Tại sao không có hãng xe nào có nhà máy sản xuất xe hơi tại Việt Nam?

 Ba’o Tieng Dan

Kim Văn Chính

11-2-2024

  1. Thị trường xe hơi cá nhân ở Việt Nam dù là thị trường mới nổi, kinh tế vẫn tăng trưởng, nhưng tổng thể vẫn là nền kinh tế nghèo, thu nhập dân cư vào loại thấp, phân hóa giàu –  nghèo mạnh, do vậy quy mô thị trường xe hơi chỉ loanh quanh ở mức 300 nghìn đến 400 nghìn xe/ năm (bằng 1/2 Thái Lan và 1/4 Indonesia).

Do sự cạnh tranh và sở thích tiêu dùng lĩnh vực xe hơi cũng có sự phân hóa mạnh, nên thị phần 300 nghìn hơi/ năm buộc phải chia sẻ cho khoảng 10 hãng xe hơi khác nhau, mỗi hãng vài chục nghìn chiếc.

Với quy mô bán hàng như vậy, không một công ty nào dại dột đặt nhà máy sản xuất xe tại thị trường Việt Nam cả. Lý do là điểm hòa vốn sẽ không đạt. Như tôi đã nêu trong bài trước: Hòa vốn toàn cầu của một nhà máy xe hơi (thường có một thương hiệu chính) ít nhất phải đạt 400.000 xe năm. Một hãng xe hơi thường chỉ có 1-5 nhà máy sản xuất trên toàn cầu là cùng. Và họ buộc phải chọn các thị trường trọng điểm để đặt nhà máy sản xuất.

Nếu tại nơi họ đặt nhà máy sản xuất quy mô bán xe thấp, họ buộc phải vận chuyển xe sang các thị trường khác và chịu chi phí vận tải và chi phí thuế nhập khẩu cao hơn…, và như vậy là không có sức cạnh tranh về giá với các hãng xe khác. Tại các nước quy mô thị trường thấp (như Việt Nam), họ chỉ có nhà máy lắp ráp và “nội địa hóa” tỷ lệ thấp các cấu kiện không quan trọng…

  1. VinFast đã phát triển ô tô xăng, rồi ô tô điện trong điều kiện vừa chạy vừa xếp hàng, không biết quy mô thị trường của mình ở các thị trường sẽ là bao nhiêu. Ngay cả thị trường Việt Nam, VinFast cũng không rõ quy mô ổn định bán xe trong tương lai sẽ là bao nhiêu.

Khi sản xuất xe điện, Vin chọn phương án “Asanzo” để ra đời xe. Về lâu dài Vin sẽ có nhà máy sản xuất pin là linh hồn của xe (giống động cơ xe xăng). Tuy nhiên, Vin bị khống chế bởi quy mô toàn cầu cũng như quy mô các thị trường trong điểm phải đạt mức hòa vốn cho nhà máy sản xuất… Đó là chưa nói Vin sản xuất xe trên cơ sở hầu như không có một sáng chế, bí quyết gì, toàn bộ 100% là mua công nghệ, tất yếu chịu giá thành cao và không tạo ra được sản phẩm khác biệt.

Vin đang xúc tiến để mở rộng thị trường sang Ấn, Indonesia, Philippines… là vậy. Rồi xúc tiến hy vọng thị trường Mỹ đạt quy mô trên 100 nghìn xe/ năm để có cơ sở mở “nhà máy sản xuất”, làm như chuyện phát triển thị trường xe hơi dễ như bán nhà condotel Phú Quốc!

Các nỗ lực đó không cứu được niềm tin thị trường. Giá cổ phiếu VinFast vẫn tiếp tục giảm.


 

 Ngược chiều Nasdaq, cổ phiếu VinFast giảm gần 6% trong tuần, mất 37% từ đầu năm

10/02/2024

Mã VFS của VinFast giảm giá trong tuần lẫn từ đầu năm đến nay, 9/2/2024.

Mã VFS của VinFast giảm giá trong tuần lẫn từ đầu năm đến nay, 9/2/2024.

Giá cổ phiếu của hãng xe hơi điện Việt Nam VinFast giảm khoảng 6% trong tuần này, tính đến khi thị trường chứng khoán Nasdaq ở New York, Mỹ, đóng cửa vào chiều 9/2, giờ địa phương (sáng sớm mùng 1 Tết, giờ Việt Nam). Từ đầu năm đến nay, mã VFS của VinFast mất gần 38% giá trị.

Chốt phiên giao dịch hôm thứ Sáu, VFS giảm hơn 1,1% trong ngày, xuống mức 5,25 đô la/cổ phiếu. So với mức đóng cửa hôm thứ Hai là 5,54 đô la, cổ phiếu này bị xuống giá 5,6%, theo số liệu trên các trang Nasdaq.com và Finance.yahoo.com.

Trong tuần, dường như hãng xe hơi của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã bị ảnh hưởng bởi những thông tin bất lợi, gồm việc VinFast thông báo triệu hồi hơn 5.900 xe VF 5 để thay thế cụm cần gạt bật tắt đèn bị lỗi và tuyên bố của hãng ô tô điện lớn nhất thế giới BYD sắp bắt đầu hoạt động tại Việt Nam.

BYD có trụ sở chính ở Trung Quốc loan báo họ sẽ mở đại lý đầu tiên tại Hà Nội và dự kiến sẽ bán xe nhập khẩu vào ngày 1/5 tới.

Trên các diễn đàn mạng xã hội, theo quan sát của VOA, nhiều người nêu quan ngại về khả năng cạnh tranh của VinFast còn non trẻ và vẫn lỗ nặng mấy năm nay khi phải tranh giành thị trường với BYD có nguồn lực rất dồi dào.

Cách đây hơn 3 tuần, VinFast đưa ra số liệu với báo chí Việt Nam, thể hiện rằng hãng đã giao gần 35.000 xe hơi điện cho các khách hàng trong năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra là 50.000 xe.

Tiếp đến, hôm 31/1, tập đoàn mẹ của VinFast là Vingroup công bố báo cáo tài chính trong đó cho thấy mảng sản xuất kinh doanh xe điện của VinFast vẫn lỗ lũy kế khoảng 33.000 tỷ đồng, tức hơn 1,35 tỷ đô la, trong năm 2023.

Năm 2022, hãng lỗ 2,1 tỷ đô la. Trước đó, hãng lỗ hơn 1,3 tỷ đô la vào năm 2021 và gần 800 triệu đô la vào năm 2020.

Tình trạng cổ phiếu VinFast giảm giá trong tuần qua và xa hơn nữa là sự lao dốc từ đầu năm đến nay diễn ra trái ngược với xu thế đi lên của toàn thị trường Nasdaq, thường được xem là một chỉ dấu về sức mạnh của các hãng trong lĩnh vực công nghệ niêm yết ở Mỹ.

Các trang Nasdaq.com và Finance.yahoo.com cho hay trong tuần, chỉ số Nasdaq tăng gần 2,4%, còn từ đầu năm đến nay đã tăng gần 7%.

Giá cổ phiếu của VinFast hiện chỉ cao hơn một chút so với mức đáy là 4,59 đô la mà VFS đã rơi xuống hôm 25/10/2023, cách đây hơn 3 tháng.


 

 Gần 4.000 trường hợp cấp cứu do tai nạn giao thông trong hai ngày Tế

 RFA

2024.02.11

Đường phố Hà Nội hôm 5/2/2024, dịp cận Tết Nguyên đán (minh hoạ)

 AFP

Các bệnh viện ở Việt Nam tiếp nhận 3.782 trường hợp tai nạn giao thông trong hai ngày 30 và mùng 1 Tết vừa qua, 1.500 người phải nhập viện điều trị.

Báo Nhà nước dẫn thông tin từ Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết số người nhập viện do tai nạn giao thông dịp Tết năm nay cao hơn so với con số 3.318 ca trong năm ngoái.

Theo số liệu từ Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong hai ngày mùng 1 và mùng 2 Tết, số tai nạn giao thông trên cả nước là 161 vụ khiến 49 người chết và 196 người bị thương.

Dịp Tết cũng là dịp cảnh sát giao thông gia tăng tuần tra phát hiện người có nồng độ cồn trong hơi thở nhưng vẫn điều khiển phương tiện giao thông. Theo thống kê được truyền thông Nhà nước đăng tải, trong ngày mùng 2 Tết (tức 11/2), cảnh sát giao thông trên cả nước đã phát hiện, xử lý hơn 7.800 trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông, trong đó có gần 4.000 tài xế vi phạm nồng độ cồn.

Luật của Việt Nam quy định, người lái xe có nồng độ cồn trong hơi thở vượt 0 sẽ bị phạt và đây là điều gây nhiều tranh cãi và phản đối vì có người cho rằng nhiều khi trong đồ ăn cũng có một chút cồn nhưng không đủ để gây say rượu.

Cũng trong ngày 30 và mùng 1 Tết, các bệnh viện Việt Nam đã phải tiếp nhận 280 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ, chất nổ, trong đó có 163 trường hợp phải nhập viện điều trị, không có trường hợp tử vong.

Từ năm 1994, Chính phủ Việt Nam đã cấm việc sản xuất, vận chuyển, mua bán và đốt pháo trong dịp Tết vì những lo ngại về an toàn tính mạng. Tuy nhiên, đây là tập tục lâu đời của người dân nên vẫn xảy ra tình trạng người dân đốt pháo và vẫn có trường hợp mua bán và vận chuyển pháo lậu.


 

 Tiểu Học Murdy, trường Mỹ ngập tràn sắc màu mừng Tết Việt

 Ba’o Nguoi-Viet

February 10, 2024

Văn Lan/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – Dưới nắng mai chan hòa ấm áp, trường tiểu học Murdy Elementary, Garden Grove, ngay trung tâm Little Saigon, nơi có cộng đồng người Việt lớn nhất hải ngoại, ngập tràn sắc màu trong những chiếc áo dài truyền thống Việt Nam của học sinh và cả thầy cô giáo cùng phụ huynh, để cùng đón chào năm mới Giáp Thìn 2024.

Em Vincent Nguyễn (trái) và em Elena Trần, hai MC trong ngày hội Tết mừng Xuân Giáp Thìn của trường tiểu học Murdy Elementary, Garden Grove. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Chương trình đặc sắc mừng Xuân mới do nhà trường và hội phụ huynh cùng tổ chức vào sáng Thứ Sáu, 9 Tháng Hai. Tại đây, hai MC là học sinh của trường, em Vincent Nguyễn (lớp Sáu) và em Elena Trần (lớp Năm), giới thiệu từng tiết mục văn nghệ mừng Xuân bằng tiếng Anh và tiếng Việt lưu loát. Không những thế, hai em giải thích thật hay về ý nghĩa của ngày Tết truyền thống Việt Nam khiến mọi người thích thú.

Hai em trình bày: “Hôm nay chúng ta hiện diện nơi đây để mừng một sự kiện rất quan trọng được biết đến trong văn hóa Việt Nam. Đó là Tết, là ngày lễ quan trọng nhất của người Việt, đánh dấu sự khởi đầu của năm mới Âm Lịch. Trong dịp Tết, người Việt tạ ơn trời đất và tổ tiên đã ban phước lành cho mọi người trong năm vừa qua. Và mọi người cũng chúc nhau một năm mới an khang và thịnh vượng.”

“Năm 2024 là năm Giáp Thìn. Ở các nước Châu Á, rồng không phải là loài vật đáng sợ mà rồng lại là biểu tượng cho quyền lực và sức mạnh. Rồng là một con vật huyền thoại được tạo nên từ cọp, cá, rắn, và đại bàng. Những người sinh năm con rồng được coi là khôn ngoan và mạnh mẽ,” hai em MC tiếp.

Sau đó, hai MC nhí giới thiệu các em học sinh Tiểu Học Murdy chào mừng năm Giáp Thìn bằng một chương trình văn nghệ với những màn trình diễn đặc sắc.

Trường Tiểu Học Murdy tràn ngập sắc màu ngày Xuân. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Mở đầu chương trình văn nghệ là đoàn lân của trường rộn ràng với điệu múa lân truyền thống cùng lời chúc mừng năm mới bằng tiếng Việt. Nhiều tràng pháo tay cổ vũ nồng nhiệt của các bạn nhỏ, khiến không khí cả sân trường càng náo nhiệt tưng bừng thêm.

Tiếp đến là màn hợp ca của các em Mẫu Giáo qua bài “Happy New Year” và “Trống Cơm,” bài dân ca Việt Nam mà ai cũng đều biết, khiến mọi người bên dưới sân khấu cùng vỗ tay hòa nhịp theo tiếng nhạc.

Một loạt các bài nhạc Xuân với nhịp điệu rộn ràng, vui tươi sôi nổi được các em trình diễn trên sân khấu, trong khi bên dưới các bạn nhỏ ngồi nghe càng sôi động hơn với những tràng pháo tay reo hò cổ vũ, khiến các bạn trên sân khấu nhiệt tình ca hát say sưa hơn nữa.

Các em lớp Mẫu Giáo múa “Trống Cơm.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Các em lớp Sáu của trường nhịp nhàng trong vũ điệu múa quạt “Mùa Xuân Ơi” cùng các em lớp Hai, lớp Ba và lớp Bốn. Đặc biệt, các học sinh lớp Ba trình diễn bản nhạc “Chúc Xuân” để chúc mừng năm mới đến ông bà cha mẹ, và các thầy cô một năm mới thật nhiều sức khỏe, may mắn và hạnh phúc.

Nói với nhật báo Người Việt, Giáo Sư Quyên Di, cố vấn chương trình song ngữ ở trường Tiểu Học Murdy, cho hay ông thấy rất vui mừng khi tiếng Việt được sử dụng nhiều.

Các em học sinh lớp Bốn múa “Đón Xuân.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Khi về làm việc chung với Học Khu Garden Grove, tôi cảm nhận được một sức sống mãnh liệt từ các bạn trẻ đang lớn lên. Phải nhắc đến trước hết là các thầy cô giáo trẻ với sự năng động của mình, vừa ra sức dạy học vừa tập luyện các học trò trong những màn trình diễn văn nghệ như hôm nay. Rồi đến những phụ huynh học sinh cũng là thành phần giới trẻ. Ngay cả thầy cô hiệu trưởng cũng trẻ, đều yêu mến tiếng nước nhà, với cả tấm lòng họ truyền lại ngôn ngữ Việt Nam cho các thế hệ học trò của mình,” giáo sư nói.

“Hiện tại chương trình song ngữ Anh-Việt tại trường ngày càng phát triển, danh sách học sinh ghi danh vào học ngày càng dài thêm, phải hết sức cố gắng từ từ mở rộng ra mới kham nổi. Tôi rất mừng khi thấy những chương trình văn hóa, ngôn ngữ truyền thống Việt Nam ngày càng phát triển, đặc biệt tại trường Tiểu Học Murdy,” vị giáo sư nói tiếp.

Các học sinh lớp Sáu múa quạt trong màn múa “Mùa Xuân Ơi.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Tôi cảm thấy rất ấm lòng khi sân trường hôm nay tràn ngập màu sắc áo dài, không chỉ học sinh, các thầy cô giáo và cả các vị phụ huynh cũng đẹp qua chiếc áo dài, là một trong những biểu tượng của văn hóa Việt Nam, nói lên tính cách ôn hòa và hòa hợp của người Việt. Khi mọi người cố gắng gìn giữ truyền thống ăn mặc như thế này thì bên ngoài là y phục nhưng bên trong là tấm lòng. Bên ngoài là ngôn ngữ bên trong là văn hóa. Do đó khi gìn giữ được cách ăn mặc thì văn hóa Việt Nam vẫn còn tồn tại mãi với thời gian,” Giáo Sư Quyên Di cười tươi nói.

Cô Huỳnh Đoàn, phụ huynh của em Dylan Trương, cho hay trong những sự kiện trường Murdy tổ chức thì ngày Tết là ngày quan trọng nhất trong năm, nên cô và con đều mặc áo dài đến trường dự tiệc mừng Xuân.

Tiến Sĩ Michele Lương (phải), hiệu trưởng trường Tiểu Học Murdy, và thầy Thảo Tô, hiệu phó, chúc mừng Xuân Giáp Thìn. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Để các em hiểu được về phong tục ngày Tết của người Việt, hôm nay con của em cũng tham gia biểu diễn tiết mục múa, em thấy rất vui và tự hào khi áo dài, một phong cách đặc trưng của người Việt rất được trân trọng, em thường giải thích với con mình là phải mặc áo dài trong ngày Mùng Một để chúc Tết ông bà mới đúng ý nghĩa. Em thấy rất vui và cảm động muốn khóc khi trường Mỹ cùng vui Tết Việt Nam. Em rất hãnh diện khi con em được học ở trường này,” cô Huỳnh nói.

Cô Tara Phan, có hai con học ở trường, một lớp Hai và một lớp Bốn, cho hay: “Em rất vui và tự hào khi các con được hát tiếng Việt, nhất là hiểu được ý nghĩa của những bài hát. Các thầy cô rất tận tâm khi dạy các con học tiếng Việt, và còn hướng dẫn các con múa hát mừng Xuân. Đặc biệt, các thầy cô, khách mời và cả phụ huynh cũng mặc áo dài, đó là một nét văn hóa truyền thống Việt Nam đã du nhập vào nước Mỹ, em vô cùng tự hào.”

Các thầy cô giáo và nhân viên trường Tiểu Học Murdy trong ngày hội Tết mừng Xuân Giáp Thìn. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Cô Tuyền Nguyễn, hội trưởng Hội Phụ Huynh Học Sinh Trường Tiểu Học Murdy, chia sẻ: “Em rất mừng khi ngày hội mừng Tết của trường hôm nay rất vui. Chương trình song ngữ được dạy ở trường đã được bảy năm rồi, các em đã được học nhiều kiến thức về văn hóa Việt Nam. Từ hai năm trước, hội chúng em đã đóng góp rất nhiều trong những chương trình Tết Trung Thu, Tết Nguyên Đán nhằm giúp con em mình thể hiện được kỹ năng tiếng Việt của mình.”

Chương trình văn nghệ mừng Xuân của trường tuy diễn ra trong khoảng hai giờ, sau đó các học sinh phải trở lại lớp học, nhưng qua các màn trình diễn văn nghệ của các lớp, khiến mọi người cảm thấy thích thú khi nhìn thấy con em mình vẫn còn biết đến văn hóa và nói tiếng Việt để mừng Xuân mới. (Văn Lan) [qd]


 

ĐỪNG SO SÁNH…

Gieo Mầm Ơn Gọi

Thôi em ạ, mình hãy ngừng so sánh

Ai hơn ai nào có nghĩa lý gì

Đó chính là nguồn gốc của sân si

Rồi thất vọng, lại nghĩ suy phiền muộn.

 

Xinh đẹp, giỏi giang nào ai mà không muốn

Giàu có, chức quyền có ai nỡ nào chê

Xã hội phân công mỗi người mỗi một nghề

Ai cũng có việc mà mình phù hợp.

 

Đừng vội thấy người ta giàu mà ngợp

Cơ ngơi kia đâu phải dễ mà thành

Em hãy nhìn mọi thứ ở xung quanh

Càng rực rỡ càng mong manh dễ vỡ.

 

Đừng chế giễu những người duyên dang dở

Đâu phải do lỗi ăn ở mà thành

Có những người lỡ cả tuổi xuân xanh

Đều do họ cả tin vào lời hứa.

 

Đừng so sánh giữa mình và ai nữa

Ai cũng mang ưu, nhược điểm riêng mình

Hãy mỉm cười và sống thật lung linh

Bằng lòng với những gì mình đang có.

 

Vạn vật sinh sôi, cỏ sống đời của cỏ

Cây phận cây, lá cũng có phận mình

Hà cớ gì phải so sánh, chứng minh

Cao hay thấp phải chi là tội lỗi.

 

Đừng so sánh mà trở nên sống vội

Rồi không may đắc tội với người đời

Đời của mình hãy sống thật thảnh thơi

Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến…!

– Minh Hồng –


 

Chuyện bán buôn đầu năm!-Tác Giả: Lâm Bình Duy Nhiên

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Lâm Bình Duy Nhiên

Tiệm ăn Việt ở nước ngoài. Ảnh manh tính minh họa

Chuyện bán buôn đầu năm!

Tết năm nay có bánh chưng gia đình và bạn gói tặng. Bánh rất thơm ngon và nhất là vấn đề vệ sinh khỏi phải lo lắng.

Chạy đi tiệm mua bánh tét cúng cha mẹ. Cậu chủ nói bánh con đặt tại Việt Nam, tỉnh A, ngon lắm chú ơi. Họ nổi tiếng ở tỉnh. Mùa này họ phải mướn sinh viên để gọi bánh,…. Nói chung cậu ấy quảng cáo ngọt xớt cũng như bao lần khác. Nghĩ bụng, thôi mua.

Trưa nay cúng xong, bánh chưng, bánh tét, chả lụa, củ kiệu tôm khô và thịt kho nước dừa có đủ. Bánh chưng thì ngon và nhân béo, mùi nếp thơm nhè nhẹ, ăn với thịt kho thì thích vô cùng.

Bánh tét thì lột lá hoài cũng chưa hết. Tại Thuỵ Sĩ, lá chuối mắc quá nên ít ai gói nhiều lá. Bên nhà, ngược lại, chắc rẻ quá nên gói toàn lá thôi!

Bánh nhỏ dẫu quảng cáo là 1 ký. Chắc khi cân tính luôn trọng lượng lá!

Nếp thì một màu xanh đẹp lắm. Nhưng ăn hoài vẫn không thất miếng thịt hay mỡ, chỉ thấy toàn đậu xanh, dẫu ghi là nhân thịt.

Hỏi vợ, em ăn thử coi có thịt mỡ gì không. Vợ cũng lắc đầu. Tháo mắt kiếng, cầm cái bánh xem cho kỹ thì thấy giữa trùng trùng điệp điệp nhân đậu xanh thì có một lát mỡ mỏng trải dài với nhân. Thế thôi!

Thảo nào, bánh tét nhân thịt mà kiếm hoài không thấy vị thịt mỡ ở đâu!

Chợt phì cười, lại bị mắc lừa nữa rồi! Mà sao tệ quá, bán hàng sang tận nước ngoài mà vẫn làm ăn cẩu thả, chỉ ham lợi trước mắt mà không nghĩ đến chuyện uy tín hay thương hiệu gì cả!

Rồi lại liên tưởng đến chuyện cả nhà đi ăn cơm cuối năm. Gọi là cơm đại gia đình. Tất cả cũng gần 30 người. Nhà hàng Việt, cũng gọi là có biết nhau. Tiệc tan, tính tiền theo gia đình. Vợ ra trả tiền. Cô chủ quán đã ghi sẵn hoá đơn buổi cơm, hơn 900 quan. Vợ nói, chị tính cho nhà tôi, 6 người lớn và 1 trẻ con. Cô chủ quán cầm cái máy tính, bấm bấm rồi chìa ra cho vợ: hơn 700 quan! Trong khi cho cả gần 30 người chỉ hơn 900 quan!

Vợ bảo, chị tính lại xem, sao nhiều thế! Cô chủ quán, không nói gì, lầm lầm, lì lì, lại bấm với bấm. À lần này chỉ còn hơn 300 quan thôi!

Không một lời xin lỗi, chị ta thu tiền và đợi người kế tiếp.

Chưa kể, là chủ nhưng nạt và chửi nhân viên ( không phải người Việt) trước mặt khách hàng, không cần để ý gì cả. Cứ như thể, mọi người phải biết ai là chủ, ai là “đầy tớ” ở đây.

Nghe vợ kể, bảo với vợ: cô ta biết em xưa nay. Chắc nghĩ em hiền và…khờ nên mới giở trò như thế. Chỉ có ba khả năng, một là lầm, hai là ngu, ba là gian dối!

Mà lầm và ngu thì xác suất hơi khó vì đã bị nhiều khách phàn nàn. Mà nếu lầm thì đã mở miệng xin lỗi khách!

Coi như chỉ có gian xảo. Thấy khách hiền hiền là giở trò giả đò tính ẩu.

Coi như cũng không biết đường dài, chỉ nhắm cái lợi trước mắt. Mà cũng không cần biết chữ tín! Chỉ cần bán và bán, có tiền của khách là vui, không cần biết ngày mai người ta có ghé lại hay không?

Chắc tại cái tính của không ít người Việt mình. Bán buôn chụp giựt, không cần nghĩ đến tương lai.

Ở Lausanne, lúc trước có ông đầu bếp người Thái, ông chuyên bán đồ ăn mang đi. Vui vẻ, thật thà và hiếu khách. Lần nào đi mua mà có tụi nhỏ đi theo là ông ta mang bánh và nước ngọt tặng cho tụi nó. Đi ngoài đường, ông ta thấy là dừng lại chào hỏi. Ăn ngon lại vui tính, cả mấy đứa nhỏ cũng rất thích.

Hôm nọ, đi mua món kebab của người Thỗ Nhĩ Kỳ về ăn. Ăn riết rồi quen, cỡ độ cũng hơn 25 năm rồi. Có con gái đi theo, trả tiền rồi, ông chủ từ bếp bước ra, thấy con gái, bảo cháu cứ vào mở tủ lạnh rồi cứ chọn vài chai nước đi cháu! Con gái hơi ngỡ ngàng, phải bảo, ừ ông chủ cho, con cứ lấy đi cho bác ta vui.

Con gái ra về nhưng cứ nói mãi, ông chủ này dễ thương quá. Mai mốt con lớn, con cũng sẽ ghé ăn như ba vậy!

Hay tiệm mì ramen Nhật tại Lausanne cũng thế. Niềm nở, hiếu khách nên con trai út cứ thích ba mẹ dẫn đi ăn ramen. Sinh nhật hỏi con muốn gì? Con muốn ăn ramen chỗ cô chủ B!

Các nhà hàng Ý hay Thuỵ Sĩ, Tây Ban Nha,… thì lúc nào cũng vui vẻ và phục vụ khách, nhất bọn con nít, một cách rất chu đáo. Có ông chủ một nhà hàng Ý tâm sự, phải chu đáo với tụi nhỏ vì sau này chính chúng sẽ là những khách hàng tương lai của tiệm!

Nên mới có chuyện, từ thế hệ này sang thế hệ khác, đi ăn cùng một nhà hàng vì những ký ức của tuổi thơ.

Bán buôn là cả một nghệ thuật. Làm sao cho khách vui không chỉ vì ăn ngon mà còn do thái độ phục vụ nữa. Khách đến mà cứ muốn ghé lại, thế mới hay.

Cái khoản này, nhiều người Việt mở tiệm, không chịu hiểu. Đôi khi đi ăn ở tiệm của họ nhưng lại có cảm giác làm như đang làm phiền họ hay xin xỏ họ!

Nhất là nơi có ít người Việt. Ít có cạnh tranh, nên xem thường khách. Cả khách Tây lẫn khách Việt! Họ quên rằng, ngay cả khách Tây, giờ người ta đi du lịch nhiều, biết ăn uống ra sao, nên không phải muốn nấu ra sao hay phục vụ ẩu là cũng được.

Nhưng coi vậy cũng có những bất ngờ thật dễ chịu. Như hồi hè cả nhà đi Praha chơi. Loay hoay vài ngày chợt thấy một tiệm bánh mì thịt. Cả nhà ghé vào mua. Chị chủ quán và con trai thật niềm nở và dễ thương. Biết là dân đi du lịch, chị tặng cho cà phê sữa đá, tặng trà sữa cho tụi nhỏ, dẫu chỉ bán vài ổ bánh mì thịt. Ăn ngon, hứa với chị sẽ ghé lại. Hôm sau, chưa ghé là con gái nhắc, ba hứa sẽ ghé mua bánh mì thịt. Thế là ghé. Chị chủ quán nói, con trai em bảo chắc hai bác và các em đi chơi xa rồi nên không ghé được. Nghe thôi cũng cảm thấy vui vì cũng chỉ là khách mà lại chẳng quen biết gì.

Đó cũng chính là tâm lý! Giờ có dịp đi Praha, chắc chắn sẽ ghé mua bánh mì thịt của chị.

Đầu năm dong dài chuyện không đâu. Nhưng coi vậy chứ quan trọng lắm. Hàng hoá Việt Nam giờ hội nhập với thị trường quốc tế nên phải lấy uy tín làm đầu. Khách du lịch thích thú Việt Nam bao nhiêu thì sau một chuyến đi lại cảm thấy chán nản và thất vọng với cách làm ăn chém khách, nạt khách, xem thường khách của giới bán buôn. Nhiều người nhất quyết không quay lại Việt Nam nữa.

Ẩm thực Việt Nam ngon và được yêu thích nhưng khách bản xứ đến nhiều nhà hàng chỉ một vài lần thôi. Cách phục vụ ẩu tả khiến người ta thất vọng.

Mong lắm thay thương hiệu Việt sẽ có nhiều cơ hội xuất hiện trên thị trường thế giới trong tương lai vì đó là cách phát triển nền kinh tế Việt Nam. Nhưng để được như thế, ngay từ cái gốc, từ làm ăn nhỏ đến lớn, từ một tiệm ăn đến một công ty lớn, tất cả phải đặt chữ tín và chất lượng làm đầu.

Đạo đức trong kinh doanh là nền móng cho sự phát triển của một thương hiệu!

Bằng không, chỉ chụp giựt, làm giàu qua ngày rồi cũng tàn lụi, rơi vào quên lãng…

Lâm Bình Duy Nhiên


 

 Vì sao không phải quan tham nào cũng ngã ngựa, ‘vào lò’?

Báo Đất Việt 

Trần Tuấn Anh và Phạm Bình Minh cùng ngã ngựa

Sau hàng chục vụ án tham nhũng bị phanh phui, một số nhà quan sát cho rằng Nguyễn Phú Trọng “đốt lò” một cách có chọn lọc, chỉ nhắm vào những người chống đối ông trong Đảng mà thôi.

Bước vào năm 2024, công cuộc chống tham nhũng do Tổng bí thư đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng khởi xướng đã kỷ luật một loạt lãnh đạo Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2016 – 2021: người mất tất cả các chức vụ, người bị khởi tố, điều tra.

Cựu Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Hai thứ trưởng Công thương là ông Hoàng Quốc Vượng và Đỗ Thắng Hải bị khởi tố và bắt tạm giam trong tháng 1/2024.

Vào ngày 31/1, ông Trần Tuấn Anh, cựu Bộ trưởng Công thương chỉ bị cho thôi chức vụ theo đơn xin nghỉ và được Trung ương đảng chấp nhận. Đây là người thứ ba bị loại khỏi Bộ Chính trị khoá 13 (2021 – 2026).

Ông Lê Anh Hùng, một cựu tù nhân lương tâm, người quan sát chính trị Việt Nam nhận định:

“Đương nhiên là ông Trần Tuấn Anh có sai phạm thì mới bị kỷ luật nhưng mà trong hệ thống này thì ai cũng sai phạm cả, không ít thì nhiều. Cho nên khi mà người này hay người kia mất chức, bị kỷ luật hay ra tòa thì chủ yếu đó là hậu quả của cuộc thanh trừng đấu đá nội bộ bên trong mà thôi.”

Luật sư Nguyễn Văn Đài từ nước Đức cho rằng đây rõ ràng là sự phân biệt đối xử giữa các đồng chí với nhau. Thực thi chính sách phòng chống tham nhũng của chế độ một cách không công bằng, công minh; cùng một sai phạm nhưng có người bị khởi tố, có người lại được cho “hạ cánh an toàn”:

“Bằng chứng là Tô Lâm đã đích thân đến thăm bố mẹ của ông Trần Tuấn Anh, là ông cựu Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Chúng ta có thể thấy rằng là đối với những người thuộc phe cánh của những người đang có quyền lực thì khi vi phạm sẽ được hạ cánh an toàn, còn những người đối lập ở trong Đảng thì chắc chắn sẽ bị xử tù.”

Tô Lâm, vào chiều ngày 6/2 đã đến thăm và chúc Tết gia đình cựu ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Theo mô tả của truyền thông Nhà nước, ông Tô Lâm hỏi thăm sức khỏe và mong muốn cựu Chủ tịch nước tiếp tục quan tâm, đóng góp những ý kiến đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Trần Tuấn Anh là con trai cựu Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đức Lương. Ông này từng dính vào vụ lùm xùm cho xe biển số xanh đến tận chân cầu thang máy bay để đón vợ, con hồi tháng 1/2019, nhưng không phải chịu hình thức kỷ luật nào.

Qua nhiều năm quan sát biến động chính trị Việt Nam, ông Đài nhận định, một trong những nguyên do giúp cho Tuấn Anh thoát kỷ luật đảng hay thậm chí là án tù là do ông này là con của một lãnh đạo nhà nước có công với cách mạng, trực tiếp tham gia kháng chiến trước năm 1975.

Đây không phải là lần đầu tiên có sự phân biệt đối xử giữa các đảng viên cấp lãnh đạo . Hồi tháng 1/2023, ba ông thuộc Uỷ viên Trung ương Đảng, gồm cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, hai cựu Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh đều chỉ phải từ chức, nghỉ hưu “theo nguyện vọng”, nhưng không chịu bất kỳ hình thức kỷ luật Đảng nào, cũng không bị điều tra hình sự về các vụ đại án như “chuyến bay giải cứu” hay vụ Việt Á…

Trong khi đó, hàng loạt cán bộ cấp dưới đã bị bắt, bị khởi tố hình sự liên quan tới các vụ án này vì các hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản…

(Theo RFA)


 

Thánh Scholastica (480 – 542?)

10 Tháng Hai – Thánh Scholastica  (480 – 542?)

Anh em sinh đôi thường giống nhau về tính nết và tư tưởng cũng như nhiệt huyết. Do đó, người ta không ngạc nhiên khi Thánh Scholastica và người anh sinh đôi là Thánh Biển Ðức (Benedict), đều sáng lập các tu hội chỉ cách nhau có vài dặm.

Sinh trong một gia đình giầu có, Scholastica và Benedict cùng lớn lên cho đến khi Benedict xa nhà đi học ở Rôma. Chúng ta không biết nhiều về thời niên thiếu của Thánh Scholastica. Sau này, ngài sáng lập dòng nữ tu ở Ý gần rặng Cassino, thuộc Plombariola, cách tu viện của anh ngài chỉ có năm dặm.

Mỗi năm hai anh em chỉ gặp nhau có một lần, trong một nông trại, vì Scholastica không được phépvào tu viện. Cả hai dành thời giờ để thảo luận về các vấn đề tinh thần.

Theo cuốn Ðối Thoại của Thánh Grêgôriô Cả, trong lần sau cùng hai anh em gặp nhau để cầu nguyện và truyện trò, Thánh Scholastica cảm thấy cái chết của mình gần kề nên nài xin anh Benedict ở với ngài cho đến ngày hôm sau.

Thánh Benedict từ chối lời yêu cầu ấy vì ngài không muốn ở đêm bên ngoài tu viện, vì như thế chính ngài sẽ phá vỡ quy luật do ngài đặt ra. Thánh Scholastica xin Thiên Chúa cho phép anh mình ở lại, và một trận mưa lớn đổ xuống như thác khiến Benedict và các tu sĩ đi theo ngài không thể trở về tu viện.

Thánh Benedict kêu lên, “Xin Chúa tha tội cho em. Em làm cái gì vậy?” Thánh Scholastica trả lời, “Em xin anh một ơn huệ và anh từ chối. Em xin Chúa, và Chúa nhận lời.”

Ba ngày sau, khi Thánh Benedict cầu nguyện trong tu viện thì ngài nhìn thấy linh hồn của em mình bay lên trời trong dạng chim bồ câu trắng. Thánh Benedict sai các tu sĩ đem xác của em mình về dòng và chôn trong chính ngôi mộ mà thánh nhân đã chuẩn bị cho mình.

Thánh Scholastica từ trần vào khoảng năm 543, và sau đó không lâu Thánh Benedict cũng từ giã cõi đời.

    Lời Bàn

Thánh Scholastica và Benedict đã hiến mình trọn vẹn cho Thiên Chúa, và coi trọng việc kết giao bằng hữu với Chúa qua sự cầu nguyện. Các ngài đã hy sinh một số cơ hội sẵn có để cùng nhau thực hiện ơn gọi tu trì. Tuy nhiên, khi càng gần gũi với Ðức Kitô bao nhiêu, họ càng cảm thấy gần nhau hơn. Khi gia nhập cộng đồng tu sĩ, họ đã không quên và cũng không bỏ rơi gia đình mà trái lại họ có thêm các anh chị em mới.

Trích từ NguoiTinHuu.com


 

HƯỚNG VỀ MỘT MÙA XUÂN MỚI

Trong ngày đầu năm, người ta thường tặng cho nhau những lời thật tốt đẹp như : “Vạn sự như ý,” “An khang thịnh vượng,” “tràn đầy hạnh phúc,” “phúc lộc dồi dào”…  Đôi khi những lời chúc mang tính cách hài hước như : “Vạn sự như ý, tỷ sự như mơ;”  hoặc giới trẻ chúc nhau: “Tiền vô như nước Sông Đà, tiền ra nhỏ giọt như… cà phê phin!”  Tất cả những lời chúc đó đều hướng đến sự hạnh phúc mà ai cũng mong chờ.

Tuy nhiên, trong thánh lễ Giao Thừa, qua phụng vụ Lời Chúa, chúng ta nhận được những lời chúc phúc tốt đẹp nhất từ chính Chúa.  Những lời chúc phúc được thể hiện qua “Tám MốiPhúc Thật.”

Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó.

Phúc cho những ai hiền lành.

Phúc cho những ai đau buồn.

Phúc cho những ai đói khát điều công chính.

Phúc cho những ai thương xót người.

Phúc cho những ai có lòng trong sạch.

Phúc cho những ai ăn ở thuận hòa.

Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính…

Tám mối phúc thật chính là những cánh cửa của tâm hồn, được mở ra để đón nhận làn gió xuân, làn gió đem đến hạnh phúc và bình an cho tâm hồn trong năm mới này.

Tâm hồn chúng ta đã được quét dọn sạch sẽ, nhưng nếu những cánh cửa hạnh phúc ấy không được mở ra để đón nhận ánh sáng của Chúa, tâm hồn ta vẫn mãi chìm ngập trong bóng tối của đau khổ và thất vọng.

Cánh cửa hạnh phúc của “Tám Mối Phúc” còn mở ra cho chúng ta một tương lai tràn đầy niềm vui và hy vọng, giúp cho ta nhìn ra một thế giới rộng rãi hơn, bao la hơn của tình yêu thương.  Cánh cửa ấy mở ra để chúng ta gặp được Thiên Chúa và anh em mình.

Tuy nhiên, để mở ra được những cánh cửa hạnh phúc ấy, chúng ta phải có chìa khóa của sự hy sinh, chìa khóa mang hình cây thập giá của đời phục vụ quên mình.  Chiếc chìa khóa ấy đang nằm trong bàn tay chúng ta.

Ngày xưa, tại thành phố kia có một nhà hiền triết xuất hiện và tuyên bố có thể trả lời được tất cả mọi thắc mắc của những ai đến vấn kế.

Một hôm, có một người chăn cừu từ trên núi cao đi xuống xin gặp nhà hiền triết.  Anh ta nắm chặt trong tay một con chim sẻ và hỏi nhà hiền triết: “Xin ngài cho tôi biết: con chim sẻ tôi đang cầm trong tay sống hay chết?”

Nhà hiền triết biết đây là một cái bẫy của người chăn cừu.  Nếu ông bảo con chim còn sống, tức khắc người chăn cừu sẽ bóp con chim chết trước khi mở bàn tay ra.  Còn nếu ông bảo con chim đã chết, lập tức anh ta sẽ mở bàn tay ra và con chim sẽ bay đi.

Sau khi suy nghĩ, nhà hiền triết trả lời: “Con chim sẻ ngươi đang cầm trong tay sống hay chết là tùy ở ngươi.  Nếu ngươi muốn cho nó sống thì nó sống, nếu ngươi muốn nó chết thì nó chết.”

Hạnh phúc cũng giống con chim sẻ kia: đang nằm trong bàn tay ta, đang ở rất gần ta, đang ở bên cạnh ta.  Hạnh phúc đích thực của đời ta là chính Thiên Chúa.  Tuy nhiên, chúng ta có hạnh phúc hay không là tùy ở chính chúng ta: chúng ta có để cho Chúa sống trong chúng ta và chúng ta sống trong Ngài không.

Trong năm mới, chúng ta hãy dâng vào tay Chúa tất cả dự định tương lai và mọi chương trình sắp thực hiện.  Chúng ta tin rằng: trong bàn tay Chúa, chúng ta luôn sống trong an bình và hạnh phúc.

Anh chị em thân mến

Năm cũ đang dần dần khép lại và năm mới đang dần dần mở ra cho chúng ta.  Năm cũ đang lui dần vào quá khứ và năm mới đang từ từ dẫn chúng ta vào tương lai.  Quá khứ – Tương lai – không nằm ở trong tay chúng ta.  Một giây qua đi chúng ta không thể nào tìm lại được.  Một phút chưa tới chúng ta cũng chẳng có cách nào để có được nó trong tay.  Thời gian không nằm trong tay của con người nhưng nằm trong tay của Thiên Chúa.  Chính Thiên Chúa mới là chủ của thời gian nhưng Thiên Chúa lại ban thời gian đó cho con người để con người sử dụng.  Con người sử dụng thời gian để làm gì thì Sách Giảng Viên đã có những gợi ý rất hay:

Ở dưới bầu trời này,

mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời:

có thời để chào đời, có thời để lìa thế;

có thời để trồng cây, có thời để nhổ cây;

có thời để giết chết, có thời để chữa lành;

có thời để phá đổ, có thời để xây dựng;

có thời để khóc lóc, có thời để vui cười;

có thời để than van, có thời để múa nhảy;

có thời để quăng đá, có thời để lượm đá;

có thời để ôm hôn, có thời để tránh hôn;

có thời để kiếm tìm, có thời để đánh mất;

có thời để giữ lại, có thời để vất đi;

có thời để xé rách, có thời để vá khâu;

có thời để làm thinh, có thời để lên tiếng;

có thời để yêu thương, có thời để thù ghét;

có thời để gây chiến, có thời để làm hòa

Vì mọi sự Thiên Chúa làm sẽ tồn tại mãi mãi.

Không có gì để thêm, chẳng có gì để bớt.

Điều gì đang có, xưa kia đã có,

điều gì sẽ có, xưa đã có rồi.

Người công chính cũng như kẻ gian ác đều sẽ bị Thiên Chúa xét xử.

Vì mọi sự, mọi việc, đều có thời, có lúc.  (GV 3,1-8;14-15)

Vâng quả đúng như vậy: mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời và thời giờ đi thật mau.

Dù ta muốn hay không muốn,

bằng lòng hay không bằng lòng,

vui hay buồn,

sướng hay khổ,

thời giờ vẫn cứ đi, luôn luôn đi về phía trước.

Trong một bài thơ cổ, người ta đọc thấy những dòng chữ này:

Khi tôi là một đứa trẻ, tôi cười tôi khóc

thì lúc đó thời gian bò tới

Khi tôi là một thanh niên, tôi táo bạo hơn

thì thời gian đi bộ

Khi tôi trưởng thành, tôi là người chững chạc

thì thời gian chạy

Cuối cùng khi tôi bước vào tuổi chín mùi, tuổi già

thì thời gian bay

Chẳng bao lâu nữa là tôi chết

Thì thời gian đi mất

Ôi lạy Chúa, khi cái chết đến

thì ngoài Chúa ra, không còn gì là quan trọng nữa.

Trong đêm Thứ Bảy Tuần Thánh, Giáo hội nhắc cho mọi người biết: Thời gian là của Chúa.  Đó là một sự thật vô cùng quan trọng, rất quan trọng đối với mọi sinh vật được sinh ra trên hành tinh này.  Thế nhưng đã có rất nhiều người vô tình hay cố tình quên đi điều hết sức quan trọng đó.  Thời gian là của Chúa.

Nữ hoàng Êlizabeth bên Anh sẵn sàng trả giá cả hàng triệu mỹ kim cho bất cứ một ai có thể kéo dài cuộc đời của bà thêm 5 phút để bà giải quyết nốt những việc còn lại, nhưng chẳng ai làm được việc đó.

Vậy tôi phải sử dụng thời giờ Chúa ban cho tôi như thế nào?

Sưu Tam

From: Langthangchieutim


 

TẾT – (SONG THAO)

Đặng Minh Tâm

Đọc bài này, mình mới hiểu tại sao những người Tù “cải tạo” khi trở về, không nói gì về những ngày tháng trong địa ngục ấy!

TẾT

(SONG THAO)

Nói tới “tết” người ta nghĩ ngay tới Tết Nguyên Đán. Nhưng tết đâu phải chỉ là thời gian giao mùa giữa năm mới và năm cũ. Ngoài Tết Nguyên Đán, chúng ta còn có Tết Đoan Ngọ, Tết Trung Thu. Vậy tết là một ngày hội, một ngày vui được dân gian đón nhận. Những khi năm cùng tháng tận, tôi thường ôn lại dĩ vãng, nhớ lại những gì mình làm được cũng như chưa làm được trong năm cũ. Nhưng, từ bao năm nay, nỗi nhớ dằng dai hơn nhiều, từ ngày được tha khỏi cái gọi là trại cải tạo của Việt cộng. Đối với những người đã bước chân vào vòng tù mà không có tội, án cũng chẳng có, ngày tháng mênh mông như trong những đám mây, thời gian như một thách đố không có lời giải đáp, chuyện được thả cho về với gia đình là chuyện chết đi sống lại. Đó mới là ngày vui, ngày hội, ngày tết đích thực. Ngày về là…tết!

Thường trong các dịp tết, trại cho một số trại viên về, như một trình diễn về cái gọi là nhân đạo của chế độ. Dù chẳng ai tin vào sự nhân đạo của một chế độ lấy chuyên chế làm kim chỉ nam, nhưng cứ được bước ra ngoài vòng cương tỏa của tù tội là tết rồi. Chuyện về là chuyện trúng số. Thần tài gõ vào đầu anh nào, anh ấy hưởng. Tôi may mắn được gõ đầu vào ngay cái tết đầu tiên trong tù. Trong truyện ngắn “Tết Trước Tết”, tôi đã tả lại giây phút…thiêng liêng đó. Sau ba chục ngày vô cũi, chuyện ra về là chuyện canh cánh bên lòng của chúng tôi. Cán bộ cứ ra rả tuyên truyền: “Về hay không là tùy các anh có học tập tốt không thôi!”. Chẳng ai nhét được câu dối trá này vào trong đầu. Rồi ngày định mệnh cũng tới. “ Sáng hôm sau, 26 tết, cán bộ tất tưởi tay cầm cuộn giấy lên kêu họp nhà. Mọi người vội vàng vào hàng ngũ. Chưa bao giờ anh em lại tập họp nhanh nhẹn đến như vậy. Tôi nhìn quanh. Mọi khuôn mặt đều căng lên hồi hộp. Bụng tôi đánh lô tô. Đang ngồi tôi đứng lên nói với đám bạn quen ngồi cạnh:“Đứng lên một cái lấy hên!”. Chẳng ai cười. Người nào cũng còn đang bận đội một thúng chì trên đầu. Mọi cặp mắt đều dồn vào tờ giấy trên tay cán bộ. Tôi thấy trang giấy đen kịt chữ. Chắc cũng phải vài chục tên. Có tên tôi trong đó không? Tôi nhấp nhổm như muốn soi thủng những con chữ trên tờ giấy. Cán bộ lên tiếng yêu cầu im lặng. Căn phòng lặng ngắt tức thì. Cán bộ giáo đầu cà kê về chính sách khoan hồng của nhà nước. Tim tôi nhảy loạn xạ.

Được về hay ở lại? Hai tình huống xa nhau như Thiên Đàng- Địa Ngục.

Tai tôi hững hờ với những sáo ngữ rỗng tuếch đang phát ra từ cái miệng bôi mỡ. Rồi giây phút định mệnh cũng đến. Tên người đầu tiên được xướng lên. Kẻ diễm phúc đứng phắt dậy mặt mũi ngơ ngác tái mét. Tôi bấm đốt ngón tay đếm từng tên. Ngón tay cái chạy gần hết bốn ngón tay kia thì tên tôi được đọc lên. Tôi đứng phắt dậy. Có phải chân tôi đang chạm đất đây không? Đầu tôi lỏng le như chẳng có gì ở trong. Mặt mũi tôi tê rần. Tai tôi lùng bùng nghe tiếng quản giáo hỏi: “Anh ở nhà này à? Sao tôi ít thấy mặt anh?”. Lạy trời đừng có gì trục trặc. Môi tôi như gắn hàm thiếc không nói năng được gì. Tai tôi lại lùng bùng nghe: “Anh ngồi xuống!”. Tôi ngồi phịch xuống. Chiều nay mình sẽ ở nhà mình. Tôi cố làm quen với ý nghĩ mới mẻ này. Những khuôn mặt quanh tôi nhũn ra khi cán bộ gấp tờ giấy lại. Tôi nhìn thấy nét bàng hoàng hoảng hốt, tôi nhìn thấy những giọt nước mắt vội vã, tôi nhìn thấy những khuôn mặt nặng nề cố nuốt nỗi thất vọng. Và tôi cũng nhìn thấy nỗi mừng vui cố giấu kín của những người có tên”.

Tết đến với tôi, tết đến với nhiều anh em khác trại, khác thời gian. Nhưng có đang là mùa hè nóng cháy, được kêu tên ra về vẫn…tết! Tác giả Phạm Đăng Quỳnh kể lại về ngày “tết” của người cha. “Ba nói sáng đó vẫn đi làm bình thường thì ba bất ngờ được tách ra, cho nên anh em bạn tù ai cũng không biết ba được về mà tâm sự hay gửi nhắn gì cho gia đình. Các chỉ huy trại bỗng dưng nhỏ nhẹ lạ thường:“Anh đã biết lao động sản xuất. Lao động là vinh quang anh có biết không? Bác Hồ kính yêu đã dạy như thế. Từ một người chỉ biết ăn bơ thừa sữa cặn của đế quốc, lười biếng lao động, có nợ máu với nhân dân, nhờ cách mạng khoan hồng, giáo dục , bây giờ anh đã được trở về với nhân dân. Hãy nhớ hăng say lao động sản xuất để đền đáp công ơn của cách mạng.

Những gì anh đã trải qua mấy năm nay ở đây, khi về anh không được kể lại với bất cứ ai. Đã có nhiều người không làm như vậy phải quay lại trại. Chính quyền cách mạng sẽ đưa họ trở lại đây cho chúng tôiAnh phải nhớ là chúng tôi không muốn gặp lại anh ở đây một lần nữa, anh nhé! Anh nhớ đấy!”.

Ba nói , dù đã quen với cuộc sống tù tội ở đây, nhưng khi nghe các nhà quản giáo nói đến chuyện quay trở lại ” địa ngục trần gian” này ba không khỏi nổi da gà. Đó là lý do ba tôi và hầu hết những “con trời’ khác khi thoát nạn , trở về ai hỏi gì cũng không dám kể lạiHọ chỉ tập trung làm lụng nuôi sống gia đình, im lặng , khép kín, có vài người còn trầm cảm”.

Một trường hợp được tha về khác, cũng đúng vào dịp Tết Nguyên Đán, do một tác giả không ghi tên kể lại: “Mọi bữa, sắp hàng xong là ra cổng. Bữa nay sao lại dềnh dàng? Hóa ra đợi nghe đích thân trại trưởng tuyên đọc “lệnh tha” nhân dịp Tết Nguyên Đán sắp tới!

Cả mười mấy đội, sáu bảy trăm nhân mạng đều nhốn nháo. Tiếng là thiếu tá mà coi bộ trại trưởng đọc chữ không rành. Trong khi thiên hạ nhấp nha, nhấp nhổm, ông ê a đánh vần thật là sốt ruột. Tiếng ông thì nhỏ mà gã tù tui thì điếc lác sợ không nghe được nên mới nhờ anh bạn đứng kế bên nhắc chừng dùm. Quả nhiên lát sau bỗng thấy anh bạn nắm áo vừa giật vừa hô: có tên rồi kìa! Tôi nghe rồi ngẩn ngơ như lạc vào trong mơ ! Ngơ ngẩn hồi lâu mới giật mình, tỉnh lại bèn chạy u về phòng giam lo thu xếp đồ đạc. Bao nhiêu đồ dồn vô sac marin, chiếc thùng sắt để lại cho thiếu tá Huấn,chánh sở tạo tác NQS như đã hứa. Thiếu tá Tú, thường trực thi đua mới hướng dẫn qua Khu B tạm trú qua đêm. Buổi cơm chiều mới thật là hào hứng. Trại khoản đãi giã biệt bằng cơm trắng thay sắn dui. Lại gặp anh Nguyễn Mỹ, trưởng ty thuế vụ Biên Hòa cùng được thả. Hai anh em chén cơm trắng thịt kho thả cửa. Nôn nao, không sao ngủ được bèn làm đêm không ngủ. Bịch thuốc lào tới sáng đã khuyết một phần tư! Đêm dài rồi cũng trôi qua. Sáng lại đã thấy cán bộ tới làm thủ tục ra tù. Lần cuối cùng lăn tay, nhận lãnh giấy ra tù. Cầm tấm giấy vàng úa mà nâng niu như lịnh thiên tào tha mạng!”.

Bà Thanh Minh, một vợ tù cải tạo, mòn mỏi trông chờ chồng về. Như có sự sắp đặt của trời đất, một bữa bà thấy ông lù lù xuất hiện ở cửa nhà. “ Buổi tối, ngày 30-4-1980, tôi và đứa con đang ngồi ăn cơm, thì chồng tôi bước vô nhà. Trông chồng tôi gầy ốm, đen đúa, quần áo lếch thếch, lưng đeo ba lô. Đâu còn phong độ của thời huy hoàng ngày xưa. Tôi sững sờ, đánh rơi đũa chén, líu lưỡi, không nói nên lời. Chồng tôi cho biết, anh ấy đã được trả tự do vài ngày trước đây. Ra trại Vĩnh Phú, anh ấy về Hà Nội, ngủ ngoài trời một đêm tại sân ga xe lửa. Ngay khi tới Hà Nội, anh ấy đã đến bưu điện, gởi điện tín báo tin mừng, một ngày trước lên xe lửa về Nam. Xe chạy từ Hà Nội vô Sài Gòn mất thêm hai ngày nữa. Thế mà, điện tín lại đi chậm hơn xe lửa. Do đó, sự xuất hiện của chồng tôi đã đem lại cho tôi một sự mừng rỡ, một hạnh phúc bất ngờ, tưởng chỉ có trong giấc mơ mà thôi. Tôi đề nghị hai đứa ra phố ăn cơm tiệm để mừng ngày thoát cảnh tù đày. Chồng tôi nói: “Thôi! Ăn cơm tù nhiều năm quen rồi, bây giờ có ăn cơm nguội cũng sướng như tiên rồi”. Đúng là bị méo mó nghề nghiệp ở tù”.

Đường về có năm bảy lối, lối nào cũng là…tết. Tùy theo những năm tháng ở tù dài hay ngắn, những người về như lạc về cõi thiên thai. Những ngày trong tù, chúng tôi sống như thời tiền sử. Quần áo vá chằng vá đụp, thân hình mốc thếch ghẻ lở trơ xương. Chỉ vài tháng trong trại đã biến những sĩ quan hào hoa, những cấp chỉ huy quần dài áo rộng trong các công sở thành những vật-người. Chúng tôi lượm từng mảnh kim khí, tấm cạc tông, chiếc đinh rỉ hay những thứ ngày xưa chúng tôi coi là rác rưởi. Bất cứ thứ gì cũng có lúc dùng tới. Những chiếc dép cao su ngày đi mới tinh, qua ngày tháng, đứt quai, mòn đế, chúng tôi buộc lại bằng những sợi ni lông đủ màu, trông cứ như phường chèo tất cả. Về lại chốn phố phường, chúng tôi trông chằng giống con giáp nào.

Vĩnh biệt ta-mười-năm chết dấp

Chốn rừng thiêng im tiếng nghìn thu

Mười năm mặt sạm soi khe nước

Ta hóa thân thành vượn cổ sơ …

(Tô Thùy Yên)

Ngày về, ngày tết của riêng chúng tôi, lòng chúng tôi như mềm đi vì tình nghĩa đồng bào. Những người dân miền Nam, quen hay không quen, đã đón chúng tôi như những người thân từ địa ngục trần gian trở về. Một đoạn trong nhật ký của ông Vương văn Ba kể lại ngày về: “Hôm nay là một trong những ngày vui nhất của đời mình: ngày ra Trại, ngày được phóng thích. Có phải chăng đây là một sự ngẫu nhiên hay sự an bài của đấng thiêng liêng: 15.6.1975 ngày đi học tập cải tạo, 15.6.1983 ngày bước ra khỏi trại, đúng 8 năm tròn không thiếu hay dư một ngày nào. Hôm ấy, 14.6.1983, tức trước một ngày ra Trại, đang ngồi ăn cơm trưa thì anh Oanh làm nhà bếp kề tai nói nhỏ : “Anh Ba hãy bình tĩnh nghe tôi nói, anh có tên trong danh sách về”. Mình yên lặng nhìn anh ấy xem coi có nói chơi hay thật và nói cám ơn. Buổi chiều cả Trại ra sân tập hợp để đi làm. Trước khi đi làm có lệnh đọc danh sách tha. Đợt phóng thích này có tất cả 30 người về : bọn này 22 người, có 1 chính trị địa phương và 7 người trại khác. Ngay chiều hôm đó lên trên cơ quan làm thủ tục về, sáng hôm sau có xe của Trại đưa ra huyện Tân Kỳ, tại đây đáp xe đò ra Vinh. Vinh là thị xã tỉnh Nghệ Tĩnh, chiều ngày 15.6.1983 có mặt tại ga Vinh, nhờ một số các em trẻ tuổi từ Huế ra đây ký hợp đồng với chính phủ xây cất nhà ga giúp đỡ. Các em này hầu hết có gia đình đi cải tạo, nên các em rất thông cảm bọn này, dành chỗ cho nghỉ ngơi để đợi tàu hỏa. Đêm ấy tại Vinh mình ăn ở uống tợn quá, gặp gì ăn nấy, ăn từ 19g00 đến 21g00. Lúc 21g30 loa phóng thanh báo tàu Thống Nhất từ Hà Nội đi Sàigòn đến. Các bạn trẻ người Huế hướng dẫn cả bọn 22 người đi chui ngõ ngách đặc biệt để vào chỗ tàu đậu, xong họ lên năn nỉ với các anh em Kiểm soát viên vé tàu để cho đi. May mắn thay, bọn này gặp các Kiểm soát vé người trong Nam nên họ cho đi tàu khỏi mua vé, dĩ nhiên bọn này phải ngồi nhờ hai đầu lên xuống của toa và chia ra mỗi toa vài người.. Tàu chạy đến Quảng Trị thì trời đã sáng, từ đó trở đi mình ăn uống lu bù, gặp ga lớn ăn theo ga lớn, ngừng ga nhỏ ăn theo ga nhỏ. Thật là khủng khiếp cho kiếp tù đày : đói và thèm. Đến ga Nha Trang lúc 23g00 ngày 16.6.1983, xuống ga tôi và bạn Tuệ, hai người thuê một chiếc xích lô về nhà mẹ Khoa ở đường Nguyễn Thái Học”.

Tác giả Phạm Đăng Quỳnh kể chuyện về của người cha. “Mãn hạn tù cải tạo, ba được ban chỉ huy trại dặn dò cả buổi, rồi phát cho ít tiền. Số tiền ít ỏi này không đủ để đón xe từ trại về nhà, nhưng không sao. Dù cơ thể chỉ còn bộ xương dính da, nhưng niềm vui bất ngờ được ra tù như liều thuốc kích thích, làm cho con người ba hưng phấn hẳn, ba cảm thấy khỏe như thanh niên, xách tay nải ba rời trại. Bước ra đường, ba nghĩ mình đủ sức đi bộ về tới nhà, dù đoạn đường gần vài trăm cây số. Hoặc đi bộ đến khi nào kiệt sức thì sẽ đón xe đò, nhưng không, không bao giờ mình kiệt sức. Chắc chắn vậy. Hoặc chỉ đón xe đi hết địa phận tỉnh Bình Định thôi, rồi xin đi nhờ xe về Quảng Ngãi. Không được, đời mình có lúc như đã tận cùng có thèm xin xỏ ai đâu. Thôi cứ đi bộ. Rồi một chiếc xe đò đột ngột dừng lại phía trước. Anh lơ xe nhảy xuống: “ Mời ông “con trời” lên xe”. “Chú đi bộ được rồi em ơi”. “Ông cứ lên xe, tụi tui không lấy tiền đâu. Chưa kịp suy nghĩ, chú thanh niên to khỏe ôm ba bỏ lên chiếc xe cũ kỹ, ba như chưa kịp định thần, cảm giác vừa vui vui vừa buồn buồn pha chút xấu hổ. Ba hỏi: “Sao mấy em gọi tui là “con trời?”. “ Ông nhìn cái lưng áo của ông có hai chữ CT tổ bố, không phải con trời thì là cái gì? Tụi tui chở nhiều rồi, không lấy tiền ai hết, mà có lấy thì mấy ông tiền đâu đưa? Ông yên tâm, lát nữa tụi tui gửi xe quen cho ông về tận Quảng Ngãi luôn. Mà ông có tự đón xe thì cũng không ai lấy tiền của ông đâu, đừng lo”.

Tôi về từ Long Thành, xe tải bộ đội chạy thẳng về Sài Gòn, đổ xuống vườn Tao Đàn. Xe vừa vào tới thành phố, đồng bào chạy theo reo hò. Cứ như đoàn quân chiến thắng trở về. Chúng tôi chỉ là những tên chiến bại nhưng được chào đón như những người thân yêu về lại quê hương. Chỉ có tình người của những người cùng chia nhau chiến bại mới òa lên được niềm vui rộng rãi như vậy. “Đoàn xe bộ đội đưa chúng tôi về bò ra khỏi con đường đất bụi mịt mù gặp Quốc lộ 15 quẹo mặt. Đường về Saigon. Nỗi bàng hoàng chưa rời khỏi chúng tôi. Ôm nỗi vui mừng quá lớn lao mà chúng tôi ngồi im thin thít không dám nói năng gì. Gió lồng lộng tung hồn tôi lên cao. Tôi nhắm mắt tận hưởng nỗi sung sướng tưởng chừng như nổ tung người ra. Cầu Xa Lộ. Ngã tư Hàng Xanh. Saigon đây rồi. Đoàn xe chạy qua chợ Bến Thành, vào vườn Tao Đàn. Dân chúng đổ xô chạy theo. Khi xe ngừng cho chúng tôi xuống thì con đường nhựa giữa vườn nối liền hai cổng đường Nguyễn Du và đường Hồng Thập Tự đã đầy nhóc người. Những câu hỏi tíu tít trả lời không kịp. Mọi người, nhất là các bà có chồng đi học tập, muốn níu chúng tôi lại hỏi chuyện. Chúng tôi thì muốn bay về nhà ngay. Tôi vất vả luồn lách ra được tới đường Hồng Thập Tự. Một anh xe ôm trờ tới: “Thầy lên xe em chở về”. Tôi leo lên xe. Anh xe ôm vui tính bắt chuyện suốt đoạn đường về tới Thị Nghè. Tới nhà tôi bước xuống bảo chờ tôi vào lấy tiền ra trả. Anh khoát tay: “Tiền nong gì thầy! Em là lính cũ. Các thầy về là mừng rồi. Thôi, chào thầy em đi”.

Người dân miền Nam cùng chung một tấm lòng với những người trở về nhưng mỗi chúng tôi gặp một cách đón mừng riêng. Cách nào cũng làm chúng tôi rớt nước mắt. Vị tác giả vô danh ghi lại một cách đón khác khi hỏi mua thuốc lá của một cô gái trên lề đường. “Hắn sực nhớ lúc nãy cô gái có liếc mắt xuống đôi chân hắn. Hắn chợt thoáng “lý đoán” ra nguyên nhân. Nhìn thẳng vào mặt cô bán thuốc, với vẻ nghiêm trang, hắn nói:“Anh vừa từ trại cải tạo ra, đang trên đường về, nên đành phải mang đôi dép này”. Khi hắn vừa mới nói đến “Anh vừa từ trại cải tạo ra”, cặp mắt cô gái sáng lên và đôi má cô ửng hồng, nhếch lên để lộ ra cái lúm đồng tiền. Hình như cô muốn nói điều gì mà không cất lên được. Cô luống cuống lấy trong hộc ra gói thuốc Hoa Mai còn nguyên rồi bằng hai tay đưa lên sát ngực hắn, với ánh mắt thương cảm trìu mến: “Anh cầm lấy, em biếu anh. Rất tiếc bây giờ không còn thuốc trước 75”.

Tác giả Nguyễn Minh Châu, trong hồi ký “Cuộc Đời Đổi Thay”, cũng nhận được những yêu thương của đồng bào khi từ Yên Bái trở về Nam. Khi xe ghé Huế để ăn trưa, anh được đồng bào o bế nồng hậu. “Ðến thành phố Huế, hai anh bộ đội cho chúng tôi xuống xe để ăn trưa. Ðồng bào hay tin tù cải tạo được về Nam từ các trại tù miền Bắc đã đổ xô tới bao vây chúng tôi. Các bà cụ già và các phụ nữ nhìn thấy chúng tôi mặt mày xanh xao hốc hác, bơ phờ và ốm gầy nên động lòng khóc nức nở. Chúng tôi bị cấm không cho tiếp xúc với đồng bào, nhưng khi nhìn qua ánh mắt của mấy bà tôi hiểu là các bà rất thương cảm chúng tôi và họ hình dung bóng dáng chồng con hay anh em của họ cũng tiêu điều như chúng tôi vậy, nên họ mủi lòng không cầm được nước mắt. Có một bà cụ chửi khe khẽ rằng: “Ðồ quân khốn nạn! Chúng bay đày đọa mấy người cải tạo ra nông nỗi này!”. Một điều làm cho tôi luyến tiếc là phố Huế ngày xưa thanh bình thơ mộng, nay sao tôi thấy tiêu điều buồn tênh! Có lẽ phố Huế cũng buồn theo vận nước? Anh em chúng tôi chia ra từng toán vào các quán ăn cạnh nhau trên một đường phố. Các người chủ quán đều không tính tiền và còn cho uống beer và nước ngọt thật ngon lành vì mấy năm nay đâu được có những thứ này”.

Ông bạn nhà thơ Quan Dương được ra về vào năm 1981, đu theo xe đò tới Ninh Hòa thì nhảy xuống, cuốc bộ hai cây số về nhà.

Chiếc xe đò rùng mình nín thở

Quẳng xuống đường một nhúm xương khô

Gã lính ngụy lưu đầy ngơ ngác

Chưa dám tin mình đã trở về.

Những người về từ ngục tù Cộng sản chúng tôi ấm lòng khi được đồng bào miền Nam đón tiếp nồng hậu. Hình như họ nhìn thấy chính họ trong cái tiều tụy của chúng tôi. Đồng bào, hai chữ thật thân thương. Nhưng cũng thật rắc rối. Chúng tôi vừa thoát khỏi bàn tay nghiệt ngã của một thứ “đồng bào”, để được đón nhận thân tình từ một thứ “đồng bào” khác. Vận nước tới lúc như vậy, vận nước cũng sẽ tới lúc khác vậy. Để cho hai chữ “đồng bào” trở về đúng nghĩa của nó. Dù sao, những con người rách nát cả thể xác lẫn tinh thần chúng tôi cũng lê được cái thân tàn về với đồng bào miền Nam thân yêu. Và chúng tôi đã được đón nhận như những đứa con hẩm hiu tìm về được căn nhà cũ. Vậy là vui rồi. Vui như tết!

11/2018


 

Người đã lập gia đình sống hạnh phúc hơn

 Ba’o Nguoi-Viet

February 9, 2024

WASHINGTON, DC (NV) – Sau khi lập gia đình sống hạnh phúc hơn có lẽ không chỉ có trong truyện cổ tích mà còn có trong dữ liệu chính thức.

Người đã lập gia đình sống hạnh phúc hơn nhiều so với người chưa lập gia đình, theo kết quả khảo sát được Gallup, công ty phân tích và cố vấn ở Washington, DC, công bố hôm Thứ Sáu, 9 Tháng Hai, CNN đưa tin.

Người đã lập gia đình sống hạnh phúc hơn người chưa lập gia đình. (Hình minh họa: Storyblocks)

“Phân tích dữ liệu đó bằng bất cứ cách nào, chúng tôi đều thấy lợi ích khá lớn và đáng kể của việc lập gia đình,” ông Jonathan Rothwell, kinh tế gia chính của Gallup, cho biết.

Từ năm 2009 tới 2023, nhóm nghiên cứu của Gallup hỏi hơn 2.5 triệu người Mỹ trưởng thành đánh giá cuộc sống hiện tại của họ ra sao, trong đó zero là tệ nhất và 10 điểm là cao nhất. Sau đó, nhóm nghiên cứu hỏi họ dự trù mức độ hạnh phúc của họ sẽ như thế nào sau năm năm nữa.

Để được coi là hạnh phúc, người ta phải chấm cuộc sống hiện tại bảy điểm trở lên và dự trù tương lai tám điểm trở lên, theo khảo sát.

Trong giai đoạn khảo sát, người đã lập gia đình lúc nào cũng báo cáo mức độ hạnh phúc của họ cao hơn người chưa lập gia đình, từ 12% tới 24% tùy năm.

Sự khác biệt này vẫn có thậm chí khi nhóm nghiên cứu điều chỉnh yếu tố như tuổi tác, chủng tộc, sắc tộc, giới tích và học vấn, theo khảo sát.

Giới chuyên gia đưa ra vài lý do lập gia đình làm người ta hạnh phúc hơn, trong đó đặc biệt là người đã lập gia đình lúc nào cũng có chỗ dựa an toàn, chắc chắn mỗi khi gặp khó khăn. (Th.Long)