Thánh Columban & Thánh Leonard ở Cảng Maurice

Thánh Columban
(543? – 615)
25 Tháng Mười Một

Thánh Columban là nhà truyền giáo nổi tiếng người Ái Nhĩ Lan, hoạt động ở Âu
Châu. Khi còn là thanh niên, ngài bị đau khổ dữ dội vì sự cám dỗ của xác thịt,
ngài phải xin sự cố vấn của một bà đạo đức sống ẩn tu lâu năm. Qua lời khuyên
bảo của bà, ngài nhìn thấy ơn gọi của mình. Ðầu tiên ngài là một tu sĩ trên đảo
Lough Erne, sau đó ngài theo học tại tu viện Bangor.
Sau nhiều năm sống tách biệt để cầu nguyện, ngài đến xứ Gaul (nước Pháp bây
giờ) để truyền giáo cùng với 12 người bạn. Các ngài được dân chúng quý trọng vì
sự hăng say rao giảng, làm việc tông đồ, và luôn tuân giữ lời khấn bác ái,
trong khi tu sĩ thời ấy thì lười biếng và dân chúng luôn luôn xung đột. Thánh
Columban thiết lập vài tu viện ở Âu Châu mà sau này trở thành các trung tâm tôn
giáo và văn hóa.
Như mọi vị thánh khác, ngài cũng bị chống đối. Cuối cùng ngài phải cầu khẩn
đến đức giáo hoàng để chống với cáo buộc của các giám mục người Pháp, nhằm minh
xác điều ngài giảng dạy là chân thật và chấp thuận các tục lệ của Ái Nhĩ Lan.
Ngài khiển trách nhà vua về đời sống dâm loạn của ông dù đã thành hôn. Do đó,
thánh nhân đã bị trục xuất trở về Ái Nhĩ Lan. Vì bão lớn, tầu của ngài bị mắc
cạn, và ngài lại tiếp tục công việc truyền giáo ở Âu Châu, sau cùng ngài đến
nước Ý, là nơi ngài được tiếp đón ân cần bởi ông vua của người Lombard. Trong
những năm cuối đời, ngài thiết lập một tu viện nổi tiếng ở Bobbio, và cũng là
nơi ngài từ trần. Các văn tự ngài để lại gồm một luận án về sự ăn năn sám hối và
các văn bản chống với bè rối Arian, các bài giảng, thi ca và quy luật tu viện.

Lời Bàn

Sự phóng túng tình dục ngày nay đã đến mức quá độ, chúng ta cần nhớ đến
gương mẫu sống động của những thanh niên sống khiết tịnh như Thánh Columban. Và cuộc sống an nhàn của thế giới Tây Phương ngày nay trái ngược với hình ảnh bi
thảm của hàng triệu người đang chết đói, chúng ta phải chịu khó sống khắc khổ
và có kỷ luật như các tu sĩ Ái Nhĩ Lan. Chúng ta cho rằng, họ quá nghiêm khắc,
họ đi quá xa. Nhưng chúng ta sẽ đi được tới đâu?

Lời Trích

Trong thư gửi cho đức giáo hoàng nói về sự tương tranh ở Lombardy, Thánh
Columban viết: “Chúng con là người Ái Nhĩ Lan, sống ở bên kia quả địa
cầu, là những người theo Thánh Phêrô và Phao-lô và các môn đệ đã viết ra những
quy tắc thiêng liêng dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Chúng con không
chấp nhận những gì khác hơn là giáo huấn và truyền thống tông đồ này… Con thú
nhận là con rất đau lòng vì điều tiếng xấu về ngai tòa Thánh Phêrô ở quốc gia
này… Mặc dù Rôma thật xa cách, nhưng chúng con rất tôn trọng chỉ vì ngai tòa
này… Xin Ðức Thánh Cha hãy để ý đến sự bình an của Giáo Hội, xin ngài đứng
giữa đàn chiên và bầy sói.”
*      *       *       *        *       *       *       *        *        *        *       *       *       *
Thánh Leonard ở Cảng Maurice

(1676-1751)

26 Tháng Mười Một
Thánh Leonard, người được Thánh Alphonsus Liguori gọi là “nhà truyền giáo vĩ đại của thế kỷ 18”, cũng là một tu sĩ Phanxicô cố gắng đến truyền giáo ở Trung Cộng nhưng thất bại, và ngài đã thành công lớn trong một số công việc khác. Cha của Leonard là một thuyền trưởng mà gia đình sinh sống ở cảng Maurice nằm về phía đông bắc của bờ biển nước Ý. Vào lúc 13 tuổi, Leonard đến Rôma sống với người chú là Agostino và học tại trường Roman College. Leonard là một sinh viên giỏi mà cha mẹ muốn ngài theo đuổi ngành y khoa. Tuy nhiên, vào năm 1697, ngài gia nhập dòng
Phanxicô, trái với sự chống đối quyết liệt của người chú. Sau khi thụ phong
linh mục, Leonard bị mắc bệnh lao và được gửi về nhà để tĩnh dưỡng hoặc chờ
chết. Ngài hứa rằng nếu được khỏi bệnh ngài sẽ tận hiến cho việc truyền giáo và
hoán cải kẻ tội lỗi. Không bao lâu, ngài được lành bệnh và bắt đầu quãng đời 40
năm tận tụy rao giảng trong các cuộc tĩnh tâm, trong mùa Chay và trong các cuộc
canh tân giáo xứ (tuần đại phúc) trên toàn nước Ý. Cuộc tĩnh tâm thường kéo dài
từ 15 đến 18 ngày và ngài thường ở lại thêm một tuần nữa để giải tội. Sau những
lần tổ chức tĩnh tâm, để duy trì lòng đạo đức sốt sắng của giáo dân, Cha Leonard thường cổ võ việc Ngắm Ðàng Thánh Giá, mà thời ấy rất ít người tham dự.
Ngài cũng thường rao giảng về Thánh Danh Giêsu. Cha Leonard được phong thánh
vào năm 1867; vào năm 1923, ngài được đặt làm quan thầy cho những ai chuyên đi
giảng về tuần đại phúc.
Lời Bàn
Sự thành công của một người đến rao giảng trong buổi tĩnh tâm thì tùy thuộc vào lòng nhiệt thành của họ có bền bỉ với thời gian hay không. Ðiều khác biệt là sự hoán cải của người tham dự. Ðối với Thánh Leonard, việc Ngắm Ðàng Thánh Giá và xưng tội thường xuyên sẽ giúp  giáo dân giữ được lòng đạo đức mà ngài đã khơi dậy qua lời rao giảng. Lần sau cùng bạn Ngắm Ðàng Thánh Giá là khi nào?
Lời Trích
Có lần Thánh Leonard nói, “Nếu vào lúc tôi chết, Thiên Chúa khiển trách tôi vì quá nhân từ với kẻ tội lỗi, tôi sẽ thưa, ‘Lạy Chúa Giêsu, nếu nhân từ với kẻ tội lỗi là một sai lầm thì đó là sự sai lầm con học được từ Ngài, vì Chúa không bao giờ khiển trách bất cứ ai đến với Ngài để xin được thương xót” (Trích trong cuốn Thánh Leonard ở
Cảng Maurice, t. 9, của Leonard Foley, O.F.M.).
nguồn: Maria Thanh Mai gởi
Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay