BIỂN ĐÔNG: TỪ XUẤT HIỆN “ĐƯỜNG LƯỠI BÒ” ĐẾN NAY.

From: Lam Phung
BIỂN ĐÔNG: TỪ XUẤT HIỆN “ĐƯỜNG LƯỠI BÒ” ĐẾN NAY.

(Có tham khảo tài liệu của ông Đỗ Ngọc Uyển, Morgan Hill, California).

Năm 1949, Trung Hoa Dân Quốc (Tưởng Giới Thạch) rút ra Đài Loan, Đảng CSTQ ở lục địa thành lập nước CHND Trung Hoa, sử dụng tiếp bản đồ hình lưỡi bò 11 đoạn do Trung Hoa QG xuất bản tháng 2/1948. Năm 1953, cắt đi một đoạn trong Vịnh Bắc bộ (còn 10 đoạn), sau cắt thêm đoạn nữa thành 9 đoạn hiện nay.

Trong Đại chiến II, Nhật chiếm một số đảo ở Hoàng Sa, Trường Sa (HS-TS). Tháng 8/1945, Nhật bại trận, quân Nhật rút khỏi VN, ngày 26/8/1945 cũng rút khỏi các đảo chiếm đóng. Lúc này, VN vẫn thuộc quyền Pháp đô hộ, về danh nghĩa Pháp có nhiệm vụ bảo vệ HS-TS. Khi Pháp trả độc lập cho VN, Hiệp ước Élysée ngày 8/3/1949 bàn giao HS-TS cho Chính quyền Quốc gia VN(14/10/1950).

Về phía TQ, với tư cách phe Đồng minh, ngày 27/8/1945, TQ chỉ định Tướng Lư Hán sang giải giới quân Nhật ở Bắc VN và ở lại 3 năm vãn hồi an ninh. Đầu 1946, TQ cử Lâm Tuân và hạm đội đi “tiếp thu” những đảo Nhật bỏ lại ở HS-TS. Không ai biết chính xác những đảo nào Nhật đã chiếm. Một nhân viên thuộc Bộ Địa chất và Khoáng sản TQ tên Bạch Mi Sơ cùng đi đã vẽ một họa đồ tượng trưng bằng hình 11 đoạn, chiếm 80% diện tích biển Đông (cả HS-TS). Khi đoàn về, bản vẽ này được áp dụng in bản đồ đầu tiên, Vụ Biên giới và Lãnh thổ, Bộ Nội vụ TQ xuất bản tháng 2/1948 ghi: “Tác giả: Bạch Mi Sơ (Bộ Địa chất), năm sinh: 1946; nơi sinh: Trung Hoa Dân Quốc; người lập khai sinh “Nam Hải chư đảo vị trí đồ”.

Đường lưỡi bò vẽ tùy tiện, không theo quy ước thiết kế bản đồ, không phóng chiếu hệ thống toạ độ, không chính xác địa lý…, do đó, không có giá trị pháp lý biên giới. Biết điều này, TQ ngụy tạo “giá trị lịch sử”: khẳng định là di sản ngàn đời tổ tiên truyền lại (từ nhà Hán cách hơn hai ngàn năm…), là sự thật lịch sử không thể tranh cãi… Thật ra, bản đồ đó mới chỉ xuất hiện tại TQ cách đây 68 năm.

Ngày 4/9/1958, TQ tuyên bố bề rộng lãnh hải 12 hải lý áp dụng toàn lãnh thổ TQ, gồm bờ biển với đất liền, đảo ngoài khơi, đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, các quần đảo: Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa, Nam Sa và các đảo khác thuộc TQ. Trên cơ sở này, TQ xác định đường cơ sở lãnh hải, cấm máy bay, tàu bè nước ngoài xâm nhập nếu TQ chưa cho phép.

Từ 5/9 đến 8/9/1951, Hội nghị San Francisco ký kết Hòa ước với Nhật, có đại diện 51 nước tham dự. Ngoại Trưởng Gromyko (Liên Xô) đề nghị trả chủ quyền HS-TS cho TQ. Kết quả: 48 phiếu bác bỏ, có ba phiếu thuận (Liên Xô, Tiệp Khắc, Ba Lan). Nhật bỏ phiếu trắng. Ngày 7/9/1951, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần Văn Hữu (Quốc gia VN) tuyên bố HS-TS là lãnh thổ VN, không đại diện nào tại hội nghị phản đối. Ngày sau, Hòa ước được ký kết. Điều 2, đoạn 7 ghi rõ: “Nhật Bản từ bỏ chủ quyền, danh nghĩa và tham vọng đối với các quần đảo Paracel và Spratly” (khoản f). Ông Trần Văn Hữu đã ký Hòa ước này.

Ngày 14/9/1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng (VN Dân chủ Cộng hòa) gửi một công hàm điện báo đến Thủ tướng Quốc vụ viện TQ, đến 21/9/1958, Đại sứ VN DCCH tại TQ Nguyễn Khang trình công hàm lên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao TQ Cơ Bàng Phi: “…Chính phủ nước VN DCCH ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4/9/1958, của CP Nước CHND Trung Hoa, quyết định về hải phận 12 hải lý của TQ. CP Nước VN DCCH tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của TQ trong mọi quan hệ với nước CHND Trung Hoa trên mặt biển…”. (Trong lúc chủ quyền hai quần đảo này chính thức do VN Quốc gia ở phía Nam quản lý. Ngày nay, TQ cho rằng công hàm là bằng chứng cho thấy VN đã công nhận chủ quyền của TQ với HS-TS).

Sau khi ký Hiệp định Paris 1973, Hoa Kỳ rút Hạm đội 7 và thiết bị quân sự ra khỏi HS, không liên quan việc tranh chấp tại đây, Bộ Ngoại giao TQ ra tuyên bố HS-TS là lãnh thổ TQ và tố cáo Việt Nam Cộng hòa chiếm đóng trái phép. Phía VNCH ra tuyên bố đáp trả ngược lại. Trận chiến diễn ra. Do không cân sức, hải quân VNCH đã thất bại. Ngày 19/1/1974, TQ chiếm trọn HS. (Theo tiến sĩ Balazs Szalontai – Hungary: TQ quyết định chiếm quần đảo HS trước khi VNCH sụp đổ – nghĩa là trước khi VN DCCH có thể chiếm).

Ngày 14/3/1988; sau khi thuộc sự quản lý của CHXHCN VN, tiếp tục đánh dấu thất bại của Hải quân QĐND VN ở một số đảo thuộc quần đảo TS trong trận đánh với TQ. Gần tháng sau, tại quần đảo TS, Đại tướng Lê Đức Anh thề: …xin hứa trước đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu, bảo vệ bằng được quần đảo TS – một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng…”.

Trên cơ sở UNCLOS, đường lưỡi bò xâm phạm vùng biển đặc quyền kinh tế (Exclusive Economic Zone, EEZ) 4 quốc gia: VN, Brunei, Malaysia và Phillipines. Là quốc gia thành viên UNCLOS, tháng 2/2013, Phillipines nộp đơn kiện TQ tính phi pháp đường lưỡi bò tại Tòa Hòa giải Trọng tài Quốc Tế (thường trực tại The Hague). TQ tuyên bố: bản chất vụ kiện là tranh chấp chủ quyền các thực thể quần đảo TS. Do đó, Tòa án trên không có thẩm quyền xét xử tranh chấp lãnh thổ, TQ không tham gia vụ kiện, không bị ràng buộc quyết định của Tòa. TQ cho rằng họ có đầy đủ chủ quyền lịch sử với các đảo biển Đông và tài nguyên trong đường lưỡi bò.

Sau ba năm thụ lý, ngày 12/7/2016, Tòa án ban hành án lệnh có hai điều luật liên quan sau:

1. TQ không có cơ sở pháp lý đòi chủ quyền lịch sử các nguồn tài nguyên trong đường lưỡi bò, tuyên bố của TQ đi ngược lại Công ước của LHQ về Luật Biển (United Nations Convention On The Law Of The Sea).

2. Cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS cho phép một bên đơn phương khởi kiện bên còn lại ra tòa (Phụ lục VII). Điều này cũng bác bỏ tuyên bố của TQ: “Tòa Trọng tài đượcthành lập theo yêu cầu đơn phương của Manila, không có thẩm quyền xem xét đơn kiện, phán quyết của Tòa này đưa ra là vô giá trị và không có tính chất ràng buộc pháp lý”.
Với phán quyết trên, tranh chấp biển Đông đã được QT hóa, không còn là vấn đề hai bên giải quyết như TQ nói.

Sau án lệnh, TQ bác bỏ phán quyết của Tòa án Hòa giải Thường trực QT (Permanemnt Court of Arbitration), tuyên bố không tuân thủ, trở thành quốc gia ngoài vòng luật pháp QT, không xứng đáng là cường quốc, thành viên của HĐ Thường trực Bảo an LHQ.
Ngày 13/6/2016, TQ ban hành sách trắng bác bỏ phán quyết trên và vẫn khẳng định chủ quyền lịch sử với các đảo ở biển Đông, HS-TS… Bảy hòn đảo mà TQ chiếm là những cồn cát, vỉa đá (rock reef), vỉa san hô (coral reef) nửa nổi nửa chìm hoặc hoàn toàn chìm và chỉ nổi lên khỏi mặt nước khi thủy triều xuống như đảo Gạc-ma (Johnson South Reef). Vì không thể định cư, trồng trọt, chăn nuôi, sinh sống nơi đây, theo UNCLOS, không tính trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Là quốc gia thành viên (state member) UNCLOS, nhưng TQ phớt lờ các nguyên tắc, bồi đắp thành đảo nhân tạo, thiết lập tiền đồn quân sự. Tuy biết phi lý, TQ vẫn đòi có vùng đặc quyền KT 200 hải lý và thềm lục địa ngoài 200 hải lý với các đảo nhân tạo, làm chủ tài nguyên cả khu vực.

Hoa Kỳ theo luật pháp QT đã đưa chiến hạm tuần tra thường lệ ở biển Đông bảo vệ quyền tự do hàng hải, cách bờ biển 2 hải lý chứ không phải 12 hải lý. Khi vào quần đảo TS, chiến hạm tuần tra tiến sát đảo nhân tạo, TQ cho là Hoa Kỳ khiêu khích và gây căng thẳng.

Ngày 2/8/2016, Tòa án Tối cao TQ đưa ra phán quyết 4 điều sau:
1/ Những ai bị bắt khi đang đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của TQ có thể bị tù tới một năm, và vùng biển này bao gồm cả vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng kinh tế đặc quyền và thềm lục địa.

2/ Phán quyết này dựa trên luật pháp TQ và Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS).

3/ Các tòa án nhân dân sẽ tích cực thực thi quyền tài phán trong vùng biển chủ quyền TQ, hỗ trợ ban ngành hành chính quản lý biển hợp pháp, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích TQ.

4/ Phán quyết này bảo đảm về pháp lý cho lực lượng chấp pháp nghề cá.

Mặt khác, TQ vận động một số nước trong Asean và các nước khác hưởng lợi từ TQ ủng hộ tuyên bố của họ.

Tiếp tục chờ xem diễn biến vụ việc.

L.P

No automatic alt text available.
Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay