Vụ một kẻ cực đoan đột nhập nhà riêng dùng búa đập vỡ đầu ông Paul Pelosi, phu quân của Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi, hôm Thứ Sáu tuần trước gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng bạo lực có động cơ chính trị ngày càng lan tràn, không chỉ đe dọa các chính trị gia mà cả nền dân chủ lâu đời của nước Mỹ.
Cảnh sát phong tỏa nhà bà Nancy Pelosi ở San Francisco, California, sau vụ tấn công hôm 28 Tháng Mười. (Hình minh họa: Justin Sullivan/Getty Images)
“Nancy đâu?”
Những lời khai của nghi can David DePape, 42 tuổi, được Biện Lý Cuộc San Francisco công bố tại buổi họp báo tối Thứ Hai, 31 Tháng Mười, vừa qua làm người nghe sởn da gà. Ông DePape khai ông đột nhập nhà bà Pelosi lúc 2 giờ 30 phút sáng, mang theo dây trói và băng keo, dùng búa đập vỡ kính cửa sau, rồi lên lầu nơi ông Paul Pelosi, 82 tuổi, đang ngủ.
Ông cho biết dự định của ông là bắt nhà lãnh đạo đảng Dân Chủ làm con tin, và “đập bể xương bánh chè của bà” để bà phải đi đến Hạ Viện bằng xe lăn nhằm cảnh cáo các thành viên khác của Quốc Hội về “hậu quả hành động” của họ. Ông DePape cho rằng Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi là “thủ lĩnh của nhóm dối trá trong đảng Dân Chủ.”
Theo thông tin của cảnh sát, nghi can hỏi ông Pelosi: “Nancy đâu?” – đúng nguyên văn câu hỏi mà những kẻ bạo loạn xông vào tòa nhà Quốc Hội Hoa Kỳ đã hỏi trong lúc lùng tìm bà Chủ tịch Hạ Viện trong vụ tấn công ngày 6 Tháng Giêng, 2021, qua sự xúi giục của cựu Tổng Thống Donald Trump. Sự trùng hợp đó cho thấy hành vi của ông DePape có thể nằm trong chuỗi những hành động thù địch nhắm vào bà Pelosi.
Đảng Cộng Hòa, cùng với truyền thông cánh hữu và thành phần ủng hộ đảng, đã thực hiện nhiều chiến dịch quảng cáo rộng lớn miêu tả bà Pelosi là một kẻ ác cần phải bị tước bỏ quyền lực để “cứu nước Mỹ.” Có những hình ảnh hoặc đoạn phim quảng cáo vẽ hình chân dung bà Pelosi với cặp sừng của quỷ, miệng đầy máu như ma cà rồng, hoặc trên trán có hình chữ thập ngoặc của Đức Quốc Xã…
“Đối với đông đảo những người theo đảng Cộng Hòa, bà Pelosi là kẻ thù số 1, là mục tiêu của cơn thịnh nộ tập thể của đảng này trong mấy năm gần đây,” nhật báo The Washington Post nhận định. Bên cạnh bà Pelosi, những người Cộng Hòa cũng tấn công các chính trị gia hàng đầu của đảng Dân Chủ như cựu Tổng Thống Barack Obama, Tổng Thống Joe Biden, và cựu Ngoại Trưởng Hillary Clinton…
Thực tế, đảng Cộng Hòa cũng không tránh khỏi sự thù ghét của những người chống đối và báo chí ghi nhận bạo lực đã xảy ra với các nhà lãnh đạo của cả hai đảng.
Đầu tuần trước, ba bị cáo bị buộc tội âm mưu bắt cóc và hãm hại nữ Thống Đốc Gretchen Whitmer (Dân Chủ-Michigan). Đầu năm nay, Thẩm Phán Brett Kavanaugh của Tối Cao Pháp Viện, người có quan điểm bảo thủ, liên tục bị đe dọa và cảnh sát đã bắt một người đàn ông mang súng đến gần nhà ông ở Chevy Chase, Maryland.
Trước đó, năm 2017, Dân Biểu Steve Scalise (Cộng Hòa-Louisiana), nhân vật số hai của đảng Cộng Hòa trong Hạ Viện, bị một người ủng hộ Thượng Nghị Sĩ Bernie Sanders (Độc Lập-Vermont) bắn trọng thương trong một buổi tập thi đấu bóng chày ở phía Bắc tiểu bang Virginia. Mười một năm trước, một cuộc vận động chính trị ở Tucson đã biến thành vụ thảm sát bằng súng với sáu người chết, 13 người bị thương, trong đó Dân Biểu Gabrielle Giffords (Dân Chủ-Arizona) bị bắn vào đầu, thập tử nhất sinh, và sau đó phải từ chức.
Bạo lực chính trị gia tăng
Không chỉ các chính trị gia nổi tiếng mới bị đe dọa bạo lực. Từ sau cuộc bầu cử tổng thống tháng Mười Một, 2020, các quan chức và nhân viên bầu cử cấp liên bang, tiểu bang, và địa phương đều cho biết đe dọa nhắm vào họ đang ngày càng gia tăng, chủ yếu đến từ những người phủ nhận kết quả bầu cử tổng thống và tin vào câu chuyện sai trái “bầu cử gian lận” của cựu Tổng Thống Donald Trump.
Lời nói không vô hại. Nhưng những phát ngôn xuyên tạc sự thật, mang tính hận thù, kích động thường dẫn tới những hành động bạo lực mà có khi người nói không lường trước được. Từ lúc ông Trump ra tranh cử tổng thống và trong các buổi vận động cử tri, ông thường kêu gọi bỏ tù đối thủ Hillary Clinton (Lock Her Up!) thì các diễn ngôn kích động như vậy bắt đầu lan rộng trong trong không khí chính trị Mỹ.
Câu chuyện “bầu cử bị đánh cắp” mà ông Trump tung ra sau khi thất bại lại càng thôi thúc ủng hộ viên của ông dùng hành động bạo lực như là cách duy nhất để đòi lại công bằng sau khi các con đường hợp pháp như kiện tụng đều không có kết quả. Vụ tấn công Quốc Hội ngày 6 Tháng Giêng, 2021 là đỉnh điểm của bạo lực chính trị trong lịch sử Hoa Kỳ. Để ngăn chặn Quốc Hội chứng nhận chiến thắng của ứng cử viên Joe Biden, những kẻ bạo loạn đã đòi “Treo cổ Mike Pence,” phó tổng thống lúc đó, buộc các nhà lãnh đạo và các thượng nghị sĩ, dân biểu phải trốn vào nơi an toàn.
Sau khi các đặc nhiệm FBI lục soát tư dinh Mar-A-Lago, Florida, của ông Trump hôm 8 Tháng Tám, các mối đe dọa còn nhắm tới các nhân viên thực thi pháp luật liên bang và địa phương. Trên mạng xã hội còn lan truyền rộng rãi những lời kêu gọi ám sát Bộ Trưởng Tư Pháp Merrick Garland!
Tình hình nghiêm trọng tới mức, theo điều tra của các tổ chức thăm dò dư luận, có tới 28% cử trị Mỹ, trong đó 37% có súng ở nhà, đồng ý rằng một lúc nào đó, công dân Mỹ cần phải cầm vũ khí chống lại chính quyền! Có một phần ba những người Cộng Hòa, trong đó có 45% những người Cộng Hòa “trung kiên” và 20% những người Dân Chủ, nghĩ như vậy.
Khủng hoảng thật sự
Trái ngược với chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát xít sử dụng bạo lực để giải quyết những mâu thuẫn chính trị, chế độ dân chủ tôn trọng ý kiến khác biệt và hướng tới sự thỏa hiệp. Nền chính trị dân chủ không coi đối lập quan điểm là thù địch. Không ai nghĩ mình là “đỉnh cao trí tuệ” để độc chiếm chân lý, không miệt thị những người có ý kiến khác. Hãm hại hoặc giết chết họ và thân nhân của họ lại càng không.
Nếp sinh hoạt dân chủ đó dường như đang biến mất trong không khí chính trị nước Mỹ.
Từ khi ông Donald Trump không chấp nhận thất cử và liên tục quảng bá luận điệu “chính quyền Biden là bất hợp pháp” thì nền móng của tòa nhà dân chủ tự do bị lung lay dữ dội. Và khi nếp sinh hoạt dân chủ bị xói mòn thì những kẻ cực đoan tìm đến bạo lực để triệt hạ các “kẻ thù chính trị” của họ là chuyện không khó hiểu.
Có điều, ông Trump và những người ủng hộ ông quên rằng, nếu cuộc bầu cử bị đánh cắp thật sự, thì chính ông, trong vai trò tổng thống thứ 45 của Mỹ, lãnh đạo quốc gia này trong năm 2020, mới là người chịu trách nhiệm.
Đáng lý, ông Trump và những người ủng hộ ông, phải tự trách mình vô trách nhiệm, để xảy ra “bầu cử bị đánh cắp” mới đúng.
Theo Sở Cảnh Sát Quốc Hội, cơ quan công lực liên bang có nhiệm vụ bảo vệ các nhà lập pháp liên bang, số vụ đe dọa nhằm vào các thành viên quốc hội tăng hơn 10 lần trong năm năm kể từ khi ông Trump được bầu làm tổng thống cuối năm 2016, lên tới 9,625 vụ năm 2021.
Giáo Sư Peter Simi, thuộc đại học Chapman University ở Orange County, California, chuyên nghiên cứu các tổ chức cực đoan và bạo lực ở Mỹ trong 20 năm qua, nhận định với nhật báo The New York Times: “Khi chúng ta thấy những gì xảy ra ở tư gia của bà chủ tịch Hạ Viện, khi chúng ta thấy những chuyện như âm mưu bắt cóc các thống đốc tiểu bang… thì chúng ta đã thật sự rơi vào khủng hoảng.”
Biện pháp đầu tiên để chống lại nạn bạo lực chính trị là nhận diện và lên án nó. Phớt lờ các hành vi hoặc lời đe dọa bạo lực đồng nghĩa với sự cổ vũ bạo lực. Nhưng ở vụ đột nhập tư gia bà Pelosi rất tiếc là nhiều chính trị gia hàng đầu của đảng Cộng Hòa không có phản ứng mạnh mẽ cần thiết.
Ông Trump hoàn toàn im lặng, còn nhiều người khác lấy đó làm trò đùa để chế giễu.
Tỷ phú Elon Musk, ông chủ mới của mạng xã hội Twitter, thậm chí còn đăng, sau đó xóa đi, một giả thuyết sai lạc rằng nghi can DePape và gia đình Pelosi có quan hệ cá nhân và hành vi tội phạm của ông DePape không có động cơ chính trị!
Bạo lực xem ra đã trở thành chuyện thường ngày trong đời sống chính trị Mỹ. Và đó là nguy cơ nhãn tiền của nền dân chủ! [đ.d.]