NỀN GIÁO DỤC LẤY TÍN NGƯỠNG & ĐẠO ĐỨC LÀM CỐT LÕI

NỀN GIÁO DỤC LẤY TÍN NGƯỠNG & ĐẠO ĐỨC LÀM CỐT LÕI

Bài: Thu Hiền – Hồng Liên.

Trong các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, nếu như Phần Lan coi trọng “công bằng và miễn phí”, nước Đức nhấn mạnh “bình đẳng giữa mọi người”, và Mỹ đề cao “quyền tự do của công dân”, thì giáo dục của người Nhật lại coi đạo đức là cốt lõi, là bài học đầu đời của mỗi người.

Đối với người Nhật, một nền giáo dục tiên tiến phải thực hiện được tiêu chí “mỗi học sinh sẽ trở thành cá nhân hoàn thiện đạo đức”. Do đó, khác với nhiều nước coi giáo dục đạo đức chỉ là một môn học, thì Nhật Bản “dạy người” qua tất cả các môn cũng như trong sinh hoạt hàng ngày.

Ví dụ như giờ ăn trưa của học sinh Nhật Bản không chỉ là để ăn trưa, mà còn là một tiết học về tính tự lập, cách phục vụ bạn bè và lòng biết ơn. Trẻ được phân công mang đồ ăn cho các bạn, mặc đồng phục như một người phục vụ thật sự: Giáo viên sẽ múc thức ăn vào bát, rót sữa vào ly, và trẻ sẽ bưng đến bàn cho từng bạn… Sau đó, những trẻ phục vụ sẽ cùng đứng trước lớp đồng thanh chúc các bạn ăn ngon miệng, còn các bạn sẽ đồng thanh nói cảm ơn.

Trẻ em Nhật không chỉ được tìm hiểu về thế giới tự nhiên, mà quan trọng hơn là học cách yêu thương muôn loài và có ý thức bảo vệ môi trường. Ví dụ như khi gieo hạt trồng cây, các em được hướng dẫn nói những lời tình cảm: “Cây ơi, hãy lớn lên nhé”, “Hãy nở hoa thật đẹp nhé”. Một cách tự nhiên, trẻ em Nhật đã hình thành nhân cách thiện lương, không chỉ quan tâm và yêu thương mọi người xung quanh, mà còn biết nâng niu cả cây cỏ và những đồ vật vô tình.

Có người hỏi, vì sao người Nhật lại coi trọng giáo dục đạo đức đến vậy? Đó là bởi, Nhật Bản là một dân tộc có tín ngưỡng và đức tin, và tín ngưỡng ấy cũng chính là chiếc chìa khoá hướng con người tới các chuẩn mực đạo đức cao.

Gốc rễ của nền giáo dục đạo đức chính là tín ngưỡng và đức tin

Đa số người Nhật theo Thần đạo (Shinto) và đạo Phật. Theo thống kê của Tổng cục văn hóa Nhật Bản vào năm 2006, có 84% người dân Nhật Bản theo Thần đạo và 70% người dân theo đạo Phật, nghĩa là có những người sẽ thực hành theo cả hai đức tin.

Thần đạo là tín ngưỡng chỉ có riêng ở Nhật Bản. Tư tưởng chính của Thần đạo là khuyên con người hướng tới sự trong sáng và tránh làm điều ác. Giết chóc bị coi là điều ác, nên con người không được sát sinh, trừ khi là vì sự sống còn của bản thân. Vậy nên, trước khi ăn người Nhật luôn cảm ơn các sinh linh đã nguyện hy sinh để trở thành thức ăn cho mình. Đây cũng là lý do vì sao trên những cánh đồng ở Nhật luôn còn một góc để nguyên, không thu hoạch. Nông dân Nhật không bao giờ gặt hái toàn bộ nông sản mà họ luôn để lại 5-10% sản lượng cho các loài chim, thú trong tự nhiên.

Thần Đạo có rất nhiều các vị Thần, có đến 8 triệu Thần, đa phần có liên quan đến thiên nhiên như linh hồn của đất, trời, Mặt Trăng, cây cỏ, hoa lá, núi sông… Ngay cả đá, núi, hay động vật như cáo, gấu và người quá cố đã trở thành linh hồn cũng được xem là Thần. Tất cả mọi vật đều có linh hồn và có tiếng nói của riêng mình. Người Nhật tin rằng con người chẳng qua chỉ là một phần trong thế giới tự nhiên, do đó mà phải yêu thương và tôn trọng muôn loài. Nhưng không chỉ thực vật hay động vật, mà còn cần tôn trọng cả những vật vô tri, bởi kami, tức linh hồn, có thể trú ngụ ở bất cứ nơi đâu.

Ngoài ra Nhật Bản cũng chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng Nhân-Nghĩa-Lễ-Trí-Tín của Nho giáo (do Khổng Tử đề xướng). Với những ai sống ở các quốc gia bị ảnh hưởng bởi thuyết vô Thần thì khi nói đến “đức tin” họ sẽ chỉ bật cười, đơn giản bởi vì họ không còn tin nữa, mà không nghĩ rằng bản thân mình đã bị học thuyết vô Thần tẩy não cắt đứt mất mối liên hệ với cội nguồn văn hóa truyền thống, đến mức không còn hiểu tin để làm gì.

Còn tại Nhật Bản thì đức tin đó là tự nhiên và đã ăn sâu vào trong tiềm thức của mỗi người. Người Nhật đã áp dụng đức tin của mình khi đối mặt tất cả những vấn đề trong cuộc sống, kể cả những tình huống hiểm nguy nhất.

Nếu thiếu mất tín ngưỡng và đức tin, con người sẽ mất đi cội rễ của đạo đức. Nếu thay thế tín ngưỡng bằng các học thuyết đấu tranh, con người sẽ xem nhau như thù địch, đối đãi với nhau bằng trái tim lạnh giá, vô tình.

Chỉ khi sống có tín ngưỡng, có đức tin, thì dân tộc ấy mới có chuẩn mực đạo đức làm thước đo, mới có thể phân biệt tốt-xấu, thiện-ác, chính-tà. Chỉ khi có đạo đức, có đức tin, con người mới có thể trở về, tìm lại bản tính ban sơ thuần thiện của mình.

Vì sao người Nhật có thể làm nên nhiều kỳ tích, có thể sinh ra những công dân sống ý thức và giữ gìn phẩm giá của mình? Bí quyết chẳng đâu xa, bởi tất cả chỉ nằm ở điều mà họ vẫn gìn giữ, nhưng chúng ta thì đang dần mai một!

Đó chính là tín ngưỡng và đức tin của mỗi người.

Nguồn: Câu chuyện giáo dục

fb LE KHAC AI

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay