Sài Gòn Một Thời Để Yêu Và Một Đời Để Nhớ (Phần 2)

Sài Gòn Một Thời Để Yêu Và Một Đời Để Nhớ (Phần 2)

Tác giả Lê Phương Lan,

 

Tôi yêu nhất bài “Dòng An Giang” với điệu valse dìu dặt như sóng nước.

Thủ đô của miền Nam tự do thuở ấy đã được ngợi ca rằng “Sài Gòn đẹp lắm Sài gòn ơi! Sài Gòn ơi!”; bên cạnh đó còn có bài “Đường Về Sài Thành”. Và trong bài “Ghé Bến Sài Gòn” nhạc sĩ Văn Phụng đã ân cần mời gọi:

“Cùng nhau đi tới Sài Gòn, thủ đô yêu dấu nước Nam tự do…

Người ơi! Sài Gòn chốn đây là ‘ngọc viễn đông’ vốn đã lừng danh!”

Và giòng nhạc trữ tình thời bấy giờ đã ghi nhận các tài năng lớn với những cung bậc du dương trong lời nhạc thanh tao như Vũ Thành, Dương Thiệu Tước, Cung Tiến, Hoàng Trọng, Nguyễn Hiền, Văn Phụng, Phạm Đình Chương. Vườn hoa âm nhạc càng nở rộ trong mảnh đất trù phú để rồi tiếp theo sau này với vô số tên tuổi như Lam Phương, Anh Bằng, Lê Dinh, Trúc Phương, Hoàng Nguyên, Phạm Trọng Cầu, Lê Trọng Nguyễn, Thu Hồ, Hồ Đình Phương, Lan Đài, Hoàng thi Thơ, Tuấn Khanh, Châu Kỳ, Hoài Linh, Minh Kỳ, Mạnh Phát, Lê Dinh, Nhật Bằng, Nhật Ngân, Thanh Sơn, Song Ngọc, Y Vân … làm nên một di sản “nhạc vàng” bất tử mặc cho “bên thắng cuộc” với lòng hẹp hòi, thiển cận đã và đang ra sức cấm cản, chôn vùi.

Về nhạc sĩ Pham Duy, ông đã may mắn chạy vào được miền Nam để xây dựng cho các con ông cũng được vinh hoa trong lãnh vực ca hát. Bản thân ông được tự do sáng tác những tác phẩm lớn được người dân miền Nam yêu thích. Ông đã tránh được số phận nghiệt ngã của các thi sĩ như Hoàng Cầm, Hữu Loan, Phùng Quán, Trần Dần đã uất hận:

“Bút tôi ai cướp mất rồi!

Tôi sẽ dùng dao khắc văn trên đá”;

số phận của nhạc sĩ tài hoa Văn Cao suốt ngày thơ thẩn ngoài đường! Nhưng nếu như ánh đèn đã lôi cuốn những con thiêu thân thế nào thì danh lợi là một thử thách dường như không thể cưỡng lại được đã đốt cháy tiết tháo nhiều người nghệ sĩ đã một thời được ái mộ. May ra chỉ còn lại hai danh ca Thanh Thúy và Hoàng Oanh.

Song song với giai đoạn nở rộ của nền tân nhạc phong phú, đó cũng là thời hoàng kim của nền điện ảnh, kịch nghệ, sân khấu cải lương, một đặc trưng của Sài Gòn hoa lệ với các đoàn hát lớn như Kim Chung, Kim Chưởng, Thanh Minh Thanh Nga, Dạ Lý Hương, Hương Mùa Thu vang bóng một thời. Tự do trong sáng tác đã khiến người nghệ sĩ thoải mái diễn đạt trọn vẹn cảm xúc của mình qua những tác phẩm qua bao năm tháng vẫn còn lưu trữ trong ký ức của người thưởng thức. Thanh bình, no ấm khiến người dân yên lòng trong sinh kế nên đã thoải mái tham dự các sinh hoạt văn nghệ, giải trí.

Trong lãnh vực nghệ thuật tôi yêu hình ảnh thanh tú của danh cầm Phùng Phúc Trân với mái tóc dài tha thướt, bàn tay dìu dặt, lả lướt trên cây violon mảnh mai trên vai đã làm say mê khán thính giả. Ngoài ra, tôi còn ngưỡng mộ các bức tranh đôi khi chỉ tưởng như những nét vẽ phác họa thể hiện bút pháp rất độc đáo của nữ họa sĩ Bé Ký cũng được giới thưởng ngoạn rất yêu thích. Trong sinh hoạt thể thao, các danh thủ bóng bàn như Lê Văn Tiết, Nguyễn Văn Inh, Mai Văn Hòa đã làm rạng danh Việt Nam Cộng Hòa tại Nhật.

Nhưng vàng son nhất là nền túc cầu. Đội banh Việt Nam Cộng Hòa đã chiến thắng Do thái 2-0 trong khuôn khổ vòng loại Olympic 1964. Cũng trong vòng loại thế Vận Hội 1968, đội banh VNCH đã hạ Phillipines 10-0. Vẻ vang nhất là thành tích vô địch giải Merdeka 1966 tại Mã Lai với 12 nước Á châu tham dự đem vinh dự cho đội banh VNCH với các danh thủ: Tam Lang, Nguyễn Văn Rạng, Đỗ Thới Vinh, Lâm Hồng Châu …

Thế hệ cha anh chúng tôi với nhiệt tâm lo cho thế hệ đi sau đã xây dựng tại miền Nam một nền giáo dục tiến bộ, rất nhân bản. Vào lớp học, ngay trên tấm bảng đen trước mặt các học sinh chúng tôi là hàng chữ: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Các sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư, Luân Lý Giáo Khoa Thư đã dạy chúng tôi những bài luân lý căn bản làm nền tảng đạo đức của con người với “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”.

Sách Công Dân Giáo Dục dạy chúng tôi sống với lương tâm và nghĩa vụ xây dựng đất nước của một người công dân. Những lời ca dao thể hiện tình yêu lứa đôi, tình yêu quê hương mộc mạc, nhưng chân thành, tha thiết. Các câu tục ngữ ngắn gọn, những câu châm ngôn, các sách học làm người đều dạy chúng tôi sống lương thiện “Đói cho sạch, rách cho thơm”.

Những câu chuyện ngụ ngôn của Lafontaine được cụ Nguyễn Văn Vĩnh chuyển dịch lời Việt rất dễ nhớ, dễ thuộc là những bài học xử thế rất thiết thực. Bên cạnh đó là cả một dòng văn học tuổi thơ trong sáng của các tờ báo như tờ Tuổi Hoa với sự cộng tác của nhà văn Quyên Di, thày giáo Hoàng Đăng Cấp, Họa sĩ Vivi. Tạ ơn các thày cô giáo đáng kính trọng. Cám ơn nền giáo dục đã giúp chúng tôi không đánh mất nhân cách khi bị chính quyền cộng sản sau khi chiếm miền Nam quyết dồn chúng tôi vào “tử lộ”. Chính nhờ nền giáo dục này trong đau thương nét sáng ngời của viên ngọc tình người càng tỏa sáng.

Sau ngày mất nước, gia đình chúng tôi sống trong sự giúp đỡ, che chở của bà con hàng xóm con hẻm 54 đường Thánh Mẫu, Chí Hòa. Cũng thế, trong lớp 9 tôi làm giáo viên chủ nhiệm tại trung học Đắc Lộ, các em nam sinh (Hạnh, Bình, Sơn) đã tự động đến giúp đóng lại trần nhà và mái tôn đã bị hư hại. Em Hoa sau mỗi buổi học phải đẩy xe xê ri đi bán rong đã đem đến cho tôi chén cơm với nửa trái trứng vịt kho mặn. Hai chị em Kim Anh, Kim Nhật và Nhung đã đến giúp tôi cán bột mì làm bánh quai vạc để đi tiếp tế.

Nhưng như một định mệnh! Thời thái bình thịnh trị của miền Nam đã không còn khi thành phố Sài gòn nhiễu loạn với các cuộc xuống đường đã bị Việt cộng trà trộn, kích động; khi người Mỹ đã đạo diễn cho các tướng lãnh phản bội lật đổ nền Đệ I Cộng Hòa! Và nền Đệ II Cộng Hòa ra đời sau các cuộc đảo chánh, chỉnh lý! Nhiều khuôn mặt chính khách, tướng tá thay phiên xuất hiện trên sân khấu chính trị!

Hết Nguyễn Khánh “râu dê” lại đến Nguyễn Cao Kỳ “râu kẽm”. Miền Nam trong sáng giờ đã bị khuấy động để trở thành vũng nước đục cho các tay gián điệp cộng sản nằm vùng thả câu! Cũng may là vẫn còn các tướng sạch “Nhất Thắng, nhì Chinh, tam Thanh, tứ Trưởng” và biết bao chiến sĩ VNCH trong các quân binh chủng, các chiến sĩ Cảnh Sát Quốc Gia đã chiến đấu can trường trên mọi mặt trận, chống cự cho đến ngày đồng minh đã thực sự rời bỏ chúng ta!

Sau cái chết của hai anh em tổng thống Diệm, từ 1963 trở về sau chiến tranh đã bước vào thành phố. Máu đã đổ do đặc công Việt cộng đặt chất nổ tại nhà hàng Mỹ Cảnh, khách sạn Caravel, tòa đại sứ Mỹ; do các đạn pháo kích bừa bãi từ “dàn phóng” đôi lúc chỉ là các thanh tre gác vào nhau từ vùng ven đô gây bao cảnh tang tóc cho những người dân vô tội, khiến nhiều gia đình lo sợ phải xây hầm trú ẩn bằng bao cát. Việt Cộng còn ra tay ám sát nhà báo Từ Chung và giáo sư Nguyễn Văn Bông! Trong giai đoạn nhiễu nhương ấy bố tôi quyết định về hưu sớm để bước ra khỏi những tranh dành chức tước, quyền lực. Ông dùng tâm trí để làm việc với cơ quan JUSPAO (Joint United States Public Affairs Office) một cơ quan thuộc nghành thông tin của chính phủ Mỹ tại Sài gòn.

Khi đó gia đình tôi từ cư xá Sĩ Quan Chí Hòa đã dọn đến một căn nhà mái tôn nhỏ ở khu rừng cao su cũ đường Nguyễn Văn Thoại. Anh em chúng tôi có một căn gác chật hẹp mà chỉ đến buổi chiều mới leo lên chống cánh cửa sổ lên cho thoáng mát để có thể ngồi học bài và đi ngủ được. Từ đấy tôi đã biết yêu những cơn mưa về đêm vừa xóa tan cái nóng bức, vừa dạo nhạc nền đi vào giấc ngủ.

Khi tôi còn theo học tại trường trung học Đắc Lộ ở ngã tư Bảy Hiền thì buổi sáng thường là đi bộ mất khoảng nửa tiếng để đến trường. Khi ra về leo lên các xe Lam ba bánh. Nhưng sau đó tôi cũng vẫn phải lội bộ khá xa từ ngã ba Ông Tạ để về đến nhà. Tôi còn cách khác để về là vẫy loại xe đò nhỏ mang tên Cửu Hiệp chạy tuyến đường Hóc Môn- Chợ Lớn qua đường Nguyễn Văn Thoại dẫn vào con hẻm gần nhà tôi hơn. Một hôm xe chật ních bạn hàng với quang gánh treo đầy hai bên cửa xe, thúng mủng trái cây chất đầy trên mui. Tôi “hiên ngang” một tay bám chặt song sắt ở cửa xe, tay kia nắm cặp táp và nón lá, tà áo dài trắng tung bay phất phới! Về nhà kể lại bị mẹ mắng cho một trận và bị cấm không cho tái diễn màn “Tarzan đu dây” ấy nữa!

Hai năm cuối của bậc trung học thì tôi đã có chiếc xe đạp Peugoet nhỏ xinh để đi học tại trung học Nguyễn Bá Tòng. Cho đến khi lên đại học thì tôi đã có được chiếc Honda PC mảnh mai để di chuyển. Hình ảnh các nữ sinh yêu kiều và người phụ nữ tại Sài gòn và trên khắp các thành phố của miền Nam tự do đã làm chất liệu cho biết bao thi văn, ca nhạc tiêu biểu như

“Áo Lụa Hà Đông,

Phượng Hồng,

Ngày Xưa Hoàng Thị,

Giáng Ngọc,

Cô Nữ Sinh Đồng Khánh,

Tà Áo Tím,

Tiếng Hát Học Trò,

Tà Áo Trinh Nguyên,

Tà áo Đêm Nô En,

Trưng Vương

Khung Trời Mùa Thu…”

Tuy đời sống gia đình có chật vật khó khăn nhưng vẫn là chuỗi ngày vui vẻ, hạnh phúc. Sau bữa cơm chiều, cả nhà quây quần quanh chiếc TV trắng đen 17inches mà bố tôi đã nhờ người bạn Mỹ mua ở trong PX để nghe nữ xướng ngôn viên thanh lịch Mai Liên đọc tin tức, thưởng thức các chương trình tân nhạc, cải lương, thoại kịch.

Mẹ tôi lại thích giọng nói rất rõ ràng, đanh thép của cô Hồng Quế, xướng ngôn viên của chương trình Xây dựng Nông Thôn. Tối đến mở radio nghe Dạ Lan “thỏ thẻ” với các anh chiến sĩ VNCH.

Khi chiến tranh leo thang và người Mỹ quân nhân cũng như dân sự xuất hiện đông hơn thì bộ mặt thành phố đã có nhiều thay đổi. Dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa với chủ trương bảo vệ thuần phong mỹ tục, ngăn chặn các tệ nạn xã hội “tứ đổ tường” (cờ bạc, rượu chè, hút sách, trai gái), tổng thống Ngô Đình Diệm trước tiên đã dẹp sòng bạc Đại Thế Giới tại Chợ Lớn cũng như giới hạn việc mở các vũ trường.

Tuy nhiên, sau khi ông Diệm mất thì cường độ chiến tranh gia tăng trên các mặt trận đã tỷ lệ thuận với dòng người đổ về thủ đô sinh sống và với những sinh hoạt về đêm. Dù lệnh giới nghiêm đã được ban hành, những phòng trà ca nhạc, hộp đêm, vũ trường đã thi nhau xuất hiện. Đó là thời kỳ huy hoàng nhất của nền tân nhạc Việt Nam với sự nở rộ của các ban nhạc trẻ và các ca sĩ trên truyền thanh, truyền hình, dĩa nhạc, phòng trà. Tôi yêu giọng ca cao vút, trong trẻo của Kim Tước, Mai Hương, Quỳnh Giao; giọng “mũi” mang chút ngậm ngùi của Lệ Thanh; giọng ca liêu trai của Thanh Thúy; giọng ca mềm mại, luyến láy nhẹ như hơi thở của Hà Thanh; giọng tròn trịa trong từng nốt nhạc cũng như lời ca của Hoàng Oanh; giọng cao, ấm, vang vọng của Lệ Thu; và giọng trầm ấm, sang trọng của Duy Trác.

Thời gian đó cũng là giai đoạn ghi dấu ấn đậm nét nhất trong cuộc đời tôi với Sài Gòn. Trong độ tuổi mơ mộng nhất tâm hồn tôi đã ngập tràn những cung bậc và ca từ rất mới, rất diễm lệ, đầy cảm xúc rung động của Phạm Mạnh Cương, Nguyễn Ánh 9, Vũ Đức Nghiêm, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Trường Sa, Trịnh Công Sơn (với người nhạc sĩ này hầu hết nhạc của ông tôi rất yêu thích, nhưng có bất công hay không khi những người trai đất nước đang hy sinh trong lửa đạn để cho ông được yên thân viết lên những bài hát phản chiến tiếp tay làm suy sụp chế độ của miền Nam tự do?)

Trong các loại nhạc thì những bài ca về người lính VNCH mới thực sự là loại nhạc thời trang thời bấy giờ. Tôi cũng đâu tránh khỏi những ảnh hưởng của những bài hát quá lãng mạng ấy khi đường phố Sài Gòn dập dìu những tà áo tung bay bên cạnh các bộ quân phục oai hùng! Và thế là trong tập nhạc của tôi đầy ắp những bài hát của các tác giả Trúc Phương, Anh Thy, Nguyễn Văn Đông. Nhưng nhiều nhất và gây ảnh hưởng sâu đậm nhất chính là nhạc của Trần Thiện Thanh. Một cựu quân nhân sống tại Hoa Kỳ đã viết rằng: “Dân nhà binh chúng ta phải biết cám ơn Nhật Trường vì nhờ ông mà chúng ta mới lấy được vợ!”

Thật vậy! Qua thi văn, ca nhạc, đời lính đầy gian khổ, hiểm nguy, bất trắc nên càng dễ thương cảm, mến phục! Tình yêu với lính vì mong manh, ly biệt nên lại càng lãng mạn! Người lính với nét ngang tàng, “phong sương” trong bộ áo trận đã khiến người đẹp trai thì xem ra đẹp trai hơn, người trung bình hay xấu trai cũng trở nên “dễ coi” hơn!

Trong khung trời hoa mộng đó “người ấy” đến với tôi trong những ngày lửa khói Tết Mậu Thân. Trông chàng cũng khá “phong sương” với nước da ngăm đen trong bộ đồ rằn ri Cảnh Sát Dã Chiến. Qua nét ngang bướng, tôi tìm thấy nơi anh lòng cương trực và chân tình! Tôi bị chú ý vì cách làm quen lạ đời! Những ngày mới biết nhau chàng rủ tôi đi xem người chết được đưa về nhà xác nghĩa địa Chí Hòa! Điểm hẹn đầu tiên là “kinh nước đen” của trại chăn nuôi gần ngã tư Bảy Hiền! Sau kỳ nghỉ phép kéo dài lâu hơn do chiến sự Tết Mậu Thân chàng phải trở lại trung tâm huấn luyện CSDC Đà Lạt. Thế là tính văn chương thi phú trong tôi được dịp trổ tài qua những tờ thư peulure qua lại. Rồi tình yêu đã đi nhẹ vào đời!

Một năm sau chàng được đổi trở về Sài Gòn. Lúc đầu chiếc xe PC của tôi được chàng dùng để đi làm, để đưa đón tôi đi học và đi chơi. Sau đó chiếc Lambretta đỏ trắng được thay thế cho đến khi chàng đã có xe Jeep riêng để đi làm. Tôi yêu thích cảm giác nồng nàn, ấm áp khi ngồi vững vàng trên yên xe Lambretta. Một tay cầm tà áo dài, tay kia là vòng ôm rất êm ái!

Chúng tôi cũng có những con đường kỷ niệm: đường Cường Để chạy ngang qua Đại Học Văn Khoa của tôi cuối đường là tu viện cổ kính, thanh tịnh của các nữ tu dòng kín mà tôi thường ghé vào để cầu nguyện. Nhưng “con đường tình ta đi” được tôi chọn là đường Tú Xương. Con đường ngắn thôi nhưng rất yên tĩnh, sạch đẹp với hai hàng cây dài bóng mát. Trong những buổi hẹn hò hai đứa thường chở nhau vòng vòng quanh thành phố. Thỉnh thoảng ghé vào thưởng thức những món ăn hợp túi tiền lúc bấy giờ: nghêu, ốc hấp ở vỉa hè Nguyễn Tri Phương, xe bò viên Cao Thắng và vài lần tại quán bò bẩy món Ánh Hồng đường Nguyễn Minh Chiếu.

Chúng tôi chọn ngày đầu năm 1971 để làm đám cưới nên ngoài bạn bè, họ hàng hai bên nhà thờ còn chật ních giáo dân tham dự thánh lễ đầu năm trong tiếng chuông rộn rã của nhà thờ “Ba Chuông” ngã tư Huỳnh Quang Tiên, Trương Minh Ký. Chúng tôi đã cùng “dắt dìu về căn nhà mới” tại đường Võ Tánh, gần phi trường Tân sơn Nhất.” Căn nhà màu tím” do hai đứa ngẫu nhiên pha màu và sơn “phết”. Chiến cuộc ngày càng tăng không cho chúng tôi có những giây phút hạnh phúc trọn vẹn. Anh thường xuyên vắng nhà do các cuộc hành quân ven đô và những cuộc biểu tình trong thành phố.

30 tháng 4, 1975!

Sài gòn thất thủ! Mẹ tôi bị mảnh đạn pháo kích khi Việt cộng bắn vào phi trường Tân Sơn Nhất làm mất hẳn chân phải! Bố tôi, chồng tôi, anh tôi lần lượt đi tù. Các cột trụ chính trong gia đình đã bị đốn ngã! Chị em tôi ngơ ngác, thất thần như hàng triệu người dân Sài Gòn lúc bấy giờ. Chồng tôi bị bắt trước khi có lệnh tập trung cải tạo. Tôi đạp xe đi tìm tin tức chồng trong thành phố để mưa lệ trong lòng tuôn theo lời thơ của Trần Dần:

“Tôi đi không thấy phố, không thấy nhà!

Chỉ thấy mưa sa trên nền cờ đỏ!”.

Không lâu sau tôi chỉ được nhìn thấy anh qua làn nước mắt sau hàng rào kẽm gai tại chi cuộc cảnh sát quận 10. Rồi ba năm sau mới được tin anh bị giam tại khám Chí Hòa. Nhưng từ đó trở về sau những lần thăm gặp trong bảy năm ở Chí Hòa cộng với sáu năm tại trại kiên giam trừng giới A20 Xuân Phước, những hiểm nguy, cực nhọc cũng như nỗi uất hận không được thăm gặp tôi phải nuốt nước mắt vào trong để chỉ khóc một mình trên đường về, hay trong những đêm dài đơn lẻ sau một ngày chống chọi với cuộc sống khắc nghiệt!

“Thần giao cách cảm” đã làm tôi thấm nỗi xót xa của thân phận người trai trẻ mà những đọa đày thân xác cũng đau đớn như nỗi bất lực trước cảnh khổ của những người thân yêu. Nỗi đau đã được thi sĩ Yên Ba diễn tả thật não lòng:

Dìu nhau vượt suối ưu phiền.

Anh non tay chống cho thuyền em chao.

Thương thì thôi! Xót xa nhau!

Cho nhau trọn kiếp, kiếp sau anh đền!”

Vì thế, qua những lá thư nồng nàn gửi cho chồng mà chắc chắn đã bị đọc trước, tôi muốn chứng tỏ cho họ hiểu rằng không gì có thể tiêu diệt nổi tình cảm thiêng liêng của con người!

30 tháng 4, 1975!

Ngày đại họa của dân tộc Việt Nam! Dân tộc chúng ta thật bất hạnh đã không có được cái bắt tay như hai tướng Grant và tướng Lee của dân tộc Hoa Kỳ sau cuộc chiến tranh Nam Bắc! Với người cộng sản Việt Nam thì những ai không chấp nhận hay không còn con tim và khối óc để tin theo chủ nghĩa cộng sản phi lý, phi nhân thì đều bị xem là “những thế lực thù địch”! Chủ nghĩa cộng sản vô thần là phi lý vì việc xây dựng con người “đạo đức xã hội chủ nghĩa”chỉ là lường gạt, hoang tưởng.

Thay vào đó nó chỉ tạo nên một tầng lớp thống trị kết thành một đảng cướp gian manh ăn chơi xa xỉ với những của nổi trong nước; của chìm đã được con cháu, người thân tín đem ra “thả neo” tại ngoại quốc. Để khi quốc biến thì nỗi thống khổ để lại cho người dân lành.

Chủ nghĩa này phi nhân vì nó phản bội lại truyền thống đạo đức của dân tộc. Người Việt chúng ta luôn tin tưởng vào thần thánh, luôn tin rằng sống sao có đức có nhân vì “hoàng thiên hữu nhãn”. Ngay cả các bậc những anh hùng liệt nữ cũng được tôn thờ:

“Chết như Hưng Đạo hồn thành thánh.

Chết tựa Trưng Vương phách hóa thần”.

Với chủ thuyết vô thần con người không còn e ngại làm những chuyện táng tận lương tâm, dễ sống đến tận cùng của sự sa đọa! Có đau lòng không khi thành tích của Việt Nam bây giờ là nước đứng đầu về mức tiêu thụ bia rượu và tỷ lệ thanh nữ, phụ nữ phá thai tại Đông Nam Á.

“Hòn ngọc Viễn Đông” ngày nào giờ đây là khoảng không gian đặc quánh bụi bậm & khí thải. Chỉ một cơn mưa nhỏ đã trở thành “hồ chứa mưa” hôi hám! Lương tâm đâu rồi khi đang xẩy ra cuộc “tàn sát tập thể” do ngộ độc thực phẩm?!

Trong bài “Rác Của Một Thời” tác giả đã cho rằng: “Sau 46 năm, chứng kiến sự bất toàn và bất nhất trong việc lãnh đạo đất nước, người dân Việt Nam nói chung đã kiên nhẫn chấp nhận những sai lầm của họ lúc ban đầu. Nhưng thật không có gì tàn nhẫn hơn khi lợi dụng sự khổ đau của con người Việt Nam đang vọng về một tương lai tốt đẹp hơn, rồi mị dân, dẫn dắt họ đi về những lý lẽ bao biện, những thói sống lạc lối với nền văn minh và luật pháp.”

Sự mất mát của nền văn hóa Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn khai phá mở mang mảnh đất trù phú từ Thuận Hóa đến tận các đồng bằng sông Cửu Long. Một mạch sống văn hóa phong phú của miền Nam đã bị đứt đoạn, tàn phá. Sự tàn phá thành phố Sài gòn không phải chỉ trong phạm vi đất đai và môi trường sống mà xót xa nhất là trong lãnh vực văn hóa. Việt cộng khi vào đến Sài Gòn đã lấy khuôn mẫu từ đám Hồng Vệ Binh của họ Mao dùng đoàn thanh niên cộng sản trong chiến dịch thanh toán “văn hóa đồi trụy” đã đốt phá tiêu hủy trong hỗn loạn cả một di sản văn hóa của dân tộc!

Viết về Sài Gòn là một đề tài mênh mang trong đó mỗi người viết sẽ tìm thấy một góc quen thuộc của mình trong đó. Khi trân trọng quá khứ tôi muốn “ôn cố tri tân” để hướng về tương lai. Khi những điều thiện hảo của Sài Gòn xưa được nói lên, hy vọng những tàn phá do Việt cộng gây ra sẽ được đối chiếu.

Còn bao lâu nữa mới lấy lại được giang sơn gấm vóc? Còn bao lâu nữa để Việt Nam thoát khỏi nguy cơ đang trở thành một Tây Tạng thứ hai?

Dân chủ, dân quyền đã được nhiều quốc gia lựa chọn: dân chủ đã vực dậy nước Mỹ sau cuộc nội chiến; nước Do Thái sau cuộc tàn sát diệt chủng của Đức Quốc xã; nước Nhật tơi tả sau hai quả bom nguyên tử; nước Đức sau khi thống nhất Đông và Tây Đức. Nhìn chung quanh dân chủ đã đem lại phú cường cho Nam Hàn và Singapore. Gần đây nhất là Myamar.

Còn nhớ chăng câu lời nói của cụ Trần Văn Hương khi trao quyền tổng thống lại cho Dương Văn Minh: “Mình phải tự cứu mình trước khi bạn cứu mình, trước khi trời cứu mình!”

Tác giả Lê Phương Lan,

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay