Thánh Fidelis ở Sigmaringen

24/04/2012

 Thánh Fidelis ở Sigmaringen

    (1578 — 1622)

     Nếu có người nghèo cần đến quần áo, Thánh Fidelis thường lấy ngay quần áo của mình đang mặc mà chia sẻ cho họ. Sự hoàn toàn độ lượng là đặc tính của cuộc đời thánh nhân.

     Sinh năm 1578 trong một gia đình giầu có ở Sigmaringen, Thánh Fidelis có tên gọi là Mark Rey, ngay từ nhỏ rõ ràng ngài đã có những khả năng đặc biệt. Sau khi được vinh dự nhận bằng tiến sĩ triết và luật tại Ðại Học Freeburgh, Mark Rey cùng với ba người bạn đi khắp Âu Châu trong vòng sáu năm. Ngài hành nghề luật sư, và các thân chủ đều mến mộ sự khôn ngoan và công chính của ngài. Nhưng dần dà ngài cảm thấy ghê tởm sự thối nát trong giới đồng nghiệp, và khi được hối lộ để kéo dài một vụ kiện ngài đã quyết định đi tu, gia nhập dòng Phanxicô và lấy tên Fidelis. Tài sản của ngài được chia cho người nghèo và nhà dòng.

     Với quyết tâm rao giảng cho mọi người biết về đức tin chân thật, sau khi thụ phong linh mục, Cha Fidelis được phép hoạt động truyền giáo cho người Tin Lành, đó là một công việc đầy nguy hiểm trong thời ấy. Ngài chuẩn bị cho sứ vụ này bằng việc học hỏi, viết lách, cầu nguyện và hãm mình. Với những lời đầy nhiệt huyết ngài bài bác lạc thuyết của Calvin và Zwingli. Nhiều người Tin Lành cũng như người Công Giáo sa ngã đã trở về với đức tin Công Giáo.

     Sau đó Cha Fidelis làm Giám Ðốc của một tu viện và là nguồn khai sáng cho các tu sĩ với tinh thần chiêm niệm luôn bao trùm nhà dòng. Chính ngài và các thầy chăm sóc các quân nhân về thể xác cũng như tinh thần khiến các sĩ quan Tin Lành tức giận.

    Có lần ngài nói với một linh mục bạn về hai điều ước của ngài; một là được ơn không bao giờ phạm tội trọng, và hai là được chết vì Ðức Tin. Thiên Chúa đã nhận lời ngài.

     Trong ba năm, ngài được Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô XV sai đến Thetia hoạt động và ngài hoán cải rất nhiều người. Các giáo sĩ theo phái Calvin(*) xách động dân chúng, và vào ngày 24 tháng Tư 1624, đó là lần rao giảng chót của Cha Fidelis. Khi ngài vừa lên toà giảng để nói về “Một Thiên Chúa, Một Ðức Tin, Một Phép Rửa”, đám đông la ó phản đối, họ lôi ngài ra khỏi nhà thờ và dùng gậy gộc đánh đập và dùng gươm đâm ngài chết.

     Lời Bàn

     Sự liên lỉ cầu nguyện của Thánh Fidelis đã giữ ngài luôn trung thành với Thiên Chúa và không nhượng bộ sự lãnh đạm và thờ ơ. Người ta thường nghe ngài nói, “Khốn cho tôi, nếu tôi chỉ là một người lính thiếu tận tâm phục vụ vị Thủ Lãnh đội mão gai.” Sự cầu nguyện đối với sự thờ ơ, và sự lưu tâm đối với người nghèo đã khiến thánh nhân trở nên một gương mẫu có giá trị cho ngày nay. Giáo Hội thường kêu gọi chúng ta hãy noi gương người “luật sư của người nghèo” này bằng cách chia sẻ tài năng chúng ta với những người kém may mắn, và hoạt động cho sự công bằng của thế giới.

  Lời Trích

    “Hành động vì sự công bằng và tham dự trong việc biến đổi thế gian thực sự là một yếu tố cơ bản trong việc rao giảng phúc âm hoặc, nói cách khác, trong sứ vụ của Giáo Hội để cứu chuộc loài người và giải thoát con người khỏi mọi áp bức” (“Sự Công Bằng Trong Thế Giới,” Thượng Hội Ðồng Giám Mục, 1971).

 

Người công chính gặp nhiều nỗi gian truân, nhưng Chúa giúp họ luôn thoát khỏi

(Tv 34, 20)                                  nguồn: từ Maria Mai

Thánh George.

23/04/2012

 Thánh George.

    (c. 304)

   Người ta thường vẽ hình Thánh George đang giết con rồng để cứu thoát một phụ nữ xinh đẹp. Con rồng tượng trưng cho sự dữ. Người phụ nữ tượng trưng cho chân lý thánh thiện của Thiên Chúa. Thánh George là vị tử đạo can đảm đã chiến thắng sự dữ.

    Cuộc đời Thánh George thì đầy những huyền thoại đến nỗi thật khó để phân biệt thực hư. Người ta cho rằng Thánh George xuất thân từ Cappadocia thuộc Tiểu Á, là một sĩ quan trong đạo quân của Hoàng Ðế La Mã Diocletian (245 — 313), và là người được Hoàng Ðế mến mộ.

    Lúc bấy giờ, Diocletian là người ngoại đạo và thù ghét Kitô Giáo. Ông giết bất cứ Kitô Hữu nào mà ông gặp. Thánh George là một Kitô Hữu can đảm, một người lính đích thực của Ðức Kitô. Không sợ hãi, ngài đến gặp Hoàng Ðế và nghiêm nghị quở trách sự tàn ác của ông. Sau đó ngài từ bỏ địa vị trong quân đội La Mã. Vì lý do đó ngài bị tra tấn bằng mọi cách khủng khiếp nhất và sau cùng bị chém đầu.

   Sự can đảm và hăng hái tuyên xưng đức tin của Thánh George đã đem lại niềm phấn khởi cho các Kitô Hữu thời ấy. Nhiều bài hát và bài thơ đã được sáng tác về vị tử đạo này. Ðặc biệt, các quân nhân là những người sùng kính ngài.

     Ngài được phong thánh năm 494, Ðức Giáo Hoàng Gelasius tuyên xưng ngài là một trong những người “mà tên tuổi thật xứng đáng để người đời kính trọng, và chứng từ tử đạo của ngài đáng để dâng lên Thiên Chúa.”

     Thánh George được đặt làm quan thầy của nước Anh, Bồ Ðào Nha, Ðức, Aragon, Genoa và Venice.

    Lời Bàn

 Tất cả chúng ta đều có những “con rồng” để khuất phục. Nó có thể là sự kiêu ngạo, sự nóng giận, sự lười biếng, sự tham lam, hoặc bất cứ gì khác. Hãy biết rằng chúng ta chiến đấu những “con rồng” đó với sự trợ giúp của Thiên Chúa. Và rồi, chúng ta có thể tự hào mình là chiến sĩ đích thực của Ðức Kitô.

  Lời Trích

 “Mỗi khi nhìn đến đời sống của những người đã trung tín theo Ðức Kitô, chúng ta lại có thêm một lý do nữa để phấn khởi tìm kiếm Thành Thánh tương lai” (Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội, 50)                            nguồn: từ Maria Mai

Chuyện gia đình

Chuyện gia đình  

 

Ngay từ nhỏ, ai đi học cũng đều được dạy và thuộc lòng câu tục ngữ:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ, kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

Gia đình là cái nôi. Ai cũng có một gia đình. Người ta có thể tự chọn cho mình nhiều thứ, nhưng không ai có thể chọn cha mẹ cho mình. Dù cha mẹ có thế nào thì cũng vẫn là người sinh thành và dưỡng dục, là con thì không ai được hất hủi cha mẹ. Không thể lấy cớ là “tại, vì, bởi, nếu” mà biện hộ cho động thái bất xứng của mình dành cho song thân phụ mẫu.

 CHUYỆN MẸ CON

 Bà Bùi Thị Hồng Nhung (44 tuổi) đã ly hôn năm 2009, bà sống với con trai tên Nguyễn Hữu Tài ở phường 2, Bảo Lộc (Lâm Đồng). Khi ly hôn, bà hứa sẽ cho anh em Tài một mảnh đất ở xã Đại Lào (Bảo Lộc). Nhưng sau bà lại định bán mảnh đất đó nên Tài không bằng lòng. Mặt khác, do Tài ham chơi, không giúp đỡ mẹ, nên thường bị mẹ la mắng, vì thế Tài càng ấm ức.

Khoảng 23 giờ ngày 16-8-2009, khi hai mẹ con đang ở trong phòng xem ti-vi, Tài hỏi: “Mẹ định bán miếng đất ở Đại Lào hả?”. Bà Nhung trả lời: “Tao bán thì sao?”. Thế là Tài nảy sinh ý định giết mẹ.

Lợi dụng lúc mẹ không để ý, Tài dùng tay đánh mạnh vào gáy mẹ. Bị đánh đau bất ngờ, bà Nhung hét lên rồi ngã xuống nền nhà, Tài lao theo siết cổ mẹ đến chết.

Lúc 12g10 ngày 20-8-2009, người dân phát hiện một xác người bị vùi tại bồn hoa trước nhà. Công an xác minh nạn nhân là bà Bùi Thị Hồng Nhung, thủ phạm giết bà Nhung lại chính là Nguyễn Hữu Tài (sn 1992), con ruột của bà Nhung.

 CHUYỆN CHA CON

 1. Năm 2009, Nghiêm Viết Thành (sn 1991) đã nhẫn tâm sát hại cha ruột là ông Nghiêm Viết Yên (sn 1958, nhà số 312, đường Điện Biên Phủ, P. Bình Hàn, TP Hải Dương). Không chỉ giết chết cha mà Thành còn dùng dao chém nhiều nhát khiến khuôn mặt nạn nhân biến dạng đến mức không thể nhận ra, và cắt rời thi thể nạn nhân làm 4 khúc.

Xong việc, Thành “biến mất”. Tuy nhiên, Thành vẫn lên mạng để liên lạc qua chat với bạn bè. Thành nói với bạn bè rằng khi đi chơi tối về thì phát hiện ông Yên đang ở với một người phụ nữ khác. “Xốn mắt” nên Thành bỏ đi, khi quay về thì phát hiện trong nhà có nhiều vết máu nên nghĩ có thể bố mình đã bị người phụ nữ kia sát hại nên Thành lại bỏ đi tiếp.

Công an Hải Dương bất ngờ ập vào nhà nghỉ tại số 60 đường Giải Phóng nối dài (TP Nam Định). Lúc này, Thành đang chuẩn bị tắm giặt sau mấy ngày lẩn trốn. Chiếc xe Future Neo mà Thành lấy đi của bố vẫn vương vài giọt máu. Vải thưa không che được mắt thánh. Lời khai của “cậu học trò ít nói và sống khép kín” dần hiện ra những chi tiết bí ẩn khiến cho chính các điều tra viên dày dạn kinh nghiệm nhất cũng không khỏi rùng mình.

Tối hôm đó, Thành đi chơi game về khuya nên bị ông Yên tra hỏi đi đâu mà về muộn. Thành nói: “Con đi học”. Biết con mê chơi game, ông Yên la rầy Thành. Cơn giận kìm nén bấy lâu trong người chợt bùng phát, Thành quay ra ngoài thấy trên bàn có con dao (loại dao chặt) liền nảy sinh ý định giết bố.

Thành lấy dao đến chỗ ông Yên ngồi và chém thẳng vào cổ. Thấy bố ngã ra, Thành tiếp tục “vung dao” cho đến khi bố gục hẳn xuống đất. Sợ bị phát hiện, Thành đã nhẫn tâm chặt xác ông Yên thành 4 khúc rồi lấy xe máy chở ra khu vựv cách nhà chừng 2 km để phi tang giữa lúc nửa đêm về sáng.

Láng giềng và các thầy cô giáo trường PTTH dân lập Thành Đông hết sức ngạc nhiên vì thấy Thành là một học sinh khá lành tính, sống khép kín. Chính bà ngoại của Thành cũng thực sự bất ngờ trước hành vi của đứa cháu. Bề ngoài hiền lành của Thành lại có “bí ẩn” khác là… nghiện game Chiến quốc!

2. Ngày 28-2-2012, Tòa án tỉnh Vĩnh Long đã tuyên phạt tù chung thân Huỳnh Văn Quyên (50 tuổi) về tội giết người và tuyên phạt 4 năm, 4 tháng, 7 ngày tù Lê Thị Tám (45 tuổi, vợ của Quyên) về tội che giấu tội phạm. Hai vợ chồng ngụ tại ấp Tân Hòa, xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.

Theo cáo trạng, khoảng 2g ngày 7-2-2007, bị mẹ là bà Dương Thị Tám la (trước đó bà Tám đã la rầy nhiều lần), Quyên một tay nắm cổ, một tay ôm lưng bà kéo lại khoảng vài phút thì buông ra, và bà Tám không còn cử động. Quyên vội ẵm mẹ để lên giường và gọi vợ ra nói cho biết “lỡ tay giết chết mẹ”. Hai vợ chồng Quyên khiêng bà Tám để trên xuồng và ném thi thể bà xuống sông.

 VĨ NGÔN

Giết người là tội tày trời. Các nghịch tử kia là những “siêu nhân”, thường nhân chúng ta không thể hiểu nổi, vì họ đã cả gan sát hại chính cha mẹ ruột của mình vì những chuyện “không đáng gì” và vì họ đòi hỏi riêng thái quá. Đó là trọng tội mà “trời không dung, đất không tha”.

Người đời còn kết án huống gì Thiên Chúa, vì trong Thập Giới (10 điều răn), Chúa đã dạy giới răn thứ bốn là “Thảo kính cha mẹ”, và giới răn thứ năm là “Chớ giết người”. Như vậy, các nghịch tử kia đã phạm một lúc cả hai trọng tội!

Ca dao Việt Nam có những “lời khuyên” chí lý, thế mà…! Chẳng hạn:

Con có cha như nhà có nóc

Con không cha như nòng nọc đứt đuôi

Còn cha gót đỏ như son

Một mai cha chết, gót con đen sì

Hoặc:

Dù cho đi hết cuộc đời

Cũng không đi hết những lời mẹ ru

Hoặc:

Lòng mẹ như bát nước đầy

Mai này khôn lớn, ơn này tính sao

Nhớ ơn chín chữ cù lao

Ba năm nhũ bộ biết bao nhiêu tình

Con ho lòng mẹ tan tành

Con sốt lòng mẹ như bình nước sôi

Hoặc:

Mẹ già ở túp lều tranh

Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con

Biết chuyện về những nghịch tử kia mà thấy “ngán ngẩm” sự đời, ngay cả sự đời là tình máu mủ ruột rà!

 Trầm Thiên Thu                                nguồn:từ Maria Mai

Bữa Ăn Thiên Ðàng Và Hỏa Ngục

Bữa Ăn Thiên Ðàng Và Hỏa Ngục

   Một ký giả kia được phép xuống hỏa ngục và lên thiên đàng để làm một bản phóng sự về đời sống của nhân dân tại đó.

  Sau một cuộc hành trình gay go, ký giả trên lọt được vào địa ngục đúng vào giờ ăn. Nhìn vào bàn ăn, anh ta không khỏi lấy làm lạ khi thấy trưng bày toàn sơn hào hải vị đang bốc khói hương ngào ngạt làm anh ta không khỏi nuốt nước bọt.

 Nhưng lúc các kiều dân địa ngục tiến vào phòng ăn, chàng ta lại càng ngạc nhiên hơn khi thấy họ ốm o gầy mòn, chỉ còn da bọc xương, vài người đi không muốn nổi. Sự kinh ngạc tan biến khi chàng phóng viên chứng kiến cảnh họ dùng bữa. Vì muỗng nĩa rất dài buộc dính vào đôi tay không cho phép họ đưa thức ăn vào miệng, nên dù họ có cố gắng thế nào đi nữa, thức ăn chỉ đổ tháo ra đầy bàn hay rơi tung tóe xuống mặt đất. Tệ hại hơn là cảnh họ tranh giành nhau: vài người dùng muỗng nĩa để thay vì đưa thức ăn vào miệng, lại biến chúng thành những khí giới đập đánh nhau. Thật là một bãi chiến trường. Khi chuông báo giờ ăn đã mãn, họ buồn phiền rời phòng ăn, dạ dày vẫn trống rỗng.

 Quá sợ hãi, chàng ký giả lập tức từ giã địa ngục để tiếp tục lên phóng sự trên thiên đàng. Ðến nơi cũng đúng vào giờ cơm. Bàn ăn cũng trưng bày những thức ăn ngon miệng. Quan sát nhân dân, chàng ta thấy ai nấy đều phương phi, khỏe mạnh, tuy đôi tay họ cũng được gắn chặt những muỗng nĩa rất dài. Có khác là thay vì họ cố gắng đưa thức ăn vào miệng mình, họ lại dùng muỗng nĩa để đút thức ăn cho nhau. Phòng ăn vang lên những giọng nói cười vui, thỏa mãn.

 Kết thúc bài phóng sự tường trình về những điều mắt thấy tai nghe, chàng ký giả viết: Ích kỷ và vị tha là hai điểm khác biệt giữa địa ngục và thiên đàng.

 Kết thúc thời gian sáng thế, Thiên Chúa phán với hai ông bà nguyên tổ: “Hãy sinh sôi nảy nở và hãy nên đầy dẫy trên đất. Hãy làm bá chủ nó. Hãy trị trên cá biển và chim trời và mọi loài sinh vật nhung nhúc trên đất. Này Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ lá sinh hạt giống có trên mặt đất, và mọi thứ cây có quả sinh hạt giống, chúng sẽ làm thức ăn cho các ngươi”.

  Với công trình sáng tạo và lời chúc phúc trên, Thiên Chúa muốn biến mặt đất thành Vườn Ðịa Ðàng, nhưng con người đã chia mặt đất thành đông, tây, nam, bắc, thành những nước thống trị và những nước bị đô hộ, thành những quốc gia giàu và những nước nghèo. Ðó là chưa kể con người đã và đang biến Vườn Ðịa Ðàng thành địa ngục qua bao nhiêu cuộc chiến tranh lớn nhỏ mà xét cho cùng cũng chỉ vì tranh giành quyền lợi, tranh nhau miếng ăn, manh áo. Thật vậy, ích kỷ và vị tha là hai điểm khác biệt giữa địa ngục và thiên đàng.

 

 Người công chính gặp nhiều nỗi gian truân, nhưng Chúa giúp họ luôn thoát khỏi.

                                                                                                   (Tv 34, 20)

                                                                                              nguồn: từ Maria Mai

Cẩm nang cho cuộc sống

Cẩm nang cho cuộc sống

 
 
Health
Sức khỏe:
 
1. Drink plenty of water.
Uống nhiều nước.
 
2. Eat breakfast like a king, lunch like a prince and dinner like a beggar. –
Ăn sáng như vua, ăn trưa như ông hoàng và ăn tối như kẻ ăn xin.
 
3. Eat more foods that grow on trees and plants and eat less food that s manufactured in plants. –
Ăn nhiều thức ăn mọc trên cây và ăn ít thức ăn được chế tạo trong nhà máy.
 
4. Live with the 3 E’s — Energy, Enthusiasm and Empathy. –
Sống với 3 N – Năng lực, Nhiệt thành và Nhân ái
 
5. Make time to pray..
Tìm ra thì giờ mà cầu nguyện.
 
6. Play more games.
Chơi trò chơi nhiều hơn.
 
7. Read more books than you did in lát year. –
Đọc nhiều sách hơn năm cũ.
 
8. Sit in silence for at least 10 minutes each day. –
Ngồi yên lặng ít nhất 10 phút mỗi ngày.
 
9. Sleep for 7 hours.
Ngủ 7 giờ.
 
10. Take a 10-30 minutes walk daily. And while you walk, smile. –
Đi bộ từ 10-30 phút mỗi ngày. Và mỉm cười trong khi bước đi.
 
 
Personality
Nhân cách:
 
11. Don’t compare your life to others’. You have no idea what their journey is all about. –
Đừng so sánh cuộc đời của bạn với cuộc đời của những người khác. Bạn không biết cuộc hành trình của họ như thế nào đâu.
 
12. Don’t have negative thoughts or things you cannot control. Instead invest your energy in the positive present moment. –
Đừng có những tư tưởng tiêu cực hoặc có những thứ mà bạn không thể làm chủ. Thay vào đó, hãy đầu tư năng lực của bạn vào khoảnh khắc hiện tại tích cực.
 
13. Don’t over do. Keep your limits. –
Đừng làm quá mức. Giữ giới hạn của bạn.
 
14. Don’t take yourself so seriously. No one else does. –
Đừng quá coi trọng bản thân bạn. Không ai để ý bạn ‎đâu.
 
15. Don’t waste your precious energy on gossip. –
Đừng phí năng lực quý ‎ báu vào chuyện ngồi lê đôi mách.
 
16. Dream more while you are awake. –
Hãy mơ nhiều hơn khi bạn còn đang thức.
 
17. Envy is a waste of time. You already have all you need.. –
Ghen tỵ là phí thì giờ. Bạn đã có tất cả những gì bạn cần rồi.
 
18. Forget issues of the past. Don’t remind your partner with His/her mistakes of the past. That will ruin your present happiness. –
Hãy quên đi những chuyện quá khứ. Đừng nhắc cho vợ/chồng của bạn nhớ lại những lỗi lầm của họ trong quá khứ. Việc này sẽ làm hỏng hạnh phúc hiện tại của bạn.
 
19.. Life is too short to waste time hating anyone. Don’t hate others. –
Cuộc sống quá ngắn để mà phí thì giờ vào việc ghét người nào. Đừng ghét những người khác.
 
20. Make peace with your past so it won’t spoil the present. –
Hãy làm hòa với quá khứ của bạn để nó không làm hỏng hiện tại.
 
21. No one is in charge of your happiness except you. –
Không ai lãnh trách nhiệm về hạnh phúc của bạn ngoài bạn.
 
22… Realize that life is a school and you are here to learn. – Problems are simply part of the curriculum that appear and fade away like algebra class but the lessons you learn will last a lifetime.. –
 
Hãy nhận thức rằng cuộc đời là một trường học và bạn ở đây là để học. Các bài toán chỉ là một phần của học trình, xuất hiện rồi phai mờ đi giống như lớp đại số, nhưng các bài học bạn học được thì sẽ kéo dài suốt đời…
 
23. Smile and laugh more.. –
Mỉm cười và cười nhiều hơn.
 
24. You don’t have to win every argument. Agree to disagree. –
Bạn không buộc phải thắng mọi cuộc tranh luận đâu. Hãy đồng ‎ ý với việc không đồng ý.
 
 
Society
Xã hội:
 
25. Call your family often. –
Hãy thăm viếng gia đình bạn thường xuyên.
 
26. Each day give something good to others. –
Mỗi ngày, hãy mang lại điều gì tốt lành cho người khác..
 
27. Forgive everyone for everything. –
Hãy tha thứ cho mọi người về mọi sự..
 
28. Spend time with people over the age of 70 & under the age of 6. –
Hãy dành thì giờ cho những người ngoài 70 và dưới 6 tuổi.
 
29. Try to make at least three people smile each day. –
Hãy cố gắng làm cho ít ra ba người mỉm cười mỗi ngày.
 
30. What other people think of you is none of your business. –
Không cần biết những điều người khác nghĩ về bạn.
 
31. Your job won’t take care of you when you are sick. Your friends will. Stay in touch. –
Việc làm của bạn sẽ không săn sóc bạn khi bạn đau ốm đâu. Bạn bè mới làm việc ấy. Hãy liên lạc với nhau luôn.
 
 
Life
Đời sống:
 
32. Do the right thing! –
Hãy làm chuyện đúng!
 
33. Get rid of anything that isn’t useful, beautiful or joyful. –
Loại bỏ bất cứ thứ gì không ích lợi, không đẹp hoặc không vui.
 
34. GOD heals everything… –
Thiên Chúa chữa lành mọi sự…
 
35. However good or bad a situation is, it will change. –
Cho dù một hoàn cảnh tốt hay xấu, nó sẽ thay đổi.
 
36. No matter how you feel, get up, dress up and show up. –
Mặc cho bạn có cảm thấy thế nào, hãy ra khỏi giường, chưng diện lên và khoe thiên hạ.
 
37. The best is yet to come. –
Điều tốt nhất sẽ đến.
 
38. When you awake alive in the morning, thank GOD for it. –
Mỗi sáng thức dậy mà còn sống, hãy tạ ơn Thiên Chúa về điều ấy.
 
39. Your Inner most is always happy. So, be happy. –
Thâm tâm bạn luôn luôn hạnh phúc. Thế thì, hãy sống hạnh phúc đi.
 
 (Mùa chay 2012)
Jos. Tú Nạc, NMS sưu tầm                                 Maria Mai gởi

Yêu là “chết”…

Yêu là “chết”…

 Xưa, có một cây táo rất to lớn. Ngày ngày có một chú bé đến chơi với cây. Chú leo lên cây hái táo ăn, ngủ trưa dưới bóng râm. Chú yêu cây táo và cây cũng rất yêu chú. Thời gian trôi qua, chú bé đã lớn khôn và không còn đến chơi với cây táo mỗi ngày nữa.

Rồi một hôm, chú bé trở lại chỗ cây táo trong tâm trạng sầu não, cây táo reo to:

– “Hãy đến chơi với ta đi?”

– “Cháu không còn là trẻ con, cháu chẳng thích chơi quanh gốc cây nữa. Cháu chỉ thích đồ chơi và cháu đang cần tiền để mua chúng.”

 – “Ta rất tiếc là không có tiền, nhưng chú có thể hái tất cả táo của ta và đem bán. Rồi chú sẽ có tiền.”

Chú mừng lắm. Nó leo lên và hái tất cả táo trên cây và sung sướng bỏ đi. Cây táo lại buồn bã vì chú chẳng quay lại nữa.

Thời gian trôi qua, bỗng một hôm, chú bé – giờ đã là một chàng trai – trở lại và cây táo lấy làm vui lắm:

– “Hãy đến chơi với ta đi?”

– “Tôi không có thời gian để chơi nữa. Tôi còn phải làm việc nuôi sống gia đình. Gia đình tôi đang cần một mái nhà để trú ngụ. Ông có giúp gì được tôi không?”

– “Ta xin lỗi, ta không có nhà. Nhưng chú có thể chặt cành của ta để dựng nhà.”

Và chàng trai đốn hết cành cây. Cây táo lấy làm mừng rỡ. Nhưng chàng bẵng một thời gian dài chẳng quay lại. Cây táo lại cảm thấy cô đơn và buồn bã.

Một ngày hè nóng nực, chàng trai – bây giờ đã là người có tuổi – quay lại và cây táo vô cùng vui sướng thốt lên: “Hãy đến chơi với ta đi?”

– “Tôi đang buồn vì cảm thấy mình già đi nhiều. Tôi muốn đi chèo thuyền thư giãn một mình. Ông có thể cho tôi một cái thuyền không?”

– “Hãy dùng thân cây của ta để đóng thuyền đi, rồi chú chèo ra xa thật xa và sẽ thấy rất thanh thản.”

Chàng trai nghe vậy, chặt thân cây làm thuyền và chèo đi thật xa…

 Nhiều năm trôi qua, chàng trai đã trở thành ông già lão, và lụ khụ quay trở lại chỗ cây táo mà giờ chỉ còn khúc gốc sần sùi xấu xí.

– “Xin lỗi, con trai của ta. Nhưng ta chẳng còn gì cho con nữa. Không còn táo.”

   – “Ồ, tôi còn răng nữa đâu mà ăn chứ.”

– “Ta cũng chẳng còn cành cho con leo trèo.”

   – “Tôi đã già quá rồi sao leo trèo được nữa cơ chứ!”

– “Con ơi, ta thật sự chẳng giúp gì cho con được nữa. Cái duy nhất còn lại chỉ là một gốc rễ đang chết dần mòn của ta thôi” – cây táo đau đớn nói trong nước mắt.

   – “Tôi chẳng cần gì nữa, chỉ mong có một chỗ ngồi an nghỉ. Tôi đã quá mệt mỏi sau những năm tháng đã qua…”

– Cây táo mừng rỡ thốt lên với hết sức mình: “Ôi, thế thì cái gốc cây già cỗi này là một nơi rất tốt cho con ngồi dựa vào và nghỉ ngơi. Hãy đến đây với ta đi?”

Chàng trai bèn ngồi xuống nghỉ, cây táo vui lắm, và cây mỉm cười cùng những giọt lệ chậm rãi rơi xuống…

 Vâng! Tình yêu là câu chuyện muôn thuở. Rất xưa mà cũng rất mới. Xưa là vì tình yêu đã có trước khi con người xuất hiện: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Ðất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1,1-1). Trời đất, muôn vật được tạo thành như mâm cỗ thơm ngon và sang trọng để chuẩn bị cho loài người được vui hưởng. Sau cùng, Thiên Chúa mới tạo nên con người. Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất” (St 1,26). Tình yêu đã tràn ngập khắp vũ trụ trời đất cho con người, và còn bao trùm hơn nữa khi con người xuất hiện, cho đến ngày hôm nay. Tình yêu xưa quá, nhưng cũng vẫn còn mới lạ, vì hình như con người vẫn không hiểu được tình yêu. Con người vẫn còn đang vắt kiệt những quà tặng thiên nhiên ưu đãi như bầu khí quyển, núi rừng, tài nguyên… để phục vụ cho cuộc sống con người thời đại, như chú bé từ từ làm trơ trụi cây táo cổ thụ, và cuối cùng chỉ còn một gốc rễ cụt ngủn và trơ trọi!

 Tình yêu đúng nghĩa là thế, là chính Thầy Giêsu của tất cả chúng ta. Sau khi Thầy tắt thở, các môn đệ leo lên cây gỗ cao, tháo từng cây đinh trên thân thể Ngài, rồi mỗi người mỗi tay đỡ lấy thân thể mềm nhũn nát tan, xuống khỏi gỗ thánh giá. Tình yêu của Thầy đã chứng minh qua sự hy hiến chính con người của mình! Tình yêu là cho đi, cho đến khi không còn gì để cho thêm nữa…

 Hình ảnh cây táo là biểu tượng của tình yêu. Cây táo như là chỗ mang lại niềm vui cả thân xác lẫn tinh thần cho chú bé. Vì yêu, cây táo chẳng nghĩ cho bản thân. Không những cho chú, mà nó như những bàn tay giang rộng, ban phúc lành cho tất cả những ai tới và ngồi dưới bóng của nó, từ những chim muông xa xăm, đến những con côn trùng thỏa thích nương náu và được dưỡng nuôi.

 Khi sống trong tình yêu thật, thì người ta mới hiểu được tình yêu đúng nghĩa. Tình yêu thật sự là cho đi dù thiệt thòi nhưng vẫn vui. Tình yêu không có sự phân biệt hay so đo tính toán. Sống trong tình yêu, thì không ai là lớn hay nhỏ, không ai là xấu hay đẹp, không ai là giỏi hay dốt, không ai là già hay trẻ… Tình yêu ôm choàng tất cả. Vì vậy, tình yêu hoàn toàn không thể đi chung với cái tôi được. Cái tôi là hay phân biệt, so sánh, phê phán, thu vén. Cái tôi, là ngã vị, như triết gia Blaise Pascal thốt ra thật chua cay:”Cái tôi đáng ghét” (Le Moi est haissable). Nhưng Blaise Pascal chưa dừng lại tại đó, ông đi xa hơn nữa: “Cái tôi là đáng ghét, nhưng đó là cái tôi của người khác”. Và ông còn nhấn mạnh: “Mỗi cái tôi là thù địch của nhau và muốn làm bạo chúa trên các cái tôi khác”. Ai cũng nhìn thấy cái tôi của người khác, đó là “cái tôi của hắn to bằng quả núi,” hoặc “anh ta tưởng anh ta là cái rốn của vũ trụ,” là “trung tâm của thế giới”… Và khắp thế giới này vẫn đang tràn ngập cái tôi. Cái tôi xuất hiện đang được khuyến khích thêm tăng trưởng nơi quốc gia, nơi làng xã, nơi gia đình, và trong mỗi cá nhân: thế giới của quảng cáo, của các bích chương, các danh hiệu, của những nhãn made in Japan, in USA…, những căn nhà với kiến trúc đặc thù, những món ăn do những tay bếp khác nhau… Thậm chí, để ý đến cách dùng ngôn từ của mỗi người cũng đủ cho thấy hầu như đều là sự lên tiếng của cái tôi. Ngay cả khi câu nói xem ra khiêm tốn “tôi chỉ là hạt cát dưới chân anh mà thôi” cũng là tiếng nói của cái tôi hiểm độc đang được củng cố.  

 Cây táo đã trao tặng tình yêu cho chú bé. Cành của nó thật cao, và mỗi khi chú đến vui đùa với nó, những cành như uốn thật cong và hạ xuống thấp để cho chú có thể hái hoa và trái. Tình yêu bao giờ cũng sẵn sàng cúi mình; còn cái tôi không bao giờ sẵn sàng cúi mình. Ngược lại, khi đến gần cái tôi, cành của nó thậm chí sẽ còn vươn cao lên hơn nữa; nó sẽ cứng rắn thêm để không cho bất cứ ai có thể nào chạm đến nó được. Chú bé tới đùa vui với cây, và cây hạ thấp cành của nó xuống. Cây rất vui sướng dù chú bé có vặt hết hoa hết trái; toàn bộ bản thể cây tràn ngập với niềm vui sướng của tình yêu. Tình yêu bao giờ cũng hạnh phúc khi nó có thể cho cái gì đó; ngược lại, cái tôi thì bao giờ cũng lấy làm vui thỏa khi nó có thể lấy, và lấy càng nhiều càng tốt.Cái tôi chỉ nghĩ đến lấy và giữ lại, ngoài ra không còn nghĩ gì khác nữa. Sống cho tình yêu khác với sống cho cái tôi, đó là sống cho tình yêu sẽ mang đến sự tự do và hạnh phúc, còn sự sống trong cái tôi sẽ là sự sống những chuỗi ngày đau khổ và âu lo sợ hãi. Cho dù khi yêu sẽ có đau khổ, nhưng đau khổ này không làm cho con người tuyệt vọng và trở nên nghiệt ngã, nhưng sẽ tăng thêm nơi con người ấy chất sáng tạo và đưa con người lên cấp độ cao hơn.

 Sống ở đời, ai cũng muốn nắm lấy và giữ lại, vì thế thì sẽ gia tăng đau khổ. Cái tôi không bao giờ làm cho con người được yên. Cái tôi luôn luôn thuyết phục người ta và có những lời nói ngọt ngào để cho nó được được tồn tại và lớn lên. Cái tôi lúc nào cũng không cho con người được ngơi nghỉ. Nó luôn là kẻ giấu mặt tinh vi và gây cho con người nhiều bất an nội tâm.

 Tình yêu đúng nghĩa luôn mời gọi rời bỏ cái tôi của mình, qua những cách thế gọi khác nhau như diệt dục, hy sinh, bao dung, quảng đại, trắc ẩn, từ tâm… Chúa Giêsu rời bỏ ngai vàng vinh quang trên Thiên Quốc để bước xuống trở nên kiếp phàm nhân cùng với con người và trở nên trần trụi hơn con người nữa, và sau cùng, đã chết cho con người.

 Vâng! Nhảy vào thế giới tình yêu là nhảy vào bầu trời bao la rộng lớn, mà con người có thể bay lượn thỏa thích. Thế giới tình yêu thênh thang quá đến nỗi có thể con người cảm thấy sợ hãi. Sợ hãi này không như sợ hãi của cái tôi, nhưng đây là sự sợ hãi của một sinh linh bé nhỏ trước sự vô hạn của bầu trời tình yêu. Sợ hãi trong bầu trời bao la này là vì từ thơ ấu đến giờ con người luôn bị cám dỗ để chăm sóc và xây dựng thế giới hạn hẹp của cái tôi mỗi lúc một kiên cố hơn. Con người bị cái tôi dụ dỗ và chỉ biết toàn bộ sự nghiệp của sự sống mình là thế giới cái tôi, ngoài ra không phải lo gì khác nữa. Thế nên con người hình như cứ loay hoay xây dựng và trau chuốt nó mãi, nỗ lực bảo vệ nó, nuông chìu nó, dưỡng nuôi nó, mà hình như nó vẫn cứ đòi hỏi và không bao giờ thấy vừa ý. Thế rồi, từ khi kẻ khôn ngoan ngừng công việc xây thành đắp lũy cho nó, để nhảy bổ vào bầu trời yêu thương rộng lớn kia, thì kẻ ấy sẽ thấy sự mới lạ, đầy vẻ ngạc nhiên, nên vì thế sợ hãi.

 Tình yêu trọn vẹn không còn biết đến cái tôi nữa. Tình yêu sẽ làm cho mọi hoạt động và gợi ý của cái tôi bị tê liệt. Tôi nói tôi yêu chim, sao tôi lại nhốt chim vào lồng? Tôi nói tôi yêu cá, sao tôi lại bắt cá vào hồ kính?

 Cây táo không còn là nó bấy lâu nay nữa, nó đã cúi xuống để cho chú bé hái trái chặt cành, đốn thân. Cây táo hy sinh tự do của mình để cho chú bé được tự do. Thầy Giêsu đã đi từ “tôi khát” cho đến “con phó thác linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46). Càng đi sâu vào tình yêu, là đi sâu vào đời sống tâm linh. Tình yêu sẽ không thể nào trọn vẹn khi không ẩn chứa mùi vị tâm linh. Mà đời sống tâm linh là đời sống tương quan với thế giới siêu hình, với Cha đầy lòng thương xót và tình yêu. Tương quan với Cha có nghĩa là phát triển lòng tin tưởng nơi Cha. Khi nhảy vào bầu trời tình yêu trong tin tưởng vào Cha quan phòng thì sợ hãi và chơi vơi sẽ biến mất. Khi ấy, toàn vũ trụ vạn thể sẽ hòa nhập vào trong chúng ta. Nhịp đập của vũ trụ sẽ trở thành nhịp đập của chúng ta và ngược lại. Đây là sự chuyển hóa siêu việt tính dành cho những ai thật sự muốn đi vào thế giới tình yêu và tâm linh – một thế giới không còn sự so sánh nào nữa, vì còn so sánh là vẫn còn đau khổ và dĩ nhiên còn đó của cái tôi dẫn dắt.

 Khi Thầy Giêsu thốt lên “con phó thác” có nghĩa là Ngài đã hoàn toàn rời bỏ tất cả những gì thuộc về phàm nhân của Ngài để nhảy bổ vào bầu trời tình yêu bao la của Cha. Lúc này, Ngài không còn là Ngài nữa, mà Ngài và Cha đã là một, và Ngài đang khao khát cho hết thảy chúng ta cũng trở nên một trong Ngài và trong Cha: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17,20-21).

 Vâng! Đỉnh cao của tình yêu chính là đau khổ, và đỉnh cao đau khổ sẽ là sự tịnh lặng của mọi giác quan và trí não. Khi có được sự tịnh lặng ấy, có nghĩa là chúng ta đang bước vào bầu trời của ánh sáng bình an và hạnh phúc thật. Chỉ khi can đảm đi xuyên qua khổ đau, có nghĩa là đi xuyên qua bóng tối, con người mới có thể đến và diện kiến được ánh sáng mặt trời. Để thấy được ánh sáng ban mai, vạn thể phải xuyên qua bóng đêm.

Thầy Giêsu của chúng ta đã làm thế, và Ngài đã phục sinh.

Chúc bạn can đảm và hãy cứ phó thác, để tiến lên. Đừng sợ! Vì bạn không đi một mình. Thưa bạn! Bạn không đi một mình. Amen.

Lm. Raphael Amore Nguyễn                        nguồn:  thanhlinh.net

GẶP GỠ ĐỨC KITÔ BIẾN ĐỔI CUỘC ĐỜI MÌNH

GẶP GỠ ĐỨC KITÔ BIẾN ĐỔI CUỘC ĐỜI MÌNH

                                                                        Nguyễn Sơn 

 

 Gặp gỡ Đức Kitô

Vâng, gặp gỡ Đức Kitô… biến đổi cuộc đời mình. Thật đúng như lời một bài hát mà phong trào Canh Tân Đặc Sủng (CTĐS) vẫn thường hát trong những giờ họp nhóm…

Khoảng 15 năm trước đây, hai cánh tay của tôi bị đau nhức vô cùng do hậu qủa của những năm tháng xử dụng computer. Cứ khoảng hai ba giờ sáng là hai cánh tay của tôi đánh thức tôi dậy vì đau nhức, có những lúc đau qúa chịu không nổi nước mắt tôi tuôn rơi. Tôi đã đi Bác sĩ (BS) Tây y, đông y, châm cứu, physical therapy… nhưng đau vẫn hoàn đau, nhức vẫn hoàn nhức.

Tôi kể chuyện bệnh tình của tôi cho anh T., bạn cùng thời trong quân đội, anh rủ tôi đến nhóm CTĐS ở St. Barbara với anh để xin ơn chữa lành. (anh T. trước đó bị bướu óc, BS bảo anh còn 6 tháng nữa… về lo hậu sự đi là vừa, nhưng qua những năm tháng cầu nguyện, giờ này anh vẫn còn trên dương thế). Tôi đến với CTĐS ở St. Barbara được vài tuần thì tôi chuyển về nhóm CTĐS ở St. Callistus vì giờ giấc thuận tiện cho tôi hơn.

Tôi say mê đến với nhóm CTĐS ở Tam Biên vào những chiều Chúa nhật, những bài hát Chúa ban cho tôi qua ca đoàn làm nước mắt tôi dâng trào, tôi đã khóc như trẻ thơ. Qua những bài hát tôi đến với Chúa dễ dàng hơn, tôi kết hợp với Chúa mật thiết hơn (khi tôi lần hạt chuỗi 50, có lẽ 48 kinh đi lang thang đâu đó…). Tôi đã từng tham gia vào những hội đoàn khác nhưng Chúa cho tôi dừng chân ở CTĐS, và tôi ca tụng Chúa với hết linh hồn, hết trí khôn.

Tôi tham dự khóa tĩnh tâm 3 ngày ở St. Policarp là khóa 4. Trong thời gian này tôi vẫn chỉ đi có một mình, tôi hăng say vì tôi có bệnh nên vái tứ phương, sau đó, nhà tôi thấy tôi đi một mình tội nghiệp nên rủ cháu út (lúc đó 11 tuổi) cùng đi với tôi cho vui…

Tôi là người bệnh đi xin ơn chữa lành nhưng đi nhiều tháng vẫn chưa thấy được chữa, nhà tôi là người chỉ đi theo tôi cho vui nhưng Chúa lại chữa cho nhà tôi trước, những bệnh nặng của nàng từ từ rũ cánh ra đi: nào là Vertigo (theo BS thì bệnh này sẽ theo bệnh nhân cho đến chết) mỗi lần cơn bệnh kéo đến thì nhà tôi nhức đầu, quay cuồng  như chong chóng, nôn mửa chỉ muốn chết mà thôi, phải đưa ngay đến nhà thương nằm nghỉ trung bình 5 ngày thì khỏi, những cơn đau nhức vai vô cùng (bệnh nghề nghiệp), nhiễm trùng v.v… nhất là nhà tôi bị bệnh bướu tử cung. BS TT ở bệnh viện Garden Grove khuyên đi mổ nhưng tôi khuyên nhà tôi là không nên và chúng tôi đi tìm thuốc ta để chữa trị. Cho dù nhà tôi uống thuốc ta nhưng vẫn đi khám định kỳ với BS TT để xem diễn tiến bệnh tình, nhưng khối u vẫn còn đó, mỗi ngày một tăng trưởng thêm… và nhà tôi ngưng không uống thuốc nữa.

Sau một thời gian khoảng 5 tháng, trong một lần khám định kỳ với BS, nhà tôi cứ thấy BS cau mày và lẩm bẩm… “that’s imposible…” nhà tôi hỏi có việc gì xẩy ra, và BS cho biết cục bướu không còn nữa. Tin rằng Chúa thật sự chữa lành cho nhà tôi, BS đã gia nhập nhóm và chính BS đã làm chứng điều này trong một khóa tĩnh tâm 3 ngày tại nhà nguyện St. Francis, lúc đó cũng có cả chúng tôi tham dự nên đã được nghe lời chứng này.

Chúng tôi tham gia vào ca đoàn CTĐS Tam Biên, hăng say trong những buổi sinh hoạt nhóm, ở đâu có sinh hoạt CTĐS Mỹ hay Việt là có mặt gia đình chúng tôi. Tham dự SCRC hằng năm, tham dự các khóa CTĐS của các cha DeGrandis, De Farci… Nhưng lạ một điều là ai đặt tay cho tôi, tôi cũng chẳng bao giờ được ơn “An nghỉ trong Thần Khí” cả, lúc nào cũng trơ như đá, vững như đồng. Ngược lại nhà tôi thì khác, LM vừa đưa tay lên là nhà tôi đã ngã lăn ra rồi. Có lần ở nhà thờ Huntington Beach nhà tôi nằm trên Cung Thánh cả giờ… nhà tôi ước mong cho tôi cũng được “An nghỉ trong Thần Khí”, nhưng cho dù tôi đi tham dự nhiều nơi có thánh lễ chữa lành, vẫn không được gì cả.

Khoảng 1 năm sau ngày tôi tham dự CTĐS, ngày mong đợi của tôi cũng đến, tôi không được ơn té ngã, nhưng được Thiên Chúa chữa lành hai cánh tay đau của tôi một cách đặc biệt. Trong một buổi họp nhóm bình thường chiều Chúa nhật, phòng họp rất đông trên 70 người. Chúng tôi bắt đầu ca ngợi chúc tụng Thiên Chúa, ca đoàn và mọi người đang hát thì hai tay tôi tự nhiên quay, quay liên tục, quay không ngừng nghỉ (nhà tôi kể lại là hai tay tôi quay nhanh như trong phim tầu họ đánh chưởng, chỉ thấy bóng tay mà thôi), tôi phải rời ca đoàn và ngồi xuống ghế nhưng hai tay vẫn tiếp tục quay cả tiếng đồng hồ như vậy…và kể từ ngày ấy cho đến nay hai tay tôi không còn đau nhức nữa.

Là một người bệnh hoạn từ đầu đến chân (tổng cộng 33 năm) tôi được chữa lành cả thân xác lẫn tâm hồn, nhà tôi cũng hết tất cả các bệnh nặng và cả cháu út cũng được ban những ơn trọng này. Trong khoảng thời gian năm đầu sinh hoạt trong phong trào, cháu út của chúng tôi thường hay bị đau bụng (chứng ulcer di truyền). Chúng tôi hỏi cháu muốn uống thuốc như thường lệ hay cầu nguyện, cháu xin cầu nguyện và ra qùi trước bàn thờ để chúng tôi đặt tay xin ơn chữa lành, và cũng kể từ ngày ấy cháu không còn phải uống thuốc hay đi BS nữa. Trong nhà tôi trước đây không biết là bao nhiêu thứ thuốc: thuốc tây, thuốc nam, thuốc bắc, dược thảo… từ từ hết hạn và đi ra thùng rác. Có một lần, cháu lớn ở xa về chơi bị nhức đầu đi tìm Tylenol để uống, nhưng trong nhà cũng chẳng có một thứ thuốc đau nhức nào.

Chúng tôi nhờ được ơn Chúa nên hăng say trong công việc phục vụ, đi thăm người già trong nursing homes, đến nhà riêng hoặc nhà thương cầu nguyện cho các bệnh nhân… và nhất là cộng tác với Radio Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Long Beach. Trong những năm phục vụ này, Thiên Chúa cho thấy tận mắt biết bao nhiêu là phép lạ Ngài làm.

Sau vài năm phục vụ, được Thần khí thúc dục, vợ chồng tôi đã từ giã Cali để về sống ở tiểu bang Texas, trước sự ngạc nhiên của mọi người thân và bạn bè… Khi đến Texas, chúng tôi đã thiết lập đền thờ tại gia để trước là thờ phụng Thiên Chúa, sau là tu thân hãm mình, sống cuộc đời còn lại trong thầm lặng và cầu nguyện. Trong nhiều năm qua chúng tôi đã nhận được những ơn trọng đại từ Thiên Chúa, được sống ngụp lặn trong tình yêu của Ngài.
Và bây giờ, chúng tôi lại được Thần Khí thúc dục chúng tôi hãy chia sẻ ơn này đến những người khác. Lãnh nhận được ý chỉ, và với sự vâng lời chúng tôi chia sẻ câu chuyện của chúng tôi trên đây, trước là để vinh danh Chúa, sau là mời gọi những ai cư ngụ trong các vùng lân cận như Arlington, Dallas, Fort worth… với cùng một tâm nguyện ước ao được sống trong tình yêu và ân sủng ngọt ngào của Chúa, xin đến với chúng tôi để cùng nhau Cảm Tạ, Ngợi Khen, và Tôn Vinh Tình Yêu Chúa đến muôn muôn đời.

Rất trân trọng,

Nguyễn Sơn                                                    nguồn:  thanhlinh.net
nguyenson727@yahoo.com

PHẢI CHĂNG KHÔNG DỤ THÌ DỌA???

 

                         PHẢI CHĂNG KHÔNG DỤ THÌ DỌA???           

                                                                                                        Tác giả: Túc Lynh

Cách đây gần 4 năm, trong một lần nói chuyện về những vấn đề về những chuyện lạ của những niềm tin với một người luật sư ở nơi tôi làm việc (thời gian đó tôi cũng còn nhiều nghi ngờ về ý nghĩa của hai chữ đức tin).

 Tôi tin là vì tôi thấy, tôi tin là vì tôi được, nhưng tin theo kiểu lơ tơ mơ. Chính vì thế khi nghe con người trí thức này phân tích về những câu chữ trong Kinh Thánh. Ông ta nói rằng: ông ta đã có thời gian để chiêm niệm và nghiên cứu rất kỹ những ý nghĩa trong từng câu kinh của nhà Phật lẫn của Công Giáo, trong thời điểm ông ấy có tang của mẹ. Ông ta bảo tôi rằng, nếu tôi đọc cẩn thận và suy xét theo kiến thức lý trí thì tôi sẽ nhận ra ngay. Những câu từ trong đó hễ không dụ dỗ để người ta nghe bùi tai và mê hoặc thì chắc chắn sẽ bắt gặp những câu nói hăm dọa để con người phải sợ mà răm rắp làm theo. Ông ấy còn nói thêm là con người ta phải có chính kiến, chỉ cần mình sống đúng là tuyệt vời. Không nhất thiết phải theo một tôn giáo nào hay tìm một niềm tin ở một tôn giáo nào.

Lúc đó tôi đã có khái niệm về Công Giáo cũng khá khá. Nhưng thật lòng thì sau khi nghe ông ấy nói là nếu mình gia nhập vào tôn giáo nào đó thì mình sẽ chịu lệ thuộc vào một số điều luật sẽ vô lý nếu theo như cách sống và suy nghĩ ở thời đại này.

 Lúc đó điều tôi nghĩ vô lý nhất của đạo Công Giáo là vấn đề ly hôn. Tại sao người ta không thể chấp nhận nhau, người chồng (người vợ) đay nghiến nhau, làm khổ nhau. Thậm chí còn mưu tính hại nhau, lại không được nghĩ tới chuyện chia tay nhau, ly hôn để giải thoát. Thêm nữa là sau khi không chịu nổi rồi phạm luật ly hôn, nhưng tuyệt nhiên không được kết hôn lần nữa. Nếu mình lỡ yêu ai thì coi như cả hai phải sống trong tội lỗi suốt đời.

 Tôi cũng yêu Chúa Giêsu, nhưng vấn đề này thì tôi thấy Chúa vô lý thật. Tôi nghĩ Chúa đâu có lập gia đình, thì làm sao Chúa hiểu được cái khổ của người phải chịu đựng một con người không vừa ý mình chút nào. Lắm khi còn làm khổ mình. Thời của Chúa thì có lẽ con người đâu có nhiều manh tâm, con người đâu có nhiều mưu mô quỷ kế như con người hiện nay. Tôi nói lên rỏ điều này vì tôi rất thường xuyên chứng kiến từng cặp vợ chồng than trách nhau, phàn nàn nhau, thậm chí còn xúc phạm nhau rất nặng nề.

 Chỉ một vấn đề đó, cũng làm cho tôi phải xét lại mình để xem mình có thật lòng quyết chọn Công Giáo để làm điểm tựa cho cuộc đời không?

 Tôi đã có rất nhiều điều muốn tìm hiểu, muốn thử thách nhiều để xem Chúa có thật sự đáng sợ, Chúa có thật sự chỉ dụ dỗ, hứa suông, đạo Công Giáo có thật sự làm được một điều là một người có thể cầu xin Chúa cứu chữa cho một người ở xa?. Đạo Công Giáo có thật là chỉ cần một lời cầu nguyện của một người xa lạ thì một linh hồn người chết nào đó được cứu, một người xa lạ nào đó được bình an… Vì trước đó tôi chỉ biết cầu nguyện, nói chính xác là tôi chỉ cầu xin cho bản thân mình, nên điều tôi nhận được là một chuyện cũng dễ hiểu và tôi chấp nhận.

 Rồi đến khi tôi có nhiều dịp tìm hiểu và học hỏi về vấn đề ly hôn vì sao là một tội nặng, thì tôi mới hiểu ra vấn đề ở đây là cũng vì muốn gìn giữ hạnh phúc cho con người. Và khi phân tích ra thì tôi hiểu được thêm là kết hôn là tự do lựa chọn của con người. Khi người ta quyết định kết hôn để sống chung với nhau thì việc của Chúa thì là chúc phúc và dùng lề luật để bảo vệ hạnh phúc cho con người. Khi quyết định kết làm một thì họ đã tuyên thề là dù đau yếu, khỏe mạnh, giàu sang hay nghèo khó, buồn vui đều luôn ở bên nhau và tôn trọng nhau mà!. Chúa không thể nào chấp nhận cho con người có thể tùy tiện ưng thì kết mà không ưng thì cởi. Nếu gia đình mà lung tung như thế thì con cái sẽ ra sao? Chắc chắn những đứa con trong gia đình chia rẽ như vậy có tâm sinh lý không bình thường chút nào cả. Chính tôi cũng đã từng chứng kiến những đứa trẻ có cha mẹ ly hôn, chúng trông rất tội nghiệp, đứa nhút nhát thì luôn co cụm lại, đứa lanh lẹ thì tỏ ra bất cần đời, đứa chính chắn hơn thì suy nghĩ rất lệch về một phía… Vì như thế xã hội sẽ loạn vì cái tính vốn không trung tín của con người. Từ đó tôi mới thấy đây lại là một điều luật rất cần thiết cho con người, để xã hội được trật tự và phát triển hoàn thiện hơn.

 Rồi cho đến một hôm, tôi nghe có một giờ trong ngày mà nếu mình biết tận dụng để cầu nguyện thì điều tuyệt vời sẽ xảy ra. Kỳ lạ một điều là vào đúng thời điểm đó mà xin ơn chữa lành thì rất tốt, vì chính Chúa Giêsu sẽ nhận lời. Tôi cũng chưa biết thực hư ra làm sao thì Chúa cho tôi cơ hội để kiểm nghiệm.

 Người thân của tôi là một bệnh nhân mà tôi nghĩ là người này được sắp đặt là phải trao cho tôi, để tôi có dịp kiểm nghiệm lại những gì còn nghi nan trong lòng. Người này không những khiến tôi phải cầu nguyện vào đúng lúc giờ mà người Công Giáo gọi là giờ Lòng Thương Xót một lần. Mà người này làm cho tôi phải cầu nhiều lần. Một lần thì anh ta bị một cơn bệnh đã lâu năm hành hạ tới mức anh ấy nghĩ là bế tắc phải chờ phẫu thuật. Lúc đó cũng vào 3 giờ chiều. Tôi chỉ biết quỳ ngay hành lang bệnh viện để cầu cứu một Người đầy quyền năng nhưng rất nhân từ với một niềm tin người thân của mình sẽ được cứu chữa mà tôi cũng không biết căn cứ vào đâu. Và điều kỳ diệu đã xảy ra, Người Bác Sỹ tuyệt vời đó đã ra tay kịp thời mà tôi không mất một chi phí nào. Người thân của tôi đã được Vị Bác Sỹ tuyệt vời này vuốt ve và chữa lành cho hết cơn đau.

 Lần thứ hai thì anh ta ở cách tôi rất xa, lần này thì tôi không có dịp vào bệnh viện để chăm anh. Nhưng kỳ lạ một điều là cũng vào lúc 3 giờ chiều, tôi nhận được tin anh đang đau đớn vật vã vì cơn đau. Anh nghĩ là có lẽ anh phải vào bệnh viện, tôi lập tức theo thói quen là gọi ngay Vị Bác Sỹ tuyệt vời của tôi ra tay. Và anh ấy lại tiếp tục được hết đau và khỏi nhập viện.

 Lần thứ ba anh ấy gặp tai nạn ở quốc lộ, xe của anh ấy coi như thành phế thải. Vì anh ấy có cú va chạm mạnh nên cũng bất tỉnh. May một điều là khi vừa tỉnh lại thì anh ấy liền báo tin cho tôi. Ngay lúc đó tôi liền dâng lời cầu khẩn với Vị Bác Sỹ của tôi, Bác Sỹ của tôi cực kỳ đáng yêu. Người không ngại địa lý, bất kể thời gian. Không đòi hỏi một điều kiện gì mà chỉ biết hết lòng cứu chữa. Cuối cùng thì người thân của tôi chỉ bị xây xước bên ngoài da.

 Lần thứ tư thì một chị bạn gái mà tôi chưa gặp mặt bao giờ, chúng tôi quen biết nhau chỉ qua cái máy tính và điện thoại. Có một lần chị bị lên cơn cao huyết áp, mà không có loại thuốc nào có thể hạ được. Chị mệt quá chỉ kịp nhắn tin qua điện thoại cho tôi, tôi cũng kịp thời cầu xin vào lúc 3 giờ chiều. Chỉ sau lời cầu khẩn vài phút thì cơn huyết áp kia đã được hạ xuống một cách nhẹ nhàng. Xin nói thêm là chị ấy là một bác sỹ đa khoa thuộc dạng giỏi ở Ninh Thuận.

 Rồi cũng đến lượt tôi, tôi bị bắt buộc chịu đau để sinh thiết tế bào ung thư. Cũng vào lúc giờ linh thiêng này. Tôi đã không thấy đau đớn và đáng nhớ hơn là tôi được chữa lành hoàn toàn.

 Kể từ lúc đó, tôi bắt đầu có khái niệm về múi giờ thật đặc biệt gọi là giờ Lòng Thương Xót của Chúa Giêsu. Cũng từ lúc đó tôi lại biết thêm một điều rất hay và dễ thương của Đạo Công Giáo. Rằng người này có thể cầu xin dùm người kia, chỉ cần người cầu xin có một niềm tin tuyệt đối. Và theo tôi tìm hiểu được thì giờ này chính là giờ mà một Con Người vô tội, Con Người hiền lành, nhân từ đầy quyền năng phải chịu giết chết vì tính ích kỷ và nhẫn tâm của con người. Và cũng chính giờ này là giờ Đạo Công Giáo tuyên xưng một công cuộc cứu độ của một Vị Chúa Tể đã hoàn tất.

 Quý vị có từng nghe và từng thấy có ai đó vì yêu thương con người mà chịu hành hình đến chết. Vậy mà khi sống lại Người đó lại tiếp tục yêu thương và cưu mang nhân loại tiếp tục. Thế gian chỉ duy nhất một Người và đó chính là Chúa Giêsu.

 Chúa Giêsu Phục Sinh quả là một hồng phúc vĩ đại mà Thiên Chúa đã ban cho nhân loại. Bất kể con người đó thuộc về tôn giáo nào, bất kể con người đó tội lỗi ra sao. Nhưng một khi biết chạy đến, biết kêu cầu, biết gọi điện thoại đúng vào giờ đó thì Vị Cứu Tinh sẽ ra tay cứu giúp kịp thời.

 Tôi dám khẳng định như vậy là vì thời điểm đó tôi còn nhiều nghi ngờ về tôn giáo này. Cũng thời gian đó tôi không hề muốn và có ý định chính thức gia nhập vào gia đình tôn giáo đó. Vậy mà Con Người Nhân Từ Độ Lượng kia vẫn không chấp nhất mà chiều theo tôi một cách cần mẫn. Người không hề trách phạt hay sử dạy điều gì. Có lẽ Người nghĩ là nên để tôi tự do làm những gì mình thích, nhưng Người không bỏ mặc tôi mà luôn luôn bên cạnh tôi để có mặt bất cứ lúc nào tôi cần.

 Và cho tới chiều hôm nay – khi tôi đã chịu Phép Rửa Tội, tôi được một cậu bé là người em trong Chúa rủ tôi và khuyên là tôi nên tới tham dự một Thánh Lễ mà được gọi là Đại Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa Giêsu ở Trung Tâm Mục Vụ do một Đức Cha đức cao trọng vọng làm chủ tế. Lúc đầu thì tôi nghĩ là Lễ thì nhà thờ nào cũng được và cha nào giảng cũng được. Với lại ở nhà thờ nào thì ngày đó mọi người Công Giáo cũng đều được lãnh một ơn toàn xá.

 Tôi là một tân tòng, tôi nghĩ là mình mới được Rửa Tội chưa được hai năm chắc tội cũng chưa đến nỗi nhiều để phải nhận nhiều ơn toàn xá. Thú thật là tôi rất mê Giáo Xứ Ba Chuông, ở đó giờ đây tôi không còn biêt là cha nào giảng lôi cuốn hay không lôi cuốn. Nhưng điều quan trọng là tới đó thì tôi được cảm giác rất thân thương và quen thuộc. Ở đó tôi còn được thấy Chúa tôi bị đóng đinh trên Thập Giá thật là thương tâm. Ở đó tôi có thể vừa khóc vừa cười với Chúa tôi mỗi khi tôi gặp chuyện vui buồn, trắc trở, thất bại hay thành công. Và điều quan trọng nữa là ngày hôm đó tôi cũng có việc phải tới nhà thờ nhiều nên cũng được dự nhiều Lễ, nên tôi dự định là sẽ không tham dự như lời cậu bạn kia mời. Không ai có thể dụ dỗ tôi bằng cách được thứ này hay thứ kia, một khi tôi không muốn thì cho dù thế nào tôi cũng không thèm.

 Kỳ lạ một điều là đầu thì quyết định không đi, nhưng trong lòng cứ thấp thỏm. Cứ giống như “Đi không nỡ, ở cũng không đành”. Cuối cùng tôi cũng bị cái tôi đòi hỏi, tôi đã làm khó anh bạn nhỏ kia bằng cách là phải có chỗ để ngồi, phải ở một chỗ thoáng để không bị ngộp thở. Vì tôi đã được nghe rằng ở đó chắc chắn rất đông người và không dễ gì có một chỗ ngồi ổn định. Nhưng có lẽ Chúa muốn tôi đi, nên anh bạn nhỏ kia đã đồng ý đáp ứng yêu cầu của tôi. Thế là tôi phải đi vì nể, vì tò mò.

 Điều Chúa làm quả thật vừa chu đáo, vừa kỳ diệu. Khi tới nơi thì tôi thấy bắt đầu oải vì trời thì nắng nóng quá, mà lại phải ngồi ngoài trời. Chỗ mát thì người ta ngồi hết, chỉ còn những chỗ rất nắng. Không lẽ đi về, thật lòng thì tôi cũng nản rồi. Nhưng lúc đó tôi nhìn thấy hình ảnh Lòng Chúa Thương Xót và thấy rỏ câu: “Lạy Chúa Giêsu con tín thác vào Ngài” cũng đang ở ngoài nắng. Tôi liền chợt nghĩ Người còn chịu phơi mình dưới nắng để chờ tôi tới xin xỏ ơn ích, thì tôi chỉ là một người đầy tội lỗi, nhỏ bé thì có xứng đáng gì khi chịu nắng một chút, mà lúc đó lại có một cô gái sẳn sang cho tôi che nhờ dước bóng cây dù. Thế là lúc đó trong tâm trí tôi Chúa cho nhớ tới những con người đau yếu, bệnh tật, những người ờ những vùng sâu vùng xa không có điều kiện để được có cơ hội hiếm có này, mà nay Chúa đã trao cho tôi. Thế là tôi lập tức tận dụng những gì mình đang có để vội vàng “chạy dịch vụ” cho những anh chị em thân thương của tôi không có dịp đến cầu xin. Ngay lúc đó tôi chỉ còn biết tôi và Chúa tôi đang ngấm ngầm thỏa hiệp với nhau về những vụ xin xỏ mà chỉ có tôi và Chúa tôi biết mà không cần những người khác biết. Mặc dù tôi biết là Chúa tôi đang cho họ những ơn cần thiết nhất. Quý vị không biết là tôi đã rất xúc động và vui tới mức nào đâu. Tôi cảm giác tôi là người hạnh phúc nhất trong Thánh Lễ hôm đó.

 Rồi đến khi Thánh Lễ bắt đầu, thì tôi càng cảm nhận tình yêu Lòng Thương Xót Chúa dành cho tôi và những người tôi “chạy giúp” đã tuôn tràn như mưa. Và đến khi được nghe những lời chia sẻ đơn sơ (như lời Đức cha nói) tôi thấy Đạo Công Giáo sao mà gần gũi và dễ sống quá. Sống trong ơn nghĩa của Đạo Công Giáo con người ta được hướng dẫn cặn kẽ hơn về tình yêu, về tình bác ái… Đức Cha cũng dễ thương lắm, Đức Cha không có vẻ xa cách hay nói những điều khó hiểu.

 Nhưng đó chỉ là hoàn cảnh và điều kiện để mọi người đón nhận hồng ân. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là, sau khi được tham dự Thánh Lễ về thì việc “chạy dịch vụ” cho những anh chị em đau khổ của tôi cùng lúc đều thấy có thay đổi tích cực. Người thì hòa giải với chồng và cùng nhau đồng lòng để tìm hướng cho tương lai chứ không như trước đó mỗi người một thế giới riêng. Người thì tìm thấy bình an cho dù trong người đang mang bệnh tật và tình cảm vợ chồng cũng có chiều hướng xấu…Đây là một dịch vụ rất thành công mà tôi tiếp tục được nhận từ Chúa Giêsu.

 Sau khi nghe những người đó hân hoan kể lại thì tôi cảm thấy Chúa Giêsu quả là một ông sếp cực kỳ dễ thương tốt bụng. Một bề trên không hề làm khó người đầy tớ bất tài, trái lại luôn tạo nhiều dịp để đứa tớ gái này có cơ hội học hỏi để hoàn thiện hơn.

 Ở bài viết này, tôi xin phép không dám được chia sẻ với những ai là người Công Giáo. Vì làm sao tôi dám “múa rìu qua mắt thợ”. Mà tôi chỉ xin phép được gợi ý và mời những quý vị chưa phải là người Công Giáo. Cho dù quý vị thuộc tầng lớp trí thức thượng lưu, hay thuộc bất cứ tôn giáo nào, nhưng tôi nghĩ sẽ có lúc quý vị cũng có những dịp quý vị sẽ bế tắc trong công việc, trong bệnh tật, trong cuộc sống.

 Tôi xin quý vị nếu lỡ như có rơi vào thì xin hãy nhớ rằng có một tôn giáo có một giờ đặc biệt là 3 giờ chiều chỉ dành riêng cho những cảnh đời ngang trái, những bệnh tật nan y, những khuất tất không biết mở ra từ đâu… để qua giờ đó tất cả sẽ được giải quyết khi người ta biết trao ý đó cho Chúa Giêsu và nói lên một câu rất đơn giản “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài”. Mọi chuyện sẽ làm cho quý vị thật bất ngờ và hạnh phúc.

 Có một điều cũng không kém phần quan trọng nữa là con người ta nhất định không thể dùng cái lý trí, vốn kiến thức, trí thông minh của con người để ngồi suy gẫm những Lời Huyền Nhiệm thật sâu sắc và đầy quyền năng của một Đấng mà người đời gọi là Thánh.

 Vì Người hứa thì Người đã thực hiện hết, Người muốn con người phải có một khuôn mẫu nào đó chẳng qua là tìm và dẫn con người đến một cái đích thật trọn hảo mà thôi. Đừng dùng cái khôn hạn hẹp của con người để rồi nhận định sai lệch. Đương nhiên mọi người đều có quyền tự do để chọn cho mình một tình trạng để sống.

 Tôi rất chân thành cám ơn quý vị đã đón nhận và đọc những tâm tình của tôi. Vì tôi đã thấy, đã được nên tôi tin. Chính nhờ vậy mà giờ đây tôi lại tiếp tục cậy nhờ vào Lòng Thương Xót của Chúa mà tiếp tục xin giải thoát và chữa lành cho những anh chị em thân thương của tôi.

 Đặc biệt là những quý vị đọc bài tâm tình này của tôi, tôi xin Lòng Thương Xót của Chúa Giêsu sẽ ban tràn đầy những ơn phúc. Vấn đề còn lại là quý vị tin hay không mà thôi, Chúa chúng tôi không hề hù dọa hay dụ dỗ gì ai cả. Chúa chúng tôi chỉ biết luôn luôn dang rộng vòng tay để đón nhận những thương tích, những đau khổ mà cuộc đời đã trao cho những con người đã dùng cái tự do để chọn lựa.

 Để chứng minh cho tình yêu cao cả của Thiên Chúa tôi xin trích dẫn một câu trong Tân Ước đã nêu lên rất rỏ: “…Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời…”. (Ga 3,16)

 Một lần nữa tôi xin chân thành cám ơn quý vị.

 Saigon, ngày 15 tháng 4 năm 2012

 Túc Lynh

KỶ NIỆM 100 NĂM HÀN MẶC TỬ

Kỷ Niệm 100 Năm Hàn Mặc Tử Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt Dâng Lễ Lòng Chúa Thương Xót Cầu Cho Hàn Mặc Tử Tại Gxvn ParisKỶ NIỆM 100 NĂM HÀN MẶC TỬ, 1912-2012 (Bài 1 : Lễ cầu cho Hàn Mặc Tử)

Chủ nhật 15.04.2014, Đại lễ kính Lòng Chúa Thương Xót, Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, Giám mục Địa phận Bắc Ninh, Tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đã ghé thăm Giáo xứ Việt nam Paris và dâng lễ với cộng đoàn. Cùng đồng tế với ngài, có 8 cha khác, trong đó có 5 cha sinh viên Việt nam đang tu học tại Paris và 3 cha thuộc Ban Giám Đốc Giáo Xứ : Đức Ông Mai Đức Vinh, cha Đinh Đồng Thượng Sách và cha Trần Anh Dũng. Đây là lần thứ hai mà Giáo Xứ Việt Nam Paris được hân hạnh Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt đến thăm. Cách đây ba năm, thứ bảy, 18 tháng 7 năm 2009, ngài đã tới viếng thăm Giáo Xứ Paris và Họ Đạo Bắc Ninh tại Pháp.

Xem hình

Mở đầu thánh lễ, Đức Ông Giuse Mai Đức Vinh, Giám đốc Giáo xứ, đã ngỏ lới chào mừng Đức cha Cosma, cám ơn ngài, vì, trên đường mục vụ đi giảng phòng cho các cha sinh viên Âu châu ở Thuỵ Sỹ, đã ghé thăm Giáo xứ Việt nam Paris, chủ tế thánh lễ, chia sẻ Lời Chúa và khai mạc Ngày Văn Hóa mừng sinh nhật 100 năm của thi sỹ Hàn Mặc Tử do Giáo xứ tổ chức, vào dịp sinh nhật thứ 22 của Thư viện Giáo Xứ Việt Nam Paris. Cả cộng đoàn đã vỗ tay chào mừng Đức cha Cosma.

Đáp lời, Đức cha Cosma, có khẩu hiệu giám mục là « Tình thương và sự sống » tỏ lòng vui mừng được cử hành thánh lễ kính Lòng Chúa Thương Xót với GXVN Paris. Ngài xin mọi người, trong niềm vui mùa Phục Sinh và trong niềm vui đã được Chúa Thương Xót, hãy cùng ngài, xin Chúa cho chúng ta, là những người đã được Chúa Thương Xót, biết thể hiện Lòng Chúa Thương Xót đối với mọi người. Và đặc biệt hôm nay, giáo xứ chúng ta tổ chức ngày nhớ đến sinh nhật 100 năm nhà thơ Hàn Mặc Tử, chúng ta hãy cầu nguyện cho ông được Chúa Thương Xót và cho tất cả những người cần đến Lòng Chúa Thương Xót, nhất là những người bệnh phong cùi, và đặc biệt ở trại Quy Hòa, nơi mà nhà thơ đã ở và đã qua đời.

Trong thánh lễ, với tinh thần hiệp nhất và với tâm tình tôi trung, con thảo, Đức Cha đã dâng lời cầu nguyện cho những đấng bậc trong Giáo phận Bắc Ninh đã ra đi : Đức Cố Hồng Y Phaolô-Giuse Phạm Đình Tụng, Đức Cố Giám Mục Giuse Nguyễn Quang Tuyến,.. cùng các ân nhân, Ông Bà Cha Mẹ anh chị em trong giáo phận Bắc Ninh đã qua đời…Đặc biệt trong ngày lễ Lòng Chúa Thương Xót và Giáo Xứ Việt Nam tổ chức Ngày Văn Hóa, kỷ niệm sinh nhật thứ 100 của Hàn Mặc Tử, Đức cha cũng dâng lời cầu cho linh hồn Phanxicô của nhà thơ công giáo danh tiếng này.Chia sẻ Lời Chúa, Đức cha Cosma đã nhắc đến Tin Mừng Gioan, 20, 19-31 chủ nhật hôm nay và nhấn mạnh đến ba điểm.

Thứ nhất là « Lòng Chúa Thương Xót ». Chúa thương xót Tôma cứng lòng tin. Chúa thương xót Phêrô đã chối Thầy, thương xót các tông đồ đã bỏ thầy. Chúa thương xót tất cả chúng ta.

Năm 2000, Đức Gioan Phaolô II đã long trọng tuyên bố: “Trên khắp thế giới, Chúa Nhật thứ 2 sau Phục Sinh sẽ được gọi là Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa” và ban hành Thông điệp « Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót ». Giáo dân Việt Nam có lòng sốt sắng và sùng mộ « Lòng Chúa Thương Xót ». Đức cha đã dâng lễ tối hôm qua tại nhà thờ Tân Định với khoảng 3000 người. Sáng hôm nay ở Trung Tâm Mục Vụ Sài Gòn thánh lễ lòng Chúa Thương Xót có khoảng 15.000 người tham dự. Có một nhóm làm việc rất mạnh để cổ động và phổ biến « Lòng Chúa Thương xót ». Đức cha đang dự trù xây cất một đền « Lòng Chúa Thương Xót » gần sân bay Nội Bài.

Điểm thứ hai là sứ mệnh mang Lòng Chúa Thương Xót đến cho mọi người. Khi chịu chức linh mục (ngày 05.06.1976) cách đây 36 năm, Đức cha đã được một người bạn tặng bức ảnh Chúa chiên lành, vẽ người mục tử vác chiên lạc đã tìm được trên vai. Ngài rất cảm động vì đã được Chúa Thương Xót và có ý tưởng nhất tâm, là linh mục là phải mang Lòng Thương Xót Chúa đến cho mọi người. Hôm nay, được mời tham dự lễ « Kỷ niệm 100 năm Hàn Mặc Tử », làm ngài nhớ lại việc Chúa dun dủi để Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình đề nghị ngài đi làm mục vụ cho người phong cùi. Ngài đã nhận lời ngay vì nghĩ rằng đấy là những người cần đến tình thương. Ngài đã đến trại phong, liên lạc, thăm viếng, gặp gỡ và giúp đỡ họ. Điều kiện sinh sống của họ rất là thiếu thốn, chật vật và khổ sở. Mỗi gia đình, vợ chồng, cha mẹ, con cái chỉ được một mảnh chiếu. Nhưng cái khổ nhất của những người bệnh phong là mặc cảm bị bỏ rơi, không được ai thăm viếng, không được tin tức gia đình. Họ rất cơ đơn. Một bà lão mất năm 74 tuổi. Khi vào đây 17 tuổi. Từ năm 17 tuổi đến năm 74 tuổi ở trại phong không có tin gì không được ai trong gia đình đến thăm viếng. Một ông cố và người con chết, có báo tin cho gia đình, nhưng chẳng ai vào thăm. Một bà cụ, gọi là bà cụ Sáu, được tôi mang Mình Thánh Chúa, nói với tôi rằng bà rất vui, vì được Chúa thương,… Đức cha đã làm việc mục vụ 16 năm ở trại phong cùi này, trại Thanh Bình, quận 2, Sài Gòn, từ 1986 đến 2002. Khi làm giám mục, ngài tìm lại thánh giá mà ngài đã làm cho các em giúp lễ trong trại phong. Ngài đã lấy thánh giá gỗ này làm thánh giá giám mục (Và ngài đã chọn khẩu hiệu giám mục là Tình thương và Sự sống). Khi ngài trở lại đây làm lễ thì các bổn đạo phong đã nhận ra thánh giá gỗ này và họ rất cảm động.

Điểm thứ ba là xã hội Việt Nam vô cảm hiện nay cần Lòng Chúa Thương Xót. Xã hội ngày nay người ta thờ ơ với nhau. Trước đây, khi du học tại Pháp, Đức cha thấy có Secours Catholique kêu gọi người ta, giúp đỡ người ta chỗ ngủ, bữa ăn. Ở Việt nam hiện nay không được như vậy. Ở trong lãnh thổ Bắc Ninh mấy chuyện mới xẩy ra làm cho người ta nghĩ rằng có nhiều người rơi vào tình trạng gọi là vô cảm. Một đứa con trai gần 18 tuổi ăn cướp tiệm vàng, rồi giết hai vợ chồng chủ, giết cả đứa con lớn 18 tuổi ; may thay đứa con 8 tuổi trốn dưới gầm bàn được thoát nạn ; Mà rồi đứa con trai giết người này chẳng có thái độ ân hận gì cả, coi như đó là chuyện thường tình. Cách đây hơn một tháng, một em bé giúp lễ trong một xứ đạo địa phận Bắc Ninh có một chiếc xe đạp mới, được một đứa trẻ khác khác lớn hơn rủ đến nhà chơi. Đứa trẻ lớn này chĩ độ 14 tuổi, đã giết em giúp lễ nhỏ rồi ném xác xuống ao, cướp xe đạp. Hôm sau nó đi học bình thường như không có gì xẩy ra. Mấy bữa sau xác em bé nổi lên, người ta mới điều tra và khám phá ra đứa trẻ giết người. Rồi mới đây, một cặp vợ chồng làm ăn thất bại, đến xin ở nhờ gia đình anh vợ. Sống chung, hai gia đình có sự lộn xộn, cãi cọ nhau. Người chồng ở nhờ đã giết người vợ và một đứa con 4 tuổi của ông anh. Người ta sống với nhau không còn có gì là tình thương nữa. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã thấy và đã bảo rằng « Đất nước này cần một trái tim ».

Kết luận, Đức cha xin mọi người, trong thánh lễ Lòng Chúa Thương Xót hôm nay, hãy cầu nguyện. Xin cho mỗi người có một trái tim. Xin Chúa thay đổi cái xã hội việt nam vô cảm hôm nay, không còn biết trắc ẩn, không còn biết thương nhau. May thay, không phải tất cả người Việt Nam đều vô cảm. Vẫn còn những nữ tu lo cho các em bé khuyết tật, mồ coi, phong cùi. Là Kytô hữu, chúng ta phải biết thương yêu nhau, trước hết thương yêu nhau trong gia đình, rồi từ đó mang tình thương đến hàng xóm láng diềng, bạn bè, lan ra khắp giáo xứ và lan ra khắp xã hội. « Giáo hội là Thiên Chúa có trái tim của bà mẹ và là bà mẹ có trái tim của Thiên Chúa ». Xin Chúa cho chúng ta, trong giáo xứ này và trong toàn giáo hội, có trái tim của bà mẹ và trái tim của Thiên Chúa.

Nhân ngày « Kỳ niệm 100 năm Hàn Mặc Tử », người đã được hưởng Tình Thương của Chúa, chúng ta cũng nhớ đến ông, cầu nguyện cho ông và cho những người bị bệnh phong khác.

Trong phần lời nguyện giáo dân, một lời nguyện đặc biệt đã được dâng lên Lòng Chúa Thương Xót : « Thánh giá gỗ đeo trên ngực Đức Cha Cosma là do những người phong tại trại cùi Quả Cảm (Bắc Ninh) làm ra. Đó là biểu tượng sự giao hòa giữa đức tin, đức mến trong đức cậy. Trong thánh lễ mở đầu ngày văn hóa, kỷ niệm 100 ngày sinh của Hàn Mặc Tử, cộng đoàn giáo xứ nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho vị giám mục người cùi ; và các con cái của người được bàn tay dịu hiền của các nữ tu công giáo chăm sóc tại các trại cùi Quy Hòa , nơi thi nhân cất lời ngợi ca các nữ tu dòng thánh Phanxicô xuống giữa loài người mà an ủi người phong, trại cùi Quả Cảm nơi quê hương quan họ, trại cùi Di Linh, quê hương thứ hai của đức cha Cassaigne, trại cùi Bến Sắn của các nữ tu dòng Bác Ái, các trại cùi và các công trình bác ái của Giáo hội trên quê huơng yêu dấu. Chúng ta cùng cầu nguyện ».

Sau khi đã dùng cơm chung với cộng đoàn giáo xứ, Đức cha Cosma đã đến không gian văn hóa, khai mạc Ngày Văn Hóa thứ 22 do Thư Viện Giáo xứ tổ chức, để kỷ niệm sinh nhật thứ 100, 1912-2012, của thi sỹ Hàn Mặc Tử.

Lời Kết

Trong khuôn khổ nhỏ bé của mình, Giáo xứ Việt Nam đã nghĩ đến văn hóa công giáo việt nam một cách thiết tha và đã thực hiện một chương trình « Kỷ niệm 100 năm Hàn Mặc Tử » tương đối đầy đủ. Qua Thánh lễ Lòng Chúa Thương Xót, Giáo xứ đã cử hành « Lễ cầu cho Hàn Mặc Tử ». Sau thánh lễ, qua chương trình văn hóa, giáo xứ được nghe hát bài tình sử « Hàn Mặc Tử », được nghe diễn thuyết về « Thinh lặng và siêu thoát trong thơ Hàn Mặc Tử », được nghe cảm tưởng về « Thơ Tin, Cậy, Mến của Hàn Mặc Tử », được nghe cảm tưởng chung về « Ngày văn hóa Hàn Mặc Tử », được nghe và xem « Hàn Mặc Tử, người lữ hành dưới trăng ».

Với sự hiện diện chủ tế thánh lễ và tham dự khai mạc chương trình văn hóa của Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, Tổng Thơ Ký Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, phải chăng Giáo Xứ Việt Nam Paris đang cùng Giáo Hội Việt Nam khắp nơi « Kỷ niệm 100 năm Hàn Mặc Tử » ?

Có phải Giáo xứ và các giáo dân Việt Nam đã thấy hay đang mong ước thấy « Những Hàn Mặc Tử mới đang lớn lên » ?

Paris, ngày 18 tháng 04 năm 2012

Trần Văn Cảnh                                                    Nguồn: Vietcatholic.net

GẠO LỨC RANG/ĐỜI CHƯA KHÉP LẠI VỚI TÔI.

 

GẠO LỨC RANG/ ĐỜI CHƯA KHÉP LẠI VỚI TÔI

Bình Châu / Y học phổ quát
 
Gạo lức rang điều trị bịnh thoái hóa khớp từ tây y qua thực dưỡng. Kết quả tốt đẹp không ngờ.

Bạn nên dành 5 phút để đọc bài viết nầy, có thể sẽ giúp được chút gì đó cho bạn, hay người thân của bạn.       
    
Tôi không phải là một nhà văn, nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Nhưng thấy cần phải chia sẻ những gì mình đã được chia sẻ từ người khác. Tôi mạo muội viết ra kinh nghiệm mà mình đã đúc kết được. Xin gởi đến mọi người. Trong phạm vi bài nầy, tôi chỉ nói đến chửa bịnh thoái hóa khớp và phòng chống loãng xương. Nếu văn vẻ không thông suốt, mong mọi người lượng thứ.

Tôi bị thoái hóa khớp gối chân trái và chân phải, gần 10 tháng rồi. Tôi không chạy xe đạp được, không đi lại được. Tôi tưởng đời đã khép lại với tôi. Nhưng không, đời tôi vẫn màu hồng……
Sau khi uống hết 2 kg bột gạo lức rang, bịnh thoái hóa 2 khớp gối của tôi gần như hết 8/10. Trước khi dùng nước gạo lức, tôi đã phải dùng nịch vải dầy, to bản băng vào 2 đầu gối. Tôi đi từng bước nặng nhọc và có cảm giác đầu gối muốn sụm xuống (tôi bị sụm 1 lần khi bước chân lên xe buýt). Nhiều lúc tôi phải chống gậy để giảm áp lực của trọng lượng cơ thể đè trên 2 đầu gối, và cũng để an toàn, tránh té ngã.  Đồng thời luôn phải nghe tiếng khua lịch kịch của các khớp xương nơi đầu gối. Mỗi khi có đợt đau nhức tôi phải uống thuốc kháng viêm, giảm đau và giản cơ mấy tuần liền. Trong lúc uống thuốc tây, tôi vẫn khó vận động, đi lại. Điều quan trọng nhất là tinh thần của tôi.Tôi rất buồn khi thấy mình sắp trở thành phế nhân ở tuổi chưa già.
Khi có người quen chỉ cho tôi dùng bột gạo lức rang. Tôi chỉ gật gù cho qua, vì tôi nghĩ thuốc tây còn bó tay với bịnh thoái hóa khớp thì gạo lức rang làm được gì? Thời may, chính người ấy đã tặng cho tôi 1 kg bột gạo lức rang và mong tôi dùng thử. Tôi không tin, nhưng sẵn có bột thì dùng thử, đâu có hại gì?. Tôi nghĩ như vậy và bắt đầu uống. Cứ 1 ly nước sôi khoảng 200 cc, tôi cho vào 2 muỗng cà phê bột gạo lức rang. Mỗi ngày tôi uống 2 ly, tức là 4 muỗng cà phê bột gạo lức rang. Sau đó, tôi lên mạng lục tìm thông tin xem gạo lức rang tốt cở nào? Cũng như trước đây tôi đã lục tìm xem bịnh thoái hóa khớp sẽ dẫn đến đâu? Về bịnh thoái hóa khớp càng tìm hiểu, càng thêm buồn, vì kết cục thê thảm quá, nào là ngồi xe lăn, thay khớp nhân tạo, đau nhức đêm ngày…. Tôi bị ám ảnh mà đêm ngày không sao ngủ được. Vì tôi còn khá trẻ, tôi còn muốn làm rất nhiều việc, đòi hỏi sự đi lại, linh hoạt chân tay như trồng rau, trồng kiểng các loại, nhổ cỏ, xới đất. …Nếu phải ngồi xe lăn thì buồn biết mấy. Về nước gạo lức rang, càng đọc tôi càng thấy phấn chấn. Tôi được biết gạo lức rang có rất nhiều tác dụng tốt để chửa được nhiều bịnh. Riêng có một câu mà tôi thắc mắc là :gạo lức rang làm cho nhẹ người. Nhẹ người là sao? Tôi không thể hiểu nổi, bởi vì mỗi người cân nặng bao nhiêu là bao nhiêu làm sao làm nhẹ được?
Sau khi uống bột gạo được 10 ngày, thì tôi hiểu chữ nhẹ người là sao? Trước đây người tôi rất nặng nề, (tôi thừa tới 10 kg). Tôi đi, đứng ì ạch. Một đoạn đường ngắn mà tôi đi mãi mới tới nơi. Sau khi uống bột được 10 ngày, tôi có cảm giác mình linh hoạt, bước chân của tôi nhanh hẳn lên. Tôi không thấy nặng nề, ì ạch nữa. Lúc nầy thì tôi đã hiểu nhẹ người là sao? Và sau khi  dùng hết 2 kg bột, tôi không còn phải băng đầu gối nữa, tôi đi nhanh như chạy cũng được. Đầu gối của tôi không còn khua lịch kịch nữa. Không có cảm giác gì lạ ở đầu gối, giống như tôi chưa từng bị thoái hóa khớp vậy.Tôi chỉ còn cảm giác hơi khó khăn khi ngồi xuống, đứng lên. Nhưng tôi biết, tôi sẽ hết bịnh hoàn toàn sau khi uống thêm vài kg bột gạo lức nữa. Người chỉ cho tôi uống bột đã khỏi bịnh hoàn toàn, đến nay đã 3 năm rồi, bịnh vẫn không tái phát. Chị nói người khỏe khoắn, nhanh nhạy và chị đã chỉ cho nhiều người. Ai cũng hết bịnh.Thật tình, tôi mừng không thể tả vì đời tôi vẫn còn màu hồng, đời còn chưa khép lại với tôi.
Có 3 cách dùng gạo lức rang( một món thuốc tiên):
1/ Bột gạo lức rang:
Dễ làm (gạo lức rang lên, rồi xay nhuyển, mịn như bột mì). Bạn rang gạo như phần 2 đã hướng dẫn, rồi bạn rang tiếp thêm một lúc nữa cho đến khi một số hạt gạo nở bung lên như bắp bung, rất đẹp mắt là được rồi. ( không làm nở bung hết, chỉ 1 số hạt thôi là được rồi. )
* một loại thực phẩm rẻ tiền ( từ 55-70.000 đồng/kg), ( tại chợ của người Châu Á tại Mỹ : dưới $6.00/5lb, mua hàng của Thailan , không mua hàng của China)
* dễ tìm (ở đâu cũng có, nếu không làm được thì mua), 
* an toàn (có ai ăn gạo mà chết bao giờ),
* dễ bảo quản, dễ cất giữ (4- 5 tháng không hư) 
* làm giảm cân (ăn gạo lức không bao giờ mập)
* Không phản ứng phụ với bất cứ ai,
* Không kỵ với tất cả các loại thuốc tây y khác. 
* Không giới hạn tuổi xử dụng ( từ lâu đã được dùng cho trẻ nhỏ là bột gạo lức Bích Chi)..
* Bạn có thể dùng bột Bích Chi, mua trong chợ hay các siêu thị. (tôi thấy giá rất mềm, không biết họ có độn thêm gì không?)
2/ Còn 1 cách dùng khác là trà gạo lức. Nếu bạn không tiện xay nhuyển như bột, hay bạn không thích uống bột. Bạn hãy uống trà gạo lức rang;
Cách làm như sau:
Mua gạo lức huyết rồng (khoảng 25.000 đồng /kg). Bạn vo sạch, để ráo nước. Khi vừa ráo nước thì bạn rang liền (đừng để hạt gạo khô quá, không thơm). Rang nhỏ lửa, khuấy đều tay. Khi hạt gạo hơi sậm màu và có mùi thơm (như bạn rang đậu phọng vậy) là được rồi.
Bạn đổ gạo vừa rang vào một cái rổ, có lót sẳn 1 miếng vải. Bạn phủ vải kín hạt gạo. Khi gạo nguội rồi bạn đổ gạo rang vào hủ có nắp kín để bảo quản. Mổi ngày, bạn múc vài muổng gạo lức rang ra pha như pha trà. Trà có màu cánh dán rất đẹp, rất thơm. Uống đậm hay nhạt, nhiều hay ít tùy bạn thích. Càng uống nhiều thì bịnh càng mau có kết quả. Khi uống xong nước thứ 1, bạn lại chế nước sôi vào lần 2, rồi lần 3. Hoặc bạn pha 3 lần, rồi trộn lẫn vào nhau mà uống. Cuối cùng, hạt gạo đã nở mềm. Bạn có thể vứt đi, hay ăn cho khỏi tội.
Trà gạo lức rất thơm, ngon, đẹp mắt. Trong tình cảnh trà khô vừa mắc tiền, vừa bị trộn tạp chất, vừa bị xịt thuốc trừ sâu. Bạn hãy dùng trà gạo lức, như một biện pháp phòng tránh ngộ độc thuốc sâu, an toàn, thơm ngon, rẻ tiền, chửa bịnh khớp, và phòng chống loảng xương.
Bạn hãy dùng trà gạo lức rang. Bạn sẽ ghiền vị thơm ngon của chúng.
3/  Cốm gạo lức.
Gạo lức vo thật sạch (vì có nhiều chất bảo quản). Nấu thành cơm. Để nguội, bóp rời ra, phơi khô, Sau đó rang lên. Bây giờ hạt gạo trở thành cốm, dòn tan, ăn rất ngon. Tuy nhiên, phải là người có sức nhai tốt, mới nên dùng cốm gạo lức.

Tôi có dến 1 tiệm bán tạp phô ở chợ Bà chiểu. Cửa hàng nầy, bán dủ thứ về gạo lức. Tôi thấy họ bán cốm  gạo lức. Có nhản hiệu như hình kèm theo bài này đây. Như vậy, rõ ràng là để chửa bịnh về khớp và phòng chống loãng xương, bắt buộc là phải rang gạo lên.

Người chỉ cho tôi dùng bột gạo lức rang ở Vũng tàu. Tôi lại mua cốm gạo lức ở chợ Bà Chiểu. Từ đó tôi suy ra việc dùng gạo lức rang để chửa bịnh khớp là phương pháp dân gian, đã truyền miệng từ lâu đời rồi. Một phương pháp trị thoái hóa khớp rất hay, nhưng không hiểu vì sao ít người biết đến, và không được phổ biến rộng rãi?????    
         
Phụ nữ chúng ta, ở độ tuổi 45 trở đi. Trên 90 % dễ bị thoái hóa khớp, do cơ thể không tạo đủ chất nhờn để bôi trơn các ổ khớp. Khi bị thoái hóa là bị tất cả các khớp. Nhưng khớp đầu gối bị trước tiên, vì nó chịu sức nặng của cơ thể. Bạn sẽ cảm thấy nhức mỏi chân tay. Đứng lên, ngồi xuống không linh hoạt như trước. Dần dần các khớp sẽ kêu răng rắc khi vận động. Ở các nước tiên tiên, mỗi ngày 1 người phụ nữ trên 45 tuổi thường uống 1 viên glucosamine 1.000mg (thuốc tạo chất nhờn), cùng với 1 viên calci D. Uống suốt đời, để ngăn chận bịnh thoái hóa khớp. Vì cơ thể tạo chất nhờn thiếu, nên phải uống bổ xung mỗi ngày. Đây là thức ăn, dưới dạng thuốc, nên còn gọi là thực phẩm chức năng.
Bạn hãy xem người nhà bạn, hàng xóm bạn, họ hàng bạn, người tình cờ gặp trên đường, người có tuổi, (thỉnh thoảng có người trẻ tuổi). Thường là phụ nữ, nam giới rất ít
* Ai đau nhức mình mẩy.
* Ai bị loảng xương.
* Ai bước xuống cái bửng dắt xe máy mà sính vính, chới với.
* Ai bước đi mà mặt mày nhăn nhó vì đau đớn
* Ai sợ đi xe buýt (vì sợ chậm lên xuống, xe chạy mất)
* Ai bước đi chầm chậm (vì đi nhanh sợ bị sụm xuống do khớp gối lỏng lẻo)
* Ai ngồi thấp xuống khó khăn, đứng lên phải bò hay níu một vật gì đó.
* Ai không ngồi xổm được .
* Ai không lên cầu thang được( phải bám vào thành cầu thang để kéo mình lên, đi phải chụm 2 chân , đi từng bước một, hoặc từ chối lên cầu thang, hoặc thấy thang lầu là sợ khiếp).
* Ai bước đi mà nghe xương kêu răng rắc (tình trạng nầy là bịnh thoái hóa khớp đã nặng rồi. Chất nhờn đã khô, các đầu xương chạm vào nhau phát ra tiếng kêu). Nếu bị một thời gian thì gạo lức rang vẫn chữa được như tôi đã từng bị.

Những người có 1 trong những triệu chứng kể trên, có thể là dấu hiệu của bịnh thoái hóa khớp. Bạn nên giới thiệu cho họ uống bột gạo lức rang. Cứu 1 người còn hơn xây 9 ngôi chùa mà.

Nếu bạn nghi ngờ, xin hãy dùng thử. Như tôi đã từng nghi ngờ và đã dùng thử. Khi bạn đã dùng bột hay uống trà thì yêu cầu phải liên tục mỗi ngày. Nếu 1 kg bột mà uống 2-3 tháng mới hết thì không có kết quả. Chỉ uống hết 1 kg bột thôi, bạn sẽ cảm nhận được sự thay đổi tốt hơn ngay. (bạn có bịnh về khớp, thì cảm nhận được liền. Bạn không bịnh thì thử máu mới thấy kết quả tốt). Những bà con bị bịnh nặng, đã từng đau khổ vì bịnh thì sẽ cảm nhận kết quả tốt từng ngày, vì đó là niềm hy vọng cuối cùng và mong manh ( tin sao nổi!. Tôi đã từng ra vào khoa chấn thương chỉnh hình, BV Chợ Rẫy. Điều trị theo tây y, bịnh không có chiều hướng tốt)
Trước đây, tôi phải uống thuốc tạo chất nhờn mỗi ngày. Khi được chỉ dẫn, tôi uống bột gạo lức rang cùng với thuốc tạo chất nhờn được 1 tháng thì tôi ngưng không uống thuốc nữa. Chỉ uống bột gạo rang thôi.  Bạn là phụ nữ trên 45 tuổi. Bạn phải có 1 sự lựa chọn tốt cho xương cốt của bạn đến suốt đời. Bạn phải chọn 1 trong 2 cách sau:
1/ Mỗi ngày 1 viên glucosamine 1.000mg (thuốc tạo chất nhờn cho khớp), 1 viên calci D,(thuốc chống loãng xương. Thuốc nầy phải uống vào buổi sáng, với nhiều nước. Uống xong phải đi lại, không được nằm. Làm ngược lại sẽ bị sạn thận).
2/ Mỗi ngày uống ít nhất 2 lần. Mỗi lần 2 muỗng cà phê bột gạo lức rang, chế vào 200cc nước sôi, khuấy tan bột, đậy lại 10 phút sau thì uống được. Uống loãng loãng thôi, đừng pha đặc như cháo, khó uống). Hoặc nước trà gạo lức rang (uống thoãi mái, tùy thích). Sau khi uống hết 3-4 kg bột, khi cơ thể đã khỏe, nhanh nhẹn, thì uống ít đi hoặc vẫn uống như cũ. (cũng tùy thích).  Bột gạo lức rang và nước trà gạo lức, dùng tốt cho mọi người. Có bịnh hay không có bịnh, dùng cho nam-phụ-lão ấu. Không kiêng kỵ với thuốc gì. Bài viết trên, tôi nhấn mạnh đến giới phụ nữ trên 45 tuổi. Vì ở độ tuổi đó người phụ nữ rất dễ bị thiếu chất nhờn ở các ổ khớp. Tỉ lệ 90 người nữ/10 người nam.  
 Hôm nay, tôi viết những lời nầy, gởi đến các bạn, để cùng nhau phổ biến rộng rãi cho mọi người biết. Hãy giúp đem lại nụ cười cho những ai đã từng đau khổ như tôi. Nước gạo lức rang, thần dược của mọi người.
 
 Bình Châu 
  
__._,_.___
__,_._,___

 

AI ĐÃ THÀNH LẬP GIÁO HỘI VIỆT NAM

 AI ĐÃ THÀNH LẬP GIÁO HỘI VIỆT NAM?    

Tác giả:  Gs. Nguyễn Đăng Trúc (chuyển ngữ).
 
 LTS Tập San Định Hướng :  Nhật báo Công Giáo Pháp La Croix ngày 18/1/1996 tường trình về chuyến viếng thăm chính thức của phái đoàn hàng giáo phẩm Công Giáo Pháp đến Việt Nam. Phái đoàn do Tổng Giám Mục Joseph Duval, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Pháp hướng dẫn. Ký giả Frédéric Mounier viết rằng: “Cho đến ngày 28-1, các Giám Mục Pháp sẽ gặp các Giám Mục Việt Nam. Chuyến đi sẽ dẫn họ từ Hà Nội đến Huế. Dẫu có lời yêu cầu của họ, chính quyền không cho phép họ đi đến miền Nam. Đức Cha Duval nhấn mạnh đến “bổn phận” của Giáo Hội Pháp đối với Giáo Hội huynh đệ Việt Nam. “Giáo Hội này có gốc từ Pháp, nó đã được thành lập nhờ những nỗ lực của các nhà truyền giáo Pháp”. Như thế trong tinh thần của những người đã khai sáng nên Giáo Hội này, đây đúng là một cuộc hành hương”. Mười Linh Mục của Hội Thừa Sai Balê đã chết tử đạo tại đây, và đã được phong thánh…”.

Lối tường trình sự kiện và nội dung câu trích dẫn lời phát biểu (nhấn mạnh) của Giám Mục Joseph Duval đã dấy lên một câu hỏi cho Roland Jacques, một nhà nghiên cứu về lịch sử Giáo Hội Việt Nam: trên bình diện khách quan của lịch sử, có những vấn đề nào cần lưu ý về lời phát biểu này?. Tháng 2-96, Roland Jacques đã viết thư cho Đức Tổng Giám Mục Joseph Duval để trình bày về quan điểm của mình liên quan đến lời phát biểu đó.

Một bản văn tóm lược bức thư này đã được đăng trên nhật báo La Croix vào tháng 6-1997. Nguyên bản bức thư được Nguyễn-Đăng-Trúc, dịch ra Việt ngữ  và đăng  trên Tập San Định Hướng số  14 / Winter 1997  Pp 120-124- *  Tập San Đinh Hướng,  Trung Tâm Văn Hóa Nguyễn Trường Tộ

  Giáo Hội Công Giáo Việt Nam có phải phát xuất từ Pháp không? 

 

Ts Roland Jacques.

           Gs khoa trưởng Phân khoa Giáo Luật,

Đại hc Công Giáo St Paul, Ottawa, Canada

  Thư gởi Đức Cha Joseph Duval,

 Chủ Tịch Hội Đồng Các Giám Mục Pháp.

 Kính Đức Cha, 

Nhật báo Công Giáo La Croix ngày 18-1-1996 đã cho phổ biến một bài báo ký tên Frédéric Mounier với tựa đề: “Giáo Hội Pháp quay lại với Giáo Hội của Việt Nam”. Cơ hội để có bài báo này, một bài báo vốn rất đáng lưu ý, là cuộc khởi hành của một phái đoàn Giám Mục Pháp đi Việt Nam. Ký giả trích dẫn trong ngoặc kép những lời phát biểu mà Đức Cha đã nói để giải thích lý do chuyến viếng thăm này: “Giáo Hội này có gốc từ Pháp, nó đã được thành lập nhờ những nỗ lực của các nhà truyền giáo Pháp”. Có lẽ người ta đã méo mó những lời nói của Đức Cha, nhưng dẫu sao một sự xác quyết như thế là một sự sai lầm lịch sử, và là một phương cách rất đáng tranh cãi để chuẩn bị khung cảnh (thuận lợi) cho cuộc gặp gỡ. 

Ai đã thành lập nên Giáo Hội Việt Nam? 

Trả lời cho câu hỏi có tính cách lịch sử này, phải khẳng định (sans ambiguité) rằng các vị thành lập, kể từ năm 1615, là những giáo sĩ dòng Tên của tỉnh dòng Nhật Bản, tỉnh dòng có tính cách quốc tế trong việc tuyển chọn (nhân sự) và thuần túy Bồ Đào Nha trong các mối lệ thuộc về mặt pháp lý. Từ thế kỷ 16, các vị thừa sai Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha thuộc nhiều Hội dòng tu khác nhau đôi lúc đã cố thử mở đường rao giảng Phúc Âm, nhưng phải đợi đến phương pháp và sự kiên trì quyết tâm của các tu sĩ dòng tên để thấy được những hy vọng đó được cụ thể hóa. Khi những vị người Pháp đầu tiên – các tu sĩ Joseph Francis Tissanier và Pierre Jacques Albier – đi tàu biển đến xứ này vào năm 1658, thì có gần 70 vị truyền giáo gồm tám quốc tịch đã tiếp tục nhau đến trước, trong số đó có 35 vị người Bồ Đào Nha, 19 vị người Ý và 7 vị người Nhật. Vào chính thời gian này, theo những ước tính lạc quan nhất, thì số người Kitô hữu Việt Nam đã có trên 100.000 rải rác trong vài trăm cộng đoàn địa phương. Những người giáo dân được đào tạo kỹ lưỡng hướng dẫn họ; (những giáo dân này) có đủ khả năng để đương đầu với những hoàn cảnh khó khăn nhất; ngay từ các năm 1644 đến 1645, họ đã có những vị tử đạo của họ, đó là những vị tử đạo đầu tiên với một danh sách rất dài.

Thật sự có sự kiện là lịch sử được viết theo lối người Pháp cố nêu lên sự nghiệp to lớn này cho một mình cha Alexandre de Rhodes. Tuy nhiên cần thiết phải đặt lại con người truyền giáo nổi danh này trong khung cảnh thực (của lịch sử). Ngài sinh tại Avignon, lãnh địa của Giáo Hoàng, cha Rhodes cũng không phải người Pháp như trường hợp của thánh François de Sales, dẫu ngài thuộc nền văn hóa Pháp như vị kia. Ngài vào Hội Dòng Chúa Giêsu tại Roma, và chính lý lịch Roma này đã cho phép ngài được đi đến Đông Phương vào một thời kỳ mà người Pháp không có quyền. Khi cha Rhodes đến Việt Nam vào năm 1624, các nền tảng xây dựng Giáo Hội Kitô giáo đã được thành lập vững chắc tại vùng miền Trung; công trạng lớn lao của ngài là đã đưa cuộc truyền bá Phúc Âm đến miền Bắc xứ này; ở đây ngài chỉ lưu lại một thời gian duy nhất từ năm 1627 đến năm 1630 và đó là một thành quả lớn lao cho việc truyền giáo. Ngoài ra, tên tuổi ngài được gắn liền với các công trình ngữ học về tiếng Việt nhờ những tác phẩm ngài đã xuất bản tại Âu Châu vào năm 1651. Trong lãnh vực này cũng như trong công việc truyền giáo nói riêng, sự thành công của ngài lệ thuộc vào công trình của các vị tiên phong đi trước ngài. Đây là một công trình tập thể rõ rệt, không thể gán cho công lao một xứ nào riêng, dẫu người Bồ Đào Nha gián tiếp đã là những bậc thầy thi công, cũng như họ là những người thợ đông nhất. 

Hội Dòng Truyền Giáo Ngoại Quốc Paris (MEP) và các vị tử đạo. 

Khởi từ năm 1664 (miền Trung Việt Nam) và 1666 (miền Bắc), Hội Dòng Truyền Giáo Ngoại Quốc Paris đã cống hiến một thế hệ thứ ba các người thợ Phúc Âm, và đặc biệt những vị Giám Mục đầu tiên mà Roma muốn ban cho Giáo Hội còn trẻ này. Tiếp đó, các Cha đường du Bac đã đóng một vai trò có tầm vóc quan trọng to lớn không thể chối cãi được trong Giáo Hội của Việt Nam. Nhưng không vào một thời kỳ nào bất kỳ, kể cả dưới thời thực dân Pháp trong các năm của thập niên 1860, các vị truyền giáo Pháp không phải đã là những vị truyền giáo duy nhất tại Việt Nam. Tác giả bài báo đã nhắc lại rất đúng rằng mười trong các vị truyền giáo Pháp đã bị giết chết vì đức tin trong thế kỷ 19; cách đây vài năm, họ được tôn vinh vào bậc thánh tử đạo cùng một lúc với 96 vị tử đạo tại Việt Nam. Nhưng khi nói đến các vị truyền giáo ngoại quốc chịu tử đạo, có lẽ đúng hơn đừng cho người ta hiểu rằng người Pháp là những vị tử đạo đầu tiên, và chỉ có người Pháp mà thôi. Trong nhóm các vị thánh đã được Giáo Hội tôn vinh, thực ra có 11 vị dòng Đaminh gốc Tây Ban Nha, mà những vị lâu đời nhất trong họ đã từng chịu án tử ngay từ năm 1745, nghĩa là 88 năm trước thánh François Isidore Galelin. Còn những vị tu sĩ Dòng Tên thuộc tỉnh dòng Nhật bản, họ lại đã đi trước tất cả các vị này, với hai vị tử đạo người Ý vào năm 1723, ba vị người Bồ Đào Nha và một vị người Đức vào năm 1737; sự việc Roma đã chưa chuẩn y sự tử đạo của hai nhóm này lệ thuộc vào những hoàn cảnh lịch sử, trong đó các nạn nhân này không can dự gì. 

Những người Công Giáo Việt Nam và nước Pháp.

Trong các lời nói của Đức Cha, không phải chỉ có sự sai lầm lịch sử là đáng tiếc. Thật vậy, hẳn nhiên là vô tình, nhưng Đức Cha đã mang lại một thế dựa cho một luận cứ từng gây nên nhiều tai hại cho người Công Giáo Việt Nam, và luận cứ đó từ mấy năm nay lại dấy lên lại một cách mạnh mẽ. Lời mỉa mai của dân chúng hoặc cả đến các giáo sư đại học tên tuổi đã từng kịch liệt chứng minh về sự thông đồng giữa Chủ Nghĩa Thực Dân Pháp và sự lan tràn của đạo Công Giáo vào Việt Nam. Nhiều đợt, người Công Giáo xứ này đã phải đương đầu với lời luận tội như là “đảng” của người ngoại quốc, đóng vai kẻ thù của xứ sở. Hôm nay cũng như hôm qua, ở Việt Nam và ở hải ngoại, nhiều người thuộc nhiều chủ trương ý hệ khác nhau dường như muốn thấy tôn giáo nhập cảng từ trong các gói hành lý của người Pháp (theo lối nói của họ) tan biến đi. Nếu ngày nay các mối liên hệ của Giáo Hội Việt Nam với các Giáo Hội anh em trên toàn thế giới còn gặp nhiều khó khăn, một phần lớn cũng do sự nghi ngờ luôn hiện hành này, do chính sự bất công lịch sử trong đó chúng ta, những người Pháp, không phải là bàn tay hoàn toàn sạch.

Vào lúc lên đường đến Việt Nam, Đức Cha thấy phải khẩn trương để nhắc lại cho Giáo Hội xứ này một nguồn gốc người Pháp nặng tính cách giả thiết này hay không? Làm như thế, các lời nói của Đức Cha dường như lại đặt Giáo Hội ấy trong một vị thế mãi lệ thuộc và mang nợ với Giáo Hội Pháp, hoặc nước Pháp nói gọn như thế; các lời ấy củng cố cho những lập trường của những người gièm pha Giáo Hội Việt Nam, và làm giảm uy thế những luận chứng của tất cả những ai đang nỗ lực thiết định lại chân lý lịch sử hầu trả lại danh dự cho Giáo Hội Việt Nam.

Kính thưa Đức Cha, không phải như thế, Giáo Hội Việt Nam không phải phát sinh do người Pháp. Giáo Hội đó là con của Giáo Hội hoàn vũ đúng theo mẫu mực điển hình của nó; trong thời còn non trẻ, Giáo Hội này đã hưởng được sự cung ứng của nhiều nền văn hóa và truyền thống dị biệt, cho phép nó dần hồi bước đến tuổi trưởng thành theo con đường đặc thù của mình. Ngày nay, khi phải đương đầu với nhiều vấn đề, Giáo Hội này ưu tiên phải (tự củng cố), xác định vị thế đặc thù của mình, tìm lại chỗ đứng trọn vẹn trong lòng của xã hội Việt Nam và trong nền văn hóa có từ ngàn năm của Việt Nam, với những giá trị mà Giáo Hội đó đang ôm sẵn và chúng cũng là những giá trị của Công Giáo tính phổ quát. Trong viễn tượng này, Giáo Hội Việt Nam không cần đến một quyền lực đỡ đầu, nó không chờ đợi để được “bú mớm” bởi bất cứ ai. Người Công Giáo Việt Nam chỉ cần tìm lại những mối liên hệ hiệp thông, chia sẻ và liên đới cụ thể hơn và thiết thực hơn với những người Kitô hữu anh em trên thế giới, như bao nhiêu người Công Giáo trong tất cả các xứ khác. Chúng ta hết lòng mong mỏi rằng cuộc viếng thăm của phái đoàn Giám Mục Pháp sẽ cống hiến điều đó.                                  

Nguồn: conggiaovietnam.net

5 cách sống đức tin khi bị căm ghét và xáo trộn

5 cách sống đức tin khi bị căm ghét và xáo trộn

Nữ tác giả Brianna Heldt

 Tin là chấp nhận hoặc từ chối. “Người tin thì không cần giải thích, người không tin thì giải thích cũng vô ích!” (Thánh Bernadette, Lộ Đức).

 Mới đây tôi có nói với một người bạn rằng tôi đã đã suy nghĩ nhiều, cứ suy đi nghĩ lại, chưa bao giờ tôi như vậy.  Cô bạn tôi nói về cách mà Thiên Chúa cho mỗi người chúng ta hiện diện ở đây, vào thời điểm đặc biệt đó và đặt vào lịch sử, vì một mục đích. Chúng ta không sinh trong thập niên 1800, cũng không ở đâu đó trong cuộc chiến thành Troa (Trojan War). Hiện nay chúng ta ở đây và lúc này.

 Càng nghĩ về điều đó tôi càng thấy đây thực sự là điều thâm sâu – trước đây tôi chưa bao giờ thấy mình hiện hữu trong ý nghĩa này.

 Sau đó tôi cũng nghĩ về cách mà chúng ta sống trong một kỷ nguyên của thuyết tương đối về luân lý, con người trở thành làn chớp và cách nhìn về tôn giáo đang thay đổi. Bạn có thấy bìa tuần báo Newsweek dịp lễ Phục sinh 2012? Hoặc nếu bạn sống ở Denver (Hoa Kỳ), sự lan rộng sẽ thế nào trong năm 5280? Ái chà! Rồi chỉ mới đêm qua, có một cuộc họp tại thành phố của tôi để thảo luận xem trường trung học có được phép phổ biến biện pháp tránh thai cho học sinh hay không (dĩ nhiên không cần cha mẹ cho phép).

 Làm sao giải thích đức tin của mình rạch ròi trong thế giới ngày nay? Vì không ngẫu nhiên mà bạn hiện hữu ở đây, còn tôi ở đó. Không gì lạ khi văn hóa của chúng ta đang càng ngày càng trở thành “hậu Kitô giáo”, và càng ngày càng ít chấp nhận quan niệm của Kitô giáo Do Thái truyền thống. Thế nên chúng ta thực sự không nên hy vọng điều gì khác – cũng không nên ngạc nhiên – khi các Kitô hữu bị “gắn mác” là cố chấp và mê tín vì bảo thủ ý kiến.

 Hiện nay đa số chúng ta không tích cực cho lắm về lĩnh vực chính trị, cũng chẳng muốn bày tỏ chính kiến. Nhưng chúng ta vẫn đi làm, đi mua sắm, vui chơi, và ăn uống với bạn bè. Đây là những cơ hội để bày tỏ mình có muốn hay không.

Theo tôi, có 5 cách thực tế để bày tỏ đức tin.  Không phải luôn dễ thực hiện với một thế giới không hiểu bạn, nhưng bây giờ là lúc cần áp dụng.

1. Sống ơn gọi. Tôi chia sẻ ở đây về việc đưa ra những hình ảnh của một phụ nữ sống hạnh phúc với ơn gọi của mình. Vì tôi thực sự tin rằng có một điều mà thế giới cần, đó là những phụ nữ vui vẻ sống được làm nữ giới. Tôi giao tiếp cái gì với thế giới khi tôi la rầy con cái, tức giận và khổ sở vì điều gì đó? Có thể có điều gì đó rất khác vời những gì tôi giao tiếp khi tôi vui cười với con cái hoặc chỉ đơn giản là ngồi tĩnh lặng. Kế hoạch của Thiên Chúa dành cho nữ giới và người mẹ là điều tốt đẹp và tự do – ngay cả trong sự hỗn độn và nước mắt. Thế giới của chúng ta không muốn thấy điều đó. Đây là lý do mà tôi cố gắng trang điểm và ăn mặc khi tôi đi đâu đó với 7 đứa con của tôi. Chúng ta khả dĩ phát triển khi chúng ta sống ơn gọi của mình.

2. Xuất hiện. Trước đây tôi chưa bao giờ thấy cái đó? Có vẻ nói vậy là chuyện dĩ nhiên, nhưng đôi khi chỉ là người mà chúng ta là cũng đủ là điều kỳ diệu. Đó có thể là một thách đố, nhưng tôi không cố gắng hối tiếc về việc có nhiều con, là người Công giáo, về việc phản đối ngừa thai, về việc chấp nhận là giỏi giang (bee’s knees), hoặc về các giá trị truyền thống đã cũ rích và lỗi thời (ôi, khiếp quá!). Tôi thường tâm sự khi tôi có chuyện gì, và dù tôi không đưa ra các ý kiến của tôi, tôi cũng vẫn cố gắng là chính tôi.

3. Ấp ủ cuộc sống. Chúa Giêsu đến ban cho chúng ta sự sống dồi dào, nếu điều đó không gợi hứng thì tôi chẳng biết đó là gì. Dù là ai hoặc ở đâu, chúng ta vẫn có thể cho phép mình cởi mở với cuộc đời trong mọi hình thức. Bằng cách nào? Chúng ta có thể nhìn con cái là kết quả của tình yêu trong hôn nhân. Chúng ta có thể tình nguyện đi khám thai, và chờ đợi đứa con sinh ra (dù sinh một hoặc sinh đôi, sinh bốn,…), hoặc phấn khởi vì thấy một phụ nữ sinh con. Chúng ta có thể yêu thương mọi người xung quanh mình bằng nhiều cách – có thể là khó lắm! Văn hóa sự sống là văn hóa tình thương, và ngược lại.

4. Yêu sự thật. Tôi biết mình đang đi trên vùng đất có mìn khi tôi đề nghị những điều như vậy. Chúng ta sống trong một xã hội cho rằng cái gì thật với mình mới là thật, và cái gì thật với tôi mới là thật – mặc dù đó là những đòi hỏi lẫn nhau không thể chấp nhận. Tuy nhiên, tôi thuộc về niềm tin mà Thiên Chúa đã tỏ chính Ngài cho chúng ta. Có một số điều thật và một số điều sai, nhưng vẫn có sắc thái. Vâng, có sự thất vọng, có bóng tối ảm đạm. Nhưng luôn có khoảng bao la chứa Lòng Thương Xót của Chúa ngay trong những đau khổ và tuyệt vọng của chúng ta. Cuộc đời chúng ta tươi đẹp biết bao nếu chúng ta thực sự bám vào chân lý, nếu chúng ta theo sau Đức Giêsu bằng sự tuân phục tận đáy lòng, đồng thời đắm mình vào Kinh thánh, những sách đạo đức, những lời cầu nguyện và những mối quan hệ có sức nuôi dưỡng đức tin.

5. Đừng sợ! Chúa Giêsu đã nhiều lần nói vậy, và Chân phước GH Gioan Phaolô II cũng đã nhắc nhở điều đó. Điều đó có thể đe dọa chúng ta khi chúng ta bảo vệ đức tin chứ không a dua theo đám đông phản đối. Cứ sống, chúng ta có thể trở nên nhân chứng sống động của các giá trị tôn giáo, giá trị đích thực của đức tin. Người ta muốn biết bạn làm điều này hoặc tin điều đó, nhưng chúng ta có thể tin rằng nếu chúng ta độ lượng, tử tế, chân thật và hòa nhã, chúng ta có thể khiêm nhường nhưng lại cho họ câu trả lời về niềm hy vọng mà chúng ta đã tìm ra. Cần phải can đảm, nhưng có thể đó là lý do mà Thiên Chúa đặt bạn ở đây, ngay bây giờ.

 TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ New Advent)       từ Maria Mai chuyển