Donald Trump và Bernie Sanders thắng sơ bộ ở New Hampshire

Donald Trump và Bernie Sanders thắng sơ bộ ở New Hampshire
Nguoi-viet.com

CONCORD, New Hampshire (AP) Trong cuộc bầu cử sơ bộ ở tiểu bang New Hampshire hôm Thứ Ba, tỷ phú Donald Trump thắng bên phía đảng Cộng Hòa và Thượng Nghị Sĩ Bernie Sanders của tiểu bang Vermont thắng bên phía đảng Dân Chủ.

Kết quả này không có gì ngạc nhiên, đúng như tình hình những thăm dò dư luận cho biết trước đó, ông Trump và ông Sanders đã dẫn đầu từ nhiều tháng.


Thượng Nghị Sĩ Bernie Sanders (giữa) với khuôn mặt chiến thắng tại New Hampshire. (Hình: AP Photo/John Minchillo)

Theo CNN, ít nhất 1/2 cử tri Cộng Hòa và 1/4 cử tri Dân Chủ đã có quyết định chọn ai từ mấy ngày trước.

New Hampshire vẫn nổi tiếng là nơi xảy ra những bất ngờ qua bầu cử và thắng lợi của hai ứng cử viên “nổi loạn” này thể hiện tâm lý cử tri ở cả hai đảng đòi hỏi chuyển biến trong sinh hoạt chính trị nước Mỹ.

Ông Bernie Sanders chưa bao giờ là một tên tuổi quen biết, nên đối với ông, bầu cử sơ bộ New Hampshire vô cùng cần thiết để có thể nổi lên đủ khả năng đương đầu với bà Hillary Clinton.

Do đó, tại đây, ban tranh cử của ông Sanders đã tung tiền để mua thời lượng quảng cáo vận động truyền hình nhiều gấp ba lần đối thủ.

Tuy nhiên, bà Clinton đã thu ngắn cách biệt trong mấy ngày cuối so với hơn một tuần lễ trước, từ 61%-32% xuống còn khoảng 59%-38%.

Kết quả chưa chính thức bên phía Cộng Hòa: Donald Trump 34% – John Kasich 16% – Ted Cruz 12% – Jeb Bush 12% – Marco Rubio 11% – Chris Christie 8% – Carly Fiorina 5% – Ben Carson 3%.

Ông Donald Trump được phiếu của những cử tri muốn có một người ngoài giới chính trị truyền thống.

Thống Ðốc John Kasich của tiểu bang Ohio nổi lên tại New Hampshire nhờ ủng hộ của cử tri tin tưởng một ứng cử viên đã có nhiều kinh nghiệm, có khuynh hướng ôn hòa, và những cử tri trình độ giáo dục khá.

Ủng hộ Thượng Nghị Sĩ Ted Cruz của tiểu bang Texas là những cử tri bảo thủ mạnh mẽ và dân Thiên Chúa Giáo.

Ông Bernie Sanders được ủng hộ của 3/4 khối cử tri độc lập và cử tri dưới 45 tuổi.

Cử tri ủng hộ bà Clinton có tuổi trung bình 65 và thu nhập trên $200,000.

Ông Trump sẽ chiếm được khoảng 10 trong số 23 đại biểu New Hampshire tham dự đại hội đảng.

Như thế, sau hai cuộc bầu cử Iowa và New Hampshire, ông Trump dẫn đầu về số đại biểu, tuy nhiên, con số này chưa là bao so với số cần thiết 1,237 đại biểu ở đại hội đảng được tổ chức vào Tháng Bảy tại Columbus, Ohio.

Ông Sanders có thể được 15 trong số 24 đại biểu, và bà Clinton được 9, không kể 8 siêu đại biểu chưa biết sẽ đứng về phía ai.

Cho đến tối Thứ Ba, trong số siêu đại biểu Dân Chủ toàn quốc, bà Clinton hy vọng thu được 392 đại biếu, còn ông Sanders hy vọng được 42.

Tại đại hội đảng Dân Chủ được tổ chức vào Tháng Bảy ở Philadelphia, Pennsylvania, một ứng cử viên cần có 2,383 đại biểu để được đảng đề cử tranh chức tổng thống vào Tháng Mười Một.

Tính về số đại biểu, hai cuộc bầu cử đầu tiên mới chỉ cung cấp cho các ứng cử viên thắng khoảng 1% tổng số đại biểu cần thiết tại đại hội.

Cũng cho đến tối Thứ Ba, CNN đưa ra xác suất được đề cử tại đại hội đảng Cộng Hòa của ông Trump là 38% và tại đại hội đảng Dân Chủ của ông Sanders 25%.

Ðặc điểm của cuộc bầu cử sơ bộ New Hampshire

Quốc Hội New Hampshire thông qua dự luật tổ chức bầu cử sơ bộ năm 1913 và cuộc bầu cử lần thứ nhất được tổ chức năm 1916, đến nay là đúng 100 năm.

Ðể giành tiếng nói quan trọng trong tiến trình bầu cử tổng thống, tiểu bang này chủ trương “thi đua bầu cử sớm nhất.”

Luật quy định bầu cử New Hampshire phải là đầu tiên trên toàn quốc và trước những cuộc bầu cử khác ít nhất một tuần lễ.

Nếu các tiểu bang khác tổ chức bầu cử sớm hơn, New Hampshire đẩy ngày lên theo.

Do đó, từ 1952 tới 1968, New Hampshire bầu cử vào ngày Thứ Ba thứ nhì trong Tháng Ba; tới 1972 chuyển lên Thứ Ba thứ nhất của Tháng Ba; từ 1976 đến 1984 lên Thứ Ba thứ tư của Tháng Hai; 1988 tới 1996 là Thứ Ba thứ ba của Tháng Hai; và năm nay là Thú Ba thứ nhì trong Tháng Hai.

Iowa bầu cử sớm hơn, ngày 1 Tháng Hai, nhưng bằng hình thức “caucus,” do đảng tổ chức, để cử tri bầu chọn đại biểu trong nội bộ. Không có cạnh tranh về thời điểm vì New Hampshire cho rằng tiểu bang này mới là “primary” đầu tiên.

“Primary” do tiểu bang tổ chức cho cả hai đảng, và cử tri bỏ thẳng lá phiếu ghi tên ứng cử viên chứ không phải là bầu chọn những người đại diện của ứng cử viên.

Số đại biểu được New Hampshire đề cử tham dự đại hội đảng là 23 bên Cộng Hòa và 32 bên Dân Chủ. Tất cả 23 đại biểu Cộng Hòa đều thuộc loại có tuyên hứa sẽ ủng hộ ứng cử viên mà họ là đại diện (căn cứ theo phiếu cử tri).

Nhưng trong số 32 đại biểu Dân Chủ, chỉ có 24 là loại tuyên hứa, còn lại 8 là siêu đại biểu (do đảng chỉ định), có quyền tùy ý ủng hộ ứng cử viên nào mà họ muốn tại đại hội.

Toàn tiểu bang có 319 địa điểm đầu phiếu. Các phòng phiếu bắt buộc phải mở cửa từ 11 giờ sáng đến 7 giờ tối ngày Thứ Ba, nhưng mỗi thành phố có thể ấn định thời biểu riêng. Hầu hết thời gian bỏ phiếu từ 8 giờ sáng đến 7 giờ tối, một vài nơi bắt đầu tử 7 giờ sáng và khoảng 20 nơi khác kéo dài đến 8 giờ tối. Ba thị trấn nhỏ mở cửa từ nửa đêm và đóng cửa khi hết cử tri.

Tính tới ngày 28 Tháng Mười Hai, 2015 có 873,932 cử tri ghi danh đi bầu, 26% Dân Chủ, 30% Cộng Hòa, 44% độc lập (không chọn đảng nào). Cử tri mới đi bầu có thể ghi danh ngay trong ngày bầu cử.

Cử tri độc lập được quyền chọn lựa bỏ phiếu “primary” bên Dân Chủ hay Cộng Hòa và sự chọn lựa ấy chỉ có giá trị trong kỳ bầu cử này, sau đó trở lại tư cách độc lập. Do chiếm một tỷ lệ cao, cử tri độc lập ở New Hampshire là thành phần có vai trò quyết định trong bầu cử ở cả hai đảng và làm cho khó đoán trước kết quả.

New Hampshire ảnh hưởng quan trọng đến tiến trình bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, vì là đầu tiên và do đó được truyền thông theo dõi chặt chẽ, loan tin đầy đủ nhất. Người ta muốn xem ứng cử viên nào sẽ nổi lên qua trận đấu đầu tiên này.

Tất cả các ứng cử viên đều dành một số thời gian lớn cho việc vận động tại đây, họ đến tiểu bang nhỏ bé này nhiều lần, nói chuyện ở những cuộc tập họp quần chúng, những cuộc hội họp, cố gắng tiếp xúc với từng nhóm và từng cá nhân cử tri.

Vận động trực tiếp như thế có ý nghĩa và giá trị hơn các vận động tại những tiểu bang khác, có những nơi cử tri hầu như chỉ biết về ứng cử viên một cách gián tiếp qua truyền đơn, tin tức, báo chí, và quảng cáo trên truyền hình.

Có người nói là cử tri New Hampshire có sự hiểu biết tường tận và thận trọng đánh giá người mà họ lựa chọn ủng hộ. Tuy nhiên, thành phần cử tri New Hampshire đa số là da trắng, có thể đại diện tương đối đúng cho khuynh hướng của dân chúng vùng New England, nhưng không đủ là thể hiện chung cho toàn nước Mỹ, với các khối cử tri không phải dân da trắng càng ngày càng chiếm vai trò quan trọng.

Trong mọi trường hợp, ứng cử viên nào chỉ đạt được một thành tích quá kém ở New Hampshire bị coi như không còn triển vọng tranh cử sau này nữa.

Năm 1952, đương kim Tổng Thống Harry Truman thua ứng cử viên Estes Kefauver ở sơ bộ New Hampshire và quyết định không tranh cử nhiệm kỳ thứ hai. Năm 1968, thời chiến tranh Việt Nam, Tổng Thống Lyndon Johnson chỉ thắng sít sao Thượng Nghị Sĩ Eugene McCarthy và rút lui với lời tuyên bố nổi tiếng trên truyền hình: “Tôi sẽ không tìm và sẽ không nhận sự tiến cử của đảng tôi cho một nhiệm kỳ tổng thống khác.”

Nhưng trong năm 2008, Thượng Nghị Sĩ Barack Obama thua Thượng Nghị Sĩ Hillary Clinton ở New Hampshire rồi sau đó thắng tại nhiều cuộc bầu cử sơ bộ ở những tiểu bang khác và trở thành ứng cử viên được đảng Dân Chủ đề cử.

Qua 10 kỳ bầu cử tổng thống gần đây, từ năm 1980, 20 ứng cử viên thắng sơ bộ ở New Hampshire có tám ứng cử viên Cộng Hòa và bảy ứng cử viên Dân Chủ được đề cử đại diện cho đảng trong cuộc bầu cử tổng thống.

Cuối cùng, trong số đó, bốn ứng cử viên Cộng Hòa và ba ứng cử viên Dân Chủ đắc cử tổng thống. (HC)

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay