Chủ tiệm nail Louisiana gốc Việt bắn thân nhân rồi tự sát

Ba’o Nguoi-Viet

September 15, 2024

ALEXANDRIA, Louisiana (NV) – Đêm Thứ Sáu, 13 Tháng Chín, một người chủ tiệm thẩm mỹ nổ súng bắn ba người thân, rồi quay nòng tự tử ngay tại tiệm của mình, cảnh sát địa phương cho hay.

Vào khoảng 7 giờ 30 tối, Jimmy Nguyễn, 28 tuổi, bước vào tiệm NTP Nail Salon ở dãy số 3400 Jackson Street, rút súng xả vào ba người họ hàng, rồi tự sát, Sở Cảnh Sát Alexandria cho biết.

Hai nạn nhân được đưa đi bệnh viện trong tình trạng nguy kịch.

Huy hiệu Cảnh Sát Alexandria (Hình: Alexandria Louisiana Police Department)

Người thứ ba là Tài Nguyễn, 32 tuổi, thiệt mạng do trúng đạn.

Cảnh sát cho rằng đây là một vụ bạo lực do cãi vã trong gia đình.

Sở cảnh sát vẫn đang điều tra. Ai có tin tức thêm về vụ án, có thể liên lạc Sở Cảnh Sát Alexandria 318-441-6414. (TTHN)


 

Từ chuyện của Chu Ngọc Quang Vinh, nghĩ về hàm ân và vô ơn

VOA

06/09/2024

Chu Ngọc Quang Vinh, học sinh trung học ở Yên Bái, đang là nạn nhân của dư luận và hệ thống chính trị tại Việt Nam sau bài viết chỉ chia sẻ cho một nhóm nhỏ các bạn của mình.Chu Ngọc Quang Vinh, học sinh trung học ở Yên Bái, đang là nạn nhân của dư luận và hệ thống chính trị tại Việt Nam sau bài viết chỉ chia sẻ cho một nhóm nhỏ các bạn của mình

Trân Văn

Câu chuyện Chu Ngọc Quang Vinh – 17 tuổi, học sinh lớp 12 trường PTTH Nguyễn Tất Thành ở Yên Bái – tâm sự với một nhóm bạn bè đồng môn rằng việc tiếp xúc với bên ngoài khiến cậu dần dần nhận ra “những gì mình được học ở trường bấy lâu nay không hoàn toàn là sự thật, chỉ biết lừa gạt dân” và khiến cậu muốn “sau này được sống ở nước ngoài” đã tạo ra một trận bão dư luận ngay trong dịp Quốc khánh Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Sau khi tâm sự của Vinh được một người bạn bày ra trên mạng xã hội, một số nhóm và một số cơ quan truyền thông đã chỉ trích Vinh kịch liệt. Có những cá nhân, những nhóm cho rằng Vinh “ích kỷ, chỉ quan tâm đến bản thân và lợi ích viển vông”. Có những cá nhân, những nhóm lên án Vinh “hỗn xược, thể hiện sự vô ơn với đất nước, với đảng và với chính quê hương của mình”. Có những cá nhân, những nhóm dự đoán không sớm thì muộn, cậu sẽ “quay lại cắn đồng bào” là “điển hình của tư tưởng phản động” [1]…

Đáng lưu ý là ngay sau đó Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Giáo dục – Đào tạo và Công an của Yên Bái cùng “vào cuộc” để “xử lý vụ việc”. Chu Ngọc Quang Vinh tự đóng trang riêng của cậu trên Facebook và gửi lời “xin lỗi” [2]. Công an Yên Bái kết luận Vinh đã có “những phát ngôn chưa chuẩn mực trên mạng xã hội” vì “hiểu biết còn hạn chế” [3]. Cần lưu ý, Vinh đã từng dẫn đầu các cuộc thi tuần, tháng, quý của “Đường lên đỉnh Olympia” – cuộc thi thường niên nhằm tìm kiếm học sinh có kiến thức sâu, rộng nhất!

***

Cuộc tấn công Chu Ngọc Quang Vinh trên mạng xã hội, hệ thống truyền thông chính thức và phản ứng khiến thiên hạ kinh ngạc từ phía hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đã kích hoạt một trận bão dư luận khác theo chiều ngược lại. Bên cạnh một số người nhắn nhủ những cá nhân chỉ trích Chu Ngọc Quang Vinh như Nguyen Khoi: Các cháu đấu tố cháu trai ở Yên Bái, chửi bạn vô ơn và đề nghị trừng phạt bằng cách thu hồi giải thưởng Olympia, cấm xuất cảnh sang Úc du học khiến chú ngạc nhiên… Chú cứ tưởng với Hồng vệ binh thì cách trừng phạt đúng đắn là trục xuất khỏi đất nước chứ. Hoá ra trong sâu thẳm tâm hồn các cháu, giữ lại trong nước, không cho đến Úc mới là sự trừng phạt ghê gớm nhất. Các cháu không nhận ra việc coi đó là sự trừng phạt đồng nghĩa với việc các cháu đồng tình với phát ngôn của bạn ở Yên Bái [4] – có rất nhiều người tham gia luận bàn về “biết ơn” và phương thức giáo dục để thế hệ trẻ thực sự trưởng thành…

Chẳng hạn như Xuân Sơn Võ: Sinh ra và lớn lên trong chế độ XHCN, đi học trong những ngôi trường XHCN, tôi được dạy phải biết ơn nhiều người, nhiều thứ. Tuy nhiên, ảnh hưởng giáo dục lớn nhất của tôi lại là từ gia đình. Ba mẹ tôi dạy tôi cần phải biết ơn cha mẹ, thầy cô, và những người đã thực tâm giúp đỡ mình trong cuộc sống. Lớn lên, được ra nước ngoài học tập, thâm nhập môt phần vào cuộc sống các nước, kể cả Đông Âu, Tây Âu, Mỹ… tôi lại nhìn thấy một khía cạnh khác về sự biết ơn. Ở những nước mà tư tưởng tiến bộ đã ăn sâu vào dân, trên bình diện quốc gia, phía phải biết ơn và bắt buộc phải thể hiện sự biết ơn của mình là chính phủ. Họ phải biết ơn người dân vì người dân đã bầu họ, cho phép họ tồn tại, đóng thuế để họ có tiền điều hành đất nước… Xuân Sơn Võ dẫn thêm vài ví dụ: Có ông nào đó nói, nghe hơi mắc cười nhưng lại có vẻ rất đúng, rằng tất cả ánh sáng trong đời ông ta là do ông ta tự trả tiền điện mà có, như vậy lẽ ra nhà đèn phải biết ơn ông ta nhưng mắc cười là có nhiều người lại bảo, ổng phải biết ơn nhà đèn vì nhà đèn đã cung cấp điện cho ổng. Thực ra, nếu công bằng, nhà đèn này cung cấp điện không hợp lý, dân sẽ chọn nhà đèn khác. Người dân sẽ quyết định trả tiền cho và nhận cung cấp điện từ nhà đèn nào họ chọn nhưng lại có nhà đèn độc quyền, không cho ai được phép cung cấp điện và đòi người trả tiền mua điện phải biết ơn họ trong khi họ độc quyền định giá, độc quyền báo lỗ, độc quyền đưa ra các kiểu tính giá bậc thang không giống ai. Ngoài ánh sáng do điện mang lại, ánh sáng mặt trời cũng là một nguồn chiếu sáng mà dù không phải trả đồng nào, chúng ta cũng phải biết mang ơn Trời song phải nói rõ một chút là mang ơn Trời – người đã ban phát cho chúng ta thứ ánh sáng mang lại sự sống chứ không phải mang ơn kẻ che cả bầu trời lại, chỉ để hé ra một cái khe, rồi bắt chúng ta mang ơn vì họ đã để một cái khe cho ánh sáng mặt trời xuyên qua đó. Cuối cùng Xuân Sơn Võ nhắc nhẹ: Trước khi đấu tố ai đó cũng cần phải có một sự hiểu biết nhất định về việc hàm ơn và cám ơn [5].

Hoặc như Thái Hạo: Trong giáo dục tiến bộ, việc khuyến tấn để học sinh nói thật suy nghĩ của mình là điều vô cùng hệ trọng, và nó được bảo vệ vì thứ nhất, đó là quyền con người, quyền công dân, thứ quyền thiêng liêng mà thế giới văn minh và cả hiến pháp của nước Việt Nam đều ghi nhận. Thứ hai, điều đó có ý nghĩa và giá trị đặc biệt trong giáo dục cũng như trong quản trị xã hội. Nếu một học sinh nói ra suy nghĩ, nhìn nhận, đánh giá…của mình và là nói đúng thì điều đó đang giúp cho nhà giáo dục củng cố/khẳng định được rằng cách thức của mình là đúng. Còn điều em học sinh kia nói ra là sai, là méo mó, là nông cạn… thì nhà giáo dục phải tự coi lại để tìm cho ra nguyên nhân, rằng nội dung, phương pháp giáo dục của mình không ổn ở đâu và phải tìm cách điều chỉnh. Đây chính là ‘bí quyết’ để mọi thứ không ngừng được hoàn thiện, thay vì bị tha hóa. Hãy hình dung, nếu học sinh không nói thật suy nghĩ của các em, cái gì cũng vâng dạ, cũng đồng ý nhưng trong bụng thì chúng mù mờ hoặc nghĩ khác, đó không những là tai họa tiềm tàng mà còn là một thiệt hại hiện tiền. Nhà giáo dục không thể biết được mình đang đúng hay đã sai và cứ thế cắm cúi giảng bài, trong khi học sinh không thu nhận được gì hoặc âm thầm phản kháng. Một chương trình giáo dục hay một chính sách xã hội được ban ra, giả sử nó đúng nhưng lại khiến học sinh và người dân phản ứng thì ít nhất chủ thể phải tự coi lại, xem khâu ‘truyền đạt’ của mình đang có vấn đề ở chỗ nào. Nếu mọi người không hiểu, không tin, không đồng ý nhưng lại đồng loạt gật đầu, thì hậu quả thế nào chắc ai cũng hình dung được. Cho nên việc nói ra suy nghĩ thật, giả sử suy nghĩ ấy là ấu trĩ chăng nữa nó cũng vẫn là một món quà cho nhà quản lý, nhà giáo dục. Câu chuyện về một phát ngôn của em học sinh lớp 12 đang ồn ào trên báo chí và mạng xã hội là câu chuyện của ngành giáo dục, chứ không phải ngành công anBạn sinh ra một đứa con, nuôi nấng, dạy dỗ hết lòng nhưng nó vẫn có thể không yêu bạn hoặc không hợp với bạn. Điều đó rất phổ biến và không ngạc nhiên, dù đáng buồn và có thể khiến bạn đau lòng nhưng bạn không thể vì thế mà mời công an vào ‘làm việc’ với nóBạn chỉ có thể làm điều đó khi nó có hành vi phạm pháp, ví dụ như bạo lực đối với cha mẹ. Còn sự yêu ghét, lòng tin hay cảm xúc cá nhân là tình cảm tự nhiên của con người. Không ai đi mời công an khi có người không thích hoặc không tin mình cả. Trên hết, nếu muốn thể hiện bản lĩnh hoặc sự yêu thương thật lòng, bạn vẫn phải đi bằng con đường của giáo dục chân chính, còn không thì phải tôn trọng những xúc cảm tự nhiên ấy.

Thái Hạo nhấn mạnh: Bao dung và tôn trọng là những phẩm chất của một xã hội văn minh. Chính nó mới nâng đỡ học sinh và con người nói chung để họ yêu quý, tin tưởng, đền đáp… bằng chính tình cảm chân thật của họ. Mọi sự cưỡng bách, nhất là cưỡng bách tình cảm và suy nghĩ của con người, đều sẽ để lại những di chứng và di hại lâu dài không những cho cá nhân mà còn cho xã hội. Tôi nghĩ, đây chính là cơ hội quý để ngành giáo dục và cộng đồng thể hiện sự văn minh ấy của mình, thay vì chứng tỏ điều ngược lại [6].

***

Cuộc đấu tố Chu Ngọc Quang Vinh cũng là lý do khiến Hong Thai Hoang ngán ngẩm nhận xét: Gái kiếm chồng tây xuất ngoại, trai kiếm vợ tây xuất ngoại, công nhân tìm đường xuất khẩu lao động, sinh viên du học tìm cách để khỏi về, giàu kiếm vé định cư, nghệ sỹ kiếm hôn nhân giả, người người nhà nhà tìm cách đi… vậy một thằng bé muốn đi nước ngoài thì có gì sai? Về mọi mặt, nó không sai. Về mặt pháp lý, công an Yên Bái sai, xâm phạm quyền tự do ngôn luận vốn bất khả xâm phạm. Hiến pháp có quy định, đảng phải hoạt động dưới sự giám sát của dân, tuyên ngôn độc lập nói rõ về quyền mưu cầu hạnh phúc của cá nhân. Nếu cậu bé đó sai, khởi tố theo điều nào đó đi, bỏ tù về phát ngôn đó đi. Còn không, vì sao công an lại ‘làm việc’? Ngang ngược, lạm quyền, lộng hành là hiểu hiện của những kẻ bất tài. Vì bất tài không thu phục được lòng dân nên dùng vũ lực. Chính phủ gì lạ thế? Một cái nồi cơm điện cũng làm cả một giáo hội lung lay! Một lá cờ xa xưa cũng làm cả bộ chính trị lao đao! Một câu nói của cậu bé 17 tuổi làm cả hệ thống chính trị phải vào cuộc! Chân không vững, tâm không tĩnh, danh không chính nên sợ cả cái bóng của chính mình [7]

Chú thích

[1] https://congthuong.vn/nam-sinh-duong-len-dinh-olympia-phat-ngon-gay-phan-no-342956.html

[2] https://plo.vn/yen-bai-len-tieng-ve-phat-ngon-cua-nam-sinh-tung-thi-duong-len-dinh-olympia-post808220.html

[3] https://laodong.vn/phap-luat/cong-an-yen-bai-noi-gi-ve-phat-ngon-cua-nam-sinh-duong-len-dinh-olympia-1388859.ldo

[4] https://www.facebook.com/kaoruume123/posts/pfbid0xYFEF7wbuDPGQHuKFcgrcXbr9yCuf6mAjKwV7pjYzyHKqGdYqf3ZXRtyugZ45aK5l

[5] https://www.facebook.com/xuanson.vo.5/posts/pfbid0JHXskV7BJi3BLF9azA7sWCbBfK2RTdQkpnFnUP88PcBoHcQYEXo4vrEZ7hm8uxpGl

[6] https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0c58dA7yQXT9TQdPEczdbQzsScypjPpqxH7PMErHqYNXjjKEM7wRiaY3Cc8rDRmEQl&id=100059910855657

[7] https://www.facebook.com/ducthaifood/posts/pfbid0UHz5MfXKbJAfem12XAcXKg7PgksZ6o8ZCas5TVoWirBxmxS9Ys6LaSV97Sx4dTdwl


 

Người Sống Thọ Nhất Thế Giới Qua Đời, Tròn 117 Tuổi

Ba’o Dat Viet

August 20, 2024

Ngày 20/8, cụ Maria Branyas Morera, người được xác nhận là lớn tuổi nhất thế giới, đã qua đời một cách thanh thản tại viện dưỡng lão ở Tây Ban Nha. Theo thông báo từ tài khoản mạng xã hội X của bà cụ, cụ Branyas đã ra đi như mong muốn: trong giấc ngủ, yên bình và không đau đớn. Thông tin này đã được một người phát ngôn của cụ xác nhận.

Cụ Branyas sinh ngày 4/3/1907 tại San Francisco, Mỹ, và tròn 117 tuổi vào năm nay. Bà trở thành người lớn tuổi nhất thế giới vào tháng 1/2023, được Tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới công nhận.

Sinh ra trong một gia đình người Tây Ban Nha di cư sang Mỹ, cụ Branyas trở về Tây Ban Nha cùng gia đình sau tám năm sống tại Mỹ. Cuộc đời của cụ trải qua nhiều biến cố lịch sử lớn, bao gồm hai cuộc chiến tranh thế giới, nội chiến Tây Ban Nha, và hai đại dịch toàn cầu là dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 và đại dịch Covid-19. Đáng chú ý, cụ đã vượt qua Covid-19 vào tháng 5/2020, trở thành một trong những người lớn tuổi nhất vượt qua bệnh dịch này.

Trong suốt cuộc đời mình, cụ Branyas đã sống một cuộc sống bình lặng, ngăn nắp và luôn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với gia đình, bạn bè. Cụ cho rằng tuổi thọ phi thường của mình là nhờ may mắn, gien tốt, lối sống lành mạnh, ổn định cảm xúc, không lo âu hay nuối tiếc, và tránh xa những người tiêu cực.

Cụ Maria Branyas Morera là một trong số 11 người duy nhất trong lịch sử được xác minh là đã sống thọ hơn 117 tuổi. Người sống thọ nhất từng được ghi nhận là cụ Jeanne Calment, người Pháp, qua đời năm 1997 ở tuổi 122 năm và 164 ngày.

Với sự ra đi của cụ Branyas, thế giới lại phải chia tay một nhân chứng lịch sử của hơn một thế kỷ, để lại những kỷ niệm và bài học quý giá về sức khỏe, tuổi thọ và lối sống tích cực.


 

Thích Chân Quang – Kết cục của một ông thầy tu yêu Đảng

Ba’o Nguoi-Viet

August 16, 2024

Viết Dũng/SGN

Mới đây, trong đợt thanh trừng nội bộ, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (GHQD) có một hành động phủi tay đến tàn nhẫn trong sự kiện Thích Chân Quang bị phanh phui bằng văn hóa phổ thông là giả. Hoảng hốt cho bộ mặt của mình, vào chiều ngày 14 tháng Tám, GHQD tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bất ngờ tuyên bố ông Thích Chân Quang “chưa từng tham gia vào GHPGVN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.”

Ai cũng nhớ là tháng trước, báo chí nhà nước loan tin Thích Chân Quang bị chính GHQD ra văn bản phạt cấm túc sám hối hai năm, nhưng đến nay thì thấy tình hình quá tệ, nên GHQD quyết định phủi tay, không nhận là người của mình.

Thích Chân Quang, tức Vương Tấn Việt, là một trong những “ma tăng” có tiếng, thường gây khuynh đảo cộng đồng mạng với những phát ngôn gây “bão” như “cúng nhà cho chùa sẽ được phước báu, xem đời sau con cháu mình giàu,” “cái võng là cái nơi tiêu diệt hết mọi công đức của chúng sinh,” “Ai hát karaoke nhiều, người đó có nguy cơ chết làm ma câm,” “Mấy người trồng cà phê là bị mang nghiệp rất nặng vì khi những người khác uống cà phê sẽ dẫn tới mất ngủ, mà mất ngủ sẽ không đi làm được, không có tiền lo cho gia đình, cho nên những ai đang trồng và bán cà phê sẽ mang nghiệp rất nặng,”…

‘Khi vui thì vỗ tay vào’

Còn nhớ, khi ông Thích Chân Quang đang ở “đỉnh cao danh vọng,” sau khi lấy được bằng tiến sĩ của Đại Học Luật Hà Nội, ông còn làm lễ “Vinh Quy Bái Tổ” với sự xúm xít tham gia của nhiều quan chức /cựu quan chức cấp cao đến từ chính quyền hay cả trong giáo hội.

Lễ “Vinh Quy Bái Tổ” của ông Thích Chân Quang, (Hình: Facebook)

Ông thậm chí còn được Đại Học Luật Hà Nội trao bảng “Quốc Trung Hiền Sĩ” – một khánh vàng đặt hàng tại trang “khanhvangducphat.com” trong ngày nhận học vị tiến sĩ từ ngôi trường này.

Ông Quang hứng chí đến độ, còn bị cộng đồng mạng tìm thấy là đã cho đúc hình tượng phật có gương mặt giống ông, để đặt ngay trong khuôn viên chùa Phật Quang tại Bà Rịa – Vũng Tàu.

Bức tượng phật bị cho là tạc giống khuôn mặt của Thích Chân Quang, đặt trong chùa Phật Quang. (Hình: báo Công Thương)

Ông Hoàng Chí Bảo, giáo sư, chuyên viên tuyên truyền của Ban Tuyên Giáo CSVN, chuyên khen ông Hồ, thậm chí trong một lần phát biểu, sau một hồi “phân tích,” tâng bốc về tên tục danh cũng như pháp danh của ông Thích Chân Quang, ông này còn ca ngợi: “Thầy Thích Chân Quang của chúng ta, Tiến Sĩ Vương Tấn Việt của chúng ta mang được những nét hình ảnh rất đẹp của Bác Hồ! Thầy có một gương mặt rất phúc hậu (…)” đồng thời so sánh tài thu phục lòng người của ông Chân Quang với ông Hồ (và được cả hội trường vỗ tay ào ào).

Và, trên “đỉnh cao danh vọng” ấy, Thích Chân Quang thậm chí còn dám sửa cả giới luật do Đức Phật đã đề ra: Cụ thể, ông Chân Quang đã sửa đổi giới “không được tà dâm” trong Ngũ Giới thành giới “Không phản bội.” Theo ông, những ai quy y đều không được phép phản bội sư phụ (tức không được phản bội ông)!

Và những màn ‘lật kèo’…

Ngày trước, những pha phát biểu nhố nhăng của ông cũng chỉ được cộng đồng mạng coi là trò hài hước, thuộc dạng xem cho vui, xem để giải trí hay dựa vào đó để “chế” ra những clip vừa mang tính hài hước, vừa mang tính châm biếm. Bởi bên cạnh ông cũng có các “ma tăng” khác “làm mưa làm gió” như “cọng lông Thích Trúc Thái Minh,” “ông Thích Nhặt Tiền”  (‘pháp danh’ do mạng xã hội đặt cho ông Thích Nhật Từ)… thì những trò lố của ông Chân Quang tạo ra cũng chưa được gọi là có gì quá nổi bật trong “giới TuBiz.”

Sự việc bắt đầu bùng phát phản ứng, kể từ khi Thích Chân Quang, trong một buổi “giảng pháp” hồi tháng Năm năm nay, không giấu được lòng ganh tỵ khi thấy có quá nhiều người ngưỡng mộ vị chân tu Minh Tuệ, đã ám chỉ sư Minh Tuệ là “thằng ba trợn” và ai ngưỡng mộ sư là “tà tư duy.” Lập tức, một làn sóng phẫn nộ bùng lên khắp nơi. Từ đó đến nay, ông này bị phanh phui ra nhiều vấn đề và dường như ông đã gặp phải “quả báo nhãn tiền.”

Ngày 19 Tháng Sáu, văn phòng của GHQD phát ra quyết định cấm Thích Chân Quang thuyết giảng trong vòng hai năm. Việc kỷ luật ông Chân Quang, theo Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHQD là do “một số nội dung thuyết giảng về giáo lý nhân quả của thượng tọa Thích Chân Quang không đúng chánh pháp, gây hoang mang trong xã hội, làm suy giảm niềm tin Phật pháp và ảnh hưởng đến uy tín của Giáo hội,” buộc ông này gỡ bỏ các bài giảng gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội, và cho thu hồi toàn bộ những tài liệu in ấn bị sửa giới luật bởi ông này.

Sau vụ việc này, ông Chí Bảo, người từng tâng bốc Chân Quang lên tận mây xanh đã “trần tình” xanh rờn với phóng viên các báo: “Tôi không liên quan, cũng chẳng quen biết gì với ông Vương Tấn Việt!”

Ông Chí Bảo từng ôm Chân Quang ‘nồng ấm’ nhưng nay vội vã ‘quay xe. (Hình: Hoàng Nguyên Vũ)

Vận đen của ông Vương Tấn Việt chưa dừng lại ở đó! Một thời gian ngắn ngay sau đó, mạng xã hội bỗng rộ lên nghi án bằng cấp 3 giả của ông này. Và rồi vào tối 13 Tháng Tám, Bộ Giáo Dục và Đào Tạo (GDĐT) ra thông tin về việc đào tạo và cấp bằng cho ông Thích Chân Quang (tên thật Vương Tấn Việt, sinh năm 1959). Bộ này cho biết, có căn cứ để khẳng định ông Thích Chân Quang dùng bằng cấp 3 giả!

Sau thông báo trên của Bộ GDĐT, trường Đại Học Hà Nội (trước đây là trường Đại Học Ngoại Ngữ – nơi cấp bằng ngoại ngữ cho ông này) và trường Đại Học Luật Hà Nội đều vội trở giọng: “học viên có hành vi gian lận trong việc làm hồ sơ để được cấp văn bằng, chứng chỉ (sử dụng bằng giả trong hồ sơ đăng ký) thì sẽ bị buộc thôi học. Các văn bằng nếu được cấp sẽ bị thu hồi, hủy bỏ theo quy định.”

Bức ảnh những vị có học hàm, học vị, chức vụ của trường Đại Học Luật Hà Nội từng quỳ lại ông Tấn Việt nay bị cộng đồng mạng đem ra chế giễu. (Hình: Facebook)

Sau khi những bê bối dần lộ diện, ông Chân Quang bị nhiều người, nhiều tổ chức “quay xe.” Tuy nhiên, pha quay xe bị cộng đồng mạng đánh giá là tráo trở nhất lại là “màn ảo thuật” của GHQD tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Chiều 14 Tháng Tám, ông Thích Thiện Thuận, phó trưởng Ban Trị Sự, trưởng ban Hoằng Pháp của giáo hội này thẳng thừng tuyên bố: “Thích Chân Quang không phải là một chức sắc Phật giáo tham gia vào các hoạt động hành chính các cấp trong giáo hội, chỉ là một tu sĩ bình thường của một tu viện.”

Thật nực cười! Khi một tu sĩ bình thường mà lại được giao trụ trì một ngôi chùa! Một tu sĩ bình thường mà trước đó lại bị chính GHPG ra giáo quy cấm thuyết giảng! (trong khi chức năng thuyết giảng chỉ được giao cho hàng giáo phẩm). Nực cười hơn, một tu sĩ bình thường lại mở được đến 55 nhánh Đạo tràng trực thuộc “Tổng đạo tràng chùa Phật Quang” trên khắp cả nước!

Vậy là ông Chân Quang nay đã bị chính các vị ‘đồng tu’ phủi bỏ trách nhiệm, dù cho trước đó còn tay bắt mặt mừng!

Đáng chú ý, vào ngày 15 tháng Tám, nhiều tờ báo trong nước còn đưa tin: Dựa vào kết quả giám định và kết quả xác minh, nếu có đủ căn cứ thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can ông Vương Tấn Việt về các tội danh như: “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức;” “Tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức;” hoặc “Giả mạo trong công tác;”… quy định tại các Điều 341, 359 Bộ Luật Hình Sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Vậy là từ chỗ dựa lưng vào chính quyền CSVN coi Phật, coi giới luật bằng vung, coi con người chỉ là công cụ để thao túng trực lợi, đến nay ông Chân Quang đã bị ngay chính đồng đảng của mình phủi tay, vì con bài coi như hết giá trị sử dụng.

Còn các “ma tăng” khác, không biết sau sự việc của ông Chân Quang này, có ngộ ra được điều gì, hay vẫn sẽ tiếp tục hoành hành, coi dư luận bằng cái đinh gỉ, hoặc sẽ khôn khéo hơn và trở nên nguy hiểm hơn?


 

Con Tin Chúa Ơi! – Buổi phỏng vấn cuối cùng với Lm. Nhạc sĩ Duy Thiên

 Con Tin Chúa Ơi! – Buổi phỏng vấn cuối cùng với Lm. Nhạc sĩ Duy Thiên

Vào lúc 23 giờ 50 phút, ngày 06/08/2024, Linh mục Giuse Nguyễn Văn Thắng, tức nhạc sĩ Duy Thiên, đã an nghỉ trong Chúa tại nhà hưu Thạnh An, giáo phận Long Xuyên. Cha hưởng thọ 75 tuổi, với 48 năm phục vụ trong sứ vụ linh mục. Nhạc sĩ Duy Thiên là một tên tuổi lớn trong nền Thánh nhạc Công giáo Việt Nam, với hơn 200 bài Thánh ca đã đi vào lòng người. Những ca khúc như “Con tin Chúa ơi”, “Chiều tím”, “Tình Chúa cao vời”, “Tâm sự chiếc áo dòng”, và “Một đời tri ân” đã trở thành những giai điệu quen thuộc, gắn bó với nhiều thế hệ tín hữu, dẫn dắt chúng ta đến gần hơn với Thiên Chúa qua âm nhạc. Để tưởng nhớ và tôn vinh cuộc đời sáng tác của cha, xin trân trọng giới thiệu đến quý vị video phỏng vấn nhạc sĩ Duy Thiên, thực hiện vào ngày 19/01/2021 tại Sài Gòn. Qua những thước phim quý giá này, chính cha Duy Thiên sẽ dẫn dắt chúng ta vào cuộc hành trình tâm hồn của ngài – một hành trình mà âm nhạc là tiếng nói của đức tin, của tình yêu, và của sự phó thác trọn vẹn vào Thiên Chúa.

Người Mỹ gốc Việt: Có muốn về sống ở Việt Nam, thích Cộng hòa hay Dân chủ?

Ba’o Dat Viet

August 10, 2024

Khoảng 42% người Mỹ gốc Việt cho biết họ đang trên đường đi đến giấc mơ Mỹ và 27% khẳng định họ đã đạt được giấc mơ này, theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ).

Số liệu lấy từ cuộc khảo sát mà Pew thực hiện trong năm 2022 và 2023 và được công bố hôm 6/8 vừa qua.

“Tôi thấy cuộc sống ở Mỹ thoải mái hơn Việt Nam. Chỉ có bảo hiểm nhà, xe hơi mắc, nhưng nhìn chung cũng dễ chịu. Miễn là siêng năng, chịu khó làm thì công việc không thiếu, kiếm tiền cũng khá,” ông Hồng Nhật Tiến, một nhà môi giới bất động sản đã sinh sống ở Mỹ được 8 năm và đã có quốc tịch Mỹ, nói với BBC Tiếng Việt hôm 8/8.

Ông Hồng Nhật Tiến hiện làm việc ở thành phố Dallas, tiểu bang Texas. Quê quán ông là thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế (Việt Nam).

Theo số liệu mới nhất từ Cục Thống kê Dân số Mỹ, hiện có khoảng 2,3 triệu người Việt sinh sống ở nước này, chiếm khoảng 9,3% số dân Mỹ gốc Á trên cả nước. Đứng đầu trong nhóm gốc Á là người gốc Trung Quốc (không kể Đài Loan) với 5,5 triệu người.

Dân số Mỹ tính tới tới hôm 8/8 là gần 337 triệu người.

Trong số người Mỹ gốc Việt, 60% là dân nhập cư và 40% được sinh ra tại Mỹ. Có 35% người Mỹ gốc Việt sinh sống ở tiểu bang California và chủ yếu tại thành phố Los Angeles, theo báo cáo của Pew.

Cục Thống kê Dân số Mỹ cũng cho biết trong năm 2022, mức thu nhập trung vị của các hộ gia đình người Mỹ gốc Việt là 81.000 USD/năm.

Con số này thấp hơn thu nhập hộ gia đình trung vị của người Mỹ gốc Á nói chung (khoảng 100.000 USD/năm) nhưng cao hơn mức trung vị của cả nước Mỹ (khoảng 74.500 USD/năm).

Mức thu nhập trung vị có nghĩa là mức thu nhập ở giữa, với 50% hộ gia đình thu nhập cao hơn mức này và 50% hộ gia đình thấp hơn mức này.

Cách tính này khác với cách tính bình quân (lấy tổng thu nhập chia đều cho số hộ).

Người Mỹ gốc Việt đến từ đâu?

Theo Viện Chính sách Di cư (MPI) ở Washington DC, Mỹ, sự di cư quy mô lớn từ Việt Nam sang Mỹ bắt đầu vào cuối Chiến tranh Việt Nam, khi sự sụp đổ của Sài Gòn năm 1975 dẫn đến việc Mỹ sơ tán khoảng 125.000 người tị nạn Việt Nam.

Khi khủng hoảng nhân đạo và di dân ở khu vực Đông Dương (Việt Nam, Campuchia và Lào) gia tăng, nhiều người tị nạn và gia đình của họ đã được nhập cảnh vào Mỹ.

Dân số người nhập cư Việt Nam đã tăng đáng kể từ thời điểm đó, tăng gấp đôi khoảng mỗi thập kỷ từ năm 1980 đến năm 2000, và sau đó tăng 26% trong những năm 2000.

Con số này giảm xuống còn 12% từ năm 2010 đến năm 2019.

MPI cũng cho biết rằng không giống như trong quá khứ khi hầu hết người Việt Nam được nhập cảnh với tư cách là người tị nạn, những người có được thường trú hợp pháp tại Mỹ ngày nay (còn được gọi là thẻ xanh) chủ yếu thông qua việc đoàn tụ gia đình.

Ông Hồng Nhật Tiến là một trường hợp như vậy.

Theo Cục Nhập tịch và Di trú Mỹ, Việt Nam xếp thứ 6 trong số những nước có người nhập tịch Mỹ nhiều nhất năm tài khóa 2023 với 32.800 người.

Giấc mơ Mỹ

Người Mỹ gốc Việt khi so với các nhóm nhập cư khác, theo báo cáo của MPI vào năm 2021, thường có trình độ tiếng Anh hạn chế hơn, có trình độ học vấn thấp hơn và làm việc trong ngành dịch vụ nhiều hơn. Tuy nhiên, họ cũng thường có thu nhập cao hơn, ít chịu cảnh nghèo đói hơn và có ít thiếu thốn bảo hiểm hơn.

Chỉ có 11% người Việt nhập cư sống trong mức nghèo đói ở Mỹ. Con số này tính trên toàn bộ người nhập cư tới Mỹ và những người sinh ra tại Mỹ lần lượt là 14% và 12%.

Trong khi gần 70% người Mỹ gốc Việt đã và đang tìm thấy giấc mơ Mỹ như đã đề cập ở trên, 30% còn lại cho rằng giấc mơ này nằm ngoài tầm với của họ.

Pew cho biết những người Mỹ gốc Á trưởng thành cho rằng các yếu tố sau đây tạo nên giấc mơ Mỹ, xếp theo mức độ quan trọng giảm dần: sự tự do lựa chọn cách sống, đời sống gia đình hạnh phúc, thoải mái nghỉ hưu, con cái có những cơ hội tốt nhất, sự nghiệp thành công, sở hữu một căn nhà, đóng góp cho cộng đồng, đến được Mỹ, trở nên thịnh vượng và sở hữu một doanh nghiệp.

Trong một bài viết gửi cho BBC Tiếng Việt vào tháng 5/2022, ông Bùi Văn Phú – một giảng viên đại học, nhà báo tự do ở bang California – cho rằng Mỹ là xứ sở của tự do kinh doanh, còn người Việt tính chăm chỉ, sẵn sàng bươn chải, có đầu óc kinh doanh nên nhiều người muốn có văn phòng, cở sở riêng, gặp thời và trở nên giàu.

“Tự do kinh doanh đã đưa nước Mỹ phát triển. Người dân Mỹ, trong đó có người gốc Việt, có thể mở cơ sở thương mại một cách dễ dàng vì thủ tục không rườm rà, không phải lo hối lộ, bôi trơn,” ông Phú viết.

Cái nhìn về Việt Nam

Trong khảo sát của Pew, 84% người Mỹ gốc Việt có cái nhìn tích cực về nước Mỹ, và 59% có cái nhìn thiện cảm về Việt Nam.

Khảo sát cũng cho thấy phụ nữ Mỹ gốc Việt có cái nhìn tích cực về quê hương hơn nam giới. Có 72% người gốc Việt dưới 50 tuổi và 70% người Việt sinh ra tại Mỹ có cái nhìn đặc biệt tích cực về quê hương.

Ông Trịnh Hội, cựu giám đốc tổ chức Voice chuyên giúp đỡ thúc đẩy xã hội dân sự Việt Nam, cho rằng so với vài chục năm trước, quyền kinh tế của người Việt Nam đã tốt hơn rất nhiều, quyền tự do đi lại cũng vậy, quyền phát biểu và dân sự khá hơn nhiều, tuy quyền chính trị vẫn xấu.

Ông Hội đưa ra nhận định này tại một cuộc hội thảo về cộng đồng người Việt hải ngoại được tổ chức ở bang Oregon, Mỹ trong hai ngày 27-28/10/2023.

Lời ông Hội về Việt Nam được khá nhiều người trẻ tuổi đồng ý, nhà báo tự do Joaquin Nguyễn Hòa tường thuật với BBC Tiếng Việt tại hội thảo.

Báo cáo của Pew còn cho biết khi được hỏi liệu họ sẽ chuyển đến Việt Nam sinh sống nếu có cơ hội không, chỉ khoảng 20% người Mỹ gốc Việt nói “có”.

Đối với những người trả lời “có”, những lý do chính bao gồm sinh hoạt phí thấp hơn, gần gũi với bạn bè và gia đình.

Một số ít nói rằng họ cảm thấy quen thuộc với văn hóa ở Việt Nam hơn, ở Việt Nam an toàn hơn và nhiều sự hỗ trợ hơn cho người già.

Chia sẻ với BBC Tiếng Việt hôm 8/8, ông Hồng Nhật Tiến nói hiện tại, ông và gia đình chỉ về Việt Nam để thăm họ hàng, đi du lịch chứ chưa nghĩ đến chuyện sinh sống lâu dài.

Người Việt nhập cư trái phép vào Mỹ

Không chỉ có số người nhập tịch Mỹ cao hàng đầu thế giới, số người Việt vượt biên trái phép vào Mỹ qua đường biên giới Mexico cũng tăng vọt trong những năm gần đây.

Thống kê từ Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho năm tài khóa 2023 ghi nhận gần 3.300 người Việt vượt biên giới phía nam của Mỹ.

Trước đó trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến 2022, số liệu từ Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ cho thấy số người Việt vượt biên giới Mỹ-Mexico trái phép luôn dưới 300 người.

Có 102 nước trong danh sách vượt biên Mexico-Mỹ trái phép của Bộ An ninh Nội địa Mỹ, Việt Nam xếp thứ 26 về số lượng.

Các chuyên gia vào đầu năm 2024 nói với BBC rằng sự khác biệt trong chính sách biên giới của ông Trump và ông Biden là một trong những nguyên nhân chính cho việc lượng người di cư qua biên giới Mexico-Mỹ tăng đột biến trong năm 2023.

Báo cáo của Pew chỉ ra 51% người Mỹ gốc Việt thuộc phe Cộng hòa hoặc nghiêng về phe này – tỷ lệ cao nhất trong các nhóm người Mỹ gốc Á.

Tính trên toàn bộ người Mỹ gốc Á, Pew cho biết chỉ khoảng 34% ủng hộ Đảng Cộng hòa.

Cục Thống kê Dân số Mỹ cho biết trong năm 2022, có 1,4 triệu người Mỹ gốc Việt đủ điều kiện bỏ phiếu.

(Theo BBC) 


 

VinFast thừa nhận ‘lỗi kế toán’ và ‘doanh thu bị phóng đại’ đến Ủy ban Chứng khoán Mỹ

 Ba’o Dat Viet

August 1, 2024

Ngày 29/7, VinFast, hãng xe hơi điện thuộc sở hữu của tỷ phú Việt Nam Phạm Nhật Vượng, đã thông báo với Ủy ban Chứng khoán và Sàn Giao dịch Mỹ (SEC) về các “lỗi kế toán” dẫn đến việc doanh thu, chi phí và mức lỗ trong các báo cáo tài chính trước đây bị phóng đại.

Theo thông báo của VinFast, được đăng trên trang web của SEC và VinFast tại Mỹ, công ty đã thực hiện điều chỉnh lại các báo cáo tài chính đã được kiểm toán của năm 2023 sau khi tiến hành rà soát nội bộ và tính toán lại. Văn bản này do Chủ tịch Lê Thị Thu Thủy ký, nêu rõ các lỗi kế toán đã làm doanh số bán hàng, chi phí bán xe và phân phối, cũng như mức lỗ ròng của năm tài chính 2023 bị phóng đại lần lượt là 33,9 triệu đô la, 6,1 triệu đô la và 1,8 triệu đô la.

Cụ thể, VinFast cho biết doanh số bán xe cho Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM) đã bị phóng đại do công ty đã lập hóa đơn cho 454 xe hơi điện và 2.192 xe máy điện trong năm tài chính 2023. Tuy nhiên, các xe này thực tế chỉ bắt đầu được giao vào đầu năm 2024, dẫn đến doanh thu bị phóng đại khoảng 17,2 triệu đô la.

Ngoài ra, việc bán 205 xe hơi điện cho một bên thứ ba không liên quan trong năm ngoái cũng bị phóng đại. Phần lớn số xe này đã được trả lại để cập nhật phần mềm và sẽ được giao lại vào năm 2024. Điều này khiến doanh thu của VinFast bị phóng đại thêm 10,5 triệu đô la.

Tổng cộng, hai khoản phóng đại này lên tới khoảng 27,7 triệu đô la, trong đó 15,7 triệu đô la dự kiến sẽ được công nhận vào quý 1 năm 2024, và phần còn lại sẽ được ghi nhận cho cả năm 2024. VinFast cũng cho biết sẽ điều chỉnh một khoản 6,1 triệu đô la liên quan đến chi phí phục vụ chính sách sau bán hàng, từ đó sẽ không còn được tính vào chi phí bán hàng và phân phối mà sẽ là khoản giảm doanh thu.

VinFast nhấn mạnh rằng những điều chỉnh này không ảnh hưởng đến con số lỗ ròng của năm tài chính 2023. Hãng dự kiến sẽ công bố lại các báo cáo tài chính cho năm tài chính kết thúc vào ngày 31/12/2023 và quý 1/2024 sau khi hoàn tất việc rà soát nội bộ.

VinFast cũng thông báo rằng họ sẽ công bố kết quả tài chính cho kỳ kinh doanh kết thúc vào ngày 30/6 vào giữa tháng 9 tới.


 

Chém người bằng gươm Samurai, bà gốc Hoa bị buộc tội sát nhân

Ba’o Nguoi- Viet

July 29, 2024

LOS ANGELES, California (NV) – Một người phụ nữ bị bắt trong tháng này liên quan tới một vụ hành hung trong gia đình bằng gươm Samurai, vừa bị buộc tội sát nhân và mưu sát.

Hôm Thứ Hai, 29 Tháng Bảy, Biên Lý Cuộc Los Angeles thông báo Weichien Huang bị buộc tội giết vợ của bà và toan tính giết luôn mẹ vợ.

Huang bị bắt ngày 18 Tháng Bảy ở San Dimas khi cảnh sát Los Angeles LASD tới dãy nhà số 300 đường South Huntington Avenue và thấy một người phụ nữ đi bộ trên đường, tay lê theo một thanh gươm katana, loại mà chiến binh Samurai Nhật Bản thường dùng.

Weichien Huang cầm gươm đi trên đường phố San Dimas trước khi bị cảnh sát LASD chặn bắt ngày 18 Tháng Bảy, 2024 (Hình: Danielle Leivo/KTLA)

Cảnh sát chặn người phụ nữ lại, ra lệnh cho bà bỏ gươm xuống, và giơ hai bàn tay vấy đầy máu lên trời đầu hàng.

Sau đó, giới chức cho biết, Huang đưa cảnh sát về một căn nhà gần đó, nơi có một người phụ nữ đã chết và một người nữa bị thương.

Do những người liên can nội vụ chỉ nói tiếng Hoa, không có nhiều chi tiết được cung cấp vào thời điểm đó.

Nay thì Biện Lý Cuộc cho biết, Huang bị buộc tội giết vợ là bà Fei Chen Chen, bằng thanh gươm tại nhà. Huang cũng bị buộc tội tấn công người mẹ vợ cao tuổi, nhưng bà này sống sót sau một tuần chữa trị thương tích trong bệnh viện.

Công Tố Trưởng George Gascón của Los Angeles nói vụ tấn công bạo lực này là một thí dụ “vấn đề ẩn khuất tai hại của bạo lực gia đình ảnh hưởng nhiều người trên toàn đất nước chúng ta.”

Huang ra tòa Pomona vào Thứ Hai để chính thức bị buộc một tội sát nhân và một tội mưu sát, với cáo trạng gia trọng vì gây thương tích cho một người trên 70 tuổi và dùng một thanh gươm trong khi gây án.

Công tố viên yêu cầu giam giữ Huang với $3 triệu tiền thế chân. Nếu bị phán có tội, Huang có thể đối diện mức án tối đa là tù chung thân.

Cảnh sát LASD vẫn đang điều tra vụ án này. (TTHN) 


 

Nghị Lực Của Bà Mẹ Có 1400 Đứa Con

Cuộc sống của Sindhutai đã sớm đong đầy nước mắt. (Ảnh chụp màn hình phim Mee Sindhutai Sapkal)

Sindhutai Sapkal bắt đầu cuộc đời  là một đứa trẻ ngoài ý muốn, 10 tuổi phải cưới chồng và 20 tuổi bị đuổi  khỏi nhà khi đang mang thai đến tháng thứ 9. Những nghịch cảnh ấy không  khiến người phụ nữ này gục ngã hay oán trách cuộc đời. Ngược lại, những  điều đã qua khiến bà Sindhutai thấu hiểu nỗi đau mà những đứa trẻ không  cha mẹ đang trải qua. Để rồi, bà dành cả cuộc đời mình cho những sinh  mệnh bé nhỏ, thiếu may mắn ấy.

Một tuổi thơ buồn và cuộc hôn nhân khi mới 10 tuổi Bà Sindhutai  sinh ra trong một gia đình làm nghề chăn thả tại làng Wardha, thuộc quận Maharashtra, Ấn Độ. Là một đứa trẻ ngoài mong đợi, bà không được  nhận nhiều sự yêu thương, chăm chút như những đứa trẻ khác. Trong khi  cha bà quyết định dạy dỗ con gái nên người, mẹ bà  một phụ nữ Ấn Độ  truyền thống nhiều định kiến đã phản đối kịch liệt chuyện này. Mẹ của  Sindhutai cho rằng vị trí của một người phụ nữ đích thực là vợ trong một  gia đình. Đó là lý do, Sindhutai bị gả cho một người đàn ông 30 tuổi  khi bà mới là một cô bé con 10 tuổi.

Cuộc sống của Sindhutai đã sớm đong đầy nước mắt. (Ảnh chụp màn hình phim Mee Sindhutai Sapkal)

Đến  khi bước sang tuổi 20, bà đã hạ sinh 3 cậu con trai và đang có mang ở  tháng thứ 9. Đây cũng là dấu mốc những khổ đau thực sự đến và làm thay  đổi toàn bộ cuộc đời của cô gái trẻ. Xuất  phát từ việc ganh đua trong công việc buôn bán, một người trong làng đã  lan truyền tin đồn ác ý về Sindhutai và xúi giục người chồng ruồng bỏ  bà. Không may, cha của các con bà đã làm theo sự chỉ dẫn của người  ngoài. Khi trở về nhà, ông đánh túi bụi người vợ đang sắp đến kỳ sinh  nở, thậm chí đạp cả vào bụng cô rồi nhốt cô vào chuồng bò. Sindhutai  tiếp tục nếm trải sự cay đắng và tủi nhục khi không có một ai bên mình,  trong lúc khó khăn và có thể là nguy hiểm nhất này.

Cô chỉ có một mình cùng sự tủi nhục và đau đớn trong ngày sinh nở. (Ảnh chụp màn hình phim Mee Sindhutai Sapkal)

Sinh con trong chuồng bò, ăn bánh nướng trong lò hỏa thiêu và cuộc hành trình mới bắt đầu Ở  nơi tối tăm và hôi bẩn ấy, Sindhutai đã một mình sinh hạ một bé gái. Cô  đã tự cắt dây rốn cho con bằng một viên đá nhọn nhặt được trên sàn.  Không một ai trong gia đình chồng đoái hoài đến sự sống chết của  Sindhutai và đứa trẻ. Sindhutai quyết định trở về quê mẹ, nơi cô nghĩ  rằng ít nhất cô sẽ tìm được một nơi trú ngụ.

Mẹ ruột cũng không đón nhận cô gái trẻ. (Ảnh chụp màn hình phim Mee Sindhutai Sapkal)

Nhưng  cả làng đều quay lưng lại với người phụ nữ ấy. Cả mẹ cô cũng đóng sầm  cánh cửa nhà trước mắt cô gái trẻ đang một mình ôm đứa con đỏ hỏn.

Cô theo một cách nào đó cũng trở thành “trẻ mồ côi”. (Ảnh chụp màn hình phim Mee Sindhutai Sapkal)

Không  gia đình, không có một ai để nương tựa, không một nơi để trở về,  Sindhutai chỉ còn biết bế con trú vào một lò hỏa thiêu. Ở đó, cô đã nhìn  thấy cảnh người ta thiêu đi một cơ thể không còn sự sống. Sau buổi lễ,  người nhà của người đã khuất để lại một ít bột mì theo nghi lễ. Vì cái  đói đang hành hạ, cô đã lấy phần bột ấy nhào thành bánh và nướng trên  ngọn lửa vẫn đang tiếp tục nhiệm vụ hỏa thiêu của mình.

Khoảnh khắc bế tắc. (Ảnh chụp màn hình phim Mee Sindhutai Sapkal)

Có  những lúc, cái đói, cái vất vả và cay đắng của cuộc đời đã khiến  Sindhutai muốn buông xuôi. Một lần, cô đã buộc chặt đứa con nhỏ vào mình  để chuẩn bị kết thúc sự sống. Bất ngờ, một người ăn xin tới bên hai mẹ  con. Ông ấy dường như đang rất ốm và rất cần sự giúp đỡ. Giây phút ấy,  người phụ nữ trẻ tìm lại được mục đích sống của mình. Cô cần phải tiếp  tục, bởi trên cuộc đời còn rất nhiều người cần bàn tay chăm sóc của cô. Dành cả cuộc đời để trở thành Mẹ của 1400 đứa trẻ không nhà Trời  phú cho Sindhutai một giọng ca đẹp đẽ và ở tuổi 20, cô đã bắt đầu cất  lên giọng ca da diết ấy để xin ăn nơi các nhà ga, bến tàu, những ngôi chùa. Cô di chuyển từ nơi này qua nơi khác bằng tàu hỏa. Rất nhiều những  con đường đã in dấu bàn chân và tiếng hát của người phụ nữ trẻ nghị  lực. Cô hát và xin ăn không ngừng nghỉ để nuôi và chăm sóc đứa con bé  bỏng của mình. Trên những chuyến hành trình, Sindhutai đã xin gia nhập nhiều đoàn ăn xin, nhưng không chỉ xin  cho bản thân, cô dùng những gì kiếm được để chăm sóc cho những người  trong đoàn. Trái tim của Sindhutai khi ấy đã thấu hiểu được nỗi khổ đau  của những người cùng cảnh ngộ. Và nguồn nghị lực mạnh mẽ nội tại đã giúp  cô biến sự thương cảm thành lòng tận tụy và sự chăm sóc, yêu thương.Cô  đã tìm lại được mục đích sống của mình.

– Chăm sóc những số phận thiếu  may mắn khác. (Ảnh chụp màn hình phim Mee Sindhutai Sapkal)

Nhưng  người phụ nữ ấy dành sự thương cảm nhiều nhất cho những đứa trẻ mồ côi.  Những đứa bé sinh ra đã không được ai yêu  thương, che chở, mới vài tuổi  mà đã tự phải lăn lộn trong cuộc đời. Đã từng là một đứa trẻ không được  yêu thương, cô hiểu hơn ai hết những trẻ mồ côi này cần vòng tay chăm  sóc tới nhường nào. Từ đó, trên những chuyến hành trình xin ăn, cô bắt  đầu nhận những đứa trẻ không nhà làm con và tự nguyện chăm sóc chúng.“Khi  đi xin ăn trên những con phố và chiến đấu mỗi ngày để có thể sống sót,  tôi nhận thấy rằng có quá nhiều đứa trẻ mồ côi ngoài kia, chúng không có  một ai để nương tựa. Tôi quyết định sẽ chăm sóc và nuôi dạy chúng như  những đứa con của mình”.Với  quyết định chắc chắn ấy, Sindhutai đi xin ăn một cách nghiêm túc hơn   nhiều lần. Bà đã làm mọi điều có thể để nuôi nấng những đứa trẻ. Từ một  cô gái trẻ bị gia đình ruồng bỏ, người phụ nữ ấy quyết định dành cả cuộc  đời mình để trở thành mẹ, thành người mang đến tổ ấm cho hàng trăm  người khác.

Sindhutai đã trở người nuôi dưỡng những đứa trẻ tội nghiệp. (Nguồn ảnh: sindhutaisapakal.org

Trong suốt 40 năm sau đó, Sindhutai đã nỗ lực hết mình để nuôi nấng và dạy dỗ 1400 đứa trẻ vô gia cư, không chốn nương thân. “Nhờ ơn của các Thánh Thần, tôi có được một khả năng giao tiếp tuyệt vời.  Tôi có thể đi nói chuyện với mọi người và ảnh hưởng tới họ. Cái đói đã  dạy tôi biết nói năng. Tôi đã đi diễn thuyết ở rất nhiều nơi, nhờ đó tôi  có một chút tiền để nuôi dạy những đứa trẻ của mình”.Tới  nay, bà Sindhutai đã có bốn trại trẻ mồ côi. Tất cả những đứa trẻ được  bà nhận nuôi đều nhận được sự quan tâm và chăm sóc mà chúng cần. Không  một đứa trẻ nào bị gửi đi một gia đình khác.

Bà chăm lo từng bữa ăn cho những đứa trẻ. (Nguồn ảnh: sindhutaisapakal.org)

Không  chỉ chăm lo chuyện cơm ăn, áo mặc, bà Sindhutai còn rất quan tâm đến  việc chỉ dạy cho lũ trẻ trong việc học hành và trong cả cách làm người.

Nhưng bà cũng luôn quan tâm đến việc học hành của những đứa trẻ. (Nguồn ảnh: sindhutaisapakal.org)

Đặc  biệt, không giống như ở các trại trẻ mồ côi thông thường, dưới mái nhà  của bà Sindhutai, những đứa trẻ đều ở lại với bà ngay cả khi các em đã  tròn 18. Bà chỉ để các con rời đi khi chúng đã tìm được một công việc,  xây dựng gia đình và có thể tự mình ổn định cuộc sống trong thành phố.

Một người mẹ thành công 

chân dung của Sindhutai Sapkal. (Nguồn ảnh: sindhutaisapakal.org)

“Tôi  đã lớn lên thiếu thốn tình cảm huyết thống ruột thịt và thật sự thấy  điều đó cũng chẳng hề quan trọng. Đối với tôi, tình người mới là tất cả.  Tôi nhận ra ngôi nhà là anh chị em và tất cả những mối quan hệ của  những người xa lạ nhưng luôn dành tình cảm cho nhau”, bà Sindhutai tâm  sự. Tình người  mà bà trao đi đã giúp cho những đứa trẻ bị tưởng chừng như không có  tương lai ấy trở thành những lạp tử quan trọng trong xã hội. Nhiều người  trong số họ trở thành luật sư, bác sĩ và giảng viên đại học. Sindhutai  đã không chỉ trao cho những đứa trẻ thiếu may mắn một mái nhà, những bữa  ăn ngon, sự quan tâm. Mà hơn hết thảy, bà trao cho chúng cơ hội để làm  những con người tốt và có ích. Đó chính là điều lớn lao nhất mà những  bậc cha mẹ có thể làm cho con cái.

Giờ bà đã có 207 con rể, 36 con dâu và gần 1000 đứa cháu.

Bà còn dựng vợ gả chồng cho những đứa trẻ. (Nguồn ảnh: sindhutaisapakal.org)

Ngoài  tên gọi đầy trìu mến và tôn kính mà những đứa trẻ được bà nhận nuôi  dành tặng “Mẹ của những trẻ mồ côi”, bà Sindhutai đã dành được 750 giải  thưởng cho cống hiến của mình. Đúng như quyết định năm xưa, bà sử dụng  toàn bộ số tiền thưởng được nhận vào việc xây dựng và hoàn thiện những  trại mồ côi, để những đứa trẻ có thêm điều kiện sống đầy đủ và phong phú  hơn. Hiện nay, con gái và các con trai cũng chung tay giúp đỡ bà quản  lý các trại trẻ này.

Người phụ nữ mang đến mái nhà cho biết bao người. (Nguồn ảnh: sindhutaisapakal.org)

Chưa  bao giờ người phụ nữ nghị lực Sindhutai Sapkal để tâm trạng hay cuộc  sống riêng làm bà thất vọng hay xuống tinh thần. Hơn 40 năm, bà vẫn kiên  định đi trọn vẹn con đường để thực hiện sứ mệnh mà cuộc đời đã đặt vào  trái tim mình.

Nguồn ảnh: sindhutaisapakal.org

 Hy Văn

https://nguoiphuongnam52.blogspot.com/2018/05/nghi-luc-cua-ba-me-co-1400-ua-con.html?m=0

Những khoản nợ khủng phải trả của Quốc Cường Gia Lai

Ba’o Dat Viet

July 21, 2024

Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) hiện đang đối mặt với nhiều khoản nợ lớn từ ngân hàng và cá nhân, trong khi tài sản chủ yếu nằm ở khối hàng tồn kho nhiều nghìn tỉ đồng. Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1-2024 của QCG cho thấy nợ phải trả tính đến cuối tháng 3 năm nay lên tới 5.161 tỉ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm hơn 4.903 tỉ đồng.

Một điểm đáng chú ý là QCG vay tiền từ nhiều cá nhân và tổ chức liên quan, khác với nhiều doanh nghiệp khác. Tính đến cuối tháng 3-2024, tổng số tiền phải trả các bên sau vay mượn khoảng 670 tỉ đồng. Trong đó, bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc, đã cho công ty vay hơn 78,1 tỉ đồng; ông Lại Thế Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị, cho mượn hơn 18,2 tỉ đồng; bà Lại Thị Hoàng Yến, con gái Chủ tịch, cho vay hơn 9 tỉ đồng; và bà Nguyễn Ngọc Huyền My, con gái bà Như Loan, cho mượn 700 triệu đồng.

Các doanh nghiệp khác cũng trong danh sách cho QCG mượn tiền gồm Công ty Cổ phần Bất động sản Hiệp Phúc với 272 tỉ đồng, Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh nhà Phạm Gia với 152,8 tỉ đồng, và Công ty Cổ phần Thủy điện Mặt Trời với 62 tỉ đồng.

Ngoài các khoản vay từ cá nhân và tổ chức liên quan, QCG cũng có các khoản vay ngân hàng. Cuối quý 1-2024, công ty đang vay ngắn hạn Ngân hàng Liên doanh Việt Nga (chi nhánh Đà Nẵng) gần 107 tỉ đồng với lãi suất 8,5%/năm, đáo hạn ngày 1-1-2025, sử dụng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên các lô đất tại quận Liên Chiểu, Đà Nẵng làm tài sản thế chấp.

QCG cũng có hai khoản vay dài hạn tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Gia Lai để đầu tư cho hai nhà máy thủy điện. Khoản vay 101 tỉ đồng với lãi suất 8%/năm, đáo hạn tháng 4-2029, tài trợ dự án thủy điện Ia Grai 2, và khoản vay gần 198 tỉ đồng với lãi suất 8,4%/năm, đáo hạn tháng 6-2029, rót vào dự án thủy điện Ayun Trung. Cả hai khoản vay này đều dùng quyền sử dụng đất tại các dự án làm tài sản đảm bảo.

Hội đồng quản trị QCG đã thông qua việc chuyển nhượng cả hai dự án nhà máy thủy điện nói trên. Dự án Nhà máy thủy điện Ia Grai 2 có giá dự kiến khoảng 235 tỉ đồng, còn Nhà máy thủy điện Ayun Trung có giá bán dự kiến 380 tỉ đồng.

Ngoài các khoản nợ ngân hàng và cá nhân, QCG còn phải trả 2.882 tỉ đồng cho dự án Phước Kiển. Công ty đã kháng cáo một phần bản án, chỉ đồng ý trả 1.441 tỉ đồng, cho rằng họ là bên ngay tình và không biết nguồn gốc số tiền trên liên quan đến bà Trương Mỹ Lan.

Áp lực tài chính của QCG càng lớn hơn khi tổng tài sản 9.515 tỉ đồng chủ yếu nằm ở hạng mục tồn kho với 7.033 tỉ đồng, trong khi lượng tiền mặt chỉ còn 30 tỉ đồng. Bất động sản tồn kho chủ yếu đọng lại ở các dự án khu dân cư Phước Kiển, dự án Lavia, dự án Central Premium, và dự án Marina Đà Nẵng.

Giải trình về tình trạng kinh doanh suy giảm trong quý 1-2024, bà Như Loan cho biết thủ tục triển khai các dự án đều không được giải quyết, dẫn đến doanh thu và lợi nhuận của công ty giảm. Ngoài việc dự định bán nhà máy thủy điện, cuối tháng 2-2024, hội đồng quản trị QCG cũng đã thông qua chủ trương chuyển nhượng 31,39% cổ phần tại Công ty Cổ phần Quốc Cường Liên Á với giá khoảng 150 tỉ đồng.

(Ly Duong)