Đức Giáo Hoàng Phanxicô khởi đầu chuyến tông du Á Châu tại Indonesia

Ba’o Nguoi-Viet

September 3, 2024

JAKARTA, Indonesia (NV) – Đức Giáo Hoàng Phanxicô có mặt tại Indonesia hôm Thứ Ba, 3 Tháng Chín, khởi đầu chuyến tông du dài nhất trong triều đại giáo hoàng do ông trị vì, với hy vọng khích lệ cộng đồng Cơ Đốc Giáo và tôn vinh truyền thống hòa hợp liên tôn tại quốc gia có tín đồ Hồi Giáo đông đảo nhất thế giới, theo hãng tin AP.

Sau chuyến bay đêm từ Rome, Đức Giáo Hoàng Phanxicô xuống phi cơ trên xe lăn và tới khu vực đường băng để dự phần buổi lễ chào đón dưới bầu trời giăng kín sương, ẩm ướt và thường xuyên ô nhiễm tại Jakarta.

Hai đứa trẻ vận phục trang truyền thống trao cho Đức Giáo Hoàng một bó rau, trái cây, gia vị và bông.

Đức Giáo Hoàng Francis được nghênh đón tại phi trường quốc tế Soekarno Hatta International Airport ở Jakarta, Indonesia, ngày 3 Tháng Chín, 2024, khởi đầu chuyến tông du 11 ngày qua lục địa Á Châu (Hình: TIZIANA FABI/AFP/Getty Images)

Đức Giáo Hoàng Phanxicô dự tính nghỉ ngơi trong khoảng thời gian còn lại trong ngày, vì chuyến đi ngoằn ngoèo kéo dài 11 ngày qua các múi giờ còn đưa ông tới Papua New Guinea, Đông Timor và Singapore. Tuy nhiên, Vatican cho biết vị giáo hoàng 87 tuổi cũng gặp gỡ một nhóm người gồm có dân tỵ nạn, di dân và bệnh nhân tại dinh thự Vatican ở Jakarta.

Bên ngoài dinh thự, Đức Giáo Hoàng được các tín đồ nghênh đón nồng nhiệt, trông chờ được diện kiến vị giáo hoàng đầu tiên viếng thăm từ thời kỳ Thánh John Paul Đệ Nhị năm 1989.

Ngày đầu tiên Đức Giáo Hoàng Phanxicô hoạt động trọn vẹn bắt đầu vào Thứ Tư gồm có các chuyến viếng thăm các nhà lãnh đạo chính trị tại Indonesia và các phiên tọa đàm với giáo sĩ Indonesia đang giúp tăng cường sự phát triển của Giáo Hội Cơ Đốc Giáo tại Á Châu.

Tổng Thống Indonesia Joko Widodo có mặt để nghênh đón Đức Giáo Hoàng, phát biểu trong một tuyên bố phát sóng trên truyền hình rằng “Indonesia và Vatican cùng nhau cam kết trong việc thúc đẩy hòa bình và tình huynh đệ, cũng như giúp nhân loại trở nên sung túc.”

Diễn tiến đáng chú ý trong địa điểm dừng chân đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đó là tham dự một cuộc họp liên tôn tại thánh đường Hồi Giáo Istiqlal trứ danh tại Jakarta vào Thứ Năm, trong đó có đại diện đến từ sáu tôn giáo được công nhận chính thức tại Indonesia: Hồi Giáo, Phật Giáo, Khổng Giáo, Ấn Độ Giáo, Cơ Đốc Giáo và Tin Lành.

Thánh đường Hồi Giáo lớn nhất Đông Nam Á tọa lạc đối diện công trường với nơi thờ tự Cơ Đốc Giáo chính tại thủ đô, Nhà Thờ Đức Mẹ Lên Trời, hai thánh địa này gần nhau tới mức có thể nghe thấy âm thanh cầu nguyện của tín đồ Hồi Giáo trong lúc cử hành Thánh Lễ.

Việc hai tôn giáo gần gũi không phải là ngẫu nhiên mà xuất phát từ mong muốn mạnh mẽ như một biểu tượng của tự do tôn giáo và tinh thần khoan dung được cất giữ thiêng liêng trong Hiến Pháp Indonesia. Các nhà thờ còn được nối với nhau bằng một “Đường Hầm Bằng Hữu” nơi Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ viếng thăm cùng với giáo sĩ vĩ đại, Nasaruddin Umar, trước khi họ ký một tuyên bố chung.

Dầu cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn xoáy sâu vào truyền thống khoan dung tôn giáo tại Indonesia, thì hình ảnh của quốc gia này với tư cách là một quốc gia Hồi Giáo ôn hòa lại bị hủy hoại do làn sóng bùng nổ bạo lực. Năm 2021, có hai tín đồ Hồi Giáo cực đoan âm mưu đánh bom tự sát bên ngoài một nhà thờ Cơ Đốc Giáo đông đúc trên đảo Sulawesi tại Indonesia trong Thánh Lễ Chúa Nhật Lễ Lá, khiến ít nhất 20 người bị thương.

Mặc dù tín đồ Cơ Đốc Giáo chỉ chiếm 3% dân số Indonesia, nhưng dân số Indonesia thì lại đáng trầm trồ — với 275 triệu người — khiến quần đảo này trở thành nơi có cộng đồng Cơ Đốc Giáo lớn thứ ba Á Châu, sau Philippines và Trung Quốc.

Do đó, dự kiến sẽ có ​​hàng ngàn người đổ về dự phần các sinh hoạt có mặt Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong tuần này, gồm có một buổi Thánh Lễ vào chiều Thứ Năm tại vận động trường chính ở Jakarta, dự trù ​​thu hút khoảng 60,000 người. Các viên chức thành phố kêu gọi người dân làm việc tại nhà trong ngày hôm đó do có hàng rào phong tỏa đường sá cùng rất nhiều tín đồ tụ tập.

Giữ gìn môi trường, giải quyết xung đột và phát triển kinh tế bằng đạo đức là những chủ đề chính của chuyến tông du, đồng thời Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thể nhắc tới các khía cạnh đó trong phần phát biểu chính trước giới lãnh đạo Indonesia vào Thứ Tư.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô từng biến hóa hành động giữ gìn môi trường thành một đặc điểm nổi trội trong triều đại giáo hoàng của ông và thường đưa ra phát biểu trong các chuyến tông du ngoại quốc nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự liên quan tới nhu cầu chăm sóc van vật do Chúa tạo tác, ngăn chặn khai thác tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ thành phần nghèo khó đang phải gánh chịu hậu quả từ biến đổi khí hậu và ô nhiễm.

Tại Jakarta, Đức Giáo Hoàng chứng kiến một đô thị có 11.3 triệu dân đang thoi thóp dưới những đám mây xám xịt gây ô nhiễm không khí do các nhà máy nhiệt điện than tạo ra, khí thải từ xe cộ, hoạt động đốt rác và từ các nhà máy. Tình trạng ô nhiễm không khí tại Jakarta thường xuyên cao hơn tám tới chín lần so với giới hạn của Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô là vị giáo hoàng thứ ba viếng thăm Indonesia sau Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Tứ năm 1970 và Thánh John Paul Đệ Nhị năm 1989. Các chuyến tông du của họ nhấn mạnh rằng Indonesia quan trọng với Vatican ra sao, cả về đối thoại Kitô Giáo-Hồi Giáo lẫn ơn gọi Cơ Đốc Giáo, vì đây cũng là quốc gia đặt chủng viện lớn nhất thế giới đào tạo ra hàng trăm linh mục và nữ tu mỗi năm. (TTHN)


 

Gorbachev – Tội đồ hay cứu tinh?-Đoàn Bảo Châu

Ba’o Tieng Dan

Đoàn Bảo Châu

16-8-2024

Với nhiều người Nga, Mikhail Gorbachev được coi là tội đồ.

Những cải cách của ông đã góp phần vào sự tan rã của Liên bang Xô viết, chấm dứt sự thống trị của Nga đối với các nước Đông Âu, và đẩy đất nước vào giai đoạn đầy biến động. Tuy nhiên, đối với nhân loại nói chung, Gorbachev lại là một vị cứu tinh sáng chói, người đã góp phần quan trọng trong việc kết thúc Chiến tranh Lạnh và loại bỏ nguy cơ chiến tranh hạt nhân.

Con người này, chứ không phải ai khác, có sức ảnh hưởng lớn nhất tới nhân loại vào nửa cuối thế kỷ 20. Ông đã đưa ra những chính sách táo bạo và quan trọng nhất, bao gồm Glasnost (công khai) và Perestroika (cải tổ), nhằm mở cửa xã hội và cải cách nền kinh tế Liên Xô. Chính những chính sách này đã khởi đầu cho sự thay đổi lớn lao, không chỉ ở Liên Xô mà còn trên toàn thế giới.

Trong một cuộc phỏng vấn với AP vào năm 1992, Gorbachev nói: “Tôi thấy mình là người bắt đầu những cải cách cần thiết cho đất nước tôi, cho Châu Âu và thế giới. Tôi thường được hỏi là nếu bắt đầu lại thì tôi có làm lại những gì tôi đã làm không? Câu trả lời là tất nhiên rồi, tôi sẽ làm nhưng với sự kiên định và quyết đoán hơn thế”.

Dù bị chỉ trích tại Nga, nhưng ở phương Tây và nhiều nơi khác, Gorbachev được tôn vinh như một người hùng. Ông không chỉ góp phần vào việc giảm căng thẳng quốc tế mà còn cho phép các quốc gia Đông Âu thoát khỏi ách độc tài, mở ra con đường cho dân chủ và tự do. Ông đã đàm phán các hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân với Hoa Kỳ, giúp giảm nguy cơ chiến tranh hạt nhân, một trong những thành tựu đáng kể nhất trong lịch sử hiện đại.

Nhưng Gorbachev cũng không tránh khỏi những sai lầm lớn. Những cải cách của ông đã dẫn đến sự tan rã của Liên Xô vào năm 1991. Nền kinh tế Liên Xô rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, với lạm phát cao, thiếu hụt lương thực, và sự sụp đổ của các cơ sở công nghiệp. Ông bị chỉ trích vì đã mất kiểm soát tình hình, không thể duy trì sự đoàn kết trong đảng và đất nước.

Gorbachev – một nhà lãnh đạo với tầm nhìn về sự cải cách và hiện đại hóa – là một biểu tượng của thời kỳ chuyển đổi lớn. Công lao và tội lỗi của ông phản ánh một giai đoạn đầy biến động của lịch sử, nơi thành công và thất bại đan xen lẫn nhau. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, Gorbachev đã thay đổi cục diện thế giới, mở ra một kỷ nguyên mới cho hòa bình và ổn định.

Xin tỏ lòng thương tiếc với một con người xuất sắc và theo tôi, đấy là một trong những cứu tinh của nhân loại. 


 

Chuyện rất thật ngày hôm nay của tôi ở Nhật

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 20 tháng 7, 2024

http://machsongmedia.org

Trưa nay, tôi quay lại phi trường Narita tìm mua bộ chuyển đổi cho máy laptop cho ăn khớp với ổ cắm điện ở khách sạn. Với chút ý thoạt tiên là tinh nghịch, tôi đã có một kinh nghiệm thú vị về người Nhật, qua một chuyện thật mà chừng như chỉ có thể là câu truyện ngụ ngôn trong sách, sách công dân giáo dục.

Tôi đến Tokyo sớm 2 ngày vì phải chuẩn bị cho sự kiện mà BPSOS đồng tổ chức đầu tuần tới. Trong 2 ngày này tôi ở một khách sạn gần sát phi trường, rẻ hơn ở trung tâm Tokyo nơi sự kiện sẽ diễn ra.

Dù thời tiết nóng nực, tôi quyết định đi bộ đến phi trường vì muốn thể dục và giữ mình tỉnh ngủ lúc ban ngày cho quen múi giờ nơi đây.

Ghé mấy tiệm bách hóa xong, tôi vào tiệm ramen dùng bữa trưa. Trên lối ra, đi ngang quầy thông tin tôi nẩy ý thử tạt vào nhắn tìm số tiền mặt nhỏ tôi nghi đánh rớt hôm qua ngay sau khi đổi tiền. Tôi đổi 40 Euro được hơn 6600 yen. Tôi gói 6000 tiền mặt trong tờ biên nhận rồi đút vào túi. Về đến khách sạn thì gói tiền không còn trong túi. Tôi đoán là nghễnh ngãng đánh rớt đâu đó ở phi trường.

Hình 1 – Tôi ở phi trường Narita ngày hôm qua

Số tiền không là bao nhiêu. Vả lại mọi thứ mua bán đều dùng thẻ tín dụng nên cũng chẳng cần tiền mặt. Nhưng tôi muốn làm phép thử vì có lần tôi đọc trên Facebook câu chuyện một phụ nữ Việt bỏ quên túi xách tay đắt tiền ở một phi trường Nhật Bản. Khi báo an ninh, nhân viên an ninh dắt vị phụ nữ ấy trở lại đúng nơi bỏ quên thì thấy một nhân viên bảo vệ đứng canh hàng giờ để chờ chủ nhân quay lại.

Nhưng đó là chủ nhân biết rõ để quên chỗ nào và báo động ngay, còn trường hợp của tôi là tiền mặt, đánh rớt đâu đó không rõ cả một ngày trước. Chẳng hy vọng gì.

Với chút tò mò và tinh nghịch, tôi nói với cô nhân viên trực quầy thông tin: “Tôi không kỳ vọng gì nhưng xin cô ghi số điện thoại để nhỡ trong muôn một có người nhặt được mớ tiền mặt 6000 yen tôi làm rớt hôm qua đâu đây, thì gọi cho tôi biết. Chỉ cầu may vậy thôi.”

Người nữ nhân viên nhanh nhẩu rà trên máy computer, hỏi lại là có đúng là 6000 yen, rồi gọi điện thoại cho ai đó.

Xong, cô ấy quay lại hỏi, “Hôm qua, Ông dùng quầy đổi tiền nào?”

“Ở căi quầy sau lưng tôi đây,” tôi chỉ tay về hướng đối diện quầy thông tin.

“Ông có chắc không? Đằng kia còn có một quầy đổi tiền nữa.”

Tôi định thần một lúc: “À, phải rồi. Quầy đằng kia mới phải.”

Người nữ nhân viên hỏi tiếp: “Thế Ông có giữ biên nhận không?”

“Tôi đổi 40 Euro được 6600 yen lẻ, kẹp trong tờ biên nhận rồi đút vào túi. Tôi đánh rớt tiền lẫn tờ biên nhận.”

Tôi nghĩ thầm, “Chẳng có gì làm chứng; có tìm ra được tiền cũng chẳng chứng minh được đó là tiền mình đánh rơi.”

Thử như vậy là đủ. Tôi đã chứng kiến sự ân cần, tận tuỵ theo đúng phong cách truyền thống của người Nhật. Tôi định bỏ đi thì người nữ nhân viên ra dấu chờ.

Cô ấy đưa tôi xem bản đồ khu vực quanh quầy thông tin, hỏi thêm: “Sau khi đổi tiền thì Ông đi đâu?”

“Từ chỗ đổi tiền tôi ra cổng số 2 để đón xe buýt ở trạm này đây để đến khách sạn.”

Hình 2 – Support Center

Cô ấy lấy một mẩu giấy vuông nhỏ, viết lên đó một mã số rồi dặn tôi cầm đến “Support Center” (Trung Tâm Trợ Giúp) ở lầu 2.

Tôi cảm ơn và đi tìm Support Center, trong bụng nghĩ, “Chắc đây là thủ tục báo cáo đánh mất tài sản; trong mảy may mà họ tìm được thì sẽ gọi báo khổ chủ. Xác suất tìm được là zêrô. Hay là thôi, ta về đi.”

Nhưng trong đầu lại có tiếng nói ngược lại: “Đã thử thì thử cho ngã ngũ xem sao.”

Tôi lên lầu 2, tìm ra Support Center, trao tấm giấy vuông nhỏ với mã số cho một phụ nữ đang trực. Cô ấy đi vào phòng trong; bước ra là một nhăn viên nam vạm vỡ. Anh ta chìa ra bọc plastic trong đó tôi nhận ra ngay 6 tờ 1000 yen và tấm biên nhận. Anh ấy xin xem passport rồi đưa tôi tờ đơn ký nhận lại của đánh rớt.

Tôi tò mò hỏi, “Ai nhặt và nhặt ở đâu, lúc nào?”

Anh ấy chỉ trên tờ đơn tôi vừa ký có ghi tên nhân viên lau dọn đã nhặt, nhặt ở gẩn nhà vệ sinh, lúc 3:35 chiều.

ra họ đã có cả một quy trình và thủ tục đâu ra đó để giải quyết ngay cả trường hợp đánh rớt tiền mặt lãng nhách và ngớ ngẩn như tôi.

Nhân viên lau dọn nhặt gói tiền, trao cho Support Center, điền đầy đủ chi tiết vào bản báo cáo. Thông tin này được chuyển vào hồ sơ điện tử. Cô nhân viên ở quầy thông tin rà hồ sơ điện tử và tìm ra thông tin tương ứng lời tôi tường thuật. Vì đi cùng với số tiền mặt là biên nhận của quầy chuyển tiền, cô ấy phối kiểm xem tôi đã dùng dịch vụ đổi tiền nào. Cuối cùng, cô ấy hỏi lộ trình tôi di chuyển sau khi đổi tiền để đối chiếu với bản báo cáo của nhân viên lau dọn.

Phép thử mỹ mãn, tôi cuốc bộ về khách sạn với nhiều suy tư.

Hình 3 – Tiền đánh rớt đưa lại không thiếu một đồng

Người Nhật họ khiêm cung vì đủ tự tin chứ không lộng ngôn kiểu “Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam”, thứ ba hoa của kẻ tự ti làm thiên hạ thêm khinh.

Người Nhật họ bảo vệ quốc thể bằng cách dạy cho nhau sống ngay thẳng, lương thiện, có trách nhiệm. Họ không vẽ truyện Kim Đồng, Võ Thị Sáu, Lê Văn Tám… để kích động tinh thần “tự sướng” của công dân từ tấm bé.

Người Nhật sẵn sàng học những điều hay của cựu thù để vươn lên thành cường quốc, thay vì vỗ ngực ta đánh thắng 3 đế quốc sừng sỏ rồi ngửa tay ăn xin tiền viện trợ.

Họ khom mình tôn kính người đối diện và nhận lại sự tôn kính tương xứng chứ không ưỡn ngực với mấy tá huy chương lủng lẳng áo không còn chỗ đeo, nhảm nhí như lũ phường chèo.

Và kinh nghiệm hôm nay cho tôi thấy, chuyện rất đời thường của họ cứ như là bài học công dân chỉ có thể có trong giáo khoa thư.


 

Bầu cử Venezuela, liệu sẽ có đổi thay?-Sonnie Tran/SGN

Ba’o Nguoi-Viet

August 5, 2024

Sonnie Tran/SGN

Cuộc bầu cử tổng thống Venezuela diễn ra với đầy rẫy nghi vấn về gian lận và thao túng kết quả. Phân tích từ phe đối lập cho thấy 80% số phiếu cho thấy đương kim tổng thống Maduro đã không giành chiến thắng tại bất kỳ nơi nào trong số 24 tiểu bang của quốc gia này.

Trước các chứng cứ đưa ra, Brazil, Colombia và Mexico – những quốc gia trung tả có tiếng nói trong khu vực – kêu gọi Hội Đồng Bầu Cử Quốc gia Venezuela sớm công bố kết quả kiểm phiếu chi tiết.

Về phía chính phủ, Maduro biện minh cho sự trì hoãn này là do một cuộc tấn công mạng từ Bắc Macedonia, mà không phải Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, nhiều người tin rằng đây chỉ là chiêu bài câu giờ nhằm tạo điều kiện cho chiến dịch truy quét và bịt miệng những người giám sát bỏ phiếu thuộc phe đối lập.

Để lấp liếm trước những chứng cứ không thể chối cãi, chính quyền Maduro triển khai hàng loạt biện pháp đàn áp phe đối lập sau cuộc bầu cử tổng thống đầy tranh cãi. Đe dọa những người phản đối và tham gia biểu tình, Maduro phát trên truyền hình hình ảnh 75 người biểu tình bị bắt giữ, cạo trọc đầu, mặc đồng phục tù nhân bị buộc hô khẩu hiệu ủng hộ chính quyền.

Maduro cho biết hơn 1,200 người ủng hộ phe đối lập bị bắt giữ và chính quyền đang ráo riết truy lùng thêm 1,000 người nữa, đặc biệt nhắm vào những người giám sát bỏ phiếu. Hai nhà tù bỏ hoang đang được chuyển đổi thành “trung tâm giáo dục lại” – một dấu hiệu đáng lo ngại về làn sóng đàn áp chính trị sắp tới.

Có thể thấy rằng, nhà độc tài Maduro đang làm tất cả để cố gắng duy trì chính phủ thiên tả theo định hướng xã hội chủ nghĩa của mình một cách vô vọng khi ông đem cả lực lượng yểm trợ từ Cuba cộng sản vào đàn áp nhân dân đất nước mình. Nguồn tin từ phe đối lập cho biết lực lượng đặc nhiệm “Black Wasps – Ong Bắc Cày Đen” của Cuba được đưa đến Caracas để hỗ trợ Maduro đàn áp người biểu tình và bảo vệ ông trước sự đào ngũ của quân đội và lực lượng bán quân sự của chính mình. Một đoạn video được quay qua rèm cửa sổ cho thấy một hàng lính đặc nhiệm Cuba tuần tra trên một con phố ở Caracas.

Cuộc biểu tình ôn hòa mang màu sắc “cách mạng màu” nằm lật đổ chính quyền Maduro tại Venezuela hiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi lẽ nó có thể định hình tiến trình dân chủ hóa tại Châu Mỹ Latinh. Thành bại của phong trào này sẽ là phép thử cho sức bền của mô hình độc tài mới đang lan rộng trong khu vực.

Trên khắp Tây bán cầu, nền dân chủ đang bị dập tắt hoặc bị thách thức một cách nghiêm trọng. Trong 20 năm qua, Venezuela, Nicaragua và El Salvador rơi vào chế độ độc tài của Hugo Chavez, Nicolás Maduro, Daniel Ortega và Nayib Bukele.

Cuối năm 2022, tổng thống Peru lúc bấy giờ, Pedro Castillo, thất bại trong việc thiết lập chế độ độc tài khi nỗ lực giải tán quốc hội, và thành lập chính phủ khẩn cấp, cũng như kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử Quốc Hội mới nhằm xây dựng Hiến Pháp mới trong bối cảnh cơ quan lập pháp của quốc gia này đang chuẩn bị bãi nhiệm ông. Hành động này đã gây sự phẫn nộ sâu sắc ở Tòa Án Hiến Pháp và Quốc Hội, khiến họ coi đây là một hành động “vi phạm hiến pháp” và gây ra khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở Peru. Cuối cùng ông Castillo bị Quốc Hội phế truất, rồi bị cảnh sát Lima bắt giam sau đó vì tội “âm mưu đảo chính.”

Tổng Thống Venezuela Nicolas Maduro (giữa) ở Caracas ngày 25 Tháng Ba, 2024 (Hình: RONALD PENA/AFP/Getty Images)

Quốc gia Trung Mỹ Guatemala cũng suýt nữa rơi vào tình trạng hỗn loạn, khi văn phòng của bà tổng chưởng lý Consuelo Porras đã tuyên bố kết quả bầu cử vô hiệu do cáo buộc vi phạm trong quá trình thu thập chữ ký của đảng ông Bernardo Arévalo, ứng viên đã chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Guatemala vào Tháng Tám 2023.

Hành động trên của bà Porras gây phản ứng mạnh mẽ từ các nhà quan sát quốc tế và các tổ chức quốc tế như Liên Minh Châu Âu với Tổ chức các quốc gia châu Mỹ cũng đã lên tiếng chỉ trích các hành động được coi là một cuộc đảo chính nhằm lật đổ kết quả bầu cử này, cho rằng chúng đi ngược lại với nguyên tắc dân chủ và thường thấy trong các chế độ độc tài. Ông Arévalo mô tả những nỗ lực này là một “cuộc đảo chính chậm,” cho rằng đây là động cơ chính trị nhằm bảo vệ quyền lực cho giới chính trị cũ vốn bị chỉ trích về tham nhũng.

Và tại đất nước lớn nhất Trung Mỹ và có đường biên giới với Hoa Kỳ, nhiều sự hoài nghi được đặt ra cho nữ tổng thống đầu tiên mới đắc cử của Mexico, bà Claudia Sheinbaum, có tiếp tục làm suy yếu các cơ chế kiểm soát và cân bằng quyền lực dân chủ mà người tiền nhiệm của bà đã bắt đầu hay không.

Claudia Sheinbaum, cựu thị trưởng thành phố Mexico và là một nhà khoa học về khí hậu, đã làm nên lịch sử khi trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Mexico với tỉ lệ chiến thắng áp lực từ 58% đến 60% trong cuộc đua có hai ứng cử viên nữ dẫn đầu. Tuy nhiên, chiến thắng vang dội này không xóa đi được những hoài nghi về cam kết của bà với nền dân chủ. Việc bà Sheinbaum quyết tâm kế thừa các chương trình xã hội của người tiền nhiệm, ông Andrés Manuel López Obrador (AMLO) – vốn bị chỉ trích là tập trung quyền lực vào tay tổng thống và làm suy yếu nền dân chủ – càng khiến nhiều người lo ngại. Liệu bà Sheinbaum có tiếp tục “lối mòn” của ông AMLO và bóp nghẹt các cơ chế kiểm soát quyền lực, hay sẽ tạo ra một hướng đi riêng, minh bạch và dân chủ hơn cho Mexico?

Nếu ông Maduro thành công trong việc dập tắt làn sóng biểu tình và duy trì quyền lực, đó sẽ là tín hiệu nguy hiểm, tiếp tay cho các nhà độc tài khác trong khu vực hành động liều lĩnh hơn, như lạm dụng bầu cử, vi phạm nhân quyền và tham nhũng mà không gặp phải sự phản kháng đủ mạnh từ cộng đồng quốc tế, trong khi tiếng nói của người dân bị dập tắt bởi sự đàn áp. Sự thoái lui của dân chủ từng xảy ra trước đây khi nhiều nền dân chủ non trẻ ở Mỹ Latinh sụp đổ trong Chiến Tranh Lạnh, và chỉ được hồi sinh sau khi nó kết thúc.

Thêm sáu năm nữa của ông Maduro ở Venezuela sẽ không chỉ là tai họa cho mười hai triệu người Venezuela dũng cảm bỏ phiếu cho nền dân chủ sau gần ba thập niên chìm trong ảo vọng về con đường xã hội chủ nghĩa. Nó còn có thể là cú hích mạnh mẽ, thúc đẩy chủ nghĩa độc tài lan rộng ra toàn khu vực.

Kể từ thời Hugo Chávez, Venezuela đã là “lá cờ đầu” trong việc thiết lập một mạng lưới các quốc gia độc tài tại Châu Mỹ Latin, hỗ trợ lẫn nhau về kinh tế, chia sẻ chiến lược và năng lực giám sát dân sự. Các quốc gia độc tài áp dụng chung một công thức đàn áp: theo dõi và quấy rối đối thủ chính trị, tấn công truyền thông và biến người di cư thành con bài chính trị. Không chỉ vậy, nhóm nước này còn gia tăng hợp tác với Nga và Trung Quốc, tạo ra một mối đe dọa tiềm tàng cho sự ổn định của toàn khu vực.

May mắn là tình hình chính trị Venezuela hiện nay chưa phải là kết quả cuối cùng. Các đảng phái đối lập của Venezuela đã đoàn kết theo cách mà họ chưa từng có trong nhiều năm. Các cuộc thăm dò ý kiến trước bầu cử cho thấy ông Maduro sẽ bị thiệt hại nặng nề nếu cuộc bầu cử được tự do và công bằng, và hàng triệu người Venezuela nhận thức rõ rằng cuộc bầu cử đã bị thao túng. Khi họ mất niềm tin vào kết quả bỏ phiếu, người dân Venezuela xuống đường để đấu tranh cho quyền lợi của mình.

Sẽ là một chiến thắng lớn lao cho quá trình đấu tranh dân chủ ở Trung và Nam Mỹ nếu ông Maduro cuối cùng bị buộc phải từ chức hoặc chấp nhận thỏa thuận với phe đối lập để mang lại một cuộc chuyển giao quyền lực trong hòa bình.

Lịch sử cho thấy thay đổi dân chủ thường xảy ra theo từng đợt. Các phong trào đối lập thành công có thể thu được đà và lan rộng sang các nước khác, nhanh chóng phơi bày điểm yếu của các nhà độc tài đương nhiệm ở nơi khác và thúc đẩy thay đổi. Nếu ông Maduro từ chức, các chế độ độc tài ở Cuba và Nicaragua có thể sẽ phải chịu áp lực lớn hơn từ người dân của họ.

Cuối cùng, như lời kêu gọi của giám đốc Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hợp Quốc Volker Turk kêu gọi, chính quyền Venezuela của ông Maduro “phải tôn trọng quyền của tất cả người dân Venezuela được tụ tập và biểu tình một cách hòa bình cũng như bày tỏ quan điểm của mình một cách tự do và không sợ hãi.”

Hãy để người dân Venezuela thực sự được quyết định vận mệnh đất nước mình trước khi tình hình trở nên bạo lực và mọi thứ sụp đổ.


 

Bangladesh rơi vào hỗn loạn, Thủ Tướng bỏ chạy ra nước ngoài

Ba’o Dat Viet

August 5, 2024

“Tôi sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn. Chúng tôi sẽ thành lập một chính phủ lâm thời,” Tư lệnh quân đội Bangladesh, ông Waker-Uz-Zaman, tuyên bố trên truyền hình ngày 5-8, khi xác nhận Thủ tướng Sheikh Hasina đã từ chức và rời khỏi đất nước. Ông Waker cho biết sẽ thảo luận với Tổng thống Mohammed Shahabuddin để thành lập chính phủ lâm thời và đã bắt đầu đàm phán với các bên, ngoại trừ Liên đoàn Awami của bà Hasina.

Thông tin này xuất hiện sau khi truyền thông cho biết bà Hasina, 76 tuổi, đã chạy ra nước ngoài do sức ép từ làn sóng biểu tình kéo dài trong thời gian qua. Bà Hasina được cho là đã cùng người thân rời đi bằng một trực thăng quân sự. Một số thông tin nói rằng bà đang trên đường tới bang West Bengal của Ấn Độ ngay bên kia biên giới, trong khi Đài CNN-News18 cho biết bà đã hạ cánh ở thành phố Agartala thuộc bang Tripura, phía đông bắc Ấn Độ.

Trong bài phát biểu của mình, ông Waker kêu gọi người biểu tình trở về nhà và tin tưởng quân đội, cho họ thời gian để giải quyết cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, ông cho biết chưa cần áp dụng giới nghiêm hay biện pháp khẩn cấp nào khác, theo Hãng tin Reuters. “Đất nước đã phải chịu nhiều đau khổ, nền kinh tế bị ảnh hưởng, nhiều người thiệt mạng, đã đến lúc phải chấm dứt bạo lực. Tôi hy vọng sau bài phát biểu của mình, tình hình sẽ được cải thiện,” Tư lệnh quân đội Bangladesh nói.

Truyền hình địa phương phát hình ảnh hàng nghìn người đổ ra đường phố thủ đô Dhaka và xông vào dinh thự của bà Hasina. Đám đông tụ tập trong phòng khách dinh thự và một số người lấy đi tivi, bàn ghế trong tòa nhà. Đầu tuần này, làn sóng biểu tình của sinh viên đã dồn về Dhaka để gây sức ép buộc bà Hasina từ chức. Trước đó, các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh trên khắp Bangladesh đã khiến gần 100 người thiệt mạng. Khoảng 150 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình vào tháng trước.

Bangladesh hiện đang chìm trong bạo lực khi các nhóm sinh viên biểu tình yêu cầu chấm dứt quy định dành 30% công việc công cho gia đình của những người đã chiến đấu trong cuộc chiến giành độc lập của Bangladesh năm 1971.


 

Mỹ công nhận đối thủ của Maduro là người chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Venezuela

VOA

02/08/2024

Hoa Kỳ công nhận ông Edmundo Gonzalez, ứng cử viên của phe đối lập, là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ở Venezuela.

Hoa Kỳ công nhận ông Edmundo Gonzalez, ứng cử viên của phe đối lập, là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ở Venezuela.

Hôm 1/8, Hoa Kỳ công nhận ông Edmundo Gonzalez, ứng cử viên của phe đối lập và là đối thủ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống đang gây tranh cãi ở Venezuela, bác bỏ tuyên bố chiến thắng của ông Maduro.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói trong một tuyên bố hôm 1/8: “Với nhiều bằng chứng rất rõ ràng, Mỹ và quan trọng nhất là người dân Venezuela thấy rõ là ông Edmundo Gonzalez Urrutia đã giành được nhiều phiếu nhất trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 28/7 ở Venezuela”.

Thông báo từ Washington chỉ gói gọn trong việc chúc mừng ông về một “chiến dịch thành công”, là bước đi của Mỹ tiến sát nhất đến việc công nhận ông Gonzalez là nhà lãnh đạo mới của quốc gia thuộc OPEC, kể từ cuộc bầu cử đầy tranh cãi hôm 28/7.

Mâu thuẫn về kết quả bầu cử tổng thống đã làm dấy lên làn sóng biểu tình ở Venezuela. Hội đồng bầu cử Venezuela tuyên bố ông Maduro, người nắm quyền từ năm 2013, là người chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 28/7 với 51% phiếu bầu.

Nhưng phe đối lập trong nước nói rằng việc kiểm phiếu khoảng 90% số phiếu bầu cho thấy ông Gonzalez đã nhận được sự ủng hộ nhiều hơn gấp đôi so với vị tổng thống đương nhiệm, phù hợp với cuộc thăm dò độc lập được tiến hành trước cuộc tranh cử.

Phe đối lập đã công bố số liệu thống kê chi tiết trên một trang web công khai, trong khi chính phủ cho đến nay vẫn chưa chia sẻ bất kỳ thông tin nào ngoài tổng số phiếu bầu toàn quốc cho mỗi ứng cử viên.

Ông Blinken nói: “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ quá trình thiết lập lại các chuẩn mực dân chủ ở Venezuela và sẵn sàng xem xét các cách thức để cùng các đối tác quốc tế của chúng tôi củng cố quá trình này”.

Ông Blinken cũng yêu cầu rằng các nhà lãnh đạo phe đối lập phải được bảo vệ và được an toàn.

Ông nói: “Lực lượng thực thi pháp luật và an ninh chớ có trở thành công cụ bạo lực chính trị được sử dụng để chống lại công dân thực hiện các quyền dân chủ của họ”.

Tổng thống Brazil, Mexico và Colombia kêu gọi Venezuela công bố kết quả kiểm phiếu chi tiết vào ngày 1/8 trong bối cảnh có những mâu thuẫn về kết quả bầu cử tổng thống. 


 

Nga sẽ mau lẹ quyết định sử dụng võ khí nguyên tử khi tình thế đòi hỏi

Ba’o Nguoi-Viet

June 24, 2024

MOSCOW,Nga (NV) – Nga, nước có kho võ khí nguyên tử lớn nhất thế giới, có thể giảm bớt thời gian họ phải cân nhắc việc sử dụng võ khí nguyên tử nếu Moscow cho rằng có mối đe dọa cấp bách cho nền an ninh của mình từ bên ngoài, theo lời vị chủ tịch ủy ban quốc phòng của nghị viện Nga, thông tấn xã Reuters đưa tin hôm Chủ Nhật, 23 Tháng Sáu.

Cuộc chiến tranh tại Ukraine đã dẫn tới cuộc chạm trán nghiêm trọng nhất giữa Nga và các nước Tây Phương kể từ cuộc Khủng Hoảng Hỏa Tiễn Cuba năm 1962. Hồi tháng trước, Tổng Thống Vladimir Putin tuyên bố Nga có thể thay đổi các tiêu chuẩn để có thể lập tức sử dụng võ khí nguyên tử để đối phó với mọi tình huống bất ngờ.

Hôm Chủ Nhật, chủ tịch ủy ban quốc phòng hạ viện Nga Andrei Kartapolov đã được thông tấn xã nhà nước RIA dẫn lời ông tuyên bố rằng nếu có mối hiểm nguy cao độ cho nước Nga thì thời gian Nga quyết định việc sử dụng võ khí nguyên tử sẽ được rút ngắn để kịp thời đối phó với mối đe dọa cho sự sinh tồn của đất nước.

Mô hình bom nguyên tử AN-602, còn có tên là Bom Nga Hoàng, có sức công phá mạnh nhất từng được thí nghiệm tại Trung Tâm Triển Lãm Nước Nga ở Moscow ngày 6 Tháng Mười Hai, 2023 (Hình: NATALIA KOLESNIKOVA/AFP/Getty Images)

Nguyên tắc mới để Nga sử dụng võ khí nguyên tử một cách cấp bách như nói trên đã được đưa ra hồi năm 2020, cho phép các lực lượng Nga khẩn cấp đối phó với các lực lượng thù địch khi họ sử dụng võ khí nguyên tử hoặc võ khí tiêu diệt hàng loạt tấn công vào lãnh thổ Nga.

Nguyên tắc nói trên cho thấy có sự nhượng bộ trước áp lực của phe cứng rắn trong hàng ngũ giới lãnh đạo Nga, từ Tổng Thống Putin trở xuống, khi họ tin tưởng rằng ông Putin phải rút ngắn thời gian quyết định việc sử dụng võ khí nguyên tử để kịp thời phản ứng chống lại các cuộc tấn công của quân địch.

Tuần trước, Tổng Thống Putin đã nhắc lại rằng sở dĩ có chuyện thay đổi nguyên tắc sử dụng võ khí nguyên tử của Nga là vì các lực lượng thù địch đã phát triển các loại võ khí có khả năng tương đương với võ khí nguyên tử, trực tiếp đe dọa nền an ninh của đất nước Nga.

Cả Moscow và Washington đã từng cắt giảm mạnh mẽ kho võ khí nguyên tử của mình sau khi Liên Bang Sô Viết sụp đổ, nhưng công cuộc cắt giảm võ khí đó trong thời Chiến Tranh Lạnh, cuối cùng, đã sụp đổ, dẫn tới cuộc chạy đua võ trang gần như bất tận giữa các cường quốc trên thế giới như hiện nay. (TTHN)


 

NHẬT BẢN KHÔNG BAO GIỜ CÓ NGƯỜI ĂN XIN?

 NHỮNG BÀI POST HAY.

Lien Hoa Dao

VÌ SAO DÙ NGHÈO ĐÓI CỠ NÀO, NHẬT BẢN KHÔNG BAO GIỜ CÓ NGƯỜI ĂN XIN?

Một điều kì lạ khi đến Nhật Bản đó là thật khó có thể gặp một người vô gia cư hay ăn xin nào đang ngửa tay ra xin tiền người qua đường trên phố. Tại sao vậy?

Một người Việt Nam trong lần đến thăm thành phố Ginza của Nhật Bản đã bắt gặp một cảnh tượng khiến anh vô cùng kinh ngạc. Anh kể rằng mình đã trông thấy một người đàn ông nhưng không biết có thể gọi là ăn xin hay không. Ông ấy mặc bộ Kimono màu vàng pha nâu được là ủi sạch sẽ tươm tất, chân đi giày trắng bóc như vừa mua từ cửa hiệu, tay cầm chuông, tay còn lại cầm chiếc bát gỗ, đầu đội chiếc nón che gần hết cả khuôn mặt. Ông ấy đứng im trên vẻ hè, ai đi ngang cho gì thì cho, nhưng ông không xin. Anh thắc mắc đến người hành khất cũng có lòng tự trọng đến nhường này sao?

Ông ấy đứng im trên vẻ hè, ai đi ngang cho gì thì cho, nhưng ông không xin.

Vì sao Nhật Bản không có ăn xin ngoài đường?

Theo một số liệu thống kê thú vị, tại Tokyo có 2.000 người vô gia cư, nhưng bạn sẽ không bao giờ gặp được bất kỳ người vô gia cư nào hay một cậu bé lấm lem nào trên đường phố Nhật Bản đang ngửa tay ra xin tiền một người qua đường hay một ai đó.

Chính phủ Nhật Bản đầu tư thực thi chính sách “trợ cấp nhân sinh”, có nghĩa là bất kỳ người nghèo hay người vô gia cư khi cảm thấy điều kiện vật chất quá khó khăn và cần được giúp đỡ thì họ có thể đến chính quyền địa phương xin nhận trợ cấp. Trung bình một người có thể nhận số tiền trợ cấp hàng tháng lên tới 120.000 Yên (khoảng hơn 22 triệu đồng) để trang trải cuộc sống tối thiểu. Tuy nhiên, rất nhiều người nghèo ở Nhật Bản từ chối nhận chính sách này.

Hầu hết những người vô gia cư ở Nhật Bản đều là những người già, trẻ em khuyết tật, chủ doanh nghiệp bị phá sản, nhân viên văn phòng, sinh viên tốt nghiệp ra trường vì một lý do nào đó mà phải rẽ ngang cuộc đời. Dù rơi vào bế tắc hay bi thương họ không hề ngửa tay ra xin tiền, đơn giản vì họ nghĩ rằng như vậy đang làm mất đi lòng tự tôn trong nhân cách của mình.

Lòng tự trọng của người Nhật rất cao, họ cho rằng mình có thể chết nhưng không được xin của bố thí. Tại Nhật Bản, những người ăn xin là những người bị coi thường nhất, vì họ cho rằng tinh thần võ sĩ đạo sẽ không cho phép họ làm vậy.

Người Nhật tâm niệm rằng: Một người cho dù đến bước đường cùng cũng không bao giờ nhụt chí.

Cũng chính bởi vậy, từ đống đổ nát hoang tàn sau cuộc chiến tranh khốc liệt, Nhật Bản đã tự vươn mình trở thành một siêu cường quốc kinh tế chỉ trong một thời gian ngắn, khiến cả thế giới phải ngả mũ thán phục.

Tự trọng – Tinh thần võ sĩ đạo trong tính cách người Nhật

Lòng tự trọng được xem là giá trị cốt lõi trong văn hóa của người Nhật. Không chỉ riêng đối với người giàu mà ngay cả người vô gia cư cũng hiểu rằng, sự tôn nghiêm làm nên một con người chứ không phải tiền bạc hay chức vị.

Giáo dục cho trẻ em về lòng tự trọng trong nhân cách được người Nhật chú trọng ngay từ những khi còn bé. Đến Nhật, bạn có thể trông thấy một cậu bé 2-3 tuổi đang lẫm chẫm tập đi theo mẹ, nhưng nếu chẳng may trượt ngã, không bao giờ người mẹ cuống quýt, vội vã đỡ con dậy. Thay vào đó, mẹ cậu bé sẽ quay lại và nói: Con hãy cố tự mình đứng dậy nhé! Không dựa dẫm, tự đứng dậy ngay tại chính nơi mình vấp ngã là bài học về lòng tự trọng đầu tiên mà mỗi người con Nhật Bản được học ngay từ khi bé.

Có thể bạn chưa biết, tại Nhật, khi một người cảnh sát khi bắt gặp một người lái xe vi phạm luật giao thông, anh ấy sẽ không bắt người tài xế xuống xe mà sẽ bước đến bên buồng lái hỏi chuyện với người tài xế chỉ vì muốn giữ lòng tự trọng cho người lái xe.

Tại một cửa hàng của Nhật Bản, người chủ tiệm đã quyết định lắp đặt camera để quản lý trông coi hàng hóa phòng trường hợp bị mất cắp. Ngay một thời gian sau, không có bất kỳ vị khách nào ghé đến cửa hàng mua đồ nữa, họ tẩy chay chủ tiệm vì ông ấy đã làm tổn thương lòng tự trọng của mình. Cũng từ đây, trong các siêu thị hay tiệm tạp hóa của Nhật đều không lắp camera như các nơi khác.

Và một điều kì lạ trong hàng tá những kì lạ về xứ sở này đó chính là chỉ trong vài ba năm, nước Nhật có tới từ 4-5 Thủ tướng, không phải người đứng đầu của đất nước bị cách chức mà họ xin từ chức. Từ chức vì lòng tự trọng.

Ngày 12/7/2007, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe xin từ chức vì cho rằng ông đã không đảm nhiệm tốt vai trò của mình sau 1 năm làm Thủ tướng đầy sóng gió. (Ảnh dẫn qua: WFDD)

Trong bất kể một lĩnh vực nào, dù chỉ là một sai phạm nhỏ, dù đó là do cấp dưới gây ra, người đứng đầu luôn nhìn nhận rằng nguyên nhân dẫn đến hậu quả này xuất phát từ chính họ, là lỗi của mình. Có câu chuyện kể về một vị giáo sư khi bị người khác đâm xe làm ngã, ông đứng dậy và nói với người làm ông ngã rằng: “Xin lỗi, vì tôi mà ông gây ra chuyện này!”

Người Nhật rất kiêng kị xúc phạm người khác. Trong giao tiếp, họ luôn cố gắng tìm cách nói giảm, nói tránh bằng những hành động ít mang tính đe dọa, không làm tổn thương người khác trước đám đông vì người Nhật muốn giữ lòng tôn nghiêm cho người khác.

Vậy tự trọng là gì mà từ một giáo sư học thức đến một người ăn xin ngoài đường coi trọng đến vậy?

Tự trọng là một phẩm chất cao quý, ước chế con người ta không phát sinh tham lam, tật đố; tự trọng hướng con người ta đi đúng đường, bước đúng bước không mưu cầu quá nhiều mà biết sống đúng mực. Tự trọng có thể được xem như thước đo của đạo đức mà con người có thể dùng để đối đãi với nhau. Không có tự trọng hay lòng tự tôn nhân cách con người dễ bị hoen ố, sống không cần biết quan tâm đến xung quanh và dần trở nên tha hóa. Cũng bởi vậy mà tự trọng đã trở thành bài học đầu tiên mà mỗi em nhỏ người Nhật được học ngay những bước vấp ngã đầu tiên của cuộc đời.

Người Nhật hiểu rằng, giữ lòng tự trọng không phải mục đích vì để thể hiện tôi là ai, tôi là người như thế nào với người khác; mà họ tin khi có tự trọng con người sẽ biết phân biệt đâu là đúng, đâu là sai; điều gì nên và không nên làm, từ đó mà gặt hái sự tôn nghiêm của chính bản thân mình. Tự trọng trong văn hóa người Nhật xuất phát từ tâm niệm sống tốt đẹp, dạy con người ta biết vươn lên sau những khó khăn; luôn cố gắng suy nghĩ và hạn chế tối đa thương tổn trong tâm người khác.

Nhật Bản ngày nay có lẽ đã không chỉ là xứ sở của hoa anh đào hay những ngọn núi tuyết cao sừng sững, mà còn là đất nước của những giá trị nhân cách cao cả…

Tác giả: Hồng Tâm


 

Putin đi Bắc Hàn ‘vỗ về’ đồng minh, chống Tây Phương

Ba’o Nguoi-Viet

June 19, 2024

BÌNH NHƯỠNG, Bắc Hàn (NV) – Công chúng tụ hội đón mừng Tổng Thống Nga Vladimir Putin bằng những tràng hoa lọng phướn rợp trời tại Bình Nhưỡng hôm Thứ Tư, 19 Tháng Sáu, nơi lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un “ủng hộ triệt để” cuộc xâm lược toàn diện tại Ukraine và cam kết tăng cường cố kết về chiến lược với Moscow, theo thông tấn xã Reuters.

Một đội danh dự gồm có các kỵ binh cùng rất nhiều người dân tụ tập tại quảng trường Kim Il Sung (Kim Nhật Thành) bên bờ Sông Taedong (Sông Đại Đồng) chảy qua thủ đô, đoạn phim do phương tiện truyền thông Nga phát sóng cho thấy. Trong buổi lễ tiếp đón cấp nhà nước còn có trẻ em cầm bong bóng cùng chân dung bệ vệ của hai lãnh tụ và quốc kỳ trang hoàng tòa nhà chính tại quảng trường.

Sau đó họ Kim và Putin cùng nhau tới Cung Điện Kumsusan (Cẩm Tú Sơn, còn gọi là Lăng Kim Nhật Thành) để hội đàm thượng đỉnh.

Người dân Bắc Hàn chào đón xe limousine chở lãnh tụ Kim Jong Un và Tổng Thống Nga Vladimir Putin tại quảng trường Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng ngày 19 Tháng Sáu, 2024 (Hình: GAVRIIL GRIGOROV/POOL/AFP/Getty Images)

“Chúng tôi đánh giá cao lòng ủng hộ nhất quán và vững chắc mà ông dành cho chính sách của Nga, trong đó có cả cuộc xâm lược tại Ukraine,” hãng thông tấn nhà nước Nga RIA trích lời nói mở đầu của Putin trong cuộc hội đàm.

Putin cho biết Moscow đang đấu tranh với chính sách bá quyền, đế quốc của Hoa Kỳ và các đồng minh, truyền thông Nga đưa tin.

Họ Kim cho biết bang giao Bắc Hàn-Nga đang bước vào giai đoạn mới, “thịnh vượng cao vời vợi.”

“Hiện nay tình hình thế giới đang phức tạp hơn và biến chuyển mau chóng. Trước viễn cảnh đó, chúng tôi dự tính tăng cường hợp tác chiến lược với giới lãnh đạo Nga quyết liệt hơn nữa,” họ Kim cho biết.

Bắc Hàn “bày tỏ lòng ủng hộ và đoàn kết hoàn toàn với chính phủ, quân đội và nhân dân Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine nhằm bảo vệ chủ quyền, lợi ích an ninh cũng như toàn vẹn lãnh thổ,” họ Kim nói thêm.

Putin hạ cánh tại phi trường Bình Nhưỡng vào sáng Thứ Tư. Sau khi được họ Kim chào đón bằng cái ôm thắm thiết, hai lãnh tụ san sẻ “những suy tư sâu lắng nhất” trên đường đến tòa quốc khách, truyền thông nhà nước Bắc Hàn cho biết.

Putin thực hiện chuyến công du đầu tiên tới thủ đô Bắc Hàn sau 24 năm, có thể định hình lại bang giao Nga-Bắc Hàn sau nhiều thập niên vào thời điểm cả hai nhà nước đều chịu sự cô lập của quốc tế.

Bang giao giữa hai quốc gia là “động lực hun đúc việc gầy dựng thế giới đa cực mới” và chuyến viếng thăm của Putin là minh chứng cho quan hệ đượm tình hữu nghị và sự nhất quán giữa hai quốc gia là bất khả chiến bại và trường tồn, hãng thông tấn nhà nước Bắc Hàn KCNA cho biết.

Nga từng tận dụng quan hệ nồng ấm với Bắc Hàn để châm chích Washington, trong khi đó Bắc Hàn vốn bị Hoa Kỳ trừng phạt tan nát cũng được Moscow hậu thuẫn về phương diện chính trị cùng lời hứa hẹn giúp đỡ kinh tế và thương mại.

Hoa Kỳ và các đồng minh lo ngại Nga có thể quân viện Bắc Hàn cho các chương trình hỏa tiễn và nguyên tử, vốn bị các quyết nghị của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cấm tuyệt đối, đồng thời tố cáo Bình Nhưỡng tuồn hỏa tiễn đạn đạo và đạn pháo mà Nga từng dùng để bắn phá trong cuộc xâm lược Ukraine.

Moscow và Bình Nhưỡng phủ nhận hành động chuyển giao võ khí.

Họ Kim tay bắt mặt mừng với Putin, ôm chầm và giả lả vài lời kế bên phi cơ chở lãnh tụ Nga. Sau đó, hai người bước vào chiếc limousine Aurus của Putin do Nga sản xuất lên đường tới Tòa Quốc Khách Cẩm Tú Sơn.

Có lẽ do thời gian hạn hẹp, nên buổi đón tiếp diễn ra không mấy long trọng, họ Kim chỉ chào lãnh tụ Nga trên thảm đỏ mà không tổ chức buổi lễ trọng thể mà Bắc Hàn từng tổ chức để cung nghinh Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến viếng thăm năm 2019.

Hình ảnh do phương tiện truyền thông nhà nước công bố cho thấy phố phường tại Bình Nhưỡng đầy chân dung của Putin còn mặt tiền Khách Sạn Ryugyong hình kim tự tháp cao 101 tầng còn đang xây cất dở dang và bị bỏ trống thì được thắp sáng rực rỡ với dòng chữ “Chào Mừng Putin” to tướng.

Chương trình nghị sự hôm Thứ Tư giữa hai quốc gia gồm có một buổi hòa nhạc, thiết đãi quốc yến, duyệt binh danh dự, lễ ký kết các văn kiện và tuyên bố với giới truyền thông, hãng thông tấn Interfax của Nga trích lời Yuri Ushakov, cố vấn chính sách đối ngoại của Putin.

Một tín hiệu cho thấy Nga, thành viên có quyền phủ quyết tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, đang đánh giá lại cách thức giao hảo với Bắc Hàn, Putin ca tụng Bình Nhưỡng trước khi tới Bắc Hàn vì hành động chống lại áp lực kinh tế, tống tiền và đe dọa từ Hoa Kỳ.

Trong một bài viết trên tờ báo chính thức của đảng cầm quyền Bắc Hàn, Putin hứa hẹn “phát triển các chính sách thương mại và thỏa thuận chung trong đó Tây Phương không kiểm soát” và “gầy dựng thượng tầng an ninh bình đẳng và không thể chia cắt tại Âu Á.”

Bài viết của Putin ngụ ý rằng đó là thời cơ để Bắc Hàn nâng tầm vóc kinh tế dưới một khối kinh tế chống Tây Phương do Nga dẫn đầu, đây là thông điệp có thể hấp dẫn họ Kim, Rachel Minyoung Lee, phân tích gia của đề án 38 North tại Washington cho biết.

Putin cũng vừa ban hành sắc lệnh tổng thống trong đêm trước chuyến viếng thăm, nói rằng Moscow đang tìm cách ký kết “hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện” với Bắc Hàn. Ushakov cho biết hiệp ước này sẽ bao hàm các vấn đề an ninh. (TTHN)


 

 Biểu tình chống phe cực hữu trước cuộc bầu cử bất thường tại Pháp

Ba’o Nguoi-Viet

June 15, 2024

PARIS, Pháp (NV) – Hôm Thứ Bảy, 15 Tháng Sáu, các nhóm chống kỳ thị chủng tộc đã hợp lực cùng các nghiệp đoàn và một liên minh cánh tả vừa ra đời để biểu tình phản đối tại thủ đô Paris và các thành thị khác của Pháp, thông tấn xã AP đưa tin.

Bộ Nội Vụ Pháp cho biết có khoảng 250,000 người đã xuống đường để phản đối trên toàn quốc, trong đó có 75,000 người tại Paris. Bất kể trời mưa gió, những người dân Pháp, hằng lo sợ cuộc bầu cử sắp tới sẽ dẫn tới một chính quyền cực hữu lần đầu tiên từ sau Thế Chiến Thứ Hai, đã tập họp tại Công Trường Cộng Hòa trước khi tuần hành về miền Đông nước Pháp. Chính quyền đã phải tung ra tới 21,000 nhân viên cảnh sát và hiến binh để giữ gìn an ninh trật tự.

Những người biểu tình giương cao các biểu ngữ viết: “Tự Do cho tất cả. Công Bằng cho mọi công dân và Tình Huynh Đệ cho mọi người,” dựa theo tinh thần của một câu châm ngôn Pháp. Rồi đến câu: “Hãy san bằng mọi biên giới và giấy tờ ràng buộc con người, dẹp bỏ đạo luật di dân.” Một số người còn reo hò “Giải Phóng Palestine,” “Palestine Bất Diệt” trong khi những người khác thì cho thấy họ đang đội khăn trùm Hồi Giáo.

Người dân Pháp biểu tình chống kỳ thị chủng tộc và bài phe cực hữu tại Paris, ngày 15 Tháng Sáu, 2024 (Hình: LAURE BOYER/Hans Lucas/AFP/Getty Images)

Trong số những người đi biểu tình có cô Nour Cekar, một nữ sinh 16 tuổi tại vùng thủ đô Pháp, đầu đội khăn trùm và là con của một cặp vợ chồng Pháp và Algeria.

“Tôi cho rằng những kẻ cực hữu là nguy hiểm bởi vì họ ủng hộ tư tưởng sợ hãi kẻ khác trong khi tất cả chúng ta đều là công dân Pháp, cho dù chúng ta có khác biệt nhau như thế nào đi nữa,” cô gái nói với AP.

Giữa tiếng nhạc đệm và giọng hát của ca sĩ Aya Nakamura, một người Pháp lai Mali, đám đông reo hò: “Ai ai cũng thù ghét kỳ thị chủng tộc cả.”

“Nước Pháp được tạo dựng bằng các công dân có cội nguồn khác biệt nhau. Đó là sức mạnh của chúng ta. Phe Tập Hợp Quốc Dân lại muốn phá vỡ truyền thống đó,” ông Mahamed Benammar, 68 tuổi, một bác sĩ y khoa người gốc Tunisia và hiện phục vụ tại một bệnh viện ở Paris, tuyên bố với AP. (TTHN)


 

 Biển Đông và Đệ Tam Thế Chiến

Ba’o Nguoi-Viet

June 14, 2024

Hiếu Chân/Người Việt

Từ ngày 15 Tháng Sáu, lực lượng Cảnh Sát Biển (Hải Cảnh) Trung Quốc sẽ bắt đầu khám tàu và bắt người trên các vùng biển theo một quy định mới có tên “Thủ tục thực thi luật hành chánh của các cơ quan tuần duyên” do chính phủ nước này ban hành hôm 15 Tháng Năm. Hành động mới của Trung Quốc chắc chắn làm leo thang xung đột trên Biển Đông, thậm chí khơi mào đụng độ quân sự trực tiếp với Hoa Kỳ và mở màn cuộc chiến tranh Đệ Tam Thế Chiến.

Tàu Cảnh Sát Biển Trung Quốc (phải) bắn vòi rồng vào một tàu được Hải Quân Philippines thuê để thực hiện nhiệm vụ tiếp tế thường lệ cho quân đội đóng tại bãi cạn Scarborough và Bãi Cỏ Mây hôm 5 Tháng Ba ở Biển Đông. (Hình: Ezra Acayan/Getty Images)

Quy định nói trên cho phép Hải Cảnh Trung Quốc chặn đường, lên tàu điều tra và bắt giữ mọi nhân sự và tàu bè của “những người nước ngoài xâm phạm hoặc có hành vi hỗ trợ xâm phạm lãnh hải hoặc vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, gây nguy hiểm cho an ninh và lợi ích quốc gia của Trung Quốc.” Trong những vụ đơn giản, người và tàu thuyền vi phạm sẽ bị giam giữ tới 30 ngày không cần xét xử; còn trong những vụ phức tạp, thời hạn giam giữ có thể kéo dài tới 60 ngày. Hải Cảnh Trung Quốc cũng được phép sử dụng vũ lực để khống chế những người chống đối việc bắt giữ.

Những người am hiểu luật pháp đều cho rằng đây là điều chưa từng có trong luật pháp và thông lệ quốc tế. Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) quy định mọi quốc gia đều có quyền tự do hàng hải và hàng không ở tất cả các vùng biển quốc tế, thậm chí được quyền “đi qua vô hại” trong lãnh hải rộng 12 hải lý của các quốc gia ven biển mà không cần phải khai báo. Bằng việc ban hành và thực thi một quy định chưa từng có như vậy, Trung Quốc mặc nhiên biến Biển Đông thành một cái “ao nhà” của họ, theo ngôn ngữ pháp lý là “vùng nội thủy,” ở đó họ tùy tiện áp dụng luật quốc nội bất chấp thực tế đây là vùng biển nhộn nhịp nhất của hàng hải thế giới.

Vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền thể hiện trong “đường lưỡi bò chín đoạn” do nước này vẽ ra, bao phủ 90% diện tích Biển Đông, lấn sâu vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Theo quy định mới của Trung Quốc, hoạt động của các nước ven Biển Đông kể trên – bao gồm thăm dò và khai thác dầu khí, đánh cá, tập trận,… – trong vùng EEZ của mình nhưng chồng lấn với khu vực đường chín đoạn mà Bắc Kinh vẽ ra đều bị coi là gây hại cho Trung Quốc, do đó có nguy cơ bị Hải Cảnh Trung Quốc ngăn cản và bắt giữ. Thành phần bị xâm hại trước tiên là ngư dân Việt Nam, Philippines mà nhiều đời nay đã mưu sinh trên các ngư trường giàu hải sản của khu vực.

Yêu sách chủ quyền quá đáng đó của Trung Quốc đã bị Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc tại La Haye, Hòa Lan tuyên bố là “không có căn cứ theo luật pháp quốc tế” trong phán quyết ngày 14 Tháng Bảy, 2016, kết thúc vụ kiện mà Philippines khởi xướng năm 2013. Bắc Kinh chẳng những không chấp nhận phán quyết mà còn trở nên quyết đoán hơn.

Chính phủ Philippines đã phản đối kịch liệt quy định mới của Trung Quốc và tuyên bố sẽ không chấp nhận bất kỳ vụ bắt giữ công dân hoặc ngư dân nào trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Ngày 19 Tháng Năm, ông Ferdinand Marcos Jr., tổng thống Philippines, cảnh báo: “Những quy định kiểu như vậy là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Chúng tôi sẽ thực hiện mọi biện pháp để luôn bảo vệ công dân của mình.” Bộ Ngoại Giao Việt Nam không trả lời một cách cụ thể Việt Nam có phản đối quy định mới của Trung Quốc hay không.

***

Tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc đã có từ lâu, ít nhất là từ thập niên 1970 và càng ngày Bắc Kinh càng có những thủ đoạn thâm độc, lấn dần từng bước theo kiểu “tằm ăn dâu” để biến tham vọng đó thành hiện thực. Việc ban hành và thực thi quy định bắt giữ nói trên là bước mới nhất trong chuỗi hành động càn rỡ của Bắc Kinh, lợi dụng lúc Hoa Kỳ và thế giới đang bận tâm với cuộc chiến tranh ở Ukraine và Israel.

Va chạm giữa Trung Quốc với Philippines và Việt Nam gia tăng đáng kể trong thời gian gần đây. Truyền thông quốc tế đã có nhiều bài tường thuật các vụ Hải Cảnh Trung Quốc tấn công các tàu nhỏ hơn của Tuần Duyên Philippines bằng vòi rồng cực mạnh, bằng chùm tia laser cấp quân sự trong khu vực gần bãi cạn Scarborough và Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), nơi có một tiền đồn của Philippines do một nhóm lính thủy trấn giữ trong chiếc tàu chiến gỉ sét mà Manila cố tình cho mắc cạn vào năm 1999 để làm cột mốc lãnh thổ.

Mới đây nhất, ngày 7 Tháng Sáu, Hải Quân Philippines cáo buộc Hải Cảnh Trung Quốc cản trở nỗ lực di tản một thành viên bị bệnh trên tàu BRP Sierra Madre trên Bãi Cỏ Mây, gọi hành động đó là “tàn bạo và vô nhân đạo.” Phía Trung Quốc nói họ sẽ cho phép Philippines vận chuyển hàng tiếp tế và di tản binh lính khỏi chiếc tàu chiến nếu Manila báo trước với Bắc Kinh. Đáp lại, ông Eduardo Ano, cố vấn an ninh quốc gia Philippines, tuyên bố Manila sẽ tiếp tục hoạt động tiếp tế và duy trì các tiền đồn trên Biển Đông mà không cần xin phép bất kỳ quốc gia nào.

Sau sự việc đó, tổng thống Philippines nói với quân đội rằng Philippines cần chuẩn bị cho mọi tình huống xấu có thể xảy ra do hành động leo thang xung đột của thế lực ngoại bang ở Biển Đông. “Sự đe dọa từ các thế lực ngoại bang đang ngày càng trở nên rõ ràng và đáng lo ngại. Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải chuẩn bị,” ông Marcos phát biểu hôm 10 Tháng Sáu.

Cùng thời điểm này, Việt Nam lên tiếng phản đối việc Hải Quân Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương 26 vào hoạt động trái phép trong vùng EEZ của Việt Nam, có lúc chỉ cách bán đảo Sơn Trà thuộc thành phố Đà Nẵng khoảng 40 hải lý về phía Đông Bắc. Đáng chú ý đây là con tàu khảo sát của quân đội Trung Quốc, không phải tàu dân sự và thường bí mật xâm nhập vùng EEZ của nhiều nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Các nguồn tin mới nhất cho biết, tàu Hải Dương 26 đã rời vùng biển Việt Nam sau khi ông Tô Lâm, tân chủ tịch nước, tiếp ông Hùng Ba, đại sứ Trung Quốc, và nêu vấn đề với ông này.

***

Phản ứng của Philippines đối với Trung Quốc về Biển Đông đã cứng rắn hơn rất nhiều, nhất là sau hội nghị thượng đỉnh giữa tổng thống Philippines với Tổng Thống Mỹ Joe Biden ở thủ đô Washington ngày 12 Tháng Tư. Tổng Thống Biden tái khẳng định sự hỗ trợ “sắt đá” của Mỹ theo Hiệp Ước Phòng Thủ Chung Mỹ-Philippines ký kết năm 1951 và được củng cố bằng nhiều thỏa thuận sau này. Điều V của hiệp ước quy định, nếu lực lượng Philippines bị tấn công quân sự trên Biển Đông thì quân đội Mỹ sẽ can thiệp và bảo vệ đồng minh.

Tuy vậy, Điều IV của hiệp ước cũng quy định, sự can thiệp của quân đội Mỹ chỉ được thực hiện sau khi vụ tấn công quân sự đã được báo cáo lên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và hành vi can thiệp sẽ chấm dứt sau khi Hội Đồng Bảo An có biện pháp cần thiết để vãn hồi và duy trì hòa bình, an ninh quốc tế. Cho đến nay, Manila chưa lần nào báo cáo lên Hội Đồng Bảo An những vụ gây hấn của Hải Cảnh Trung Quốc và hành động gây hấn bằng vòi rồng, dù gây hư hại tàu thuyền và làm vài thủy thủ Philippines bị thương, vẫn chưa được coi là xung đột quân sự đến mức Manila yêu cầu Mỹ can thiệp. Có thể thấy, cho tới nay mặc dù Trung Quốc ngày càng hung hăng nhưng chưa dám vượt “lằn ranh đỏ,” thực hiện một hành động quân sự ở Biển Đông.

Nhưng tại Diễn Đàn An Ninh Quốc Tế Shangri-La ở Singapore hồi cuối Tháng Năm, tổng thống Philippines tuyên bố “nếu có một công dân Philippines bị giết do một hành vi cố ý thì sự kiện đó đã gần với cái mà chúng tôi định nghĩa là hành động chiến tranh.” Điều đó có nghĩa là, xung đột với Trung Quốc trên Biển Đông, nếu gây chết người, thì nguy cơ chiến tranh sẽ rất gần. Một khi Manila kêu gọi sự hỗ trợ của Mỹ thì cuộc đối đầu giữa tàu Hải Cảnh Trung Quốc với chiến hạm của Hải Quân Mỹ có thể xảy ra.

Thật dễ tưởng tượng một diễn biến đáng sợ: một tàu Tuần Duyên Philippines làm nhiệm vụ tiếp tế cho tiền đồn ở Bãi Cỏ Mây thì bị Hải Cảnh Trung Quốc ngăn chặn và bắt giữ, phía Philippines chống đối và súng nổ, người chết. Máu kêu máu, thêm nhiều người chết, lằn ranh đỏ bị vượt qua. Phía Trung Quốc huy động Hải Quân và dân binh tiếp viện còn Tuần Duyên Philippines kêu gọi hỗ trợ của Hải Quân và Tuần Duyên Hoa Kỳ hiện diện gần đó. Một đụng độ nhỏ nhanh chóng biến thành một vụ xung đột nghiêm trọng.

Nếu xảy ra một biến cố như vậy, chính quyền Biden chắc chắn sẽ hành động nếu không muốn lòng tin của các đồng minh bị giảm sút. Hơn nữa, tâm lý chống Trung Quốc đang mạnh ở Washington, cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đều không muốn tỏ ra mềm yếu trước Bắc Kinh.

***

Trong lịch sử, nhiều cuộc chiến tàn khốc bắt đầu từ những biến cố rất nhỏ, một tính toán sai hoặc một sự hiểu lầm, dẫn tới hàng chục triệu sinh mạng bị giết, nhiều thành phố bị san bằng. Trong một bài đăng trên Asia Times ngày 4 Tháng Sáu, Giáo Sư Bob Savic, khoa chính trị và quan hệ quốc tế đại học University of Nottingham, Anh, nhắc lại cuộc chiến tranh Đệ Nhất Thế Chiến nổ ra ngày 28 Tháng Sáu, 1914, chỉ từ vụ ám sát Hoàng Thân Franz Ferdinand của hoàng gia Áo tại Sarajevo xứ Serbia, để rồi cả Châu Âu bị lôi vào cơn binh lửa tàn khốc với hơn 20 triệu người thiệt mạng.

Lần này, cái chết của một thủy thủ Philippines ở Biển Đông có thể là biến cố tương tự, dẫn tới chiến tranh Đệ Tam Thế Chiến. “Trung Quốc và Hoa Kỳ phải bảo đảm họ sẽ không mộng du vào việc lặp lại thảm kịch 1914 vào nửa cuối Tháng Sáu, 2024, hoặc bất kỳ thời điểm nào trong tương lai,” ông Savic viết. [qd]


 

 Ảnh hưởng của tân Tổng thống Mỹ đối với tương lai an ninh châu Âu

Ba’o Tieng Dan

Đỗ Kim Thêm

14-6-2024

Vấn đề

Việc tòa án New York sẽ công bố mức án của phạm nhân Donald Trump vào ngày 11 tháng 7 năm 2024 và kết quả của cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 5 tháng 11 năm 2024 là hai diễn biến nội chính trọng đại của nước Mỹ, nhưng cũng sẽ là thách thức mới dành cho các nước khắp thế giới. Nhiều nước đang quan tâm, theo dõi và chuẩn bị tìm cách đối phó, trong đó có cả châu Âu.

Cho dù Trump sẽ nhận mức án như thế nào đi nữa và ai sẽ đắc cử tổng thống Mỹ, Biden hay Trump, đối với châu Âu, vấn đề ngoại giao và an ninh trong tương lai là chuyện sống còn, mà cụ thể là chiến tranh Ukraine, đến nay vẫn chưa kết thúc.

Quan tâm trước mắt của chính giới châu Âu là phải biết kết hợp hai chính sách cũ và mới sao cho phù hợp, để phục vụ cho lợi ích lâu dài. Châu Âu sẽ tiếp nối truyền thống hay phải thích nghi với tình hình mới là vấn đề sẽ được thảo luận ở đây.

Trump 2.0

Ngay trong nhiệm kỳ đầu Tổng thống, Trump tuyên bố rằng sẽ thay đổi vai trò căn bản của Hoa Kỳ ở châu Âu. Trump tỏ ra coi thường các đồng minh lâu đời và không dành thiện cảm đối với khối NATO và Ukraine.

Ngược lại, châu Âu luôn xem trọng vai trò lãnh đạo của Mỹ trong việc thi hành chính sách an ninh và muốn là Mỹ sẽ duy trì vai trò trụ cột. Tình thế đổi thay trước một tương lai đầy bất trắc, châu Âu bắt đầu có nhiều lo ngại.

Trong cuộc bầu cử ở Mỹ lần này, châu Âu tỏ ra bi quan không kém khi nhận ra rằng, nếu tái đắc cử, Trump sẽ không thay đổi chính sách đối ngoại trước kia của ông ta. Do đó, để tìm cách ứng phó trước các bất lợi khôn lường sắp đến, châu Âu tự phải chuẩn bị cho mình một chiến lược chu đáo hơn.

Nhưng nhìn chung, nếu so với nhiệm kỳ đầu, Trump có hai thay đổi quan trọng.

Đầu tiên, về mặt nhân sự, đội ngũ cố vấn đối ngoại của Trump lần này sẽ rất khác biệt. Những tướng lĩnh và các nhà ngoại giao Mỹ có nhiều kinh nghiệm lão luyện trong mối quan hệ đối tác chiến lược xuyên Đại Tây Dương và xây dựng lợi ích của Mỹ, vì nhiều lý do khác nhau, sẽ không quay trở lại tham chính. Thay thế cho giới này là một thế hệ mới gồm các nhà hoạt động thuộc cánh hữu của đảng Cộng hòa và các tổ chức tư vấn. Hai nhóm này đều đang được đảng ủng hộ và sẽ tranh nhau vai trò lãnh đạo trong tương lai.

Nhóm đầu tiên là những thành phần tỏ ra kiềm chế, họ muốn đặt các ưu tiên về chính trị và ngân sách để giải quyết vấn đề nhập cư ở biên giới phía nam và sẽ yêu cầu cắt giảm mọi sự hợp tác về an ninh quốc tế. Ý kiến này được các tổ chức cựu chiến binh và các thành phần quân sự ủng hộ, mà cả hai vốn dĩ luôn hòai nghi về sự can dự của quân đội Mỹ ở châu Âu và Trung Đông.

Nhóm thứ hai là những thành phần muốn đặt các ưu tiên trong chính sách đối ngoại, nhưng đặc biệt là Mỹ phải tập trung ảnh hưởng ngoại giao nhiều hơn vào châu Á và Trung Quốc, trước mắt là tìm cách ngăn chặn việc Trung Quốc xâm lăng Đài Loan mà họ suy đoán là có thể xảy ra vào năm 2027.

Cho dù có những ưu tiên khác nhau, điểm ngạc nhiên là cả hai nhóm này cùng có một quan điểm chung: An ninh của châu Âu không còn là mối quan tâm hàng đầu của Mỹ vì các nước châu Âu phải chịu trách nhiệm của mình. Mỹ phải cắt bỏ các nguồn quân viện và triệt thóai các binh sĩ ra khỏi châu Âu, nếu không thi hành triệt để như vậy, thì châu Âu sẽ không bao giờ tự lực phát triển chính sách quốc phòng và an ninh.

Thứ hai, bối cảnh an ninh quốc tế và châu Âu đã thay đổi đáng kể ngay sau khi Nga tấn công Ukraine và phải xem đây là một cuộc chiến có tiềm tàng bùng nổ trên quy mô lục địa.

Tình hình chiến cuộc leo thang giữa Israel và Palestine ở Gaza, một lần nữa đã lôi kéo Mỹ vào cuộc xung đột ở Trung Đông. Nhìn chung, thế giới đang bùng cháy khắp mọi nơi, nhưng Mỹ phải đặt ra những ưu tiên để giải quyết. Dù chọn ưu tiên nào, Mỹ cũng phải tính đến chi phí cho châu Âu, nhiều hay ít.

Giới thân cận của Donald Trump đã lần lượt đưa ra một số lựa chọn cho nhiệm kỳ thứ hai: Mỹ sẽ rút khỏi khối NATO và hòa đàm trực tiếp với Nga. Nhưng cụ thể, Trump sẽ làm gì sau khi tái đắc cử, không ai biết rõ. Tuy nhiên, các kịch bản sau đây có thể đang được chuẩn bị.

Ukraine

Rõ ràng là Trump tin rằng, Mỹ không nên trở thành cảnh sát đạo đức của thế giới và không còn muốn cung cấp viện trợ cho Ukraine nữa. Trump muốn chấm dứt chiến tranh Ukraine, nhưng lại không quan tâm đến sự toàn vẹn lãnh thổ. Trump cáo buộc Biden đã lôi Mỹ vào cuộc chiến toàn cầu vì lý do tài chính. Lý do của Donald Trump là kho vũ khí của Mỹ nay đã cạn kiệt, vì chính quyền Biden dành quá nhiều ưu tiên cho chiến trường Ukraine. Tranh luận về một giải pháp quốc tế cho Ukraine đã trở thành đề tài gây phân hóa trong chính trị quốc nội.

Để giải quyết, Trump hứa sẽ xúc tiến ngay việc hòa đàm để nhanh chóng kết thúc cuộc chiến. Thực tế, có nghĩa là Donald Trump đàm phán trực tiếp với Vladimir Putin để đạt thỏa thuận. Và thuận lợi chính cho Trump hiện nay là đã có tình bạn thân thiết với Putin.

Khối NATO

Donald Trump cho rằng Mỹ có quá nhiều cam kết để bảo vệ an ninh ở nước ngoài và đang bị các đồng minh lợi dụng triệt để. Đối với những người ủng hộ Trump, việc Mỹ rút quân khỏi châu Âu là hợp lý và là cơ hội duy nhất để thực hiện kế hoạch này. Việc yêu cầu các đồng minh trong khối NATO phải tuân thủ cam kết đóng đủ 2% chi tiêu quân sự chỉ là một khía cạnh của vấn đề.

Hơn nữa, để giảm thiểu vai trò của Mỹ, Mỹ nên buộc châu Âu phải nhận trách nhiệm điều hành khối NATO, có nghĩa là, Mỹ không mở rộng bất kỳ lĩnh vực nào mới và nhanh chóng giảm bớt sự hiện diện ở châu Âu.

Ngoài ra, Trump còn cáo buộc là Joe Biden làm suy yếu quyền tự chủ chiến lược của châu Âu bằng cách tăng cường đồn trú 20.000 lính Mỹ ở châu Âu hồi năm 2022 và tăng cường hỗ trợ phòng không của Mỹ.

Tóm lại, châu Âu phải tự tạo ra một cấu trúc an ninh mới, không lấy Mỹ làm trung tâm, quân đội Mỹ rút và sửa đổi các quy tắc của NATO. Từ nay, châu Âu lãnh đạo NATO và Mỹ chỉ đóng vai trò hỗ trợ.

Rút quân khỏi Trung Đông

Cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều tin rằng, kỷ nguyên can thiệp và xây dựng một quốc gia dân chủ theo kiểu Mỹ dành cho Trung Đông đã kết thúc và khu vực này không còn đóng vai trò ưu tiên.

Tuy nhiên, sau vụ tấn công của Hamas vào Israel ngày 7 tháng 10 năm 2023, Tổng thống Joe Biden đã bị lôi kéo trở lại khu vực. Đảng Cộng hòa đồng ý hỗ trợ quân sự và chính trị cho Israel. Đồng thời, cả hai giới chủ trương kiềm chế và ưu tiên của Đảng Cộng hòa đều muốn tránh sự can dự trực tiếp của quân đội Mỹ vào khu vực. Cả hai đều muốn rút 3.500 lính Mỹ khỏi Iraq và Syria, những người có nguy cơ bị Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này tấn công.

Ngoài ra, Mỹ còn có các lo ngại khác: Iran ngày càng tác động mạnh hơn để tạo nên các cuộc khủng hoảng mới nghiêm trọng ở Trung Đông. Kể từ sau vụ sát hại ba lính Mỹ ở tiền đồn Jordan, người Mỹ muốn Mỹ rút quân. Nếu để quân Mỹ ở lại Iraq và Syria mà không có sứ mệnh quân sự nào rõ ràng, thì việc đồn trú này không giúp Mỹ an toàn hơn; trái lại, có nhiều nguy cơ tổn thất về nhân mạng và leo thang thành một cuộc chiến tranh quy mô.

Các phong trào cánh hữu liên kết

Xu hướng chung của các chính phủ châu Âu tự do là muốn kết hợp việc đề cao vấn đề bản sắc vào trong chính sách đối ngoại, thí dụ như Đức đã có các hướng dẫn việc đề cao vai trò nữ quyền trong chính sách đối ngoại và Liên Âu, sẵn sàng áp dụng các chính sách giáo dục và nhập cư một cách tự do hơn.

Ngược lại, đảng Cộng hòa luôn phản đối việc đề cao chuyên đề bản sắc trong các chương trình nghị sự. Các cuộc thăm dò cho thấy, vấn đề bản sắc và tính đúng đắn trong lập trường chính trị là đầu mối của sự phân hóa lưỡng đảng. Đảng Cộng hòa liên tục cáo buộc đảng Dân chủ bị ám ảnh nặng nề bởi chủ trương thiên về bản sắc và không công khai bảo vệ lợi ích của Mỹ trên toàn thế giới.

Trong thời gian tại chức, ngoài Vladimir Putin, Donald Trump còn dành nhiều thiện cảm cho Thủ tướng Hungary Viktor Orbán, là người nổi tiếng chống lại trào lưu nhập cư ào ạt. Mối thiện cảm này hiện đã lan rộng đến nhiều đảng viên Cộng hòa khác. Điều này có thể dẫn đến suy luận là tổng thống tương lai và ngay cả trong đảng Cộng hòa sẽ ngày càng thân thiết với Hungary và xem Thủ tướng Hungary tâm đầu ý hiệp về mặt tư tưởng hơn là với Pháp và Đức, hai quốc gia dân chủ có cùng truyền thống hợp tác với Mỹ.

Biden 2.0 sẽ không khác Trump 2.0 về chính sách công nghiệp

Lập luận chung cho rằng, nếu Joe Biden tái đắc cử, tình hình chung của Mỹ sẽ ít bất ổn và mối quan hệ quốc tế sẽ liên tục hơn nếu so với sự kiện Trump trở lại Nhà Trắng. Thật ra, dù ai cầm quyền đi nữa, Mỹ cũng phải đối mặt với một số biến động khác, nhất là trong việc thực thi các chính sách thương mại, công nghiệp chiến lược và cạnh tranh với Trung Quốc. Điểm ngạc nhiên là, về mặt hoạch định chính sách, viễn tượng Biden 2.0 sẽ không khác nhiều khi so với Trump 2.0.

Qua thời gian, về mặt kinh tế, đảng Cộng hòa và Dân chủ cùng có một tầm nhìn giống nhau, có nghĩa là, ít triệt để hơn để theo đuổi chủ thuyết tân tự do trong việc giải quyết nền kinh tế quốc nội hay quốc tế.

Do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như tầm quan trọng của cử tri thuộc tầng lớp lao động ở các tiểu bang dao động, hai đảng cùng nhận ra rằng, vấn đề bảo hộ mậu dịch sẽ là giải pháp chính để tạo ra công ăn việc làm trong nước và thu hút các giới cử tri. Về mặt chiến lược phát triển, cả hai cùng xem một số ngành công nghệ nhất định là quan trọng như nhau và cân nhắc cẩn trọng có nên chuyển ra nước ngoài không.

Đối với vấn đề thâm hụt thương mại của Mỹ, dường như Trump bị ám ảnh nặng nề hơn. Trump cho rằng các thỏa thuận trong chính sách thương mại trước đây đã đưa Mỹ vào bẫy mà không mang lại công bằng, trong khi đó các đồng minh châu Âu giành được lợi thế kinh tế trước Mỹ lại còn được Mỹ bảo đảm an ninh.

Trong nhiệm kỳ đầu, Trump dùng mọi biện pháp thương chiến với Trung Quốc để làm giảm tình trạng thâm hụt thương mại. Trong chiến dịch tranh cử hiện tại, ông ta có hứa là sẽ tăng thuế đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc lên 10%, Trump dự định 40 điểm phần trăm đến 60 phần trăm.

Cho đến nay, Biden đã duy trì hầu hết các biện pháp của Trump trong việc làm tái cân bằng và xây dựng năng lực sản xuất của Mỹ. Thí dụ như thuế quan đối với nhôm và thép nhập khẩu từ châu Âu đã được Biden thay thế bằng hạn ngạch và hạn chế xuất khẩu tự nguyện. Hoa Kỳ vẫn chưa có ý định tham gia lại Hiệp định kế thừa Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), vốn đã bị Trump hủy bỏ, và cũng không quan tâm đến việc tạo ra một Hiệp định thương mại tự do với Liên Âu.

Thay vào đó, Biden theo đuổi một chính sách công nghiệp chiến lược mà mục tiêu là trợ cấp cho các ngành công nghiệp nội địa nào mà Mỹ muốn duy trì vị trí dẫn đầu. Một số chính sách quan trọng đã được Biden thực hiện trong nhiệm kỳ đầu gồm: Đạo luật đầu tư cơ sở hạ tầng và việc làm; và Đạo luật khoa học và giảm lạm phát. (Infrastructure Investment and Jobs Act, der CHIPS and Science Act und der Inflation Reduction Act).

Trong nhiệm kỳ thứ hai, Biden cũng sẽ không thể làm khác hơn là tiếp tục giảm sự phụ thuộc kinh tế của Mỹ từ Trung Quốc.

Liên Âu thay đổi nhận thức

Về cơ bản, việc Nga xâm chiếm Ukraine đã làm thay đổi mức độ đe dọa an ninh đối với châu Âu và ảnh hưởng đến tương lai về chính sách an ninh và quốc phòng cho toàn lục địa.

Trước ngày 24 tháng 2 năm 2022, các cuộc tranh luận của Liên Âu về an ninh và quốc phòng thường xoay quanh các chủ đề nhắm vào việc phát triển khả năng xử lý khủng hoảng trong khu vực lân cận. Khi nhìn lại cuộc chiến ở Nam Tư cũ, ngay về mặt địa lý cũng phải nhận ra rằng, Nam Tư nằm ngay trước cửa Liên Âu, nhưng vào thời điểm đó, không ai cho rằng sự bất ổn tại Nam Tư sẽ tác động to lớn đến nền an ninh chung như chiến cuộc Ukraine ngày nay.

Do kinh nghiệm trong quá khứ, châu Âu có thói quen tập trung vào khía cạnh xử lý khủng hoảng hơn là chuẩn bị cho việc phòng thủ chung bằng các biện pháp quân sự. Cho đến nay, Liên Âu luôn xem khu vực Balkan, Trung Đông, Bắc Phi và vùng Sahara là các mối đe dọa gián tiếp và có thể được giải quyết bằng các cách xử lý thích hợp.

Khi Nga xâm lược Ukraine năm 2022, Liên Âu thay đổi triệt để nhận thức về mọi mặt: Hình ảnh tội ác chiến tranh của Nga xảy ra hằng ngày, làn sóng người Ukraine tị nạn ngày càng tăng, Nga đe dọa leo thang chiến cuộc bằng cách dùng vũ khí hạt nhân và hóa học. Do đó, Liên Âu nhận ra rằng Nga đang đe dọa trực tiếp đến vận mệnh lục địa. Nhưng phải làm để gì ứng phó trước tình thế là vấn đề.

Một mặt, Liên Âu tỏ ra đoàn kết hơn và đồng ý phải tăng cường chi tiêu quốc phòng. Mặt khác, tình hình đảo ngược làm cho việc Mỹ dự định rút khỏi châu Âu phải trì hoãn. Mỹ phải định hình lại khả năng phòng thủ của châu Âu và tìm kiếm sự hỗ trợ của châu Âu. Mỹ muốn dùng các thói quen cũ thời Chiến tranh Lạnh, nhưng lại muốn tìm sự hỗ trợ cho những nỗ lực của mình trong hoàn cảnh mới. Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên. Châu Âu hiện nay không đủ khả năng phòng thủ để chống lại Nga ngoài khuôn khổ NATO, đặc biệt là liên quan đến việc răn đe bằng vũ khí hạt nhân.

Việc Nga tấn công Ukraine khiến cả Thụy Điển và Phần Lan thay đổi vị thế trung lập cố hữu và trở thành thành viên mới của khối NATO. Các nước Trung, Đông Âu và vùng Baltic luôn ngờ vực về ý chí và khả năng của Liên Âu trong việc răn đe Nga hay tự vệ. Tất cà các nước hầu như chỉ đặt niềm tin vào khả năng quân sự của Mỹ. Tuy nhiên, điều khoản hỗ trợ của Liên Âu (Điều 42 (7) của Hiệp ước về Liên minh Châu Âu) tạo ra một cam kết chính trị không được xem là hỗ trợ bởi khả năng quân sự.

Nếu Liên Âu không thể tự bảo vệ mình trước sự xâm lược của Nga, thì không thể nói đến khả năng xử lý các cuộc khủng hoảng ở khu vực lân cận. Sau thất bại ở Balkan vào thập niên 1990, các quốc gia thành viên Liên Âu cam kết tại Helsinki năm 1999 là có thể triển khai lực lượng từ 50.000 đến 60.000 binh sĩ trong vòng 60 ngày và sẽ được duy trì ít nhất một năm. Sau khi Nga tấn công Ukraine, trong chiến lược của Liên Âu từ tháng 3 năm 2022 con số này được đưa ra là 5.000 binh sĩ.

Sự phân hóa đang đe dọa

Trong nhiệm kỳ thứ hai, Trump có thể mang lại những rủi ro cho Ukraine và khối NATO, cụ thể là rời bỏ khối NATO, cho phép Nga tấn công các thành viên NATO không hoàn thành nghĩa vụ đóng góp 2% và chấm dứt chiến tranh ở Ukraine trong vòng 24 giờ, tất cả các tuyên bố này đã gây hoang mang tột độ cho Liên Âu.

Nhưng hoang mang vẫn không đủ để giải quyết vấn đề, mà phải chuẩn bị ứng phó như thế nào. Cho đến nay, Liên Âu vẫn chưa ứng phó toàn diện trong kịch bản Trump 2.0. Cho dù đã có những sáng kiến ​riêng của từng quốc gia, nhưng thật ra vẫn chưa đủ.

Thí dụ như Đức, là nước trợ viện trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine sau Mỹ, Đức đã có nhiều đóng góp quan trọng. Đan Mạch đã cung cấp hỏa lực pháo binh cho Ukraine và Ba Lan hứa sẽ tăng chi tiêu quân sự lên đến 4% tổng sản phẩm quốc nội.

Tuy nhiên, những nỗ lực này không thể bù đắp được việc Mỹ ngừng hỗ trợ cho Ukraine. Trump có thể sẽ đề ra các sáng kiến khác về chính trị để tìm một giải pháp, nhưng không chắc sẽ tạo điều kiện cho tất cà các nước khác cùng tham gia giải quyết.

Nếu Liên Âu không đoàn kết chính trị, thì nhiều nguy cơ khác có thể xảy ra, có thể Trump sẽ gây chia rẽ Liên Âu để tạo thành một tình thế hỗn loạn, kết quả là Ukraine suy yếu, Liên Âu và khối NATO bị phân hóa. Đây là dự kiến mà Putin cũng sẽ cùng theo đuổi với Trump.

Trump sẽ gây áp lực buộc Ukraine phải chấp nhận một hòa ước trong điều kiện tương nhượng một phần lãnh thổ cho Nga, việc này sẽ gây ra tranh cãi trong Liên Âu và khối NATO. Theo các suy đoán hiện nay, Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ ủng hộ; ngược lại, Anh, Pháp và các nước khác phía Đông sẽ phản đối giải pháp này.

Trong chiều hướng này, Đức sẽ đóng một vai trò quan trọng. Gần đây, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký một thỏa thuận song phương, hợp tác về an ninh vào tháng 2 năm 2024, trong đó Đức cam kết khôi phục chủ quyền lãnh thổ của Ukraine trong phạm vi biên giới Ukraine năm 1991, nhưng về mặt nội dung, đây là một lời tuyên bố về ý định hơn là có giá trị ràng buộc về mặt luật quốc tế.

Tất nhiên, với tính khí bất thường cố hữu, Trump sẽ còn làm nhiều chuyện ngoạn mục hơn, có thể là đi ra ngoài khuôn khổ giải quyết vấn đề Ukraine, mở rộng sang việc can thiệp trong các vấn đề khác như khí hậu, thương mại, Trung Quốc và xung đột Israel – Palestine.

Kết luận

Châu Âu đang hy vọng các kịch bản trên sẽ không xảy ra hoặc một kịch bản xấu nhất trong đó sẽ không xảy ra, nhưng cuối cùng đồng thuận được một kế hoạch an ninh chung là vấn đề then chốt. Đó là vấn đề cải thiện khả năng quân sự để bù đắp cho việc Mỹ rút quân và tạo khả năng hành động độc lập cho phù hợp. Thoả thuận chung tại Brussels hoặc thông qua các hiệp định song phương để đạt được các mục tiêu này là thách thức mới khởi đầu.

Cuộc chiến tranh của châu Âu với Nga, nếu xảy ra, năng lực phòng thủ quân sự là chuyện sinh tử. Châu Âu không chỉ lo bảo vệ Ukraine, lục địa mà còn phải tìm cách ngăn chận các phương sách mà Trump sẽ gây chia rẽ châu Âu trong các lĩnh vực chính sách khác.