Cá chết hàng loạt – Phải giải quyết từ đâu?

Cá chết hàng loạt – Phải giải quyết từ đâu?

Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ
2016-04-26

RFA

Một người dân đi dọc bờ biển với cá chết dạt lên bờ biển huyện Quảng Trạch, Quảng Bình hôm 20/4/2016.

AFP photo

Your browser does not support the audio element.

Tình trạng cá chết hằng loạt tấp vào bờ bốn tỉnh miền trung Việt Nam từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế bắt đầu từ hôm 6 tháng tư vừa qua ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân trong khi cơ quan chức năng đang truy tìm nguyên nhân.

Quan ngại của người dân

Truyền thông Việt Nam cũng như quốc tế trong những ngày qua cập nhật thông tin về tình hình đủ loại hải sản, chủ yếu là cá chết hằng loạt và tấp vào bờ bốn tỉnh miền trung Việt Nam khởi đi từ Hà Tĩnh, sang Quảng Bình đến Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế.

Một nhà báo không muốn nêu tên tại Quảng Trị cho biết thực tế tại địa phương tỉnh này và nhận định về tình hình mà người này cho là nghiêm trọng:

“Ôi Quảng Trị cá chết kinh lắm, chết thối cả bãi biển, chết la liệt. Nói chung bây giờ là úp thuyền luôn, không ai dám ăn cá hết. Bây giờ ngư dân cũng sợ mà người tiêu dùng cũng sợ.

Chưa thấy có động thái gì cả chỉ có chính quyền cảnh báo người dân không được ăn cá, không được buôn bán các loại hải sản. Thực ra người dân cũng rất hoang mang, nhất là người dân dọc các bờ biển người ta lo ngại lắm. Cuộc sống của họ là nhờ vào những con thuyền đánh bắt gần bờ mà; nhưng nay cá về không ai mua, ngay cả các chợ rất ế ẩm.

Rất nguy hiểm, nói chung tình hình rất bi đát, bà con rất lo ngại; thực ra chính quyền cũng ‘bó tay’, chẳng biết giải quyết gì cả! Chính quyền thụ động và Bộ Tài nguyên-Môi trường chưa có kết luận nên chính quyền chưa có động thái nào cả.”

Trong khi ngư dân rất lo lắng như thế nhưng lại có người ăn cá chết bị ngộ độc khiến cho dân chúng càng thêm hoang mang. Một phụ nữ ở Quảng Bình vào sáng ngày 25 tháng 4 cho biết như sau về tình hình liên quan:

“Nói chung họ tuyên truyền người dân đừng ăn cá, cấm người dân không được ăn cá biển để an toàn.

Ôi Quảng Trị cá chết kinh lắm, chết thối cả bãi biển, chết la liệt. Nói chung bây giờ là úp thuyền luôn, không ai dám ăn cá hết. Bây giờ ngư dân cũng sợ mà người tiêu dùng cũng sợ.
– Một nhà báo ở Quảng Trị

Trên đài tuyên truyền không ăn cá biển, cá chết. (Tuy nhiên) họ vẫn buôn bán cá chết. Đa số không dám ăn, đến 80-90% không dám ăn cá đâu. Nghe truyền hình hay lên ‘facebook’ thì thấy nói ăn cá chết bị ngộ độc.

Khi không ăn cá thì ảnh hưởng đến người đi đánh cá, họ ‘vất vả’ lắm. Trước mắt người dân phải chịu cực cái đã, chưa có chế độ gì.

Từ xưa giờ thì ăn cá là an toàn nhất, bây giờ ăn cá cũng sợ, heo cũng sợ, chẳng biết ăn gì. Nên trong vườn tôi phải trồng rau để mà ăn chứ có dám ăn đồ ngoài chợ nhiều đâu.”

Cơ quan chức năng lúng túng

Hãng thông tấn AFP vào ngày 21 tháng 4 loan tin cơ quan chức năng Việt Nam đang cho điều tra nguyên nhân tình trạng hằng tấn cá chết tấp vào bờ, trong đó có những loài hải sản sống xa bờ. Đây là tình trạng chưa xảy ra bao giờ như thừa nhận của một viên chức thủy sản nói với hãng thông tấn AFP.

Ông Hoàng Dương Tùng, phó Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Môi trường, Bộ Tài Nguyên – Môi trường thừa nhận vấn đề rất nghiêm trọng và ông nói đoàn kiểm tra của bộ này đang khi khảo sát ở 4 tỉnh để đánh giá mức độ và phạm vi ảnh hưởng.

Sau khi xảy ra tình trạng hải sản, cá mú chết hằng loạt tấp vào bờ như vừa nêu, một số người dân tự sắm trang thiết bị và lặn xuống vùng biển khu vực Vũng Áng; họ phát hiện cống xả chất thải trực tiếp ra biển nên trình báo với cơ quan chức năng.

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình vào ngày 22 tháng tư giao cho Bộ Tài Nguyên – Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan gồm công an, biên phòng… kiểm tra để làm rõ thông tin nghi vấn về đường ống được mô tả là khổng lồ xả thải thẳng ra biển Vũng Áng.

Sang đến ngày 23 tháng tư Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn và bốn tỉnh duyên hải miền Trung gặp nạn cá chết hằng loạt có cuộc họp tại Hà Tĩnh.

Truyền thông trong nước loan tin: tại cuộc họp Trung tâm Quan Trắc Môi trường Miền Bắc báo cáo kết quả phân tích các mẫu thu thập được cho thấy cá chết không do dịch bệnh.

Theo ông Nguyễn Viết Nghĩa, phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hải sản, thì nhận định ban đầu về tình trạng cá chết hàng loạt tại ven biển bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, và Thừa Thiên – Huế trong những ngày qua gần như chắc chắn do độc chất mạnh gây nên; tuy nhiên nguồn phát tán độc chất mạnh đó chưa biết được từ đâu.

Tiếp đến Bộ Công thương Việt Nam cũng có công văn hỏa tốc nói vào ngày 26 tháng tư đoàn công tác của bộ sẽ về Hà Tĩnh kiểm tra tình hình bảo vệ môi trường tại nhà máy bị nghi xả thải ra biển khiến cá chết hàng loạt trong mấy tuần qua từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế.

Theo công văn hỏa tốc được ông bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh phát đi thì vào ngày 26 tháng tư đoàn công tác của Bộ Công Thương sẽ tiến hành kiểm tra tại công ty TNHH Hưng Nghiệp – Formosa tại Vũng Áng.

Tin tức cho biết đoàn công tác kiểm tra của Bộ Công Thương sẽ gồm cục trưởng Cục Kỹ Thuật An Toàn và Môi trường Công nghệ làm trưởng đoàn; các thành viên gồm lãnh đạo của Tổng cục Năng Lượng, lãnh đạo Vụ Công nghiệp Nặng và lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh.

Công tác sẽ gồm việc kiểm tra thực tế tại các khu vực sản xuất, hệ thống xử lý chất thải…

Ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 25 tháng tư tiếp tục chỉ đạo cho các Bộ Khoa học – Công nghệ, Bộ Công an, Bộ Quốc Phòng, Bộ Công thương, Bộ Y tế, Viện Hàn lâm Khoa học – Công nghệ Việt Nam hỗ trợ cho hai bộ Tài nguyên – Môi trường và Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn nhanh chóng làm rõ nguyên nhân gây hiện tượng hải sản chết nhiều tại 4 tỉnh miền Trung.

efdab84e-4210-4859-b2d4-f73e27723f6d-400

Nhà máy thép của tập đoàn Đài Loan Formosa tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh chụp hôm 3/12/2015. AFP photo

Phía Công ty TNHH Hưng Nghiệp – Formosa Hà Tĩnh FHS sau khi có thông tin về đường ống xả thải ra biển đã lên tiếng thừa nhận nhà máy có một ống xã thải trong khu công nghiệp rộng 1 mét, dài 1,5 kilomet và nằm sâu dưới lòng biển chừng 17 mét. Mỗi ngày nhà máy của họ xả ra 12 ngàn mét khối nước xả thải, thế nhưng mẫu nước đều đạt theo tiêu chuẩn nước xả thải công nghiệp qui chuẩn năm 2013 của Bộ Tài Nguyên – Môi trường Việt Nam.

Sang đến ngày 25 tháng tư, ông Chu Xuân Phàm, trưởng văn phòng Formosa tại Hà Nội tuyên bố với phóng viên báo Tuổi Trẻ câu nói được báo này mô tả là ‘gây sốc’: “Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy! Cứ chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm thủ tướng cũng không giải quyết được”.

Ý kiến từ xã hội dân sự và chuyên gia

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, người được mệnh danh là ‘ông già ozone’ từng giúp chữa bệnh ‘chân, tay miệng’ cho trẻ nhỏ cũng như giúp người chăn nuôi, làm thủy sản tại nhiều nơi khắp Việt Nam có ý kiến về việc truy tìm nguyên nhân cũng như tuyên bố của người đại diện Formosa cho rằng nếu chấp nhận làm nhà máy thép thì phải chịu môi sinh bị tác động:

“Theo tôi nghĩ thực ra việc này rất giản đơn là vì con cá cũng như con người, cũng như con trâu con bò nhiễm phải chất độc thì cũng chết. Con cá ở trong nước nhiễm độc thì chết. Hôm qua tôi có xem được một đoạn băng của VTC thấy nước thải ra ‘đen ngòm’; như thế không cần kiến thức gì cũng biết được do nước thải làm cá chết.

Người ăn nhầm cá chết thì cũng trúng độc.

Nước thải đen như thế lan truyền ra thì làm cho tất cả thủy sinh vật của vùng đó cũng chết. Việc làm đầu tiên là phải kiểm tra tất cả các đường ống nước xả. Việc này không khó đâu vì nước biển trong xanh, chỗ nào đen ngòm ra thì cứ lần theo.

Hôm nay đại diện của Formosa cho biết ‘một là cá, hai là thép’. Đó là lời thách thức toàn thể dân tộc Việt Nam. Việc đầu tiên, đại diện cho toàn thể dân Việt Nam trả lời dứt khoát ‘chúng tôi không cần thép của các ông’, không được phép đầu độc nhân dân chúng tôi.”

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đại thuộc Viện Hải Dương Học Nha Trang cũng bảy tỏ quan ngại về tình trạng hải sản chết hằng loạt như vừa qua, cũng như cách xử lý của cơ quan chức năng và những qui định về môi trường của Việt Nam lâu nay:

Việc làm đầu tiên là phải kiểm tra tất cả các đường ống nước xả. Việc này không khó đâu vì nước biển trong xanh, chỗ nào đen ngòm ra thì cứ lần theo.
– Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải

“Có nhiều hệ lụy vì đó là một cấp dinh dưỡng, cấp thực phẩm nên còn về con người nữa. Con vật chết rồi, nhưng những con còn ngắc ngoải ăn con chết vào thì bị ảnh hưởng kéo dài và con người ăn phải con cá đó nữa thì không biết quá trình diễn biến như thế nào nữa.

Việt Nam thì qui định gì cũng có, cũng chặt chẽ, nói rất hay nhưng để thực hiện những qui định đó thì lại khác. Qui định của mình ( Việt Nam) rõ ràng, ‘bay bướm’ lắm. Nói chung soạn thảo thì nhiều, rườm rà lắm, nhưng để thực hiện, để đưa ra ánh sáng, tuân thủ thì còn lỏng lẻo lắm. Như vụ Vedan có giải quyết được gì đâu!”

Tình trạng hải sản chết nhiều như vừa qua không chỉ là thảm họa riêng cho ngư dân trước mắt mà còn có thể tác động đến sinh kế của họ về lâu về dài. Trong thời gian qua có một số tổ chức xã hội dân sự chuyên lo giúp ổn định cuộc sống cho người dân đánh bắt ven bờ; nay khi xảy ra vụ việc hải sản chết hằng loạt chưa rõ nguyên nhân khiến họ cũng lo lắng. Thạc sĩ Nguyễn thị Thu Huệ, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Sinh vật Biển và Phát triển Cộng đồng nói về điều đó:

“Chúng tôi dự kiến họp bàn các tổ chức với nhau để xem có thể tập trung hỗ trợ cho ngư dân những gì trước mắt. Các tổ chức ngoài nhà nước thì dự kiến ngồi với nhay để xem tình trạng này thì có thể giúp đỡ được gì cho người dân. Chúng tôi cũng rất bức xúc, cũng rất băn khoăn nhưng chưa biết làm thế nào.

Chúng tôi chủ yếu làm việc với ngư dân để làm sao tổ chức sản xuất, đời sống ở ven bờ để thích ứng với biến đổi khí hậu thôi; chứ còn kinh nghiệm để đối phó với những việc vừa mới xảy ra thì cũng chưa có kinh nghiệm.

Cho nên trước mắt làm làm việc với Hội Chữ Thập Đỏ để qui tụ một vài tổ chức khác để thảo luận xem những nước khác khi xảy ra vấn đề này thì họ ứng xử như thế nào. Chúng tôi cũng muốn học hỏi để đưa ra giải pháp tốt nhất cho ngư dân. Sáng kiến của tôi là các nhóm ngồi lại để xem mình còn thiếu năng lực, chuyên môn gì thì sẽ nhờ và mời những nhóm khác.”

Cảnh báo?

Thảm họa môi trường từ chủ trương phát triển bằng mọi giá từng được minh chứng ở ngay Trung Quốc.

Hiện nay chính quyền nước này đang phải chỉnh sửa lỗi lầm của chính sách do các thế hệ lãnh đạo trước quyết thực hiện cho bằng được. Nay nhìn lại họ thừa nhận ‘cái được’ không thể nào bù đắp lại cho môi sinh bị hủy hoại.

Những ngư dân đang bị tác động trực tiếp khi không còn nguồn hải sản để đánh bắt mưu sinh hằng ngày, cũng như những ngành nghề liên quan bị ảnh hưởng và những công dân biết quan tâm đến đất nước đang chờ đợi kết luận đúng đắn từ phía cơ quan chức năng về nguyên nhân giết chết hải sản dọc biển bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay