THÁNH GIACÔBÊ TÔNG ĐỒ

THÁNH GIACÔBÊ TÔNG ĐỒ

Thánh Giacôbê, quê quán tại Bethsaida, là con ông Giêbêđê và là anh em với thánh Gioan.  Ngài là một trong ba Tông đồ, ngoài những biến cố quan trọng trong cuộc đời công khai của Chúa, còn được phúc chứng kiến sự kiện biến hình trên núi Tabor và thảm cảnh trong vườn Cây Dầu.  Lòng nhiệt thành của hai anh em đã khiến Chúa đặt cho cái tên là ‘Con Sấm Sét’.

Thánh Giacôbê đã tiến hành công cuộc tông đồ tại Giuđêa và Samaria.  Theo truyền tụng, thánh nhân đã đến rao giảng Phúc Âm tại Tây Ban Nha.  Khi trở lại Palestine vào năm 44, ngài đã trở thành vị Tông Đồ đầu tiên được phúc tử vì đạo dưới thời vua Hêrôđê Agrippa.  Thi hài thánh nhân được cải về Santiago de Compostela bên Tây Ban Nha, và nơi đây đã trở thành một trong những nơi hành hương nổi tiếng thời Trung Cổ, và là một đền thánh đức tin cho toàn thể Châu Âu.

Uống chén của Chúa

Khi đang đi dọc theo bờ biển Galilê, Chúa Giêsu nhìn thấy Giacôbê và Gioan, con ông Giêbêđê, đang vá lưới, Người đã gọi họ, và đặt cho tên là Boannerges, nghĩa là “con của sấm sét”.

Mọi sự bắt đầu khi một số ngư phủ trên biển hồ Tibêria được Chúa Giêsu thành Nagiarét mời gọi theo Người.  Họ đã đáp lời mời gọi của Chúa Giêsu, đi theo, và sống với Người gần ba năm trời. Họ đã chia sẻ đời sống thường nhật của Chúa Giêsu, làm chứng nhân cho những lời cầu nguyện, cũng như lòng nhân lành và quyền năng của Người dành cho các tội nhân và những người đau khổ.  Họ chăm chú lắng nghe lời Chúa, những lời họ chưa từng bao giờ được nghe.

Suốt ba năm chung sống với Chúa, các Tông Đồ cảm nghiệm một thực tại rồi ra sẽ chiếm đoạt họ mãi mãi, đó là cuộc sống với Chúa Giêsu.  Đó là một kinh nghiệm phá vỡ nếp sống trước kia của họ; họ phải từ bỏ mọi sự – gia đình, nghề nghiệp, và tài sản của họ – để đi theo Người.  Tóm lại, họ đã được dẫn vào một con đường sống hoàn toàn mới mẻ.

Một ngày nọ, Chúa Giêsu mời gọi Giacôbê đi theo Người.  Giacôbê là anh của Gioan, và là con của bà Salômê, một phụ nữ đã dùng tài sản để giúp Chúa Giêsu và sau cùng cũng có mặt trên núi Canvê.  Giacôbê đã biết Chúa Giêsu trước khi được Chúa gọi.  Cùng với Phêrô và em trai mình, Giacôbê được Chúa Giêsu yêu thương cách riêng.  Ngài là một trong ba vị được chứng kiến biến cố Biến Hình trên núi Tabor.  Ngài cũng có mặt khi Chúa cho con gái ông Giairô sống lại, và là một trong ba Tông Đồ cùng đi với Chúa Giêsu vào vườn Cây Dầu lúc khởi đầu cuộc Thương khó.

Phúc Âm ngày lễ thánh Giacôbê kể cho chúng ta một biến cố lạ lùng trong đời Ngài.  Chúa Giêsu loan báo về cuộc Khổ nạn và cái chết sắp đến của Người: “Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp vào tay các trưởng tế và ký lục, họ sẽ kết án tử và giao nộp Người cho dân ngoại chế nhạo, chúng sẽ đánh đòn và đóng đinh Người vào thập giá.  Nhưng ngày thứ ba Người sẽ sống lại”. Chúa cảm thấy cần chia sẻ những tâm tình sâu lắng nhất đang chất chứa trong lòng cho các môn đệ. Khi ấy, bà mẹ của các con ông Giêbêđê cùng với hai con đến gặp Chúa Giêsu, và bà bái lạy và kêu xin Người một điều: Bà xin Chúa dành cho các con của bà hai chỗ ưu tiên trong nước vinh quang của Người sắp đến.  Chúa Giêsu quay sang hai anh em và hỏi họ có thể chia sẻ số phận với Người không. Chúa đề nghị họ hãy uống chung chén của Người.  Thời xưa, việc trao chén mình cho ai uống là một dấu chỉ của tình thân hữu.  Các vị liền đáp: “Thưa được!”  Những lời ấy nói lên một tấm lòng thuần thục và quảng đại.  Những lời ấy phản ánh thái độ của mọi người trẻ và của mọi tín hữu thành tâm, nhất là của những ai sẵn sàng làm tông đồ để loan báo Tin Mừng.  Chúa Giêsu đã chấp nhận lời đáp quảng đại ấy và phán bảo: ‘Chén của Ta, các con cũng sẽ uống”, các con sẽ chia sẻ những đau khổ của Ta, các con sẽ hoàn tất cuộc Khổ nạn của Ta nơi thân xác các con.  Không bao lâu sau đó, vào năm 44, Giacôbê đã bị xử trảm tử vì đạo.  Còn Gioan đã chịu bách hại đủ kiểu trong cuộc đời trường thọ của Ngài.

Kể từ khi Chúa Kitô cứu chuộc chúng ta trên thập giá, tất cả đau khổ của các tín hữu là cùng uống chén của Chúa Kitô qua việc chia sẻ cuộc Thương khó, Tử nạn, và Phục sinh của Người.  Nhờ đau khổ, một cách nào đó, chúng ta hoàn tất cuộc Khổ nạn của Chúa, và kéo dài trong thời gian với những hoa trái của công cuộc ấy.  Những đau khổ nhân loại chỉ mang ý nghĩa cứu độ khi được liên kết mật thiết với sự khổ nhục Chúa Giêsu đã chịu.  Với lòng nhân lành, Chúa đã cho chúng ta chia sẻ chén đắng của Người.  Trước những khó khăn, bệnh tật hoặc đau khổ của chúng ta, Chúa Giêsu cũng nêu lên một câu hỏi: “Con có thể uống chén của Ta không?”  Nếu hợp nhất với Chúa, chúng ta sẽ tích cực đáp lại và chịu đựng tất cả những gian khổ về phương diện nhân loại vì danh Người.  Trong sự hợp nhất với Chúa Kitô, ngay cả những đau đớn và thất bại của chúng ta cũng sẽ biến thành niềm vui và bình an.  Cuộc cách mạng vĩ đại của Kitô giáo chính là việc đã biến đau khổ thành đau khổ hiệu quả, biến một điều xấu thành một điều tốt.  Chúng ta đã tước thứ vũ khí này của ma quỉ, và với thứ vũ khí này, chúng ta có thể đạt được sự sống vĩnh cửu.

Đừng chán nản trước những khuyết điểm bản thân – Hãy tìm sức mạnh nơi Chúa

Từ lúc Giacôbê bày tỏ những tham vọng không được cao thượng của Ngài cho đến khi được chịu tử vì đạo là một cuộc biến chuyển nội tâm lâu dài.  Sự nhiệt thành của Ngài trước kia chống lại những người Samaria không muốn tiếp đón Chúa Giêsu – dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giêrusalem – nhưng về sau đã biến nên lòng nhiệt thành vì các linh hồn.  Từng bước một, tuy không làm mất cá tính hăng hái, nhưng Giacôbê biết rằng nhiệt tâm vì quyền lợi Thiên Chúa không thể dính dáng đến bạo lực hoặc chua chát. Chỉ có vinh quang Thiên Chúa là khát vọng duy nhất xứng đáng mà thôi.  Thánh Clêmentê thành Alexandria kể lại khi vị tông đồ nước Tây Ban Nha được điệu ra trước tòa xử, thần thái của ngài liêm chính đến độ kẻ tố cáo ngài sau đó đã đến xin ngài tha lỗi.  Thánh Giacôbê suy tư… và sau đó ôm hôn kẻ tố cáo mình, và nói: “Anh hãy bình an”.  Hai người sau đó cùng được lãnh nhận triều thiên tử đạo.

Khi suy niệm về cuộc đời thánh Giacôbê tông đồ, chúng ta được lợi rất nhiều khi nhìn thấy những khuyết điểm của Thánh nhân cũng như của các Tông đồ khác.  Các Ngài không can trường, không khôn ngoan, mà cũng chẳng đơn sơ.  Chúng ta thấy các ngài đôi khi rất ham hố, hay tranh cãi, và thiếu đức tin.  Tuy nhiên, thánh Giacôbê là vị Tông đồ đầu tiên được tử đạo.  Như thế, hiển nhiên là sự phù trợ của Thiên Chúa cũng có thể thực hiện những phép lạ nơi chúng ta.  Ngày nay trên thiên quốc, thánh Giacôbê ắt phải tri ân Thiên Chúa rất nhiều vì đã hướng dẫn ngài trên con đường khác với con đường ngài đã mơ tưởng trước đó.  Thiên Chúa là Đấng tốt lành, vô cùng khôn ngoan, và đầy yêu thương vượt quá trí tưởng của chúng ta.  Trong nhiều trường hợp, Người không ban cho chúng ta những điều chúng ta xin, nhưng đó lại là điều thích hợp và lợi ích nhất cho chúng ta.

Theo các trình thuật Phúc Âm, như các Tông đồ, Giacôbê cũng có những khuyết điểm rõ ràng và không thể chối cãi.  Tuy nhiên, bên cạnh những khiếm khuyết ấy, thánh nhân cũng có một tâm hồn và một con tim vĩ đại.  Chúa Giêsu lúc nào cũng nhẫn nại với Ngài cũng như với các Tông đồ khác. Thầy Chí Thánh cho các ngài thời gian để hấp thụ những bài học mà Người đã dùng sự khôn ngoan và tình thương để truyền dạy cho họ.  Thánh Gioan Kim khẩu viết: “Chúng ta hãy xét Chúa đặt câu hỏi tương tự như một lời mời gọi và một lời kích lệ như thế nào.  Chúa không nói: ‘Ngươi có thể chịu thất bại được không? Ngươi có dám chịu đổ máu không?’ nhưng Chúa lại hỏi: ‘Ngươi có thể uống…’ Để khích lệ họ, Chúa còn thêm: ‘… chén Ta sẽ uống hay không?’  Tưởng nghĩ đến việc uống chính chén của Chúa đã đưa các Tông đồ đến sự đáp ứng quảng đại hơn.  Chúa Giêsu gọi cuộc Khổ nạn của Người là ‘phép rửa’ để nhấn mạnh những đau khổ của Người sẽ là nguyên nhân cho cuộc thanh tẩy toàn thế giới.”

Chúa cũng đang mời gọi chúng ta.  Ước chi chúng ta đừng đầu hàng sự chán nản khi những khuyết điểm và yếu đuối của chúng ta trở nên rõ rệt.  Nếu chúng ta đến với Chúa Giêsu để xin phù giúp, Người sẽ ban cho chúng ta ơn can đảm để tiếp tục trung thành dấn bước, bởi vì Chúa luôn nhẫn nại và cho chúng ta thời giờ cần thiết để cải thiện.

Sưu tầm

Hạnh Phúc Thay Ai Kính Sợ THIÊN CHÚA, Ăn Ở Theo Đường Lối Ngài

Hạnh Phúc Thay Ai Kính Sợ THIÊN CHÚA, Ăn Ở Theo Đường Lối Ngài

Ngay từ thơ bé tôi được song thân giáo dục phải luôn luôn chú ý đến tha nhân, đặc biệt người nghèo

Bà Anna Maria Rizzante làm việc tông đồ với tư cách thừa sai giáo dân tại Amazzonia bên nước Ba-Tây thuộc Châu Mỹ La Tinh. Bà cùng với hiền phu Sandro và hai con – một trai một gái – dấn thân phục vụ người nghèo. Thời thiếu nữ, Anna Maria có ý định dâng mình cho THIÊN CHÚA trong Hội Dòng Đaminh thánh nữ Caterina thành Siena. Hội Dòng có một Cộng Đoàn tại Scandolara (Bắc Ý) nơi quê sinh của thiếu nữ. Nhưng THIÊN CHÚA Quan Phòng định liệu cách khác. Không thực hiện được ước nguyện tu trì, Anna Maria dấn thân phục vụ người nghèo, những ai cần sự trợ giúp. Sau khi lập gia đình, bà tiếp tục lý tưởng tông đồ. Bà cùng chồng và hai con tình nguyện đi truyền giáo tại Ba-Tây với tư cách thừa sai giáo dân. Xin nhường lời cho bà Anna Maria Rizzante.

Chính Song Thân gieo vào lòng tôi thiện ý dâng hiến cuộc đời phục vụ anh chị em xa xôi và nghèo khổ. Trước tiên, Cha Mẹ tôi nêu cao gương sáng về cuộc sống vị tha xả kỷ. Ngay từ thơ bé tôi được song thân giáo dục phải luôn luôn chú ý đến tha nhân, đặc biệt người nghèo. Tâm tình trìu mến thương yêu người nghèo theo sát và đưa tôi đến Bologna rồi đến Roma. Nơi thủ đô Roma tôi trải qua 10 năm của thời thiếu nữ trong việc học hành, cầu nguyện và các công tác thiện nguyện. Đó là những năm tuyệt vời để lại nơi tôi những kỷ niệm khó quên.

Từ các năm tháng này, chín mùi nơi tôi ước muốn dấn thân hoạt động tông đồ. Quyết định chung kết đưa tôi từ Roma sang làm việc tại Amazzonia bên Ba-Tây, với tư cách thừa sai giáo dân. Cùng với các tín hữu Công Giáo tại địa phương chúng tôi dành ưu tiên cho các hoạt động nhằm thăng tiến cuộc sống nữ giới. Chúng tôi lắng nghe và chia sẻ cuộc sống của phụ nữ trong một xã hội có nhiều nghèo đói và bất công. Chúng tôi cố gắng làm sao cho cuộc sống của nữ giới có ý nghĩa, diễn ra trong tự do hoàn toàn và mang lại nhiều hoa quả phong phú.

Tôi kết hôn với Sandro và chúng tôi có hai con, một trai một gái. Chúng tôi sẽ hân hạnh trở thành ông bà nội ngoại của các cháu. Tôi là người mẹ người vợ Công Giáo may mắn. Bởi vì, cùng với hiền phu Sandro, chúng tôi chia sẻ trong mọi lãnh vực. Chẳng những chúng tôi hợp tác trên bình diện hôn nhân và gia đình mà còn chung mối hiệp thông sâu xa về lý tưởng và cuộc sống. Thật tuyệt vời! Niềm hiệp thông vợ chồng chúng tôi nhận lãnh với niềm tri ân chân thành như hồng ân cao cả đến từ THIÊN CHÚA. Niềm hiệp thông khuyến khích chúng tôi sống trung tín tình nghĩa phu-thê và trung tín với ơn gọi mà mỗi người được kêu mời thực hiện.

Nhưng trước hết và trên hết, chúng tôi thề hứa trung tín với THIÊN CHÚA của người nghèo và trung tín với người nghèo của THIÊN CHÚA, cũng như trung tín với đất đai của THIÊN CHÚA. Chính trong ý hướng sau cùng này mà chúng tôi dấn thân hoạt động trong lãnh vực Mục Vụ Điền Địa, trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Ba-Tây. Chúng tôi tranh đấu cho dân nghèo có cuộc sống xứng đáng hợp nhân phẩm, thắng vượt bất công, nghèo đói và đàn áp từ nhiều phía.

Tranh đấu của chúng tôi không đi theo chiều hướng chính trị nhưng nằm trong lãnh vực xã hội theo đúng tinh thần Tin Mừng của Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Hoạt động của các thừa sai giáo dân chúng tôi luôn luôn được Lời Chúa soi sáng hướng dẫn. Cuộc sống của chúng tôi không dễ dàng xuôi chảy nhưng tràn đầy khó khăn. Tấm gương của biết bao thừa sai bị giết vì các hoạt động tranh đấu cho dân nghèo luôn luôn ở trước mắt chúng tôi. Chúng tôi không nao núng sợ hãi. Đôi khi công việc hoạt động tông đồ của chúng xem như vô ích và thất bại. Nhưng chính lúc ấy, chúng tôi cảm nhận sâu xa quyền năng vô biên của THIÊN CHÚA. Chính THIÊN CHÚA sẽ ra tay can thiệp đúng thời đúng lúc. Chính Ngài giải phóng và cứu thoát dân nghèo của Ngài. Chúng tôi – đầy tớ của THIÊN CHÚA – chúng tôi hoàn toàn đặt trọn tin tưởng phó phác nơi Tình Yêu của Ngài.

… ”Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ THIÊN CHÚA, ăn ở theo đường lối của Ngài. Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may. Hiền thê bạn trong cửa trong nhà khác nào cây nho đầy hoa trái; và bầy con tựa những cây ôliu mơn mởn, xúm xít tại bàn ăn. Đó chính là phúc lộc THIÊN CHÚA dành cho kẻ kính sợ Ngài. Xin THIÊN CHÚA từ Sion xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc. Ước chi trong suốt cả cuộc đời bạn được thấy Giêrusalem phồn thịnh, được sống lâu bên đàn con cháu. Nguyện chúc Israel vui hưởng thái bình” (Thánh Vịnh 128 (127).

(”Allez, Allez Petites”, Quadrimestrale della Congregazione delle Suore Domenicane di Santa Caterina da Siena, Numero 3, Anno II, Santa Natale 2008, trang 13-15)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Chứng từ của một Tân Tòng về Quyền Năng của Chúa Thánh Thần

Chứng từ của một Tân Tòng về Quyền Năng của Chúa Thánh Thần

Thanhlinh.net

Chứng từ của một Tân Tòng về Quyền Năng của Chúa Thánh Thần

Tôi, Một tân Tòng được làm con cái Chúa sau 39 năm bị trói buộc bởi quyền lực của Satan, tôi muốn lần lượt viết lại tất cả những gì đã xảy đến cho tôi trong một thời gian rất dài, một hành trình về nhà Cha một cách lạ kỳ và đầy dẫy những trông gai hiểm trở.  Tạ ơn Chúa vì Ngài đã kiên nhẫn chờ đợi tôi, mặc dầu tôi là kẻ hèn mọn; vô ơn và bất xứng với tình yêu của Ngài. Tôi không biết phải nói lên ngôn ngữ nào của loài người để có thể diễn tả một Thiên Chúa quyền năng vô biên nhưng lại hạ mình yêu tôi vô điều kiện, mặc dầu tôi chỉ là một người ngọai đạo.

Chúa hiện hữu qua Đức Mẹ

Năm 1976, qua một tai nạn cướp xe, họ đập vào sau gáy tôi bằng một thanh sắt dài,  tôi được đem đến bệnh viện Chợ Rẫy, qua Xray  tôi bị nứt sọ và bị chấn thương rất trầm trọng, tuy không chảy máu nhưng đầu tôi xưng phồng như trái bưởi, chỉ có thể ngồi dựa lưng vào ghế 24/24 vì không thể nằm, không ăn, cũng như không ngủ được một chút nào.

Tôi la khóc suốt ngày đêm với ơn đau dữ dột từ não. Thời gian đó tôi không được uống thuốc giảm đau vì tài chánh eo hẹp, thuốc lại rất hiếm. Bác sĩ quyết định giải phẩu vào 8h sáng ngày hôm sau.

9h tối đêm đó, từ sâu thẳm tâm linh, tôi nghe một tiếng chớp như sấm sét và một Tượng Đức Mẹ mấu trắng hiện ra cách tôi một mét, trên tay bà cầm trái địa cầu nhỏ mầu trắng.

Từ bức tượng phát ra một tiếng nói rất rõ bằng tiếng Việt: Ta là Mẹ Maria đến để cứu con, vết nứt sẽ tự lành, không phải mổ. và bức tượng biến mất. Quả thật sáng hôm sau, vết nứt đã tự lành tôi không phải mổ và cơn đau cũng biến mất. Tôi trờ về với cuộc sống bình thường. Tạ ơn Chúa và Mẹ Maria đã cứu chữa con một cách thật nhiệm mầu, mặc dầu con không cầu khẩn vì không nhận biết Ngài là Thiên Chúa của con.

Năm 1980 gia đình tôi nhận được giấy bảo lãnh của  chị tôi từ Canada. Tôi đạp xe xuống nhà thờ Đức Bà, Sài Gòn. Qùi dưới chân tượng Chúa, tôi khẩn cầu cho chuyến bay được bình an, mọi việc được suông sẻ .

Đêm đó tôi nằm mơ, từ trong tâm tôi nghe một tiêng nói dặn dò: Chuyến bay vào tuần thứ nhất sẽ bị hoãn lại và con sẽ đi vào chuyến bay tuần thứ hai. Quả thật, chuyến bay của tuần thứ nhất có danh sách gia đình tôi bị hoãn lại và đúng 7 ngày sau chúng tôi được đi vào chuyến thứ hai y như  lời đã báo trước với tôi trong giấc mơ.

Chết Đi Sống Lại.

Sáng 1/1/2002 tôi không dậy được. Lúc đó là 11 giờ sáng, chồng tôi vào đánh thức thì thấy người tôi đã cứng ngắc. Anh kêu xe cứu thương đến, họ cho biết tôi đã chết được 4 giờ. Họ đưa tôi vào bệnh viện, tôi bị hôn mê sâu, họ đưa tôi vào phòng hồi sinh. Sau 24 giờ ở phòng hồi sinh, tôi vẫn không tỉnh dậy, họ đưa tôi vào nhà xác, họ bảo sẽ để tôi ở đây trong vòng 72 giờ. Qua hai ngày tôi vẫn không thức dậy. Đến ngày thứ ba thì cô y tá thấy tay tôi nhúc nhích. Cô báo cho bác sĩ, bác sĩ thấy tim tôi đập lại và ông cho tôi về. Ông cho biết tôi sẽ bất động trong 6 đến 7 tuần.

Trong khi tôi ở trong tình trạng hôn mê sâu, tôi mơ thấy có một ông đi ngang, đầu đội mũ gai, tôi hỏi: Ông là ai?. Ông trả lời: Ta là Giêsu và tôi thấy ông bị đưa lên đồi. Ông nói với tôi bằng tiếng Việt rất rõ: Con lấy khăn trắng  nhúng nước sông lau mặt đi, con sẽ sống lại vào ngày thứ ba. Ông nói chữ đi rất mạnh, như một mệnh lệnh. Tôi chạy tới bờ sông, ở đó có một chiếc khăn trắng, tôi nhúng nước lau mặt Chúa vì tôi thấy trên má Chúa có vết máu nhưng Chúa nói: Con lau mặt cho con và con đừng đi theo Ta, con đứng lại đi, và tôi tỉnh lại.

Mùa hè năm 2005 gia đình anh chị tôi từ bang California đến thăm tôi, vừa bước vào cửa nhà, chị dâu tôi đã khựng lại chỉ tay vào tấm hình tôi treo trên tường, đối diện với cửa chính. Chị hỏi tôi về nguồn gốc của tấm hình, và tôi có tấm hình này lúc nào? Tôi kể rằng: có một tầu ngọai quốc trong lúc đang cứu vớt những thuyền nhân bị nạn, ông thấy một vật lạ từ xa phóng tới, vội vàng ông lấy máy ra chụp khi rửa ra thì nó hiện nguyên hình ảnh của một con Rồng rất dài, trên 10 mét và mình nó rất  lớn. Mặt nó rât dữ tợn nhe răng như sẵn sàng nuốt chửng ai ở gần nó. Toàn thân nó bốc lửa, trên đầu con rồng có  một Người Nữ  mặc áo trắng, nhìn như thể Phật Bà Quan Âm, một tay cầm lọ Cam Lồ, một tay kia cầm cành Dương Liễu, tay bà có nhiều vết bầm tím.  Chị dâu tôi giải thích cho tôi biết là con rồng là hiện thân của Satan, quỷ dữ,  Đồng thời chị cũng cho tôi đọc một đọan Thánh Kinh để xác tín vế điều chị nói. Chị nói khi chị vừa bước vào nhà thì chị cảm thấy như có một tà lực từ hướng con rồng đẩy chị ra khỏi cửa, chị phải cầu nguyện mới có thể bước vào trong nhà.

Chị khuyên tôi nên bỏ tấm hình này đi và đừng thờ lạy nó nữa, nếu không nó có thể gây họa đến cho tôi và gia đình. Tôi cứ ừ hử cho qua chuyện vì trong lòng tôi vẫn yêu thích tấm ảnh này.

Tôi kể cho chị dâu tôi nghe về phép lạ mà Me Maria đã cứu tôi năm 1976 và tôi ngỏ ý muốn viết sách để vinh Danh Mẹ. Chị nói với tôi: ” em nên vào đạo Công Giáo để vinh Danh Chúa và Mẹ thì tốt hơn là viết sách. Hoặc em chỉ nên viết sách sau khi rửa tội thì mọi người sẽ tin em.” Chị khuyên tôi nên vô đạo để được làm con cái Chúa. Những ngày chị ở Canada chị luôn chia sẻ về niềm  vui của chị khi được là công Chúa nước trời. Chị cũng chia sẻ những kinh nghiệm của chị khi phải sống  trong quyền lực tối tăm qua bệnh tật, yếu đuối, và tội lỗi. Chị nói với tôi rất nhiều về một Thiên Chúa Ngôi Ba, đó là Chúa Thánh Thần. Chính Ngài đã Thánh hóa, chữa lành và giúp chị được biến đổi.

Sau khi rời Canada trở về nhà chị, chị luôn gọi tôi  và nhắc tôi phải phá hủy tấm hình đó càng sớm càng tốt, nếu không tôi sẽ tiếp tục gặp biết bao tai ương lẫn bệnh tật do nó đem lại . Quả tình đã có một lần tôi nghe lời chị, bắc thang leo lên để gỡ tấm hình nhưng tôi nghe một tiếng nói : “đừng, đừng làm như vậy” . Và điều đó như có một sức mạnh khiến tôi không thể tháo tấm hình xuống được.

Chúa lại cứu tôi

Năm 2007, tôi bị tai biến mạch máu não, tôi không bị liệt nhưng không còn nhớ gì. Tôi mơ thấy Thánh  Anrê thành Montréal. Thánh Anrê nói với tôi: 7 tuần sau con sẽ nhớ lại, con không cần phải mổ và con sẽ đi làm lại. Đúng sau 7 tuần, tôi hồi phục lại trí nhớ và tôi đi làm lại.

Chúa cứu mạng tôi một lần nữa qua cha Trương Bửu Diệp.

Tôi được biết đến cha Diệp qua một tờ báo, thấy người ta đăng báo tạ ơn cha rất nhiều. Tôi có cắt tấm hình cha đem về nhà, một vài lần tôi đã cầu nguyện xin ơn cho tôi, con và chồng, đều được cha nhận lời theo lời thỉnh cầu của chúng tôi.

Tháng 1, 2014

Từ Walmart về nhà tôi chỉ độ 5 phút nhưng vì trời đang bão băng tuyết bao phủ cả thước, mặt đường bị đóng băng, gió rất mạnh và tôi bị té trong lúc băng qua ngã tư, xương sườn đập mạnh xuống lớp đá cứng, vì té ngay trên đường xe chạy, quá đau tôi đã không thể tự đứng lên được. Trời tối đen, tôi lần mò tìm cell phone trong túi áo manteau gọi 911, nhưng không kịp vì một chiếc xe từ xa phóng tới. Tôi thét lên: Cha Diệp, và tức khắc có 2 bàn tay của ai đó nhấc bổng tôi lên và đem tôi khỏi con đường. Chiếc xe chạy qua mắt tôi rồi lui lại, tài xế hỏi tôi có sao không? Tôi đứng chết trân vì sự kiện sảy ra thật quá bất ngờ và khiếp đảm. Bà nói rằng tôi nhìn thấy một người đàn ông mặc áo chùng đen, mang thánh giá, có râu mép nhấc cô ra khỏi con đường, nếu không tôi đã không thể thắng  kịp và đã cáng ngang cô. Bà nói, ông đang đứng đàng sau cô đó. Tôi quay lại và không thấy gì, nhưng tôi biết người đó chính là cha Trương bửu Diệp. Cơn đau xương sườn của tôi cũng biến mất.

Qua tai nạn này tôi tình nguyện làm thỉnh nguyện viên đi xin chữ ký  khắp mọi nơi cũng như đến nhà thờ VN vào mỗi thánh lễ Chúa nhật. Đi đến đâu, tôi cũng chia sẻ chứng từ cha Diệp cứu tôi khỏi tai nạn. Niềm khao khát của tôi là cha Trương Bửu Diệp sớm được phong thánh và tôi quyết tâm dùng toàn thời gian rảnh rỗi để thu thập chữ ký của cả người lương cũng như  người công giáo.

Tháng 1 năm 2014, tôi nằm mơ thấy cha Trương Bữu Diệp bấm chuông, cha dắt tôi đi chùa. Cha mang thánh giá. Đến trước chùa, cha nói: Con vào đi, cha mang thánh giá cha không vào được. Cha đứng ngoài chờ tôi. Tôi thấy cha đứng ngoài trời nắng và đổ mồ hôi hột. Tôi rất xúc động, từ  giấc mơ đó tôi biết tôi phải đi theo Chúa.

Tháng 4 năm 2014, tôi kể các chuyện này cho chị dâu tôi nghe, chị nói với tôi: Người trong giấc mơ năm 2002 của em là Chúa Giêsu đó và Ngài nói lấy chiếc khăn trắng nhúng nước lau mặt là dấu chỉ Ngài muốn em rửa tội đó

Tôi hân hoan vui mừng vô cùng, tôi hiểu ra là Chúa thương yêu và gìn giữ mạng tôi tuy tôi là người ngọai đạo… Đến thánh đường tôi chảy nước mắt khi nhìn hình ảnh Ngài uy nghi sáng tỏa khắp nhà thờ. Tôi yêu Chúa đến nỗi không đến đườc nhà thờ là tôi bồn chồn, tiếc nuối và khóc rưng rức, nên dù có bận rộn cách mấy tôi cũng cố gắng đi dự lễ. Nhưng trong thâm tâm tôi như có một cản trở vô hình nào đó khiến tôi không sãn sàng nghĩ đến chuyện Rửa Tội. Mà thật tình tôi không hiểu vì sao ? Lúc đó tôi nghĩ rất hạn hẹp, dù rửa tội hay không rửa tội, miễn tôi yêu Chúa, tin Chúa và ca tụng Chúa là đủ, đủ để Ngài vui lòng khi thấy tôi không quên ơn Ngài. Đủ thứ chuyện làm tôi không hề muốn phải nặng lòng khi nghĩ đến 2 chữ vô đạo , tôi lo lắng viện đủ mọi lý do : sợ mình không hiểu về bài vở và sẽ bị rớt giáo lý; không đủ điểm để vào Công Giáo. Liệu chồng tôi có chấp nhân hoặc sẽ cùng vào đạo với tôi hay không?

Tôi vẫn tiếp tục đi chùa hằng tuần cùng lúc tôi cũng đi nhà thờ. Tôi không có sự chọn lựa chính xác, nói trắng ra tôi rất tránh né 2 chữ Rửa Tội; mặc dầu tâm tư tôi lúc đó hoàn toàn dâng trọn cho Chúa, tôi nhân ra sự bình an mỗi khi tôi ngắm nhìn và nghĩ đến Ngài, lúc đó tôi nhận ra 2 chữ đáng sùng bái nhất là: Giêsu KiTô.

Khi đi nhà thờ tôi có nói với  linh mục ĐTS là tôi được rất nhiều ơn lành của Chúa và đó là lý do cha thấy tôi đi nhà thờ mỗi tuần. Cha nói: vậy còn chần chờ gì nữa , bao giờ chị sẵn sàng thì cho tôi biết để tôi thông báo khi có khóa học giáo lý. Tôi lại kiếm chuyện từ khước: Thưa cha con rất bân….

Tôi không bao giờ nghĩ đến việc đi học giáo lý, cứ hẹn tới hẹn lui, không sốt sắng lắm mặc dầu trong thâm tâm tôi biết là tôi đang hướng về Chúa và tôi rất yêu Ngài.

Trong thời gian này tôi lại bị chứng trầm cảm, tôi sợ nghe tíếng người, sợ gặp người, ngoài trừ Chúa Nhật tôi đến nhà thờ dự lễ, hoặc phải đi làm còn tất cả thời gian còn lại tôi ngồi ở một xó tường, hoặc  trùm mền kín mít từ đầu đến chân, suất ngày nghỉ, đầu óc hoang mang, trống rỗng, không suy nghĩ, chán đời , nỗi buồn vô hình cứ đè nặng trong não tôi mà không biết lý do gì để buồn. Tôi có ýnghĩ tự tử cho thóat đi cảnh buồn chán này.

Từ từ tôi sống khép kín, không hăng say họat động, làm việc, suy nghĩ hay đọc sách như  trước. Cả ngày tôi chỉ uống một ly cafe độc nhất, đến tối tôi lết vô bếp nấu cơm cho mọi người, phần tôi chỉ ăn sơ sơ rồi lại đi tìm chỗ nằm tiếp. Thật sự tôi sợ cả việc hằng ngày trong đời sống, như chuyện chải đầu, nấu cơm… chuyện mà bình thường phải làm trong đời sống hằng ngày, nhất là phải ra đường vì tôi rất sợ gặp đám đông.

Tôi tự biết mình đang bị bệnh trầm cảm, lười nói, biếng ăn, đêm ngủ không thẳng  giấc, tôi cứ bị giật mình vào lúc nửa đêm và thức tới sáng. Tôi gầy và xanh sao, xuống cân cả chục ký chỉ trong vòng 2 tháng. Tôi bắt đầu sợ luôn ánh sáng mặt trời, tôi đóng kín tất cả màn trong nhà lại và một mình ngồi trong xó trong những ngày nghỉ. Tinh thần và thể xác tôi xuống dốc một cách thê thảm. Ý nghĩ tự tử cứ lởn vởn trong đầu óc tôi.

Nhưng chỉ có một điều lạ lùng duy nhất là tôi cứ mong đến Chúa Nhật để tôi đi nhà thờ, vì bão tuyết nên tôi không thể lái xe nên phải ngồi xe bus cả tiếng mới đến nơi. Bước vô nhà thờ, tôi cảm nhận được sư bình an khôn tả và đó là lý do tôi khao khát được đến nhà thờ.

Chúa Giải thóat tôi trong Quyền Năng  của Chúa Thánh Thần

Một buổi tối, tháng Năm 2014, cầm tấm ảnh cha Diệp tôi thủ thỉ với Ngài: Xin Cha cầu cùng Chúa cho con thóat khỏi cơn bệnh suy xụp tâm linh và thể xác này đi, cho con được trở lại trạng thái bình thường như trước. Lúc này tôi chỉ còn biết cậy trông vào phép lạ của Chúa. Và tôi bật khóc khi cảm thấy người mình nóng ran lên, ấm áp lạ thường như có một ngọn lửa nhỏ, rất nhẹ nhàng , từ từ hâm nóng toàn thân tôi, mặc dù thời tiết vẫn còn rất lạnh . Tôi lóe lên một tia hy vọng là Chúa đã nhậm lời.

Cùng thời điễm này chị dâu tôi cũng gọi cho tôi,chị ngỏ ý muốn được Rửa tôi trong Thánh Thần để tôi được biến đổi và đươc chữa lành. Chị hỏi tôi có chấp nhận dâng mình cho Chúa Giêsu và từ bỏ tất cả những gì không thuộc vế Chúa không? tôi bằng lòng và tuyên hứa tôi đồng phục Chúa và từ bỏ Satan  và những gì liên hệ đến chúng. Chị nói với tôi: Em đọc và hát theo chị mấy câu này nha, chị cầu nguyện và xin Chúa rửa em trong Thánh Thần.

Lúc đó tôi không hiểu câu chị nói là gì? tại sao phải Rửa trong Thánh Thần? tôi cũng không thắc mắc, chị đọc câu nào tôi lập lại câu đó. chị hát: Send your spirit….Alleluia …

Chị hát bao nhiêu lần tôi hát theo bấy nhiêu, chị đọc câu nào tôi lập lại câu ấy .

Tôi nói với chị: Em thấy có bóng người mặc áo trắng đặt tay trên vai em, ai vậy chị? chị trả lời: Chính Chúa, Ngài đến để ban Thánh Thần cho em qua lời khấn xin của chị em mình. Thật là mầu nhiệm và tôi cảm thấy bình an khôn tả.

2 tiếng sau, chồng tôi đi làm về tôi có kể cho anh nghe tất cả mọi việc. Anh chợt nói nếu đã quyết chọn Thiên Chúa thì nên chấm dứt tất cả những liên hệ bên chùa và đừng đi chùa nữa, chọn một bên thôi. Giọng anh chắc nịch như một mệnh lệnh, tôi giật mình sững sờ nhìn anh, vô cùng sung sướng vì không ngờ câu nói đó lại phát suất từ anh, một người vô thần, chẳng tin vào tôn giáo nào.

Cũng từ giây phút đó, ngay chiều hôm chị Rửa tôi trong Thánh Thần, tinh thần tôi bỗng hết trầm uất , trạng thái vui tươi và bình an khôn tả, tôi thích ra đường ngắm nhìn bầu trời trong xanh và tưởng tượng Chúa trên cao đang vui tươi nhìn tôi và tôi thật hạnh phúc.Tôi trở về sống với sinh họat bình thường, Chúa ban cho tôi một công việc mới vì tôi bị mất việc bởi bệnh trấm cảm.

Tôi can đảm gỡ bỏ tất cả những ảnh tượng không thuộc về Chúa, nhất là tấm hình có con rồng rực lửa. Lúc này tôi mới nhớ lời chị dâu tôi nói khi chị mới bước vào nhà tôi:” Nó là hình ảnh của quỷ dữ, Satan nếu em thờ lạy nó em sẽ phải khốn khổ vì nó’. Quả tình kể từ ngày tôi “thỉnh”  nó về biết bao nhiêu đại họa đã sảy ra cho tôi, tôi đã mang trong mình đủ lọai bệnh tật, bao nhiêu tai biến mà tôi đã kể trên. Tệ nhất là ước muốn tự tử. Tôi ném tất cả những vật này thật xa, cách nhà tôi khảng 2 cây số. Theo lời chị dâu tôi dặn là xin nước phép trong nhà thờ và với niềm tin mạnh mẽ tôi có thể nhân Danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh thần thanh tẩy căn nhà của tôi, xua trừ mọi sự không thuộc về Chúa ra khỏi nhà tôi. Tôi  bắt đầu trưng Thánh Giá, tượng Đức Mẹ và hình cha Trương Bửu Diệp.

Chồng tôi bỗng dưng cho tôi biết là anh sẽ cùng tôi vào đạo. Điều này làm tôi muốn khóc, vì sau khi được Rửa trong Thánh Thần, ngày đêm tôi mong được ghi danh học giáo lý càng sớm, càng tốt. Tôi luôn nghĩ anh sẽ là một trở ngại cho tôi, ngay cả đi học giáo lý vào ngày Chúa Nhật anh cũng không thể vì là ngày đi làm của anh, và chính tôi cũng không đủ can đảm để đề nghị anh vô đạo vì tôi hiểu tính chồng tôi rất cứng cỏi, việc trước nhất là anh phải xin nghỉ việc ngày Chúa Nhật, nhưng làm sao có thể nghỉ được vì ngày cuối tuần là ngày họp của cả sở và đó là việc anh làm suất 20 năm. Chồng tôi nói anh đã khấn xin với cha Diệp 2 điều, một là anh xin được chữa lành gót chân bị tật không chữa được. điều thứ hai là xin cho bà boss cho anh được nghỉ ngày Chúa Nhật để đi học giáo lý. Điều thứ nhất cha đã nhận lời phục hồi gót chân anh, thế nên anh tin là phép lạ thứ 2 sẽ sảy ra.

Khi chồng tôi gặp bà boss và xin được nghỉ bà có hỏi lý do thì anh trả lời: tôi muốn vào đạo công giáo nhưng lớp dạy giáo lý không có ngày nào khác ngoài ngày Chúa Nhật. Nghe vậy bà hưởng ứng rất mau mắn : Tôi sẽ giúp anh và từ đây cả hãng sẽ họp vào ngày Thứ Bẩy và anh sẽ được nghỉ vào ngày chúa Nhật.

Lễ Phục Sinh  2015 vợ chồng tôi đã chính thức được rửa tội để làm con cái Chúa, lúc cha đổ nước trên đầu tôi một sự mầu nhiệm ập xuống toàn thân tôi , tôi hạnh phúc khôn tả khi nhớ lại Lời Nói khi xưa: Con hãy lấy tấm khăn trắng xuống sông rửa mặt 3 ngày sau sẽ sống lại.

Lời chị dâu tôi nói với tôi:” Chính Chúa Thánh Thần đã làm tất cả cho em vì em đã dâng mình em cho Chúa Giêsu và Ngài đã ban Thánh Thần cho em  để Ngài biến đổi mọi sự tốt lành cho em. Chỉ sau khi em được rửa trong Chúa Thánh Thần em đã trở thành một con người mới, cũng có nghĩa là em đã được Tái Sanh trong thần khí. Kể từ nay em sẽ xin vâng để Ngài có thể dùng em là công cụ của Ngài.” Chị cũng nói với tôi chính chị cũng được Rửa trong Thánh Thần trong dịp chị đi dự  khóa Canh Tân Đặc Sủng  sau khóa tĩnh tâm chị đã được chữa lành căn bệnh nan y mà khoa học đã bó tay và đồng thời dứt đi được căn bệnh trầm cảm giống như tôi.

Hôm nay tôi viết ra những lời này để làm chứng nhân cho quyền năng của Chúa Thánh Thần và tôi thật sự muốn vinh Danh Ngài. Đồng thời tôi cũng nói lên quyền lực của Satan, qủi dữ. Ước gì mọi người nhất là những người ngọai giống như tôi nhận biết được Thiên Chúa là Vua các vua, Chúa các Chúa, Ngài đang chờ đợt tất cả mọi người để ban ơn cứu độ cho họ, không phân biệt một tôn giáo nào. Hơn hết Ngài là Cha. Cha của tất cả mọi người, sẵn sàng tha thứ mọi lỗi phạm và ban ơn làm công chúa và hoàng tử nước trời cho những ai đón nhận Ngài.

Lạy Cha, con nguyện xin mọi người nhân biết Cha. Amen.

Anna Maria Phanxicô Nguyễn Dung,

Canada

Họ để Người ở đâu?

Họ để Người ở đâu?

Lạy Chúa, Chúa đã chịu chết và sống lại,
xin dạy chúng con biết chiến đấu
trong cuộc chiến mỗi ngày
để được sống dồi dào hơn.

Chúa đã khiêm tốn và kiên trì
nhận lấy những thất bại trong cuộc đời
cũng như mọi đau khổ của thập giá,
xin biến mọi đau khổ cũng như mọi thử thách
chúng con phải gánh chịu mỗi ngày,
thành cơ hội giúp chúng con thăng tiến
và trở nên giống Chúa hơn.

Xin dạy chúng con biết rằng
chúng con không thể nên hoàn thiện
nếu như không biết từ bỏ chính mình
và những ước muốn ích kỷ.

Ước chi từ nay,
không gì có thể làm cho chúng con
khổ đau và khóc lóc
chỉ vì quên đi niềm vui ngày Chúa phục sinh.

Chúa là mặt trời tỏa sáng Tình Yêu Chúa Cha,
là hy vọng hạnh phúc bất diệt,
là ngọn lửa tình yêu nồng nàn;
xin lấy niềm vui của Người
mà làm cho chúng con nên mạnh mẽ
và trở thành mối dây yêu thương,
bình an và hiệp nhất giữa chúng con. Amen.

(Chân phước Têrêxa Calcutta)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

ĐỜI SỐNG CẦN CÓ CHÚA

ĐỜI SỐNG CẦN CÓ CHÚA

Cố Lm. GB. HỒNG PHÚC ( 1921 – 1999 )

Sau Ngôn Sứ Amos, xuất thân từ một người chăn chiên hiền lành biến thành một con sư tử “gầm thét” tội ác của các nhà lãnh đạo Dân Chúa, nay đến Ngôn Sứ Giêrêmia lên tiếng: “Khốn cho các mục tử làm tản mác và xâu xé đàn chiên”.

Họ đã làm cho nước mất nhà tan, hàng ngàn người chết, hàng vạn người phải lưu đầy qua Babylone, trong số đó chính vị Ngôn Sứ là nạn nhân. Những nhà lãnh đạo Israel phải là kẻ đem lại hòa bình và hiệp nhất cho Dân Chúa, trung thành với giao ước Sinai, vậy mà nay họ lại phản lại Thiên Chúa, gây khốn khổ cho Israel. Nhưng Thiên Chúa là Đấng trung thành, vị Ngôn Sứ nhìn thấy ở chân trời, một Đấng Mục Tử xuất hiện từ chi tộc Đavít. Ngài sẽ đem lại hòa bình và công chính. Tuy nhiên, với điều kiện là đoàn chiên biết nghe lời Ngài. Lịch sử Do Thái là hình ảnh lịch sử nhân loại.

Thánh Phaolô, trong thư gởi giáo đoàn Êphêsô, cho chúng ta thấy Đấng đã làm “cho đôi bên nên một, phá đổ bức tường ngăn cách, tiêu diệt hận thù”, chính là Chúa Giêsu. Ngài đến loan báo Tin Mừng bình an. Ngài đến hiệp nhất chúng ta lại. Chúng ta hãy nhìn lên Thập Giá, Ngài chịu treo lên, như gạch nối giữa đất và trời, hai tay giang ra như để ôm chầm cả nhân loại.

Qua bài Phúc Âm, chúng ta thấy Marcô mô tả việc Chúa Giêsu và các môn đệ sau những ngày làm việc mệt nhọc, đã để ra một vài ngày nghỉ ngơi trong yên tĩnh. Quần chúng bao quanh đến nỗi “Ngài không có cả thì giờ để ăn”. Một thời gian để tĩnh dưỡng cho mình và các môn đệ là điều hợp lý.

Và chúng ta thấy Chúa Giêsu biết chọn những chỗ thích hợp, như “trên một ngọn núi cao, xa vắng” ( 9, 2 ), trên bức thành đá ven bờ hồ Tibêriađê ( 5, 1 ), bờ biển Phênicia ( 7, 24-31 ) hay gần nguồn sông Giođan dưới chân núi Hermon ( 8, 27 ). Đây là một cuộc tĩnh tâm của Thầy và các môn đệ, vừa nghỉ ngơi vừa huấn luyện. Các Tông Đồ thuật lại cho Thầy nghe các kinh nghiệm Tông Đồ của mình ( 6, 30 ), Thầy thông cảm với các cộng sự của mình: “Sáng sớm tinh sương, Ngài trỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện ở đó” ( 1, 35 ). Như vậy, khi trở về gặp lại dân chúng, lời giảng pha lẫn với lời kinh của Chúa và của môn đệ hứa hẹn một mùa gặt tốt.

Nhưng Chúa Giêsu và môn đệ không thể tĩnh dưỡng lâu, xa quần chúng. Vì Ngài đến vì dân chúng và dân chúng cũng cảm thấy không thể thiếu Ngài. Họ đi tìm Chúa, “họ như bầy chiên không có kẻ chăn”. Họ cần có Chúa.

Tất cả chúng ta đều cảm thấy cần có Chúa, thiếu Chúa đời ta thiếu tất cả, bơ vơ và lạc lõng. Thánh Augustinô kêu lên: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, và tâm hồn con sẽ không bình yên khi nó không an nghỉ trong Chúa”.

Chúng ta thấy Chúa Giêsu tỏ ra rất thương yêu và am tường các nhu cầu vật chất và tinh thần của các môn đệ. Đời sống Tông Đồ là một đời sống tận hiến tất cả, đầy gian lao và xả thân, nhưng phải luôn luôn trở về nguồn. Phải để ra những ngày nghỉ ngơi, im lặng và cầu nguyện, những ngày sống thân mật với Chúa, chuẩn bị cho những ngày xuất quân mới, đầy nghị lực và tình thương.

Đức Gioan XVIII được gọi là vị Giáo Hoàng năng tĩnh tâm. Mặc dù công việc Giáo Hội bề bộn, với bao nhiêu vấn đề phải suy tư giải quyết. Ngài hằng “trở về nguồn”. Đặc biệt, ngài rất năng tĩnh tâm, tạm dẹp công việc lại một bên, để dành cho Chúa một thời gian. Ngài dọn một phòng riêng ở Vatican, để sống những giờ âm thầm bên Chúa hoặc nghe lời giảng day… Trước khi khai mạc Công ĐồNG Vaticanô II, ngài đã tĩnh tâm một thời gian rồi đi hành hương ở Loretto, nơi lưu giữ ngôi nhà của Đức Mẹ, để xin cho Công Đồng được kết quả.

“Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi…

Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi,

Người hướng dẫn tôi, tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng”.

Cố Lm. GB. HỒNG PHÚC ( 1921 – 1999 )

Bạn lòng thân mến,

“Bạn lòng thân mến,”

đây giây phút thần tiên

Nghe chan chứa hương đời.

Nhạc lời êm ái tôi ca ấm vành môi,

Mong sao đến bên người.”

(Nhạc: Hoàng Trọng/Lời: Hồ Đình Phương – Bạn Lòng)

Trần Ngọc Mười Hai

(Lc 6: 36-38)

Lời nhắn gọi như trên, mà lại nghe được từ loa phóng thanh hơi bị lớn tiếng vẫn không hay bằng những tâm tình tỉ-tê trên ipod, ipad hoặc iphone, đấy chứ nhỉ? Chưa đâu. Bắt đầu bài hát chỉ là lời nhắn hoặc tiếng gọi mời mà thôi. Trứ-danh hơn, phải nghe câu tiếp mới thật trời ơi…sao lại như thế, đến thế này:

“Bạn là trăng sáng,

Trong đêm tối hồn tôi,

Soi lên bao ánh tươi.

Bạn là hoa thắm,

trên hoang vắng tình tôi,

vun lên một mùa mới!

Gặp nhau năm ấy,

trao câu hát làm tin,

Đem cung phím gieo tình.

cùng yêu sông núi,

yêu duyên nước trời xanh,

yêu hương lúa thơm lành.

Đời ta chung hướng,

bao nhiêu ý chờ mong,

Xay đắp nên mái tranh.

Để cùng vui sống,

Say sưa đón bình minh,

Chứa chan mộng ngày xanh.”

(Hồ Đình Phương – bđd)

Vâng. Quả có thế. Chẳng cần ới gọi gì nhiều. Sơ sơ chỉ vài ba lời nhắn thôi, người nghe hát hay nghe được lời nhủ này, cũng sẽ thấy tuyệt vời trên mức tuyệt diệu. Ai đời, sống vui, sống mạnh chỉ những là: “Say sưa đón bình minh”, “Chứa chan mộng ngày xanh”, “Xay đắp nên mái tranh”.

Thế còn, đắp xây mái nhà thần-học của Hội rất thánh là Nước Trời thì thế nào?

Để trả lời thật vắn gọn, thì đây, xin mời bạn và mời tôi ta nghe thử những lời nhắn rất nhè nhẹ của đấng bậc chủ quản cả một Giáo hội/hội rất giáo điều, như sau:

“(Anh chị em) hãy cởi mở đối với chiều-kích xã-hội và Giáo-hội rộng lớn hơn, mời gọi cả những người có dịp tiếp-xúc với đoàn sủng của anh chị em, tuy không thường xuyên tham-dự các sinh-hoạt của nhóm…

Thật là đẹp, khi giúp đỡ cả những người gặp khó khăn và vất vả nhiều hơn trong việc sống đức tin của họ, giúp họ tiếp xúc với Mẹ Giáo-hội…

Tôi khuyến khích anh chị em hãy ‘luôn đi xa hơn!’ trung-thành với đoàn-sủng của mình! Hãy giữ cho lòng nhiệt-thành, ngọn lửa của Chúa Thánh Linh luôn thúc-đẩy các tín-hữu Chúa tìm đến những người ở xa, ra khỏi cuộc sống tiện-nghi, thoải-mái của mình và có can-đảm đi tới mọi khu ngoại-ô đang cần đến ánh sáng Tin Mừng” (Phong trào Cursillo trích Lời Đức Phanxicô kêu gọi trong buổi tiếp 7,000 thành viên Châu Âu hôm 30/4/2015, Lm Trần Đức Anh, OP dịch)

Vâng. Rất đúng như thế. Nếu không đi xa, ra ngoài khuôn khổ đạo-giáo/nhà thờ, thì làm sao nghe được những ‘lời nhắn’ không từ iphone, ipad hoặc ipod, mà từ loa phóng thanh hồi đó những lời lẽ rất như sau:

“Tôi đang còn ghi nhớ sớm nào,

trời đẹp màu nắng.

Ta cùng hòa nhịp đồng tâm trong câu:

“Ôi không gì êm ấm cho bằng,

Tinh bạn vừa kết tâm đầu,

Rồi hẹn đừng có xa nhau.

Bạn lòng thân mến,

đây tôi hiến bài ca.

mong ai hát vui hòa.

Bạn là xuân thắm,

Cho tôi đón nhiều hoa,

gieo hương mái tranh nhà.

Rồi ta chung ngắm,

Đôi chim lướt trời xa,

Say sưa muôn tiếng ca.

Để hồn vui nhớ, câu mơ ước ngày xưa,

Nay dâng đẹp tình thơ.”

(Hoàng Trọng/Hồ Đình Phương – bđd)

Vâng. Rất như thế, một lời vừa nhận-định đúng múc, vừa nhắn nhủ rất dễ thương như thấy nhiều trong cuộc đời ở ngoài, nhiều hơn trong “nhà thờ”. Bạn không tin ư? Thế thì, xin mời bạn và mời tôi, ta cứ tiếp tục ‘đi xa’ hơn nữa, rồi sẽ thấy sẽ nghe được những lời lẽ như thế vầy:

“Có phải Ngài muốn đưa người khác đi vào sứ-vụ của Ngài? Phải công-nhận là: việc dùng cụm-từ “sứ-vụ” cốt để mô-tả những gì Đức Giêsu từng thực-hiện, bởi: việc Ngài làm, mang nhiều ý-nghĩa hơn lối sống riêng-tư của Ngài.

Dĩ nhiên, ý của tôi không phải bảo: ta nên hiểu cụm-từ “sứ-vụ” là toàn-bộ công-trình Ngài quyết làm; chẳng hạn như hành-trình kéo dài nhiều tháng/ngày của ông Phaolô xuyên vùng Địa Trung Hải, cũng là những điều nói về việc rao-giảng Tin Mừng của các tín-hữu thời sau này.

Nhưng đối với riêng tôi, rõ ràng là: Đức Giêsu có tầm-nhìn tuyệt-vời về Vương-Quốc-Nước-Trời ở đây, dưới đất này; và Ngài đã sống-thực tầm nhìn ấy.

Cũng thế, những gì còn rõ hơn nữa, đối với tôi, là việc Ngài trợ-lực rất nhiều người khác để tất cả sẽ tham-gia/can dự một cách năng-động trong sứ-vụ này, với Ngài.

Hẳn bà con còn nhớ, chính ông Gioan Tẩy Giả cũng đã lập nên cộng-đoàn gồm những người được tẩy rửa, để rồi họ sẽ lan-truyền xuyên-suốt đất/miền người Do-thái ngõ hầu kỳ-vọng Thiên-Chúa có hành-động trả thù giùm cho họ.

Tôi vẫn nghĩ: Đức Giêsu khi xưa cũng thiết-lập phong-trào nào đó, nhưng Ngài vẫn đính kèm một sứ-điệp rất khác từ một Thiên-Chúa, cũng khác lạ. Ta có thể gọi sự việc này là tình thân-thương kết bạn nhiều hỗ-trợ và đỡ-nâng,.

Đức Giêsu thực-thi “tiệc bàn rộng mở” và Ngài cũng đã chữa-lành miễn phí rất nhiều người. Theo tôi, sứ-vụ của Ngài đặt nền-tảng thế này: Ngài mời gọi mọi người mặc vào mình lối sống có thách-thức, nhưng đầy trợ-lực.

Trọng-tâm cuộc vận-động do Ngài thành-lập từ đầu là cùng tham-gia “tiệc bàn rộng mở” và Ngài còn chữa-lành miễn phí cho nhiều người. Phối-hợp việc sẻ-san chất-lượng ăn uống bằng chất-liệu thiêng-liêng để chữa-lành như thế, còn thấy rõ nơi cốt-lõi của sứ-vụ Đức Giêsu thực-hiện.

Tiến-trình này, còn đưa vào thứ linh-đạo khác biệt hẳn về nền-tảng. Sự việc này, nhằm mục-tiêu đưa các bản-thể gộp chung vào cộng-đoàn vốn trải-nghiệm tình thương-yêu Chúa đặt nơi bạn đồng-hành cùng một cảm-tính, không chỉ ngang qua mỗi động-thái đồng-hành ấy, mà thôi.

Ngài không theo hệ-cấp trên/dưới nối kết chủ-nhân với người trung-gian/môi giới; cũng chẳng kết-hợp với người ở thế đứng trung-lập trong xã-hội vốn tạo cơ-cấu Đạo/đời ở Địa Trung Hải. Đức Giêsu sống-thực quan-hệ rộng mở và trực-tiếp với Thiên-Chúa và Ngài mời gọi mọi người hãy hành-xử giống như Ngài.

Vương-Quốc-Nước-Trời không là chương-trình dành cho người đơn chiếc, tách-biệt nhưng là đường lối sống đại-đồng có trợ-lực người tham-gia/can-dự để họ có thể tiếp-cận trực tiếp với Thiên Chúa, thay vì trở-thành thứ gì đó thay cho thách-thức này.

Tiếp theo đây là đoạn Tin Mừng từng đề-cập đến sứ-vụ này:

“[Đức Giêsu] bảo các ông: Anh em hãy ra đi. Này, Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường.”

“Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình-an cho nhà này!” Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình-an, thì bình-an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình-an đó sẽ trở lại với anh em. Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. [Với tác-giả Luca thì như thế; còn tác-giả Mát-thêu lại gọi đó là thực-phẩm] Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia.

“Vào bất cứ thành nào được người ta tiếp đón, hãy cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. Hãy chữa-lành người đau yếu trong thành, và nói với họ: “Triều-Đại Thiên-Chúa đã đến gần các ông.”

Nhưng vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em hãy ra quảng-trường mà nói: “Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông. Tuy nhiên, các ông nên biết điều này: Triều-Đại Thiên-Chúa đã gần kề.” (Lc 10: 2-11, cộng thêm một đôi điều để nhấn mạnh)

Ở đây, một số câu hỏi cần đặt ra để ta tra-vấn đoạn này. Trước nhất, hỏi rằng: Ai là người được Đức Giêsu sai lên đường thực-hiện sứ-vụ như thế? Trình-thuật tác-giả Thomas ghi, chỉ nói: họ là những người “dấn bước theo” Ngài, thôi. Còn, trình-thuật Tin Mừng Nguồn (tức Quelle) lại qui về “70 tông-đồ khác”.

Trong khi đó, trình-thuật tác-giả Mác-cô qui về nhóm “Mười Hai”. Nên, câu trả lời của tôi ở đây, cho vấn-nạn này là: các vị được Đức Giêsu sai đi, không thuộc nhóm/hội gần-cận với Ngài và chẳng phải môn-đồ đặc-biệt.

Nhưng, có thể là, một số các vị lại không là người từng tự-ý từ-bỏ hết mọi sự, mà là thừa-sai vừa để mất tất cả mọi thứ. Các vị này được định-danh là người tách-bạch nghèo đói khỏi niềm tuyệt-vọng.

Ở nơi đó, đã thấy ló rạng tiến-trình thành-thị-hoá do người La Mã áp-đặt nặng-nề lên những người nhà quê chân-chất, ở thôn làng. Không phải mọi nông-gia đều ra như tuyệt-vọng hết, nhưng cuộc sống của họ lại đã trở-nên bấp-bênh, bất ổn.

Theo tôi, Đức Giêsu đã tạo hệ-thống chữa-lành mang tính khải-huyền sẻ-san cho mọi người hệt như ông Gioan cũng đã tạo hệ-thống các kỳ-vọng được san sẻ.

Điểm đặc-trưng/đặc-thù tôi đưa ra để bàn về chuyện này, là cụm-từ “vốn dĩ là người…” Kịp khi tác-giả Mác-cô kể truyện, ông đã đặt vào miệng Đức Giêsu lệnh-bài sai nhóm Mười Hai ra đi từng hai người một.

Ở đây, ta nên hỏi: sao lại thế? Nhìn về đoạn trước, khi hướng về truyện kể mang tính biểu-trưng để ta được học nhiều điều hơn nữa. Học kỹ-lưỡng các chương/đoạn nói về Phục Sinh –như truyện “Trên đường Emmaus” chẳng hạn, ta nhận ra được ý-nghĩa làm nền cho việc thực-hiện thừa-sai theo phương-cách đi từng cặp “hai người một”.

Truyện kể hai đồ-đệ dấn bước theo chân Đức Giêsu đi từ Giêrusalem đến Emmaus vào Chúa Nhật Phục Sinh hôm ấy, thì: một vị mang tên Cleopas, là nam-nhân. Còn vị kia, không được nêu danh-tánh, nhưng ta vẫn đoán được vị ấy là nữ-phụ.

Tuy thế, cũng nên nhớ rằng: thừa-tác-viên nữ này chưa từng được Kinh Sách định-danh gọi là vợ của đồ-đệ mang tên Cleopas, bao giờ hết. Nên, ta phải hiểu câu “Hãy đi từng cặp hai người một” theo nghĩa nào, ở đây?

Tác-giả Phaolô, khi bàn về sinh hoạt mục-vụ của ông ở “thư thứ nhất gửi giáo-đoàn Côrinthô”, ông lại viết: “Phải chăng tôi không có quyền đem theo một chị/em tín-hữu như tông-đồ khác, như anh em của Chúa và như ông Kê-pha sao?” (ICor 9: 5)

Tiếng Hy-Lạp, nghĩa đen của cụm từ “chị-vợ” dịch sang Anh-ngữ lại trở-thành “là vợ và cũng là kẻ tin”. Ông Phaolô, trên thực-tế, không lập gia-đình với ai hết. Thế nên, theo tôi thì, khi định-danh bằng cụm-từ “chị-vợ”, ta không nên qui về người phối-ngẫu trong hôn-nhân, mà chỉ là thừa-tác-viên nữ từng tháp-tùng các nam thừa-tác-viên như ta thường thấy thế-giới bên ngoài làm thế.

Nữ-phụ đi cùng đồ-đệ Cléopas ấy, chắc-hẳn không là ai khác ngoài bà vợ của ông. Thế nhưng, hỏi rằng: Sao phải đi từng cặp hai người một như thế? Câu trả lời, hẳn sẽ rõ là: có làm thế mới, bảo-vệ được nữ thừa-tác-viên về mặt xã-hội, vốn dĩ là người từng lữ-hành ở thế-giới do nam-nhân chuyên cầm-cân-nẩy-mực, chuyên khuynh-loát theo cung-cách rất bạo-lực.

Theo tôi, đó là chủ-đích ban đầu của Đức Giêsu khi Ngài sai-phái mục-tử “đi-từng-cặp-hai-người-một” cốt để cho nữ-giới cũng được phép làm công-tác mục-vụ, như nam-nhân.

Sinh-hoạt mục-vụ “đi-từng-cặp” như thế có nghĩa rất rõ ở điểm: nó không chỉ giúp ta hiểu được ý của Đức Giêsu, nhưng còn cho phép nữ-giới có vai-trò đáng kể nơi Đạo Chúa, ở thời hiện-đại.

Đoạn trên, giúp ta có cái nhìn thận-trọng hơn qua lời dặn: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép [đó là lời dặn-dò các giới-chức]. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường.” Đây là hình-ảnh về những gì mà ngày nay ta thường gọi là “qui-định về sắc-phục” đặt ra cho cuộc vận-động Vương-Quốc-Nước-Trời. (X. John Dominic Crossan, Who is Jesus, Westminster John Knox Press 1999, tr.88-89)

Thế đấy! Ra đi với người ở ngoài, ngoài Đạo/ngoài đời là như thế. Không sắc-phục lộng-lẫy, cũng không phận-biệt gái/trai, già/trẻ. Ra đi, trong tư-thế thoải-mái, dễ chịu như những người không còn gì để sợ mất. Nhưng, là giúp người khác không sợ mất mát gì. Bởi, người đời vẫn cứ bảo-ban và nhắn-nhủ những lời như:

“Bạn lòng thân mến

đây tôi hiến bài ca

mong ai hát vui hòa

Bạn là xuân thắm

Cho tôi đón nhiều hoa

gieo hương mái tranh nhà

Rồi ta chung ngắm

Đôi chim lướt trời xa

Say sưa muôn tiếng ca

Để hồn vui nhớ, câu mơ ước ngày xưa

Nay dâng đẹp tình thơ.”

(Hoàng Trọng/Hồ Đình Phương – bđd)

Nay dâng đẹp tình thơ” qua điệu nhạc, là như thế. Như thế, tức: vẫn đẹp một cuộc đời giống như lời kể ở cốt truyện nhè nhẹ như sau:

Tại một quán ăn ở Thượng Hải, có một cô hầu bàn phụ trách mang thức ăn lên cho chúng tôi, nhìn cô ấy trẻ trung tựa như một chiếc lá non.

Khi cô ấy bê cá hấp lên, đĩa cá bị nghiêng. Nước sốt cá tanh nồng rớt xuống, rơi xuống chiếc cặp da của tôi đặt trên ghế. Theo bản năng tôi nhảy dựng lên, nộ khí xung lên, khuôn mặt trở nên sầm xuống.

Thế nhưng, khi tôi chưa kịp làm gì, con gái yêu của tôi bỗng đứng dậy, nhanh chóng đi tới bên cạnh cô gái hầu bàn, nở một nụ cười dịu dàng tươi tắn, vỗ vào vai của cô bé và nói: “chuyện nhỏ thôi, không sao đâu”

Nữ hầu bàn vô cùng ngạc nhiên, luống cuống kiểm tra chiếc cặp da của tôi, nói với giọng lúng túng: “Tôi… để tôi đi lấy khăn lau … ”

Không thể ngờ rằng, con gái tôi bỗng nói: “Không sao, mang về nhà rửa là sạch rồi. Chị đi làm việc của chị đi, thật mà, không sao đâu, không cần phải đặt nặng trong tâm đâu ạ.”

Khẩu khí của con gái tôi thật là nhẹ nhàng, cho dù người làm sai là cô hầu bàn. Tôi trừng mắt nhìn con gái, cảm thấy bản thân mình như một quả khí cầu, bơm đầy khí trong đó, muốn phát nổ nhưng không nổ được, thật là khốn khổ.

Con gái bình tĩnh nói với tôi, dưới ánh đèn sáng lung linh của quán ăn, tôi nhìn thấy rất rõ, con mắt của nó mở to, long lanh như được mạ một lớp nước mắt.

Tối hôm đó, sau khi quay trở về khách sạn, khi hai mẹ con nằm lên giường, nó mới dốc bầu tâm sự:

Con gái tôi phải đi học ở London 3 năm. Để huấn luyện tính tự lập cho nó, tôi và chồng không cho nó về nhà vào kỳ nghỉ, chúng tôi muốn nó tự lập kế hoạch để đi du lịch, đồng thời cũng muốn nó thử trải nghiệm tự đi làm ở Anh Quốc.

Con gái tôi hoạt bát nhanh nhẹn, khi ở nhà, mười đầu ngón tay không phải chạm vào nước, những công việc từ nhỏ tới lớn cũng không đến lượt nó làm. Vậy mà khi rơi vào cuộc sống lạ lẫm tại Anh Quốc, nó lại phải đi làm bồi bàn để thể nghiệm cuộc sống.

Ngày đầu tiên đi làm, nó đã gặp phải rắc rối.

Con gái tôi bị điều đến rửa cốc rượu trong nhà bếp. Ở đó có những chiếc cốc thủy tinh cao chân trong suốt, mỏng như cánh ve, chỉ cần dùng một chút lực nhỏ là có thể khiến chiếc cốc bị vỡ, biến thành một đống vụn thủy tinh.

Con gái tôi thận trọng dè dặt, như bước đi trên băng, không dễ dàng gì mà rửa sạch hết một đống lớn cốc rượu. Vừa mới thả lỏng không chú ý, nó nghiêng người một chút, va vào một chiếc cốc, chiếc cốc liền rơi xuống đất, “xoảng, xoảng” liên tục những âm thanh vang lên. Chiếc cốc hoàn toàn biến thành đống thủy tinh vụn lấp lánh trên mặt đất.

“Mẹ ơi, vào thời khắc đó, con có cảm giác bị rơi xuống địa ngục.” giọng nói của con gái tôi vẫn còn đọng lại sự hồi hộp lo lắng.

“Thế nhưng, mẹ có biết người quản lý ca trực đó phản ứng thế nào không? Cô ấy không hề vội vàng mà bình tĩnh đi tới, kéo con lên và nói: Em gái, em không sao chứ?”

Sau đó, cô ấy quay đầu lại nói với những người khác: Các bạn mau đến giúp cô gái này dọn dẹp sạch đống thủy tinh nhé!

Đối với con, ngay đến cả một chữ nửa câu trách móc cũng không có!”

Lại một lần nữa, khi con rót rượu, không cẩn thận làm đổ rượu vang nho lên chiếc váy trắng của khách, khiến cho chiếc váy trở nên loang lổ.

Cứ tưởng vị khách đó sẽ nổi trận lôi đình, nhưng không ngờ cô ấy lại an ủi con: “không sao đâu, rượu ấy mà, không khó giặt.”

Vừa nói, vừa đứng lên, nhẹ nhàng vỗ vào vai con, từ từ đi vào phòng vệ sinh, không nói toang lên, cũng không làm ầm ĩ, khiến con tròn mắt như con chim yến nhỏ vì quá đỗi ngạc nhiên.

Giọng nói của con gái tôi, mang đầy tình cảm: “Mẹ à, bởi vì người khác có thể tha thứ lỗi lầm của con trước đây, nên mẹ hãy coi những người phạm sai lầm kia như con gái của mẹ, mà tha thứ cho họ nhé!”

Lúc này, không khí trở nên tĩnh lặng như màn đêm, tròng mắt của tôi ướt đẫm lệ…

Tha thứ cho người khác chính là tha thứ cho chính mình. Như tác giả nổi tiếng Andrew Matthews từng viết: “Bạn tha thứ cho mọi người vì chính lợi ích thiết thân của bạn. Nó sẽ làm cho bạn hạnh phúc hơn.”

Bạn thân mến, chúng ta cảm động khi người khác cảm động, điều đó khiến chúng ta có thể thay đổi hành vi và lời nói của chính mình, hãy để những thiện ý này lưu truyền mãi về sau … như thế, mỗi ngày của chúng ta sẽ đều là hạnh phúc và may mắn!” (Theo NTDTV)

Nghe truyện kể nhè nhẹ như thế rồi, nay lại xin bạn, xin tôi ta hãy về với vườn nho đầy Lời Nhắn rất thanh tao, nhè nhẹ ở Kinh Sách, như sau:

“Anh chị em hãy có lòng nhân từ,

như Cha anh chị em là Đấng nhân từ.

Anh em đừng xét đoán,

thì anh chị em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán.

Anh chị em đừng lên án,

thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án.

Anh chị em hãy tha thứ,

thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.

Anh chị em hãy cho,

thì sẽ được Thiên Chúa cho lại.

Người sẽ đong cho anh chị em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn,

mà đổ vào vạt áo anh chị em.

Vì anh chị em đong bằng đấu nào,

thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh chị em bằng đấu ấy.”

(Lc 6: 36-38)

Nghe Đấng Thánh Nhân-hiền trong Đạo bảo thế rồi, nay mời bạn và mời tôi, ta lại nghe hát thêm một lần nữa, những lời êm ả, nhè nhẹ như câu ca vẫn nghe thấy:

“Bạn lòng thân mến,

đây tôi hiến bài ca,

mong ai hát vui hòa.

Bạn là xuân thắm,

Cho tôi đón nhiều hoa,

gieo hương mái tranh nhà.

Rồi ta chung ngắm,

Đôi chim lướt trời xa,

Say sưa muôn tiếng ca.

Để hồn vui nhớ,

câu mơ ước ngày xưa,

Nay dâng đẹp tình thơ.”

(Hoàng Trọng/Hồ Đình Phương – bđd)

Có hát lời ‘dâng hiến một bài ca’ thôi, cũng rất đủ. Bởi, cứ hát như thế mãi rồi ra cũng có ngày bạn và tôi, ta thực hiện được những lời nhắn ở trong Đạo, lẫn ngoài đời.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn nghe những lời

Từng nhắn và nhủ cũng rất nhiều.

Nhưng, nhớ và thực hiện

Vẫn chẳng được bao nhiêu.

Thế mới chết!

Ngươi giam chí lớn vòng cơm áo,

“Ngươi giam chí lớn vòng cơm áo,”

Ta trói thân vào nợ nước mây.

Ai biết thương nhau từ thuở trước,

Bây giờ gặp nhau trong phút giây.”

(Dẫn từ thơ Nguyễn Bính)

Mai Tá, lược dịch

“Ai biết thương nhau từ thuở trước, nên vẫn trói thân vào nợ nước mây”, lời thơ đời nhiều lúc cũng xứng-hợp với tâm-tình nhà Đạo, vào những ngày có Chúa tỏ bày sự thật tình thương yêu với nhiều người, dù thiếu thốn. Tình nhà Đạo hôm nay, lại được diễn-bày một lần nữa bằng nhiều thứ cả truyện kể dân gian, lẫn trình thuật.

Về truyện kể, mới đây tôi được mời đến ăn tối ở nhà người bà con, thân thuộc. Gia đình lúc ấy đang ở trong tình huống lúng túng với cô con gái tuổi mới 13, mà tinh khí đã thất thường. Trước mặt khách quan, mà cô bé vẫn tỏ thái độ bất cần đời, nổi loạn. Cô không thích món rau trộn mẹ cô làm. Nên, mặt mày cô ủ rũ, nhất quyết tuyệt thực, để phản đối. Tự nhiên, món rau trộn trở thành đầu giây mối nhợ cho một mâu thuẫn, nghịch thường giữa hai thế hệ, mẹ và con.

Bà mẹ cố nhỏ nhẹ thuyết phục con gái yêu bằng những lời lẽ, rất ôn tồn: “Con à, phí của giời như thế, tội chết! Con biết không, trên thế giới còn rất nhiều người thèm được ăn cọng rau con bỏ đi, đấy. Họ mà ăn được đĩa sà-lát này, chắc sẽ nhớ ơn suốt đời”. Nghe thế, chẳng nói chẳng rằng, cô bé vụt dậy, bỏ đi nơi khác.

Hồi sau trở lại, cầm chiếc phong bì lớn với cây bút nét đậm, cô đổ luôn đĩa rau vào phong bì, dán lại rồi vùng vằng nói: “Vậy chứ, bà muốn tôi gửi gói rau thúi cho đứa chó chết nào đây? Địa chỉ đâu?” Chứng kiến cảnh ‘hỡi ôi’ ấy, tôi thấy, ở đời làm cha làm mẹ không phải chuyện dễ. Sống độc thân như tôi, có khi thế mà lại hay. Nhưng, tất cả vẫn là: thông cảm, hoà hoãn, và kết hợp.

Phúc âm hôm nay cho thấy, khi biến 5 chiếc bánh và 2 con cá nuôi đủ 5 ngàn người, Đức Kitô nói thêm: “Mấy ông hãy thu nhặt các vụn vặt, còn thừa. Đừng bỏ phí.” Nghe Ngài nói, chắc người phương Tây chúng ta cũng chẳng bao giờ mường tượng nổi cái cảnh bụng đói cồn cào mà người dân ở các nước chậm phát triển đang gặp, hằng ngày.

Có chứng kiến cảnh người nghèo đói chết dọc đường, các nước Âu Mỹ mới biết họ đang phung phí của ăn thức uống, đến chừng nào. Có lẽ, phải là thân thuộc người nhà đang chết dần chết mòn vì đói, hẳn mọi người mới thấy quý cuống rau, hột gạo. Và, dân tộc nào một khi đã kinh qua cảnh kinh tế suy thoái, chiến tranh điêu tàn, mới thấu hiểu ý nghĩa của câu nói: “Đừng bỏ phí!”.

Ngày nay, những ai có kinh nghiệm về đói-nghèo, đều đã cảnh giác trước những tình huống phung phí, đổ bỏ. Trong khi đó, ngược lại, vẫn có nhiều người tìm cách quên đi những tháng ngày cồn cào, thời bĩ cực. Họ chỉ biết quan tâm đến chuyện ‘khoan khoái’, hưởng thụ. Với người sống ở các nước đã phát triển, như cô bé tuổi 13 vừa kể, đói và khát chỉ là chuyện trong sách vở, quá khứ. Con người ngày nay đã quen đi các thảm cảnh xưa cũ, đang ‘ăn vào’ thân xác của mình, để rồi cứ thế béo phì, dư mỡ.

Có người còn cho rằng: câu truyện Phúc âm về 5000 người được nuôi béo, đủ ăn, hoàn toàn có tính cách tượng trưng, giả tưởng. Chẳng cần tranh cãi, câu truyện Tin Mừng hôm nay qui chiếu về Thân Mình Đức Kitô, nơi đó chúng ta đang được Đức Chúa nuôi dưỡng bằng tình thương yêu, linh đạo. Tin Mừng của Chúa còn soi dọi về bữa tiệc lòng mến viên mãn, kéo dài. Ở nơi đó, không còn ai bụng đói, chết thèm. Dù chỉ cuống rau, hột gạo hoặc giọt nước trong lành.

Tin Mừng của Chúa đòi chúng ta nhìn vào thế giới hôm nay, với nhãn giới Vương quốc Nước Trời; ở đó, vị Chúa tể Tình thương vẫn san sẻ, quyết rời bỏ chốn ngai vàng bệ cao, ngõ hầu những người bụng cồn dạ đói, mới có được sự đỡ nâng, no đầy. Và, lúc ấy, các người giàu sang, phung phí lâu nay chẳng đoái hoài gì chuyện sẻ san, nuôi sống kẻ khác, sẽ bị án phạt, chúc dữ.

Có một yếu tố được gọi là sự ‘lầm-lỡ ân-tình’. Chính nhờ yếu tố này, chúng ta biết được những gì ta chịu làm, hoặc vẫn không muốn làm, ngõ hầu đem Vương quốc Nước Trời về với thế-giới-có-quá-nhiều-thức-ăn-thừa-mứa.

Nếu biết rằng, trên thế giới, mỗi ngày bình quân có đến 29,000 người đã và đang chết một cách lãng phí, chỉ vì thiếu thức ăn, nước uống; và từ đó, là bệnh tật do thiếu thốn, do thái độ cố ý quên lãng nơi những người dư ăn, dư mặc là chúng ta; thì thử hỏi: phải chăng đây là một đáp trả có lý lẽ, hẳn hòi?

Vấn đề đặt ra hôm nay, là: có một khoảnh khắc trầm lặng, lành mạnh nào đó khơi dậy cuộc sống của chúng ta, về một chuyển đổi các thứ tự ưu tiên trong mọi sự việc. Chuyển đổi các thứ tự ưu tiên trong hành động, để rồi dẫn đến kêu gọi phải có thay đổi trong quyết định đối xử với nước nghèo, người nghèo?

Cụ thể hơn, cần có một thay đổi về hệ cấp ưu tiên trong hành xử; ưu tiên cao, từ nay, không còn tùy vào số lượng và kết quả của súng ống bom đạn nữa, mà là số lượng các bé lê lết thân gầy, những bụng cồn, dạ đói, đang chết khát.

Tôi vẫn tự hỏi: Đức Chúa nghĩ gì khi Ngài nghe người các nước giàu sang biện luận rằng: sở dĩ họ không chia sớt thức ăn, của cải cho người nghèo đói, là vì tại đây vẫn còn các nhà độc tài, tự cao tự mãn, chuyên ăn trên ngồi chốc, không lo cho con dân của mình; thậm chí, vẫn cứ vơ vét tiền tài, vật chất đem chôn giấu tại các ngân hàng úp mở ở Thụy sỹ -hay đâu đó- hoặc vẫn bỏ tiền ra quyết xây dựng thật nhiều vũ khí hạt nhân, qui ước. Và, muôn ngàn lý do khác khả dĩ biện minh cho thái độ ơ hờ, quên lãng.

Dù có phải đối đầu với những vấn đề phức tạp như thế, chúng ta vẫn còn khá nhiều phương thế thực tiễn hầu cứu sống người đói kém, nghèo hèn. Bởi, người nghèo đói có được cứu sống, đỡ nâng tăng cường sinh lực, thì một ngày no đó, mới có khả năng lo cho đất nước, dân tộc của chính mình.

Với câu nói xấc xược của cô bé tuổi 13: “Vậy chứ, bà muốn tôi gửi mớ rau thúi cho đứa nào đây?” tôi đã có câu trả lời: “Này cháu, hãy viết chính tên mình vào bì thư mà gửi. Bởi, chính sự dư dật thừa mứa lâu nay đã biến cháu thành người có nhiều nhu cầu nhất thế giới đó.”

Cầu mong Tiệc thánh hôm nay giúp ta làm được đôi chuyện cho trái đất này, như ta sẽ làm ở nơi cao, chốn vĩnh hằng, muôn thuở. Bởi, Vương quốc Nước Trời chính là chốn có nhiều người bụng đói, môi miệng khát thèm dù chỉ một giọt nước trong lành. Bởi, nơi đó, mọi người không kể đói no giàu nghèo, đều được đón tiếp, ăn uống thỏa thuê. Bởi, những gì ‘dư thừa còn sót’ đã được các đấng công chính thu nhặt lại, chẳng bỏ phí. Và, ở nơi đó, chẳng có gì để vứt bỏ, phung phí.

Quả là, trần gian còn đó nỗi buồn. Buồn, vì vẫn còn nghịch lý, trớ trêu. Trớ trêu, vì lý lẽ rất nghịch là bởi người đời sống với nhau rất gần, kéo dài nhiều năm tháng, nhưng vẫn chẳng tìm đâu ra nỗi niềm hân hoan, trao đổi. Người người vẫn cứ quan hệ đối trao, nhưng nào có được sự cảm thông, kết hợp. Chí ít, là thông cảm thắm thiết tình mẹ con, chồng vợ.

Nỗi buồn trần gian cứ mãi miên trường, không dứt. Và, trớ trêu vẫn chỉ chấm dứt, khi những người con trâng tráo, xấc xược biết thông cảm, hiểu được mẹ hiền. Nghịch lý cuộc đời sẽ chỉ kết thúc, một khi kẻ giàu người sang biết san sẻ tiền tài, vật chất với dân hèn mạt kiếp, đang cồn cào đói khát hiệp thông, chia sớt.

Chia của ăn thức uống, sớt tình thương yêu, vỗ về, khi ấy, Nước Trời đã trở thành hiện thực. Vương quốc Đức Kitô đã nên ngời sáng. Đấy mới là nhu cầu ‘ắt và đủ’ trong cuộc sống, người đời.

Bằng động-thái san sẻ tình thương-yêu qua bánh/cá, ta lại sẽ ngâm tiếp lời thơ trên, rằng:

“Ai biết thương nhau từ thuở trước,

Bây giờ gặp nhau trong phút giây.”

(Nguyễn Bính – Hành Phương Nam)

Thương nhau từ thuở trước, là thương và san sẻ cho nhau những gì những gì người còn thiếu thốn. Sẻ và san tất cả, để mỗi người và mọi người sẽ còn nhớ mãi tình Chúa yêu thương hết muôn người. Thương yêu mọi người, Ngài luôn tỏ bày trong mọi tình-huống có sẻ san, giùm giúp rất đùm bọc, ở trong đời. Với mọi người.

Lm Richard Leonard sj biên soạn – Mai Tá, lược dịch

Tin Mừng ((Ga 6: 1-15)

Sau đó, Đức Giê-su sang bên kia Biển Hồ ở Galilê, cũng gọi là Biển Hồ Tibêriat. Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm. Đức Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái.

Ngước mắt lên, Đức Giêsu nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Philípphê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?”

Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi. Ông Philípphê đáp: “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút.” Một trong các môn đệ, là ông Anrê, anh ông Simôn Phêrô, thưa với Người: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!” Đức Giêsu nói: “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi.” Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. Vậy, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý. Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.” Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng. Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giêsu làm thì nói:”Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian! ” Nhưng Đức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.

TÌM KIẾM LƯƠNG THỰC THIÊNG LIÊNG

TÌM KIẾM LƯƠNG THỰC THIÊNG LIÊNG

(Suy niệm Tin Mừng thánh Mác-cô (6, 30-34)

Ông Delia Delgatto, Giám đốc Trung tâm quốc gia chăm sóc trẻ em của Chi-lê cho biết: Một bé trai người Chi-lê 10 tuổi, bị cha mẹ nghiện ma tuý nặng, vứt bỏ ra đường từ lúc lên năm. Từ đó, em chung sống với một đàn chó hoang chừng 15 con trong một cái hang tại thành phố cảng Talcahuano, ở phía Nam Chi-lê. Ngày ngày cậu bé cùng đi kiếm ăn chung với đàn chó. Hôm nào không tìm được thực phẩm, những con chó cái trong đàn đã cho bé trai này bú sữa của chúng.

Ông Delia kể tiếp: “Cảnh sát Chi-lê bắt lại được bé trai này khi bé nhảy xuống một cái hồ tìm cách thoát thân.”

Vì lâu ngày ở chung với chó, em không biết nói tiếng người mà chỉ biết gầm gừ như chó. Vì em cũng chẳng biết tên của mình nên báo chí gọi em là Bé Chó. (nguồn:Vietcatholic ngày 21 tháng 6 năm 2001)

Bé Chó nầy không hề thiếu lương thực nuôi xác, nhưng em thiếu hoàn toàn lương thực tinh thần như văn hoá, lễ nghĩa, lời dạy bảo khôn ngoan… nên em không thể thành người. Tuy có hình hài con người nhưng em lại mang tính cách của loài chó hoang.

Sự kiện hiếm có nầy chứng tỏ rằng nếu chỉ dùng lương thực nuôi xác mà không hấp thụ lương thực tinh thần, con người trở nên như con vật.

Để trở thành người, chúng ta không chỉ cần cơm bánh, mà còn cần đến văn hoá, giáo dục và nhất là Lời khôn ngoan mang lại sự sống đời đời của Chúa Giê-su (Mt 4,4).

Khao khát lương thực tinh thần

Sau cuộc hành trình truyền giáo vất vả khó nhọc, các Tông Đồ tụ họp quanh Chúa Giê-su và kể cho Ngài biết thành quả các ông vừa đạt được. Bấy giờ đám đông dân chúng tuôn đến đông đúc, kẻ tới người lui tấp nập, khiến các môn đệ không còn giờ nghỉ ngơi và ăn uống. Chạnh lòng thương các Tông Đồ vất vả nhiều mà chẳng được nghỉ ngơi, Chúa Giê-su bảo các ngài hãy lánh riêng ra một nơi thanh vắng để nghỉ ngơi đôi chút.

Kế đó, Chúa Giê-su và các môn đệ xuống thuyền tìm chỗ nghỉ ngơi. Đoàn dân chúng đoán biết địa điểm mà Chúa Giê-su và các môn đệ sẽ tới, nên họ vội vã chạy đến nơi ấy trước Chúa Giê-su.

Thế là khi vừa bước lên bờ, Chúa Giê-su lại gặp đông đảo những người mà Ngài mới từ giã họ để lánh qua đây.

Trước đám đông dân chúng đổ xô đến với mình như đoàn chiên không có người chăn dắt, Chúa Giê-su chạnh lòng thương xót họ và ban cho họ thứ lương thực thiêng liêng tối cần thiết là những lời dạy dỗ khôn ngoan. (Mc 6,34)

Hôm nay, chúng ta không phải vất vả tìm kiếm Chúa Giê-su để được đón nhận Lời khôn ngoan của Ngài như đám đông người Do-thái được thuật lại trên đây, vì chúng ta có Lời Chúa ở bên cạnh chúng ta, có Chúa Giê-su là hiện thân của Sự Khôn Ngoan đang sống giữa chúng ta.

Vấn đề quan trọng là chúng ta có mở tâm  hồn ra để đón nhận, có bỏ công sức để khai thác “Kho Tàng” vô giá này hay không.

Khai thác kho tàng trong tầm tay

Người Ả-rập Xê-út trước đây mang phận nghèo truyền kiếp mặc dù tổ tiên họ sở hữu một kho báu vĩ đại nằm ngay dưới chân mình. Đó là nguồn dầu lửa khổng lồ chiếm hơn một phần tư trữ lượng dầu của toàn thế giới. Tiếc thay, vì không biết khám phá kho tàng đó, nên cha ông họ đã sống trong nghèo đói cùng cực từ đời nầy sang đời khác.

Từ năm 1938, nhờ việc phát hiện và khai thác kho “vàng đen” vĩ đại này, Ả-rập Xê-út trở thành nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới và nhân dân Ả-rập trở thành những người giàu có.

Như người Ả-rập xưa, chúng ta cũng đang sống bên cạnh kho tàng khôn ngoan của Thiên Chúa. Kho tàng đó là Lời Chúa được ghi lại trong Kinh Thánh. Kho tàng đó là chính Chúa Giê-su, hiện thân của sự Khôn Ngoan Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Nhưng tiếc thay chúng ta không biết khai thác kho tàng khôn ngoan bên cạnh mình, nên chúng ta vẫn còn là những người nghèo đói trong đời sống tâm linh.

* * *

Muốn bắt được cá lớn, người ta phải dong buồm ra khơi vì không ai có thể câu được cá lớn ven bờ. Muốn tìm được trầm hương, người ta phải lặn lội vào rừng sâu đầy gian nan hiểm trở… Vậy muốn tìm được kho báu, chúng ta phải chấp nhận gian lao thử thách.

Lạy Chúa Giê-su,

Xin giúp chúng con sẵn sàng hy sinh thời giờ và công sức để tìm kiếm và khai thác “Kho báu” trong Tin Mừng của Chúa, nhờ đó chúng con  được trở nên giàu có trong đời sống thiêng liêng, được hạnh phúc trong cuộc sống hằng ngày.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

Tin Mừng thánh Mác-cô 6, 30-34

30 Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy.31 Người bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa.32 Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng.33 Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài.34 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.”

Tác giả: Lm. Inhaxio Trần Ngà

CHÚA GIÊSU SAI 12 TÔNG ĐỒ RA ĐI

CHÚA GIÊSU SAI 12 TÔNG ĐỒ RA ĐI

Chúa Giêsu gọi mười hai tông đồ và sai từng hai người đi, Người ban cho các ông có quyền trên các thần ô uế. Và Người truyền các ông đi đường, đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo. (Mc 6, 7-13).

Thời của Chúa Giêsu, tiên khởi chỉ có vỏn vẹn 12 Tông Đồ. Sau một thời gian ngắn đi theo Thầy Giêsu để được học đạo và được Ngài truyền cho tất cả những bửu bối để được cùng với Ngài truyền bá Nước Trời, đến cùng dân chúng khắp nơi xa gần. Chúa sai từng hai người đi. Người truyền các ông đi đường, đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo.

Tại sao Thầy Giêsu lại tuyển từng hai tông đồ của Người đi, mà không từng người một? Có phải Thầy Giêsu sợ rằng tông đồ của Ngài còn quá yếu kém về đức tin, về sự nhút nhát, còn nặng lòng với những đam mê của danh, lợi, thú trần gian?. Đi lẻ như thế thì dễ bị Sói ăn thịt? Vì có phải Ngài sai chiên của Ngài ra đi như thế chẳng khác nào như chiên non đi giữa bầy sói, nên Ngài đã tuyển chọn hai tông đồ một cùng đi chung với nhau; để luôn nhắc nhở nhau trọng trách, trách nhiệm, về sứ mạng Rao Giảng Nước Trời đã được Thầy Giêsu giao phó?.

Người ban cho các ông có quyền trên các thần ô uế. Từ trước cho đến thời của Chúa Giêsu, hình như chưa nghe ai nói về vấn đề có bất kỳ một ai, mà có đủ quyền năng để khai trừ được các thần ô uế bao giờ. Nay, nhờ vào quyền phép và nhân danh Thầy Giêsu, tất cả mọi thần ô uế đều phải run giùng sợ hãi mà xuất ra trên những con người đang bị chúng hành hạ đớn đau thân xác. Tiếng tốt đồn xa, mọi người khắp mọi nơi được nghe danh Thầy Giêsu mà tuôn đến, để học Giáo Lý Mới của Người. Một Giáo Lý Mới mà chân lý của Người được tỏ bày một cách thật giản đơn qua các Dụ Ngôn, qua tình yêu chân thật, qua những tín lý mà các Tông Đồ đã được hấp thụ một cách am tường.

Được ơn đặc biệt của Chúa Thánh Thần mạc khải Nước Trời cho các ông biết, để tất cả đều tuyên tín những gì phát xuất ra từ Người là những huyền nhiệm cao siêu, vì chính Người đích thực là Con Một Thiên Chúa. Chỉ có sự mạc khải đặc biệt ấy, mà các ngài trở nên những tông đồ có đầy lòng nhiệt huyết, có sức mạnh từ trên, có tràn đầy thần khí Chúa, để mạnh dạn dấn bước trên những con đường mà sự gian nan khổ sở đang chờ đợi các ngài trước mặt.

Vâng, chỉ có những con người có được ơn gọi thật đặc biệt, cho dù trong mọi hoàn cảnh có éo le, có xem chừng như thử thách luôn được giăng mắc trước mặt. Những ai Chúa đã chọn, có phải Người phải ban cho môn đệ của Người những khí cụ thật riêng biệt, phù hợp với khả năng của họ. Chẳng khác nào như những hiệp sĩ được Vua trao ban cho loại khí giới được nhà Vua tìm kiếm thợ nhà nghề đúc cho được một loại khí giới rất độc đáo nào đó, mà người hiệp sĩ đó rất tự tin trong món nghề tài giỏi xuất chúng của mình. Để có thể đi cứu cho được công chúa của nhà Vua đã bị một người khổng lồ bắt giam trên núi cao của tử thần trong các chuyện thần thoại.

Chúa Giêsu truyền các ông đi đường, đừng mang gì, thưa tại vì sao? Không ai đi xa mà không mang theo thứ gì cho mình, hoặc ít cũng phải lận trước vào người của mình một ít chỉ vàng hay một vài cây vàng để phòng thân. Khi yên nơi yên chỗ sẽ tìm cách báo cho người nhà mình biết, để sau đó làm cách nào mà người nhà có thể chuyển tiền bạc đến sau cho mình. Đó là nói sự ra đi đó có tính cách gấp rút không có đủ thời gian để chuẩn bị hành trang chứ ai đời như Chúa Giêsu vậy! Sai học trò của mình ra đi một nơi xứ xa lạ, chẳng gởi gắm học trò của mình đến đâu để ở cả!.

Cũng chẳng cho học trò của mình biết thời gian đi như thế là bao lâu sẽ được trở về? Mà làm cách nào, học trò của Thầy Giêsu cũng chẳng một ai lên tiếng hỏi han chi?. Chỉ điều này cũng chứng minh cho tất cả chúng ta hiểu là 12 tông đồ của Ngài chỉ một điều duy nhất trong quả tim và tấm lòng của họ là tất cả cùng hiệp nhất triệt để đem một niềm tin, một hy vọng, một lý tưởng, rất đơn sơ là sự Vâng Phục tuyệt đối; còn những điều gì xẩy đến với họ trong tương lai, không ai mảy may lo sợ trước những gian nan mà từ chối sự Sai Đi của Thầy Giêsu mình. Có phải là con đường duy nhất cho những ai chịu bỏ tất cả để được đi theo Người là Con Thiên Chúa? Và đó có phải là tấm gương trong sáng và tuyệt vời nhất đã được 12 tông đồ của Người thực thi cho chúng ta theo tấm gương vâng phục ấy hay không?

Người truyền các ông đi đường, đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo, thưa vì sao thế?. Có phải con người luôn yếu hèn của chúng ta, Thầy Giêsu lại không biết rất rõ hay sao khi thân xác của Ngài đang được mượn và sống trong một thể xác của một phàm nhân?. Mục đích của Chúa có phải chỉ một điều đơn thuần duy nhất là muốn các đệ tử của Ngài trong thâm tâm, trong quả tim, trong tấm lòng chân chất, là tìm đến với tất cả các anh em con Chúa trên khắp mọi nơi, để được học hỏi về Giáo Lý của Đức Chúa Trời là Cha của Ngài trên Nước Trời?.

Khuyên họ ăn năn sám hối trở về vì Nước Trời gần kề và vì Người không muốn cơn thịnh nộ của Chúa Cha phải giáng phạt trên toàn cõi địa cầu. Cùng để mọi việc mọi điều sẽ được ứng nghiệm như những lời tiên tri nói trước về sự xuất hiện của Ngài Giêsu trên trần gian này?. Có phải đời thường của chúng ta, đi đến đâu là sắm sửa lỉnh kỉnh tới đó hay không? Việt kiều lâu lâu về chơi thăm nhà, thăm gia đình bạn bè, không thể nào mà về tay không cho được. Nào là phải đi sắm sửa suốt cả năm, mới có thể đem về cho gia đình đầy đủ những thứ đồ quý giá được mua từ bên Mỹ mà không là những món hàng dổm được làm từ Trung Quốc.

Cuộc đi du lịch về thăm nhà chỉ vỏn vẹn có 2 tuần lễ, nhưng sự chuẩn bị hành trang và quà cáp dự trù tốn kém và dành dụm rất là lâu, một năm có đấy quý vị ạ! Hà huống gì Thầy Giêsu sai các đệ tử của Ngài đi đến một phương trời xa lạ, chưa từng sống nơi đó bao giờ, mà lại chẳng cho đem gì ngoài cây gậy?. Không mang bị mang bánh? Không mang tiền trong túi? Cho đi dép? Và chớ có mặc hai áo? Thưa Thầy Giêsu dưới con mắt của con người trần gian, quả thật Ngài thật lạ lùng có đúng không thưa anh chị em?.

Ra đi như thế thì thử hỏi các môn đệ của Ngài có thể nào sống qua ngày được không? Người cho phép các môn đệ của Người đi dép và cho phép các ngài mặc áo, nhưng chỉ một cái thôi! Để tâm trí các ngài không phải bị lệ thuộc và bị ràng buộc vào những thứ thật tầm thường mà bỏ bê những công việc trọng đại to tát mà Người trao phó cho các ngài. Tay cầm cây gậy như Người biết trước các ngài là những mục tử tốt lành, sẽ chăn dắt những đàn chiên mẹ, chiên con cho Người, giữa những đàn chiên thật đông, mà cây gậy sẽ cho mọi chiên biết để mà đi theo?.

Dép thì các ngài được mang, bởi cuộc đời của các ngài sẽ rày đây mai đó, không đâu là nhà nhất định của các ngài. Những bước chân của các ngài sẽ dẫn các ngài đi thật xa, cho nên dép sẽ bảo vệ chân của các ngài, nên phải có?. Áo thì không mặc được hai, vì sao? Người sợ rằng cho môn đệ của các ngài mặc hai áo, có thể cũng vướng lắm không?. Thay vì chiếc áo đơn sơ các ngài đang mặc lại trở thành những chiếc áo lông bào đẹp đẽ mà Người biết rằng trong tương lai, sẽ có những người có tiền, có danh vọng, quyền thế tiếng tăm, mua chuộc các ngài chăng? Thì đâu gọi là chiếc áo của những con người đi theo Thầy Giêsu?. Thầy Giêsu đâu có giầu có? Thầy Giêsu đâu có ham của? Thầy Giêsu không muốn dậy đệ tử của mình đi trên con đường sa đọa đó! Những gì hào nhoáng bề ngoài của những con người đi theo Ngài giả hiệu, có phải chúng ta cũng nhận ra rất rõ hay không?.

Thầy Giêsu đặt ra con đường cho những ai thật tình muốn đi theo Ngài, thật rất rõ và quá rõ. Thầy Sai Đi tất cả 12 tông đồ của Ngài đi khắp đó đây để Rao Giảng Nước Trời, để đem tất cả mọi người ăn năn sám hối trở về cùng Ngài là thế đó!. Những ai nghĩ rằng mình có ơn gọi thật, xin nghĩ trước những điều luật của Ngài đã đặc biệt dành cho 12 tông đồ tiên khởi của Ngài; sự Sai Đi trong khốn khó và đầy dẫy những chông gai, gian nan, và đầy thử thách. Amen.

Tuyết Mai

Y Tá của Chúa,
07-10-09

* Bài cũ trong mục “Tìm” tên của tác giả ở trang
VietCatholic News

NGHỈ NGƠI

NGHỈ NGƠI

Lm. Louis M. Nhiên, CMC

Sống trong một xã hội đa dạng, người ta có nhiều thái độ, quan niệm cái nhìn khác nhau về vấn đề làm việc.

Một cha xứ mới được chuyển đến thay thế cha xứ cũ đã trông coi một giáo xứ trong nhiều năm.  Trong phiên họp, cha xứ mới ngỏ ý với Hội Đồng Mục Vụ và Hội Đồng Tài Chánh của giáo xứ là nên thuê một người lo cắt cỏ chăm sóc vườn tược chung quanh nhà thờ.  Một vị trong Hội đồng tỏ vẻ khó chịu nói:  “Xin cha nhớ cho rằng, cha xứ cũ chính ngài đã tự tay cắt cỏ chăm sóc vườn tược, không thuê ai cả.” Cha xứ mới mỉm cười trả lời:  “Tôi biết điều đó, và tôi đã hỏi cha xứ cũ rồi, nhưng ngài trả lời là bây giờ ngài không còn muốn cắt cỏ chăm sóc vườn tược nữa.”

Chuyện khác kể rằng một công ty nọ chẳng may thuê phải một người thư ký lười biếng, suốt ngày chỉ lang bang cho hết giờ.  Ông chủ tức giận khó chịu bảo: “Trong một tháng trời mà anh làm việc không tới được một giờ đồng hồ.  Anh thử nghĩ xem công ty có lợi được một cái gì khi thuê mướn anh làm việc không?” Anh thư ký trả lời:  “Dạ thưa ông chủ có chứ.  Vì khi tôi đi nghỉ hè, thì không một ai trong công ty phải làm thêm gánh đỡ công việc của tôi.”

Chúng ta không rõ thái độ và quan niệm của các tông đồ ra sao đối với vấn đề hoạt động làm việc, nhưng qua bài tin mừng hôm nay Chúa nhắc nhở các ngài: “Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút”, đã bảo cho hay rằng, giữa những công việc vất vả bận rộn của cuộc sống, các tông đồ cũng như chúng ta có bổn phận và trách nhiệm dành thời giờ nghỉ ngơi.  Có lẽ điều này nghe hơi lạ nhưng là một sự thật.  Sự thật này đã được ghi lại trong chương đầu của sách Sáng thế ký, cuốn sách đầu tiên trong bộ Kinh thánh:  Thiên Chúa làm việc trong 6 ngày và ngày thứ 7 ngài nghỉ ngơi.

Thiên Chúa không tạo dựng chúng ta như là những con ong luôn bận rộn suốt thời gian.  Xe chạy thỉnh thoảng cần dừng lại để đổ xăng và nghỉ cho máy mát.  Chiếc cung giương mãi cũng sẽ có ngày đứt dây.  Thân xác con người cần nghỉ, cần ngủ, ai thử thức một hai đêm sẽ biết kết quả liền.

Hơn nữa, chúng ta cần dành thời giờ nghỉ ngơi là vì sống ở đất nước này, càng ngày càng thấy các công ty vì phải cạnh tranh và muốn kiếm lời nên đòi gia tăng mức sản xuất trong khi đó lại cắt giảm số nhân viên, nên các người làm việc đã bị áp lực bị stress, bị pressure do công việc đòi hỏi rất nhiều.

Ngoài thời giờ dành ra nghỉ ngơi với gia đình, bạn bè, dành cho Thiên Chúa, chúng ta còn được mời gọi dành thời giờ để suy nghĩ về giá trị đích thực của cuộc sống?  Phải chăng giá trị con người hệ tại sự có:  Càng có nhiều của cải tiền bạc vật chất, con người càng có giá trị nhiều, hay ở tại sự thanh thản bình an của tâm hồn?

Theo tài liệu nghiên cứu, trung bình một người Mỹ hàng ngày đối diện với 560 quảng cáo, và hầu hết các quảng cáo này đều muốn gây ảnh hưởng làm cho con người không thỏa mãn với những gì mình đã đang có và mời gọi con người ham muốn những cái mới hơn, lớn hơn, tốt hơn, tiện lợi hơn.  Chúng ta đang sống trong xã hội đó, dù muốn hay không cũng bị ảnh hưởng, muốn có nhà to hơn, lớn hơn, đẹp hơn, một nhà một Tivi chưa đủ, bây giờ mỗi phòng cần một cái, rồi nào là iPhone, iPad, iPod…  Muốn có nhiều sự phải có nhiều tiền để mà iPaid…, và muốn có nhiều tiền phải đi làm nhiều.  Đơn giản là như thế.  Tuy nhiên, câu hỏi mỗi người chúng ta cần đặt ra cho mình là bao giờ thì mới đủ, mới làm chúng ta hài lòng thỏa mãn, bao giờ chúng ta mới có một cuộc sống đơn giản, mới được sống thanh thản an bình hạnh phúc?

Cha ông đã bảo:  “Tri túc tiện túc, đãi túc, hà thời túc. Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn?” Có nghĩa là: Biết đủ là đủ, đợi cho đủ thì bao giờ mới đủ.  Biết nhàn là nhàn, đợi cho nhàn thì bao giờ mới nhàn?

Phillip Parham thuật câu chuyện về một thương gia giàu có khó chịu mất bình an khi thấy một ngư phủ đang ngồi nhàn hạ biếng nhác bên cạnh thuyền của ông.  Ông hỏi:  “Tại sao anh không ra ngoài khơi đánh cá?” Ngư phủ đáp:  “Vì tôi đã đánh đủ số cá cho ngày hôm nay?” Thương gia hỏi:  “Tại sao anh lại không bắt nhiều cá hơn số mình cần?” Ngư phủ hỏi lại:  “Tôi sẽ dùng chúng để làm gì?”

Vị thương gia trả lời:  “Anh có thể kiếm thêm tiền và mua được thuyền tốt hơn, lớn hơn để có thể đi ra ngoài khơi xa hơn, bắt nhiều cá hơn và kiếm thêm tiền.  Chẳng bao lâu anh sẽ có cả một đoàn thuyền và giàu có như tôi.” Ngư phủ hỏi:  “Rồi tôi biết làm gì với sự giàu có đó?”

Vị thương gia nói:  “Lúc đó anh có thể ngồi xuống vui hưởng cuộc đời.”

Ngư phủ đáp trong lúc đôi mắt bình thản nhìn ra biển cả:  “Thế ông nghĩ tôi đang làm gì bây giờ?”

Khi tạo dựng nên con người và cho vào đời, Thiên Chúa trao cho mỗi người một sứ mệnh.  Không ai có sứ mạng quan trọng như của Chúa Giêsu, nhưng Ngài biết những điều quan trọng không thể thành đạt được nếu không có tâm hồn an bình trong thinh lặng yên tĩnh nghỉ ngơi cầu nguyện:  “Hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút.” Mỗi người chúng ta có trách nhiệm và bổn phận dành thời giờ nghỉ ngơi suy nghĩ tìm ra sứ mệnh của mình và điều cần để ý đó là đời sống này quá ngắn ngủi, hãy sống cuộc sống này đầy ý nghĩa.

Lm. Louis M. Nhiên, CMC

LÀM VIỆC VÀ CẦU NGUYỆN

LÀM VIỆC VÀ CẦU NGUYỆN

LM GB Văn Hào

Trong cuộc sống đời thường, sau những lam lũ vất vả với biết bao lo toan và công việc bề bộn, con người chúng ta ai cũng cần có những phút giây thư giãn để nghỉ ngơi.  Quy luật bình thường đó cũng được Đức Giêsu áp dụng cho các học trò của mình.  Sau khi các tông đồ bươn chải nhọc nhằn trong sứ vụ ra đi rao giảng Tin Mừng, Chúa nói với các ông: “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.”  Sự nghỉ ngơi ở đây không phải chỉ là sự tĩnh dưỡng về thân xác, nhưng trước hết là thái độ tĩnh lặng của tâm hồn.  Giữa những ồn ào náo nhiệt và bon chen trần thế, chúng ta cũng cần phải trở về với thế giới nội tâm để gặp gỡ Thiên Chúa trong chiều sâu của lòng mình.  Thái độ tĩnh lặng và nghỉ ngơi đó chính là khuôn mẫu của việc cầu nguyện mà Chúa muốn nhắn gửi chúng ta hôm nay.

Có một lần Cha Thánh Gioan Maria Vianney đến thăm một ông cụ trong họ đạo ngài chăm sóc. Đó là một cụ già rất đạo đức và thánh thiện, được mọi người yêu mến và nể phục.  Cụ vẫn hằng ngày đến nhà thờ thinh lặng hằng giờ để cầu nguyện trước Chúa Giêsu Thánh Thể.  Cha sở hỏi cụ: “Thưa cụ, người ta nói cụ rất đạo đức và say mê cầu nguyện.  Thế, mỗi lần vào nhà thờ quỳ trước Chúa Giêsu Thánh Thể cả tiếng đồng hồ, cụ nói gì với Chúa?” Cụ già chất phác và chân chất trả lời  “Thưa Cha, con cũng chẳng có gì để nói với Chúa cả.  Con nhìn Chúa, Chúa nhìn con, thế thôi.”  Cụ già đây đã nói chuyện với Chúa không phải bằng ngôn ngữ bình thường nhưng bằng những nhịp đập của con tim. Bắt chước cụ già, chúng ta có thể đi vào sự hiệp thông trọn vẹn với Chúa trong thinh lặng nội tâm của cõi lòng.  Thinh lặng đặt mình trước mặt Chúa là ngôn ngữ tuyệt vời nhất để chúng ta có thể đối thoại và gặp gỡ Ngài.

Chính Đức Giêsu cũng nêu gương cho chúng ta về đời sống cầu nguyện.  Để chuẩn bị cho ba năm rao giảng Tin Mừng, Chúa đã ẩn dật suốt 30 năm tại Nazareth trong âm thầm lặng lẽ. Trước khi khởi sự sứ vụ công khai, Ngài đã lui vào sa mạc 40 ngày đêm để ăn chay cầu nguyện.  Sau những lam lũ với công việc bề bộn, Chúa vẫn thường hay rút lui vào trong thanh vắng để kết hiệp sâu xa với Chúa Cha.  Đặc biệt trước biến cố thập giá, biến cố quan trọng nhất và cũng để hoàn tất sứ vụ cứu thế, Chúa đã đi vào vườn cây dầu để cầu nguyện và kết hiệp thân tình với Chúa Cha.

Nhìn vào lịch sử cứu độ thời cựu ước, chúng ta thấy các vĩ nhân cũng luôn thực hành việc cầu nguyện như vậy.  Tổ phụ Abraham cũng đi vào sa mạc Ả Rập để gặp gỡ Chúa và lắng nghe điều Chúa gởi trao cho ông.  Moise cũng đến sa mạc để đón nhận mệnh lệnh từ Thiên Chúa trước khi ông trở thành lãnh tụ dẫn đưa Israel ra khỏi Ai Cập.  Dân Do Thái cũng phải rong ruổi 40 năm giữa sa mạc nóng cháy, trong cuộc lữ hành tiến về đất hứa.  Trong Thánh Kinh, sa mạc là biểu tượng nơi chốn Thiên Chúa gặp gỡ con người.  Trong sa mạc, Thiên Chúa nói với chúng ta, và cũng trong sa mạc, con người được Thiên Chúa uốn nắn và dậy dỗ.  Cũng vậy, giữa những chộn rộn và tất bật của cuộc sống, chúng ta phải dành ra những giây phút thinh lặng, trở về trong sa mạc của lòng mình.  Trong tĩnh lặng thâm sâu, chúng ta mới có thể nghe được tiếng Chúa nói, và cũng trong sự kết hợp với Chúa, chúng ta mới có được sức mạnh nội tâm để tiếp tục dấn bước trên con đường lữ hành trần gian ngày hôm nay.

Bác học Ampère đã nói: “Con người chúng ta chỉ thực sự vĩ đại khi chúng ta biết cầu nguyện.” Cầu nguyện là gắn kết thân tình với Chúa.  Mỗi người chúng ta là một hữu thể đầy giới hạn sẽ được kết hợp với Thiên Chúa quyền năng Đấng vô hạn khi cầu nguyện.  Chúng ta đều là thụ tạo với bao mỏng giòn yếu đuối sẽ kín múc được sức mạnh từ Đấng Tạo Hóa mạnh mẽ vô song.  Chúng ta trở nên vĩ đại nhờ thế.  Lời căn dặn Chúa Giêsu ngỏ trao cho các tông đồ năm xưa cũng là lời khuyên Chúa nói với chúng ta hôm nay “Anh em hãy rút lui vào nơi thanh vắng để nghỉ ngơi một chút”.

Có một thương gia giàu có nhưng tâm hồn bất an tìm đến một vị ẩn sĩ để xin một lời khuyên, giúp anh ta sống an bình.  Vị ẩn sĩ đó trả lời “Như con cá sẽ bị chết trên đất cạn, ngươi cũng sẽ bị chết trong sự vây hãm của thế gian, giữa những tranh giành, lọc lừa và gian dối.  Con cá muốn sống phải trở về với sông với nước, ngươi muốn bình an phải trở về với sự cô tịch.”  Anh thương gia hỏi lại “Thưa Thầy, làm sao con có thể từ bỏ chuyện bán buôn để về đây sống ẩn dật như thầy được?”  Vị ẩn sĩ nói tiếp: “Không phải thế, con cứ tiếp tục buôn bán, cứ tiếp tục công việc hằng ngày của con, nhưng điều quan trọng nhất là con phải luôn biết trở về trong sự tĩnh lặng của cõi lòng.”  Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng mời gọi các môn đệ hãy rút lui vào nơi thanh vắng để nghỉ ngơi.  Đó là giây phút Thầy trò gần gũi bên nhau, ôn lại những biến cố đã qua để có sức bật mới cho cuộc hành trình tông đồ tương lai.  Sức bật mới này chỉ có thể đạt được qua ơn thánh, qua việc cầu nguyện, đi vào sự thân tình với Chúa.  Chính Đức Giêsu đã nói “Không có thầy, anh em không làm được gì.”

Việc cầu nguyện cần thiết cho mọi tín hữu nói chung, đặc biệt đối với các vị mục tử trong Giáo Hội nói riêng.  Chúa Giêsu đã sai nhóm 12 đi truyền giáo để huấn luyện các Ngài, bởi vì các Ngài là những mục tử, là những cánh tay nối dài của Chúa trong sứ vụ cứu thế.  Trong trình thuật Tin mừng, Thánh Marcô cho thấy chính Đức Giêsu đã thể hiện một trái tim yêu thương.  Ngài chạnh lòng thương đám đông vì họ như bầy chiên không người chăn dắt.  Các vị mục tử ngày hôm nay cũng phải sao chép lại cách thức yêu thương mà Đức Giêsu đã thể hiện, cũng như cách thức mà Ngài đã huấn luyện các học trò thân yêu.  Trong bài đọc thứ nhất của phụng vụ hôm nay, ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã công bố rằng Đức Chúa sẽ ban cho các mục tử tốt để họ chăn dắt đoàn chiên.  Vị tiên tri cũng lên án gay gắt các mục tử thời bấy giờ đã làm đàn chiên thất lạc và tan tác.  Họ đã xua đuổi và chẳng lưu tâm đến chiên.  Vị Mục tử mà Giê-rê-mi-a nói tới chính là Đức Kitô, người chăn chiên nhân lành, đồng thời cũng ám thị các tông đồ, cũng như các vị mục tử trong Giáo Hội hôm nay, là những cộng sự viên đắc lực trong sứ vụ cứu thế của Đức Giêsu.

Để thực hiện sứ vụ này, chúng ta hãy nhìn vào bài học của các tông đồ hôm nay.  Chúa mời gọi các ông rút lui vào trong thanh vắng để nghỉ ngơi bên Chúa.  Chúa cũng nhắn gửi các ông phải tránh những nơi ồn ào để có một tâm hồn tĩnh lặng và an bình.  Biết bao ồn ào náo nhiệt của cuộc sống bên ngoài, ồn ào ngay cả những lúc chúng ta làm việc với ý hướng tốt nhằm phục vụ các linh hồn.  Đó là những ồn ào của danh vọng, khi chúng ta thích được mọi người vỗ tay khen ngợi.  Đó là những ồn ào của tiền bạc, của những cuốn hút trước một lối sống tục hóa.  Người môn đệ Chúa Giêsu muốn thể hiện một tình yêu mục tử tinh ròng phải tránh tất cả những xôn xao ầm ĩ đó để tâm hồn được tĩnh lặng và để được nghỉ ngơi an bình bên Chúa.

Những vị mục tử ngày hôm nay, những cánh tay nối dài của Đức Giêsu, những con người được Chúa tin tưởng trao phó cho sứ mệnh cứu thế, cần phải học cho mình những bài học căn bản này để tâm hồn chúng ta luôn được thảnh thơi và an bình.

Sự bình an chân thật chỉ có thể có được nếu chúng ta biết lui vào trong thanh vắng để nghỉ ngơi bên Chúa.  Đức Giêsu chính là sự bình an của chúng ta.  Thánh Phaolô đã nói cho chúng ta chân lý này trong bài đọc thứ hai của phụng vụ hôm nay: “Người đã đến loan Tin Mừng bình an: Bình an cho anh em là những kẻ ở xa và bình an cho những kẻ ở gần.”  Chúng ta chỉ có thể kiến tạo cho mình sự bình an chân thật, nếu trong cuộc sống, chúng ta năng rút lui vào trong thanh vắng để nghỉ ngơi.  Đó không phải là sự nghỉ ngơi về thân xác, nhưng là sự tĩnh lặng trong sâu tận tâm hồn để sống kết hiệp với Chúa luôn mãi.”

LM GB Văn Hào

ÁNG HƯƠNG LÒNG

ÁNG HƯƠNG LÒNG

LM Nguyễn Tầm Thường, SJ.

Có nhiều thứ trầm hương, hương dâng trong đền thờ Phật, trong đền thờ Chúa.  Kho tàng văn chương tu đức Ðông Phương, có câu chuyện kể về hương trầm như sau:
Làng kia có ngôi chùa.  Dân trong làng đem tượng Phật của mình đến để trong chùa.  Ngày rằm, người ta đến dâng hương Ðức Phật.  Trong số các tín nữ đến chùa có bà quê nghèo không tiền mua nhang.  Trong số các tín nữ ấy, có bà mang theo hương quả.  Bà để ý thấy bà quê kia không bao giờ mang hương lạy Phật.  Dần dần bà đem lòng khó chịu.
Cứ khi đốt nhang lên tượng Phật của bà, bà quê kia liền lạy theo.  Với cái khó chịu, bà nghĩ rằng bà quê kia keo kiệt, chỉ chờ người khác dâng nhang là lạy ké.  Bà đâm lòng ghét bỏ.  Suy nghĩ mãi, lần sau đến chùa, bà mang theo kế hoạch.  Trước khi đốt nhang, bà lấy tàu lá đu đủ làm thành ống dẫn hương đổ lên mặt Ðức Phật, đầu kia bà lấy cái phễu gắn vào.  Bà chỉ lạy nhang cho bay vào cái phễu để lên mặt Ðức Phật của bà, không cho hương thoát sang tượng Phật bà kia.  Lạy xong, nhìn lên, bà thấy sao mặt  Ðức Phật của bà mặt mày đen đủi, hai lỗ mũi đen kịt khói.  Còn tượng Phật của bà quê kia vẫn cứ đẹp đẽ sáng ngời.
Trong kho tàng tu đức nhà Ðạo, sách tiên tri Isaia viết:
“Chúa phán: Muôn vàn hy lễ có lợi gì cho Ta?  Ta đã chán chê và không còn ưa thích những của lễ toàn thiêu bằng chiên đực, mỡ các súc vật béo nữa.  Khi các ngươi đến trước mặt Ta ai kiểm soát các vật ấy nơi tay các ngươi, để các ngươi đi vào hành lang của Ta?  Các ngươi đừng tiếp tục dâng hiến cho Ta những tế lễ vô ích nữa.  Ta ghê tởm mùi hương.  Ta không chịu được các ngày đầu tháng, các ngày sabbat và các ngày lễ trọng khác.  Ta chán ghét những ngày trăng mới và các ngày lễ trọng của các ngươi.  Tất cả những thứ đó làm khổ Ta.  Ta đã nhàm chán chịu đựng rồi.  Khi ngươi giơ tay các ngươi lên thì Ta quay mặt đi.  Khi các ngươi càng cầu nguyện thì Ta càng không nhận lời vì tay các ngươi vấy đầy máu.  Các ngươi hãy tắm rửa, hãy thanh tẩy, hãy hãm dẹp khỏi mặt Ta các tư tưởng xấu xa” (Is. 1:10-20)

Trầm hương dâng Phật hay Chúa phải là nén hương lòng.  Của lễ nào vào đền thánh phải siêu thoát từ con tim.  Hôm nay có nhiều thứ hương trầm, nhiều thứ của lễ lắm.
Ðầu tháng hoa, nếu ba cộng đoàn hợp nhau rước kiệu, kiệu nào đi trước?  Nhóm mình hay nhóm kia?  Kiệu Ðức Mẹ Lộ Ðức hay La Vang, Fatima hay Hằng Cứu Giúp?
Sự cạnh tranh, thiếu siêu nhiên dường như nó bàng bạc khắp nơi.  Có đông người, nhiều của lễ là có so sánh.  So sánh thì có hơn thua.  Hãnh diện thì cũng có không hãnh diện.  Thành công thì cũng có kém thành công.  Tiếng khen thường nằm cạnh tiếng chê, cho dù tiếng chê ấy không nói ra.  Nó âm thầm mà khó chịu.

Một con người ba khuôn mặt.

Vì sao trong việc thờ phượng, người ta lại cạnh tranh như thế?
Có lẽ cái thiếu thức tỉnh của cuộc sống đưa đến nỗi xấu xa ấy.  Mỗi người đều sống với ba khuôn mặt này: Kinh tế, chính trị và tôn giáo.
Con người kinh tế: Ai cũng cần của ăn, áo mặc, nhà ở.  Nghèo thì khổ.  Nghèo không thể tiến thân.  Muốn có nhiều tiền, phải cạnh tranh.  Tôi không khá hơn, người kia sẽ chiếm mất, lấn át tôi.  Hai tiệm ăn gần nhau, muốn tiệm mình có nhiều khách, tiền vào nhiều hơn, phải cạnh tranh.  Chiếm được khách bên kia là ưu tư của mình.  Bất cứ gì đụng tới vật chất, tiền bạc, kinh tế đều chạm tới cạnh tranh.
Con người chính trị: Nếu tôi không mạnh, người khác sẽ xâm lăng.  Kẻ có quyền là người có miếng.  Tôi phải quen biết người có thế lực để cậy nhờ.  Tôi cần có thế lực để gây ảnh hưởng.  Nếu tôi không cai trị người, người sẽ cai trị tôi.  Xã hội nào cũng mạnh được yếu thua.  Cá lớn nuốt cá bé. Quyền lực đến từ nhu cầu sống còn, nó nằm sâu trong bản tính con người.  Ai cũng muốn quyền lực.
Con người tôn giáo: Tôn giáo đi tìm thế giới siêu nhiên, đưa con người đến những liên quan tới Trời.  Tôn giáo mời gọi con người đến giá trị chân thật của lương tâm.  Hiểu như thế, tiếng gọi của tôn giáo nào cũng đẹp, niềm tin tôn giáo nào cũng đáng mến và con người tôn giáo nào cũng đáng yêu.

Ba khuôn mặt trong đền thờ.

Ai cũng đều mang cả ba bộ mặt kinh tế, chính trị, tôn giáo trong một con người.  Khi con người tôn giáo bước vào đền thờ, bước vào chung với cả hai khuôn mặt kia: Kinh tế và chính trị.  Họ vừa buôn bán ngoài đường phố ban sáng, vừa âm mưu một ý định chính trị ban trưa, chiều nay bước vào đền thờ dâng hương, không thể để con người chính trị và kinh tế ở nhà.  Chiều nay bước vào đền thờ, họ bước vào với cả ba khuôn mặt.  Từ đó nảy sinh một cách vô ý thức là tôn giáo, kinh tế và chính trị lẫn lộn với nhau.  Rồi tôn giáo bị sự canh tranh của hai con người kia điều khiển, xúi đẩy.
Người ta đem cạnh tranh trong kinh tế vào tôn giáo.  Ðem cạnh tranh trong quyền lực vào tôn giáo.  Cho nên xứ đạo mình phải tổ chức linh đình hơn xứ đạo kia.  Tìm cách lôi kéo người khác vào phong trào mình để phong trào này đông hơn phong trào nọ.  Ðạo mình phải nổi hơn đạo khác.  Ðền thờ này thiêng hơn đền thờ kia.  Từ đó, tượng Ðức Phật bị dơ do lòng con người dâng những áng hương hẹp hòi nhỏ mọn.  Từ đó, tượng Chúa kêu than thành tiếng: “Ta chán ghét những ngày trăng mới và các lễ trọng của các ngươi.  Tất cả những thứ đó đã làm khổ Ta.  Ta nhàm chán chịu đựng rồi” (Is. 1:10-20).
Thực tế cho thấy, thu xếp sao cho các ca đoàn trong giáo xứ hát chung với nhau trong một lễ trọng đã là khó rồi!  Nhỏ như vậy, đã vương khói u ám, thì những công trình liên họ đạo, liên địa phận còn khó như thế nào.  “Các ngươi đừng tiếp tục hiến dâng cho Ta những lễ tế vô ích nữa.  Ta ghê tởm mùi hương.”  Không có tấm lòng siêu thoát, tất cả thờ phượng tôn giáo chỉ là những làn khói đen chứ không còn là hương trầm.  Số phận của những con người làm nên nó đã được nhắc đến trong ngôn sứ Isaia: “Khi các ngươi giơ tay lên thì Ta quay mặt đi.  Khi các ngươi càng cầu nguyện thì Ta càng không nhận lời.  Vì tay các ngươi vấy đầy máu.”

* * *

Thay vì con người tôn giáo phải hướng dẫn con người tiền bạc và con người quyền thế, hôm nay, dường như con người tôn giáo đang thu nhỏ lại trước hai con người kia.  Từ đó, hương khói trong đền thánh không còn là áng hương lòng, nó là u uất của những làn khói đen vì cạnh tranh nhau.
Cạnh tranh trong tôn giáo làm cho đời sống tâm linh nhỏ nhoi.  Khi cuộc sống tâm linh nghèo nàn, tâm hồn ấy không còn bình an nội tại và niềm vui nữa.  Chung quanh cuộc đời sẽ bị giằng co bằng cạnh tranh, họ băn khoăn làm sao hơn người.  Cạnh tranh dẫn đến lo âu.  Cạnh tranh dẫn đến buồn vì sợ người khác nổi hơn mình.  Trong khi thánh Phaolô nói rõ “hoa trái của Thánh Thần là bác ái, vui mừng, bình an, nhẫn nhục, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gal. 5:22).
Cạnh tranh trong sinh hoạt tôn giáo là sự ngột ngạt của những làn khói đen che kín tâm hồn. Của lễ dâng Chúa trong sự cạnh tranh, bấy giờ trở thành thờ cúng ngẫu tượng.

Chính vì thế tiên tri Isaia đã nói bằng ngôn ngữ rất mạnh.  Thiên Chúa ghê tởm những của lễ đó.  Thiên Chúa nhàm chán chịu đựng.  Thiên Chúa khổ tâm.
Thấy mình không vui vì người khác được ca ngợi, thấy mơ hồ sự ghen tị, thèm muốn cạnh tranh trong việc tông đồ, lúc đó, ta cần đọc lại những lời này:
“Các ngươi đừng tiếp tục dâng hiến cho Ta những lễ tế vô ích nữa.  Ta ghê tởm mùi hương.  Ta không chịu được các ngày đầu tháng, các ngày sabbat và các ngày lễ trọng khác.  Ta chán ghét những ngày trăng mới và các ngày lễ trọng của các ngươi.  Tất cả những thứ đó đã làm khổ Ta.  Ta đã nhàm chán chịu đựng rồi” (Is. 1:10-20).

LM Nguyễn Tầm Thường, SJ.