Chân dung cuộc sống…

Chân dung cuộc sống…

  Cuộc sống là một cơ hội – Hãy nắm lấy.

Cuộc sống là một vẻ đẹp – Hãy chiêm ngưỡng.

Cuộc sống là một giấc mơ – Hãy nhận ra.

Cuộc sống là một thử thách – Hãy đương đầu.

Cuộc sống là một bổn phận – Hãy hoàn thành.

Cuộc sống là một trò chơi – Hãy tận hưởng.

Cuộc sống  là một lời hứa – Hãy thực hiện.

Cuộc sống là một nỗi buồn – Hãy vượt qua.

Cuộc sống là một bản nhạc – Hãy hát lên.

Cuộc sống là một trận đấu – Hãy chấp nhận.

Cuộc sống là một thảm kịch – Hãy đối đầu.

Cuộc sống là một cuộc phiêu lưu – Hãy can đảm dấn thân.

Cuộc sống là một niềm may mắn – Hãy nắm lấy.

Cuộc sống là sự sống – Hãy tranh đấu vì nó.

Cuộc sống vô cùng quý giá – Đừng hủy hoại nó.

Những tâm tình của các tân tòng sau đêm “Rửa tội”

Những tâm tình của các tân tòng sau đêm “Rửa tội”

nhân ngày lễ Phục sinh vừa qua.(28-04-2012)

                                                             Phùng văn Phụng ghi

 Ngày lễ Phục sinh vừa qua các nhà thờ Việt nam tại Houston đã làm lễ “Rửa tội” và Thêm sức cho khoảng gần 100 người lớn. Sau một thời gian trao đổi, học hỏi về Thiên Chúa, về Đức Mẹ, về Giáo hội Công giáo các anh chị em tân tòng đã thực sự làm con cái Chúa sau khi nhận Bí Tích Thanh tẩy này.

Chúa nhật vừa qua, các anh chị em thuộc giáo Xứ Đức Ki Tô Ngôi Lời Nhập Thể chia sẻ những cảm nghiệm sau khi “Rửa tội” làm con cái Chúa.

Tất cả các anh chị ngồi thành vòng tròn đa số đều nói rất hồi hộp, lo lắng nhưng sau khi rửa tội rồi rất vui mừng, có người cảm giác giống như đi trên mây, vui hơn ngày đám cưới nữa. “Happy” này không thể giải thích được. Chị Hương nói rằng:”Con cái đi theo chạy tung tăng. Mãi đến 3 giờ sáng mới đi ngủ được, phải chở con đi đến tiệm MacDonald mua đồ ăn vì quá đói.”

Có chị rất mong muốn được rửa tội, nhưng trục trặc giấy tờ của người chồng, nên phải chờ đợi khoảng 9 năm mới xong giấy tờ, kỳ này mới được rửa tội. Chị nói rằng chị rất vui vì chờ đợi quá lâu và chị nói “Ráng sống làm sao cho được lòng Chúa. Chị cũng mong muốn trở lại lớp kỳ tới để học hỏi thêm vì đức tin còn yếu”. Chị cũng mong muốn phó thác mọi sự, công ăn việc làm, chuyện gia đình, những khó khăn hàng ngày cho Chúa.

Một chị nhà ở South 45 đã hết sức cố gắng vừa đi học vừa đi làm mà mỗi sáng chúa nhật đều cố gắng đến nhà thờ để học đạo. Chị vừa vui mừng, vừa lo lắng bây giờ thì rất hảnh diện làm con cái Chúa.

Sau khi rửa tội có anh đã để đèn cầy và áo rửa tội ở gần giường ngủ để nhắc nhở mình làm thể nào giữ được sự trong trắng, ít lỗi lầm, ít phạm tội cầu mong Thiên Chúa tha thứ. Bây giờ ai nấy đều thấy vui hơn trước.

Thầy Bạch nói: “Chỉ mơ được rước Mình Máu thánh Chúa vì Mình Máu thánh Chúa nuôi dưỡng chúng ta để chúng ta có sức làm việc.”

Phùng văn Phụng ghi

28 April 2012

Mỗi ngày như thể là ngày cuối cùng (Câu chuyện của Steve Jobs)

Mỗi ngày như thể là ngày cuối cùng

(Câu chuyện của Steve Jobs)

Trong bài nói chuyện trước hàng ngàn sinh viên của trường đại học danh tiếng Stanford vào ngày tốt nghiệp 12.6.2005, vị khách mời Steve Jobs đã kể rằng: “Tôi nhìn vào gương mỗi sáng và tự hỏi: Nếu hôm nay là ngày cuối cùng của đời mình, tôi có muốn làm trong hôm nay những gì mà tôi dự định không? Và bất cứ khi nào câu trả lời “Không” xuất hiện liên tục trong quá nhiều ngày, tôi biết tôi cần phải thay đổi thứ gì đó”.

Steve Jobs kể rằng ông đã nhìn vào gương mỗi sáng và tự hỏi như thế từ khi ông đọc được đâu đó vào năm 17 tuổi câu nói: “Nếu bạn sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng của mình, một ngày nào đó bạn chắc chắn sẽ ổn”, và việc ghi nhớ rằng mình sẽ chết được Steve Jobs nhìn nhận như là “một công cụ lợi hại nhất mình tình cờ có được”, và công cụ đó đã giúp ông đưa ra những chọn lựa quan trọng nhất trong đời.

Đó là câu chuyện thứ ba – câu chuyện về cái chết –  một trong ba câu chuyện đời mà Steve Jobs mang đến kể trước các tân khoa Stanford, sau câu chuyện về việc kết nối các điểm mốc của cuộc đời, và câu chuyện về tình yêu và sự mất mát.

Cuộc đời Steve Jobs đã được tạo ra một cách sống động bằng cách nghĩ đến cái chết của mình mỗi ngày. Dường như việc nhìn đến tận điểm cuối của cuộc đời đã giúp Steve Jobs có cái nhìn toàn cảnh hơn, nhận thức rõ ràng những gì thực sự quan trọng để theo đuổi, và có động lực để đeo đuổi một cách nhiệt huyết nhất, như cách ông đã theo đuổi việc chế tạo những chiếc máy làm thay đổi nhân loại trong bốn thập kỷ qua. Là Apple, là Macintosh, là iPod, iPhone, Ipad, v.v.

Biết nhìn đến tận điểm cuối của cuộc đời từ hàng chục năm trước khi cuộc đời đó kết thúc, đã giúp Steve Jobs vượt qua những lẽ thường của nó. “Vì hầu như mọi thứ – tất cả những kỳ vọng bề ngoài, tất cả sự tự hào, tất cả nỗi lo sợ bị thất bại hay ngượng ngùng – những thứ đó sẽ biết mất trước mặt cái chết, để lại duy nhất thứ thực sự quan trọng”, Steve Jobs nói trước các tân khoa trường Stanford.

Khi Steve Jobs tham dự buổi lễ tốt nghiệp của trường Đại học Stanford vào ngày 12.6.2005, có một chiếc máy bay đã lượn qua đó kéo theo một băng rôn có dòng chữ “Steve — Don’t be a mini- player — recycle all e-waste” (Steve — Đừng là một chiếc máy chơi nhạc nhỏ bé — hãy tái chế tất cả rác thải điện tử). Đó là ứng xử của Steve Jobs sau vụ việc xảy ra trước đó hai tháng, khi ông mắng mỏ những người ủng hộ việc bảo vệ môi trường ngay tại một cuộc gặp gỡ thường niên của Apple ở Cupertino, vì họ chỉ trích quy trình tái chế rác điện tử yếu kém của Apple. Rồi Apple mở rộng chương trình tái chế,  loại bỏ các thành phần không thân thiện môi trường trong mọi sản phẩm.

Steve Jobs và Apple đã dẹp bỏ được những ứng xử theo kiểu chối cãi thông thường trước những chỉ trích của những nhà bảo về môi trường. Vì trước cái chết tất cả sẽ biến mất chỉ còn lại những thứ thực sự quan trọng?

Một năm trước khi đứng phát biểu trước hàng ngàn sinh viên trường Stanford, tức là vào giữa năm 2004, Steve Jobs đã được chẩn đoán mắc ung thư tuyến tụy. Thời điểm mà Steve Jobs gọi là lúc “nhận thức rõ bản thân cận kề với cái chết” lại trở thành một điểm mốc của cuộc đời Steve Jobs, mang đến một kết nối mới, suy nghĩ tích cực mới về cái chết. “Cái chết dẹp sạch cái cũ để dọn đường cho cái mới”, Jobs nói với các tân khoa.

Ông và Apple sau đó đã tiếp tục làm thay đổi thế giới bằng những cái mới không ngừng được sáng tạo. Năm 2007, Apple gia nhập thị trường điện thoại di động với sản phẩm iPhone có màn hình cảm ứng và chạy trên hệ điều hành. Tháng 1.2010, Apple tung ra chiếc máy tính bảng iPad tạo ra một làn sóng máy tính bảng trên toàn thế giới.

Câu chuyện thứ ba của Steve Jobs kết thúc với những lời khuyến khích:“Thời gian của các bạn có hạn, vì vậy đừng lãng phí nó để sống cuộc đời của ai khác. Đừng để những ồn ào từ ý kiến của những người khác dìm mất tiếng nói trong chính bạn. Và điều quan trọng nhất, hãy can đảm đi theo trái tim và trực giác của bạn. Chúng biết rõ bạn thực sự muốn trở thành như thế nào. Mọi thứ khác là thứ yếu”.

Đó là những điều Steve Jobs không chỉ nói mà đã làm đúng như vậy. Ông đã sống cuộc đời của ông, cuộc đời của một đứa con nuôi xót tiền của cha mẹ nuôi nên bỏ ngang đại học, cuộc đời có những ngày như thể hôm nay là ngày cuối đời nên phải làm mọi điều mình muốn, cuộc đời tận hưởng mọi điểm mốc, mọi tình yêu, và mọi tổn thất.

Trong chuỗi ngày như thể là ngày cuối cùng của đời mình, Steve Jobs có lẽ đã mãn nguyện khi thấy một sản phẩm mới – chiếc iPhone 4S mà ông đã cùng với đế chế Apple của mình tạo ra được trình làng vào hôm 4.10, trước khi ông nhắm mắt xuôi tay ở tuổi 56 vào chiều ngày 5.10, ngày cuối cùng của đời ông.

Nguyễn Hồng Ngân

Một bà sơ khỏi bịnh nhờ lời chúc phúc của Đức Giáo Hoàng John Paul II

Một bà sơ khỏi bịnh nhờ lời chúc phúc của Đức Giáo Hoàng John Paul II

 Một nữ tu tại Pháp nói rằng sự chúc phúc của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phao Lô Đệ Nhị đã khiến bà khỏi được chứng bịnh Parkinson. Đây là trường hợp có thể đưa Đức Giáo Hoàng tiến tới giai đoạn được phong thánh. 

Nữ tu Marie-Simone-Pierre nói bà được khỏi bịnh Parkinson vào đêm mùng 02 tháng sáu năm 2005 đúng hai tháng sau khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phao Lô Đệ Nhị tạ thế. Bà đã có thể viết rõ ràng một cách bất ngờ sau khi đã phải vật lộn trong nhiều tháng để cầm bút vì chứng bịnh của bà. Bà cho biết khi thức dậy sáng hôm sau, những triệu chứng bịnh của bà đã biến mất.

Lời xác nhận về việc khỏi bịnh nhờ phép lạ của vị nữ tu này liên quan tới Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phao Lô Đệ Nhị có thể dẫn tới việc phong thánh, giai đoạn chót trước khi được phong thánh.

Nữ tu  Marie-Simone-Pierre đã tới Rome để tham gia các lễ hội vào ngày thứ hai đánh dấu năm thứ nhì ngày tạ thế  của  Đức Cố Giáo Hoàng  Gioan Phao Lô Đệ Nhị.

Hai năm sau ngày Đức Giáo Hoàng Gioan Phao Lô II qua đời, Ba Lan tổ chức tường niệm Đức Thánh Cha bằng các thánh lễ cầu nguyện và hòa nhạc. Đông đảo giáo dân Ba Lan đổ xô về Wadowice (miền Nam) thành phố sinh trưởng của Đức Giáo Hoàng tên thật là – Karol Wojtyla –chào đời năm 1920.

Trước đó đúng giờ qua đời của cố Giáo Hoàng lúc 19 giờ 37 GMT  tại Cracovie và Varsaw cũng đã diễn ra các lễ tương tự.

Ngày 01 tháng 05 năm 2011 Đức Thánh Cha biển Đức XVI chủ sự lễ phong chân phước cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phao lô 2 trước đền thờ thánh Phêrô.  Số tín hữu từ khắp nơi trên thế giới về dự lễ phong chân phước này khoảng một triệu người.

Toà thánh tiến hành điều tra các phép lạ mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phao Lô II đã thực hiện. Ngài đã chữa lành một nữ tu Pháp Sơ Marie Simone Pierre bị bịnh Parkinson là một yếu tố chính trong tiến trình phong chân phước cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phao lô II. Nữ tu Pháp 46 tuồi phổ biến công khai vài ngày trước rằng bà được chữa lành bịnh Parkinson là nhờ cầu nguyện cố Giáo Hoàng. Chính Ngài lúc sinh tiền mang chứng bịnh này trong nhiều năm.   xem thêm

Bước vào con đường gian khổ

                                        Bước vào con đường gian khổ

                                                                                                           Lữ Giang

 Một biến cố trong tháng 4 năm 1975 đã đưa Đức Giám Mục Nguyễn Văn Thuận vào những ngày bi thảm nhất của cuộc đời ngài, nhưng cũng từ đó ngài đã bước lên những địa vị quan trọng sau này trong Giáo Hội. Đây là một biến cố mà chính tôi là người đã chứng kiến và theo dõi rất sát.

 ĐƯỢC ĐƯA LÊN LÀM TGM SÀI GÒN

 Vào tháng 4 năm 1975, khi đoán biết miền Nam sẽ rơi vào tay Cộng Sản, Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình đã 5 lần đề nghị Đức Khâm Sứ Tòa Thánh tại Việt Nam, Henri Lemaitre, xin Tòa Thánh cử Đức Giám Mục Nguyễn Văn Thuận làm Tổng Giám Mục Saigon với hy vọng sự khôn ngoan của ngài có thể đưa Giáo Hội Việt Nam vượt qua những cơn khó khăn sắp đến. Cuối cùng, chiếu theo đề nghị của Đức Khâm Sứ, ngày 23.4.1975 Tòa Thánh đã phong Đức Giám Mục Nguyễn Văn Thuận làm Tổng Giám Mục hiệu tòa thành Vadesitana, và ngày 24.4.1975 cử ngài giữ chức Phó TGM Giáo Phận Saigon với quyền kế vị. Đức TGM Nguyễn Văn Bình nghĩ rằng nếu tình hình quá khó khăn, ngài sẽ từ chức và trao quyền lại cho Đức TGM Nguyễn Văn Thuận. Đây là một biến cố đã đưa ngài vào một khúc quanh mới của lịch sử dân tộc và lịch sử giáo hội,

Đước tin nói trên, ngày 8.5.1975, một nhóm Linh mục đã gởi đến Đức TGM Nguyễn Văn Bình một kiến nghị yêu cầu hoãn bổ nhiệm ĐGM Nguyễn Văn Thuận làm TGM Phó. Kiến nghị này do các Linh mục sau đây ký tên: Trương Bá Cần, Trần Viết Thọ, Vương Đình Bích, Phan Khắc Từ, Thanh Lãng, Nguyễn Quang Lãm, Hoàng Kim, Huỳnh Công Minh, Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Đinh Bình Định, Nguyễn Thiện Toàn, Nguyễn Văn Hòa, Nguyễn Văn Huệ và Nguyễn Nghị.

Mặc dầu có sự phản đối nói trên, ngày 12.5.1975 Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn thông báo cho các giáo xứ trong giáo phận biết Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Giám Mục Giáo Phận Nha Trang, đã được Tòa Thánh bổ nhiệm làm TGM Phó với quyền kế vị của TGP Sài Gòn vào ngày 24.4.1975. Và ngày 12.5.1975 Đức TGM Nguyễn Văn Thuận đã đến nhận nhiệm vụ mới.

 CHIẾN DỊCH CHỐNG ĐỐI BÙNG LÊN

 Ngay lập tức, các Linh mục Trương Bá Cần, Trần Viết Thọ, Vương Đình Bích, Phan Khắc Từ, Thanh Lãng, Nguyễn Quang Lãm và Hoàng Kim đã đến Chủng Viện Thánh Giuse ở đường Cường Để, Sài Gòn, chất vấn Đức TGM Nguyễn Văn Bình và yêu cầu Đức Phó TGM Nguyễn Văn Thuận từ chức.

Ngày 13.5.1975, một nhóm sinh viên công giáo đã xâm nhập Tòa Giám Mục Saigon, căng lên những biểu ngữ sau đây:

– Nguyễn Văn Thuận, Giám Mục của ai?

– Vì quyền lợi của Giáo Hội Việt Nam, yêu cầu Nguyễn Văn Thuận từ chức.

– Không có hòa giải, Nguyễn Văn Thuận phải rút lui.

Ngoài ra, nhóm này cũng gởi đến Đức Khâm Sứ Henri Lemaitre một văn thư nói rằng “Mỹ – Thiệu và tay sai đã dẫm lên nhau chạy trốn, sự bổ nhiệm một Giám Mục chống Cộng tại Saigon là một điều nguy hiểm không những cho Giáo Hội mà cho cả dân tộc Việt Nam”. Họ yêu cầu Đức TGM Nguyễn Văn Thuận từ chức để “tránh cho Giáo Hội và dân tộc Việt Nam những phiêu lưu vô vọng và nguy hiểm”.

Ngày 14.5.1975, một đoàn biểu tình do Đoàn Phú Khánh cầm đầu, đã xâm nhập Tòa Khâm Sứ của Tòa Thánh ở đường Hai Bà Trưng, trèo lên nóc nhà hạ cờ Tòa Thánh xuống và căng biểu ngữ đòi Đức Khâm Sứ Henri Lemaitre phải cút đi. Họ đẩy một linh mục người Ba Lan và linh mục Trần Ngọc Thụ ra khỏi Tòa Khâm Sứ. Trong khi đó, Linh mục Huỳnh Công Minh đứng chụp hình và Linh mục Thanh Lãng phát bản tuyên cáo. Ngày 3.6.1975, họ đến phá Tòa Khâm Sứ một lần nữa. Được tin này, các thanh niên công giáo thuộc giáo xứ Bùi Phát ở đường Trương Minh Giảng đã kéo lên. Nhưng khi các toán thanh niên này mới đến đầu cầu Trương Minh Giảng thì bộ đội đã xả súng bắn vào họ, một người bị chết và nhiều người bị thương. Linh mục Vũ Bình Định, Phó xứ Bùi Phát đã bị bắt ngay sau đó.

Trước sự chống đối này, ngày 7.6.1975 Đức TGM Nguyễn Văn Bình đã gởi cho các linh mục và giáo dân một văn thư, trong đó có những đoạn như sau:

“Tôi đã hết sức ôn hòa, lắng nghe và thông cảm đồng thời giải thích trực tiếp hoặc gián tiếp cho những ai muốn đối thoại với tôi về những sự việc trên. Nhưng tình trạng ấy chưa khả quan hơn.”

Sau đó, ngài kêu gọi:

“Tôi kêu gọi tất cả quý cha, các tu sĩ nam nữ và toàn thể giáo dân sẵn sàng tuân phục hoàn toàn quyết định của Tòa Thánh La Mã”.

Ngày 18.6.1975, Đức TGM Nguyễn Văn Bình đã gởi cho Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ Tịch Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, một văn thư yêu cầu ba điểm sau đây:

1) Triệt để thi hành Sắc Lệnh Tự Do Tín Ngưỡng và chính sách 10 điểm của chính phủ để gây tin tưởng và phấn khởi nơi toàn dân đối với chính phủ.

2) Chấm dứt chiến dịch tuyên truyền bôi nhọ, vu cáo các chức sắc của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.

3) Chấm dứt ngay chiến dịch vận động phi pháp trục xuất Đức TGM Nguyễn Văn Thuận, vì việc trục xuất phi pháp này vi phạm trầm trọng Sắc Lệnh Tự Do Tín Ngưỡng và chính sách 10 điểm của chính phủ, sẽ gây nguy hại cực kỳ lớn lao không lường được, về đối nội cũng như đối ngoại, cho Quốc Gia Dân Tộc.

Ngày 27.6.1975, tại Dinh Độc Lập (cũ), Ủy Ban Quân Quản thành phố Saigon – Gia Định công bố quyết định không cho Đức TGM Nguyễn Văn Thuận được hoạt động tại nhiệm sở mới. Ngày 1.7.1975 Ủy Ban Quân Quản gởi cho ngài một văn thư yêu cầu ngài phải trở lại nơi cư trú trước ngày 30.6.1975.

MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH GIAN KHỔ

 Chiều 15.8.1975, Ủy Ban Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Thành Phố Sài Gòn đã mở cuộc họp tại Nhà Hát Thành Phố (trụ sở Hạ Nghị Viện cũ) để trình bày trường hợp của Đức TGM Nguyễn Văn Thuận. Có khoảng 350 giáo sĩ, tu sĩ và đại diện các giáo xứ được mời đến nghe trình bày. Ông Mai Chí Thọ tuyên bố rằng chính phủ quyết định đưa TGM Nguyễn Văn Thuận trở về Nha Trang, nơi đương sự cư ngụ trước ngày 30.6.1975, vì sự hiện diện của đương sự gây trở ngại cho sự đoàn kết dân tộc.

Cũng trong ngày 15.8.1975, ngài được mời lên Dinh Độc Lập, ở đó ngài bị bắt đưa về Nha Trang, nhưng không phải đưa về Tòa Giám Mục Nha Trang, nơi ngài cư trú trước 30.4.1975, mà đưa đến giáo xứ Cây Vông thuộc xã Diên Sơn, Huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Chính Đức TGM Nguyễn Văn Thuận đã kể lại câu chuyện này như sau:

“Ngày 15 tháng 8 năm 1975, lễ Đức Mẹ Hồn Xác lên trời, tôi được mời đến Phủ Tổng Thống, “Dinh Độc Lập”, vào lúc 14 giờ. Tại đó, tôi bị bắt và đem đi trên một xe hơi có hai công an đi kèm. Và đó là khởi đầu cuộc phiêu lưu của tôi.

“Trong lúc ấy, tất cả các linh mục, tu sĩ nam nữ bị gọi tới Nhà Hát, với mục đích tránh mọi phản ứng của dân chúng đối với vụ bắt tôi.

“Trong cuộc hành trình, tôi bắt đầu ý thức rằng mình đang mất tất cả. Tôi ra đi, với chiếc áo chùng thâm trong túi có một cỗ tràng hạt. Tôi chỉ còn biết phó thác cho Chúa Quan Phòng. Nhưng giữa bao nhiêu lo âu ấy, tôi vẫn thấy có một niềm vui lớn: “Hôm nay là lễ Đức Mẹ Hồn Xác lên trời…”

“Từ lúc đó, người ta cấm gọi tôi là “Đức Cha…”. Tôi là ông Nguyễn Văn Thuận. Tôi không được phép mang dấu hiệu gì về chức vị của tôi. Không hề báo trước chút nào. Chúa yêu cầu tôi hãy trở về với điều cốt yếu.

“Trên đường dài 450 cây số, không có một ai. Tôi thực sự bị bỏ rơi.

“Và trong sự xúc động trước hoàn cảnh mới, diện đối diện với Chúa, tôi nghe thấy Chúa Giêsu hỏi Simon: “Simon, con bảo Thầy là ai?” (cf MT 16,15)”

Giáo xứ Cây Vong lúc đó có khoảng 1200 giáo dân do Linh mục Gioan Phùng Văn Như, 72 tuổi, làm chánh xứ. Trong thời gian bị quản chế tại đây, ngài được Linh mục chính xứ và giáo dân mộ mến và giúp đỡ tận tình. Tuy nhiên, vào 8 giờ sáng ngày 18.3.1976, công an đã đưa xe bịt bùng đến, đọc lệnh bắt giam ngài, lý do bị bắt là vì ngài có những hành vi phản động dinh líu đến vụ nhà thờ Vinh Sơn, mặc dầu lúc đó ngài đang bị quản thúc ở Cây Vong, cách xa nhà thờ Vinh Sơn hơn 400 cây số. Khi ngài bị đẩy lên xe, mọi người đều chảy nước mắt và ai cũng âm thần đọc kinh cầu nguyện cho ngài. Ngài bị đưa vào giam ở trại Phú Khánh. Ngài đã mô tả lại thời gian bị giam tại trại này như sau:

“Nhà tù nơi tôi bị giam trong những tháng đầu tiên tọa lạc tại khu vực có nhiều tín hữu nhất trong thành phố Nha Trang, nơi tôi đã làm giám mục trong 8 năm.

“Từ phòng giam, sáng tối tôi đều nghe thấy tiếng chuông nhà thờ ngân vang, và suốt ngày, tôi nghe những tiếng chuông của bao nhiêu giáo xứ và nhà dòng. Tôi ước mong được dời đi thật xa, lên miền núi để khỏi phải nghe những tiếng chuông ấy.

“Ban đêm, trong cái thinh lặng của thành phố, tôi nghe lại tiếng sóng Thái Bình Dương mà tôi đã từng nghe thấy từ văn phòng tòa giám mục của tôi. Không ai biết tôi ở đâu, mặc dù nhà tù chỉ cách nhà tôi vài cây số. Tôi sống tình trạng thật vô lý!”

 Lữ Giang

Thắp Lên Ngọn Ðèn Cũ

    Thắp Lên Ngọn Ðèn Cũ

        Trong một cuộc phỏng vấn, Mẹ Têrêxa thành Calcutta đã thuật lại một sự kiện như sau: Ở Úc Châu có một người thổ dân Aborigines kia sống trong một hoàn cảnh thật thảm thương. Ông cũng đã khá cao niên rồi, sống trong một túp lều xiêu vẹo. Khởi đầu câu chuyện tôi nói với ông:

    – Ðể tôi dọn dẹp nhà và sửa soạn giường ngủ cho ông. Ông ta trả lời một cách hững hờ:

     – Tôi đã quen sống như vậy rồi.

     – Nhưng ông cũng cảm thấy dễ chịu hơn với căn nhà sạch sẽ và ngăn nắp. Sau cùng ông ta bằng lòng để tôi dọn dẹp nhà cửa lại cho ông. Trong khi quét dọn tôi thấy một cái đèn cũ đẹp nhưng phủ đầy bụi bặm và bồ hóng. Tôi hỏi ông:

     – Có bao giờ ông thắp đèn này chưa? Ông ta trả lời một cách cộc lốc:

  – Nhưng thắp đèn cho ai? Có ai bước chân vào nhà này bao giờ đâu. Tôi sống ở đây đã từ lâu không hề trông thấy một người nào cả. Tôi hỏi ông:

     – Nếu như các nữ tu đến thăm ông thường xuyên, ông có vui lòng thắp đèn lên không?

    – Dĩ nhiên rồi.

     Từ ngày đó các nữ tu quyết định mỗi chiều sẽ ghé qua nhà ông. Từ đó ông ta bắt đầu thắp đèn và dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ hơn. Ông còn sống thêm hai năm nữa. Trước khi chết ông nhờ các nữ tu ghé thăm nhắn tin cho tôi:

     – Xin nhắn với Mẹ Têrêxa, bạn tôi rằng, ngọn đèn mà Mẹ đã thắp lên trong đời tôi vẫn còn chiếu sáng. Ðó chỉ là một việc nhỏ mọn, nhưng trong bóng tối cô đơn của đời tôi, một tia sáng đã thắp lên và vẫn còn tiếp tục chiếu sáng mãi.

    Chúng ta đều cảm nghiệm được niềm vui sướng vì được yêu thương, được chính Chúa thương yêu. Và chúng ta cũng hiểu được giới răn của Chúa: “Hãy thương yêu nhau, như Thầy yêu thương các con”.

nguồn: Từ Maria Mai gởi

Kẻ Không Biết Sám Hối

     Kẻ Không Biết Sám Hối

     Ngày 03/4/1990, người tử tù Robert Alton Harris 37 tuổi đã bị đưa vào phòng hơi ngạt tại nhà tù San Quentin thuộc tiểu bang California bên Hoa Kỳ. Ðây là lần đầu tiên kể từ 23 năm nay, tiểu bang California tái lập bản án tử hình. Hiện nay, kể từ năm 1976, sau khi tối cao pháp viện Hoa Kỳ phán quyết án tử hình là hợp hiến, tiểu bang California là một trong năm tiểu bang tại Hoa Kỳ vẫn còn giữ bản án tử hình. Người ta tính có khoảng 2,200 người trên khắp nước Mỹ đang chờ sẽ được đưa lên ghế điện hoặc vào phòng hơi ngạt.

     Robert Harris là một kẻ giết người không biết gớm tay. Ngày 05/7/1978, sau khi đã mãn hạn tù hai năm vì đã đánh đập một người đến chết, Harris đã cùng với người em của mình định đến cướp một nhà băng tại San Diego. Ðể có phương tiện di chuyển, Harris đã chiếm chiếc xe của hai người thanh niên đang đậu trước một quán ăn. Anh ra lệnh cho hai người thanh niên lái xe đến một nơi vắng vẻ vàtại đây, anh đã rút súng sát hại họ một cách dã man. Sau khi đã hạ sát hai người thanh niên, Harris vẫn còn đủ ung dung và bình tĩnh để ăn cho hết cái bánh mà hai người thanh niên đang ăn dở… Bị bắt giữ sau đó, Harris đã không để lộ bất cứ một dấu hiệu nào của ăn năn sám hối…

     Theo thủ tục hiện hành của Hoa Kỳ, từ lúc tuyên án cho đến lúc thi hành bản án, người tử tội thường được bảy năm để kháng cáo hoặc xin ân xá. Robert Alton Harris vẫn chưa để lộ bất cứ một dấu hiệu nào của sợ sệt hoặc hối cải… Anh đã được dẫn vào phòng đầy hơi ngạt Cyanide. Chỉ trong vài phút đồng hồ, anh đã chết bằng đúng cái chết mà dường như anh đã tự chọn và chuẩn bị cho mình.

     Công lý và luật pháp của con người được xây dựng trên nguyên tắc: mắt đền mắt răng thế răng, hoặc tôi cho anh để tôi cho lại… Kẻ có tội luôn luôn phải bị trừng trị, nặng hay nhẹ tùy theo tội ác của người đó đã gây ra… Thiên Chúa dường như chỉ có một công lý: đó là công lý của Tình Thương. Thước đo duy nhất của Công Lý nơi Thiên Chúa chính là Tình Thương vô bờ bến. Nói như thánh Phaolô, nơi nào tội lỗi càng nhiều, nơi đó Thiên Chúa càng thi ân. Tội lỗi của con người, dù tày đình đến đâu, cũng không thể ngăn cản được Tình Thương, sự Tha Thứ của Thiên Chúa.

     Ðó phải là niềm xác tín của chúng ta mỗi khi chúng ta nhìn thấy tội lỗi và suy niệm về Tình Yêu của Thiên Chúa. Nếu có ai chết đời đời trong hỏa ngục, điều đó không phải do sự Công Thẳng của Thiên Chúa, cho bằng chính sự Khước Từ của con người. Khi con người không còn tin ở Tình Yêu của Thiên Chúa, khi con người tự chọn cho mình cái chết, đó chính là lúc con người tự chuẩn bị cho mình sự trầm luân. Hỏa ngục đồng nghĩa với quay mặt, với khước từ, với thất vọng… Chúng ta nhìn đến thân phận tội lỗi của mình không phải để thất vọng về sự yếu hèn của chúng ta, mà chính là để ngước nhìn lên ánh mắt từ nhân vô biên của Thiên Chúa.

nguồn: từ Maria Mai gởi

Trung Quốc: Hơn 22.000 người được rửa tội vào ngày Lễ Phục sinh

 

Trung Quốc: Hơn 22.000 người được rửa tội vào ngày Lễ Phục sinh

Minh Đức

 WHĐ (26.04.2012) / VIS – Theo hãng tin Công giáo Fides, vào Lễ Phục Sinh năm nay tại Trung Quốc có 22.104 người được rửa tội. Các số liệu do Trung tâm nghiên cứu Đức Tin tại tỉnh Hà Bắc thu thập. Trong số những người mới được rửa tội có 75 phần trăm là người lớn, thuộc 101 giáo phận. Ngay tại Hà Bắc có 4.410 người được rửa tội vào ngày Lễ Phục Sinh, ít hơn năm ngoái 615 người, trong khi ở Hồng Kông -nơi có hơn 360.000 tín hữu- 3.500 người đã được rửa tội trong dịp này.

Để lượng giá những số liệu này, cần lưu ý rằng một số giáo phận không chỉ cử hành bí tích Rửa tội vào lễ Phục sinh. Chẳng hạn, tại Thượng Hải có 379 người được rửa tội vào lễ Phục sinh, nhưng tổng cộng số người được rửa tội có thể vượt quá 1.500 người vào cuối năm nay. Theo nữ tu Lý Quách Sảng thuộc Trung tâm nghiên cứu, “vẫn còn một số giáo phận hoặc cộng đoàn đã không cung cấp dữ liệu cho chúng tôi vì những khó khăn về mặt truyền thông. Vì vậy, chúng tôi phải nhấn mạnh rằng các số liệu trên đây chưa đầy đủ, con số này vẫn có thể còn nhiều hơn thế”.

(VIS, 24-04-2012)

Nguồn: WHD

Không quá muộn để nên Thánh

 Không quá muộn để nên Thánh

                                                                                           Tác giả Veritas

  Người Nhật Bản có câu chuyện như sau: Zenkai là một thanh niên con của một hiệp sĩ Samourai. Anh được tuyển vào phục dịch cho một viên chức cao cấp trong triều đình. Không mấy chốc, Zenkai đem lòng say mê người vợ của chủ mình. Anh lập mưu giết người chủ và đem người đàn bà trốn sang một vùng đất lạ.

Anh tưởng có thể ăn đời ở kiếp với người đàn bà. Nhưng không mấy chốc, người đàn bà đã để lộ nguyên hình của một con người ích kỷ, đê tiện. Zenkai đành bỏ người đàn bà và ra đi đến một vùng đất khác, ở đó anh sống qua ngày bằng nghề hành khất.
Trong cảnh bần cùng khốn khổ, Zenkai đã bắt đầu hồi tâm để nhớ lại những hành động tội lỗi của mình. Anh quyết định làm một việc thiện để đền bù cho quá khứ nhơ nhớp của mình.    Anh đi về một vùng núi hiểm trở, nơi mà nhiều người đã bỏ mình vì khí hậu khắc nghiệt cũng như vì công việc nặng nhọc. Zenkai đem hết sức lực của mình để khai phá một con đường xuyên qua vùng núi ấy.
Ban ngày đi khất thực, ban đêm đào đường xuyên qua núi. Zenkai cặm cụi làm công việc ấy ròng rã trong 30 năm trời.
Hai năm trước khi Zenkai hoàn thành công trình của mình, thì người con của viên chức triều đình mà anh đã sát hại trước kia bỗng tìm ra tung tích của anh. Người thanh niên thề sẽ giết Zenkai để trả thù cho cha mình. Biết trước mình không thoát khỏi án phạt vì tội ác mình đã gây ra mấy chục năm trước, Zenkai phủ phục dưới chân người thanh niên và van xin:
“Tôi xin sẵn sàng chịu chết. Nhưng cậu hãy cho phép tôi được hoàn thành công việc tôi đang làm dở. Khi mọi sự đã hoàn tất, cậu hãy giết tôi”.
Người thanh niên ở lại để chờ cho đến ngày trả được mối thù cho cha. Nhưng trong khi chờ đợi, không biết làm gì, người thanh niên đành phải bắt tay vào việc đào đường với Zenkai mà vẫn nuôi chí báo thù cha.
Nhưng chỉ một năm sau cùng làm việc với kẻ đã giết cha mình, người thanh niên cảm thấy mọi ý muốn báo thù đều tan biến trong anh. Thay vào đó, anh lại thấy dậy lên trong lòng sự cảm phục và thương mến đối với sự nhẫn nhục, chịu đựng của Zenkai.
Con đường đã được hoàn thành trước dự định. Giờ đây dân chúng có thể qua lại vùng núi hiểm trở một cách dễ dàng.
Giữ đúng lời hứa, Zenkai đến phủ phục trước mặt người thanh niên để chấp nhận sự trừng phạt. Nhưng người thanh niên vừa đỡ Zenkai dậy vừa nói trong tiếng khóc:
“Làm sao tôi có thể chém đầu được thầy của tôi?”
Câu chuyện trên đây hẳn hàm chứa được nhiều bài học. Ngạn ngữ Latinh thường nói:
Sai lầm, vấp ngã là chuyện thường tình của con người, nhưng ngoan cố trong sai lầm là bản chất của ma quỉ “.
Nét đẹp quí phái nhất nơi lòng người đó là còn biết hồi tâm, còn biết nhận ra lỗi lầm và từ đó quyết tâm xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.  Bài học đáng chú ý hơn trong câu chuyện trên đây có lẽ là: tình liên đới xóa tan được hận thù trong lòng người. Người thanh niên đã khám phá ra giá trị ấy khi bắt tay làm việc với Zenkai, con người mà trước đó anh đã quyết tâm tiêu diệt cho bằng được.   Quả thực, tình liên đới, sự đồng lao cộng khổ, sự hiện diện bên nhau có sức tiêu diệt được hận thù trong lòng người.

Trung Quốc sắp có thêm tân giám mục

Trung Quốc sắp có thêm tân giám mục

Nhà thờ Chính tòa Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở thành phố Trường Sa

Linh mục Methodius Qu Ailin sẽ được tấn phong làm giám mục của giáo phận Hồ Nam trong tuần này, theo các nguồn tin Giáo hội địa phương.

Vị linh mục 51 tuổi đã được Đức Thánh cha Bênêđictô XVI chấp thuận và được chính phủ Trung Quốc công nhận, các nguồn tin cho biết.

Buổi lễ dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 25-4 tại nhà thờ Chính tòa Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở thành phố Trường Sa, thủ phủ của tỉnh Hồ Nam, miền nam Trung Quốc.

Đức Giám mục Joseph Li Shan của Bắc Kinh, phó chủ tịch Hội đồng Giám mục được nhà nước công nhận và từng tham dự một nghi lễ tấn phong giám mục bất hợp thức tại Thừa Đức vào năm 2010, sẽ làm chủ phong, theo các nguồn tin.

Lễ tấn phong sẽ trùng với ngày cuối cùng của cuộc họp toàn thể của Ủy ban Đặc trách Giáo hội Trung Quốc của Tòa Thánh.

Tân Giám mục Qu sinh năm 1961 và chịu chức linh mục tại thành phố Hành Dương năm 1995. Ngài được bầu làm ứng viên giám mục năm ngoái.

Ngài làm phó chủ tịch Hội Công giáo yêu nước tỉnh Hồ Nam và là thành viên của Hội đồng Cố vấn chính trị nhân dân thành phố Hành Dương.

Có khoảng 20 linh mục phục vụ 65.000 người Công giáo trong tỉnh này, vốn không có giám mục hơn một thập niên nay sau khi Đức Giám mục Simon Qu Tianxi của Trường Sa qua đời năm 2000.

Hồ Nam có 4 giáo phận và 5 hạt phủ doãn tông tòa, theo thống kê Tòa Thánh.

Các chức sắc trong Giáo hội “công khai” được nhà nước công nhận đã cơ cấu lại các nơi này thành 6 giáo phận vào năm 1991 và sau đó sát nhập lại thành giáo phận Hồ Nam năm 1999.

Vì những thay đổi này không được Tòa Thánh chấp thuận, vị giám chức mới sẽ được Rôma chính thức công nhận là giám mục của Trường Sa.

Nguồn:  ucanews

Hai nửa hy sinh

Hai nửa hy sinh

 

Khi cô giật mình tỉnh dậy giữa đêm vì lạnh, anh thường ôm chặt cô vào lòng, dùng hơi ấm của cơ thể sưởi cho cô. 

Cô vốn là một người con gái xinh đẹp. “Vệ tinh” xung quanh cô nhiều không kể xiết, nhưng cô bỏ ngoài tai tất cả để chọn anh – một công nhân làm việc ở nhà máy, thu nhập còn không đủ cho 3 bữa ăn hàng ngày. Cô chấp nhận từ bỏ cả gia đình, thậm chí là công việc đầy tương lai của mình để cưới anh.

Sau khi kết hôn, anh và cô mượn được nhà kho của một người bạn, họ sắp xếp lại thành một tổ ấm giản dị. Mùa đông đến, căn nhà kho trống trải hút gió lại càng trở nên lạnh giá. Khi ấy chưa đủ tiền mua chăn, cô thường bị giật mình tỉnh dậy giữa đêm vì lạnh. Những lúc đó, anh chỉ biết ôm chặt cô vào lòng, dùng hơi ấm của cơ thể sưởi ấm cho cô. 

Một ngày cô trở về nhà với vẻ mặt thất thần nhợt nhạt, anh lo lắng hỏi cô có phải bị bệnh rồi không? Cô chỉ mỉm cười nói: “Em hơi mệt thôi!” rồi hân hoan rút từ trong túi ra một tờ bạc nhét vào tay anh: “Chúng mình có tiền rồi anh ạ, mình đi mua một chiếc chăn thật ấm để đắp nhé.” Anh sững người ngạc nhiên nhìn tờ tiền trong tay cô, giọng run run: “Làm sao em lại có nhiều tiền vậy?” Cô vui vẻ kể lại cho anh tiền là do cô kiếm được khi đi phát tờ rơi. Cô phải đứng từ sáng đến tối mới được trả ngần ấy tiền. Nói rồi cô vội vàng kéo anh ra khỏi nhà, không cho anh hỏi thêm điều gì nữa. Họ mua môt cái chăn vừa tầm tiền. Từ đó, giữa đêm cô không còn bị giật mình thức giấc nữa. 

Vài năm sau, anh tìm được công việc tốt hơn, rồi kiếm được nhiều tiền, tự mở công ty. Không bao lâu anh đã xây cho cô một ngôi nhà khang trang, mua ô tô cùng rất nhiều đồ dùng đắt tiền khác. Anh nói muốn dành cho cô một cuộc sống ấm no đầy đủ bù đắp lại những tháng ngày khó khăn vất vả trước đây. Cuộc sống bỗng vụt thay đổi khiến cô có phần bàng hoàng chưa kịp thích nghi với điều kiện mới.  

Ngày chuyển nhà, anh bảo những đồ đạc cũ trong căn nhà kho của họ trước đây anh đều muốn vứt đi không giữ lại bất cứ cái gì. Nhưng cô khăng khăng nói muốn giữ lại cái chăn để đắp. Và rồi một thời gian dài nữa họ vẫn dùng cái chăn cũ ấy, giờ đây nó đã trở nên xù xì cũ kĩ, còn bị rách khá nhiều chỗ. Anh không ngừng phàn nàn với cô: “Thôi bỏ cái chăn cũ này đi em, mình có thể mua một cái chăn mới ấm áp và tốt hơn rất nhiều. Em xem cả nhà mình toàn những đồ đắt tiền, nhìn cái chăn cũ này trong nhà trông thật chướng mắt”. Nhưng cô vẫn cố chấp nhất quyết giữ lại cái chăn cũ ấy, vì chỉ khi đắp nó cô mới cảm thấy ấm áp và được che chở. 
Một hôm, anh về nhà mang theo một cái chăn mới và nhất quyết bảo cô bỏ cái chăn cũ đi. Lần này dù không nỡ nhưng cô vẫn nghe theo lời anh. Từ đó, hàng đêm cô ngủ không còn ngon giấc nữa, trong lòng cô lúc nào cũng cảm thấy thấp thỏm lo lắng khiến cô lại không ngừng giật mình giữa đêm. Và mỗi lần tỉnh dậy như thế, hai mắt cô lại đầm đìa nước. Anh vốn không biết rằng để mua được cái chăn đó cô đã phải đi bán máu lấy tiền chứ không phải đi phát tờ rơi như cô nói với anh. Lần đầu tiên bán máu, biết bao đau đớn, cũng chỉ vì muốn có cái chăn này. Vậy mà anh lại nỡ vất bỏ nó. Cô dần cảm thấy anh không còn yêu cô như xưa nữa. 

Một ngày anh có việc gấp phải ra ngoài, quên mang theo máy tính xách tay quen thuộc. Trên màn hình của anh vẫn hiện lên trang blog anh viết hàng ngày. Và cô bất chợt đọc được dòng chữ anh hình như mới viết không lâu.  

“Ngày hôm ấy em từ đâu về khuôn mặt tái xanh nhợt nhạt khiến cho tôi lo lắng vô cùng. Rồi em nói em đi phát tờ rơi để mua chăn cho hai đứa. Tối hôm đó chúng tôi nằm ngủ ấm áp trong chiếc chăn mới, thấy em nằm cuộn tròn trong lòng tôi say trong giấc ngủ, tôi thương em biết bao. Đã bao đêm rồi em không được ngủ ngon đến vậy. Và rồi tình cờ tôi nhìn thấy trên tay em có một vết sưng nhỏ, dường như bị kim tiêm đâm vậy. Tôi bỗng hiểu ra tất cả. Hóa ra em nói dối tôi em đi phát tờ rơi, thực ra em đã đi bán máu để có tiền mua chăn, chỉ vì một cái chăn mà em đã phải khổ sở đau đớn đến vậy. Đêm đó tôi đã khóc vì thương em và cũng thầm hứa sẽ cố gắng làm việc, phấn đấu trở thành một người thành đạt, để có thể bù đắp lại những ngày tháng khốn khó này cho em. Và giờ đây tôi đã thực hiện được lời thề đó. Hôm qua tôi quyết định đến trạm hiến máu, tôi chỉ muốn cảm nhận một chút nỗi đau em từng trải qua. Khi chiếc kim tiêm đâm vào mạch máu, một cảm giác nhói buốt lan dọc khắp cơ thể. Nhưng tôi không thấy đau, ngược lại, rất hạnh phúc. Tôi lấy tiền bán máu và đi mua chiếc chăn mới này. Tôi muốn nó là món quà bất ngờ dành cho em…” 

Nước mắt cô đã ướt đẫm tự độ nào. Hóa ra tình yêu của anh dành cho cô vẫn sâu đậm và lớn lao đến vậy. Mùa đông năm nay anh đã đổi máu của mình tặng cho cô chiếc chăn ấm, có lẽ đó cũng sẽ là chiếc chăn ấm áp nhất cô có trong đời…

Hai nhân chứng khai được chữa lành qua sự can thiệp của ĐHY Thuận

Hai nhân chứng khai được chữa lành qua sự can thiệp của ĐHY Thuận
 
 
Một nguồn tin địa phương cho hãng thông tấn Fides biết, trong số các lời khai tại Tổng giáo phận Huế, đã có hai phụ nữ, một nữ tu và một nữ giáo dân, khai rằng họ đã được chữa lành bệnh qua sự can thiệp của ĐHY Nguyễn Văn Thuận.
 
Fides tóm tắt hai câu chuyện như sau: Nữ tu Maria Đỗ Thị Lan, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, cho biết vào năm 2009, chị đã phải trải qua một cuộc phẫu thuật khó khăn cho đôi mắt. Các bác sĩ không đảm bảo rằng thị lực của chị sẽ được khôi phục và có nguy cơ bị mù. Chị Maria nói: “Tôi cầu nguyện với ĐHY và rồi đôi mắt của tôi đã được chữa lành mà không cần phẫu thuật nữa”.
 
Cũng tại Tổng giáo phận Huế, bà Maria Lê Thị Thân, 70 tuổi, là một giáo dân thuộc giáo xứ Thạch Hãn đã nằm liệt giường hơn 40 năm qua vì một hội chứng thuộc về dây thần kinh. Bà đã cậy trông vào lời cầu bầu của ĐHY Thuận. Thời gian gần đây, bổng nhiên bà đã được chữa lành và sống bình thường, làm được những việc mà trong nhiều thập niêm qua bà không thể làm được.
Những lời khai này đã được ghi nhận và đang chờ mở cuộc điều tra.
 
nguồn: từ Đỗ Tân Hưng