Duyên Kỳ Ngộ-Bài viết của Đặng Thái Sơn

(Giữa thầy Phùng Văn Phụng và học trò Đặng Thái Sơn, K’75)

Bài viết của Đặng Thái Sơn

Lời phi lộ: Tình cờ đọc Bản Tin của Cựu Học sinh Trường Lương Văn Can số 19, Xuân Mậu Tuất, năm 2018, thấy bài viết “Duyên Kỳ Ngộ” của Đặng Thái Sơn.

Nhớ lại lúc về từ trại cải tạo năm 1983, không có nghề gì để sống, đành phải đi bán vé số. Đến nhà người bạn thầu vé số nhận 200 tấm, sáng sớm, đi qua quận 5 hy vọng sẽ không gặp người quen nhất là học trò cũ vì vốn mắc cở. Đi thật xa khỏi quận 8, vừa cầm xấp vé số ra bán thì gặp ngay Đặng Thái Sơn. Chuyện được kể như dưới đây. Phùng Văn Phụng

***

Cách nay khoảng trên 30 năm, thường ngày, tôi và một số anh em hành nghề phu xích lô, cứ mỗi sáng gặp nhau uống cà phê ở một quán vĩa hè bên quận 5. Xong chầu cà phê thì anh em tản lạc, rong ruổi khắp nẻo đường để kiếm cơm.

Vào một buổi sáng nọ, đang ngồi uống cà phê, tôi thấy một người quen quen từ xa đi tới, trong lòng ngạc nhiên, chẳng lẽ thầy Phụng đây sao? Định thần nhìn kỹ, đúng là thầy Phùng Văn Phụng, dạy môn công dân ở trường mình. Thầy đến trước mặt tôi, tay thọc vào túi quần móc ra xấp vé số, mời mua. Tôi bối rối, nhưng không dám gọi bằng thầy, sợ thầy ái ngại! Tôi nói lớn: “Người bán vé số với dân đạp xích lô là anh em nhau cả, xin mời uống ly cà phê. Là dân lao động mời thật tình đừng ngại nha!…”

Thầy ngồi vào bàn, tôi mời thầy ly cà phê sữa nóng, cố ý để thầy tự nhiên. Sau vài ngụm cà phê, tôi nói: “Dạ thưa, thầy là thầy Phùng Văn Phụng, dạy môn Công dân, em là học trò của thầy đây. Em học chung lớp với Phùng Hoàng Kiệt, em của thầy…”

Lúc này thầy tỏ ra bối rối, ngại ngùng… Tôi nói lớn với anh em phu xe xích lô: “Đây là thầy dạy học của tôi, bây giờ bán vé số. Mời các anh em mua ủng hộ thầy tôi vài tờ cho vui!” Thế là ai nấy xúm lại mua ủng hộ giúp thầy.

Sau này tôi có gặp bạn Trần Minh Tùng, học cùng lớp kể cho Tùng nghe. Tùng hiểu chuyện vì Tùng với thầy Phụng khá thân nhau. Tùng nói rằng thầy Phụng sau khi đi “học tập cải tạo” về, không có việc làm nên đi bán vé số. Mà phải bán ở địa phương khác, không dám bán ở quận 8, sợ gặp học trò cũ hoặc người quen ngại lắm.

Thời gian sau, tôi chuyển qua bán cà phê ở trước nhà trên đường Phạm Thế Hiển hằng ngày lại thấy thầy Phụng đèo hai thùng nước ngọt trên chiếc xe đạp đi giao hàng tận nơi cho khách.

Rồi thầy định cư ở Hoa Kỳ theo chương trình HO.

Lần đầu thầy về Việt Nam, tổ chức họp mặt giao lưu ở nhà hàng 241, gặp gỡ lại thầy cô và học trò năm xưa, trong đó có tôi. Đến lượt tôi kể thầy nghe giai đoạn bán vé số… Thầy đứng lên tỏ ra vui mừng khôn tả.!

  • Nhớ rồi, nhớ rồi!…
  • Thầy nói, chụp hình, chụp hình…
  • Thầy trò ôm nhau, mừng cuộc hạnh ngộ mà thầy cũng không ngờ trước! Thế là bao nhiêu ánh đèn loé sáng, ghi dấu kỷ niệm tình thầy trò. Rồi thầy hỏi thăm về cuộc sống của tôi, của bạn bè “phu xích lô” ngày xưa.

Trong buổi tiệc vui, thầy nói, nếu bây giờ đi bán vé số trở lại, vẫn dám làm, không ngại ngùng gì nữa, mà càng vui hơn…

Xin nói thêm rằng trước kia tôi cũng như thầy, làm phu xích lô hay bán vé số thì mắc cở lắm, sợ gặp người quen, bạn cũ. Đôi lúc thấy bạn hay người quen từ xa, vội kéo nón xuống tận mi mắt, cúi gầm mặt, để không ai phát hiện ra mình.!

Bây giờ nghĩ lại mới thấy mọi việc cũng bình thường. Đôi lúc đạp xích lô rong ruổi trên từng nẻo đường, gặp lại bạn cũ mừng lắm vì lâu ngày không gặp rồi vào quán uống cà phê, hỏi thăm nhau.: “ Có gặp thầy cô, bạn học cũ không mậy?”

Nhắc lại chuyện xưa, bây giờ mới kể, để cảm ơn người và tạ ơn Trời đã cho qua đi cái thời cơ cực và được tồn tại cho đến ngày hôm nay.

Đặng Thái Sơn


 

Được xem 2 lần, bởi 2 Bạn Đọc trong ngày hôm nay