Có Những Người Chị Người Em Dễ Thương.

Có Những Người Chị Người Em Dễ Thương.

 Bút ký của : Đòan Thanh Liêm.

Tôi còn đang ở lại thành phố Denver Colorado, sau chuyến hành trình bằng xe lửa

dài trên 2,000 dặm kéo dài đúng 48 giờ liên tục, xuất phát từ thành phố Lancaster

Pennsylvania vào ngày 30 tháng Sáu, xuyên qua nhiều tiểu bang qua các thành phố

lớn như Philadelphia, Washington DC, Chicago để tới Denver vào sáng thứ Sáu

mồng 2 tháng Bảy. Đây có thể là chuyến xe lửa dài nhất mà tôi thực hiện trong

mấy năm gần đây. Tôi phải tranh thủ làm như vậy, thì mới kịp có mặt tại Denver để

tham dự đám cưới của hai người cháu gái tên là Việt Trâm và Việt Tiên gọi tôi là “

ông chú”, mà cùng được tổ chức trong cùng một ngày Thứ Bảy mồng 3 tháng Bảy.

Cha mẹ của các cháu, chính là anh chị Tống Đình Thỉnh là chủ nhân của hãng

Hương Duyên chuyên chế biến giò chả có tiếng ở Denver. Anh Thỉnh là trưởng

nam của người anh bà con của tôi. Đây cũng là một dịp Họp Mặt Đại Gia Đình của

dòng họ chúng tôi, gốc gác từ một thôn xã trong vùng đồng bằng sông Hồng, thuộc

tỉnh Nam Định Bắc phần.

Sau chuyến đi mệt nhọc này, tôi phải ở lại Denver một thời gian, vừa để gặp gỡ

hàn huyên tâm sự với bà con trong dòng họ từ nhiều nơi xa quy tụ về đây, vừa để

nghỉ ngơi tĩnh dưỡng để phục hồi sức lực hầu đi tiếp thêm vài đọan đường nữa,

trước khi về lại California với gia đình. Bài viết này, tôi đã manh nha từ lâu, chủ ý

ghi lại cái sự chăm sóc rất ư là chân tình chu đáo, mà tôi nhận được từ nơi những

người chị, người em rất mực thân thương quý mến của mình, trong chuyến đi dài

ngày của tôi vào mùa xuân và mùa hè năm 2010 này. Để quý bạn đọc tiện bề theo

dõi, tôi xin viết về các chị em người Mỹ trước, rồi sau đó sẽ viết về các chị em

người Việt của mình.

I – Các Chị Em người Mỹ.

Tôi đã có dịp viết về gia đình của Sandy và Jim Foster tại thành phố Knoxville

Tennessee, là nơi tôi thường xuyên lui tới để tham dự các khóa hội thảo quốc tế

Xây dựng Hòa bình vào các mùa hè mỗi năm. Liên tiếp trong 3 năm gần đây, mỗi

lần đến Knoxville, thì tôi thường ở với gia đình Foster. Chị Sandy lúc nào cũng lo

lắng chăm sóc chu đáo cho tôi. Đặc biệt năm nay tôi ở lại nhà anh chị đến 10 ngày,

mà lại đúng vào lúc tôi bị bệnh gout hòanh hành nơi đầu gối, khiến cho việc đi

đứng rất khó khăn, thì Sandy tìm ngay lọai thuốc giảm đau cho tôi (pain relief).

Chị lại làm món ăn có nhiều rau dành riêng cho tôi. Thấy tôi không đem theo đủ áo

ấm, chị bèn kiếm ngay cho tôi một áo len để tăng cường bảo vệ sức khỏe cho tôi.

Chị còn luôn nhắc chừng tôi là : “ Anh không được say mê công việc quá đáng,

khiến làm hại đến sức khỏe đấy !” Khi tiễn tôi ra xe để đi Indiana, chị còn gửi theo

cả một túi đày đồ ăn và trái cây, thật là tươm tất.

Chị Marylou Matteson cũng vậy. Từ 2 năm nay, anh chị rời khỏi Knoxville để tới

làm việc cho tổ chức xã hội Mennonite Central Committee (MCC) tại nơi trụ sở

chính đặt tại thành phố Akron, gần với Lancaster thuộc tiểu bang Pennsylvania. Và

vào ngày 29 tháng 6 vừa đây, tôi đã từ Philadelphia ghé tới thăm anh chị trong một

ngày. Ngay buổi chiều hôm tôi đến, Marylou đã rủ tôi cùng với anh chị và một số

gia đình bạn để đi coi trận đấu base ball (bóng chày) tại Lancaster giữa đội chủ nhà

là Lancaster Barnstormers với đội khách là Southern Maryland Blue Crabs. Đây là

lần đầu tiên tôi đi coi một trận baseball như thế này, thật là hào hứng với rất đông

khán giả tòan là dân Mỹ ở địa phương. Marylou hỏi tôi : “Anh có dự định viết bài

báo nào về trận đấu này không?” Tôi lắc đầu, nói : người Việt nam thì hiện đang

mê say theo dõi World Cup ở Nam Phi, chứ họ không có quen với lọai baseball này

đâu. Marylou là con người đôn hậu dịu dàng và có đời sống đao đức tâm linh thật

là sâu sắc. Niềm vui lớn nhất của chị hiện đặt nơi đứa cháu nội tên là Mila mới

được chừng 3 tuổi. Marylou luôn gửi email cho các bạn bè cùng khắp để trao đổi

các suy nghĩ về sinh họat thường ngày của gia đình, cũng như của đại gia đình

MCC mà hai anh chị đã dấn thân nhập cuộc với mọi công tác từ thiện nhân đạo, từ

khi đã bắt đầu bước vào tuổi cao niên. Chị luôn khích lệ, cổ võ cho công việc

nghiên cứu tìm kiếm của tôi để hòan thành cuốn sách về sự phục hồi Xã hội Dân

sự tại Đông Âu, mà tôi đã theo đuổi từ 10 năm nay. Cũng giống như Sandy, chị gói

cho tôi ít đồ ăn khô và trái cây để cho tôi ăn trên xe lửa. Chị còn cho tôi cả một

cuốn sách về suy ngẫm tâm linh để tôi mang theo đọc trên xe. Anh Matt thì nói đùa

:’ Marylou sợ anh Liêm không có gì để đọc, nên đã gửi thêm cho cuốn sách đó

đấy’. Và chúng tôi đều cười ngất lúc chia tay.

Chị bạn khác nữa là Sherry Hall, người bạn đời của Dick Hughes ở New York. Hai

anh chị có người con gái là Tara Hughes-Hall, nay đã trưởng thành và đi ở riêng để

làm việc tại Buffalo. Lần nào đến New York, thì tôi cũng đều được Dick và Sherry

rủ đi dùng bữa và đi thăm viếng nơi này, chỗ nọ. Lần này hai người rủ tôi đi xem

triển lãm tranh ảnh của nhà báo ảnh nổi danh quốc tế là Henri-Cartier Bresson

(photo-journalist) tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (MoMA = Museum of Modern

Art), do sự hướng dẫn của một người bạn, đó là Adrian Kitzinger là một trong các

tác giả của cuộc triển lãm vĩ đại này.

Khi nghe tôi nói là tôi được cho ở free tại một khách sạn tại khu thị tứ nhất của

New York là Times Square, thì Sherry cười ngất, chị bảo chỉ có Mister Liêm mới

có được một sự đãi ngộ đặc biệt như vậy (such a special treatment!). Sherry có lần

còn kể là : Trong một dịp chở cháu Trực con trai tôi ra phi trường để về lại

California, thì luýnh quýnh thế nào mà chị lại chở đến một phi trường khác. Thế

nhưng may là nhờ đi sớm, nên vẫn còn kịp thì giờ để chị có thể trở lại cho đúng

với phi trường ghi trong vé máy bay. Sherry cười ngất : Thằng cháu Trực nó chắc

không thể nào quên được cái vụ tôi chở đi lộn phi trường này đấy nhỉ. Hồi trước,

lúc cháu học về Pharmacy ở Boston, thì Trực thường về New York và ở nhà với cô

chú Dick và Sherry. Là một cô giáo, Sherry thật là dịu hiền dễ thương đối với mọi

người.

Còn riêng với tổ chức Human Rights Watch (HRW), thì ngòai chị luật sư Dinah

Pokempner ra, tôi còn thân thiết với chị Sara Colm vẫn làm việc ở Phnom Penh.

Có lần tôi đến thăm Sara ở New Orleans vào dịp chị về nghỉ tại nhà, thì Sara cũng

dẫn tôi đi ăn trưa, xong còn dẫn tôi về nhà và gặp ông xã cũng chuyên họat động

về bảo vệ môi sinh và lọai động vật hiếm quý trên thế giới. Sara làm việc âm thầm,

mà rất hiệu quả, đặc biệt trong việc bênh vực người thiểu số ở vùng cao nguyên

Việt nam sát với ranh giới Cambodia. Ngòai ra, thì mỗi khi ở thủ đô Washington,

tôi đều gặp lại chị Sophie Richardson tại văn phòng HRW ở gần khu vực Dupont

Circle. Sophie mới ngòai 30 tuổi là một chuyên gia đặc trách về khu vực Á châu

của HRW. Chị được nhiều bà con trong cộng đồng người Việt tại Washington biết

đến và mến chuộng vì sự tích cực bảo vệ nhân quyền cho Việt nam. Chị thường

hẹn tôi đến gặp bàn chuyện và đi ăn trưa luôn thể, theo lối mà người Mỹ gọi là

“working lunch”. Nói chung, thì cả ba vị nữ lưu trí thức Dinah, Sara và Sophie này

của HRW đều rất mực duyên dáng dễ thương và đều hăng say với lý tưởng tranh

đấu cho phẩm giá và quyền con người tại khắp nơi trên thế giới ngày nay vậy

II – Các Chị Em người Việt.

Trong các bài bút ký trước đây, tôi đã viết nhiều về những gia đình tại các thành

phố tôi đã đi qua, mà đã cho tôi chỗ trú ngụ cũng như cho tôi mọi thứ cần thiết cho

sự sinh họat đi lại của tôi. Vì thế ở đây, tôi chỉ xin viết thật vắn tắt về những người

chị người em, tất cả đều dễ mến dễ thương đó thôi.

Tại thành phố Houston năm nay, thì tôi ngụ tại nhà của hai anh bạn, mà đều có tên

là Bằng cả. Đó là, anh Nguyễn Công Bằng với bà xã là chị Anh Trinh, rồi đến anh

Chu Bá Bằng với bà xã là chị Ánh. Chị Anh Trinh cũng như chị Ánh đều rất sung

mến Đạo Phật, mà cả hai chị đều lo lắng chăm sóc cho tôi rất chu đáo tận tình. Chị

Ánh gợi lại cho tôi những kỷ niệm rất đẹp về anh Nguyễn Xuân Nghiên là bạn ở

cùng lều vải trên khu Khám Lớn Saigon hồi xưa với anh Bác sĩ Bằng và tôi, khi

chúng tôi mới di cư vào miền Nam năm 1954. Anh Nghiên trước 1975 là một giáo

sư dậy môn Lý Hóa có tiếng ở Saigon, nhưng sau đó anh bị tai nạn xe trên xa lộ

Biên Hòa và mất vào khỏang năm 1977. Còn chị Anh Trinh thì hay dẫn tôi đi tham

dự các buổi sinh họat cộng đồng ở Houston, mà chị thường được mời ra làm công

việc giới thiệu chương trình ( MC = emcee).

Tại vùng thủ đô Washington, thì tôi được nhiều chị lo lắng chăm sóc cho việc ăn ở

rất chu đáo, gọn gàng. Cụ thể như trường hợp của chị Lệ bà xã của nhà báo Phạm

Bá Vinh, với chị Ngọc Lan bà xã của ký giả Nguyễn Văn Khanh của Đài Á châu

Tự Do RFA, của chị Như Lan bà xã của Thẩm phán Nguyễn Văn Thành (Thành

Em, để phân biệt với vị Thẩm phán Quân sự lớn tuổi hơn, mà cũng có tên là

Nguyễn Văn Thành hiện cũng định cư tại Virginia), và của chị Trương Anh Thụy

bà xã của anh Nguyễn Huy Long.

Đặc biệt là lần nào ở Washington, thì tôi cũng đều được chị Jackie Bông giúp đỡ

cho bất kỳ việc gì tôi cần đến, điển hình như vào chiều ngày 30 tháng Sáu, tôi phải

ở lại nhà ga Union Station đến 3 giờ trong khi chờ đổi tàu khác để đi Chicago, thì

chị Jackie đã đến nhà ga gặp gỡ chuyện trò và dẫn tôi đi ăn ở Mc Donald. Chúng

tôi cùng hợp tác với nhau trong Mạng Lưới Nhân Quyền Việt nam. Và các con tôi

vẫn gọi chị là Cô Út Jackie, vì tụi chúng đọc cuốn Hồi Ký “Autumn Cloud” (Thu

Vân = Mây Mùa Thu), thì biết được cô Jackie là con út trong gia đình nhà họ Lê

với tên đày đủ là Lê Thị Thu Vân.

  • Tại thành phố Rochester NY, thì chị Dung bà xã của anh Nguyễn Xuân Sơn – bào

đệ của họa sĩ Thái Tuấn – cũng lo lắng chăm sóc cái ăn cái uống cho tôi rất chu

đáo. Cái món xôi chị gói cho tôi mang lên xe lửa để ăn dọc đường, thì thật là tuyệt

vời, đến nỗi tôi chia bớt cho cô bạn người Đức cùng ngồi chung trong một băng

ghế, thì cô bạn này hết sức khen ngợi tài nấu nướng của các bà nội trợ Việt nam.

Rồi tại thành phố Worcester MA, anh chị suôi gia Võ Hồng Phước, cũng như anh

chị Nguyễn Hữu Sơn cũng đều ân cần chăm sóc cho tôi về mọi phương diện. Và

sau cùng, tại thành phố Philadelphia PA, cô Mỹ Linh con dâu của bác Nguyễn

Ngọc Chương lại còn cung cấp thêm cho tôi cả món quà đặc sản cô mới đem từ

Việt nam về Mỹ – để tôi đem tặng cho gia đình anh chị Marylou và Matt Matteson

ở Lancaster gần đó – như tôi đã ghi ở đọan trên đây nữa.

Thật là mọi bề chu đáo gọn gàng, nhờ bàn tay khéo léo và tấm lòng quý mến yêu

thương của các người chị, người em thật là tuyệt vời – dù là người Mỹ cũng như

người Việt của tôi vậy.

Bài viết đến đây đã khá dài rồi, tôi chỉ xin tóm lược lại trong một vài dòng thật

ngắn gọn như sau. Trên bước đường rong ruổi khắp nơi trên đất Mỹ suốt trên 3

tháng trong mùa hè năm 2010 vừa qua, nhiều lúc tôi cũng thấy mệt mỏi lắm đấy

chứ, vì một phần đường xa, xe cộ lắm khi bị trục trặc và trễ giờ, và nhất là vì phải

ngồi suốt cả nhiều đêm trên xe khiến làm mất ngủ.

Nhưng đi tới nhà nào, thì tôi cũng đều gặp được sự tiếp đón ân cần chu đáo, với

tất cả tình yêu thương đầm ấm chan hòa. Nhờ vậy mà mọi sự mệt nhọc thể xác đều

tan biến đi hết, và tinh thần tôi được vỗ về an ủi, trong trạng thái lâng lâng thanh

thóat vô cùng tuyệt diệu. Đó là lý do chính yếu đã giúp cho tôi luôn giữ được sự

lạc quan thanh thản – để mà có thể tiếp tục công việc hoạt động xã hội – với tấm

lòng yêu mến thiết tha đối với cuộc đời và với niềm yêu thương nồng thắm đối với

mọi con người trong xã hội vậy./

Sơ thảo tại Denver Colorado vào Tháng Bảy 2010

Bổ túc tại Costa Mesa California vào Tháng 12 – 2011

Đòan Thanh Liêm

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay