‘Ngày Buông Bỏ’ (Good Riddance Day)

‘Ngày Buông Bỏ’ (Good Riddance Day)

Huy Phương

“Shred it and forget it! (Xay vụn và quên nó đi!)

“Good Riddance Day” được lấy cảm hứng từ một truyền thống của Nam Mỹ Latinh, trong đó dân chúng, vào cuối năm, nhồi bông con búp bê với những đồ vật tiêu biểu cho những chuyện không vui trong dĩ vãng, và đem thảy chúng vào lò lửa.

Ở Mỹ, sự kiện này diễn ra vào giữa trưa ngày 28 Tháng Mười Hai mỗi năm trên quảng trường Broadway, giữa đường 45th và 46th. Theo truyền thống này, người dân New York lại tụ tập ở quảng trường Time để tham dự “Ngày Buông Bỏ” (Good Riddance Day) với mục đích quên đi những chuyện không hay của năm cũ để đón mừng một năm mới.

Nhiều tờ báo dịch “Good Riddance Day” là “Ngày Bỏ Đi,” nhưng chúng tôi thấy quan niệm “bỏ đi” này của Tây phương gần gũi hay đích thực là mang ý nghĩa và triết lý “buông bỏ” của văn hóa phương Đông, nhất là trong tinh thần Phật Giáo, khuyên con người ta phải “buông bỏ” để có được hạnh phúc! Trong đời sống có ba thứ độc hại là “tham, sân, si,” những thứ chúng ta mang nặng trong lòng, nguyên nhân gây ra bất hạnh và phiền não, ưu tư cho con người. Ham muốn thái quá. Oán ghét giận dữ, thù hận. Tin vào điều nghịch lý, cố chấp.

(Hình minh họa: Getty Images)

Những người bị trầm cảm, khổ đau, tuyệt vọng không gượng dậy được bởi vì trong lòng mang quá nhiều gánh nặng, ưu tư, và những nỗi buồn, không dứt bỏ hay chạy trốn được, không ít những người cuối cùng đã tìm đến cái chết. Không phải dễ buông bỏ, dầu ai cũng biết người buông bỏ được là người hạnh phúc nhất.

Theo những hình ảnh được ghi lại trong “Ngày Buông Bỏ” này, người ta bỏ những chuyện mình muốn quên đi vào thùng rác hay cho vào cái máy xé giấy “paper shredder!” Đó có thể hóa đơn chưa trả, một cái giấy đòi nợ, tấm ảnh cô bạn gái phản bội, hoặc một điều gì đó khó chịu nhất mà mình muốn dứt bỏ, sẽ viết ra trên những tờ giấy có tiêu đề “Good Riddance Day.” Người có bệnh thì ghi tên bệnh như “Cancer,” “Diabetes,” người sợ mập thì ghi “Gainning Weight,” người nợ nần thì ghi “Credit Card Debt,” “Student Loan,” người thất tình thì ghi “Boyfriend Problem!” Chuyện thương ghét chính trị, thì có thể ghi tên Đảng Cộng Hòa hay tên Tổng Thống Trump, đảng Dân Chủ hay tên Pelosi mà xay nhỏ, nghiền nát, hay thiêu đốt trong lò lửa!

Những tấn giấy xé vụn được tạo ra vào “Ngày Bỏ Đi” này sẽ được gửi đến các nhà máy tái chế gần đó và biến thành các sản phẩm có thể tái sử dụng!

Nhưng tất cả hành động trên đây cũng đều có tính cách tượng trưng vì không ai đốt được món nợ chưa trả xong, bỏ phiền muộn, oán thù vào thùng rác, hay xay nhỏ những xui rủi mà chúng ta đã phải chịu đựng trong năm qua.

Trong ngày truyền thống “bỏ đi” này chúng ta muốn bỏ đi điều gì? Trên đời này có bao nhiêu điều bất như ý, bao nhiều phiền muộn, thất bại, lỡ lầm, khổ đau…nếu không, người ta đã chẳng gọi “đời là bể khổ!” Những muốn thoát ra những điều này quả không dễ, vì chính trong cuộc đời vốn đã có khổ lẫn sướng, hạnh phúc lẫn khổ đau. Trần thế có người tốt kẻ xấu, có người trung hậu thì cũng có đứa gian tà.

Khổ sướng đôi khi hẳn là định mệnh, có muốn bỏ đi, “chạy Trời cũng không khỏi nắng!” Vậy nên Việt Nam mới có câu ca dao than thân trách phận:

 “Gánh cực mà đổ lên non,

Cong lưng mà chạy, cực còn theo sau!”

Khi chúng ta không thể bỏ đi được những chuyện, những vật dụng mà mình không thích, kể cả cái chế độ mà mình đang sống vào cái thùng rác thì chỉ có cách là cao bay xa chạy, kiểu “bỏ của chạy lấy người.” Vì vậy mà sau biến cố 30/4, chúng ta đành phải bỏ lại cả quê hương suốt đời gắn bó, những con người mình yêu thương, những thành phố, những con đường, những căn nhà, góc phố đầy kỷ niệm để ra đi. Chúng ta thật ra chưa hề vứt bỏ nó, mà mang nó theo suốt cả cuộc đời còn lại, như ai đó đã nói câu: “chúng ta đi, mang theo quê hương!”

Nếu trên đời này, ví như chúng ta có thể bỏ hẳn cái mình không thích, cái mình ghét bỏ kể cả những chuyện khổ đau, xui rủi, thì hẳn là cuộc sống chúng ta đã hạnh phúc hơn. Trong đời sống chúng ta mang ám ảnh của khổ đau nhiều hơn là hào quang của hạnh phúc. Chúng ta nhớ gì những giây phút sung sướng và vui tươi trong cuộc đời, hay mãi mang theo những hoài ức và những ấn tượng đau buồn, tuổi thơ bất hạnh, chiến tranh tàn khốc, đời sống đọa đày, theo thời gian, ám ảnh chúng ta vào mãi trong từng giấc mộng.

Trong thế gian, chúng ta mong có nhiều ngày buông bỏ, để tập buông bỏ chuyện đời.

Nhưng không dễ gì ai cũng có thể buông bỏ được, bởi vậy có những điều muốn quên mà quên không được, không muốn nhớ mà vẫn nhớ đời. Chúng ta vẫn không muốn buông bỏ như người bị bệnh lú lẩn, quên được chuyện hôm nay mà nhớ rất rõ chuyện ngày xưa.

Người khuyên ta quên đi hận thù, hận thù đôi khi cũng phải khắc ghi, nếu không ta đã chẳng phải là con người. Buông bỏ hết thì đôi khi mình chẳng còn nhớ mình là ai, một ngày nào đó, quên vì sao ta phải đến đây.

Thôi, ai buông bỏ được thì thành thánh nhân. Không buông bỏ được thì cũng ráng thành người, nhớ những điều cần nhớ, và hãy quên đi những chuyện đáng quên! 

Huy Phương

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay