Chuyện Phiếm đọc trong tuần sau lễ Chúa Chịu Phép Rửa Năm C 10/01/2016
“Một lần chợt nghe quê quán tôi xưa,”
Giọng người gọi tôi nghe tiếng rất nhu mì,
Lòng thật bình yên mà sao buồn thế,
Giật mình nhìn tôi ngồi hát bao giờ.”
(Trịnh Công Sơn – Bên Đời Hiu Quạnh)
(Mc 14: 22)
Trần Ngọc Mười Hai
Có những lúc và những lần, bần đạo bầy tôi đây thấy “lòng mình thật yên bình”, lại rất vui. Vui nhất, là khi cảm-nhận câu nói: ‘tất cả là Ân-huệ’, tức: câu châm-ngôn áp-dụng cho mọi trường-hợp, khi mọi việc đi vào ổn định, chẳng còn kêu ca, than phiền điều gì hết.
“Lòng mình thật bình yên”, vì ‘ tất cả đều là Ân huệ’, dù có điều chưa toại-nguyện. Chí ít là những lúc “chợt nghe quê quán tôi xưa”, mà nghệ sĩ mình vẫn lan-man, tản mạn đôi ca từ, rằng:
“Rồi một lần kia khăn gói đi xa.
Tưởng rằng được quên thương nhớ nơi quê nhà.
Lòng thật bình yên mà sao buồn thế.
Giật mình nhìn tôi ngồi khóc bao giờ.
Đường nào quạnh hiu tôi đã đi qua.
Đường về tình tôi có nắng rất la đà.
Đường thật lặng yên lòng không gì nhớ.
Giật mình nhìn quanh ồ phố xa lạ.”
(Trịnh Công Sơn – bđd)
“Phố xá (ồ rất) xa lạ”, rồi đến: “con đường đầy quạnh hiu”… Ấy đấy, là tâm-tình của ai đó giống như tôi/như bạn bỗng chốc “giật mình nhìn quanh quất”, rất đời người.
Vào chốn “đời người”, hẳn bạn và tôi, ta lại cũng nhận ra rằng: sự việc ở trong đời, người người lại vẫn có cái nhìn, thật rất khác. Khác, từ cách ăn/cách nói, cho chí các hành-vi xử-sự giống hệt phương-cách giải-quyết các vấn-đề riêng-tư, đặc-biệt như truyện kể bên dưới:
“Tiệm ăn nọ, một hôm, có thực-khách gọi bồi bàn đem cho mình tách cà phê để nhâm nhi, cho đỡ buồn. Nhưng chợt thấy con ruồi đang vùng vẫy bơi lội, hòng thoát nạn.
Truyện kể chỉ có thế, không thêm bớt. Thế nhưng, người kể lại đưa ra câu hỏi để coi xem ở đâu đó trên mạng vi-tính, đã thấy nhiều người gom góp một phản-ứng, rất như sau:
Trước nhất, là người Nhật. Người Nhật thường rất lễ độ, không đụng tới tách cà-phê, cứ lẳng lặng ra quầy trả tiền và kín đáo rời khỏi tiệm.
Người Anh lạnh lùng chỉ cho chủ tiệm coi con ruồi đang phấn-đấu cho sự sống còn, rồi thôi.
Người Mỹ, gọi điện cho luật-sư riêng, ra chỉ-thị lập thủ-tục kiện chủ tiệm, đòi bồi thường 2 triệu đô vì thiệt-hại tinh-thần.
Người Đức đề-nghị chủ tiệm thi-hành kỷ-luật với nhân-viên phạm lỗi.
Với người Ý, thì mọi chuyện sẽ ổn-thỏa, nếu chủ tiệm bỏ vụ tính tiền càphê và bữa ăn.
Ả-rập vua dầu lửa, thì: rút ngân-phiếu mua lại cửa tiệm, đóng cửa sa-thải hết nhân-viên.
Người Thụy-Điển: cảnh-cáo chủ tiệm không tôn-trọng sinh mạng, hạnh-phúc của sinh-vật.
Người Mễ vớt con ruồi lên khỏi tách, rồi tỉnh bơ uống cạn chỗ cà-phê chưa kịp uống.
Người Hoa: uống ừng-ực tách càphê xong hỏi chủ tiệm cách dẫn-dụ ruồi bay vào bếp.
Người Do-thái dụ bán ruồi cho người Hoa, bán tách càphê cho người Mễ, kiện nhà chủ cùng nghiệp-đoàn ăn uống về tội kỳ-thị người Do-thái. Chính phủ Do-thái chỉ-thị cho đội dù đặc-nhiệm đổ bộ vùng đất Gaza và một phần lãnh-thổ Ai-cập dọc biên thùy Palestine, vận động Do-thái tố chính-phủ Mỹ làm tay sai Hồi-giáo, bán đứng Do-thái, nhân câu chuyện ruồi hạ cánh xuống tách càphê với ý-đồ rõ rệt…
Còn người Việt thì sao?
Người Việt mình, vốn kế-thừa văn hóa Trung-quốc từ nhiều năm trước, nên sẽ bày tỏ tùy từng trường-hợp. Nếu chủ tiệm là đồng hương, ông sẽ om sòm la-lối, rồi hạch sách đủ điều đến phát sợ. Nhưng, nếu chủ tiệm là người Mỹ gốc Hoa kỳ, bèn nín khe hơi đâu mà rách việc…”
Truyện kể, tiếng là để minh-họa điều gì đó, chứ không để thóa-mạ người Do-thái hay sắc-tộc nào, thời hôm nay. Thời buổi hôm nay, làm gì có những chuyện đại-loại kể về người Do-thái hoặc ai đó về ẩm-thực, vè cách ăn lẫn lối uống rất văn-minh, đầy tình người.
Người Do-thái mọi nơi và mọi thời vẫn văn-minh, lịch-sự về nhiều thứ, chí ít là chuyện ăn uống, tư-duy mọi chốn, hết mọi thời.
Thời của Chúa, ai cũng thấy Đức Giêsu và môn-đồ Ngài vẫn chung vui với mọi người cả khi ăn uống, lẫn lúc nguyện-cầu và suy-tư. Tin Mừng Nhất Lãm và cả ở Tin Mừng từ tác-giả Gioan từng mô-tả các bữa ăn, tiệc tùng, hoặc cưới hỏi có Đức Chúa tham-dự. Chẳng hạn như truyện kể lại Đức Giêsu hôm ấy kêu mời ông Zakêu xuống khỏi cây cao, cùng vào dự tiệc.
Lại có trường-hợp Tin Mừng kể lại chuyện Đức Giêsu thực-khách đã đến chung vui với nhiều nhóm/hội đoàn thể khác nhau, giảng-giải cho họ biết chuyện ăn uống, ứng-xử với thực-khách ở quanh vùng. Ngài sử-dụng thức ăn như đề-tài thảo-luận và giảng-dạy, cốt để mọi người nhớ đến mà hiểu ý Ngài, mỗi khi làm như thế. Đặc biệt hơn cả, là truyện 5 chiếc bánh và 2 con cá, hàm ngụ một dụ-ngôn đầy tâm-tình giúp giùm, đùm bọc.
Nói tóm lại, ở Tin Mừng, chuyện chung vui cùng bàn ăn/uống vẫn được coi là việc cần-thiết phải làm để sống vui sống trọn vẹn phận làm người. Đằng khác, những việc như thế lại cũng được dùng làm dấu-chỉ để mọi người thực-hiện động-tác bác-ái, hoặc bàn-luận tính-cách biểu-tượng cho nhiệm-tích thánh-thiêng về sự sống vĩnh-cửu.
Rất nhiều lần, Đấng Thánh Hiền-lành trong Đạo vẫn khuyên-răn dân con đi Đạo hãy cùng nhau ăn uống và tưởng nhớ ý-nghĩa rất hằng sống trong thức ăn, như sau:
“Cũng đang bữa ăn,
Đức Giêsu cầm lấy bánh,
dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra,
trao cho các ông và nói:
“Anh em hãy cầm lấy,
đây là mình Thầy.”
(Mc 14:22)
Vâng. Ăn và uống, xưa nay, vẫn là triết-lý sống trong đời. Ăn để sống, chứ không phải sống để ăn. Dù, có ăn/uống trong tình-huống nào đi nữa, người người ở mọi nơi có coi chuyện ăn/uống là lạc thú đến thế nào đi nữa, trong cõi đời, vẫn nên cùng ăn/cùng uống với mọi người.
Với người Do-thái, ăn và uống còn là đạo-lý của mọi người, trong đời. Ăn/uống đơn-độc một mình, không thể là cung-cách vui-tươi đầy ý-nghĩa của người đi Đạo. Đức Giêsu là người Do-thái, nên Ngài cũng không thoát khỏi tục-lệ của đất nước, dân tộc Ngài. Quả thật, Ngài vẫn vào chốn hoang-vu để nguyện-cầu một mình, nhưng Ngài chẳng bao giờ ăn độc, hoặc uống một mình bao giờ hết.
Tiệc Tạ-từ chiều hôm ấy, tuyệt-nhiên không là buổi “độc ẩm” dành cho tử tội ở khám-đường trước khi ra pháp-trường, nhưng vẫn là và lại là bữa Tiệc-Lòng-Mến rất sẻ san. San và sẻ Thân Mình Ngài, một đặc-trưng của Thiên-Chúa-là-Tình-yêu ban cho con người, ở mọi thời. Đó, có thể là Tiệc thân-thương gia-đình giữa bạn bè/người thân, hoặc tiệc tùng bầu bạn dành cho mọi người là những kẻ kế-thừa Vương Quốc Nước Trời, ở mọi nơi. Mọi thời.
Nói khác đi, ăn và uống vẫn là tình-huống qua đó bầu bạn/người thân sẻ-san cho nhau niềm thương-yêu chân-chất/tươi vui trong hiện-tại, để người người lại sẽ cùng sống với nhau trong tương-lai, mai ngày đầy thương-mến.
Đó, cũng là ý-tưởng-làm-nền, từng được đấng bậc mô-phạm ở Úc là tác-giả Michael McGirr, Khoa-trưởng thần-học “Niềm Tin và Mục vụ” thuộc trường St Kevin ở Melbourne, Úc Châu đã có bài viết rất như sau:
“Thân gửi Đại-tá Sanders rất quí mến,
Hy-vọng, thư tôi viết cho ông, hôm nay, sẽ không là giòng chảy đường-đột, bất lịch-sự nhưng chỉ là cung-cách để nói lên rằng: tôi thật lấy làm ngỡ-ngàng khi biết: ông đã sống thọ đến 90 tuổi đời, không kém. Dù, ông là người thành-lập thương-hiệu KFC với món gà quay ngon nổi tiếng thế-giới nhưng tôi chắc rằng ông cũng từng đi đâu đó tìm chỗ ăn uống, thôi.
Thật cũng lạ, ông đây vốn dĩ là người nổi-tiếng về lối gọn-gàng râu/tóc, áo/quần bảnh-bao, ăn mặc lịch-sự không ai sánh tày, vậy mà ông lại đi chọn cái nghề kiến-tạo nên một đế-quốc nổi đình nổi đám với món gà quay mỡ màng, thơm phức. Lẽ đáng, ông phải là chuyên-gia giặt ủi rất đặc-thù về nghề “hấp tẩy nỉ sẹc” tuyệt trần, mới đúng…
Năm 1955, cửa hàng bé nhỏ do ông làm chủ, từng tồn-tại suốt 120 năm cạnh con lộ tẻ ở Kentucky, nay bị chính-quyền có kế-hoạch cắt xén để mở xa-lộ xuyên tiểu-bang, đã cắt gọn mọi chuyện, thế nên doanh-thương buôn bán hàng ăn đã xuống cấp đến mức-độ thê-thảm và cuối cùng doanh-nghiệp của ông bị phá-sản.
Vậy nên, ông bèn tạo vị-thế gọi là “gà nòi băng lộ”, đem nhà hàng của mình dời về địa-điểm có tuyến đường mới mở; và từ đó, ý-tưởng lập tiệm KFC đã khởi-phát, rất mau. Hiện nay, hàng ngàn địa-điểm kinh-doanh như thế đã khởi-sắc rất nhiều nơi. Có nơi, còn có cả mặt bằng đậu xe thoải-mái, luôn được nới rộng. Có nơi, ông còn để cho xe chạy đến đi thẳng vào khu đặt và nhận hàng ăn chỉ trong vòng vài phút phù du, đầy đủ cả. Và từ đó, món ăn nhanh hợp khẩu-vị lại bộc-phát không ngừng.
Điều này, dẫn tôi về lại trọng-điểm của bức thư tâm-tình, thế này đây: KFC vừa mới cho ra lò một lô các đại-lý bán lẻ ngay ở góc đường dầy đặc xe cộ qua lại, nơi tôi sinh sống. Trước mặt, lại xuất-hiện một tiệm bán thịt nướng “souvlaki” ngon miệng, mở ra cùng một địa điểm như của ông, nhưng khiêm-tốn cốt để thực-khách đừng quên món gia-bảo này.
Tiệm thịt nướng xiên “souvlaki” này, nay bày-biện ghế bàn tràn lan trên vỉa hè đường phố tấp-nập người qua lại, để bà con thực-khách có thể dừng-chân-đứng-lại vừa ăn vừa đấu láo cho vui đời, cả về đêm. Chắc ông cũng thấy nhiều tài-xế Taxi vừa lái xe vừa chuyện trò inh-ỏi cả vào thời-khắc ngắn-ngủi, khác với ý-tưởng lái xe đến tận nơi đặt hàng và bốc hàng trong phút chốc, khiến thực-khách lại cứ bị cô-đơn khi ăn ở trên xe. Bên ngoài cửa tiệm, lại có bảng hiệu ghi giòng chữ: “Quí vị sẽ không bị wi-fi quấy rầy chút nào!”
Thịt nướng có que xiên “souvlaki” đã đạt vị-thế khá đáng kể trong lịch-sử ăn uống bên ngoài nhà. Nói về lịch-sử, tôi thấy: cuối bài anh-hùng-ca “Illiad” của Homer, có đề-cao/tuyên-dương Con Ngựa Thành Troie, thì ở đây cũng có tiệm thịt nướng “souvlaki” đã đột-ngột xuất-hiện, rất hiện-tượng. Cho đến nay, người Hy-Lạp đã đóng đô tại đó suốt mười năm liền, tại chỗ. Người thành Troie, lại cũng bị nhồi nhét bên trong bức tường thành đến ngột-ngạt.
Cuối cùng thì, nhiều vị hẳn còn nhớ: câu chuyện về anh-hùng thần-thoại Hy-Lạp Achilles từng chiến-đấu với Hector, con vua Priam Thành Troie, hôm đó chính tay Achilles đã giết chết Hector rồi còn kéo xác anh ta chạy quanh thành-phố để chọc tức dân thành này, cho bõ ghét.
Thế rồi, một chuyện lạ-lùng lại đã xảy ra, cũng rất ngộ. Vua Priam đã tự mình rời khỏi ngai vàng, bước xuống đảm-trách vai-trò ít quen-thuộc, đơn-giản là ông lại chỉ nhận trọng-trách của người cha, mà thôi. Ông không còn muốn sống đời vua/quan nữa, mà chỉ muốn đơn-giảm làm người bình-thường bước đến lều của Achilles đầy quyền-năng, cốt để nhặt xác người con yêu quí của ông, mà thôi. Ông nghĩ, mình sẽ bị đối-phương giết chết ngay tức thời. Nhưng, Priam đã không kịp nghĩ về sự-kiện: trọn cả thế-giới, nay mỏi mệt với mọi cuộc xung-đột và chinh-chiến, nên không còn muốn gây hấn với ai nữa.
Tâm can con người, nay chán-chường vị-thế của bậc đại-trượng-phu cũng như cung-cách xì-sụp/quì mọp của người dưới trướng nữa. Ai nấy đều nhận thấy cần phải có thái-độ khác trước; và từ đó, tính khiêm-nhu/hạ mình để phá vỡ mọi bế-tắc ở chính-trường. Chính Homer đã tạo công ăn việc làm cho mọi người, từ nhiều thế-kỷ trước cả thời Đức Kitô nữa.
Từ đó đến nay, con người mới hiểu được nhân-loại nên đã giúp mình sống tốt đẹp và sinh-động cách đích-thực hơn.
Và, phần chủ-chốt trong thiên-hùng-ca “Illiad” lại là một trong các phần cốt-lõi của nền văn-chương thi-tứ qua đó Achilles đã tặng Priam món thịt trừu nướng “souvlaki” cắt từng mảnh nhỏ xiên que nhọn, ăn với bánh mì. Chính tôi đây, thỉnh thoảng cũng tìm mua một gói thịt nướng xiên bán trên xe “van” từ sở về, vốn là món thịt nướng xiên có từ 3000 năm trước. Dĩ nhiên, Archilles không nhắc-nhở gì đến nước sốt hành/tỏi bỏ thêm vào đó.
Ngày nay, mọi người chúng ta đều có thời-khắc “dừng-chân-đứng-lại” trên đường đời, hầu thưởng-thức món thịt nướng xiên “souvlaki”, một món ăn có đặc-thù tính bằng cơ-hội ta ngồi cùng bàn với nhau mà thưởng thức, và xem hôm ấy có ai cùng ngồi bàn với mình hơn là có gì trên bàn, để cùng ăn.
Điểm sáng trong ngày của tôi, là chuyện: thông thường thì: ân-huệ ta sẻ san cho nhau theo cách của gia-đình tụ-tập vào bữa chiều. Và, giờ phút cuối trong ngày, lại là thời-khắc tuyệt-vời để ta cảm ơn. Và, trong các bữa ăn như thế, lại cũng có nhiều sự việc rất “ân-huệ” như thời-khắc để ta san-sẻ, dù lớn nhỏ, những gì xảy đến với ta cả nơi bàn tiệc lẫn bàn nhựa/bàn gỗ ta làm việc hoặc bàn-luận, cũng giản-đơn.
Có lần, tôi bắt gặp một nữ-phụ tay cầm khay/dĩa đựng món gà quay thơm phức ở tiệm KFC nọ; và chị này đã làm dấu thánh-giá trước khi dùng bữa ngon, hôm ấy. Tôi biết chắc là: chị đã dâng lời cảm-tạ vì được bữa ăn ngon, hơn có được bí-kíp quay/nướng cùng nêm/nếm gia-vị và thêm rau sống vào trong đó. Và tôi nghĩ: cuối cùng ra, đó chính là vấn-đề. Vấn-đề ân-huệ mình cảm-nghiệm, không quên kèm theo sau lời cảm-tạ vì đã có được của ăn,thức uống tuyệt vời đến là thế.
Kính thư,
Michael McGirr
(X. A Letter to Colonel Sanders, Australian Catholics số Giáng Sinh 2015, tr. 16)
Tất cả là như thế. Như thế, tức để khẳng-định rằng: mọi sự trên đời, đều là ân-huệ tình thương ta cảm-nhận, vào nhiều lúc. Ân-huệ, có thể là của ăn/thức uống từng ngày mình vẫn dung nhưng quên rằng: mọi thứ trên đời đều do Ơn Trên ban tặng.
Tất cả là ân huệ, vẫn là điều dẫn đ,ưa ta đi vào với thời-khắc vui tươi có yêu-thương, giùm giúp theo tính-cách bầu bạn/thân thương rất gia-đình. Ân-huệ nào, cũng là ân là huệ đầy tình người, tình Chúa gìn giữ ta trong Tình thương vĩnh cửu, rất triển-nở.
Trải-nghiệm thế rồi, nay mời bạn/mời tôi, ta đi vào vườn truyện kể rất dễ nể, để còn nhớ. Nhớ rằng, mọi chuyện vui trong đời người, đều xuất từ ân-huệ Trời ban, để ta thưởng-lãm suốt đời mình.
Vườn truyện hôm nay có câu truyện, những kể rằng:
“Có hai người bạn đang dạo bước trên sa mạc. Trong chuyến đi dài, hai người nói chuyện với nhau rất nhiều chuyện và đã có một cuộc tranh cãi gay gắt về đủ thứ trong đời, cả chuyện công ăn việc làm, thực-phẩm lẫn công-danh.
Trong một lúc mất bình tĩnh, một người đã tát vào mặt người bạn mình. Người bị tát thấy rất đau, nhưng không nói gì. Anh chỉ lặng lẽ viết lên cát rằng: “Hôm nay, bạn tốt nhất của tôi đã tát vào mặt tôi.”
Họ tiếp tục bước đi cho tới khi nhìn thấy một ốc đảo, nơi họ quyết định sẽ dừng chân và tắm mát. Người bạn vừa bị tát do sơ ý bị trượt chân xuống bãi lầy và ngày càng lún sâu xuống. Nhưng người bạn kia đã kịp thời cứu anh.
Ngay sau khi hồi phục, người bạn suýt chết đuối khắc lên tảng đá dòng chữ: “Hôm nay, bạn tốt nhất của tôi đã cứu sống tôi.” Người bạn kia, hết sức ngạc nhiên bèn hỏi: “Tại sao khi tớ làm cậu đau, cậu lại viết lên cát còn bây giờ lại là một tảng đá?”
Và câu trả lời anh nhận được là: “Khi ai đó làm chúng ta đau đớn, chúng ta nên viết điều đó lên cát nơi những cơn gió của sự thứ tha sẽ xóa tan những nỗi trách hờn. Nhưng “Khi chúng ta nhận được điều tốt đẹp từ người khác, chúng ta phải ghi khắc chuyện ấy lên đá nơi không cơn gió nào có thể cuốn bay đi.”
Hãy học cách viết những nỗi đau lên cát và khắc tạc những niềm vui và hạnh phúc bạn tận hưởng trong cuộc đời lên tảng đá để mãi không phai.”
Nói thế, tức bảo rằng: học ăn, học nói, học gói, học mở, tất cả đều phải học. Học bây giờ và học mai sau, suốt đời mình. Học cả chuyện ăn và nói, rồi ra ta sẽ thấy mình chin chắn, trưởng-thành trong mọi sự.
Thế đó, là giòng chảy tư-tưởng, ta truyền cho nhau để học, cả một đời.
Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn cứ học và học mãi
Cả chuyện ăn, chuyện nói
Lẫn mở gói
suốt đời mình.