Là ngôn sứ, ông phải chết!

 Là ngôn sứ, ông phải chết!

Vi Sương, GNsP

|GNsP – Thỉnh thoảng nghe tin một linh mục bị đánh hay bị bắt, chúng ta cảm thấy đau lòng nhưng không ngạc nhiên, nhất là trong xã hội này. Linh mục là ngôn sứ của Đức Kitô, là một Đức Kitô khác, alter Christus, cho nên linh mục phải chia sẻ số phận của Đức Kitô.

ứ mạng ngôn sứ của Đức Kitô đưa đến kết quả rất đau lòng: Người phải chết. Trong suốt chiều dài lịch sử ơn Cứu độ, người ta chứng kiến cảnh ngôn sứ bị từ chối, bị lăng nhục, chống đối và bị triệt hạ bằng đủ mọi cách.

Đức Giêsu Kitô là Người Tôi Trung, là vị Ngôn Sứ đúng nghĩa nhất bị dân đối xử ra sao? Người lên tiếng loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa, một Tin Mừng trái với thế gian độc ác điêu ngoa, và Người đón nhận thân phận ngôn sứ. “Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành-thành này xây trên núi. Họ kéo người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực” (Lc.4,29).

Dường như có một câu nói không rõ thành lời nhưng cứ dõi theo thân phận ngôn sứ: là ngôn sứ, ông phải chết. Trừ Giôna, có lẽ không có ngôn sứ nào trốn tránh sứ vụ của mình. Đứng trước một Pharaoh tàn nhẫn, Môsê vẫn can đảm lên tiếng nói cho dân. Đứng trước một dân “cứng đầu cứng cổ”, Isaia, Giêrêmia và các ngôn sứ vẫn lên tiếng cảnh báo và loan cho dân ý định của Thiên Chúa.

Và đặc biệt Nathan đã dám đến trước Vua Đavit đang rất quyền uy, để dõng dạc lên tiếng nói rằng kẻ ác ấy chính là bệ hạ! May mắn cho Nathan, Đavit là vị vua đạo đức biết kính sợ Thiên Chúa, nên đã nghe lời ngôn sứ.

Ngày hôm nay, các linh mục của Đức Kitô không những noi gương các ngôn sứ của Cựu Ước, mà trên hết, các ngài nhìn vào Đức Kitô như mẫu gương chói loà sống động nhất. “Này là Người”, Ecce Homo, này là Con Người viết hoa mà bây giờ “chẳng còn hình dạng người ta nữa”. Vậy mà Ecce Homo vẫn lên tiếng ôn hoà nhưng quả quyết: “Ai đứng về phía Sự Thật thì nghe tiếng Tôi” (Ga. 18,37). Các linh mục Chúa tiếp tục loan truyền Lời của Chúa, loan truyền sự thật, điều mà thế gian không hiểu, không đón nhận, hoặc có hiểu thì cũng rửa tay tuyên bố “không can dự gì” như Philatô xưa.

Khi suy niệm về sứ mạng ngôn sứ, Cha Giuse Trực (giáo phận Cần Thơ) viết “phải nói về Thiên Chúa trong một xã hội giá trị luân lý và đạo đức đang xuống cấp nghiêm trọng, từ những xuống cấp của cá nhân cho đến xuống cấp của tập thể”. Thật không dễ dàng, bởi vì khi xã hội càng gần với bóng tối, với sự dữ, với Satan, thì thân phận ngôn sứ càng nghiệt ngã.

Thế mà linh mục Chúa phải nói. Gần đây chúng ta nghe tin nhiều linh mục Chúa bị đánh, bị bắt, bị doạ giết. Là tín hữu giáo dân trong Hội Thánh, chúng ta không khỏi đau lòng. Mới hôm nào nghe tin hai cha Phaolô Nguyễn Đình Phú và Phêrô Ngô Thế Bính bị đánh trọng thương ở Quảng Bình, ít lâu sau lại nghe tin Cha Luy Nguyễn Quang Hoa ở Kontum bị đánh nát tay, bầm lưng, tím bụng.

Cách đây ít lâu lại nghe Cha Antôn Đặng Hữu Nam ở Vinh bị đánh đập tàn nhẫn và rất bài bản. Rồi đến Cha Giuse Nguyễn Văn Thế ở Bắc Ninh bị côn đồ và công an dùng gậy sắt đánh tới tấp vào người, khiến ngài bị trọng thương.

Đó là những chuyện ở tỉnh xa. Còn ở hai thành phố lớn Sàigòn và Hà nội thì sao? Có lẽ không cần nhắc lại chuyện xưa, chỉ xin gợi lên hai trường hợp mới xảy ra ngay trước mặt mọi người yêu nước: Cha Giuse Nguyễn Văn Toản ở Hà nội bị bắt ngày 8/5 và Cha Antôn Lê Ngọc Thanh vừa bị bắt. Tội danh duy nhất: dám lên tiếng nói sự thật.

Trong đoàn người đông đảo xuống đường đòi nước cho cá, đòi minh bạch cho dân, đòi con đường sống không chất độc, hai vị Linh mục không cao to, không la lớn tiếng, không kích động ai, bất ngờ bị bắt giữ một cách bất công và tàn nhẫn.

Cha Giuse Toản viết trên Vietcatholic: “Tôi bị hai viên an ninh thường phục bổ nhào tới khóa hai tay. Mỗi người một bên. Hai viên an ninh khác từ phía sau đẩy đi. Một viên an ninh mặc thường phục đứng gần đó chỉ đạo việc bắt tôi. Tay an ninh này quát lớn: “Bắt nó lên xe! Lấy điện thoại của nó! Thằng đó quay rất nhiều! Lấy điện thoại của nó!”

Linh mục bị bắt chỉ vì quay phim! Ghi lại cảnh đời cũng là một cách lên tiếng. Và cái cung cách lên tiếng nhẹ nhàng ấy làm cho thế gian điên lên. Chúng hùng hổ, la lối một cách thô lỗ nhưng đầy hoảng sợ.

Cha Antôn Thanh thì bị bắt vì “lên tiếng bằng sự hiện diện”. Trong xã hội này nhiều khi sự hiện diện cũng đã là vi phạm! Tám năm trước, trong vụ Toà Khâm Sứ – Thái Hà, thì cầu nguyện cũng là vi phạm. Thật đau cho dân tộc.

Cha Antôn đang ngồi uống càfé, đứng lên bước ra thì bị bắt. Là một linh mục, sự hiện diện can đảm của ngài đã mang tính ngôn sứ. Mà đã là ngôn sứ thì phả chia sẻ số phận ngôn sứ.

Cũng cần phải nói thêm, mỗi thời đại có một vấn nạn, một nhu cầu và một đòi hỏi riêng. Thời các ngôn sứ Cựu Ước, các chủ đề chính của ngôn sứ là Thiên Chúa duy nhất yêu thương – sự bất trung của dân – hình phạt – sám hối – tiên báo Đấng Thiên Sai. Ngày nay, khi Đấng Thiên Sai đã hoàn tất sứ mạng Cứu Chuộc, thì chủ đề ngôn sứ thời đại có khác đi, đó là điều đương nhiên.

Lần giở giáo huấn Xã Hội Công Giáo, chúng ta thấy Hội Thánh dạy rằng nghĩa vụ của Hội Thánh là lên tiếng tố cáo bất công và bạo lực. Hội Thánh kêu gọi con cái mình thực thi quyền công dân, như bầu cử chẳng hạn, khi mà việc bầu cử minh bạch và trung thực. Hội Thánh không khích lệ loại bầu cử gian dối mị dân. Lúc đó, nghĩa vụ của ngôn sứ phải là tố cáo.

Cũng tương tự như thế, Hội Thánh kêu gọi con cái mình xây dựng xã hội trần thế, nhưng không phải bỏ công sức ra để xây những pháo đài bắn xối xả vào dân chúng. Khi nhìn thấy dân chúng bị bức hại, môi trường bị phá huỷ, tương lai bị xói mòn, thì Hội Thánh dạy “Sự hy vọng sẽ luôn giúp chúng ta tìm ra lối thoát, chúng ta có thể sẽ phải thường xuyên thay đổi cách làm, và luôn phải làm điều gì đó để giải quyết những vấn nạn này” (Thông Điệp Laudate Si).

Ngôn sứ phải làm gì đó. Ngồi nhìn, nói tránh đi, và nhất là bênh vực cho cái ác hay vận động dân thánh tham gia vào điều gian trá là làm ngược sứ vụ ngôn sứ. Dĩ nhiên khi không thi hành sứ vụ ngôn sứ thì thân an và vị trí vững. Chỉ có một điều sẽ không vững: chỗ đứng của ngôn sứ.

Là ngôn sứ, ông phải chết. Không hẳn là chết thân thể, nhưng là sự chết dần chết mòn do bắt bớ, hành xích và lên án. Đó là thân phận ngôn sứ. Và chỉ khi dám chết như hạt lúa mì, vị ngôn sứ mớ trổ sinh nhiều bông hạt như Lời Đức Kitô đã dạy những ai dám bước theo Người.

Vi Sương, GNsP

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay