LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ

 LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ

Đã là người, không ai tránh khỏi thập giá.  Thập giá có thể làm tê liệt hoặc hủy hoại con người, nhưng nó cũng có thể là phương tiện giúp người ta nhận ra sự thực về chính mình, giúp người ta gần gũi và tùy thuộc Thiên Chúa hơn.

1) Thập Giá 

Khi một người đang đi xe trên đường, gặp một cây lớn nằm vắt ngang; việc đưa chiếc xe vượt qua cản trở này là một vất vả với họ; cây nằm ngang đường đúng là “thập giá”.  Tùy cây đó lớn nhỏ mà người ta có thể vượt qua chướng ngại đó hay không.  Chuyện cái cây vắt ngang đường chỉ là một hình ảnh, “thập giá” cũng có thể là “cây” mà người ta đã ấn trên vai Đức Giêsu, và bắt Ngài vác ra gò Sọ, nơi mà chẳng ai muốn cho mình.  Trên đường đời, có bao nhiêu cản trở vắt ngang; nó có thể là những bệnh tật, những thất bại trong đường công danh sự nghiệp, điều không được như ý trên đường tình duyên.

Thập giá đã hủy diệt nhiều người, nếu người ta không vượt qua được mà cũng không sẵn sàng chấp nhận thập giá.  Có nhiều người cảm thấy bất hạnh khi gặp những bệnh nan y, thế nhưng cũng có những người chấp nhận bệnh hoạn, và vui sống trong hoàn cảnh của mình.  Có những người mắc bệnh phong, nhưng vẫn vui trong tình trạng và hoàn cảnh của họ; họ còn lạc quan hơn nhiều người không mắc bệnh gì.

Vượt qua cái cây đổ ngang trên đường, là điều có thể làm được.  Tránh khỏi thập giá người ta ấn trên vai như trường hợp Đức Giêsu bị dẫn trên đường đến gò Golgotha, là điều không thể.  Có lúc người ta vượt qua thập giá, nhưng có lúc người ta phải chấp nhận thập giá; chấp nhận thập giá cũng là một cách vượt qua thập giá.  Đức Giêsu là người đã vượt qua thập giá bằng cách chấp nhận; và các Kitô hữu anh hùng tử đạo cũng là những người đã noi gương Đức Giêsu, vượt qua thập giá bằng cách chấp nhận; các ngài đã lãnh nhành thiên tuế.

2) Thập Giá của Đức Giêsu

Thời Đức Giêsu, người Do Thái sống dưới ách thống trị của người Roma, hình phạt chết treo thập giá là một điều khủng khiếp, một mối nhục.  Người Roma không bị kết án chết trần truồng trên thập giá.  Án thập giá chỉ dành cho những dân bị trị.  Án thập giá là án ô nhục nhất giữa những hình phạt dành cho tội nhân.  Đức Giêsu đã bị thi hành án ở gò Sọ, gần thành Yêrusalem, bên đường đi.  Sở dĩ những người lãnh án bị hành hình nơi có người qua lại như thế, là nhằm răn dạy những người còn sống: nếu họ hành xử như vậy, họ cũng sẽ bị hình phạt như thế.  Những người cầm quyền mong rằng, khi người ta nhìn thấy cảnh khủng khiếp của những tội nhân tử hình như vậy, người ta sẽ khiếp sợ mà không phạm tội nữa.

Đức Giêsu đã bị chết treo thập giá giữa hai người trộm cướp.  Ngài bị người ta liệt vào đồng hàng với những người tệ nhất trên đời.  Hình phạt tử hình thập giá cho Ngài như cao điểm thập giá trong đời Ngài, tuy nhiên thập giá đã không thiếu trong suốt đời Đức Giêsu.  Sinh trong một gia đình nghèo, thiếu điều kiện sống và ăn học, cũng là thập giá đối với nhiều người; sống trong một làng nghèo, với nhiều người, cũng là một thập giá.  Khi đi rao giảng, Đức Giêsu đã bị nhiều người chống đối; Ngài bị người ta cho là người mất trí, một kẻ lộng ngôn phạm thượng, một kẻ thuộc phe quỷ vì lấy quyền của tướng quỷ mà trừ quỷ, một tội nhân.  Bao nhiêu chống đối, bao nhiêu bất lợi trên đời: đó cũng là những thập giá đối với Đức Giêsu.

Đức Giêsu đã không bị hủy diệt bởi dư luận, bởi thế lực phàm trần.  Người ta có thể vu oan giá họa cho Ngài, người ta có thể giết Ngài, nhưng người ta không thể bắt Ngài khuất phục.  Ngài là con người tự do với tất cả: tự do với tiền bạc, tự do với dư luận khen chê, tự do với mọi thế lực hãm hại Ngài.  Ngài vẫn cố sống cho ra người, trong mọi hoàn cảnh, và sống yêu thương.  Tất cả những hoàn cảnh và thái độ của người ta đối với Ngài, vẫn không thay đổi được thái độ thẳm sâu của Ngài đối với mọi người: yêu thương.  Ngài yêu thương tất cả con người, thông cảm với những giới hạn của con người, ngay cả đối với những người thù ghét và giết chết Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng lầm chẳng biết.”

3) Thập giá tôi luyện con người 

“Lửa thử vàng, gian nan thử đức.”  Đường gian nan, sông khúc khuỷu, mới biết tay đua giỏi. “Ví thử đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai.”  Con người ta lộ diện mình là ai, khi gặp những lúc gian nan sóng gió.  Trước khi đưa một vật tưởng là vàng mà không phải là vàng thật vào lửa, người ta có thể lầm tưởng nó là vàng thật; nhưng một khi đưa nó vào lửa, lửa giúp người ta nhận ra sự thật: nếu là vàng thật nó sẽ không biến đổi, còn nếu là vàng giả thì nó sẽ biến đổi màu.

Thập giá giúp con người biết rõ về mình, biết mình là ai.  Thập giá giúp mình nhận ra mình thật mong manh mỏng dòn, và cần Thiên Chúa giúp để có thể vượt qua những sóng gió chông gai trên đường đời.  Thập giá, đối với những ai thuộc về Thiên Chúa, có thể giúp con người cậy dựa vào Thiên Chúa, tùy thuộc Thiên Chúa, gần gũi Thiên Chúa, thuộc trọn về Thiên Chúa hơn.

Thập giá không phải luôn luôn đến từ sự dữ, nhưng giả sử nếu nó do sự dữ thì con người vẫn chiến thắng sự dữ nhờ vào Thiên Chúa, như Đức Giêsu đã chiến thắng sự dữ nhờ Thiên Chúa.  “Khi con người bị treo lên, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta.”  Chính khi sự dữ giết được Đức Giêsu, thì lúc đó nó chiến bại.  Thiên Chúa đã phục sinh Đức Giêsu.  Thiên Chúa chiến thắng sự dữ.  Những ai kết hiệp với Thiên Chúa, ở trong Thiên Chúa, thì sẽ chiến thắng sự dữ, vì Thiên Chúa chiến thắng sự dữ qua chính người đó.

Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm

From Langthangchieutim

LỜI KÊU GỌI CẦU NGUYỆN CHO CÁC LINH MỤC

LỜI KÊU GỌI CẦU NGUYỆN CHO CÁC LINH MỤC

Tuyết Mai

Một cây hư tự nhào đổ chính nó sẽ làm tiếng ồn lớn giữa một rừng cây tươi tốt. Vâng, thật là đúng thay cho những người xấu khi họ muốn báng bổ, gây chia rẽ, làm nhục các linh mục của Chúa (của đạo Công Giáo) trong khi cũng có vô vàn những đạo khác phạm y chang một tội nhưng không ai cho lên mặt báo nếu có thì chỉ là một nhát dao chém vào cây thì tiếng ồn ấy nó chẳng có nghĩa lý gì trong một rừng cây, thưa có phải?.

Đồng ý rằng chúng ta sống trong một xã hội mà nếu báo chí, đài TV chẳng có tin giật gân hoặc bới cho ra tin giật gân nào đó thì sớm muộn gì đài TV và nhiều tờ báo sẽ bị đóng cửa và chúng ta cũng sẽ bảo nhau sao không có tin gì đáng để nghe, đọc hay xem vậy?. Y như trên xa lộ mà bị kẹt xe cả cây số dài là vì có đụng xe và có chết người mà chẳng phải là vì ai thương xót gì ai nhưng là vì sự hiếu kỳ, tò mò của con người thôi. Thế nên sự tìm tòi bới móc cho ra những chuyện giật gân ấy là chuyện chính yếu của nhà báo, của đài TV đem đến cho độc giả của họ thôi.

Do đó mà chúng ta là người đạo Công Giáo hãy kiên tâm, bền chí và vững vàng trong niềm tin vào một Đấng duy nhất đó là Thiên Chúa mà Chúa Con Giêsu là Người đã thiết lập ra giáo hội tiên khởi và Ngài đã trao quyền ấy cho thánh Phêrô lãnh đạo và ngày nay là đức giáo hoàng Francisco rất yêu dấu của chúng ta. Chúa Giêsu đã hứa rằng giáo hội Chúa sẽ không bao giờ bị hủy diệt bởi kẻ thù là quỷ dữ Satan và bè lũ của chúng dù có trải qua bao nhiêu thời đại giáo hội có lung lay, có thay đổi và có ý hướng lạc giáo từ vài giáo hoàng có tư tưởng lệch lạc …

Nhưng khuyên chúng ta là những Kitô hữu hãy thêm lời cầu nguyện qua việc siêng năng lần chuỗi Mân Côi cầu cho các linh mục, các tu sĩ nam nữ của Chúa cứ tiếp tục theo đường hướng chân, thiện, mỹ của Chúa chớ đừng bị lao xao với những tiếng ong vỡ, tiếng côn trùng rỉ rả mà ra nản lòng. Chúng ta phải rất tự hào vì đạo Công Giáo của chúng ta qua các linh mục, các nữ tu, thầy tu đã cống hiến cho xã hội rất là nhiều ở gần cũng như ở xa (trên khắp cùng thế giới). Điển hình như mẹ thánh Têrêsa và bao nhiêu thánh khác khi còn sống trên trần gian đã là gương sáng chói ngời qua sự sống KHIÊM NHƯỜNG, HY SINH và BÁC ÁI.

Cùng các giáo dân sống tốt lành, có tấm lòng vàng luôn hy sinh thời giờ, công sức và tiền bạc để làm công tác từ thiện mà theo chúng tôi thì họ là những anh hùng, là thánh sống. Làm việc trong âm thầm, trong chịu đựng với những lời xúc phạm nữa … Và họ là những cây trong muôn rừng cây rất tươi tốt mang lại sức sống mãnh liệt cho thế giới. Amen.

Y Tá của Chúa,

Tuyết Mai

9 tháng 9, 2018

Cho con thấy Chúa

Từ khi em bị bệnh, có lẽ chẳng có ai tới thăm em; thậm chí dượng của em còn nói với vú nuôi là đừng cho nó ăn để nó chết, và nếu nó chết thì cũng đừng mang về nhà nhưng hãy mua quan tài và đưa ra Bình Hưng Hoà mà hoả thiêu. Nhưng ngoại không làm được điều này, nó đi trái với lương tâm và những gì ngoại nghiệm thấy trong lòng. Ngoại vẫn chăm sóc, yêu thương, động viên em, không ngại khó ngại khổ, không sợ bẩn. Mọi sinh hoạt của em đều một tay ngoại chăm sóc.
https://dongten.net/2018/09/09/cho-con-thay-chua/

DONGTEN.NET
“Thiên Chúa ở đâu trong cuộc đời của tôi?”. Có lẽ, đó là câu hỏi mà tôi và bạn thường hay đặt ra khi chúng ta gặp phải đau khổ, thất bại hay nghi ngờ một điều gì đó về Thiên Chúa. Phải chăng, chúng ta hãy tự vấn chính mình: ….  

Thư một linh mục Công giáo gửi báo The New York Times:

 “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi,

hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn (Tv 61, 2)”

Ave-Maria

Vincente Nguyễn Văn Hà, tttl

Thư một linh mục Công giáo gửi báo The New York Times:

Anh bạn phóng viên thân mến.

Tôi chỉ là một linh mục Công giáo bình thường. Tôi cảm thấy hạnh phúc và tự hào về ơn gọi của mình. Trong 20 năm qua, tôi đã sống ở Angola với tư cách là một nhà truyền giáo.

Tôi đọc trong nhiều phương tiện truyền thông, đặc biệt là tờ báo của bạn, sự phóng đại của chủ đề linh mục ấu dâm, nhưng trong một cách bệnh hoạn, vì chỉ tìm kiếm chi tiết trong đời sống các linh mục, các sai lầm trong quá khứ.

Có một trường hợp linh mục ấu dâm, trong một thành phố của Mỹ, trong những năm 1970, một trường hợp ở Úc trong thập niên 1980, và cứ như thế, có trường hợp mới đây hơn…. Chắc chắn rằng tất cả các trường hợp này đáng bị khiển trách!

Có các bài báo được cân nhắc và cân bằng, có các bài khác lại phóng đại, đầy thành kiến và thậm chí hận thù nữa. Tôi tự cảm thấy đau đớn nhiều về sự dữ lớn lao rằng các người đáng lẽ là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa, lại là con dao găm trong cuộc sống của các người vô tội. Không có từ ngữ nào để biện minh cho các hành vi như vậy. Không có nghi ngờ rằng Giáo Hội phải là đứng về phia kẻ yếu, và người nghèo. Vì lý do này, tất cả các biện pháp mà người ta có thể dùng để ngăn ngừa và bảo vệ nhân phẩm của trẻ em sẽ luôn luôn là một ưu tiên.

Nhưng sẽ là kỳ cục hết sức khi có ít tin tức và sự thiếu quan tâm đến hàng ngàn các linh mục khác, đã hiến đời mình và phục vụ hàng triệu trẻ em, thanh thiếu niên và các người bất hạnh nhất ở bốn phương trời của thế giới.

Tôi nghĩ rằng đối với tờ báo của bạn, các điều sau đây không hề được quan tâm đề nói tới:

1) Tôi phải di chuyển qua các con đường đầy mìn do chiến tranh trong năm 2002, để giúp đỡ các em nhỏ đang chết đói từ Cangumbe đến Lwena (Angola), bởi vì cả chính quyền không thể làm được và cả các tổ chức phi chính phủ không được phép làm;

2) Tôi đã chôn cất hàng chục trẻ em chết do việc dời chỗ vì chiến tranh;

3) Chúng tôi đã cứu sống hàng ngàn người dân ở Mexico, nhờ một trung tâm y tế duy nhất hiện hữu trong một vùng có diện tích 90.000 km2, với việc phân phát thực phẩm và các loại giống cây trồng;

4) Chúng tôi đã có thể cung cấp giáo dục và trường học trong mười năm qua cho hơn 110.000 trẻ em;

5) Cùng với các linh mục khác, chúng tôi đã cứu trợ cho gần 15.000 người ở các trại du kích quân, sau khi họ đã đầu hàng và giao nạp vũ khí, bởi vì thực phẩm của chính phủ và của Liên Hiệp Quốc không thể đến được với họ;

6) Không phải là tin tức thú vị khi một linh mục 75 tuổi, Cha Roberto, rảo qua thành phố Luanda ban đêm, chăm sóc các trẻ em đường phố, dẫn họ đến một nơi trú ngụ, để cho họ không bị ngộ độc bởi xăng dầu mà họ hít để kiếm sống, như là người ném lửa;

7) Việc xoá nạn mù chữ cho hàng trăm tù nhân cũng không phải là tin hay;

8) Các linh mục, như cha Stéphane, tổ chức các nhà tạm trú cho các thanh thiếu niên bị ngược đãi, đánh đập, hãm hiếp, để họ tạm lánh;

9) Linh mục Maiato, 80 tuổi, đến thăm từng ngôi nhà một của người nghèo, an ủi người bệnh và người tuyệt vọng;

10) Không phải là tin hấp dẫn khi hơn 60.000 trong số 400.000 linh mục và tu sĩ hiện nay đã rời đất nước và gia đình của họ để phục vụ anh em mình tại các quốc gia khác trong các trại phong, bệnh viện, trại tị nạn, cô nhi viện cho trẻ em bị cáo buộc là phù thủy, hoặc cho trẻ em mồ côi do cha mẹ chết vì AIDS, trong các trường học dành cho người nghèo nhất, trung tâm dạy nghề, trung tâm tiếp nhận người nhiễm HIV……

11) Nhất là các linh mục dành đời mình trong các giáo xứ và cứ điểm truyền giáo, động viên mọi người sống tốt hơn và nhất là thương mến người khác;

12) Không phải là tin hấp dẫn khi bạn tôi, Cha Marcos Aurelio, để giải cứu trẻ em trong cuộc chiến ở Angola, đã đưa các em từ Kalulo đến Dondo và khi trên đường trở về, cha bị bắn chết; và một tu sĩ tên là Phanxicô và năm nữ giáo lý viên, bị chết trong một tai nạn, khi họ đi giúp đỡ các vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh nhất của đất nước;

13) Hàng chục các nhà truyền giáo tại Angola đã chết vì thiếu các phương tiện y tế, chỉ vì bệnh sốt rét đơn giản;

14) Nhiều người khác đã bị tung xác lên trời do mìn nổ, khi đi thăm các tín hữu; quả vậy, trong nghĩa trang ở Kalulo, có mộ các linh mục đầu tiên đến khu vực ấy… không ai sống hơn 40 tuổi cả….;

15) Không phải là tin hấp dẫn, khi một linh mục “bình thường” sống công việc hàng ngày của mình, trong các khó khăn và niềm vui của mình, sống âm thầm cả đời vì lợi ích của cộng đoàn mình phục vụ;

Sự thật, là linh mục chúng tôi không cố gắng để có tên trong tin tức, nhưng chỉ mang “Tin Mừng”, và Tin Mừng này, không ồn ào, đã bắt đầu vào buổi sáng Phục Sinh. Một cây ngã gây tiếng ồn nhiều hơn cả cánh rừng đang mọc và phát triển.

Người ta gây nhiều tiếng ồn cho một linh mục phạm một lỗi lầm, hơn là gây tiếng ồn cho hàng ngàn linh mục hiến đời mình cho hàng chục ngàn trẻ em và người nghèo khó.

Tôi không muốn làm một biện hộ cho Giáo Hội và các linh mục.

Một linh mục không phải là một anh hùng, cũng không phải là một người rối loạn thần kinh. Linh mục chỉ là một con người bình thường, và với bản tính con người của mình, tìm cách theo Chúa và phục vụ Ngài trong anh chị em của mình.

Linh mục có nhiều khổ đau, nghèo đói và sự mỏng giòn như các người khác; nhưng linh mục cũng có vẻ đẹp và hùng vĩ như mọi thụ tạo khác…. Việc nhấn mạnh một cách ám ảnh bẩm sinh và phá hoại về một đề tài đau đớn, trong khi mất tầm nhìn chung của công việc, tạo ra thật sự các biếm họa tấn công vào hàng linh mục Công Giáo, do đó tôi cảm thấy bị xúc phạm.
Tôi chỉ yêu cầu anh, người bạn phóng viên thân mến, hãy tìm kiếm Chân, Thiện, Mỹ. Điều này sẽ làm lớn mạnh nghề nghiệp của bạn.

Chào anh trong Đức Kitô,

Linh mục Martin Lasarte, SDB
“Quá khứ của con, Lạy Chúa, con phó thác cho lòng Thương xót của Chúa; hiện tại của con, cho Tình yêu Chúa; và tương lai của con, cho sự Quan Phòng của Chúa”.
(St. Padre Pio)

http://conggiao.info/linh-muc-la-nhu-the-dothu-mot-linh-muc-cong-giao-gui-bao-the-new-york-times-d-14762

From: NguyenNThu & huynhthuyquyen

CÓ CHÚA CÓ TẤT CẢ

CÓ CHÚA CÓ TẤT CẢ

 Tác giả:  Hoàng Thị Thùy Trang

Tin mừng hôm nay thuật lại phép lạ tuyệt vời của Đức Giêsu, Ngài đã chữa lành cho người vừa ngọng vừa điếc: “Người kéo riêng anh ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Người ngước lên trời, rên một tiếng và nói: Épphatha, nghĩa là: hãy mở ra. Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng.” (Mc 7 33-35). Phép lạ thể hiện quyền năng của Đức Giêsu trên bệnh tật và sự dữ. Ngài đã chữa lành anh khỏi ràng buộc không những của bệnh tật nhưng còn là sự dữ. Thật là diễm phúc cho anh, người thanh niên bệnh tật và tội lỗi. Anh đã được giải thoát cả hai vòng vây oan nghiệt. Cuộc đời anh đã được sang trang. Tất cả sẽ được biến đổi nếu như có bàn tay quan phòng và yêu thương của Thiên Chúa che chở.

Quả thực, trong đời sống, nếu như ta cứ sống cậy dựa vào khả năng của bản thân thì chắc chắn cũng sẽ có ngày ta cảm thấy bẽ bàng, bất lực trước những thách đố cuộc sống. Nhưng nếu như bạn đặt trọn niềm tin tưởng vào Thiên Chúa thì chả có  gì khiến bạn nao núng cả. Nói không có gì cũng không đúng, nhưng nói thật thì nếu như có được niềm tin vào Ngài, chắc chắn bạn sẽ thủ đắc được niềm vui bình an trong tâm hồn giữa muôn vàn thử thách, gian truân.

Làm thế nào đây để có thể có được niềm tin trọn hảo vào Thiên Chúa như vậy. Trưóc tiên hãy tập cho mình có được tâm tình phó thác như em nhỏ. Cứ nép chặt vào lòng Chúa, phó thác trọn vẹn cho Ngài, cứ để mặc Ngài hành động. Ngài là Thiên Chúa quyền năng và yêu thương, Ngài có đủ khả năng chăm lo cho bạn hơn cả với cách bạn chăm lo cho người thân của mình. Bởi Thiên Chúa không chỉ có tình yêu thương nhưng Ngài còn có quyền năng và sức mạnh. Đó cũng chính là điều mà chúng ta buộc phải tôn kính và tin nhận Người.

Quả thật, nếu có thể được hãy sống nhu trẻ em, chúng đơn sơ và phó thác thế nào, thì mình cũng hãy cứ sống như vậy với Thiên Chúa. Ngài chả phải là Cha lo cho ta còn hơn ta lo cho con cái mình hay sao. Chả phải Ngài còn hơn mẹ hy sinh, lo lắng tất cả cho mình hay sao. Nên cứ phó thác tất cả cho Chúa, bổn phận của ta chỉ là tin nhận và tôn kính Ngài mà thôi.

Muốn được Thiên Chúa yêu thương, trước tiên ta cần phải chạy đến với Ngài. Cứ bám chặt tay Ngài, đừng buông ra, Ngài sẽ đưa ta đến nơi trường tồn hạnh phúc. Bám chặt tay Chúa để mặc Ngài dẫn đi, dẫu rằng đôi lúc tưởng chừng như Ngài buông bỏ tay ta và lẩn trốn, nhưng ngàn năm Ngài cũng vẫn còn đó, hằng luôn chờ đợi và chăm sóc ta.

Việc Thiên Chúa yêu ta đã quá rõ, không còn lý do chối cãi, nhưng việc ta yêu Ngài, có tin nhận Ngài và bước đi theo Ngài hay không lại là chuyện hoàn toàn khác. Cứ để mặc Thiên Chúa chăm lo, Ngài có cách tẩy sạch tâm hồn và chữa lành ta khỏi mọi thương tích.

Lạy Chúa, xin giúp con có được niềm tin tưởng tuyệt đối vào quyền năng và sức mạnh của Ngài. Xin giúp con có được khả năng phó thác tuyệt đối nơi Chúa, để mọi lỗi lầm, thiếu sót gì Ngài cũng có thể chữa lành cho con.

Hoàng Thị Thùy Trang.

Từ bóng tối đến ánh sáng chiếu loà

Từ bóng tối đến ánh sáng chiếu loà

 THÁNH VỊNH CN XXIII TN B (145, 7-9a.9bc-10) 09.09. 2018 

Chúa xử công minh cho người bị áp bức,
ban lương thực cho kẻ đói ăn.
CHÚA gi
ải phóng những ai tù tội,

8 CHÚA mở mắt cho kẻ mù loà.
CHÚA cho k
ẻ bị dìm xuống đứng thẳng lên,
CHÚA yêu chu
ộng những người công chính.

9 CHÚA phù trợ những khách ngoại kiều,
Người nâng đ
ỡ cô nhi quả phụ,
nhưng phá v
ỡ mưu đồ bọn ác nhân.

Chúa Trời ngươi hiển trị ngàn đời.

Hôm nay chúng ta chỉ đọc 4 câu của bài Thánh Vịnh này gồm 10 câu, vì thế chúng ta không nghe được hai chữ Ha-lê-lui-a! của câu đầu và câu cuối.

Sở dĩ bài này được đóng khung bằng chữ Ha-lê-lui-a – có nghĩa là ngợi khen Thiên Chúa – vì trọn bài thánh vịnh này là lời ngợi khen và biết ơn Thiên Chúa.

Bài được viết sau khi lưu đày Ba-by-lon về, có thể để dâng hiến đền thờ vừa mới được trùng tu.

Đền thánh bị phá huỷ năm 587 trước CN do quân của vua Ba-by-lon, Na-bu-cô-đô-nô-do. Năm mươi năm sau (năm 538tr CN), khi vua Ki-rô xứ Ba-tư chiến thắng Ba-by-lon cho phép dân It-ra-en đang bị làm nô lệ ở Ba-by-lon trở về It-ra-en và xây dựng lại Đền Thờ. Chúng ta cũng biết điều này không dễ, có những mối bất hoà trầm trọng xảy ra giữa những người đầy nhiệt huyết vừa mới hồi hương và những người đã chiếm vùng đất ấy trong lúc những những người kia bị lưu đày.

Phải cần nhiều nỗ lực và tính bền bỉ của các ngôn sứ Khác-gai và Da-ca-ri-a, các công trường mới được khởi công và hoàn thành. Tất cả kéo dài từ năm 520 đến năm 515 (trước CN), dưới triều đại vua Đa-ri-ô.

Buổi lễ dâng hiến Đền Thờ vừa mới được trùng tu được diễn ra trong niềm hân hoan và sốt sắng: « 16 Con cái Ít-ra-en, các tư tế, các thầy Lê-vi và những người lưu đày trở về, hân hoan cử hành lễ khánh thành Nhà Thiên Chúa » (Et 6,16)

Bài thánh vịnh này đượm đầy niềm vui trở về quê hương.

Một lần nữa Thiên Chúa lại đến chứng minh lòng trung tín với Giao Ước. Xưa kia trong cuộc Xuất Hành và lúc rời khỏi Ai-cập, và bây giờ lúc rời Ba-by-lon Ngài đã nâng dân Ngài lên, Ngài đã « trả thù » cho họ, theo nghĩa của tiên tri I-sa-i-a. Khi dân It-ra-en đọc lại lịch sử dân tộc, họ không thiếu chi bằng chứng rằng Thiên Chúa luôn luôn đồng hành với họ để tranh đấu cho tự do: « Chúa xử công minh cho người bị áp bức… CHÚA giải phóng những ai tù tội ».

Trong cuộc hành trình trong sa mạc, trong cuộc Xuất Hành, Thiên Chúa đã ban bánh Man-na và chim cút làm lương thực: « ban lương thực cho kẻ đói ăn ».

Và như thế, từ từ dân chúng khám phá ra một Thiên Chúa triệt để đứng về phía những kẻ bị áp bức và chữa lành người mù loà và nâng cao bất cứ những người bé nhỏ nào.

Đó không phải là những ý tưởng mọi người chấp nhận dễ dàng, một cách tự phát về một Đấng Sáng Tạo vũ trụ, phải có một sự mặc khải qua Thánh Kinh để mọi người chấp nhận sự biểu hiện kỳ lạ này về Thiên Chúa.

Đây là một niềm hạnh phúc và vinh hạnh của dân tộc It-ra-en được mặc khải cho nhân loại, một Thiên Chúa tình yêu và giàu lòng thương xót. Giàu lòng thương xót, có nghĩa là « chạnh lòng thương trước cảnh đau khổ».

Các bạn hẳn còn nhớ câu bất hủ trong Chúa nhật thứ XXX thường niên năm C, trong sách Huấn Ca (Hc 35,15« 15 Nước mắt quả phụ lại không giàn giụa trên gò má.. ». 

Bài Thánh Vịnh không nói với chúng ta những gì khác hơn: « Người nâng đỡ cô nhi quả phụ ».

Đến lượt dân chúng được mời gọi bắt chước Thiên Chúa, sống với lòng thương xót như thế, đối với những người bị áp bức đủ điều.

Và các bạn hẳn nhận xét rằng, để chắc chắn dân chúng tuân theo lòng thương xót của Thiên Chúa, bộ Luật của It-ra-en gồm nhiều điều lệ bảo vệ cô nhi quả phụ và những người khách tha hương.

Về phần các ngôn sứ, các ngài dựa vào những tiêu chuẩn ấy để xét lòng trung tín của It-ra-en đối với Giao-ước.

Một cách hiểu sâu xa hơn, chúng ta nhận thấy tín hữu Do Thái một khi dần dần sống trong Giao Ước với Thiên Chúa họ được cảm hoá từ  bên trong: « Chúa ban lương thực cho kẻ đói ăn », 

Đúng là lương thực…nhưng trong lòng trong mỗi chúng ta có một cơn đói sâu xa hơn,

cho những người đói ăn ấy Chúa ban cho bánh hằng sống, là Lời của Ngài

« 8 CHÚA mở mắt cho kẻ mù loà » có những mù loà trên phương diện khác,

trầm trọng hơn, đối với họ Chúa làm cho mở mắt ra:

« CHÚA giải phóng những ai tù tội »,

có những gông xiềng khác hơn những nhà tù, đó là những xiềng xích hận thù, kiêu ngạo và ghen ghét…

người tín hữu có thể minh chứng rằng Chúa tháo gỡ dần dần cho họ khỏi trái tim bằng đá.

Vì thế chúng ta hiểu vì sao bài Thánh Vịnh được nằm giữa hai chữ Ha-lê-lui-a. Chúng ta hẳn còn nhớ theo truyền thống Do Thái nghĩa của chữ Ha-lê-lui-a: 

« Thiên Chúa đã đem chúng ta từ kiếp nô lệ đến tự do,

 từ phiền muộn đến chứa chan niềm vui, từ tang tóc đến hân hoan,

 từ bóng tối đến ánh sáng chiếu loà, từ tình trạng nông nô đến được cứu độ.

Vì thế chúng ta hãy cùng hát trước thánh nhan Ngài, Ha-lê-lui-a. ».

Dĩ nhiên những Ki-tô hữu đọc lại bài Thánh Vịnh này và áp dụng cho Chúa Giê-su Ki-tô: Chẳng những Ngài nuôi dưỡng người thời ấy bằng hoá bánh ra nhiều, ngày nay Ngài ban cho mỗi thế hệ được nhận phép Rửa, bánh của Thánh Thể Ngài.

Chính Ngài cũng quả quyết rằng: 

« 12 …Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối,

nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống. » (Ga8,12).

Chính nơi Ngài, từ nay nhân loại có thể được chấp nhận hoàn toàn đến với tự do và sự sống: sự Phục Sinh của Ngài là bằng chứng của sự chết thể xác không cầm buộc người được nhận phép Rửa Tội:

« CHÚA giải phóng những ai tù tội ».

Thánh kinh quả quyết rằng chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa.

Có lúc chúng ta tự hỏi như thế là thế nào!

Chúng ta tìm thấy nơi đây một lời giải thích và một khích lệ:

Câu trả lời là mỗi khi chúng ta can thiệp cho một người đau khổ, bất cứ đau khổ vì sao – mù loà, câm điếc, tù tội, người xa lạ –

là chúng ta giống hình ảnh Thiên Chúa.

Điều khích lệ là mỗi khi bạn làm điều chi cho một người bé nhỏ hơn bạn, là bạn làm cho Nước Trời đến gần hơn …

Một ngày có một người học giáo lý tân tòng vừa mới khám phá phép lạ Chúa Giê-su hoá bánh ra nhiều, hỏi giáo lý viên:

« Tại sao ngày nay Chúa không làm như thế để nuôi những người đói nghèo ? »

Sau một phút thinh lặng, có tiếng thì thầm:

« Có lẽ Ngài trông đợi chúng ta làm ».

***

Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Ngu
ồn: Sách L’ intelligence des Ecritures  Socéval Editions 
D
ịch giả: E. Máccô  Lương Huỳnh Ngân

Hiệu đính: Khổng Nhuận

Xin xem thêm  https://tramtubensuoi.blogspot.com/

From Tramtubensuoi

Các Nhà Truyền Giáo thời đại

Các Nhà Truyền Giáo thời đại.          

Phần 1

Có bao nhiêu nhà truyền giáo Công Giáo đáng lưu ý trong thời đại của chúng ta?

Bây giờ có còn là thời kỳ hồng ân khi Tin Mừng được quảng bá và đón nhận sâu rộng không?

Trong cuộc trò chuyện này, tôi xin chia sẻ cùng bạn đọc một số chân dung các nhà truyền giáo thuộc thời đại này, ở những cánh đồng lúa của Chúa  chung quanh thế giới nhỏ bé của tôi, có thể các bạn cũng biết đến vô số các chứng nhân của Chúa trong thế giới hay ở gần khu vực của Bạn, kết hợp, gộp lại các hình tượng chứng tá Tin Mừng của các nhà truyền giáo, chúng ta cùng tìm ra câu trả lời, rút ra kết luận về các hoa trái Tin Mừng của thời đại, về tình thương của Chúa dành cho “thời đại văn hóa sự chết” của chúng ta.

Belen Manrique, một giáo dân ở tuổi 30, cô từ bỏ đời sống tiện nghi của một ký giả chuyên nghiệp có tiếng tăm tại thủ đô Mandrid, Tây Ban Nha, bỏ lại tất cả phía sau, để đi truyền giáo tại Phi Châu. Trong chuyến công tác lâu ngày đầu tiên tiến hành ở nước Ethopia, vùng sa mạc phía đông, nơi hầu hết cư dân theo Hồi Giáo. Cô phấn khởi kể: “Tôi luôn nói rằng đi truyền giáo không bao giờ nhàm chán. Công tác này một ngàn lần hứng thú hơn là những gì chúng ta có thể mường tượng ra được. Luôn luôn đời sống ta được ươm đầy các ngạc nhiên thích thú nếu ta đặt mình vào trong bàn tay của Chúa… Nhiệm vụ của tôi là làm chứng cho tình yêu của Chúa ở nơi nào Ngài muốn đặt tôi vào, rồi xây dựng nhà thờ, vì ở đó, dân họ vốn rất nghèo. Cộng đồng Ki tô hữu (bản địa) rất yếu, cho nên, việc giúp đỡ cho dân được biết Chúa Giê Su Ki Tô thật quan trọng”. Belen tâm sự:

  • Mặc dù được thành công ở đời, những thành quả do tôi tự hoạch định đã không làm cho tôi toại nguyện. Chúa đã có một chương trình khác dành cho tôi. Khi tôi khám phá ra rằng Ngài muốn tôi đem tình yêu của Chúa tới cho người khác vốn không được biết về Ngài, tôi không nghi nan về ơn Chúa gọi mời, và chẳng khó khăn gì khi tôi quyết định bỏ nghề làm báo và từ giã thành phố Madrid.

Belen là thành viên của phong trào tông đồ “Con đường Tân dự tòng”, một sinh hoạt Công Giáo tiến hành với mục đích tiếp tục nuôi dưỡng đức tin cho người đã được rửa tội, nhờ phong trào này cô được phong phú hóa đời sống tâm linh:

  • Tôi đã có thể gặp gỡ Chúa Giê Su Kitô và ý thức rằng chỉ có Ngài mới có thể ban hạnh phúc cho nhân loại. Tôi tìm đến và thấy được nhiệm vụ Chúa đã hoạch định cho tôi.

Thời đại mới cần một cung cách truyền giáo mới chăng? Làm sao có thể truyền giáo bằng cách làm chứng về Chúa trong hình ảnh một gia đình gương mẫu và hạnh phúc giống như gia đình các tín hữu theo Chúa thời Giáo Hội sơ khai mà ai nhìn vào cũng mong muốn tin theo và được nên giống như vậy. Phong trào “Con đường Tân Dự Tòng” đáp ứng cho đòi hỏi này, phong trào phát sinh năm 1960 bởi hai giáo dân tại nước Tây Ban Nha, họ đã thành lập cộng đoàn truyền giáo đầu tiên tên là “Gipsies-Thổ dân” trong khu phố ổ chuột “Palomeras Altas”, bao gồm các căn nhà nghèo nàn, tạp nham của vùng ngoại ô Vallecas gần thủ đô Madrid,  Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II nhận định: “ Tôi nhìn nhận Con đường Tân Dự Tòng là một sáng kiến trong việc dạy giáo lý cho Tân Tòng, thích hợp cho xã hội của chúng ta, cho thời kỳ của chúng ta”. Mục đích của phong trào được tóm gọn,

  • Con đường Tân Dự Tòng phục vụ theo ý muốn của Đức Giám Mục như một trong các phương cách giáo phận thực hiện mục vụ giáo lý cho Tân Tòng và tiếp tục giáo huấn đức tin.

Hiện nay phong trào lan rộng trên thế giới với trên một triệu thành viên trong 21,300 cộng đoàn, ở 6,270 giáo xứ, với 1,668 gia đình đang ra đi truyền giáo tại các vùng xa. Ngoài ra, Con đường Tân Dự Tòng có 120 đại chủng viện để đào tạo các linh mục truyền giáo. Đức Thánh Cha Phan xi cô rất yêu thích phong trào, Ngài nói đùa, “Cha ở đây, nhưng lòng cha đang đi theo (hành trình truyền giáo của) các con”. Trong cuộc gặp gỡ vào tháng ba, năm 2015 Ngài nói: “Thế Giới hôm nay, rất cần kíp có được các thông điệp tốt lành này.  Có biết bao nhiêu sự cô độc, bao nhiêu thương tổn, bao nhiêu xa cách với Chúa trong nhiều vùng của Châu Âu, Châu Mỹ và trong các thành phố của Châu Á. Ngày nay, ở mỗi vĩ tuyến, nhân loại đang rất cần được nghe về tình yêu Chúa dành cho chúng ta và tình yêu đó là có thể được! Những Cộng Đoàn này, nhờ các gia đình truyền giáo của các con, có nhiệm vụ khẩn thiết là làm cho thông điệp được nhìn thấy. Thông điệp này là gì? “Chúa sống lại, Chúa đang sống. Chúa sống trong ta”

Một Linh Mục dòng truyền giáo Ngôi Lời Việt Nam đi truyền giáo ở Phi Châu

Cha Phê rô Nguyễn đình Khiêm, thụ phong năm 2011 và được bề trên Dòng sai đi truyền giáo ở nước Cộng Hòa Togo, Tây Phi Châu vào năm 2012. Các nhà truyền giáo hôm nay ở Phi Châu vẫn còn phải đối chọi với nạn sốt rét rừng và các căn bệnh nan y khác giống như thừa sai ngày xa xưa, cha Phê rô Khiêm cũng vậy, Ngài bị sốt rét nặng, phải vào bệnh viện, nhưng rồi cũng vượt qua, và tiếp tục sứ mệnh, Cha phụ trách một giáo xứ và một vài giáo điểm truyền giáo mới. Ngày cuối tuần, đi dâng lễ cha phải chạy xe mô tô trên con đường đất đỏ, rồi sau đó, đeo ba lô, lội bộ băng qua suối rừng để đến giáo điểm Kekelibia hẻo lánh, nơi chỉ có duy nhất một gia đình giáo dân. Cha cho biết:

  • Đây là một trong 14 giáo điểm có số giáo dân ít nhất, chỉ có một gia đình Công Giáo gồm 4 người. Hôm nay là lần đầu tiên họ tụ họp đông nhất. Họ làm tôi hết sức ngạc nhiên! 
    Tôi hỏi họ: sao hôm nay đông vậy? 
    Họ đơn sơ trả lời: vì chúng tôi có rất nhiều niềm vui. 
    Niềm vui gì vậy? 
    Họ nói: thứ nhất, Chúa đã phục sinh. Thứ hai, có ông cha gia trắng đẹp trai lâu lâu về làm lễ (làm tôi nở mũi). Thứ ba, ông cha đào cho chúng tôi một cái giếng nước, nguồn sống cho cả làng. Ai cũng vui!
    Họ nói thêm: nếu cái nhà nguyện nhỏ này to hơn, chắc sẽ có nhiều người về đây dự lễ.
    Họ làm tôi suy nghĩ và ước mơ thực hiện nguyện ước của họ.

Cha kể:

  • … tôi đã rất vui và rất hài lòng vì lòng tin và sự nhiệt tâm phụng thờ Chúa của người giáo dân nơi vùng giáo điểm xa xôi hẻo lánh này. Từ mờ sáng, họ đã tụ họp đông đủ chờ tôi đến. Chúng tôi gặp gỡ nhau trong tình thân ái bằng những cái bắt tay với những nụ cười rạng rỡ đón chào. 

  Nhưng ngôi giáo đường năm cũ giờ đây không còn nữa, nó đã bị sụp đỗ sau một trận mưa to. Có lẽ cũng là ý trời, vì nó không đủ chổ cho mọi người.

  • Chúng tôi đã cử hành Thánh Lễ dưới những gốc cây, với khí trời thiên nhiên dịu mát.

   

Sau Thánh Lễ, là lời cám ơn chân thành của một giáo phu lớn tuổi, kèm theo ước vọng có một ngôi nhà nguyện nhỏ khang trang để phụng thờ Chúa.
Lại một nữa tôi hứa sẽ cố gắng thực hiện ước vọng lớn lao này. Nhưng không biết đến bao lâu lời hứa mới được hiện thực…

Cha Khiêm và giáo dân rất nghèo nhưng Chúa của giáo họ thì rất giàu, Ngài mau chóng sớm ban cho nguyện ước của dàn chiên thành hiện thực, chẳng bao lâu, qua sự trợ giúp của các ân nhân từ Việt Nam và hải ngoại, thánh đường mới đã được hoàn tất. Từ một giáo điểm chỉ có le ngoe vài ba giáo dân nay Cha đã có một đàn chiên khá xôm tụ, cùng nhau thờ phượng, sinh hoạt tập thể, lập các đội bóng đá, các cuộc lễ mừng, hội chợ giải trí cho bà con.

  Cha còn chăm sóc đời sống vật chất cho giáo dân tân tòng, cha được một cha già bản địa dậy cách tìm mạch nước vốn là yếu tố sống còn của dân Phi Châu, Cha xây được khá nhiều giếng nước sạch cho dân, chỉ riêng trong một đợt tạo tác, Cha và bà con địa phương xây bốn giếng trong vòng hai tuần. Cha cho biết:

  • Thế là những cái giếng đã được xây xong. Thêm một lần nữa, tôi theo cha già học hỏi kinh nghiệm tìm nguồn nước. Cha có biệt tài tìm nguồn nước rất chính xác, nhưng đá ngầm dưới đất thì ngài chịu. Và không ít lần chúng tôi đã phí công uổng sức vì không thể nào đục những lớp đá cứng và khá sâu.
  • … chúng tôi đã tìm được nguồn nước khá dồi dào, đủ để bà con nơi những giáo điểm này không phải lo lắng vất vả trong mùa khô hạn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều giáo điểm phải chịu cảnh thiếu nước trầm trọng. Họ phải đi thật xa, đến những ao tù nước đọng để đội từng thau nước về dùng. Tôi ước mong tiếp tục có những nhà hảo tâm rộng tình thương chia sẻ với những người kém may mắn hơn mình.
    Tạ ơn Chúa đã cho chúng con tìm được nguồn nước. 
    Xin chân thành cám ơn những ai đã chia sẻ tình thương, cũng như những ai đã cộng tác cùng tôi cách này cách khác trong sứ vụ. Xin Chúa trả công bội hậu cho quý vị.

 

  Cha tiếp tục xây dựng đài Đức Mẹ với đá cục vác xa hai cây số đi bộ về khu xây đài Mẹ trong giáo xứ chánh:

  • Sau hai năm ước nguyện có một nơi để mọi người tôn kính Mẹ nay được dệt thành.
    Cám ơn mọi người đã đổ bao mồ hôi và cả những giọt máu để đi gần 2 cây số vác những viên đá cuội về!
    Cám ơn những ai đã đóng góp vật chất để giúp tôi xây nên tượng đài!
    Và cũng xin cám ơn những ai đã cầu nguyện cho ước mơ của tôi được hiện thực!
    Xin Mẹ là nguồn mọi ơn ban, ban muôn ơn phúc cho tất cả.

  Từ giáo điểm đầu tiên Alejo Koura, rồi đi đến phát triển Kekelibia, nay Cha bắt đầu gầy dựng thêm giáo điểm mới tên là Kawanapati,

 Cha kể:

  • “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy thì có Thầy ở giữa họ”. Đó là câu chia sẻ của một người dự tòng trong Thánh Lễ hôm nay, nơi giáo điểm mới này. Lời của anh ta mang một niềm tin sâu sắc và một sự phấn khởi lạ lùng. Anh ta cảm tạ Chúa, vì Ngài luôn yêu thương và chở che họ, mặc dù họ bất xứng không có một mái lều tạm để làm nơi thờ phượng Ngài…
    Hôm nay, tôi đã rất cảm động vì đức tin của người con bé mọn nghèo hèn nơi vùng đất hoang sơ này. 
    Lạy Chúa, xin ban thêm lòng tin cho chúng con

Cha yêu vùng đất truyền giáo lắm rồi, Ngài kết luận:

  • Có thể nói, Togo, Tây Phi, một vùng đất nghèo, khô cằn và đầy khắc nghiệt, nhưng vô cùng dễ thương. Sỡ dĩ tôi nói thế, bởi vì người dân nơi đây, tuy nghèo đói, thiếu thức ăn, thiếu nước uống, nhưng không thiếu tình người. Họ rất chất phát, hiền lành. Họ luôn luôn vui vẻ, niềm nở chào hỏi khi gặp nhau dù quen hay lạ. Sự thân thiện của họ đã làm tôi rất ấn tượng ngay lần đầu tiên bước chân vào sứ vụ. 
    Sứ vụ của tôi được gọi là sứ vụ truyền giáo, nhưng niềm tin và cách sống đạo, có lẽ tôi phải học hỏi nơi họ. Họ giữ đạo và sống đạo khá tốt. Tôi thích nhất là cách thờ phượng của họ. Họ tôn thờ và ca tụng Chúa trong niềm hân hoan phấn khởi. Họ cảm nhận một vị Thiên Chúa rất gần gũi và đầy lòng nhân ái. Khác với nét văn hoá phụng tự Á Đông quá nghiêm trang, nghiêm túc.
    Tuy đời sống đạo tương đối ổn, nhưng họ rất cần một vị linh mục, để lo về vấn đề Bí Tích và nhất là nhu cầu thăng tiến cuộc sống. Chính vì thế, nhà truyền giáo như chúng tôi, phải làm khá nhiều công việc, từ chăm sóc tinh thần cho đến vật chất; từ việc xây nhà thờ cho đến việc đào những cái giếng nước, .v.v.
    Ba năm đầu tiên trong sứ vụ, quả là một thách đố lớn đối với tôi. Thách đố về thời tiết khí hậu khắc nghiệt. Thách đố về ăn uống. Thách đố lớn hơn là căn bệnh sốt rét hoàn hành, làm mệt mõi về thể xác lẫn tinh thần, có lúc dường như muốn bỏ cuộc. Cộng thêm những cơn bệnh dịch làm rúng động lòng người. Nhưng rồi nhờ ơn Chúa, tất cả cũng đã qua đi và tôi cũng quen dần cuộc sống. Trước mắt tôi, khó khăn lớn nhất mà tôi đang đối diện trong sứ vụ, đó là, như lời thánh Giacobe từng nói:

“Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: “Hãy đi bình an, mặc cho ấm, ăn cho no”, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì” (Gc 2, 15-16). 
Tuy nhiên, giờ đây tôi đã nhận thấy và tin rằng: “Đối với con người thì không thể, nhưng đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể”…

Chúa của Cha có tài ban niềm vui mà thế gian không thể hiểu được, cha tâm sự trong dịp được chia sẻ một cái bánh ngô nhân dịp 5 năm thụ phong Linh Mục 2016:

  • Đêm nay, một đêm đầy tràn niềm vui và hạnh phúc. Vui vì lần đầu tiên trong 4 năm nơi mảnh đất truyền giáo, tôi được mọi người chúc mừng, dù chỉ đơn sơ một chiết bánh và ít rượu. Hạnh phúc hơn, vì 5 năm trong sứ vụ linh mục, tôi được nhận rất nhiều hồng ân. Cảm tạ Chúa, vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương!

Cho đến hôm nay, tỉnh dòng Truyền Giáo Ngôi Lời Việt Nam đã có các thừa sai đi đến các xứ truyền giáo nhiều nơi trên các đại lục, bao gồm 20 quốc gia như ở Úc, Phi luật Tân, Zimbabue, Chile, Togo, … Riêng tại quê nhà Việt Nam, Dòng đã có quá trình dài lâu phục vụ cho công tác truyền giáo, phục vụ cho các bệnh nhân phong hủi, chăm sóc nuôi nấng các em mồ côi trên cao nguyên trung phần. Mời Bạn tham khảo thêm về dòng truyền giáo Ngôi Lời ở mạng liên kết, http://ngoiloivn.net/dong-ngoi-loi/svd-vietnam-province-introduce-english-version/ 

Hẹn tái ngộ bạn đọc trong phần hai của loạt bài “Các nhà truyền giáo thời đại”.

Phan Sinh Trần gởi

Lectio Divina

Lectio Divina

Đây là một phương pháp đọc Kinh Thánh năng động với lòng tin tưởng phó thác cách chân thành. Phương pháp này đã có từ xa xưa, khoảng năm 300 trước công nguyên. Người Do Thái đã dùng phương pháp này cầu nguyện từ thời đó và cho đến nay vẫn tồn tại.

Phương pháp này giúp Kitô hữu đi vào kho tàng phong phú của Lời Chúa,

nhờ đọc, hiểu và yêu mến Lời Chúa hơn,

và từ đó tìm cho đời mình một hướng đi hợp với tín lý Chúa Kitô.

Trong diễn văn ngày 16.09.2005 trước Hội Nghị Quốc Tế họp tại Rom về Kinh Thánh Trong Đời Sống Giáo Hội“ Đức Thánh Cha Benedicto XVI đã nói:

Tôi muốn đặc biệt nhắc lại và giới thiệu truyền thống lectio divina xa xưa: việc siêng năng đọc Kinh Thánh, có cầu nguyện kèm theo, thực hiện cuộc trò chuyện thân tình với Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta nghe nói khi đọc, và chúng ta đáp lại khi cầu nguyện với một tâm hồn cởi mở và tín nhiệm.

Cách thực hành này, nếu phát triển hữu hiệu, sẽ đem lại cho Giáo Hội một mùa Xuân thiêng liêng mới – tôi xác tín như vậy –

Vậy việc mục vụ Kinh Thánh phải đặc biệt nhấn mạnh đến lectio divina và khuyến khích, nhờ dùng những phương pháp mới đã được nghiên cứu kỹ càng và hoàn toàn thích hợp cho thời đại chúng ta. Chúng ta không bao giờ được quên rằng;

 Lời Chúa là ngọn đèn soi cho ta bước, là anh sáng chỉ đường cho ta đi (Tv, 118, 105)

Chúng ta “đọc Kinh Thánh có cầu nguyện kèm theo” là để gặp gỡ Đức Kitô, một Đức Kitô đã chết, đã sống lại và đang sống với chúng ta.

Ngài sẽ biến đổi cuộc đời chúng ta trở nên mỗi ngày một giống Ngài hơn, qua tác động của Chúa Thánh Thần.

Lời Chúa là lương thực không thể thiếu của người Kitô hữu, thì Lectio Divina phải được so sánh như “bữa tiệc của Lời“ mà mỗi thực khách phải tự thưởng thức.

Để thưởng thức chúng ta phải tuân theo trình tự của việc ăn uống

như cắn vào (Lectio: đọc Lời Chúa), sau đó nhai(meditatio: suy gẫm)

thì mới có thể thưởng thức được bản chất của món ăn(oratio: cầu nguyện)

và cuối cùng món ăn được tiêu hóa và là một phần của cơ thể (comtemplatio: chiêm niệm).

Như thế Lectio Divina không phải là phương pháp học hỏi Thánh Kinh, nhưng mục tiêu của chúng ta là để gặp gỡ Chúa là Lời Hằng Sống cho mỗi Kitô hữu.

  1. Đọc Lời Chúa: Bạn hãy thắp lên một ngọn nến trước tượng Chúa, làm dấu Thánh Giá, nhắm mắt lại từ từ đi vào sự lắng đọng trong tâm hồn, thả lỏng thân xác.

Dâng một lời cầu nguyện “xin Thần Khí Sự Thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn toàn“ (Ga 16,13)

Bây giờ bạn hãy đọc Lời Chúa thật chậm, đọc chăm chú với tâm hồn khiêm nhường và tinh thần cầu nguyện,

đọc lại một lần nữa chậm hơn và câu nào, chữ nào đánh động thì hãy ngừng lại đó, bạn nhắc đi nhắc lại Lời vừa đánh động bạn để Lời Chúa thấm vào lòng.

  1. Suy gẫm: Lời Chúa đã thấm vào tâm hồn bạn. Bạn hãy đặt mình vào Lời Chúa, bạn đặt mình vào nhân vật đánh động bạn và hình dung sự việc, hoàn cảnh của thời gian, không gian đó, bạn phân tách các nhân vật từng hành động, từng thái độ, cử chỉ, từng câu nói, để hiểu chiều sâu của nhân vật và của bài Tin Mừng.

Bạn sẽ hỏi Chúa Giêsu đang nói gì với bạn, dạy bạn điều gìtrong Lời Ngài

và bạn đã cảm nhận ra ý nghĩa câu tâm đắc của bạn giúp bạn tới một quyết định hay một lựa chọn cho cuộc sốngbạn.

Ngài sẽ làm cho bạn thành con người tự do và sống độnghơn

  1. Cầu nguyện: Dưới Ánh Sáng mà Lời Thiên Chúa đã chiếu soi cho bạn, bây giờ bạn hãy thưa chuyện với Chúa, bày tỏ nỗi lòng của bạn, những nỗi buồn, niềm vui bạn hãy giải bày hết với Chúa, những gì đang xảy ratrong đồi sống cá nhân hay của tập thể.

Ngài biết tất cả nên bạn cứ thoải mái thân thưa tất cả nỗi lòng của bạn. Bạn xin Ngài chữa lành những vết thương trong lòng bạn và ban ơn bình an cho bạn. Bạn xin Thần Khí Chúa nâng đỡ bạn để bạn được sống dồi dào với quyết định hay chọn lựa của bạn..

Chiêm niệmChiêm niệm cho ta có cơ hội sống hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa.

Bây giờ bạn nhắm mắt lại, tĩnh lặng tâm hồn để tậnhưởng sự hiện diện của Chúa.

Bạn đang ở trong vòng tay Ngài để Ngài yêu thương bạn.

Ngài đang sưởi ấm thể xác bạn và làn gió thiêng liêngcủa Ngài đang làm dịu mát tâm hồn mà bạn có thể tận hưởng lâu dài.

  1. Hành Động: Thần khí Chúa đang dẫn dắt bạn, soi sáng cho bạn. Bạn hãy xin Ngài ban thêm sức mạnh, để bạn thực hành ý Chúa. Ngài muốn con làm gì? Xin hãy chỉ tường tận cho con để trong đời sống, con sẽ làm vinh danh Ngài.

Cuối cùng, bạn hãy cầm bút lên ghi những cảm nghiệm của bạn về kỷ niệm êm đềm này với Thiên Chúa.

Những ghi nhận về khoảnh khắc thiêng liêng này sẽ giúp bạn sống dồi dào hơn với Đức Kitô, mỗi khi bạn đọc lại./-

Elisabeth Nguyễn

From: Do Tan Hung & Kim Bang Nguyen

LÒNG CÓ ĐẦY THÌ MIỆNG MỚI THỐT RA

LÒNG CÓ ĐẦY THÌ MIỆNG MỚI THỐT RA

Tuyết Mai

CN TN XXII, năm B … Người lại gọi dân chúng mà bảo rằng: “Hết thảy hãy nghe và hiểu rõ lời Ta. Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế. Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu: ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho người ta ra ô uế”. (Mc 7, 1-8a. 14-15. 21-23).

*****************************************

Khi chúng ta đọc Lời Chúa ngày hôm nay thì không hiểu có bao nhiêu người thở dài và cảm thấy yếu đuối vì những gì Chúa Giêsu lên án thành phần sống đạo đức giả mà tất cả chúng ta đều có ít hoặc nhiều tùy theo số tuổi đời mà ta có? Chắc hẳn ai ai cũng mắc phải dủ chỉ là sự suy nghĩ ở trong đầu nhưng chịu nhịn, ấm ức trong lòng mà không nói ra đấy thôi.

Nhưng phải nói rằng trong trăm nghìn tội lỗi thì cái tội ở lời nói lẳng lơ, khêu gợi dục tình, độc ác, ganh tị, vu khống do sự kiêu căng và tham lam của chúng ta mà ra. Vì sự tham lam có từ trong cõi lòng muốn chiếm đoạt nên chúng ta đã phải suy nghĩ nát óc làm sao để chiếm đoạt của người về làm của mình. Vâng, ngay cả sự chiếm đoạt vợ hay chồng người ta. Và từ lỗi này nó mới cho ta những hậu quả không thể lường trước được … Như con cái sẽ bị cha mẹ phân chia, có đứa phải cho vào viện mồ côi vì mẹ hay bố nó đi lấy người khác, v.v…

Rồi thì những cái tội từ trong lòng thâm độc của chúng ta do ganh tị mà ra … Nó sẽ thôi thúc chúng ta nói những lời thâm độc cốt ý làm phiền, không được thì phá cho hôi như liệng rác rưởi vào nhà người ta, vu khống và làm chứng gian cho người bởi thấy ghét quá cái sự giầu sang ở ngay trước mắt của mình làm khó chịu không thể tả. Do đó mà xưa kia có rất nhiều quốc gia đã bị tà quyền làm cho dân tin rằng quốc gia sẽ làm cho hết thảy dân của họ (nghèo) bằng như nhau mà chúng ta đã chứng kiến từ bấy lâu nay.

Để tránh tội lỗi mà Chúa Giêsu lên án phường sống đạo đức giả của ngày hôm nay thì khuyên chúng ta chỉ có mỗi một cách là luôn hướng lên CẦU NGUYỆN cùng Thiên Chúa và Mẹ Maria hiền mẫu của hết thảy chúng ta. Do biết các Đấng luôn luôn ở cạnh bên nhất là thiên thần hộ mệnh và thánh bổn mạng của chúng ta mà không có đạo nào trên thế giới có được mà chúng ta là người đạo Công Giáo phải hãnh diện và biết mình may mắn hơn tất cả những người sống không biết đến Thiên Chúa là ai?.

Một Thiên Chúa vô cùng quyền năng cả trên Trời và dưới đất mà tất cả phải quỳ phục dưới chân Người thế mà thờ lạy Người nhưng đã cho phép chúng ta là loài vô dụng kêu Người là ABBA có nghĩa là CHA của chúng ta đó … chớ không như con người tầm thường trong thế gian đã xem những người làm công cho mình là những con người hèn hạ mà chủ con, chủ ông luôn đem họ ra đánh đập dã man cùng kềm kẹp. Gái hầu thì dùng cho chuyện dâm ô, trai thì dùng sức họ ngang bằng như trâu, bò, ngựa kéo vậy.

Thế nên Thiên Đàng có thuộc về ta hay không cũng là do trong LÒNG của chúng ta có thật sự KHAO KHÁT muốn có sự sống muôn đời hạnh phúc ở đời sau hay không, thế thôi!. Quan trọng hơn cả là chúng ta hãy cố gắng dù cuộc sống có bộn bề, khó khăn, gian truân, bão tố ra sao nhưng phải nhận biết Thiên Chúa Người ban sẵn cho chúng ta có trí khôn ngoan, có tay chân để mà tìm của ăn nuôi thân xác … vừa đủ thôi CHỚ LINH HỒN SỐNG ĐỜI mới là CẦN THIẾT hơn cả. Amen.

Y Tá của Chúa,

Tuyết Mai

2 tháng 9, 2018


https://www.youtube.com/watch?v=2O9BQTtGoVg

Thiên Chúa Là Cha

Tuyết Mai (9) 01 – 14 – 2003

5 lợi ích sức khoẻ bất ngờ của việc tham dự Thánh lễ

5 lợi ích sức khoẻ bất ngờ của việc tham dự Thánh lễ

5 lợi ích sức khoẻ bất ngờ của việc tham dự Thánh lễ

Thiên Chúa không cần ta đến nhà thờ vì lợi ích cho bản thân Người, đó là vì lợi ích cho chúng ta. Ta biết rằng tham dự Thánh lễ thì tốt cho linh hồn, nhưng bạn có biết nó có thể có những lợi ích khác nữa? Có ít nhất là 5 lợi ích về sức khoẻ mà bạn có thể cảm nhận được nếu bạn thường xuyên đến nhà thờ dự Thánh lễ.

1. Ngủ ngon hơn

Bạn bị mất ngủ? Thay vì dùng thuốc an thần, bạn hãy xem xét đặt việc đến nhà thờ dự lễ vào lịch trình hằng ngày của mình. Một nghiên cứu gần đây của Tổ chức Ngủ Quốc gia (National Sleep Foundation) của Mỹ cho thấy có sự liên quan giữa giấc ngủ ngon và việc đến nhà thờ. Tác giả nghiên cứu cho biết: “Những người trưởng thành thực hành tôn giáo nhiều hơn có khuynh hướng có giấc ngủ khoẻ hơn so với những người ít quan tâm tôn giáo.” Nghiên cứu cũng cho biết thêm rằng: thực hành tôn giáo có thể hạn chế các kích thích về thần kinh, hoá học và sinh lý do tâm lý nặng nề, sử dụng chất kích thích và áp lực cuộc sống.

2. Giảm nguy cơ trầm cảm và tự tử

Tin tức về các vụ tự tử do trầm cảm của nhiều người ở khắp nơi trên thế giới, nhất là những người nổi tiếng, đang ở tỷ lệ cao. Thật hợp lý để ta tìm các cách chống lại nạn trầm cảm này. Một trong những cách thức được đánh giá hiệu quả nhất chính là đến nhà thờ, tham dự Thánh lễ. Một nghiên cứu của tạp chí Tâm thần học JAMA chỉ ra rằng: giữa những năm 1996 và 2010, phụ nữ tham dự các hoạt động tôn giáo một lần mỗi tuần đã giảm 5 lần khuynh hướng tự tử.

3. Quan hệ xã hội ổn định, hạnh phúc và mỹ mãn hơn

Theo Viện Nghiên Cứu Gia Đình Mỹ, “những người cầu nguyện cùng nhau thì ở lại với nhau”, nghĩa là những người, nhất là các cặp vợ chồng, thực hành đức tin thông qua việc tham dự Thánh lễ cùng nhau thì có xu hướng cho thấy mối quan hệ với nhau chất lượng hơn đáng chú ý so với những người chỉ có cuộc sống riêng và không thực hành tôn giáo.

Hơn nữa, đi nhà thờ chung còn có vẻ giúp đời sống tình dục hôn nhân mỹ mãn hơn. Dựa vào Khảo sát Đời sống Xã hội và Sức khoẻ Quốc gia của Viện Nghiên Cứu Hôn Nhân và Tôn Giáo Hoa Kỳ, những người từ 18 đến 59 đang trong đời sống hôn nhân hằng tuần thực hành việc thờ phượng cùng nhau, hầu hết đều cho biết họ có đời sống phòng the “tuyệt vời” hoặc “rất tốt” so với những người không có đời sống tôn giáo.

10 lời khuyên của Đức Phanxicô để sốt sắng tham dự thánh lễ

4. Sống thọ hơn

Dường như những người càng hướng về Thiên Đàng thì càng ở lại mặt đất lâu hơn… Theo một nghiên cứu năm 2016 của tạp chí Y dược Nội khoa JAMA, những người tham dự các buổi sinh hoạt tôn giáo hơn một lần mỗi tuần “giảm 33 phần trăm tỷ lệ tử vong so với những người chẳng bao giờ đến nhà thờ.” Các nhà nghiên cứu kết luận rằng có lẽ tôn giáo và tâm linh đã bị các nhà trị liệu đánh giá thấp hơn tiềm năng hữu hiệu của nó khi điều trị cho bệnh nhân của họ.

5. Giảm cao huyết áp

Một nghiên cứu năm 1998 của Thư Viện Y dược Quốc gia Mỹ cho thấy “những người già tích cực hoạt động tôn giáo có xu hướng ít bị cao huyết áp hơn những người không hoạt động tôn giáo.” Họ cũng cho biết: những người thường đến nhà thờ và đọc Kinh Thánh giảm 40% khả năng bị cao huyết áp so với những người chỉ đọc Kinh Thánh ở nhà; còn ai chỉ xem tivi về tôn giáo và nghe đài phát thanh tôn giáo thì lại có huyết áp cao hơn.

Vậy, đến nhà thờ có nhiều lợi ích hơn là chỉ hữu ích phần hồn. Sau tất cả, Thiên Chúa không cần chúng ta tham dự Thánh lễ vì nó giúp ích gì cho Người. Thực tế, chúng ta không nên chỉ đến nhà thờ với mong muốn lấy được cái gì từ đó. Thay vào đó, khi đặt việc tham dự Thánh lễ lên hàng ưu tiên, chúng ta không chỉ cải thiện quan hệ chúng ta với Thiên Chúa, mà còn giúp ta hoà hợp hơn với cộng đồng và củng cố quan hệ với người khác.

Theo Aleteia
Gioakim chuyển dịch