Người phụ nữ mặc đầm xanh luôn đi cạnh Tổng thống Mỹ là ai?

Người phụ nữ mặc đầm xanh luôn đi cạnh Tổng thống Mỹ là ai?

CO VAN AN NINH

 

 

 

 

 

 

Co van An Ninh 2

 

 

 

 

 

 

 

Facebook Danny Doan

Trong hàng loạt hoạt động của Tổng thống Obama tại Việt Nam, người ta thấy một phụ nữ mặc đầm xanh luôn đi cạnh ông, đó là ai? Đó chính là bà Susan Rice, Cố vấn an ninh của ông. Trong hàng loạt người làm việc trong nội các Mỹ dưới thời Obama, phụ nữ chiếm vai trò rất quan trọng.

Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice (mặc đầm xanh) luôn sát cánh cùng Tổng thống Obama khi ông làm việc với các nhà lãnh đạo Việt Nam. Ảnh: EPA

Với nhiệm vụ cố vấn, bà Rice là người trực tiếp báo cáo với “ông chủ Nhà Trắng” về tình hình an ninh quốc gia hàng ngày, cũng như chịu trách nhiệm điều phối và tích hợp các chính sách đối ngoại, tình báo và quân sự cho chính phủ.

Bà Susan Rice sinh ngày 17/11/1964 tại Washington, Mỹ, từng theo học ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Stanford (Mỹ) và Đại học Oxford (Anh). Gia đình bà thuộc tầng lớp ưu tú ở Washington. Cha bà, ông Emmett J. Rice là chuyên gia kinh tế thuộc Đại học Cornell và là cựu Giám đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Trong khi, mẹ bà là Lois Dickson Fitt, một nhà nghiên cứu chính sách giáo dục và học giả lâu năm tại Viện Brookings – tổ chức tư vấn chính sách nổi tiếng của Mỹ.

Trong khoảng thời gian từ 1995 – 1997, bà Susan Rice là Trợ lý đặc biệt cho Tổng thống Bill Clinton, kiêm Giám đốc cao cấp về các vấn đề châu Phi tại Hội đồng An ninh Quốc gia tại Nhà Trắng.

Bà đảm nhận vị trí Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề châu Phi từ năm 1997 – 2001. Khi đó, Rice là Trợ lý Ngoại trưởng trẻ nhất trong lịch sử và bị nhiều chính trị gia lớn tuổi hơn xem nhẹ. Họ phản đối việc để bà giữ chức vụ đó vì cho rằng bà khó có thể đàm phán với các nam lãnh đạo nhiều tuổi hơn.

Tuy nhiên, Susan Rice đã sớm khẳng định được danh tiếng của mình với lập trường thẳng thắn, rõ ràng cũng như khả năng thuyết phục người khác trên bàn đàm phán.

Ở cương vị này, bà đã thiết lập và triển khai chính sách đối ngoại của Mỹ đối với 48 quốc gia vùng cận Sahara ở châu Phi, cũng như giám sát quản lý 43 đại sứ quán cùng với hơn 5.000 cán bộ, nhân viên Mỹ làm tại khu vực này.

Năm 2000, bà Susan Rice đã nhận được kỷ niệm chương Samuel Nelson Drew của Nhà Trắng vì những đóng góp quan trọng đến công tác thiết lập hòa bình, duy trì quan hệ hợp tác giữa các quốc gia.

Hai năm sau đó, bà Rice quyết định rời khởi chính quyền liên bang để trở thành một chuyên viên cao cấp về chính sách đối ngoại tại Viện Brookings. Công việc của bà chú trọng vào nghiên cứu chính sách đối ngoại của Mỹ, tìm ra điểm yếu kém và thất bại của các quốc gia khác cũng như các tác động của nạn nghèo đói trên toàn cầu và các mối đe dọa an ninh xuyên quốc gia.

Năm 2008, Bà Rice rời Viện Brookings để tham gia cố vấn cho ứng cử viên Barack Obama trong chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông.

Từ trái qua: Ngoại trưởng John Kerry, Tổng thống Barack Obam và Cố vấn An ninh Susan Rice tại cuộc họp song phương với các lãnh đạo Việt Nam ngày 23/5. Ảnh: EPA

Tháng 12/2008, Rice được Tổng thống vừa đắc cử Barack Obama chọn làm Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ). Lần này, bà lại lập kỷ lục là đại sứ Mỹ trẻ nhất tại LHQ, đồng thời là nữ đại sứ Mỹ gốc Phi đầu tiên của cơ quan này.

Dưới thời bà làm Đại sứ, phái đoàn Mỹ tại LHQ đã đề xuất thành công các lệnh trừng phạt cứng rắn nhất chống lại Iran và Triều Tiên, một hành động chưa từng có tiền lệ để ngăn chặn vũ khí hạt nhân; hỗ trợ tình hình chiến sự tại Libya và Cote d’Ivoire, hợp tác trong cuộc trưng cầu dân ý về độc lập ở Nam Sudan…

Tháng 6/2013, bà Susan Rice chính thức đảm nhiệm vị trí Cố vấn An ninh Quốc gia. Tổng thống Obama đã chia sẻ cảm nghĩ về cố vấn mới của mình trên kênh NBC News rằng: “Tôi hoàn toàn vui mừng khi cô ấy sẽ quay trở lại, dẫn dắt đội ngũ an ninh quốc gia trong nhiệm kỳ thứ hai của tôi”.

Về đời tư, bà Rice kết hôn với ông Ian Cameron, một nhà sản xuất chương trình tại ABC News năm 1992. Hai người đã có hai con và hiện đang sinh sống tại Washington, D.C

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay