Cám ơn Chúa

Cám ơn Chúa

 

Có một bà lão đạo đức nhưng một thân một mình trong túp nhà lá lụp xụp, bà nghèo đến nỗi một ngày nọ, rơi vào cảnh túng quẫn, không đủ tiền mua gạo nấu chút cháo cầm hơi. Đói quá, bà quì ngay xuống trước cửa nhà, ngước mắt nhìn trời, cầu nguyện lớn tiếng một cách chân thành: “Lạy Chúa, xin Chúa cho con một ít gạo để nấu cháo chiều nay, nếu không, chắc con chết mất Chúa ơi!”

 
Tình cờ lúc ấy có một ông hàng xóm đi ngang qua, ông ta là một người khá giả, nhưng chẳng bao giờ giúp đỡ bà cụ nghèo khổ được chút gì. Thế nhưng, ông ta là một người thực dụng, dứt khoát không tin có Thiên Chúa hay thần thánh nào cả, nghe bà cụ cầu nguyện như vậy, ông ta thấy bực mình, liền nghĩ ra một cách để giập tắt thứ niềm tin mà ông cho là mê tín dị đoan, lẩm cẩm ngu muội của các bà cụ già nhà quê.
Ông ta liền về nhà, xúc luôn mấy kí gạo đem sang cho bà lão hàng xóm. Y như rằng, bà lão mừng quá la lớn: “Ôi lạy Chúa, con xin cám ơn Chúa!” Ông hàng xóm thấy thế, biết là bà cụ đã trúng kế của mình, ông bèn bảo thẳng cho bà lão rằng chỗ gạo ấy là do ông vừa lấy ở nhà đem sang cho bà, chứ chẳng có Chúa nào ở đây mà giúp cho bà như vậy.

Ông hàng xóm đang hể hả đắc ý, thì không ngờ bà cụ vẫn tin tưởng và vui vẻ đáp lời: “Vâng, tôi biết chứ, chính ông đã mang chỗ gạo này đến chia sẻ cho tôi, nhưng tôi xin quả quyết rằng Chúa đã dùng ông để làm điều tốt lành này. Lời cầu nguyện của tôi đã được Chúa nhậm lời nhanh chóng. Xin tạ ơn Chúa và cám ơn ông vô cùng!”

Lời hằng sống 6.1996

nguồn: từ MariaThanh Mai gởi

Thánh Giáo Hoàng Lêô III

Thánh Giáo Hoàng Lêô III

  12 Tháng Sáu

 Sinh ở Rôma, nước Ý, Ðức Lêô là người thủ kho của tòa thánh và là linh mục trưởng ở Santa Suzanna khi ngài được chọn làm giáo hoàng năm 795 để kế vị Ðức Hadrian I, vừa mới từ trần.

 Hai người cháu của Ðức Hadrian I đều mong muốn được làm giáo hoàng, do đó họ xúi giục các thanh niên quý tộc tấn công Ðức Lêô. Trong cuộc rước nhân ngày lễ Thánh Máccô, Ðức Lêô bị bọn côn đồ kéo xuống khỏi ngựa và chúng định cắt lưỡi và đâm mù mắt của ngài. Nhờ sự can thiệp kịp thời của công tước xứ Spotelo, ngài thoát chết và trốn trong tu viện Thánh Erasmus, sau đó ngài đã bình phục mau chóng một cách lạ lùng.

 Ðức Lêô được cảm tình của người thế lực nhất thời bấy giờ, đó là Hoàng Ðế Charlemagne ở Paderborn, và ông đã cung cấp vệ binh để hộ tống đức giáo hoàng trở về Rôma giữa tiếng reo hò của mọi người.

 Tuy nhiên, kẻ thù vẫn không để ngài yên. Họ tố cáo Ðức Lêô về tội thề gian và ngoại tình. Năm 800, Charlemagne đến Rôma và chỉ định một ủy ban điều tra để cứu xét điều cáo buộc Ðức Lêô. Uỷ ban không tìm thấy một chứng cớ nào, và Ðức Lêô đã thề trước hội đồng giám mục rằng ngài vô tội đối với các cáo buộc ấy.

 Vào lễ Giáng Sinh, tại đền Thánh Phêrô, Ðức Lêô đã ban thưởng cho Charlemagne tước vị Thánh Ðế Rôma. Ðiều này là nguyên do hình thành Ðế Quốc Rôma Thánh Thiện — là một cố gắng nhằm thể hiện lý tưởng Thành Phố Thiên Chúa của Thánh Augustine — mà đã ảnh hưởng đến lịch sử Âu Châu trong nhiều thế kỷ.

 Với sự giúp đỡ của Charlemagne, Ðức Lêô đã dẹp được lạc thuyết Thừa Tự (*) ở Tây Ban Nha, nhưng khi Charlemagne muốn thêm chữ Filioque (“và Ðức Chúa Con” *) vào kinh Tin Kinh Nicene thì Ðức Lêô đã từ chối, một phần vì ngài không cho phép giáo dân can thiệp vào nội bộ giáo hội, và một phần vì ngài không muốn chống đối Giáo Hội Byzantine.

 Một cách tổng quát, đức giáo hoàng và hoàng đế hành động ăn khớp với nhau. Theo lời đề nghị của Charlemagne, Ðức Lêô còn thành lập một đạo quân để chống với giặc Saracen, lấy lại được một số tài sản của Giáo Hội ở Gaeta. Tính hào phóng của Charlemagne đã giúp Ðức Lêô canh tân nhiều nhà thờ ở Rôma và Ravenna, cũng như giúp đỡ người nghèo và bảo trợ các công trình nghệ thuật.

 Khi Charlemagne từ trần năm 814 và Ðức Lêô không còn ai bảo vệ, quân thù lại nổi dậy chống đối ngài. Với tất cả uy thế và quyền bính cá nhân, ngài đã dẹp tan âm mưu nổi loạn của giới quý tộc ở Campagna. Tuy nhiên, ngài bị vẫn bị giới quý tộc khinh miệt vì ngài xuất thân từ giới bình dân. Ngài từ trần năm 816 và được phong thánh năm 1673.

 (*) Thuyết Thừa Tự chủ trương Ðức Kitô chỉ là con nuôi của Thiên Chúa, do đó Người không phải Thiên Chúa thật.

 Filioque: Cho đến ngày nay, Chính Thống Giáo Hy Lạp và một số Giáo Hội Ðông Phương vẫn cho rằng Chúa Thánh Thần chỉ bởi Chúa Cha mà ra, do đó, những ai chủ trương rằng Chúa Thánh Thần cũng bởi Chúa Con mà ra thì họ cho là lạc giáo.

nguồn: Từ Maria Thanh Mai gởi 

 

MẸ NGUỒN CẬY TRÔNG, CHƯA THẤY AI XIN MẸ VỀ KHÔNG

MẸ NGUỒN CẬY TRÔNG, CHƯA THẤY AI XIN MẸ VỀ KHÔNG

Lm. VĨNH SANG, DCCT 

Năm 1866, bức Linh Ảnh Đức Mẹ mang tước hiệu Mẹ Hằng Cứu Giúp được Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Pio IX trao cho DCCT với nhiệm vụ quảng bá lòng sùng kính Đức Mẹ, bức Linh ảnh ấy đươc tôn kính tại đền Thánh An Phong, đường Merulana, thành phố Roma, bên cạnh trụ sở trung ương của Hội Dòng. Từ ngày ấy, mỗi bước chân Thừa Sai DCCT đi đến đâu cũng đều được đặt dưới sự bảo trợ của Mẹ Hằng Cứu Giúp, cùng đi với các Thừa Sai, phiên bản bức Linh ảnh được phổ biến khắp nơi.

Năm 1925, ba nhà Thừa Sai đầu tiên DCCT đặt chân đến Huế ( Cha Larouche, cha Cusineau và thầy Barnabe ), trong hành trang của các ngài có phiên bản bức Linh ảnh hay làm phép lạ. Cùng với sự hiện diện của bức Linh ảnh, các Thừa Sai đã nhanh chóng phổ biến các kinh nguyện cầu khấn cùng Mẹ, những lời kinh ngọt ngào, quen thuộc và thân thương với mỗi người dân Việt Công Giáo chúng ta đã được cất lên từ ngày ấy: “Lạy Mẹ Hằng Cứu Giúp, xin che chở mọi kẻ thuộc về con, ban ơn phù hộ cho Đức Thánh Cha, cho Hội Thánh, cho nước con, cho gia đình con, cho kẻ thân nghĩa, kẻ thù nghịch và hết mọi kẻ khốn khó…”, ai trong chúng ta mà chẳng nhớ những lời kinh này.

Trong đời mục vụ, chúng tôi có dịp đi đó đây khắp miền đất nước, từ những Nhà Thờ Chính Toà to lớn đến những ngôi Nhà Nguyện bé nhỏ hun hút nơi vùng sâu, ở đâu chúng tôi cũng bắt gặp phiên bản của bức Linh Ảnh nổi tiếng này, nhìn những bức ảnh được tôn kính chúng tôi biết bước chân của cha anh chúng tôi đã từng đặt đến những nơi đây. Chúng tôi thầm cảm tạ ơn Chúa cùng với sự khâm phục lòng nhiệt thành của cha anh mình.

Câu chuyện “Đức Mẹ lộ hình” tại La Mã Bến Tre là một điển hình. Ngày ấy, hơn 62 năm về trước ( trước năm 1950 ), giữa một vùng sông nước mênh mông, chiến tranh khốc liệt, bức Linh ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp đã xuất hiện một cách lạ lùng ( 5.5.1950 ), kèm theo những phép lạ tỏ tường ( 7.10.1950 ) để cứu vớt che chở người dân quê nghèo khốn khổ ( tìm đọc chuyện Đức Mẹ La Mã Bến Tre ). Ngày nay ngôi Nhà Thờ đã được trùng tu, khuôn viên Nhà Thờ đã được tu bổ, một con đường nhỏ ngang 4 mét vừa được xây dựng để khách hành hương có thể đến với bức Linh Ảnh Đức Mẹ La Mã Bến Tre tương đối dễ dàng, từ Sàigòn nếu di chuyển bằng xe 4 bánh chỉ cần hai tiếng đồng hồ chúng ta đã có thể đến viếng thăm ngôi đền này ( www.ducmelamabentre.com ).

Trong bộ sưu tập về bức Linh Ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp còn một chứng tích tuyệt vời khác nữa. Việt Nam năm 1954, trong hành trình di cư của hàng triệu người từ miền Bắc vào Nam, có một phóng viên đã chụp được cảnh đoàn người di cư, một người phụ nữ lam lũ gồng gánh tất cả mớ gia sản nghèo nàn tả tơi của mình, vậy mà bà đã không quên mang theo bức Linh ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp. Bước chân bà sải đi vững chắc trong niềm tin và cậy trông phó thác trên hành trình hướng về tương lai, ắt hẳn vì Mẹ Hằng Cứu Giúp đang ở cùng bà, ở cùng gia đình bà.

 Bức Linh ảnh người phụ nữ xuôi Nam năm ấy mang theo bây giờ ở đâu ? Được tôn kính ở chốn nào chúng ta không có điều kiện để tìm biết.

Thế rồi bây giờ chúng tôi mới biết được thêm một câu chuyện khác, tình cờ nhưng rất thú vị, cũng là một câu chuyện về một người phụ nữ với bức Linh ảnh, cũng là một cuộc di cư vĩ đại khác của 21 năm sau cuộc di cư khổng lồ năm 1954. Nhẩm tính lại, ngày ấy, năm 1954, người phụ nữ trong câu chuyện chúng tôi sắp kể mới chỉ là một em bé 10 tuổi theo cha mẹ chạy vào Nam.

Chị về Việt Nam đã 4 lần nhưng lần này chị mới có dịp đến DCCT, quận 3, Sàigòn, chị liên lạc và giúp đỡ chúng tôi từ lâu nhưng chỉ biết nhau qua thư từ và hình ảnh trên mạng, chị vào thăm Nhà Dòng và trong những câu chuyện chia sẻ, chúng tôi ghi được một câu chuyện lạ lùng thú vị.

Năm 1975, chị có chồng là một sĩ quan không quân đóng tại phi trường Phù Cát, thành phố Quy Nhơn thuộc miền Trung, tháng Tư chiến tranh ác liệt, cả trại gia binh di chuyển vào Sàigòn để lánh nạn, nhưng chẳng bao lâu lại phải tiếp tục di chuyển ra Côn Đảo, anh vẫn tiếp tục trong đội hình chiến đấu của quân đội miền Nam. Không lâu trước ngày Sàigòn thất thủ 30 tháng 4, chị và các chị em khác hoàn toàn mất tin tức chồng, đau buồn và lo sợ.

Ngày ngày chị lang thang một mình ở bãi biển trông ngóng tin chồng, tình cờ một hôm chị nhặt được một tấm bìa báo xuân của một tạp chí Công Giáo nào đó, trên tấm bìa đó còn ghi hàng chữ “Cung chúc tân xuân” cùng với hình Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp chiếm trọn trang bìa. Tấm bìa trôi dạt ở bãi cát trắng bờ biển, ướt sũng, nhạt nhòa. Chị nhặt lên với tất cả sự tôn kính, mang về khu trại gia binh, hong cho khô và sớm khuya cầu nguyện với bức Linh Ảnh.

Bây giờ nhớ lại, chị kể chị đã hết lòng khẩn khoản nài van Mẹ xin cho được gặp lại chồng. Và chị đã được như ý, khi chị và các con được chuyển đến tạm cư ở đảo Guam, chị đã bất ngờ tìm lại được anh qua hội Hồng Thập Tự Quốc Tế khi mọi sự ngỡ đã hoàn toàn tuyệt vọng. Ai nghe chuyện cũng đều bảo là phép lạ !

 Định cư tại Hoa Kỳ, anh chị đã không quên mang theo bức Linh Ảnh kỳ diệu. Chị tiếp tục cầu nguyện với Mẹ Hằng Cứu Giúp xin cho có thêm một cháu gái vì ba cháu đầu đều là trai, một lần nữa, chị lại được như ý. Theo chị kể, lời vật nài cùng Mẹ có nhiều chi tiết thú vị về bé gái chị xin. Vâng, chị đã xin, đã ngỏ lời với tâm tình rất đơn sơ thân mật y như của một người con gái thủ thỉ cùng bà mẹ dấu yêu của mình. Chị đón nhận tất cả những điều ấy như một hồng ân.

Bức Linh Ảnh đó bây giờ chị đóng khung treo trong phòng ngủ, ngay trên đầu giường của chị.

Chị chia sẻ với anh em chúng tôi: bức Linh Ảnh không đẹp vì chỉ là một bức ảnh in trên bìa một tờ báo cũ, lại được vớt lên từ bãi cát bờ biển Côn Đảo, không đẹp vì đã bị ướt rồi hong khô lại, không đẹp vì kỹ thuật in ấn của những năm thập niên 70 tại Việt Nam, nhưng lại đẹp và quý giá tuyệt trần vì bức Linh Ảnh ấy đã xuất hiện trong những ngày tháng chị lao đao hoang mang nhất, cô đơn gian khổ nhất, đẹp vì chị đã mang theo bên mình suốt 37 năm với những lời nguyện cầu to nhỏ, đẹp vì là sự an ủi và cậy trông của cả cuộc đời chị, đẹp vì bức ảnh đã giúp chị cầu nguyện và vững chắc trong Đức Tin, đẹp vì qua bức ảnh chị nhận được quá nhiều ân huệ của Thiên Chúa.

Chị vẫn hằng cầu nguyện với bức ảnh đó: “Xin cho con biết dùng những năm tháng kế tiếp của cuộc đời để phục vụ Chúa trong Hội Thánh tại Việt Nam”.

Xin cám ơn chị Thanh Lịch, Oklahoma, Hoa Kỳ, chị đã làm chứng về tình thương của Chúa qua lời cầu bầu của Mẹ Maria Hằng Cứu Giúp, Mẹ của tất cả chúng ta…

Lm. VĨNH SANG, DCCT, 6.6.2012 (Ephata 513)

Thánh Barnabas

 
    Thánh Barnabas
    (thế kỷ thứ nhất)

                                                                                        11 Tháng Sáu

     Thánh Barnabas, một trong những nhà truyền giáo tiên khởi của Giáo Hội, đóng vai trò chủ yếu trong việc loan truyền và chuyển dịch Phúc Âm cho dân ngoại. Qua sách Công Vụ Tông Ðồ, chúng ta được biết ngài là người Do Thái ở Cypriot tên thật là Giuse, và các tông đồ đã đặt tên cho ngài là Barnabas sau khi ngài bán của cải và giao cho các tông đồ cai quản.

     Mặc dù Barnabas không phải là một người trong nhóm Mười Hai nguyên thủy, Thánh Luca coi ngài như vị tông đồ vì ngài được lãnh nhận nhiệm vụ đặc biệt từ Chúa Thánh Thần. Một trong những đóng góp quan trọng của Barnabas là ngài đã đảm bảo cho Saolô, một người mới tòng giáo mà ai ai cũng sợ hãi vì quá khứ bắt đạo của Saolô. Sau đó, Barnabas được sai đi rao giảng ở Antiôkia. Khi công việc ngày càng có kết quả, Barnabas đã xin Phaolô (tên cũ là Saolô) đến tiếp tay; cả hai đã xây dựng một giáo hội thật phát triển. Theo sách Công Vụ Tông Ðồ, chính ở Antiôkia mà “lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Kitô Hữu.”

     Chính trong cộng đoàn siêng năng cầu nguyện này mà “Thánh Thần phán bảo, ‘Hãy dành riêng cho Ta Barnabas và Phaolô để lo cho công việc mà Ta đã kêu gọi hai người ấy.” Sau đó họ ăn chay cầu nguyện, rồi đặt tay trên hai ông và tiễn đi.” Do đó, Barnabas và Phaolô khởi hành chuyến đi truyền giáo đầu tiên thực sự ở nước ngoài, trước hết đến Cyprus (là nơi họ hoán cải một quan đầu tỉnh người Rôma) và sau đó đến lục địa Tiểu Á. Lúc đầu các ngài rao giảng cho người Do Thái, nhưng bị chống đối dữ dội nên họ quay sang rao giảng cho dân ngoại và đã thành công lớn. Trong một thành phố, người Hy Lạp quá mến mộ các ngài đến nỗi họ tôn thờ Barnabas và Phaolô như các thần Zeus và Hermes. Vất vả lắm thì các ngài mới ngăn cản được đám đông hiếu khách ấy đừng dâng của lễ mà tế các ngài.

    Công cuộc truyền giáo cho dân ngoại nẩy sinh vấn đề là người tòng giáo có phải cắt bì theo luật Do Thái hay không. Phaolô và Barnabas đã chống đối tập tục này và lập trường của các ngài đã làm chủ tình hình trong Công Ðồng Giêrusalem.

    Barnabas và Phaolô dự định tiếp tục công cuộc truyền giáo, nhưng ngay tối trước khi khởi hành, một bất đồng xảy ra là có nên đem theo một môn đệ nữa hay không, là ông Gioan Máccô. Vì vấn đề này mà hai tông đồ tách làm đôi. Phaolô đem Silas đi Syria, còn Barnabas đem Máccô đến Cyprus. Sau này, ba người: Phaolô, Barnabas và Máccô đã làm hòa với nhau.

     Mặc dù không có những dữ kiện rõ ràng, dường như Barnabas, với sự tháp tùng của Gioan Máccô, đã trở về Cyprus. Ở đây, theo truyền thuyết, ngài đã chịu tử đạo vào năm 61.

     Lời Bàn

     Thánh Barnabas được đề cập như một người tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa. Ngài là người “đầy tràn Thánh Thần và đức tin. Do đó đã lôi cuốn một số đông người về với Chúa.” Ngay cả khi ngài và Thánh Phaolô bị trục xuất khỏi Antiôkia, họ “tràn ngập niềm vui và Thánh Thần.”

 nguồn: từ Maria Thanh Mai gởi

Lòng Thương Xót Chúa trong đời tôi…

Lòng Thương Xót Chúa trong đời tôi… 

  Tôi được sinh ra và lớn lên trong một gia đình Công giáo. Đã được rửa tội từ thuở nhỏ. Rước lễ lần đầu vào năm 7 tuổi. Chịu phép Thêm Sức vào năm 14. Rồi sau đó là Bao Đồng. Tất cả đều được chỉ dẫn và dìu dắt ở trong một môi trường Công giáo. Trường hợp của tôi thường được gọi là trường hợp của thành phần đạo gốc, nhưng không biết “gốc” gì đây? Tôi có được sự lựa chọn hay chăng?  Vì nếu không đi xem lễ ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc thì sẽ bị la rầy. Nên đi cho có hình thức bề ngoài. Nhưng trong lòng thì chưa tin vào Chúa cho lắm. Niềm tin của tôi lúc ấy rất yếu.

 Đến năm 17 tuổi, cái tuổi có thể bẻ gẫy xừng trâu ấy, chẳng biết sợ gì, tôi đã ra đi để tìm tự do cho bản thân mình, với ba nguyện vọng đơn sơ: 1- Con nuôi cá; 2- Con nuôi ba má; 3- Ba má nuôi con. Nhưng tự do thật sự ở đâu?

 Được sự che chở của “Lòng Thương Xót Chúa“ nên tôi đã được bình an dừng chân tại trại tỵ nạn Pula Bidong, thế nhưng rồi đệ tam quốc gia nào sẽ nghênh đón tôi đây? Chính những tháng ngày cô đơn ấy, buồn tủi nhất trong đời nên ngày nào tôi cũng cầu xin cùng Chúa và Mẹ Maria trên đồi Công giáo, chứ không phải đồi Canvê là nơi Chúa chết khi xưa.

 Với lòng nhiệt thành và lòng tin tưởng, tôi đã được định cư ở một nơi bấy giờ được gọi là thiên đường hạ giới, một nơi mà có thể nói cả thế giới này, nhất là thành phần tỵ nạn Việt Nam nghèo khổ, ai ai cũng mong mỏi được đặt chân đến…

 Sau 18 giờ bay, đúng 6 giờ 30 phút ngày 12 tháng 5 năm 1989, chuyến bay định mệnh đã hạ cánh tại phi trường Washington DC, nay là phi trường George  W Bush.

 Trước khi ra đi tôi chỉ có 3 nguyện vọng, nay lại được định cư ở một đệ tam quốc gia. Đây có phải là hồng ân của Ba Ngôi Thiên Chúa hay chăng? Chưa biết được…

 Khi giật mình tỉnh giấc giữa đêm khuya tôi mới phát hiện ra mình lại mắc thêm 3 chứng bệnh mà hầu như ai trong chúng ta khi mới qua Mỹ vào lúc bấy giờ không sao quên được, đó là:

1- Bị điếc vì không nghe được tiếng bản xứ;

2- Bị câm vì không nói gì được;

3- Bị què vì không có phương tiện để đi lại.

 Một mình đơn phương nơi xứ lạ quê người. Cơm áo gạo tiền đã gắn liền với cuộc sống. Nhưng “believe in gold and take care yourself” đó là những câu nói dường cột của chúng bạn. Cho nên “gần mực thì đen….”. Công danh và sự nghiệp đã lôi cuốn tôi vào cơn lốc xoáy, cơn lốc của cuộc đời. Từ đó, tôi dần dần xa Chúa và Mẹ Maria từ lúc nào tôi chẳng biết.

 Công danh và sự nghiệp là chi??? Đó là hai miếng mồi ngon và bổ nhất. Thử hỏi trong chúng ta ai mà chẳng vớ lấy cho bằng được. Thế là cuộc hành trình lại được bắt đầu từ đây.

 Để cố gắng khắc phục ba cái «bị» ở xứ lạ quê người khi mới sang Mỹ năm 1989 trên đây, tôi đã “cầy ngày không đủ phải tranh thủ làm đêm“. Chính vì cơm áo, gạo tiền cộng thêm hơn thua và ganh tỵ mà tôi đã lãng quên đi Chúa và Mẹ Maria từ lúc nào. Tiếng chuông nhà thờ vẫn vang vọng hằng đêm, nhưng tiếng lương tâm của lòng tôi đã chết lịm từ lúc nào rồi? Vì “lương tâm so ra không bằng lương tháng“.

 Để tạo cho mình một bước đi vững vàng, tôi đã lập gia đình. Người bạn đời của tôi không cùng tôn giáo với tôi, và đã được hai cháu. Vì lo công danh và sự nghiệp, nên tôi chẳng làm trọn bổn phận là một người cha Công giáo của chúng…. Tính ra đã hơn 20 năm tôi đã lầm đường lạc lối. Cuối cùng, Chúa đã thức tỉnh tôi với một cơn bệnh lạ đời, kéo dài trong vòng 3 năm trường không phải là ngắn.

 Đúng thế, nếu “Vinh danh Chúa cả trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm!” (Lk 2 :14) thì, đối với tôi, chính vì «tâm» không lành nên long thể bất an xẩy ra cho tôi vào mùa hè năm 2009. Chúa đã thức tỉnh tôi bằng một cơn bệnh ù-tai và chóng mặt. Lỗ tai lúc nào cũng có tiếng như ma kêu quỉ khóc. Còn chóng mặt thì chỉ còn nằm trên giường mà nhắm mắt, từ 16 đến 20 giờ đồng hồ mỗi ngày. Mở mắt ra thì trời đất quay cuồng, say xẩm. Chỉ có ói mửa cho tới mật xanh thôi. Nằm im đó để mà nhìn công danh cùng sự nghiệp tan tành như mây khói.        

                   Lúc thất thế con quì bên chân Chúa

                     Khi gặp thời con đạp đổ lư hương…

 Chính vì bệnh tật nên tôi phải xa rời tất cả chuyện làm ăn và vui chơi cùng bạn bè. Bởi không sao chịu được những tiếng ồn nơi công cộng. Trong ba năm, tôi đã trải qua 4 lần MRI và 3 lần chụp CT, các bác sĩ không tìm được bệnh gì. 

 Không biết cậy nhờ vào ai. Lúc này tôi lại gục đầu bên chân Chúa mà cầu nguyện, với bao đêm ngày cầu nguyện cùng Chúa. Suốt ba năm trường tại sao Chúa lại chẳng nhận lời ? Vì tất cả tôi chỉ muốn Chúa làm theo ý của riêng tôi, nên  tôi đã nhiều lần oán trách Chúa, mà Chúa vẫn chỉ im lìm theo dõi bước chân tôi.

 Thất vọng ê chề. Vì bệnh trạng của tôi vẫn không thể nào chữa được. Rồi từ đó tôi lại oán trách Chúa đủ điều… Tôi đã hoàn toàn tuyệt vọng với bao nỗi chán chường. Một hôm, giữa đêm khuya, khi cả gia đình đã ngủ say, tôi quì trước bàn thờ và khẽ nói: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa, con xin dâng linh hồn và thể xác con trong vòng tay từ ái của Chúa. Xin Chúa hãy chỉ dạy cho con“.

 Cuối cùng Ngôi Ba Thánh Thần đã soi sáng cho tôi và  tôi đã bay về Việt Nam để cầu may…    

 Nhìn những người bạn cùng chuyến bay ung dung bước ra khỏi phi trường để đoàn tụ cùng gia đình, tôi cảm thấy tủi thân! Vì bấy giờ tôi phải có người hộ tống, bởi tôi đi đứng không được, phải ngồi trong xe lăn.  

 Gặp lại con trong hoàn cảnh thê thảm như thế, người cha đạo hạnh của tôi, thương hại nhìn con, sau đó nhìn lên trời một hồi lâu và nhìn thẳng vào mặt tôi với giọng ồn tồn của người cha nhân hậu khẽ nói. Con ơi “vì lời lãi của thế gian này mà đánh mất đi linh hồn thì chẳng được ích gì”, hãy nghỉ vài ngày cho khoẻ, gia đình mình sẽ chung sức cầu nguyện cùng Chúa và Mẹ Maria xin các Ngài giúp cho con.

 Đúng vậy, nơi miền quê nghèo nhỏ bé, Chúa đã chữa khỏi bệnh chóng mặt cho tôi , chỉ cần qua một người y tá quèn ở vùng quê hẻo lành. Còn ở Mỹ, nơi những bệnh viện nổi tiếng, các bác sĩ có bằng cấp cao lại chẳng chữa nổi cho tôi . Tại sao vậy???

 Thế rồi, vào một buổi sáng kia, tôi tập thể dục và chạy ngang qua Nhà thờ Thánh Tâm. Một sức mạnh nào đó như cứ thôi thúc trong tận đáy lòng của tôi, đến độ tôi  phải ghé vào để than thở cùng Mẹ Maria.

 Một lần không chịu ghé. Lần hai cũng không ghé. Thôi thì nhất quá tam nhì ba bận nên cuối cùng tôi đành ghé lại. Đây là lần thứ nhất Mẹ Maria nhìn tôi. Mẹ nhìn tôi với đôi mắt buồn rầu, sầu thảm không sao tả được! Vài ngày sau, khi tôi đứng ngoài hàng rào nhà thờ cầu nguyện, Mẹ quay lại nhìn tôi cũng với ánh mắt như lần trước… Hơn một tuần, sau thánh lễ Chúa Nhật, giáo dân hợp nhau đọc kinh ở núi Đức Mẹ và Thánh Cả Giuse, sự lạ lại xẩy ra một lần nữa: Mẹ Maria lại âu yếm nhìn tôi ! tôi quay sang hỏi Cha Xứ cùng bà con xung quanh xem có ai thấy gì hay chăng? Tất cả đều lắc đầu không hiểu  tôi đang nói gì… “Mẹ ơi, thật sự Mẹ muốn gì ở nơi con? Xin Mẹ hãy chỉ dạy và soi sáng cho con!”

 Ba ngày sau đó, theo sự soi sáng của Ngôi Ba Thánh Thần, tôi cùng với gia đình và anh em đi hành hương viếng thăm Đức Mẹ ở các nơi khác nhau, như ở Trung Tâm Fatima Bình Triệu Sài Gòn, ở Tapao, và có ghé ngang qua một bức tượng Đức Mẹ trên đường đi Đà Lạt về, không nhớ rõ địa danh, chỉ biết rằng đài Đức Mẹ nằm ngay trên quốc lộ.

 Mỗi lần nói chuyện cùng Mẹ thì tôi lại nhận được sự bình an không sao tả được: “Mẹ ơi, con là đứa con tội lỗi, không đáng để được Mẹ tha thứ. Nhưng người bạn đời của con và hai đứa con thơ dại của con thì không biết gì về Mẹ và Chúa Giêsu hết. Xin Mẹ hãy soi sáng và chỉ dẫn cho vợ con và hai đức con thơ dại biết nhận ra Mẹ là ai và Chúa Giêsu xuống thế gian này để làm gì nghe Mẹ“.

 Về đến Mỹ, giấc ngủ của tôi bị trái giờ, hơn nữa, tôi lại nhớ ba má cùng anh em bà con ở Việt Nam, nên tôi không ngủ được bình thường như trước. Tuy nhiên, nhờ dịp này, theo sự sắp đặt của Mẹ Maria, con đã biết đến, qua lời giới thiệu của đứa em rể tên Minh Phong thuộc giáo xứ Trà-Long giáo phận Cần Thơ, qua trang web tinvui.info do Cha Giuse Trần Đình Long Dòng Thánh Thể phụ trách thuộc Giáo Xứ Chí Hòa, (chứ không phải là khám Chí Hòa đâu nhé). 

 Qua trang web này, tôi thật sự cảm nghiệm được « Lòng Thương Xót Chúa ». Nhờ ơn Chúa, cha đã có được những lời giảng khôi hài, mộc mạc, đơn sơ, thực tế nhưng có sức quyến rũ và mời gọi một cách lạ thường.

 Sau vai tuần nghe những bài giảng của cha ở trang web tinvui.info, tôi đã viết email để xin cha và cộng đoàn «Lòng Thương Xót Chúa » cầu nguyện giúp tôi . Bà xã của tôi, thấy tôi hầu như đêm nào cũng nghe giảng qua trang web này. Tuy nhiên, có lần tôi đột nhiên không nghe nữa thì nàng lại hỏi tôi tại sao? và đồng thời tỏ ý muốn nghe. Vài ngày sau, nàng đã khăn gói lên đường trở về nhà Cha, vì: “Ai xin sẽ được, ai gõ cửa sẽ được mở ra cho” (Mt 7:7).

 Nhờ nghe lời Chúa mà nàng và hai đứa con đã trở thành những người dự tòng Kitô hữu, và vào dịp Lễ Vọng Phục Sinh đêm ngày 7 tháng 4 năm 2012 chính thức trở thành con cái Chúa. Ôi, còn nỗi vui mừng nào hơn là được làm con cái Chúa : “Hồng ân Thiên Chúa bao la, muôn đời con sẽ ngợi ca danh Người” –

 Mặc dù tôi đã được ơn trở lại sau hơn 20 năm rời xa Chúa và Mẹ Maria, bao nỗi ưu tư và phiền muộn vẫn còn vương vấn trong tâm hồn tôi. Biết bao điều thắc mắc vẫn còn đó, không biết tìm ai để được giải tỏa những thắc mắc của riêng mình.

 “Hãy đến với Cha, hơi tất cả những ai mệt mỏi và nặng gánh, Cha sẽ bổ sức cho các con” (Mt 11:28). Đó là chủ đề cho cuộc Tĩnh Tâm của Cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại Giáo Xứ Các Thánh Anh Hài thuộc Tổng Giáo Phận Philadelphia. Người phụ trách chia sẻ các bài nói theo chủ đề này đó là một người giáo dân từ miền Nam California tới: Hiệp Sĩ Trái Tim Mẹ – Tông Đồ Chúa Tình Thương Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh.

 Cuộc tĩnh tâm 3 ngày (24-26/2/2012) mở màn cho Mùa Chay này hoàn toàn về Lòng Thương Xót Chúa, bao gồm 9 bài nói, tất cả đều được trình bày và chia sẻ bởi người tín hữu giáo dân ấy, một nhân vật tôi chưa hề quen biết và nghe tiếng. Những bài nói của vị hướng dẫn tĩnh tâm này (Tối Thứ Sáu 1 bài, Ngày Thứ Bảy 5 bài, và Chúa Nhật 3 bài), thứ tự sau đây:  

                1.      Thời Điểm Cánh Chung của Lòng Thương Xót Chúa (nội dung về tình trạng Nửa Đêm Nghênh Đón);

                2.      Tội Lỗi – Vực Thẳm của Lòng Thương Xót Chúa;

                3.      Tội Nhân – Mồi Ngon của Lòng Thương Xót Chúa;

               4.      Thánh Giá – Chân Dung của Lòng Thương Xót Chúa;

               5.      Cơn Khát Núi Sọ của Lòng Thương Xót Chúa (nội dung về hai câu Chúa nói: “Cha khát” – “Xin cho Cha uống”);

               6.      Điểm Hẹn Thần Linh của Lòng Thương Xót Chúa (nội dung về Trái Tim Mẹ: Nơi Nương Náu – Đường Đến Chúa, tức Đến Chúa Qua Mẹ );

              7.      Bối Cảnh Lịch Sử của Lòng Thương Xót Chúa (nội dung về Bí Mật Fatima);

               8.      Sứ Điệp Cứu Độ của Lòng Thương Xót Chúa (nội dung về những gì Chúa muốn như Ảnh Thương Xót, Lễ Thương Xót, Kinh Thương Xót…);

             9.      Hồn Nhỏ Hy Tế của Lòng Thương Xót Chúa (nội dung về gương sống Lòng Thương Xót của 3 Thiếu Nhi Fatima và Chị Thánh Faustina).

Sau ba ngày tĩnh tâm đặc biệt trên đây, tất cả mọi thắc mắc cũng như ưu phiền của tôi đã được giải đáp qua lời giảng thuyết hùng hồn của người tín hữu giáo dân này.

 Tháng 2 hằng năm, vùng Đông Bắc Hoa Kỳ vẫn còn đang ở trong mùa đông. Ngoài trời thì lạnh, nhưng trong cõi lòng của mỗi một người Kitô hữu hiện diện ở đấy đã được sưởi ấm và nung nóng với bàn tiệc lời Chúa. Biết bao nhiêu anh em Kitô hữu đã bỏ cả công ăn việc làm, không ngại đường xá xa xôi đến để tham dự.

 Tôi nhớ rất rõ là vào ngày Thứ Bảy 25/2/2012, trong lúc ngoài trời gió rất mạnh, cộng thêm tuyết rơi, thế nhưng trong hội trường, anh chị em Kitô hữu cùng nhau lắng nghe lời Chúa. Mặc dù lời của Chúa thật xa xưa nhưng chính giây phút này đã trở thành những gì hiện thực nơi lời chia sẻ của vị giảng thuyết cũng như nơi cảm nghiệm thấm thía của thành phần tham dự viên. Lúc ấy, hơn bấy giờ hết, tôi cảm nghiệm thấy được sự hiện diện thần linh của Chúa ở giữa chúng tôi: “Vì ở đâu có hai hay ba người hợp lại vì danh Thày thì Thày ở giữa họ” (Mt 18:20).

 Âm vang của những giây phút tĩnh tâm về Lòng Thương Xót Chúa ấy vẫn còn âm ỉ nơi tôi, qua tâm tình và kinh nguyện của tôi với Chúa Giêsu và Mẹ Maria.

 Những chuỗi Mân Côi hằng ngày sẽ làm dịu đi nỗi đau của Trái Tim Mẹ. Hãy đến với Mẹ mỗi ngày để than thở và khóc lóc. Dâng lên Mẹ những nhọc nhắn khó khăn trong cuộc sống. Qua lời chuyển cầu của Mẹ thì tất cả mọi ước nguyện của chúng ta sẽ được nhận lời. Mẹ biết và hiểu được những gì ta đang cần.

 Lạy Chúa Giêsu, xin hãy giúp con biết mở lòng con ra mà đón nhận Chúa. Xin hãy ngự trị trong tâm hồn con và giúp con biết yêu mến Chúa từng giây, từng phút, để con luôn được bình an trong vòng tay của Chúa: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác nơi Ngài” với tất cả tâm hồn và thể xác của con đây.

 Xin Mẹ Maria luôn gìn giữ, bao bọc, che chở gia đình con và Giáo Hội trên toàn thế giới trong vòng tay quyền năng từ ái của Mẹ. Amen.

 Mùa Chay 2012

Inhaxio/Phêrô Randy Khâm Nguyễn

Giáo Xứ Các Thánh Anh Hài, Tổng Giáo Phận Philadelphia.

Mẹ Chúng Ta

 Mẹ Chúng Ta

 Một ngày kia, thánh Gioan Bosco rao giảng về vinh quang của Mẹ Maria tại nhà thờ chính tòa Torino. Giữa lúc đang thao thao bất tuyệt, ngài bỗng dừng lại thinh lặng một hồi lâu rồi đặt câu hỏi với cử tọa như sau: “Ai trong anh chị em có thể nói cho tôi biết Ðức Mẹ là ai?”

Thánh nhân phải lập lại câu hỏi đó đến ba lần mới nghe được một tiếng trả lời yếu ớt từ phía cuối nhà thờ như sau: “Thưa Cha, Ðức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa”. Thánh Gioan Bosco gật đầu nói tiếp: “Ðúng thế, Ðức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, nhưng nói thế vẫn chưa đủ. Tôi muốn anh chị em kể hết những tước hiệu của Mẹ Maria”. Liền sau đó, cử tọa liền kể ra tất cả những tước hiệu của Mẹ: Mẹ là cửa Thiên Ðàng, Mẹ là Ðấng an ủi những kẻ có tội, Mẹ là Ðấng phù trợ các tín hữu, Mẹ là Ðấng cứu chữa kẻ bệnh tật v.v…

Sau khi nghe kể hết những tước hiệu mà người ta gán cho Ðức Maria, thánh Gioan Bosco mỉm cười nói tiếp: “Ðức Maria là tất cả những gì anh chị em vừa kể ra, nhưng vẫn chưa hết. Tôi muốn noid thêm về Ðức maria…”.

Chờ mãi vẫn không thấy có câu trả lời nào, thánh nhân mới nói: “Tôi xin được nói với anh chị em Ðức Maria là ai: Ngài là Mẹ chúng ta. Phải, Mẹ chúng ta. Ðó là điều đáng nói nhất về Mẹ Maria. Trên trần gian này, không ai có thể gần gũi thiết thân với chúng ta cho bằng Mẹ chúng ta, không ai yêu thương chúng ta hơn Mẹ chúng ta. Cũng thế trên Thiên Ðàng không có vị thánh nào yêu thương chúng ta và sẵn sàng lắng nghe chúng ta cho bằng Mẹ Maria…”.

Chính lúc Ðức Maria đứng câm lặng dưới chân thập giá, mà Chúa Giêsu đã long trọng trối phó Ngài cho thánh Gioan và đồng thời cũng trao phó thánh Gioan cho Mẹ.

Sự sinh nở nào cũng diễn ra trong đớn đau. Chính trong niềm đau tột cùng của những giây phút đứng kề bên thập giá Chúa Giêsu mà Ðức Maria mới sinh hạ chúng ta, đã trở thành Mẹ của chúng ta. Thánh Gioan cũng tiếp nhận Mẹ trong niềm hiệp thông sâu xa vào thập giá của Chúa Giêsu.

Thập giá là nguồn ơn cứu rỗi, nhưng mãi mãi vẫn là biểu trưng của tội ác. Sự độc ác tột cùng mà người Do Thái và La Mã ngày xưa đã trút xuống trên Chúa Giêsu qua thập hình, ngày nay vẫn còn được con người tiếp diễn dưới muôn hình thức khác. Tựu trung khi con người chối bỏ chính mình, khi con người chà đạp người khác, thì đó là lúc con người dựng thêm những thập giá mới.

Thập giá vẫn luôn có mặt trong cuộc sống con người như một nhắc nhở về tội ác của mình. Kết hiệp với Chúa Giêsu trong cuộc tử nạn của Ngài chính là cố gắng chiến đấu chống lại tội lỗi.

Sứ điệp của Ðức Maria trong tất cả những lần hiện ra đều có chung một nội dung: đó là kêu gọi loài người ăn năn sám hối, cải thiện cuộc sống. Cũng như ngày xưa, đứng dưới chân thập giá Chúa Giêsu, Mẹ đã câm lặng nuốt từng nỗi đớn đau, ngày nay khi nhìn thảm cảnh của những người con cái đang chối bỏ lẫn nhau, đang chém giết nhau, đang đóng đinh nhau, Mẹ cũng bày tỏ một niềm đau.

Muôn Vàn Phép Lạ

      Muôn Vàn Phép Lạ  

                                                                                            trích Lẽ Sống

   Một vị ẩn sĩ nọ, sau 60 năm sống khắc khổ giữa sa mạc, bỗng cảm thấy chán nản khi nghĩ rằng mình chưa hề làm được phép lạ nào như các vị tiền bối.

     Ông quyết định rời bỏ sa mạc để trở về đô thị sống một cuộc sống tiện nghi, bình thường như mọi người.

     Nhưng đôi mắt Chúa lúc nào cũng dõi theo từng suy nghĩ, từng đường đi nước bước của ông. Biết ông đang toan tính bỏ cuộc để trở lại đô thị, Thiên Chúa bèn sai một thiên thần đến với ông. Vị sứ thần đã nói với ông như sau: “Ngài đang toan tính điều gì thế? Ngươi hãy thử nghĩ có phép lạ nào kỳ diệu nào hơn chính cuộc sống của ngươi không? Ai đã ban cho ngươi sức mạnh để có thể cầm cự được trong nơi hoang vu này trong mấy chục năm qua? Ai đã chúc lành cho cây cỏ ngươi đã dùng trong thời gian qua mà không hề gây nguy hại cho ngươi? Ngươi lại đây và xin Chúa ban cho ngươi thêm lòng kiên nhượng…”.

     Ðược lời của vị sứ thần nâng đỡ, nhà ẩn sĩ ở lại trong sa mạc và tiếp tục cuộc sống tu trì của ông với niềm tin vững rằng mỗi một phút giây qua đi trong cuộc sống là một phép lạ mà Thiên Chúa đang thực hiện cho ông.

     “Ðây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ”. Giáo Hội mượn lời Kinh Thánh này để mời gọi chúng ta sống một cách sung mãn giây phút hiện tại. Mỗi một giây phút hiện tại là một hồng ân cứu độ. Thiên Chúa vẫn tiếp tục biến mỗi phút giây của cuộc sống chúng ta thành một phép lạ.

     Không là phép lạ sao tim của chúng ta vẫn tiếp tục đập, mũi chúng ta vẫn tiếp tục hít thở! Còn gì kỳ diệu bằng chính sự sống mà Thiên Chúa vẫn tiếp tục trao ban cho chúng ta. Còn gì kỳ diệu bằng niềm tin Ngài đã trao ban để chúng ta tiếp tục tiến bước trong cuộc lữ hành này.

     Chúng ta vẫn thường nói: ngạc nhiên là khởi đầu của khám phá! Nếu tất cả những khám phá của khoa học đều bắt nguồn từ những câu hỏi mà con người tự đặt ra khi nhìn ngắm vũ trụ, thì sự ngây ngất trước những kỳ công của sáng tạo, trước cuộc sống, trước tình người cũng phải là động lực giúp người tín hữu Kitô chúng ta thấy được, cảm mến được sự hiện diện và tác động kỳ diệu của Thiên Chúa.

     Cái nhìn ấy sẽ giúp chúng ta thấy được giá trị của những công việc âm thầm từng ngày của chúng ta. Cái nhìn ấy sẽ mang lại cho chúng ta sức mạnh để tiếp tục phấn đấu khi phải đương đầu với bệnh tật, với thử thách, với mất mát trong cuộc sống. Một Thiên Chúa luôn làm những kỳ diệu cũng chính là Ðấng có mặt trong từng phút giây của cuộc sống chúng ta để đem lại cho chúng ta những điều thiện hảo đôi khi vượt quá khỏi cái nhìn nông cạn, sự thẩm định giới hạn của chúng ta.

nguồn: từ Maria Thanh Mai gởi

Thánh Ephrem

     Thánh Ephrem
    (306-373)

                                                                                 9 Tháng Sáu

     Là nhà thơ, nhà giáo, nhà hùng biện và bảo vệ đức tin, Thánh Ephrem là người Syria duy nhất được xưng tụng là Tiến Sĩ Giáo Hội. Ngài tự mặc cho mình một trọng trách là chống với các học thuyết lầm lạc đang lan tràn vào thời ấy, và luôn luôn là người bảo vệ đức tin Công Giáo mạnh mẽ.

     Sinh ở Nisibis, Mesopotamia, Thánh Ephrem được rửa tội khi là thanh niên và nổi tiếng là một thầy giáo nơi quê của ngài. Khi hoàng đế nhượng lại phần đất Nisibis cho người Ba Tư, Ephrem cùng với các Kitô Hữu khác trốn sang Edessa (thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) để tị nạn. Ngài được cho là đã đem lại vinh dự lớn lao cho một trường kinh thánh ở đây. Ngài được phong chức phó tế nhưng không muốn làm linh mục.

     Ngài có tài sáng tác văn chương và các tác phẩm phản ảnh sự thánh thiện của ngài. Mặc dù không phải là một học giả vĩ đại, các văn bản của ngài cho thấy sự hiểu biết sâu rộng về Kinh Thánh. Khi viết về mầu nhiệm của sự cứu độ loài người, Thánh Ephrem cho thấy một tâm linh nhân bản dễ mến và thiết thực cũng như sự sùng kính lớn lao đối với nhân tính Ðức Giêsu và Mẹ Maria.

   Người ta nói rằng vào năm 325, ngài đã tháp tùng đức giám mục Giacôbê của Nisibis đi tham dự Công Ðồng Nicea. Chắc chắn rằng các văn bản của ngài là một bảo vệ hùng hồn cho thiên tính của Ðức Giêsu Kitô. Ngài còn sáng tác thi ca để chống với lạc giáo Gnostic. Ngài lấy những bài ca bình dân của người lạc giáo, và dùng chính âm điệu của họ, biến đổi thành những thi ca mang ý nghĩa chính truyền. Thánh Ephrem là người đầu tiên đưa thánh thi vào phụng vụ chung của Giáo Hội như một phương tiện để dạy dỗ người tín hữu. Ngài sáng tác thi ca nhiều đến nỗi được xưng tụng là “Ðàn Thụ Cầm của Chúa Thánh Thần.”

     Thánh Ephrem yêu quý một đời sống thanh bạch, khắc khổ trong một hang nhỏ ở ngoại ô thành phố Edessa. Ngài cũng thường vào phố để rao giảng. Trong thời kỳ nạn đói năm 372, ngài tiếp tay phân phối thực phẩm cho người đói, và tổ chức việc chữa trị người đau yếu. Ngài tận tụy trong công việc này đến nỗi kiệt sức, lâm bệnh và từ trần vào khoảng năm 373.

    Lời Bàn

    Nhiều người ngày nay vẫn khó chấp nhận việc ca hát trong nhà thờ. Tuy nhiên, ca hát là một truyền thống có từ thời Cựu Ước và Tân Ước. Ðó là một phương cách tuyệt vời để biểu lộ cũng như kết tạo tinh thần hợp nhất và niềm vui cho cộng đoàn. Thi ca của Thánh Ephrem được một sử gia thời xưa xác nhận là đã “đem đến vẻ lộng lẫy cho cộng đoàn Kitô Hữu.” Ngày nay, chúng ta cũng cần có những người như Thánh Ephrem để cộng đoàn thêm thánh thiện trong lời ca tiếng hát.

 nguồn: Từ Maria Thanh Mai gởi 

 

Hãy yêu quý và trân trọng các Linh Mục của Chúa

Hãy yêu quý và trân trọng các Linh Mục của Chúa

                                                                 tác giả: Tuyết Mai

 Tôi không phải là linh mục, nhưng tôi biết và thông cảm thật nhiều cho tất cả các Linh Mục trẻ, trung trung, và các cha già. Tôi rất yêu các Linh Mục, bởi không có Linh Mục chúng ta không có dịp và có cơ hội được gặp gỡ Chúa qua Thánh Lễ và qua Bí Tích Thánh Thể. Tôi rất yêu các ngài và chẳng những riêng tôi mà tôi biết toàn thể giáo dân con cái Chúa đều rất cần đến các ngài, vì các ngài là những người đại diện Chúa Giêsu. Các ngài là tông đồ nhiệt thành của Chúa. Các ngài là những vị mục tử tốt lành, đi theo con đường đầy dẫy những chông gai và thử thách, như xưa Chúa Giêsu đã đi qua. Các ngài đã chọn cho mình con đường thiện hảo, dấn thân, hy sinh, quên mình, vác Thánh Giá theo chân Thầy, và vì linh hồn của đàn chiên luôn cần các ngài chăn dắt.

Trước khi các ngài chọn cho mình một hướng đi, dâng hiến cả cuộc đời, được Chúa chọn lọc qua các Đấng bề trên. Các ngài đã trải qua nhiều thử thách, suy tư về con đường mình chọn lựa rất kỹ càng và qua thời gian học tập huấn luyện lâu dài, ít nhất cũng từ 12 năm trở lên, để rồi quyết định đi theo con đường dấn thân làm tông đồ cho Chúa, với chính đời sống ơn gọi độc thân của mình. Tôi biết các ngài cầu nguyện nhiều lắm, để xin Thiên Chúa giúp sức các ngài từ bỏ được tất cả để chọn cho mình một cuộc đời tận hiến. Cả đời các ngài sẽ phải sống độc thân, chọn Chúa làm gia nghiệp, phải luôn giữ mình trinh khiết, luôn tuân giữ đức vâng lời, sống đời khó nghèo. Thật vậy, những lựa chọn sống những luật buộc này quả không dễ dàng chút nào, vì các ngài vẫn còn là một con người bình thường cũng như bao nhiêu con người trần tục khác.

Các ngài cũng ăn, uống, làm việc, ngủ, nghỉ, sinh hoạt chung với các giáo dân. Các ngài cũng có một trái tim bằng thịt. Các ngài cũng có những xuyến xao, những suy tư, những giao động khi phải tiếp xúc với các giáo dân. Các ngài cũng có cặp mắt bằng thịt, cho nên các ngài cũng không sao tránh cho được không nhìn những mỹ nhân, cố tình lai vãng gần các ngài. Các ngài cũng có những cảm giác khi các ngài phải bắt buộc bắt tay những mỹ nhân, khi cố tình muốn làm cho ngài bị hớp hồn vì các cô. Các ngài cũng có những rung động trong con tim khi các nàng cứ cố tình lượn lờ trước mắt các ngài.

Ai bảo đi tu là các ngài bỏ được tất cả mọi sự đời, không rung động, không còn có cảm giác, không ray rứt, không bức xúc, những khi phải va chạm với con chiên là những phụ nữ trẻ, đẹp đẽ, hiền lành lại có tâm hồn đầy nhiệt huyết. Ai bảo các ngài cấm không được ăn ngon, không được hút thuốc, không được nhậu, không được nhảy đầm, không được đi dạo bát phố, không đi một mình, không và không. …???.   Ai cấm các ngài không được nhìn ở những cô gái đẹp chưa có chồng, nhưng vì lý do gì đó lại muốn đi chiếm cho bằng được trái tim của các Linh Mục?.   Thế mới ma quỷ chứ! Thế mới có chuyện để mà nói! Thế mới có chuyện xảy ra là các bà già phải dòm chừng các Linh Mục dữ lắm!.   Các bà dòm chừng đến độ mà làm cho các ngài cảm thấy mình bị mất cả tự do. Dòm chừng đến độ mà có Linh Mục phải khó chịu, phải nói thẳng với giáo dân là các ông các bà đừng nên làm thế!.  

 Nhưng có phải ai cũng hiểu rằng tìm ra được một Linh Mục thời nay quả là hiếm hoi? Vì thế giáo dân lại càng quý các Linh Mục nhiều hơn trước nữa! Nhất là một Linh Mục thực sự là một Linh Mục.   Một Linh Mục tinh tuyền, có nghĩa có trái tim giống Chúa.   Muốn được bước đi theo con đường của Chúa đã đi xưa.   Có nghĩa được theo Chúa và được chết cho Chúa, nếu đó là Thánh Ý Chúa.

Tôi không biết bửu bối của các Linh Mục là chi khi gặp hay phải tiếp xúc với những nàng mỹ nữ cố tình cố ý muốn trêu chọc hay muốn khêu gợi các ngài? Lại làm cho tôi liên tưởng đến những chapter chuyện phim của Tề Thiên Đại Thánh. Thầy trò trên đường đi Tây Tạng để thỉnh kinh, đi đến đâu thì y như rằng mỹ nữ đẹp tuyệt trần ở đâu tự nhiên hiện ra để trêu chọc các ông, cố tình lưu giữ hay làm mê hoặc để chậm trễ cuộc hành trình của các ông chăng?.   Nào là hồ ly tinh giả dạng ra các cô nàng đẹp như tiên nữ, múa lượn vờn quanh, đàn ca hát xướng, chuốc rượu cho các ông uống, để mưu mô bắt giữ các ông, và v.v……..

Tôi thật tình không biết các Linh Mục làm được những gì trong những tình huống tiến thoái lưỡng nan như thế xảy đến cho các ngài? Không biết các ngài sẽ thoái thác và từ chối khéo như thế nào khi bị các cô tấn công lúc chỉ có riêng hai người? Và tôi nghĩ không những các ngài bị tấn công một lần rồi thôi đâu, mà còn nhiều nhiều lần trong quá khứ cũng như sẽ tiếp tục trong tương lai. Nhất là các vị Linh Mục vừa trẻ, cao ráo, lắm tài, ăn nói lưu loát, và lại điển trai. Bí quyết của các ngài là gì? Có phải là cầu nguyện, là ăn chay, là mặt đối mặt để thách thức với chính mình?.   Rồi để thắng cuộc hay để cho lòng mình bị sa ngã, bị đánh gục?.   Tôi không biết các ngài làm gì sau đó khi các ngài thắng cuộc được một lần hay tôi cũng không biết các ngài sẽ làm gì sau đó khi các ngài thua cuộc một cách nặng nề?.

Quả thật tình, tôi yêu quý các Linh Mục là Mục Tử của Chúa vô cùng. Các ngài chẳng khác nào như chiên non đi giữa bầy sói. Bửu bối và khí giới của các ngài chẳng có gì ngoài lòng sắt son mà các ngài đã thề ước với Thiên Chúa. Khí cụ của các Linh Mục là chuỗi Mân Côi, là đức tin vững mạnh vào Thiên Chúa Ba Ngôi, là hạnh phúc đời sau, là đem tình yêu đến cho muôn người, là dẫn dắt đàn chiên cả chiên mẹ và chiên con, là lý tưởng, và nhất là cần phải có đời sống tâm lý trưởng thành và cũng cần một “biên cương” cách ly đúng mức trong giao tiếp.

Muốn đem thật nhiều con chiên về cho Chúa. Muốn được theo thánh ý Chúa. Muốn chương trình của Chúa được hoàn tất trên các ngài. Muốn cho Lời của Chúa và tình yêu trao ban cho nhưng không, được gieo vãi khắp mọi nơi mà các ngài có cơ hội đặt chân đến. Muốn tình yêu và bình an của Thiên Chúa được tất cả con người nhân loại hứng nhận từ đông sang tây, từ khắp mọi nơi trên địa cầu, nhận biết Thiên Chúa là Thiên Chúa duy nhất mà hết cả thảy nhân loại phải cúc cung bái lậy, cảm tạ, suy tôn, và thờ phượng.

Không ai là giáo dân mà không quý trọng chức vụ linh thiêng của vị Linh Mục. Linh mục là một chức vụ cao cả nhất vì các ngài thay Chúa Giêsu chăn dắt đàn chiên của mình và các ngài là những tông đồ đặc biệt được Thiên Chúa yêu thương và tuyển chọn. Không vị Mục Tử chân chính nào lại muốn đàn chiên của mình bị tan tác. Không vị Mục Tử nào chỉ muốn chăn dắt hay chăm sóc riêng cho một con chiên mà bỏ quên cả đàn chiên. Không mục tử nào muốn chiên của mình bị mắc bẫy hay sa vào hố sâu, và ngược lại cũng không chiên nào lại muốn Thầy của mình bị mắc bẫy hay té hố sâu, vì không Thầy chúng con biết theo ai, vì không Thầy chúng con biết đi về đâu????.

Nguyện xin Thiên Chúa Ba Ngôi, luôn ban cho các Linh Mục một cuộc đời ngày lại ngày trên trần thế này, có được cuộc sống tuy thinh lặng nhưng thật bình an, trong sóng gió nhưng luôn nguyện cầu, xác hồn tuy yếu đuối nhưng luôn có ơn Chúa gìn giữ ngày đêm.   Gặp cám dỗ thì chuỗi Mân Côi của Mẹ Maria sẽ giúp các ngài tai qua nạn khỏi. Xin Thiên Chúa luôn gìn giữ, đỡ nâng, an ủi, và xoa dịu các ngài, vì các ngài cũng chỉ là một con người bình thường, cũng trải qua con đường mà ai trên trần gian này cũng đều phải trải qua đó là sinh bệnh lão tử và cũng sống trong một cuộc sống hằng ngày phải chiến đấu với những tham sân si. Lậy Chúa xưa Chúa đã phán: “Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt. …”.

Xin Chúa ban cho thế giới chúng con thêm thật nhiều thợ gặt thánh thiện, có tấm lòng luôn biết xót thương, có nhiều nhiệt huyết, tận tụy, tận tâm, hy sinh, bác ái, độ lượng, để danh Chúa qua các ngài được sáng tỏa lan khắp mặt địa cầu. Để danh Thiên Chúa cả trên trời và dưới đất cùng tung hô, ca ngợi, và chúc khen một Thiên Chúa quyền năng khắp bờ cõi từ muôn thuở muôn đời. Amen.

 ** Xin bấm vào mã số dưới đây để hát theo:

    http://www.youtube.com/watch?v=k-Q-b471QyM

   (Mừng Con Trai Nay Đã Trở Về)

     http://www.youtube.com/watch?v=EAPeMZ2tOsA

   (Chúa Gọi Con Từ Lâu)

 Y Tá Của Chúa,

Tuyết Mai

Videos

Đức Mẹ Hiện Ra Tại Fatima 1917

Đức Mẹ Hiện Ra Tại Fatima 1917

 Tác giả: Cát Minh

 Ba Trẻ Lucia, Jacinta và Phanxicô là ba em bé chăn chiên thuộc gia đình nghèo làng quê Fatima, nước Bồ Đào Nha. Các trẻ em này thuộc giáo phận Leiria. Hàng ngày các em được gia đình, cha mẹ trao phó việc dẫn đoàn súc vật: chiên, cừu đi ăn cỏ ở các vùng đồi núi quanh đó. Các em thường có thói quen sau khi để bầy súc vật ăn cỏ, liền qùi gối trên bãi đất trống đọc kinh, lần chuỗi mân côi chung với nhau. Mùa Xuân năm 1916, một thiên thần đã hiện đến ba lần và báo trước về các lần hiện ra của Đức Mẹ.

Vào mùa hè năm 1917 lúc đó thế chiến thứ nhất đang tiếp diễn, ngày 13 tháng 5 năm 1917, khi các em chăn dẫn đàn vật tại thung lũng Cova da Iria, một nơi có nhiều cây sồi và cây ôliu và lúc các em đang sốt sắng đọc kinh, lần chuỗi mân côi lúc gần giữa trưa, một luồng chớp chói lòa làm các em bỡ ngỡ, kéo hoàn toàn sự chú ý của các em về những ngọn cây trên đồi Cova da Iria, một Vị sáng láng hiện ra, Thiếu Nữ ấy xin các em cầu nguyện cho những người tội lỗi ăn năn trở lại, chiến tranh sớm kết thúc.

Đức Trinh Nữ Maria xin các em hãy trở lại vào các ngày 13 trong những tháng sau đó. Sứ điệp của Đức Mẹ kêu gọi sám hối, lần hạt Mân Côi, và dâng hiến thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ. Lần nào hiện ra, Đức Mẹ cũng yêu cầu các em hãy lần chuỗi hằng ngày. Mẹ còn dạy các trẻ một lời nguyện để thường xuyên dâng lên Thiên Chúa các biến cố đời sống, nhất là các hành vi khổ chế và hy sinh của các em:

Lạy Chúa Giêsu, việc này xin vì lòng mến Chúa, xin cho các tội nhân trở lại, và đền tạ những xúc phạm người ta đã gây ra cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria.

Thiếu Nữ dặn các em hãy trở lại nơi này vào ngày 13 mỗi tháng. Theo lời Thiếu Nữ căn dặn, các em tới đó và được nhìn thấy Thiếu Nữ hai lần sau đó vào ngày 13 tháng 6 và ngày 13 tháng 7. Ngày 13 tháng 8, nhà cầm quyền địa phương ngăn cản các em không cho tới Cova da Iria, nhưng Thiếu Nữ đã hiện ra với các em vào ngày 19. Ngày 13 tháng 9, Thiếu Nữ xin các em lần hạt Mân Côi để cầu cho chiến tranh sớm kết thúc. Ngày 13 tháng 10, Thiếu Nữ hiện ra và xưng mình là Mẹ Rất Thánh Mân Côi.

Mẹ mời gọi các em cầu nguyện và làm việc đền tạ. Lần này, một hiện tượng rất lạ đã xẩy ra làm rúng động mọi người: Chính quyền, dân chúng và các nhà báo chứng kiến hiện tượng gọi là Mặt Trời múa hay thái dương như rơi khỏi bầu trời và lao xuống đất. Ngày 13 tháng 10 năm 1930, sau nhiều năm điều tra, xác minh và cầu nguyện, tìm hiểu, Đức Giám Mục Leira đã công nhận chính thức việc Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ tại đồi Cova da Iria, Fatima, Bồ Đào Nha và cho phép tổ chức các việc đạo đức để cung kính Đức Maria Mân Côi nơi Mẹ đã hiện ra vào năm 1917.

Sứ Điệp và Mệnh Lệnh Fatima 

 Đức Mẹ đã hiện ra đúng như lời Mẹ loan báo trước và sự kiện thái dương như muốn rơi xuống đất, làm khiếp kinh hồn vía mọi người, đã minh chứng quyền năng của Thiên Chúa. Qua biến cố lạ lùng như thế, Mẹ Maria Rất Thánh Mân Côi kêu mời nhân loại hãy ăn năn sám hối. Sứ điệp của Fatima là hãy cầu nguyện cho các tội nhân, lần chuỗi Mân Côi và sám hối. Ngày 13 tháng 10 năm 1917, Đức Mẹ dậy:

”Mẹ đến kêu nài các tín hữu hãy lần hạt Mân Côi. Mẹ mong ước nơi đây có một nguyện đường tôn kính Mẹ. Nếu người ta cải thiện đời sống thì chiến tranh sớm kết thúc“.

Đức Mẹ đã hiện ra với ba trẻ để qua các em, Mẹ nhắn nhủ nhân loại siêng năng cầu nguyện, năng lần chuỗi Mân Côi và thống hối ăn năn. Mẹ đã trao cho ba trẻ nhiều bí mật và căn dặn các em sống thánh để cầu nguyện cho những kẻ có tội và cứu vãn thế giới.

Được chiêm ngưỡng Đức Mẹ hiện ra, ba trẻ Lucia, Jacinta, Phanxicô đã sống theo ý Chúa, tuân lời Đức Mẹ. Chúa có con đường của Ngài và Ngài dọn chỗ cho con người tùy lòng xót thương của Ngài. Phanxicô được nhìn thấy Đức Mẹ, nhưng không được nghe lời Đức Mẹ nói, đã qua đời ngày 04 tháng 4 năm 1919, Giacinta qua đời ngày 20 tháng 2 năm 1920. Chúa để Lucia sống trong tu viện kín nhiều năm sau trước và sau khi bí mật được công bố. Ba trẻ đã được hạnh phúc chiêm ngưỡng và nghe lời Đức Mẹ chỉ bảo, dậy dỗ. Với sứ điệp Fatima, Mẹ Maria Rất Thánh Mân Côi muốn nói lên một sự thật tuyệt vời: con người đang hư đi, thế giới đang dần xa Thiên Chúa, họ chỉ có thể được cứu vãn bằng những phương thế mà Mẹ dậy. Ðức Mẹ đã truyền phải thực hiện 3 mệnh lệnh Fatima để cứu nhân loại và cứu các linh hồn khỏi lửa luyện ngục. Ba Mệnh lệnh đó là:

1. Ăn năn đền tội, cải thiện đời sống
2. Tôn sùng Trái Tim vẹn sạch Ðức Mẹ
3. Lần Chuỗi Mân côi

Các Bí Mật Fatima

  Bí Mật Fatima là những gì Đức Mẹ tỏ ra cho hai mục đồng là Lucia (bấy giờ 10 tuổi) và Giaxinta (bấy giờ 7 tuổi) biết vào lần hiện ra thứ ba, ngày 13/7/1917, và bảo các em không được tiết lộ với bất cứ một ai, ngoại trừ một mình Phanxicô là em cũng được thấy Đức Mẹ hiện ra như các em song không nghe thấy Mẹ nói gì hết.

Thật ra không phải là có 3 Bí Mật Fatima khác nhau như người ta vẫn quen nói mà là Bí Mật Fatima có ba phần khác nhau, như chính chị Lucia đã xác nhận trong phần mở đầu cuốn Hồi Ký Thứ Ba của chị.

Phần thứ ba của Bí Mật Fatima được chị Lucia viết ra vào ngày 3/1/1944. Thế nhưng, để viết phần bí mật này, một trong ba phần bí mật quan trọng nhất đã được Mẹ Maria căn dặn chung là “không được nói với ai”, song chính vì hai phần kia đã được tiết lộ mà ai cũng muốn biết thêm về phần bí mật còn lại này, kể cả giáo quyền địa phương bấy giờ, đến nỗi đã ngỏ ý muốn chị viết ra, nên để giải tỏa bối rối cho Lucia, Mẹ Maria đã phải hiện ra với chị ngày 2/1/1944, bảo chị biết rằng đã đến lúc chị nên viết ra phần bí mật còn lại này để trình lên giáo quyền.

Đức giám mục sở tại nhận được phần bí mật thành văn này ngày 17/6 cùng năm, song mãi tới năm 1957 Tòa Thánh mới để ý tới nó và lưu giữ nó từ ngày 4/4/1957. Như chị Lucia cho biết, thì phần bí mật này chỉ có một mình Đức Thánh Cha mới được phép tiết lộ, nhưng hoàn toàn tùy ý ngài. Các Đức Thánh Cha Gioan XXIII và Phaolô VI cũng đã đọc phần bí mật này song không công bố gì cả. Theo ý của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh tòa thánh là Angelo Sodano đã công bố phần bí mật này.

Trước khi tuyên bố “Phần thứ ba của bí mật Fatima”, Ðức TGM Tarcisio Bertone, Tổng Thư ký Bộ Giáo lý Ðức tin, đã nhiều lần đến Tu viện Coimbra để tiếp xúc với Nử Tu Lucia. Và nữ tu Lucia đã xác nhận  bản tuyên bố là đúng với những điều Ðức Mẹ đã tiết lộ cho ba em.

Sau đây là cuộc phỏng vấn Ðức Cha Bertone dành cho nhật báo “Tương Lai”:

Hỏi – Ðức Cha có thể cho biết Chị Lucia đã viết gì trong cuốn sách được Ðức Cha nói đến?

Ðáp – Ðây là cuốn lược tóm tất cả những bút tích thiêng liêng, từ các sứ điệp Fatima, Chị Lucia viết lại cách đơn sơ và cụ thể hóa bằng những gợi ý, những lời khuyên. Bị tràn ngập bởi những câu hỏi về những lần hiện ra và những lời Ðức Trinh Nữ, cần được giải thích, và vì không thể trả lời cho từng người được, Chị Lucia xin và được phép Tòa Thánh để viết một cuốn sách “Os apelos da Mensagem de Fatima” (Những lời kêu gọi của sứ điệp Fatima). Ðây là đầu đề cuốn sách được viết ra, để trả lời chung các câu hỏi đã nhận được. Ðiểm tham khảo liên lỉ và như là cơ cấu của cuốn sách tức là lời kêu gọi của Ðức Trinh Nữ: “Ðừng xúc phạm Thiên Chúa nữa. Người đã bị xúc phạm quá nhiều rồi” (lần hiện ra ngày 13.10.1917).

Xét chính nội dung, cuốn sách không thêm bớt gì sứ điệp Fatima, nhưng giải thích, phổ biến với những áp dụng thực hành của đời sống Kitô. Vì thế có thể sẽ làm ích nhiều cho những ai cảm thấy nơi bản thân sự lo lắng, sự không chắc chắn và hồ nghi về số phận đời đời của mình.

Hỏi – Khi nào sẽ xuất bản?

Ðáp – Cuốn sách gồm 334 trang đánh máy. Tôi nghĩ rằng: có thể xuất bản tại Bồ đào nha trong thời gian tương đối ngắn, nếu không trong năm nay, thì vào đầu năm 2001.

Hỏi – Trong cuộc gặp gỡ, Chị Lucia có kể cho Ðức Cha về các lần hiện ra khác nữa không?

Ðáp – Trong cuộc nói chuyện, chúng tôi không nói đến các lần hiện ra khác, bởi vì cuộc nói chuyện chỉ xoay chung quanh những lần hiện ra năm 1917 mà thôi và cách riêng lần hiện ra ngày 13 tháng 7. Nhưng do các bức thư của chị Lucia, tôi biết Chị còn có những lần hiện ra hoặc những thông truyền khác do “Ðức Bà”, lúc chị ở Pontevedra và ở Tuy, bên Tây ban nha (nơi Chị Lucia tu trước khi trở về Ðan viện Coimbra, bên Bồ đào nha), từ năm 1925 trở đi và sau năm 1952 tại Bồ đào nha, ở Coimbra; có thể cho đến năm 1984. Như vậy cuộc đàm thoại với Ðức Trinh Nữ đã được tiếp tục và kéo dài, như để minh chứng sự giúp đỡ ân cần của một Người Mẹ và Người Thầy cho công việc giải thích đúng nghĩa và thông truyền trung thành sứ điệp của Người.

Hỏi – Có phải với việc giúp đỡ này chúng ta có thể chắc chắn rằng “thị kiến trong phần thứ ba của Bí mật Fatima” hướng về quá khứ không?

Ðáp – Ðây là một việc tiếp theo của các sự kiện lịch sử: các sự kiện này xem ra được thực hiện đúng như những dự tính trước của thị kiến. Trước hết, đây là một con đường Thánh giá về các đau khổ của Giáo hội, do những cuộc bách hại mà Giáo hội phải chịu trong suốt thế kỷ XX. Rồi đến vụ mưu sát “bằng vũ khí” vào chính ngày kỷ niệm việc hiện ra lần thứ nhất của Ðức Trinh Nữ Maria tại Fatima. Ðây là sự kiện độc nhất trong thế kỷ này: một vị Giáo Hoàng bị tử thương và thực sự xém chết. Thị Kiến “nói lên sự thật”, như ÐTC và ÐHY Ratzinger đã nhận xét; thị kiến cho phép nhận ra một sự phù hợp, sự phù hợp này hơn nữa đã được Chị Lucia xác nhận.

Hỏi – Cái gì đã làm cho Chị Lucia nghĩ rằng thời gian tốt nhất để tiết lộ Bí Mật Thứ Ba là sau năm 1960?

Ðáp – Ðây là một câu hỏi không tìm ra câu trả lời dễ dàng. Như tôi đã tả lại trong cuộc nói chuyện với Chị Lucia: những lời của Chị mang đến cho ta một giải thích có thể chấp nhận được, nhưng việc giải thích này thực sự chưa thỏa mãn. Chúng ta cần nhớ điều này là Chị Lucia đã viết lại các chuyện xẩy ra năm 1944, và có thể năm 1960 đối với Chị, đánh dấu một chân trời đủ xa cách, để việc tiên tri kia thành sự thật.

Hỏi – Chị Lucia có nói lên những tâm tình của mình khi biết tin về vụ mưu sát Ðức Gioan Phaolô II không?

Ðáp – Chị Lucia đã bị xúc động sâu xa, bởi những tin tức về vụ mưu sát Ðức Phaolô VI tại Manila xẩy ra ngày 27 tháng 11 năm 1970. Chúng ta còn nhớ Ðức Phaolô VI là Vị Giáo Hoàng đầu tiên đến Fatima trong năm 1967 (kỷ niệm 50 năm Ðức Trinh Nữ hiện ra tại đây) và ngài đã gặp người được thấy Ðức Mẹ hiện ra (Chị Lucia). Năm 1981, chiến thuật và sự trầm trọng của vụ mưu sát Ðức Gioan Phaolô II thể hiện sự thật kinh khủng của phần thứ ba của Bí Mật Fatima. Chị Lucia một lần nữa đã sống chiều ngày 13 tháng 5 năm 1981 sự đau khổ kinh khửng mà ba trẻ em mục đồng đã cảm thấy trong lúc nhận được thị kiến; Chị Lucia không thể quên được lời nói đầy âu yếm của Giaxinta trong lúc đó: “Thật tội nghiệp Ðức Thánh Cha; tôi phải ăn năn đền tội nhiều cho các người tội lỗi”.

Hỏi – Ngày nay Chị Lucia nghĩ gì?

Ðáp – Chị Lucia không phải là một người gây thảm hại quá mức độ. Chị rất bình thản và vui mừng, bởi vì lịch sử đã theo một con đường khác với những dự kiến buồn thảm được nghe nói trong năm 1917. Xem ra có người không đồng ý, vì lời tiên tri không hoàn tất đúng như bản văn đã nói: “cái chết tức khắc (của ÐTC) và về đệ tam thế chiến, chiến tranh nguyên tử, gây nên chết chóc và tàn phá kinh khủng”. Nhưng thái độ “bi quan” này, như Ðức Hồng Y Ratzinger đã nói, thì phù hợp với Thuyết định mệnh không thể tránh được, hơn là phù hợp vói sự tín nhiệm dựa trên niềm hy vọng Kitô. “Không có một số phận nào lại không thể thay đổi được.Ðức Tin và lời cầu nguyện là những sức mạnh có thể ảnh hưởng trong lịch sử và sau cùng lời cầu nguyện trở nên hiệu lực hơn các viên đạn bắn ra, đức tin hùng mạnh hơn hơn những chia rẽ”.

Hỏi – Câu hỏi sau cùng. Thưa Ðức Cha, có thể có nguy hiểm này hay không: là khi bí mật được tiết lộ rồi, thì cả sứ điệp Fatima sẽ đi vào trong lãng quên của một thế giới, hiện vẫn còn bị chiến tranh, bạo động, bất công và sai lạc luân lý?

Ðáp – Thực ra có nguy hiểm. Nhưng tôi hy vọng rằng: sứ điệp Fatima không ngừng nói với các tín hữu. Chính vì thế giới còn chiến tranh, chia rẽ, bạo động, bất công và những sai lạc luân lý, nên cần phải khởi sự lại từ trung tâm điểm Phúc Âm. Ðàng khác, những tấn công chống lại Giáo hội và các tín hữu, với sức đè nặng của đau khổ mà Giáo hội và các tín hữu mang trên mình, từ năm 1981, vẫn không hết, trái lại vẫn còn tiếp tục. Cho dù lời kêu gọi trở lại và ăn năn xám hối, được rao giảng từ đầu thế kỷ XX và cách riêng cho thế kỷ này, lời kêu gọi vẫn giữ trọn tính cách thời điểm của nó. Như ÐTC đã viết trong một sứ điệp năm 1996: “Lời mời gọi liên lỉ của Ðức Maria rất thánh về ăn năn sám hối không là gì khác, mà chỉ là việc biểu lộ sự lo lắng của Người Mẹ đối với số phận của gia đình nhân loại: cần phải trở lại và xin ơn tha thứ”.

Ngày 13/05/2000, Chị Lucia đã hiện diện tại Fatima, trong lúc đại diện Giáo hội tiết lộ các Bí mật, sau thánh lễ Phong Chân phước cho Phanxicô và Giaxinta.

 BI MẬT PHẦN THỨ NHẤT:

Ðức Bà cho chúng con thấy một biển cả lửa hồng dường như ở dưới mặt đất. Chìm ngập trong lửa này là quỷ dữ và các linh hồn dưới hình thể con người, giống như những cục than hồng trong suốt, đen đủi hoặc xám xịt. Họ nổi lên trong đám cháy, bị các ngọn lửa nâng lên cao, những ngọn lửa này phát ra từ thân mình họ cùng với một đám khói lớn. Họ lại rớt xuống mọi phía, giống như những tia lửa trong một đám cháy lớn, vô trọng lượng hoặc mất thăng bằng, và giữa những tiếng la hét và rên rỉ vì đau đớn và tuyệt vọng, làm

 

 kinh khiếp chúng con và làm chúng con run lên vì sợ hãi. Các quỷ dữ có thể được phân biệt do các hình thù gây kinh hãi và ghê tởm, giống như những con vật khủng khiếp và chưa bao giờ thấy, tất cả đều đen đủi và trong suốt. Thị kiến này kéo dài một lúc. Làm sao chúng con có thể bày tỏ lòng biết ơn cho xứng với Mẹ yêu dấu trên trời của chúng con, Ðấng đã báo trước cho chúng con trong lần Hiện ra thứ nhất khi hứa rằng Ngài đem chúng con về trời. Bằng không, con nghĩ rằng chúng con sẽ chết điếng vì sợ hãi và kinh khiếp.

 BÍ MẬT PHẦN THỨ HAI:

Sau đó mắt chúng con hướng về Ðức Bà. Ngài hết sức âu yếm và buồn bã nói với chúng con:

“Chúng con đã thấy hoả ngục, nơi mà các linh hồn tội lỗi đáng thương đi vào. Ðể cứu vớt họ, Thiên Chúa muốn thiết lập trên thế giới việc sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm. Nếu điều Mẹ nói với các con được thực hiện, nhiều linh hồn sẽ được cứu và sẽ có hoà bình. Chiến tranh sẽ kết thúc: nhưng nếu dân chúng không ngừng xúc phạm đến Thiên Chúa, một cuộc chiến tranh tồi tệ sẽ xảy ra trong triều Giáo hoàng của đức Piô XI. Khi chúng con thấy một đêm tối được chiếu sáng bởi một ánh sáng chưa từng biếât, chúng con hãy biết rằng đó là dấu chỉ lớn lao mà Thiên Chúa ban cho các con để biết rằng Người sắp trừng phạt thế gian vì những tội ác của nó, bằng chiến tranh, đói kém, và những bách hại đối với Hội Thánh và Ðức Thánh Cha. Ðể tránh điều này, Mẹ sẽ xin hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ, và Hiệp thông đền tạ vào ngày Thứ Bảy đầu tháng. Nếu lời cầu xin của Mẹ được chấp nhận, Nước Nga sẽ hoán cải, và sẽ có hoà bình; nếu không, nó sẽ phổ biến những lầm lạc trên khắp thế giới, gây nên những chiến tranh và bách hại cho Hội Thánh. Những kẻ lành sẽ bị giết hại; Ðức Thánh Cha sẽ đau khổ nhiều; nhiều quốc gia sẽ bị tiêu diệt. Cuối cùng, Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ sẽ toàn thắng. Ðức Thánh Cha sẽ hiến dâng Nước Nga cho Mẹ, và nó sẽ được hoán cải, và một giai đoạn hoà bình sẽ được ban cho thế giới”.

 BÍ MẬT PHẦN THỨ BA:

Sau hai phần mà con đã giải thích, phía bên trái của Ðức Bà và cao hơn một ít, chúng con đã thấy một Thiên thần cầm một thanh gươm bằng lửa nơi tay trái; nó lấp lánh và phát ra những tia lửa dường như sẽ đốt cháy thế gian; nhưng chúng tắt ngúm khi chạm đến ánh quang chiếu toả từ tay phải của Ðức Bà hướng về trần gian: chỉ về trái đất bằng tay phải, Thiên thần lớn tiếng thốt lên: ‘Ðền tội, Ðền tội, Ðền tội!’. Và chúng con thấy trong một luồng sáng lớn là Thiên Chúa: ‘một cái gì tương tự như cách người ta xuất hiện trong một tấm gương khi người ta đi ngang qua’ một Giám mục bận đồ trắng ‘chúng con có cảm nhận đó chính là Ðức Thánh Cha’. Các Giám mục, các Linh mục, các tu sĩ nam nữ khác leo lên một ngọn núi dốc thẳng, trên đỉnh núi có một Thánh giá lớn làm bằng thân cây thô nhám như thể của một cây bần với vỏ cây; trước khi đến đó, Ðức Thánh Cha đi qua một thành phố lớn, một nửa bị tàn phá và một nửa rung chuyển, với bước chân nghiêng ngả, buồn khổ vì đau đớn và ưu phiền, ngài cầu nguyện cho các linh hồn của những thân xác ngài gặp trên đường; khi đã lên đỉnh núi, quỳ dưới chân Thánh giá lớn, ngài đã bị một nhóm lính giết hại bằng đạn và mũi tên, và cùng một cách thức như thế các Giám mục, Linh mục, tu sĩ nam nữ khác, và các người giáo dân thuộc mọi giai cấp và địa vị xã hội khác nhau lần lượt bị giết hại. Bên dưới hai cánh tay của Thánh giá có hai Thiên thần, mỗi vị cầm trong tay một chiếc bình bằng pha lê, trong đó các ngài hứng máu của các vị Tử đạo và với máu đó các ngài rảy trên các linh hồn đang tiến về Thiên Chúa.

 Những Điểm Đáng Chú Ý Của Các Lần Hiện Ra Ở Fatima

 1.  Ngày Chúa Nhật 13/5/1917, Đức Mẹ đã hiện ra với 3 trẻ tại Cova Da Iria, làng Fatima và nói: “Ta từ trời xuống.  Ta muốn các con đến đây củng vào giờ này ngày 13 mỗi tháng cho đến tháng 10.  Ta sẽ cho biết Ta là ai? Và muốn gì?”. Hãy đọc Kinh Mân Côi hàng ngày để xin ơn hoà bình cho thế giới và chấm dứt chiến tranh.

2.  Ngày thứ Tư 13/6/1917, Đức Mẹ hiện ra lần 2, và nói với Luxia: “Chúa muốn cho con ở lại trần gian lâu hơn để làm cho người ta biết Ta và yêu mến Ta. Mẹ mong muốn các con cầu Kinh Mân Côi hằng ngày.

3.  Ngày thứ Sáu 13/7/1917, Đức Mẹ hiện ra lần thứ 3, ban cho các em điều Bí Mật, cho các em thấy Hỏa Ngục, và khuyên dạy các em cầu nguyện: “Lạy Chúa Jesu, con xin dâng các việc này cho Chúa để cải hóa các kẻ có tội, và đền tạ những sự xúc phạm đến Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ. Mẹ mong muốn các con tiếp tục đọc Kinh Mân Côi hằng ngày để tôn vinh Ðức Mẹ Mân Côi, để xin ơn hoà bình thế giới và chấm dứt chiến tranh, vì chỉ Người người mới có thể cừu giúp các con … Mỗi khi các con đọc Kinh Mân Côi, sau mỗi mầu nhiệm hãy đọc: “Ôi Chúa Giêsu của chúng con, xin tha thứ cho chúng con, xin cứu chúng con khỏi lửa hỏa ngục. Xin dẩn đưa các linh hồn lên Thiên Ðàng, nhất là những linh hồn cần Chúa thương xót hơn hết.

4.  Ngày Chủ Nhật 19/8/1917, Đức Mẹ hiện ra lần thứ 4 (vì ngày 13/8 các em đang bị bắt giữ để điều tra), khuyên bảo các em tiếp tục cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi, và phán bảo Luxia hãy dùng các phẩm vật người ta dâng cúng, để xây 1 nhà nguyện tại đây. Mẹ muốn các con tiếp tục đọc Kinh Mân Côi hằng ngày.

5.  Ngày thứ năm 13/9/1917, Đức Mẹ hiện ra lần thứ 5, và cũng khuyên bảo các em tiếp tục cầu nguyện chuỗi Mân Côi để được hòa bình. Hãy tiếp tục đọc Kinh Mân Côi để xin chấm dứt chiến tranh.

6.  Ngày thứ bảy 13/10/1917, Đức Mẹ hiện ra lần thứ 6, và cũng là lần cuối cùng, và phán bảo: “Ta là Nữ Vương Mân Côi.  Các con hãy tiếp tục lần chuỗi Mân Côi.  Các kẻ có tội cần phải tự cải hóa và ăn năn xám hối.  Chúa bị xúc phạm quá nhiều rồi.  Chớ chi người ta đừng làm mất lòng Chúa nữa.  Cũng trong ngày hôm nay, Đức Mẹ đã làm một phép lạ cả thể, cho mặt trời nhảy múa trên không trung, phát ra nhiều ánh sáng kỳ dị, làm cho mọi người ăn năn thống hối và tin.

 BIẾN CỐ FATIMA VÀ ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ II

 Ngày 13/5/1981, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bị một thanh niên người Thổ Nhĩ Kỳ tên là Mehmet Ali Agca 23 tuổi ám sát hụt tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Mehmet Ali Agca đã bắn 4 phát súng 9mm về phía Đức Thánh Cha lúc đó đang đứng chào dân chúng và Ngài đã ngã ra phía sau. Viên đạn thứ nhất trúng bụng, viên thứ 2 trúng tay trái, viên thứ 3 trúng ngực một bà Mỹ 60 tuổi, và viên thứ 4 trúng tay người phụ nữ Jamaica 21 tuổi. Lý do tại sao Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bị ám sát vẫn còn nằm trong vòng bí mật. Mehmet Ali Agca, sinh ngày 9 tháng 1 năm 1958, đã bị kết án tù chung thân về tội mưu sát ÐTC Gioan Phaolô II.

Trong Đại Năm Thánh 2000, ĐTC đã xin tổng thống Ý tha cho người sát hại Ngài, và Ali Agca sau 20 năm trong tù đã được Ý trao trả cho Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2001, và tiếp tục ở tù ở quốc gia của mình vì tội sát hại một vị giám đốc nhật báo vào năm 1979.  Ngài đã vào tù thăm người đã bắn Ngài và đã tha thứ cho anh. Ali Agca có lẽ đã cảm kích cử chỉ của Đức Thánh Cha nên đã quỳ xuống hôn tay Ngài cách trân trọng.

Chính anh Ali Agca người đã bắn những cú chí tử vào Ðức Gioan Phaolô II, đã  hết sức ngạc nhiên, tại sao bị thương như vậy, mà ÐTC đã không chết. Việc ÐTC không chết, là vì có bàn tay Ðức Mẹ Fatima. Chính ÐTC đã công nhận như vậy và ngày 12-13/05/1982, ngài đã đến Fatima hành hương, để tạ ơn Ðức Mẹ và tuyên bố rõ ràng: “Ðức Mẹ Maria đã cứu sống tôi”.

Ðể ghi nhớ muôn đời, một trong các viên đạn được lấy ra lúc giải phẫu cho ÐTC,  tại Bệnh viện Bách Khoa Gemelli ở Roma, đã được ghép vào triều thiên của Ðức Mẹ tại Ðền Thánh Fatima trong dịp ÐTC đến hành hương tạ ơn 13/05/1982. Trong cuộc hành hương Năm Thánh 2000, ÐTC còn để lại một kỷ niệm khác nữa: đặt dưới chân Mẹ chiếc nhẫn Giám mục quí giá, do Ðức Cố Hồng Y Stefan Wyszynski, Giáo chủ Ba lan và TGM Varsovie, tặng cho ngài khi được bầu làm Giáo Hoàng (16/10/1978).  Còn chiếc giây lưng trắng bị đẩm máu trong vụ mưu sát tại Quảng trường Thánh Phêrô lúc 17giờ 10 phút ngày 13/05/1981, đã được để lại làm kỷ niệm tại Czestochowa, Ðền Thánh quốc gia Ba lan, nơi ÐTC đã đến hành hương nhiều lần trong những năm sinh sống tại Ba lan và cả sau khi đã làm Giáo Hoàng.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng đã cho phổ biến chuỗi Mân Côi thứ 4, tức Chuỗi Sự Sáng thêm vào 3 chuỗi Mân Côi đã có từ lâu, có lẽ cũng xuất phát từ lòng tri ân Mẹ.

 THẾ GIỚI SAU CÁI CHẾT CỦA CHỊ LUCIA

Chị Lucia là một sơ nổi tiếng được nhiều người biết đến nhất của thế giới hôm nay cũng như Mẹ Têrêsa Calcutta. Thế nhưng, Chị Lucia vẫn sống trong vâng lời và yên lặng, chu toàn công việc tầm thường hằng ngày trong Tu viện Camêlô ở Coimbra, Bồ Đào Nha, chị không tìm cho mình được nổi tiếng ngoài công cộng, không bao giờ nói gì hơn những gì Mẹ Maria nói với chị.

Sự qua đời của chị là một dấu chỉ thời gian, nhất là chị qua đời vào ngày 13, ngày mà Đức Mẹ chọn để hiện ra mỗi tháng tại Fatima, có lẽ cũng là một dấu chỉ từ thiên đàng. Thế giới hôm nay đã xảy ra và đang đứng trước những biến cố lớn lao của chiến tranh, khủng bố, bệnh dịch, AIDS, thiên tai, bom nguyên tử, vi trùng, đặt bom nhà thờ và những giáo phái phản Kitô. Những gì sẽ xảy ra trên thế giới sau cái chết của chị Lucia vẫn tuỳ thuộc vào việc nhân loại thi hành các mệnh lệnh của Mẹ ra sao. Người Kitô hữu bước vào Mùa Chay, chuẩn bị cho cuộc Thương khó của Chúa Giêsu, chúng ta cần ăn chay, cầu nguyện nhiều hơn nữa cho sự ăn năn, trở về với Thiên Chúa của nhân loại.

Bước vào ngàn năm thứ ba, thế giới chứng kiến sự ra đi của hai người phụ nữ nổi bật về nhân phẩm, một là Mẹ Têrêsa Calcutta, một phản ảnh của tình yêu Thiên Chúa giữa những người cùng khổ; người kia là chị Lucia phản ảnh sự vâng lời, khiêm nhường, đơn sơ của Mẹ Maria. Và một nhân vật có liên quan tới biến cố Fatima và sự sụp đổ của thế giới cộng sản là Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng đang cần được mọi người cầu nguyện cho.

Thủ tướng Bồ Đào Nha Pedro Santana Lopes đã tuyến bố ngày thứ Ba là ngày quốc gia truy niệm tưởng nhớ sự qua đời của chị Lucia. Chị Lucia được nhiều người mến mộ, đặc biệt người Bồ Đào Nha và đã qua nhiều năm con mắt tâm linh luôn để ý tới những gì xảy ra với chị. Chi sẽ được chôn cất tại nhà dòng và một thời gian sau sẽ được di chuyển sau về gần Fatima, là trung tâm hành hương thu hút nhiều người.

nguồn: từ Maria Thanh Mai gởi

Chân Phước Isabelle của Pháp

    Chân Phước Isabelle của Pháp
    (c. 1270)

    Ngày 8 tháng 6

   Isabelle sinh trong một gia đình nổi tiếng. Anh của ngài là Thánh Louis; cha ngài, Vua Louis VIII của nước Pháp; mẹ ngài là hoàng hậu thánh thiện Blanche ở Castile.

     Chính ngài cũng được ban cho nhiều tài năng đặc biệt, ngay từ nhỏ Isabelle đã có khiếu học hành. Ngài xuất sắc về tiếng Latinh và dễ dàng thấu triệt văn bản của các Giáo Phụ bằng thứ ngôn ngữ khó khăn ấy. Trong khi theo đuổi những sở thích thông thường của phụ nữ như thêu đan, ngài còn đặc biệt lưu tâm đến việc thực hiện các phẩm phục của linh mục. Mặc dù ngài rất tận tụy với gia đình — nhất là giúp đỡ anh Louis — bất cứ lúc nào có thời giờ rảnh rỗi ngài đều dành để giúp người nghèo và người đau yếu.

     Tuy sống trong cung điện sang trọng, Isabelle lại tự ý theo đuổi đời sống của một nữ tu. Ngài ăn chay ba ngày một tuần và trong những lần ăn chay, ngài lấy các thức ăn ngon miệng để đem cho những bệnh nhân. Mọi người trong triều đình đều coi ngài là một vị thánh, một phụ nữ trong trắng và một tấm gương hy sinh đền tội.

     Ao ước tận hiến cho Thiên Chúa của Isabelle được thể hiện qua lời khấn giữ mình đồng trinh bất kể những thúc giục kết hôn của gia đình, cũng như của vị giáo hoàng. Sau cùng, Isabelle đã viết thư cho Ðức Giáo Hoàng Innôxentê IV cho biết ngài đã thề giữ mình đồng trinh, và đã thuyết phục được Ðức Thánh Cha tin rằng ngài được kêu gọi sống một cuộc đời khác biệt.

     Sau cái chết của mẹ ngài, Isabelle sáng lập tu viện Phanxicô lấy tên là “Ðức Khiêm Tốn của Trinh Nữ Maria” ở Longchamps, Balê. Ngài sống ở đây trong chín năm trời khổ hạnh, dù rằng chính ngài chưa bao giờ là một nữ tu. Vì chỉ muốn là một tạo vật bé mọn của Thiên Chúa, ngài từ chối chức vụ bề trên tu viện.

  Khi ngài từ trần ngày 23-2-1270, người ta nghe có tiếng thiên thần ca hát. Ngài được Ðức Giáo Hoàng Lêô X phong chân phước năm 1520.

nguồn: Maria Thanh Mai gởi

 

Tôi Tớ Thiên Chúa Giuse Perez

 

    Tôi Tớ Thiên Chúa Giuse Perez

    (1890-1928)
                                                                                      Ngày 7 tháng 6

     Máu các vị tử đạo là hạt giống của Giáo Hội,” lời của Tertullian trong thế kỷ thứ ba đã được thể hiện nơi Cha Giuse Perez.

     Cha Giuse sinh ở Coroneo, Mễ Tây Cơ, và gia nhập dòng Phanxicô khi 17 tuổi. Vì cuộc nội chiến ở Mễ thời bấy giờ, ngài buộc phải học triết thần ở California.

     Sau khi được thụ phong linh mục ở Santa Barbara, ngài trở về Mễ Tây Cơ và phục vụ tại Jerecuaro từ năm 1922 trở đi. Vì sự bách hại dưới thời tổng thống Plutarco Calles (1924-28), Cha Giuse phải ngụy trang dưới nhiều hình thức khi đi thăm người Công Giáo. Vào năm 1927, tài sản của Giáo Hội bị quốc hữu hóa, các trường Công Giáo phải đóng cửa, và các linh mục, nữ tu ngoại quốc bị trục xuất.

    Một ngày kia Cha Giuse và vài người bị bắt sau khi cử hành Thánh Lễ một cách lén lút. Cha Giuse đã bị quân lính đâm chết vào ngày 2 tháng Sáu 1928.

     Về sau, thi hài Cha Giuse được cung nghinh về Salvatierra để chôn cất giữa tiếng hô vang dậy, “Vạn tuế Vua Kitô!”

     Lời Bàn
    
   Giáo Hội Công Giáo ở Mễ Tây Cơ bây giờ thì tự do hơn thời thập niên 1920. Ngày nay, đạo Công Giáo đang phát triển mạnh ở Mễ, một phần cũng nhờ sự ấp ủ của các vị tử đạo như Cha Giuse.

 nguồn: Từ Maria Thanh Mai gởi