Chứng mất trí nhớ – Khủng hoảng sức khỏe tâm thần toàn cầu – Sam Nguyễn

Kimtrong Lam

Chứng mất trí nhớ – Khủng hoảng sức khỏe tâm thần toàn cầu

Sam Nguyễn –

13 tháng 5, 2024

Tập thể dục giúp làm giảm chứng mất trí nhớ. (Hình minh họa: Emma Simpson/Unsplash).

Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới (World Health Organization – WHO), chứng mất trí nhớ là tình trạng do một số bệnh phá hủy dần dần các tế bào thần kinh và làm tổn thương não, dẫn đến suy giảm chức năng nhận thức.

Với sự tiến bộ của y học, khoa học và công nghệ, con người ngày càng sống lâu hơn và dân số già trên thế giới đang tăng với tốc độ chưa từng thấy, làm tăng nguy cơ có một nhóm lớn hơn những người mắc chứng mất trí nhớ.

Theo WHO, tính đến năm 2023, toàn cầu có hơn 55 triệu người mắc chứng mất trí nhớ. Một báo cáo gần đây cho biết khi dân số người lớn tuổi toàn cầu tăng, số người mắc chứng mất trí nhớ cũng tăng, khoảng 139 triệu người vào năm 2050. Khi đó, số người dân từ 65 tuổi trở lên tăng gấp đôi hiện nay: 2.1 tỷ người.

Chứng mất trí nhớ hiện là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ bảy và là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng khuyết tật và sự phụ thuộc ở người lớn tuổi trên toàn cầu, với gần 10 triệu trường hợp mắc chứng mất trí nhớ mới mỗi năm.

Mặc dù không có cách chữa, nhưng theo thử nghiệm được WHO công bố vào năm 2023, các nhà tâm lý học và nhà nghiên cứu đang nỗ lực ngăn chặn sự khởi phát của nó.

Tuổi tác vẫn là yếu tố nguy cơ lớn nhất được biết đến đối với chứng mất trí nhớ, nhưng các nhà nghiên cứu tìm thấy một bộ “12 rủi ro có thể ngăn chặn được,” theo báo cáo năm 2020 của The Lancet Commission. Đó là: kém hiểu biết; tăng huyết áp; khiếm thính, hút thuốc; béo phì; trầm cảm; không hoạt động thể chất; bệnh tiểu đường; it tiếp xúc xã hội; nghiện rượu; chấn thương sọ não; ô nhiễm không khí.

Theo The Lancet, 12 rủi ro có thể ngăn chặn được chiếm khoảng 40% số ca mắc chứng sa sút trí tuệ trên toàn thế giới, do đó về mặt lý thuyết có khả năng ngăn ngừa hoặc trì hoãn được căn bệnh này.

Mặc dù tình trạng kinh tế xã hội và trình độ học vấn có thể ảnh hưởng đến sự khởi phát của chứng mất trí nhớ, đặc biệt là ở giai đoạn đầu đời, nhưng một số rủi ro khác là hoàn toàn tránh được.

Timothy Singham, nhà tâm lý học lâm sàng tại National University of Singapore, nói với CNBC Make It, những gì tốt cho tim cũng tốt cho não. Vì vậy, việc thiếu tập thể dục, ăn thực phẩm không lành mạnh, không ngủ đủ giấc, uống rượu, hút thuốc lá quá mức sẽ gây căng thẳng cho não, và có nguy cơ phát triển các bệnh suy giảm trong tương lai, giống như gây nguy hiểm cho tim.

Trong khi một cơ thể khỏe mạnh có thể giảm thiểu nguy cơ sa sút trí tuệ thì một tâm trí khỏe mạnh cũng không kém phần quan trọng. Singham cho biết: “Chúng tôi biết rằng những người có các triệu chứng sức khỏe tâm thần đeo bám, họ có nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ cao hơn. Nếu sức khỏe tâm thần được cải thiện, khả năng bị mất trí nhớ sẽ giảm.”

Có năm yếu tố bảo vệ chính, hoặc những điều mà mọi người nên làm để giúp ngăn ngừa sự khởi phát của chứng sa sút trí tuệ:

-Hoạt động thể chất thường xuyên

-Ăn uống lành mạnh

-Xây dựng mạng lưới hỗ trợ lành mạnh

-Ngủ nghỉ đầy đủ

-Tìm mọi cách để điều tiết căng thẳng và cảm xúc

Nhiều người dễ dàng bị cuốn vào nhịp độ “nhanh như chong chóng” của cuộc sống hàng ngày, vì vậy điều quan trọng là phải nghỉ ngơi. “Sức khỏe tinh thần sẽ ảnh hưởng rất nhanh nếu bạn không hoạt động thể chất, bạn không thở, bạn không được ngắm nhìn thiên nhiên nhiều, bạn bị nhốt trong văn phòng hoặc ở nhà cả ngày,” Singham nói.

Giấc ngủ ngon rất quan trọng. (minh họa: MILAN GAZIEV/Unsplash).

Ngoài ra, điều quan trọng là phải xây dựng một mạng lưới hỗ trợ lành mạnh, không chỉ trực tuyến mà còn cả trực tiếp. “Tôi nghĩ nhiều người trẻ đang dựa vào mạng xã hội trực tuyến, nhưng cũng đừng từ bỏ việc gặp gỡ trực tiếp với bạn bè,” Ng Ai Ling, phó giám đốc kiêm cố vấn trưởng tại Cộng Đồng Viriya Services (Viriya Community Services) nói với CNBC Make It.

“Một điều nữa tôi khuyến khích những người trẻ tuổi làm là ngủ nghỉ thật tốt và sống có kỷ luật, vì bộ não cần được nghỉ ngơi,” Ng nói. Cô đề nghị mọi người nên ngủ ít nhất bảy giờ mỗi đêm.

Cuối cùng, việc tìm cách điều chỉnh cảm xúc và căng thẳng là rất quan trọng. Tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp khi được yêu cầu hoặc dựa vào mạng lưới hỗ trợ là những cách để bảo vệ sức khỏe tinh thần, bên cạnh việc duy trì khẩu phần ăn uống lành mạnh, tập thể dục và ngủ đủ giấc hàng ngày.

“Bản thân những người chăm sóc đang phải vật lộn để hiểu căn bệnh này. Khi ai đó mất đi một người vì căn bệnh này, và người mà họ từng liên lạc và giao tiếp với, cũng không còn như xưa nữa,” Ng nói. Cô giải thích người chăm sóc và những người thân yêu có thể có nguy cơ phát triển các vấn đề về sức khỏe tâm thần, như lo lắng, trầm cảm và mất ngủ.

“Một người thân của bạn, chẳng hạn bố, hay mẹ, hay anh chị em trong nhà bỗng dưng không biết bạn là ai, bạn sẽ đau khổ biết dường nào,” cô nói.


 

Được xem 2 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay