98,87%

98,87%

                                                         trích: Ephata 515

                                                                              Lm. VĨNH SANG, DCCT

Ngày thứ ba 19.6.2012, Bộ Giáo Dục – Đào Tạo đã công bố tỷ lệ tốt nghiệp Trung Học Phổ Thông của cả nước là 98,87%, một con số gây ngỡ ngàng cho tất cả mọi người, những người còn lương tri. Ngỡ ngàng rồi chua xót !

Báo Tuổi Trẻ số ra ngày thứ tư ngay sau đó đã đăng trên trang nhất một tấm hình đầy tính mỉa mai, một tấm hình được lắp ghép bởi ba hình ảnh: cảnh quay cóp nhau ở Đồi Ngô, tỉnh Bắc Giang, biểu đồ tỷ lệ tốt nghiệp những năm gần đây và cảnh thí sinh đi xem kết quả thi tốt nghiệp. Biểu đồ tỷ lệ tốt nghiệp cho thấy, năm 2006: 92%, năm 2007 66,72% ( năm này ông bộ trưởng tuyên bố hai không trong giáo dục: không gian lận, không thành tích ), năm 2008: 75,96%, năm 2009: 83,80%, năm 2010: 92,57%, năm 2011: 95,72%, năm 2012: 98,87%. Con số 98,87% ngay bên cạnh hình ảnh quay cóp !

 

Con số tỷ lệ 98,87% tốt nghiệp sau một kỳ thi quốc gia đã là một tiếng chuông thông báo về sự phá sản tan tành về giáo dục, con số này là chữ ký cuối cùng trong hồ sơ bệnh án của một thân thể thoi thóp rồi mất sức sống, là giấy chứng tử của nhân viên hộ tịch kết luận về một sự sống không còn.

Trong một cơ chế xã hội, giáo dục đào tạo là yếu tố quan trọng nhất, nó quyết định tương lai của một dân tộc, là sự sống còn của dân tộc đó. Người Nhật trên đống đổ nát sau thế chiến thứ hai, họ đã xây dựng trở thành một quốc gia hùng mạnh bắt đầu từ sự chú trọng vào giáo dục. Ở các quốc gia tiên tiến khác trên thế giới, người ta thành công trên nhiều phương diện chính vì đã sở hữu một nền giáo dục hoàn chỉnh. Con người là chính, con người làm ra của cải, phát triển kiến thức và xây dựng xã hội, vì thế nếu không chú ý đến con người, không giáo dục con người cho xứng đáng thì con người không thể cất đầu đi lên được.

Báo Tuổi trẻ số ra ngày thứ bảy 23.6.2012, loan tin nơi trang 13, bài “Thêm trẻ sơ sinh tử vong khi sinh mổ”. Bài báo cho biết: “Đây là ca tử vong trẻ sơ sinh thứ 20 tại khoa sản Bệnh Viện Đa Khoa Quảng Ngãi kể từ đầu năm đến nay”. Chắc chắn đây là sản phẩm của những con người mang bằng tốt nghiệp phổ thông tỷ lệ cỡ 98,87% ! Đây chỉ là một trong vô vàn những sản phẩm khác mang nhãn hiệu 98,87%.

Trong một loạt các bài báo tham gia nhận định về con số này, người ta đọc thấy những câu chuyện của một số trường thông báo với thí sinh rằng hãy đi mà “xem kết quả ở bảng không tốt nghiệp” ! Hoặc táo tợn hơn có trường thông báo “không cần xem vì tỷ lệ tốt nghiệp 100%” ! Ngay Bộ Giáo Dục – Đào Tạo dám công bố tỷ lệ này thì cũng đã là một hành vi táo tợn và không còn… liêm sỉ ! Chúng ta sẽ không lấy làm lạ vì con số 98,87% khi có những “người thầy” như vậy. “Chuyện bây giờ mới kể” nhưng đã triền miên diễn ra từ rất nhiều năm.

Năm 1999, hai mươi bốn năm sau cuộc biến động 1975, tôi có dịp đi nước ngoài, ngày đầu tiên khi được đón về nhà, anh em bạn bè thăm viếng chào hỏi, khi trời buông màn tối, tôi giật mình nhắc chủ nhà dẫn tôi ra đăng ký tạm trú, mọi người lăn ra cười vì trên đất nước họ sinh sống làm gì có chuyện phải đăng ký tạm trú tạm vắng ! Một khi anh được chấp nhận vào quốc gia họ, anh có quyền đi đến bất cứ nơi nào người ta không cấm mà không phải trình báo với ai cả.

Tôi sống trong miền Nam suốt hai mươi hai năm không hề có việc đăng ký tạm trú tạm vắng, thế mà chỉ hai mươi bốn năm sau cái năm 75 ấy, nỗi sợ hãi phải đi đăng ký tạm trú tạm vắng ăn sâu vào máu huyết đến nỗi trở thành một thứ phản xạ tự nhiên. Tương tự như vậy, tôi muốn nói, những con người xuất thân từ “98,87%” nêu trên, không ít thì nhiều, dù hoàn toàn không hề muốn đi nữa, đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi “con số” quái dị này.

Chúng ta còn phải chấp nhận thực tế bi đát khác, ấy là một số những người trẻ đi ra từ “con số 98,87%” đã, đang và sẽ là ứng sinh cho các Đại Chủng Viện và các Dòng Tu, chắc chắn trong một ngày không xa họ sẽ trở nên các “nhà lãnh đạo tinh thần”.

Chúa có cách làm của Chúa để dẫn dắt Dân của Người, chẳng nên dại dột muốn làm thay Chúa, chúng ta cần phải tin vào Chúa Thánh Thần và tin vào khả năng thay đổi của con người. Nhưng Chúa lại ban cho chúng ta khối óc, đôi bàn tay và con tim để làm dụng cụ của Chúa, trách nhiệm của chúng ta là phải làm những gì đây, trên những sản phẩm từ “con số 98,87%” này ?

Đặt câu hỏi về “sản phẩm 98,87%” nhưng cũng là đặt câu hỏi cho những người “làm thầy” của sản phẩm đó trong Giáo Hội.

Lm. VĨNH SANG, DCCT, 24.6.2012,
Lễ sinh nhật bậc làm thầy, Gioan Baotixita

Quan Lớn Viết Trật

Quan Lớn Viết Trật

(05/31/2012)    nguồn: trích Vietbao.com 

 Bạn thân,

Chuyện chỉ xảy ra tại Việt Nam: Quan lớn trong ngành giáo dục soạn thảo sách giáo khoa cho trẻ em bậc tiểu học, nhưng lại viết đầy các lỗi chính tả sơ đẳng.

Vấn đề là, quan lớn này từng dạy ở Đại học Sư phạm Hà Nội, rồi vào Bộ Giáo Dục Đào Tạo, rồi giữ chức Vụ Phó Vụ Giáo Dục Tiểu Học. Nghĩa là, ít nhất, quan lớn này phải có bằng Thạc Sĩ.

Vấn đề còn là, lỗi chính tả quá sơ đẳng: thí dụ, bạn hãy hình dung xem có ai viết “giỗ Tổ Hùng Vương” thành ra “dỗ Tổ Hùng Vương” hay không? Hay có ai viết “cây nêu ngày Tết” thành ra “cây lêu ngày Tết” hay không?

Vậy mà cuốn sách giáo khoa này có giấy phép ở Đà Nẵng, và in tại Hà Nội…

Hóa ra, văn bằng Thạc Sĩ Hà Nội (nếu quan lớn này có, hay tệ nhất cũng là Cử Nhân) không bằng một em học trò trung học Sài Gòn (như thời chúng mình học xa xưa). Nghĩa là, văn bằng dỏm bậc Đại học Hà Nội.

Báo Người Lao Động nói là sách này bị thu hồi rồi. Bản tin hôm Thứ Ba 29/5/2012 viết:

“Thu hồi Vở luyện tập Tiếng Việt sai chính tả

Ngày 29-5, Nhà xuất bản Đà Nẵng cho biết đang tiến hành kiểm tra, xác minh các nguyên nhân gây lỗi sai chính tả không đáng có trong cuốn “Vở luyện tập Tiếng Việt 1” (tập 1) của tác giả Đặng Thị Lanh, được NXB Đà Nẵng cấp giấy phép và in tại Công ty in Tổng hợp Cầu Giấy (Hà Nội).

Cuốn vở có các lỗi sai như viết “cây nêu” thành “cây lêu”, “giỗ” thành “dỗ”…

Được biết, tác giả Đặng Thị Lanh từng giảng dạy ở Đại học Sư phạm Hà Nội, sau đó sang công tác tại Bộ GD-ĐT, trước khi nghỉ hưu từng giữ chức Vụ phó Vụ Giáo dục Tiểu học.

Theo lãnh đạo Nhà xuất bản Đà Nẵng, lỗi có thể từ bản thảo, khâu thẩm định, kiểm tra của biên tập viên hoặc lỗi do in ấn. Do sách đã in sai thì không thể đính chính nên Nhà xuất bản phải thu hồi.

Trước mắt, Nhà xuất bản Đà Nẵng đã quyết định thu hồi toàn bộ số tập vở trên và liên hệ với biên tập viên, tác giả cuốn sách để tìm hiểu nguyên nhân.”

Chúng ta nêu ra như thế, không có nghĩa chê văn bằng Hà Nội, vì từ nơi đó đã xuất thân ra những học giả tuyệt vời, nhưng là muốn cho thấy hệ thống cơ cấu cán bộ tại VN có “lỗi hệ thống.” Học như thế, viết chừng vài trang giấy là lộ ra trình độ rồi.

Vậy mà lại chui sâu, trèo cao… lên tới Vụ Phó. Nước mình là thế.

Nữ Sinh Thác Loạn…

Nữ Sinh Thác Loạn…             Trích Việt Báo    Vietbao.com

 Bạn thân,

Cái thời nữ sinh e ấp bây giờ không còn bao nhiêu nữa. Chuyện đau lòng là, tình hình nữ sinh mất đạo đức ngày một tăng.

Báo Lao Động, ghi theo VnMedia, gọi đó là “Nữ sinh thường xuyên thác loạn vì lệch lạc,” trong đó ghi nhận tình hình nữ sinh quan hệ tình dục quá bừa bãi đang là tâm điểm của dư luận và gây không ít bàng hoàng với các bậc phụ huynh.

Bản tin nói, “Ngay cả trong lớp học những “trò chơi” tình cảm được các em công khai không hề ngại ngùng.”

Thê thảm tới mức, theo báo Lao Động:

“Chuyện nữ sinh mới chỉ học lớp 8, lớp 9 sinh con đã không còn là chuyện hiếm ở Việt Nam mà mấy ngày gần đây, dư luận đang rất bất bình trước việc nhiều em học sinh có thai đã gần sinh nhưng lại không hề hay biết. Có em còn tưởng mình bị đau ruột thừa như trường hợp nữ sinh T ở Nghệ An hay như việc nữ sinh V ở Đồng Tháp sinh con trong toilet của nhà trường.

Tất cả những trường hợp trên đều cho thấy, những em nữ sinh vẫn chưa hiểu biết nhiều về quan hệ tình dục mà chỉ xuất phát từ nhu cầu muốn khám phá bản thân và để chứng tỏ ta đây là người chơi ngông, không thua kém bạn bè cùng trang lứa.

Ngoài việc nữ sinh chưa hiểu hết về vấn đề tình dục nên để có thai ngoài ý muốn gây phẫn nộ trong dư luận, còn rất nhiều nữ sinh khác phải chịu cảnh mất đi sự trong trắng của người còn gái khi bạn tình phủ bỏ tránh nhiệm…

Còn đứng ở góc độ về y tế, bác sĩ Trần Danh Cường, Bệnh viện Phụ sản T.Ư cho biết về hậu quả của việc nạo phá thai ở lứa tuổi vị thành niên. Theo bác sĩ Cường, tại Việt Nam chưa có nghiên cứu về tỉ lệ biến chứng sau nạo phá thai.”

Đó là chuyện sex. Còn chuyện nữ sinh đánh nhau nữa. Mà lại nữ sinh đánh nhau tập thể, ngay tại quê hương cụ Nguyễn Du.

Báo Giáo Dục VN nói ngay trên nhan đề, “Choáng với clip nữ sinh Hà Tĩnh đánh nhau tập thể” về chuyện xảy ra cuối năm 2011:

“Trong mấy ngày qua cư dân mạng lại lên cơn sốt với clip một nhóm nữ sinh khoảng 20 người đang đánh nhau tập thể.

Đoạn video trên được phát tán trên các trang mạng intenet đã thu hút hàng ngàn người xem mỗi ngày. Trong đoạn video có khoảng 20 nữ sinh mặc đồng phục và có vài nữ sinh mặc thường phục lao vào ẩu đả nhau bằng tay và chân.

Đoạn sau video còn là một cảnh hai nữ sinh một mặc đồng phục một mặc thường phục lao vào đánh tay đôi trong sự cổ vũ nhiệt tình của các nữ sinh bên ngoài. Hai nữ sinh này lao vào đánh nhau như những đô vật cấu véo, lôi tóc và đạp nhau ngay trên nền sân gạch đầy nước mưa….”

Tại sao như thế? Vì sao nữ sinh sex táo bạo như thế, vì sao bạo lực với nhau tàn khốc như thế?

Nhà thơ Nguyễn Du mà biết con cháu mình dùng bạo lực với nhau khốc liệt như thế tất sẽ than trời: Phồn hoa nhân vật loạn lai phi… (Dịch: Sau thời loạn lạc, nhân vật nơi chốn phồn hoa đã khác xưa rồi…)

Phải than là đúng vậy.

Hiểm Họa Nhiễm Độc Bởi Nước Sơn Móng Tay Chân

Hiểm Họa Nhiễm Độc Bởi Nước Sơn Móng Tay Chân

(05/06/2012)  Trích ViệtBao  vietbao.com

SAIGON (VB) — Cơ quan Kiểm soát chất độc hại (DTSC) của Mỹ vừa cảnh báo là đã tìm thấy 3 hóa chất toluene, dibutyl phthalate và formaldehyde có nguy cơ gây sẩy thai, tổn hại đến sức khỏe con người trong một số loại sản phẩm sơn móng lưu thông trên thị trường nước này, như: Sation 99 basecoat, Sation 53 red-pink nail color, Dare to Wear nail lacquer, Chelsea 650 Baby’s Breath Nail Lacquer, New York Summer Nail Colorv.v… Rất có thể các sản phẩm này đã lưu hành từ lâu ở Việt Nam, lẫn lộn với những loại sơn không nhãn hiệu, nhập lậu từ các nước Á châu và bày bán tràn lan ở các chợ.

Theo một bài điều tra của báo TN, chỉ riêng vùng Sài Gòn, rất dễ tìm thấy các loại sơn móng vô danh nói trên tại các chợ Bình Tây, An Đông, Tân Định, Thái Bình, v.v…  Tại chợ Thái Bình (quận 1), hàng trăm loại mỹ phẩm, nước hoa, dầu gội, lăn khử mùi, son môi, phấn, sơn móng tay chân… chất đống trong các khay, rổ nhựa đặt dưới đất. Nhờ giá rẻ, nhiều chủng loại, màu mè xanh đỏ bắt mắt nên được khá nhiều phụ nữ chọn mua. Các loại sơn móng này rất đa dạng, như loại hàng được người bán cho biết là đồ Trung Quốc, Hàn Quốc… đổ đống ngổn ngang, cũng bày đặt dán tem nhãn nhưng tem hết sức lem luốc, không thể đọc ra xuất xứ, thành phần hóa chất… Ngay các sạp có tủ kiếng đàng hoàng cũng bán đủ loại sơn móng, xuất xứ mơ hồ.

Nước sơn móng không nhãn hiệu đổ đống trong rổ nhựa, bày bán lẫn lộn với các thứ khẩu trang, găng tay và đồ dùng phụ nữ khác…(Photo VB)

Ngoài ra, các “tiệm” làm móng dã chiến ở các chợ và những chị thợ làm móng dạo ở các khu phố, đường hẻm… cũng sử dụng không gì khác hơn là các loại sơn móng đáng nghi ngại nói trên. Khách thì chỉ chọn màu nước sơn, không quan tâm lắm đến chất lượng hay nguy cơ độc hại từ loại sơn mình chọn. Thực tế, cả thợ lẫn khách, hầu hết đều không biết chút gì về lai lịch của các sản phẩm làm đẹp này.