Nhà Thơ Nguyên Sa và Hành Trình Tâm Linh – Nguyễn Đức Tuyên

Nhà Thơ Nguyên Sa và hành trình tâm linh

Những bài thơ cuối sáng tác đầu năm 1998, trước khi lìa đời, đã thể hiện những biến chuyển sâu thẳm trong tâm thức Nguyên Sa. 

Nguyễn Đức Tuyên

Thao thức về thân phận con người, sự vong thân của bản ngã, đời sau… có thể đã đánh động một nhà thơ nhạy cảm, một giáo sư triết học tài hoa, một nhà hành động thực tế…Ông đã từng nói: “Thời gian xóa bỏ nhiều thứ… Việc chấm dứt cho tất cả mọi sự sẽ phải tới… Tất cả sẽ chán chường. Võ sĩ lên đài mà không nghĩ đến chiến thắng, đến tiền thưởng mà chỉ nghĩ đến cái chết gần tới thì chắc chắn quả đấm của võ sĩ ấy phải khác.”

Mới đây, trong buổi phỏng vấn của Barbara Walters trong chương trình truyền hình 20/20 trên đài “ABC” đã được phát sóng ngày 6 tháng 7, 2012 với chủ-đề: “Thiên-Đàng là gì? Thiên-Đàng ở đâu? Làm sao đi đến đó?” Nhiều nhà lãnh đạo các tôn giáo đã phát biểu quan điểm của mình, tuy khác nhau, nhưng tựu trung là một thao thức lớn về “đời sau.”

Trở lại trường hợp Nguyên Sa, trong phần giới thiệu Thơ Nguyên Sa Toàn Tập có ghi lời ông: “Tôi thích được giới thiệu bằng cách đọc lên một bài thơ Nguyên Sa. Đó là cách giới thiệu được cả Nguyên Sa ý thức và vô thức, cho thấy bản ngã của người làm thơ tương đối đầy đủ nhất, cả bản ngã đã có, bản ngã đang có, và bản ngã muốn có.”

Thể theo ý nguyện đó, ta hãy tìm hiểu bài thơ Mật Khẩu của Nguyên Sa:

Mật Khẩu

Ngày nào Thượng Đế cũng tới,

Giờ khắc bất định,

Nhưng ngày nào ông cũng tới ít nhất một lần,

Ngày nào ông cũng mở banh lồng ngực tôi ra,

Thản nhiên bước vào trong,

Tôi không biết ông đi vào tim,

Hay ông đi vào phổi,

Hay cả hai ?

Tôi không biết khi ông đi vào tim, ông dừng lại ở đại động mạch,

Hay ông đi tới khu cổ ngữ của tâm thất trái,

Hay ông đi tới khu sấm ký của tâm thất phải ?

Tôi không biết khi ông đi vào phổi, ông dừng lại ở cuống phổi, 

Hay ông đi tới từng phế nang,

Phế nang có từng chùm, mỗi chùm có cửa đưa vào một nội tâm, mỗi chùm hội tụ theo mật khẩu,

Có những chùm phế nang mật khẩu tên người,

Có những chùm phế nang mật khẩu mang tên sông,

Có những chùm phế nang mật khẩu là tên phố, tên làng, tên hoa, tên cỏ…

Mỗi lần Thượng đế mở toang lồng ngực và bước vào
Tôi sợ đến nín thở,
Tôi sợ ông gọi cửa không được,
Tôi sợ ông quên mật khẩu,
Tôi sợ ông quay ra hỏi,
Tôi sẽ không biết trả lời sao,
Vì tôi cũng không nhớ.

Nguyên Sa

Trước hết, Nguyên Sa nhận ra Thượng Đế. Đó là một khởi sự tuyệt vời. Nhận thức của ông về Thượng Đế nơi bản thân ông không phải là nhận thức về một cái gì chợt có, chợt mất, thấp thoáng, mơ hồ. “Ngày nào Thượng Đế cũng tới… ít nhất một lần.” Ông chưa phải là người đắm chìm trong chiêm niệm thần thiêng như các chính nhân tôn thờ Thượng Đế nhưng đã đủ linh giác để nhận ra Thượng Đế đến với mình mỗi ngày dù vào ”giờ khắc bất định.” Sự liên hệ giữa Thượng Đế và ông đã khá đậm sâu.

Điều đáng chú ý là ông sợ Thượng Đế đến. “Mỗi lần Thượng Đế mở toang lồng ngực và bước vào, Tôi sợ đến nín thở.” Vì sao ông sợ? “Tôi sợ ông gọi cửa không được.” Một Thượng Đế có quyền năng mở toang lồng ngực người thơ, tiến vào các phế nang, tâm thất bằng các chìa khóa bí mật và phức tạp của “cổ ngữ, sấm ký, tên người, tên phố, tên sông, tên cỏ…” – mà lại có chỗ Ngài “gọi cửa không được” sao? Một Thượng Đế đến với nội tâm người thơ, “Thản nhiên bước vào trong,” ung dung, tự tại, vào ra thế nào chính người thơ còn phải băn khoăn theo dõi: “Tôi không biết khi ông đi vào tim ông dừng lại ở đại động mạch, Hay ông đi tới khu cổ ngữ của tâm thất trái, hay ông đi tới khu sấm ký của tâm thất phải, ông đi tới từng phế nang,”- mà bây giờ Ngài “gọi cửa không được” sao ?

Tuy nhiên, đọc bài thơ «Mật Khẩu» của Nguyên Sa, người ta không khỏi sững sờ trước một thực tại vừa cao xa huyền bí, lại vừa riêng tư, gần gũi lạ lùng. Thực tại đó có thể nằm bên trong một cuộc mật đàm lâu dài và kín đáo, hoàn toàn riêng tư giữa hai thực thể thoạt nhiên rất cách biệt nhau: đó là giữa Trời với người?! Bài thơ thật là khó hiểu, tuy lời lẽ mộc mạc, minh họa bằng những hình tượng thô thiển.

Hãy xem Thượng Đế đến với ông thế nào. “Ngày nào ông cũng mở banh lồng ngực tôi ra, thản nhiên bước vào trong.” Thượng Đế không xin hẹn, không bấm chuông, không xưng tên, không khách sáo. Mỗi ngày, vào giờ khắc bất định, Ngài tới mở banh lồng ngực của người thơ ra, thản nhiên bước vào. Đây là một quang lâm Thượng Đế hoàn toàn chủ động, vừa đầy uy quyền, vừa đầy thân thiết. Người thơ tự hỏi “… không biết ông đi vào tim, hay ông đi vào phổi, hay cả hai?” Tôi nghĩ “cả hai” vì những câu thơ sau đó cho thấy người thơ theo dõi bước đi của Thượng Đế trong tim phổi mình. Ngài không bước vào đầu óc, vào lý trí người thơ mà bước vào lồng ngực, căn nhà của phổi và tim. Phổi là nhà của hơi thở làm nên sự sống. Đó là hơi thở Thượng Đế đã thổi vào loài người khi Ngài tạo dựng nên họ từ cát bụi. Tim là ngai tòa ấm áp của tình yêu, cũng là ngai tòa của Thượng Đế vì Thượng-Đế-Là-Tình-Yêu. Ngài đi vào lồng ngực mở banh của người thơ để làm cho sự sống của ông thăng hoa, sung mãn, và để chinh phục tình cảm ông. Cho nên Ngài đến mỗi ngày. Dù ông chưa ý thức rõ ràng về Thượng Đế, Ngài thực đã tìm đến với ông bằng tình yêu của Ngài.

Quả vậy, trong bài thơ, chỉ có hai ngôi vị: «Thượng Đế» và «Tôi». Đôi bên chắc phải có một giao ước mặc nhiên về cuộc gặp gỡ riêng tư với nhau, theo thời khóa ít ra mỗi ngày một lần trong một thời gian dài, và có cả một thỏa hiệp về một «mật khẩu» để Thượng Đế dùng khi bất ngờ, bất định, bất thần gõ cửa muốn gặp Tôi nơi sâu thẳm của nội tâm.

Bài thơ mở đầu với xác nhận:

Ngày nào Thượng Đế cũng tới,

Giờ khắc bất định,

Nhưng ngày nào ông cũng tới ít nhất một lần,

Ngày nào ông cũng mở banh lồng ngực tôi ra,

Thản nhiên bước vào trong,

Và bài thơ kết thúc với khẳng định đã có «mật khẩu» được thỏa thuận để Thượng Đế xướng lên cho cửa lòng Tôi mở ra. Nhưng điều oái oăm là đôi bên có thể quên «mật khẩu» đó, nên Tôi sợ, «sợ đến nín thở», «Tôi sợ ông gọi cửa không được.» Thực vậy, đây là phần kết:

Mỗi lần Thượng đế mở toang lồng ngực và bước vào,
Tôi sợ đến nín thở
Tôi sợ ông gọi cửa không được
Tôi sợ ông quên mật khẩu
Tôi sợ ông quay ra hỏi
Tôi sẽ không biết trả lời sao
Vì tôi cũng không nhớ.

Với đoạn kết này, tác giả đưa nhân vật Tôi vào một ngỏ bí thật rùng rợn: vì “quên” cái chìa khóa mở cửa vào nội tâm, nên Tôi có nguy cơ lâm cảnh đánh mất chính bản thân mình mà chính Thượng Đế cũng không cứu được Tôi. Quả vậy, Thượng Đế tôn trọng giao ước về “mật khẩu” nên cũng đành bó tay trước cái “quên” dại dột của con người chăng?! Và như một sự an bài của định mệnh, con người cũng đành bó tay trước thân phận đọa đầy của mình như nàng Kiều: “đến phong trần cũng phong trần như ai” (Kiều, c. 1192) chăng?

Thật là trớ trêu, khốn đốn cho thân phận con người! Câu kết bài thơ «Vì tôi cũng không nhớ» dường như muốn thú nhận thân phận bi đát của Tôi đối mặt với Thượng Đế: đó là thân phận của cái Tôi quên, «không nhớ!» Tôi bé bỏng, yếu đuối trước mặt Thượng Đế, nhưng lại mang nhiều ngõ ngách ngoắt ngoéo, hiểm hóc, bí ẩn trong người. Tuy chứa đầy chữ nghĩa trong tim óc -cổ ngữ, sấm ký- nhưng Tôi hốt hoảng nói không ra lời, vì Tôi sợ đến nín thở mỗi lần Thượng Đế mở toang lồng ngực và bước vào… gặp cái Tôi «không nhớ» lời giao ước cũng như «không nhớ» chính bản thân mình…

Đúng vậy, Nguyên Sa nhìn nhận là Tôi sợ và Tôi quên, nếu Thượng Đế quay ra hỏi… «mật khẩu» mang tên người, tên sông, tên phố, tên làng, tên hoa, tên cỏ, Tôi quên béng nó đâu rồi! Đúng, Tôi phải thú nhận là Tôi quên các «mật khẩu» đưa vào sự sống mà Tôi đã trải qua và muốn quên đi chăng?!

Tóm lại, cuộc diện xảy ra như sau: Ngày nào Thượng Đế cũng tới,… mở banh lồng ngực tôi ra, thản nhiên bước vào trong. Nhưng, Tôi không biết ông đi đâu, vào tim hay vào phổihay cả hai… Tôi không biết khi ông đi vào tim, rồi dừng lại ở đâu, ở khu cổ ngữ hay khu sấm kýHay ông đi tới từng phế nang, phế nang có từng chùm, mỗi chùm có cửa đưa vào một nội tâm, mỗi chùm hội tụ theo mật khẩu. Mỗi lần Thượng Đế đếnTôi sợ ông quên mật khẩu, và Tôi sợ… ông hỏi, tôi cũng không nhớ.

Thật quái lạ, oái oăm, khốn đốn cho thân phận con người Tôi: cái Tôi không biết, cái Tôi hay sợ, cái Tôi hay quên… Đó là cội nguồn của mọi hư đốn, bệ rạc! Nguyên Sa đi từ đâu… để đến nông nổi này?

Chắc khởi đầu, Nguyên Sa cũng như bao người Việt Nam thường ngước mặt lên kêu “Trời!” mỗi khi cần đến! Họ gọi nôm na Thượng Đế là ông Trời. “Ông” chỉ một ngôi vị; “Trời” chứa một bầu khí bao la. Mà không khí dùng để nuôi sống vạn vật. Và con người nhờ hít thở không khí mà sống; tắt thở tức là chết! – Dĩ nhiên, “Thác là thể phách, còn là tinh anh” (Kiều 116)-. Dân gian vẫn hình dung “không khí” là “tinh”, là “thần” (vì khí không có hình hài), từ Trời mang sức sống thấm nhuần vũ trụ và loài người. Thần khí chan hòa nối liền trời với đất, ông Trời với con người. Ở đâu người ta cũng cảm nhận có thần khí thâm nhập, mặc muôn hình vạn trạng, nhưng chỉ có một ông Trời. Đó là niềm tin dân giả truyền thống lâu đời của người dân Việt.

Bước thứ hai của nhà thơ Nguyên Sa là đã nhận chân ra được, không phải một ông Trời rộng lớn bao trùm khắp tất cả, mà một vị Thượng Đế có lòng đến thăm hỏi Tôi ít ra là mỗi ngày một lần. Đối với Nguyên Sa, Thượng Đế không đến tượng trưng như một chính khách muốn làm thân với người dân thuộc khu vực cử tri nào, mà đến để viếng thăm và tìm hiểu cặn kẽ từng vấn đề của nội tâm Tôi.

Hơn nữa, đối với Nguyên Sa, Thượng Đế không đến như là khách, mà đến như là chủ nhà, “giờ giấc bất định,” mở toang cửa “thản nhiên bước vào trong”, vào “tim”, vào “phổi,” và có thể vào từng “phế nang.”Tuy nhiên, ở tim chắc Thượng Đế đọc được “cổ ngữ” hay “sấm ký” sẵn có; còn ở phổi, nơi thông thương với khí Trời làm mạch sống, thì, lạ lùng thay, Thượng Đế lại cần “mật khẩu” để vào từng các phế nang! Thượng Đế tôn trọng sự sống của Tôi đến thế sao?

Theo niềm tin của Nguyên Sa, thật rõ ràng là chính Thượng Đế đi bước trước, trực tiếp can thiệp vào đời sống con người, vào chính bản thân Tôi. Quả vậy, Thượng Đế đường đường hành động như đã có một giao ước bất thành văn cho phép Thượng Đế mở toang lồng ngực và bước vào, gọi cửa. Nhưng phần tôi, Tôi sợ đến nín thở, Tôi sợ ông gọi cửa không được vì Tôi sợ ông quên mật khẩu đã ghi trong giao ước mà Tôi đã chấp nhận. Chắc Thượng Đế muốn thử lòng Tôi xem Tôi có sẵn sàng để Người dùng “mật khẩu” mà vào được nội tâm Tôi chăng?!

 Bài thơ «Mật Khẩu» của Nguyên Sa đến đây là chấm dứt. Bài toán chưa có đáp số! Bởi Nguyên Sa còn đang đi tìm hiểu tại sao Thượng Đế lại dấn thân đi bước trước đến với cái Tôi nhỏ bé của Nguyên Sa, và tại sao Ngài cần «mật khẩu» của Tôi để mở được cửa vào tận đáy lòng Tôi, tiếp xúc với sự sống thâm kín nơi Tôi? Vậy «mật khẩu» đó có tên gọi là gì để đại diện cho con người bé bỏng và vạn vật vô thường hầu có thể đối mặt với Thượng Đế cao cả?

Khi Nguyên Sa tìm ra được đáp số là lúc mà nhà thơ sẽ ngộ được chân lý vĩnh hằng: Thượng Đế là Thiên Chúa hằng sống, từ muôn thuở đã cùng với Thần Khí của Ngài mà sinh ra Con của Người (Ngôi Lời), mẫu thức cho việc tạo thành con người và vũ trụ. Lúc ấy hẳn Nguyên Sa sẽ hiểu được tại sao Thiên Chúa cần «mật khẩu» có tên là Con Người (Đức Giêsu Kitô) để đến tới tận cùng ngõ ngách của lòng người. Bởi không có Con Người thì vạn vật trong đó có Tôi sẽ không là gì trước mặt Thiên Chúa. Hơn nữa, Thánh Phaolô nói trong sách Tông Đồ Công Vụ: “Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv. 4,12).

Có thể nhận định một cách khác ngắn gọn hơn: Chúa biết mọi sự, kiểm soát tim phổi, hai cơ quan sinh động của con người, nhưng Chúa để cho con người tự do.

Nguyên Sa là một người công chính, kính sợ Chúa. Ông chôn chặt vào nhiều chùm phế nang những điều ông đã làm.

Ông đặt ra mật khẩu (password) để mở từng chùm phế nang. Đàng khác Chúa cho ông khả năng quên, có quên thì mới sống yên ổn.

Cho nên ông sợ ngày Chúa hỏi ông làm gì với cái tự do, đó là lúc ông phải dùng mật khẩu tìm lại những điều đã làm mà nay quên mất, quên cả mật khẩu để mở phế nang để tìm kiếm …

***

Nhớ lại, trong lễ an táng nhà thơ Nguyên Sa tại thánh đường Polycarp, Orange, California, linh mục Phạm Ngọc Hùng có kể lại đêm ban phép Thánh Tẩy cho Giáo sư Trần Bích Lan, đại để như sau: Vào một buổi tối đã khuya, một thanh niên đến gõ cửa xin linh mục đi làm phép Thánh Tẩy cho một bệnh nhân muốn tin nhận đạo Công giáo. Linh mục lật đật lên xe đi theo người thanh niên, là con trai của Nguyên Sa, cũng là một bác sĩ. Trên đường đi, qua câu truyện trao đổi, linh mục mới được biết bệnh nhân đó là nhà thơ Nguyên Sa. Thật xúc động vì không ngờ được làm phép Thánh Tẩy cho một nhà thơ, một giáo sư triết học nổi tiếng lẫy lừng mà linh mục hằng ngưỡng mộ, nhưng chưa một lần gặp mặt.

Gặp nhà thơ Nguyên Sa trong một căn phòng của bệnh viện, với sự hiện diện của một số thân hữu của nhà thơ cùng với một số anh chị em thiện chí Công Giáo – những người luôn sẵn sàng giúp đỡ những người muốn tìm hiểu Đạo Công giáo – linh mục Phạm Ngọc Hùng nói, “Thưa bác, bác còn đang đau yếu, xin bác cứ ngồi trên ghế để con cử hành nghi thức Thánh Tẩy cho bác.” Nhà thơ trả lời, “để tỏ sự kính trọng đối với một bí tích, xin cha cứ để con quỳ xuống, không sao”. Một cử chỉ thật đẹp, thật khiêm nhường của nhà thơ Nguyên Sa.

Tin theo Đạo Chúa, ông nhận thánh bổn mạng – tên thánh, theo ngôn ngữ Công giáo – là Giuse. Giuse Trần Bích Lan.

Người ta cũng đọc thấy phần ghi chú đơn sơ nhưng súc tích dưới tấm ảnh Nguyên Sa đội mũ casket quen thuộc trong cuốn Thơ Nguyên Sa như sau:

“Thi sĩ Nguyên Sa

Giuse Trần Bích Lan

Sinh ngày 1 tháng 3 năm 1932 tại Hà Nội

Chúa gọi về ngày Thứ Bảy, 18 tháng 4, 1998

Tại California, Hoa Kỳ”

Trong ngày tang lễ tiễn đưa ông, từ nhà thờ St. Polycarp ra nghĩa trang Peek Family trong một ngày nắng chói chang, đàng sau tang quyến là rất nhiều thân bằng, quyến thuộc. Họ là những giáo chức, nhà thơ, nhà văn, nhà báo và đông đảo cựu học sinh của ông; chắc hẳn nhiều người đã nhân dịp này suy nghĩ về cuộc đời và sự chọn lựa cuối đời của ông.

Theo tôi biết thì phu nhân của thi sĩ Nguyên Sa, G.S. Trịnh Thúy Nga, cũng đã tìm về Đạo Chúa cách đây mấy năm trong âm thầm, lặng lẽ, khiêm cung nhưng đầy xác tín.

Nguyễn Đức Tuyên

 Ghi Chú: Trong buổi ra mắt sách Hành Trình Đức Tin ngày 28.9.2014 tại Trung Tâm Công Giáo, Giáo Phận Orange, Hoa Kỳ, bà Trịnh Thúy Nga, phu nhân GS Nguyên Sa đã phát biểu 2 điều: thứ nhất, thi sĩ Nguyên Sa đã nhận lãnh phép Rửa Tội khi còn minh mẫn và sáng suốt, thứ hai, chính bà Trịnh Thúy Nga cũng đã tìm về Đạo Chúa sau thi sĩ Nguyên Sa 10 năm và nay bà cảm thấy an bình, hạnh phúc.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay