“Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.” (Mt 5:8)

Hôm nay Thứ 4 Lễ Tro, là một ngày cầu nguyện và ăn chay tỏ lòng sám hối, “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.” (Mt 5:8). Chúc bạn và gia quyến Mùa Chay Thánh tràn đầy ân sủng của Chúa nhé.

Cha Vương

Thứ 4 Lễ Tro: 22/02/2023

TIN MỪNG: Đây là sấm ngôn của ĐỨC CHÚA: “Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van.” Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng ĐỨC CHÚA là THIÊN CHÚA của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, (Ge 2:12-13)

SUY NIỆM: Ngôn Sứ Giô-en kêu gọi dân Do thái : “HÃY XÉ LÒNG CHỨ ĐỪNG XÉ ÁO”. Lời kêu gọi này có ý nghĩa gì đối với bạn hôm nay? Người Do-thái có tục lệ xé áo để biểu lộ lòng thống hối khi ăn chay. Còn bạn lời mời này cũng mang một hình thức tương tự để trở về với Chúa là Đấng đã yêu thương bạn trước: Xé áo bề ngoài không bằng

❦ Xé lòng khỏi thói tham lam, ăn ở bất công.

❦ Xé lòng ra khỏi sự lười biếng, khô khan, nguội lạnh.

❦ Xé lòng khỏi những dính bén danh lợi thú trần gian.

❦ Xé lòng khỏi thói gian dối, đạo đức giả như người Biệt Phái.

Chỉ khi thực sự xé lòng như thế, bạn mới gạt bỏ được những chướng ngại đang ngăn cản bạn đến với Chúa và sống thân mật với Chúa để hưởng được tình thương bao dung của Ngài.

LẮNG NGHE: Ngày hôm nay, anh em chớ cứng lòng, nhưng hãy nghe tiếng CHÚA. (Tv 7b,8a)

CẦU NGUYỆN: Lạy CHÚA, CHÚA một niềm thương xót mọi loài, không ghét bỏ vật nào CHÚA đã dựng nên. Tội lỗi loài người, CHÚA nhắm mắt làm ngơ để chúng con ăn năn hối cải. CHÚA rộng lòng ban ơn tha thứ vì Ngài là THIÊN CHÚA, là CHÚA của chúng con.  (Ca Nhập Lễ—Lễ Tro)

THỰC HÀNH: Tập xé lòng bằng cách chọn một yếu đuối trong lối sống của bạn và tìm cách để nên thánh hơn nhé.

From: Đỗ Dzũng

Giọt Lệ Ăn Năn – Nguyễn Hồng Ân 

Thánh Phê-rô Đamianô (St. Peter Damian), giám mục, tiến sĩ hội thánh

Mến chào một ngày mới trong Chúa Ki-tô và Mẹ Maria. Hôm nay 21/2, Giáo Hội mừng kính Thánh Phê-rô Đamianô (St. Peter Damian), giám mục tiến sĩ Hội Thánh .  Mừng quan thầy đến ai chọn ngài làm bổn mạng nhé.

Cha Vương

Thánh Phê-rô Đamianô sinh ra tại Ravenna nước Ý vào năm 988. Ngài mồ côi mẹ ngay khi mở mắt chào đời. Thánh nhân được người anh ruột yêu thương chăm sóc và nhờ sự nỗ lực, trí thông minh sắc bén, Ngài đã thu lượm được nhiều kết quả hết sức khả quan trên đường học vấn. Ngài trở thành giáo sư danh tiếng của nhiều đại học. Tuy nhiên, Ngài muốn tiến thân trong đường nhân đức và muốn tận hiến cuộc đời mình cho Chúa, nên Ngài đã xin vào tu viện Aven thuộc dòng Thánh Giá do chân phước Ludolphô sáng lập. Với tinh thần khiêm tốn, lòng đạo đức tuyệt vời, thánh nhân đã trở thành tu viện trưởng. Thánh nhân đã làm cho dòng phát triển rất mạnh nhờ vào tài ba, đức độ và lòng quảng đại của Ngài. Ngài đã giúp anh em trong dòng sùng kính Đức Mẹ vì nhờ Mẹ mà cuộc sống trọn lành của mọi người được bảo đảm.

Thánh Phêrô Đamianô cũng sống trong thời kỳ mà Giáo Hội gặp nhiều phong ba bão tố: cuộc sống sa đọa, tội lỗi len lỏi cả vào Giáo Triều. Trước thảm hoạ đó, thánh nhân chỉ biết cầu nguyện, sống thân mật với Chúa. Đời sống thánh thiện của Ngài luôn tỏa sáng và được nhiều người khâm phục, tin tưởng. Đức Thánh Cha Stêphanô IX đã phong ngài làm Hồng Y Giáo Hội và Giám mục thành Otti năm 1058.

Thánh nhân dù sống trong Giáo Triều Roma, nhưng lúc nào cũng hướng về nhà dòng ở Aven. Do đó, đến đời Đức Giáo Hoàng Alêxan II, Ngài được phép trở về Aven để sống đời tu sĩ nghiêm nhặt với kỷ luật hết sức khắt khe: đánh tội và hãm mình. Năm 1071 Đức Giám Mục Ravenna được Chúa gọi về, Ngài liền lên thay thế . Tuy tuổi già sức yếu, nhưng thánh nhân vẫn cố gắng nhiệt tình lèo lái Giáo Phận Ravenna cho tới ngày 22/2/1072, Ngài được Chúa rước về trong khi Ngài đang trên đường tới Roma yết kiến Đức Giáo Hoàng.

Với bao nhiêu công đức, với tâm hồn thánh thiện và các nhân đức đã tới chỗ anh hùng, Giáo Hội đã lấy lời sách huấn ca để ca tụng Ngài:” Chúa đã cho người lên tiếng giữa cộng đoàn, ban cho người đầy tinh thần khôn ngoan minh mẫn và mặc cho người áo vinh quang”( Hc 15, 5 ). Đức Thánh Cha Lêô XII đã tôn vinh Ngài lên bậc hiển thánh. (Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT)

❦ Ngài đã từng suy ngẫm: “vũ trụ này tựa như ‘một dụ ngôn không bao giờ ngừng’ và như một chuỗi các biểu tượng, mà từ đó, chúng ta có thể giải thích về đời sống nội tâm và các thực tại siêu nhiên.”

❦ “Những ai không yêu mến thánh giá Chúa Kitô là không yêu mến Chúa Kitô.” (Phê-rô Đamianô, Sermo XVIII, 11, p. 117.)

Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin cho chúng con nghe theo lời giảng dậy và noi gương thánh giám mục Phêrô Đamianô để biết đặt Chúa Kitô trên hết mọi sự, và luôn dấn thân phục vụ Hội Thánh, nhờ đó chúng con sẽ được vui hưởng ánh sáng muôn đời (Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Phêrô Đamianô, giám mục tiến sĩ Hội Thánh).

From: Đỗ Dzũng

 Đền thờ trái tim – Hoàng Oanh

Tại sao phụng vụ lặp lại hàng năm?-Cha Vương

Good morning! Mỗi ngày, khi Chúa mở cánh cửa Thiên Đàng, với khuôn mặt hiền từ Ngài hỏi: “Điều ước hôm nay của con là gì?” Mình trả lời: Xin Ngài hãy bảo vệ, trợ giúp, và hướng dẫn người đang đọc tin nhắn này!

Cha Vương 

 Thứ 2: 20/02/2023

GIÁO LÝ: Tại sao phụng vụ lặp lại hàng năm? Như việc người ta mừng ngày sinh hay ngày cưới hàng năm, phụng vụ cũng cử hành những biến cố rất quan trọng của lịch sử cứu độ được lặp lại hàng năm. Nhưng có một khác biệt quan trọng là mỗi thời đại như thời đại ta bây giờ đều là thời gian của Chúa. Những tưởng nhớ đến sứ điệp và cuộc đời Chúa Giêsu đều là những gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống trong thời sự của chúng ta. (YouCat, số 185)

SUY NIỆM: Triết gia người Đan Mạch Kierkegaard có nói: “Hoặc ta coi mình như sống đồng thời với Chúa Giêsu, hoặc ta có thể để tất cả chìm vào dĩ vãng”. Sống Năm Phụng vụ theo đức tin làm cho ta trở nên người đồng thời với Chúa Giêsu. Không phải vì ta có thể dùng tư tưởng để đi vào thời của Người, đi vào đời sống của Người; nhưng bởi vì nếu ta dành chỗ cho Người, thì chính Người đi vào thời của ta và đi vào đời sống ta, nhờ sự có mặt của Người để chữa lành và tha thứ, nhờ sức mạnh phi thường của sự sống lại của Người. (YouCat, số 185 t.t.)

LẮNG NGHE: Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời: một thời để chào đời, một thời để lìa thế; một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây; một thời để giết chết, một thời để chữa lành; một thời để phá đổ, một thời để xây dựng; một thời để khóc lóc, một thời để vui cười; một thời để than van, một thời để múa nhảy; một thời để quăng đá, một thời để lượm đá; một thời để ôm hôn, một thời để tránh hôn; một thời để kiếm tìm, một thời để đánh mất; một thời để giữ lại, một thời để vất đi; một thời để xé rách, một thời để vá khâu; một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng; một thời để yêu thương, một thời để thù ghét; một thời để gây chiến, một thời để làm hòa. (Gv 3:1-8)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, con hiểu rằng giá trị đời người không tính bằng thời gian ngắn hay dài, nhưng ở chỗ sử dụng nén bạc thời gian, sức khỏe, trí tuệ Chúa ban để phục vụ cuộc sống ra sao. Xin giúp con biết dùng thời gian để dấn thân phục vụ trong tình yêu.

THỰC HÀNH: Hãy dành cho Chúa một chỗ trong khoảng thời gian 24 giờ mà bạn có hôm nay nhé. Nếu không thì ngày hôm nay cũng chỉ là ngày hôm qua không gì mới mẻ và ý nghĩa cả.

From: Đỗ Dzũng

Sống Trong Niềm Vui | Hà Thanh Xuân 

Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện. (Mt 5:48)-Cha Vương

Chúa Nhật thánh thiện và tốt lành nhé.

Cha Vương

CN: 19/02/2023

TIN MỪNG: ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê rằng: “Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en và bảo chúng: Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, ĐỨC CHÚA, THIÊN CHÚA của các ngươi, Ta là Đấng Thánh. (Lc 19:2)

SUY NIỆM: Khi nghĩ đến một người thánh thiện, ai là người đầu tiên mà bạn nghĩ đến? Thiết tưởng rằng người mà bạn nghĩ đến là một vị thánh nổi tiếng?  Một linh mục khiêm nhường? Một nữ tu thánh thiện? Một thầy dòng đơn sơ? Hay một người tốt lành nào đó mà bạn ngưỡng mộ… Những người này tuy rằng họ tốt lành và thánh thiện đó nhưng không phải điều gì họ làm cũng là hoàn toàn tốt và đúng bởi vì họ vẫn là con người. Đã là con người thì chắc chắn phải có bất toàn. Sự thánh thiện và tốt lành của họ cũng chỉ là tương đối thôi. Hôm nay Chúa nói: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, ĐỨC CHÚA, THIÊN CHÚA của các ngươi, Ta là Đấng Thánh.”

Điều này muốn nói với bạn rằng, thánh thiện và hoàn thiện đều thuộc về Thiên Chúa và tội lỗi là bản chất của con người. Nói cách khác đi, tất cả loài người đều là tội nhân, các thánh cũng đã từng như vậy! Nhưng đối với các thánh, các ngài tin cậy vào lòng thương xót của Thiên Chúa và không để cho những yếu đuối của các ngài gây tê liệt ước muốn nên thánh mỗi ngày.

Để đạt được một đời sống thánh thiện không phải là điều dễ dàng bạn ạ. Bạn phải ao ước và quyết tâm. Có bao giờ bạn đón chào một ngày mới với một quyết định rằng: “ngày hôm nay tôi phải sống thánh thiện” chưa? Việc quyết định và quyết tâm sống thánh thiện của bạn là khởi điểm của một hành trình nên thánh mỗi ngày đó. Nếu bạn không ao ước, không quyết định và không quyết tâm thì bạn không bao giờ đạt được. Để đạt được đời sống thánh thiện bạn chỉ cần luyện tập hai nhân đức thôi:

(1) lòng khiêm nhường bước theo chân Chúa,

(2) hết lòng tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa.

Tất cả các thánh đã đạt được hai nhân đức này trong công việc hằng ngày của họ. Chúc bạn thành công trong hành trình nên thánh mỗi ngày.

LẮNG NGHE: Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện. (Mt 5:48)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin cất đi những yếu đuối và bấn hèn của con và ban cho con lòng khiêm nhường để con bước theo chân Chúa suốt cuộc đời con. Lạy Chúa Giêsu con hết lòng tin tưởng nơi Chúa!

THỰC HÀNH: Hãy chọn một lĩnh vực tội lỗi hoặc cám dỗ mà bạn đang cố gắng vượt qua và quyết định cách thức bạn cũng có thể thực hành đức tính ngược lại.

From: Đỗ Dzũng

Tin Vào Tình Chúa – Nguyễn Hồng Ân | Cầu Nguyện Với Chúa Trước Bão Lũ Miền Trung 

Kính Bảy Thánh Lập Dòng Tôi Tớ Đức Mẹ (Thế kỷ XIII)-Cha Vương

Chúc bình an và mọi sự tốt đẹp đến bạn và gia đình nhé. Hôm nay Giáo Hội mừng kính Bảy Thánh Lập Dòng Tôi Tớ Đức Mẹ (Thế kỷ XIII), xin các thánh chuyển cầu cho chúng con. Cuối tuần an lành nhé.

Cha Vương

Thứ 6: 17/02/2023

Bảy thánh này là những thương gia tên tuổi miền Frorence. Không muốn chỉ là những người thế giá, các Ngài hướng tới đời sống thánh thiện và họp lại thành một nhóm huynh đệ đặc biệt tôn sùng Đức Trinh Nữ. Các Ngài được cảm hứng bởi một thi kiến để giã từ thế gian và hiến thân phụng sự một lý tưởng cao cả hơn. Trước hết các Ngài cư ngụ trên triền núi Seraniô và xây một nhà thờ tại đó.

Sau khi viếng thăm Đức Giám mục, các Ngài được khuyên nhủ nên nhận một luật sống. Các Ngài lại được một thị kiến khác của Đức Mẹ, nhưng đó Đức Mẹ khuyên nên nhận luật dòng của thánh Augustinô. Mẹ cầm nơi tay một y phục đen và thiên thần bên cạnh mẹ cầm một cuộn giấy với danh hiệu “tôi tớ Đức Mẹ”. Điều này xảy ra ngày 13 tháng 4 năm 1240 và từ nhóm tu sĩ này được biết đến dưới danh hiệu “Tôi tớ Đức Mẹ”. Hội dòng lo rao giảng Phúc âm và phổ biến bảy sự thương khó Đức Mẹ khằp vùng Toscanne.

Ở đây cũng nên ghi nhớ giai thoại thi vị kể lại một phép lạ đánh dấu sự chúc lành của trời cao dành cho hội dòng. Các tôi tớ Đức Mẹ hiến cuộc đời cho cả đất đai lẫn cho các linh hồn. Các Ngài canh tác một miếng đất khô chồi quanh nhà, nhưng các Ngài đã thành công để làm cho mọc lên những thân nho tươi tốt. Một đêm mùa đông vườn nho bỗng chĩu nặng những chùm trái mọng mướt.

Đức giám mục thấy đây là dấu chứng tỏ những phục vụ của các Ngài được Thiên Chúa chúc lành. Thực vậy, các tập sinh tuốn đến đông đảo và nhà dòng được thiết lập trên khắp Âu Châu.

Năm 1304 nhà dòng được tòa thánh phê chuẩn. Đến thế kỷ XIV đã đảm nhận việc truyền giáo tại Ấn Độ. Nhiều cơ sở khác cũng được thành lập tại Anh quốc và Mỹ Châu.

Lễ kính nhớ bảy anh em lập dòng được định vào ngày hôm nay. Ngày mà thánh Alexia Falconieri, một trong bảy anh em qua đời vào năm 1310. Bảy Đấng sáng lập sao một cuộc sống hiệp nhất trong nỗ lực nên thánh, đã được an táng chung trong cùng một ngôi mộ và Giáo hội đã trình bày cho các tín hữu kính nhớ. Tên các Ngài là: Bonfilius Menaldi, Benedictô Antella, Giêradô Sestegui, Barthôlômêô Amidei, Gioan Manetti, Ricôver Lippi, Alexis Falconieri. (Nguồn: GP Vĩnh Long)

Bảy vị Tôi Tớ của Mẹ, suốt đời đã phụng sự Mẹ và tôn thờ Chúa vì thế các Ngài đã được Chúa ban ơn cho các Ngài được kết thúc cuộc đời của mình một cách cũng hết sức tốt đẹp: Một vị được chết ngay tại chân bàn thờ khi đang cầu nguyện. Vị Bề trên Cả đầu tiên, thánh Bonfilius Monaldi, khi đang ở nhà nguyện, được chết đang khi nghe thấy tiếng dịu ngọt của Mẹ: “Hỡi con yêu quí, vì con đã trung thành nghe và tuân giữ lời Con của Mẹ. Bây giờ, con hãy lãnh nhận sự sống đời đời và lãnh nhận gấp trăm lần những gì con đã từ bỏ”. Vị Tôi Tớ khác khi chết, mọi người thấy có một khối lửa bốc cao từ giường lên trời. Hai vị khác, sau cuộc hành trình được trao phó, khi trở về, vì tuổi già sức yếu, đã chết cùng một lúc khi gắng gượng trèo lên dốc Núi Sanario lần chót. Vị tu sĩ khiêm hạ sau chót, cũng là tu sĩ duy nhất trong 7 Tôi Tớ, thánh Alexis. Khi thầy Alexis trên 100 tuổi, biết mình gần chết, thầy muốn đọc 100 lần kinh Kính Mừng dâng kính Đức Mẹ. Khi vừa đọc xong kinh thứ 100, thầy liền thấy Chúa Giêsu Hài Đồng hiện ra tay cầm triều thiên hoa hồng đội trên đầu thầy. Thầy liền kêu to cho mọi người biết: “Anh em, hãy quì xuống! Anh em không thấy Chúa sao? Chúa cũng sẽ đội triều thiên hoa cho những ai thành thực sùng kính Đức Nữ Trinh, noi gương trinh trong và khiêm nhượng của Đức Mẹ…” và thầy lên trời hưởng phúc muôn đời.

Mời bạn hãy hết lòng noi gương các thánh tôi tớ của Đức Mẹ, chạy đến với Đức Mẹ để tỏ lòng tôn kính và mến yêu Người chắc chắn Người sẽ cứu giúp bạn bây giờ và trong giờ lâm tử nữa.

From: Đỗ Dzũng

Khi Thái Sơn ngả bóng cuối trời

Anh em hãy tận dụng thời gian hiện tại. (Ep 5:16)-Cha Vương

Tạ ơn Chúa đã ban cho bạn một ngày mới. Mình xin bạn một Kinh Kính Mừng cầu nguyện cho Linh Hồn Gioan Baotixita-Phaolô và những người đang hấp hối nhé.

Cha Vương

Thứ 5: 16/02/2023

GIÁO LÝ: Phụng vụ tác động đến thời gian như thế nào? Trong phụng vụ, thời gian trở thành thời giờ dâng cho Chúa. (YouCat, số 184)

SUY NIỆM: Có lúc ta coi thường thời gian, chỉ kiếm thời giờ để tiêu khiển. Còn trong phụng vụ, thời gian có một giá trị thực sự vì mỗi giây đều tràn đầy ý nghĩa. Khi cử hành phụng vụ giờ kinh, ta thấy Chúa thánh hóa thời gian và làm cho mỗi giây trở thành một cầu nhỏ dẫn ta vào cõi vĩnh hằng.

❦  Sự vĩnh hằng của Thiên Chúa không phải chỉ là vắng mặt thời gian hay không có thời gian, nhưng là sức mạnh làm cho thời gian phát triển thành hiện-hữu-với-thời-gian và hiện-hữu-trong-thời-gian. (Đức Hồng Y Ratzinger, Tinh thần phụng vụ) (YouCat, số 184 t.t.)

LẮNG NGHE: Anh em hãy tận dụng thời gian hiện tại. (Ep 5:16)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, thời giờ là của Chúa, đã rất nhiều lần con đã lãng phí thời giờ vào những công việc nhảm nhí không lành mạnh. Xin cho con biết trân quý món quà thời gian và sử dụng những phút giây của từng ngày một cách khôn ngoan để làm lợi cho chính mình về sức khỏe và phục vụ anh em, và để ca tụng và tôn vinh Chúa suốt đời.

THỰC HÀNH: Một ngày Chúa ban cho bạn 24 giờ, 1440 phút và 86400 giây. Bạn dự tính làm gì cho Chúa và cho anh em hôm nay? Đánh giá trị lại cách sử dụng thời giời của bạn nhé.

From: Đỗ Dzũng

CON TIN CHÚA ƠI

Tại sao trong phụng vụ còn có âm nhạc?-Cha Vương

Hôm qua ăn kẹo Chocola nhiều quá đi… Một ngày zui zẻ, bình an và  yêu thương trong công việc hàng ngày nhé.

Cha Vương

Thứ 4: 15/02/2023

GIÁO LÝ: Tại sao trong phụng vụ còn có âm nhạc. Loại nhạc nào thích hợp với phụng vụ? Khi lời không đủ ca ngợi Thiên Chúa, cần âm nhạc trợ giúp chúng ta. (YouCat, số 183)

SUY NIỆM: Khi ta hướng về Thiên Chúa, ta thường không biết nói gì, hoặc không biết diễn tả làm sao. Lúc đó âm nhạc có thể giúp ta. Trong khi vui sướng hớn hở, lời nói thường biến thành ca hát – do đó mà có ca hát của các thiên thần. Trong cử hành đạo đức, âm nhạc phải làm cho lời cầu nguyện tốt đẹp hơn, đi vào chiều sâu hơn, đánh động trái tim người tham dự, hướng họ lên tới Chúa, và sửa soạn một lễ nhạc cho Chúa.

❦  Hãy cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa. (Ep 5:19)

❦  Ca hát là cầu nguyện hai lần. (Thánh Augustinô) (YouCat, số 183 t.t.)

LẮNG NGHE: Suốt cuộc đời, tôi sẽ ca mừng CHÚA, sống ngày nào, xin đàn hát kính Thiên Chúa của tôi. (Tv 104:33)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, là Thiên Chúa của con. Thật là chính đáng phải đạo khi con hát vang, ca tụng và tôn vinh Chúa bằng tất cả tâm trí, khả năng và con người con. Xin cho con không ngừng tham dự tích cực vào việc tung hô, đối đáp, luân phiên đọc và ca tụng vinh danh Chúa.

THỰC HÀNH: Bài thánh ca yêu thích nhất của bạn là gì? Nghe đi nghe lại bài đó hôm nay và xin ơn Chúa biết đổi mình một tí để trở nên thánh thiện dễ thương hơn hôm qua nhé.

From: Đỗ Dzũng

CHÚA LUÔN CÒN MÃI. Sáng Tác Phanxicô – Ca Sỹ: Diệu Hiền

 Lịch sử Ngày Tình Nhân (Valentine’s Day)…- Cha Vương

Happy Valentine Bạn nhé! Ước mong Bạn yêu thật nhiều, nhiều đến nỗi quên đi cái đáng ghét của nhau hôm nay nhé.

Cha Vương

Thứ 3: 14/02/2023

Lịch sử Ngày Tình Nhân (Valentine’s Day) vẫn còn là điều bí ẩn. Nhưng nhìn vào vết tích của truyền thống Kitô giáo và truyền thống La Mã, bạn thấy việc chọn thánh Valentine là thánh quan thầy của Lễ hội này cũng là điều hợp lý.

Người ta nghĩ rằng Thánh Valentine (c. 269) đã từng là linh mục ở Rôma cũng như là một y sĩ dưới thời  hoàng đế Claude II gốc Gothique. Người bị bắt và bi cầm tù mà người quản lao là một sĩ quan có một người con gái bị mù. Thánh nhân đã chữa cho cô con gái khỏi mù làm cho vị sĩ quan và gia đình trở lại đạo. Khi hay tin ấy, nhà vua ra lệnh chém đầu. Vì không chịu từ bỏ đức tin, ngài được tử đạo vào ngày 14 tháng Hai. Chúng ta không biết gì nhiều về ngài, nhưng ngay vào khoảng năm 350, một nhà thờ đã được xây cất nơi ngài tử đạo.

Truyền thuyết nói rằng ngài là một linh mục thánh thiện đã cùng với Thánh Marius giúp đỡ các vị tử đạo trong thời Claudius II. Ngài bị bắt, và bị gửi cho tổng trấn Rôma xét xử. Sau khi dụ dỗ mọi cách nhưng đều vô hiệu, quan tổng trấn đã ra lệnh cho lính dùng gậy đánh đập ngài, sau đó đưa đi chém đầu vào ngày 14 tháng Hai, khoảng năm 269. Người ta nói rằng Ðức Giáo Hoàng Julius I đã cho xây một nhà thờ gần Ponte Mole để kính nhớ ngài.

Nhiều giả thuyết khác nhau về nguồn gốc việc cử hành ngày Valentine. Một số cho rằng người Rôma có một tập tục vào giữa tháng Hai, trong ngày ấy các con trai tô điểm tên các cô con gái để tỏ lòng tôn kính nữ thần dâm dục là Februata Juno. Các tu sĩ thời ấy muốn dẹp bỏ tập tục này nên đã thay thế bằng tên các thánh tỉ như Thánh Valentine. Một số khác cho rằng thói quen gửi thiệp Valentine vào ngày 14 tháng Hai là vì người tin tin rằng các con chim bắt đầu sống thành cặp vào ngày này, là ngày Thánh Valentine bị chém đầu.

Dường như chắc chắn hơn cả là vào năm 1477, người Anh thường liên kết các đôi uyên ương với ngày lễ Thánh Valentine, vì vào ngày này, 14 tháng Hai, “mọi chim đực đi chọn chim mái.” Tục lệ này trở thành thói quen cho các đôi trai gái viết thư tình cho nhau vào ngày Valentine. Và ngày nay, các cánh thiệp, quà cáp và thư từ trao cho nhau là một phần của việc cử hành Ngày Valentine. (Nguồn: Người Tín Hữu)

Để mừng kính thánh Valentine mời bạn tìm cách để hàn gắn lại những tổn thương và bất đồng trong mối quan hệ với người khác vì yêu không đúng cách nhé.

From: Đỗ Dzũng

Yêu Cho Đến Cùng- Mai Thiên Vân

Tại sao các dấu hiệu thánh của phụng vụ cũng cần có những lời nói nữa?-Cha Vương

Chúc bạn một tuần mới thật nhiệt huyết sau trận đấu Super Bowl 2023 hôm qua (giải vô địch bóng bầu dục Mỹ). Ai thắng độ hãy chia sẻ cho kẻ nghèo đói nhé.

Cha Vương

Thứ 2: 13/02/2023

GIÁO LÝ: Tại sao các dấu hiệu thánh của phụng vụ cũng cần có những lời nói nữa? Cử hành phụng vụ có nghĩa là gặp gỡ Thiên Chúa, để cho Người hành động, để nghe Người nói và đáp lời Người. Giống như các cuộc đối thoại luôn cần diễn tả bằng lời nói và cử chỉ. (YouCat, 182 số)

SUY NIỆM: Chúa Giêsu đã nói với loài người bằng các dấu hiệu và lời nói. Hội thánh cũng làm như thế khi linh mục dâng lễ vật và nói: “Đây là Mình Thầy… Đây là Máu Thầy”. Lời này của Chúa Giêsu làm cho các dấu hiệu trở thành bí tích: dấu hiệu thực hiện cái mà nó có ý chỉ.

Các thiên thần cùng nhau ca lên: “Thánh, Thánh, Thánh, Chúa là Thiên Chúa các đạo binh, trời đất đầy vinh quang Chúa” (Is 6,3) (YouCat, số 182 t.t.)

❦ [Khi giảng dậy, Đức Giêsu thường dùng những dấu hiệu trong thiên nhiên để diễn tả mầu nhiệm Nước Thiên Chúa (x. Lc 8,10). Ngài thực hiện việc chữa lành và củng cố Lời Ngài giảng bằng những dấu hiệu hữu hình hay hành động biểu trưng (x. Ga 9,6 ; Mc 7,33-35 ; 8,22-25).

Ngài đem lại ý nghĩa mới cho những biến cố và dấu hiệu của Cựu ước, nhất là biến cố Xuất hành và Vượt qua (x. Lc 9,31 ; 22,7-20), vì chính Ngài là ý nghĩa của mọi biểu trưng này GL 1151.

❦ Trong các cử hành Phụng vụ và Bí tích, một mặt Giáo Hội sử dụng những dấu hiệu và biểu tượng Tân ước hoàn tất các biểu trưng Cựu ước, mặt khác, thanh luyện và tiếp nhận tất cả sự phong phú của những dấu hiệu và biểu tượng trong thiên nhiên và trong đời sống xã hội của nhân loại.] (Nguồn: Phụng Vụ Cử Hành Như Thế Nào?, Lm. Ant Nguyễn Đức Khiết)

LẮNG NGHE: Nói xong, Đức Giê-su nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, rồi bảo anh ta: “Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa” (Si-lô-ác có nghĩa là: người được sai phái). Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được. (Ga 9:6-7)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, khi tạo dựng con người, Chúa ban cho con có hồn và xác— giác quan và linh thiêng. Và còn phú cho con có khả năng diễn tả và tiếp nhận các thực tại thiêng liêng qua dấu hiệu và biểu tượng vật chất. Xin giúp con biết sử dụng những món quà này cho đúng để cảm nghiệm được Chúa đang hiện diện trong việc cử hành phụng vụ và bí tích, nhất là trong bí tích Thánh Thể.

THỰC HÀNH: Tích cực tham dự Thánh Lễ – chú tâm vào lời kinh tiếng hát để hết lòng ca tụng, kết hiệp và tôn vinh Chúa.

From: Đỗ Dzũng

Kẻ kính sợ ĐỨC CHÚA sẽ thi hành, và người tuân giữ Lề Luật sẽ đạt được khôn ngoan. (Hc 15:1)-Cha Vương

Một ngày Chúa Nhật hạnh phúc hoà quyện với sự bao dung nhé.

Cha Vương

CN: 12/2/2023

TIN MỪNG: Kẻ kính sợ ĐỨC CHÚA sẽ thi hành, và người tuân giữ Lề Luật sẽ đạt được khôn ngoan. (Hc 15:1)

SUY NIỆM:Khi đối mặt với một vấn đề hoặc khó khăn lớn trong cuộc sống bạn có khuynh hướng đi tìm kiếm sự trợ giúp của người có chuyên môn trong lĩnh vực đó. Ví dụ, một người đang đối mặt với các vấn đề tài chính có thể tìm đến một cố vấn tài chính để được giúp đỡ trong việc phát triển một kế hoạch khả thi nhằm giải quyết các vấn đề của họ. Người tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp tình huống khó khăn thể hiện cả sự khôn ngoan và lòng khiêm tốn, vì không ai tự cho mình là có tất cả các câu trả lời cho cuộc sống.

Tin Mừng trong sách Huấn Ca mời gọi bạn hãy thi hành và tuân giữ lề luật của Chúa để đạt được sự khôn ngoan. Khôn ngoan của Chúa, qua sự linh ứng của Chúa Thánh Thần, sẽ giúp bạn đi đúng con đường của sự sáng, sự thật và sự sống. Giới Luật của Chúa được ví như sợi dây an toàn trong xe ô tô. Dây an toàn là bộ phận tuy nhỏ nhưng đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn và nó có thể cứu được mạng sống của người ngồi trên xe.

Mình để ý trong chuyến đi thăm gia đình ở Việt Nam vừa qua có việc xử dụng chốt cài dây an toàn giả, hoặc cài dây an toàn ở sau lưng. Khi mình hỏi thì bác tài nói việc làm này khá phổ biến hiện nay của nhiều người lái xe nhằm đối phó với tiếng “bíp” liên tục phát ra từ trên xe nhắc cài dây an toàn. Nguy hiểm quá đi hả! Trong đời sống tâm linh cũng thế, nếu bạn cứ bác bỏ hoặc lờ đi tiếng “bíp” của lương tâm, của sự khôn ngoan hay một khía cạnh nhỏ của giới răn Chúa, thì bạn thật liều lĩnh và tự đưa mình vào một cõi bất hạnh và nguy hại đó.

Vậy hôm nay bạn hãy tự xét lại thái độ sống đạo của mình nhé. Bạn tuân giữ giới răn của một cách nghiêm túc hay hời hợt? Bạn có dùng “chốt cài dây an toàn giả” để lờ đi tiếng “bíp” của lương tâm không? Khẩu hiệu: “Thắt dây an toàn cứu mạng người” có hiệu nghiệm như thế nào thì việc tuân giữ các giới răn của Chúa cũng sẽ cứu sống linh hồn của bạn như vậy.  Nhớ thắt dây an toàn nhé!

LẮNG NGHE: Hạnh phúc thay ai sống đời hoàn thiện, biết noi theo luật pháp CHÚA TRỜI. (Tv 119:1)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin giúp con biết mến Chúa bằng việc thực hành giới răn yêu thương của Chúa. Xin cho con biết noi gương Me Ma-ri-a: Luôn lắng nghe lời Chúa và mau mắn thưa “xin vâng”. Và xin cho con luôn nghĩ đến những người bệnh tật, nghèo khổ và bất hạnh, để chân thành phục vụ họ như phục vụ chính Chúa vậy.

THỰC HÀNH: Trong 10 điều răn Đức Chúa Trời bạn vi phạm giới răn nào nhiều nhất? Tự xét mình rồi chạy đến toà cáo giải để xin ơn tha thứ. Đừng quên cài dây an toàn nhé.

From: Đỗ Dzũng

Xin Lỗi Chúa – Phương Anh & Phương Ý

Thánh Cô-lát-ti-ca (Scholastica), trinh nữ (480-543)

Cảm ơn bạn đã cầu nguyện cho mình được một chuyến đi nghỉ bình an tràn đầy niềm vui và hạnh phúc bên gia đình và những người thân yêu. Nguyện xin phúc lành của Chúa ở cùng bạn hôm nay và mãi mãi nhé.

Cha Vương

Th 6: 10/02/2023

Hôm nay Giáo Hội mừng kính Thánh Cô-lát-ti-ca (Scholastica), trinh nữ (480-543). Ngài là quan thầy của các nữ tu và là đấng cầu giúp cho những ai chống lại bão và sấm sét.

Anh em sinh đôi thường giống nhau về tính nết và tư tưởng cũng như nhiệt huyết. Do đó, người ta không ngạc nhiên khi Thánh Scholastica và người anh sinh đôi là Thánh Biển Ðức (Benedict), đều sáng lập các tu hội chỉ cách nhau có vài dặm.

Sinh năm 480 trong một gia đình giầu có ở Norcia, Perugia, nước Ý. Scholastica và Benedict cùng lớn lên cho đến khi Benedict xa nhà đi học ở Rôma. Chúng ta không biết nhiều về thời niên thiếu của Thánh Scholastica.

Sau này, ngài sáng lập dòng nữ tu ở Ý gần rặng Cassino, thuộc Plombariola, cách tu viện của anh ngài chỉ có năm dặm. Mỗi năm hai anh em chỉ gặp nhau có một lần, trong một nông trại, vì Scholastica không được phép vào tu viện. Cả hai dành thời giờ để thảo luận về các vấn đề tinh thần.

Theo cuốn Ðối Thoại của Thánh Grêgôriô Cả, trong lần sau cùng hai anh em gặp nhau để cầu nguyện và truyện trò, Thánh Scholastica cảm thấy cái chết của mình gần kề nên nài xin anh Benedict ở với ngài cho đến ngày hôm sau. Thánh Benedict từ chối lời yêu cầu ấy vì ngài không muốn ở đêm bên ngoài tu viện, vì như thế chính ngài sẽ phá vỡ quy luật do ngài đặt ra. Thánh Scholastica xin Thiên Chúa cho phép anh mình ở lại, và một trận mưa lớn đổ xuống như thác khiến Benedict và các tu sĩ đi theo ngài không thể trở về tu viện. Thánh Benedict kêu lên, “Xin Chúa tha tội cho em. Em làm cái gì vậy?” Thánh Scholastica trả lời, “Em xin anh một ơn huệ và anh từ chối. Em xin Chúa, và Chúa nhận lời.”

Ba ngày sau, ðang khi Thánh Benedict cầu nguyện trong tu viện thì ngài nhìn thấy linh hồn của em mình bay lên trời trong dạng chim bồ câu trắng. Thánh Benedict sai các tu sĩ đem xác của em mình về dòng và chôn trong chính ngôi mộ mà thánh nhân đã chuẩn bị cho mình. Thánh Scholastica từ trần vào khoảng năm 543, và sau đó không lâu Thánh Benedict cũng từ giã cõi đời. (Nguồn: Người Tín Hữu)

Thánh Scholastica và Thánh Benedict đã giúp nhau đến gần Chúa hơn bằng cách họ đối xử với nhau. Theo gương các Ngài, những người thân yêu bạn hữu, thầy cô, v.v… của bạn đều có thể giúp Bạn trở nên gần với Chúa hơn mỗi ngày.

From: Đỗ Dzũng

Nên Thánh Giữa Đời – Xara Trần – (St: Sr Têrêsa)

Thiên Chúa là nguồn mọi ân sủng…

Chỉ còn vài ngày nữa là đến Mùa Chay Thánh đó bạn ơi, chúc bạn một ngày tràn đầy ân sủng của Chúa nhé để vượt qua mọi thử thách của ngày hôm nay.

Cha Vương

Thứ 5: 09/02/2023

TIN MỪNG: Thiên Chúa là nguồn mọi ân sủng, cũng là Đấng đã kêu gọi anh em vào vinh quang đời đời của Người trong Đức Ki-tô. Phần anh em là những kẻ phải chịu khổ ít lâu, chính Thiên Chúa sẽ cho anh em được nên hoàn thiện, vững vàng, mạnh mẽ và kiên cường. (1 Pr 5:10)

SUY NIỆM: Đừng Nản Lòng Khi Lỡ Lầm: Hãy vững tin—Con ơi! Nhẫn nhục và khiêm tốn trước gian lao, đẹp lòng Cha hơn những an ủi và sốt sắng lúc được may mắn. Sao con buồn vì một lời trách nhẹ? Dầu nó có nặng nề mấy, con cũng không được tủi lòng kia mà! Nhưng con hãy để nó qua đi. Thử thách thế có gì là mới lạ. Với con chắc không phải là lần đầu mà. Nếu con sống lâu hơn, chắc cũng chưa phải là lần cuối cùng. Không gặp đau khổ, thấy con can đảm khá lắm. Con còn biết khuyên người khác, còn biết nói để khích lệ họ. Thế mà vừa chớm đau khổ, con đã mất cả sáng suốt, cả nghị lực. Con hãy coi đó mà chân nhận cái yếu hèn của con: thường con đã cảm thấy cả trong những trường hợp không đâu! Cho dù những đau khổ ấy và ngàn vạn cái tương tự có xảy đến cũng cốt là mưu phần rỗi cho con thôi. (x. Sách Gương Chúa Giêsu, Q3:57)

LẮNG NGHE: Anh sẽ được vững dạ an lòng vì có niềm hy vọng: dù đã phải thẹn thùng xấu hổ, anh sẽ được nghỉ ngơi yên hàn. (G 11:18)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, ma quỷ tìm cách cám dỗ bằng cách tạo nên những hoàn cảnh: gây gỗ, bất hòa, tự bào chữa khi buộc tội người khác… nhưng Chúa muốn con tin tưởng hoàn toàn nơi Chúa để được cứu rỗi, xin Chúa giúp con tìm hoan lạc trong những đau khổ và chịu đựng trong ân sủng và bình an.

 THỰC HÀNH: Quyết tâm từ bỏ một thói quen xấu. Để chuẩn bị cho Mùa Chay sắp tới.

 From: Đỗ Dzũng

Chúa Là Hy Vọng | St: Lm. Thái Nguyên | Tb: Hạnh Nguyên & Khánh Duy