Bánh xe quay nhanh nhanh

“Bánh xe quay nhanh nhanh

Chiếc thân xe rung rinh”,

Chìm trong làn cát trắng

Xe nhịp nhàng quay bánh lướt

Hồn ta mờ khuất trong mênh mong”

(Trọng Khương – Bánh Xe Lãng Tử)

(ICor 8: 9/ 2Cor 3: 17)

Trần Ngọc Mười Hai

Mỗi lần bần đạo đây, thấy trên bào/đài trổi lên bài hát “Bánh Xe Lãng Tử” thì y như rằng, toàn thân mình của chính mình cứ thế “ngún nguẩy” cùng chiếc xe quay rất nhanh.

Hôm nay ngồi nghĩ lại mới thấy tốc độ quay nhanh của cuộc đời, cùng với niềm tin đi đạo, sao vẫn cứ chậm rì, thật khá nản. Chẳng biết, chuyện đó có như ca từ người nghệ sĩ cứ hát tiếp, rằng:

“Ta luyến lưu một kiếp giang hồ

Dù rằng cuộc sống vô bờ

Tim nồng giòng máu vô tư

A ha ha!

Suối in hình chiếc xe tàng

Đêm nao đập vỡ cây đàn

Giận đời nào ai mắt xanh.”

(Trọng Khương – bđd)

Luận về mức quay nhanh ở bánh xe cuộc đời người hay của chính mình, có lẽ truyện minh hoạ ở bên dưới cũng diễn-tả được phần nào ý-nghĩa của những quay cuồng sấp/ngửa:

“Truyện rằng:

Hôm ấy, bệnh-viện tâm-thần nọ, có cảnh đối/đáp giữa cô y-tá và bệnh nhân, nghe qua thấy cũng lạ, những hỏi rằng:

-Này anh, hôm nay có gì hay mà hát nhiều thế?

-Vậy yên nào. Bọn ta đây đang hát bài “Bánh xe lãng tử” đây mà!

-Đã đành là anh đang hát bài “lãng tử” hay “lãng xẹt” gì cũng được, nhưng sao lại cứ nằm sấp mặt mà hát thế ai mà nghe cho được?

-Ấy, đừng có mà nói vậy! Đây chỉ muốn hát cho hay như diã nhựa thì hễ hát xong mặt A, mình phải quay quay, lật ngược sang mặt B để hát tiếp chứ?

-À thì ra, là thế đấy!? Thôi thì anh hát sao cho mau chóng lên để còn thở nữa chứ!?…” (truyện do nhiều người kể, đại loại cũng chỉ như thế)

Vâng. Hát gì thì hát. Kể gì thì cứ kể. Đừng kể đi kể lại cuối cùng cũng chỉ mỗi thế, tức: những hát và kể để cho vui, mà thôi. Nói vậy chứ, gặp trường hợp kể chuyện đạo cho người đạo “ròng” (chứ không phải đạo lòng vòng) thì lại khác. Với người đạo “ròng”, kể gì đi nữa vẫn phải kể cho đúng/cho hợp lòng tin đi Đạo, mới nghe được.

Nghe lời kể ở trên, hẳn người nghe hoặc đọc cũng khiếp sợ? Khiếp và sợ, thật cũng phải. Bởi thời nay, người đời không còn nhiều nỗi sợ, chỉ phát khiếp. Tức, mới nghe đã thấy khiếp nhưng không sợ. Hoặc, nghe giảng quá nhiều rồi, nay hết sợ và hết khiếp. Chí ít, là chuyện đạo ở đời, hoặc nói theo văn-hoa/chữ nghĩa, thì đó là: chuyện triết/thần ly-kỳ và khá khủng khiếp.

Khủng và khiếp, như câu chuyện đề-cập ở đâu đó, chốn nhà Đạo rất Syndey, vẫn ly-kỳ nhiều nỗi sợ. Nhưng trước khi nghe kể những chuyện triết/thần lần rần những sự việc kỳ-lạ và rất đáng khiếp, thiết tưởng ta cũng nên trở về với câu ca/lời hát, rất “lãng-đãng” như sau:

“Vó câu bấp bênh.

Trên đường gian nan.

Chiếc xe lắc lư ru hồn nghệ sĩ tới nơi xa ngàn.

Xe lăn êm êm dưới ánh trăng vang.

Môi ai say sưa hé mấy cung đàn.

Ca lên cho tan nỗi niềm cay đắng.

Vui ca lên đi trong chiếc xe già.

Sau khi men say lắng mấy tơ đàn.

Hồn ta vụt bước lên trời xanh lam.”

(Trọng Khương – bđd)

Thế nghĩa là, ta cứ “ca lên cho tan nỗi niềm cay đắng”“Vui ca lên đi trong chiếc xe già”, rồi sẽ thấy “Hồn ta vụt bước lên trời xanh lam”, ngay thôi.

Thật ra thì, “trời xanh lam” chốn này, tại cái-nơi-mà người nhà Đạo nay gọi là Nước Trời Hội Thánh, nhiều vị không còn “vui ca lên đi trong chiếc xe già” cũ kỹ, nhưng lại cứ kể cho nhau nghe những chuyện như sau:

“Cách đây 60 năm, thần-học-gia Công-giáo người Đức là Lm Karl Rahner có viết bức-thư từng xuất hiện trên trang mạng, qua địa chỉ đầy những chữ như: archive.org/stream/freespeechinthec027876mbp/freespeechinthec027876mbp_djvu.txt) về tự-do ngôn-luận trong Đạo. Khi ấy, lời ông giải-thích xem chừng rất hấp-dẫn. Nhưng lúc ấy, ông lại đã tỏ ra là người gan-dạ dám phát-biểu điều mình nghĩ khác với các thần-học-gia “lề phải”. Chí ít, là khi Đức Giáo Tông thời đó lại có lập-trường về các vấn-đề trong vòng tranh-cãi nên đã buộc ông phải phục-lụy.

Thế-giới nhà Đạo Công-giáo thời Lm Karl Rahner sống, khác với thế-giới đạo “ròng” hôm nay cũng rất nhiều. Sau lần tranh-cãi tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia-Đình năm 2014, các hồng-y nay đã dám tỏ-bày ý-kiến khác-biệt của mình cách công-khai với báo/đài về phương-cách làm sao tiếp-cận được quan-hệ bất-thường giữa con người.

Các linh-mục ở Anh, nay đề-thảo một thỉnh-nguyện thư gọi mời linh-mục các nơi hãy ký vào đó trước công-chúng. Đổi lại, Hồng Y Giáo-Chủ nước này là Đức Vincent Nichols đã khiển-trách hàng linh-mục của ngài bằng cách gọi tất cả về họp bàn hầu thiết-lập đường-lối chung cho Giáo hội ở nước này.

Trong khi đó, Đức Phanxicô lại nhấn mạnh rằng: các vị tham-dự Thượng Hội Đồng La Mã về vấn-đề Gia-đình có quyền tự-do ăn nói, phát-biểu ý-kiến riêng của mình. Đức Giáo Hoàng nay vẫn thôi-thúc hàng Giáo-phẩm hãy dành ưu-tiên cho những ai bị đẩy ra bên lề Hội-thánh. Đồng thời, Đức Giáo Hoàng hôm đó cũng tuyên-bố sẽ lập năm thánh 2016 là Năm Từ Bi hầu ăn-khớp với chuyện ấy.

Vào thời của thần-học-gia Karl Rahner, tự-do ngôn-luận được xem xét bằng tầm nhìn từ các bậc thày về niềm tin, về vấn-đề liên-quan đến nội-dung niềm tin, về những gì khả dĩ được đem ra thảo-luận và cả những gì cần giữ kín, cũng như: ai là người được phép nói và ai có thẩm-quyền về chuyện ấy cũng như những gì trước đây thuộc trách-nhiệm của đấng bậc giảng-dạy…

Trong khuôn khổ công-việc như thế, linh-mục Karl Rahner khi ấy đã tìm cách mở rộng địa-hạt cho phép mọi người được tự-do bàn-luận và triển khai trách-nhiệm của những người được giáo-dục qua tư-thế chấp-nhận mọi sự cách thụ-động. Ông đồng-thuận ý-nghĩ cho rằng việc quần-chúng bàn ra/tán vào về niềm tin, phải tránh không nên làm người khác lẫn-lộn hoặc bị suy-yếu mà cho rằng việc phát-biểu lập-trường tư-tưởng không được phép khiến cho dân-tình bối-rối/lẫn lộn về niềm tin hoặc bớt kính-trọng các đấng bậc có quyền.

Ngoài ra, Đức Phanxicô lại cũng khuyến-khích các bậc thày hãy cứ dạy và người Công-giáo sẽ thâu-nhận niềm tin thật sâu sắc. Giống như linh-mục Karl Rahner, Đức Phanxicô quyết khích-lệ mọi trao-đổi sống động về những gì hàm-ngụ ở niềm tin, trong lúc họ nắm chắc rằng điều này sẽ gia-tăng sự tín-nhiệm về những điều được dạy và sự thật sẽ dẫn-dắt cả người dạy lẫn người hấp-thụ. Niềm xác-tín nơi ngài, vẫn khác hẳn phần đông các giám-mục cứ luôn miệng nói về sự hiểm-nguy sai-sót, hoặc ngộ-nhận nơi người Công-giáo đang sống trong nền văn-hoá có ác-cảm với niềm tin. Khác-biệt này, vạch rõ cho ta thấy là: đã có đáp-ứng nổi lên từ Thượng Hội-Đồng Đặc-biệt, khoá vừa rồi.

Thế nhưng, sự khác-biệt sâu-sắc hơn lại nổi lên từ tầm nhìn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô qua việc thông-chuyển niềm tin. Ngài bớt ưu-tư về nội-dung những gì đang được dạy; hay nói đúng hơn, ngài chỉ lo làm sao mọi người hiểu rõ, nhất là những người đang bị xua đẩy sống bên rià Giáo hội Công giáo. Đức Giáo Hoàng lo rằng nhiều vị có thành-kiến khi giải-thích toàn-bộ thông-điệp của Đạo bằng ngôn-ngữ đúng-thực về kỹ-thuật, lại khiến cho những người sống bên lề Giáo hội thấy mình bị liên-lụy với những gì họ coi như “tin buồn” từ Hội-thánh. Thành thử, Đức Phanxicô mới hỏi: làm sao để Phúc Âm Lời Chúa được coi như Tin Vui An Lành? Muốn dạy niềm tin cho người sống bên lề Giáo hội, ta cần sống và học hỏi niềm tin ngay ở bờ rìa ấy.

Rõ ràng là, Đức Phanxicô đang hy-vọng rằng cung-cách khiến các giáo-phụ ở Thượng Hội Đồng Đặc-biệt này sẽ đáp trả vấn-đề về Gia đình mà những người sống bên lề Giáo Hội sẽ đón-nhận điều ấy như Tin Vui cho Giáo-hội mình. Nhưng, chuyện ấy còn tùy xem các vị tham-dự Thượng Hội Đồng Đặc-biệt có chấp-nhận kinh-nghiệm thương đau của những người như thế và có cởi mở hơn với những vấn-đề như thế không? Đó là lý-do tại sao Đức Giáo Hoàng Phanxicô lại đặt nặng tầm quan-yếu lên chuyển-đổi, tức cung-cách rất mới để nhìn về thế giới hôm nay.

Việc Đức Phanxicô bày-tỏ lập-trường ra như thế, cũng triệt-để, tức là: ngài cũng dựa vào gương Đức Giêsu khi xưa từng thực-hiện. Đương nhiên là, lập-trường như thế sẽ tạo tranh-luận khá gay go. Ngài và các giám-mục tham-dự Thượng Hội-Đồng, dù tất cả không là người Công giáo, đều đồng ý chấp-thuận thâu-nhận các lời dạy về niềm tin, xuất tự Giáo hội và việc thực thi đạo-lý. Tuy nhiên, khác-biệt vẫn ở việc thực-thi kỷ-luật cách riêng rẽ, chẳng hạn như việc đẩy lùi người ly-dị rồi lại tái giá không được phép rước lễ rồi bảo chuyện đó là do niềm tin Công giáo đòi hỏi.

Nhiều vị giáo-phụ Thượng Hội Đồng lại khác hẳn Đức Giáo Hoàng về chuyện ta cần đặt chuyện gì/việc gì ưu-tiên số một, trong cuộc sống? Phải chăng là: chấp-nhận niềm-tin ban bố cho người sống bên lề Giáo-hội, hoặc củng-cố niềm-tin của những người đang ở giữa lòng Giáo hội? Bởi lẽ, các giám mục/thượng-phụ vẫn do-dự và/hoặc bất đồng quan-điểm với Đức Phanxicô một cách công-khai do việc ngài tỏ-bày cảm-tình với những người sống bên lề Giáo-hội làm nổi lên việc mọi người lại sẽ ngưỡng mộ ngài nhiều hơn nữa. Điều này có nghĩa là: các khác-biệt giữa các thượng-phụ với Đức Giáo Hoàng tuy chưa nói ra, nhưng cũng được nhiều người đã hít/ngửi do bởi sự việc đà thấy rõ như ban ngày.

Cuối cùng thì, nhiều thượng-phụ tỏ ra khác với Đức Phanxicô ở điểm: không biết ta có nên cởi mở với tranh-luận và bày tỏ sự bất đồng hay không ở Thượng Hội Đồng;’ và nói chung, là: ngay bên trong Giáo-hội, khả dĩ khích-lệ người Công giáo nhìn rõ được sự thật hoặc chuyện đề-cập ở đây sẽ đưa họ vào tình-huống bối rối, khá lẫn lộn.

Hành động viết thư nói thẳng và tập-họp rồi thỉnh gửi càng khiến dấy lên nhiều vấn-đề về sau. Dù hình-thức phát-biểu này dính với tự-do ngôn-luận ở xã-hội, mọi người vẫn cứ trông chờ hoặc Đức Phanxicô hoặc các giám-mục thượng-phụ từng bất đồng ý-kiến với ngài, lại sẽ đón chào những người sống ngoài lề Giáo hội, thôi. Bởi, đối với Đức Phanxicô, các vị tham-dự Thượng Hội Đồng rồi sẽ không còn cởi mở với những người sống bên lề Giáo hội, để bảo vệ các đấng bậc vị vọng khác còn ở trong lòng Hội thánh. Đối với các vị chống-đối quan-niệm lập-trường của Đức Giáo Hoàng, thì sự bất-đồng công-khai của chúng dân hoặc những người đang chơi trò chính-trị ở bên dưới, sẽ đưa đến tình-trạng mất hiệp-nhất và hỗn loạn.

Tuy thế, lập-trường niềm tin vẫn được gìn giữ cách hăng say, triệt-để. Đồng thời, chẳng ai muốn mình ở vào tư-thế của người thua cuộc, hết.” (x. Lm Andrew Hamilton sj, Can Speech Be Free in the Catholic Church?” Eureka Street 08/04/2015)

Thật ra thì, tác giả bài viết hôm nay là Lm Andrew Hamilton sj, cũng chỉ đặt vấn-đề như bao vị khác, chứ nào dám có câu trả lời đích-đáng, vào lúc này. Nhưng, một số độc giả ở Úc đọc bài viết của tác-giả này xong, đã có đôi giòng phản-hồi khá chân-chất, như sau:

“Thưa Lm Andrew Hamilton, bài viết của ngài thật rất hay. Tôi đây vốn dĩ là sinh viên ngành chính-trị học thôi, cũng đã thấy việc phân-biệt ‘tự do phát-biểu ở xã-hội’ khác với ‘cuộc sống ở nhà Đạo’ khiến tôi đây thấy thích-thú. Tôi có đọc sách do tác giả John Honner từ 2007 viết về Frederic Ozanam, thấy tác-giả này cũng đã phân-biệt được tư-tưởng của Ozanam về sự khác-biệt giữa thế-quyền và thần-quyền”, cũng hệt như ngài. Tôi rất thích đọc những tư-tưởng nào khiến tâm-trí mình tươi mát về sự tách-bạch như thế và về nguồn gốc của nó, nhiều lắm. Đằng khác, như tác-giả Tocqueville từng đề-cập đến chuyện dân-chủ-hoá tinh-thần ở Mỹ, từ đó tôi mới thấy là Đức Phanxicô nay đang có cái nhìn bớt hà-khắc hơn xưa, về tự-do ngôn-luận ở nhà Đạo. Và đó là điều mới-mẻ, đáng khích-lệ. Và, tôi cũng nghĩ nhiều về sự việc Đức Giám Mục Bill Moore, cựu Giám mục địa-phận Toowoomba ở Úc, rất có lý khi ngài chủ-trương tự-do ngôn-luận ở nhà Đạo, khá chí-lý” (x. Lm Andrew Hamilton sj, ý-kiến phản-hồi của bạn trẻ tên Tom gửi báo Eureka St hôm 08/4/2015 bđd)

Thật ra thì, các “đức ngài” có bày-tỏ lập-trường khác nhau cách mấy đi nữa, thì bạn đọc như bầy tôi đây, chỉ xin “kính lão đắc thọ”, chứ nào dám thêm thắt gì nhiều. Bởi, các “đức ngài” nói thế đã đủ; bằng không, ta đợi tới tháng 10/2015 xem có gì mới không, hạ hồi sẽ tỏ.

Trong khi chờ đợi ngày ấy, nay mời bạn/mời tôi, ta hãy về vườn hoa lời vàng của Đấng Thánh nhân hiền đã dặn rằng:

“Hãy coi chừng

kẻo sự tự do của anh chị em

nên dịp cho những người yếu đuối

sa ngã.”

(ICor 8:9)

Hoặc, hơn thế nữa:

“Thiên-Chúa là Thần Khí,

và ở đâu có Thần Khí Chúa,

thì ở đó có tự do.”

(2Cor 3: 17)

Lại nói thêm rằng: thật ra, thì khi mới lọt lòng mẹ ta đã có tự do từ lâu lắm rồi. Tự-do, là điều ta vẫn có do bậc mẹ cha để lại. Chỉ mất tự-do, khi ta chểnh mảng không coi trọng đó là sự-thật để trân-trọng.

Và cũng lại nói thêm, rằng: thật ra, thì một khi biết mình có tự-do con cái Chúa rồi, ta còn ngại ngần gì mà không thực-thi quyền căn-bản ấy, cho chính mình. Và, khi đã quyết như thế rồi, hẳn mỗi người và mọi người sẽ hả hê/vui sướng, rồi hát bài “Bánh xe lãng-tử” của tác-giả Trọng Khương một lần nữa, những câu như:

“Xe lăn êm êm dưới ánh trăng vàng.

Môi ai say sưa hé mấy cung đàn.

Ca lên cho tan nỗi niềm cay đắng.

Vui ca lên đi trong chiếc xe già.

Sau khi men say lắng mấy tơ đàn.

Hồn ta vụt bước lên trời xanh lam.”

(Trọng Khương – bđd)

Ca lên rồi, ta cứ thế mà vui. Vui mãi lên, vì mỗi người và mọi người đã có tự-do con cái Đức Chúa Blời, ở trong đời.

Hát thế rồi, ta cũng nên lẳng lặng đi vào vùng trời đầy truyện kể vẫn rất nhẹ để minh-hoạ cho những gia-đình tuy sống trong lòng Giáo hội hoặc xã-hội mà vẫn có cái gì đó cay cay đắng đắng, rất như sau:

Nửa đêm có tiếng gõ cửa, ông chủ nhà cẩn thận không mở cửa mà chỉ hỏi

– Ai đó?

– Cướp đây.

– Muốn gì?

– 15 cây vàng.

– Một tạ rưỡi được không?

– Không đùa, nếu “ câu giờ ” thì cả ngôi nhà này sẽ bị thiêu trụi đấy.

– Tôi không đùa. Một tạ rưỡi vàng có được không?

– Vậy thì mang ra đây.

(Ông chủ nhà quay sang vợ)

– Em yêu, cục vàng của anh, ra gặp họ đi.

Rất đúng là như thế. Có ở trong lòng hay bờ rià Giáo hội, thì người người vẫn là cục vàng thoi và vàng ròng những “tạ rưỡi”. Bỡi thế nên, bạn và tôi, ta sẽ luôn tôn trọng những “vàng ròng” như thế mãi.

Trần Ngọc Mười Hai

Tự nhắc mình và bầu bạn

Chứ  chẳng dám khuyên can

Bất cứ một ai

Trong cõi đời.

Tình tôi như đoá hoa hồng,

“Tình tôi như đoá hoa hồng,”

Ở mương oan trái, trong lòng tịch liêu.

Kinh đô cát bụi bay nhiều,

Tìm đâu thấy một người yêu hoa hồng?”

(Dẫn từ thơ Nguyễn Bính)

Hôm ấy, cách nay 10 năm, tôi có dịp lưu lại ít ngày sống ở một nông-trại trồng nho, nơi miền xa. Thời gian này, tôi thường nghe câu phương-châm của nhà trồng tỉa, rất cương quyết: “Hãy tạo dáng cho nho cành hoặc phế bỏ nó đi”.

Nghe nói thế, tôi liên-tưởng ngay đến công việc của Chúa, một nhà Trồng Tỉa đích-thực. Ngài bỏ ra nguyên ngày để tỉa bỏ những cành nho nơi tôi, đã khô đét nhuốm bệnh. Ngài đẽo gọt, rũ bỏ các mầm chồi trong tôi không tạo năng-suất. Và, Ngài nhổ bật rễ những phần mục nát trong tôi, phần nào không sinh hoa kết trái. Việc của nhà trồng tỉa là như thế. Thoạt nhìn, nào có khác hành động rất dữ của tay đồ tể.

Lạ thay, quan sát cách làm việc, tôi thấy khác. Nhà trồng tỉa không có dáng điệu của anh đồ tể. Trái lại, các vị này để rất nhiều thì giờ chăm sóc cho mầm chồi, lẫn nho cành. Trước khi làm, nhà trồng tỉa quan sát cẩn thận thân lá cành, đủ cả. Các vị chỉ bỏ đi một số lượng rất nhỏ, để nho cành vẫn đủ sức cho trái ngọt.

Nhà trồng nho tinh tế biết xem kỹ trại vườn của mình, rút nhiều kinh nghiệm quý báu, khi cắt tỉa. Cắt nhiều quá, lại không hay. Cắt quá ít, cũng không được. Thành thử, mỗi lát tỉa đều được các vị này suy tính, đắn đo. Mỗi nho cành bị loại, đều nhằm giảm thiểu sâu mầm, tật bệnh. Và, cây nho cứ thế tăng trưởng. Vườn nho cứ thế sinh hoa, kết trái. Nhà trồng tỉa không đối xử tệ bạc với cây cành. Vẫn cứ nâng niu, chăm sóc.

Trình thuật Tin Mừng hôm nay cũng diễn tả đầy đủ ý nghĩa của sứ điệp “tạo dáng hay phế bỏ”. Dụ ngôn về cây nho và cành, là nhận thức rất xứng hợp cho cuộc sống của người đi Đạo. Là cành, chúng ta cùng thuộc gia đình thương yêu, hòa hợp. Ta tự hào về gia đình mình.

Tham dự Tiệc thánh, chúng ta đến với nhau như cành nho co cụm, đùm bọc. Nếu chẳng may, nho trái bị sâu rầy, bã độc quấy nhiễu, không còn có thể thứ tha độ lượng được; hoặc, vẫn cứ để luột mất căn tính công minh, hiền hòa, hẳn là ta không thể cứ mãi tự hào còn ở được trong nho vườn yêu thương của Chúa, nữa.

Và, nếu đây đúng là trường hợp của mình, thì ta cũng sẽ cần đến đôi tay nhẹ nhàng bón chăm của nhà trồng tỉa. Bởi, các vị này chỉ muốn ta cho ra năng suất tốt nhất, theo đúng khả năng của mỗi người.

Nhà thuyết giảng Billy Graham có lần đã quả quyết: “Là thành viên của Hội thánh Chúa không phải đương nhiên ta thành người tín hữu tốt; cũng tựa như sống ở trong nhà xe, điều này không có nghĩa là ta đương nhiên biến thành xe cộ.” Đây là ý nghĩa của bài trình thuật hôm nay.

Trình thuật hôm nay, quả quyết: Chúa không xét đoán những gì ta nói hoặc cách thức ta làm, ngõ hầu mọi người biết mà quay về với Sự công chính. Nhưng, ta sẽ được hạch hỏi về những hành vi có yêu thương đủ không. Có hiền hòa, xót xa như nho cành vườn của Chúa, hay không. Thế thôi.

Dụ ngôn nho cành, còn là cơ hội nhắc ta nhớ đến mối kết liên, thân tình của người anh người chị và con em cùng nhà. Quả thật, trong cuộc-sống đời-thường, ta vẫn gặp nhiều nghịch cảnh có lúc thấy người anh em đồng Đạo dám nói hoặc đã làm những việc khó khăn, không phải.

Cũng có khi, ta cũng từng nghĩ đến việc loại trừ, tỉa bỏ họ khỏi cộng đoàn tình thương; hoặc xử tệ, dù mình vẫn được dạy, là: anh em là cành của cùng cây nho. Có lẽ, ta cần có lòng quả cảm, để nói lên được sự thật ta biết đến, để rồi cùng nhau định hình xem, vấn đề nào cần quyết đoán, đúng hay sai. Và, cần nhất một điều, là: ta phải khiêm hạ lắng nghe, khi người anh em hạch sách mình.

Khó hơn cả, vẫn là tình huống khi nhận ra thành phần sâu rầy, tật bệnh đã nhanh chóng lan tràn nơi nho-cành Hội thánh, cả trong khu vườn đầy nho thơm trái tốt. Gặp lúc nhiễu nhương như thế, phản ứng theo bản năng, vẫn là thái độ đòi tỉa bỏ. Vứt quăng đi những cành khô, lây bệnh.

Tuy nhiên, nhà trông tỉa nào cũng hiểu rõ, đấy chỉ là biện pháp cuối cùng, đối đế thôi. Dù cho đó là chuyện không dễ, Chúa vẫn kêu gọi ta hãy chùng tay. Chớ mau mắn tính chuyện phẫu thuật, cắt bỏ phần tử xấu, mỗi khi ta gặp chuyện khó khăn, khúc mắc. Đây chính là, tình huống yêu thương gai góc, rất khó xử.

Dù, cộng đoàn có người phạm lỗi, phản chống lại niềm tin yêu xưa giờ, thì Tin Mừng hôm nay vẫn nhắc nhở ta hãy dừng tay đối xử, cho đến khi mọi việc được sáng tỏ. Bởi, có can thiệp cách nào đi nữa, thì cành nho “anh em” đã chết khô trong vườn nho thương yêu, từ khuya rồi.

Dẫu có thế nào, hãy hy vọng nguyện cầu, để rồi hành vi ta chọn, sẽ làm cho tình yêu nơi người anh người chị và con em, cứ mãi tăng trưởng, nẩy lộc. Để rồi, đây sẽ là ca tiếp ghép nơi ta, sau này. Trước tình thế nhiễu nhương, của một thế giới luôn dựa trên nguyên tắc “hãy tạo dáng hoặc rũ bỏ”, thì Phúc Âm hiền hôm nay thách thức ta cứ hành trình cho rốt ráo, cùng tột với các người anh người chị thuộc em cùng cây nho, vào mỗi vụ mùa hay đã quá mùa, bởi như thiên tình ca xưa vẫn nói: “Mọi người chỉ biết ta là tín hữu Đức Kitô, qua tình yêu và bằng tình yêu, mà thôi. Vâng, tất cả đều biết ta là chứng nhân Đức Kitô ngang qua hành xử thương yêu ta diễn lộ với hết mọi người.”

Vâng, chính thế. Chỉ tình thương mới chứng tỏ ta là cành nho chùm trong đại gia đình thương yêu, đùm bọc. Dù nho cành có thương yêu nhau đến như điên như dại, dù người đời có gọi cành nho chúng ta là nho cành khờ dại, khùng điên. Vẫn cứ ngước mặt nhìn đời. Vẫn cứ đầu cao mắt sáng mà tạ ơn đời. Tạ ơn Người. Tạ ơn Cây Nho Trân Quý, luôn yêu thương, đùm bọc.

Cảm-nghiệm dụ-ngôn cành nho, cũng cảm-nghiệm về bài thơ Hoa Hồng, ý hát rằng:

Tình tôi như đoá hoa hồng,”

Ở mương oan trái, trong lòng tịch liêu.

Kinh đô cát bụi bay nhiều,

Tìm đâu thấy một người yêu hoa hồng?”

(Dẫn từ thơ Nguyễn Bính)

Tình hoa hồng, đâu nào như tình của cành nho với cây nho. Đoá hoa hồng, tìm mãi vẫn không thấy được người yêu. Nhưng, tình của cành nho với cây nho, không tìm mà vẫn thấy. Bởi, tình Ngài như cây nho có đó từ bao giờ, vẫn thương yêu đùm bọc mọi cành, không hề nguôi. Cũng hệt thế, tình Chúa yêu con người còn mạnh còn vững hơn mọi thứ tình ở đời, của con người.

Lm Richard Leonard sj –

Mai Tá lược dịch

Vận động mở án tuyên thánh cho linh mục hy sinh trong vụ đắm tàu Titanic

Vận động mở án tuyên thánh cho linh mục hy sinh trong vụ đắm tàu Titanic

– Tin nổi bật, Tin Công Giáo Thế Giới

190415titanic1

CNA đưa tin, một linh mục tại Anh đang vận động mở án tuyên chân phước cho cha Thomas Byles, người đã từ chối rời tàu Titanic đang chìm, để giải tội, an ủi và cùng cầu nguyện với những người kẹt lại trên tàu.

Cha Thomas Byles đã có hai cơ hội để lên xuồng cứu sinh, khi tàu Titanic bắt đầu chìm vào ngày 15/4/1912.

Khoảng 1.500 người đã thiệt mạng khi tàu Titanic đâm phải một tảng băng trôi ở Đại Tây Dương vào năm 1912. Được cho là “không thể chìm”, chiếc tàu đã không trang bị đủ xuồng cứu sinh cho tất cả các hành khách trên chuyến đi đầu tiên của từ Southampton đến thành phố New York.

Cha Byles cũng đi trên chuyến tàu Titanic tới New York để chủ tọa lễ cưới cho em trai mình. Vị linh mục 42 tuổi người Anh này được thụ phong tại Rôma 10 năm trước đó và làm quản xứ nhà thờ Thánh Helen ở Essex từ năm 1905.

Chứng từ của các hành khách được tổng hợp tại trang www.fatherbyles.com

Helen Mary Mocklare, một hành khác hạng ba và là người sống sót trong vụ đắm Titanic cho biết: một thủy thủ “đã van xin cha Byles lên thuyền [cứu sinh],” tuy nhiên vị linh mục đã hai lần từ chối rời khỏi tàu.

“Ngài chúc lành, ban ân xá và kêu gọi mọi người bình tĩnh khi xảy ra tai nạn. Nhiều hành khách ấn tượng bởi sự tự chủ của vị linh mục.”
Mocklare nói tiếp: “Cha Byles đã có thể được cứu, tuy nhiên ngài không chịu rời đi nếu còn có một hành khách [trên tàu bị bỏ lại]. Khi tôi đã ở trong thuyền, và là người cuối cùng rời khỏi. Chúng tôi dần dần rời xa con tàu, nhưng vẫn nghe rõ tiếng nói của vị linh mục và đáp lại những lời cầu nguyện của ngài.”

Hơn một thế kỷ sau đó, cha Graham Smith – linh mục quản xứ Thánh Helen, giáo xứ cũ của cha Byles – đang vận động mở án tuyên chân phước cho cha Byles.

Trong một tuyên bố với BBC, cha Smith cho biết đang tìm cách để án điều tra tuyên thánh cho vị tiền nhiệm của ngài được mở ra, một người mà ngài cho là “phi thường khi hiến mạng sống mình cho người khác.”

Lm Thomas Byles

Quá trình tuyên thánh được bắt đầu với điều kiện vị này được nhìn nhận là “sống các giá trị Kitô giáo đến mức anh hùng”. Vị đó sẽ được tuyên chân phúc, nếu một phép lạ xảy ra nhờ vị này chuyển cầu, và được Tòa Thánh công nhận, và cuối cùng là vị này được tuyên thánh nếu có 2 phép lạ được chấp thuận.

http://www.catholicnewsagency.com/news/path-to-sainthood-could-open-for-priest-who-gave-life-on-titanic-76131/?utm_source=feedburner&utm_medium=feed&utm_campaign=Feed%3A+catholicnewsagency%2Fdailynews+%28CNA+Daily+News%29&utm_term=daily+news

Xem thêm: Dòng Tên Việt Nam

PHỤC SINH MẠC KHẢI THIÊN CHÚA LÀ ĐẤNG CỨU CHUỘC, CHỨ KHÔNG PHẢI NGƯỜI GIẢI CỨU

PHỤC SINH MẠC KHẢI THIÊN CHÚA LÀ ĐẤNG CỨU CHUỘC, CHỨ KHÔNG PHẢI NGƯỜI GIẢI CỨU

Rev. Ron Rolheiser, OMI

Trước khi nghiêm túc suy nghĩ về Chúa Giêsu, trước hết bạn hãy xem thử mình kỳ vọng đến đâu!

Câu nói trên của Daniel Berrigan đã đúng đắn cảnh báo chúng ta rằng đức tin vào Chúa Giêsu và sự phục sinh sẽ chẳng cứu chúng ta khỏi những nhục nhã, đau đớn và cái chết trong đời này.  Đức tin không phải là phương tiện để làm vậy.  Chúa Giêsu không cho bằng hữu mình có ngoại lệ, cũng như Chúa Cha cũng không cho Chúa Giêsu có ngoại lệ.  Dù điều này thể hiện rõ ràng nhất trong sự phục sinh của Chúa Giêsu, nhưng nó cũng xuyên suốt cả Tin Mừng.  Để hiểu được, chúng ta nên so sánh sự phục sinh của Chúa Giêsu với điều mà chính Ngài đã làm khi đưa Ladarô từ cõi chết sống lại.

Câu chuyện về Ladarô đặt ra rất nhiều chất vấn.  Thánh Gioan Tông đồ thuật lại như sau: Câu chuyện giới thiệu gia đình Ladarô, hai chị em Mácta và Maria rất thân thiết với Chúa Giêsu.  Vì thế chúng ta dễ thấy sốc khi Chúa Giêsu gần như lơ là trước bệnh tật của Ladarô và lời mời Ngài đến chữa bệnh cho ông.  Câu chuyện như thế này:

Chị em của Ladarô, Mácta và Maria nhắn Chúa Giêsu rằng “người Ngài thương đang lâm bệnh,” ngụ ý xin Chúa đến  chữa lành cho ông.  Nhưng Chúa Giêsu hành động thật kỳ lạ.  Ngài không vội lên đường, thay vào đó, Chúa vẫn ở lại chỗ cũ thêm hai ngày nữa, trong khi Ladarô đang chết dần.  Sau khi ông đã chết, Ngài mới dự định đến thăm ông.  Khi đến làng nơi Ladarô ở, Ngài gặp Mácta rồi Maria.  Cả hai chị em đều lần lượt hỏi Ngài: “Tại sao lại vậy?”  Nếu Ngài yêu thương người này, sao Ngài không đến để cứu anh ấy khỏi chết?  Thật sự, câu hỏi của Maria còn ngụ ý nhiều hơn nữa: “Tại sao lại vậy”  Tại sao Thiên Chúa dường như luôn luôn vắng mặt khi những người tốt gặp hoàn cảnh khó khăn?  Tại sao Thiên Chúa không giải cứu những người Ngài yêu mến và cứu họ thoát khỏi đau đớn và cái chết?

Trong câu trả lời, Chúa Giêsu không biện giải một lý thuyết nào.  Thay vào đó Ngài hỏi xác Ladarô ở đâu, họ đưa Ngài đến, và ở đó, bên phần mộ, Chúa khóc thương và rồi cho người bạn đã chết của mình được sống lại.   Vậy tại sao lúc đầu Ngài lại để cho ông chết đi?  Câu chuyện này đưa ra một chất vấn: Tại sao lại vậy?  Tại sao Chúa Giêsu không vội vàng đến cứu Ladarô dù Ngài rất thương ông?

Lời đáp cho câu hỏi này dạy cho chúng ta một bài học rất quan trọng về Chúa Giêsu, về Thiên Chúa, và đức tin, cụ thể rằng Thiên Chúa không phải là một Thiên Chúa giải cứu chúng ta, nhưng đúng hơn là một Thiên Chúa cứu chuộc chúng ta.  Thiên Chúa không thường can thiệp để cứu chúng ta khỏi những sỉ nhục, đau đớn, cái chết, nhưng đúng hơn, Ngài chuộc lại những sỉ nhục, đau đớn và cái chết đó về sau.

Nói đơn giản, Chúa Giêsu đã hành động với Ladarô chính xác theo cách mà Thiên Chúa, Cha Ngài hành động với Ngài.  Chúa Cha yêu thương Chúa Giêsu sâu đậm và mật thiết, nhưng Chúa Cha không giải cứu Ngài khỏi sỉ nhục, đau đớn và cái chết.  Trong giờ cùng cực nhất, khi chịu sỉ nhục, thống khổ, và chết trên cây thập giá, Chúa Giêsu bị đám đông chế nhạo: “Nếu Thiên Chúa là cha ngươi, hãy để Ngài cứu ngươi đi!”  Nhưng chẳng ai đến giải cứu Ngài cả.  Thay vào đó, Chúa Giêsu đã chết trong sỉ nhục và đau đớn.  Thiên Chúa Cha chỉ cho Ngài sống dậy sau khi đã nhận lấy cái chết.

Đây là một trong những mặc khải mấu chốt của biến cố phục sinh: Chúng ta được Thiên Chúa cứu chuộc, chứ không phải giải cứu.

Thật vậy, câu chuyện cho ông Ladarô sống lại trong Tin Mừng theo thánh Gioan, ngụ ý trả lời cho câu hỏi nhức nhối của thế hệ Kitô hữu đầu tiên: Họ biết Chúa Giêsu bằng xương bằng thịt, họ đã thân thiết gần gũi với Ngài, đã tận mắt thấy Ngài chữa lành cho dân chúng và còn cho cả kẻ chết sống lại, vậy tại sao Ngài để cho họ phải chết?  Tại sao Chúa Giêsu không giải cứu họ?

Phải mất một thời gian, các Kitô hữu tiên khởi mới hiểu được rằng Chúa Giêsu không dành ngoại lệ cho bằng hữu của mình, cũng như Chúa Cha đã không cho Ngài ngoại lệ nào.  Vậy, cũng như chúng ta, họ đấu tranh với sự thật rằng có thể một người có đức tin sâu sắc chân thật, và được Thiên Chúa yêu thương, vẫn phải chịu đựng sỉ nhục, đau đớn và cái chết như mọi người khác.  Thiên Chúa không cất đau khổ và cái chết khỏi Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu cũng không cất những đau khổ này cho chúng ta.

Đó chính là một trong những mặc khải chính yếu của phục sinh và là một trong những điều mà chúng ta thường hiểu lầm nhiều nhất.  Chúng ta luôn mãi xác định trong đức tin, và cứ rao giảng về một Thiên Chúa giải cứu, một Thiên Chúa hứa sẽ ban ngoại lệ đặc biệt cho những ai có đức tin chân thật: Tin thật vào Chúa Giêsu, rồi bạn sẽ không còn phải chịu những sỉ nhục và đau khổ đời này nữa.  Tin thật vào Chúa Giêsu, mọi chuyện tốt đẹp sẽ đến với bạn!  Tin vào sự phục sinh, và cuộc đời của bạn sẽ đầy ánh rực rỡ cầu vồng!

Là thế ư!  Nhưng Chúa Giêsu không bao giờ hứa giải cứu chúng ta, cho chúng ta ta được ngoại lệ, được miễn nhiễm với ung thư, hay không phải chết.  Đúng ra, Ngài hứa rằng, đến cuối cùng, từ đau khổ sẽ xuất hiện sự cứu chuộc, bào chữa, miễn xá, và rồi sẽ là sự sống bất diệt.  Nhưng đó là đến cuối cùng, còn bây giờ, trong những chương đầu và giữa của đời mình, chúng ta vẫn phải có những sỉ nhục, đau đớn, và cái chết hệt như những gì mà mọi người khác chịu.

Cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu mạc khải một Thiên Chúa cứu chuộc chứ không phải một Thiên Chúa giải cứu.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

Mở án chân phước cho một linh mục trong vụ đắm tàu Titanic

Mở án chân phước cho một linh mục trong vụ đắm tàu Titanic

http://dongten.net/wp-noidung/uploads/2015/04/titanic-sinking.jpg

LONDON. ANH. Khi con tàu Titanic bắt đầu chìm vào ngày 15.4.1912, cha Toma Byles đã có hai cơ hội để lên tàu cứu nạn. Nhưng cha đã bỏ qua hai cơ hội này để nghe giải tội và an ủi cũng như cầu nguyện với những ai bị mắc kẹt lại. Giờ đây, một linh mục tại giáo xứ cũ của cha ở Anh đang xin mở án phong chân phước cho cha.

Khoảng 1.500 người đã chết khi con tàu Titanic nổi tiếng trong lịch sử đụng phải tảng băng và chìm vào lòng Đại Tây Dương vào năm 1912. Do tin rằng tàu quá vĩ đại đến độ không thể chìm được, người ta đã không trang bị đủ tàu cứu hộ cho tất cả các hành khách trong chuyến hành trình đầu tiên từ Southampton đến New York.

Cha Byles cũng có mặt trên chiếc tàu này để đến New York chủ sự lễ cưới cho em mình. Vị linh mục 42 tuổi này đã chịu chức 10 năm trước đó tại Roma và đang làm việc như một cha xứ tại nhà thờ thánh Helen ở Essex từ năm 1905.

Cô Ahnes McCoy, vị hành khách thuộc khoang hạng ba và là người sống sót trong vụ đắm tàu đã chia sẻ rằng cha Byles đã ở trên tàu, nghe giải tội, cầu nguyện với các hành khách và ban phép lành khi tàu chìm. Cô và nhiều người khác đã làm chứng về điều này.

Helen Mary Mocklare, một hành khác khoang hạng ba khác, cũng nói thêm một vài chi tiết khác về những giờ cuối của vị linh mục: “Khi cú va chạm xảy đến, chúng tôi rớt khỏi giường… Chúng tôi thấy cha Byles trước mặt mình, ngài nâng chúng tôi dậy. Chúng tôi biết ngài vì ngài đã viếng thăm chúng tôi vài lần trên tàu và đã dâng lễ cho chúng tôi mỗi buổi sáng.”

“Hãy bình tĩnh, các con yêu dấu”, ngài nói, và rồi ngài đi đến khoang hạng chót để ban phép xá giải và ban phép lành.

Morklare tiếp tục: “Một vài người chung quanh chúng tôi bị kích động. Nhưng chính cha một lần nữa đưa tay lên và ngay lập tức, họ bình tĩnh lại. Các hành khách đều rất ấn tượng bởi sự tự chủ của cha.”

Bà kể rằng một thủy thủ đã “cảnh báo cha về sự nguy hiểm và xin cha hãy lên tàu cứu hộ.” Dù viên thủy thủ rất nhiệt tình giúp cha, nhưng cả hai lần, cha đều từ chối.

“Cha Byles có thể đã được cứu rồi, nhưng cha không muốn bỏ đi, khi dù chỉ còn một hành khách bị bỏ lại. Viên thủy thủ  xin cha đi nhiều lần, nhưng cha không để ý.

Sau khi chúng tôi đã lên tàu cứu hộ cuối cùng, và từ từ bơi ra xa khỏi con tàu lớn, tôi vẫn còn có thể nghe từ đàng xa tiếng của cha và những lời thưa đáp cầu nguyện.”

Hơn 1 thế kỷ sau, cha Graham Smith, cha xứ của giáo xứ Thánh Helen – giáo xứ mà trước kia cha Byles đã từng phục vụ – đã xin mở án phong chân phước cho cha Byles.

Nói với đài BBC, cha Smith cho biết đã bắt đầu tiến trình phong chân phước cho vị tiền nhiệm của mình, một “con người phi thường, đã trao ban mạng sống của mình cho người khác.”

Cha Smith nói rằng “cộng đoàn địa phương đang hy vọng và cầu nguyện để cha Byles được công nhận như là một trong số các vị thánh.”

Tiến trình phong chân phước trước hết đòi phải có những bằng chứng chứng minh vị ấy có một đời sống nhân đức anh hùng, rồi sau đó là một phép lạ nhờ lời chuyển cầu của ngài.

Khi đã được phong chân phước, cũng sẽ cần phải có một phép lạ khác do lời chuyển cầu của cha Byles để ngài được phong thánh..

“Chúng tôi hy vọng mọi người trên khắp thế giới có thể cầu nguyện với ngài khi gặp thiếu thốn, để nếu có phép lạ xảy ra thì việc phong chân phước và phong thánh cho ngài được diễn ra tốt đẹp.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

(theo CNA)

MỤC TỬ NHÂN LÀNH

MỤC TỬ NHÂN LÀNH

Dân Do Thái là dân du mục.  Cuộc đời họ gắn liền với đoàn vật và những đồng cỏ.  Nên khi Đức Giêsu đưa ra hình ảnh người mục tử và đoàn chiên, người Do Thái hiểu ngay tức khắc.  Đức Giêsu đã dùng hình ảnh quen thuộc ấy để nói lên mối liên hệ của ta với Người và của Người với ta.  Người là Mục tử nhân lành.  Ta là đoàn chiên của Người.  Người lãnh đạo đoàn chiên không phải bằng uy quyền áp chế, bằng kỷ luật khắc nghiệt, nhưng bằng tình yêu tha thiết.  Tình yêu của Người được biểu lộ qua ba khía cạnh: hiểu biết, quan tâm chăm sóc và hy sinh cho đoàn chiên.

Tình yêu của Đức Giêsu là tình yêu hiểu biết. Sự hiểu biết này không phát xuất từ lý trí, do học hỏi, nhưng phát xuất từ trái tim, do tình yêu.  Khi yêu, trái tim trở nên vô cùng nhậy bén đến độ hiểu được hết những âm thanh của tâm hồn và tai người thường không nghe thấy, nhìn thấy hết những gì ẩn kín trong tâm hồn mà mắt thường không nhìn thấy, cảm nhận được hết những chiều sâu thăm thẳm của tâm hồn mà không một nhà tâm lý học nào có thể cảm được.  Khi Đức Giêsu nói: “Ta biết chiên Ta” có nghĩa là Người hiểu biết từng người trong chúng ta.  Người không chỉ hiểu rõ hoàn cảnh sinh sống của chúng ta, mà còn thấu rõ tâm tư tình cảm của ta.  Người biết những gánh nặng mà ta đang phải gánh.  Người thông cảm với những đau đớn mà ta đang phải chịu.  Người đau những nỗi đau trong tâm hồn ta.  Người khổ những nỗi khổ đang dày vò ta.  Người nhức nhối trong vết thương của tâm hồn ta.

Tình yêu của Đức Giêsu là tình yêu quan tâm chăm sóc. Sự hiểu biết sâu xa đến từ sự quan tâm chăm sóc.  Sự quan tâm chăm sóc cũng phát xuất từ tình yêu.  Có yêu mới quan tâm.  Có quan tâm mới hiểu biết nhu cầu.  Có hiểu biết nhu cầu mới biết đường chăm sóc.  Đức Giêsu yêu thương ta nên Người quan tâm đến ta.  Người biết rõ những nhu cầu của ta.  Người chăm sóc ta.  Có những tình yêu muốn chiếm hữu.  Đó là thứ tình yêu ích kỷ.  Có những chăm sóc khiến ta trở nên ấu trĩ, yếu ớt, không lớn lên được.  Đó là thứ chăm sóc độc đoán ràng buộc.  Đức Giêsu chăm sóc không phải để ràng buộc ta nhưng để giúp ta sống trong tự do.  Người chăm sóc ta không phải để ta trở nên ấu trĩ, nhưng là để giúp ta trưởng thành.  Người chăm sóc ta không phải để ta trở nên yếu ớt nhút nhát, nhưng là để giúp ta mạnh mẽ, tự tin.  Vì thế, Người cung cấp cho ta những lương thực lành mạnh.  Người đưa ta đến những đồng cỏ non, đến những giòng suối trong.  Lương thực Người mang đến, đó là Lời Chúa, là Mình Máu Thánh Chúa, là Thánh ý Chúa Cha.  Những lương thực ấy sẽ cho ta được sống và sống dồi dào.

Tình yêu của Đức Giêsu là tình yêu hy sinh.  Đây chính là dấu chỉ chắc chắn nhất của một tình yêu.  Càng yêu mến nhiều càng sẵn sàng hy sinh nhiều.  Yêu đến sẵn sàng hy sinh mạng sống là một tình yêu cao cả không có gì sánh được. Đức Giêsu đã xác nhận điều ấy khi Người nói: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15,13).  Chính Người đã thực hiện điều ấy.  Người là Mục tử nhân lành sẵn sàng liều mạng, một mình chống lại sói dữ để bảo vệ đoàn chiên.  Người đã tự hiến mạng sống vì ta.  Người đã chấp nhận chết đi để ta được sống.

Hạnh phúc cho ta được là đoàn chiên của Người.  Ta được an ủi vì Người hiểu ta.  Ta an tâm vì Người hằng quan tâm chăm sóc ta.  Ta sung sướng vì Người yêu thương đến nỗi chết vì ta.

Người muốn ta chia sẻ hạnh phúc ấy cho mọi người.  Người muốn ta lớn mạnh để đến lượt ta, chính ta trở thành mục tử nhân lành theo gương Người.  Cha mẹ là mục tử của con cái.  Thày cô giáo là mục tử của học sinh.  Giám đốc là mục tử của công nhân.  Y bác sĩ là mục tử của bệnh nhân.  Anh chị lớn là mục tử của các em nhỏ.

Nhưng đặc biệt hơn hết, Người muốn có những người tiếp tục công việc của Người, chăm sóc đời sống tâm linh nhân loại.  Chính vì thế, Giáo Hội dành ngày hôm nay để cầu nguyện cho ơn kêu gọi làm linh mục.  Nhìn tình hình chung trên toàn thế giới, và riêng trong Giáo phận, ta thấy còn thiếu rất nhiều linh mục.  Giáo dân cần linh mục như bệnh nhân cần bác sĩ.  Giáo dân cần linh mục như học sinh cần thầy cô giáo.  Giáo dân cần linh mục như một người bạn sẵn sàng cảm thông, chia sẻ vui buồn trong đời sống và như một người bạn đồng hành giúp đỡ trong cuộc hành trình tiến về đời sau.

Hãy cầu nguyện cho có nhiều thanh niên sẵn sàng hiến thân làm linh mục.  Hãy khuyến khích con cháu dâng mình cho Chúa, làm linh mục để phục vụ anh em.  Nhất là hãy cầu nguyện cho các linh mục được trở nên những mục tử như Đức Giêsu, vị Mục Tử nhân lành, biết yêu thương phục vụ đoàn chiên, hiểu biết tâm tư tình cảm của từng người, quan tâm chăm sóc từng con chiên và sẵn sàng hy sinh bản thân vì lợi ích của đoàn chiên.

Lạy Đức Giêsu, Mục Tử nhân lành, xin hãy ban cho chúng con nhiều mục tử tốt lành theo gương Chúa.  Xin biến chúng con thành những mục tử tốt lành trong gia đình, trong khu phố, trong xã hội.  Amen!

TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

CÓ NHỮNG HÌNH ẢNH THẬT DỄ THƯƠNG

CÓ NHỮNG HÌNH ẢNH THẬT DỄ THƯƠNG
(MỤC TỬ VỚI ĐÀN CHIÊN)
Tuyết Mai

Thật phước hạnh thay cho những Giáo Xứ có được vị Mục Tử giống hệt như Thầy Giêsu, hằng ngày dẫn môn để đi khắp làng mạc để Rao Giảng Tin Mừng là Nước Trời của Ngài, đến với người cùng khổ để chia sẻ và an ủi họ.

Hình ảnh tuyệt vời này thời nay hẳn hiếm có thấy nhưng cảm tạ Thiên Chúa Đấng muôn đời luôn yêu thương con người đã ban cho toàn Thế Giới con cái Chúa có được một Đức Giáo Hoàng đương kim là Francisco rất gương mẫu, rất giản dị cuộc sống của ngài và rất chân tình; do đó mà ngài đã chiếm đoạt được hàng triệu triệu con tim từ người có đạo cho đến người vô đạo.

Người có đạo thì vui mừng khôn tả vì Thế Giới của người nghèo luôn là chiếm đa số nên rất cần có được người lãnh đạo có tấm gương sáng nổi bật, như thế con cái nghèo của Chúa luôn được chia sẻ, giúp đỡ và được ủi an.   Giúp cho giáo dân luôn có được Niềm Tin vào Thiên Chúa đấng tối cao vì có phải Đức Giáo Hoàng là một vị Mục Tử, là nhân vật có thật đang ở cùng chúng ta bằng xương bằng thịt? mà hằng ngày giáo dân có thể thấy, nghe ngài giảng dạy và học được những bài học bái ái từ nơi ngài.

Thế Giới ngày càng sa lầy trong tội lỗi rất cần một vị lãnh đạo rất đúng nghĩa với tinh thần sống nghèo, ra khỏi Nhà Thờ đến với người nghèo, làm cho đôi tay chai cứng, khiêm nhường, bác ái, yêu thương.   Quên mình hy sinh để tìm đến chia sẻ cho những kẻ khốn cùng mà với tấm gương tốt lành của Đức Giáo Hoàng Francisco đó đã làm cho bao nhiêu triệu triệu con tim nguội lạnh đã phải quỳ mọp xuống đấm ngực, ăn năn, sám hối, khóc lóc cho tội lỗi của mình và muốn được trở về cùng Chúa.

Nguyện xin ba ngôi Thiên Chúa ban cho giáo dân chúng con trên khắp cùng Thế Giới luôn có được những Mục Tử tốt lành, nhân hậu để đường về Trời không còn là mơ tưởng nhưng là sự thật.   Amen.

** Xin bấm vào mã số để nghe và hát:
https://www.youtube.com/watch?v=YVmuJaPdSrk
(Xin Như Tông Đồ Ngài)

Y Tá của Chúa,
Tuyết Mai
04-21-15
———————————————-
**::* Xin Như Tông Đồ Ngài *::**
*~* Tuyết Mai (22) 10-01-03 *~*

Lạy Chúa! Xin cho con như Tông Đồ Ngài.
Được đến khắp chốn khắp nơi trên địa cầu.
Truyền giảng nước Chúa đến nơi cho mọi nhà.
Đem an bình của Chúa đến muôn nơi.

Lạy Chúa! Xin cho con luôn bên cạnh Ngài.
Từ bỏ tất cả thế gian không nề hà.
Dù phải vất vả sống hy sinh từng ngày.
Chỉ mong được hạnh phúc mãi không lo.

ĐK:
Lạy Chúa! Xin cho con qua cuộc sống này.
Dù đường đi quanh co dẫn về Nước Trời
Lậy Chúa! Đôi khi mây giăng mù lối về.
Chỉ cần có Chúa giúp sức dắt con đi.
Chỉ cần có Chúa giúp sức kéo con về …. nẻo ngay

Lạy Chúa! Xin cho con luôn an phận đời.
Đừng phải dính bén thiết tha trên bạc tiền.
Đừng phải mắc lỗi trước Thiên Nhan của Ngài.
Luôn phụng thờ vì sống có bao lâu.

Lạy Chúa! Xin cho con yêu thương mọi người.
Dù có những lúc phải nghe không thuận lòng.
Dù có những lúc mắt gai nhưng phải đành.
Xem cuộc đời là gió thỏang mây bay.

*** Để cảm tạ, ngợi khen, và tôn vinh Thiên Chúa là Cha chung của tất cả chúng ta, tôi chân thành mời anh chị em hãy dùng những bài hát của tôi đem đến những phương trời xa để làm Sáng Danh Thiên Chúa.

Cảm tưởng của anh chị em Homeless được vào thăm Bảo Tàng Viện Vatican

Cảm tưởng của anh chị em Homeless được vào thăm Bảo Tàng Viện Vatican

Balan cư trú ở cái lườn của con đường chính dẫn vào Quảng Trường Thánh Phêrô (Via della Conciliazione). Ông đã sống 20 năm trên hè phố và đang ở vào tuổi 51. Ông sống ở đây khoảng 7 tháng rồi. Hôm Thứ Năm, 26/3/2015, ông cũng thuộc về 150 khách vô gia cư được mời vào thăm Bảo Tàng Viện Vatican lần đầu tiên, nhất là nhờ đó còn được trực diện với Đức Thánh Cha và bắt tay ngài nữa: “Đó là một kinh nghiệm mà tôi sẽ mang trong mình cho đến ngày cuối đời của tôi… Tôi cảm thấy sung sướng suốt đêm hôm qua”.

Ngày hôm sau, nhóm vô gia cư của ông chẳng làm gì ngoài việc nói chuyện với nhau về ngày đặc biệt hôm qua. Đại diện cho họ là chính ông vì kiến thức của ông về người Ý. Ông cho biết:

“Chúng tôi được trong các nơi Bảo Tàng Viện rất lâu… Những nơi ấy rất ư là đẹp! Sau cùng chúng tôi đến Nguyện Đường Sistine rồi chúng tôi được bảo ngồi xuống. Chúng tôi nghĩ rằng sẽ có Lễ lậy, cầu nguyện gì chứ, một việc gì đó giống như vậy…. Thế nhưng, từ bên trong cánh cửa, vị phát chẩn Don Corrado (Đức Tổng Giám Mục Konrad Krajewski) xuất hiện và bên cạnh vị này là Đức Giáo Hoàng. Trời đất ơi – My goodness!”

“Chúng tôi đã vỗ tay vang lừng. Ngài đã chào chúng tôi; chúng tôi đã cám ơn ngài. Sau đó chúng tôi cùng nhau đọc ‘Kinh Lạy Cha’. Đức Giáo Hoàng thậm chí còn cho chúng tôi được chụp hình với ngài. Do đó có nhiều tấm hình chụp và Đức Don Corrado đã hứa mang lại cho chúng tôi. Thế rồi Đức Giáo Hoàng đã chào từng người chúng tôi. Ngài đã bắt tay tất cả 150 người bạn có biết không? Trời ơi là trời – My goodness…”

Khi được bắt tay Đức Giáo Hoàng, “tôi đã nói cùng ngài rằng: Xin cám ơn Đức Giáo Hoàng. Con chúc Đức Giáo Hoàng rất nhiều điều tốt đẹp, nhất là được mạnh khỏe. Ngài đã mỉm cười và nói ‘cám ơn anh, cám ơn anh…'”

Được mạng điện toán toàn cầu Zenit hỏi “bạn có cảm động hay chăng?”, câu trả lời lập tức được phát biểu rằng “làm sao lại không cảm động chứ. Tôi cũng đã chảy nước mắt ra. Các bạn của tôi cũng khóc, cho dù bấy giờ họ có vẻ khô cằn cứng cỏi… Tôi đã khóc vì tôi biết tôi được may mắn, ở chỗ không phải hết mọi người đều có thể gặp được Đức Giáo Hoàng sát ngay bên, được hôn tay của ngài, được ôm lấy ngài…”

“Tôi liền gửi một lời nhắn cho đứa con trai 23 tuổi của tôi  đang sống và làm việc ở Balan, và tôi nói với cháu rằng: ‘Eric ơi, bố đã được gặp Đức Giáo Hoàng! Bố đã sung sướng khóc … Có ngày bố sẽ gửi cho con các tấm ảnh chụp nhé!”

“Tôi còn rất nhiều điều phải nói, phải nhớ…”. Người đại diện nhóm anh chị em vô gia cư phát ngôn này cho biết ông vẫn còn giữ tấm vé mời thăm Bảo Tàng Viện Vatican ở trong túi: “Tôi muốn giữ nó như là một kỷ niệm…” Thậm chí ông xin lỗi không dám mang nó ra khoe với người phỏng vấn: “Tôi sợ rằng nó bị hư hại”.

“Đức Giáo Hoàng Phanxicô yêu thương chúng tôi. Ngài đang thực hiện nhiều sự cho chúng tôi: nào là phòng tắm, nào là hớt tóc, nào là dù che mưa, nào là thăm bảo tàng viện v.v. Tôi cũng nghe thấy rằng ngài đang muốn có một chiếc xe chuyên chở nhỏ để lo cho những ai cần chăm sóc sức khỏe. Chúng tôi thực sự là sung sướng về hết mọi sự”.

Liên quan đến phòng tắm: “Chúng tôi may mắn có được những phòng tắm này. Hằng ngày chúng tôi được tắm rửa và đi đây đó một cách lịch sự. Chúng tôi không còn cảm thấy xấu hổ bởi người ngợm xông mùi nữa”.

Về vấn đề hớt tóc: “Thật vậy, tôi đã đến hớt tóc Thứ Hai vừa rồi. Giờ đây tôi sẽ đến đó một lần nữa, vì tôi muốn tóc tôi trọc lóc. Chẳng bao lâu nữa sẽ bắt đầu nóng rồi… Thế nên tôi sẽ cạo trọc vì tôi không cần mua lược chải”.

Tất cả những điều ấy “thực sự là những gì quan trọng đối với chúng tôi, chúng đều hữu ích. Đức Giáo Hoàng hiểu được điều ấy. Ngài yêu thương chúng tôi”.

“Mỗi một buổi sáng chúng tôi giục nhau rằng ‘chúng ta hãy cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Vào lúc 9 giờ sáng, các nữ tu đến với chúng tôi, đôi khi có cả 1 vị linh mục nữa, và họ giúp chúng tôi cùng nhau cầu nguyện. Chúng tôi bao giờ cũng cầu cho Đức Giáo Hoàng, cho sức khỏe của ngài, vì chúng tôi muốn ngài sống lâu dài. Dù sao chúng tôi cũng cầu cho tất cả mọi vị linh mục cũng như cho dân chúng… cho người tốt lành, những người làm lành cho chúng tôi. Nhiều lắm…”

Xin xem một đoạn video clip về cuộc viếng thăm của 150 anh chị em homeless ở Rôma vào thăm Bảo Tàng Viện Vatican Thứ Năm 26/3/2015: http://www.romereports.com/pg160864-150-homeless-get-exclusive-tour-of-the-sistine-chapel-en

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp

Cảm tưởng Homeless thăm Bảo Tàng Vatican

“Đó là một kinh nghiệm mà tôi sẽ mang trong mình cho đến ngày cuối đời của tôi… Tôi cảm thấy sung sướng suốt đêm hôm qua”.

Trăng đang nằm trên sóng cỏ,

“Trăng đang nằm trên sóng cỏ,”

Cỏ đùa trăng đến bên ao,

Trăng lại đẫm mình xuống nước,

Trăng nước đều lặng nhìn nhau.

Đôi ta bắt chước thì sao?””

(Dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)

Mai Tá lược dịch

Bắt chước thì sao”? Mấy năm về trước, tôi có dịp cũng đi xem nghệ sĩ bi hài thuộc Dòng Tên, là Michael Moynahan trình diễn vở kịch câm mang tựa đề “Bi hài và nỗi thống khổ”, kể về giờ phút cuối của Đức Kitô ở trần thế. Vào kịch, là sự xuất hiện của một anh hề với nụ cười quên tắt trên môi. Anh biểu diễn các màn tung bóng ngay trước mặt khán giả, rất đẹp mắt.

Tiếp đó, là cảnh đám quân binh bước đến, dẫn Đức Kitô ra trình diện bá quan thiên hạ; để rồi, bọn họ đóng đinh Ngài lên cây khổ giá hình chữ thập. Tay hề chứng kiến cảnh tượng đầy kịch tính ấy với nỗi niềm sao xuyến, hãi sợ. Khi thấy Đức Kitô thực sự đã chết, đám quân binh ra về, không đợi gì thêm.

Nhưng, tay hề vẫn nán lại, ngồi bệt xuống dưới chân khổ giá. Anh bắt đầu gỡ bỏ các dấu đinh còn sót nơi tay và chân Chúa. Xong, đặt thi hài Ngài nằm sõng lên đùi anh, hệt như bức la Pietà nổi tiếng của nhà điêu khắc Mi-Kê-Lăng-Gê-lô.

Tay hề xót xa, rơi nước mắt khi phải chứng kiến cái cảnh Đấng Công Chính bị đóng đinh trên khổ giá, hình chữ thập. Cùng lúc ấy, đám quân binh quay lại, thấy tay hề còn ngồi đó thẫn thờ khóc cho thân phận của Đức-Chúa-làm-người. Chúng vực xốc anh dậy, đóng đinh anh lên cây thập tự thay cho Chúa. Tay hề đau đớn, chịu đựng được một lúc, rồi cũng trút hơi cuối cùng trên thập tự bằng gỗ cứng. Sần sùi.

Khi quân binh đi rồi, Đức Chúa trỗi dậy, Ngài trở về với sự sống khác thường. Ngài hướng mắt nhìn tay hề đã cùng chịu cũng một thân phận khổ ải như Ngài, bèn đến gỡ bỏ các đinh khoen đóng xác, đỡ anh xuống. Ôm gọn anh vào lòng, cứ để như thế mãi chốn thiên thu, miên trường.

Xem trình diễn vở kịch câm hôm ấy, tôi thấy như có tiếng thở dài rơi lệ, ở đâu đó nơi người dự khán. Chẳng có ai trong họ, lại cứng lòng đến độ trơ như đá; hoặc, không nhỏ giọt lệ ướt mi, trước bi hài kịch đầy xót thương. Ai oán.

Thật ra, chữ “xót thương” là cụm từ lấy từ tiếng “Compati” của La ngữ, mang ý nghĩa chịu đựng. Khổ ải. Tuyệt nhiên, cụm từ này không mang ý nghĩa thương hại, đồng cảm; hoặc sớt chia nỗi buồn bực, gì hết. Cũng vậy, cụm từ “buồn bã”, “xót xa” bên tiếng Việt lại bao hàm lập trường xa cách.

Đứng ở ngoài. Chẳng có liên hệ mảy may nào dính dự đến kinh nghiệm bản thân; hoặc, những cảm xúc hướng vào bên trong. Cụm từ ‘xót thương’, mang nặng một ‘cảm xúc’ của những người đồng cam đồng chịu, cũng một thân phận. Thân phận, mà Vị Mục Tử Nhân Hiền đã tự gánh lấy cho Ngài. Và, đây cũng là ý nghĩa đích thực của mùa Phục Sinh, rất hôm nay.

Giả như, ta xứng đáng để trở thành những người dám dấn bước, theo chân Đức Kitô, hẳn là ta cũng sẻ san cùng một tâm trạng, ngày Thứ Sáu Chịu nạn. Tuy thế, Chúa Nhật Phục Sinh, nay mang ý nghĩa thật rõ nét. Đó là: Chúa Cha đã trung tín với Con Một Ngài thế nào, thì Ngài cũng một lòng chung thủy đối với ta, hệt như thế.

Những năm tháng gần đây, nhiều vị Giám mục, vẫn được gọi là Mục tử nhân hiền ở giáo hội địa phương. Các ngài cũng bị chĩa mũi dùi, nhìn xoi mói khía cạnh đời sống tu đức của mỗi vị. Việc bị quan tâm/lưu ý như thế, cũng chẳng có gì là lạ. Bởi, tất cả chúng ta, dù ở cương vị nào đi nữa, vẫn đang sống cuộc đời của đạo-hữu chân-chính dõi bước chân mềm, đi theo Chúa.

Theo Chúa, còn có nghĩa là: nhận lãnh trách nhiệm, về những gì mình đã làm, và cả những gì mình không chịu làm. Xét như thế, các mục tử ở giáo hội địa phương, cũng không nằm trường hợp ngọai lệ.

Quả thật, các mục tử nhân hiền ở địa phương đã phải trải qua nhiều thời kỳ cam go, buốt óc. Đàn chiên dân Chúa, nay được huấn luyện theo tiêu chuẩn khá cao. Chẳng ai còn chịu để cho đấng chăn dắt mình, bắt phải rập khuôn, duy trì não trạng của thú đàn, vô tri giác. Không. Ai trong chúng ta cũng muốn biết về vị mục tử chăn dắt mình. Ai cũng muốn nghe tiếng mời gọi thân thương của các vị đang chăn dắt.

Thân thương, là tình thân biểu lộ ra ngoài lòng thương yêu, ta cần có. Biết quan tâm phấn đấu, đòi thực hiện cho bằng được sự chính đáng, công bình đến với các nạn nhân, ở khắp nơi. Đặc biệt hơn, là: nạn nhân đang bị chính Giáo hội mình làm cho thương tật.

Hẳn là, ai cũng muốn cam kết rằng: những gì vị mục tử nhân hiền ở địa phương phán quyết hoặc hành xử, nhất nhất đều phải rập khuôn lời lẽ và cử chỉ hiền hậu của Đức Chúa, tức Vị Mục Tử Nhân Hiền rất đích thực.

Những năm về trước, hẳn chúng ta có cảm giác choáng váng, thất vọng khi thấy một số –cũng may còn rất ít -các vị mục tử ở địa phương lợi dụng danh thơm tiếng tốt của Giáo hội, đã nhân danh quyền lực và vị thế xã hội của Đạo mình, đã lấy đi gương lành đạo đức lẫn nghĩa vụ pháp lý, tài chánh để rồi đã khiến cho thành viên trong đàn chiên bé nhỏ, đang bị thương tổn.

Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan nhắc nhớ ta về vai trò và bản chất cần có của các vị lãnh đạo trong Hội thánh Chúa. Đức Giêsu không so sánh các vị lãnh đạo ấy như ông hoàng bà chúa nơi cung điện cao sang, quyền quý hoặc như thống đốc, quan toàn quyền ở tiểu bang. Hình ảnh Chúa đưa ra hôm nay, là: vị mục tử thân thương, nhân hiền.

Mục tử, chính là người chăn dắt rất tận tình, thật dễ thương. Các vị này, dám ngủ lại với đàn chiên nhỏ bé của mình, cả vào chốn đồng hoang trống vắng, rất hiểm nguy. Mục Tử Nhân hiền mà Đức Ktiô ám chỉ, là người biết rất rõ chiên đàn của mình. Rõ đến độ, Ngài dám hy sinh cuộc sống của mình, cho bầy đàn mình chăn dắt.

Tham dự Tiệc thánh hôm nay, ta cầu cho chiên đàn mình có lãnh đạo xứng đáng với lòng ngưỡng mong. Cầu mong sao, các vị lãnh đạo có lòng nhân thân thương trong sáng, biết khơi dậy nơi ta cũng một tình cảm, như các ngài đã ứng xử với chiên đàn bé nhỏ, của mình. Có như thế, các ngài mới đích thực là Mục tử thân thương, nhân hiền.

Có như thế, mới là lãnh đạo “chính chuyên”. Công chính. Biết ân cần phục vụ. Phục vụ, để đàn chiên mình luôn vui sống. Sống an vui, hiền hoà. Ân cần, trước mọi nhu cầu thiết thực của đàn chiên bé nhỏ. Nhất là lúc này, khi bầy lang sói vẫn rình rập, ở đâu đó. Thứ sói lang mang hình thù, mã số rất thời thượng, những Dan Brown, Tom Hanks ở sân khấu-cuộc đời, đầy nhiễu nhương.

Lm Richard Leonard sj –

Mai Tá lược dịch

Ngồi, dưới trăng lắng im nghe lòng ta,

“Ngồi, dưới trăng lắng im nghe lòng ta”,

Thổn thức bao chuyện ngày qua… sầu đau

Hỡi người dấu yêu, sao đành nỡ quên…

Sao đành tình ta vỡ tan, như cánh chim lìa bay?

(Breakfast at Tiffany’s Moon River – Phạm Duy: Dưới Trăng)

(2Cor 13: 5-10)

Trần Ngọc Mười Hai

Thật ra thì, có “ngồi dưới trăng lắng im nghe lòng ta” cách mấy đi chăng nữa, đã chắc gì mình thấy lại được hồn mình đang “thổn thức bao chuyện ngày qua…sầu đau”, đâu chứ!

“Sầu đau” không, vẫn là chuyện của người viết khi ông lại đã hát thêm, rằng:

“Lòng, đắm say những khi ta gần nhau,

Ngồi dưới ánh trăng dịu êm ….cùng mơ.

(Dưới Trăng – bđd)

Ấy đấy, là vấn đề. Sầu đau hay buồn vương, chán chường vẫn là chuyện thời đại, của nhiều người. Những chuyện như thế, nay len lỏi vào tâm tư các vị xưa nay từng sống với quyền-cao-chức-trọng, cũng hệt thế.

Sầu đau hôm nay, có thể là chuyện vẫn xảy đến với nhà Đạo, khi nhiều vị ở đó vẫn quan-tâm đến chuyện phù-phiếm, chóng qua như so-sánh chuyện nổi-danh/nổi-tiếng hoặc nổi cộm được toàn thế-giới hâm-mộ, như hôm rồi nhà báo Úc, viết những giòng như sau:

“Sau 2 năm vẫn ‘trụ’ ở cương vị giáo-chủ cả một đạo, Đức Phanxicô nay đạt tỷ-lệ nổi tiếng/mến-mộ đến 90%, vượt xa Đức Bênêđíchtô 16 và coi là đấng được nhiều người ưu-chuộng nhất hành-tinh.

Đức Phanxicô dự-định ghé thăm thủ-đô Washington, New York và Philadelphia vào tháng 9 năm 2015, nên tin này đã làm người Mỹ tìm cách lập khảo-sát nhằm thu-thập số phiếu bầu ngài là “vị Giáo-hoàng được lòng người Mỹ nhất” lên đến 57% số phiếu bầu.

Theo hãng thăm dò dư-luận Pew Research Centre, thì tiếng-tăm của Đức Phanxicô nay gia-tăng rất nhiều nội hai năm qua. Từ ngày khởi-đầu triều-đại Giáo-hoàng, ngài khởi-phát chỉ mới 58% vào độ tháng 9/2013 nhưng đến năm 2014, tỷ-lệ này lên đến 66% và năm 2015 đạt 70%, ngay ngày đầu. Với người Công-giáo đi lễ đều đặn, thì các vị lại bầu cho Đức Phanxicô một tỷ-lệ đến 95% số phiếu tuyên-dương ngài là chủ chăn được người ưa-chuộng nhiều nhất. Và, trong số các người này, nhiều vị lại hoàn-toàn đồng-ý với ngài, trong mọi chuyện…

Theo nghiên-cứu/khảo-sát do công-ty Pew Research Centre thực-hiện từ ngày 18 đến 22 tháng Hai 2015 trên điện-thoại nhà và di-động đã chuyển đến 1504 người lớn tuổi trên toàn quốc đã nắm được con số trên.” (tin trên The Catholic Weekly 22/3/2015, tr. 15)

Bàn về chuyện người người rất ưa-thích Đức Phanxicô như thế quả quá đúng. Và ở đây, ta cũng không có gì để bàn cãi với tranh-luận. Thế nhưng, nếu cứ theo tin tức và bảng điểm do báo/đài truyền-thông Mỹ loan đi, thì chỉ như thế thôi.

Thế thôi, nghĩa là chỉ mỗi con số và con số nói lên cũng chỉ chút ít thực-tại, trong khi đó sự thật rất thực có thể lại rất khác. Thực-tại đích-thật khác, là ở chỗ: không thấy báo/đài nào chấm điểm hoặc so-sánh tính khiêm-nhu/lành-thánh của ‘đấng bậc’ ở chốn trời-cao-mây-trắng-toát-rất-tít-mù là Giáo hội Công-giáo của mình, hết.

Bởi, có làm thế cũng bằng thừa, vì: vào những tháng ngày gần đây, người đi đạo cũng nghe/biết nhiều về tình-hình phong thánh các đấng bậc lại đã gia-tăng nhiều đến độ có người gọi đó là “Lạm phát chất thánh”…

Gia-tăng như thế, nghĩ cũng phải, vì các ngài tuy chưa quá vãng hoặc đã xa lìa cõi thế-trần này những cũng được người đời gọi bằng danh xưng thật rất thánh quá mức đến nỗi các vị, khi được bầu làm giáo-chủ một đạo, là đạt ngay danh hiệu quí-hiếm: Đức “thánh” Cha, ngay thôi. Thế nghĩa là: các ngài dù chưa hoạt-động gì bao lăm cũng đã là thánh rồi, để rồi khi chết lại cũng trở-thành ‘thánh’, gấp đôi mà thôi.

Thôi thì, có gọi các ngài là Đức “thánh” Cha hay không, cũng đâu là chuyện quan-trọng. Điều quan-trọng với Giáo-hội hôm nay, là: Giáo-hội ta có còn đặt nặng khía-cạnh “quyền-lực” vào vị-thế của các đấng bậc đứng đầu một Giáo-hội hay không, mà thôi!

Bàn việc này, cũng nên tạt qua ý/lời của đấng bậc vi vọng cỡ bậc thầy thần-học ở chốn miền khá thấp nhưng lại là bậc thày của 4 đại học Công giáo ở Hoa-Kỳ đến 40 năm tròn, là Lm Kevin O’Shea CSsR, như sau:

“Bài Thương Khó do thánh Máccô ghi, khi nói Đức Giêsu bị giới quyền cao chức trọng người La Mã hạch-hỏi xem Ngài có đích-thực là Vua-dân-Do-thái, tức là người có quyền chức tương-đương nơi dân Ngài, không. Sở dĩ Philatô hỏi thế, là vì ông bị đám Do thái có quyền-chức là các thượng-tế trong đạo cứ bủa vây, xúi giục ông làm những việc như vậy. Thế nhưng, Đức Giêsu vẫn lặng-thinh không nói lời nào, là bởi như ngôn-từ của Trình-thuật Tin Mừng cho thấy: Ngài không trả lời theo hướng họ đưa ra, vì Ngài không thuộc hệ-thống cầm-quyền như họ.

Đức Giêsu muốn giải-thoát nhân-loại không vì mục-đích đưa nhân-loại ra khỏi chốn “lỗi tội” mà còn đưa ra khỏi mạng-lưới quyền-lực vốn dĩ muốn gài bẫy những người cùng một vai-trò, ở trong đó. Điều này cho thấy: có nhận-thức đích-thực từ ảnh-hưởng của cơ-chế xã-hội trong mọi quyết-định về chính-trị.

Đặc quyền/đặc lợi, là cha đẻ ra quyền-lực, mà quyền-lực lại đẻ ra bức-bách, bức bách đẻ ra sức mạnh. Đương nhiên cùng một lúc, hệ-thống quyền-bính không buộc phải trở-thành một thứ “dê tế-thần” cốt bào-chữa cho các hành-xử của người có vai-trò lãnh-đạo, ở cấp cao. Nhưng, chính họ là người có bổn-phận đứng lên chống lại áp-lực của xã-hội như thế, trước mặt mọi cơ-chế bất công.

Thành-ngữ do thánh Máccô sử-dụng cốt để mai-mỉa/phản-bác lối khuynh-loát, cũng là ngôn-từ để nói rằng: thủ-lãnh cấp cao nơi công-quyền lại cũng là nô-lệ của nhiều thứ. Chương 10 câu 44-45 còn thấy đầy những ngôn-từ chính-trị mang tính hạt-nhân ban đầu, mà tiếng Hy-Lạp gọi là “protos”, vẫn ở cạnh chữ “nô-lệ”, tức “doulos”“diakonen”, tức “phục vụ”. Ngay chữ đầu đã có nghĩa trở-thành “nô-lệ” rồi. Quan-điểm này, thật triệt-để; do cụm từ “doulos” không chỉ nói về giai-tầng thấp ở cơ-cấu quyền-lực mà thôi, nhưng còn diễn-tả như sự trượt-vuột khỏi cơ-cấu nắm quyền và có uy-lực đầy mình. Từ-vựng ấy, cũng không diễn-tả giai-tầng cao xa nhất, hoặc giai-tầng thuộc loại thứ-yếu hoặc chót hết, hiểu theo nghĩa cơ-cấu quyền-lực. Đó, là thứ gì trái-nghịch hẳn. Là mặt trái, tức: thông-điệp đầy mỉa-mai/châm-biếm vốn dĩ nằm bên trong cơ-cấu quyền-lực rồi. Nói cách khác, đây thực sự là những người biến thành nô-lệ cho quyền-lực. Họ cần được giao cho đám thiếu quyền-lực nhất…” (x. Lm Kevin O’Shea, CSsR, Ơn Cứu Chuộc Nơi Ngài chan-chứa, Chương 2 phần 4, nxb Hồng Đức sẽ phát hành vào hạ tuần 4/2015)

Đề-cập đến vấn-đề Giáo-hội và quyền-lực, vẫn luôn là chuyện nóng bỏng, rất khó lòng. Khó, là bởi khi ai đó đã ở bên trong guồng máy có quyền và có lực rồi, thường sẽ có khuynh-hướng hỗ-trợ cả hai bên, tất tần tật. Nói thế, tức diễn tả cách nào đó để bảo rằng: đôi bên đều như nhau và ngang nhau.

Đề-cập chuyện thế-quyền và thần-quyền, là ta đi vào những chuyện nóng bỏng, càn dễ “cháy” hơn nữa. Cháy, cả trong lẫn ngoài. Cháy, từ trên xuống dưới, mà ngôn-ngữ đời thường vẫn bảo đụng vào sẽ “từ chết đến bị thương, thôi.”

Thật ra thì, đề-cập đến sự nổi tiếng khi nắm gọn vai trò chóp bu ở thế-quyền hay thần-quyền cũng đừng quên lời Đấng Thánh-hiền còn đó, vẫn gọi mọi người hãy đọc đi rồi tự xét, như sau:

“Anh em hãy tự xét xem

mình có còn sống trong đức tin hay không.

Hãy tự kiểm điểm.

Anh em chẳng nhận thấy là

có Đức Giêsu Kitô ở trong anh em sao?

Trừ phi anh em đã thua trong cuộc kiểm điểm này.

Tôi hy vọng rằng anh em sẽ nhận thấy

là chúng tôi đây không bị thua.

Chúng tôi cầu xin Thiên Chúa

cho anh em đừng làm điều gì trái,

không phải để tỏ ra chúng tôi thắng,

nhưng để anh em làm điều thiện,

cho dù chúng tôi như bị thua.

Vì chúng tôi không thể làm gì chống lại sự thật,

nhưng chúng tôi chỉ có thể hoạt động cho sự thật.”

(2Cor 13: 5-8)

Nhắc nhớ lời thánh-hiền xưa căn-dặn, hẳn cũng thừa. Thừa hơn nữa, là khi lời nhắn ấy lại gửi đến đấng-bậc vị-vọng trong giáo-hội rất thánh của Đức Chúa. Nhắc nhở đôi điều gửi đến những ai còn có tham-vọng “làm lớn” hoặc nổi-tiếng như cồn ở đâu đó, có lẽ cũng chỉ nên nhắc và nhở bằng truyện kể hoặc tin tức…mình, ở đời thôi.

Nhưng trước khi cứu xét những sự việc như thế, tưởng cũng nên trở về với lời ca mà người nghệ-sĩ ở nhà từng dịch ra lời Việt và hát thêm, rằng:

“Ngồi dưới trăng lắng im nghe lòng ta

Thổn thức bao chuyện ngày qua… sầu đau

Hỡi người dấu yêu, sao đành nỡ quên…

Sao đành tình ta vỡ tan như cánh chim lìa bay?

Lòng đắm say những khi ta gần nhau,

Ngồi dưới ánh trăng dịu êm cùng mơ…

Con thuyền trôi về đâu dưới trăng vàng?

Cớ sao một mình ta ngồi dưới ánh trăng lẻ loi,

buồn vấn vương… chán chường…”

(Dưới Trăng – bđd)

“Buồn vấn-vương, chán-chường” có là tâm-trạng của người đời ở đời, sau khi đứng ‘trụ’ chốn cao trong phong-trào nào đó, tức ‘tiếng tăm’ của mình đã nổi đình/nổi đám suốt một thời, nhiều năm tháng như cặp đôi “đồng tính” ở địa-hạt thời-trang, nay có vấn-đề như sau:

“Chuyện đạo-đức trong sinh-hóa tuần vừa qua, lại xảy đến từ sàn diễn thời-trang ở Milan, nuớc Ý cho tới buổi phỏng-vấn tập-san Panorama ở đây nói về cặp bài trùng tạo mẫu thời trang là Stefano Gabbana và Domenico Dolce đã đả-kích hôn-nhân đồng tính luyến ái, thụ thai ống-nghiệm IVF và chuyện thay mẹ đẻ để sinh-sôi nảy nở…

Dolce và Gabbana từng chung sống như cặp tình nhân đồng-tính đến 20 năm, nhưng đã chia tay cách nhẹ nhàng vào năm 2005, dù đạt thành-công như người chung-phần đối-tác trong thương-vụ. Khi được hỏi, quý vị có muốn làm cha theo cung-cách nào đó không, thì Dolce trả lời ngay rằng:

“Tôi là người đồng-tính luyến-ái, nên không thể có con được… chúng ta sinh ra có cha có mẹ, hoặc ít ra là như thế, còn các trẻ không có cha có mẹ theo nghĩa tự-nhiên như thế, thì tôi gọi là “trẻ con sinh tự phòng dược, hoặc trẻ chế-biến tổng-hợp, sinh từ buồng trứng thuê mướn, do chọn tinh-trùng từ danh-mục hàng-hoá…”

Không những thế, nhà tạo mẫu Domenico Dolce, 57 tuổi lâu nay tự nhận là người Công-giáo vẫn còn đi nhà thờ khá đều-đặn, lại nói:

“Không thể tính chuyện sinh con theo cách thuê mướn tử-cung hoặc dùng hoá-chất mà tạo thành được. Cuộc sống, là giòng chảy tự-nhiên có những điều trong đời, ta không được phép thay đổi nó, mới đúng. Nếu quý vị sinh ra từ cung lòng người mẹ và do tinh-trùng của người cha đích-thực hoặc ít ra phải như thế. Làm khác đi, thì đó chỉ là đứa con từ phòng dược, tức trẻ được chế-biến theo cách tơ sợi tổng-hợp, thuê mướn tử-cung của ai khác, hoặc tinh-trùng được chọn từ tập danh-mục thương-mại, mà thôi.”

Trong khi đó Stefano Gabbana lại bảo:

“Gia đình không là ‘mốt’ thời-trang. Gia-đình phải có nghĩa siêu-nhiên gần gũi thân-thương của người nhà…” Vào lúc đó, Dolce lại đã thêm ý của Gabbana: “Đồng-công kiến-tạo là động-thái của tình yêu. Ngay các chuyên-gia tâm-thần cũng đang phải đối đầu với ảnh-hưởng của cuộc thực-nghiệm do mình tạo ra, nữa.”

Chuyện xảy ra là, khi nghe biết câu chuyện như thế, thì thần-tượng đồng-tính luyến-ái người Anh là ngài Elton John, tức cha của hai đứa trẻ sinh từ bà-mẹ-thuê-mướn thay cho mẹ ruột đã phản-ứng một cách rất nóng-giận và bảo rằng: sao các anh lại dám qui về các đứa con thân-yêu tuyệt-vời của tôi, rồi đặt tên cho chúng là trẻ bé sinh từ tơ sợi tổng-hợp? Các anh thật đáng xấu hổ chỉ biết chĩa tay vào ống nghiệm IVF thôi. Tư-duy của các anh nay lỗi thời rồi, hệt như thời-trang do các anh tạo ra nay không còn ăn khách nữa. Từ nay, tôi sẽ không thèm mua đồ Dolce & Gabbana tạo mẫu về mặc đâu..” (X. Michael Cook, Dolce & Gabbana spark internet frenzy over IVF, BioEdge 21/3/2015)

Xem thế thì, chuyện nổi đình/nổi đám đầy tiếng tăm suốt nhiều năm, đã trở-thành vấn-đề với nhiều người, những hỏi rằng: được thế đến bao lâu. Nổi cồn như thế, có làm cho bản-thân người nổi tiếng thêm được chút hạnh phúc nào không? Hoặc, có giúp người nổi tiếng trở-thành lành/thánh lâu năm không?

Trả lời câu hỏi gay-go/hiểm hóc này, thật cũng khó. Khó, là bởi những người như bạn và tôi, có lẻ ta chưa bao giờ được thế. Nên, thay vì trả lời cho đích-đáng, có lẽ cũng nên đi vào vùng trời truyện kể, để xem: có thể may ra cũng có trường hợp tương-tự.

Quyết thế rồi, nay mời bạn và mời tôi, ta đọc thử truyện kể sau đây, rồi sẽ thấy:

“Truyện rằng:

Ngày xưa, có một họa sĩ tên là Ranga, một người siêu việt, vẽ được rất nhiều kiệt tác đáng ghi nhớ khiến ai cũng dều khen ngợi.

Ông mở một lớp học mỹ thuật để dạy nghề cho mọi người và cũng để tìm đệ tử nối nghiệp. Ông không mấy khi khen ngợi ai, cũng không bao giờ đề cập đến thời gian của khóa hoặc. Ông nói, một học trò chỉ có thể thành công khi ông hài lòng với kỹ năng và hiểu biết của người đó. Ông truyền cho học trò những phương pháp đánh giá, ước định của ông, và chúng cũng độc đáo như những tác phẩm của ông vậy. Ông không bao giờ thổi phồng tầm quan trọng của những bức tranh hay sự nổi tiếng, mà ông luôn nhấn mạnh đến cách xử sự, thái độ với cuộc sống của học trò.

Trong một số lượng lớn học trò, Rajeev là một người có tài nhất, chăm chỉ, sáng tạo,nên anh ta tiếp thu nhanh hơn nhiều so với các bạn đồng môn. Ông Ranga rất hài lòng về Rajeev.

Một ngày kia, sau bao nhiêu cố gắng, Rajeev được ông Ranga gọi đến và bảo:
-Ta rất tự hào về những tiến bộ mà con đã đạt được. Bây giờ là thời điểm con làm bài thi cuối cùng trước khi ta công nhận con thực sự là một họa sĩ tài năng. Ta muốn con vẽ một bức tranh mà ai cũng phải thấy đẹp, phải khen ngợi.

Rajeev làm việc ngày đêm, trong rất nhiều ngày và đem đến trình thầy Ranga một bức tranh tuyệt diệu. Thầy Ranga xem qua rồi bảo:

-Con hãy đem bức tranh này ra đặt ở quảng trường chính, để tất cả mọi người có thể chiêm ngưỡng.

Hãy viết bên dưới bức tranh là tác giả sẽ rất biết ơn nếu bất kỳ ai có thể chỉ ra bất kỳ sơ suất nào trên bức tranh và đánh một dấu X vào chỗ lỗi đó. Rajeev làm theo lời thầy: đặt bức tranh ở quảng trường lớn với một thông điệp đề nghị mọi người chỉ ra những sơ suất.

Sau hai ngày, Ranga đề nghị Rajeev lấy bức tranh về. Rajeev rất thất vọng khi bức tranh của mình đầy dấu X. Nhưng Ranga tỏ ra bình tĩnh và khuyên Rajeev đừng thất vọng, cố gắng lần nữa. Rajeev vẽ một kiệt tác khác, nhưng thầy Ranga bảo phải thay đổi thông điệp dưới bức tranh. Thầy Ranga nói phải để màu vẽ và bút ngay cạnh bức tranh ở quảng trường và đề nghị mọi người tìm những chỗ sai trong bức tranh và sửa chúng lại bằng những dụng cụ để vẽ ấy.

Hai ngày sau, khi lấy tranh về, Rajeev rất vui mừng khi thấy bức tranh không bị sửa gì hết và tự tin đem đến chỗ Ranga. Ranga nói:

-Con đã thành công vào ngày hôm nay. Bởi vì nếu chỉ thành thạo về mỹ thuật thôi thì chưa đủ, mà con còn phải biết rằng con người bao giờ cũng đánh giá bừa bãi ngay khi có cơ hội đầu tiên, cho dù họ chẳng biết gì về điều đó cả. Nếu con luôn để cả thế giới đánh giá mình, con sẽ luôn thất vọng. Con người thích đánh giá người khác mà không nghĩ đến trách-nhiệm hay nghiêm-túc gì cả. Mọi người đánh những dấu X lên bức tranh đầu tiên của con vì họ không có trách nhiệm gì mà lại cho đó là việc không cần động não. Nhưng khi con đề nghị họ sửa những sơ suất thì không ai làm nữa, vì họ sợ bộc lộ hiểu biết – những thứ mà họ có thể không có. Nên họ quyết định tránh đi là hơn. Cho nên, những thứ mà con phải vất vả để làm ra được, đừng dễ dàng bị ảnh hưởng bởi đánh giá của người khác. Hãy tự đánh giá mình. Và tất nhiên, cũng đừng bao giờ đánh giá người khác quá dễ dàng.” (truyện kể do St sưu-tầm gửi lên mạng)

Kể thế rồi, nay mời tôi và mời bạn, ta cứ đi vào giòng chảy những nghĩ suy để rồi tự mình rút ra bài học để đời cho mình, cho người, và cả đấng bậc trên cũng như dưới, rất Nước Trời.

Trần Ngọc Mười Hai

Và những ngày

Nhiều nghĩ suy

Về những tiếng tăm

nổi cộm một thời

rồi cũng xẹp

trong âm-thầm.