Lm. Anmai, CSsR
Đang yên đang lành, bỗng dưng xuất hiện một người gọi là mon men tập tu. Cũng nhiều năm rồi nhưng vì mạng xã hội loan truyền nên người ấy nổi tiếng.
Trả lời phỏng vấn, người đó không nhận rằng mình là thầy ! Người ấy nhìn nhận rằng mình là người công dân bình thường mà thôi. Thế nhưng rồi trong cung cách sống của người đó, nó đã toát lên một cái nét gì đó của người đi tu dẫu rằng người đó không tu. Nét đẹp nhất của chàng thanh niên đó chính là lối sống và sự từ bỏ. Chàng thanh niên này đã buông bỏ mọi sự và có thể nói rằng không còn gì để mất.
Với hiện tượng xem chừng lạ như thế thì nhiều người đi theo và lối sống của chàng thanh niên đó được đề cao. Lối sống thanh bần ấy lại càng được đề cao khi vấn đề đời sống tu của một số người tu dính bén đến tiền bạc và vật chất.
Tu hay sống ở đời, ai ai cũng cần tiền nhưng có lẽ cần ở mức đủ sống, đủ sinh hoạt nhưng khi nó đi quá đà thì người ta xem lại đời tu. Hình ảnh của những người tu dính béng đến của cải vật chất quá độ cũng được lan truyền lên các trang mạng để rồi nhiều người ngao ngán và họ dùng những từ xem chừng ra cũng phải xem lại đó là thợ tu hay thầy tu.
Thầy tu thì không cần phải nói nhiều, ai ai cũng biết người tu thì phải mang trong mình chất của sự từ bỏ. Ai không từ bỏ mà dính béng đến của cải thế gian thì không tu được.
Với Chúa Giêsu, hơn một lần Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ của mình về chuyện của cải vật chất : “Không ai được làm tôi hai chủ vì hoặc sẽ ghét chủ này hoặc sẽ ghét chủ kia …” Và với người tu thì Chúa Giêsu lại đòi hỏi gắt gao hơn rằng thì là lên đường truyền giáo với hành trang không bao bì, gậy gộc, không túi. Ra đi “đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép”, nhưng tín thác hoàn toàn vào Thầy, sống nghèo khó, thanh thoát trước các phương tiện của con người… và không lo lắng thái quá về vật chất, nhưng luôn chú tâm vào sứ mạng được sai.
Ai ai cũng hiểu đời tu hoàn toàn không để người ta hưởng thụ. Người tu sĩ luôn được huấn luyện với những đòi hỏi gắt gao của nhà Dòng. Họ được Thiên Chúa thử luyện và giúp đỡ để nên người loan bao Tin Mừng tốt. Theo đó, người tu sĩ là người của mọi người, người thuộc về Thiên Chúa và sống theo Tin Mừng. Là tu sĩ thật, họ phải bước vào con đường hẹp. Họ phải từ bỏ nhiều thứ, nhất là bỏ những nhu cầu hưởng thụ vốn có nơi mỗi người. Có khi trên con đường đó, họ cảm thấy cô đơn, trống vắng. Người tu sĩ có khi phải đương đầu với tình trạng không có chỗ nương thân. Tất cả những thách đố ấy nhằm giúp người tu sĩ biết họ phải tin vào Ai và sống vì Ai!
Người tu sĩ có chất thì chất ấy phải bộc lộ ra ngoài ít là ngang qua sự nghèo khó về vật chất. Một khi biện minh cho việc truyền giáo để cho mình có điều này điều kia xa xỉ thì đánh mất đi chất của người tu dù người ấy vẫn khoác trên mình chiếc áo của thầy tu.
Thách đố trên càng lớn hơn cho người tu sĩ trong thế giới này nay: Chủ nghĩa hưởng thụ. Người sống hưởng thụ chỉ dành toàn phần tốt về cho mình. Họ chỉ tìm những điều họ thích. Họ bỏ mặc nhu cầu người khác; ngược lại, họ luôn ở trong vỏ bọc an toàn. Bất cứ điều gì làm cho họ thoải mái, thư thái là họ thụ hưởng điều ấy. Ngoài xã hội, đó là những người ăn chơi, đốt tiền ở những nơi họ thích. Ngồi chơi xơi nước khiến họ thích thú. Họ chịu ăn chơi hơn dám làm việc. Thực dụng là quan niệm sống của nhóm người theo chủ nghĩa này. Tóm lại, điều họ quan tâm số một là tiện nghi vật chất, tiền bạc của cải, để có điều kiện hưởng thụ tối đa.
Trong đời tu, tiếc là có những người trong nhóm chủ nghĩa này. Khấn khó nghèo, nhưng họ sống giàu sang, tiện nghi và sung túc. Khấn vâng lời, nhưng họ thích làm theo những sở thích của riêng mình. Khấn khiết tịnh, nhưng họ tìm những niềm vui của xác thịt. Thậm chí khi được góp ý, có người đã từng nói rằng: “Tu có cần phải triệt để như thế không?” Thưa, đời tu là con đường theo Chúa Giêsu cách triệt để. Nói thế không phải đi tu là “tốc hành” có thể nên người tu sĩ chân chính. Đời tu luôn là một tiến trình lớn lên. Một dấu hiệu trưởng thành của người tu sĩ là mỗi ngày một chút thoát khỏi tinh thần hưởng thụ. Vâng, họ sống không chỉ cho mình, nhưng trên hết, Thiên Chúa và sứ mạng luôn lôi quấn họ bước vào với niềm dâng hiến say mê.
Đứng trước hình ảnh, hiện tượng của người không tu mà dám từ bỏ mọi sự thì cũng là điều chất vấn cho chính bản thân tôi người đã tuyên bố từ bỏ mọi sự để theo Chúa. Dù tuyên bố từ bỏ mọi sự rồi nhưng thực tế tôi có can đảm từ bỏ để dấn thân theo Chúa cách triệt để hay chưa ? Hay là tôi vịn lý này cớ kia để vun vén và thu về cho mình càng nhiều càng tốt.
Giằng co giữa sự thu vén và từ bỏ phải chăng là một giằng co lớn trong đời tu của tôi.
Ngày mỗi ngày tôi vẫn cầu xin Chúa để rồi xin Chúa thêm ơn giúp sức để mình đừng đánh mất đi chất của người tu và lòng nhủ lòng tu sao cho có chất.
Lm. Anmai, CSsR