Xin Chúa gìn giữ bạn và gia đình hôm nay và mãi mãi nhé. Bảo trọng!
Cha Vương
Thứ 7: 14/09/2024
Ngày hôm nay 14 tháng 9 hàng năm, chúng ta nói lên sự biết ơn và lòng yêu mến Ðức Giêsu qua sự tôn trọng thập giá. Trước đây, thập giá từng là biểu hiệu của sự tủi hổ. Các tử tội được chết chém đó là một ân huệ, vì được miễn cho sự nhục nhã khi bị treo trên thập giá. Ðức Giêsu đã thi hành mọi sự để đem lại sự cứu độ cho chúng ta. Ngài đã chấp nhận sự đau khổ thập giá. Ðau khổ dẫn đến tủi nhục.
Thập giá trở nên dấu hiệu thiêng liêng của Kitô Giáo. Khi thập giá có mang tượng Ðức Giêsu, thập giá đó trở thành thánh giá. Chúng ta treo thánh giá trong nhà hay đeo trên người để nhắc nhở rằng, vì chúng ta mà Ðức Giêsu đã phải hy sinh.
Trong nhiều thế kỷ, di tích của cây thập giá đích thực được Kitô Hữu quý trọng. Người ta tin rằng vào năm 629, dưới thời Hoàng đế Herachius I, những người Ba Tư xâm chiếm Giêrusalem và lấy mất phần chính của Thánh Giá thật mà thánh Hélène, mẹ của Hoàng đế Constantin đã để lại. Hérachius nhất định chiếm lại thánh giá này. Ngài cầu nguyện xin Chúa giúp đỡ và nung nấu lòng can đảm. Quả nhiên, lời cầu xin của vua đã được Chúa chấp nhận. Ngài đã đánh bại được quân Ba Tư và trở về Constantinople giữa tiếng reo hò của dân chúng. Với những cành olive, những ngọn đuốc cháy sáng, thánh giá thật của Chúa đã được tôn vinh trong bầu khí khải hoàn. Hoàng đế tràn trề vui sướng muốn trở về Giêrusalem với thánh giá này sau 14 năm lưu lạc. Nhà vua long trọng tiến vào thành thánh, nhưng trước khi lên núi Sọ, ngài đã không thể bước đi được nữa, khiến cho mọi người đều kinh ngạc sợ hãi. Giáo trưởng Zachachie hô lớn: “Tâu đức vua, chắc chắn phẩm phục của đức vua không xứng đáng với cảnh nghèo nàn và khiêm nhượng của Chúa Giêsu khi vác thánh giá”. Hérachius vội cởi bỏ mọi phẩm phục sang trọng và thay vào bằng bộ quần áo nghèo hèn. Tức thì nhà vua cất bước một cách dễ dàng… và để tỏ ra sự khải hoàn, Chúa đã ban nhiều phép lạ cả thể trong ngày ấy.
Từ đó, lễ kính Thánh Giá Chúa Giêsu được lập ra để nhắc nhớ cho các thế hệ kỷ niệm này. Nhưng trước cả thời gian đó, Kitô Hữu đã tôn kính và quý trọng thập giá và lễ Suy Tôn Thánh Giá được các Kitô Hữu tại Rome cử hành từ cuối thế kỷ thứ 7.
Chữ “thập giá” cũng có nghĩa những đau khổ trên đường đời. Khi chúng ta kiên nhẫn và vui lòng chấp nhận đau khổ như Ðức Giêsu đã chấp nhận thập giá của Ngài, chúng ta sẽ trở nên “người vác thập giá” như Ðức Giêsu Kitô. (Nguồn: Người Tín Hữu online)
Hôm nay mời bạn bỏ ra mấy phút suy niệm trước Thánh Giá là nơi treo Đấng Cứu Độ trần gian, bạn hãy đặt tất cả những gánh nặng cuộc đời vào lòng xót thương và sự quan phòng của Chúa
From: Do Dzung
*******************
Thánh Giá Đức Kitô (Sáng tác: Sr. M. Tigon)