Lũ lụt là một thảm họa, nhưng sạt lở đất có khi còn kinh hoàng hơn – Thái Hạo

My Lan Pham –  Những Câu Chuyện Thú Vị

Thái Hạo

Lũ lụt là một thảm họa, nhưng sạt lở đất có khi còn kinh hoàng hơn. Nguyên nhân thì sách vở báo chí nói nhiều rồi, tôi chỉ muốn chia sẻ quan sát của cá nhân.

Theo tôi, sạt lở (nặng hơn nữa là lũ bùn, đất chảy), nguyên nhân chính là do núi đồi bị mất chân. Đối với loại núi đất, đồi đất, thì chân của chúng là tối quan trọng. Trải qua hàng triệu năm, những núi đồi ấy đã ổn định hình dáng và cấu trúc, mưa lũ cũng không làm chúng bị lở/ vỡ ra được. Mất chân, mất đi thế đứng vững chãi, những khối đất bên trên trở thành cheo leo, có thể bị sụt và đổ ập xuống bất cứ lúc nào.

Việc làm đường, xây dựng nhà cửa hay các công trình khác trên các vùng địa hình rừng núi, thường sẽ chặt đứt chân núi đồi, khiến chúng từ chỗ đang thoải dáng trở thành dựng đứng. Một quả bom treo lơ lửng trên đầu.

Cây rừng tự nhiên có bộ rễ sâu hàng chục mét và đan kết chằng chịt vào nhau, có vai trò quan trọng trong việc giữ vững liên kết giữa đất và đá, giữa tầng mặt và tầng sâu…, tạo thành một khối ổn định và vững chắc. Nhưng nay rừng đã bị cạo trọc, mối liên kết ấy mất đi. Một khi mưa lớn kéo dài, đất trong núi no nước, liên kết trở nên yếu ớt. Khi đất đá đã ở trong tình trạng mềm/ nhão, kết hợp với sự mất chân của núi đồi, một vụ sạt lở sẽ xảy ra. Những vụ sạt lở lớn sẽ kéo xuống cả vạn, thậm chí là cả triệu khối đất đá, vùi lấp mọi thứ bên dưới.

Do đất đã bị nhão ra, nên theo quy luật, càng chảy sẽ càng trở nên nhuyễn hơn, thành bùn, thành cháo. Kết hợp với nước mưa và dòng nước chảy, có nguy cơ trở thành lũ bùn, quét sạch và chôn vùi mọi thứ trên đường nó đi qua.

Nếu muốn tránh những vụ sạt lở như thế, việc bảo vệ rừng (có còn không mà bảo vệ?), trồng mới rừng (tất nhiên không phải rừng keo!) là điều quan trọng phải thực hiện. Tuy nhiên, cái có thể làm ngay là tránh việc chặt đứt chân của đồi núi, nhất là đồi núi đất.

Các công trình dân sinh hay công cộng phải được tính toán kỹ để tránh thứ tác động chết người này. Việc khai thác đất đá để phục vụ làm đường sá phải tránh giật gấu vá vai, không thể chỉ vì cái tiện và lợi trước mắt mà múc luôn những chân đồi có cả một ngôi làng đang sinh sống bên dưới (gần tôi nhất là nhiều xã ở huyện Nông Cống – Thanh Hóa đang diễn ra tình trạng này mà tôi đã nhiều lần phản ánh trên báo).

Trời còn mưa, lũ còn chảy, nhiều ngôi làng vẫn đang đứng dưới những quả bom đất lơ lửng trên đầu. Người dân nên tự đánh giá tình trạng nguy hiểm của quả đồi/ quả núi nơi mình ở để chủ động tìm nơi tránh trú an toàn. Nhà nước cần căn cứ vào cấu trúc địa chất, tình trạng rừng và tình trạng chân núi (còn hay mất), để khẩn cấp di dời những ngôi làng có nguy cơ cao, tránh những thảm họa đau đớn sẽ tiếp tục xảy ra. Đừng chỉ để đến khi một ngôi làng đã bị vùi dưới bùn đất rồi mới đi thống kê số lượng người chết.

Thái Hạo


 

Được xem 3 lần, bởi 3 Bạn Đọc trong ngày hôm nay