MỤC TỬ NHƯ CHÚA – Lm. Joshepus Quang Nguyễn

Lm. Joshepus Quang Nguyễn

Kết quả hình ảnh cho Chúa Chiên Lành Tu viện nổi tiếng nhất nọ cứ một lần trong năm mở cửa thâu nhận duy nhất 1 thỉnh sinh.  Viện Phụ đích thân phỏng vấn các ứng sinh chỉ hỏi một câu duy nhất.  Nhưng trớ trêu thay, không ai biết được câu hỏi duy nhất đó là câu gì, bởi vì tất cả những ứng viên nào mà rớt cuộc thi, đều phải uống một viên thuốc do chính Viện Phụ chế ra, công dụng làm cho các ứng sinh dự thi quên mất câu hỏi được đặt ra.  Chính vì thế mà việc chiêu sinh của Tu viện đã trải qua nhiều năm rồi mà chưa ai có thể biết câu hỏi đó là gì.  Thế là cậu Ramin là tỏ ra quyết chí hơn cả.  Cậu dành dài năm cố gắng đọc và học qua thật nhiều sách: lịch sử, địa lý, văn chương, triết lý, nghệ thuật, tâm lý, xã hội học, v.v…  Rồi mùa thi đến, Ramin vào thi và tin chắc mình sẽ trả lời được câu hỏi mà Viện Phụ sẽ hỏi.  Hồi hộp bước vào phòng thi, Ramin được Ngài hỏi câu duy nhất này là: Con hãy tự hỏi: Tôi là ai?  Và trả lời cho ta biết.  Tôi là ai?  Ramin lặp lại câu hỏi, nhưng không biết phải trả lời như thế nào cho đúng, bèn rút lui không bao giờ trở lại Đan viện nữa.

Tôi là ai?  Ðây là câu hỏi căn bản nhất, để bắt đầu mọi cuộc dấn thân thực hiện chương trình sống của đời Kitô hữu.  Nhất là cuộc sống tu luyện bản thân, trở nên mục tử tốt.  Như vậy rõ ràng những vốn liếng trí thức không mà thôi thì chưa đủ để trở nên mục tử tốt lành mà Lời Chúa mời gọi chúng ta hôm nay.

Giáo lý Hội Thánh Công Giáo dạy khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, chúng ta tham dự vào chức tư tế (chức linh mục cộng đồng) của Đức Kitô, tham dự vào sứ mạng Ngôn sứ, và vương đế của Ngài (GLHTCG, số 1267).  Vì thế, thánh lễ này Giáo Hội muốn kêu gọi mỗi người chúng ta hãy cầu nguyện và thực hành sứ mạng mục tử được Thiên Chúa trao phó cho chúng ta giữa lòng thế giới hôm nay theo mẫu gương Mục Tử Nhân lành Giêsu.  Người là Mục tử nhân lành, còn chúng ta là đoàn chiên của Người.  Người chăn giữ đoàn chiên không phải bằng uy quyền áp chế, bằng kỷ luật khắc nghiệt, nhưng bằng tình yêu tha thiết.  Tình yêu của Người được biểu lộ qua ba khía cạnh: hiểu biết, quan tâm chăm sóc và hy sinh cho đoàn chiên.

Thứ nhất, tình yêu của Đức Giêsu là tình yêu hiểu biết.  Sự hiểu biết này không phát xuất từ lý trí hay do học hỏi, nhưng phát xuất từ trái tim, do tình yêu.  Chẳng hạn, một đứa trẻ đang chơi ngoài đồng, chạy vào xin mẹ cho con mượn con dao.  Mẹ nói: con lấy để làm gì?  Nó nói: con làm cái này.  Mẹ nói không cho nhưng nài nỉ hoài mẹ nó đưa cho nó nhưng theo dõi nó làm cái gì?  Nó cầm dao chạy ra đồng và nhặt một trái lựa đạn 79 mà nó tưởng là trái ô ma, nó vừa cầm lên thì mẹ nó nhào tới chụp ngay con dao nó định cắt ra để ăn.  Vâng, chỉ tình yêu xuất phát từ trái tim, người mẹ mới biết trước được rủi ro hay chăm sóc kỹ lưỡng từng hành động đứa con, làm cho nó nên hoàn thiện.  Chúa Giêsu hôm nay nói: “Ta biết chiên Ta,” có nghĩa là Người hiểu biết từng người trong chúng ta, biết rõ hoàn cảnh sinh sống của chúng ta, biết rõ tâm tư tình cảm của ta.  Người biết những gánh nặng mà ta đang phải gánh.  Người thông cảm với những đau đớn mà ta đang phải chịu.  Người đau những nỗi đau trong tâm hồn ta.  Người khổ những nỗi khổ đang dày vò ta.  Người nhức nhối trong vết thương của tâm hồn ta nên Ngài luôn luôn muốn làm cho ta vơi được nỗi sầu, nhẹ đi âu lo sợ hãi bằng việc hiến mình cho ta và cư ngụ nơi tâm hồn ta mọi nơi mọi lúc khi chúng ta tham dự Thánh Lễ và rước Mình Thánh Ngài.  Vì vậy, Ngài luôn mời gọi chúng ta rằng: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).

Tình yêu của Đức Giêsu là tình yêu quan tâm chăm sóc.  Sự hiểu biết sâu xa đến từ sự quan tâm chăm sóc.  Sự quan tâm chăm sóc cũng phát xuất từ tình yêu.  Có yêu mới quan tâm.  Có quan tâm mới hiểu biết nhu cầu.  Có hiểu biết nhu cầu mới biết đường chăm sóc.  Đức Giêsu chăm sóc không phải để ràng buộc ta nhưng để giúp ta sống trong tự do.  Người chăm sóc ta không phải để ta trở nên ấu trĩ, nhút nhát, yếu ớt nhưng là để giúp ta trưởng thành, mạnh mẽ tự tin.  Người chăm sóc ta không phải theo kiểu Mẹ con Sáng-Sang trong phim truyền hình Việt Nam “Hoa hồng không dành cho em”, bà chăm sóc con quá đến độ mà mẹ con bị bệnh tự kỷ.  Ngược lại, Chúa Giêsu chăm sóc ta bằng cách cung cấp cho ta những lương thực lành mạnh đó là đó là Lời Chúa, là Mình Máu Thánh Chúa, là Thánh ý Chúa Cha.  Những lương thực ấy sẽ cho ta được sống và sống dồi dào.

Tình yêu của Đức Giêsu là tình yêu hy sinh.  Đây chính là dấu chỉ chắc chắn nhất của một tình yêu.  Càng yêu mến nhiều càng sẵn sàng hy sinh nhiều.  Yêu đến sẵn sàng hy sinh mạng sống là một tình yêu cao cả không có gì sánh được.  Đức Giêsu đã xác nhận điều ấy khi Người nói: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15,13).  Chính Người đã thực hiện điều ấy.  Người là Mục tử nhân lành sẵn sàng liều mạng, một mình chống lại sói dữ để bảo vệ đoàn chiên.  Người đã tự hiến mạng sống vì ta.  Người đã chấp nhận chết đi để ta được sống.

Chúng ta hãy trở thành mục tử nhân lành theo gương Người.  Cha mẹ là mục tử của con cái, thầy cô giáo là mục tử của học sinh, giám đốc là mục tử của công nhân, y bác sĩ là mục tử của bệnh nhân, anh chị lớn là mục tử của các em nhỏ, linh mục là mục tử của giáo dân, tu sĩ là mục tử của tha nhân… hãy thực hiện lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong sứ điệp Ngày Thế giới cầu cho ơn Thiên Triệu 2015 rằng hãy ra khỏi chính mình, đi ra khỏi sự thoải mái và cứng nhắc của cái tôi để đặt trọng tâm đời sống mình nơi Đức Giêsu Kitô, có nghĩa rằng phải lấy Tình yêu Chúa Giêsu là tiêu chí và lẽ sống cho đời Kitô hữu chúng ta.  Mà tình yêu Chúa cố ở điểm này là hiểu biết, quan tâm chăm sóc và hy sinh cho đoàn chiên.

Lạy Đức Giêsu, Mục Tử nhân lành, xin hãy ban cho chúng con nhiều mục tử tốt lành theo gương Chúa.  Xin biến chúng con thành những mục tử tốt lành trong gia đình, trong giáo xứ, trong khu phố và xã hội hôm nay hầu làm cho cuộc sống thêm phong phú và hạnh phúc hơn.  Amen!

Lm. Joshepus Quang Nguyễn

From: Langthangchieutim


 

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay