu USD.

Doanh thu và thu nhập của VinFast trong quý 1 (bị thua “lỗ”)

Tin tức không hẳn tất cả đều xấu (chỉ phần lớn là xấu). Tổng doanh thu quý đầu tiên tăng 270% so với cùng kỳ năm ngoái, với doanh thu từ bán xe tăng 324%. Biên độ lợi nhuận gộp được cải thiện từ âm 173% lên lên tới “chỉ” âm 50%. Tuy nhiên, công ty vẫn tiếp tục thua lỗ ở mức đáng báo động.

Và công ty cũng có thể đang mất đà. Doanh số bán xe điện tuy tăng 444% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lại giảm 28% so với quý 4 năm 2023. Doanh số bán xe máy điện – trước đây là lĩnh vực kinh doanh chính của VinFast – đã giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 73% so với quý trước.

Có nên bán cổ phiếu VinFast trong năm 2024?

VinFast đang cố gắng khắc phục tình trạng sụt giảm doanh số bán hàng, tăng gần gấp ba số lượng đại lý ở Mỹ (lên tới 16 đại lý) với các đại lý mà hãng có mối liên hệ và đăng ký thêm đại lý ở Indonesia, Thái Lan và Oman.

Công ty cũng đã quay trở lại cội nguồn ban đầu của mình với chiếc xe đạp điện mới mà họ đang cố gắng bán ở Mỹ với giá 2.599 USD, cùng với việc chờ đợt bán hàng VF 9 EV bắt đầu cuối tháng này. Và họ hứa hẹn sẽ bán được 100.000 xe điện trên toàn thế giới trong năm nay.

Tuy nhiên, VinFast có thể không tồn tại cho tới cuối năm nay. Chỉ riêng dòng tiền mặt (cash flow) âm trong quý đầu tiên đã lên tới con số đáng kinh ngạc là 717,3 triệu USD và theo sự thừa nhận của chính họ, công ty chỉ còn lại 123,3 triệu USD trong ngân hàng. Với tốc độ đốt tiền mặt như thế, VinFast có thể sẽ hết tiền – và hết may mắn – chỉ trong vài tuần, chứ đừng nói tới vài tháng.

Có nên đầu tư 1.000 USD vào VinFast Auto Ltd. Trong lúc này hay không?

Trước khi bạn muốn mua cổ phiếu của VinFast Auto Ltd., hãy cân nhắc điều này:

Nhóm phân tích của “The Motley Fool Stock Advisor” vừa xác định, 10 cổ phiếu tốt nhất mà nhà đầu tư nên mua hiện nay… và VinFast Auto Ltd. không phải là một trong số đó. 10 cổ phiếu lọt vào nhóm có thể mang lại lợi nhuận khổng lồ trong những năm tới.

Stock Advisor cung cấp cho các nhà đầu tư một kế hoạch chi tiết dễ thực hiện để đạt được thành công, gồm hướng dẫn xây dựng danh mục đầu tư, cập nhật thường xuyên từ các nhà phân tích và hai lựa chọn mới về cổ phiếu mỗi tháng. Dịch vụ Stock Advisor đã tăng lợi nhuận hơn ba lần so với S&P 500 kể từ năm 2002.


 

Việt Nam chi $24 tỷ giải cứu ngân hàng SCB của Trương Mỹ Lan

Ba’o Nguoi-Viet

April 17, 2024

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hãng tin Reuters vừa tiết lộ chính phủ Việt Nam thực hiện cuộc giải cứu $24 tỷ “chưa có tiền lệ” cho ngân hàng SCB.

Theo phán quyết của Tòa Án ở Sài Gòn mới đây, ngân hàng SCB thuộc sở hữu của bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát, và do bà này nắm quyền kiểm soát.

Ngân hàng SCB thuộc sở hữu của bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát. (Hình: Saigon Times)

Bản tin hôm 17 Tháng Tư của Reuters dẫn nguồn ba tài liệu ngân hàng và một người ẩn danh có quyền truy cập tài liệu, cho hay, chính phủ Việt Nam trong tình thế nếu không bơm tiền cho vay, SCB “sẽ sụp đổ,” nhưng nếu cứ bơm tiền thế này, kho bạc nhà nước “sẽ dần cạn kiệt.”

Các tài liệu mô tả tình huống này là “chưa có tiền lệ” về khối lượng tiền mặt khổng lồ được bơm vào, cũng như cho thấy quy mô thiệt hại tiềm ẩn đối với hệ thống tài chính Việt Nam.

Theo tuyên bố của Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam, dự trữ ngoại hối đạt khoảng $100 tỷ vào hồi cuối năm ngoái. Tuy vậy, tính đến đầu Tháng Tư, cơ quan này đã phải bơm $24 tỷ “khoản vay đặc biệt” vào SCB.

Theo tài liệu, tốc độ bơm tiền vào SCB hiện đã “chậm lại một chút” nhưng đạt bình quân hơn $900 triệu mỗi tháng trong vòng năm tháng qua.

Bản tin cho biết thêm, giới chức Ngân Hàng Nhà Nước, Bộ Tài Chính, cũng như SCB đều từ chối bình luận về thông tin nêu trên.

Đáng lưu ý, khoản bơm tiền mặt vào SCB được ghi nhận lên tới 5.6% sản lượng kinh tế hằng năm và tương đương 1/4 dự trữ ngoại hối của Việt Nam.

Ngân Hàng Nhà Nước đưa SCB vào diện giám sát đặc biệt để ngăn chặn tình trạng tháo chạy khỏi ngân hàng sau vụ bắt giữ bà Trương Mỹ Lan hồi Tháng Mười, 2022.

SCB được ghi nhận sử dụng số tiền được bơm vào để chi trả cho việc rút tiền mặt, theo một báo cáo mà nhà băng này gửi Ngân Hàng Nhà Nước hồi Tháng Mười Một năm ngoái.

Sau khi bị Ngân Hàng Nhà Nước kiểm soát, lượng tiền gửi tiết kiệm tại SCB đã giảm 80% xuống còn khoảng $6 tỷ, tính đến Tháng Mười Hai cùng năm.

Dự báo với tốc độ hiện tại, SCB có thể hết sạch lượng tiền gửi của khách hàng vào giữa năm nay trong lúc nợ xấu đã tăng lên 97% dư nợ tín dụng của nhà băng này.

Bà Trương Mỹ Lan bị kết án tử hình trong phiên tòa xử vụ án Vạn Thịnh Phát vừa diễn ra tại Sài Gòn. (Hình: ZNews)

Tại phiên tòa xử vụ Vạn Thịnh Phát, bà Lan đã không nhận tội “tham ô” và “đưa hối lộ” dù bị cáo buộc bòn rút khoản vay $12.5 tỷ từ SCB cho các công ty vỏ bọc trong khi kiểm soát nhà băng thông qua các bên do bà này ủy quyền.

Cũng theo Reuters, bất chấp sự giám sát của Ngân Hàng Nhà Nước, tính đến Tháng Mười Hai năm ngoái, SCB vẫn tiếp tục gặp vấn đề về thanh khoản và phải vật lộn để giải quyết các khoản thanh toán đúng hạn khi khách hàng chuyển tiền sang các ngân hàng khác, cũng như xử lý các khoản chi qua hệ thống thanh toán bù trừ chính.

Tình trạng này ảnh hưởng đến “tâm lý” khách hàng và tạo ra rủi ro cho toàn bộ hệ thống tài chính ngân hàng.

Lĩnh vực tài chính ngân hàng Việt Nam đang phải đối mặt với rủi ro ngày càng cao do tình trạng bất ổn kéo dài trong lĩnh vực bất động sản. Việc bỏ tù bà Trương Mỹ Lan là một phần trong chiến dịch “đốt lò,” gây ra cuộc khủng hoảng bất động sản, tạo áp lực lên nền kinh tế và làm lu mờ triển vọng của các ngân hàng.

Các báo ở Việt Nam cho biết Ngân Hàng Nhà Nước và chính phủ đã nhiều lần tìm kiếm sự giúp đỡ cho SCB từ khu vực tư nhân, nhất là kêu gọi các nhà đầu tư ngoại quốc, bất chấp những hạn chế như trần 30% về vốn sở hữu ngoại quốc.

Hồi cuối năm ngoái, Ngân Hàng Nhà Nước giao cho tập đoàn bất động sản Sungroup lập kế hoạch tái cơ cấu SCB nhưng hiện chưa rõ liệu kế hoạch này có được thông qua hay không. (N.H.K) [qd]


 

 30 THÁNG TƯ NĂM 1975 CHỊ Ở ĐÂU ?- NGUYỄN THỊ THÊM

NGUYỄN THỊ THÊM

C hị về nhà sau một ngày lang thang ngoài đồng. Con trâu đã vào chuồng ngủ yên. Chị lặn lội ra bờ ruộng cắt một gánh cỏ về sân hợp tác xã trình diện rồi đem vào chuồng trâu. Chị cũng không cần biết hôm nay mình được bao nhiêu điểm lao động. Cuộc đời chị như cái máy chạy theo những mắc xích vòng quay. Sáng trưa chiều tối, chị làm, chị sống, chị sinh hoạt như một cái xác không hồn. Chị đã mất tất cả niềm vui và nụ cười từ khi chị đặt chân lên mảnh đất này.

Chị bước vào nhà, buổi chiều đã buông. Ngoài sân mấy vồng ớt, nén, cà chờ chị cho tí nước uống. Nó cũng khao khát như chị. Nó muốn được sống, được hít thở khí trời, được ươm hoa kết nụ. Đứa con gái lớn bồng em lao ra mừng mẹ. Nhìn con, chị chỉ muốn khóc, muốn ôm nó vào lòng chở che, an ủi. Con ai đem bỏ nơi này. Tội thân con tôi. Đứa con gái có đôi mắt xanh thật đẹp, làn da trắng với những cọng lông tơ phơn phớt. Mái tóc vàng rối tung theo gió chiều. Bộ quần áo vải đã sờn vai, bạc màu. Quần ngắn ngủn để lộ ra cặp đùi trắng trái ngược với màu vải đã xám xịt xấu xí. Chị nhìn hai đứa con lòng như dao cắt. Đưa tay ra đón đứa con gái nhỏ, chị bảo con chị:

– Đem giỏ cơm vào nhà đi con. Mệ con đâu?

– Mệ đi qua nhà mụ Chắt. Nghe nói ngày ni bên nớ có kỵ.

– Ờ! Con đã ăn cơm chưa?

– Con đợi mạvề ăn luôn.

Chị vào nhà, ôm con bé em trong tay, xiết chặt con vào lòng, những đốt xương sườn cấn vào tay chị. Hai đứa bé vừa qua cơn bệnh nên đứa nào cũng gầy nhom, xanh mướt.

…..

Chị nhớ từ ngày chị về nơi này, vì khí hậu không quen nên mấy đứa con cứ khó chịu, nay đau mai yếu. Chồng chị đã theo lệnh triệu tập, cơm đùm gạo bới đi theo lệnh ủy ban chưa nghe tin tức gì. Con bé lớn cả tuần cứ ho. Mỗi lần cơn ho kéo tới cháu lại ói. Những thức ăn, nước dãi tuôn ra theo từng cơn ho. Nó rũ người xuống oằn oại thở không ra hơi. Nó đã trắng lại bị bệnh nên làn da trắng trở nên bạc phếch. Hai con mắt xanh lõm vào như cái hố bom. Nó cố gắng ngóc đầu nhìn chị ,đôi mắt mệt mõi, hơi thở khó khăn. Chị ôm đầu con vào lòng ứa nước mắt. Thuốc men đâu còn để lo cho nó. Làm gì có bác sĩ hay tiệm thuốc tây để mua. Con bé lớn đã vậy, con bé nhỏ lại nổi ban. Người sốt từng hồi, mặt mày đỏ bừng, hết sốt lại lạnh. Hai đứa con nằm rên hừ hừ trong sự bất lực của người mẹ. Má chồng chị dù bệnh cũng không thể nằm yên . Bảo chị phải xoa dầu cho con rồi nấu nước gạo rang cho cháu uống.

Buổi sáng chị cõng con lớn đi trạm xá. Con bé đã lớn lại cao, chị cõng con chân nó lòng thòng gần chạm đất. Con đường từ nhà đi lên trạm xá phải qua mấy xóm, bọc theo con đường dẫn ra ruộng tuốt mãi ở xóm Yên.Tới nơi thả con xuống cái ghế gỗ trước trạm xá là chị ngồi vật xuống thở dốc, dường như tất cả sức lực của chị đã cạn. Con bé rũ người ra như muốn té. Chị lại bật dậy đỡ con. Cô y tá mặc cái quần chẽn, áo trắng cổ bâu như dân công đi tải đạn. Cô ta bước tới rờ rờ đứa bé. Chẳng biết cô có kinh qua trường lớp gì hay không, chỉ biết cô là đồng chí hộ lý, là cán bộ y tế ngoài Bắc vào công tác. Phụ tá cô ta là con gái của lão chủ tịch xã, nghe nói đã tốt nghiệp lớp 2 trường làng ở đây. Loay hoay một hồi, cô ta ghi vào sổ tên họ chị và con bé. Mở lọ thuốc vạn năng, cấp cho chị vài viên Xuyên Tâm Liên bảo về canh chừng cho con bé uống. Thế là xong. Chị biết mấy viên thuốc đó chả tác dụng gì, nhưng vẫn nhận về. Vì chị cần giấy chứng nhận là con chị bệnh thật, để chị được tạm nghỉ lao động một ngày, không bị đem ra kiểm điểm và ghi vào sổ đen. Chị lại cõng con bé lớn về qua con đường hồi nãy đã đi. Chị lấy cái khăn trùm lên đầu con cho khỏi nắng và che luôn cho mình vì không thể đội nón lá.

Buổi chiều trước giờ trạm xá đóng cửa, chị lại bồng con em đi khám và cũng nhận vài viên Xuyên Tâm Liên như con bé chị. Lần này có thêm lời dặn dò: -“O nhớ tán ra cho hén uống”. Đi đi về về, hai chân chị muốn rã rời, hai tay tê dại, lưng mỏi, người ê ẩm mà hai con bé vẫn trơ ra, bệnh  càng ngày càng nặng. Chị nuốt nước mắt, nỗi uất nghẹn dâng lên làm chị không thở được. Tức ran cả ngực, cái đầu muốn vỡ tung. Mẹ chồng chị cũng đau thương không kém. Bao nhiêu chịu đựng, dồn nén khiến bà suy nhược, đau nhức toàn thân. Bà gục xuống nằm li bì . Một mình chị chăm ba con bệnh trong hoàn cảnh lạ người lạ quê. Con gà mái mới gầy, nhảy ổ được vài ba trứng, chị lấy nấu cháo cho mẹ chồng, cho con. Chị muốn thịt luôn con gà để hầm cháo mà mẹ chồng không cho:

– Thôi con! Để nó còn đẻ lấy trứng tẩm bổ cho cháu.

Một buổi tối. Chị ra giữa trời, nhìn lên bầu trời tối thui chị muốn hét to hết hơi sức của mình nhưng kịp thời dừng lại. Chị lấy tay quẹt nước mắt và nói với tất cả dồn nén trong lòng:

-Ông Trời! Tui bây giờ không còn gì hết. Hai đứa con tui, Ông muốn bắt đứa nào thì bắt một đứa. Đứa kia cho nó lành bệnh. Con ruột, con nuôi tui không phân biệt. Tui quá sức chịu đựng rồi. Tui không đấu với Ông nữa, xin Ông tha cho tui.

Chị cũng không biết sao chị lại nói những lời không đầu không đuôi, bất tôn, bất kính như vậy. Chị là Phật Tử, lúc nào cũng niệm Phật mà giờ chị lại ra sân nói chuyện với ông Trời. Buổi sáng, trời còn tờ mờ. Chị dậy sớm ra vườn hái đọt chè tươi nấu nước cho mẹ chồng. Hốt nửa lon gạo bắt cháo cho con. Ngồi khơi lửa rơm cho nồi cháo, ghế ấm nước chè bên cạnh chị nghĩ mông lung. Phải làm gì đây? Liều thôi. Sống chết có phần số. Không lẽ cứ bó tay đứng nhìn.

Chị ra vườn, hái tất cả những loại lá, loại rau mà chị biết. Đào ít cỏ gấu, giựt ít dây tơ hồng, cỏ vườn chầu, rễ tranh, lá chanh, lá ổi. Chị hái không kể số là loại gì và bao nhiêu. Chị đem tất cả xuống sông rửa sạch. chặt nhỏ, phơi hơi héo héo, rang thủy thổ rồi nấu nước cho mọi người uống. Hai đứa bé luôn cả mẹ chồng. Chị đã tới nước liều, chị cóc sợ điều gì xảy ra.

Thế rồi, như một phép lạ, cơn ho con bé lớn vơi dần và vài ngày hết hẳn. Con bé nhỏ dịu sốt và ban trắng từ từ lặn, để lại những mảng da đen đen. Mẹ chồng chị đã có thể dậy và ra chợ bán để kiếm cơm nuôi cả nhà. Sau cơn mưa trời lại sáng, các con chị đã có thể chăm sóc lẫn nhau, chị lại tiếp tục ra đồng hợp tác xã làm việc như bây giờ. Có lẽ ông Trời đã nghe chị kêu, đã đồng cảm với chị, cho chị một con đường để tiếp tục cuộc hành trình cam khổ.

…..

Chị vào nhà lấy cơm cho con ăn. Lựa khoai chị gắp ra một cái dĩa để mình ăn, còn cơm trắng đơm vào chén cho con. Mấy con cá sông kho với ớt đỏ lòm bắt mắt. Ở đây, người ta ăn ớt như không hề biết cay và con bé lớn chị không biết từ lúc nào nó có thể ăn ngon lành. Còn chị thì chỉ ăn cá, gạt ớt không ăn mà còn bị cay phỏng  cháy cả lưỡi. Chị múc nước tô canh rau tập tàng chan vào chén và đút cho bé em. Tội nghiệp mẹ chồng chị đã nấu sẵn trước khi đi có việc. Ăn xong, chị bảo con bé chị chơi với em để mạ gánh nước tưới ớt kẻo tối.

Chị gánh đôi thùng ra bờ sông. Hôm nay sao bến vắng lạ lùng, không có ai xuống tắm hay giặt giũ. Chị để đôi thùng trên mấy tảng đá rồi thọc chân xuống nước,nhìn ra mông lung. Sông Ô Lâu nước trong vắt, bên kia sông thấp thoáng nhà cửa và bóng người qua lại. Những con cá lội lững lờ dưới chân chị. Thỉnh thoảng lại đụng vào chân chị nhồn nhột. Có vài con tép nhỏ bơi qua về bình an, vô tư. Chị không biết mình nên buồn hay vui, nên khóc hay cười. Hôm nay, trong sân hợp tác xã chị đã nghe tin Sài Gòn thất thủ. Mọi người vui mừng hò reo. Mấy tên Cán Bộ hét lớn:

-“Quân ta toàn thắng, tăng ta ủi sập dinh Độc Lập rồi. Tướng Minh đã đầu hàng.

” Quân ta toàn thắng” Chị bước ra khỏi sân tập đoàn, tránh xa tiếng hò reo ồn ào. Nước mắt không chảy mà tim đập rất nhanh. Quân ta toàn thắng? Quân nào là quân ta? Quân nào là quân địch. Trong cái mớ hỗn độn đó chị nghe như có tiếng kêu gào, tiếng khóc dậy trời và những tiếng nổ kinh hồn của đạn pháo. Chị không biết cha mẹ mình ra sao? Anh em người nào còn, người nào mất. Còn thằng em út đi Hải quân có kịp về nhà, đã chết hay đã di tản theo tàu.

Con mắt chị mờ theo ánh nắng chói chang. Sài gòn thất thủ là chị còn cơ may tìm về cha mẹ. Tất cả đều đã xong hết, đã tận cùng. Đất nước và con người đã cạn kiệt sức lực vì hai chữ hòa bình và tự do. Máu đã đổ nhiều rồi, nước mắt đã chảy thành sông. Khăn tang cô phụ, thi hài tử sĩ, tiếng khóc mẹ già, nước mắt con thơ đã vang lên từ bao nhiêu năm.Thôi thì hòa bình cũng tốt.

Chị nghĩ như vậy và nghĩ đến con tàu Bắc Nam đem chị về nhà cha mẹ. Về mảnh vườn thân yêu quen thuộc. Chị lại được hít thở không khí tự do và đầm ấm gia đình.

Rồi chị lại lạnh cả xương sống khi nghĩ đến thực tế. Tự do ư? Rồi miền Nam cũng sẽ là Cộng Sản, cũng Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc. Cũng làm ăn tập thể, cũng hội họp thâu đêm, cũng chế độ tem phiếu, cũng bình bầu, cũng góp gạo nuôi quân, cũng nắm gạo bỏ hũ cho hội phụ nữ, cũng nắm gạo tích lũy cho đoàn Thanh Niên…

Cũng băng rôn, cờ xí trên mọi ngả đường, cũng cổng văn hóa mỗi đầu xóm nhỏ… Một miền Nam trù phú, rộng rãi, tự do phải đi vào hợp tác xã, phải quy nạp tài sản đất đai vào tập thể, phải lao động, chấm công, bình điểm. Chị không thể tưởng tượng được xã hội miền Nam sẽ đối phó như thế nào.

Bây giờ ngồi một mình yên lặng, chị thấy mình thật mâu thuẫn. Vui hay buồn khi Sài Gòn thất thủ, cha mẹ chị phải làm sao khi cả đàn con đều mang súng Quốc Gia. Còn chồng chị bao giờ mới về. Nơi này con sông Ô Lâu vẫn lặng lẽ trôi và buồn ngơ ngác. Ở quê nhà con sông Đồng Nai của chị có nổi sóng ba đào hay im lìm chịu đựng. Con đường về Nam hy vọng mới lóe lên đã tắt ngúm khi người kiểm soát người. Khi chế độ hộ khẩu và hệ thống kiểm tra lý lịch chặt chẽ gò bó người dân. Chị làm sao có đủ chữ ký và cái mộc đỏ chói từ ông đội trưởng hợp tác xã, hội Phụ Nữ đến Ủy Ban Nhân Dân xã, theo hệ thống các Ban Ngành kéo dài tới tỉnh để được phép về nhà thăm viếng  Mẹ Cha.

Nước mắt chị ứa ra, chị như con chim bị nhốt trong lòng không cách chi vùng vẫy.

– Mạ ơi! răng mà lâu rứa mạ!

Có tiếng con bé lớn gọi chị. Có lẽ chờ lâu không thấy chị về, con bé chạy đi tìm vì sợ chị gánh nước lên dốc bị té hay lấy nước bị hụt chân. Chị trả lời cho con yên tâm rồi quảy đôi thùng xuống sông lấy nước.

Tháng Tư, ngày 30 sẽ là điểm mốc của lịch sử Việt Nam. Chị đã chứng kiến Đà nẵng hỗn loạn, tan tác trong ngày bỏ ngỏ. Chị biết Sài gòn sẽ còn ghê gớm tang thương hơn. Ôi thành phố hoa màu, Hòn Ngọc Viễn Đông sẽ chìm trong biển lửa. Chạy trốn nơi đâu, thoát thân cách nào. Toàn bộ VN đã nhuộm màu cờ đỏ. Thế là đã hết, đã chấm dứt thể chế Quốc gia. Nơi đây không một tin tức từ bên ngoài. Chỉ nghe vang vang tiếng loa phóng thanh từ Ủy Ban xã và tiếng nhạc rền vang cao thấp  âm hưởng lạ kỳ. Bầu trời thì cao rộng mà con người nhỏ bé lạc loài vô vọng.

Mấy chục năm đã trôi qua. Ngày 30 tháng tư năm đó anh ở đâu? Chị ở nơi nào? Tôi trả lời cho câu hỏi mà mọi người hỏi thăm nhau mỗi dịp tháng tư  đen. Ngày đó tôi ngồi bên bờ sông Ô Lâu khóc cho vận nước, khóc cho chồng, cho mình, cho con. 30 tháng tư năm nay tôi đang ở California nước Mỹ. Hai đứa con gái ngày xưa bây giờ là những phụ nữ trung niên, con cái đầy đủ. Chồng tôi đi tù hơn 8 năm đã được thả về với thân thể và tâm hồn rách nát. Anh đã hoàn toàn mất hết súng đạn với nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Hiện tại anh đã từ giả cuộc đời, ra đi yên nghỉ.  Còn tôi, người vợ lính ngày xưa chờ chồng tù tội trở về, bây giờ đã trở thành một bà già yên phận ở tuổi thất thập có dư. Tôi cũng đã hoàn thành nhiệm vụ đối với gia tộc là sinh cho anh thêm hai thằng nhóc con. Bây giờ hai thằng nhóc đó đều là hai người lính trong quân đội Hoa kỳ. Một thằng Không Quân, một thằng dưới biển.

Vâng. Tôi đã kể câu chuyện của tôi trong ngày 30 tháng 4 năm 1975. Còn anh, còn chị, còn các bạn. Ngày 30 tháng 4 năm đó đã làm gì? Ở đâu?

NGUYỄN THỊ THÊM


 

Đi “Hành hương” có mục đích gì?-Cha Vương

Ước mong bạn gặp được Chúa là Đấng đang tìm kiếm bạn. Xin một lời cầu nguyện cho linh hồn Tu Sĩ Linh Mục Phêrô Têrêsa Nguyễn Minh Gần, Dòng Chúa Cứu Thế Hoa Kỳ, 59 tuổi, mới qua đời ngày 14-4-2024,

Cha Vương

Thứ 4:17:04/2024

GIÁO LÝ:  Đi “Hành hương” có mục đích gì? Một ít người đi hành hương để “cầu nguyện bằng đôi chân”, họ có kinh nghiệm bằng các giác quan rằng cả cuộc đời mình là một cuộc hành trình dài tiến về cùng Thiên Chúa. (YouCat, số 276)

SUY NIỆM: Trong Cựu ước dân Israel hành hương lên Đền Thờ Giêrusalem. Các Kitô hữu thời Trung cổ cũng hành hương đến các nơi thánh, đến Giêrusalem, đến Rôma, đến mộ các thánh tông đồ … Kitô hữu đi bộ khi hành hương thường để đền tội, và thường người ta bị thúc đẩy bởi ý nghĩ sai lầm rằng những việc tự động hãm mình có thể làm cho mình nên công chính trước mặt Chúa. Ngày nay đã đổi mới, Kitô hữu đi hành hương để tìm sự bình an và sức mạnh xuất phát từ các nơi thánh. Nhiều người sống cô đơn lẻ loi, họ muốn ra khỏi cảnh tẻ nhạt đều đều hằng ngày, muốn được thoát thân khỏi những cái thừa thãi để nhẹ nhõm đi đến với Chúa. (YouCat, số  276 t.t.)

❦ Hội thánh bước đi vững vàng, tiến về đường hành hương của mình, giữa những thử thách trên đời và những an ủi của Thiên Chúa. (Thánh Augustinô)

❦ Những con đường của Thiên Chúa là những con đường mà chính Thiên Chúa đã mượn mà ngày nay ta phải bước đi cùng với Người. (Dietrich Bonhoeffer)

LẮNG NGHE: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta hãy tiến vào nhà Chúa”. Chân chúng ta đã đứng nơi cửa tiền đình, Giêrusalem. (Tv 122:1-2)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Kitô Phục Sinh, “Ở trên đời, con là thân lữ khách”, xin cho mỗi bước chân con đi, những nơi con đến, những người con gặp hôm nay cũng là một cuộc hành hương nhỏ để gặp Chúa và gắn bó với Chúa nhiều hơn.

THỰC HÀNH: Mở rộng tầm nhìn để tìm gặp Chúa trong bất cứ thời điểm nào và trong bất cứ hoàn cảnh nào. Td: Khi đang bị tắc đường, lúc ăn trưa, đến lớp học, lúc xếp hàng hay tham dự cuộc họp…

From: Do Dzung

Cho Con Thấy Chúa (Sáng tác: Sr. Hiền Hòa) – Uyên Nguyên 

Chuyện dài Việt Nam XHCN: Cán Bộ Tích nước Thủy Điện làm chết 25 hecta rừng

Tổng hợp báo chí lề phải

Ngày 17.4, Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum cho biết vừa có báo cáo đề xuất xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thủy điện tích nước gây chết hơn 25 ha rừng.

Thủy điện tích nước khiến hơn 25 ha rừng bị chết

Thủy điện tích nước khiến hơn 25 ha rừng bị chết. Tin ảnh của TRANG ANH, báo Thanh Niên.

Trước đó, năm 2023, lực lượng bảo vệ rừng phát hiện tại khu vực lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum có hàng chục ha cây rừng bị chết do thủy điện tích nước.

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định Thủy điện Thượng Kon Tum đã có hành vi ngăn dòng chảy khiến nước dâng ngập gây úng làm cây rừng chết với diện tích hơn 25 ha rừng (xảy ra tại các tiểu khu 401a, 406, 407, 411, 412, 413 thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông; tiểu khu 410 do UBND xã Đắk Tăng, huyện Kon Plông quản lý và tại tiểu khu 451 thuộc lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy quản lý).

Môi trường - Kon Tum: Đề nghị xử lý 15 cán bộ vụ hơn 25ha rừng bị chết úng

Cây rừng bị chết do thủy điện tích nước.

Đơn vị chịu trách nhiệm khiến 25,36 héc ta rừng bị chết do ngập úng ở khu vực lòng hồ Thủy điện Thượng Kon Tum là Công ty Cổ phần đo đạc và bản đồ Viễn Thám vì công ty này đảm nhận việc tư vấn đo đạc, lập bản đồ địa chính.

Diện tích 25,36 héc ta rừng bị chết do ngập úng ở khu vực lòng hồ Thủy điện Thượng Kon Tum nằm ngoài phạm vi diện tích được UBND tỉnh Kon Tum thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê và giao đất cho Công ty Cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn- Sông Hinh.

Đám Cán Bộ phá rừng

Ngoài Công ty Viễn Thám, trách nhiệm đối với các cá nhân có liên đới, gồm: 2 cán bộ thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường; 5 cán bộ huyện Kon Plông; 2 cán bộ huyện Kon Rẫy; 2 cán bộ thuộc Sở NN&PTNT; 1 cán bộ Quỹ Bảo vệ phát triển rừng tỉnh Kon Tum; 2 cán bộ thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông; 1 Phó Giám đốc của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy.

Lời Bình của Kẻ Đi Tìm

  • Cán Bộ lớp ăn lớp phá vì dốt và tham không biết tới bao giờ dân mới thoát khổ nạn.
  • Không biết ăn được bao nhiêu trong vấn đề giao đất, phá rừng?
  • Lợi một hại trăm, đến mấy chục năm sau hoặc không bao giờ họ có thể  trồng lại được đám rừng bị phá. Trong khi lợi về điện chỉ được một thời gian ngắn ngủi trong tháng mùa khô.

 

S.T.T.D  Tưởng Năng Tiến – Số báo cuối cùng

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

17/04/2024

Với thời gian, trí nhớ của tôi mỗi lúc một thêm bạc bẽo. Tháng 11 năm 1989, Bức Tường Ô Nhục Bá Linh (“Wall of Shame”) sụp đổ. Qua năm sau, tạp chí Reader’s Digest (dường như là số tháng 5) có đăng một mẩu chuyện ngăn ngắn – liên quan đến biến cố này – mà tôi chỉ còn nhớ được loáng thoáng như sau:

Giữa đám đông đang hăm hở và hớn hở lũ lượt vượt rào đi từ Đông qua Tây là một ông già, dáng lầm lũi và đơn độc. Ông không dừng chân ở bất cứ quán bar nào, dù tất cả đều mở rộng cửa –  và cung cấp rượu bia miễn phí – để chào đón những kẻ vừa đặt chân đến phần đất tự do.

Và trong khi mọi người đều náo nức xếp hàng chờ được lãnh tiền (gọi là “tiền chào mừng”, khá hậu hĩnh) do chính phủ Cộng Hoà Liên Bang Đức cấp phát thì ông già lặng lẽ tìm đến thư viện để gửi trả một cuốn sách mượn từ tháng Tám năm 1961, cùng với lời trần tình: Tôi chỉ định giữ tác phẩm này vài ngày thôi nhưng không ngờ bị kẹt ở bên kia bức tường tới hai mươi tám năm trời! Để trễ hạn lâu quá, tôi rất lấy làm tiếc và xin được thứ lỗi.

Câu xin lỗi vừa ghi khiến tôi lại nhớ (và cũng chỉ nhớ mang máng thôi) đến lời than thở của học giả Nguyễn Hiến Lê, trong một tác phẩm nào đó của ông: Thưở nhiễu nhương và loạn lạc  thì ngay đến sách báo cũng phải chịu cảnh phong trần, lưu lạc!

Thời gian “lưu lạc” kéo dài gần ba mươi năm của một cuốn sách kể cũng khá dài nhưng so với số phận long đong của một tờ báo (tạp chí Bách Khoa, số cuối cùng – 426 – phát hành vào ngày 20 tháng 4 năm 1975) thì xem ra vẫn còn hơi ngắn, theo như “tin mừng” đã được nhà văn Phạm Xuân Đài (chủ bút trang Diễn Đàn Thế Kỷ) hân hoan loan báo:

“Trong công cuộc sưu tầm những tài liệu cũ của miền Nam trước 1975, lâu nay chúng tôi đã hết sức cố gắng tìm kiếm bộ tạp chí Bách Khoa, một tờ báo đã đi gần suốt chiều dài 20 năm của Việt Nam Cộng Hòa. Và xin báo tin mừng với quý độc giả và bè bạn gần xa: cách đây mới hai ngày thôi, chúng tôi đã có được số Bách Khoa cuối cùng còn thiếu, đó là số phát hành 20 tháng 4 năm 1975. Trong một thời gian không lâu nữa, chúng tôi sẽ phổ biến rộng rãi nguyên bộ Bách Khoa trong dạng điện tử để mọi người khắp nơi có thể đọc dễ dàng.

Việc số báo Bách Khoa cuối cùng đến với chúng tôi vào những ngày cuối tháng Ba năm 2017 vừa rồi đã gây cho chúng tôi một xúc động mãnh liệt, vì đó chính là một trong những hình ảnh còn sót lại một cách cụ thể của một miền Nam đang hấp hối, cách đây 42 năm.”

Chúng ta đang sống trong một thế thẳng băng, cùng với những phương tiện giao thông và truyền thông tân kỳ chưa từng thấy trong lịch sử. Cớ sao một số báo Bách Khoa (BK) lại phải “phong trần lưu lạc” đến gần nửa thế kỷ vậy cà?

Đây không phải là một câu hỏi khó nhưng cũng không dễ trả lời ngắn gọn nên tôi xin phép được thưa thêm năm điều/ba chuyện cho nó ngọn ngành:

Từ BK số 1 đến số 425, chắc chắn, đều được gửi đi và lưu giữ trong những thư viện ở Âu Mỹ nên việc sưu tập chả khó khăn gì. Nhưng với số báo cuối cùng, 426, phát hành 10 ngày trước khi miền Nam thất thủ thì số phận của nó lại hoàn toàn khác. Toà soạn BK – vào thời điểm này – chắc chẳng có ai còn lòng dạ nào để lo lắng đến chuyện phát hành, hay gửi báo đến cho độc giả (dài hạn) qua bưu điện nữa.

Giữa lúc “xẩy đàn tan nghé” thì tai họa chả bỏ sót ai, và cũng chả chừa một thứ gì ráo trọi:

“Bởi vì sách vở thời ấy, số phận nó như số phận người. Nó cũng phải trốn chạy, chui rúc, ẩn náu. Chúng cũng rơi vào cảnh mồ côi cha mẹ, cảnh lạc đàn, cảnh tan nát, cảnh tan hoang mất còn. Vận người dân miền Nam thế nào, vận chúng như thế…

 

“Đài phát thanh thành phố ra lệnh phải thu nộp tất cả các sách vở, báo chí, phim ảnh, tài liệu in ấn trước ngày 30 tháng tư được coi là đồi trụy. Nhiều người tiếc rẻ đem bán kilô. Các gói xôi bán buổi sáng, nay có tên Nguyễn Thụy Long, Nhã Ca, Thanh Tâm Tuyền. Vừa ăn, vừa đọc kể cũng vui.

Nhiều chỗ mang sách vở cũ ra đốt… Đứa may trốn thoát…  Đứa yểu tử thì làm mồi cho cuộc phần thư. Đứa không may làm giấy gói sôi buổi sáng. Đứa bất hạnh làm giấy chùi đít.  Đó là cuộc trốn chạy vô tiền khoáng hậu mà những kẻ đi truy lùng chỉ là các trẻ con lên 12, 13 tuổi.

Các cháu ngoan bác Hồ.  Họ xô những đứa trẻ con vô tội đó ra đường. Chúng quàng khăn đỏ hô hoán, reo hò như trong một vụ đi bắt trộm, hay đi bắt kẻ gian. Chúng lục soát tận tình, chúng đánh trống, chúng hát hò như một cuộc ra quân của một đoàn quân chiến thắng. Gia đình nào cũng sợ hãi cái quang cảnh đó nên kẻ mà phải hy sinh đầu tiên chính là sách vở.” (Nguyễn Văn Lục, “Sách cũ Miền Nam 1954 – 1975”).

Trong khi đám trẻ con quàng khăn đỏ hét hò đốt sách thì qúi vị trí thức, nhân sĩ, nhà văn, nhà báo cũng cần mẫn ghi chép và hoàn thành những “công trình biên khảo” để đưa bọn cầm bút (thuộc bên bại cuộc) ra … trước toà án dư luận:

  • Nọc độc văn hóa nô dịch,Trần Trọng Đăng Đàn, gồm 2 cuốn:
    Nọc độc văn hóa thực dân mới Mỹ,  NXB TPHCM 1983
    b.  Lại bàn về nọc độc văn hóa thực dân mới Mỹ,  NXB TPHCM 1987
  • Văn hóavăn nghệ miền Nam dưới chế độ Mỹ ngụy  (2 tập) nhiều tác giả, NXB Văn Hóa 1977
  • Những tên biệt kích của chủ nghĩa thực dân mới trên mặt trận văn hóa/ tư tưởng (2 tập) Nhiều tác giả, NXB Thông tin lý luận 1980
  • Tiếp tục đấu tranh xóa bỏ tàn dư văn hóa thực dân mới,Hà Xuân Trường, NXB Sự Thật 1979
  • Nhìn lại tư tưởng văn nghệ thời Mỹ ngụy,Lê Đình Kỵ, NXB TPHCM 1987
  • Cuộc xâm lăng văn hóa và tư tưởng của đế quốc Mỹ tại miền Nam VN,Lữ Phương, NXB Văn Hoá 1985

Đó là một “thời nông nỗi” đã qua chăng ? Không đâu, làm gì có chuyện đó! Cuộc “Cách Mạng Văn Hoá” chưa bao giờ ngưng nghỉ cả. Chủ trương “bài trừ văn hóa nô dịch, lai căng” là chính sách triệt để, xuyên suốt và nhất quán của Đảng Cộng Sản và Nhà Nước Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ qua mà.

Ngày 20 tháng 3 năm 2017, T.T Nguyễn Xuân Phúc lại ký Nghị Định 28/2017/NĐ-CP: “Phạt tiền từ 20-25 triệu đồng đối với hành vi tàng trữ, phổ biến trái phép bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu có nội dung đã quyết định cấm phổ biến hoặc quyết định thu hồi, tịch thu, tiêu hủy.”

Vậy bằng cách nào mà  cuốn tạp chí BK, số cuối cùng (phát hành vào ngày 20 tháng 4 năm 1975) đã không bị ném vào mồi lửa, không trở thành giấy gói xôi, không bị thu hồi, tịch thu, tiêu hủy” và vẫn có thể xuất hiện “nguyên con” trên trang web của Tạp Chí Thế Kỷ 21 vào ngày 2 tháng 4 năm 2017? Đây là câu hỏi mà qúi vị lãnh đạo của chính phủ hiện hành … cần “suy ngẫm” để có thể ban hành những nghị quyết, hay nghị định đỡ ngớ ngẩn (và lạc hậu) hơn chút xíu.


 

Một nụ cười-Bửu Uyển-Truyen ngan hay  


Bửu Uyển  

Vào dịp cuối năm 1994, một buổi họp mặt các cựu tù nhân chính trị được tổ chức ở San Diego. Xướng ngôn viên của buổi lễ cho biết : “Khi tôi xướng tên trại nào, nếu quý anh là trại viên của trại đó, xin đứng dậy và tự giới thiệu tên của mình để các anh em khác được biết”. Nhiều trại cải tạo ở miền Bắc được lần lượt xướng tên như “Phong Quang”, “Yên Báy”, “Vĩnh Phú”, “Thanh Cẩm”, “Lý Bá Sơ”, “Nam Hà”, “Phú Sơn” v.v Trại nào cũng có năm bảy anh đứng dậy và giới thiệu tên của mình. Khi xướng tên trại Nam Hà, tôi đứng dậy và có thêm bốn anh nữa , trong đó có một anh, tự giới thiệu tên của mình là Lê Trung Đạo. Tôi lẫm nhẫm Lê Trung Đạo, Lê Trung Đạo…sao tên nghe quen quá, hình như anh ấy ở chung đội với tôi thì phải. Khi phần giới thiệu các anh em trại Nam Hà chấm dứt, tôi đi đến bàn của anh Đạo, đứng đối diện và nhìn kỹ anh ấy. Tôi nhận ra anh Đạo ngay. Tôi ôm chầm lấy anh, và anh ấy cũng ôm tôi trìu mến. Tôi thì thầm bên tai Đạo : “Em còn nhớ anh không? ” Đạo trả lời ngay: “Anh Uyển, mà sao em có thể quên được, thật vui mừng được gặp lại anh. Em trông chờ ngày này đã lâu lắm rồi!”

            Khi cùng sống trong cảnh đọa đày nơi trại Nam Hà, phân trại C, tôi và Đạo nằm gần nhau. Ra đồng, bắt được con cua, con cá, tôi và Đạo cùng chia sẻ với nhau. Đạo là một Thiếu Úy Cảnh Sát Đặc Biệt, mới ra trường, không biết làm Trưởng G hay H gì đó..mà bị đày ra cải tạo ở miền Bắc.Anh còn quá trẻ, khoảng 24, 25 tuổi. Tôi xem anh như một người em của tôi và tôi rất quý mến anh. Đạo chưa lập gia đình. Anh chỉ còn một mẹ già đang sống ở Vĩnh long. Vì vậy, từ ngày bị đưa ra Bắc, Đạo chưa bao giờ nhận được quà của thân nhân từ trong Nam gởi cho anh. Anh sống hiền hòa, vui tính, nên anh em trong đội ai cũng mến anh. Đạo xem tôi như một người anh trong gia đình, anh tâm sự với tôi : “Đời em chẳng còn gì nữa, chỉ có một người mẹ, mà từ ngày bị đày ra Bắc, đã trên 5 năm rồi em chẳng có tin tức gì của mẹ em. Không biết bà còn sống hay đã ra người thiên cổ”

            Đạo nắm tay tôi và cảm động nói: “Giờ đây em chỉ có anh là người duy nhất thương mến em, cho em chút an ủi để sống qua ngày!”

         Như có một động lực nào thúc đẩy, Đạo tâm sự với tôi : “Anh ạ,mình phải sống chứ anh, mà muốn sống, dù là cuộc sống thấp nhất, cũng phải có một ước mơ gì đó để mà mộng tưởng, để tiếp sức cho mình. Các anh em ở đây , dĩ nhiên ai cũng mơ ước sớm được trở về với gia đình. Ngoài xã hội thì kẻ này mơ trúng số, kẻ kia mơ nhà cửa , ruộng vườn v.v. Nhưng sống nơi địa ngục trần gian này, anh em mình mơ ước điều gì đây? Tất cả đều nằm ngoài tầm tay của mình. Em chợt nhớ lại một câu chuyện cổ tích của Pháp, tựa đề là “Un Peu De Soleil Dans L’eau Froide” kể lại câu chuyện một ông lão nghèo khổ, sống cô đơn một mình trong căn lều nhỏ bé, trống trước, trống sau. Bổng một bà tiên hiện ra và cho ông một điều ước. Bà tiên cứ nghĩ, thế nào ông lão nghèo nàn này cũng sẽ ao ước có một căn nhà, hoặc ao ước có nhiều tiền bạc..v..v. Nhưng bà tiên vô cùng ngạc nhiên, khi ông lão nghèo khổ ấy chỉ xin “Một Nụ Cười”

         Đạo như chợt tỉnh, ông lão bất hạnh trong câu chuyện cổ tích, đã chỉ cho Đạo một mơ ước, mà dù trong hoàn cảnh nào cũng có thể đạt được, đó là một nụ cười. Không cần phải là nụ cười của giai nhân, mà chỉ cần một nụ cười thân ái của ai đó, chân thành trao cho anh, vì yêu mến anh, có thế thôi.

        Cuộc sống tù đày cứ kéo dài triền miên trong đói khổ, vô vọng. Nhưng khi nghĩ đến một nụ cười, Đạo thấy tâm hồn mình có chút an ủi, nhẹ nhàng. Hằng ngày , Đạo ước mơ nhận được nụ cười. Đêm đêm Đạo cũng ước mong trong giấc mơ, anh sẽ gặp được một nụ cười. Nhưng buồn thay, những giấc mơ đến với Đạo chỉ là những cơn ác mộng mà thôi.

        Nhưng thật kỳ diệu, từ ngày Đạo ôm ấp ước mơ có được một nụ cười, anh thấy cuộc đời của anh có chút ý nghĩa, vì dù sao anh cũng có một ước mơ, để mà thương, mà nhớ, mà mong chờ.

        Một hôm, đội được dẫn đi gặt lúa, khi đi ngang qua cổng cơ quan, Đạo thấy nhiều chiếc áo vàng đứng ở đó. Nhìn lướt qua, Đạo chợt thấy một nữ cán bộ nhìn anh mỉm cười. Anh không tin ở mắt mình, anh nghĩ rằng có thể cô ta cười vu vơ gì đó, chứ đâu phải cười với anh. Anh quay lại nhìn một lần nữa, vẫn thấy cô ta nhìn anh và mỉm cười.

        Từ ngày ấy, mỗi khi đội đi ngang qua cỗng cơ quan, Đạo đều bắt gặp nụ cười của người nữ cán bộ dành cho anh. Vì vậy khi đi lao động, Đạo luôn luôn đi cuối hàng để dễ đón nhận nụ cười của cô nữ cán bộ. Đạo cũng cười đáp lễ với cô ta. Đạo bắt đầu thấy cuộc đời của mình, có một chút gì thi vị, đáng sống. Khi ăn, khi ngủ, nụ cười đó luôn luôn theo anh, cho anh niềm an ủi, và chút lạc quan để sống. Anh em trong đội đều biết mối tình mắt nhìn mắt và trao đổi nụ cười của Đạo và cô nữ cán bộ.

         Không những Đạo nhớ đến nụ cười, anh còn nhớ đến đôi mắt như muốn nói với anh muôn ngàn lời, anh nhớ đến người con gái ấy. Ban đầu anh nghĩ rằng cứ giã bộ vui vẻ cho qua ngày. Nhưng trong tâm trí anh, luôn luôn nhớ đến cô gái ấy và anh nhận ra rằng anh đã yêu cô ta. Đạo nhớ lại ngày xưa Elvis Presley đã hát một bài hát nỗi tiếng là bài Don’t Gamble With Love nay thật đúng như trường hợp của Đạo. Bây giờ Đạo không còncho rằng lao động là khổ sai nữa, mà anh trông chờ mỗi buổi sáng được đi ngang qua cỗng cơ quan, để đón nhận nụ cười của người nữ cán bộ.

         Một buổi chiều khi đi lao động về,nghe các anh em Công Giáo tập hát bài “Đêm Đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời”, Đạo mới biết, đêm nay là đêm Noel. Khi cửa phòng giam đóng lại, anh em Công Giáo vội vã thiết trí một ngôi sao Giáng Sinh và hàng chữ “Mừng Chúa Giáng Sinh” ở vách tường cuối phòng. Họ nắm tay nhau ca hát, đọc kinh, cầu nguyện. Đạo nằm mơ màng, lơ đãng nhìn về cuối phòng, chung quanh hàng chữ “Mừng Chúa Giáng Sinh”, Đạo tưởng tượng như có những bóng đèn màu chớp sáng. Anh mơ hồ nghe như có tiếng nhạc bài Silent Night dịu dàng thoảng đi trong gió…Anh thiếp đi trong giấc ngủ yên lành.

         Vào một buổi sáng chúa nhật, chúng tôi được gọi ra sân để nhận quà của thân nhân từ trong Nam gởi ra. Thường thì 80 đến 90 phần trăm anh em đều nhận được quà. Riêng Đạo thì chưa bao giờ nhận được quà của thân nhân. Nhưng thật bất ngờ, hôm nay cán bộ lại kêu tên Đạo lên nhận quà, ai cũng ngạc nhiên và mừng cho Đạo.Anh nhận một gói quà bình thường, nhưng cách gói quà , khác với những gói quà từ trong Nam gởi ra. Đạo sững sốt nhận gói quà, đem về phòng, cẩn thận mở ra. Một mãnh giấy nhỏ nằm trên những gói đồ ăn, anh đọc vội hàng chữ “Trìu mến gửi anh Đạo – Em : Kim Chi”. Với mấy chữ ngắn gọn đó, Đạo biết ai gởi cho anh món quà tình nghĩa này. Anh ôm gói quà vào lòng. Anh không ngờ  người nữ cán bộ có nụ cười dễ thương đó, lại dám liều lĩnh gởi quà cho anh. Hai hàng nuớc mắt chảy dài xuống má, đây là những giọt nước mắt hạnh phúc mà từ lâu anh không hề có.

        Trại Nam hà, Phân trại C, nơi chúng tôi đang ở, phía sau là con đường làng. Trại chỉ ngăn cách với bên ngoài bởi những bụi tre thấp và hàng rào kẽm gai. Dân chúng đi ở ngoài, chúng tôi có thể thấy họ. Thường vào buổi chiều, sau khi ăn cơm xong , chúng tôi hay ra ngồi chơi ở sân sau đó, nhìn người qua lại. Một hôm, chúng tôi thấy cô cán bộ Chi đi lui, đi tới ở ngoài hàng rào, rồi thình lình quăng vào trong một cái gói nhỏ. Chúng tôi biết cô ấy gởi gì đó cho Đạo, chúng tôi mang vào cho anh. Đạo không biết Chi gởi gì cho anh, nhưng anh cảm động lắm. Anh em hiếu kỳ đứng quanh giường của của Đạo, để xem cô Chi đã gởi gì cho anh: đó là một gói xôi và một con gà vàng rộm. Đối với tù nhân, đói triền miên như chúng tôi, thì gói xôi gà này là cao lương mỹ vị bậc nhất trên thế gian này. Đạo rất hào phóng, anh chia đều xôi, gà cho tất cả 32 anh em trong đội, mỗi người được một muỗng xôi và chút ít thịt gà. Có người ăn ngay, nhưng cũng có vài anh em để đó, hít hít mùi thịt gà cho đỡ thèm.

         Đạo thấy thương Chi quá, vì yêu anh, nàng đã gan liều làm những việc như vậy, vì nếu bị phát giác, nàng ở tù như chơi. Đạo càng thương Chi khi nghĩ đến tương lai : một cán bộ công an yêu một sĩ quan cảnh sát ngụy..thì đời nào có thể sum họp được. Anh thở dài !

         Vào một sáng chúa nhật, một anh trật tự đến phòng chúng tôi, bảo anh Đạo chuẩn bị ra có người thăm nuôi. Chúng tôi rất ngạc nhiên, vì từ bao năm nay, Đạo thuộc diện con mồ côi, chưa hề có ai gởi quà cho Đạo, nói gì đến chuyện thăm nuôi.Thế mà hôm nay, lại có người thân nào đó đến thăm  Đạo. Chúng tôi mừng cho Đạo. Khoảng 9 giờ sáng, anh được cán bộ dẫn ra nhà thăm nuôi. Chúng tôi hồi hộp chờ Đạo trở vào để xem anh nhận được những quà gì của thân nhân đem đến.

         Nhưng chúng tôi chờ mãi…đã ba , bốn giờ chiều rồi, vẫn chưa thấy Đạo trở vô trại. Thường một trại viên được gặp mặt thân nhân khoảng 15, 20 phút, tối đa là nửa giờ. Thế mà , Đạo ra nhà thăm nuôi đã hơn bốn, năm tiếng rồi mà chưa thấy vô. Chúng tôi bắt đầu lo lắng cho Đạo, không biết chuyện gì đã xảy ra cho anh, lành hay dữ. Và từ đó, chúng tôi không còn biết tin tức gì về Đạo nữa.

        Hôm nay gặp lại Đạo, tôi đem chuyện ấy ra hỏi Đạo, anh đã kể cho tôi nghe câu chuyện sau đây:

– Anh nhớ không, ngaỳ chúa nhật hôm đó, em được dẫn ra nhà thăm nuôi, nói là có thân nhân đến thăm. Em vô cùng ngạc nhiên vì em đâu có thân nhân nào từ trong Nam có thể ra thăm em. Bước vào nhà thăm nuôi, em thấy Chi và một ông Thượng Tá công an ngồi ở đó.Chi vội vã đứng lên giới thiệu : “Đây là cậu Du của Chi, đang công tác ở tỉnh Thái Bình, em nhờ cậu ấy đến thăm anh.” Đạo bối rối nhìn Chi, nhìn ánh mắt, nụ cười của Chi. Chi mặc đồ công an, trên cổ áo có đeo quân hàm Thiếu Úy. Chi biết Đạo ngõ ngàng, thắc mắc nên cô nói ngay : “Anh đừng lo, em bảo anh làm gì thì cứ làm theo, chớ có hỏi han gì hết”. Chi dẫn Đạo vào một căn nhà ở gần nhà thăm nuôi, nhà không có ai cả.  Chi bảo tôi cởi bộ áo quần tù ra, và mặc ngay bộ đồ công an đã để sẵn ở đó; ngoài áo quần, có cả nón, cặp da và giấy chứng nhận đi công tác miền Nam. Tôi như trên trời rớt xuống, nhưng không có thì giờ để hỏi Chi, việc gì đang xảy đến cho tôi. Khi tôi đã mặc xong bộ đồ công an, Chi nhìn tôi mỉm cươì , rồi kéo tôi ra ngỏ, bảo tôi leo lên một chiếc xe Jeep nhà binh đậu sẵn ở đó., và chạy ra ga xe lửa Phủ Lý. Chi bảo tôi cứ ngồi trên xe, Chi vào mua vé xe lửa đi về Sàigòn. Khi đưa tôi lên xe lửa, Chi ân cần căn dặn: “Không nên về nhà, cũng đừng liên lạc với mẹ, mà tìm một người bà con nào đó ở tỉnh khác xin trú ngụ vài ngày, rồi tìm đường vượt biên. Tốt nhất là đi đường bộ qua ngã Campuchia”. Chi đưa cho tôi một gói giấy và nói: “Đây là ít tiền để anh tiêu dùng, nhớ là phải vượt biên ngay nhé!”. Chi cầm tay tôi và chân thành nói : “Em là vợ của anh, anh đừng quên em!”. Tôi ôm Chi vào lòng, nước mắt ràn rụa. Chi cũng khóc trên vai tôi. Xe lửa từ từ lăn bánh, hình ảnh Chi cô đơn đứng một mình trên sân ga, nhỏ dần, nhỏ dần.. Tôi thấy nhiều lần Chi đưa tay lên lau nước mắt. Trong tim tôi, mối tình mà Chi dành cho tôi quá sâu đậm, đã chiếm trọn cuộc đời tôi. Tôi vỗ vỗ vào trái tim của mình “Đạo, Đạo, mày phải sống xứng đáng để đền ơn đáp nghĩa cho Chi nghe chưa”

        Khi xe lửa dừng lại ở ga Bình triệu, Sàigòn, tôi không về nhà tôi ở Vĩnh Long, mà đến nhà dì tôi ở Cần Thơ xin trú ngụ.Chồng của dì tôi là một Đại úy Công Binh Việt nam Cộng Hòa, trước năm 1975, ông phục vụ ở Tiểu Đoàn 24 Công Binh Kiến tạo, mới được trả tự do. Gia đình dì, dượng tôi đang âm thầm chuẩn bị vượt biên. Dì, dượng tôi vui vẻ chấp thuận cho tôi cùng đi theo. Tôi đã đưa gói tiền mà Chi trao cho tôi, cho dì tôi để bà tiêu dùng. Mở gói ra xem, dì bảo tôi : “Tiền đâu mà cháu có nhiều vậy?” Tôi trả lời ngay : “Của vợ con cho đó!”

        Vào một đêm tối trời, ghe máy chở cả nhà ra cữa biển Đại Ngãi, vì tàu lớn đang đậu ở đó. Sau 3 ngày và  4 đêm, tàu của chúng tôi đã đến hải phận Thái Lan, được tàu tuần duyên của Thái Lan đưa về trại Sikiew. Trong cuộc phỏng vấn thanh lọc, nhân viên Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc hỏi tôi rất ít. Tôi nghĩ là họ có đầy đủ hồ sơ cá nhân của ngành Cảnh Sát Đặc Biệt. Họ chỉ hỏi tôi là làm Trưởng G hay Trưởng H, tôi trả lời. Người nhân viên đó lấy trong tập hồ sơ ra một tấm ảnh, anh nhìn tôi rồi gật đầu.Thế là tôi vượt qua cuộc thanh lọc. Mấy tháng sau, họ chuyển tôi qua trại Pulau Bidong ở Mã Lai, để chờ chuyến bay đi định cư ở Mỹ.

           Tôi mau chóng gởi thư cho má tôi ở Vĩnh Long, báo tin tôi đã bình yên đến trại Pulau Bidong ở Mã Lai, đang chờ chuyến bay để đi định cư ở Mỹ. Khoảng 2 tuần sau, tôi vui mừng nhận được thư hồi âm của má tôi, và một bất ngờ thú vị đến với tôi là có cả thư của Chi nữa! Má tôi đã viết cho tôi : “Đạo con, má rất vui mừng nhận được tin con đã đến nơi bình yên. Má cho con biết là Chi đang ở đây với má. Chi đã kể cho má nghe hết mọi chuyện. Má rất hạnh phúc có được một con dâu hiếu thảo như Chi, má mừng cho con”

          Đạo run run mở thư của Chi ra đọc: “ Anh Đạo yêu quí của em, nghe anh đã đến đảo và đang chờ chuyến bay để đi Mỹ, má và em mừng quá anh ơi. Khi anh đi về Nam chưa đầy một tháng, họ đuổi em ra khỏi ngành công an. Em đã về Vĩnh Long ở với má, em thay anh phụng dưỡng, săn sóc má, anh yên tâm ! “

            Với lời lẽ chân tình, mộc mạc, tôi uống từng chữ, từng lời trong bức thư ngắn gọn của Chi, tôi áp bức thư vào ngực và đi vào giấc ngủ.

         Năm 1982, tôi được đi định cư ở Mỹ. Khi có thẻ xanh, tôi đã làm hồ sơ bảo lãnh Chi. Trong thời gian ở với má tôi ở Vĩnh Long, không biết Chi hỏi thủ tục bảo lãnh ở đâu mà nàng ra Thái Bình, nhờ người cậu Thượng Tá Công An của nàng, làm một giấy hôn thú của tôi và Chi, có đầy đủ chữ ký và khuôn dấu đỏ xác nhận của chính quyền địa phương.

        Năm 1987 khi tôi được nhập quốc tịch Mỹ, tôi đã bổ túc hồ sơ bảo lãnh. Chi đã nhanh chóng được phỏng vấn. Lúc này, những trường hợp gian dối chưa xảy ra nhiều, nên việc chấp thuận cho chồng bảo lãnh vợ tương đối dễ dàng nếu có đầy đủ giấy tờ chứng minh.

         Vào một ngày se lạnh ở miền Nam Cali, tôi và vài bạn bè thân quen đến đón Chi ở phi trường Los Angeles. Tôi ôm Chi vào lòng, vì quá cảm động, tôi chỉ thốt lên được một tiếng “Em!”  Chi cũng vậy, nàng thổn thức trên vai tôi “Anh!”. Chỉ 2 tiếng “Anh” “Em”, nhưng đã gói trọn cuộc tình mà chúng tôi nghĩ là không bao giờ có thể sum họp được. Tạ ơn Trời Đất !  

         Đạo xây qua người đàn bà ngồi bên cạnh anh, và giới thiệu với tôi : “Thưa anh, đây là Chi, vợ em” Chi bẽn lẽn cúi đầu, che dấu nụ cười đã đem lại sức sống và hạnh phúc cho Đạo.

          Tôi đã được nghe , được biết nhiều mối tình ly kỳ, éo le lắm. Nhưng nếu nói đến một mối tình thật lãng mạn, mà người con gái đã dám hy sinh sự nghiệp và cả tính mạng mình cho người yêu, thì không thể không nói đến mối tình của nàng Kim Chi và chàng Trung Đạo.

Bửu Uyển  

From: Tu-Phung