SỰ SỢ HÃI TRONG DÂN?…

SỰ SỢ HÃI TRONG DÂN?…

Ngày hôm qua, bắt đầu từ trưa khi Thủ tướng họp với lãnh đạo thành phố bàn việc chống dịch. Trong phát biểu ý kiến của Thủ tướng đại ý là: “Chính phủ kêu gọi sự cảm thông và ủng hộ của nhân dân nếu phải áp dụng các biện pháp khoanh vùng, giãn cách, phong tỏa, cách ly trên diện rộng để xử lý triệt để sự lây lan của dịch bệnh vì sức khỏe cộng đồng và sự phát triển của đất nước.”. Có nghĩa là Thủ tướng và thành phố đang chuẩn bị một số biện pháp mới mạnh hơn, quyết liệt hơn trong việc ngăn chận dịch bệnh.

Thế là chỉ không lâu sau đó, trên mạng xã hội và truyền thông có lan truyền một lời nhắn có nội dung: ̵”̵ ̵E̵m̵ ̵c̵h̵u̵ẩ̵n̵ ̵b̵ị̵ ̵đ̵ồ̵ ̵ă̵n̵,̵ ̵t̵h̵ự̵c̵ ̵p̵h̵ẩ̵m̵ ̵t̵h̵i̵ế̵t̵ ̵y̵ế̵u̵ ̵n̵g̵a̵y̵ ̵n̵h̵é̵.̵ ̵A̵ ̵đ̵a̵n̵g̵ ̵h̵ọ̵p̵ ̵t̵r̵ự̵c̵ ̵t̵u̵y̵ế̵n̵ ̵h̵o̵ả̵ ̵t̵ố̵c̵.̵ ̵C̵h̵u̵ẩ̵n̵ ̵S̵G̵ ̵k̵o̵ ̵đ̵c̵ ̵r̵a̵ ̵n̵g̵o̵à̵i̵.̵ ̵L̵à̵m̵ ̵n̵g̵a̵y̵ ̵đ̵i̵.̵ ̵A̵ ̵đ̵t̵ ̵k̵o̵ ̵n̵g̵h̵e̵.̵”̵ ̵

Tiếp đó là thông báo sẽ lockdown toàn thành từ 0 giờ ngày 9/7. Tui nhận được khoảng 100 tin như thế này trên messenger cũng trên tin nhắn điện thoại, zalo, Viber…

Đồng thời, tui cũng được báo tin trên điện thoại bởi nhiều bạn bè quen biết. Tôi đọc tin mà ngờ ngợ vì trước đây mấy hôm cũng đã có tin như thế này tung ra nhưng sau đó đã được cải chính. Hôm nay thì chỉ một cái nhắn tin nho nhỏ, ngắn gọn giống như của người trong cuộc đưa ra.

Hàng trăm, hàng ngàn cái tin đều giống như đúc từ một khuôn và nội dung là một. Tui đâm nghi ngờ nên cũng dè dặt khi trao đổi với bạn bè và người thân. Rất nhiều người tin vào cái mẩu con con này, Họ bảo nhà nước này từ xưa đến nay muốn làm gì quan trọng đều theo bài này, tức là tung tin ra, sau đó cải chính nhưng thật sự là chuyện đó có thật.

Như chuyện mấy lần đổi tiền ngày xưa chẳng hạn. Lại thêm nhiều cơ quan, xí nghiệp, nhà máy yêu cầu công nhân, viên chức ở lại cơ quan, công nhân ăn ngủ, làm việc trong xưởng để hạn chế lây lan dịch bệnh. Chỉ cần thế là mọi người đã nháo nhào.

Thế nên mọi người lại ùn ùn lũ lượt ra siêu thị vét hàng. Chiều và tối hôm qua các siêu thị các quầy hàng trống rỗng. Sáng hôm nay cũng vậy. Chợ bây giờ phải bán chui, sạp hàng bảo với khách quen muốn mua hàng thì ra lúc 4:30 sáng để tránh dân quân với công an. Giá thì bảo sao mua vậy, không thể cò kè vì hàng khan hiếm.

Dù hôm nay, chính quyền đã thông báo cho biết là không có lockdown, chỉ hạn chế có kiểm soát tình hình ra vào và di chuyển trong thành phố. Nhưng khổ lắm, dân vẫn không chịu tin và vẫn sống trong nghi ngờ và sợ hãi. Cho đến giờ, tui vẫn khẳng định tin nhắn nho nhỏ được phát tán, lan truyền một cách rộng rãi hôm qua là tin giả và vẫn nghĩ rằng chính quyền đang có một kế hoạch mới để đối phó với dịch bệnh đang lan tràn, số người mắc bệnh càng ngày càng cao.

Hôm nay hơn 120.000 thí sinh và các bộ phận liên quan đang thi tốt nghiệp. Thí sinh đi thi với tâm trạng không ổn, cha mẹ học sinh thì đầy âu lo. Nhà nước cũng ở trong tình trạng căng thẳng vì lỡ như có thí sinh nhiễm bệnh vì tập trung đi thi, dân chửi không kịp vuốt mặt. Và mới đây đọc báo thấy có một thí sinh ngất xỉu trong phòng thi phát hiện thấy dương tính. Đọc tin mà hoảng hồn. Nguy thật!

Thành phố xáo xào hoang mang với đủ thứ lời đồn. Thực hư, hư thực. Tin chính thống của nhà nước thì hạn chế, mông lung nhiều khi không cụ thể vấn đề, chữ nghĩa thì kêu rổn rảng mà chẳng hiểu gì. Tin vỉa hè, tin giả thì lan truyền như vết dầu loang. Dân bối rối nên thường chỉ tin vào những đồn thổi.

Giá như chính quyền khi dự định đưa ra những biện pháp mới nên khẳng định có phong toả toàn thành, nội bất xuất, ngoại bất nhập hay không, khẳng định điều đó trước khi đề nghị những phương cách mới.

Được như thế, dân hiểu ngay là chính quyền sắp có nhiều thay đổi nhưng biết rõ có hay không biện pháp phong toả toàn thành. Khi được biết những khẳng định minh bạch của nhà nước, dân sẽ ít bị chi phối bởi những tin đồn nhảm. Đừng vội trách dân chúng và dân cũng nên thông cảm với chính quyền.

Trong tình hình nước sôi lửa bỏng như thế này, minh bạch là điều cần thiết đối với lãnh đạo và dân phải tập bình tĩnh trước những sự kiện. Thành phố đang thiếu một bộ phận đầu não có kiến thức chuyên môn và tổ chức khoa học cùng một đội ngũ truyền thông tốt. Chính vì thiếu những yếu tố đó đã đưa đến tình trạng hỗn loạn và bát nháo trong dân.

Phải thay đổi cách dập dịch là điều tiên quyết để ngăn chận dịch lan truyền như lúc này. Không thể cứ có dương tính là đóng cửa, là bao vây và sau đó hàng loạt F1, F2 vào khu cách ly. Thành phố đã có gần 800 điểm cách ly và phong toả, cứ thấy nơi đâu cũng giăng dây và hàng rào kẽm, lòng dân làm sao yên. Khi người nhiễm bệnh không còn có những triệu chứng thì việc tập trung đông người để tầm soát bệnh là việc làm gây nhiều nguy cơ.

Khi số người bệnh tăng cao lên con số hàng trăm, hàng ngàn một ngày thì tất cả những việc tập trung đông người như tổ chức thi tốt nghiệp hay tầm soát là một việc làm sai lầm. Đó là dịp để dịch bệnh lan tràn khó kiểm soát.

Có thể thành phố không thiếu lương thực, thành phố vẫn còn những cơ sở cung ứng thức ăn, thực phẩm theo kiểu online.

Nhưng người ta lại ngán shiper. Họ chạy suốt ngày ngoài đường, tiếp xúc không biết bao nhiêu người nên nguy cơ tiềm ẩn bệnh là rất lớn, do vậy mua hàng online chỉ là cái bấm chuột nhưng tiếp xúc với người giao hàng thì lắm e ngại.

Nhưng mua hàng kiểu đấy chỉ dành cho những người có đồng ra đồng vào, còn dân nghèo thì chịu chết, làm không ra vì dịch bệnh bủa vây, lấy tiền đâu mà mua.

Thế nên, để an dân, ngoài chuyện minh bạch thông tin, chính quyền nên lưu ý đến những người dân nghèo, không thể cứ để mặc cho những người làm thiện nguyện hỗ trợ dân như lâu nay vẫn thế và bây giờ vẫn vậy.

Phải có chính sách và tổ chức để đến với tầng lớp dân nghèo. Họ không thể ngồi chờ mãi những tấm lòng của mọi người hảo tâm mang đến mà phải có một sự trợ giúp dài hơi của chính phủ, và đó là bổn phận và trách nhiệm của nhà nước đối với nhân dân. Đó cũng là một cách để an dân.

7.7.2021

DODUYNGOC

May be an image of 1 person and text

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay