Cả hệ thống tư pháp Việt Nam xin lỗi một tử tù sau 46 năm

 Cả hệ thống tư pháp Việt Nam xin lỗi một tử tù sau 46 năm

Nguoi-viet.com

Dù sao ông Trần Văn Thêm cũng còn may mắn là rửa được tiếng nhơ trước khi nhắm mắt lìa đời! (Hình: VNExpress)

Dù sao ông Trần Văn Thêm cũng còn may mắn là rửa được tiếng nhơ trước khi nhắm mắt lìa đời! (Hình: VNExpress)

HÀ NỘI (NV) – Bộ Công An, Viện Kiểm Sát Tối Cao và Tòa Án Tối Cao của Việt Nam vừa tổ chức xin lỗi ông Trần Văn Thêm, một tử tù 80 tuổi, nay đang ngụ tại huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Tính ưu việt của “pháp chế xã hội chủ nghĩa” tại Việt Nam đã tạo ra trường hợp có thể xem là duy nhất trên thế giới: Nạn nhân của một vụ cướp nhưng bị kết án tử. Mang án tử hình song được tại ngoại suốt  43 năm!

Tháng 7 năm 1970, khi đi buôn thuốc  lào ông Thêm và một người em họ tên là Nguyễn Khắc  Văn bị cướp. Ông Thêm bị đánh tét đầu nhưng không chết  còn người em họ thì thiệt mạng.

Sau đó ông Thêm bị cáo buộc giết ông Văn để cướp tài sản và bị bắt. Ông Thêm kêu oan nhưng hệ thống tư pháp của nhà nước “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” lúc đó nhận định ông chính là hung thủ, vết thương trên đầu khiến ông Thêm từng rơi vào tình trạng “thập tử, nhất sinh” là do ông… tự tạo.

Ông Thêm bị biệt giam cho đến năm 1973 thì bị mang ra xử. Cả tòa án cấp  sơ thẩm lẫn tòa án cấp  phúc thẩm đều tuyên tử hình. Sau ba năm bị biệt giam để điều tra, ông Thêm có thêm ba năm ngồi  đếm thời gian, chờ lúc bị mang ra pháp trường xử bắn.

Năm 1975, hệ thống tư pháp Việt Nam bắt được thủ phạm thật sự. Năm 1976, ông Thêm được thả. Trại giam mở cửa tống ông ra ngoài kèm với một tờ giấy cho biết  ông Thêm được tha do… mất  sức lao động!

Hàng xóm và thân nhân ông Văn – cũng là bà con của ông Thêm, không thèm nhìn mặt ông. Họ nghĩ ông tiêu lòn nên được tại ngoại.

Ðó cũng là lý do ông Thêm quyết định kêu oan. Tiến trình kêu oan của ông Thêm kéo dài hơn bốn  thập niên vì ông Thêm bị tống giam không có lệnh bắt, bị phạt tử hình nhưng không có bản án nào trong tay. Tờ giấy ghi nhận chuyện ông được tha do mất sức lao động thì bị chính quyền địa phương thu rồi làm mất, trong khi hệ thống tư pháp của nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam thì đòi ông Thêm phải tự chứng minh là ông đã từng bị bắt, từng bị… kết án tử hình!

Ông Thêm cứ đi tới, đi lui cho tới khi kiệt sức. Cháu của ông thấy tội nghiệp nên đi thay. Cách nay hai năm, chuyện đến tai một số luật sư. Vừa thấy  bất bình, vừa thấy  tội nghiệp ông Thêm nên họ nhập cuộc và chỉ trong một thời gian ngắn đã moi ra cả bản án sơ thẩm lẫn phúc thẩm.

Tới lúc này thì hệ thống tư pháp của nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam không thể làm ngơ được nữa. Những scandal về một số oan án bùng lên vào thời điểm đó đã buộc chính quyền phải truy cứu trách nhiệm hình sự một số điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán nhằm an dân. Vậy là Tòa Án Tối Cao đứng ra đảm nhận vai trò “đèn giời” để “soi xét” cho ông Thêm…

Báo chí Việt Nam tường thuật rằng  họ không đủ ngôn từ để diễn tả những đắng  cay mà ông Thêm và gia đình phải gánh chịu trong hơn bốn thập niên vừa qua. Chỉ có thể tóm tắt là khi ông Thêm vào tù, vợ ông phải làm việc quần quật để nuôi sáu đứa con. Sau khi ông được tha vì “mất sức lao động” thì bà qua đời vì kiệt sức.

Theo dân chúng ở thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Giang thì gia đình ông Thêm thuộc loại nổi tiếng vì… nghèo. Nhiều người khẳng định với tờ Tuổi Trẻ rằng, gia đình ông chưa… chết đói là may lắm rồi! Ðáng nói là đa số vẫn tin ông Thêm nghèo đói, túng cực là do bị… báo oán vì… giết người!

Mắt ông Trần Văn Thêm giờ đã mờ. Chân ông đã run, đi đứng phải có người dìu. Ông khẳng định ông không nghĩ tới chuyện đòi bồi thường mà chỉ muốn rửa tiếng nhơ đã phải mang hơn nửa cuộc đời. (G.Ð)

Diễn viên Minh Béo có thể bị tù 18 tháng

Diễn viên Minh Béo có thể bị tù 18 tháng

 

 

NGUOI VIET

Diễn viên Minh Béo tại nhà tù ở Santa Ana hôm 15/4

Diễn viên hài kịch Minh Béo nhận tội có quan hệ tình dục với nam thiếu niên 16 tuổi và có thể bị phạt tù 18 tháng tại Hoa Kỳ.

Ông Hồng Quang Minh, có nghệ danh là Minh Béo, 38 tuổi, bị buộc hai tội danh quan hệ tình dục bằng miệng với trẻ vị thành niên và có ý định thực hiện hành vi dâm ô với trẻ dưới 14 tuổi, Văn phòng Biện lý Quận Cam nói.

Ông Minh có thể sẽ bị phạt tù đến 18 tháng và bị ghi tên là tội phạm tình dục suốt đời khi ông ra tòa vào tháng 12/2016, các công tố viên nói.

Ông Hồng Quang Minh nổi tiếng tại Việt Nam là một diễn viên hài kịch, đạo diễn sân khấu. Ông đi từ Việt Nam đến Quận Cam và Atlanta. Vào ngày 20/3, ông gặp một nhóm vũ công trong chương trình tài năng tại Huntington Beach và nói với nhóm ông tổ chức một buổi thử giọng cho một chương trình khác.

Hãng tin AP dẫn lời công tố viên nói, ba ngày sau đó, ông xâm hại tình dục một nam thiếu niên 16 tuổi tham gia buổi diễn thử. Thiếu niên này đã báo cảnh sát. Ngày sau đó, một sĩ quan cảnh sát Garden Grove đóng giả làm một thiếu niên liên hệ với ông Minh, và ông đồng ý gặp với ý định toan thực hiện hành vi dâm ô.

Diễn viên hài kịch này bị bắt vào ngày 24/3.

Sau khi bị bắt, ông Minh bị suy sụp, bỏ bữa ăn và sụt cân gần 70 pounds (hơn 31kg), nhưng ông đã viết bốn tiểu phẩm khi đang ở trong tù, cậu của diễn viên, ông Nguyễn Thiện Thành nói với tờ Los Angeles Times tháng trước.

Vụ án “giống một vở trong nhà ngoài phố,” Cậu của diễn viên nói. “Đó là thứ bạn thường xem thấy trên TV.”

Ông Hồng Quang Minh, nổi tiếng với nghệ danh Minh Béo, xuất hiện trên nhiều chương trình truyền hình và phim ảnh ở Hoa Kỳ và Việt Nam. Ông từng có ý định mở trường dạy người mẫu và tiếp tục một chương trình truyền hình hài kịch tên Lục Lạc Vàng.

DÙNG THỜI GIỜ SAO CHO PHẢI ĐẠO LÀM NGƯỜI CON CHÚA

DÙNG THỜI GIỜ SAO CHO PHẢI ĐẠO LÀM NGƯỜI CON CHÚA

 Tuyết Mai

Hằng ngày chúng ta chứng kiến tận mắt hay trên những clips của internet đã thấy biết bao nhiêu tai nạn thảm khốc do rất nhiều lý do đưa đến từ đụng xe chết, bị giựt bóp chết, đánh lộn nhau mà chết, giựt tiền từ các trạm ATM chết, trẻ em bị bắt cóc để lấy nội tạng chết, thai nhi bị nạo ra chết và những cái chết người có con số đông người tử nạn là do nhóm ISIS cực đoan gây ra cùng chưa kể những cái chết người không thể tránh khỏi là do Thiên Tai đưa đến.

Hay cái chết gần nhất là những người rất thân thương từ trong gia đình hoặc từ bạn bè của chúng ta đang sống gần gũi với nhau hằng ngày đây.   Ấy thế mà cuộc đời trần thế nó hình như có ma lực sao đó cho nên ai chết thì đã chết rồi và kể như chấm hết sau cái ngày ma chay và chôn cất họ xong.   Có lưu luyến hay không thì ngoài mặt chẳng ai biết cả.   Và chắc hẳn những người vay nợ họ với số tiền lớn lại không chừng cảm thấy là ngày vui rất lớn nên mở tiệc nhỏ ăn mừng vì chủ nợ đã chết.

Hay con người của chúng ta đã được tập luyện cách sống quá hay, quá giỏi, quá vô cảm đến độ chúng ta sống ngày qua ngày cách rất là máy móc gần giống như những Robots được cấu tạo để dần thay thế con người của thời buổi ngày nay.   Như chúng ta cảm thấy các bác sĩ, các y tá, thầy cô giáo cùng những người trong nghề mà mục đích chính của họ là ra để phục vụ con người nhưng sao chúng ta không cảm nhận được điều đó nơi họ một chút nào cả mà nếu không có tiền thì họ dửng dưng không chút quan tâm?.

Đừng nói chi đến chuyện giữ đạo thưa có phải? Vì đạo làm người mà họ còn không có được thì nói chi đến Thiên Chúa, Đức Maria, các Thiên Thần và các Thánh ở trên Trời xa lắc xa lơ mà phi thuyền con thoi vĩ đại và hiện đại nhất của Mỹ đang sở hữu có phóng đến mấy tỷ năm cũng chưa tới được hành tinh xa nhất của vũ trụ vô tận cùng mà do bàn tay Thiên Chúa đã tác thành.

Thế gian đã dạy hết thảy chúng ta ở tuổi rất sớm là sống phải có tiền, phải có địa vị trong xã hội, phải là người thành công là ông này bà nọ mà thành công là phải chứng minh qua quyền lực của người đó vì người càng có quyền lực thì càng phải có thật nhiều tiền như hầu hết các tỷ phú bên Mỹ ai cũng biết đến danh tiếng của họ dù tiếng ấy là tiếng thơm như ông Bill Gates, ông Warren Buffet, v.v… hay tiếng xấu của nhà triệu phú Donald Trump đang chạy chức tổng thống hiện nay.   Vì lời nói của họ có tầm ảnh hưởng đến toàn thế giới lận.   Ai có chơi thị trường chứng khoán (STOCK) thì đều biết.

Nhưng có phải sự giầu xụ ấy của họ có thể giúp họ sống đời được đâu? Ấy thế mà ít có ai dành thời giờ để chuẩn bị cho mình một cuộc sống hạnh phúc ở đời sau trên Nước Trời cả.   Ấy thế mà họ sống như thể họ sẽ luôn tránh được hay thoát khỏi được những tai nạn có thể xẩy đến cho họ như rớt máy bay, nhà nằm trên khoảng đất lún.   Hay bất thình lình họ bị mang chứng bệnh ung thư ở giai đoạn cuối, bị lây dịch bệnh chết người như Abola vừa mới năm rồi đây, v.v…

Chúng ta thấy nhan nhãn những người giầu có họ ao ước một ngày có được trên 24 tiếng vì họ nói thời giờ nó đẻ ra tiền cho họ.   Họ biết dùng tiền đầu tư từ một nhà mà nó đẻ ra thành nhiều nhà rồi thì đất đai cũng thế.   Thời giờ của họ thật không để mất dù là một phút/giây và đầu óc của họ không ngừng tính toán.

Có cặp vợ chồng kia công nhận họ giỏi lắm, cứ mỗi năm họ làm ăn gian dối tiền của chính phủ nên năm nào họ cũng sắm được một dãy tòa nhà để cho mướn từ 1 triệu cho đến 2 triệu đô la.   Nhưng nhìn thật sâu vào gia đình của họ thì thật là buồn đến thê thảm.   Vợ chồng thì như sống hờ với nhau qua mối liên hệ chỉ trên tiền bạc/giấy tờ.   Con thì mang bệnh trầm kha thật lâu rồi chết vì thiếu sự chăm lo tận tình của người mẹ.   Con trai thì hư hỏng theo băng đảng vì biết cha mẹ quá giầu.

Có phải vì lòng người THAM LAM nên bị chúng quỷ bịt mắt và làm lòa đôi con mắt nên chẳng còn thấy Thiên Chúa ở đâu nữa và nguy hiểm hơn cả ở điều mà chúng ma hoặc để họ chẳng bao giờ có thời giờ nghĩ đến cái CHẾT.   Cho đến một ngày nào đó rất không ngờ thì họ bị đối diện đến cái CHẾT thì hỡi ôi đã quá muộn màng, không còn kịp nữa.

Lạy Thiên Chúa là Đấng giầu lòng thương xót! Xin thương ban cho hết thảy chúng con biết dùng thời giờ Chúa ban vào những công việc hữu ích cho đời sống tốt lành nhất là từ trong gia đình của từng người chúng con.   Gìn giữ linh hồn sống đời của chúng con.   Giúp chúng con luôn biết làm giầu trong NHÂN ĐỨC là biết giúp đỡ chia sẻ cho những anh chị em nghèo khổ, khốn cùng, khuyết tật, đang sống rất thiếu thốn hằng ngày chung quanh chúng con.  Amen.

Y Tá của Chúa,

Tuyết Mai

11 tháng 8, 2016

LM Đặng Hữu Nam: Hiến pháp không cấm thì chúng tôi được phép biểu tình

LM Đặng Hữu Nam: Hiến pháp không cấm thì chúng tôi được phép biểu tình.

Hòa Ái, phóng viên RFA

RFA
 

AMTV1.jpg

Giáo phận Vinh với Một Ngày Vì Môi Trường hôm 7/8/2016.

 Photo courtesy of tiengdanvietmedia.com

03:32/07:27

Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

Vào hôm Chủ nhật, mùng 7 tháng 8, cộng đoàn giáo dân thuộc giáo phận Vinh hưởng ứng lời kêu gọi “Một ngày vì môi trường” của Ủy ban Công lý và Hòa Bình giáo phận Vinh. Hòa Ái có cuộc trao đổi với Linh mục Đặng Hữu Nam, quản xứ giáo xứ Phú Yên, là một trong những người tổ chức sự kiện này với lời khẳng định cộng đoàn giáo dân Vinh sẽ tiếp tục hoạt động vì môi trường.

Hòa Ái: Hòa Ái xin phép kính chào Linh mục Đặng Hữu Nam. Trước hết, kính nhờ Linh mục chia sẻ về tinh thần tham gia “Một ngày vì môi trường” của giáo dân thuộc giáo phận Vinh vào Chủ Nhật, mùng 7 tháng 8 vừa qua.

Linh mục Đặng Hữu Nam: Vào Chủ Nhật, ngày 7 tháng 8 vừa qua, với lời kêu gọi của Ban Công lý và Hòa Bình của giáo phận Vinh và của Đức Giám mục giáo phận PhaoLô Nguyễn Thái Hợp thì tất cả mợi người trong giáo phận cũng như tất cả giáo xứ rất là hồ hởi và người ta sẵn sàng xuống đường, sống và hành động cho một ngày vì môi trường rất rầm rộ.

Tất cả giáo xứ đã tổ chức dâng thánh lễ, thắp nến cầu nguyện và dọn vệ sinh môi trường sống của mình và người ta đã tổ chức những cuộc tuần hành ở một số nơi, xuống đường biểu tình để sống vì môi trường, kêu gọi bảo vệ môi trường, phản đối Formosa xả thải chất độc và chôn chất độc hại hủy diệt môi trường tại Việt Nam cũng như kêu gọi mọi người ý thức về việc bảo vệ môi trường sống của mình.

Hòa Ái: Thưa Linh mục, qua sinh hoạt của giáo dân ở Vinh trong “Một ngày vì môi trường”, Linh mục có nghe những chia sẻ hay thông điệp nào từ các giáo xứ khác khắp Việt Nam rằng tinh thần này được lan tỏa hay không?

Với tôi hay với bất cứ ai, Hiến pháp  không cấm thì có nghĩa rằng người dân được phép làm. Vì thế chúng tôi được phép biểu tình.
– Linh mục Đặng Hữu Nam

 Linh mục Đặng Hữu Nam: Không chỉ riêng gì giáo phận Vinh mà hầu hết các giáo xứ trên dải đất Việt Nam, họ đều hưởng ứng “Ngày vì môi trường” với giáo phận Vinh và hiệp thông với giáo phận Vinh bằng những thánh lễ và các cuộc thắp nến cầu nguyện và hiệp thông với giáo phận Vinh trong “Ngày vì môi trường” để cầu nguyện cho các nạn nhân của môi trường cũng như góp phần của mình vào việc bảo vệ môi trường sống.

Đặc biệt là có một số tôn giáo bạn cũng gửi những lời ngợi khen và lời cảm ơn đến giáo phận Vinh vì đã có sáng kiến tổ chức “Ngày vì môi trường”; hay một số nhà đấu tranh và các tổ chức xã hội dân sự, họ cảm thấy rất hãnh diện và ngưỡng mộ vì sáng kiến của giáo phận Vinh và họ chia sẻ rằng đó cũng là bài học cho họ vì họ cũng muốn làm cho tinh thần đó và hành động đó được nhân lên trong khắp Việt Nam để con người sống vì môi trường với những hành động thiết thực hơn.

Không có đàn áp

Hòa Ái: Trở lại với sinh hoạt trong ngày Chủ Nhật vừa rồi, bên cạnh số lượng giáo dân tham gia lên đến hàng ngàn người thì cũng có sự xuất hiện của hàng ngàn cảnh sát, an ninh, lực lượng cơ động. Giới quan sát cho rằng đây là một dấu hiệu tích cực bởi vì không thấy có sự can thiệp thô bạo nào. Linh mục nhận định như thế nào, thưa Linh mục?

Linh mục Đặng Hữu Nam: Với bản thân tôi nhận định rằng nếu chúng ta xét về hiện tượng thì so với các cuộc biểu tình ở Hà Nội, Sài Gòn bị nhà cầm quyền đàn áp thì chúng ta thấy đây có một sự biến chuyển tích cực. Nhưng bên cạnh đó chúng ta cũng sẽ thấy khía cạnh mặt trái của vấn đề. Bởi vì vào ngày Chủ Nhật vừa qua, chúng ta cũng thấy riêng việc xuống đường biểu tình phản đối Formosa và kêu gọi bảo vệ môi trường thì có hơn 10 ngàn người ở giáo phận Vinh xuống đường biểu tình như vậy. Về tương quan lực lượng, chắc chắn rằng chính quyền hành xử một cách khôn ngoan khi không có sự đàn áp xảy ra.

Với bản thân tôi nhận định rằng nếu chúng ta xét về hiện tượng thì so với các cuộc biểu tình ở Hà Nội, Sài Gòn bị nhà cầm quyền đàn áp thì chúng ta thấy đây có một sự biến chuyển tích cực.
– Linh mục Đặng Hữu Nam

 Tôi là người không phải chủ trương bạo động và chúng tôi quyết tình, quyết chí không sử dụng đến bạo lực nhưng chúng ta cũng có thể nhận định rằng phải chăng Nhà nước Việt Nam cũng nhìn đến tương quan lực lượng và sẽ nhìn đến hậu quả nặng nề hơn khi xảy ra các cuộc đàn áp thì liệu sẽ gây phẫn nộ không chỉ riêng hơn 500 ngàn tín hữu của giáo phận Vinh mà còn rất nhiều người trên thế giới và trong nước nữa. Đặc biệt trong thời đại đa chiều thông tin, người ta sẽ tìm đến sự thật và vì thế cũng sẽ lộ ra mặt trái của nhà cầm quyền Việt Nam.  Do đó đây là cách khôn ngoan trong cách hành xử của nhà cầm quyền.

Tuy nhiên với bản thân tôi là một linh mục, một người đấu tranh bất bạo động thì tôi cũng có quyền hy vọng và cũng mời gọi tất cả mỗi người chúng ta có quyền để hy vọng rằng đó cũng là một sự biến chuyển tích cực trong nhận thức của những người cầm quyền tại Việt Nam. Khi thay đổi nhận thức thì họ sẽ thay đổi cả hành động và thay đổi cả cách sống. Đó là điều chúng ta cần và đó là điều chúng ta có quyền để hy vọng một sự tốt đẹp hơn nơi đất nước Việt Nam của chúng ta.

Chính quyền với Luật biểu tình

Hòa Ái: Hòa Ái cũng xin được hỏi thăm về vụ việc Linh mục bị giới chức Hà Nội câu lưu hôm mùng 4 tháng 8 và bị cáo buộc là người tổ chức các cuộc biểu tình. Linh mục có thể kể lại Linh mục đã nói gì với họ về cáo buộc này cũng như phản ứng của họ ra sao?

Linh mục Đặng Hữu Nam: Có lẽ mục đích chính của cuộc làm việc của Bộ Công An đối với tôi là những việc tôi đã làm, đang làm và sẽ làm, đó là những cuộc biểu tình do tôi tổ chức tại giáo phận Vinh để bảo vệ môi trường và bảo vệ đất nước.

Họ bảo rằng đó là sai luật vì chưa có Luật Biểu tình. Tôi cho họ biết rằng họ đã nhầm về Luật Biểu tình. Bởi vì nếu chúng ta nói đất nước của chúng ta là một đất nước hành pháp thì chắc chắn chúng ta phải tôn trọng pháp luật. Luật Biểu tình mà Quốc Hội đang nợ dân bao nhiêu năm qua vẫn chưa có thì chúng ta phải hiểu cho rõ và cho đúng là Luật Biểu tình để hướng dẫn người biểu tình trong thủ tục như thế nào cũng như các cơ quan chức năng phải giải quyết như thế nào với nguyện vọng của những người biểu tình. Nhưng, Hiến pháp là hình thức pháp luật cao nhất tại Việt Nam nên chúng ta phải tôn trọng Hiến pháp đó.

Đặc biệt là có một số tôn giáo bạn cũng gửi những lời ngợi khen và lời cảm ơn đến giáo phận Vinh vì đã có sáng kiến tổ chức “Ngày vì môi trường”.
– Linh mục Đặng Hữu Nam

Với tôi hay với bất cứ ai, Hiến pháp không cấm thì có nghĩa rằng người dân được phép làm. Vì thế chúng tôi được phép biểu tình. Thậm chí tôi chưa coi đó là biểu tình bởi vì chúng tôi tổ chức dâng lễ cầu nguyện, cầu nguyện cho quốc thái dân an, cầu nguyện cho công lý và hòa bình, cầu nguyện cho giới chức lãnh đạo của các cấp chính quyền Việt Nam trong đó có cả các vị nữa. Việc chúng tôi biểu tình hay làm điều như các anh nói không phải là phá nhà nước vì chúng tôi bảo vệ nhà nước, chúng tôi là những người yêu nước thật sự.

Họ cũng đưa ra các câu hỏi thăm dò cũng như không muốn tôi tiếp tục các việc đó nhưng tôi tuyên bố với họ “Điều gì luật pháp không cấm thì tôi sẽ làm”. Và tôi tuyên bố với các anh rằng tôi tiếp tục sẽ làm và sẽ còn làm nhiều hơn nữa với mức độ sẽ lớn hơn những gì tôi đã làm.  Và điều đó tôi đã thực hiện vào đúng ngày Chủ Nhật vừa qua trong ngày sống vì môi trường với lời mời gọi của giáo phận Vinh, bề trên của tôi.

Hòa Ái: Cảm ơn thời gian của Linh mục Đặng Hữu Nam dành chia sẻ với thính giả của đài Á Châu Tự Do.

NỤ HÔN LUẬT SƯ

 NỤ HÔN LUẬT SƯ
Tiến sĩ Luật khoa Đào Quang Huy, học trò Giáo sư – Tiến sĩ – Luật sư Nguyễn Mạnh Tường ở trường Bưởi kể lại một về một phiên tòa diễn ra ở làng Xuân Thọ, huyện Đông Quan, tỉnh Thái Bình, vào thời kỳ 1947-1949.
Vụ án như sau:Một thanh niên nông dân đi làm đồng về, thấy anh Đại đội trưởng đóng tại nhà, đang ôm ấp vợ mình. Sẵn cái cuốc trên tay, anh ta phang một cái, Đại đội trưởng chết ngay.
Phiên tòa mở ra với ý định xử thật nghiêm tội giết người và làm mờ nhạt các tình tiết khác để giữ uy tín cho bộ đội. Chủ tọa là Luật sư Lê Văn Chất. Luật sư Nguyễn Mạnh Tường được chỉ định bào chữa. Ông chỉ có ít phút gặp thân chủ của mình.

Diễn biến phiên tòa đúng như chủ định: Anh nông dân chịu án tử hình và được phép nói lời cuối cùng. Anh nhìn Chánh tòa, nhìn Luật sư, ngập ngừng nói: “Xin phép được ôm hôn bà Chánh tòa một lần trước khi chết”. Bị bất ngờ, Chánh tòa không kịp trấn tĩnh, đập bàn quát mắng anh nông dân rằng tội lỗi đến thế mà còn dám hỗn láo, nói liều.

Ls Nguyễn Mạnh Tường nói: “Thưa ông Chánh tòa, ông là người có học thức, suy nghĩ chín chắn, mà trước một câu nói không đâu của người sắp chết, còn nổi giận ghê gớm như thế. Phương chi, anh nông dân nghèo ít học kia, trông thấy người đàn ông khác trong buồng vợ mình thì sự giận dữ đến mức hành động thiếu suy nghĩ là điều có thể hiểu được”.

Kết quả cuối cùng, anh nông dân được giảm án, thực chất là tha bổng vì hồi ấy Thái Bình đâu có trại giam. Luật sư Lê Văn Chất, có người vợ trẻ, đẹp và ông này rất ghen. Biết thóp này Ls Tường chỉ dùng một mẹo nhỏ nhưng bị cáo đã được cứu mạng.

Dân gian gọi vụ án đó là vụ “nụ hôn Nguyễn Mạnh Tường”.

Hôm nay Ngày Luật sư Việt Nam, ôn lại chuyện này để chúc mừng các Luật sư, mong các Luật sư có thêm nhiều “nụ hôn” như thế nữa để bảo vệ công lý, mang lại bình yên cho cuộc sống bộn bề hôm nay.

Nguyễn Văn Đài

So sánh số tiền bồi thường giữa BP và Formosa

So sánh số tiền bồi thường giữa BP và Formosa

 Ls Nguyễn Văn Thân

Vào trung tuần tháng 7 vừa qua, công ty BP đã đưa ra con số sau cùng mà họ phải chi trả cho vụ tràn dầu trong vùng vịnh Mexico vào năm 2010 là 61,6 tỷ Mỹ kim. Con số này có thể chia ra thành ba phần. Thứ nhất là tiền phạt hình sự trả cho Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ tổng cộng lên tới 4,5 tỷ Mỹ kim. Thứ hai là tiền bồi thường thiệt hại kinh tế và phục hồi môi trường cùng với hình phạt dân sự dưới Đạo luật Clean Water Act trả cho chính quyền liên bang Hoa Kỳ, 5 tiểu bang trong vùng vịnh Mexico và các chính quyền địa phương tổng cộng lên tới 20,8 tỷ Mỹ kim. Khoảng 36 tỷ Mỹ kim còn lại là phí tổn bồi thường cho các cá nhân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư bị thiệt hại từ thảm họa tràn dầu. Có nghĩa là phải mất trên 6 năm thì BP mới có thể ấn định được mức độ thiệt hại và số tiền bồi thường cho nhà nước, cá nhân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư với con số kỷ lục như vậy. BP buộc phải bán tài sản trị giá 45 tỷ để trả tiền phạt và tiền bồi thường.

Quỹ bồi thường

Vào ngày 20/4/2010, giàn khoan Deepwater Horizon của công ty BP hoạt động trong vịnh Mexico bị nổ làm cho 11 nhân viên bị chết. Chính phủ Hoa Kỳ ước lượng là số dầu đổ ra biển lên tới 4,9 triệu thùng trong 87 ngày tạo ra một thảm họa môi trường khủng khiếp ảnh hưởng đến đời sống và kinh tế của hàng triệu cư dân trong 5 tiểu bang vùng vịnh Mexico gồm có Texas, Louisiana, Mississippi, Alabama và Florida.

Vào ngày 16/6/2016, Tổng Thống Obama triệu tập Chủ tịch và các thành viên lãnh đạo BP tới Nhà Trắng. Sau một phiên họp kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ, BP tuyên bố là sẽ tiến hành bỏ 20 tỷ Mỹ kim vào quỹ bồi thường cho cá nhân và doanh nghiệp bị thiệt hại. Obama nhấn mạnh 20 tỷ không phải là con số giới hạn trách nhiệm của BP. Mục đích của quỹ bồi thường là để BP lập tức dành riêng một số tiền thể hiện trách nhiệm và giúp cư dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng có thể xin bồi thường khẩn cấp. Số tiền này sẽ được trao cho một nhân viên độc lập là ông Kenneth Feinberg để điều hành. Feinberg là người đã từng điều hành quỹ bồi thường cho nạn nhân của vụ khủng bố 9/11 tại New York. Lãnh đạo BP cũng chính thức gửi lời xin lỗi đến chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ.

Quỹ bồi thường bắt đầu hoạt động vào ngày 23/8/2010. Chỉ trong tuần lễ đầu tiên thì đã có tới 19.000 đơn nộp xin bồi thường. Tới tháng 7 năm 2011 thì quỹ đã trả 4,7 tỷ Mỹ kim cho hơn 198.000 nạn nhân. Feinberg cho biết là nếu có đầy đủ chứng từ, cư dân bị thiệt hại sẽ nhận tiền bồi thường trong vòng 48 tiếng đồng hồ và doanh nghiệp thì trong vòng một tuần. Những người khác nếu không muốn nộp đơn xin bồi thường với Quỹ thì vẫn có quyền tiến kiện riêng hoặc gia nhập vào các đơn kiện tập thể.

Vào ngày 8/3/2012, BP và một đội ngũ luật sư của các nguyên đơn trong một vụ kiện tập thể đồng ý tiến trình thoả thuận bồi thường dưới sự giám sát của tòa và thủ tục này chấm dứt quyền điều hành của ông Feinberg. Tính tới ngày 30/6/2013, tổng cộng số tiền trả cho nạn nhân từ quỹ bồi thường đã lên tới 19,7 tỷ. Sau khi trả hết 300 triệu còn lại, BP phải bồi thường trực tiếp cho nạn nhân từ thu nhập của họ. Ngoài quỹ bồi thường 20 tỷ, BP cũng ước lượng là phải dành thêm 15 tỷ để bồi thường cho cư dân và doanh nghiệp bị thiệt hại.

Phạt hình sự

Vào tháng 12 năm 2010, Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ tiến hành truy tố hình sự đối với BP vài đối tác liên hệ là Transocean và Halliburton về cái chết của 11 nhân viên. Ngoài ra, BP cũng bị truy tố là cố tình gian lận khi cho biết số dầu đổ ra biển rất thấp so với thực tế. Tới tháng 11 năm 2012 thì BP nhận tội ngộ sát và bị phạt 4 tỷ Mỹ kim cho Bộ Tư Pháp và 525 triệu trả cho Ủy Hội Chứng Khoán (Securities and Exchange Commission). Ngoài ra, BP phải bị các cơ quan chính quyền giám sát thường xuyên trong 4 năm cũng như tạm thời không được tham gia đấu thầu các dự án của chính quyền.

Về trách nhiệm cá nhân, Robert Kaluza và Donald Vidrine là hai nhân viên cao cấp có trách nhiệm quản lý giàn khoan Deepwater Horison cũng bị truy tố về tội ngộ sát. Hình phạt tối đa là 10 năm tù cho mỗi tội. Một nhân viên khác là David Rainey cũng bị tố về tội khai gian với nhà chức trách. BP thú nhận là Rainey cố tình đánh tráo số liệu để BP tuyên bố trước công chúng là chỉ có khoảng 5.000 thùng dầu bị đổ ra biển mỗi ngày. Trong khi đó con số thật sự lên tới 60.000 mỗi ngày. Nếu bị buộc tội thì Rainey có thể bị tuyên án tù tới 5 năm.

Bồi thường cho chính quyền liên bang, tiểu bang và địa phương

Vào tháng 10 năm 2015, sau một tiến trình thương lượng kéo dài hết mấy năm thì BP đồng ý bồi thường tổng cộng 20,8 tỷ cho chính quyền liên bang, năm tiểu bang trong vịnh Mexico và hơn 400 chính quyền địa phương bị thiệt hại về sự tràn dầu. Trong số này gồm có 8,1 tỷ bồi thường cho thiệt hại môi trường và tài nguyên thiên nhiên, 5,9 tỷ cho thiệt hại về kinh tế của các tiểu bang và địa phương, 5,5 tỷ tiền phạt dân sự dưới Đạo Luật Nước Sạch (Clean Water Act), 600 triệu để hoàn trả chi phí dọn dẹp và 700 triệu cho những hậu quả chưa lường được.

Số tiền bồi thường 20,8 tỷ này đã được Thẩm Phán Carl Barbier của Tòa An Liên Bang chính thức phê chuẩn vào ngày 4/4/2016. Đây là số tiền bồi thường lớn nhất trong lịch sử. Nhưng cũng nhờ vào quyết định này của tòa mà BP có thể nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm. Cái giá phải trả là 61,6 tỷ để đóng lại một chương sử đau thương của một đại công ty được thành lập từ năm 1909.

Tóm lại sau sáu năm từ khi thảm hoạ tràn dầu thì tổng cộng có tới 384.000 đơn kiện của cá nhân và doanh nghiệp mà đại đa số đã được giải quyết bồi thường xong. Chỉ còn lại một số là vẫn còn tranh cãi về mức độ thiệt hại nhưng BP dự đoán là những vụ kiện cuối này sẽ không ảnh hưởng đáng kể tới tiến trình phục hồi uy tín và thế đứng của công ty.

BP và Formosa: 61,6 tỷ và 500 triệu

Vào ngày 30/6/2016, chính phủ Việt Nam tổ chức họp báo công bố nguyên cá chết tại bốn tỉnh miền Trung là do Formosa xả thải gây ra. Chính phủ cũng cho biết là Formosa đã cam kết năm điểm trong đó Formosa hứa là sẽ “Bồi thường thiệt hại cho dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường phục hồi môi trường biển với tổng số tiền là 11.500 tỉ đồng, tương đương 500 triệu USD.” Điều 5 của bản cam kết cũng có nhắc tới là Formosa sẽ “Thực hiện đúng cam kết nêu trên, không tái diễn vi phạm, nếu vi phạm sẽ chịu chế tài theo quy định pháp luật Việt Nam.”

Bản cam kết này đưa ra nhiều câu hỏi. Thứ nhất, như vậy có nghĩa là Formosa chỉ mất 500 triệu thôi sao? Trong số 500 triệu này thì phần nào là để bồi thường phục hồi môi trường và bao nhiêu là bồi thường thiệt hại cho dân? Như vậy là Formosa không bị truy tố về vi phạm hình sự và dân sự? Tại sao chỉ trong một khoảng thời gian ngắn như vậy mà chính phủ lại có thể định đoạt mức độ thiệt hại “chính xác”’ như vậy? Tại sao chính phủ không công bố nguyên nhân thủ phạm là Formosa rồi từ từ tính toán thiệt hại cũng như để người dân và doanh nghiệp nộp đơn xin bồi thường theo đúng mức độ thiệt hại của từng trường hợp một? Theo Điều 5 của cam kết thì có phải chính phủ đã tước quyền kiện đòi bồi thường dưới Luật Dân Sự đối với ngư dân và doanh nghiệp bị thiệt hại hay không? Tại sao một quyết định nghiêm trọng và bất hợp pháp như vậy lại được ban hành một cách vội vã và không minh bạch?

Đáng lẽ ra tương tự như vụ tràn dầu do BP gây ra, chính phủ Việt Nam có thể truy tố  hình sự và dân sự vì Formosa vi phạm luật môi trường và bắt Formosa trả tiền phục hồi môi trường và bồi thường thiệt hại kinh tế. Nhưng chính phủ không thể tùy tiện ấn định số tiền bồi thường thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp. Chỉ có chính họ mới có quyền thương lượng với Formosa và thỏa thuận số tiền bồi thường tho đúng mức độ thiệt hại từng trường hợp một.

Ngư dân và doanh nghiệp của bốn tỉnh miền Trung có hai sự lựa chọn. Một là vượt qua sợ hãi và đứng lên kiện Formosa đòi bồi thường thích đáng. Còn hai là chấp nhận cho chính phủ và Đảng Cộng Sản Việt Nam bán đứng cũng như chấp nhận cho Đảng cắt xẻo khúc ruột miền Trung ra từng mảnh vì sau 70 năm khi dự án Formosa kết thúc thì miền Trung chỉ còn là một bãi rác khổng lồ. Rồi đây sẽ có nhiều ngư dân ở miền Trung có thể phải bỏ nghề đánh cá đồng nghĩa với việc Việt Nam không xác quyết hoặc hành xử chủ quyền hữu hiệu tại Biển Đông. Như vậy thì Trung Quốc sẽ bất chiến tự nhiên thành.

Và Đảng sẽ hát bài “Thương về miền Trung” cho những người Việt Nam vẫn còn u mê mơ tưởng về thiên đường Cộng Sản.

N. V. T.

‘Giật mình’ với những con số tham nhũng ở Việt Nam

‘Giật mình’ với những con số tham nhũng ở Việt Nam

Nguoi-viet.com

Bà Louise Chamberlain, Giám đốc UNDP Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc. (Hình: báo Người Lao Ðộng)

Bà Louise Chamberlain, Giám đốc UNDP Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc. (Hình: báo Người Lao Ðộng)

SÀI GÒN (NV) – “Người dân phải ‘lót tay’ gần 14.5 triệu đồng/lượt để có giấy tờ nhà đất” và nhiều lĩnh vực khác nữa. Ðó là số liệu khảo sát được từ Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc vừa công bố.

Theo báo Người Lao Ðộng, trong cuộc làm việc với ủy ban thành phố Sài Gòn, do ông Trần Vĩnh Tuyến, phó chủ tịch ủy ban chủ trì vào ngày 10 tháng 8, Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) đã công bố một nghiên cứu về “Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam – Ðo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của người dân,” được thực hiện từ 2009-2015, với gần 75,000 người thuộc 63 tỉnh, thành của Việt Nam có độ tuổi trên 18, được chọn khảo sát ngẫu nhiên.

Trong đó, Hà Nội và Sài Gòn là hai nơi có số lượng người tham gia khảo sát đông gấp ba lần các tỉnh thành khác, chiếm khoảng 10% số dân có hộ khẩu thường trú của mỗi địa phương.

Kết quả khảo sát cho thấy, có hơn 28% người dân Sài Gòn tham gia khảo sát cho hay, họ phải trả chi phí “lót tay” để làm xong thủ tục giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Giá trị tiền “lót tay” gần 14.5 triệu đồng/lượt.

Ðối với chỉ số nội dung “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, giá trị chi phí bồi dưỡng giáo viên/ban giám hiệu trường tiểu học công lập (chi phí ngoài quy định) tại Sài Gòn năm 2015 là gần 853,000 đồng/học kỳ, tăng so với năm 2011 chỉ ở mức 510,000 đồng/lượt/học kỳ. Mức bồi dưỡng này ở Hà Nội thấp hơn Sài Gòn với khoảng 630,000 đồng/học kỳ năm 2015.”

Cũng theo khảo sát của UNDP, năm 2015 có hơn 30% người dân được hỏi cho biết, đã trả chi phí không chính thức (ngoài quy định) khoảng 700,000 đồng/lượt cho cán bộ y tế ở các bệnh viện để được chăm sóc tốt hơn.

Một kết quả đáng quan tâm khác được UNDP đưa ra là “quyết tâm chống tham nhũng của cả chính quyền và người dân có xu hướng suy giảm thời gian qua.”

Năm 2015, có 37% số người được hỏi cho rằng “lãnh đạo cấp tỉnh đã nghiêm túc trong giải quyết vụ việc tham nhũng ở địa phương, thấp hơn so với năm năm trước. Trong khi đó, mức độ chịu đựng tham nhũng của người dân lại có xu hướng gia tăng khi năm 2015, chỉ có gần 3% người bị vòi vĩnh, đưa hối lộ cho biết sẽ tố giác hành vi đòi hối lộ của cán bộ chính quyền, giảm 7.5% so với năm 2011.”

Ngoài ra, theo đánh giá của người dân, việc tuyển dụng công chức, viên chức phần lớn không dựa trên năng lực thật sự mà dựa trên các quan hệ cá nhân. Trong 5 năm liên tiếp, quan hệ cá nhân được coi là quan trọng hoặc rất quan trọng. Có hơn 50% người được khảo sát cho hay, có tình trạng phải đưa tiền “lót tay” để xin được việc trong cơ quan nhà nước.

Cũng theo tin Người Lao Ðộng, tỉ lệ người dân được khảo sát cho rằng, cán bộ dùng tiền công quỹ cho mục đích riêng cũng gia tăng. Nếu như năm 2011 chỉ có hơn 21% đồng ý có chuyện này thì năm 2015 tỉ lệ đã tăng lên hơn 25%. (Tr.N)

Hợp tác hóa và nạn đói dưới thời Stalin

 Hợp tác hóa và nạn đói dưới thời Stalin

Nghiên cứu Quốc tế

Biên dịch: Ngô Việt Nguyên

Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Bài báo

Tám mươi năm trước, vào mùa thu năm 1930, Joseph Stalin đã áp đặt một chính sách làm chuyển dòng chảy lịch sử và đã gây nên cái chết của hàng chục triệu người trong nhiều thập niên và ở khắp thế giới. Trong một chiến dịch “Hợp tác hóa” quy mô lớn và đầy bạo lực, ông đã đặt quyền kiểm soát nền nông nghiệp Liên Xô vào tay nhà nước.

Stalin theo đuổi chính sách hợp tác hóa mặc cho những đợt chống đối quy mô lớn sau nỗ lực áp dụng chính sách lần đầu tiên của nhà chức trách Liên Xô vào mùa xuân trước đó. Giới lãnh đạo Liên Xô đã phụ thuộc vào những đợt bắn giết và trục xuất tới các trại gulag (lao động khổ sai) nhằm chặn trước những sự chống đối. Nhưng người dân Liên Xô vẫn chống cự với số lượng lớn; những người du mục Kazakh trốn qua Trung Quốc, còn những người nông dân Ukraine thì trốn qua Ba Lan.

Vào mùa thu, những đợt bắn giết và trục xuất vẫn tiếp diễn, cùng với những cưỡng bức về kinh tế. Nông dân bị đánh thuế cho đến khi họ tham gia hợp tác xã, và các nông trường hợp tác được quyền tịch thu hạt giống cho mùa vụ tiếp theo từ tay của những người nông dân độc lập.

Khi nền nông nghiệp Liên Xô đã hoàn toàn bị hợp tác hóa thì nạn đói cũng bắt đầu. Bằng cách tước đoạt ruộng đất của nông dân và biến họ trên thực tế trở thành nhân viên nhà nước, các hợp tác xã nông nghiệp cho phép Moskva quản lý cả con người lẫn những sản phẩm của họ.

Nhưng sự kiểm soát không giúp tạo nên hiệu quả. Việc biến những người du mục Trung Á thành những người nông dân làm việc hiệu quả chỉ trong thời gian một mùa vụ là điều bất khả thi. Bắt đầu từ năm 1930, khoảng 1,3 triệu người ở Kazakhstan đã chết đói khi lượng thu hoạch ít ỏi của họ bị trưng thu theo chỉ định của trung ương.

Ukraine bị mất mùa vào năm 1931. Có nhiều lý do dẫn đến mất mùa, bao gồm thời tiết xấu, côn trùng gây hại, thiếu sức kéo động vật sau khi những người nông dân giết hết gia súc để tránh bị mất vào tay hợp tác xã, thiếu máy cày, những đợt bắn giết và trục xuất những nông dân giỏi nhất, và những gián đoạn về cày cấy và thu hoạch bởi quá trình hợp tác hóa.

“Làm sao mà chúng tôi có thể xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa,” một người nông dân Ukraine hỏi, “nếu  tất cả chúng ta đều  sẽ chết đói?” Bây giờ chúng ta biết, sau 20 năm tìm hiểu các tài liệu của Liên Xô, rằng vào năm 1932 Stalin đã cố tình biến đổi nạn đói do hợp tác xã thành một chiến dịch cố tình bỏ đói mang động cơ chính trị. Stalin mô tả sự mất mùa như một dấu hiệu phản kháng của người Ukraine, và điều này yêu cầu Liên Xô phải mạnh tay chứ không được nhân nhượng.

Khi nạn đói bắt đầu lan rộng vào mùa hè năm đó, Stalin giải thích một cách rõ ràng hơn, rằng nạn đói là do phá hoại, các nhà hoạt động cộng sản địa phương là những kẻ phá hoại, được bảo vệ bởi giới chức cấp cao hơn ở khu vực, và tất cả đều  ăn tiền của những điệp viên nước ngoài. Vào mùa thu năm 1932, điện Kremlin ra một loạt những nghị định với hậu quả đảm bảo khiến nhiều người chết. Một trong những nghị định trên cắt đứt toàn bộ hàng tiếp tế cho những cộng đồng không đạt được mức thu hoạch ngũ cốc tối thiểu.

Cùng lúc đó, những người cộng sản chiếm đoạt tất cả những thực phẩm họ có thể tìm được, “đến từng hạt lúa nhỏ bé cuối cùng,” và vào đầu năm 1933 biên giới Ukraine bị đóng lại, để ngăn cản những người đang dần chết đói tìm kiếm sự trợ giúp. Những nông dân chết dần chết mòn phải thu hoạch vụ xuân dưới họng súng của các tháp canh.

Hơn 5 triệu người chết đói hoặc chết vì những căn bệnh có liên quan đến đói khát ở Liên Xô vào đầu thập niên 1930, trong đó 3,3 triệu người chết  ở Ukraine, và trong con số đó 3 triệu người có thể đã sống sót nếu Stalin đơn thuần chỉ tạm ngưng thu mua và xuất khẩu trong vài tháng và cho phép người dân được tiếp cận các nguồn cung cấp lúa mì.

Những sự kiện này vẫn là trọng tâm của chính trị Đông Âu cho đến ngày hôm nay. Mỗi tháng 11, người Ukraine tưởng niệm những nạn nhân của năm 1933. Nhưng Viktor Yanukovych, tổng thống đương nhiệm (vào thời điểm của bài viết – ND), không công nhận sự thống khổ đặc biệt của người Ukraine, như một cách đồng ý theo quan điểm lịch sử của Nga, vốn tìm cách để làm lu mờ những tác hại cụ thể của chính sách hợp tác hóa thành một thảm kịch mơ hồ đến mức không có nạn nhân và những thủ phạm cụ thể.

Rafal Lemkin, luật sư người Ba Lan gốc Do Thái, người đã lập nên khái niệm “genocide” (diệt chủng) và nghĩ ra thuật ngữ này, sẽ phản đối điều đó: ông gọi nạn đói ở Ukraine là một ví dụ điển hình về diệt chủng dưới tay Liên Xô. Như Lemkin đã biết,  khủng bố sẽ đi theo nạn đói: những người sống sót qua nạn đói và trại cải tạo trở thành những nạn nhân tiếp theo của Stalin. Cuộc đại thanh trừng vào thời kỳ 1937-1938 bắt đầu bằng một chiến dịch bắn giết nhắm phần lớn vào nông dân, cướp đi mạng sống của 386.798 người, đa phần ở Ukraine.

Hợp tác hóa có tác động lâu dài. Khi Đức Quốc xã xâm lược phía Tây Liên Xô, người Đức giữ nguyên những nông trường hợp tác xã, vì họ coi nó như là một công cụ cho phép họ điều động thực phẩm Ukraine cho những mục đích riêng của họ, và bỏ đói những ai họ muốn bỏ đói.

Sau khi Mao khởi động cuộc cách mạng của ông vào năm 1948, những người cộng sản Trung Quốc  bắt chước hình mẫu phát triển của Stalin. Điều  này có nghĩa là 30 triệu người Trung Quốc đã chết đói trong giai đoạn 1958-1961, trong một nạn đói rất giống như ở Liên Xô. Hợp tác hóa kiểu Mao cũng được tiếp theo bằng những đợt bắn giết quy mô lớn.

Thậm chí bây giờ, hợp tác xã nông nghiệp là nền tảng cho quyền lực độc đoán ở Triều Tiên, nơi mà hàng trăm ngàn người chết đói vào thập niên 1990. Và ở Belarus, nền độc tài duy nhất còn sót lại ở châu Âu, hợp tác xã nông nghiệp không bao giờ chấm dứt, và một cựu giám đốc hợp tác xã nông nghiệp, Aleksandr Lukashenko, đang đứng đầu đất nước.

Lukashenko đang tranh cử nhiệm kỳ tổng thống thứ tư liên tiếp vào tháng 12/2010. Bằng cách kiểm soát đất đai, ông ta cũng kiểm soát phiếu bầu. Tám mươi năm sau chiến dịch hợp tác hóa, thế giới của Stalin vẫn còn với chúng ta.

Timothy Snyder là giáo sư lịch sử tại Đại học Yale. Cuốn sách mới nhất của ông là Bloodlands: Europe Between Hitler and Stalin.

Nguồn: Timothy Snyder, “Stalin, our contemporary”, Project Syndicate, 16/11/2010

GIÁM ĐỊNH TÂM THẦN CHO CÁC QUAN ĐÀ NẴNG: SAO KHÔNG?

GIÁM ĐỊNH TÂM THẦN CHO CÁC QUAN ĐÀ NẴNG: SAO KHÔNG?

FB Trần Song Hào

12-8-2016

Trung tâm hành chính Đà Nẵng, tòa nhà "quả bắp" bên trái. Nguồn: báo Đà Nẵng.

Chuyện TP Đà Nẵng xây “Ngọn Hải đăng” làm “biểu tượng Đà Nẵng” phối-kết-giao-hợp với công năng Trung tâm Hành chánh đã bộc lộ cái sự “quyết tâm chính trị” hơn là vấn đề xem xét khoa học về môi trường và sức khoẻ.

Về hình dáng không gian, khi khánh thành cách nay 3 năm, dân tình có góc nhìn khác quan và đã gọi “biểu tượng Đà Nẵng” là QUẢ BẮP.

Tốn 2000 (hai ngàn) tỷ Cụ để xây nên một “QUẢ BẮP” bắp bằng sắt thép, bê tông, bao bọc bỡi các lớp vỏ bắp bằng kính chịu lực,… thì không nóng không bí mới lạ. Đó là một thiết kế phản khoa học ở xứ nhiệt đới nắng nóng quanh năm như miền Trung từ Nam đèo Hải Vân.

Quả Bắp như cái lồng ấp bằng kính hấp nhiệt và tia tử ngoại. Thế mà đưa nhau vô đó ngồi thì đi ngược với khoa học môi sinh và xu hướng xanh, bền vững thế giới đang hướng đến…

Vấn đề là khi phê duyệt thiết kế và xây dựng QUẢ BẮP, các quan Đà Nẵng có hỏi dân đâu? Cái “quốc hội địa phương” cũng chẳng có chất vấn ý kiến gì. Giờ lại bàn lui, đòi di dời và “thăm dò ý kiến dân” thì lạ quá. Chẳng khác chi lãnh đạo và “quốc hội” Đà Nẵng muốn đá trách nhiệm về cho dân?

Mình nghĩ, Đà Nẵng nên theo gợi ý của Facebook. Làm cuộc vận động nhân dân ký tên giám định tâm thần lãnh đạo và “quốc hội” Đà Nẵng trong việc phê duyệt thiết kế, xây dựng và bàn chuyện…”di dời biểu tượng…. QUẢ BẮP !

P/S: Facebook xếp bàn chuyện di dời quả bắp của HĐND Đà Nẵng cùng loại với “giám định tâm thần ông Trump Donald” !

______

FB Nhân Thế Hoàng

11-8-2016

Quan thiếu ôxy, nóng bức dẫn đến tình trạng mất tập trung khi làm việc, thế là vất mịa nó cái toà nhà hành chính hình quả bắp trị giá 2000 tỷ ông cụ từ tiền thuế của dân, xây cái khác tốt hơn.

Dân quằn quại vì cá chết, bỏ quê sang Lào, sang Cam mần thuê, bỏ xứ sang đất khách quê người “đánh trống, thổi kèn”, kệ mịa tụi bây, nhớ gửi đô về xây dựng đất nước là được.

2000 tỷ tiền thuế của dân còng lưng mà nó làm như của ông cố nội nó để lại, muốn vứt là vứt cái rẹc.

Nói về độ tàn phá, bom nguyên tử phải gọi mấy ông nội cộng sản bằng cụ.

_____

Tuổi Trẻ

Bất ngờ việc Đà Nẵng bàn chuyện dời trung tâm hành chính

Việt Hùng

11-8-2016

Tại kỳ họp thứ 2 HĐND TP Đà Nẵng sáng 11-8, chuyện di dời tòa nhà trung tâm hành chính thành phố đã được đại biểu Trần Văn Trường chất vấn lãnh đạo UBND TP khiến nhiều người bất ngờ.

Đại biểu Trần Văn Trường (huyện Hòa Vang) chất vấn vấn đề tòa nhà trung tâm hành chính thiếu oxy ảnh hưởng đến sức khỏe của cán bộ, công chức làm việc trong tòa nhà. Vậy thành phố có ý định sử dụng trung tâm hành chính này nữa hay không và đã có tính toán di chuyển chưa, chuyển đến đâu và khi nào thì chuyển? Ngoài ra, trụ sở trung tâm hành chính hiện tại sẽ được sử dụng làm việc gì?

Ông Đặng Việt Dũng, phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho hay trung tâm hành chính không chỉ là nơi làm việc tập trung của các cơ quan hành chính mà còn là biểu tượng của thành phố. Đây là vấn đề hết sức lớn nên việc di dời sẽ được lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân thành phố.

Ông Dũng nói, trung tâm hành chính thành phố mới được khánh thành được 3 năm, có nhiều ưu điểm như thúc đẩy việc cải cách thủ tục hành chính nhanh hơn, tạo nên chỉ số PCI cao trong nhiều năm, thể hiện được năng lực quản lý, lãnh đạo, điều hành của thành phố và các cơ quan hành chính.

Ông Dũng cũng thừa nhận trung tâm hành chính còn có những tồn tại như không khí chưa sạch, quá nóng. UBND thành phố đã chỉ đạo ban quản lý tòa nhà phải khắc phục cho được các tồn tại này, như bơm khí tươi vào, đảm bảo điều kiện thuận lợi cho anh em làm việc.

Ông Dũng cũng xác nhận lãnh đạo thành phố đang tính đến phương án xây dựng khu hành chính để thay thế trung tâm hành chính hiện nay và tập trung thêm các đơn vị khác.

Thành ủy đã giao các ngành chức năng nghiên cứu thực hiện và sau này sẽ có sự lựa chọn, tính toán sau khi các ngành đề xuất, thành phố sẽ lấy ý kiến nhân dân.

“Nếu xây dựng được khu hành chính thì đây cũng là biểu tượng của thành phố và cũng thuận lợi cho việc di chuyển trung tâm hành chính hiện nay” – ông Dũng nói.

Song, đại biểu Trường chưa hài lòng, đứng lên hỏi tiếp: “Trung tâm hành chính này đã tính hết chi phí điện, nước chưa và có hiệu quả không. Thành phố nói đây là vấn đề lớn, lấy ý kiến nhân dân, vậy trung tâm hành chính trước đây có lấy ý kiến nhân dân đâu mà vẫn làm”.

Ông Dũng giải trình thêm: “Trung tâm hành chính để phục vụ dân nên cần lấy ý kiến nhân dân để xây dựng, chứ không phải trước đây mình không lấy thì bây giờ cũng không lấy”.

Ông Nguyễn Xuân Anh, bí thư Thành ủy, chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng tiếp lời, trong chương trình hành động của thành ủy có đặt ra vấn đề di chuyển trung tâm hành chính và đã giao cho các sở chức năng xem xét, đánh giá. Sau đó tổng hợp các ý kiến có thể di dời, có thể không di dời.

Nhưng triển khai phải có lựa chọn kĩ, dời nơi cũ sang chỗ mới thì như thế nào, tốt hơn mới làm, phải làm kỹ.

“Đây là việc rất quan trọng nên phải lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, xin ý kiến HĐND” – ông Anh nói.

Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng có hai tầng hầm, 34 tầng nổi, cao 166,8m theo thiết kế hết sức đặc biệt, mang hình dáng của một ngọn hải đăng, đế tòa nhà là một con thuyền căng gió vươn khơi với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỉ đồng.

Tòa nhà mới đưa vào hoạt động tháng 9-2014 với khoảng 1.200 cán bộ, công chức TP Đà Nẵng làm việc.

Truyền thông Xã hội và Formosa

Truyền thông Xã hội và Formosa

Mặc Lâm, RFA

nguyenlanthang-622.jpg

Blogger Nguyễn Lân Thắng

Photo: RFA

Vai trò của Truyền thông Xã hội trong vụ Formosa

7:03/07:05

Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

Truyền thông mạng xã hội đang chứng tỏ sức mạnh của mình qua việc chia sẻ tin tức khiến người dân ngày càng gần gũi và biết rõ hơn những việc đang xảy ra chung quanh, không còn bị bức tường mù thông tin bao vây như trước.

Một trong những người cổ súy cho truyền thông mạng là blogger Nguyễn Lân Thắng vẫn miệt mài sử dụng phương tiện video clip để chuyển tài sự thật những điều mà anh quan tâm tời cộng đồng mạng, đặc biệt về vấn đề Formosa. Mặc Lâm có cuộc trao đổi về chủ đề này sau đây.

Phản ảnh sự thật

Mặc Lâm: Chào anh Nguyễn Lân Thắng, anh đã có mặt tại Quảng Bình để theo dõi việc Giáo phận Vinh cầu nguyện cho môi trường, xin cho biết anh đã chứng kiến điều gì thưa anh?

Blogger Nguyễn Lân Thắng: Giáo phận Vinh thì địa bàn trải dài từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, những ngày đó tôi có mặt ở Quảng Bình và chứng kiến trực tiếp những hoạt động của truyền thông, cầu nguyện của tất cả giáo phận. Tôi đã tham gia một lễ thắp nến và cầu nguyện của giáo xứ Cồn Sẻ. Tôi đã được chứng kiến sự biểu thị mối quan tâm của bà con giáo dân Cồn Sẻ với vấn đề môi trường.

Truyền thông xã hội nó là công cụ cực kỳ mạnh mẽ để xóa bỏ độc tài mang đến tin tức, thông tin cho người dân để họ thức tỉnh.

Blogger Nguyễn Lân Thắng

 

Mặc Lâm: Anh là người gần như đầu tiên ra tận Vũng Áng quay những clip video bên trong công ty Formosa cũng như cảnh sinh hoạt của người dân tại vùng biển này. Xin anh cho biết việc làm khá táo bạo này bắt nguồn từ thúc đẩy nào thưa anh?

Blogger Nguyễn Lân Thắng: Tôi là người rất cổ súy sự phát triển truyền thông xã hội tại Việt Nam. Truyền thông xã hội nó là công cụ cực kỳ mạnh mẽ để xóa bỏ độc tài mang đến tin tức, thông tin cho người dân để họ thức tỉnh. Tôi luôn quan niệm làm cách gì đó mang sự thật lại cho mọi người và khi vụ Formosa xảy ra và có dấu hiệu bưng bít từ phía nhà cầm quyền thì tôi nghĩ là bằng cách nào đó thì mình phải vào trong đó để trực tiếp ghi lại những sự việc có thể phơi bày một phần nào đó sự thật bên trong Formosa.

Quan trọng hơn là khi tôi thực hiện những việc đó thì tôi mong muốn những việc mình làm sẽ có nhiều người khác làm theo. Bởi vì tôi chỉ là một cá nhân rất đơn lẻ cho nên không thể nào bao quát hết tất cả mọi vấn đề và tôi mong ngày càng có nhiều người hơn nữa hoạt động trong lĩnh vực truyền thông trên mạng xã hội, mang lại thông tin cho tất cả mọi người cùng biết sự thật.

Đối diện nhiều khó khăn

Mặc Lâm: Và mới đây sau khi Vũng Áng bị phanh phui anh lại có những thước phim mới nhất bên trong hàng rào của nó. Đích thân anh vào hay nhờ một ai khác?

Blogger Nguyễn Lân Thắng: Tôi xin bật mí là cho đến bây giờ tôi không phải tài thánh gì để lúc nào cũng có thể lọt qua sự kiểm soát của lực lượng an ninh. Ờ Formosa nó có một lực lượng an ninh khổng lồ lúc nào cũng có hàng chục người hoạt động thường trực ngoài ra còn có một lực lượng rất đông ở trong các cổng khác nữa. Người ra vào phải có thẻ từ kiểm soát tại các camera rất gắt gao.

Những thước phim mới nhất mà tôi có được không phải do tôi quay nhưng bên trong Formosa thì các bạn biết là có rất nhiều người Việt Nam làm việc và hoàn toàn co khả năng quay clip video gửi cho tôi. Tôi rất vui bởi vì đấy chính là những thành quả mà bấy lâu nay tôi theo đuổi, đấy là truyền thông xã hội. Họ đã góp phần với tôi đưa những thông tin sự thật bên trong Formosa mà tôi tin rằng không có cách nào an ninh Việt Nam có thể bưng bít, có thể ngăn chặn thông tin từ Formosa ra.

Truyền thông xã hội, rồi những thông tin về hậu quả tai hại do Formosa gây ra cho môi trường Việt Nam đã dần dần thay đổi tư duy nhiều người.
Blogger Nguyễn Lân Thắng

 

Mặc Lâm: Anh có sự quan hệ khá thân với người làm việc cho Formosa, anh có được họ cho biết tình trạng tâm lý của nhân công người Việt hiện nay ra sao hay không?

Blogger Nguyễn Lân Thắng: Thực sự thì những người làm việc bên trong Formosa rất khác nhau. Họ là công nhân, là nhà thầu xây dựng hay là lắp đặt thiết bị là người Việt. Họ là những nhà thầu phụ tham gia cùng với các nhà thầu chính. Ban đầu họ đến Formosa thì thật sự vì vấn đề cơm áo gạo tiền thôi họ không nhận thức gì về công việc họ đang làm. Tuy nhiên lần lần thì truyền thông xã hội, rồi những thông tin về hậu quả tai hại do Formosa gây ra cho môi trường Việt Nam đã dần dần thay đổi tư duy nhiều người.

Chuyện cơm áo gạo tiền thì họ phải cố gắng trong công việc tuy nhiên họ không làm việc một cách toàn tâm toàn ý như trước nữa mà trong nhận thức của họ đã thay đổi. Bằng chứng là họ vẫn làm việc vẫn lãnh lương nhưng vẫn giúp tôi trong việc thu thập tất cả các thông tin bên trong Formosa.

Mặc Lâm: Đó là bên trong Formosa, còn bên ngoài thì sao? Người dân các tỉnh mà anh có dịp tiếp xúc hiện nay họ sống ra sao và tâm lý của họ đối với Formosa như thế nào?

Blogger Nguyễn Lân Thắng: Phải nói là dư luận ở miền Trung người dân thực sự họ rất phẫn uất nhưng họ cũng chưa biết cách nào để thay đổi cho cuộc sống của mình. Cái mong muốn chung của người dân là họ không muốn Formosa hoạt động nữa bởi vì chắc chắn là chính họ phải gánh chịu hậu quả và họ cũng hiều rõ là rất lâu dài. Họ mong muốn các hoạt động của những nhóm xã hội dân sự cũng như người làm truyền thông mạng xã hội làm cách nào cập nhật nhanh chóng mọi mặt của biển miền Trung để họ có thể phần nào gây sức ép có thể đóng cửa Formosa và bảo vệ được môi trường Việt Nam.

Mặc Lâm: Xin cám ơn anh!