TÔI XÉM LÀM KÉP CẢI LƯƠNG – Tiểu Tử-Truyện ngắn

– Tiểu Tử –

   Hồi thời trước, tôi mê cải lương “hết biết”! Lúc đó, tôi làm việc ở hãng dầu Nhà Bè, vậy mà chiều nào tôi cũng lái xe lên hãng dĩa hát Hoành Sơn (ở tuốt trên đường đi Tân Sơn Nhứt!) để coi đoàn Thủ Đô tập tuồng!

    Anh Ba Bản − chủ hãng dĩa hát Hoành Sơn − gọi điện thoại xuống Nhà Bè cho tôi “Anh mới lập gánh đặt tên là Thủ Đô hiện đang tập tuồng ở hãng dĩa. Chừng tập xong, mình sẽ ra mắt bà con mộ điệu với lần đầu tiên cải lương có sân khấu đại vĩ tuyến khác lạ coi chơi! Chú lên phụ coi tập tuồng, nghen!”. 

  Anh Ba nói như vậy bởi vì ảnh biết tôi… “có máu nghệ sĩ”! Vậy là chiều chiều tôi lái xe lên hãng dĩa coi tập tuồng …

Tuồng đang tập mang tên “Tiếng Trống Sang Canh”, nghe rặt mùi cải lương! 

  Bên “giàn” kép có Út Trà Ôn, Hoàng Giang, Ba Vân. Bên phía đào có Thanh Thanh Hoa, một đào trẻ. Giàn đờn có Năm Cơ đờn kìm, Ba Kim đờn cò … cũng rơm ớn!

   Coi tập tuồng riết rồi tôi “lậm” nặng: tôi muốn đi học ca để… làm kép cải lương! Vậy là tôi hỏi thăm mấy tay đờn kể trên, họ chỉ thầy Văn Vĩ!

  Thầy nầy đui nhưng có ngón đờn ghi-ta xuất thần! Tôi đã nghe danh Văn Vĩ từ lâu nên tôi phấn khởi “mò” đi thọ giáo!

  Tôi đến xóm nhà thầy Văn Vĩ “một ngày đẹp trời” (Nói cho … văn vẻ, đúng điệu nghệ cầm ca!). Sợ người ta để ý, tôi để xe ở xa đi bộ vào.

   Sau “màn” xã giao, thầy hỏi: “Anh tên gì, làm nghề gì, ở đâu?”. Tôi trả lời: “Tôi tên Nam làm thơ ký hãng dầu Nhà Bè”. 

  Hỏi: “Anh muốn học ca vọng cổ. Vậy chớ anh có biết ca sơ sơ không? Có đem bài gì theo không?”. 

  Trả lời: “Tôi cũng biết ca sơ sơ, nhờ nghe dĩa rồi bắt chước. Tôi có đem bài Tự Đức Khóc Bằng Phi”. (Hồi thời đó người ta in vọng cổ mỗi bài một cuốn lớn cỡ bằng hai bàn tay, chỉ có mấy trương, rất tiện cho giới bình dân mang theo để ngân nga bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào!). 

  Thầy nói: “Đâu? Anh làm vài câu nghe coi!”. Không do dự, tôi rút bài ca mở ra hát:

  “Bằng phi ơi! … Đập cổ kính ra tìm lấy bóng, xếp tàn y lại để dành hơi. Lệ Chi Viên tàn xác hoa rơi, nơi gác phượng đành xa người tri kỷ.

Ném bút nghiên xuống dòng Hương Thuỷ bởi trẫm từ đây đã cạn ý thơ… sầu…”

   Thầy mỉm cười: “Thôi, được, tôi sẽ dạy anh!”.

Nghe vậy, tôi mừng “hết lớn”! Bởi vì mấy người ở gánh Thủ Đô nói thầy Văn Vĩ khó tánh lắm, không phải ai ổng cũng dạy đâu! Ổng không “coi chân coi cẳng” được, nhưng ổng nghe giọng nói, cách phát âm phát ngôn, nhứt là để ý coi khi hát thử có để tâm hồn vô từng chữ từng câu không?… v.v … 

  Thầy nhận tôi làm “đệ tử”, còn nói: “Anh có giọng ca xài được!”. Đó là lần đầu tiên tôi được người khác khen, lại là một người “rành điệu nghệ”! Cho nên, hôm đó tôi lái xe về Nhà Bè mà miệng cứ ơi ới “Bằng phi ơi!”… nghe không thảm não mà trái lại còn có vẻ hào hứng!

    Từ đó, tôi lên học ca mỗi chiều thứ tư và thứ bảy. Thầy dạy kỹ lắm, giải nghĩa và lập đi lập lại về cái “song lang” – Dụng cụ để gõ nghe cái cóc khi đến nhịp chót của câu ca. Trong vọng cổ, người ca tự do sắp xếp câu ca chớ không phải theo từng nốt nhạc như bên tân nhạc. Và người đờn cũng tự do “phăng” theo xúc động của mình. Điều quan trọng là khi đến nhịp song lang, người ca và người đờn cùng xuống đúng nốt nhạc ấn định.

   Nếu không, nghĩa là tới trước hay sau song lang, người ta nói “rớt song lang”, mà rớt song lang là … kẹt lắm đó! Khách mộ điệu bốn phương không chấp nhận đâu! Có người nóng tánh còn… phang cho vài lời ê mặt! Cho nên, thầy Văn Vĩ “kềm” nhịp song lang cho tôi dữ lắm đến nỗi vô hãng làm việc, nghe một tiếng “cóc” ở đâu là tôi giựt mình nhìn quanh! Để thấy con đường học làm ca sĩ cổ nhạc của tôi cũng đầy… gai gốc!

   Khi tôi đã vững song lang, anh Vĩ (lúc nầy “thầy” biểu tôi gọi ổng bằng “anh” vì ổng và tôi cùng một tuổi!) nói: “Anh có tật ca lòn!”. 

Hỏi: “Ca lòn là gì?”. 

Trả lời: “Nghĩa là đang ca giọng đàn ông anh lòn qua giọng đàn bà!”. 

  Rồi ảnh vỗ vỗ vào cây ghi-ta: “Anh nghe nè”. 

  Ảnh đờn, vừa đờn vừa nói: “Đây là dây đàn ông”. Ngừng một chút rồi đờn tiếp: “Còn đây là dây đàn bà”.

Tiếng đờn nghe khác thiệt! Ảnh nói: “Anh đang ca dây đàn ông tự nhiên rồi lòn qua dây đàn bà làm thằng cha đờn chới với vì nó vẫn tiếp tục dây đàn ông! Ca và đờn lỏn chỏn, nghe không ra cái giống gì hết! Anh hiểu chưa?”. 

  Tôi đang phân vân không biết phải làm sao thì ảnh nói tiếp: “Anh có giọng ca mùi quá, mà chỉ vì kẹt cái vụ lòn rồi bỏ uổng lắm! Để tôi gò lại giọng cho anh vài lần là hết, hè!”. 

  Vậy là ảnh… “gò”, bắt tôi ca tới ca lui, chỗ nào tôi bắt đầu “đâm” ngang ngang, ảnh la “Nó đó! Nó đó!”, tôi vội kềm giọng lại ca tự nhiên như từ hồi đầu! 

 Nhờ được gò… “hết nước” như vậy nên qua cuối tuần sau ảnh nói: “Giờ thì anh ca ngọt rồi đó, nghe lọt lỗ tai!”.

Ngừng một chút như để suy nghĩ rồi ảnh nói tiếp:

“Tụi mình ráng o cái giọng của anh chừng đôi tháng là lên đài và vô dĩa được! Bảo đảm!”. Lại ngừng một chút rồi mới tiếp: “Ca mùi cỡ anh lên đài và vô dĩa chừng năm bảy tháng là anh sắm xe Huê Kỳ hà!”. 

   Nói xong, ảnh cười sung suớng, nên tôi nghĩ là ảnh nói thiệt. Và tôi tin! Hôm đó, lái xe về Nhà Bè tôi ca bài “Đường Về Quê Ngoại” sao mà nghe như có một người nào khác đang ca vậy! Ngâm câu dẫn nhập thiệt là rã rời, kéo dài đến khi xuống hò thì thiệt là mùi rệu!

   Thằng cha “Kép Cải Lương” trong tôi hình như đang bắt đầu … rửa chưn, bởi vì đường lên đài phát thanh không còn xa bao nhiêu … 

   Bây giờ, khi tôi tập ca, hàng xóm lại ngồi chồm hổm trong sân xi-măng trước nhà nghe ca. Mới đầu còn một hai người. Về sau, có cả mươi nguời là ít! Tôi có nói cho anh Vĩ, ảnh nói họ có xin phép ảnh. Được một điều là họ không làm ồn và khi tôi “xuống hò”, họ vỗ tay như trong rạp hát!

Thiệt là khích lệ!

    Chiều thứ bảy đó, như thường lệ, tôi đến nhà anh Văn Vĩ để luyện giọng và dượt bài ca (bây giờ không còn nói “đi học ca” nữa, “vô nghề” được rồi nên đổi cách gọi!). Bước vô nhà, tôi vừa nói “Chào anh” là bị ảnh “phang” ngay bằng một giọng hằn học: “Đi ra! Không có vô nhà tôi! Đi ra!”. Ngạc nhiên, tôi nói: “Tôi mà anh!”. Lại giọng hằn học: “Không anh em gì hết! Đi ra!”.

Càng ngạc nhiên thêm:

– Ụa? Sao vậy?

– Đi ra! Anh khinh tôi quá mà! Đi ra!

– Tôi đã làm gì mà anh giận dữ vậy?

– Còn hỏi nữa! Anh coi tôi không ra gì hết! Đi ra!

– Trời Đất! Có bao giờ tôi dám khinh anh đâu, anh Vĩ! Tôi thề …

– Thôi! Đừng thề thốt! Anh nói anh làm thơ ký hãng dầu Nhà Bè là anh nói láo! Anh thấy tôi đui mù nên coi không ra gì phải không?

Tôi đang tìm cách phân trần thì ảnh tiếp:

– Con nhỏ ở của ông kỹ sư Thêm làm việc ở hãng dầu Nhà Bè hôm qua lên xin học hát.

   Tôi hỏi nó có biết anh Nam thơ ký hãng dầu không? Nó nói biết, mà anh không phải là thơ ký mà là phó giám đốc lận! Anh nói láo với tôi rõ ràng! Đi ra!

– Tôi đâu dám khi anh, anh Vĩ! Tôi sợ nói ra chức tước, anh không nhận dạy tôi! Cho là tôi giỡn mặt với anh. Thiệt tình tôi xin lỗi!

– Đi ra!

  Lần nầy, giọng anh thật gay gắt! Tôi thở dài, nói

“Chào anh” rồi bước đi mà không dám nhìn lại, sợ trào nước mắt … 

   Về Nhà Bè, tôi gọi điện thoại kể chuyện cho anh Ba Bản gánh Thủ Đô. Ảnh an ủi: “Tại cái số, chú à! Cái số của chú là làm xếp hãng dầu chớ đâu có làm kép cải lương!”. Rồi ảnh cười hề hề:

“Thôi! Chiều chiều lên đây coi tập tuồng đi!

   Đang tập Chiếc Áo Ân Tình nè. Chừng tập xong mỗi buổi, nếu chú có hứng, tôi biểu giàn đờn ngồi lại cho chú ca. Còn chú muốn vô dĩa thì bước qua hãng dĩa, mấy đứa nhỏ nó lo cho chú. Chịu không?”. 

  Tôi “Dạ” rồi gác máy, nhìn qua cửa kiếng thấy hình ảnh quen thuộc của cái hãng dầu mà tôi đã phục vụ trên mười hai năm, gắn bó đến như vậy mà tôi còn muốn gì nữa? Tôi cầm điện thoại gọi lại anh Ba Bản:

– Chiều mai em lên anh.

– Đọ! Phải vậy chớ! Mừng cho chú!

Tôi nói “Cám Ơn” mà nghe vui trong lòng: may cho tôi, tôi chỉ… “xém” làm kép cải lương.


 

Được xem 3 lần, bởi 3 Bạn Đọc trong ngày hôm nay