Khi thức dậy, không thấy tôi, mình đừng khóc…

Khi thức dậy, không thấy tôi, mình đừng khóc…

Từ ngày ông về nhà, mản hạn công tác nước ngoài, bà vui vẻ lên nhiều, sức khỏe cũng tốt hơn, bệnh huyết áp thấp của bà cũng đỡ hơn. Sáng nào ông cũng dậy sớm, đánh thức bà và họ nắm tay nhau đi tập thể dục. Vậy mà đột nhiên mấy hôm nay, khi nào bà tỉnh dậy cũng chỉ thấy có một mình bà trên giường, ông thức từ khi nào? Ông đi tập thể dục một mình sao? Bà thầm nghĩ: Cái ông này, làm gì cũng được vài bữa (Thật ra cái vài bữa bà nói ấy cũng đã hơn ba năm rồi).

Bà dậy, mặc thêm cái áo len, trời sang thu nên buổi sáng hơi lạnh. Bà thấy ông từ đằng xa, tay xách tùi đồ ăn sáng, khuôn mặt có vẻ đăm chiêu. Nhưng vừa nhìn thấy bà, ông lại mỉm cười ngay. Bà nhìn ông, người đàn ông cao to, đẹp trai ngày nào, nay đã thành một ông già.
Thời gian thật khắc nghiệt với con người và với cả tình yêu.

Thấy vẻ mặt suy tư của bà, ông cười:

–  Bà lại đang nghĩ gì thế?

–  Tôi chỉ nghĩ không biết ông đi đâu?

–  Tôi đi mua bánh khúc của bà Dần đấy. Món này bà thích nhất mà. Gớm, bà ấy làm bánh khúc cũng ba bốn chục năm rồi ấy nhỉ?

–  Bánh khúc của bà ấy, thì chẳng ai làm ngon được bằng. Nhưng vừa rồi bà ấy bảo, bà ấy bán nốt tuần này thôi. Bà ấy thấy mệt rồi.

Bà thở dài, nhìn ông:

–  Thì chúng ta già cả rồi mà. Ông nhìn xem, cây mít này tôi trồng khi thằng Hải mới được mấy tuổi, vậy mà năm nay nó cũng đã cằn cỗi rồi! Có ra được quả nào nữa đâu!

–  Cứ để nó đấy làm kỹ niệm bà ạ!.

–  Nhưng sao dạo này không thấy ông dậy đánh thức tôi dậy cùng thế?

–  Tôi thấy bà ngủ ngon, nên đánh thức bà dậy làm gì.

–  Lần sau, ông cứ đánh thức tôi dậy đi cùng ông!

Ông biết tâm tình của bà. Ông đưa tay nắm lấy tay bà bảo:

–  Thôi tôi với bà về ăn bánh khúc!

***

Nhưng ông vẫn không đánh thức bà. Khi tỉnh giấc, bà cũng chỉ thấy có một mình. Lúc đầu bà có chút hốt hoảng, nhưng sau vài buổi sáng, bà biết ông ông chỉ đang ngồi ở ngoài sân hoặc đi mua đồ ăn sáng. Nhưng bà nhận thấy dạo này nhiều lúc ông trâm ngâm đến lạ, bà thấy lòng mình có chút bất an.

Ông đang ngồi nấu cháo bên chiếc bếp than. Nhưng nối cháo đã trào ra ngoài mà ông không hay. Giọng bà vẫn dịu dàng như mọi khi:

–  Dạo này, tôi thấy ông gầy đi!

Ông đưa mắt nhìn bà, miệng nở một nụ cười:

–  Bà yên tâm, tôi ốm sao được!

–  Nhưng dạo này, tôi thấy ông cứ suy nghĩ gì ấy!

–  Tôi thì nghĩ gì đâu ngoài bà!

***

Mấy tháng sau, người ta không còn thấy hai vợ chồng già dắt tay nhau đi dạo nữa, mà chỉ thấy bà cụ lặng lẽ đi một mình. Bà đi quanh một vòng rồi về nhà, nấu cháo, múc ra hai bát và đặt trên bàn. Bà ăn một bát…

Một năm sau, bà cũng ra đi. Khi con gái dọn dẹp đồ đạc trong nhà mới phát hiện ra lá thư của ông viết cho bà, nét chữ run run nhòe ướt, không biết vì nước mắt của ông khi viết hay của bà mỗi khi đọc, cô thấy những nếp gấp gần như bị rách ra:

Mình à!

Tôi muốn được sống lâu hơn mình để có thể nấu cháo cho mình ăn mỗi sáng, đánh thức mình dậy mỗi sáng và để mình không phải sống cô đơn một mình những năm tuổi già. Khi trẻ, tôi vì nhiệm vụ phải để mình sống cô đơn. Tôi muốn bù đắp lại cho mình.

Những ngày tháng sau này là những tháng ngày hạnh phúc nhất đời tôi khi được sống bên mình, được chăm sóc cho mình. Nhưng ông trời không chiều lòng người rồi.

Tôi biết, một sáng nào đó mình thức dậy và không còn thấy tôi ở bên cạnh nữa, chắc hẳn mình sẽ không chịu nổi. Nên khi tôi biết tôi bị ung thư giai đoạn cuối, tôi biết tôi sẽ chẳng sống được lâu nữa, nên sáng nào tôi dậy trước mình và để mình lại đó. Tôi muốn mình quen dần cảm giác ấy để sau này khi tôi đi rồi, mình không quá hụt hẫng. Không biết mình đã quen chưa? Nhưng dù sao, khi thức dậy một sáng nào đó, không có tôi bên cạnh, mình cũng đừng khóc đấy!

Tôi chưa nói câu này với mình: Hen găp lại!

Cô con gái đặt bức thư của bố dưới bức di ảnh của cha mẹ trên bàn thờ.

Khi không có tôi bên cạnh, mình vẫn phải chăm sóc bản thân và sống vui vẻ.

From GS Nguyễn Phi Phượng

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay