“Quyền lực dẫn đến tha hóa, quyền lực tuyệt đối dẫn đến tha hóa tuyệt đối”.

 Lê Vi

Nhà độc tài Gaddafi, trước khi bị giết chết đã hỏi những người nổi dậy (hay “nổi loạn”) rằng: “Tôi đã làm gì các người?”

Có lẽ, cho đến lúc chết, nhà độc tài cũng chưa hiểu được lý do tại sao mình bị lật đổ và giết chết một cách tàn bạo không qua xét xử như vậy.

Gaddafi đã làm một cuộc đảo chính quân sự không đổ máu, lật đổ Vua Idris bị coi là kẻ bán rẻ tài nguyên quốc gia cho ngoại bang. Nhưng rồi trong suốt hơn 40 năm nắm quyền, tuy vẫn tuyên bố là một nhà nước “Jamahiriya” – nghĩa là “nhà nước của quần chúng” – ông đã tạo ra một chế độ độc tài và tàn bạo : dựng lên thói sùng bái lãnh tụ, lập ra một nhà nước cảnh sát kiểm soát toàn bộ xã hội, quốc hữu hóa thâu tóm và tham nhũng tất cả tài nguyên quốc gia, cấm doanh nghiệp tư nhân, đốt sách vở, ám sát những cá nhân bất đồng chính kiến, tiêu diệt các hội đoàn chính trị đối lập, dẹp bỏ tự do ngôn luận, đàn áp đẫm máu các cuộc biểu tình ở trong nước, tài trợ khủng bố và tổ chức khủng bố ở ngoài nước … vv …

“Quyền lực dẫn đến tha hóa, quyền lực tuyệt đối dẫn đến tha hóa tuyệt đối”.

“Nhà cách mạng” Gaddafi khi nắm lấy quyền lực độc tài đã trượt dài xuống con dốc tha hóa tuyệt đối.

Khi dân chúng bắt đầu nổi dậy, ông tuyên bố sẽ dùng tất cả sức mạnh quân sự để “bảo vệ thành quả cách mạng”, và gọi phe nổi dậy là “lũ chuột”. Khi bị lật đổ và trốn chạy, ông đã phải trốn trong một ống cống.

Khi bắt được ông, những người nổi dậy đã nói : “Ông ta gọi chúng tôi là những con chuột, song hãy xem chúng tôi bắt được ông ta ở đâu !”, sau đó đánh đập một cách tàn nhẫn rồi giết chết, kéo lê xác trên đường phố rồi bỏ trong một phòng lạnh chứa thịt gia súc.

Ông đã tạo ra một chế độ vô pháp và tàn bạo, để rồi bị giết chết một cách vô pháp và tàn bạo.

Nhân – Quả không chỉ là tín ngưỡng hay tôn giáo, mà còn là một quy luật khách quan.

“Thiên địa bất nhân dĩ vạn vật vi sô cẩu”. Quy luật trời đất chính là quy luật khách quan, “gieo Nhân nào gặt Quả ấy”, tất cả đều bình đẳng và công bằng, không có ngoại lệ hay thiên vị, không sự vật hiện tượng hay cá nhân tập thể nào tránh thoát được. Phật cũng không tránh thoát được quy luật Nhân – Quả, nếu Phật gieo Nhân thì Phật cũng phải gặt Quả, nếu không muốn gặt Quả thì chỉ có cách đừng gieo Nhân mà thôi.

Đất nước Libya sau cuộc nổi dậy ( hay “nổi loạn” ) vẫn chìm trong loạn lạc triền miên. Dân chúng vẫn không có đủ dân trí để có thể chuyển biến xã hội thành dân chủ và ôn hòa, đó cũng là hậu quả của việc bị cai trị dưới chế độ độc tài và tàn bạo.

Vô pháp và tàn bạo mang lại hậu quả vô pháp và tàn bạo cho chính nhà độc tài, và cho cả dân tộc – quốc gia.

Hãy lấy đó làm răn!

Db Canh Le

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay