TÌNH CHỈ ĐẸP KHI CÒN DANG DỞ.

Hoai Linh Ngoc Duong

TÌNH CHỈ ĐẸP KHI CÒN DANG DỞ.

Ngày nay trên đường phố nước Mỹ thỉnh thoảng ta vẫn bắt gặp hai ông bà cụ dắt tay nhau qua đường, cụ bà nắm tay cụ ông sợ chồng thất lạc, vào tiệm nail làm chân cụ bà đỡ cho chồng ngồi lên ghế yên vị rồi mới lo đến mình hoặc trong nhà dưỡng lão có những cặp vợ chồng già sống bầu bạn với nhau đến cuối đời, nếu một người ra đi trước thì người còn lại cũng lặng lẻ đi theo sau không lâu. Có những người phụ nữ khi chồng còn sống thường hay cãi nhau với chồng nhưng khi chồng mất rồi lại giấu con cái đem ảnh chồng ra ngồi một góc phòng để hồi tưởng và rơi nước mắt nhớ những kỷ niệm ngày mới quen nhau. Trên đời có những cái chỉ khi mất đi rồi mới cảm thấy tiếc. Hạnh phúc đơn giản không phải là những thứ tiền tài vật chất cao xa, hạnh phúc chỉ ra sự dung hòa giữa 2 cá tính.Gieo tính cách gặt số phận. Nhiều người sống cô độc và chết trong cô đơn vì có cái tôi cá nhân quá lớn.

Khi phong trào nữ quyền lan rộng trên toàn thế giới người phụ nữ có nhiều quyền bình đẳng với nam giới thì tỷ lệ các vụ ly hôn cũng xuất hiện nhiều hơn. Xã hội càng hiện đại thì ly hôn được xem như là mốt .Trong khi đó ở xã hội truyền thống thì mối quan hệ gia đình bền chặt hơn, không hề có chuyện con anh con tôi con chúng ta. Và bài hát ” Rồi mai tôi sẽ đưa em đến cuối cuộc đời” có triển vọng thành sự thật hơn. Còn bây giờ người ta chỉ đưa nhau đến nửa cuộc đời hay chỉ một vài năm.

Đa số các trường hợp ly dị vì có người thứ ba xen vào. Nhưng trước khi có người thứ ba thì đó là hai cái tôi quá lớn không thể chung sống hòa bình dưới cùng một mái nhà.

Xã hội truyền thống gạt đi một trong hai cái tôi hoặc là những bà vợ chiều chồng hoặc là những người đàn ông sợ vợ như MC Nguyễn Ngọc Ngạn vẫn hay đem ra làm đề tài mua vui.Nếu cả hai mỗi người chịu nhường một bước như bài hát” Làm lại từ đầu” “Hãy thứ tha cho nhau thì con người sẽ không bao giờ hối hận vì đã lạc mất nhau trong cuộc đời này.

Đi đến nửa cuộc đời tóc đã điểm bạc để rồi làm lại từ đầu với một cá thể khác và cũng lặp lại những cái tôi y như cũ và những bi kịch như cũ để rồi hối hận khi những đứa con không thể có một gia đình trọn vẹn cũng là điều đáng suy ngẫm. Nhưng đa phần những người ly hôn không bao giơ nhớ đến những đêm trăng hò hẹn, những đêm ngồi nói chuyện thâu đêm suốt sáng hay những ngày rau cháo nghèo khổ hoạn nạn có nhau. Người nào cũng sẽ đổ lỗi cho người kia để thỏa mãn tự ái của mình. Ta nhất định đúng địch nhất định sai. Và kẻ nào nhường bước nhất định sẽ bị kẻ kia đè đầu.

Trên thực tế những cặp vợ chồng như của Trần Huỳnh Duy Thức, Trương Duy Nhất hay của một số tù nhân lương tâm khác lại vượt qua được những cái tôi cá nhân này. Bởi họ có cùng lý tưởng và vượt lên trên những ham muốn vật chất tầm thường.

Suy cho cùng người phụ nữ nào cũng muốn có những ông chồng giàu có, có địa vị để nhàn hạ tấm thân. Nhưng theo quy luật bù trừ những người giàu có quyền lực lại đâm ra tha hóa, ngoại tình có nhân tình,vợ lẻ lung tung. Và họ phải chịu sự rẻ rúng của quyền lực để rồi đau khổ. Thế nhưng đàn bà vẫn không thích “hai trái tim vàng,một túp lều lý tưởng”. Họ thích được như Trần Lệ Xuân huênh hoang trên đỉnh cao quyền lực, tuyên bố vung vít ngay cả tổng thống cũng sợ ,cha mẹ cũng lắc đầu tuyên bố từ con, để rồi cuối đời phải chứng kiến quả báo và phải sám hối vì tham vọng của mình.

Và cũng có những người chồng gia trưởng, độc đoán cờ bạc rượu chè phá gia chi tử trai gái lăng nhăng, bạo hành gia đình để chứng tỏ quyền uy rồi cũng phải hối hận khi thất cơ lỡ vận.

Để dung hòa hai cái tôi nhằm nắm tay nhau đi đến cuối cuộc đời như các cụ già cũng là một bài toán khó giải khi con người vẫn tâm niệm” Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ kiên quyết không chịu làm nô lệ”. 

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay