Thánh Tông Đồ Philipphê và Giacôbê

Chúc bình an đến bạn và gia đình. Hôm nay 3/5 Giáo Hội mừng kính trong thể 2 thánh Tông Đồ Philipphê và Giacôbê. Mừng bổn mạng đến những ai chọn các ngài làm quan thầy nhé.

Cha Vương

Thứ 4: 03/05/2023

Thánh Philipphê là người xứ Bethsaida. Ông là một trong những người đầu tiên được Đức Giêsu kêu gọi. Chính ông đã mách cho Nathanael Tin mừng lớn lao này: “Đấng mà sách luật Môsê và các ngôn sứ nói tới, chúng ta đã gặp. Đó là ông Giêsu, người Nazareth”. Thấy bạn mình còn hoài nghi, ông đã giục: “Cứ đến mà xem”. Nathanael sau khi đã gặp Đức Giêsu và nghe Ngài nói thì đã tin. Philipphê đã xuất hiện nhiều lần trong Phúc âm: Lúc Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều; làm trung gian cho những người ngoại giáo muốn gặp Đức Giêsu. Philipphê cũng là người đã xin Đức Giêsu: “Lạy Ngài, xin chỉ cho chúng con thấy Cha, thế là đủ cho chúng con”. Người ta nghĩ rằng ông đã đem Tin mừng đến cho người Scythen sau ngày lễ Ngũ tuần và chết rất thọ ở Hiérapolis, tại Phrygie.

Còn thánh Giacôbê mà chúng ta mừng kính hôm nay là Giacôbê hậu, con ông Alphê. Gọi là Giacôbê hậu để phân biệt với Giacôbê tiền, là con của ông Dêbêđê. Phân biệt này không mang ý nghĩa gì khác ngoài việc tránh sự nhầm lẫn. Khoa Thánh Kinh còn nghi ngờ không biết có phải Giacôbê hậu này có phải là “anh em của Đức Giêsu” và là tác giả của lá thư Giacôbê hay không? Nhưng Phụng vụ Rôma lại có sự đồng hoá và xác nhận. Trước khi các Tông đồ tản mác mỗi người một nơi, thì họ chỉ định thánh Giacôbê làm Giám mục Giêrusalem. Ngài là linh hồn của cộng đoàn Giêrusalem. Vì ngài đã làm cho nhiều người trở lại với Đức Giêsu nên bị bản án ném đá. Ngài đã chịu tử đạo đang khi quỳ gối cầu nguyện cho tên lý hình đang kết thúc đời Ngài bằng một thanh sắt giáng xuống trên người, trong thời điểm mừng lễ Vượt Qua. (Theo “Tự điển các thánh”, trang 268-269 và trang 159).

Noi gương thánh Philipphê và thánh Giacôbê, bạn có thể trở thành tông đồ của Chúa qua lối sống hằng ngày của mình hôm nay bằng cách làm những việc nhỏ với một con tim chân thành, với một thái độ cởi mở. Đây là một minh chứng hùng hồn và cụ thể nhất cho đức tin của mình đó.

Xin thánh Philipphê và thánh Giacôbê, cầu cho chúng con.

From: Đỗ Dzũng

Mai Thảo, Thanh Sử – Hãy Theo Thầy

Thánh Giuse Thợ-Cha Vương

Tháng 5 rồi bạn ơi! Tháng 5 là tháng hoa dâng kính Đức Mẹ Maria. Giáo Hội dành riêng tháng này để đặc biệt kính mến Đức Maria. Những lúc gian nan nguy khốn cũng như khi được an bình hạnh phúc, bạn luôn biết chạy đến cùng Mẹ để được an ủi, vỗ về, che chở và dâng lời cảm tạ. Trong khi làm công việc hằng ngày, mời bạn dâng lên Mẹ hoa hồng của lòng yêu mến, xin Mẹ dạy cho bạn biết yêu Chúa hết lòng và yêu anh chị em mình như Chúa đã yêu họ vậy. Hôm nay cũng là ngày kính Thánh Giuse Thợ, xin Thánh Giuse cầu bầu cho chúng con.

Cha Vương 

Thứ 2: 1/5/2023

Thánh Giuse Thợ: Hiển nhiên là để đối ứng với việc cử hành “Ngày Lao Ðộng” của Cộng Sản mà Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã thiết lập ngày lễ Thánh Giuse Thợ vào năm 1955. Nhưng sự liên hệ giữa Thánh Giuse và ý nghĩa lao động đã có từ lâu trong lịch sử.

Trong nỗ lực cần thiết để nói lên nhân tính của Ðức Giêsu trong đời sống thường nhật, ngay từ ban đầu Giáo Hội đã hãnh diện nhấn mạnh rằng Ðức Giêsu là một người thợ mộc, hiển nhiên là được cha nuôi của Ngài huấn luyện, một cách thành thạo và khó nhọc trong công việc ấy. Nhân loại giống Thiên Chúa không chỉ trong tư tưởng và lòng yêu thương, mà còn trong sự sáng tạo. Dù chúng ta chế tạo một cái bàn hay một vương cung thánh đường, chúng ta được mời gọi để phát sinh kết quả từ bàn tay và tâm trí chúng ta, nhất là trong việc xây đắp Nhiệm Thể Ðức Kitô.

LỜI BÀN: “Sau đó Thiên Chúa đưa người đàn ông vào sống trong vườn Eden, để cầy cấy và chăm sóc khu vườn” (Sáng Thế 2:15). Thiên Chúa Cha đã tạo dựng nên mọi sự và muốn con người tiếp tục công trình tạo dựng ấy. Con người có phẩm giá là qua công việc, qua sự nuôi nấng gia đình, qua sự tham dự vào đời sống sáng tạo của Thiên Chúa Cha. Thánh Giuse Thợ có thể giúp chúng ta tham dự một cách sâu xa vào mầu nhiệm tạo dựng ấy. Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã nhấn mạnh đến điều này khi nói, “Thần khí chan hòa trên bạn và mọi người phát xuất từ con tim của Ðấng vừa là Thiên Chúa vừa là con người, Ðấng Cứu Ðộ trần gian, nhưng chắc chắn rằng, không người lao động nào được thấm nhuần thần khí ấy một cách trọn vẹn và sâu đậm cho bằng cha nuôi của Ðức Giêsu, là người sống với Ngài một cách mật thiết trong đời sống gia đình cũng như làm việc. Do đó, nếu bạn ao ước muốn đến gần Ðức Kitô, một lần nữa chúng tôi lập lại rằng, ‘Hãy đến cùng Thánh Giuse'” (xem Sáng Thế 41:44). (Nguồn: Người Tín Hữu online)

CẦU NGUYỆN: Lạy Thiên Chúa tạo thành trời đất, Chúa đã muốn cho con người lao động để tiếp tục công trình của Chúa. Xin nhận lời thánh cả Giuse chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương người để lại là chu toàn nhiệm vụ Chúa đã trao phó hầu được hưởng niềm vui Chúa đã hứa cho tôi tớ trung thành. Chúng con cầu xin… (Lời nguyện nhập lễ)

From: Đỗ Dzũng

THÁNH GIUSE GƯƠNG LAO ĐỘNG (Imprimatur). Quỳnh An – ST Phong Trần 

Khi đã cho chiên ra hết, anh [mục tử] ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. (Ga 10:4)-Cha Vương

Hôm nay ngày 30/04, mình xin bạn một việc hy sinh nho nhỏ để cầu nguyện cho những người đã bỏ mình trên đường tìm tự do và vì thời cuộc. Xin Chúa ban cho họ được nghỉ ngơi trong vòng tay yêu thương của Chúa Chiên Lành. Thành thật đa tạ!

Cha Vương 

Chúa Nhật: 30/04/2023

TIN MỪNG: Khi đã cho chiên ra hết, anh [mục tử] ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. (Ga 10:4)

SUY NIỆM: Bạn không cần đi đâu xa, ngay trong môi trường sống của bạn bây giờ đang có những tiếng ồn ào náo nhiệt làm bạn mệt mỏi nhức cả đầu. Đúng là cuộc đời vốn luôn ồn ào náo nhiệt trong mọi nơi mọi lúc nếu bạn không biết tự chọn cho mình một nơi thanh vắng để lắng nghe tiếng Chúa.

Điều đáng buồn cho con người trong thế giới hôm nay là dường như họ đang mất định hướng trong thế giới náo nhiệt. Họ rơi vào vòng xoáy của tiền tài, danh vọng nhưng rồi con người dường như không bao giờ hạnh phúc trong lợi thú khi họ vất vả tìm kiếm, và càng không có bình yên trong thế giới đầy bon chen tranh giành để sống.

Vậy làm sao con người có thể thoát ra được thế giới ồn ào náo nhiệt này? Giải pháp hữu hiệu nhất là bạn phải dành một ít thời gian để lắng lòng, để nhận biết tiếng gọi Đức Giêsu, vị Mục Tử Nhân Lành. Khi bạn có Chúa là trung tâm của cuộc đời mình, bạn có thể nhìn thấy Chúa trong mọi sự. Một khi bạn nhìn thấy Chúa trong mọi sự rồi thì những tiếng động sẽ không làm bạn nhức cả đầu nữa.  Mình mời bạn hãy tặng cho chính mình mỗi ngày một vài phút cô tịch để đọc Lời Chúa nhé. Đọc Lời Chúa để nghe và nhận ra tiếng thì thầm của Thiên Chúa đang ngỏ lời với bạn: “Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta cho chúng được sống đời đời; chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Ta” (Ga 10,27-30)

LẮNG NGHE: Nghe thế, họ đau đớn trong lòng và hỏi ông Phê-rô cùng các Tông Đồ khác: “Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì?” (Cv 2:37)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, con người đang Lạc lõng giữa muôn vàn âm thanh trong thế giới ôn ào,

THỰC HÀNH: Thực hiện liệu pháp “2 Không” để sống bình an và hạnh phúc

(1) Không để người khác cướp mất bình an của mình.

(2) Không để sự bình an của mình bị lệ thuộc vào cảm xúc, ồn ào, xôn xao, bàn tán, thì thầm của người khác.

From: Đỗ Dzũng

Lặng – Ca sĩ Hiền Thục

Ngày Chúa nhật quan trọng thế nào?-Cha Vương

Trời Houston hôm nay mưa giông, xin Chúa gìn giữ bạn hôm nay và mãi mãi nhé.

Cha Vương

Thứ 5: 27/04/3023

GIÁO LÝ: Ngày Chúa nhật quan trọng thế nào? Chúa nhật là tâm điểm của thời giờ Kitô giáo, vì trong ngày Chúa nhật, chúng ta cử hành sự Sống lại của Chúa Kitô và mỗi Chúa nhật là một lễ Phục sinh thu gọn. (YouCat, số 187)

SUY NIỆM: Nếu không tôn trọng Chúa nhật như ngày của Chúa, hay nếu loại bỏ Chúa nhật đi thì tuần lễ chỉ gồm toàn những ngày phải đi làm. Con người được tạo dựng để sống vui, sẽ trở nên như thân trâu ngựa và như một người điên rồ chỉ biết tiêu thụ. Chúng ta phải học cách sống trên trái đất này như sống ngày lễ, nếu không chúng ta sẽ chẳng biết làm gì ở trên trời. Vì ở trên trời là Chúa nhật đời đời.  (YouCat, số 187 t.t.)

❦ Chúa là niềm vui! Ở đâu có Chúa thì ở đó có niềm vui, có sự bình an và hạnh phúc.

❦ Chúa là Tình Yêu! Ở đâu có tình yêu thương thì ở đó có Chúa hiện diện. Nếu bỏ Thánh lễ Chúa nhật thì bạn đang tự tách mình ra khỏi tình thương của Đức Kitô. Bạn đang đánh mất niềm vui và hạnh phúc của cuộc đời mình!

LẮNG NGHE: Ngày thứ nhất trong tuần, chúng tôi họp nhau để bẻ bánh. Ông Phao-lô thảo luận với các anh em và vì hôm sau ông ra đi, nên ông đã kéo dài cuộc nói chuyện đến mãi nửa đêm. (Cv 20:7-8)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, niềm vui Phục Sinh là niềm vui của ngày Chúa Nhật, xin giúp con biết cố gắng hết sức dành ưu tiên cho ngày Chúa Nhật để hiệp cùng với linh mục dâng Thánh Lễ—của lễ vô giá với lòng yêu mến chứ không vì bắt buộc hoặc vì thói quen.

THỰC HÀNH: Chú tâm vào ý nghĩa của việc làm thì quan trọng hơn là chính việc làm. Mời bạn hãy chú tâm vào ý nghĩa và thái độ của bạn khi tham dự Thánh Lễ.

From: Đỗ Dzũng

GIÊSU TÌNH YÊU – CHẦU THÁNH THỂ – Lm Thái Nguyên

“Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. (Ga 6:26)

Ngày Thứ 2 đầu tuần tràn đầy sức sống của Chúa Phục Sinh nhé.

Cha Vương

Thứ 2: 24/04/2023

TIN MỪNG: Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. (Ga 6:26)

SUY NIỆM: Theo Mẹ Têrêsa Calcutta, người nghèo hôm nay cần cơm bánh, nhưng còn cần những thức ăn tinh thần khác nữa. Cái đói của thân xác không cồn cào bằng cái đói tinh thần. Con người đói công bằng và hạnh phúc, đói yêu thương và kính trọng. Con người khát niềm vui và bình an, cảm thông và sự thật. Trong nơi sâu thẳm, con người đói khát Ai đó để mình yêu mến tôn thờ. Đức Giêsu mời ta hãy tin vào Ngài là Đấng được Thiên Chúa sai đến. Mời bạn hãy năng đến với Giêsu để bắt đầu được nếm thử tấm bánh của Ngài, vì chính Ngài là Tình yêu, Sự thật và Bình an.

LẮNG NGHE: Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. (6:54-55)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Giêsu đang ngự thật trong Bí Tích Thánh Thể, xin giúp con siêng năng dự lễ và rước Thánh Thể, là lương thực bởi trời, để đủ sức vượt qua mọi chướng ngại, trên hành trình về tới quê thật.

THỰC HÀNH: Cố gắng tham dự Thánh Lễ thường xuyên hơn.

From: Đỗ Dzũng

Bánh trường sinh (ST: Lm Phạm Liên Hùng) – Ca đoàn Hương Nam.

Chúa Giê-su nói: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực?… Chính Thầy đây mà!” (Lc 24:38)

Xin Chúa mở tâm trí bạn để có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa Phục Sinh đang sống trong những người bạn gặp gỡ hôm nay.

Cha Vương

CN: 23/04/2023

TIN MỪNG: Chúa Giê-su nói: “Sao lại hoảng hốt ? Sao lòng anh em còn ngờ vực ?… Chính Thầy đây mà !” (Lc 24:38)

SUY NIỆM: Người chết sống lại là một biến cố thực sự gây hốt hoảng, khó tin. Khi Chúa hiện đến, các tông đồ đã kinh hồn bạt vía vì tưởng là ma. Chúa Giê-su đã trấn an các tông đồ và minh chứng cho việc phục sinh trước hết bằng các thương tích trên thân xác và ăn uống trước mặt các ông. Con người không phải là thiên thần và càng không là ma quỉ để làm cho người khác phải hốt hoảng ngờ vực về những việc khác thường. Nhiều khi con người lầm tưởng phải là siêu nhân mới có thể làm được những việc siêu nhiên.

Con Thiên Chúa đã hoàn tất chương trình cứu độ bằng chính cuộc sống như con người bình thường như bạn vậy. Thân phận con người yếu đuối của bạn đã được Con Thiên Chúa vực dậy bằng cách đóng đinh nó vào thánh giá và phục sinh nó trong địa vị người con của Thiên Chúa.

Vững tin vào tình yêu của Đấng Phục Sinh, bạn sẽ bước đi từng bước vững vàng. Do đó khi bạn sống cuộc đời thường nhưng sống thật hoàn hảo theo tinh thần Tin Mừng, trong niềm tin vào Đức Ki-tô phục sinh, tức là bạn đã bước vào lãnh vực siêu nhiên, đã có thể cùng Chúa Giê-su mang ơn cứu độ đến cho thế giới.

LẮNG NGHE: Con người sống theo tính tự nhiên thì không đón nhận những gì của Thần Khí Thiên Chúa, vì cho đó là sự điên rồ; họ không thể biết được, bởi vì phải nhờ Thần Khí mới có thể xét đoán. (1 Cr 2:14)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, Chúa đã phục sinh để dạy con sống thật tốt cuộc sống Chúa đã trao ban hôm nay. Xin giúp con chu toàn cùng với Ơn Thánh Chúa ban.

THỰC HÀNH: Tình nguyện làm việc người khác không muốn làm.

From: Đỗ Dzũng

TRÊN ĐƯỜNG EM-MAU – sáng tác: Lm Thành Tâm – tiếng hát: Ý Hiền-Phạm Phương

Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. (Ga 15:5)

Ước mong tâm hồn bạn được tràn đầy tình yêu của Thiên Chúa hôm nay và mãi mãi.

Cha Vương

Thứ 5: 20/04/2023

TIN MỪNG: Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. (Ga 15:5)

SUY NIỆM: Trong đoạn Tin Mừng theo Thánh Gioan 15:1-17 về hình ảnh cây nho thật có lập đi lập lại hai chữ “Ở LẠI” tới 11 lần. Đây là điều gây sự chú ý đến cho người đọc và nghe. Vậy Chúa muốn nói với bạn điều gì khi Ngài lập đi lập lại 2 chữ “Ở LẠI”? Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy. (1 Ga 4:16) Đời sống Kitô hữu chính là ở lại trong Chúa Giêsu. “Các con hãy ở lại trong Thầy”. Đừng tách rời khỏi Thầy…

Chúa dùng hình ảnh cây nho là để nói nên sự sống còn của sự gắn bó này: Thầy là cây nho các con là ngành.. Ngành nào tách rời khỏi thân cây nho thì rốt cuộc sẽ chết, không sinh hoa trái. Một trong những đặc tính của tình yêu Thiên Chúa là sự phổ quát, bao trùm, không loại trừ ai (inclusive). Loại tình yêu này trổi vượt trên hết các loại tình yêu khác tức là đón nhận những khác biệt của nhau như màu da, cao thấp, hình dạng, tính cách, sở thích, văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo…

Nếu bạn tập yêu như Chúa yêu thì những cuộc gặp gỡ và sự liên hệ của bạn sẽ không bị lệ thuộc hoặc bị giới hạn bởi những khác biệt và chia rẽ. Bạn cảm thấy trong tâm hồn sẽ nảy sinh ra sự thương cảm, phong phú, gần gũi… ngay cả giữa những bất đồng và dè dặt. Đây là hoa quả của tình yêu trong Chúa đó. Uớc mong bạn hãy tìm gặp Chúa và ở lại trong Ngài mãi mãi, đừng có “gặp nhưng không ở lại…” nhé.

LẮNG NGHE: Đây là giới răn của Thầy:”Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con. (Ga 15:12).

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, Chúa là Đấng yêu thương, là nguồn mạch sự sống, xin cho con luôn biết ở lại trong Chúa để trở nên chứng nhân tình yêu của Thiên Chúa trong môi trường con đang sống hôm nay.

THỰC HÀNH: Dù họ có là ai đi nữa, họ vẫn là con của Chúa mà. Mời bạn hãy xin ơn Chúa để tập vượt qua những bất đồng và dè dặt về màu da, tính cách, tôn giáo…

From: Đỗ Dzũng

Ở Lại với Con – Hiền Thục 

Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. (Ga 3:16)

Một ngày tràn đầy Tình Yêu của Thiên Chúa nhé.

Cha Vương

 TIN MỪNG: Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. (Ga 3:16)

Thứ 4: 19/04/2023

SUY NIỆM: Đoạn Tin Mừng trong Tân Ước hôm nay được rất nhiều người biết đến, Chúa Giê-su giải thích cho ông Ni-cô-đê-mô, một thủ lãnh của người Do-thái trong nhóm Pha-ri-sêu về việc Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Nhờ tin vào Chúa Giêsu qua Bí Tích Rửa Tội, bạn trở thành tạo vật mới và là con cưng của Chúa.

Mỗi ngày bạn được mời gọi hãy cố gắng sống và thực hành lời Chúa dạy, gần gũi với Chúa hơn để mang ánh sáng và tình yêu của Ngài đến cho những người chung quanh. Vậy hành động và lời nói của bạn có phản ảnh tình yêu của Chúa để cho mọi người nhận biết rằng bạn là người Ki-tô hữu không?

Sống đúng với ơn gọi làm con Chúa đòi hỏi một sự hy sinh và đặt người khác lên trên tư lợi riêng của chính mình, dấn thân chia sẻ tình yêu của Chúa cho người khác.

Mỗi ngày là một cơ hội để sống trong ánh sáng của Chúa. Chúa không ép buộc ai cả nhưng để bạn tự do lựa chọn. Bạn đừng bỏ lỡ cơ hội đốt lên ngọn lửa yêu thương trong đêm tối hôm nay. Đừng ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối nhé.

LẮNG NGHE: Chính anh em là ánh sáng cho trần gian… ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời. (Mt 5:14a,16)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa là mẫu mực tình yêu cho người Ki-tô hữu, xin biến con trở thành một nhân chứng sống động cho “tình yêu tự hiến” trong môi trường sống và làm việc của con hôm nay.

 THỰC HÀNH: Tìm gặp Chúa nơi tha nhân.

From: Đỗ Dzũng

CHÚA LÀ ÁNH SÁNG ĐỜI CON – st. & trình bày: Tina Ngọc Nữ

Thánh St. Pedro de San José Betancur (1626-1667)

Hôm nay Giáo Hội mừng kính thánh St. Pedro de San José Betancur (1626-1667), ngoài lịch. Mời bạn hãy noi gương ngài để nên thánh mỗi ngày trong ơn gọi của bạn nhé.

Cha Vương

Thứ 3: 18/04/2023

Pedro sinh trong một gia đình nghèo ở Tenerife thuộc quần đảo Canary. Ngay từ nhỏ, ngài rất muốn trở thành một linh mục, nhưng Thiên Chúa đã có hoạch định khác cho ngài.

Pedro làm nghề chăn cừu cho đến khi 24 tuổi, ngài thực hiện cuộc du hành sang Guatemala, hy vọng sẽ tìm được một người bà con đang làm việc cho chính phủ ở đây. Nhưng mới đến Havana, ngài đã cạn hết tiền. Sau khi phải làm việc để kiếm thêm tài chánh, mãi một năm sau ngài mới đến thủ đô Guatemala. Ðến nơi, ngài quá túng thiếu đến độ phải sống nhờ vào nhà phát chẩn của dòng Phanxicô.

Sau đó không lâu, Pedro ghi tên theo học trường Dòng Tên với hy vọng sẽ trở thành một linh mục. Nhưng dù cố gắng đến đâu đi nữa, ngài vẫn không thể tinh thông các môn học; do đó ngài phải bỏ dở. Năm 1655 ngài gia nhập Dòng Phanxicô Thế Tục. Ba năm sau ngài mở một chẩn y viện cho người nghèo; một trung tâm cho người vô gia cư và sau đó ít lâu, ngài mở một trường học cho các trẻ em nghèo. Cũng không quên đến người giầu có ở thủ đô Guatemala, ngài đi vào khu phố của họ, vừa rung chuông vừa mời gọi họ ăn năn sám hối.

Dần dà nhiều người khác đến chia sẻ công việc của Pedro. Không bao lâu, họ thành lập Tu Hội Bêlem mà tu hội này đã được Tòa Thánh chính thức công nhận sau khi Pedro từ trần.

Ngài thường được coi là đã khởi xướng hoạt cảnh Ðêm Giáng Sinh, trong đó Ðức Maria và Thánh Giuse đi từng nhà để tìm chỗ trọ [Christmas Eve posadas]. Truyền thống này lan ra tới Mễ Tây Cơ và các quốc gia Trung Mỹ cho đến ngày nay.

Ngài được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước năm 1980 và hai mươi hai năm sau chính Ngài lại nâng Chân Phước Pedro de San Jose Betancur lên bậc hiển thánh ngày 30 tháng 7 năm 2002 và trở thành vị thánh đầu tiên của Nam Mỹ trong một thánh lễ được tổ chức long trọng tại thành phố Guatemala với hơn 500,000 người tham dự.

LỜI TRÍCH: Ðề cập đến Pedro và bốn vị khác cùng được phong chân phước với ngài, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: “Thiên Chúa rộng rãi ban phát cho họ sự nhân hậu và lòng thương xót của Ngài cũng như phong phú họ với ơn sủng của Ngài; Thiên Chúa yêu thương họ với tình yêu của một người cha, nhưng rất đòi hỏi, mà sự hứa hẹn chỉ là những khổ nhọc và đau thương. Thiên Chúa mời gọi họ sống cuộc đời thánh thiện cách anh hùng; Ngài lôi họ ra khỏi quê hương và gửi họ đến các phần đất xa lạ để loan truyền phúc âm, giữa những khó khăn và cực nhọc không thể diễn tả được” (L’Observatore Romano). (Nguồn: Người Tín Hữu online)

Xin Thánh St. Pedro de San José Betancur cầu bầu cho chúng con.

Sống Một Đời Cho Chúa

Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót-Cha Vương

 Chúc bạn và gia quyến cuối tuần tràn đầy Lòng Chúa Xót Thương nhé.

Cha Vương

 Thứ 7 Bát Nhật Phục Sinh: 15/04/2023

TIN MỪNG: Bấy giờ, bà Ma-ri-a nói: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, / thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. / Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. / Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn! / Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. (Lc 1:46-50)

SUY NIỆM: Để chuẩn bị cho Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót, mời bạn hướng về Thân Mẫu của Lòng Thương Xót để tái khám phá ra mầu nhiệm Thiên Chúa Làm Người. Toàn bộ cuộc sống của Mẹ đều được khắc ghi bởi sự hiện diện của Lòng Thương Xót trở nên xác phàm. Thân Mẫu của Đấng Chịu Đóng Đinh và cũng là Thân Mẫu của Đấng Phục Sinh đã bước vào trong thánh địa Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, vì Mẹ có sự tham dự thật sâu xa vào với mầu nhiệm Tình Yêu của Thiên Chúa. Vì là Mẹ của Lòng Thương Xót, nên suốt cuộc đời Mẹ luôn là máng thông ơn Thiên Chúa xuống cho nhân loại. Xin Mẹ ghé mắt xót thương nhìn đến thân phận mỏng dòn của con người và làm cho ta xứng đáng chiêm ngưỡng khuôn mặt của lòng thương xót, là Chúa Giêsu Con Mẹ.

LẮNG NGHE: Trong Đức Ki-tô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giê-su Ki-tô, (Ep 1:4-5)

CẦU NGUYỆN: Lạy Mẹ, Mẹ là máng thông ơn Thiên Chúa xuống cho nhân loại, xin giúp từ bỏ tội lỗi để đi vào sự thẳm sâu của Lòng Chúa Xót Thương hầu được sống hạnh phúc muôn đời với Chúa.

THỰC HÀNH: Mời bạn đọc một Chuỗi Hạt Lòng Thương Xót Chúa.

Maria, Mẹ lòng thương xót -St: Lm Vũ Đức Hiệp – Tb: Mộng Thường

 From: Đỗ Dzũng

Thế giới đã có biến đổi gì nhờ việc Chúa Giêsu sống lại?-Cha Vương

Tạ ơn Chúa đã ban cho bạn một ngày mới, chúc bạn được tràn đầy hy vọng vào Chúa Phục Sinh nhé.

Cha Vương

Thứ 6: 14/04/2023

GIÁO :  Thế giới đã có biến đổi gì nhờ việc Chúa Giêsu sống lại? Vì cái chết từ nay không còn là “chấm dứt” mọi sự nữa, nên niềm vui và hi vọng đã đến với thế giới. Cái chết không còn cai trị trên Chúa Giêsu (Rm 6,9). Chết cũng không còn quyền trên chúng ta, là những người thuộc về Chúa Giêsu nữa. (YouCat, số 108)

SUY NIỆM: Ám ảnh bởi cái chết luôn rình rập ở bên, người ta đã cố gắng tìm hiểu về cái chết nhưng đều đi đến chỗ bế tắc, không giải quyết được vì, thực ra, sự sống hay cái chết là một huyền nhiệm. Vì vậy người ta mới có nhiều cách khác nhau để diễn tả đến cái chết: sợ chết, trốn chết, quên chết, hoặc đón nhận cái chết. Mỗi người có một quan niệm về sự chết. Nhưng riêng với người Kitô giáo, họ tin rằng chết là ngưỡng cửa đi vào cuộc đời hay chết là con đường đưa tới sự sống. Nói cách khác, chết không phải là hết, là mất mát, là đi vào ngõ cụt, đi vào cõi hư vô mà chết là một sự chuyển đổi như trong kinh Tiền tụng lễ An táng có viết :”Đối với chúng ta là những Kitô hữu, sự sống thay đổi chứ không mất đi, và khi nơi trú ngụ dưới trần bị tiêu hủy, chúng con sẽ về hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên quê trời”.

❦ Người nào đã nhận được sứ điệp Phục Sinh không thể nào còn bước đi với bộ mặt bi thảm và sống cuộc sống không có niềm vui của một người không có hy vọng. (Friedrich Schiller, 1759–1805, văn sĩ và kịch gia Đức) (YouCat, số 108 t.t)

LẮNG NGHE: Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời. (Ga 6:47)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, cuộc sống là một hành trình đi về quê trời. Hành trình ấy chấm dứt sớm hay muộn không ai biết, chỉ biết chắc một điều là có ngày chấm dứt, ngày đó là giờ chết. Xin giúp con biết chuẩn bị cho chính mình một hành trang qua việc dấn thân làm việc lành phúc đức để được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên quê trời.

THỰC HÀNH: Giả sử như hôm nay là ngày cuối của bạn, hành trang đem theo với bạn là những gì?

Sự sống thay đổi mà không mất đi

From: Đỗ Dzũng

 Sau khi sống lại Chúa Giêsu có mang cùng một thân xác như trước khi Người qua đời không?  

 Nguyện xin bình an của Chúa Phục Sinh ở cùng bạn và gia đình luôn mãi nhé.

Cha Vương

Thứ 5: 13/04/2023

GIÁO LÝ: Sau khi sống lại Chúa Giêsu có mang cùng một thân xác như trước khi Người qua đời không? Chúa Giêsu đã cho các môn đệ đụng chạm đến xác Người, Người ăn uống với họ, cho họ thấy vết đâm nơi cạnh sườn Người. Nhưng thân xác Người không còn hoàn toàn thuộc về trần gian, mà thuộc về Thiên đàng nơi Chúa Cha đang ngự trị. (YouCat, số 107)

SUY NIỆM: Đức Kitô sống lại còn mang theo các vết thương khi chịu đóng đinh thập giá, nhưng không còn ở trong không gian hay thời gian nữa. Người có thể vào trong một phòng đã đóng kín cửa, và có thể hiện ra với các môn đệ ở nhiều nơi khác nhau với vẻ bề ngoài mà các ông không thể nhận ra ngay lập tức được. Chúa sống lại không phải là lại sống như đời sống thường trước kia, nhưng đã đổi sang một đời sống khác: Chúa Kitô một khi đã sống lại từ cõi chết thì không còn chết nữa, sự chết không còn quyền gì đối với Người nữa (Rm 6,9). (YouCat, số 107 t.t.)

❦ Chúa Giêsu hiện ra với bà Maria Magdala mà bà đã không nhận ra ngay được liền. Chúa Giêsu nói: “Maria”. Bà quay lại và nói với Chúa: “Rabbouni” có nghĩa là “Lạy Thầy”. Ga 20,16

LẮNG NGHE: Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế. (Mt 28:20b)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, ma quỷ đang tìm cách gieo vào cuộc sống hiện đại hôm nay những nghi ngờ và bất đồng làm con sợ hãi hoang mang, xin biến con trở nên khí cụ của bình an, xua tan sợ hãi, lan toả yêu thương và chiếu sáng niềm hy vọng trong cuộc đời.

THỰC HÀNH: Đọc chậm và suy niệm Kinh Kính Mến.

https://www.youtube.com/watch?v=hWisUl5ZUOQ

Giêsu ơi, ở cùng con luôn mãi

From: Đỗ Dzũng