LỜI CHÚA GỌI HÔM NAY
Lm. Mark Link, SJ.
Khi 15 tuổi, Margaret Mehren là một thành viên của phong trào thanh thiếu niên Đức Quốc Xã ở Đức.
Sau cuộc chiến, cô tìm hiểu về sự diệt chủng trong các trại tập trung của Đức Quốc Xã. Và cô thật sửng sốt. Bỗng dưng cô nhận ra rằng Hitler không phải là một người lãnh đạo đáng vinh dự như cô nghĩ. Cô thề sẽ không bao giờ tin vào người lớn.
Chính trong tâm trạng này mà Margaret cũng bắt đầu hồ nghi về thái độ vô thần của cô. Một ngày kia cô cầu xin với Thiên Chúa, “Lạy Chúa, nếu Ngài thực sự hiện diện, hãy cho con những dấu hiệu.”
Khoảng thời gian này, tình cờ cô đọc Kinh Thánh. Cô cố gắng đọc một vài lần, nhưng chẳng tìm thấy ý nghĩa gì cả. Và rồi một đêm kia, cô lại cầm quyển sách ấy lên. Lần này, nó thật có ý nghĩa! Sau này cô viết:
Điều gì đó đã xảy đến với tôi khi đọc những lời của Chúa Giêsu. Tôi biết Người đang sống!… Tôi biết Người ở đó, tuy tôi không nghe và thấy gì cả.
Đức Giêsu thì có thật, thật hơn bất cứ gì chung quanh tôi – bàn ghế, sách vở, chậu kiểng. Tôi không còn cô độc. Cuộc đời tôi không còn là một ngõ cụt.
Một vài năm sau, khi 21 tuổi, Margaret trở nên một nữ tu dòng Phanxicô. Ngày nay, 25 năm sau, chị là một nữ tu truyền giáo, dạy học sinh ở Nam Phi Châu.
Câu chuyện của Chị Margaret Mehren nói lên sự kiện là Thiên Chúa vẫn kêu gọi con người ngày nay, cũng như Thiên Chúa đã kêu gọi ông Giôna trong thời Cựu Ước và ông Giacôbê, Gioan trong thời Tân Ước, trong bài phúc âm hôm nay.
Khi chúng ta nói Thiên Chúa kêu gọi người ta trở thành ngôn sứ của Chúa, hoặc Chúa Giêsu kêu gọi người ta trở thành môn đệ của Người, chúng ta thường đề cập đến điều đó là một ơn gọi. Chữ ơn gọi xuất xứ từ chữ Latinh có nghĩa “kêu gọi.”
Chúng ta cũng nghĩ và nói về lời kêu gọi của Thiên Chúa đối với người trẻ. Và điều đó chắc chắn đúng.
Một trong những người lãnh đạo tinh thần vĩ đại trong thời đại chúng ta là linh mục dòng Tên người Ấn là Anthony de Mello. Anthony nói rằng cha cảm thấy lời mời gọi của Chúa khi còn là thanh niên.
Khi Anthony xin cha của mình cho phép đi tu làm linh mục, cha của Anthony trả lời không. Ông chỉ còn lại hai người con gái nên nhiệm vụ của Anthony là nối dõi tông đường.
Sau đó, sau một thời gian 14 năm không sinh nở, mẹ của Anthony lại mang thai. Khi bà được đưa vào bệnh viện để sinh, Anthony đã phải chạy bộ bốn dặm đến nhà thương.
Khi đến nơi, vừa thở hổn hển Anthony vừa hỏi, “Đó là con trai hay con gái?” Khi cha của anh trả lời đó là con trai, Anthony nói, “Hay quá! Thế là con có thể làm linh mục.”
Khi 16 tuổi, Anthony gia nhập một tiểu chủng viện ở Bombay. Sau đó người trở nên nổi tiếng toàn thế giới.
Nhưng người lớn tuổi cũng được mời gọi để theo Chúa. Thật vậy, điều này dường như trở nên một khuôn khổ mới đang ló dạng.
Để minh hoạ, hãy nghĩ đến năm thanh niên từ một danh sách rất đông những người vào dòng Tên năm 1987.
Trước hết, có Vince, 33 tuổi. Anh tốt nghiệp Đại Học Pittsburgh và dậy cũng như huấn luyện thể thao ở cấp trung học cũng như đại học.
Kế đến là Mike, 26 tuổi. Anh tốt nghiệp Đại Học Harvard và làm việc với người vô gia cư ở Baltimore, và là một giáo chức với Đội Tình Nguyện Dòng Tên ở Nam Thái Bình Dương.
Thứ ba là Rene, 27 tuổi. Anh tốt nghiệp Đại Học California và là một kỹ sư của hãng Texas Instruments.
Thứ tư là David, 28 tuổi vừa mới trở lại đạo Công Giáo. Anh tốt nghiệp Đại Học Nam Alabama, trong hải quân bốn năm, và sau này là một trị liệu gia thể lý.
Sau cùng là George, 30 tuổi. Anh tốt nghiệp Đại Học Syracuse, đã năm năm là kiểm tra viên hàng không, và làm việc với Đội Tình Nguyện Dòng Tên ở Alaska tại một đài phát thanh.
Chỉ có năm người được chọn trong một danh sách những người vào dòng năm 1987.
Điểm chính là: Thiên Chúa vẫn kêu gọi người ta hôm nay, cũng như Chúa đã kêu gọi ông Giôna trong thời Cựu Ước và Giacôbê, Gioan trong thời Tân Ước.
Và Thiên Chúa đang kêu gọi người nam cũng như nữ. Và Thiên Chúa đang kêu gọi người trẻ cũng như già.
Điều này đưa chúng ta đến một áp dụng thực tế vào đời sống chúng ta.
Trước hết, nếu chúng ta là cha mẹ, chúng ta có nói con cái hãy cầu xin sự hướng dẫn khi chúng phải chọn lựa công việc trong đời không?
Thứ hai, có bao giờ chúng ta xin Chúa gọi một đứa con của chúng ta để nó tận hiến phục vụ Hội Thánh không?
Và nếu chúng ta là người độc thân – trong tuổi thiếu niên, thanh niên, hay ba mươi – chúng ta có cầu xin Chúa hướng dẫn chúng ta khi phải chọn công việc trong tương lai không?
Hoặc có bao giờ chúng ta xin Chúa giúp chúng ta tận hiến phục vụ Hội Thánh không?
Hoặc có bao giờ chúng ta nghĩ đến việc tình nguyện cả đời để phục vụ Hội Thánh, như Mike, 26 tuổi, làm việc tình nguyện ở Nam Thái Bình Dương, hoặc như George, 30 tuổi, làm việc tình nguyện ở Alaska không?
Làm việc tình nguyện với những người tình nguyện khác – nam cũng như nữ – là một cách để biết có phải một cuộc đời phục vụ Hội Thánh là điều làm chúng ta hạnh phúc, hoặc là một loại thành quả mà chúng ta đang tìm kiếm không.
Đây chỉ là một vài điều để suy nghĩ xuất phát từ các bài đọc hôm nay.
Đây chỉ là một vài điều để suy nghĩ mà cha mẹ cũng như người độc thân phải suy nghĩ theo ánh sáng của các bài đọc hôm nay.
Thật vậy, vì Thiên Chúa đang mời gọi người ta trong thời đại chúng ta, cũng như Thiên Chúa đã mời gọi con người trong thời Kinh Thánh. Và Thiên Chúa đang mời gọi người nam cũng như nữ, trẻ cũng như già.
Chúng ta hãy kết thúc với một suy nghĩ của Hồng Y Newman:
Thiên Chúa đã giao cho tôi một số công việc
mà Người không giao phó cho người khác.
Tôi có một sứ vụ…
Do đó, tôi sẽ tín thác vào Người…
Người không để nó trở thành vô hiệu…
Người biết điều Người thi hành.
Ôi lạy Chúa, con không dè dặt phó thác trong tay Ngài.
Lm. Mark Link, SJ.
From: Langthangchieutim