Sài Gòn Một Thời Để Yêu Và Một Đời Để Nhớ (Phần 1)

Van Pham

Sài Gòn Một Thời Để Yêu Và Một Đời Để Nhớ (Phần 1)

Tác giả Lê Phương Lan,

Chỉ còn 10 ngày nữa là đến thời điểm 46 năm cộng quân tấn chiếm miền Nam với mỹ từ “giải phóng”. Cái giải phóng đó đã không hề mang lại điều gì tốt đẹp hơn. Nhưng lại mang những điều tồi tệ, bỉ ổi cho đất nước, khiến mọi người hồi tưởng lại qúa khứ. Để mong ước một thời hoa mộng đầy ắp tình người thủa nào trở lại.

Thương tặng ace tù nhân lương tâm cùng thân nhân để thấy rằng người dân miền Nam VN cũng đã trải qua đọa đày từ chế độ để hàng triệu người đã không tiếc mạng sống mà từ bỏ chế độ bất nhân ngay sau cái ngày oan nghiệt 30-4…

***

Sài Gòn Một Thời Để Yêu Và Một Đời Để Nhớ

Chúng ta đang bước vào tháng 4 của năm 2021. Nghĩa là đã 47 năm chúng ta mất miền nam tự do và thành phố Sài Gòn. Mới đây tại Houston, Texas đã có nỗ lực của đoàn làm phim đài BBC dựng lại cảnh ra đi nát lòng của người Sài gòn vào những ngày thành phố trong cơn hấp hối. Riêng tôi với trí nhớ nhỏ nhoi của mình cố gắng viết lại những kỷ niệm thật đẹp đáng ghi nhớ nhất trong quãng đời sống với thành phố thân yêu của mình.

Tôi nói giọng Bắc, giọng Hà Nội trước 1954 của bố mẹ tôi. Vì thế nên năm đầu tiên đi học tại trường Tiểu Học “Hòa Bình” bên cạnh Vương Cung Thánh Đường, khi bị đám bạn chọc quê “Bắc kỳ ăn cá rô cây” tôi ức lắm, về nhà mách mẹ. Bà cho biết rằng tôi sinh ra tại Khánh Hội, Sài Gòn vì bố tôi trong quân đội nên sau đó bố mẹ tôi trở ra Hà Nội, đến 1954 cùng đồng bào miền Bắc di cư vào lại miền Nam. Thế là tôi yên tâm trả lời với lũ bạn!

Căn nhà nơi tôi sinh ra còn được ghi lại trong tấm hình mẹ tôi còn rất trẻ mặc áo dài lụa đang bế anh tôi, tóc bà kẹp cao hai bên và được búi lỏng thả nhẹ ngang lưng. Hai mẹ con đứng ngoài hiên nhà. Trên mặt đường có một chiếc xe thổ mộ đang đậu với chú xà ích cầm cây roi ngồi ở phía trước.

Tôi yêu Sài gòn, nơi tôi sinh ra. Nơi đã cho tôi sống thời thơ ấu của “tuổi thần tiên” như lời một bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy. Tuổi thơ ấu đó chúng tôi được sống hồn nhiên trong tình thương chan hòa của bố mẹ; trong căn nhà khang trang ngay ngã tư đường Gia Long – Tự Do bên trong bộ chỉ huy Hiến Binh Quốc Gia.

Tại căn nhà này anh em chúng tôi có thể đứng trong lan can lầu để xem các cuộc diễn hành nhân ngày lễ Hai Bà Trưng và cũng là ngày Quốc Tế Phụ Nữ của nữ sinh các trường trung học Trưng Vương, Gia Long, Lê văn Duyệt. Hình ảnh hai nữ sinh mặc áo hoàng bào lộng lẫy của hai nữ vương Trưng Trắc, Trưng Nhị uy nghi ngồi trên mình voi vẫn còn đậm nét trong tâm trí tôi. Đoàn diễn hành khởi đầu từ dinh Gia Long, rẽ vào đường Tự Do rồi hướng thẳng về Tòa Đô Chánh. Cùng với kiệu voi, xe hoa và diễn hành.

Trong ngày lễ Hai Bà Trưng – học sinh được nghỉ học – còn có tổ chức các cuộc thi nữ công gia chánh và thi trẻ em khỏe đẹp. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn thuộc lòng bài hát thúc dục người phụ nữ Việt gánh vác công việc xã hội:

“Lời sông núi bừng vang bốn phương trời,

dục chúng ta đường phụng sự quyết tiến.

Triệu Trưng xưa đẹp gương sáng muôn đời.

Giòng máu thiêng còn đượm nồng vạn trái tim …”

Tuổi thơ của chúng tôi đã được nuôi dưỡng bởi không khí trong lành, hiền hòa của Sài Gòn xưa khi đường phố vẫn còn thưa thớt xe cộ. Khi tại các ngã tư, các bùng binh còn những anh cảnh sát hiền khô trong bộ sắc phục trắng cầm những cây côn ngắn hay giơ tay với những thao tác nhịp nhàng để chỉ đường cho xe và người đi bộ.

Sài Gòn xưa còn có những phương tiện giao thông đã hoàn toàn “cuốn theo chiều gió”. Đó là các chiếc taxi con cóc sơn màu xanh dương trắng, các xe xích lô máy di chuyển với tiếng nổ phành phạch đinh tai, những cỗ xe thổ mộ có chú ngựa hai bên mắt đã bị che kín, vừa kéo cỗ xe chạy lóc cóc vừa “vô tư” xả “chất thải” ra mặt đường và còn chiếc xe Lambretta ba bánh phun khói ào ạt nữa!

Tôi yêu tiếng chuông trầm ấm, rộn ràng của nhà thờ Đức Bà. Những buổi tan lễ Chủ Nhật gia đình tôi cùng giòng người ra về trên con đường Tự Do với hàng cây dầu cao vút hai bên đường. Trong bộ nhớ của tôi còn mãi tấm ảnh kỷ niệm những ngày hạnh phúc xa xưa: bố mẹ tôi tươi trẻ, thanh lịch, anh tôi gọn gàng trong bộ short trắng, hai chị em tôi “đồng phục” trong bộ áo đầm lính thủy trên vỉa hè sạch đẹp của đường Tự Do phía sau là nhà thờ Đức Bà.

Sau buổi lễ, chúng tôi thường được cho ăn sáng với những ổ bánh mì thơm phức tại kiosque Bưu Điện hay được dắt vào con hẻm Casino đường Pasteur để thưởng thức những tô phở ngạt ngào hương vị. Đôi khi còn được ghé vào quán Givral với mái vòm cong kiều diễm, một trong những kiến trúc đẹp người Pháp đã xây dựng tại thủ đô của miền Nam tự do, để mua cho chúng tôi mấy cái crossant “sừng trâu” hay bánh patechaud đặc biệt hương vị Pháp.

Thời đó Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã cho đổi tên các đường phố Sài Gòn chỉ giữ lại tên các danh nhân như Pasteur, Calmet, Alexandre Rhode nhưng trong một thời gian khá lâu người Sài Gòn vẫn quen với các kiểu nói “dạo phố Bonard, bát phố Catinat”. Thương xá Charner – thương xá Nguyễn Huệ – là cửa hàng sang trọng nhất thời bấy giờ.

Con đường Nguyễn Huệ những chiều lộng gió tỏa hương thơm từ những quán bán hoa. Thật đúng chất thơ trong “Mưa Sài Gòn, mưa Hà Nội”

“khi mưa xuống lạnh mình ướt,

chung nón dìu bước thơm phố phường”

của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Nỗi nhớ thương về thành phố Hà Nội – một thời nghe bố tôi kể lại là đã được mệnh danh là “Tiểu Paris”- của bố mẹ tôi dường như cũng đã hòa đồng vào vẻ đẹp của Sài gòn xưa.

Tôi được thừa hưởng lòng mộ đạo của mẹ và tình yêu thơ văn, ca nhạc của bố tôi. “Thuở ban đầu” của bố mẹ tôi tại ga Hàng Cỏ (Hà Nội) đã được ông ghi lại:

“Anh nhớ mãi buổi chiều êm ả ấy.

Anh và em cùng đứng đợi tàu qua.

Thoạt mới trông lòng đã kết muôn hoa.

Máu đang chảy trong tim như ngừng lại …”

Từ bé tôi đã được nghe những giọng ca “tiền bối” qua những đĩa hát 30 hay 45 tours như: Anh Ngọc, Minh Trang, Mộc Lan, Kim Tước, Châu Hà và ban hợp ca Thăng Long với Thái Thanh, Thái Hằng, Hoài Trung, Hoài Bắc với dòng nhạc tiền chiến. Âm nhạc miền nam đã theo tôi vào đời và ở lại với tôi mãi mãi. Và cứ thế tuổi trẻ của anh em chúng tôi lớn lên trong môi trường văn học nghệ thuật đầy nhân bản, khai phóng.

Bố tôi mua về rất nhiều sách vở, tạp chí. Đến nay tôi còn nhớ nội dung một vài bài văn trong tạp chí Văn Hóa Ngày Nay của Nhất Linh. Trong vô số những tạp chí tôi còn nhớ đã được đọc là các tờ Sáng Tạo, Phổ Thông và Thời Nay. Nhà văn, nhà thơ nổi tiếng tại miền Nam thì quá nhiều. Xin ghi vào đây những tên tuổi lớn trong trí nhớ của tôi như Mai Thảo, Doãn Quốc sĩ, Võ Phiến, Thanh Nam, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Mạnh Côn, Vũ Khắc Khoan, Hoàng Hải Thủy, Duyên Anh, Nguyễn Thụy Long, Trần Dạ Từ, Nhật Tiến, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Nguyên Sa, Bùi Giáng, Nguyễn Đình Toàn, Phan Nhật Nam, Hà Huyền Chi.

Các nhà văn nữ thì có Minh Đức Hoài Trinh, Nhã Ca, Trần thị Hoàng, Túy Hồng, Nguyễn thị Thụy Vũ và Lệ Khánh, nhà thơ của các nữ sinh trung học chúng tôi. Trong các bài biên khảo tôi lại rất ưa thích hai học giả miền Nam Hồ Hữu Tường với thuật ngữ “chẳng đặng đừng” và cụ Vương Hồng Sển với cách hành văn đặc biệt “nam kỳ” của một cụ già hóm hỉnh, tinh thông Hán học cũng như Tây học.

Cùng với “khẩu vị” này về sau tôi cũng thích đọc truyện của Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam và Lê Xuyên. Thật ra tôi cũng rất mê giọng văn mượt mà của Mai Thảo. Nhưng có lẽ vì cái gốc “nam kỳ” vả lại gia đình tôi cũng đã có một thời gian sống tại vùng sông nước Mỹ Tho nên tôi hợp với chất giọng hồn nhiên, bộc trực, hào sảng của người miền Nam chăng?

Lúc bấy giờ gia đình chúng tôi cũng là độc giả trung thành của các tờ báo Tự Do, Ngôn Luận, Chính Luận, say mê theo dõi các truyện dài của nhà văn Hoàng Hải Thủy phóng tác nhiều tác phẩm lớn ngoại quốc mà Kiều Giang là một truyện phóng tác được ông yêu thích nhất.

Với nhiệt huyết xây dựng xã hội, bố tôi sau khi du học chuyên nghiệp ngành phạm pháp học tại Paris đã xuất bản ba quyển sách: “Phạm Tội Học Yếu Lược, Thiếu Nhi Phạm Tội, và Công Cuộc Chiến Đấu Chống Kẻ Bất Lương” đầy hoài bão! Rất tiếc vì qua cuộc đổi đời kinh hoàng chúng tôi đã không còn giữ được nữa!

Trong môi trường tự do và khung cảnh thanh bình thịnh trị của nền Đệ Nhất Cộng Hòa đã nở rộ những khúc hát rộn ràng diễn tả quê hương miền Nam tươi đẹp:

“Khúc Nhạc Đồng Quê,

Trăng Thanh Bình,

Nắng Đẹp Miền Nam,

Khúc Ca Ngày Mùa,

Lối Về xóm Nhỏ,

Tôi Yêu Quê Tôi,

Dựng Một Mùa Hoa,

Ta Vui Ca Vang,

Mộng Lành,

Mùa Hợp Tấu,

Bên Bờ Đại Dương,

Khúc Hát Ân Tình v..v..”. (còn tiếp)…

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay