Chúng ta phải làm gì cho xứng đáng để tôn sùng Chúa hiện diện trong hình bánh và hình rượu?

Thứ 4 rồi bạn ơi! Hãy hướng mắt và tâm hồn về Chúa luôn nhé , ma quỷ đang tìm cơ hội để cám dỗ bạn đó. Đừng quên cầu nguyện cho nhau.

Cha Vương

Thứ 4: 19/07/2023

GIÁO LÝ: Chúng ta phải làm gì cho xứng đáng để tôn sùng Chúa hiện diện trong hình bánh và hình rượu? Vì Thiên Chúa thực sự hiện diện trong hình bánh và rượu đã được truyền phép, nên chúng ta phải lưu giữ với lòng trọng kính hết sức, và thờ lạy Thiên Chúa cũng là Đấng Cứu chuộc chúng ta trong Phép cực trọng Mình và Máu thánh Chúa. (YouCat, số 218)

SUY NIỆM: Nếu sau lễ còn Mình Thánh Chúa, phải lưu giữ trong các bình thánh và đặt trong Nhà Tạm. Nhà Tạm phải là nơi được tôn kính hơn cả. Mỗi lần đi ngang qua phải bái kính. Thật ra ai muốn đi theo Chúa Kitô thực sự thì phải nhận ra Chúa trong những người nghèo nhất và phụng sự Chúa qua người nghèo. Kitô hữu cũng phải kiếm giờ để có thể tôn thờ Chúa thinh lặng trước Nhà Tạm và bày tỏ tình yêu mến Chúa.

❦ Nhà tạm (lều) cảm hứng từ hòm bia giao ước trong Cựu ước, Hội thánh coi nhà tạm như nơi cao quý nhất để giữ gìn Thánh Thể (Chúa Kitô dưới hình bánh).

❦ Bình hương là đồ vật được dùng trong dịp đặt Thánh Thể, là Chúa Kitô, cho các tín hữu tôn thờ. (YouCat, số 218 t.t.)

LẮNG NGHE: “Ngươi sẽ dựng Nhà Tạm với mười tấm thảm bằng sợi gai mịn xe, vải đỏ tía, vải điều và vải đỏ thẫm. Ngươi sẽ cho thêu trên đó những thần hộ giá rất mỹ thuật… (Xh 26:1)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, con tin thật Chúa ngự trong Bí Tích Mình Thánh. Con yêu mến Chúa trên hết mọi sự, xin giúp con nhận thức được giá trị cao trọng của sự hiện diện của Chúa đang kêu gọi con trở nên giống Chúa hơn mỗi ngày.

THỰC HÀNH: Tập viếng Chúa hoặc làm Dấu Thánh Giá và thốt lên: “Lạy Chúa, con chào Chúa, con yêu mến Chúa.” mỗi khi đi qua một nhà thờ Công Giáo.

From: Đỗ Dzũng

Thờ Lạy Chúa – Hoàng Oanh 

Khi Thánh lễ được cử hành, điều gì xảy ra cho Hội Thánh?

Thứ 2 tràn đầy tình yêu và nhiệt huyết của Chúa Thánh Thần nhé.

Cha Vương

Thứ 2: 17/07/2023

GIÁO LÝ: Khi Thánh lễ được cử hành, điều gì xảy ra cho Hội Thánh? Mỗi lần Hội thánh cử hành Thánh lễ, Hội thánh trở về nguồn suối mà Hội thánh phát sinh và Hội thánh được đổi mới không ngừng. Nhờ “ăn” Mình Chúa Kitô, Hội thánh trở nên “Thân thể Chúa Kitô” (một tên khác chỉ Hội thánh). Trong lễ hy sinh của Chúa Kitô, Đấng ban mình cho chúng ta, cả xác và hồn, đều có chỗ cho cả cuộc sống của ta: từ việc lao động đến mọi đau khổ, niềm vui, tất cả đều có thể hiệp nhất với Chúa Kitô. Nếu ta dâng lên Chúa qua cách này, ta sẽ được biến đổi, ta làm đẹp lòng Chúa, và trở nên như bánh tốt lành nuôi sống cho mọi người. (YouCat, số 218)

SUY NIỆM: Chúng ta không ngừng trách Hội Thánh dường như chỉ là một cuộc họp những con người tốt nhiều hay ít. Thực ra, Hội Thánh hình thành mỗi ngày cách mầu nhiệm trên bàn thờ. Thiên Chúa hiến mình cho mỗi người và muốn mỗi người biến đổi nhờ hiệp lễ, nhờ rước Người. Một khi được biến đổi, ta phải biến đổi thế giới. Còn những chuyện khác liên quan đến “Hội Thánh là gì” đều là phụ thuộc. (YouCat, số 218 t.t.) Mời bạn ngẫm nghĩ đôi lời nhắn nhủ của các thánh về Thánh Lễ sau đây nhé:

❦  Ngay cả chính Thiên Chúa cũng không thể làm gì thánh thiện hơn, tốt lành hơn và cao cả hơn thánh lễ Misa.—Thánh Alphonsus

❦  Thánh lễ là sự diễn lại trên bàn thánh việc xảy ra trên đồi Canvê xưa, bởi vậy mỗi thánh lễ đem tới cho người dự những ích lợi ngang với những sự hy sinh của Chúa Kitô trên đồi Canvê.—Thánh Thomas

❦  Thánh lễ có giá trị ngang với sự hy sinh của Chúa Kitô trên đồi Canvê.—Thánh John Chrysostom

❦  Thánh lễ là tất cả tình yêu của Chúa được gói trọn trong đó những ích lợi cho con người. Thánh lễ ban bố cho thế giới những lợi ích không ít qua cuộc tử nạn của Chúa Giêsu.—Thánh Bonaventure

❦ Thật tuyệt vời cho những linh mục vì họ được ôm ấp Chúa Kitô trong đôi tay mỗi lần họ dâng thánh lễ.—Thánh Augustine

LẮNG NGHE: Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết. (1 Cr 11:26)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, thật là diễm phúc cho con khi được kết hiệp với Chúa trong Thánh Lễ, mặc dù bận rộn trong công việc hàng ngày cộng với bao nhiêu trách nhiệm nặng nề trong cuộc sống xin giúp con biết cố gắng tham dự Thánh Lễ càng nhiều càng tốt để được biến đổi trở nên hoàn thiện hơn.

THỰC HÀNH: Suy tư về cảm giác của bạn khi rước Chúa vào lòng nhé.

From: Đỗ Dzũng

CHÍNH MÌNH MÁU CHÚA – ÁI TRINH+GIA ÂN 

Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu…

Ngày Chúa Nhật mát mẻ thoải mái trong yêu thương nhé.

Cha Vương

CN: 16/07/2023

TIN MỪNG: Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục. (Mt 13:13)

SUY NIỆM: Trong dụ ngôn người gieo giống, Chúa Giêsu muốn giúp bạn hiểu được đời sống đức tin của bạn phải được gieo trên mảnh đất tốt để hạt giống Lời Chúa gieo vào được sinh hoa kết quả tốt đẹp. Qua Bí tích rửa tội bạn được Chúa ban cho hạt giống đức tin và ân sủng của các bí tích. Bạn làm gì với hạt giống đức tin và những quà tặng của ân sủng? Trong dụ ngôn có đề cập đến 3 loại đất mà hạt giống rơi xuống: (1) vệ đường—chim chóc đến ăn mất, (2) hạt rơi trên nơi sỏi đá—chỗ đất không có nhiều; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. (3) Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục. Ai có tai thì nghe. Bây giờ mời bạn thử hình dung coi hạt giống đức tin của bạn đang được gieo trong loại đất nào nhé. Theo mình nhận xét thì có 3 loại người Công Giáo:

Loại (1)—họ “nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường.”

Loại (2)—là “kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay. Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì.

Loại (3)— là “kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục.” Bạn là loại người công giáo nào nhỉ?

Thánh Gioan Bosco nói: “Bạn rước Chúa không phải vì bạn là người tốt; bạn rước Chúa để trở nên tốt”—Thánh Gioan. Vậy nếu bạn muốn sự suy nghĩ, lời nói và hành động của bạn được sinh hoa kết quả tốt đẹp, bạn hãy siêng năng chạy đến Chúa Thánh Thể, ao ước kết hợp và rước Chúa vào lòng để trở nên tốt hơn mỗi ngày.

LẮNG NGHE: CHÚA nói: “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì luôn kết hợp với tôi, và tôi luôn kết hợp với người ấy..” (Ga 6:56)

 CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, mỗi khi tham dự Thánh Lễ, con được tham dự 2 bàn tiệc là bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể, xin giúp con luôn biết chuẩn bị tâm hồn cho xứng đáng và chăm chú lắng nghe để đời sống đức tin ngày càng vững chắc và trưởng thành hơn.

 THỰC HÀNH: Cố gắng đi tham dự Thánh Lễ thường xuyên hơn nhé.

From: Đỗ Dzũng

Hạt Giống Tình Yêu (Sáng tác:Lm Phương Anh) – Minh Quyền ft. Phan Tân 

Thánh Bonaventura (1221-1274), Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh

Thân chào bình an đến Bạn và gia đình nhé. Hôm nay 15/7, Giáo hội mừng kính Thánh Bonaventura (1221-1274), Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh. Mừng Bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy.

Cha Vương 

Thứ 7: 15/7/2023

Thánh Bonaventura sinh tại Bagnorea miền Toscane năm 1221. Ngài trải qua thời niên thiếu tại dòng thánh Phanxicô Khó Khăn thành Assise (1243). Dưới sự hướng dẫn của Alexandre de Hales, ngài theo học văn chương và cũng thâu lượm nhiều kiến thức khoa học. Bảy năm sau, ngài cho xuất bản cuốn sách nổi tiếng “Commentaire sur les 4 livres des sentences” và nhiều sách có giá trị khác.

Ngài có lòng dịu hiền tột bậc, lòng khiêm nhường sâu xa và lòng mộ mến cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Năm 35 tuổi, ngài được bầu làm Bề Trên của dòng Phanxicô (1257). Với trọng trách nặng nề này, ngài được mọi người biết đến, không những vì học thuyết và sự thánh thiện nhưng còn vì sự thông minh và khôn khéo của ngài nữa. Chính vì vậy, năm 1273, Ðức Giáo Hoàng Grêgoriô X đặt ngài làm Hồng Y coi địa phận Albanô. Ngài đã viết nhiều tác phẩm thần học rất có giá trị và sau cùng ngài chết tại Lyon (1274), hưởng thọ 53 tuổi.

Ðức Giáo Hoàng Sixtô IV nâng ngài lên bậc Hiển Thánh năm 1482 và Ðức Giáo Hoàng Sixtô V đặt ngài làm Tiến Sĩ Hội Thánh năm 1588, vì ngài là cột trụ chống đỡ Giáo Hội, lưu tâm đến vấn đề hiệp nhất Hy Lạp và La Mã, đồng thời duy trì và củng cố dòng Phanxicô được lớn mạnh, vững vàng. (Nguồn: Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt, Vietnamese Missionaries in Asia)

Sau đây là những câu nói của Thánh Bonaventura:

(1) Vinh quang và danh dự chỉ dâng lên Thiên Chúa.

(2) Tất cả của Mẹ là của con và tất cả của con là của Mẹ.

(3) Hỡi linh hồn các tính hữu, anh chị em muốn chứng tỏ tình yêu thật đối với người đã qua đời không? Anh chị em muốn gửi cho họ món quà trợ giúp quý nhất và chìa khoá mở cửa Thiên đàng không? Hãy năng rước lễ cho các linh hồn được an nghỉ.

(4) Nếu ta kính chào Mẹ bằng kinh Kính Mừng thì Mẹ sẽ đáp lại ta bằng muôn ơn phúc.

(5) Thiên Chúa có thể tạo dựng một thế giới khác tốt đẹp hơn, nhưng không thể tạo dựng một người mẹ khác hoàn hảo hơn Mẹ Thiên Chúa được.

(6) Hạnh phúc cho những ai hiến dâng tâm hồn mình cho Mẹ! Hạnh phúc cho những ai thiết tình phụng sự Mẹ!

(7) Ôi tình thương lạ lùng của Chúa! Muốn một ngày kia khỏi phải tuyên án tống giam chúng con vào ngục tuyệt vọng đời đời, Chúa đã ban Mẹ là Mẹ Chúa, là Chủ tối cao kho tàng ân sủng, làm Trạng sư bầu chữa chúng con.

Câu nào đánh động Bạn nhất? Đối với mình thì câu số 3 và 4.

From: Đ Dzũng

Chúa Yêu Con Nhiều

Chúa Giêsu hiện diện cách nào khi Thánh lễ được cử hành?

Thứ 6 rồi bạn ơi! Một cuối tuần hạnh phúc và zui zẻ trong Tình Yêu Chúa nhé.

Cha Vương

Thứ 6: 14/07/2023

GIÁO LÝ: Chúa Giêsu hiện diện cách nào khi Thánh lễ được cử hành? Chúa Giêsu hiện diện cách mầu nhiệm và thực sự trong Thánh lễ. Mỗi khi Hội thánh ngày nay vâng lệnh Chúa: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, mà bẻ bánh, và dâng chén, thì Hội thánh cũng làm một việc như xưa Chúa làm: Chúa Kitô dâng mình làm lễ tế cho chúng ta; chúng ta thực sự được chia sẻ với Người lễ hi sinh Chúa Kitô dâng chỉ một lần trên thập giá, nay được dâng lại trên bàn thờ, Người thực hiện việc cứu độ chúng ta. (YouCat, số 216)

SUY NIỆM: Công đồng Vaticanô II đã khẳng định: “Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô giáo” (Lumen Gentium). Vì thế, Bí tích Thánh Thể là dấu chỉ yêu thương và hiệp nhất là trung tâm của đời sống Kitô hữu. Tiệc Thánh Thể là cuộc họp mặt của các tín hữu. Cộng đoàn phụng vụ hiện diện, mặc dù, bao gồm nhiều thành phần đa dạng, nhưng với tiệc Thánh Thể người tính hữu trở nên duy nhất trong Chúa Kitô. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Côrintô đã viết: “Bởi vì chỉ có một tấm bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một tấm bánh ấy, nên tuy nhiều người chúng ta cũng chỉ là một thân thể”. (1 Cr 10:17) Do đó còn gì gần gũi hơn, thân thiết hơn khi người Kitô hữu đều luân lưu một của ăn và một thức uống, đều có chung một nguồn sống là Chúa Kitô. Nhưng từ đó, nguồn suối mang sự sống của Chúa Kitô cũng phải được chuyển thông cho anh chị em đồng loại của mình. Đó là lý do tại sao Thánh Lễ mang dấu chỉ yêu thương và hiệp nhất. “Các con hãy làm việc này mà NHỚ đến Thầy” Bạn được mời gọi để nhớ những gì? Mỗi khi cử hành Thánh Lễ bạn nhớ đến Mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giêsu. Nó bao gồm cuộc khổ nạn, cái chết, sự phục sinh và tôn vinh của Người. Đây là bí tích Tình Yêu, là trung tâm của đức tin Kitô giáo.

LẮNG NGHE: Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết. Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. (1 Cr. 11:26-27)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, mỗi khi rước Mình và Máu thánh Chúa con thực sự được kết hợp với cuộc khổ nạn, cái chết, sự phục sinh của Chúa, và được trở nên giống Chúa mỗi ngày, xin giúp biết tham dự Thánh Lễ thường xuyên hơn để được lớn lên và trưởng thành trong đức tin cậy mến.

THỰC HÀNH: Hãy cố gắng tập đi Lễ ngày thường nếu có thể.

From: ĐDzũng

Ai làm chủ-sự việc Cử hành Thánh lễ?-Cha Vương

Thứ 5 rồi bạn ơi! Chúc bạn và gia quyến mọi sự tốt lành trong Chúa và Mẹ. Xin đọc cho mình một kinh nhé.

Cha Vương

Thứ 5: 13/07/2023

GIÁO LÝ: Ai làm chủ-sự việc Cử hành Thánh lễ? Chính Chúa Giêsu làm chủ-sự toàn bộ việc cử hành Thánh lễ. Giám mục hoặc Linh mục là đại diện Chúa Giêsu, là người Chúa đã ủy quyền trong bí tích Truyền chức thánh. (YouCat, số 215)

SUY NIỆM: Đây là đức tin của Hội thánh: vị chủ-sự ở trên bàn thờ “thay mặt Chúa Kitô là Đầu”, có nghĩa là các linh mục không phải chỉ là thay chỗ hoặc được Chúa Kitô truyền để làm mà vì các ngài đã được thánh hiến (truyền chức), nên chính Chúa Kitô là Đầu của Hội thánh hành động qua các ngài. (YouCat, số 215 t.t.)

LẮNG NGHE: Phải, tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người. (1 Cr 9:19)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa đã chọn các linh mục là người đại diện Chúa, xin gìn giữ các ngài thật gần Chúa để kẻ thù không lấn át được và cũng để các ngài biết bảo vệ toàn vẹn sự trong sáng của ơn gọi cao cả trong thiên chức linh mục.

THỰC HÀNH: Làm một hy sinh để cầu nguyện cho các linh mục của Chúa.

From: Đỗ Dzũng

Đuốc Sáng Tâm Linh (Sáng tác: Sr. Trầm Hương FMSR) – Angelo Band | Cầu Nguyện Cho Các Linh Mục 

Thánh Biển Đức (Benedict) (480-547)-Cha Vương

Cha Vương

 Thứ 3: 11/07/2023

Chúc Bạn và gia đình một ngày an lành nhé.

Hôm nay Giáo hội mừng kính Thánh Biển Đức (Benedict), mừng Bổn Mạng đến những ai chọn Ngài làm quan thầy. Hãy cầu nguyện cho nhau. Nếu Bạn muốn đi tour Tổng Tu Viện Bênêdíctô ở Montecassino bên Ý thì hãy vào linh sau đây. Mình đã có cơ hội đến đó. Tuyệt đẹp!!!

Thánh Bênêdíctô, cầu cho chúng con.

Thánh Biển Đức (480-547), Ngài sinh năm 480 trong một gia đình lỗi lạc ở Nursia, Umbria thuộc miền trung nước Ý, anh em song sinh cùng với nữ thánh Scholastica, theo học tại Rôma và ngay từ khi còn trẻ, ngài đã thích đời sống đan viện.

Lúc đầu, ngài là một vị ẩn tu sống trong một cái hang ở Subiaco, xa lánh thế giới nhiều chán nản mà lúc bấy giờ giặc ngoại giáo đang lan tràn, Giáo Hội bị phân chia bởi ly giáo, dân chúng đau khổ vì chiến tranh, đạo lý ở mức độ thấp nhất. Sau đó không lâu, ngài thấy không thể sống cuộc đời ẩn dật ở gần thành phố, dù lớn hay nhỏ, do đó ngài đi lên núi cao, sống trong một cái hang và ở đó ba năm.

Trong một thời gian, một số đan sĩ chọn ngài làm vị lãnh đạo, nhưng họ cảm thấy không thể theo được sự nghiêm nhặt của ngài. Tuy nhiên, đó cũng là lúc ngài chuyển từ đời sống ẩn tu sang đời sống cộng đoàn. Ngài có sáng kiến quy tụ các nhánh đan sĩ khác nhau thành một “Ðại Ðan Viện”, đem lại cho họ lợi ích của sự hợp quần, tình huynh đệ, và luôn luôn thờ phượng dưới một mái nhà.

Sau cùng, ngài khởi công xây dựng một đan viện nổi tiếng nhất thế giới ở núi Cassino, cũng là nơi phát sinh dòng Bênêđích.

Cũng từ đó, một quy luật từ từ được hình thành nói lên đời sống cầu nguyện phụng vụ, học hỏi, lao động chân tay và sống với nhau trong một cộng đoàn dưới một cha chung là đan viện trưởng.

Sự khổ hạnh của Thánh Bênêđích được coi là chừng mực, và đời sống bác ái của ngài được thể hiện qua sự lưu tâm đến những người chung quanh.

Trong thời Trung Cổ, tất cả các đan viện ở Tây Phương dần dà đều sống theo Quy Luật Thánh Bênêđích.

Thánh nhân qua đời ngày 21 tháng 3 năm 547 tại Monte Cassino, nước Ý. Thánh nhân được cho táng trong cùng một ngôi mộ với em của ngài là Thánh nữ Scholastica dưới bàn thờ chính của đan viện Monte Cassino, nước Ý. Thánh tích của thánh nhân hiện đang giữ tại đan viện Monte Cassino và một phần tại đan viện Saint Bernoit-sur-Loire tại Fleury, nước Pháp.

Lễ mừng kính ngài vào ngày 11 tháng 7 theo nghi lễ Roma, còn dòng Biển Đức thì cử hành lễ kính vào ngày 21 tháng 3 hàng năm để kỷ niệm ngày Thánh Nhân qua đời. (Nguồn: Người Tín Hữu Online)

Mời Bạn:

❦  Hãy áp dụng câu châm ngôn của ngài vào những công việc hàng ngày : “Ora et Labora” (Cầu nguyện và Lao động).

❦  Suy niệm những câu đáng ghi nhớ trên huy hiệu kính thánh Bênêdíctô:

+ Chớ gì chúng con được củng cố bởi sự hiện diện của Chúa vào giờ chúng con chết!

+ Chớ gì Thánh giá của Chúa là ánh sáng cho con!

+ Hãy cút đi, hỡi Xatan, đừng gọi ý cho ta về những sự hào nhoáng của thế gian! Ngươi thèm khát sự dữ ư? Ngươi hãy uống lấy nọc độc của ngươi!

Câu nào đánh động Bạn nhất?

From: Đỗ Dzũng

Đan viện Châu Sơn, Nho Quan, Ninh Bình, Việt Nam

VÙNG TĂNG TRƯỞNG – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Lạy Thiên Chúa, con tin tưởng vào Ngài!”.

Điều gì đang chờ đợi bạn ngoài vùng an toàn? Theo Darius Foroux, thoát khỏi ‘Vùng An Toàn, Comfort zone’, bạn bước vào ‘Vùng Sợ Hãi, Fear zone’; tiếp đến, ‘Vùng Học Hỏi, Learning zone’, trước khi đến ‘Vùng Tăng Trưởng, Growth zone’. Nghiên cứu cho biết, 80% nhân loại ở mãi trong ‘Vùng An Toàn’; chỉ 20% số còn lại nằm ở 3 vùng kế tiếp. Càng ra ngoài, con số càng giảm. Nói cách khác, chỉ một số rất ít có thể đạt đến ‘Vùng Tăng Trưởng!’.

image 1 1

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay mời gọi bạn và tôi ra khỏi ‘vùng an toàn’, vượt qua ‘vùng sợ hãi’, trải nghiệm ‘vùng học hỏi’ để đến ‘vùng tăng trưởng’, nghĩa là sống “thuộc trọn về Chúa”. Thánh Vịnh đáp ca tuyên xưng niềm xác tín tuyệt đối, “Lạy Thiên Chúa, con tin tưởng vào Ngài!”.

Bài đọc Sáng Thế kể lại giấc mơ của tổ phụ Giacóp. Giacóp rời ‘vùng an toàn’ Bersabê để sang Haran, ‘vùng sợ hãi’, một nơi lạ nước lạ cái; giữa đường, ông mệt lả, tựa đầu trên một phiến đá và ngủ thiếp. Giấc mơ ghi lại hình ảnh một chiếc thang vươn cao giữa trời và đất; trên đó, các sứ thần Chúa lên lên, xuống xuống. Tỉnh dậy, Giacóp nói, “Đây chẳng khác gì đền của Thiên Chúa và cửa thiên đàng!”, ngưỡng ‘vùng tăng trưởng’, nơi Thiên Chúa ngự.

El Miedo Y Mis Pensamientos – Jesucristo el Verdadero Camino

Trong Tin Mừng hôm nay, một người đàn ông và một phụ nữ cũng chấp nhận ra khỏi ‘vùng an toàn’ để tiếp cận ‘vùng tăng trưởng Giêsu’ theo những cách thức rất khác nhau, một công khai, một chùng lén; ấy thế, cả hai gặp được lòng thương xót của Ngài! Một kỳ mục đến với Ngài, sụp lạy và thưa lên, “Lạy Ngài, con gái tôi vừa mới chết, nhưng xin Ngài đến đặt tay trên nó, thì nó sẽ được sống!”. Thoát khỏi ‘vùng an toàn’ là uy tín, thế giá, địa vị… ông ném mình trước Chúa Giêsu; nhờ đó, ông được lại con. Cũng thế, người phụ nữ băng huyết vốn có thể là người giàu có đã tiêu tốn nhiều với các thầy thuốc giỏi nhất; nhưng xem ra bà cũng bất lực với những gì mười hai năm qua bà nghĩ là an toàn. Nay bà đến với Chúa Giêsu ‘một cách an toàn nhất’, “Bà thầm nghĩ, nếu tôi được chạm đến áo Ngài thôi”. Và ở đó, đức tin bà lớn lên trong Ngài, ‘Vùng Tăng Trưởng’, Đấng cứu bà, “Đức tin của con đã cứu thoát con!”.

Anh Chị em,

“Lạy Thiên Chúa, con tin tưởng vào Ngài!”. Lời Chúa mời gọi bạn và tôi ra khỏi những vùng an toàn tạm bợ để đặt niềm tin vào Ngài. Đó có thể là một gia đình thế giá, một tài sản đáng kể, một địa vị đủ cả chức lẫn quyền… hay ‘một vùng’ mang tính đạo đức hơn khi tôi sáng lễ chiều kinh, sống rộng lượng. Hoặc đáng lo hơn, khi tôi mắc một tội lỗi nào đó nhưng lương tâm ‘khá yên ổn’ vì một sự trấn an giả hiệu. Nhưng tất cả xem ra chẳng an toàn chút nào. Hôm nay, chúng ta quyết tâm ra khỏi những ‘vùng kéo xuống’ đó, vượt qua sợ hãi để đến với Giêsu. Ngài là chiếc thang nối trời và đất; nơi Ngài, bạn không chỉ chạm ngưỡng, nhưng ở trong thiên đàng. Nơi các nhà chầu Thánh Thể, Ngài đang chờ đợi, vẫy gọi bạn và tôi lui tới, lên xuống… để được cứu và được chữa lành. Ngài là ‘vùng tăng trưởng’ an toàn nhất đến muôn đời; cả đời này lẫn đời sau!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con đang ở vùng nào? ‘Vùng kéo con xuống’ hay ‘vùng vực con lên?’”, Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

From: KimBang Nguyen


 

Những phần chính của Thánh lễ là phần nào?-Cha Vương

Ngày Thứ 2 tràn đây Tình Yêu và sức mạnh của Chúa Thánh Linh nhé.

Cha Vương

Thứ 2: 10/07/2023

GIÁO LÝ: Những phần chính của Thánh lễ là phần nào? Thánh lễ có 2 phần chính: Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể. Trong phần phụng vụ Lời Chúa, Thiên Chúa muốn nói với ta và ta nghe đọc các bài đọc rút từ Cựu và Tân ước, cũng như một bài đọc từ Phúc âm. Đây cũng là lúc giảng lễ và đọc lời nguyện chung cho mọi người. Tiếp theo là phụng vụ Thánh Thể gồm việc dâng bánh rượu, rồi truyền phép bánh rượu và rước lễ. (YouCat, số 213)

SUY NIỆM: Mời bạn tìm hiểu và suy niệm cơ cấu của phần một—phụng vụ Lời Chúa trong Thánh Lễ như thế nào nhé. Thánh lễ bắt đầu bằng cuộc tập họp các tín hữu và rước linh mục cùng các người giúp lễ. Sau lời chào của linh mục, là việc thú tội chung của tất cả, rồi kết thúc bằng kinh Xin Chúa thương xót. Các chúa nhật (trừ Mùa Chay và Mùa Vọng) và các ngày lễ kính, lễ trọng thì hát hoặc đọc kinh Vinh danh. Lời cầu nguyện của ngày mở đầu cho một hoặc hai bài đọc Cựu ước và Tân ước. Rồi đến lời tung hô Alleluia trước khi công bố Phúc âm. Chúa nhật và lễ trọng, sau Phúc âm có bài giảng lễ. Cũng trong các chúa nhật và lễ trọng, sau giảng lễ, cộng đoàn tuyên xưng đức tin bằng kinh Tôi tin kính, rồi đến lời cầu nguyện chung.

❦  Xin Chúa thương xót đây là kinh rất cổ xưa để tôn kính các thần linh hoặc vua chúa, được dùng để hoan hô Chúa Kitô, vào khoảng năm 500 (Kyrie eleison là tiếng Hy Lạp) trong phụng vụ Rôma và tây phương.

❦  Vinh danh là bài ca hoan hỷ của các thiên thần hát trên các mục đồng (Lc 2,14) vào đêm Noel, nó mở đầu bài ca vãn Kitô giáo rất cổ xưa từ thế kỷ IX. Đây là bài ca tụng ngợi khen Thiên Chúa một cách trọng thể.

❦  Alleluia (gồm hai chữ Do Thái: halel là ngợi khen tôn vinh, Yahvé là tên Thiên Chúa, có nghĩa là ta hãy ca tụng Thiên Chúa). Tiếng reo vui mừng này được lặp đi lặp lại 24 lần trong các thánh vịnh trước khi đọc Lời Chúa trong Phúc âm.

❦  Bài giảng lễ (tiếng Hy Lạp là homilein, có nghĩa là nói ngang hàng với ai theo tình người). Trong thánh lễ vị giảng thuyết có nhiệm vụ công bố Tin Mừng, giúp đỡ các tín hữu và khuyến khích cổ võ họ loan báo Tin Mừng và đem ra thực hành. Bài giảng lễ dành riêng cho giám mục, linh mục và phó tế. Khi không có các ngài, trong một vài phụng vụ, giáo dân có thể được mời giảng. (YouCat, số 213)

LẮNG NGHE: Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh. (Lc 24:26-27)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, Thánh Lễ là Tiệc Giao Ước Mới—chính Chúa Giê-su ban chính Mình Ngài cho con để quy tụ tất cả mọi người nên một trong Chúa, xin giúp con bỏ qua tất cả những hận thù ghen ghét để được kết hợp với Chúa và yêu thương nhau.

THỰC HÀNH: Việc rước Mình và Máu Thánh Chúa có thay đổi lối ứng xử không tốt của bạn không? Nếu không thì hãy suy nghĩ lại đi nhé. Đừng rước Chúa một cách bất xứng hả.

From: Đỗ Dzũng

Thánh Maria Goretti (1890-1902)

Chúc bạn và gia đình một ngày an lành! Hôm nay 06/7, Giáo Hội mừng kính Thánh Maria Goretti, mừng quan thầy đến những ai chọn ngài làm bổn mạng, xin cầu nguyện cho giới trẻ trong thời đại ngày nay nhé.

Cha Vương

Thứ 5: 06/07/2023

Thánh Maria Goretti (1890-1902) sống ở trần thế có 12 năm, nhưng câu chuyện cuộc đời của thánh nữ đã xúc động biết bao tâm hồn. Maria Goretti sinh ngày 16 tháng 10 năm 1890 tại Corinaldo, Ancona, Ý Đại Lợi. Là con gái của ông Luigi Goretti và bà Assunta Carlini, một gia đình nghèo người Ý, ông Luigi Goretti chết sớm, chỉ còn người vợ tần tảo nuôi 6 con. Maria không có cơ hội để đi học, do đó cũng không biết đọc và biết viết. Khi rước lễ lần đầu, cô là một thiếu nữ to con so với cả lớp.

Trong buổi trưa hè oi ả vào tháng Bảy, Maria một mình ngồi may vá trên các bậc thang trong căn nhà lụp xụp. Lúc ấy, cô chưa đến 12 tuổi, nhưng thân thể cô đã phát triển. Một chiếc xe bò dừng ở bên ngoài, và người thanh niên hàng xóm là Alessandro Serenelli, 18 tuổi, chạy vào nhà, bước vội lên cầu thang. Hắn tấn công Maria và lôi cô vào phòng ngủ để hãm hiếp. Cô kháng cự và kêu cứu, trong hơi thở dồn dập cô cho biết thà chết còn hơn phạm tội. “Ðó là tội lỗi. Chúa không muốn như vậy. Anh sẽ xuống hỏa ngục vì tội này.”

Saint Maria Goretti calls us to be 'witnesses of forgiveness'

 

Như một con thú điên, Alessandro rút dao đâm túi bụi vào người Maria. Trong khi nằm ở bệnh viện, Maria đã tha thứ cho Alessandro trước khi qua đời ngày 06 tháng 7 năm 1902.

Kẻ sát nhân bị án tù 30 năm. Trong một thời gian dài, hắn vẫn không ăn năn sám hối và hay bực tức. Một đêm kia hắn mơ thấy Maria, tay cầm một bông hoa và trao cho hắn. Kể từ đó, cuộc đời Alessandro thay đổi. Sau khi được trả tự do, hành động đầu tiên của Alessandro là đến xin người mẹ của Maria tha thứ cho mình.

Câu chuyện của Maria Goretti ngày càng lan rộng và lòng sùng mộ vị tử đạo trẻ tuổi ngày càng gia tăng, nhiều phép lạ đã được ghi nhận và chưa đầy nửa thế kỷ, Maria Goretti đã được tuyên xưng á thánh. Trong buổi lễ tôn phong chân phước ngày 27 tháng 4 năm 1947, mẹ của Maria Goretti (lúc ấy 82 tuổi), hai cô em gái và một em trai cùng xuất hiện với Ðức Giáo Hoàng Pius XII ở bao lơn Công Trường Thánh Phêrô.

Ba năm sau, vào ngày 24 tháng 6 năm 1950, Ðức Giáo Hoàng Pius XII đã nâng Maria Goretti  lên hàng hiển thánh. Trong đám đông khoảng 500,000 người tham dự lễ phong thánh có Alessandro Serenelli, lúc ấy đã 66 tuổi, đang quỳ gối với hai hàng nước mắt sung sướng lăn dài trên gò má.

Thánh tích Thánh Maria Goretti: Thánh Maria Goretti được coi là vị tử đạo vì ngài đã chiến đấu chống trả hành động bạo lực của Alessandro. Tuy nhiên, khía cạnh quan trọng nhất của thánh nữ là sự tha thứ cho kẻ xúc phạm, mà ngài vẫn lưu tâm đến kẻ thù ngay cả sau khi chết. Thánh Maria Goretti được đặt làm quan thầy giới trẻ và các nạn nhân bị hãm hiếp. (Trích: Người Tín Hữu Online)

Maria Goretti

Sau đây là Lời Kinh Đức Thánh Cha Gioan Phaolo 2 dâng lên thánh nữ Maria Goretti: Hỡi Cô Bé của Thiên Chúa, Bé đã sớm biết thế nào là khổ cực, nhọc mệt, đau thương cùng những niềm vui ngắn ngủi của cuộc sống. Bé từng biết thế nào là nghèo đói và mồ côi. Bé đã không ngừng yêu mến tha nhân, tự làm người hầu hạ khiêm tốn và ân cần. Bé sống tốt lành, không khoe khoang, và đã yêu mến Tình Yêu trên mọi sự. Bé đã đổ máu đào để khỏi phản bội Thiên Chúa. Bé đã tha thứ cho người đã giết Bé và cầu mong hạnh phúc Thiên Đàng cho anh ta. Xin Bé hãy bầu cử và cầu nguyện cho chúng tôi bên tòa Thiên Chúa Cha, hầu chúng tôi cũng biết thưa vâng đối với chương trình Thiên Chúa định liệu trên chúng tôi. Hỡi Đấng là Bạn Hữu của Thiên Chúa, đang chiêm ngưỡng Chúa mặt giáp mặt, xin hãy khẩn cầu cùng Chúa ban cho chúng tôi ơn xin cùng ngài… (thêm vào ý chỉ cầu nguyện) Chúng tôi cảm tạ ngài, hỡi Marietta, vì tình yêu ngài dành cho Thiên Chúa và cho anh chị em đồng loại, mà ngài đã gieo vãi trong lòng chúng tôi. Amen.

Lạy Thánh Nữ Maria Goretti, xin cầu bầu cho chúng con!

From: Đỗ Dzũng

Xin tin yêu – Gia Ân


 

Thánh Antôn Maria Zacaria (1502-1539)

Mến chào một ngày mới, hôm nay Giáo Hội mừng kính Thánh Antôn Maria Zacaria (1502-1539), Linh mục. Mừng bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy nhé.

Cha Vương 

Thứ 4: 05/07/2023

CUỘC ĐỜI CỦA THÁNH ANTÔN MARIA ZACARIA: Năm 1509, Antôn Maria Zacaria mở mắt chào đời trong một gia đình đạo đức, quyền quí tại Crémone. Thánh nhân ngay từ lúc còn nhỏ đã có lòng thanh sạch, đã yêu quí đức khiết tịnh một cách cương quyết, sâu xa. Ngài cảm nghiệm Lời Chúa trong tám mối phúc thật: “ Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5, 8 ).Thánh nhân có tâm hồn trong trắng, luôn hướng về Chúa và yêu thương các kẻ nghèo hèn, bần cùng đúng như Lời Chúa dậy: “ Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”( Mt 5,7 ). Thánh nhân có trí thông minh sáng suốt, con đường học vấn của Người bắt đầu và đang rực rỡ huy hoàng, nhưng Người lại tuân theo ý Chúa: “…Hãy về bán hết của cải, phân chia cho người nghèo khó và đi theo Ta”. Chính vì ý thức sâu xa Lời Chúa và có tâm hồn hướng về Chúa, muốn tận hiến cuộc đời mình cho một mình Chúa, thánh nhân đã cố gắng trau dồi kiến thức thánh: triết học, thần học và tu đức học. Với ơn Chúa giúp, với sự cố gắng, phấn đấu không mệt mỏi, thánh Antôn Maria Zacaria đã được lãnh nhận sứ vụ linh mục. Với thánh chức, thánh nhân đã cùng với Bartôlômêô Ferrariô và Giacôbê Morigia lập tu hội triều vào năm 1533 có tên là hội thánh Phaolô và nhóm nữ tu thiên thần vào năm 1535 để cùng nhau sống tinh thần huynh đệ Tin Mừng. Với tinh thần huynh đệ Phúc Âm, thánh nhân đã chu toàn bổn phận và rao giảng, loan truyền Lời Chúa chống ảnh hưởng tai hại của bè rối Luther. Thánh nhân có tinh thần phục vụ cao vời và có một lòng yêu mến Chúa sâu xa, yêu mến Bí Tích Thánh Thể và khuyến khích nhiều người sùng kính, tôn vinh Thánh Thể Chúa.

THÁNH ANTÔN MARIA ZACARIA RA ĐI VỀ VỚI CHÚA KHI TUỔI ĐỜI MỚI CÓ 36:

Ngày 5 tháng 7 năm 1539 thánh nhân đã ra đi về với Chúa an bình sau nhiều tháng năm nhiệt thành với sứ vụ tại Crémone, thọ 36 tuổi. Với tuổi đời còn trẻ, còn nhiều hăng say, Chúa đã cất Ngài về để chiêm ngưỡng thánh nhan Chúa mãi mãi. Thánh nhân đã về với Chúa như Lời Chúa nói:  “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, để anh em ra đi, thu được kết quả, và kết quả anh em được lâu bền” (Ga 15, 16).

Đức Thánh Cha Lêô XIII đã cất nhắc Ngài lên bậc hiển thánh vào năm 1807 vì lòng nhiệt thành truyền giáo và tinh thần cầu nguyện vượt bậc của Ngài.

(Nguồn: Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT)

Thánh Antôn Maria Giacaria thường nói với các môn sinh: “Đặc tính của những tâm hồn đại lượng là phục vụ không mong phần thưởng, chiến đấu không chờ lương bổng. Hãy tiến tới không ngừng và hướng tới sự hoàn thiện cao cả hơn. Hãy nói với Chúa Giêsu bị đóng đinh về tất cả những gì bạn thấy và lãnh ý Người, cho mình và cho người khác”.

❦ Noi gương thánh nhân hôm nay mời bạn hãy rao giảng Tin Mừng bằng cách cho đi nhưng không mong đền đáp nhé.

From: Đỗ Dzũng

Chúa Là Đấng Từ Bi – Thánh Vịnh 102  

Happy July 4th đến bạn và gia đình nhé.

Happy July 4th đến bạn và gia đình nhé. Tạ ơn Chúa, cảm ơn U.S.A.!

Cha Vương

Thứ 3: 04/07/2023

TIN MỪNG: Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Ki-tô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh. (2 Cr 12:10)

SUY NIỆM: Trên đời nay không ai muốn tự cho mình là yếu cả, thế mà Thánh Phao-lô dám tuyên bố rằng: tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối… Khi tôi yếu là lúc tôi mạnh! Điều bí ẩn gì mà Thánh Phao-lô muốn nói với bạn hôm nay? Ý ngài muốn giúp bạn khám phá ra về lợi ích thiêng liêng trong sự yếu đuối của mình. Để chấp nhận những giới hạn và yếu đuối của mình một cách dễ dàng, bạn cần phải có đức khiêm nhường, qua đó bạn mới đến với Chúa trong sự yếu đuối mỏng giòn của mình được. Khiêm nhường là mở lòng để đón nhận ý Chúa, mở lòng để sống theo ý Chúa. Như bạn cũng đã biết nước Hoa Kỳ được liệt kê là một cường quốc. Thế mà trong bản tuyên ngôn độc lập có viết một câu đã trở thành niềm kiêu hãnh và sự công nhận quyền bình đẳng, quyền tự do cho mỗi công dân Hoa Kỳ trong đó có bạn nữa: “Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng Đấng Tạo Hoá đã ban cho họ những quyền tất yếu bất khả xâm phạm, trong đó có Quyền Sống, Quyền Được Tự Do và Mưu Cầu Hạnh Phúc.” Vì cả guồng máy chính trị được đặt trên nền tảng bất cả xâm phạm này mà nước Hoa Kỳ được trở nên hùng mạnh. Họ hùng mạnh không phải vì họ có những loại vũ khí tối tân nhất thế giới nhưng mà là do họ biết đặt Đấng Tạo Hoá (Thiên Chúa) lên hàng đầu. Đúng là họ đã hiểu được lời thánh Gioan nói: “vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (x Ga 15:5b) Vậy hôm nay trong bầu không khí mừng Lễ Độc Lập, mời bạn hãy dành thời gian để cầu nguyện cách riêng cho đất nước Hoa Kỳ, xin Chúa luôn bảo vệ mảnh đất tự do mà Chúa đã ban để mọi người công dân được “có Quyền Sống, Quyền Được Tự Do và Mưu Cầu Hạnh Phúc”.

LẮNG NGHE: ĐỨC CHÚA phán với ông Áp-ram: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ là một mối phúc lành. (St 12:1,2)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa là Đấng hiền lành khiêm nhường, thật diễm phúc cho con được gọi là con của Chúa, xin đoái nhìn đến phận yếu hèn của con, xin đừng để con đi ra khỏi con đường Chúa đã vạch ra cho con, và xin cho con luôn bước theo Chúa để được hạnh phúc muôn đời.

THỰC HÀNH: Đọc 10 Kinh Kính Mừng để dâng đất nước Hoa Kỳ cho Mẹ Maria.

From: Đỗ Dzũng

https://www.youtube.com/watch?v=MfJ78D-zUZY

Tất Cả Là Hồng Ân || St Lm. Huy Hoàng || Tb Sr Hoàng Phương Dòng MTG Vinh