HOA QUẢ THỨ 8: Hiền Hoà – Cha Vương

Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. (Mt 5,4)

Sau ngày lễ nghỉ, uể oải quá đi thôi. Chúc bạn ngày mới tràn đầy nghị lực và hiền lành như con chim bồ câu vậy nhé.

Cha Vương

Thứ 3: 31/05/2022

TIN MỪNG: Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. (Mt 5,4)

HOA QUẢ THỨ 8: Hiền Hoà— Hiền hoà (hiền lành) là một nhân đức, không để cho mình bị lôi cuốn bởi cơn giận dữ quá đáng so với nguyên nhân gây ra nó, nghĩa là không để cho mình bị lôi cuốn theo một cảm xúc phi lý. Người hiền lành thì luôn có tâm hồn đơn sơ, sống chân thật, không ích kỷ, không tìm tư lợi, nhưng sẵn sàng quên mình, biết dấn thân và biết sống vì người khác. Hiền hòa cũng có phần nào liên quan đến nhịn nhục và chịu đựng, đó là biết vui vẻ chấp nhận sự thua thiệt, hiền lành và chịu thua thiệt chứ không là nhu nhược.

SUY NIỆM: Trong cuộc sống tại thế này bạn phải đối diện với đủ loại thử thách: những thất bại, bất trắc, đau khổ, … có khi phải đối diện với những nghịch cảnh bi đát và nghiệt ngã bất công. Vấn đề là cách bạn ứng xử thế nào trước mỗi khó khăn thử thách như vậy. Lời khuyên của Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận sau đây có thể giúp bạn hiểu được tầm quan trọng của nhân đức hiền hoà khi ngài viết: “Đừng nản lòng vì thất bại. Nếu con tìm ý Chúa thực sự, thì chính sự thất bại đó là thành công. Chúa muốn như vậy. Xem gương Đức Giêsu trên thánh giá”; “Chỉ có một sự thất bại là không hy vọng vào Chúa. Con đã hy vọng vào Chúa và con sẽ không hổ thẹn đến muôn đời” (ĐHV, số 41. 43). Người hiền lành có thể bị người đời ăn hiếp hoặc luôn chịu phần thiệt thòi nhưng ngược lại họ lại là người mạnh mẽ và dễ mến vì chẳng có ai chống lại người hiền lành cả. Tiền nhân có câu: “No mất ngon, giận mất khôn”. Đúng quá! Một giây phút không kiềm hãm được những cảm xúc phi lý của mình không những bạn sẽ làm tổn thương đến những người chung quanh mà còn tự hại mình nữa. Nguy quá!

 LẮNG NGHE: Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hòa rộng rãi, Chúa đã gần đến. (Pl 4,4-5)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Thánh Thần là Chủ nhân hiền hòa của tâm hồn con, là nguồn dịu dàng tươi mát dường bao, xin cất khỏi tim con những yếu đuối, những cảm xúc nóng nảy, thô lỗ, cộc cằn, và ban cho con đức đơn sơ, điềm tĩnh, khôn ngoan, hiền dịu và quả cảm để con sống hiền lành thánh thiệt như Chúa hằng mong ước.

THỰC HÀNH: Tập không phản ứng mạnh khi gặp chuyện trái ý, không làm dữ khi ý kiến của bạn bị bác bỏ.

From: Đỗ Dzũng

 HOA QUẢ THỨ 7: Trung Tín – Cha Vương

 HOA QUẢ THỨ 7: Trung Tín – Cha Vương

Chúc bạn ngày nghỉ lễ Memorial Day thật zui zẻ và an lành nhé. Đừng quên cầu nguyện cho những linh hồn của những người đã hy sinh bảo vệ quốc gia Hoa Kỳ và nền tự do mà bạn đang tận hưởng.

Cha Vương

Thứ 2: 30/05/2022

TIN MỪNG: Phúc thay người biết kiên trì chịu đựng cơn thử thách, vì một khi đã được tôi luyện, họ sẽ lãnh phần thưởng là sự sống Chúa đã hứa ban cho những ai yêu mến Người. (Gc 1,12)

HOA QUẢ THỨ 7: Trung Tín— Trung tín là sự hiện hữu đúng với con người và sự việc. Bạn giữ vững lập trường cho dù khó khăn xảy đến. Sự trung tín là niềm tin vững mạnh được thử thách theo thời gian. Bạn dấn bước lên đường và sẽ tiếp tục hành trình ấy dù có khi bạn muốn dừng lại hoặc bị phân tâm.

SUY NIỆM: Bạn có biết không? Mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do từ trên, đều tuôn xuống từ Cha là Đấng dựng nên muôn tinh tú; nơi Người không hề có sự thay đổi, cũng không hề có sự chuyển vần khi tối khi sáng. (Gc 1;17) Đối Chúa không gì thay đổi nhưng lòng người lại hay đổi thay vì Ngài là Chân lý, đồng thời Ngài cũng là Tình Yêu. Vì là Tình yêu, Ngài muốn thông ban chính mình cho bạn ; Ngài yêu thương bạn, vì thế Ngài  không muốn lường gạt ai cả. Lòng trung tín của Thiên Chúa phải trở thành nền tảng cho đời sống của người Ki-tô hữu. Xã hội ngày nay đang đương đầu với căn bệnh “giả dối, dối trá”. Con người tìm đủ mọi thủ đoạn đề tìm lợi tức cho riêng mình.  Căn bệnh này đang được báo động ở vị trí đỏ. Điều này nhắc nhở cho bạn về sự rất cần thiết của lòng trung tín, không những đối với Chúa mà còn đối với tha nhân nữa. Trong đời sống xã hội, lòng trung thành với lời cam kết rất quan trọng: sự bền vững của các mối tương quan đặt nền tảng trên sự trung thành của mỗi phần tử. Điều này đòi hỏi những nghĩa vụ hỗ tương. Mình phải có nghĩa vụ trung thành với điều đã cam kết, và phải cư xử thế nào để người khác có thể tin tưởng vào mình . Đồng thời, bạn cũng hãy tin tưởng nơi người khác, dựa trên lòng thành thực và tốt lành của họ. Thái độ này sẽ nảy sinh ra một sức mạnh nội tâm để giúp bạn đứng vững với lập trường của mình trước những khó khăn và thử thách trong đời.

LẮNG NGHE: Đừng sợ các nỗi đau khổ ngươi sắp phải chịu: này ma quỷ sắp tống một số người trong các ngươi vào ngục để thử thách các ngươi; các ngươi sẽ phải lâm cảnh gian truân trong vòng mười ngày. Hãy trung thành cho đến chết, và Ta sẽ ban cho ngươi triều thiên sự sống. (Kh 2,10)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Thánh Thần, xin giúp con biết lắng nghe tiếng gọi của lương tâm chân chính để con sống trung thành với Chúa, trung thành với lề luật, trung thành với những quyết định mà con đã lựa chọn trong ơn gọi làm Kitô hữu, xin cho con biết đáp lại lời mời gọi của Chúa: “Hãy từ bỏ mọi sự, vác thập giá đi theo Chúa”.

THỰC HÀNH: Một người trung tín không bao nói xấu bạn mình sau lưng người khác. Tránh nói xấu hôm nay nhé.  

From: Đỗ Dzũng

HOA QUẢ THỨ 6: Từ Tâm—Lòng thương người-Cha Vương

 HOA QUẢ THỨ 6: Từ Tâm—Lòng thương người

Chúc bình an đến bạn và gia đình. Nguyện xin hồng ân của Thiên Chúa tuôn đổ trên bạn như mưa hôm nay. Hãy cầu nguyện cho nhau nhé.

Cha Vương

CN: 29/05/2022

TIN MỪNG: Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Lc 11,13)

HOA QUẢ THỨ 6: Từ Tâm—Lòng thương người. Phát sinh do lòng nhân hậu (nhân từ) trong lời nói và trong việc làm, nó được nảy sinh từ tâm hồn đạo đức, từ nếp sống chính trực, “mến Chúa và yêu người”.

SUY NIỆM: Trong đoạn Tin Mừng của Thánh Luca 6, 36 Chúa Giê-su dạy:  “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ”. Đây là bài học coi thì dễ nhưng lại rất khó bởi vì không thước tấc nào có thể đo nổi lòng người được. Vậy thời xưa mới có câu: “dò sông dò biển dễ dò, nào ai lấy thước mà đo lòng người”. Nếu con người đối xử với nhau với lòng nhân từ như Chúa thì thế giới này sẽ hiền hoà yên ả. Có câu chuyện được kể về Mahatma Gandhi, một nhà ái quốc Ấn độ, lúc con nhỏ, ông sang Anh quốc học nghề luật sư và nhờ đó có dịp tiếp xúc với Kitô giáo. Ông đọc Phúc âm thường xuyên, đặc biệt ông thán phục bản Hiến chương tám mối phúc thật và lấy đó làm nguồn cảm hứng cho đường lối bất bạo động của ông trong việc giành lại độc lập cho dân tộc mình. Tuy nhiên, có lần ông đã tâm sự với người thân tín rằng dù thán phục Giáo lý của Chúa Kitô, nhưng ông không thể trở thành kẻ tin Chúa, vì ông thấy nhiều Kitô hữu không sống tám mối phúc thật của Chúa. Ông nói: “Tôi yêu mến Chúa Kitô, nhưng tôi không thích người Kitô. Nếu họ giống như Chúa Kitô thì dân Ấn độ chúng tôi đã trở thành Công giáo cả rồi”. Nhận xét của Mahatma Gandhi trên đây là một lời cảnh cáo về ơn gọi và trách nhiệm của mỗi người Ki-tô hữu. Là người Kitô hữu, bạn phải sống như Chúa Kitô, phải có những tâm tình từ bi, nhân hậu và yêu thương như Ngài. Ước mong bạn hãy mở cửa tâm hồn để xin ơn Chúa Thánh Thần ban cho bạn lòng thương người (hoa quả từ tâm) để mọi người nhận biết bạn là con cưng của Chúa nhé.

LẮNG NGHE: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.” (Lc 6, 36-38)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Thánh Thần, chỉ lối cho con, hướng dẫn con, hỗ trợ con, an ủi con, cho con biết việc phải làm, xin ra chỉ thị cho con để con “đem уêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nới lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm, đem tin kính vào nơi nghi nan chiếu trông cậу vào nơi thất vọng, để con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm đem niềm vui đến chốn u sầu.”

THỰC HÀNH: Cái rễ của lòng của bạn đang cắm vào đâu vậy? Thế gian hay Thiên Chúa? Quyết tâm từ bỏ một thói quen xấu và tập rèn luyện một nhân đức mới để sống tốt lành hơn.

From: Đỗ Dzũng

Chúa Thánh Thần hoạt động thế nào trong đời tôi?-Cha Vương

Chúa Thánh Thần hoạt động thế nào trong đời tôi?

Nguyện xin bình an và tình yêu của Thiên Chúa luôn ở cùng bạn và gia quyến hôm nay nhé. Xin bạn một lời kinh cầu nguyện cho linh hồn Bà Cố Maria, bà Bác của mình mới qua đời tại Việt Nam. Xin đa tạ.

Cha Vương

Thứ 2: 23/05/2022

GIÁO LÝ: Chúa Thánh Thần hoạt động thế nào trong đời tôi? Chúa Thánh Thần mở lòng tôi đón nhận Thiên Chúa. Người dạy tôi cầu nguyện, và giúp tôi thực hành bác ái với tha nhân. (YouCat, số 120)

SUY NIỆM: Theo thánh Augustinô, Chúa Thánh Thần là vị khách thầm lặng của hồn tôi. Muốn cảm nghiệm được Người có mặt, cần phải thinh lặng. Vị khách này thường tỏ mình ra một cách rất êm đềm trong ta và với ta, qua tiếng lương tâm hoặc qua tiếng thúc giục bên trong hay bên ngoài. Là “đền thờ của Chúa Thánh Thần” có nghĩa là luôn có mặt sẵn sàng cả hồn xác để tiếp đón vị khách là Thiên Chúa trong ta. Xác ta là như nhà ở của Chúa. Ta càng mở rộng lòng cho Chúa Thánh Thần, Người càng trở nên Thầy dạy ta sống và càng mau mắn ban các đặc sủng để xây dựng Hội Thánh. Nhờ đó thay cho các công việc của xác thịt, các hoa quả của Thần Khí sẽ tăng trưởng. (YouCat, số 120 t.t.)

❦ Các hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ. (Ga 5:22)

LẮNG NGHE: Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, rượu chè, và những điều khác giống như vậy. (Ga 5:19-21)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Thánh Thần, là vị khách thầm lặng của hồn con, xin hướng dẫn và bảo vệ tâm hồn con khỏi những cạm bẫy của ma quỷ đang xúi dục con làm những điều bất chính, và xin thêm sức mạnh cho con để con trung thành với Chúa cho đến cùng.

 THỰC HÀNH: Hôm nay mời bạn bỏ ra 15 phút thinh lặng để lắng nghe tiếng thì thầm của “vị khách thầm lặng” đang muốn nói với bạn điều gì nhé.

From: Đỗ Dzũng

Thánh Bênađinô Siêna (1380-1444)-Cha Vương

Thánh Bênađinô Siêna (1380-1444)

Hôm nay Giáo Hội mừng kính thánh Bênađinô Siêna, mừng quan thầy đến những ai chọn ngài làm quan thầy nhé.

Cha Vương

Thứ 6: 20/05/2022

Thánh Bênađinô Siêna sinh năm 1380 tại một thị trấn gần thành phố Siêna, nước Ý. Ngài là con trai của một nhà chức sắc người Ý. Song thân Bênađinô qua đời khi ngài mới lên bảy. Những người bà con của Bênađinô quý mến ngài như con ruột của họ. Họ cũng cho Bênađinô ăn học đến nơi đến chốn. Bênađinô trưởng thành với dáng vẻ một cậu trai cao to đĩnh đạc. Bênađinô có tính pha trò nên các bạn bè của Bênađinô thích được ở bên ngài. Tuy nhiên, họ biết rằng không nên nói bất cứ lời thô tục nào khi có sự hiện diện của Bênađinô, vì ngài sẽ không khoan thứ cho điều ấy. Hai lần khi một gã thanh niên kia dụ dỗ Bênađinô phạm tội, cả hai lần Bênađinô đã tặng cho hắn một quả đấm và đuổi hắn đi.

        Thánh Bênađinô Siêna có một tình yêu đặc biệt nồng nàn đối với Đức Trinh Nữ Maria. Chính Đức Mẹ là Đấng gìn giữ tâm hồn ngài trong sạch. Ngay khi còn ở tuổi niên thiếu, Thánh Bênađinô Siêna đã đơn sơ cầu nguyện với Đức Mẹ y như một con trẻ thưa truyện với mẹ nó vậy.

        Bênađinô Siêna có tâm hồn nhạy cảm. Ngài rất thương mến những người nghèo khổ. Lần kia, người cô của Bênađinô Siêna không còn thức ăn cho thêm một người hành khất nữa, cậu bé liền la lớn tiếng: “Thà con chịu bỏ đói còn hơn là để cho người đàn ông đáng thương ấy phải ra đi mà chẳng được chút gì!” Năm 1400, khi cơn dịch tả tấn công thành phố, Thánh Bênađinô và các đồng bạn của ngài đã tình nguyện tới giúp bệnh viện. Họ ngày đêm săn sóc những người đau yếu và hấp hối suốt sáu tuần lễ cho tới khi cơn dịch chấm dứt.

        Khi lên hai mươi hai tuổi, Bênađinô Siêna gia nhập dòng Thánh Phanxicô khó khăn. Rồi Bênađinô Siêna làm linh mục. Sau nhiều năm phục vụ, thánh nhân được chỉ định tới các thị trấn và thành phố rao giảng. Thánh Bênađinô Siêna đã nhắc nhớ cho mọi người về lòng yêu thương của Đức Chúa Giêsu. Trong những ngày ấy, các thói xấu làm suy vi tinh thần đạo đức của cả người già lẫn con trẻ. “Làm sao con có thể tự mình cứu lấy những người này?” trong lời kinh, Bênađinô Siêna đã hỏi Thiên Chúa. “Con có thể dùng thứ vũ khí nào để chống lại ma quỷ?” và Thiên Chúa trả lời: “Thánh Danh Ta đủ cho con!” Vì thế, Bênađinô Siêna đã rao giảng lòng tôn sùng Thánh Danh Chúa Giêsu. Ngài sử dụng Thánh Danh này rất nhiều lần trong mỗi bài giảng. Thánh nhân xin người ta in Thánh Danh Chúa Giêsu và dán trên các cổng ra vào của thành phố, trên khắp các cánh cửa… Nhờ việc tôn sùng Thánh Danh Chúa Giêsu và lòng sùng kính Mẹ Maria, Bênađinô Siêna đã đem hàng ngàn người trên khắp nước Ý trở về với Giáo hội.

        Thánh Bênađinô Siêna đã trải qua bốn mươi hai năm trong đời tu dòng Phanxicô. Thánh nhân qua đời ngày 20 tháng Năm năm 1444 tại Aquila, nước Ý, hưởng thọ sáu mươi tư tuổi. Chỉ sáu năm sau, năm 1450, Bênađinô Siêna được đức thánh cha Nicôla V tôn phong hiển thánh.

    Thánh Bênađinô Siêna đã thực sự quan tâm đến mọi người. Thánh nhân đã dùng tất cả nghị lực và niềm vui của mình để phục vụ Đức Chúa Giêsu và làm cho người ta yêu mến Thánh Danh Chúa. Chúng ta cũng hãy năng cầu xin “Thánh Danh Chúa Giêsu.”

(Nguồn: dongten)

From: Đỗ Dzũng

Chúa Thánh Thần đã hành động trong, với, và qua Đức Mẹ Maria thế nào?-Cha Vương

Chúa Thánh Thần đã hành động trong, với, và qua Đức Mẹ Maria thế nào?

Thứ 5 rồi bạn ơi, chúc bạn và gia đình một ngày bình yên trong Chúa. Đừng quên đọc Kinh Mân Côi trong Tháng kính Đức Mẹ nhé.

Cha Vương

 Thứ 5: 19/05/2022

GIÁO LÝ:  Chúa Thánh Thần đã hành động trong, với, và qua Đức Mẹ Maria thế nào? Đức Mẹ Maria đã hoàn toàn đáp ứng và cởi mở tâm hồn cho Thiên Chúa (Lc 1, 38). Do đó, qua tác động của Chúa Thánh Thần, Người đã trở nên Mẹ Thiên Chúa, và vì là Mẹ Chúa Kitô, Người cũng trở nên Mẹ các Kitô hữu, và là Mẹ của loài người nữa. (YouCat, số 117)

SUY NIỆM: Đức Maria đã để cho Chúa Thánh Thần thực hiện một phép lạ tuyệt vời: Thiên Chúa làm người. Đức Maria thưa vâng với Chúa: “Tôi là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Được Chúa Thánh Thần nâng đỡ, Đức Maria đã đi theo Chúa Giêsu trong những vui buồn của Chúa cho đến chân thập giá. Chính ở đó Chúa Giêsu đã ban Đức Maria làm Mẹ chúng ta (Ga 19, 25-27). (YouCat, số 117 t.t.)

❦ “Cha muốn ban cho Mẹ Maria đặc ân này vì lòng nhân từ của Cha, và để tôn kính Ngôi Hai đã nhập thể: bất cứ ai, dù tội lỗi đến đâu, mà kính cẩn tin yêu chạy đến kêu xin Mẹ Maria, sẽ không rơi vào quyền lực của quỉ dữ”. (Chúa phán với thánh nữ Catarina Siena)

LẮNG NGHE: Thánh Thần Chúa sẽ đến trên Bà, và quyền phép Đấng Tối cao sẽ phủ bóng trên Bà. (Lc 1:35)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Thánh Thần, xin đốt lên ngọn lửa tình yêu của Ngài trong lòng con để con sống và luôn tin cậy vào Chúa qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria.

THỰC HÀNH: Đọc chậm và suy niệm Kinh Hãy Nhớ: Lạy Thánh Nữ Đồng Trinh Maria, là Mẹ rất nhân từ, xin hãy nhớ xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Ðức Mẹ, xin bầu chữa cứu giúp mà Ðức Mẹ từ bỏ chẳng nhận lời. Nhân vì sự ấy, con lấy lòng trông cậy than van chạy đến sấp mình xuống dưới chân Ðức Mẹ là Nữ Đồng Trinh trên hết các kẻ đồng trinh, xin Ðức Mẹ đoái đến con là kẻ tội lỗi. Lạy Mẹ là Mẹ Chúa Cứu Thế, xin chớ bỏ lời con kêu xin, một dủ lòng thương mà nhận lời con cùng. Amen

From: Đỗ Dzũng

 Thánh Giáo Hoàng Gioan I (… – 18-05-526)-Cha Vương,

 Thánh Giáo Hoàng Gioan I (….. –  18-05-526)

Chúc bình an, hôm nay Giáo Hội mừng kính Thánh Giáo Hoàng Gioan I, (c. 526). Mừng bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy nhé.

Cha Vương,

Thứ 4: 18/5/2022

Thánh Giáo Hoàng Gioan I, sinh tại Populonia, xứ Tuscan, là tổng-phó-tế của hàng giáo sĩ Rôma, là vị Giáo Hoàng thứ 53 của Giáo Hội Công Giáo được chọn để kế vị Ðức Hormidas mà lúc bấy giờ ngài đã già yếu. Bất kể sự phản đối, ngài bị Theodoric — là vua của Ý, người hăng hái bảo vệ phe lạc giáo Arian — sai đi Constantinople để thuyết phục Hoàng Ðế Justin bớt khắt khe trong việc chống đối phe Arian mà một sắc lệnh của vua buộc phe này phải trao trả các nhà thờ cho người Công Giáo ở Ðông Phương. Theodoric đe dọa rằng nếu Ðức Gioan thất bại trong nhiệm vụ, thì người Công Giáo chính thống ở Tây Phương sẽ bị trả đũa.

Nhiệm vụ thật khó khăn nhưng chuyến đi thật vinh quang. Bất cứ đâu ngài đến đều được dân chúng vui mừng tiếp đón. Khi đến Constantinople, Hoàng Ðế Justin đã dành mọi vinh dự cho ngài. Vào Chúa Nhật Phục Sinh, 19-4-526, ngài đội vương miện tấn phong cho Hoàng Ðế Justin. Ngoài ra, các giám mục Ðông Phương cũng hăng say thề trung thành với Rôma.

Khi Ðức Gioan trở về Ravenna, thủ phủ của Theodoric, ngài khám phá rằng Theodoric đã giết chết người bạn tâm giao của ngài là triết gia vĩ đại Severinus Boethius, cũng như bố vợ của ông là Symmachus. Về phần Theodoric, vì nghi ngờ Ðức Gioan thông đồng với Hoàng Ðế Justin nên ngay khi ngài đặt chân lên đất Ý, Theodoric đã cho người bắt giam ngay lập tức.

Phần vì mệt mỏi sau cuộc hành trình, cộng thêm sự đau khổ vì đối xử tệ hại, ngài ở tù không lâu và đã từ trần ngày 18 tháng Năm 526. Ngài được chôn cất ở bên ngoài thành Ravenna, nhưng sau đó thi hài của ngài được đưa về Rôma và chôn cất trong Ðền Thánh Phêrô.

Lời Bàn: Chúng ta không thể chọn lựa những đau khổ mà chúng ta phải chịu. Thánh Giáo Hoàng Gioan I bị đau khổ vì một hoàng đế tham quyền. Ðức Giêsu đau khổ vì những nghi ngờ của những người cảm thấy bị đe dọa vì chân lý, vì sự thẳng thắn và vì sự bất lực của Ðức Giêsu. “Nếu thế gian ghét bỏ các con, hãy biết rằng thế gian đã ghét bỏ Thầy trước hết.”

(Trích Gương Thánh Nhân – ns Người Tín Hữu online)

From: Đỗ Dzũng

Chúa Thánh Thần đã “nói qua các tiên tri” nghĩa là gì?-Cha Vương

Chúa Thánh Thần đã “nói qua các tiên tri” nghĩa là gì?

Ngày Thứ 3 tràn đầy nhiệt huyết trong Chúa và Mẹ nhé. Nhớ cầu nguyện cho nhau nhé.

Cha Vương

Thứ 3: 17/05/2022

GIÁO LÝ: Chúa Thánh Thần đã “nói qua các tiên tri” nghĩa là gì? Trong Kinh Thánh Cựu ước, Thiên Chúa đã ban Thánh Thần cho một số người nam và nữ để họ nhân Danh Chúa, nói ra lời Chúa dạy, và sửa soạn lòng dân Chúa đón Đức Mêssia (Đấng Cứu thế). (YouCat, số 116)

SUY NIỆM: Trong Cựu Ước, Thiên Chúa chọn những người nam và nữ để họ an ủi, hướng dẫn và khuyên bảo dân chúng. Thánh Thần Thiên Chúa cũng nói qua miệng tiên tri Isaia, Jêrêmia, và Êdêkien và các tiên tri khác. Thánh Gioan Tẩy giả, tiên tri cuối cùng không những báo trước Chúa Giêsu đến, mà còn gặp gỡ và loan báo rằng Người là Đấng giải thoát ta khỏi quyền lực tội lỗi.

Thuở xưa nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các tiên tri, nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. (Dt 1,1-2) (YouCat, số 116 t.t.)

❦ Thiên Chúa đã đích thân làm người nơi Chúa Giêsu Kitô và ban cho ta có thể nhìn thấy được nội tâm của chính Thiên Chúa. Và ta thấy một việc không ngờ: Thiên Chúa mầu nhiệm không cô đơn vô hạn. Người là một biến cố tình yêu. Người có Chúa Con nói năng với Người là Cha. Và cả hai chỉ là một trong Chúa Thánh Thần là một bầu khí hiến dâng và yêu thương làm cho tất cả ba chỉ là Một Thiên Chúa độc nhất. (Đức Bênêđictô XVI, vọng lễ Hiện Xuống 2006)

LẮNG NGHE: Chính thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi, Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của Ta và đem ra thi hành. (Ed 36:27)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Thánh Thần, ngọn lửa thần linh của Ba Ngôi Cực thánh, xin thắp sáng trong con một ngọn lửa bừng cháy tình yêu đối với tha nhân. Xin chiếm đoạt trọn vẹn tâm hồn con bằng ngọn lửa của Ngài; xin xua đuổi mọi ý hướng xấu trong lòng con để con chỉ biết yêu mến Chúa mà thôi.

THỰC HÀNH: Đọc chậm và suy niệm Kinh Chúa Thánh Thần.

From: Đỗ Dzũng

 Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.

 Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.

Ngày mai là ngày “Thứ 3 béo” (Mardi Gras-Fat Tuesday), bao nhiêu tôm hùm, bò bít-tết đưa ra ăn hết đi nhé, kẻo Thứ 4 Lễ Tro ăn chay kiêng thịt lại thèm thuồng.

Chúc một ngày an lành trong Chúa và Mẹ và đừng quên cầu nguyện cho người dân Ukraine và các nhà cầm quyền trên thế giới.

Cha Vương

Thứ 2: 28/02/2022

GIÁO LÝ: Thiên Chúa kéo chúng ta ra khỏi vòng xoáy của sự dữ thế nào?Thiên Chúa không đành nhìn con người dần dần hủy hoại mình và những gì chung quanh mình, do hiệu ứng dây chuyền của tội lỗi. Người gửi đến cho ta Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu rỗi và Đấng Chuộc tội, Người cứu chúng ta khỏi quyền lực tội lỗi. (YouCat, số 70)

SUY NIỆM: “Không ai có thể giúp tôi.” Câu này xuất phát từ kinh nghiệm loài người nhưng không đúng nữa. Bất cứ nơi đâu mà con người vì tội lỗi của mình đã phiêu lưu vào, Thiên Chúa Cha đã sai Con của Người đến. Hậu quả của tội lỗi là cái chết (Rm 6,23). Nhưng hậu quả của tội lỗi cũng là sự liên đới kỳ diệu của Thiên Chúa với ta, Người sai Chúa Giêsu đến với ta như người bạn và Đấng cứu độ. Vì thế, có thể nói tội tổ tông là “tội hồng phúc”: “Ôi tội hồng phúc, tội đã đem lại Đấng cứu độ như thế.” (Phụng vụ đêm Phục sinh; YouCat, số 70 t.t)

❦  Một trong những lý do khiến tôi trở thành Kitô giáo: đó là một tôn giáo không do con người sáng chế ra. (C.S Lewis)

❦  Khi bàn tay Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập giá, Người đã đóng đinh cả tội lỗi ta vào thập giá nữa. (Bernard de Clairvaux)

LẮNG NGHE: Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. (Ga 3:17)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, khi “Chúa dựng nên con không cần có con nhưng để cứu chuộc con, Chúa cần sự cộng tác của con”. (Thánh Augustino) Xin cho con biết kết hợp với Chúa mọi nơi, mọi lúc và trong mọi người để được sống muôn đời với Chúa.

THỰC HÀNH: Tự xét mình và đi xưng tội để chuẩn bị tâm hồn cho Mùa Chay Thánh.

From: Đỗ Dzũng