Anh em hãy vui luôn trong CHÚA! Tôi nhắc lại: Anh em hãy vui lên! Vì CHÚA đã đến gần. (Pl 4,4.5)

Ngày Chúa Nhật vui thật là vui nhé.

Cha Vương

CN: 11/12/2022

TIN MỪNG: Đức Giê-su trả lời: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què bước đi, người cùi được sạch, kẻ điếc nghe được, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng. (Mt 11:5)

SUY NIỆM: Hôm nay Giáo Hội cử hành Chúa Nhật Gaudete—tức là niềm vui trong tiếng Latin. Hãy “mừng vui lên”! Ngọn nến hồng trên vòng hoa mùa Vọng của mọi nhà thờ Công giáo và các gia đình được đốt cháy sáng rực rỡ. Nó nhắc nhở bạn Chúa đến trong bóng tối của tội lỗi và đau khổ để mang niềm vui đầy tràn cho nhân loại. Vậy Chúa có gì để làm cho bạn vui mừng hôm nay? Chúa đến để cứu chuộc con người—“Người mù xem thấy, kẻ què bước đi, người cùi được sạch, kẻ điếc nghe được, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng.” Công việc của Ngài thật kỳ diệu. Ngài có khả năng chữa lành không những thể xác và cả phần linh hồn của bạn nữa đó.

Tuy rằng bạn không mù què, câm điếc, không bị phong cùi… nhưng vì là con người thế nào bạn cũng có những khuyết điểm, những yếu đuối bất toàn cần đến ơn chữa lành và sự giải thoát của Chúa. Ngài đến để giải phóng nhân loại khỏi quyền lực của tội lỗi. Đây là niềm vui bất diệt của người Ki-tô hữu. Những lĩnh vực nào trong cuộc sống của bạn bây giờ cần được giải phóng, cần được chữa lành để niềm vui của Chúa ngự trị trong bạn?

LẮNG NGHE: Anh em hãy vui luôn trong CHÚA! Tôi nhắc lại: Anh em hãy vui lên! Vì CHÚA đã đến gần. (Pl 4,4.5)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa là Đấng Cứu Độ trần gian, xin giải thoát con khỏi quyền lực tội lỗi. Xin giúp con bước đi trong tự do của con cái Ngài.

THỰC HÀNH: 2 tuần của mùa Vọng đã qua rồi, bạn đã làm  gì cho mình để chuẩn bị đón Chúa? Cố gắng lên nhé.

From: Đỗ Dzũng

Lễ kính Đức Mẹ Loreto – Cha Vương

Chúc bình an đến bạn và gia đình nhé.

Cha Vương

Thứ 7: 10/12/2022

Bạn biết không? Năm ngày từ ngày 8 tháng 12 đến ngày 12 tháng 12 giữ một vị trí đặc biệt trong trái tim của những người có lòng sùng kính Đức Mẹ. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi này, Giáo Hội cử hành ba lễ dành riêng cho Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, tất cả đều liên quan đến một cách nào đó những sự kiện kỳ diệu. Nổi bận hơn nhất là Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (8/12), Lễ trọng – bổn mạng của đất nước Hoa Kỳ. Kế đến là Lễ kính Đức Mẹ Guadalupe (12/12), bổn mạng Giáo hội Mỹ châu Latinh. Chen vào giữa là Lễ nhớ Đức Mẹ Loreto (10/12). Vào ngày 7 tháng 10 năm 2019, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cho phép cử hành Lễ Đức Mẹ Loreto như lễ nhớ tùy ý trong lịch phụng vụ của Giáo Hội hoàn vũ.

Lễ kính Đức Mẹ Loreto

Sau khi Đức Mẹ hồn xác về trời, ngôi nhà Đức Mẹ ở Nazareth được gọi là ngôi nhà thánh (Santa Casa) biến thành nguyện đường. Ở đó, giáo dân tiên khởi tôn kính một pho tượng Đức Mẹ ẩm Chúa Hài Đồng. Tục truyền rằng pho tượng hay làm phép lạ đó được tạc bằng một khúc gỗ bách hương xứ Libăng.

Vào thế kỷ thứ IV, hoàng hậu Helena cho xây cất một ngôi thánh đường rộng rãi bọc lên trên ngôi nhà thánh này, khách hành hương viếng cảnh thánh địa thường hay đến tôn kính. Năm 1252, vua Louis IV đã viếng ngôi nhà thánh này.

Vào thế kỷ thứ 13, khi quân Hồi giáo xâm chiếm thánh địa, ngôi nhà thánh được di chuyển (qua không gian hay đường biển không rõ, theo tục truyền do bàn tay các thiên thần) về trên đồi Loretto, nước Ý; sau một thời gian ở tại Tersato, xứ Dalmatia.

Sự kiện xảy ra vào khoãng năm 1294, ngôi nhà thánh được chuyển từ Dalmatia bên kia biển Adriatique về Recawati và được đặt vào trong một khu rừng thuộc quyền sở hữu của một nhà quí phái tên là Loretto.

Một điều đáng chú ý là các nhà khảo cổ kiểm chứng được rằng kích thước của ngôi nhà thánh ở Loreto giống kích thước của ngôi nhà thánh xưa kia mà Thánh Gia Thất đã ở được lưu giữ trong một thánh đường ở Nazareth mà nay mất tích. Thứ đá dùng cũng giống nhau. Hơn nữa, ngôi nhà thánh lại không có móng và bậc thang như đã được kiểm chứng trong các lần khác vào năm 1962-1965.

Cũng như ở bên thánh địa thời trước, một thánh đường dâng kính Mẹ Loreto được xây cất bọc lên thánh tích và năm 1728 được Đức Giáo Hoàng Benedicto XIII nâng lên bậc Vươmg Cung Thánh Đường. Giáo dân tấp nập đến kính viếng. Kinh cầu Đức Bà Loreto được đặt ra vào khoãng năm 1400 để dùng trong các cuộc hành hương.

Có khoãng 50 vị Giáo Hoàng đã đến kính viếng ngôi nhà thánh và có nhiều vị thánh như thánh Ignatius Loyola, thánh Francis Xavier, thánh Charles Borromeus, thánh Alphonsus de Ligorius là giáo lữ hành hương.

Theo hiệp ước Latran ký kết giữa chính phủ Ý và tòa thánh Vatican năm 1929 thì thánh đường Loreto thuộc quyền sở hữu của Tòa Thánh. Trước ngày khai mạc Công Đồng Viticanô II ngày 04 tháng 10 năm 1962, Đức Giáo Hoàng John XXIII đã đến kính viếng ngôi nhà thánh để xin cho Công Đồng thành công mỹ mãn và ngày 08 tháng 9 năm 1979, Đức Giáo Hoàng John Paul II đã đến hành hương để xin “ơn soi sáng và hổ trợ” trước khi thăm viếng và đọc diển văn tại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ở New York ngày 03/10/1979.

Ngày 24/3/1920, Đức Giáo Hoàng Benedictus XV công bố chọn Đức Mẹ Loreto làm quan thầy chính của các phi công, ám chỉ ngầm ngôi nhà thánh được di chuyển do “bàn tay của các Thiên Thần” cũng như trong lời nguyện khi làm phép “các cơ khí dùng để bay trong không khí trời”

(Trích “Mẹ Maria” của Cố Lm Hồng Phúc, CSsR trang 251)

Để bày tỏ lòng tôn kính đối với Ðức Mẹ Loreto, mời bạn hãy hiệp cùng con cái Mẹ trên khắp hoàn cầu dâng lời cầu xin: Chúng con lạy ơn Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời, chúng con trông cậy Đức Bà là Chúa bầu chúng con, xin cho chúng con biết lòng Đức Mẹ yêu dấu con mọn này, còn ở dưới thế cách xa mặt Mẹ. Đức Chúa Giêsu xưa xuống thế gian chẳng bỏ loài kẻ có tội, lại liều mình chịu nạn chịu chết vì hết cả loài người ta. Đức Mẹ cũng một lòng theo con như vậy. Mẹ ơi, Khoan thay! Nhân thay! Chớ trở mặt đi mà chẳng nhìn chúng con. Xin Đức Mẹ thương xem dạy dỗ yên ủi chúng con. Con cậy Mẹ có phép tắc nhiều trên hết Thiên Thần cùng trên hết các Thánh. Chúng con còn ở dưới thế này như kẻ đi biển cả vậy. Đức Mẹ là như Ngôi Sao chính ngự ở trời bên Bắc vậy, xin Đức Mẹ dẫn đàng cho chúng con được theo, kẻo phải xiêu chìm sa hỏa ngục vô cùng. Chúng con trông cậy Đức Mẹ cho chúng con ngày sau được vào cửa Thiên đàng, xem thấy mặt Đức Chúa Giêsu cùng mặt Đức Mẹ, được hưởng muôn muôn sự phúc gồm hết mọi sự tốt lành chẳng hay hết, chẳng hay cùng. Amen. (Lời nguyện trong Kinh Cầu Đức Bà Loreto)

From: Đỗ Dzũng

Thánh Juan Diego (St. Juan Diego), 1474-1548

Hôm nay Giáo Hội mừng kính Thánh Juan Diego (St. Juan Diego), 1474-1548. Mừng bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy nhé.

Cha Vương

Friday 9/12/2022

Lúc đầu người ta gọi ngài là Cuauhtlatohuac (“Con đại bàng cất tiếng”), tên Juan Diego thì mãi mãi đi liền với Ðức Mẹ Guadalupe vì chính ngài là người được Ðức Mẹ hiện ra ở đồi Tepeyac lần đầu tiên vào ngày 9/12/1531. 

Ông là một thổ dân nghèo hèn, 57 tuổi, goá vợ, tên thật là Cuatitlatoatzin và sau khi rửa tội có tên là Juan Diego. Vào buổi sáng thứ Bảy, 9 tháng Mười Hai 1531, ông đến nhà nguyện gần đó để tham dự lễ kính Ðức Mẹ. Khi đang đi trên ngọn đồi gọi là Tepeyac thì ông nghe có tiếng nhạc du dương như tiếng chim hót. Sau đó một đám mây sáng chói xuất hiện, đứng trên đám mây là một trinh nữ người thổ dân mặc y phục như công chúa của bộ lạc Aztec. Trinh nữ nói chuyện với ông bằng tiếng bản xứ và sai ông đến với Ðức Giám Mục của Mexico, là một tu sĩ dòng Phanxicô tên Juan de Zumarraga, và yêu cầu đức giám mục xây cất một nguyện đường nơi Trinh Nữ hiện ra.

Dĩ nhiên vị giám mục không tin, và bảo Juan Diego xin Trinh Nữ cho một dấu chỉ. Trong thời gian này, người chú của ông bị bệnh nặng. Ðiều đó khiến ông cố tránh né không muốn gặp Trinh Nữ. Tuy nhiên, đức trinh nữ tìm ông, đảm bảo với ông là người chú sẽ khỏi bệnh, và bảo ông hái các bông hồng quanh đó để làm bằng chứng với vị giám mục. Lúc ấy là mùa đông thì không thể có bông hoa nào mọc được, nhưng lạ lùng thay, gần chỗ Trinh Nữ hiện ra lại đầy dẫy những hoa hồng tuyệt đẹp. Và ông đã dùng chiếc áo tơi của mình để bọc lấy các bông hồng đem cho vị giám mục.

Trước sự hiện diện của đức giám mục, ông Juan Diego mở áo tơi ra và bông hồng đổ xuống tràn ngập khiến vị giám mục phải quỳ gối trước dấu chỉ lạ lùng ấy. Lạ lùng hơn nữa, trên chiếc áo tơi lại có in hình Ðức Trinh Nữ như ngài đã hiện ra với ông ở đồi Tepeyac. Ðó là ngày 12 tháng 12 năm 1531.

Sau đó, người ta không đề cập gì nhiều đến Juan Diego. Có lúc ông sống gần một ngôi đền được dựng ở Tepeyac, được mọi người kính trọng như một giáo lý viên thánh thiện, vô vị lợi và đầy lòng nhân ái qua lời nói cũng như gương mẫu. Ông Juan Diogo qua đời vì già yếu bệnh tật ngày 30 tháng 5 năm 1548 tại Guadalupe, Mexico.

Juan Diego được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tôn phong Chân Phước tại Vatican ngày 09 tháng 4 năm 1990. Trong chuyến công du đến Mễ Tây Cơ ngày 06 tháng 5 năm 1990, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã xác nhận lại một nghi thức có từ lâu đời nhằm vinh danh Juan Diego qua việc phong chân phước cho ông. Ngài được nâng lên bậc hiển thánh ngày 31 tháng 7 năm 2002 trong một buổi lễ được tổ chức long trọng tại Vương cung Thánh đường Ðức Mẹ Guadelupe, Mexico với khoãng 4.3 triệu người tham dự.

Trong bài giảng Lễ tuyên phong Chân Phước, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói: “Cũng như các nhân vật trong phúc âm xưa đại diện chung cho mọi dân tộc, chúng ta cũng có thể nói rằng Juan Diego đại diện cho những người thổ dân đã chấp nhận Tin Mừng của Ðức Giêsu, nhờ sự trợ giúp của Mẹ Maria, là người luôn luôn sát cánh với hành động của Con Mẹ và sự phát triển của Giáo Hội, như khi ngài hiện diện với các Tông Ðồ trong ngày Hiện Xuống” (Nguồn: Người Tín Hữu Online)

From: Đỗ Dzũng

Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

Bình an đến bạn và gia đình nhé. Hôm nay Giáo Hội mừng Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Lễ buộc. Xin Mẹ đoái thương đến con cái Mẹ hôm nay và mãi mãi.

Cha Vương

Thứ 5: 08/12/2022

TIN MỪNG: Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. (Lc 1:35)

SUY NIỆM: Mùa Vọng là mùa trông đợi, là thời gian chuẩn bị tâm hồn để đón Con Thiên Chúa. Sự chuẩn bị này không đầy đủ nếu không nói đến vai trò của Đức Trinh Nữ Maria trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Nếu không có Mẹ thì không có Chúa Giê-su, nếu không có Chúa Giê-su thì không có ơn cứu độ. “Đức Nữ Trinh Maria chiếm một vị thế đặc biệt vì như Mẹ cũng đã trông chờ việc ứng nghiệm lời hứa của Thiên Chúa trong một cách thế độc nhất vô nhị. Mẹ đã chào đón trong đức tin và trong xác thân Giê-su, Con Thiên Chúa, với thái độ vâng phục hoàn toàn thánh ý Thiên Chúa.” Bên cạnh thái độ vâng phục Mẹ lại còn khiêm nhường, luôn ý thức mình là hèn mọn, là thấp bé… “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. (Lc 1:48) Khiêm nhường và vâng phục là đôi chân bước tới Chúa là nguồn sống và hy vọng của người tín hữu. Vậy trong Mùa Vọng này, bạn hãy học nơi Mẹ hai nhân đức này nhé.

LẮNG NGHE: Trong Đức Ki-tô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. (Ep 1:4)

CẦU NGUYỆN: “Lạy Chúa, Chúa đã dọn sẵn một cung điện xứng đáng cho Con Chúa giáng trần khi làm cho Đức Trinh Nữ Maria khỏi mắc tội tổ tông ngay từ trong lòng mẹ. Chúa cũng gìn giữ Người khỏi mọi vết nhơ tội lỗi nhờ công nghiệp Con Chúa sẽ chịu chết sau này. Vì lời Đức Trinh Nữ nguyện giúp cầu thay, xin Chúa cũng ban cho con được trở nên công chính thánh thiện mà đón rước Con Chúa.”

THỰC HÀNH: Đọc 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh, hãy xin cho được hiền lành và khiêm nhường cả trong lòng lẫn hành động.

From: Đỗ Dzũng

Thánh Am-rô-xi-ô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh – Cha Vương

Xin Chúa che chở và ban nhiều ơn lành xuống cho bạn và gia đình hôm nay. Hãy gạt bỏ quá khứ, chào đón mỗi ngày với niềm vui và hy vọng. Sống hồn nhiên vui vẻ với những nụ cười thật to. Ngày mới thật vui nhé!

Cha Vương

Thứ 4: 07/12/2022

Hôm nay 07/12, Giáo hội mừng kính Thánh Am-rô-xi-ô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh, mừng bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy.

Thánh Am-rô-xi-ô chào đời ở Trê-vê-rô quãng năm 340 trong một gia đình người Rô-ma. Thánh nhân theo học ở Rô-ma và bắt đầu sự nghiệp hiển hách ở Xiếc-mi-ô. Năm 374, lúc đang ở Mi-la-nô, thánh nhân bất ngờ được bầu làm giám mục và được tấn phong ngày 7 tháng 12. Người trung thành thi hành bổn phận, nổi bật về lòng bác ái đối với mọi người. Đối với các tín hữu, người vừa là mục tử, vừa là tôn sư. Người đã can đảm bênh vực các quyền của Hội Thánh, người vừa viết lách, vừa hoạt động để bênh vực giáo lý đức tin chân thật, chống lại những người theo phái A-ri-ô. Người qua đời thứ Bảy Tuần Thánh, ngày 4 tháng 4 năm 397. Sau đây là những câu danh ngôn của ngài mời bạn đọc và hình dung ra như ngài đang nói vời bạn điều gì đó…:

❦ Chúng ta tránh né con mắt người đời, nhưng chúng ta lại phạm tội ngay trước mắt Thiên Chúa.

❦ Chính đức tin là tác nhân giải thoát, nhờ máu thánh Chúa Kitô.

❦ Hỡi những người giàu có, anh em muốn mở rộng tính tham lam của mình đến tận đâu? Anh em định làm những người duy nhất cư ngụ trên trái đất này sao? Vậy tại sao anh em lại xua đuổi những người cùng chia phần thiên nhiên và tự nhận nó là của riêng anh em? Trái đất này được tạo dựng cho mọi người, giàu cũng như nghèo, chung cho tất cả. Tại sao những người giàu có như anh em lại tự nhận nó làm độc quyền của mình?

❦ Nếu bạn có hai cái áo trong tủ, một cái là của bạn còn cái kia là của người nghèo không có áo mặc.

❦ Nhẫn nại chịu đựng là sự trọn lành của đức ái.

❦ Lòng nhân ái thật tốt lành vì làm cho người ta nên hoàn thiện, noi theo Chúa Cha là Đấng hoàn thiện. Không gì làm cho linh hồn người tín hữu nên khả ái cho bằng lòng nhân ái.

❦ Đối với người lành thánh, chết là một mối lợi. Người ngu dại sợ chết như điều dữ dằn kinh hãi nhất, còn người khôn ngoan mong mỏi cái chết như sự nghỉ ngơi sau bao nhiêu lao nhọc và chấm dứt những bệnh tật.

❦ Phúc cho ai dứt bỏ được thói tham lam là cội rễ của các tính mê…. Của cải thừa mứa trên thế gian này có ích gì, chúng không giúp được chúng ta sinh cũng chẳng cản được chúng ta tử? Chúng ta sinh vào thế gian này trần trụi, và chúng ta chết đi mà chẳng mang theo được một xu nào, chúng ta bị chôn táng mà không đem theo được sản nghiệp của mình.

❦ Không ai có thể tự chữa lành cho bản thân bằng cách đả thương người khác.

❦ Chúng ta đã yêu thương họ khi họ còn sống, vậy chúng ta cũng đừng lãng quên họ cho đến ngày chúng ta dẫn đưa họ – bằng lời cầu nguyện của chúng ta – vào đến nhà Chúa.

❦ Đời sống của Đức Maria là bài học cho tất cả mọi người… Bạn hãy đặt trước mắt bạn cuộc đời thánh khiết của Đức Trinh Nữ, Đấng đã phản chiếu, như một tấm gương, vẻ lộng lẫy, sự thánh khiết, và sức mạnh nhân đức.

Câu nào đánh động bạn nhất? Tại sao?

Lạy Thánh Am-rô-xi-ô, cầu cho chúng con.

From: Đỗ Dzũng 

Thánh Nicôla giám mục, Turkey ( – 343)-Cha Vương

Mừng quan thầy đến những ai mang tên Nick nhé!

Cha Vương

Hôm nay 06/12 Giáo Hội mừng kính Thánh Nicôla giám mục, Turkey ( – 343) Vị thánh bênh vực công lý, bênh vực người nghèo, cho quà con nít: Nicholas sinh tại Patara thuộc tỉnh Lycia, thuộc Tiểu Á (Asia Minor), ngày nay gọi là nước Turkey (Thổ nhĩ kỳ). Sau khi cha mẹ chết, cậu đem hết tiền của cho người nghèo. Ông đi tới tỉnh Myra (ngày nay là Demre) khi giáo sĩ và giáo dân đang chọn giám mục mới. Người dân chọn Ông giữ chức vụ  giám mục thành Myra.

Vào đầu thế kỷ 4 này, đạo Công giáo đang bị bắt bớ dưới thời hoàng đế Dioletia. Giám mục Nicola cùng nhiều tín hữu bị quan tỉnh bắt giam, bị đánh đập, xiềng xích, vì ngài mạnh dạn giảng về chân lý đức tin  và sự tự do của đạo thánh. Tới khi vua Constantinô lên cầm quyền tha bắt đạo, ngài và giáo dân mới được tha về Myra… Ngài rất tốt lành và tử tế. Mọi hoạt động của đời ngài nhằm tôn vinh Chúa Giêsu Kitô, bênh vực cho công lí và người nghèo khó. Trẻ em khắp nơi quí mến Ngài.

Nhiều câu truyện nói về ngài khiến người ta khó biết chính xác giám mục Nicola đã giúp giáo dân trong địa phận Myra để tỏ lòng kính mến Chúa và phục vụ Chúa nơi tha nhân thế nào.

-Người ta kể, có 3 người bị kết án tử hình sai lầm, Ngài đã tìm đến quan kết án, cho ông biết rằng, vì nhận tiền hối lộ mà ông kết án sai, nên 3 người đã được tha về.

-Truyện khác nói: ngài cứu 3 em bé vô tội đã chết, được sống lại.

-Nhưng có một truyện nổi tiếng về một gia đình ở Myra, ông bố bị mất hết tiền bạc, không có đủ tiền cho 3 người con gái lập gia đình. Vào thời đó, người thiếu nữ phải có một số tiền hồi môn khi lấy chồng. Ông định tống con vào nhà tội lỗi. Giám mục Nicola nghe chuyện cảm thấy buồn cho cha con ông, ngài tìm cách giúp đỡ. Đêm kia, ngài xách túi vàng ném qua cửa sổ đang mở, nơi ông ta nằm, rồi ngài vội đi ngay, để ông ta không biết ai cho vàng. Ít lâu sau, ngài nghe tin cô lớn nhất đi lấy chồng.

Giám mục Nicola lại đến cho ít vàng nữa, lần này cô thứ hai lấy chồng. Thời gian sau, ngài lại đến ném túi vàng nữa qua cửa sổ rồi đi ngay, nhưng ông chủ nhà nghèo kia đã chờ sẵn, đuổi theo, bắt gặp ngài. Ông ta cám ơn rối rít về nghĩa cử cao đẹp của giám mục. Rồi người con thứ ba cũng được lên xe hoa nhờ món vàng đó.

Giám mục Nicola đã qua đời vào ngày 6 tháng 12 năm 343. Xác ngài được chôn trong nhà thờ lớn xây trên mộ Ngài tại Myra. Rất nhiều khách hành hương đã tới viếng mộ để cầu khấn vị thánh của tình bác ái. Nhiều bàn thờ, thánh đường trên thế giới mang tên thánh Nicola.   Chỉ riêng nước Anh đã có chừng 400 nhà thờ mang tên Nicola. Thánh Nicola là bổn mạng các thủy thủ và tù nhân.

Từ thế kỷ thứ 5, giáo hội phương Đông đã tôn kính vị thánh làm nhiều phép lạ này. Năm 987, vua Vladimir đã cổ động lòng sùng kính thánh Nicola cho dân Nga (Russia). Cùng với thánh Anrê, Ngài cũng là bổn mạng nước Nga.

Năm 1087, thủy thủ người Ý đã đem xương thánh ngài về thành Bari. Hàng năm tổ chức mừng Ngài. Thành Bari từ đó trở nên nổi tiếng, và là nơi hành hương cho cả  Âu châu. Năm 1100, các Xơ người Pháp phát bánh quà cho trẻ em nghèo vào lễ kính thánh Nicola (6-12), dần dần lan ra nhiều nơi trong  Âu châu. Thế kỷ 13, trẻ em Công giáo Âu châu thích đóng vai “giám mục Nicola” và xin quà phát cho trẻ nghèo. Ngay cả thời nay, vào chiều áp lễ kính ngài, tại nước Hoà lan, Đức, Thuỵ sĩ, trẻ em đặt chiếc giầy ở một chỗ để lãnh quà, mong thánh Nicola bí mật đem quà đến cho.

Tại nước Mỹ và Anh, thánh Nicolas được biết dưới danh hiệu Santa Claus. Người Công giáo Việt nam do ảnh hưởng tiếng Pháp, gọi là ông già Noel. (Nguồn: Dân Chúa)

Noi gương Thánh Nicholas đầy lòng bác ái từ nhân, mời Bạn hôm nay hãy làm một việc đúng theo tinh thần của Ngài nhé.

From: Đỗ Dzũng

Tại sao chúng ta phải cần đến các Bí tích?

Ngày Thứ 2 tràn đầy nhiệt huyết để phục vụ Chúa và tha nhân nhé.

Cha Vương

Thứ 2: 5/12/2022

GIÁO LÝ: Tại sao chúng ta phải cần đến các Bí tích? Chúng ta cần đến các Bí tích để đời sống “eo hẹp ngắn ngủi” của chúng ta, nhờ Chúa Giêsu, trở nên giống Chúa Giêsu, nên con cái Thiên Chúa, trong tự do và vinh quang.(YouCat, số 173)

SUY NIỆM: Nhờ bí tích Rửa tội con người dễ bị thương tích do ma quỷ trở thành người con được Thiên Chúa bảo vệ. Nhờ bí tích Thêm sức, con người đang dò dẫm bước đi, được bước đi vững chắc. Nhờ bí tích Hòa giải, người có tội được làm hòa. Nhờ bí tích Thánh Thể, những người đói khát trở nên bánh cho những người khác. Nhờ bí tích Hôn phối cũng như bí tích Truyền chức thánh, những người độc thân trở thành người phục vụ cho tình yêu. Nhờ bí tích Xức dầu bệnh nhân, những người đang thất vọng lấy lại được tin tưởng. Trong tất cả các bí tích, chính Chúa Kitô đích thân là Bí tích. Hễ từ bỏ đời sống chỉ nghĩ đến mình, chúng ta được lớn lên trong Chúa để sống đời sống đích thật không bao giờ chấm dứt. (YouCat, số 173 t.t.)

❦ Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân – Lumen Gentium của Công Đồng Vaticanô II đã khẳng định về yếu tính của Giáo Hội: “Giáo Hội ở trong Đức Kitô như bí tích hoặc dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể” (LG 1)

LẮNG NGHE: Anh Ti-mô-thê, hãy bảo toàn giáo lý đã được giao phó cho anh, tránh những chuyện nhảm nhí, trống rỗng, và những vấn đề của tri thức giả hiệu. Có những kẻ, vì chủ trương cái tri thức đó, nên đã lạc mất đức tin. Chúc anh em được ân sủng. (1 Tm 6: 20-21)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, con cám ơn Chúa đã lập ra các bí tích để ở với con và ban ơn cho con. Trong Mùa Vọng này, xin cho con biết yêu mến các bí tích và năng lãnh nhận 2 bí tích: Giải tội và Thánh Thể để nhận được ơn cứu độ, được đón nhận chính Chúa là Đấng yêu con vô cùng.

THỰC HÀNH: Đọc chậm và suy niệm Kinh Lạy Cha, cầu nguyện cho ơn gọi linh mục và tu sĩ.

From:  Đỗ Dzũng

“Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” (Mt 3:1-2)-Cha Vương

Ngày Chúa Nhật tràn đầy yêu thương và tha thứ nhé.

Cha Vương

 CN: 4/12/2022

TIN MỪNG: Khi ấy, ông Gio-an Tẩy Giả đến rao giảng trong hoang địa miền Giu-đê rằng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” (Mt 3:1-2)

SUY NIỆM: Lời rao giảng thật ngắn gọn và súc tích của Gio-an Tẩy Giả “hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” đã giáng xuống trên người dân miền Giu-đê và các bậc quyền thế vị vọng như quý ông thuộc phái Sa-đốc hay nhóm Pha-ri-sêu một cách thẳng thắn và mạnh mẽ. Hãy sám hối! Đối với họ đây là lời mời gọi mang tính cấp bách vì “Nước Trời đã gần đến” tức là ngày tận thế đã gần kề.

Để được cứu rỗi và được vào Nước Trời, điều kiện tiên quyết là họ phải sám hối, từ bỏ con đường cũ dẫu đang tốt đẹp, để trở lại với Chúa. Nếu bạn đặt mình vào vị trí cấp bách của những người thời đó thì bạn sẽ hiểu được “hãy sám hối” là một điều rất “khẩn”. Không phải cứ đến sông Gio-đan để cho Gio-an Tẩy Giả dìm mình xuống nước mà đã gọi là ăn năn sám hối.

Hành động dìm dìm mình xuống nước “biểu thị và thực hiện việc người dự tòng chết đối với tội lỗi và bước vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi, nhờ nên giống Đức Kitô trong mầu nhiệm Vượt Qua.” Chết với tội lỗi tức là lòng ăn năn sám hối phải tương xứng một cuộc đổi đời tận gốc. Bạn đi xưng tội mà không “… lo buồn đau đớn, cùng chê ghét mọi tội con trên hết mọi sự; con dốc lòng chừa cải, và nhờ ơn Chúa thì con sẽ lánh xa dịp tội…” thì chẳng sinh ích lợi gì cho bạn. Hãy từ bỏ tính hư nết xấu và thực thi bác ái, “đền bù đi đôi với việc đền tội”.

LẮNG NGHE: Xin Thiên Chúa là nguồn kiên nhẫn và an ủi, làm cho anh em được đồng tâm nhất trí với nhau, như Đức Ki-tô Giê-su đòi hỏi. Nhờ đó, anh em sẽ có thể hiệp ý đồng thanh mà tôn vinh Thiên Chúa, là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. (Rm 15:5-6)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, Chúa cho con một cơ hội nữa để nhìn lại cuộc sống của con, xin giúp con biết nỗ lực dọn đường cho Chúa đến qua “hành động sám hối” để được Chúa đến trong tâm hồn, gia đình, cộng đoàn trong Mùa Vọng thánh này.

THỰC HÀNH: Hãy tham dự vào việc sám hối cộng đồng trong mùa Vọng và hãy ăn năn dốc lòng chừa một cách nghiêm túc.

From: Đỗ Dzũng 

Thánh Phanxicô Xavie Linh mục dòng Tên truyền giáo Tây-ba-nha (1506-1552)

Thánh Phanxicô Xavie Linh mục dòng Tên truyền giáo Tây-ba-nha (1506-1552)

Hôm nay 3/12 Giáo Hội mừng kính Thánh Phanxicô Xavie Linh mục dòng Tên truyền giáo Tây-ba-nha (1506-1552). Ngài được mệnh danh là Phaolô thế kỷ XVI. Mừng quan thầy đến những ai chọn thánh nhân làm quan thầy nhé.

Cha Vương

Thứ 7: 3/12/2022

1- Gia đình, quê quán: Phanxicô Xavier sinh ngày 7 tháng Tư năm 1506, tại Tây Ban Nha trong một gia đình quý tộc trong lãnh địa dòng Navarre . Cậu là em út của 6 anh chị lớn. Cha cậu là Juan de Jasso, cố vấn vua John III dòng Navarre. Khi Xavier lên 9 thì cha cậu chết. Lên 19 tuổi, Xavier đi học tại đại học Paris. Cậu lãnh Cử nhân văn chương. Tại đây anh chung phòng với Ignatiô Loyola . Ban đầu Phanxicô không thích Ignatiô, nhưng chính Ignatio nhận ra tài năng của Phanxicô: đó là con người nhiều tham vọng, có thể thành giáo sư giỏi, lãnh đạo tốt. Ignatio thay đổi cuộc đời Phanxicô khi nhắc lại lời Chúa Giêsu :” Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào có ích gì?” (Mt 16, 26). Trong một thời gian lâu, chàng chiến đấu với tư tưởng: chọn danh vọng thú vui ở đời, hay chọn hi sinh. Cuối cùng (năm 1540) nhóm 7 người liên kết lập Tu hội Chúa Giêsu (Society of Jesus, viết tắt là S.J)  để phục vụ giáo hội. Phanxicô thụ phong linh mục năm 1537, khi anh được 31 tuổi.

2- Làm linh mục và đi truyền giáo tại Ấn, Nhật: Ignatiô làm bề trên Tu hội, ông cử 2 người đi truyền giáo bên Ấn độ. Một trong hai đã ngã bệnh nặng, Phanxicô được cử đi thay. Trong 5 tháng vượt biển, Phanxicô luôn say sóng nằm mê man. Năm 1542, tại thành Goa nước Ấn, Phanxicô học tiếng để có thể dạy họ về giáo lý Chúa Kitô. Ngài dạy trẻ em trước rồi đến người nghèo, người bệnh, người bận rộn công việc, người trong tù.  Ông sống với người nghèo, chia sẻ đồ ăn, lều ở như họ. Ngài chinh phục được cả ngàn người trở lại đạo Chúa. Ông viết thư cho bề trên Ignatiô:

”Từ khi đến đây, tôi chẳng ngừng nghỉ lúc nào. Tôi rảo khắp các làng, rửa tội cho nhiều trẻ em…Khi tôi đến các làng ấy, trẻ em không để cho tôi đọc kinh nguyện, ăn uống, nghỉ ngơi, nếu tôi chưa dạy cho chúng một kinh cầu nguyện. Vì thế tôi hiểu tại sao nước trời lại là của những người giống như chúng”.

Một lần kia Phanxicô Xavier rửa tội cho một em nhỏ gần chết, con của một người Ấn Độ nghèo nàn.  Khi em nhỏ chết, thánh nhân liền bật khóc trong nỗi hân hoan với lời tạ ơn Chúa. Lấy làm lạ, người ta hỏi tại sao khi thân nhân em bé đau đớn khóc than thì ngài lại khóc vì vui quá như vậy.  Thánh nhân đáp:

– Nay tôi đã được đền đáp đủ cho mọi cuộc hành trình gian khổ  từ ngày tôi đến xứ này tới giờ.  Tôi đã gởi về  trời thêm một con trẻ để tôn vinh Chúa!

Năm 1548, Phanxicô vượt biển qua nước Nhật. Người Nhật giúp ngài làm nhà thờ, ngài dạy đạo và Rửa tội nhiều người trong đám họ.

Chúng ta biết được nhiều điều về người Nhật, nhờ những thư ngài viết về cho bề trên Ignatiô và anh em dòng. Ngài bận rộn, cô đơn, khó khăn. Trên tất cả, Phanxicô vui trong niềm vui tinh thần. Ngài thích cầu với Chúa lời này:” Xin ban cho con các linh hồn”.

3- Chết ở bờ biển nước Tàu: Mộng của ngài là tới Trung hoa, nước lớn nhất, để rao giảng Tin mừng. Sau những năm vất vả ở Nhật. Năm 1552, trên đường qua Trung hoa, ngài bị bệnh, thuỷ thủ cho ngài lên hòn đảo gần đấy để ngài có thể thấy được Trung hoa. Một người đánh cá gặp thấy ngài nằm gần chết trên bờ biển, đem ngài về lều.

Ngày 3 tháng 12 năm 1552, Phanxicô qua đời vì bệnh sốt rét lúc 46 tuổi. Ngài được chôn nơi đất lạ quê người, nhưng rồi Chúa thưởng công lớn cho ngài.  Phanxicô Xavier được ĐTC Gregoriô 15 nâng lên hiển thánh ngày 12 tháng 3 năm 1622, cùng lúc với Bề trên Ignatio Loyola. Giáo hội coi thánh Xavier như Bổn mạng các xứ truyền giáo. Nhiều quốc gia và trường học do các linh mục Dòng Tên điều khiển kính thánh Phanxicô như Bổn mạng của mình. (Nguồn: Dân Chúa)

Cha Barreto viết về Thánh Phanxicô Xaviê như sau: “Chân bước đi trên đất, miệng nói chuyện trên trời… hình như lúc nào cũng mỉm cười, nhưng lại cầm trí và thanh thoát đến nỗi có thể nói không bao giờ ngài cười.”

Nhờ lời chuyển cầu của Thánh Phanxicô Xaviê, xin cho miệng con luôn nói những chuyện trên trời. Amen.

Mời bạn suy niệm những câu danh ngôn của ngài nhé:

❦ Càng là bạn tốt của nhau chừng nào, anh em càng nói thẳng với nhau chừng nấy… (Thánh Phanxicô Xavier)

❦ Tất cả đau khổ phiền muộn là nguồn vui sướng cho tôi. (Thánh Phanxicô Xavier)

❦ Nếu bạn đang gặp nguy hiểm, nếu trái tim bạn đang bối rối, chạy đến Mẹ Maria! (Thánh Phanxicô Xavier)

Câu nào đánh động bạn nhất? Tại sao?

From: Đỗ Dzũng

Thánh Anrê (Andrew)-Cha Vương

Cha Vương

Thứ 4: 30/11/2022

Chúc bình an!

Hôm nay Giáo Hội mừng trọng thể lễ thánh Anrê (Andrew). Mừng bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy nhé.

Thánh Anrê là anh của Thánh Phêrô, và cả hai được Chúa Giêsu gọi cùng một lúc. “Khi Ðức Giêsu đi trên bờ biển Galilee, Ngài trông thấy hai anh em, ông Simon mà bây giờ gọi là Phêrô, và anh của ông là Anrê, đang quăng lưới xuống biển; họ là các ngư dân. Ngài nói với họ, ‘Hãy đến theo tôi, và tôi sẽ làm cho các anh trở thành kẻ lưới người.’ Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người” (Mt 4:18-20).

CHẾT VÌ TIN: Theo truyền thống hai (chứng minh Hy lạp là nơi nhà truyền giáo sống, nhất là miền Macadonia. Tại đây thánh nhân đổ máu đào làm chứng cho Thầy Chí Thánh.)

Tại Achaia, André chữa bệnh cho vợ quan toàn quyền Aegeates là bà Maximilla. Bà này khỏi bệnh tin theo Chúa. Việc trên gây căm phẫn cho quan. Sự việc trở nên tồi tệ hơn khi anh quan là Stratolles mời André chữa bệnh. Ông này trở thành tín hữu nhiệt thành. Không thể nhịn hơn được Aegeates ra lệnh bỏ tù André cho hả giận. Vợ và anh quan cảnh cáo ông giết người vô tội, người của Thiên Chúa. Thâm tâm quan Aegeates muốn tha và năn nỉ André bỏ Chúa để cứu mạng sống; trái lại André khuyên quan nên nhận đức tin để Chúa cứu linh hồn.

Biết thầy gặp khổ nạn, anh quan là Stratolles dùng uy tín của mình giúp André vượt ngục trốn đi. André đã không đi còn khuyên Stratolles đừng làm trái ý quan. Trong tù André vẫn tiếp tục rao giảng và số người tin theo ngày một nhiều. Tin này đến tai quan và quan ra lệnh giết André cho khuất mắt.

Ngày xử án kề bên André xin cho được chết giống như Thầy Chí Thánh Giêsu. Lời yêu cầu được quan chấp thuận. André vui mừng hát lên bài ca ca tụng thánh giá.:

Chúa Kitô dùng chính cái chết mình thánh hiến Thập giá châu báu. / Thập giá được tay chân Chúa trang điểm thay nữ trang. / Tôi đến với thánh giá với tâm tư hoan lạc, thanh thản. / Thập giá hãy giang tay đón nhận tấm thân này. / Thánh giá trở nên đẹp, tốt lành nhờ tứ chi Chúa Kitô. / Ta mến chuộng, chờ đợi, ước mong và tìm kiếm ngươi. / Ta tìm được ngươi và linh hồn ta trông đợi sẵn sàng. / Hãy giang tay đón nhận thân này, / nâng ta lên khỏi kẻ phàm nhân và dâng Thầy Chí Thánh, / Đấng sẽ cứu chuộc ta.

Bài ca tụng thập giá thứ hai có cùng tâm tình ngợi ca, hiến dâng. André hát xong gọi các kẻ hành hình tiến lại thi hành lệnh quan. Quân lính tỏ vẻ ái ngại vì lòng ngưỡng mộ và quý mến. Họ đứng xa tỏ vẻ tiếc thương André giục họ thi hành lệnh quan.

Theo yêu cầu của André họ không đóng đinh nhưng cột chân tay ngài vào hai cột chéo hình chũ X. Từ ngày đó thập giá này có tên là thập giá André. Để kéo dài cái chết trong đau khổ quan ra lệnh cho chổng ngược đầu xuống đất. Toàn quyền Aegeates muốn André là nạn nhân của chó hoang chắc chắn sẽ xé xác. André đầu dộng đất vẫn tươi cười và không ngừng giảng đạo. Hai ngày sau ông vẫn tỉnh táo, đầu óc vẫn minh mẫn và lời thuyết giảng vẫn mạch lạc. André đói khát nhưng những người đứng đó được cho ăn no nê Lời Chúa. Kẻ mến ông kéo nhau đến phủ quan làm áp lực xin tha cho người vô tội, người của Thiên Chúa. Aegeates dời phủ ra pháp trường chứng kiến tận mắt. Ông đến gần thập giá cởi trói cho André nhưng Andre khẩn van đừng tha vì từ lâu ông ước ao được vinh phúc tử đạo, sống muôn đời bên Chúa. Lời xin tha thiết mong được chết trên giường thập giá được chấp thuận. Vợ và anh quan là Maximilla và Stratola nhận xác an táng. Không biết chính xác năm André qua đời nhưng các học giả đồng ý vào cuối tháng 11 năm 69. (Lm Vũ đình Tường, VietCatholic News, 25/11/2006)

Quả thật đức tin của mình còn kém cỏi quá phải không bạn? Tuyên xưng đức tin không thì chưa đủ, bạn phải sống đức tin nữa, để sống đức tin trọn vẹn đôi khi bạn phải chết cho đức tin.

From: Đỗ Dzũng

Nguồn gốc cốt lõi nhất của phụng vụ là gì? Đó là chính Thiên Chúa

Mùa Vọng thánh thiện và tràn đầy ân sủng của Chúa nhé! Cha Vương Th 3: 29/11/2022 GIÁO LÝ: Nguồn gốc cốt lõi nhất của phụng vụ là gì? Đó là chính Thiên Chúa. Trong Người diễn ra một lễ hội tình yêu đời đời trên Thiên đàng, có niềm vui của Cha – Con – Thánh Thần. Vì Thiên Chúa là Tình yêu, nên Người muốn chúng ta dự phần vào cuộc lễ vui vẻ của Người và ban cho chúng ta chúc lành của Người. (YouCat, số 170) SUY NIỆM: Trên đời này, các cử hành phụng vụ phải là những cuộc lễ tràn ngập vẻ đẹp và sức sống: lễ của Cha đã tạo dựng chúng ta— trong đó vai trò quan trọng của các quà tặng của trái đất: bánh, rượu, dầu và ánh sáng, khói hương, thánh nhạc và các thứ màu sắc. Lễ của Con đã cứu chuộc chúng ta— chúng ta vui mừng vì chúng ta được giải thoát, chúng ta lấy lại hơi thở khi nghe Lời Chúa, chúng ta trở nên mạnh sức khi ăn các lễ vật Thánh Thể. Lễ của Thánh Thần đang sống trong ta— từ đó ta được tràn đầy an ủi, hiểu biết, can đảm, sức mạnh, và được chúc lành từ các cộng đồng Kitô hữu. (YouCat, số 170 t.t.) ❦ Chúc lành nghĩa là nói ra điều tốt lành, điều tốt lành này xuất phát từ Thiên Chúa. Đó là một hành vi của Chúa ban sự sống và gìn giữ sự sống. Thiên Chúa là Cha và là Đấng Sáng tạo mọi loài nói cho chúng ta rằng: bạn ở đây là tốt lành, bạn hiện hữu là tốt lành. LẮNG NGHE: Các ngươi phải thờ phượng ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa các ngươi; Người sẽ chúc phúc cho bánh ngươi ăn, cho nước ngươi uống. Ta sẽ đẩy bệnh tật xa ngươi. (Xh 23:25) CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, Chúa luôn tìm kiếm con nhưng con cứ ngoảnh mặt làm ngơ. Mỗi ngày Chúa dọn cho con mâm cỗ, lễ vật Thánh Thể, nhưng con lại không đến. Mùa Vọng này, xin cho con biết tìm Chúa mỗi ngày để được vui hưởng trong tình yêu bất tật của Chúa. THỰC HÀNH: Hãy cố gắng đi tham dự Thánh Lễ thường xuyên hơn. From: Đỗ Dzũng

Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. (Mt 24:42)-Cha Vương

Chúc bạn Mùa Vọng tràn đầy ân sủng của Chúa để chuẩn bị, canh thức, và sẵn sàng. Cha Vương CN MÙA VỌNG Tuần I: 27/11/2022 TIN MỪNG: Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. (Mt 24:42) SUY NIỆM: Hàng năm, cứ vào ngày Thứ Năm thứ 4 của tháng 11, những người dân tại Mỹ và Canada tổ chức Lễ Tạ Ơn với ý nghĩa tạ ơn Chúa đã mang lại một cuộc sống no đủ, an lành và ăn mừng một mùa thu hoạch bội thu. Ngay sau Lễ Tạ Ơn là ngày Thứ Sáu Đen (Black Friday). Sở dĩ được gọi là Thứ sáu đen (Black Friday) vì trước đây các cửa hàng dùng bút màu đen để ghi chú các khoản lợi nhuận và dùng màu đỏ để ghi những khoản lỗ thâm hụt. Nếu sổ sách càng nhiều màu đen thì chứng tỏ càng có lời. Chính vì thế Black Friday màu đen cũng từ đây mà ra nhằm ám chỉ ngày này các cửa hàng sẽ thu được nhiều lợi nhuận từ khách hàng mua sắm. Black Friday là ngày kích cầu cho người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn nhân dịp chuẩn bị nhà cửa đón Giáng Sinh và chuẩn bị cho Năm Mới. Do đó người tiêu dùng tràn ra đường để mua sắm khiến tình trạng tắc nghẽn giao thông bao phủ khắp các con phố nhất là chung quanh những khu trung tâm thương mại lớn. Có những người dựng lều canh thức cả đêm trước cửa tiệm để mua cho được món đồ mà họ mong đợi. Hôm nay là Chúa Nhật thứ nhất của Mùa Vọng, mở đầu năm phụng vụ mới. Phúc Âm thánh Mát-thêu mời gọi bạn hãy “canh thức”. Mùa Vọng là mùa canh thức. Canh thức để đón mừng Chúa Giê-su Giáng Sinh chứ không phải để mua một món đồ. Vậy tâm trạng canh thức của bạn như thế nào nhỉ? Bạn có tỉnh thức, hồi hộp, hân hoan vui vẻ, có lâng lâng không? Đừng để những cám dỗ hưởng thụ của thế gian ru bạn ngủ mê nhé, rồi khi Chúa đến thì mau mắn đón tiếp không chậm trễ. LẮNG NGHE: Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng. (Rm 13:12-14) CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xã hội ngày nay nay đầy dẫy những việc làm đen tối, xin giúp con luôn thức tỉnh với ơn thánh của Chúa, chuẩn bị tâm hồn cho xứng đáng để đón chờ ngày Con Chúa đến. THỰC HÀNH: Một cách canh thức hữu hiệu nhất là cầu nguyện và tham dự Thánh Lễ. Mời bạn hãy đi tham dự Thánh Lễ thường xuyên hơn trong Mùa Vọng này nhé. From: Đỗ Dzũng